THẬP GIÁ THẤM ĐẪM NƯỚC MẮT TRỜI CAO

Chiều hôm qua, lúc 18h thứ Sáu, 27.03.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành nghi thức ban phép lành Urbi et Orbi cho toàn thế giới trong cơn mưa chiều buồn bã của thành Rôma.

Tuy nhiên, chính trong khung cảnh có vẻ lạnh lẽo ấy, một “hình ảnh sống động” được trang Vaticannews ngay sau đó đưa bản tin với tiêu đề: “Il Crocifisso bagnato dalle lacrime del Cielo” – tạm dịch: THẬP GIÁ THẤM ĐẪM NƯỚC MẮT TRỜI CAO.

Phải chăng, Trời cao đã khóc?
Vâng, có lẽ thế!

–   Trời cao đã khóc vì một thế giới đang khổ đau đối mặt với tai ương, dịch bệnh.

–   Trời cao đã khóc cho một nhân loại đang oằn mình chiến đấu với hậu quả từ lỗi lầm của một ai đó, hay từ những bất toàn của thế gian này.

–   Trời cao đã khóc như một lời đáp trả của Cha Nhân Từ với lời van xin thống thiết của người đứng đầu Dân Ngài là Đức Thánh Cha Phanxicô, và của hàng triệu tín hữu gần xa tham dự trực tuyến: “LẠY CHÚA, XIN HÃY THỨC DẬY.”

–   Trời cao đã khóc như một lời nhắn nhủ của Đức Kitô với mọi người và từng người rằng: “CỨ YÊN TÂM, CÓ THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ” (x. Ga 6,20).

Vâng, Trời cao đã khóc!

–   Nước mắt Trời cao hòa lẫn với nước mắt của những bệnh nhân vẫn đang gồng mình chống chọi tìm sự sống trong cô đơn, hay trong những khoảnh khắc hấp hối cuối đời, mà không có một cái nắm tay an ủi của người thân kề cạnh.

–   Nước mắt Trời cao tuôn chảy cùng biết bao con người sắp mất đi người thân yêu, mà thậm chí không thể gặp gỡ lần cuối để nói một lời từ biệt.

–   Nước mắt Trời cao chan hòa trên bờ mi đẫm lệ của những người còn ở lại, bất lực nhìn những chiếc xe quân đội chở quan tài người thân của mình đi chôn cất qua ống kính truyền hình, mà không thể chạm vào, tiễn đưa, đồng hành, đặt một nhành hoa hay thắp một ngọn nến từ biệt.

–   Nước mắt Trời cao vẫn luôn chực tràn trên đôi mắt của những người không biết người thân mình giờ đang ở đâu, hay trong tình trạng thế nào, chỉ thấy được qua vài hình ảnh lượm lặt, hay trong một video clip nào đó trôi nổi trên mạng; bởi có một người con sống tại Bergamo – Italia, khi thấy đoàn xe tang đi qua nhà mình, cô ấy đã thốt lên rằng: “Có lẽ, Bố tôi giờ đang nằm trong những chiếc xe tải đó.  Cả một đời ông ấy đã sống cho tôi, vậy mà giờ ông ấy phải ra đi lạnh lẽo một mình”.

– Nước mắt Trời cao cảm thấu với hy sinh cao cả của biết bao con người, đang trực tiếp dấn thân chống chọi đại dịch; trong đó, không thể không nhắc đến những anh hùng đã tử nạn vì hy sinh phục vụ người khác: Linh mục người Ý Berardelli, – 72 tuổi đã chết vì nhường máy thở cho bệnh nhân trẻ tuổi hơn.

–   Nước mắt Trời cao cũng đã hòa lẫn với nước mắt của các Kitô hữu trong Thánh lễ cuối cùng, trước khi lệnh tạm ngưng các Thánh lễ với đông người tham dự chính thức có hiệu lực.

–   Nước mắt Trời cao cũng cuộn trào trong lòng các Linh mục khi cử hành Thánh lễ không còn giáo dân như một Linh mục chia sẻ: “Khi giang tay đọc: Chúa ở cùng anh chị em, không một lời thưa, chẳng một lời đáp… mà lòng muốn khóc!”

–   Nước mắt Trời cao hẳn như đang muốn xóa nhòa nỗi lo sợ của biết bao con người: Lo sợ vì thấy những con số ca nhiễm, người chết cứ tăng dần đều trên màn ảnh; lo sợ vì nghe tiếng còi xe cấp cứu ngoài kia cứ khoảng dăm mười phút lại ầm ĩ một lần; lo sợ vì không biết người mình đang giao tiếp có nhiễm bệnh hay không…

–   Nước mắt Trời cao chắc chắn vẫn đang lặng lẽ chảy trong lòng chúng ta – những con người đang trăn trở về một điều gì đó: những người trẻ lo cho ông bà, ông bà lo cho các cháu, chính phủ lo cho công dân, người chủ gia đình lo về cái ăn cái mặc ngày mai không biết thế nào, các chủ doanh nghiệp lo không biết lấy gì để trả lương cho nhân viên, các mục tử lo cho phần thiêng liêng của các tâm hồn tín hữu khi mọi cử hành phụng vụ phải tạm dừng…  Những ngày dài vô tận, những đêm dài thức trắng, những con đường trống vắng, những quảng trường, chợ búa, quán ăn tấp nập ngày nào nay không bóng người qua lại…; và, tất cả mơ về những điều bình thường của cuộc sống trước đây.

Vâng, ngày hôm qua,

THẬP GIÁ ĐÃ THẤM ĐẪM NƯỚC MẮT TRỜI CAO

Nước mắt từ Trời cao rơi xuống như hòa lẫn với dòng máu chảy ra từ cạnh sườn của Đấng vì yêu nên đã làm người.

Và điều đó chứng tỏ rằng:

–   Dù thế nào, Chúa vẫn ở đó – nước mắt của Ngài hòa lẫn với nước mắt thống khổ của nhân loại này.

–   Dù thế nào, Thập Giá đồi Calvê vẫn ở đó – lặng lẽ nhưng hiên ngang, âm thầm mà sống động, nhỏ bé nhưng vẫn đủ sức gánh đỡ những gánh nặng khổ đau của nhân loại này.

Vậy,

–  Nếu một Thiên Chúa làm người đã tự nguyện vác lấy cây Thập Giá, để gánh đỡ những gánh nặng của ta… thì ta được khích lệ đón lấy những thập giá đời mình trong bình an.

–   Và, nếu nước mắt từ Trời cao đã hòa lẫn với nước mắt thống khổ của nhân loại này, thì nếu có phải khóc, hãy cứ tiếp tục khóc, nhưng khóc trong niềm tin tưởng, và khóc với niềm hy vọng… tất cả rồi sẽ ổn thôi, vì “Cứ yên tâm, có Thầy đây, đừng sợ” (x. Ga 6,20)

Đaminh Thứ Trưởng
Rôma 28.03.2020

Nguồn https://dongten.net/2020/03/28/thap-gia-tham-dam-nuoc-mat-troi-cao/

LỄ THÁNH GIUSE THỜI COVID-19

Mấy tháng nay tâm trí mọi người đều bị Covid-19 xâm chiếm.  Trong tình hình dịch bệnh như thế, chúng ta mừng lễ thánh cả Giuse thế nào?  Lời Chúa trong lễ thánh Giuse nói với ta điều gì giữa thời đảo điên do dịch Covid-19 gây ra?  Có thể thấy 4 sứ điệp.

Hãy dừng lại

David có toan tính xây đền thờ.  Nhưng Chúa bảo ông: hãy dừng lại.  Abraham nôn nóng mong lời Chúa hứa thực hiện.  Chúa bảo ông: hãy dừng lại.  Thánh Giuse cũng đang có toan tính bỏ đi.  Chúa bảo ngài: hãy dừng lại.

Với đại dịch Covid-19, tất cả phải dừng lại.  Từ những chương trình lớn như giải đua xe, giải bóng đá, hành hương Toà Thánh, Đất Thánh.  Cho đến những chương trình nhỏ như tuần chầu, cưới hỏi, khánh thành, tập huấn nhà tập.  Thậm chí cả những chương trình riêng tư như đi thăm thân nhân, khám bệnh thường kỳ.  Tất cả đều phải dừng lại.

Tổng phụ Lepori trích dẫn Thánh vịnh 46 mời gọi: Hãy dừng lại.  Dừng lại trước Nhan Thánh.  Chỉ có Chúa mới làm ta no thoả.  Cyril, một linh mục của Vũ Hán suy niệm: Trung quốc vốn ồn ào vội vã bỗng trở nên trầm lặng.  Làm việc không biết mệt giờ cũng bình thản lại.  Còn cha Richard Henrick, một linh mục châu Âu suy niệm: Trên khắp thế giới người ta đang sống chậm lại, dừng lại và suy tư.  Dừng lại để quay về.

Hãy về nhà

Đối với các vị thánh về nhà là về với Thiên Chúa.  Khi thức dậy, thánh Giuse đã trở về như lời Chúa truyền.  Ra đi chỉ là cơn mê.  Trở về là tỉnh thức.  Mê ngủ là xác thịt.  Tỉnh thức là Thần Khí.  Đối với Đavid và nhất là với Abraham, quê hương là nơi Chúa hứa.  Là về với lời hứa.  Với đúng vị trí do Thiên Chúa đặt để.

Đại dịch Covid-19 khiến mọi người trở về nhà.  Trẻ em không đi học sẽ ở nhà.  Người lớn không đi công tác sẽ ở nhà.  Không còn những địa vị ngoài xã hội.  Không còn những giao tiếp xã giao, con người về sống thật với mình.  Quan trọng nhất là trở về căn nhà tâm hồn mình.  Về tìm lại chính mình.  Vì những công việc thế gian, con người phải ra khỏi mình nhiều.  Đã đánh mất chính mình.  Đã tha hoá.

Cha Henrick mời gọi: Hãy thức tỉnh những lựa chọn của bạn.  Để biết sống hôm nay.  Cha Cyril phát hiện: Có những cha mẹ trước kia chẳng bao giờ giao tiếp với con cái.  Có những cặp vợ chồng chẳng hề tâm sự.  Nay bắt đầu đối thoại chuyện trò.  Cha Tổng phụ suy tư: Sống hiện tại là sống sự thực về chính mình.  Trở về thẳm sâu tâm hồn là sống với Chúa.

Hãy sống với Chúa

Để Chúa làm chủ đời mình.  Khi David dừng lại và kính cẩn lắng nghe, Chúa đã cho ông biết kế hoạch lâu dài dành cho gia tộc của ông.  Abraham tuyệt vọng nhưng vẫn để Chúa làm chủ cuộc đời.  Nên Chúa đã cho ông trở thành tổ phụ nhiều dân tộc.  Thánh Giuse dừng lại ý riêng.  Để lắng nghe Lời Chúa.  Bỏ chương trình riêng.  Để đi vào chương trình của Chúa.  Và Chúa đã phong ngài làm cha nuôi Chúa Cứu Thế.

Giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành lại có một hiện tượng đáng vui mừng.  Số người xưng tội tăng lên.  Các lời cầu nguyện tha thiết sốt sắng hơn.  Các cha xứ cho biết nhờ được giải tội tập thể nên nhiều người bỏ xưng tội lâu nay có cơ hội được hiệp thông thánh lễ.  Tại Ba Lan các nhà thờ tăng thêm thánh lễ để đáp ứng nhu cầu cầu nguyện của người dân trong cơn đại dịch.

Cha Cyril suy niệm: (Nhờ đại dịch) Cuối cùng nhân loại một lần nữa cảm nhận được Quyền lực của Thiên Chúa.  Cha Henrick cho thấy: Virus nhắc nhở ta có Đấng Toàn Năng.  Và con người chỉ là những tạo vật hèn yếu của Người.  Tổng phụ Lepori gợi lại hình ảnh các tông đồ ở trên thuyền với Chúa trong cơn bão tố: Như các tông đồ trên thuyền trong cơn sóng dữ.  Đừng quay lại quá khứ để mơ tưởng ước gì mình chưa lên thuyền.  Vì quá khứ đã qua không trở lại.  Đừng mơ mộng tương lai ước gì thuyền đã vào bến.  Vì tương lai không thuộc quyền ta.  Hãy sống hiện tại.  Đó là Chúa đang ở trong thuyền với ta.  Hãy sống với Chúa.  Hãy để Chúa làm chủ.  Sống với Chúa mời gọi ta sống cho tha nhân.

Hãy sống cho tha nhân

Vâng lời Chúa, Đavid thu tích vật liệu nhưng để dành cho con là Salomon sẽ xây dựng đền thờ.  Ông tích đức để dành cho con cháu.  Và vì thế Chúa hứa cho dòng dõi ông trường tồn.  Abraham chịu khổ cực suốt đời lang thang không có nhà cửa đất đai, không con cháu.  Nhưng vì đức tin của ông, Chúa ban cho ông Đất Hứa và con cháu ông sẽ đông như sao trên trời.  Thánh Giuse cũng vâng lời Chúa, không sống cho toan tính bản thân.  Ngài về nhận lấy Đức Mẹ và Chúa Giêsu.  Đó là một trách nhiệm khó khăn.  Ngài quên bản thân để lo cho Đức Mẹ và Chúa Giêsu.  Điều đó làm cho cuộc đời ngài có ý nghĩa.

Thật lạ lùng.  Trong cơn đại dịch con người lại biết quay về với nhau.  Vietcatholic đưa hình ảnh người dân ở các thành phố Siena Tuscan, Napoli và Turino đứng trên ban công cùng nhau hát vang những bài dân ca.  Tại Vũ Hán có những người mang bữa ăn đến cho những người bị cách ly.  Và ta đã thấy khắp nơi trên thế giới người ta họp nhau lại múa bài Vũ điệu rửa tay của Khắc Hưng và Quang Đăng.

Tổng phụ Lepori mời gọi chúng ta trong thời đại dịch hãy biết sống cho tha nhân.  Hãy biết nghĩ đến các y bác sĩ đang xả thân phục vụ bất chấp hiểm nguy.  Hãy nghĩ đến dân Phi châu đang bị dịch cào cào châu chấu.  Cha Cyril thì nhận thấy: Virus dạy ta biết thế nào là “những khoảnh khắc đáng nhớ.”  Virus cho ta cảm nhận tình yêu chân thật có trên trái đất này.  Còn cha Henrick ghi nhận: Một khách sạn tại Ai len phục vụ bữa ăn miễn phí giao tận nhà.  Có những thiếu nữ trẻ cho các nhà hàng xóm số điện thoại, để những ai cần, có thể gọi họ đến giúp.  Trong đại họa con người lại đến với nhau.

Lễ trọng kính thánh Giuse giữa mùa chay như một ánh sáng giúp ta sống mùa chay tốt đẹp.  Lời Chúa hôm nay cũng soi sáng cho ta biết sống thế nào giữa thời đại dịch Covid-19 cho đúng thánh ý Chúa, xứng đáng là người Kitô.

Hãy dừng lại.  Hãy trở về.  Hãy sống với Chúa.  Hãy sống cho tha nhân.

Dịch Covid-19 đã khiến ta tỉnh ngộ để trở về với những gì quan trọng nhất đời.  Tổng phụ Lepori trích dẫn Tu luật Biển đức để gợi lại cho ta ý nghĩa của mùa chay là: ý thức thân phận mỏng dòn.  Khi phải từ bỏ những gì thừa thãi, ta sẽ biết giữ lại những gì cốt lõi.  Và khi biết thân phận mỏng manh ta sẽ biết Chúa mới làm chủ cuộc đời.  Đó chính là tâm tình phải có trong mùa chay.

Và như thế mùa chay thật ý nghĩa.  Ta sẽ được tái sinh trong tình yêu.  Như cha Henrick cảm nhận: Vâng có đó nỗi sợ nhưng không phải oán hờn.  Có cuộc cách ly nhưng không phải cô đơn.  Có mua sắm hoảng loạn nhưng không phải bủn xỉn.  Thậm chí có cả chết chóc nhưng luôn có tái sinh tình yêu.

Lạy thánh cả Giuse xin cho chúng con biết noi gương thánh cả, biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

KHÁT SỐNG

Con người có nhiều cơn khát: Khát tiền, khát danh vọng, khát quyền lực, khát tình yêu, khát hạnh phúc…  Và trong hàng loạt cơn khát đó, thì khao khát được sống là cơn khát mãnh liệt nhất, thúc bách nhất, khẩn thiết nhất.

Để đáp ứng khao khát này, người ta sẵn sàng lao động vất vả, chấp nhận muôn vàn hy sinh gian khổ để nuôi sống mình, để vun đắp cho đời sống mình được sung túc hơn.

Rồi khi sự sống bị đe dọa trầm trọng bởi bệnh tật, như bị ung thư chẳng hạn, người ta sẵn sàng bán hết tất cả những gì mình có để chạy chữa đến cùng, hễ còn nước thì còn tát…

Vì quý trọng mạng sống nên từ cổ chí kim, không ai trên đời chịu đem mạng sống mình để đổi lấy trân châu bảo ngọc hay phú quý giàu sang hoặc quyền cao chức trọng…  Sự sống luôn luôn là trên hết.

Tuy nhiên, đời sống con người cũng như bông hoa sớm nở chiều tàn, như bóng đèn hiu hắt trước gió… Dù ta có tiếc nuối, có kìm giữ, có níu kéo cách nào đi nữa, cũng không thể giữ lại sự sống cho mình.  Đến ngày, đến hạn, nó sẽ ra đi.

Vì thế, mọi người đều nơm nớp lo sợ thời khắc định mệnh ấy, lo sợ ngày tang tóc ấy, không biết sẽ chụp xuống lúc nào.

Thần Chết như đang lởn vởn, rình rập đâu đây, sẽ vung lưỡi hái ra tước đoạt mạng sống người ta bất cứ lúc nào!

Hy vọng đã bừng lên

Thế rồi, một niềm vui và hy vọng đã bừng lên: Giữa khung trời u tối và tang tóc vì sự sống sẽ mất đi và sự chết đang bao trùm ấy… bỗng lóe lên một tia chớp hy vọng, hy vọng được cứu sống.

Qua việc làm cho La-da-rô, một thanh niên đã chết bốn ngày, mùi tử khí đã xông lên nồng nặc, được sống lại và trở về với cuộc sống, Chúa Giê-su mang đến nhân loại một tin vui, tin vui đó là Ngài sẽ ban lại sự sống cho những ai lìa trần, và không chỉ ban cho họ sự sống đời này mà thôi, nhưng còn ban sự sống vĩnh cửu đời sau.  Ngài khẳng định điều đó với cô Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.  Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25).

Thế là nhờ Chúa Giê-su, bóng đêm sự chết không còn bao phủ địa cầu.  Ngài đến xé tan màn đêm sự chết, tiêu diệt thần chết và ban lại sự sống cho những ai tin vào Ngài.

Thế thì từ đây, nhân loại nắm được một bí quyết rất đỗi tuyệt vời để dành lại sự sống và đạt tới sự sống đời đời, đó là TIN vào Chúa Giê-su.  Thế là từ đây, ước mơ cao cả nhất, khát vọng lớn lao mãnh liệt nhất của con người đã được Chúa Giê-su đáp ứng.

Muốn được thoát chết và được sống muôn đời muôn kiếp với Thiên Chúa trên thiên đàng, thì mỗi người phải TIN vào Chúa Giê-su, nhưng không phải là tin suông, vì tin mà không có hành động kèm theo thì vô nghĩa; Ai thực sự tin Chúa Giê-su thì phải thực hành giáo huấn của Ngài, noi gương bắt chước Ngài và sống như Ngài đã sống.

Lạy Chúa Giê-su là nguồn ban sự sống cho trần gian,
Không gì trên đời quý bằng được sống.  Không gì đáng khao khát cho bằng sự sống đời đời.
Xin cho chúng con luôn kết hợp với Chúa cách mật thiết, như bàn tay kết hợp với thân mình… để được đón nhận sự sống đời đời do Chúa truyền ban và kiên quyết không bao giờ phạm tội trọng để khỏi đánh mất sự sống muôn đời.  Amen.

Lm Inhaxiô Trần Ngà

TÔI LÀ NỮ TÌ CỦA CHÚA

Chín tháng trước khi mừng lễ Giáng Sinh, Giáo hội mừng lễ Truyền Tin.  Lễ Truyền Tin là lễ trọng, lễ Con Thiên Chúa xuống thế giới này làm người.  Mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm lớn, đã bắt đầu từ giây phút này đây.  Nhưng sự trọng thể và lớn lao ấy lại diễn ra rất đỗi bình thường và bé nhỏ.

Galilê là vùng đất của dân ngoại, Nadarét chỉ là một tỉnh nhỏ ít danh tiếng.  Đây là nơi sinh sống của Chị Maria, một thiếu nữ đã đính hôn với ông Giuse.  Sứ thần Gáprien được Thiên Chúa sai đến với người trinh nữ Do-thái ấy vào lúc Chị đang sống đời sống thường nhật như các cô gái khác.  Chị sống bên cha mẹ, chờ ngày về nhà chồng.  Chị có biết đời mình sắp bước vào một khúc quanh mới không?

Thiên Chúa cần Chị Maria cho công trình cứu độ thế giới của Ngài.  Lễ Truyền Tin là lễ Thiên Chúa hỏi ý một thụ tạo, một thiếu nữ nhỏ bé.  Ngài tôn trọng tự do mà Ngài đã ban cho Chị, Ngài cần sự ưng thuận của Chị.  Qua trung gian sứ thần Gáprien, Thiên Chúa muốn Chị làm Mẹ của Con Ngài.  Người Con ấy là Vua thuộc dòng Đavít, là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa.

Chị Maria đã hết sức bối rối trước lời chào của sứ thần.  Lời chào ấy khiến Chị phải suy nghĩ và sợ hãi (c. 29, 30).  Và khi được báo tin mình sẽ thụ thai, Chị đã hỏi lại: “Việc ấy sẽ xảy ra như thế nào?” vì cho đến nay Chị vẫn còn là trinh nữ, chưa về chung sống với Giuse (c. 34).

Trước khi nói tiếng Xin Vâng, Chị Maria đã suy nghĩ cầu nguyện nhiều.  Chị biết mình được Thiên Chúa mời gọi bước vào cuộc phiêu lưu.  Cuộc hôn nhân với Giuse, người mà Chị yêu mến, hẳn sẽ không như cũ.  Điều gì sẽ xảy ra nếu Chị mang thai bây giờ?  Giuse sẽ nghĩ sao?  Ai sẽ tin chuyện Chị được thụ thai bởi Thánh Thần (c. 35)?  Maria đã nói tiếng Xin Vâng không phải vì thấy rõ con đường Chúa muốn.

Xin Vâng là mềm mại, buông mình để Chúa dẫn đi giữa đêm đen, yên tâm không phải vì mình làm chủ được tương lai, nhưng vì tin nó nằm trong tay Chúa.  Xin Vâng là để cho những dự tính và ước mơ của mình bị tan vỡ.

Chị Maria đã dám chấp nhận mọi hậu quả khi nói tiếng Xin Vâng.  “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” (c. 38).  Tiếng Xin Vâng của Chị Maria đã cho Con Thiên Chúa có chỗ trong thế giới.  Nhờ những tiếng Xin Vâng của tôi, Đức Giêsu đi vào được thế giới hôm nay.  Tôi có kiên nhẫn cưu mang Ngài trong đời tôi, để cho Ngài lớn lên cứng cáp, trước khi sinh ra Ngài cho môi trường tôi đang sống không?

******************************************

Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.  Xin ban cho con quả tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền.  Một quả tim hào hiệp dám hiến thân, dịu dàng để cảm thông.  Một quả tim trung thành và quảng đại, không quên ơn, không báo oán.  Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, hân hoan xóa mình đi để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.  Một quả tim vĩ đại và bất khuất, không khép lại trước những kẻ vô ơn, không chán nản trước người lạnh nhạt.  Một quả tim khắc khoải lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô, quả tim mang vết thương vì yêu Ngài, vết thương chỉ lành khi được sống với Ngài trên trời.  Amen. 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

COVID-19 VÀ GIỮ ĐẠO

Chưa bao giờ một virút bé tí teo, mới cuối năm ngoái còn “vô danh tiểu tốt” bỗng trở thành mối đe dọa toàn cầu, khi làm mọi người hoảng loạn, hoang mang, do sức công phá kinh khủng nhanh chóng và tàn bạo.

Sức công phá vũ bão không những đang làm rối loạn, điên đảo toàn bộ sinh hoạt của con người trong các lãnh vực sức khỏe, giáo dục, chính trị, kinh tế, xã hội… mà còn làm đảo lộn sinh hoạt tâm linh, hoạt động thờ phượng của các tôn giáo trên khắp địa cầu.

Vì lệnh cấm tập trung, hội họp do sợ bị lây nhiễm, các nhà thờ bị đóng cửa, thánh lễ không được cử hành cho cộng đoàn, các lớp giáo lý tạm ngưng, nhiều giáo phận cho phép xưng tội tập thể, và ngay tại Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thay đổi hầu như toàn bộ sinh hoạt mục vụ của Ngài, và chấp hành những biện pháp ngăn chặn virút đại dịch được chính quyền Ý ban bố.

Đứng trước sức xâm lấn ngạo mạn, ngang ngược của Covid-19, và những biện pháp mục vụ được đưa ra bởi các đấng bản quyền, không ít người tín hữu đã có những cảm nghĩ trái chiều.

Có người cho rằng những biện pháp như đóng cửa nhà thờ, hạn chế sinh hoạt tông đồ giáo dân, ngưng các lớp giáo lý, chỉ cho phép rước lễ bằng tay… là những hành động biểu lộ một đức tin yếu kém, một tinh thần nhu nhược chạy theo chỉ đạo, hướng dẫn của thế gian, thế quyền, mà không biết lợi dụng cơ hội khó khăn, thử thách của dịch bệnh để làm chứng đức tin, sống tinh thần quả cảm, anh dũng, bất khuất của tiền nhân Tử Đạo.

Có người cho rằng chính lúc này, hơn bao giờ hết, Giáo Hội phải chứng tỏ là Giáo Hội của Đức Kitô, Giáo Hội có Chúa Kitô, một Giáo Hội vượt trên tất cả đe dọa, dù đe dọa đó đến từ đâu, và điều phải làm là kiên cường sống chết, liều lĩnh hi sinh với những gì Giáo Hội đang là, đang có, mà không cần phải thay đổi, thích nghi cho phù hợp.  Hơn nữa, những kiểu cách “chạy theo xu hướng thế tục”, răm rắp tuân hành chỉ thị của thế quyền sẽ chỉ làm giảm thiểu lòng tin của người tín hữu vào ơn phù trợ của Thiên Chúa.

Thực ra, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay giữa thánh đô Rôma, sau khi lệnh đóng cửa các nhà thờ trong toàn giáo phận Rôma của Đức Giám Quản Rôma, cũng có những phản ứng tương tự, không chỉ từ thành phần tín hữu, mà còn từ một vị hồng y có thế giá.  Ở Pháp cũng không tránh được tình trạng này, khi một giám mục giáo phận lên tiếng không đồng ý với việc đóng cửa nhà thờ, hạn chế các sinh hoạt phụng vụ của các giáo phận khác.

Đứng trước đại dịch và những quyết định của các đấng bản quyền, người viết, với tư cách một tín hữu xin được chia sẻ với Bạn một vài suy tư:

Giáo Hội là Mẹ luôn che chở, bảo vệ sự sống của con mình:

Nếu nhìn Giáo Hội là một cơ chế cứng cỏi, một cơ cấu hành chánh chặt chẽ, một pháo đài giáo lý mang tính phòng thủ, chiến đấu, chúng ta sẽ không thể hiểu được ý nghĩa cũng như giá trị của những quyết định mục vụ trước những đe dọa chính sự sống của giáo dân do Covid-19 mang lại.

Khi quyết định đóng cửa nhà thờ, ngưng các sinh hoạt phụng vụ, Giáo Hội hành xử như người mẹ yêu thương con, bằng tình mẫu tử bao la, và với quyền bảo vệ bằng bất cứ giá nào sự sống của đàn con, vì chỉ một mình mẹ là người đã cho các con sự sống.

Khi quyết tâm bảo vệ sự sống của đoàn chiên, Giáo Hội xác tín: Thiên Chúa là Sự Sống, là Thiên Chúa hằng sống, là Đấng ban sự sống cho muôn loài, nên sự sống là món quà quý báu con người nhận được từ Thiên Chúa.  Vì lẽ đó, Thiên Chúa luôn trân trọng và gìn giữ sự sống mà người đã ban cho nhân loại.

Khi chọn Ápraham làm tổ phụ dân riêng, Thiên Chúa đã ban cho ông Isaác, con trai duy nhất khi ông và vợ ông đã luống tuổi (x. St 17,15-19), để ông biết: Thiên Chúa từ nay ông tôn thờ là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa ban sự sống.  Ngài còn đi xa hơn, khi cho thiên sứ đến ngăn tay ông, không để ông  làm tổn thương sự sống của con trai Isaác, khi ông vâng lời đem Isaác lên núi, giết đi làm của lễ tế Giavê Thiên Chúa, như tập tục tế sống con người cho các thần trong các tôn giáo ngẫu thần thời đó (x. St 22).  Một lần nữa, Thiên Chúa mặc khải cho ông và dân riêng: Ngài không muốn của lễ dâng Ngài là mạng sống con người, vì sự sống con người là điều quý giá trước mặt Ngài, bởi do chính Ngài đã trao ban.

Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu cũng đã khẳng định: Ngài không để kẻ trộm, người chăn chiên thuê hay sói rừng hãm hại hay lấy đi mạng sống của chiên Ngài, nhưng cứng rắn quả quyết: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).

Chúa chiên nhân lành là Đức Giêsu không giống như “kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga 10,10), hay như “người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy.  Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10,12).  Nhưng Ngài “tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18), để “cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10,10).

Như thế, mục đích hy sinh của Mục Tử nhân lành là chiên của ông được sống và sống dồi dào.  Dồi dào đây là được no nê, ấm áp, được yêu thương, cưng chiều, được hạnh phúc, bình an.

Hình ảnh Mục Tử nhân lành là Giáo Hội với các Đấng Bản Quyền với quyền yêu thương, chăn dắt.  Sở dĩ là quyền yêu thương chăn dắt, vì chăn dắt không yêu thương sẽ không là mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, nhưng sẽ chỉ được gọi là kẻ chăn thuê, hay tên ăn trộm.

Do đó, quyết định của Mục Tử trước những nguy hiểm đe dọa sự sống của đoàn chiên, như đại dịch Covid 19 đang đe dọa tính mạng của mọi người phải được hiểu là quyết định xuất phát từ tình yêu mục tử đối với đoàn chiên, từ bổn phận bảo vệ đoàn chiên khỏi nguy cơ bị giết hại, và chúng ta hãy tín thác vâng phục thi hành, với lòng yêu mến, biết ơn.

Phải thận trọng phân định giá trị của Lề Luật và giá trị của Con Người:

Khi bực bội, khó chịu trước những quyết định đóng cửa nhà thờ, hạn chế thời gian cử hành phụng vụ, hoặc các biện pháp khác nhằm tránh lây nhiễm và bảo vệ tính mạng cho cộng đoàn, chúng ta vô tình rơi vào tinh thần vị luật của các luật sĩ quá khích và Pharisêu cực đoan bảo thủ ngày xưa đã phản bác, bắt bẻ Đức Giêsu khi Ngài chữa người bị bệnh bại tay trong ngày sabát là ngày cấm làm việc theo luật Môsê (x. Lc 6,6-10 ; Mc 3,1-6).

Trả lời họ, Đức Giêsu khẳng định: ưu tiên luôn dành cho con người, cho sự sống và hạnh phúc của con người.  Cũng như khi các môn đệ bứt lúa để ăn vì đói, khi băng qua một cánh đồng trong ngày sabát, Ngài đã lên tiếng bênh vực các ông trước lời khiển trách nặng nề của những người Pharisêu vị luật: con người có giá hơn Lề Luật, bởi “ngày sabát  được tạo ra cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. (Mc 2, 27).

Thực vậy, hạnh phúc của con người đang sống là điều lành, việc tốt con người phải làm cho nhau, và được đặt thành ưu tiên, bởi đó chính là vinh danh đích thực của Thiên Chúa (x. Mt 12,9-14; Lc 6,6-10); đồng thời là đòi hỏi của Giới Luật mới Yêu Thương.

Nay Covid-19 ập tới, đe dọa tính mạng của con người, thì luật đi lễ ngày Chúa Nhật, cũng như nề nếp sinh hoạt phụng vụ, tất cả đều có thể được thay đổi, đình chỉ, tạm ngưng, vì lợi ích chung của đoàn chiên.  Và điều này không được hiểu như hành vi bất tuân lệnh Thiên Chúa, hay vi phạm giới luật của Ngài.

Thái độ bất mãn với giáo quyền trong việc đình chỉ sinh hoạt phụng tự cũng nói lên tinh thần gắn bó sai lệch của chúng ta vào những hình thức bên ngoài, mang nặng tính phô trương, biểu dương lực lượng, để rồi đức tin bị “điều kiện hoá” bởi những hình thức không luôn cần thiết, mà không ăn rễ sâu, nhờ đời sống nội tâm cầu nguyện, và thực hiện Đức Ái, trong khi cầu nguyện thì không bị lệ thuộc bất cứ hoàn cảnh nào, và Đức Ái thì không thế lực, chướng ngại, sức mạnh nào có thể hạn chế, ngăn chặn.

“Thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật”.

Đức Giêsu, bên bờ giếng Giacóp đã chẳng nói với người phụ nữ Samari: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hoặc tại Giêrusalem…  Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những người thờ phượng Người như thế.  Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,21-26).

Nói như thế không có nghĩa chúng ta phủ nhận Giáo Hội hữu hình, chối từ giáo phận, phủ nhận giáo xứ, nhà thờ, và rút lui vào “cái tôi”, co cụm, một mình khép kín với thần khí và sự thật.

Hoàn toàn không, vì Giáo Hội là một gia đình, một cộng đồng yêu thương, đoàn lữ hành đang cùng bước đi, nên Gắn Bó, Hiệp Thông với Đầu là Đức Giêsu và với nhau là những chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là đòi hỏi tiên quyết.

Là người Kitô hữu trong Giáo Hội, chúng ta không lên thiên đàng cô đơn, cô độc, lủi thủi một mình, nhưng lên với nhau, cùng nhau lên, cùng nhau về Nước Trời, cùng nhau thực hiện hành trình về Nước Thiên Chúa, dưới sự lãnh đạo của Đức Giêsu, Mục Tử và sự cộng tác của các Đấng Bậc được Thiên Chúa tuyển chọn để quản trị, chăm nom, dẫn dắt đoàn chiên được trao phó.

Do đó, Hiệp Thông là yếu tính của Giáo Hội, Hiệp Nhất là đòi hỏi của người Kitô hữu, nên trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, người tín hữu phải gắn bó, hiệp nhất, hiệp thông với tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, vì đức tin của Giáo Hội là hiệp nhất, hiệp thông.

Chính vì có hiệp nhất trong Giáo Hội mà chúng ta mới thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật được, cũng không phải lệ thuộc vào một đền thánh, đền thờ hữu hình ở một nơi chốn nào.  Chính nhờ đức tin hiệp thông của Giáo Hội, mà chúng ta được hoàn toàn dự phần, được trọn vẹn tham dự vào sức sống và tình yêu của Giáo Hội, là Hiền Thê yêu dấu của Đức Giêsu, trong những hoàn cảnh không thể đến nhà thờ, không thể sinh hoạt phụng tự, không thể cử hành thánh lễ…

Vâng, Covid-19 đặt chúng ta, những người Kitô hữu vào một hoàn cảnh mà phần đông chưa bao giờ thấy.  Ở vào hoàn cảnh đặc biệt này, chúng ta cần hiểu biết chính xác ý nghĩa và giá trị đức tin của các quyết định từ các đấng bản quyền, để không ai, không thế lực thần dữ nào có thể lợi dụng tình thế hầu làm suy yếu ở chúng ta đức tin, và lòng tin tưởng, tín nhiệm ở Mẹ Hội Thánh.

Bởi trong những thời khắc khủng hoảng, thời điểm tinh thần dễ bị chao đảo, lung lay, ma qủy nhất định sẽ không bỏ qua cơ hội đánh phá Đức Ái giữa đoàn chiên và Mục Tử trong Giáo Hội, bằng khủng bố tinh thần Hiệp Nhất, và triệt hạ tinh thần Hiệp Thông bằng dấy lên ngọn lửa kiêu căng, bất tuân phục.

Hiệp cùng Hội Thánh Việt Nam và toàn cầu, chúng ta xin Chúa cứu thế giới khỏi đại dịch Covid-19 nguy hiểm, và ban bình an cho tất cả mọi người trên thế giới.

Lời cầu nguyện chân thành ấy chắc chắn sẽ đẹp lòng Chúa gấp bội, nếu chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong tinh thần hiệp thông với Giáo Hội và tinh thần Vâng Phục của đoàn chiên biết và lắng nghe tiếng Mục Tử của mình, những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước: biết rõ chiên mình, gọi tên từng con, “mang vào mình mùi chiên”, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).

Jorathe Nắng Tím
Nguồn: 
tinmungduongpho.blogspot.com

ĐÔI MẮT MỚI

Trong bài viết “Đôi mắt”, linh mục Nguyễn Tầm Thường đã suy niệm về đôi mắt mù loà của Nguyên Tổ đã đưa tội lỗi vào trần thế.  Chúa Kitô đã chữa lành và trao ban cho nhân loại đôi mắt mới: Mắt Đức tin.  Xin được mượn tư tưởng của Ngài để suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay: Chúa Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh.

“Mắt em là một dòng sông, Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em…” (Lưu Trọng Lư)

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ.  Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc.  Có người nhìn đôi mắt như mùa thu.  Có người nhìn đôi mắt như dòng sông.  Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp.  Trái lại, khi Thánh Kinh nói về mắt lại nói về đôi mắt mù.  Từ những trang đầu của sách Sách Sáng thế đã nói về mắt: “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu!  Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu.  Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon… mà nhìn thì đã sướng mắt.  Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn.  Và bà đã ăn…  Và mắt cả hai người đã mở ra.  Và chúng biết là chúng trần truồng” (St 3, 4 – 7).  (Trích Nước mắt và hạnh phúc tr. 69 – 71).

Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình:

–    Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra

–    E-và nhìn trái táo và thấy sướng mắt

–    Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng.

Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy.  Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. (sđd. tr 72).  “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.

Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: mắt cả hai người đã mở ra.  Nhưng không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng.  Mắt hai người đã mở ra.  Câu Thánh kinh thật ngắn ngủi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại.  A-đam và E-và đã mở mắt, nhưng họ lẩn trốn không dám nhìn Thiên Chúa.  Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau.  Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù loà chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế.

Chúa Kitô đã đến chữa lành sự mù loà ấy, hàn gắn lại vết thương thưở sa ngã của Nguyên Tổ.

Khi liên kết phép lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ thưở mới sinh với sự mù loà của Nguyên tổ ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian.  “Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thưở địa đàng.  Chúa Kitô đã mang ánh sáng cho thế gian, Ngài ban cho nhân loại đôi mắt mới: Mắt Đức Tin.  Từ tiến trình đến ánh sáng tự nhiên, người mù có một hành trình tiếp cận ánh sáng đức tin.

Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt thể lý và mắt tâm hồn của người mù.  Chúa đã mở mắt đức tin để anh ta tin vào Chúa.  Anh ta tin vào lời Chúa là đi rửa mắt ở hồ Si-lô-ác và đã công khai nói lên sự thật ca ngợi Chúa trước mặt những người Pharisêu đang tra vấn, khủng bố anh: Chính tôi đây đã được người mà thiên hạ gọi là Giêsu lấy bùn xức mắt tôi và bảo tôi hãy đi rửa ở hồ Si-lô-ác.  Tôi đã đi, đã rửa và đã trông thấy.  Lòng bắt đầu rộng mở nên anh ta nhận ra: Nếu người đó không phải bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì.

Bởi đó, khi gặp lại Chúa Giêsu và được hỏi: “Anh có tin Con Người không?” thì anh đáp lại ngay: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?”  Chúa Giêsu tỏ mình ra cho anh: “Anh đã thấy Người.  Chính Người đang nói với anh đây.”  Anh liền đáp: “Lạy Thầy, tôi tin.”  Bước nhảy của niềm tin được kết tinh nơi thái độ quỳ xuống bái lạy.

Qua việc chữa lành đôi mắt thể lý, Chúa Giêsu trao ban ánh sáng đức tin cho đôi mắt tâm hồn.  Thoát khỏi bóng tối triền miên của cuộc đời, bát ngát một bầu trời mới khi anh được sáng đôi mắt.  Lớn lao hơn nữa là tâm hồn anh thênh thang chứa chan lòng mến, anh đã quỳ bái lạy với tất cả lòng tin.  Phép lạ chữa người mù thưở mới sinh là một dấu chỉ minh chứng: Đức Giêsu là sự sáng thế gian, đã chữa lành sự mù loà của nhân loại với điều kiện: Tin vào Ngài.

Chúa Giêsu cũng chữa nhiều người mù loà tâm hồn.  Người mở mắt cho Da-kêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi (Lc 9, 1 – 10).  Người mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm (Lc 7, 36 – 50).  Người mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương (Lc 23, 32-43).

Mỗi người chúng ta có lẽ không hoàn toàn mù tối tâm hồn, nhưng có những điểm tối mà ta thấy được.  Chẳng hạn như những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, có thể làm ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân.  Có một số người chỉ nhìn thấy điểm tối của người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm mà không nhận ra những gì là xinh đẹp, những gì là cao quý, thánh thiện nơi họ.  Cứ tiếp tục xét mình, ta sẽ thấy có nhiều điểm tối, sự mù tối của tâm hồn rất nguy hại.  Chỉ có ánh sáng của Đức Kitô soi chiếu, chỉ có cái nhìn của Đấng tình yêu, mỗi người mới xoá tan những điểm tối đó.  Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và nhìn mọi sự trong ánh sáng Tin Mừng Đức Kitô.

Lm. Nguyễn Hữu An

LỢI ÍCH LỚN LAO CỦA RƯỚC LỄ THIÊNG LIÊNG

Rước Lễ thiêng liêng là bảo tồn đời sống Thánh Thể và tình yêu liên tục cho người mến yêu Chúa Giêsu Thánh Thể.  Nhờ việc Rước Lễ thiêng liêng, các ước muốn yêu đương kết hợp với Chúa của linh hồn được thỏa mãn.  Ngài là Đức Lang Quân của linh hồn.

Rước Lễ thiêng liêng là hợp nhất thiêng liêng giữa linh hồn với Chúa Giêsu trong Bánh Thánh.  Sự hợp nhất này tuy thiêng liêng nhưng cũng thực sự, còn thực sự hơn sự hợp nhất của hồn và xác, vì như lời thánh Gioan Thánh giá nói: “Linh hồn sống nhiều nơi nó yêu hơn là nơi nó sống.”

Tin, Yêu Và Ước Ao

Điều hiển nhiên là, Rước Lễ thiêng liêng đòi phải có đức tin vào sự hiện diện thực tại Chúa Giêsu trong Nhà Tạm, việc này ngụ ý rằng ta yêu thích Hiệp Lễ cách Bí tích, và đòi biết ơn về những ơn Chúa ban trong Bí tích này.  Những điều vừa kể được tóm tắt trong lời sau đây của thánh Anphongsô:

“Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. 
Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và con luôn khao khát được rước Chúa ngự vào lòng con.

Song bây giờ con chẳng thể rước Mình Thánh Chúa, 
thì ít nữa xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng.

Ngay khi Chúa đến,
Con giữ chặt Chúa và toàn thể con người con kết hiệp với Chúa,
xin đừng bao giờ để con phải xa lìa Chúa. Amen

Thánh Thoma Aquinô và Anphongsô đều dạy, Rước Lễ thiêng liêng sinh hiệu quả như Rước Lễ thật, nhưng còn tùy ta dọn mình kỹ hay không, và ao ước nồng nhiệt ơn Chúa ban hay không, yêu mến Chúa nhiều hay không khi đón rước Chúa.

Một lợi ích đặc biệt về việc Rước Lễ thiêng liêng là ta có thể rước mỗi ngày bao nhiêu lần tùy ý, có thể hàng trăm lần, rước khi nào ta muốn, bất kể đêm ngày, rước nơi nào ta muốn, bất kể nơi đồng ruộng, trên máy bay hay trên mặt đất.

Điều thích hợp hơn là khi ta dự lễ mà không thể Rước Lễ cách thật được, khi chủ tế đang rước Mình Thánh Chúa, ta mời Chúa vào lòng ta.  Bằng lối này, lễ nào ta dự cũng nên trọn với của lễ dâng, với Hy tế Thánh và việc Hiệp Lễ.

Hai Chén Thánh

Trong một cuộc thị kiến, chính Chúa Giêsu đã giải nghĩa cho thánh nữ Catarina Siena việc Rước Lễ Thiêng liêng quí trọng làm sao, thánh nữ sợ rằng Rước Lễ Thiêng liêng không sánh được với Rước Lễ thật.  Chúa cầm đến hai bình đựng Mình Thánh và phán: “Trong bình vàng này Cha đựng các lần con Rước Lễ thật, còn trong bình bạc Cha đựng các lần con Rước Lễ thiêng liêng, cả hai bình đều rất đẹp lòng Cha.

Lần khác, Chúa nói với thánh nữ Magarita Maria Alacoc, khi bà nóng nảy ước ao rước Chúa trong Nhà Tạm: Cha yêu đương linh hồn khát khao đón rước Cha lắm, đến nỗi Cha vội đến với nó mỗi khi nó nóng lòng đến với Cha.

Thật không khó gì để tìm hiểu các thánh quí mến Rước Lễ thiêng liêng chừng nào.  Ít ra Rước Lễ thiêng liêng cũng thỏa phần nào lòng mong ước được kết hợp với Đấng Mến yêu.  Chính Chúa đã phán: “Hãy ở trong Ta, Ta sẽ ở trong con. (Jn 15,4).

Rước Lễ Thiêng liêng làm ta được kết hợp với Chúa ngay khi ta ở xa nhà thờ.  Chẳng còn cách nào khác để thoa dịu nguồn khao khát đốt cháy tâm hồn các thánh. “Lạy Chúa, như nai rừng khát nước, hồn con khát mong Chúa. (Tv 41,2).

Đây là những thở than của các thánh, thánh Catarina Genoa kêu lên:Ôi Bạn Tình Chí Thánh của hồn con, con hết lòng ao ước được ở cùng Chúa đến nỗi con hầu chết, nhưng con gắng sống để được Rước Chúa”.

Á thánh Agatha thánh giá cảm nghiệm sâu xa Chúa trong Thánh Thể, đến nỗi bà nói: Nếu cha linh hồn không dậy tôi cách Rước Lễ thiêng liêng thì tôi không sống được.

Thánh nữ Maria Phanxicô Năm dấu lấy việc Rước Lễ thiêng liêng là cách thoa dịu các vết thương của người khi phải ở nhà, xa Đấng người yêu mến, nhất là khi người không được Rước Lễ.  Những lúc như vậy, người quì gối trên nền nhà, hướng về nhà thờ, nước mắt lăn trên gò má than thở: “Lạy Chúa Giêsu, phúc cho những ai hôm nay được rước Chúa, phúc cho tường nhà thờ canh giữ Chúa tôi, phúc cho các linh mục luôn ở gần Giêsu rất đáng kính mến.  Chỉ có Rước Lễ thiêng liêng mới làm người nguây ngoai đôi chút.

Trong Ngày Sống

Đây là lời khuyên của cha Piô gửi cho con thiêng liêng người: “Trong ngày, khi con không được phép làm cách khác, hãy gọi Chúa Giêsu, ngay cả khi con đang bận rộn nhất, với niềm ước vọng không ngơi của linh hồn, Chúa sẽ đến ở lại với hồn con bằng ơn thánh và tình yêu thánh của Chúa. 

Hãy bay cách thiêng liêng tới Nhà Tạm, khi xác con không ở đấy được, nơi đó, con hãy bộc lộ những ao ước nồng nhiệt của thần trí con, hãy ôm ẵm lấy Đấng hồn con yêu mến, tốt hơn nữa là khi con được phép rước Chúa cách thật sự.

Chúng ta cũng hãy lợi dụng ơn cao trọng này. Chẳng hạn khi ta bị thử thách đau thương hay cảm thấy bị bỏ rơi, nào còn có gì giá trị cho ta bằng làm bạn với Chúa Thánh Thể qua việc Rước Lễ thiêng liêng?

Có thể thực hành việc thánh thiện này cách dễ dàng để lấp đầy cả ngày sống của ta với những tác động và những cảm tình mến yêu, và cũng có thể làm ta sống với tâm hồn ấp ủ tình mến được đổi mới luôn, hầu như không bị gián đoạn.

Thánh Angela Merici thích Rước Lễ Thiêng liêng lắm.  Không phải người chỉ năng Rước Lễ Thiêng liêng và khuyến khích người ta như vậy, mà người còn lưu lại cho con cái trong Dòng để chị em sau này hằng thực hiện điều đó.

Ta phải nói về thánh Phanxicô Salesiô thế nào?  Đời người chẳng khác gì như một chuỗi lần Rước Lễ thiêng liêng sao?  Người quyết tâm Rước Lễ thiêng liêng ít nhất mỗi mười lăm phút.

Thánh Maximiliên Kolbe cũng quyết tâm tương tự ngay từ thời còn trẻ.

Anrê Baltrami, Tôi tớ Chúa để lại cho đời một trang nhật ký vắn tắt làm như chương trình sống với Chúa Giêsu qua việc Rước Lễ thiêng liêng không ngừng.  Người viết: “Bất cứ ở nơi nào tôi cũng nghĩ tới Chúa Thánh Thể, tôi để tâm trí tôi ở Nhà Tạm, ngay cả ban đêm khi tôi thức giấc, ở nơi nào tôi cũng thờ lạy Chúa, kêu tới Chúa, dâng lên Chúa các việc tôi làm. 

Tôi lập một đường điện tín từ phòng học tới nhà thờ, đường khác từ phòng ngủ, đường khác nữa từ phòng ăn, và thường mỗi khi có thể, tôi gửi tới Chúa Giêsu Thánh Thể những lời nhắn nhủ mến yêu.  Ta có thể hiểu dòng tình yêu thần thánh đã chuyển qua những đường điện tín quí báu này là thế nào.

Ngay Cả Ban Đêm

Các thánh nôn nóng dùng những phương thế này hoặc những phương thế thánh thiện tương tự để tìm lối thoát cho lòng tràn ngập kính mến của các ngài.  Các ngài chẳng bao giờ thấy cố gắng yêu mến đủ.  Thánh nữ Phanxica Cabrini phát biểu: “Càng mến Chúa, con càng thấy mến Chúa ít.  Con muốn mến Chúa hơn nhưng con không có sức, xin Chúa mở rộng lòng con.”

Thánh Roch bị tù 5 năm với án lệnh nghiêm khắc.  Trong tù người luôn chăm chú nhìn lên phía cửa sổ và cầu nguyện.  Lính gác hỏi người:

– Ông làm gì thế?

Người trả lời:

– Tôi nhìn về phía tháp chuông nhà thờ, tháp chuông nhắc tôi nhớ đến nhà thờ, Nhà Tạm và Chúa trong Thánh Thể, đã nối kết không thể cách biệtvới lòng tôi.

Cha Sở thánh xứ Ars nói với giáo dân:

– Nhìn cây tháp nhà thờ các con có thể nói: “Chúa Giêsu ở đó, vì ở đó có linh mục dâng lễ.”

Á thánh Lui Guanella, khi đi du lịch bằng xe lửa với khách hành hương qua nhiều đền thờ khác nhau, người thường nhắc nhớ hành khách hướng lòng trí về Chúa Giêsu mỗi khi người trông thấy cây tháp thánh đường, người nói: “Cây tháp chỉ nơi có nhà thờ, nơi có Nhà Tạm, có thánh lễ, và có Chúa Giêsu ngự ở đó.

Ta hãy noi gương các thánh, các ngài chỉ cần một chút khơi động là có thể bùng lên ngọn lửa trong trái tim mình.  Ta hãy dốc quyết Rước Lễ Thiêng liêng nhiều lần trong ngày, cả những khi bận rộn.  Chẳng mấy chốc lửa tình yêu sẽ thấm nhập vào ta.

Thánh Leonard Maurice nói những điều rất an ủi này: “Nếu bạn tập Rước Lễ thiêng liêng nhiều lần mỗi ngày, thì chỉ trong một tháng, bạn sẽ thấy mình đổi mới hoàn toàn.”  Một tháng thôi mà, có khó chi mô!

Sưu tầm

TÌNH YÊU, LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ ÂN SỦNG

Chúng ta mong đợi điều gì khi chúng ta quay trở về với Chúa trong Mùa Chay này?

Hãy nghĩ xem thiên đàng khác với trái đất (trần gian) như thế nào.  Trên trần gian, tội lỗi tiếp tục làm tổn thương con người mỗi ngày.  Trên thiên đàng, không chỉ không có tội lỗi, mà còn không có cám dỗ.  Trên trái đất, các gia đình, các khu phố và thậm chí toàn bộ các quốc gia chia rẽ nhau, thường là vì những vấn đề rất nhỏ.

Trên thiên đàng, có sự hài hòa và nền hòa bình hoàn hảo.  Trên trái đất, có bệnh tật và đau khổ.  Trên thiên đàng, mọi giọt nước mắt đã được lau khô và tất cả các rối loạn về thể chất và tinh thần đều được chữa lành.  Trên trần gian, hàng triệu người phải chịu đựng những hậu quả của nghèo đói.  Trên thiên đàng, mọi người đều được chăm sóc như nhau và rất tế nhị, ân cần.

Thiên đàng nghe quá hấp dẫn, phải không?  Không có gì lạ khi Kinh Thánh kết thúc với lời cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20)!  Không có gì ngạc nhiên khi tất cả chúng ta khao khát một ngày khi tội lỗi không còn nữa, và khi chúng ta được đưa vào trong sự hoàn hảo của vương quốc thiên đàng của Chúa Giêsu!  Chúng ta biết ngày đó đang đến, nhưng cho đến khi nó xảy ra, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt hy vọng vào Người.  Chúa không muốn chúng ta nản lòng trước tình trạng của thế giới hay tình trạng của chính cuộc sống của chúng ta.  Người muốn giúp chúng ta, chữa lành chúng ta và cứu chuộc chúng ta để chúng ta có thể đến gần hơn với sự hài hòa hoàn hảo của thiên đàng ở đây trên trần gian.  Và vì thế Chúa mời gọi mỗi chúng ta: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12).  Lời kêu gọi trở về với Chúa này nghe có vẻ đáng sợ, đặc biệt là trong một mùa như Mùa Chay, với sự nhấn mạnh vào sự ăn năn và sự từ bỏ mình (sự hy sinh).  Do vậy, chúng ta hãy nhìn vào ba sự thật trung tâm về đức tin của chúng ta sẽ giúp chúng ta dễ dàng đến gần với Chúa hơn trong Mùa Chay này.

Hãy Hướng Về Thiên Chúa Đấng Là Tình Yêu.  Thiên Chúa đã từng nói với dân của Người rằng: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?  Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).  Chúa đã từng nói với ông Giôsua: “Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi” (Gs 1,5).  Và Chúa Giêsu tiếp tục nói với chúng ta: “Thầy ở cùng anh em cho đến ngày tận thế” (Mt 28,20).

Đời này đến đời kia, Thiên Chúa bảo đảm với dân của Người rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi họ.  Và Chúa làm điều này không chỉ bằng lời nói.  Tất cả mọi hành động của Chúa đều cho chúng ta thấy một chiều kích khác về việc Chúa yêu chúng ta sâu sắc như thế nào.  Chúa đã cho thấy điều đó khi giải cứu dân Israel khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập.  Chúa đã cho thấy điều đó khi Chúa gọi Đavít để lôi kéo dân Chúa vào một vương quốc.  Chúa đã cho thấy điều đó khi Chúa hứa sẽ đưa dân Israel trở về sau thời lưu đày ở Babylon.  Và hơn bất cứ nơi nào khác, Thiên Chúa đã cho thấy điều đó khi sai Con Một của mình đến để mặc lấy thân phận người phàm và hiến mạng sống mình trên thập giá vì chúng ta.

Chúng ta có thể kiểm tra những lời nói và hành động của Thiên Chúa để thấy tình yêu của Người, nhưng trong phân tích cuối cùng, cho thấy rằng chỉ bằng niềm tin chúng ta có thể bắt đầu trải nghiệm tình yêu đó.  Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).  Khi chúng ta thực hành đức tin của mình, tất cả những gì chúng ta hy vọng vào Chúa Kitô có thể trở thành hiện thực đối với chúng ta, mặc dù chúng ta không thể thực sự nhìn thấy nó.  Mỗi khi chúng ta cầu nguyện, mỗi khi chúng ta cử hành (lãnh) các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa Giêsu, con biết Chúa đang ở cùng con.  Con tin vào Chúa; xin hãy cho con thấy tình yêu của Chúa.”  Đây là một lời cầu nguyện mà Chúa thích trả lời và đôi khi theo những cách đáng ngạc nhiên!

Hãy Hướng về Thiên Chúa Đấng Thương Xót.  Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Gioan Tẩy Giả nói rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).  Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta.  Chúng ta công bố sự thật này vào mỗi Chúa nhật qua Kinh Tin Kính trong Thánh lễ.  Nhưng đâu là trải nghiệm sự tự do đến từ hành động của lòng thương xót của Chúa Giêsu?

Một ngày nọ, một giáo viên môn tôn giáo đã yêu cầu một trong những sinh viên của mình lên bảng và bắt đầu viết ra những tội lỗi phổ biến nhất.  Học sinh bắt đầu viết những từ như nói dối, giận dữ, ăn cắp, ghen tuông và ham muốn.  Khi anh ta viết từng tội lỗi, giáo viên ở ngay sau anh ta với một khăn lau bảng, xóa sạch các từ.  Thầy giáo nói với các sinh viên rằng: “Đây là cách Thiên Chúa nhanh chóng tha thứ cho chúng ta khi chúng ta cầu xin.  Khi Thiên Chúa tha thứ cho bạn, tội lỗi của bạn sẽ biến mất, được xóa sạch.  Tất cả những gì còn lại là tình yêu của Chúa dành cho bạn.”

Khi chúng ta đi xưng tội, chúng ta có thể trải nghiệm điều gì đó giống như sinh viên đó đã trải nghiệm trong lớp học môn tôn giáo của mình.  Không phải lúc nào cũng dễ dàng thú nhận tội lỗi của chúng ta, đặc biệt là vì nó có nghĩa là công khai thú nhận những thất bại của chúng ta với một linh mục.  Nhưng khi chúng ta lên tiếng xưng thú tội lỗi của mình và sau đó nghe những lời tha tội, Chúa Thánh Thần đến và trút bỏ gánh nặng tội lỗi khỏi chúng ta, ngay khi giáo viên đó xóa bỏ những từ trên bảng.  Những tội lỗi đã biến mất và thay vào vị trí của chúng là sự thương xót của Đấng đã nói: “Ta cũng không lên án con đâu” (Ga 8,11).

Hãy quay về với Thiên Chúa Đấng Chan Chứa Ân Sủng.  Con người chúng ta đầy những mâu thuẫn.  Chúng ta muốn trở nên tốt, tử tế và yêu thương, nhưng tất cả rất thường xuyên cuối cùng chúng ta đưa ra những lựa chọn làm tổn thương mọi người, đặc biệt là những người gần gũi nhất với chúng ta.  Chúng ta muốn ở gần với Thiên Chúa, nhưng nó có thể rất dễ rơi vào sự bất tuân.  Chúng ta không muốn phạm phải bất kỳ tội lỗi nào, nhưng chúng ta thường thấy mình làm điều mà chúng ta không muốn làm.

Thánh Phaolô đã nhìn thấy trận chiến này trong tâm trí của chính mình.  Thánh nhân thực sự yêu mến Chúa Giêsu và chân thành muốn phục vụ Giáo Hội bằng cả cuộc đời.  Nhưng đối với tất cả những lời rao giảng về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, Thánh Phaolô đôi khi có thể là một lực lượng của sự chia rẽ và thù địch.  Phaolô đã tranh luận với tông đồ của mình là Banaba về một quyết định truyền giáo, tranh luận rất nhiều đến nỗi hai người chia tay nhau trong giận dữ (x. Cv 15,36-40). Phaolô đã chọn cách nói chuyện với Thánh Phêrô trước mặt các tín hữu ở Antiôkia, thay vì kéo Phêrô sang một bên và nói chuyện riêng với ngài (x. Gl 2,11-14).  Phaolô thậm chí còn đi xa đến mức mong muốn một hình thức báo thù đặc biệt về kẻ thù của mình (x. Gl 5,11-12).

Nhưng Phaolô đã nhận thức đầy đủ về những điểm yếu và những thất bại của mình.  Phaolô đã từng kêu lên rằng: “Tôi thật là một người khốn nạn!  Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7,24).  Và ngay lập tức, ngài vui mừng trong câu trả lời: “Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,25).

Bí mật của Phaolô là gì?  Thông qua kinh nghiệm của chính mình về lòng thương xót của Thiên Chúa, ngài đã học được rằng: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).  Thánh nhân biết rằng cho dù ngài có phạm bao nhiêu tội lỗi, thì ân sủng dồi dào của Thiên Chúa sẽ luôn vượt trội hơn những tội lỗi ấy.  Ngài biết rằng ân sủng chan chứa của Thiên Chúa đủ sức mạnh để biến đổi cả tâm hồn ương bướng của mình, vì vậy ngài luôn có niềm hy vọng.  Phaolô tiếp tục xác tín lời hứa: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người (Chúa Kitô)” (2 Tm 2,12).  Ân sủng của Chúa Giêsu sẽ không bao giờ làm ngài thất vọng.

Hãy tin rằng sức mạnh cứu độ của Chúa Giêsu lớn hơn sức mạnh của những thói quen tội lỗi của bạn.  Hãy tin rằng ân sủng của Thiên Chúa luôn sẵn sàng giúp bạn thay đổi.  Hãy nhớ rằng, bạn có thể thấy mình là một tội nhân khủng khiếp.  Nhưng đó không phải là cách mà Chúa nhìn thấy bạn.  Chúa xem bạn như đứa con yêu dấu của Chúa và Chúa muốn giúp bạn trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày.

Một Lời Mời Độ Lượng.  Tình Yêu.  Lòng Thương Xót.  Ân Sủng.  Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta quay về với Chúa trong bốn mươi ngày tới để Chúa có thể ban những món quà này cho chúng ta.  Chúa hứa rằng nếu chúng ta nhận lấy lời mời của Chúa mỗi ngày khi cầu nguyện, đức tin của chúng ta sẽ lớn lên và cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi.  Chúng ta sẽ tìm thấy một sức mạnh nội tâm từ Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta vượt qua cám dỗ và tội lỗi.

Lời mời này có hai mặt.  Về phần Thiên Chúa, Chúa sẽ làm sâu sắc kinh nghiệm và niềm tin của chúng ta vào tình yêu, lòng thương xót và ân sủng của Chúa.  Bởi vì Chúa quan tâm đến chúng ta, Chúa sẽ đánh động lương tâm của chúng ta khi chúng ta đối diện với cám dỗ.  Và Chúa sẽ giúp chúng ta trở nên tử tế, kiên nhẫn và yêu thương hơn.  Do đó, chúng ta hãy cố gắng sẵn sàng với Thánh Thần của Chúa trong ngày sống.  Hãy tìm những cách mà Thánh Thần đang thúc đẩy bạn và thúc giục bạn ở gần Chúa.

Về phần mình, chúng ta cần dành thời gian cho việc cầu nguyện, sao cho nó thành chương trình trong giờ cầu nguyện hàng ngày, ngay cả khi đó chỉ là mười hoặc mười lăm phút mỗi ngày – nhờ đó chúng ta có thể chạm vào ân sủng của Chúa.  Sau đó, trong suốt ngày sống, chúng ta cần cố gắng hết sức để nói không với cám dỗ và thưa vâng với các mệnh lệnh của Thiên Chúa và lời hứa của Chúa để trợ giúp chúng ta.  Như thánh Phaolô đã viết, chúng ta phải cố gắng “cởi bỏ con người cũ” với lối sống xưa kia của chúng ta và “mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22.24).

Có thể khó thay đổi cuộc sống của chúng ta.  Nhưng chúng ta không đơn độc.  Với sự trợ giúp đỡ tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta có thể tiến bộ trong Mùa Chay.

Điều đó có thể mất thời gian.  Bạn có thể không luôn luôn thành công.  Nhưng khi thời điểm Phục Sinh đến, bạn có thể chắc chắn bạn sẽ thấy một số thay đổi tích cực, đáng khích lệ trong cuộc sống của bạn.  Có lẽ bạn sẽ có nhiều khát vọng cầu nguyện hoặc đi Lễ.  Bạn có thể tiếp cận một tình huống căng thẳng hoặc khó khăn với sự bình an hơn.  Hoặc có thể Chúa sẽ làm mềm lòng bạn để bạn sẵn sàng và có thể tha thứ.

Vì thế, chúng ta hãy quyết định phải hết lòng trở về với Chúa trong Mùa Chay này.  Chúng ta hãy cầu xin Chúa đến và lấp đầy chúng ta bằng tình yêu, lòng thương xót và ân sủng của Chúa.  Chúng ta hãy làm những gì chúng ta có thể để mở cánh cửa trái tim của chúng ta và thưa lên rằng: “Lạy Chúa Giêsu, con sẽ tiếp đón Chúa”.

Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo The Word Among Us, Lent 2019 Issue

TRĂM LỐI ĐI CHỈ MONG MỘT ĐƯỜNG VỀ!

Đời là một cuộc ra đi không ngừng.  Sinh ra là giã từ cái ấm êm của lòng mẹ để đi vào thế giới xa lạ.  Lớn lên là từ bỏ tuổi thơ đầy mơ mộng để đi vào cuộc đời với biết bao bấp bênh và thử thách.  Cuộc đời có bao giờ là một dòng sông êm ả, vì không ngừng phải trải qua biết bao đổi thay.

Ra đi bước vào cuộc đời với trăm ngàn lối đi mới, những lối đi mời mọc con người không ngừng vươn xa, đi mãi tới chân trời mới, để rồi lúc nào đó làm cho chính con người không biết mình đi đâu về đâu.  Bởi trên muôn vàn lối đi ấy có biết bao thử thách mời gọi: danh, lợi, thú, ba ham muốn chi phối toàn bộ đời sống con người.  Đó cũng chính là ba nguyên nhân gây nên biết bao khổ đau cho nhân thế.  Kẻ được người thua cũng đều có thể phải đau khổ vì nó, đều cảm nghiệm rằng những bất hạnh mà mình đang phải gánh chịu đều vì tiền, lạc thú, và quyền lực.  Ở nơi này nơi kia trong xã hội đang xảy ra những bất hoà, tranh chấp, có khi giết hại lẫn nhau và làm khổ cuộc đời nhau cũng chỉ vì tiền, vì tình và vì quyền.  Ngay trong gia đình, con cái bỏ cha mẹ, cha mẹ từ chối con cái, vợ chồng ruồng bỏ kết án nhau, anh em bạn hữu bất hoà với nhau cũng không thoát khỏi cái nghiệp chướng này.  Vì nó mà người ta chà đạp lên nhau, người ta làm khổ và làm hại lẫn nhau.

Trước muôn vàn lối đi mà con người đang lựa chọn cho chính mình, trong một khía cạnh nào đó cần có một cái mốc, cần có một sự hướng dẫn: một lối về cho những ai lầm đường lạc bước mất định hướng để nhận ra đường về.  Thiết lập Mùa Chay, Giáo Hội muốn chỉ cho nhân loại một lối về, một bảng chỉ đường chính xác nhất là kinh nghiệm sa mạc của Chúa Giêsu.  Giáo Hội mời gọi ta vượt qua sa mạc của những thử thách ấy một cách can đảm và dứt khoát.  Dứt khoát với nếp sống cũ khiến ta lê lết trong ích kỷ nhỏ nhoi.  Cùng với Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta phó thác tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa.  Hãy trở về như người con Thứ trong dụ ngôn người con hoang đàng (Lc15).  Nó đã dùng tự do để quyết định ra đi, và người cha tôn trọng quyết định đó.  Tuy nhiên, ông vẫn ngóng chờ con.  Tình thương trào dâng khiến bước chân cha vội vã.  Vòng tay cha lớn quá, nụ hôn cha nồng nàn.  Sám hối là trở về với tình cha, trở lại với tình yêu, sự sống.  Nhưng trở về chẳng phải là chuyện dễ dàng.  Chẳng ai muốn nhận là mình đã đi lầm đường.  Trở về với Chúa!  Đôi khi qùy trước mặt Chúa, ta chẳng biết nói gì, thưa gì với Chúa.  Cầu nguyện không phải là mình nói thật nhiều với Chúa, hay là tìm những lời thật hay để nói với Chúa, nhưng điều quan yếu là biết dành một thời gian cho Chúa.  Điều quan trọng không phải là cầu nguyện như thế nào, hay bao nhiêu lần mà là tấm lòng chúng ta dành cho Chúa như thế nào?  Cầu nguyện vì lòng yêu mến Chúa hay chỉ là thói quen, qua lần chiếu lượt cho xong.

Có trăm ngàn lối đi xin kéo con một lối về là trở về với Cha mỗi ngày, và giúp con điều chỉnh những đam mê lệch lạc.  Xin nâng con đứng lên trong niềm vui vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội con gấp bội.  Ước gì những vấp ngã sẽ khiến con lớn lên, thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng.  Ước gì ta sống Mùa Chay với tấm lòng chân thành ước muốn sửa đổi bản thân.  Từ bỏ thì đớn đau nhưng hạnh phúc thật tuyệt vời.  Hạnh phúc lớn nhất không phải là tài sản vật chất, mà là khám phá ra mình có chỗ trong trái tim Cha nhân lành.  Hãy hi vọng đi, chỉ cần biết trên đoạn đường dương thế vẫn còn có Cha bên cạnh nhất định ta sẽ vượt qua.

M. Anthony Vũ Ga, fmsr

VỊ CỨU TINH NHÂN HẬU

Đến với miền đất bị xa lánh

Sau những công việc tại Giêrusalem – xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, đàm đạo với Nicôđêmô về cuộc sống mới – Đức Giêsu lên đường trở lại miền Galilê.

Trong cuộc hành trình này, Đức Giêsu đã không theo con đường người Do-thái vẫn đi là tránh băng qua miền Samari.  Từ thời đế quốc Át-xy-ri, người Do-thái và người Samari vẫn kình địch nhau, không giao du với nhau, mỗi miền có đền thờ riêng.  Đức Giêsu biết điều đó và việc Người có mặt tại miền Samari không phải là chuyện tình cờ.  Người có sứ mạng đến với mọi dân, mọi nước để đưa họ về với Thiên Chúa.  Người là Đền Thờ mới, và Đền Thờ này được dành cho tất cả mọi người.  Người là Đấng quy tụ nhân loại, nên chính Người sẽ phá vỡ những rào cản đang phân rẽ nhân loại.  Tình yêu cao cả đã buộc Đức Giêsu phải có mặt tại Samari, miền đất thù nghịch với người Do-thái.

Đức Giêsu đã đến Samari như một người thừa sai, một người luôn có những ý nghĩ tốt đẹp về người khác.  Như vậy, không một miền đất nào bị bỏ quên; không một người nào lại không được Người nhớ đến, dù kẻ đó có thế nào chăng nữa.

Để hiểu rõ điều này, có thể so sánh thái độ của Đức Giêsu với thái độ của các môn đệ.  Một làng thuộc Samari từ khước tiếp nhận Đức Giêsu vì Người đang hành hương lên Giêrusalem.  Thấy thế, Gia-cô-bê và Gio-an đã bày tỏ phản ứng của “con sấm sét”: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” (Lc 9,54).  Đức Giêsu lập tức quay lại và khiển trách các ông.  Người đã tránh sang một làng lân cận.  Người muốn đánh dấu lần Người đi qua cõi thế này bằng những hành vi nhân hậu, chứ không phải bằng những lần nổ bùng lòng báo thù, và Người tìm cách ghi khắc cách xử sự này vào lòng các môn đệ.

Quả thế, Đức Giêsu đã đến trần gian để tạo nên một sự gắn bó, để kéo nhân loại và vũ trụ đến với Người.  Đức Giêsu đi bước trước, nhưng Người không xuất hiện với những nét của một kẻ chinh phục đến thiết lập sự thống trị của mình, hoặc của một kẻ tuyên truyền rêu rao để áp đặt những ý tưởng của mình.  Điều Đức Giêsu trao ban trước tiên, đó là trái tim, và Người muốn nhận lại trái tim của người khác.  Người đến với tư cách là một người bạn, một Đấng Cứu Thế, chứ không phải với tư cách quan tòa đến xử án (xem Ga 3,17; 12,47).

Những tiến trình gặp gỡ

Cuộc nói chuyện dài giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari là những cấp độ tiến triển về mặc khải, về thiêng liêng mà điểm kết thúc là người phụ nữ nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh.

Phản ứng đầu tiên của người phụ nữ khi nhìn thấy Đức Giêsu bên bờ giếng, nghe Người xin nước uống, là câu nói về dòng giống.  Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu cho chị hiểu rằng, ngay vào lúc này, Người là Đấng ban ơn chứ không phải là người nhận ơn.  Chính chị mới là kẻ cần đến sự giúp đỡ của Người (x. Ga 4,10-11).

Khởi đầu, người phụ nữ chỉ coi Đức Giêsu như một người bộ hành mệt nhọc, đang cần nước uống, chứ không thấy được con người sâu xa của Người: chị thấy Đức Giêsu là người Do-thái, không biết Người là Con Thiên Chúa; chị thấy một con người mỏi mệt chứ không phải là người nâng đỡ những tâm hồn yếu nhược; chị nhìn thấy con người đang cần nước chứ không biết rằng chỉ mình Người có khả năng làm dịu cơn khát của trần gian.

Sau khi nghe câu trả lời của Đức Giêsu, tuy chưa hiểu rõ hơn về Người, nhưng chị cũng tỏ lòng kính trọng.  Chị đổi cách xưng hô: “Thưa Ngài.”  Tâm trí chị chưa vượt qua khỏi những quan niệm bình thường, chị vẫn nghĩ đến thứ nước uống tự nhiên, và mong muốn người đang đối thoại với chị cho chị thứ nước ấy, để chị khỏi phải đi múc.

Đến đây, Đức Giêsu đề cập đến điều bí ẩn nhất của tâm hồn chị.  Người gợi lại đời sống của chị, không phải với cái nhìn từ trên cao hay với ánh mắt coi rẻ như một số người đàng hoàng trong đám dân Samari vẫn dành cho chị, nhưng là với tấm lòng muốn hòa giải chị với người chồng, và giúp chị tiếp tục lại cuộc sống chung với chồng.  Chỉ khi ấy chị mới có thể lãnh nhận nước trường sinh, và thay vì phải nô lệ một tình yêu bị cấm đoán, chị dấn thân vào tình yêu cao cả, và nhận được vẻ kiều diễm Đức Giêsu muốn ban cho chị.  Cần phải thay đổi nếp sống, phải dẹp bỏ mọi trở ngại, phải chân thành mới có thể đón nhận ơn cứu độ.

Một lần nữa, người phụ nữ lại đổi cách xưng hô với Đức Giêsu; chị coi Người là ngôn sứ.  Đồng thời, chị đổi sang đề tài tôn giáo.  Và với vấn đề này, Đức Giêsu cũng đưa chị đến nguồn mạch sâu xa, đến vương quốc sự thật rất rộng lớn.  Để đáp lại câu nói của người phụ nữ về Đấng Mê-si-a, Đức Giêsu đã xác nhận: “Đấng ấy chính là Ta, người đang nói với chị đây.” (Ga 4,26).

Từ nay, trung tâm của việc tế tự không phải là Giêrusalem, cũng không phải là núi Ga-ri-zim, nhưng chính là Đức Kitô.

Và giai đoạn cuối cùng đã đến.  Người phụ nữ nói với người khác về Đức Giêsu, chị nhận Người là Đức Kitô.  Chị không hề kể cho những người đồng hương về vấn đề thờ phượng Thiên Chúa, nhưng chị nói rõ những điều Người đã nói về đời sống của chị, cả những tội lỗi còn giấu kín.  Chị nói lên điều mà người ta nghĩ rằng chị nên giấu đi.  Người phụ nữ Samari thực là một trong những người truyền giáo đầu tiên của Kitô giáo.  Nhiều người đã tin lời chị.

Người phụ nữ đến giếng để múc nước, nhưng khi tìm được Nguồn mạch đích thực, chị đã bỏ lại vò nước, như các môn đệ đã từng bỏ lại lưới và thuyền.

Từ một người xa lạ, chị đã trở thành môn đệ của Đức Kitô.  Từ nhận xét ban đầu: người ngồi bên bờ giếng là người Do-thái, chị đã nhận ra người ấy là Đức Kitô, là Đấng Cứu Tinh.

Một kinh nghiệm cho mọi người

Người phụ nữ Samari đã nhận ra Đức Giêsu.  Ở đây không phải là một phép lạ có tính cách hữu hình; không là việc chữa lành bệnh, không là việc làm cho sáng mắt.  Điều kì diệu đã xảy ra nơi tâm hồn tội lỗi của người phụ nữ.  Qua việc giải thoát tâm hồn khỏi tội lỗi, Đức Giêsu đã nhận được tước hiệu vinh quang, mặc dù Người chưa chịu treo trên thập giá.

Tước hiệu vinh quang: “Vị Cứu Tinh của trần gian” không phải chỉ là cảm nghiệm riêng của người phụ nữ, nhưng còn là của cả một đám đông dân chúng.  Họ đã nghe câu chuyện người phụ nữ thuật lại và họ đã đến gặp Đức Giêsu, đã nghe lời Người giảng dạy và đã tin.

Như vậy, cây thập giá vẫn hiện diện trong suốt cuộc đời Đức Giêsu, và đã đem lại hậu quả trước khi Người bị treo lên.

Và Đức Giêsu đã quên hẳn cơn khát, quên cả sự mệt nhọc.  Người đã bắt đầu chu toàn sứ mệnh của Người khi hướng dẫn người phụ nữ tội lỗi đến đức tin, thay đổi lối sống: đưa về cho Chúa Cha những người biết thờ phượng theo thần khí và sự thật.  Hình ảnh đám đông người Samari đến gặp Đức Giêsu lại không phải là hình ảnh báo trước rằng Tin Mừng sẽ được loan báo đến tận cùng cõi đất?

Đức Giêsu đã có mặt tại Samari với tư cách của một Vị Cứu Tinh đầy nhân hậu.  Người đã đến để cứu vớt, để xoá bỏ những hận thù, để mặc khải những điều sâu xa.  Tại đó, Người đã kiên nhẫn thuyết phục người phụ nữ phóng túng về hạnh kiểm.  Trong câu chuyện này, lòng nhân hậu của Người thật là một an ủi, một nguồn mạch dịu mát cho tất cả những ai đang mang trong lòng những phiền muộn, những thất bại và cay đắng.

Hãy đến gặp Đức Giêsu
hãy thưa chuyện với Người
để thấy rằng mình được yêu thương.
Người đang chờ…
Hãy nghe lời Người nói:
Nếu anh, nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban

Lm. Nguyễn Cao Luật