BÀ SẼ SINH CON TRAI

“Hôm nay Hội Thánh mừng sinh nhật của Đức Maria. Ngày bé gái Maria chào đời

 Một bé gái được sinh ra ở ngôi làng Nadarét, thuộc vùng Galilê, nước Do Thái, cách đây hơn hai mươi thế kỷ.  Trong một xã hội trọng nam khinh nữ, điều ấy đâu có gì là quan trọng!  Nhưng dưới mắt Thiên Chúa, em bé này thật là một kiệt tác, bởi lẽ tất cả những gì tốt đẹp nhất làm được, thì Ngài đã làm cho em.  Ngay từ khi em còn trong bụng mẹ, Thiên Chúa đã chuẩn bị em cho một sứ mạng hết sức lớn lao, sứ mạng trở nên Mẹ của Đấng Cứu Thế, Mẹ của Ngôi Lời nhập thể.

Em bé ấy tên là Maria.  Hôm nay Hội Thánh mừng sinh nhật của Đức Maria.  Ngày bé gái Maria chào đời, Thiên Chúa chan chứa mừng vui và hy vọng.  Maria vừa là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa cho nhân loại, vừa là đại diện của nhân loại để đón nhận ơn cứu độ từ trời cao.  Thiên Chúa cần một người mẹ xứng đáng cho Con Một của mình.  Ngài muốn Con của mình được sinh ra từ cung lòng của một phụ nữ, để Người Con chí thánh ấy thực sự là người trọn vẹn.

Maria được chọn để làm người mẹ ấy, dù chẳng có công chi.  Vì thế ngay từ giây phút đầu tiên, khi thai nhi Maria còn trong bụng mẹ, Thiên Chúa đã ưu ái ban dồi dào ơn thánh, đã bao bọc em trong tình yêu.  Em được gìn giữ khỏi những vết nhơ của tội nguyên tổ.  Nhưng những ơn siêu phàm của Thiên Chúa không bóp chết tự do, không cưỡng ép Maria phải chấp nhận một định mệnh có sẵn, dù Thiên Chúa đã dành cho Maria một chỗ trong chương trình cứu độ.

Bé gái Maria đã lớn lên, đã thành một thiếu nữ, đã đính hôn với Giuse.   Chị Maria đã đi con đường tự nhiên của các thiếu nữ Do Thái.  Ơn Chúa tuy không làm cho Maria mang bề ngoài khác hẳn mọi người, nhưng vẫn âm thầm hoạt động mãnh liệt nơi tâm hồn của Chị.  Maria đã mềm mại để Thiên Chúa thì thầm với mình về dự định của Ngài.  Dự định ấy có thể làm đảo lộn những gì Chị ước mơ.

Khác với bà Evà, Chị tự nguyện buông đời mình để Chúa sử dụng.  Cả tình yêu và hôn nhân với Giuse, bây giờ cũng mang ý nghĩa mới.  Maria tin tưởng để Thiên Chúa dắt mình đi vào những lối chưa tường.

Bài Tin Mừng hôm nay về màu nhiệm Nhập thể, gồm ba tiếng Xin Vâng.  Tiếng Xin Vâng thứ nhất của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, được thụ thai bởi quyền năng Thánh Thần, để cứu dân mình khỏi tội.  Tiếng Xin Vâng thứ hai của Đức Maria, cô trinh nữ làng Nadarét.  Maria đã đón lấy Đấng Cứu thế bằng cả tâm hồn và thân xác mình.  Tiếng Xin Vâng thứ ba của Thánh Giuse, người bạn đời của Đức Maria.  Nghe lời trong giấc mơ, và vâng lời khi thức dậy.  Nhờ tiếng Xin Vâng này mà Con Thiên Chúa có chỗ dựa của người cha, và Maria được tiếp nhận như một người vợ đàng hoàng.

Mỗi lần mừng sinh nhật của mình, chúng ta lại nhớ đến ước mơ của Chúa về ta.  Vẫn cần những tiếng Xin Vâng của tôi để Thiên Chúa cứu cả thế giới.

********************************************

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.  Xin ban cho con quả tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền.  Một quả tim hào hiệp dám hiến thân, dịu dàng để cảm thông.  Một quả tim trung thành và quảng đại, không quên ơn, không báo oán.  Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, hân hoan xóa mình đi để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.  Một quả tim vĩ đại và bất khuất, không khép lại trước những kẻ vô ơn, không chán nản trước người lạnh nhạt.  Một quả tim khắc khoải lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô, quả tim mang vết thương vì yêu Ngài, vết thương chỉ lành khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

MỘT SỰ NGHỊCH LÝ

Con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý.  Một trong những cái nghịch lý ấy là điều kiện để theo Chúa.

Chúa đưa ra ví dụ người xây tháp, ông vua ra trận.  Làm gì thì cũng phải tính xem mình có đủ sức hoàn thành không đã.  Nhưng kết luận làm ta chưng hửng và há miệng suy nghĩ: “Cũng giống như thế, ai trong các ngươi không từ bỏ hết mọi của cải thì không thể làm môn đệ ta.”  Trước đó, Chúa đã nói đến phải từ bỏ những người ruột thịt và chính mạng sống mình.

Cái nghịch lý ở đó.  Muốn xây tháp phải có tiền.  Muốn thắng trận phải có lính.  Muốn theo Chúa, không cần có gì hết, nhưng phải từ bỏ mọi người ruột thịt và mọi của cải mình có.  Vấn đề không còn là có nhiều có ít mà là từ bỏ tất cả.

Thế nghĩa là gì?  Từ bỏ tất cả để theo Chúa nghĩa là coi Chúa hơn tất cả và tin vào một mình Chúa.  Muốn xây tháp phải có tiền, muốn thắng trận phải có lính, còn muốn theo Chúa phải coi Chúa hơn hết mọi người và mọi sự và tin tưởng vào Chúa hơn hết mọi sự, mọi người: tin vào Chúa mà thôi.  Bởi vì muốn theo Chúa thì phải sống bằng lòng tin, cậy, mến.

Nếu không coi Chúa hơn hết mọi người, mọi sự thiết thân với ta, và ta cảm được sự gần gũi bằng giác quan, ta sẽ dựa vào những người và những vật ta thấy được, nên bóng tối đến, khi ta không cảm thấy Chúa đâu nữa, mà chỉ cảm thấy sức nặng của cuộc sống, của vất vả và đau khổ, ta sẽ dễ dàng bỏ Chúa để quay về với những người và những vật ta cảm thấy được.

Cuộc chiến đấu của Chúa Kitô là cuộc chiến đấu chống lại Satan chứ không phải với kẻ thù bằng xương bằng thịt, nên ta không thể dựa vào người nào, hoặc sức mạnh nào của vật chất mà chiến thắng được, song phải dựa vào Chúa mà thôi.  Đây vẫn là cuộc chiến đấu Đavít – Goliath: “Ngươi cầm gươm giáo ra đánh ta, còn ta, ta ra đánh ngươi nhân danh Chúa mà ngươi thách đố” (1Sam 17,44).  Thế đấy, tuy Đavít đã có thể vỗ ngực trước mặt Saulê rằng mình đã từng tay không đánh nhau với sư tử và gấu để bảo vệ đoàn chiên của cha, nhưng khi nghênh chiến tên khổng lồ Goliath thì Đavít chỉ dựa vào Chúa thôi, và Đavít đã thắng, hay đúng hơn Chúa đã dùng tay Đavít mà tiêu diệt Goliath giải thoát cho dân Chúa.

Đây là vấn đề vinh danh Chúa.  Chúa thi thố quyền năng để làm vinh danh Chúa, nên Chúa chỉ ra tay khi người ta không mưu toan chiếm đoạt vinh quang Chúa bằng cách gán cho thế lực, của cải hay tài sức mình.  Trong chuyện Ghiđêon, Chúa đã bảo ông đuổi bớt người tình nguyện về, chỉ lấy 300 thôi, kẻo dân chúng lại tưởng nhờ sức họ mà họ chiến thắng.

Trong lịch sử, Chúa vẫn hành động như thế, Chúa hạ kẻ kiêu căng, tự phụ và nâng kẻ nghèo hèn, khiêm tốn lên.  Có những vị thánh thông thái, tài ba… nhưng các vị ấy đều khiêm nhượng, nhìn nhận quyền năng của Chúa và sự yếu đuối của mình; có những vị thánh yếu đuối, dốt nát như thánh nữ Catarina de Sienna, thánh Gioan Maria Vienney để làm nổi bật quyền năng của Chúa.

Cái có vẻ nghịch lý lại là một hợp lý khi người ta biết nhìn ra ý nghĩa đích thật của việc đi theo Chúa, với mục đích là vinh danh Chúa và sức mạnh là sức của Chúa.  Phải đặt Chúa lên trên hết vì Chúa là lẽ sống duy nhất của mình, vì đường lối của Chúa là duy nhất cho mình, và sức mạnh của Chúa là nguồn sức mạnh duy nhất để hoàn thành được cuộc hành trình theo sau Chúa, đi với Chúa.

Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan

THÁNH GRÊGÔRIÔ CẢ GIÁO HOÀNG, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (540-604)

Trong lịch sử, ít có người được mang danh Cả, và đáng được danh dự ấy một cách hoàn toàn như thánh Grêgôriô, Giáo Hoàng và tiến sĩ Hội Thánh.  Ngài sinh tại Roma, khoảng năm 540, là con của một nghị viên danh giá và giầu có, ông Gordianô.  Chúng ta không biết gì về thời thơ ấu của Ngài, nhưng ít ra là Ngài đã phải kinh nghiệm về những hậu quả do những cuộc chiến của vua Cothic với các tướng lãnh của hoàng đế Lussinianô, mà chính thức Roma đã bị cướp phá.

Thánh Grêgôriô đã thủ giữ một chức vụ trong xã hội.  Năm 573, Ngài được đặt làm tổng trấn thành phố, nhưng Ngài luôn nuôi lý tưởng tu trì.  Đó là lý do khiến Ngài không lập gia đình, và năm 574 Ngài đã rút lui khỏi đời sống công cộng để mặc áo tu sĩ.

Ông Gordianô từ trần, thánh Grêgôriô thừa kế gia tài, nhờ thế Ngài đã có thể thiết lập 6 tu viện tại Sicily và biến nhà trên đồi Copelia thành tu viện thứ 7 dâng kính thánh Andre.  Tại đây Ngài sống như một thầy đơn sơ.  Có lẽ bộ luật Ngài thiết lập chính là luật dòng Bênedicto.  Đây là những năm hạnh phúc nhất mà Ngài không bao giờ quên được, nhưng lại chẳng kéo dài được lâu.

Năm 578, Ngài được phong chức phó tế cai quản một trong bảy miền ở Romas.  Năm 579 Ngài được gởi đi Constantinopple làm đại diện Đức Giáo Hoàng.  Ngài mang theo một ít thày dòng và có rộng thì giờ để giảng cho họ về sách Giop, những bài giảng được thu góp lại thành cuốn luân lý.

Thánh Grêgôriô làm đại sứ trong khoảng 7 năm.  Sau đó trở về Roma, Ngài trở lại tu viện thánh Andrê làm viện trưởng (50 tuổi).  Năm 590 Pêlagiô II từ trần và thánh Grêgôriô được chọn lên kế vị.  Roma lúc ấy bị một cơn dịch tàn phá.  Vị Giáo Hoàng được chọn tổ chức những cuộc hành hương trong thành phố, Ngài thấy tổng lãnh thiên thần hiện ra ở một địa điểm nay gọi là Custel Saint Angele, đứng tuốt gươm ra, cơn dịch tự nhiên bị chặn lại và dân Roma chào mừng Đức Giáo Hoàng mới, như một người làm phép lạ.

Triều đại Đức Giáo Hoàng Grêgôriô kéo dài trong mười bốn năm, đòi hỏi trọn sức mạnh tinh thần và ý chí lẫn kinh nghiệm quản trị và ngoại giao của Ngài.  Đế quốc Roma đang suy sụp.  Dầu vậy hoàng đế ở Constantinople chỉ hiện diện tại Ý bởi một phó vương với một triều đình nhỏ, Ravenna có rất ít quyền lực về luân lý và vật chất.  Quân đội Bonabardô cướp phá bán đảo và Roma bị chiếm đóng năm 593.  Đức Grêgôriô thấy phải lập quân đội để bảo vệ Roma và đặt điều kiện với quân xâm lược.  Mọi việc thuộc đủ mọi phương diện trong quốc gia đang suy đồi đều đổ trên đức Giáo hoàng.

Trong khi đó đức Grêgôriô lo chấn chỉnh Giáo hội.  Các địa phận lộn xộn, Ngài ấn định lại ranh giới.  Các đất đai thuộc giáo hoàng được quản trị hữu hiệu.  Chính nhà ở của Đức Giáo Hoàng cũng cần phải tái thiết.  Nhưng không có gì đáng ghi nhớ hơn trong cách Đức Giáo Hoàng đương đầu với các vấn đề Giáo hội Đông và Tây, là việc Ngài nhấn mạnh đến quyền tối thượng của tòa thánh Roma.  Rất tôn trọng quyền của các Giám Mục trong các giáo phận, Ngài kiên quyết bênh vực nguyên tắc tối thượng của thánh Phêrô.  Đối với Hoàng Đế, Ngài rất tôn trọng uy quyền dân chính, nhưng cũng bảo vệ quyền lợi mình và của các dòng trong Giáo Hội.

Thánh Grêgôriô canh tân phụng vụ rất nhiều.  Ít nhất là Ngài đã đặt các “điểm” hành hương.  Dầu qua nhiều lần tranh cãi, nhưng dưới ảnh hưởng của Ngài, ngày nay nhạc và nghi lễ Giáo hội vẫn còn mang danh Ngài: nhạc Grêgôriô, lễ Grêgôriô.

Thánh nhân còn là văn sĩ rất phong phú.  Ngoài cuốn luân lý Ngài còn viết hai cuốn gồm những bài giảng về sách Ezechiel, một cuốn khác về những bài Phúc âm trong ngày, 4 cuốn đối thoại và một cuốn sau tập các phép lạ do các thánh người Ý thực hiện.  Cuốn sách chăm lo mục vụ trình bày những điều mà cuộc sống một giám mục và một linh mục phải làm. Sau cùng là một sưu tập thư tín.

Thánh Grêgôriô còn được gọi là tông đồ nước Anh.  Chính Ngài đã muốn đi truyền giáo để cải hóa luơng dân Saxon.  Nhưng không đi được, năm 596 Ngài đã trao phó nhiệm vụ cho các tu sĩ dòng thánh Andrê do thánh Augustinô Conterbury dẫn đầu.

Thánh Grêgôriô cả qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604.  Ngài được mai táng trong đại giáo đường thánh Phêrô.  Nấm mộ đầu tiên của Ngài mang bản chữ Latinh tóm gọn đời Ngài, Ngài được gọi là “chánh án của Chúa.”  Các chánh án của Roma đã qua đi.  Chính đế quốc Roma đang hồi hấp hối nhưng thánh Grêgôriô là điểm nối giữa thời các giáo phụ với thời các giáo hoàng, giữa vinh quang của thành Roma lịch sử với vinh quang của kinh thành Thiên Chúa.

Nguồn http://conggiao.info/