TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Thật khiêm tốn, tự đặt mình vào chỗ thấp nhất, làm những điều bình thường nhỏ bé bằng đường lối phi thường:

Với tất cả tình yêu thương Tư tưởng của Thánh Têrêsa

Một Cuộc Sống Rất Bình Thường

Sự thánh thiện của Thánh Têrêsa không phải từ hiện tượng phi thường nào.  Đây là vấn đề:” làm những điều bình thường bằng đường lối phi thường.”

Rất nhiều người khó có thể nhận thức rằng Therese Martin đã có một cuộc sống rất bình thường.  Bởi vì bây giờ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, được cả thế giới biết đến và được vinh danh với nhiều tước hiệu: (Quan thầy các đoàn truyền giáo, Quan thầy thứ hai của nước Pháp, Tiến sỹ Giáo Hội v.v…) chúng ta quên rằng ngài đã ra đi không được chú ý trong gia đình ngài, giữa bạn hữu, trong tu viện Carmelite, ngay cả vị linh hướng của ngài cũng ít chú ý đến ngài.

Dù thế, Lisieux người ta đã nói với nhau rằng một cô gái đã dám nói với Đức Giáo Hoàng Leo XIII trong một cuộc triều kiến ở La Mã (một tờ báo quốc gia đã tường thuật truyện này).  Sau đó ngài vào tu viện Carmel ở khi được 15 tuổi 3 tháng.  Nhưng ngài qua đời âm thầm trong tu viện Carmelite và chỉ có khoảng 30 người hiện diện trong đám tang ở nghĩa trang thành phố Lisieux.  Đã có 500.000 người hiện diện trong buổi lễ phong thánh của ngài tại Nhà thờ Thánh Phê-rô ở La Mã ngày 17 tháng 5 năm 1925.

Vâng đó là một cuộc sống bình thường và âm thầm.

Ở Alencon- Lisieux (1873-1888)

Trong một gia đình Thiên Chúa Giáo ở Alencon: Người cha là ông Louis Martin, một thợ làm đồng hồ và thợ kim hoàn, và người mẹ, bà Zelie Guerin, là thợ làm đăng ten.  Ông bà có 8 người con: bốn người con đã mất khi còn nhỏ.  Còn lại 4 chị em gái và bà mẹ lại mang thai lần nữa ở tuổi 40.

Therese sinh ngày 2 tháng 1 năm 1873.  Cô là một bé gái rất linh hoạt.  Cô về sống với gia đình một năm rưỡi sau đó sống với bà vú vì mẹ cô không thể cho cô bú.  Cô sống rất hạnh phúc trong gia đình với tình thương mến của bố mẹ và các chị.  Cô thừa hưởng một đức tin mạnh mẽ từ gia đình cô.  Mọi sự tốt đẹp cho đến khi biến cố đau lòng xảy ra: bà Zelie Martin qua đời vì bệnh ung thư vú vào năm 1877, lúc đó bé Therese mới 4 tuổi rưỡi.

Bé Therese bị xúc động mạnh.  Cô chọn chị Pauline là người mẹ thứ hai, nhưng vết thương quá sâu phải mất mười năm mới nguôi ngoai được.  Vì phải nuôi 5 cô con gái nên ông Martin đã theo lời khẩn khoản của người em trai rể dọn về Les Buissonets, Lisieux.

Bé Therese tìm thấy một không khí ấm cúng tại đây, tuy vậy 5 năm đi học tại trường Benedictine lại trở nên “buồn bã nhất trong đời.”  Bé là một cô học trò nhút nhát cho nên không chịu nổi cuộc sống ở trường học.  Khi chị Pauline rời nhà để nhập tu viện Carmel, vết thương của cô đau đớn trở lại.

Ở tuổi lên 10, Therese đã mang một căn bệnh trầm trọng.  Cô bị bệnh ảo giác.  Các bác sỹ đã bó tay.  Gia đình cô vào các nữ tu dòng Carmel cầu nguyện rất nhiều.

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1883, bức tượng Đức Trinh Nữ đã mỉm cười với cô và cô đã khỏi bệnh tức thì.

Năm sau đó, vào ngày 8 tháng 6 năm 1885, Therese được Chịu Lễ lần đầu.

Từ đó cô đã nghĩ tới việc nhập dòng Carmel.  Sau đó người mẹ thứ ba là Marie lại nhập tu viện khiến cô lại một lần nữa khổ đau về sự chia lìa.

Cô đã phải vượt nhiều khó khăn trong việc đi tu.  Cô đã phải tranh đấu với ông chú, vị tu viện trưởng, vị Giám Mục địa phương, và ngay cả với Đức Giáo Hoàng Leo 13.  Cô đã cương quyết theo đuổi nguyện vọng được “yêu Chúa Giê-Su và làm cho Người được yêu.”

Được biết việc một kẻ giết người đã giết 2 người đàn bà và một bé gái 12 tuổi ở Paris, Therese đã cầu nguyện thật nhiều và làm nhiều việc nhân đức cho anh ta, cầu xin cho anh Henry Pranzini, kẻ giết người, được ơn cứu độ.  Anh ta đã bị xử trảm nhưng giây phút chót anh đã hôn tượng Chúa Chịu Nạn.

Therese đã khóc lên sung sướng, việc cầu nguyện của cô đã được nhậm lời, cô gọi anh Panzini là “đứa con đầu tiên.”

Trong một cuộc hành hương đi nước Ý, cô xin được có phép của Đức Giáo Hoàng để nhập tu viện ở tuổi 15.  Cô chỉ nhận được sự trả lời một cách thoái thác.  Dù vậy vào ngày 9 tháng 4 năm 1888 cô đã lìa xa cha, chị Celine, chị Leonie và con chó Tom mãi mãi.

Therese đã thật hạnh phúc nhập dòng Carmel mãi mãi, một “tù nhân” với Chúa Giê-Su và với 24 nữ tu khác.  Cô nhiệt thành chấp nhận cuộc sống cầu nguyện ở tu viện.

Sự đau khổ lớn nhất của Therese vào lúc đó là bệnh tình của cha cô, ông đã phải nhập viện tâm thần ở Caen.  Sau đó ông qua đời và người chị cô là Celine, người săn sóc ông đã cũng nhập tu viện, như vậy trong tu viện đã có 4 chị em: Therese, Leoni, Pauline, Celine.

Sau nhiều năm tìm kiếm Therese đã thấy được linh đạo.  Cuộc đời của cô đã đổi hẳn.  Cô nhận được ơn thông hiểu về Thiên Chúa.  Cuộc sống Ki-Tô hữu không gì khác hơn cuộc sống một em nhỏ với Người Cha Nhân Từ, bắt đầu từ Lễ Thanh Tẩy và tiếp tục trong sự phó thác trọn vẹn.”  Nếu anh em không trở nên như trẻ em thì anh em sẽ không được vào Nước Trời.”

Ngày 9 tháng 6 năm 1895 trong ngày Lễ Chúa Ba Ngôi, một linh cảm đột nhiên nổi lên trong Therese: cô phải tận hiến làm vật hy sinh toàn thiêu cho Tình Thương Xót Chúa.  Sau đó Therese bị bệnh lao, tuy vậy cô đã dùng hơi sức trong hai năm còn lại để dạy dỗ cho 5 tập sinh và linh hướng cho 2 sư huynh truyền giáo một ở nước Trung Hoa, một ở Phi Châu.

Therese lại bị kiệt sức về bệnh đau cuống họng, tuy vậy cô đã vâng lời viết những dòng hồi ký cuối cùng.

Therese đã viết: cô ngợi ca Tình Thương Xót Chúa trong cuộc sống ngắn ngủi của cô.

Cô đã cầu nguyện rằng: “sẽ làm điều tốt cho trái đất sau khi cô chết, cho tới ngày tận thế.”  Cô đã khiêm nhượng tiên tri rằng sứ mạng của cô sau khi chết là hướng dẫn Linh Đạo Nhỏ cho các linh hồn.  Cô qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897.

Cô đã viết rằng cô muốn trở nên: một linh mục, một phó tế, một tiến sỹ Hội Thánh, một nhà truyền giáo, một người tử đạo” có nghĩa là cô muốn tất cả.

Một năm sau khi cô qua đời, cuốn sách Một Tâm Hồn, trích đoạn những bài viết của Therese được phát hành.

Therese đã được phong Thánh ngày 17 tháng 5 năm 1925.

Sưu tầm

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL, GABRIEL, RAPHAEL

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.  Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.  Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.  Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô, từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.

Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).  Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).  Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11), sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.  Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến, một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).  Ngài đã không tránh né cái chết bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).

Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).  Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).  Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời, trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).

Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.  Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở, và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).

Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy “một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).

Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại.  Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.  Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi, nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực, vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.

Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.  Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.  Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.  Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa, vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.

Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

**************************************

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ, xin giúp con quên mình hoàn toàn để ở lại trong Chúa, lặng lẽ và an bình như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.  Lạy Đấng thường hằng bất biến, mong sao không gì có thể khuấy động sự bình an của con, hay làm cho con ra khỏi Chúa; nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!  Xin làm cho hồn con bình an thanh thản, xin biến hồn con thành chốn trời cao, thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa, nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi con không bao giờ để Chúa ở đó một mình nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người, với thái độ nhạy bén trong đức tin, cung kính tôn thờ và phó mình cho Chúa sáng tạo. 

Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité

HỐ NGĂN CÁCH GIẦU NGHÈO

Chương 16 câu 26 của Tin Mừng Lu-ca khảng định: có một cái hố ngăn cách “Giữa chúng ta đây và các anh có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các anh cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta cũng không được.”  Một trong các mục tiêu của dụ ngôn “ông phú hộ sang giầu và tên La-da-rô nghèo khổ” là: cho thấy cái hố này sâu tới mức nào.  Cái hố ngăn cách giầu nghèo được đề cập tới trong câu truyện dụ ngôn này không thể được hiểu theo định hướng kinh tế xã hội, cách mạng chính trị, ý thức hệ, thậm chí theo nội dung luân lý đạo đức.  Ở đây liên tục với nội dung trước đó của chương 16, Lu-ca muốn diễn đạt ý nghĩa Tin Mừng là điều duy nhất Đức Giêsu muốn rao giảng.

Khác hẳn với luật lệ của Cựu Ước nặng tính luân lý và đạo đức, trong đó quan trọng nhất là việc trung thành giữ luật, thì theo Tin Mừng Tân Ước, mạc khải tình yêu nhân hậu tha thứ của Thiên Chúa mới là điều quan trọng nhất cần phải là được đón nhận.  Theo Cựu Ước, thiên đàng – hỏa ngục là phần thưởng – hình phạt dành cho người tốt / kẻ xấu, người trung thành giữ luật / kẻ bất trung phá luật, người đạo đức / kẻ khô khan, người thánh thiện / phường tội lỗi.  Còn theo Tân Ước, được vào Nước Trời là được hưởng trọn tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa từ nhân (“La-da-rô trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham” là một điển hình), sẽ dành cho những ai đã từng biết đón nhận khi còn sống; còn bị loại ra khỏi Vương Quốc tình yêu đó (bị cực hình, bị lửa thiêu đốt) là số phận của những ai khi sống đã từ chối đón nhận tình yêu tha thứ này.  Khi Đức Giêsu tuyên bố: “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó vì Nước Thiên Chúa là của anh em… khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói” (Lc 6:20.25) chắc hẳn Người đang công bố nội dung Tin Mừng này.

Như vậy, cái vực thẳm lớn vĩnh viễn ngăn cách việc tiếp nhận hay khước từ Tin Mừng cứu độ chỉ có thể xuất hiện sau khi chết; “người nghèo này chết…  ông nhà giầu cũng chết”; thế nhưng, ngay từ cuộc sống trần thế, nó đã khởi sự được hình thành; “người nghèo khó… nằm trước cổng ông nhà giầu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.”  Cái hố ngăn cách của tiếp nhận hay chối từ Tin Mừng cứu độ được hình thành và phát triển dựa vào định hướng trái chiều giữa giầu và nghèo trong nội dung Tin Mừng.  Đó là lý do khiến Đức Giêsu nhiều lần lên tiếng cảnh giác sự giầu sang đồng thời tôn vinh nghèo khó, Người hoàn toàn trung thành với viễn cảnh đón nhận Vương Quốc tình yêu cứu độ.

Trong dụ ngôn, nếu ông nhà giầu chỉ “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, thì đâu ông có làm gì nên tội để đáng bị cực hình thiêu đốt; cũng vậy, nếu La-da-rô chỉ “nghèo khó… mụn nhọt đầy mình…” thì đâu có làm nên công trạng gì để đáng được “thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham.”   Chi tiết mô tả ông nhà giầu gợi ta nhớ đến cái cảnh “được no nê” thỏa mãn đâu cần được ai thương xót; còn người nghèo khó “thèm được những thứ trên bàn ăn rớt xuống… chó đến liếm ghẻ chốc” chính là thái độ mong đợi, cầu xin được xót thương.  Đối với Tin Mừng, giá trị đích thực của giầu nghèo là ở chỗ đó: sống giầu dễ đưa tới tự mãn để không cần tới lòng xót thương (khốn cho), còn sống nghèo tạo điều kiện tự nhiên để mở ra đón nhận lòng thương xót (phúc thay).  Nếu cứ tiếp tục “sống giầu” như thế (trường hợp ông nhà giầu), và nếu cứ tiếp tục “sống nghèo” như thế (trường hợp La-da-rô) thì việc bị loại khỏi hay được đón nhận vĩnh viễn vào Nước Trời sau khi chết sẽ chỉ là chuyện đương nhiên.  Lúc đó cái hố ngăn cách giầu nghèo sẽ không còn gì có thể lấp đầy được (vẫn theo nghĩa Tin Mừng); “vực thẳm lớn đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.”

Giầu – nghèo, trong học thuyết Tin Mừng của Đức Giêsu, chỉ là hoàn cảnh / điều kiện nghịch hay thuận để đón lấy Nước Trời cứu độ; do đó “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”  Đức Giêsu sống thân phận nghèo khó như “con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có lấy hòn đá gối đầu” là để Người rộng mở hoàn toàn cho Vương quốc của Cha.  Và Người kêu gọi bất cứ ai muốn theo Người cũng hãy “bán đi hết những gì mình có và bố thí cho kẻ khó…” để có điều kiện thuận lợi mở tâm hồn đón nhận lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa.  Ki-tô hữu, vì là người của Tin Mừng, phải luôn cảnh giác với cuộc sống giầu sang vì mối nguy cơ nó tiềm ẩn, nhưng phải vui mừng ôm ấp sự nghèo hèn đói khát chính vì thuận lợi Tin Mừng nó cống hiến.  Nếu họ có giầu, thì chí ít họ cũng biết nhận ra “con đã nhận được phần phước của con”, tức là hồng ân của lòng từ bi Chúa, để biết khiêm tốn tạ ơn; còn nếu nghèo khổ “suốt một đời chịu toàn những bất hạnh… thì được an ủi nơi đây”, để vui mừng và hy vọng.

Đó chính là Tin Mừng đích thực đang được rao giảng cho những người nghèo khó!

Lạy Thiên Chúa là Cha!  Đức Giêsu đã dạy chúng con cầu nguyện cùng Cha.  Những điều con cầu xin Cha có thể là vô vàn và rất khác nhau vì con có quá nhiều nhu cầu cả về phần xác lẫn phần hồn, tuy nhiên con biết rất rõ: điều chính yếu trong cầu nguyện chính là tư thế khó nghèo của con.  Xin Cha nhận lời cầu nguyện của con, không phải để thỏa mãn những điều con xin, nhưng là chấp nhận thân phận đớn hèn con mong hướng về Cha.  Và xin Cha gìn giữ con luôn mãi trong sự nghèo hèn của mình để không ngừng hướng lòng con về tình nhân ái Cha.  Amen.

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

HÃY THEO THẦY LẦN NỮA

Các bạn trẻ thân mến,

Lần đầu tiên Phêrô được nghe giới thiệu về thầy Giêsu là thông qua người anh em của mình là Anrê.  Sau một ngày ở với Giêsu, Anrê về nhà thuật lại với Phêrô là mình đã thấy Đấng Cứu Thế.  Phêrô cũng nghe thế thôi, chứ nào biết Đấng Cứu Thế ấy là ai.  Thế rồi, chuyện xảy ra với ông hệt như một giấc mơ.  Vào một ngày đẹp trời, khi ông cùng gia đình đang giặt lưới sau một đêm đánh cá thất bại thì Giêsu bước đến, xin được ngồi trên thuyền của ông và nhờ ông chèo ra xa một chút để Ngài có thể giảng dạy cho dân chúng cả ngàn vạn đang đứng trên bờ.  Phêrô lòng mừng như mở hội, liền làm theo.  Nghe danh tiếng vị Thầy này đã lâu, nay chính Phêrô được ngồi dưới chân Thầy để nghe giảng dạy.  Vị Thầy danh giá kia không chọn cho mình một tòa giảng uy nghiêm để giáo huấn, nhưng lại chọn con thuyền nhỏ bé ọp ẹp của mình.  Giảng xong, Giêsu còn thực hiện ngay trước mắt Phêrô một phép lạ nhãn tiền về mẻ cá, khiến ông vô cùng kinh ngạc.  Trong khi Phêrô còn chưa hoàn hồn vì lời nói và quyền năng của Người, Giêsu đã lên tiếng mời gọi ông hãy theo Người; đồng thời hứa hẹn một tương lai khác sẽ đến với ông.

Bỏ hết mọi sự lại đàng sau, Phêrô cất bước lên đường theo Chúa.  Khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để Phêrô hiểu hơn về con người Giêsu.  Đi đâu, làm gì, bí mật gì, Giêsu cũng tỏ bày cho Phêrô.  Giêsu đã dành cho Phêrô điều ưu ái.  Đặc biệt, một lần nọ, nhờ mặc khải của Chúa Cha, Phêrô đã nhận ra và tuyên xưng căn tính Mêsia của Đức Giêsu.  Giêsu đã không ngần ngại đặt ông đứng đầu nhóm Mười Hai, đồng thời trao cho ông chìa khóa Nước Trời, hứa sẽ xây dựng trên ông tòa nhà Giáo Hội.  Tòa nhà này vững vàng đến độ cả quyền lực tử thần cũng không thể nào làm chuyển lay.  Phêrô hạnh phúc khi trở thành người thân cận của Thầy và được Thầy mặc khải cho nhiều thứ.

Cứ ngỡ là với những đặc ân ấy, hành trình theo Giêsu của ông thêm phần vững chãi.  Ông tưởng rằng với chút tình cảm ông dành cho Chúa và những lời khen Chúa dành cho ông có thể khiến ông xông pha với Giêsu trên đường thương khó.  Nào ngờ, vì một phút yếu mềm, ông thẳng thừng chối bỏ tương quan giữa mình với Chúa.  Tòa nhà ảo tưởng mà ông tự xây nên cho mình sụp đổ ngay trước mắt ông, làm tan vỡ trong ông bao cao ngạo về mình.  Chúa muốn được sát cánh bên ông nên ban cho ông biết bao ân sủng.  Còn ông, sau một thời gian dài cất bước theo Chúa, ông vẫn chỉ theo từ đàng xa, thậm chí có khi quay lưng, không còn muốn theo nữa.

Nhưng trên bờ biển hồ, khi xác tín lại lần nữa tình yêu của mình dành cho Giêsu, Phêrô như được Thầy bổ sung thêm sinh lực.  Lời mời gọi theo Thầy đầu tiên cũng đến từ bờ hồ, sau mẻ cá lạ.  Giờ đây, cũng trong một khung cảnh tương tự như thế, một lời mời gọi bước theo Thầy lại tiếp tục được cất lên.  Cả hai lần đều là theo Thầy, nhưng lần này là một cuộc bước theo quyết liệt hơn, vì đã trải qua bao vấp ngã.  Bước theo Thầy lần này đồng nghĩa với sứ vụ chăn dắt các con chiên của Thầy, để rồi khi về già, ông sẽ được dẫn đến nơi mà ông không muốn.  Cuộc đời của Phêrô cứ mãi là một sự lặp lại giữa theo Thầy rồi vấp ngã, rồi lại tiếp tục theo Thầy.  Mỗi lần theo Thầy lần nữa là mỗi lần tiếng gọi trong ông thêm mãnh liệt và sự dấn thân có phần thúc bách hơn.

Các bạn trẻ thân mến,

Tiếng gọi của Giêsu mời ta bước theo Ngài luôn vang vọng trong tâm trí ta.  Lúc nào ta cũng được thôi thúc để bước đi trên đường lành, làm điều tốt.  Lúc nào ta cũng được mời gọi để dấn thân phục vụ, để hy sinh và chia sẻ.  Cảm nghiệm được tình yêu Ngài dành cho ta, có khi ta rất hăng hái, cho đi mà không biết mệt mỏi, dấn thân, quên mình.  Nhưng cũng có khi bước chân ta trở nên mệt mỏi và nặng nề.  Ta buông trôi đời sống mình trong những lạc thú.  Hành trình theo Chúa của ta bị khựng lại ở những tật xấu hay những tội lỗi truyền kiếp của ta.  Mỗi lần như thế, ta thường thấy chán nản và không muốn tiếp tục dấn thân.  Ta thu mình về trong góc phòng tăm tối với những cảm xúc u buồn và tiêu cực của ta.

Ngày hôm nay, Giêsu như một lần nữa tiếp tục mời gọi ta lên đường theo Chúa.  Tội lỗi ta có cao như núi, miễn là ta vẫn còn yêu Chúa và muốn dấn thân, Chúa chẳng bao giờ từ chối.  Đừng để tội lỗi làm ta chùn lòng, nhưng hãy để tình yêu Đức Kitô cuốn hút ta.  Hãy biết đứng lên sau những lần vấp ngã.  Hãy biết chỗi dậy sau những lần ngủ mê.  Hãy để cho tiếng gọi của Giêsu thôi thúc cõi lòng ta.  Giêsu luôn trao ban cho chúng ta những cơ hội mới.  Ngài không đòi hòi điều gì nơi ta, ngoại trừ một tình yêu xuất phát tự trái tim dành cho Người.  Tín thác vào tình yêu của Người, chúng ta hãy vượt qua những cảm giác chán chường thất vọng, để tiếp tục thưa tiếng xin vâng với Người khi Người cất tiếng mời gọi ta lần nữa.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

CÁI TÂM

Thân xác không tim thì thân xác chết, làm người không có tâm, cuộc sống chỉ có hận thù, và là mối nguy hiểm cho mọi người.

Tâm của ai nói lên nhân cách người đó. Chẳng hạn:

– Sống gần người có tâm lệch lạc, bạn dễ bị sự hoang mang tấn công.

– Sống gần người có tâm gian dối, bạn vô cùng đau khổ.

– Sống gần người có tâm thủ đoạn, bạn dễ đối diện cùng nguy hiểm cho an ninh đời mình.

– Sống gần người có tâm ganh ghét, bạn dễ trở thành đối tượng của sự đố kỵ.

– Sống gần người có tâm tráo trở, cuộc sống của bạn mất bình an.

– Sống gần người có tâm thù hận, bạn dễ bị oán ghét.

– Sống gần người có tâm tham lam, bạn dễ bị tước đoạt nhiều thứ.

– Sống gần người có tâm hay nghi ngờ, cuộc sống của bạn dễ bị chính sự nghi ngờ của họ làm cho khổ sở.

– Sống gần người có tâm đố kỵ, bạn dễ trở thành người bị soi mói, dòm ngó.

– Sống gần người có tâm ích kỷ, bạn nên chuẩn bị để đón nhận những mưu toan, tính toán bất lợi, miễn họ có lợi.

– Sống gần người có tâm thâm thù, bạn đang đối diện với người đi sát cạnh sự độc ác.

– Sống gần người mà tâm mang nặng mối tư thù, bạn nên chuẩn bị để đón nhận nhiều lời lẽ và hành vi hằn học…

Người đời vẫn gọi người chất chứa những loại tâm như trên là bất chính hay không có tâm.

Hãy nhớ, tâm là cốt cách của mỗi người, làm nên tư cách và tính cách của người ấy. Vì thế, nếu là người có tâm bất chính hay không có tâm, thì dù có cố che cố đậy và che đậy khéo đến mức nào, thì sớm muộn gì, họ vẫn bị bại lộ.

Vì thế, giữ cho bản thân vừa sống thực tâm, vừa sống có tâm hay tâm công chính, ta cần:

– Luôn luôn giáo dục lương tâm mình ngay chính.

– Học đòi bắt chước gương lành, gương tốt.

– Sống và hành động theo lối sống của các người lành, nhất là của các thánh nhân.

– Giữ tâm hồn mình ngay thẳng, trung thực.

– Dẹp bỏ kiểu suy nghĩ, kiểu lý luận a dua, đua đòi: người khác thế nào, tôi thế ấy.

– Không phải lúc nào cũng chạy theo đám đông mà không phân định, không đưa ra những quyết đoán khôn ngoan, sáng suốt.

– Không bao giờ xấu hổ khi làm điều lành.

– Dứt khoát xấu hổ khi chỉ cần suy nghĩ đến điều xấu hay có ý làm điều xấu.

– Luôn hướng thiện, nghĩ về điều thiện, dẫu đang bị vây bũa bởi môi trường xấu, gương mù, gương xấu.

– Thường xuyên cầu nguyện, xin Chúa giải thoát mình khỏi bóng tối sự dữ, sự xấu.

– Chăm chú lắng nghe, đọc, suy niệm, tập tành sống Lời Chúa, giáo huấn của Chúa.

– Luôn luôn ý thức Chúa đang đồng hành với mình, Chúa hiện diện trong linh hồn mình, Chúa nhìn thấy mình, Chúa thấu biết mọi hành vi và suy nghĩ của mình.

– Trung thành với mọi lề luật mà Hội Thánh dạy.

Vì thế, trên thực tế, ta cần:

– Để tâm của mình sống động nơi cõi lòng để biết yêu thương và chân thành đón nhận yêu thương từ người khác.

– Để tâm của mình sống động nơi đôi bàn tay để biết giúp đỡ người cần giúp đỡ.

– Để tâm của mình sống động nơi đôi chân để đến những nơi, những người còn nhiều kém cỏi, bi đát, cơ nhỡ, thương đau.

– Để tâm của mình sống động nơi suy nghĩ để luôn nhìn mọi người, mọi hoàn cảnh băng ánh nhìn tốt , khía cạnh đẹp. Nếu cần đánh giá sẽ đánh giá cách độ lượng, vị tha.

– Để tâm của mình sống động nơi môi miệng để biết im lặng khi cần, và nếu phải phát biểu sẽ là những lời không lên án, không thiên kiến, nhưng mang lại bình an, tình người, và cảm thông.

– Để tâm của mình sống động nơi đôi tai để bỏ ra ngoài những lời dèm pha, soi mói người khác. Chỉ nghe những lời giúp ta trưởng thành trong đời sống, trong tương quan với đồng loại, và những gì là chân lý, là lẽ phải.

Để có tâm, không phải ngày một, ngày hai mà có được. Một người chưa từng có tâm, không phải tự dưng mà có nó. Tất cả phải là một quá trinh nỗ lực học tập và cố gắng từng ngày.

Sống ở trên đời mà không có tâm, dễ biến ta thành người tàn nhẫn, đáng sợ… Sống mà lại biến mình thành nguyên nhân của nỗi khiếp sợ, của sự mất bình an, ta là kẻ bỏ đi, kẻ không đáng sống (dân gian hay chế diễu: “hết xài”, “hết thuốc chữa”…).

Ngược lại, ta biết rèn chữ tâm, nó sẽ là giá trị của đời ta và làm nên chỗ đứng, nhân phẩm của ta trong lòng những ai đã từng sống bên ta.

Nếu hương sắc là cái quý của mọi loài hoa, vì không hương, không săc, hoa không thể là hoa. Tâm của một người là cái đẹp vô giá của chính người đó

Một lần nữa, hãy ngắm các loài hoa để nhận diện lại nét đẹp vô cùng của kẻ có tâm.

Vậy, ta hãy tự tạt hình tượng của mình khi sống giữa đời bằng SỐNG CÓ TÂM!…

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

CÓ CHỦ, CHỦ NÀO?

Mấy năm nay, ruộng vườn thua lỗ, đất đai lên giá.  Như nhiều nơi trên đất Việt này, những người ở quê tôi đua nhau bán đất.  Có tiền rồi, người ta cũng “lên hương”: nào nhà cửa mới, các vật dụng trong nhà mới, xe mới…

Tuần vừa qua, tôi dâng thánh lễ an táng cho một thiếu niên mười bảy tuổi.  Thiếu niên này chết do… có tiền bán đất.  Cách đây chưa lâu, bà nội của em bán một miếng vườn cho một nhà kinh doanh gì gì đó tận Đà Nẵng.  Em là đứa cháu nội duy nhất của bà.  “Bà cưng thằng cháu nội của bà nhất nhà,” bà nội em đã từng tuyên bố như thế.  Bán đất xong, việc đầu tiên, bà nội mua ngay cho thằng cháu cưng một chiếc xe phân khối lớn, dù em chưa đến tuổi được phép lái xe loại cao.  Có xe, “thằng cháu cưng của nội” đi học bằng xe, đi chơi bằng xe, đi… trêu ghẹo bạn gái bằng xe cho… “oách” (điều này khỏi nói ai cũng biết) và đi… nhậu cũng bằng xe…

Vào một đêm mưa lất phất bay, cháu đi đến khuya chưa về.  Bà nội chờ cháu.  Cả nhà chờ cháu.  Mãi đến 2 giờ sáng, người ta đưa cháu về gởi lại gia đình… bằng một xác chết không còn đỉnh đầu, bởi đỉnh đầu nát bấy.  Chiếc xe của bà nội tặng đứa cháu cưng, để đánh dấu ngày bà nội giàu có nhờ bán đất, ngày nào đẹp là thế, bây giờ cong lại như muốn gãy đôi.  Những người hữu trách cho biết trong bao tử “cháu cưng của bà nội” toàn rượu đế.  Cháu phóng xe nhanh trên đường vế nhà sau chầu nhậu.  Nhưng cháu không phóng về đến nhà, lại lao thẳng vào phía trước của xe tải chạy ngược chiều với cháu.  Nhìn thấy xác cháu, bà nội xỉu vì ép tim, làm mệt và cao máu, phải đi bệnh viện.  Cả nhà rối tung lên vì cháu chết bất ngờ quá.  Có ai ngờ, món quà quý bà nội tặng cháu vì thương cháu, lại trở thành phương tiện chở cháu đi… gặp “Ông Trời.”  Đau đớn quá.  Đau hơn cắt ruột, cắt gan.

Biết trách ai bây giờ?  Trách cháu nông nổi cạn nghĩ?  Trách bà nội cưng cháu?  Trách gia đình bỗng dưng giàu có?  Hay trách đồng tiền, trách chiếc xe, trách của cải bội bạc?

Bài Tin Mừng Chúa nhật 25 thường niên hôm nay cho thấy, Chúa không trách tiền, không trách của cải.  Chúa dạy người ta phải biết cách sử dụng đồng tiền, sử dụng của cải.  Vì nếu có tiền, có của mà không biếc cách sử dụng, người ta không chỉ giết chết một hay nhiều mạng sống, mà nguy hiểm hơn, đau đớn hơn, đáng trách hơn: Người ta sẽ giết chết sự sống vĩnh cửu của mình, thậm chí của người khác nữa.

1. Ý NGHĨA DỤ NGÔN NGƯỜI QUẢN LÝ BẤT TRUNG, GIAN LẬN

Đã gọi là bất trung, gian lận, lẽ ra, Chúa phải kết án người quản lý như thế, đàng này Chúa lại khen anh là người quản lý khôn khéo.  Thật ra, Chúa không khen ngợi hành động gian trá của anh.  Chúa không bao giờ đồng tình với sự xấu: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (Lc 16, 8).  Khi gọi người quản lý là “con cái đời này,” Chúa Giêsu đã không để anh đứng chung hàng ngũ với “con cái sự sáng.”  Anh chỉ thuộc về đời này, thuộc về thế gian mà thôi.  Nếu hiểu khôn ngoan là thái độ tốt lành của người tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì người quản lý trong dụ ngôn không phải là người khôn ngoan, chỉ là người khéo léo.  Anh chỉ được khen là khôn khéo vì “biết dùng tiền của bất chính mà mua lấy bạn bè” cho cuộc sống trần gian, chứ không hề được khen là khôn ngoan vì đã tìm kiếm Nước Thiên Chúa.

Dụ ngôn của Chúa được dựa trên quan niệm về quản lý của thời đó.  Thường những gia đình giàu hay mướn một quản lý.  Một khi người quản lý đã được tin tưởng, anh ta kể như người có toàn quyền hành động, miễn là làm sao cho cho tài sản của chủ không chỉ được bảo đảm mà còn có thể gia tăng.  Và khi làm lợi cho chủ, người quản lý có quyền hưởng một tỷ lệ hoa hồng tương xứng.  Người quản lý trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể, vì lý do nào đó, chủ không còn tin tưởng anh, không muốn sử dụng anh tiếp tục công việc quản lý cho ông.  Vì sắp bị chủ sa thải, người quản lý cảm thấy nguy hiểm cho tương lai đời mình.  Anh không thể ăn mày, cũng không thể cuốc đất.  Anh nghĩ ra một cách khả dĩ cứu vãn tình thế sau khi anh mất việc: Anh gọi những người thiếu nợ chủ lại, lấy biên lai nợ của họ trừ đi phần hoa hồng mà họ phải trả cho anh, chỉ còn lại nguyên phần nợ của chủ.  Như thế, anh không ăn gian của chủ.  Còn những người mắc nợ, chỉ trả nợ ít hơn, nên họ sẽ mang ơn anh.  Nếu anh thất nghiệp có thể họ sẽ giúp đỡ anh.  Cách làm này được Chúa khen là biết dùng tiền của mà mua lấy tình người.

Qua câu chuyện, Chúa muốn dạy ta rằng, cũng như người quản lý trong dụ ngôn, ta hãy sử dụng tiền của sao cho tiền của đó mang lại lợc ích đời đời cho ta.  Đúng hơn, sống trong cuộc đời này, ta phải thật sự tôn thờ Chúa trên hết mọi sự, đừng coi trọng tiền của, đến nỗi quên mất đức tin, quên mất mình là con của Chúa.  Ta không được lao vào việc kiếm tiền mà quên tất cả cuộc đời mai sau, đừng chỉ vì tiền của mà trở thành bất lương, trở nên kẻ thù nghịch với đời sống làm con Chúa.

2. TỪ BỎ ĐỂ LÀM CON CHÚA

Mang danh Kitô hữu, nghĩa là chúng ta được vinh dự nhận danh Chúa Kitô làm tên gọi của mình.  Danh của Chúa trở thành tên chúng ta.  Lẽ nào ta lại sống khác Chúa.  Chúa đã sống cả một đời từ bỏ, ta cũng hãy bắt chước Chúa sống siêu thoát khỏi những ràng buộc của tiền của, của những tính toán phù hoa trần thế.

Giàu hay nghèo, không phải là tội.  Tội nằm ở chỗ ta không giữ được mình, mà chỉ sống tham lam, sống chỉ lo cho đời này, không cần biết đến đời sau.

Giàu hay nghèo không phải là điều đáng trách móc.  Điều đáng trách móc là thái độ nào của ta trước cái giàu, cái nghèo của mình, của cuộc sống xung quanh.

Giàu hay nghèo tự nó cũng không là phúc.  Bởi giàu chưa chắc đã hạnh phúc.  Bỗng dưng bán đất rồi trở nên giàu có, để rồi từ đó lãnh lấy nỗi đau mất mát, chắc chắn cái giàu ấy, sẽ không bao giờ có ai muốn.  Nghèo chưa hẳn là bất hạnh.  Nếu trở lại nghèo như ngày xưa, mà giữ được mạng sống của cháu, mà trong gia đình có bà, có cháu chia sẻ vui buồn cùng nhau, chắc đánh đổi tất cả của cải, bà nội sẽ không chỉ không phiền hà gì, nhưng còn vui lòng đón nhận.

Câu chuyện bà nội mua cho cháu chiếc xe đẹp, xe mới để cháu lao thân vào chỗ chết mà người viết ghi lại ở đầu bài viết này, không thể đổ cho bà nội giàu có, không thể đổ cho tiền của bạc nghĩa.  Nhưng chắc chắn phải quy trách nhiệm cho thái độ sống thiếu tinh thần trách nhiệm của những người trong cuộc: Gia đình đã cưng chiều cháu, khiến cháu hư hỏng.  Thậm chí mua xe phân khối lớn cho cháu khi cháu chưa đến tuổi được phép lái xe như vậy.  Gia đình cũng không kiểm soát việc cháu sử dụng của cải như thế nào.  Bản thân cháu là đứa trẻ tệ bạc đối với tình thương yêu của những người thân của mình.  Không biết trước khi có tiền và sau khi có tiền, tất cả những người trong gia đình này có bao giờ nghĩ đến việc phải sống siêu thoát, sống từ bỏ, phải vượt lên trên của cải để chỉ giữ lấy cho mình đời sống đức tin, để mỗi ngày sống lại thêm một ngày giống mẫu gương của Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người từ bỏ tất cả để trở nên một con người hèn hạ giữa trần gian?  Nếu đã từng ý thức danh hiệu Kitô hữu của mình để nên giống Chúa Kitô, và chuyên lo giáo dục con cháu sống đức tin, có lẽ gia đình này đã không xảy ra đau thương và ân hận như đã nói?  Cái chết đớn đau ấy là cái giá phải trả cho việc biến mình thành kẻ làm tôi tiền của.  Bởi nếu đã ra sức làm tôi Chúa, chứ không làm tôi tiền của, chắc đã không bị tiền của cướp mất mạng sống oan uổng như thế.  Bởi khi làm tôi Chúa, người ta sẽ sống có tư cách, sống đàng hoàng, sống biết yêu mình và yêu mọi giá trị tốt lành trong cuộc đời.  Sống “yêu” như thế là sao có thể gây ra tan vỡ và tai hại đến thế.  Lời Chúa mãi mãi vẫn là lời đanh thép đánh vào tất cả những ai tự biến mình thành kẻ nô lệ tiền của: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ… Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13).

Giàu có thể phạm tội theo cách của người giàu.  Họ sống ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, sống trong thụ hưởng mà quên đồng loại của mình.  Giàu dễ làm cho người ta sống xa hoa, sống thiếu tình người, sống hời hợt.  Sống sang giàu có thể dẫn người ta lao vào trụy lạc, sa đọa, khoe khoang, thậm chí mất đức tin…

Nghèo có thể phạm tội theo cách của người nghèo.  Họ dễ bị cuốn hút vào việc kiếm tiền.  Đồng tiền trở thành nhu cầu số một chứ không phải đời sống tinh thần, không phải đức tin vào Chúa.  Có thể cái nghèo đưa họ tới việc nghi ngờ Thiên Chúa, nghi ngờ lòng thương yêu, nghi ngờ cả sự hiện hữu của Chúa…

Con đường theo Chúa phải là con đường của sự từ bỏ.  Từ bỏ là con đường ngắn để đến gần Chúa.  Cái hay của người Kitô hữu chân chính biết sống từ bỏ đó là, họ say mê cả cuộc đời như bất kỳ ai, nhưng họ vẫn say mê Thiên Chúa trên hết mọi sự.  Giữa những điều mau qua trong cuộc đời mà họ say mê, họ bắt gặp vĩnh cửu, bắt gặp Thiên Chúa, Đấng họ tôn thờ trên tất cả mọi lợi lộc trần thế.  Họ cũng làm việc, cũng vui chơi, nghỉ ngơi.  Nhưng họ cũng không quên cầu nguyện, tham dự thánh lễ, bác ái, thực thi mọi nghĩa vụ của một Kitô hữu giữa đời.  Họ sống như mọi người, nhưng họ khác mọi người, vì họ nhìn thấy Thiên Chúa và để Chúa của họ đi vào chiếm ngự toàn bộ việc làm, toàn bộ suy nghĩ, toàn bộ hành vi, toàn bộ đời sống, cả tâm hồn, cả thân xác của họ.  Họ yêu đời và họ yêu Chúa.  Họ sống có lý tưởng.  Chính Chúa là lý tưởng duy nhất của đời họ.  Người Kitô hữu làm việc và hiến dâng lên Chúa tất cả để thánh hóa tất cả những gì thuộc về họ.  Họ biết làm việc, làm hết sức lực, nhưng họ cũng biết từ bỏ mọi sự để mãi mãi họ thuộc về Chúa, và chỉ thuộc về Chúa mà thôi.

Vậy với những gì Lời Chúa dạy hôm nay, và với những gì vừa suy nghĩ, chúng ta hãy tự tra vấn lương tâm mình.  Cái gì là điểm tựa của đời tôi, tiền của hay Thiên Chúa?  Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của.  Vậy chủ nào đang ngự trị trong tôi?

Điều cần phải tâm niệm và tâm niệm luôn luôn rằng: Chỉ có Chúa là hạnh phúc thật của đời tôi!

Lm. Vũ Xuân Hạnh

ĐÂU LÀ NHÀ?

Trong nhiều năm tôi là Bề trên Tỉnh dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở miền Tây Canada, tôi cố gắng giữ một chân trong thế giới giảng dạy, tôi dạy lớp tối môn dẫn nhập vào thần học Kitô giáo ở Đại học Saskatchewan mỗi tuần một lần và đã thu hút được nhiều sinh viên.

Một trong các bài đọc được chỉ định cho lớp này là quyển sách Chỉ có trái tim biết cách tìm ra: Ký ức quý giá cho giai đoạn yếu đức tin (Only the Heart Knows How to Find Them: Precious Memories for a Faithless Time) của giáo sư văn sĩ Christopher de Vinck.  Quyển sách là một loạt các bài tự truyện tập trung phần lớn về gia đình và các quan hệ với vợ con của ông.  Các bài viết mô tả tương quan giữa ông với vợ không thiếu phần lãng mạn mà còn rất khích lệ, ông đặt tình dục vào bối cảnh hôn nhân, an toàn và chung thủy.

Vào cuối học kỳ, một cô khoảng 30 tuổi đến nạp bài tiểu luận cho tôi, cô nói: “Đây là quyển sách hay nhất tôi chưa từng đọc.  Trước đây tôi không có nhiều định hướng về đạo đức vì vậy tôi không chú tâm đến tâm hồn, tôi phóng khoáng về tình dục và sống theo hiện sinh.  Tóm tắt, cơ bản tôi đã ngủ ở hai đầu bang Canada; nhưng bây giờ tôi biết tôi thực sự muốn gì, điều mà con người của tác giả có được.  Tôi đang đi tìm chiếc giường hôn nhân!”  Đôi mắt cô rưng rưng khi cô chia sẻ điều này.

Tôi đang đi tìm chiếc giường hôn nhân!  Đó là hình ảnh rất đẹp cho cái mà quả tim gọi là nhà.

Xét cho cùng, nhà là gì? Có phải đó là bản sắc dân tộc, giới tính, quyền công dân, một ngôi nhà đâu đó, nơi chúng ta sinh ra hay đó là một chỗ trong quả tim?

Đó là một chỗ trong quả tim và chiếc giường hôn nhân mô tả đúng.  Nhà là nơi mà mình cảm thấy thoải mái về mặt thể chất, tâm lý và đạo đức.  Nhà là nơi chúng ta cảm thấy an toàn.  Nhà là nơi trái tim chúng ta không cảm thấy lạc lõng, bị xâm phạm, bị ức hiếp, bị chê bai, bị coi thường, bị ở bên lề (dù đôi khi điều này xem như một chuyện hiển nhiên).  Nhà là nơi mà mình không cần phải đi mới cảm thấy là mình. N hà là nơi mình trọn vẹn là mình mà không cần phải giải thích mình như thế nào.  Bạn cứ xem như bạn đang ở nhà bạn là câu nói chào mừng ‘xin bạn cứ tự nhiên’.

Có nhiều khái niệm khác nhau về nhà, người phụ nữ trẻ này ý thức được nhiều bài học, cô làm cho chúng ta hiểu quan điểm của chúng ta về tình yêu, về tình dục quý như thế nào.  Một trong các vấn đề trong chuyện này là hình ảnh phổ biến của một hoài niệm đi tìm tâm hồn tri kỷ.  Vấn đề ở đây thường do chúng ta nghĩ tâm hồn tri kỷ theo nghĩa rất lãng mạn.  Nhưng, theo quyển sách của tác giả De Vinck, tìm tâm hồn tâm giao có liên quan đến việc đi tìm bình tâm về mặt đạo đức và an toàn tâm lý, hơn là đi tìm chiếc giường hôn nhân một vợ một chồng như trong các tiểu thuyết lãng mạn.  Còn về khả năng tình dục của chúng ta, điều ẩn sâu nhất bên trong khao khát tình ái là chúng ta mong muốn tìm được ai đó để đưa về nhà.  Mọi tình dục mà từ đó bạn mang về nhà luôn là cái gì đó không mang lại điều bạn mong muốn nhất và, càng tốt nếu nó là loại thuốc bổ tạm thời làm cho bạn vẫn đi tìm một cái gì đó càng lúc càng thực tế hơn.

Cụm từ “Tôi đi tìm chiếc giường hôn nhân” cũng hàm chứa một vài yếu tố giúp chúng ta hiểu hơn các thể loại khác nhau của tình yêu, mê đắm và các cuốn hút kéo chúng ta rơi vào.  Chung chung bản chất của phần lớn con người là lăng nhăng, có nghĩa là chúng ta có các trải nghiệm thu hút, mê đắm, yêu đương mãnh liệt đối với người khác, bất kể việc chúng ta bị thu hút ở người khác không cùng một chuyện như ở nhà.  Chúng ta có thể yêu nhiều loại người khác nhau, nhưng tình yêu nào mới là tình yêu cho hôn nhân, cho một mái nhà?  Hôn nhân và nhà được xây dựng trên một loại tình yêu đưa chúng ta về nhà, trên loại tình yêu mang lại cho chúng ta cảm nhận với người này, mình có thể mang về nhà và xây dựng một căn nhà.

Và, rõ ràng, khái niệm này không chỉ áp dụng cho một người chồng, một người vợ trong hôn nhân.  Nó là hình ảnh cho những gì xây dựng lên căn nhà – cho tất cả mọi người, lập gia đình hay độc thân đều như nhau.  Chiếc giường hôn nhân là ẩn dụ cho cái được đặt vào trọng tâm luân lý và tâm lý để có được thoải mái.

Thi sĩ T.S. Eliot đã viết: Nhà là nơi chúng ta bắt đầu.  Nó cũng là nơi chúng ta muốn kết thúc.  Khi sinh ra cha mẹ mang chúng ta về nhà.  Đó là nơi chúng ta bắt đầu và cũng là nơi chúng ta thoải mái cho đến tuổi dậy thì buộc chúng ta phải đi tìm một mái ấm khác.  Rất nhiều cạm bẫy có thể chờ đợi chúng ta trong cuộc tìm kiếm đó, nhưng nếu chúng ta lắng nghe lời khuyên sâu sắc tự bên trong tâm hồn mình, thì nỗi khao khát về nhà không kềm được này cũng giống như ‘ba vua’ theo ngôi sao đặc biệt tìm về máng cỏ và chúng ta sẽ tìm được chiếc giường hôn nhân, hay ít nhất chúng ta sẽ không tìm nó ở nơi không đúng chỗ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

NỤ HÔN NỒNG NÀN TÌNH THƯƠNG XÓT

Hôm qua có dịp ra phố ghé ngang một sạp báo, tôi tình cờ nghe từ quán cà phê đối diện vẳng ra một giọng hát trong trẻo: “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau.”  Bài hát đã nghe dăm lần bảy lượt qua các phương tiện truyền thông, có chăng chỉ là một cảm nhận về mùa xuân hạnh phúc, thế mà chiều nay bỗng thấy nôn nao khác lạ.  Đó không phải là thứ nôn nao của kẻ độc thân bất chợt thấy mùa xuân bên cửa sổ, rồi tự nhiên tủi về phận mình như Michel Quoist đã ghi trong cuốn sách của ông; cũng chẳng phải thứ nôn nao của những kẻ trên đường phố đang hối hả về nhà dịp nghỉ cuối tuần.  Thứ nôn nao rất lạ mà cũng rất đỗi thân quen.

Đang còn vẩn vơ với cái nôn nao ấy thì cô chủ sạp đã trao cho tôi tờ báo và vui miệng cô hát theo: “Thành phố ơi hãy im lặng cho hai người hôn nhau.”

Tới lúc này, tôi mới vỡ lẽ.  Thì ra mình nôn nao là vì cái nụ hôn.  Không phải của “anh lính về thăm phố với cô gái vào ca ba” như bài hát kể, mà là cái nụ hôn của một người cha dành cho đứa con hoang đàng trở về của bài Phúc Âm.  Giai điệu ấy, nụ hôn ấy quyện lấy nhau và tự nhiêm ngấm vào người tôi trở thành một thứ nôn nao, để hôm nay, xin được trang trải với cộng đoàn như suy nghĩ về trang Tin Mừng.  Đó là nụ hôn của lòng thương xót.

1. Nụ hôn ấy vượt trên lý lẽ của sự công bình

Nếu để ý, người ta thấy nếp nghĩ của những người con trong dụ ngôn Tin Mừng là nếp nghĩ vượt trên lẽ công bình.  Làm sao người con thứ dám xin cha mình chia gia tài mà anh gọi là “thuộc về anh” trong khi cha mình sờ sờ còn sống?  Làm sao người con cả lại vùng vằng làm mày làm mặt với cha khi cả đời hầu hạ mà chẳng có lương?  Sẽ là hỗn nếu dựa trên cái tình, nhưng cũng có thể quan niệm được nếu dựa vào cái lý.  Chính nhân danh sự công bình đương nhiên nào đó mà tư cách của hai người con trong dụ ngôn đã được hình thành.

Nhất là việc người con thứ trở về.  Sau những ngày phung phá đến bước đường cùng, đến độ khánh kiệt gia tài, cạn kiệt sức khỏe, anh vẫn còn đủ tỉnh táo để hạch toán nẻo lối tìm về.  Bởi vì dựa trên công bình, anh đã đốt cháy quyền làm con nên không thể được gọi là con nữa.  Bởi vì dựa trên công bình, anh đã tự ý bỏ nhà ra đi ôm theo sản nghiệp nên muốn tìm về phải được cha chấp nhận.  Bởi vì dựa trên công bình, anh chỉ dám coi mình như “người cần việc” tìm đến “việc cần người.”  Nếu anh có gặp cảnh then cài khóa ổ xua đuổi chối từ có lẽ anh cũng phải công bình mà chấp nhận.

Lẽ công bình khó khăn là như thế nhưng nụ hôn của người cha đã hóa giải tất cả.  Nó vượt qua giới hạn của lẽ công bình để rạng rỡ là một nụ hôn của lòng thương xót.  Người cha tha thứ hết.  Không khóa trái đời sống người con thứ vào quá khứ tội lỗi, không niêm phong nhịp đời của anh vào bước đường phóng đãng, nhưng phục hồi quyền làm con như thuở ban đầu.  Người ta không biết ở đâu lẽ công bình dừng lại và ở đâu lòng thương xót khởi đầu, nhưng chỉ biết rằng, bằng nụ hôn ấy sự tha thứ đã vượt lên chiếm lĩnh tiếng nói của lẽ công bình để trở nên nụ hôn của lòng thương xót.

2. Nụ hôn ấy vượt trên khuôn khổ của nền giáo dục

Vẫn biết rằng khuôn khổ của tình yêu là một tình yêu không theo một khuôn khổ nào, nhất là tình ấy lại là tình cha, lại là lòng mẹ, cùng lắm chỉ dám ví von như núi cao biển rộng, tựa lai láng của dòng sông và mênh mông của đồng lúa.  Nhưng trong trọng trách giáo dục, người ta cũng phải mặc nhiên chấp nhận một thứ khuôn khổ nào đó.  Chả thế mà ca dao Việt Nam bảo: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”  Yêu con không phải là nuông chiều theo ý của con, nhưng là biết cách cho con roi vọt giáo hóa, và ghét con đâu phải chỉ là hằn học mắng la mà nhiều khi lại là những ngọt ngào ghẻ lạnh của một tình thương vắng bóng.

Một trong những châm ngôn nổi tiếng trong bổn phận giáo dục con cái là câu: “Nếu hôm nay không muốn con khóc vì được dạy dỗ, thì coi chừng sẽ phải khóc vì con hư đốn mai ngày.”  Như trường hợp nóng hổi thời sự tại phiên tòa, khi người cha nghe con mình, một thành viên trong băng cướp “quý tử”, bị kết án chung thân đã nhỏ lệ thốt lên: “Tôi đã thiếu trách nhiệm làm cha.”  Cũng là tình phụ tử, nhưng quá muộn màng.

Tình phụ tử cũng cần theo một khuôn khổ nào đó.  Nhưng tình phụ tử trong dụ ngôn đã vượt lên tất cả.  Không có một lời trách móc, không có một lời răn đe, cũng chẳng có hình phạt để mà nhớ đời.  Chỉ có nụ hôn như một minh chứng: Với bản lĩnh của lòng thương xót, người ta vẫn có thể đi xa hơn để yêu con đích thực bằng cách cho ngọt cho ngào.

3. Nụ hôn ấy không dừng lại nơi cá nhân mà còn lây lan đến cả cộng đoàn

Đây chính là đỉnh cao của trang Tin Mừng.  Nó mở ra một nhãn giới mới lạ.  Nơi nụ hôn ấy là rạng rỡ lên hình ảnh của một Người Cha: chung cho người con cả và người con thứ, chung cho dân Do Thái và Dân Ngoại, chung cho cả người đã biết Chúa hay chưa biết Chúa.  Nếu “cha chung không ai khóc” theo lẽ thường tình, thì ở đây lại khác, Cha chung này không cần đến tiếng khóc của ai, nhưng lại sẵn sàng cúi xuống với bất cứ tiếng khóc sám hối nào để ban tặng nụ hôn tha thứ nồng nàn xót thương.  Người Cha chung ấy yêu thương hết mọi người và chẳng bao giờ bỏ quên những trường hợp tội lỗi đáng thưong và bởi đáng thương nên Ngài cũng thương cho đáng với tấm lòng không vơi cạn của mình.

Qua nụ hôn đầu ngõ, Người Cha ấy biến nỗi buồn sám hối trở thành niềm vui tha thứ.  Ngài ban ơn rộng rãi cho những kẻ tìm về với Ngài, rồi nhanh chóng gửi họ về lại gia đình cộng đoàn xã hội trong một nhịp sống mới nồng nàn tình xót thương, để những kẻ được ơn tha thứ hiểu rằng, từ nụ hôn ấy, họ phải minh chứng bằng cả cuộc đời biết phát triển ơn tha thứ, và cũng biết dìu đưa những kẻ còn sa chìm về với lẽ xót thương.  Đó là niềm vui của lòng thương xót, không dừng lại nhưng triển nở sinh sôi, không khép kín cá nhân nhưng mở ra cho hết mọi người.

Tóm lại, ba lý do: vượt trên lẽ công bình, vượt trên nền giáo dục và vượt trên đời sống cá nhân khiến nụ hôn cha – con là nụ hôn của lòng thương xót.  Dẫu có kinh nghiệm về nụ hôn như phần lớn cộng đoàn hay chưa có kinh nghiệm ấy như một số bạn nhỏ, thiết tưởng nụ hôn xót thương của Tin Mừng cũng đọng lại trong ta một thứ nôn nao lạ lạ quen quen.

Khi thấy quen quen, là khi ta đồng hóa mình với người con phung phá tìm về và được tha thứ, trong lời kinh, trong Thánh Lễ, nơi tòa Giải Tội.  Tất cả đều là những nụ hôn thương xót.  Khi thấy là lạ, là khi ta chợt nhận ra vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong ta một anh con cả vùng vằng: Chúa đã đối xử với ta bằng tình thương xót còn ta chỉ đối xử với Chúa theo sự công bình, ta không đi hoang lang thang xa đạo, nhưng cách sống của ta biết đâu còn tệ hơn cả chối Chúa công khai.

Và khi thấy chen lẫn quen quen lạ lạ ấy chính là khởi đầu cho một quyết định: bởi tôi đã nhận được ơn tha thứ của Chúa, tới phiên tôi phải sống ơn tha thứ bằng cách bỏ qua lỗi lầm cho anh em; tôi đã nhận lòng xót thương của Chúa, tôi phải phát triển lòng thương xót ấy qua cách sống tốt lành của mình.  Hãy quên đi những phần đời không đáng nhớ khi anh em có lỗi với mình, và hãy nhớ lấy những phần đời không thể quên khi mình đã được Thiên Chúa tha thứ xót thương.

Làm được như thế cũng là lúc ta có thể hát lên: “Thành phố ơi, hãy im lặng cho mọi người hôn nhau.”

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

ANH CẢ

“Về gần đến nhà, khi nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì” (Lc 15:25).

Đó là phản ứng đầu tiên của người anh trong câu chuyện “đứa con hoang đàng” hay là “người cha nhân hậu” của Phúc Âm thánh Luca.

Tại sao không vội vã vào ngay?

Có thể anh ta đoán được chuyện gì đang xảy ra.  Chuyện người em đã về.

Anh ta không muốn vào nhà vì biết đâu người em đã về thật.  Anh gọi người đầy tớ ra hỏi cho chắc.  Không ngờ, người đầy tớ báo tin.  Trong lời báo tin này có ba sự kiện:

– Em cậu đã về!

– Cha cậu đã giết con bê béo!

– Vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ!  (Lc. 15:27).

Nghe xong, anh “nổi giận”, không chịu vào nhà.  Thế là hết!  Ba yếu tố vừa kể trên làm anh ta đau đớn. Anh không muốn đứa em về.  Không muốn người cha thịt con bê béo.  Không muốn người cha nhìn đứa em mạnh khoẻ.  Anh chối từ bữa tiệc.  Chối từ bữa tiệc cũng là không muốn gặp mọi người hiện diện ở đó.  Nếu vào nhà, gặp đứa em, anh ta làm sao chạy ra?  Nếu vào nhà, bà con láng giềng chúc mừng em anh ta đã về, anh biết phản ứng làm sao?  Anh không vội vã vào nhà.  Anh đã tính toán khá kỹ.

Tại sao không truyền lệnh mà năn nỉ?

Có thể người đầy tớ phải vào báo cho chủ biết nên người cha mới ra gặp anh ta.  Hoàn cảnh người cha rất khó xử.  Nếu anh ta không vào, ông trả lời thế nào với đứa con thứ khi nó hỏi:

– Anh con đâu?

Nếu người con trưởng không vào, ông biết nói thế nào với bà con láng giềng về sự vắng mặt rất ý nghĩa này.  Nếu những người giúp việc nói chuyện với nhau, họ phản ứng thế nào, vì họ không ngờ chuyện lại xảy ra như thế.  Ai cũng nghĩ là một ngày vui.  Rồi câu chuyện đến tai bà con lối xóm, những người dự tiệc.  Bây giờ, đề tài trong bữa tiệc này chuyển hướng về đâu?

Ngày hôm nay, có bố mẹ cũng không sao sắp xếp được cho các con ngồi chung với nhau một tiệc vui.  Có những anh em thề không nhìn mặt nhau.  Họ nói:

– Nếu có vợ chồng chúng nó, không có con!

Vì sao người cha trong câu chuyện này không truyền lệnh mà lại năn nỉ?  Ông rơi vào tình cảnh đó.  Ông ở một hoàn cảnh rất thương tâm.

Phản ứng của người con thứ

Cho đến lúc này ta không nắm chắc tâm tư người con thứ và cuộc trở về của nó.

Nếu người con thứ biết anh nó đang nổi giận ngoài kia.  Liệu bữa tiệc có tiếp tục vui?

Chi tiết cho hay là nó về vì đói.  Luca nói rõ: Nó ước ao lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng. Nhưng không ai cho.

Điều cần lưu ý ở đây là chữ “dân”.  Nó đi chăn heo cho một người “dân” trong vùng.  Không phải chăn heo cho một ông chủ.  Người dân này lại đang trong nạn đói “khủng khiếp”.  Heo của nhà giàu, chắc ăn thức ăn khác của nhà nghèo.  Đã nghèo mà lại trong nạn đói khủng khiếp.  Như vậy còn gì mà ăn?  Ấy thế mà nó vẫn chưa chịu về, vẫn xin đồ ăn của “heo-nhà-nghèo-trong-nạn-đói”.  Giả sử người ta cho nó thứ đồ ăn đó, nó đâu có về.  Bằng chứng là nó chỉ về khi người ta không cho nó.  Nếu không về lấy gì ăn?

Sau cái ôm hôn, sự gặp gỡ cha có làm nó mủi lòng thật tâm trở về hay không?  Phúc Âm không nói rõ.  Dù nó thật tâm hay không thì người cha vẫn có bữa tiệc.  Chúng ta không nắm chắc được tấm lòng người con thứ sau vòng tay của cha.  Có thể nó sám hối ngày tháng cũ khi cảm thấy cha thương mình.  Cũng có thể chưa.  Cũng có thể lên mặt với người anh khi thấy anh nó hành xử như vậy.  Luca viết đoạn văn này tuyệt vời với những nét “thiền niệm” quá sâu.  Luca để băn khoăn đặt ra là, nếu biết người anh nổi giận vì cuộc trở về của mình, phản ứng nó sẽ ra sao?  Và điều gì xảy ra trong bữa tiệc?

Nguyên nhân của những nguyên nhân

Dựa vào bản tường thuật, sau khi chia gia tài, đứa con thứ “ít ngày sau, thu góp tất cả, rồi trẩy đi phương xa” (Lc. 15:13).  Nó ở lại ít ngày, và thu góp “tất cả” rồi mới trẩy đi phương xa.  Như thế, khi ra đi nó không thể bỏ cái áo “đẹp nhất” ở lại.  Ngày nó về, người cha bảo các đầy tớ mau mau đem áo “đẹp nhất” ra đây mặc cho cậu.

– Áo đó ở đâu?

Khi được sai đi lấy áo, người đầy tớ không hỏi áo nào.  Người đầy tớ biết rõ “cái áo”.  Có một liên hệ hiểu ngầm nào đó giữa người cha, chiếc áo và người đầy tớ.  Họ biết rõ về câu chuyện cái áo.

– Bắt con bê đã “vỗ” béo để làm thịt.

Không phải con bê béo, nhưng là con bê đã “vỗ” béo.  Như thế ta thấy rõ cái áo từ đâu ra.  Cái áo phải là chiếc ông may sẵn.  Vì con bê đã được “vỗ” béo.  Bắt con bê mà từ trước tới nay vẫn săn sóc đặc biệt cho nó béo.  Săn sóc đặc biệt con bê cho béo để làm gì?  Bản tường thuật cho thấy rõ.  Ông thịt con bê đó trong ngày người con thứ trở về.  Như vậy, trước khi nó về, người cha may áo mới chờ đợi, săn sóc con bê cho bữa tiệc.  Tất cả những chuyện này, đầy tớ là người lo chuẩn bị.  Cho nên khi công việc xảy ra, mọi chuyện đâu vào đó.  Khổ một điều, tất cả chuyện này, người con cả cũng biết.

Người con cả thấy đầy tớ săn sóc con bê cho béo.  Anh ta thấy may sẵn áo mới chờ ngày.  Từ ngày đó, lòng anh không yên tâm.  Những ngày sống của anh là giận kín trong lòng.  Hồn anh là tháng năm rất âm u.  Nhìn con bê, nghĩ đến bữa tiệc có ngày xảy ra.  Anh sợ ngày đó.  Anh lo một ngày nào đó đứa em sẽ về.  Không ngờ, hôm nay nó về thật.

Dang dở ngàn trước cho đến ngàn sau

Người anh cả.  Câu chuyện dang dở từ đây.

“Gọi người đầy tớ ra mà hỏi”.

Bình thường khi thấy gia đình như thế, người ta phải vội vã chạy về xem có chuyện gì mà vui vậy.  Nhưng anh dè dặt, vì… nếu là tiệc cho đứa em thì sao?  Nếu chạy vào mà đúng là đứa em về thì… trời ơi!  Anh ta gọi người giúp việc ra hỏi, sự thận trọng đó là đúng.

Đời anh là những tháng ngày dang dở.  Từ khi người con thứ bỏ nhà đi thì người cha cũng mất luôn người con trưởng, vì tấm lòng nó chật chội quá.  Nó ở trong nhà, mà tấm lòng chỉ là một quán trọ tính toán giữa chợ.  Căn nhà không có trái tim bao dung, buồn làm sao.  Anh sống những ngày ảm đạm của một tấm lòng khoắc khoải.  Nếu ngày nào đó có tiếng đàn ca thì sao, buồn quá.  Anh lo cho ngày đó, anh sợ tiếng đàn vui.

Cuộc đời như vậy lặng lẽ quá nhỉ.

– Chưa bao giờ cha cho con lấy được một con dê con.

Thì ra thế!  Thời gian những người đầy tớ “vỗ” con bê cho béo, cũng là những tháng ngày nó bị dằn vặt đau đớn.  Nó thầm mong một con dê con.  Ấy vậy mà bây giờ cha dám giết cả một con bê béo vì thằng em.  Lòng ghen tức làm nó khổ.

Trong lúc “nổi giận” không chịu vào nhà, nó nói gì?  Bản tường thuật cho thấy nỗi đau ray rứt linh hồn anh ta sâu lắm.

– Thằng con của cha đó, sau khi nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng! (Lc. 15:30).

Anh ta lại nhắc đến con bê.  Con bê béo này là hình ảnh xót xa liên hệ đến con dê, vì một con dê con anh cũng không có.  Rồi vì con bê ấy thúc đẩy anh dùng cụm từ này: “Thằng con của cha đó”. Anh ta nói với cha mình như vậy.  Thế thì, anh ta là con ai?  Đứa nào ngoại hôn?  Cụm từ “thằng con của cha đó” là nỗi đau vô vàn đối với một người cha có con như vậy.  Làm sao một người con có thể nói với cha mình như thế.

Đời người con cả trong câu chuyện này quá dang dở.  Anh ta sống, nhưng không còn là anh ta sống nữa.  Bên cạnh cha là bổn phận ngày tháng dài lê thê.  Anh chưa hề trái lệnh.  Chính vì chưa trái lệnh nên mới càng đau.  Chưa trái lệnh mà không được một con dê con, nên cái lê thê mới dài, dài của những ngày tìm mà không gặp cái mình tìm.  Lòng ghen tức, nỗi cay nghiệt, xót xa trăn trở sống trong anh ta.  Thấy cha may áo chờ, biết đâu có ngày người con thứ về.  Từ ngày nó bỏ đi, thì lòng người con cả rối bời, chỉ sợ ngày em nó về.  Nhìn gia nhân săn sóc con bê cho béo, anh đau đớn.  Nhìn con bê, nghĩ đến cái áo, anh không một ngày vui.  Cuộc sống anh ta khổ quá.

Tại sao người cha không cho?

Ông còn gì đâu mà cho!  “Tất cả những gì của cha đều là của con!”  Như thế, có nghĩa là nó có thể giết bất cứ con dê nào nó muốn, vì tất cả là của nó!  Trời ơi!  Vậy mà nó không biết.  Tại sao nó không hiểu điều này!  Đời anh ta sao dang dở quá vậy?  Anh ta sống bên gia nghiệp lớn như thế mà cứ nghèo, ao ước một con dê con cũng không được.  Giữa những cơn nghèo ấy, giữa những tháng ngày khao khát ấy, thì cừu cứ từng bầy, chiên cứ từng đàn ngày ngày đi về trước đời anh.  Tại sao sống bên vàng bạc lại túng thiếu, bên cánh đồng mà không đủ thóc.  Tại sao suối đầy nước mà ruộng mình cứ nắng hạn.  Đời anh dang dở quá. “Tất cả của cha là của con”.  Câu này mang ý nghĩa là nó muốn giết con dê nào thì giết.  “Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn thì anh em không còn lệ thuộc lề luật nữa” (Gal. 5:18).  “Nếu gia nghiệp dành cho những kẻ lệ thuộc lề luật thì đức tin thành vô nghĩa và Lời Thiên Chúa bị huỷ bỏ” (Rom. 4:11).

Mà đời người cũng bi thương khôn cùng.  Con sống bên mình mà không biết tâm tư của mình. Cha con cứ xa nhau.

Người con thứ chỉ xúc phạm cha một câu: “Xin chia phần tài sản con được hưởng”.  Người con trưởng xúc phạm đến cha nhiều quá.

Không thấy người con thứ xúc phạm đến anh nó.  Nhưng người con trưởng xúc phạm cả em nó.  Tại sao nó đương nhiên kết luận em nó nuốt hết của cải với “bọn điếm”.

Người con thứ ra đi, cha nó thương vì có nhớ.  Hoặc vì nhớ nên thương.

Người con trưởng ở nhà, nên không thể nhớ.  Không nhớ, nhưng cha có thương không?  Điều này chắc chắn có.  Vì: “Tất cả những gì của cha đều là của con”.

Cái bất hạnh của người con trưởng là không nhận ra tình thương của cha.  Trong tình yêu, khi không nhận ra thì cũng không nhận được.

Nếu người con trưởng không nhận ra, không nhận được tình thương của mình, thì tình thương của người cha lại trở về với ông ta mà thôi.  Cho mà không có người nhận, đó là cô đơn.

Cuộc đời người cha trong câu chuyện này cũng quá dở dang.  Một nỗi cô đơn của kẻ cho mà không có người nhận.  Của kẻ gần mà quá xa.

Cha anh ta ra năn nỉ:

– Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy (Lc. 15:32).

Lời người cha nói: “Em con đây”, vừa êm ái vừa tha thiết.  Nhưng với người con trưởng có là “em con đây” hay vẫn là “thằng con của cha đó”.

Câu chuyện thật là dang dở ở đoạn kết.  Sau khi người cha nói với anh ta như vậy, Luca chấm dứt câu chuyện.  Đọc xong rồi, người đọc băn khoăn:

– Vậy sau cùng, người con trưởng có vào nhà không?

Luca không cho người đọc biết quyết định của anh ta.

Tôi giả sử:  Nếu anh vào thì mọi chuyện quá đẹp.

Nếu anh ta không vào.  Bao nhiêu vấn nạn được đặt ra.  Liệu bữa tiệc có tiếp tục?  Tiếp tục thế nào?  Chiều đến, từ xa vẫn nghe “tiếng đàn ca nhảy múa”.  Các người dự tiệc sẽ hỏi gia chủ:

– Thưa ông, thế cậu hai đâu?

Người cha biết trả lời khách làm sao.  Nếu chiều về, người con thứ vẫn không thấy mặt anh mình trong bữa tiệc.  Người cha sẽ nói gì với nó khi ông biết rõ anh nó đang “nổi giận”, và không chịu vào nhà.

Câu chuyện thật dang dở.  Liệu bữa tiệc có dở dang không?

Tại sao Luca, khi viết chuyện này không cho đoạn kết?  Tại sao lại bỏ lửng câu chuyện ngang chừng?  Đọc xong, người đọc không biết người con cả có vào nhà hay tiếp tục ở ngoài.

Đọc xong, ta thấy một trời bơ vơ.

Tâm trạng người cha thế nào?  Nó không vào, ông trả lời khách sao đây?  Ông tìm cách nào để cắt nghĩa cho người con thứ về sự kiện anh nó nổi giận không chịu vào nhà?  Tâm trạng người con thứ nữa, nó có điên tiết, anh em đánh nhau ngay bữa tiệc?  Lối xóm phản ứng ra sao?  Câu chuyện trong bữa tiệc chuyển đề về đâu?  Tất cả rối bời.

Giả sử Luca cho người con trưởng hối hận rồi nghe cha vào nhà, câu chuyện có toàn bích hơn không?  Vì sao Luca không viết rõ?

Đọc xong, băn khoăn không biết hỏi ai.

Một trời bơ vơ.

Phải chăng vì tác giả biết có ngày người ta sẽ băn khoăn đặt câu hỏi.  Phải chăng Luca muốn cho cái dang dở ấy hết dở dang khi người ta tự thắc mắc với chính lòng mình:

– Nếu tôi là người anh cả tôi sẽ vào hay không?  Nếu tôi là người con thứ, tôi phản ứng thế nào?

Đây cũng là đường đi một mình, vì chỉ tôi biết rõ lòng tôi.  Chỉ riêng tôi có câu trả lời cho tôi.

Luca phải để cho câu chuyện dở dang, vì dở dang này chỉ chấm dứt trong tim người đọc chứ không thể hết dở dang bằng ngòi bút.

Nguyễn Tầm Thường S.J

HÌNH DUNG RA ÂN SỦNG

Chúng ta hãy tưởng tượng điều này: một người hoàn toàn không lo gì về đời sống đạo đức và thiêng liêng trong suốt đời mình, sống tuyệt đối ích kỷ, lạc thú là điều duy nhất họ chạy theo suốt đời.  Họ sống bất chấp mọi khuôn khổ, không bao giờ cầu nguyện, không bao giờ đi nhà thờ, đời sống tình dục phóng túng và không quan tâm đến bất cứ ai ngoài mình.  Sống như thế suốt đời, cuối đời họ bị bệnh và trên giường chết, họ khóc lóc ăn năn, họ chân thành xưng tội, nhận bí tích Thánh Thể và qua đời trong ân phúc của nhà thờ và bạn bè.

Bây giờ nếu phản ứng của chúng ta là: “Tốt, người này may mắn!  Ông sống suốt đời ích kỷ và ông lên thiên đàng!”  Vậy thì theo nhà thần học Piet Fransen nổi tiếng về Ân sủng, chúng ta chưa hiểu như thế nào là ân sủng.  Trong chừng mực nào đó, chúng ta vẫn còn ghen tị với người vô đạo đức và muốn loại họ ra khỏi ân sủng của Chúa, chúng ta là “người con cả” trong câu chuyện Người con hoang đàng trở về, đứng trước căn nhà của Người cha trên trời mà lòng cay đắng ghen tương.

Tôi giảng dạy ở chủng viện, chuẩn bị cho các chủng sinh chịu chức linh mục.  Gần đây giáo sư thần học bí tích của chúng tôi chia sẻ điều này: Ông dạy môn bí tích hòa giải từ hơn bốn mươi năm nay, và chỉ vài năm gần đây các chủng sinh mới hỏi: “Khi nào chúng ta mới phải từ chối không ban phép giải tội?”

Điều gì nói lên trong câu chuyện này?  Chắc chắn các chủng sinh rất chân thành khi đặt câu hỏi; họ không tỏ ra cứng nhắc hay nghiêm khắc.  Lo lắng của họ là về ân sủng và lòng thương xót.  Họ chân thành lo để không ban lòng thương xót Chúa một cách quá dễ dãi, quá rẻ tiền, bừa bãi, thực chất là bất công.  Nỗi sợ của họ vừa không muốn để lòng thương xót Chúa bị giới hạn, vừa không muốn duy chỉ có lòng thương xót.  Không phải như vậy.  Quan tâm của họ nhiều hơn, nếu dễ dãi quá thì sẽ bất công với các tín hữu trung thành chịu đựng thử thách hàng ngày.  Lo sợ của họ là liêm khiết, công bằng và công trạng.

Cái gì là thách thức ở đây?  Ân sủng này không phải là cái gì do công sức chúng ta.  Sau khi người thanh niên trẻ từ chối lời mời gọi bỏ hết mà theo Chúa Giêsu, thì Thánh Phêrô, người có mặt trong buổi gặp này, ngược với chàng trai trẻ giàu có, ông bỏ hết theo Chúa và hỏi Chúa những người bỏ hết theo Ngài sẽ nhận được gì.  Để trả lời, Chúa Giêsu kể dụ ngôn người chủ hào phóng với các người xin vào làm vườn nho bất kể giờ nào.  Người làm nhiều giờ, người làm ít giờ đều nhận số lương bằng nhau, làm cho những người làm suốt ngày nóng nực cay đắng cảm thấy mình bị đối xử bất công.  Nhưng người chủ vườn nho (là Chúa) cho họ thấy không có bất công ở đây, mọi người đều đã được nhận phần mình quá hào phóng.

Đâu là bài học sâu sắc ở đây?  Mỗi lần chúng ta phản đối, thật bất công khi những người không trung thành cũng nhận được lòng thương xót và ân sủng của Chúa, thì chúng ta xa với sự hiểu biết về ân sủng và về đời sống nội tâm.

Cô nhân viên vệ sinh răng miệng biết tôi là linh mục công giáo, cô hay đặt nhiều câu hỏi về tôn giáo và giáo hội.  Một ngày nọ cô kể câu chuyện sau: cha mẹ cô không bao giờ đi nhà thờ.  Họ có cảm tình với tôn giáo nhưng không quan tâm đến.  Còn cô thì theo phái Giám lý, chủ yếu là do ảnh hưởng của bạn bè.  Rồi mẹ cô qua đời, và khi gia đình bàn về việc tổ chức tang lễ thì cha của cô cho biết bà đã được rửa tội theo đạo công giáo, và không giữ đạo từ khi hai tuổi.  Ông đề nghị tổ chức theo nghi lễ công giáo cho bà.  Vì không giữ đạo từ lâu, họ hơi lo lắng khi gặp linh mục ở giáo xứ bên cạnh để xin tang lễ được làm theo nghi thức công giáo.  Trước sự ngạc nhiên to lớn của họ, vị linh mục không ngần ngại, cha nồng nhiệt đón họ: “Dĩ nhiên chúng tôi sẽ cử hành tang lễ!  Đây là vinh dự cho chúng tôi! Và chúng tôi sẽ sắp xếp để có ca đoàn hát lễ và sẽ có buổi tiếp tân ở hội trường giáo xứ sau đó.”

Không đòi hỏi gì về sự vắng mặt cả đời của bà ở nhà thờ.  Bà được chôn cất theo nghi thức Giáo hội… và cha của cô, quá xúc động trước sự quảng đại của nhà thờ và nét đẹp của nghi thức phụng vụ đã quyết định trở thành người công giáo la mã.

Chúng ta sẽ tự hỏi kết quả sẽ như thế nào nếu linh mục từ chối làm tang lễ, và cũng tự hỏi điều gì biện minh cho tang lễ của một người cả đời chẳng quan tâm gì đến nhà thờ.  Chúng ta cũng sẽ tự hỏi có bao nhiêu người sẽ thấy câu chuyện này là khích lệ hay là bực mình, vì theo luân lý giáo hội ngày nay, nhiều người trong chúng ta còn nuôi nỗi sợ không nhận được ơn và lòng thương xót quá dễ dàng.

Nhưng ân sủng và lòng thương xót không bao giờ có giá, dù rẻ dù đắt vì tình yêu không bao giờ là chuyện xứng công mới được

Rev. Ron Rolheiser, OMI