LINH ĐẠO LỮ HÀNH

Cuộc đời quá vắn vỏi.  Phải chăng phải lo tận hưởng lạc thú thế trần?

Những người đang trên đường

Đức Giêsu nói: “Đừng tích trữ những gì có thể mục nát hay trộm cướp có thể lấy đi được, nhưng hãy tích trữ những gì không hư nát và không thể bị đánh cắp.”  Cái mình cho là quý, mình luôn bận tâm và hướng lòng về đó.  Cái mình cho là quý, có thực sự là những điều trường tồn?  Tiêu chuẩn nào giúp mình nhận ra cái có giá trị thực sự?  Cái chết giúp con người nhận ra, mình chỉ là lữ khách.

Cái chết đến với mình lúc nào mình đâu có biết!  Một tai nạn giao thông có thể xảy ra ai lường trước được.  Mình đâu có thể mang tài sản vật chất đi với mình được.  Cuộc đời này qua mau.  Ai hành động như thể sống vĩnh viễn trên cõi đời này, là người không khôn ngoan.  Giờ chết đến, tôi sẽ ra đi tay trắng, và chỉ mang theo chính mình, ngay cả thân xác này cũng không thể mang theo được.

Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn người đầy tớ chờ chủ về để dạy thái độ phải có khi sống trên dương thế này.  “Sẵn sàng.”  Phải tỉnh thức vì không biết giờ nào chủ về đến.  Cái chết là chung cho tất cả mọi người, cho cả các tông đồ và dân chúng.  Cách đối xử của Thiên Chúa với mọi người đều như nhau, dù ở bất cứ địa vị hay bậc sống nào.  Sự trung thành không hệ tại ở chức vụ nhưng qua cuộc sống, nơi việc làm.

Đức tin giúp sống linh đạo lữ hành

Chính đức tin giúp mỗi người sống linh đạo lữ hành trong đời trần thế này.  Vì tin vào Lời Chúa, mà Noê đã đóng tàu khi tất cả dường như rất bình yên.  Vì tin mà Abraham đã bỏ quê cha làng xóm để đi đến phương trời xa, đi theo lời mời gọi vừa chắc chắn vừa rất xa vời.  Ngay cả khi chết Abraham vẫn còn phải tin rằng mình sẽ có con cháu đông như sao trên trời như cát dưới biển, vẫn phải tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho mình và con cháu đất để sở hữu và canh tác (vì khi vợ Abraham là Sara chết, Abraham phải mua đất chôn vợ).  Vì tin mà bao nhiêu người đã dám hy sinh mạng sống để trung thành với Thiên Chúa.

Nếu không có đức tin, Noê, Abraham, và các anh hùng tử đạo đã không hành xử như vậy.  Nếu không có đức tin, các tín hữu đã chẳng sống nghèo và giúp đỡ những người khốn khổ.  Nếu không có đức tin, chắc người ta đã sống phóng đãng và bất chấp tất cả, cốt sao để được lợi trước mắt.

Đức tin giúp con người hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, chấp nhận những điều không vừa ý một cách can đảm và anh hùng, cũng như giúp con người sống hạnh phúc trong những điều kiện mà người ta tưởng rằng không có thể.

Linh đạo lữ hành

Khi coi cuộc sống trần gian như cuộc lữ hành, không có nghĩa, coi thường cuộc sống trần thế, nhưng muốn nói, cuộc sống trần thế là thời gian dẫn ta tới sự sống vĩnh cửu.

Cuộc sống trần thế này rất quan trọng, nếu ta không tận dụng hoặc không sống nó một cách trọn vẹn, ta không thể dễ dàng tới đích ở cuối đường đời.  Cuộc đời chóng qua, nhưng rất quan trọng.  Cũng tương tự dùng máy bay để đi tới một nơi nào đó, tuy dù chỉ bay trong mấy giờ nhưng rất quan trọng, nếu không dùng thời giờ đó một cách đúng đắn nghiêm chỉnh, người ta không đi được tới nơi người ta muốn.  Đời tạm dẫn ta về quê trời, nếu không sống trọn vẹn đời tạm, e rằng khó đạt đến quê trời.

Đức tin giúp người ta nhận biết đúng thực tại, và Thiên Chúa luôn luôn ban ơn giúp người ta sống với Ngài ngay trong cuộc sống đời tạm này.  Thiên Chúa làm tất cả cho ta.  Hãy tin tưởng và vui sống, ngay cả trong “biển đời” này.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

LÀM VIỆC QUÁ MỨC, MỚI ĐẦU LÀ TỐT LÀNH, KẾT CUỘC LÀ CHẠY TRỐN 

Có những mối nguy hại khi làm việc quá mức, dù việc làm hay động cơ của nó có cao đẹp thế nào đi chăng nữa.  Các hướng dẫn thiêng liêng, bắt đầu từ Chúa Giêsu, đã luôn luôn cảnh báo về những nguy hại của thói tham công tiếc việc.  Biết bao nhiêu bà vợ, trẻ con trong gia đình, biết bao nhiêu bạn bè, biết bao nhiêu người trong cộng đồng mong muốn người họ yêu thương chú tâm đến họ nhiều hơn thay vì cứ mải vùi đầu vào công việc.

Nhưng thật khó để tránh cho mình không rơi vào cảnh bận bịu quá mức và lao tâm khổ trí vì công việc, đặc biệt trong những năm tháng chúng ta dồi dào sinh lực, có những trách nhiệm nuôi nấng con cái, trả các khoản vay, điều hành giáo hội cũng như các tổ chức, đang ngày càng đè nặng hơn trên đôi vai chúng ta.  Nếu bạn là một người nhạy cảm, bạn sẽ đấu tranh không ngừng để những áp lực này không đè nặng trên bạn.  Về điểm này, Henry Nouwen mô tả đời sống của chúng ta như cái vali bị nhồi nhét quá nhiều.  Luôn luôn có việc phải làm, luôn luôn phải gọi điện thoại, phải gặp một ai đó, phải trả biên lai, phải kiểm tra một cái gì đó trên internet, phải đi khóa vòi nước bị hở, phải tuân theo thêm một đòi hỏi từ giáo hội hay xã hội, phải đi mua thêm thứ đồ gì đó.  Các đòi hỏi của đời sống cứ triền miên không dứt và chúng ta luôn nhận thấy vẫn còn có môt trách nhiệm gì đó mà chúng ta cần phải thực hiện.  Một ngày của chúng ta quá ngắn để làm cho hết những việc đó.

Và rồi chúng ta lao vào công việc.  Khởi đầu là một ý muốn tốt đẹp và vô hại, nhưng rồi nó biến qua thành một thứ khác.  Đầu tiên, chúng ta làm hết mình vì những đòi hỏi của cuộc sống buộc chúng ta phải làm như vậy, nhưng dần dần chúng ta gắn chặt với chúng, phục vụ tha nhân ngày càng ít mà thỏa mãn cá nhân ngày càng nhiều.

Đầu tiên, chúng ta thường mù quáng về điểm này, công việc sớm trở thành như một lối thoát.  Chúng ta luôn bận tâm bận trí, chúng ta có đủ lời để bào chữa và lý luận cố hữu sao cho khỏi đối diện với các mối quan hệ trong gia đình, giáo hội hay với Thiên Chúa.  Áp lực liên tục của công việc và trách nhiệm là gánh nặng nhưng lại là tấm chắn tối hậu của chúng ta.  Chúng ta không thấy được hương hoa cuộc sống nhưng cũng không đối diện với những điều sâu sắc nơi phần chìm của bề mặt cuộc sống.  Chúng ta có thể tránh né những vấn đề chưa giải quyết trong các mối quan hệ và trong tâm hệ mình.  Chúng ta có một lời bào chữa hoàn hảo!  Đó là chúng ta quá bận rộn.

Thường thì xã hội lại cổ võ cho xu hướng thoát ly này của chúng ta.  Với những thói nghiện khác, hẳn chúng ta đã phải đi gặp bác sĩ rồi, nhưng với thói nghiện công việc, thường thường chúng ta lại được ngưỡng mộ nếu nghiện nặng và được tuyên dương vì chính sự ích kỷ này: Nếu tôi ăn uống quá độ, nghiện chất kích thích, tôi bị người ta khó chịu và thương hại, nhưng nếu tôi làm việc quá độ đến đỗi thờ ơ với những cấp bách lớn lao và quan trọng của cuộc sống, người ta lại nói với tôi: “Hẳn bạn thật tuyệt vời!  Bạn tận tụy quá mức!”  Hội chứng nghiện công việc là một thói nghiện mà nhờ nó chúng ta được tuyên dương.

Ngoài việc nó cho chúng ta một lối không lành mạnh để thoát khỏi những vấn đề quan trọng mà đáng ra chúng ta phải giải quyết, thói làm việc quá mức còn gây nên một mối nguy lớn khác.  Chúng ta càng vùi đầu vào công việc thì càng dấn sâu vào mối nguy xem ý nghĩa đời sống dựa trên công việc hơn là dựa trên các quan hệ của mình.  Khi càng chìm đắm trong công việc, thì các mối quan hệ của chúng ta càng sứt mẻ nhiều hơn, và rồi ý nghĩa đời sống ngày càng phụ thuộc vào công việc hơn là quan hệ.  Vô số cây bút thiêng liêng đã nêu lên các mối nguy trong thói tham công tiếc việc, một điểm không nhỏ trong số đó là càng ngày chúng ta càng khó tìm ra ý nghĩa đời sống ở bất cứ nơi nào khác ngoài công việc.  Những thói quen cũ rất khó bị phá vỡ.  Nếu chúng ta đã dành nhiều năm để xây dựng bản sắc của mình qua cách làm việc cật lực và được yêu mến do tính cách nhà nghề hay lòng tận tụy của mình, thì thật khó để chúng ta thay đổi và tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời từ bất cứ điều gì khác.

Các ngòi bút thiêng liêng kinh điển đều nhất loạt lưu ý về mối nguy trong sự làm việc quá mức và thói tham công tiếc việc.  Thật vậy, Chúa Giêsu đã lưu ý Martha khi cô mải mê với những việc cần làm để dọn bữa ăn rồi phàn nàn Maria không chịu giúp cô.  Câu trả lời của Chúa thật bất ngờ, thay vì trách Maria lười biếng và khen Martha tận tụy, Chúa Giêsu lại nói Maria đã chọn phần tốt hơn, và rồi trong lúc đó và trong bối cảnh đó, tính lười biếng của Maria lại thắng sự bận rộn của Martha.  Tại sao vậy?  Bởi đôi khi trong đời sống có những điều quan trọng hơn cả công việc, cho dù đó là công việc cao quý và cần thiết để thể hiện lòng hiếu khách và để chuẩn bị bữa ăn cho mọi người.

Thói lười biếng hẳn là do ma quỷ, nhưng bận rộn không phải lúc nào cũng là một đức tính tốt.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CHẤP NHẬN ƠN RIÊNG ĐỂ PHỤNG SỰ THIÊN CHÚA

Trưởng thành tâm linh là nhận biết sức mạnh và sự yếu đuối của mình.  Chúng ta bắt đầu nhận thấy các lĩnh vực cho phép chúng ta yêu mến và phụng sự Thiên Chúa – và tha nhân, đồng thời chúng ta cũng nhận thấy nơi nào chúng ta có thể làm việc, và chấp nhận rằng chúng ta có thể thiếu các tặng phẩm nào đó mà người khác lại có.  Chúng ta là những cá nhân, mặc dù chúng ta được liên kết với nhau trong Nhiệm Thể Đức Kitô.

Một sai lầm chúng ta thường mắc phải là so sánh mình với người khác.  Chúng ta có thể tập trung quá nhiều vào các tặng phẩm mà người khác có chứ không chấp nhận chính mình.  Người trưởng thành tâm linh là người nhận thấy mình thiếu khả năng hoặc tài năng về lĩnh vực nào đó.  Điều này không có nghĩa là chúng ta yếu kém, mà vì Thiên Chúa có con đường khác dành cho chúng ta khác với con đường của người khác.

Chúng ta không được yêu cầu bước đi trên con đường của người khác, mà được yêu cầu bước đi trên con đường mà Thiên Chúa đã đặt ra trước mặt chúng ta.  Ngài tạo nên mỗi chúng ta và Ngài biết rõ chúng ta có thể hoàn thiện theo cách nào.  Nếu chúng ta cầu xin Ngài và cứ để Ngài hành động, Ngài sẽ làm cho chúng ta nên thánh.  Điều đó có nghĩa là tự so sánh mình với người khác là ghen tỵ, mà đố kỵ với người khác là lãng phí thời gian.  Thiên Chúa muốn mỗi chúng ta sử dụng các tặng phẩm Ngài đã ban cho chúng ta để làm theo mục đích của Ngài chứ không theo mục đích riêng của chúng ta.  Đấng đáng kính Hồng Y Fulton Sheen giải thích: “Thiên Chúa trao ban các tặng phẩm khác nhau cho những con người khác nhau.  Không có nền tảng để cảm thấy thua kém người có tặng phẩm khác.  Khi nhận biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử theo tặng phẩm mình đã nhận, chứ không phải là tặng phẩm mình không nhận, người ta sẽ hoàn toàn thoát khỏi cảm giác thua kém.”

Nhận biết Thiên Chúa mong muốn chúng ta là người mà chúng ta là, hoặc không đi cùng con đường như người khác thì chúng ta sẽ cảm thấy tự do.  Khi chúng ta không tự so sánh mình với người khác hoặc mong muốn những điều của chính mình, chúng ta có thể sống theo ý Chúa và theo kế hoạch Ngài đã dành cho cuộc đời của chúng ta.  Ngài muốn mỗi chúng ta nên thánh theo ý Ngài muốn với những gì là của chúng ta – mối quan tâm, năng lực, sức mạnh, sự yếu đuối, và sai lầm của riêng mình.  Dĩ nhiên Ngài muốn chúng ta tiếp tục hành động để vượt qua sự yếu đuối và sai lầm của mình.

Sự tự do này cũng có thể giúp chúng ta vượt qua thói ghen tỵ, đố kỵ, và ngồi lê đôi mách, hết chuyện nhà ra chuyện người – ngày nay gọi là dạng “bà tám.”  Đó là mối nguy hiểm, đặc biệt đó là thói xấu dễ dàng dẫn tới việc vu khống.  Tán gẫu nhiều sẽ dẫn tới ghen ghét hoặc thù hận.  Trước tiên chúng ta nhìn vào tặng phẩm của người khác – dù về thể lý, trí tuệ, tinh thần…  Chúng ta thường hủy bỏ bất cứ điều tốt nào mà chúng ta cảm thấy không an toàn vì mình thiếu điều tốt đó.  Điều này thường xảy ra trong môi trường công việc, nhưng cũng thường xảy ra trong các giáo xứ hoặc cộng đoàn.

Chúng ta biết rằng người nào đó làm điều gì đó mà chúng ta không thể làm được và chúng ta cảm thấy bị đe dọa, rồi chúng ta hành động trong nỗi lo sợ đó.  Chính nỗi lo sợ đó khiến chúng ta tin rằng chúng ta thua kém hoặc không được quý mến như người có khả năng kia.  Kẻ thù muốn dẫn chúng ta tới sự bất an và không tin tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.  Lúc đó, chúng ta quên rằng mặc dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa, Ngài vẫn đại lượng trao ban cho chúng ta tình yêu thương vô hạn của Ngài.  Không có sự so sánh giữa bạn và tôi, bởi vì tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta là tình yêu sâu thẳm nhất và trọn vẹn nhất, chúng ta không được phép lo sợ về sự yếu đuối của chúng ta, bởi vì đó là điều Thiên Chúa đã biết.  Tặng phẩm của chúng ta khác nhau.

Một dạng ngồi lê đôi mách khác do lòng thù hận.  Có thể ai đó làm điều gì đó mà chúng ta không thích hoặc tính cách người đó không hợp với mình, thế nên chúng ta “nói nhỏ” với người khác để làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái hoặc làm hại người khác.  Chính những lúc đó Thiên Chúa yêu cầu chúng ta yêu thương cả những người chúng ta cảm thấy khó ưa hoặc những người phản bội chúng ta.  Là Kitô hữu và có nền tảng yêu thương, chúng ta được mời gọi yêu thương cả kẻ thù.  Nghĩa là chúng ta phải chấm dứt bàn ra tán vào, tránh xa những người lắm mồm nhiều chuyện.  Đó là do tức giận hoặc thù hận, nguyên nhân thường là do tính đố kỵ.

Để sống vì Nhiệm Thể Đức Kitô trong thế giới ngày nay, chúng ta phải sống theo kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta để chúng ta có thể cùng phục vụ với các anh chị em khác trong Đức Kitô.  Nghĩa là chúng ta phải loại bỏ sự bất an và nỗi lo sợ về tình trạng mình không đủ tốt để chấp nhận và nghỉ ngơi trong tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta.  Các con đường của chúng ta đều khác nhau.  Các tặng phẩm Thiên Chúa ban cho mỗi chúng ta cũng khác nhau.  Hãy nhìn vào cách khác nhau mà các thánh đi theo con đường riêng, sứ vụ riêng, tặng phẩm riêng, và tính khí riêng.  Thánh Teresa Calcutta có sợ Thánh Thomas Aquinô không?  Không.  Các ngài sống theo con đường nên thánh riêng mà Thiên Chúa đã mời gọi, các ngài phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội cũng hoàn toàn theo tính cách khác, kinh nghiệm khác, trí tuệ khác, và các nhiệm vụ rất khó.  Chúng ta không được mời gọi giống như các ngài, nhưng chúng ta được mời gọi giao lại các tặng phẩm của mình cho Thiên Chúa theo mục đích của Ngài.

Một trong những điều bất công mà chúng ta làm cho nhau là muốn con đường của người khác cũng như con đường của mình.  Chúng ta sai lầm khi tin rằng cách của chúng ta là cách duy nhất đúng đắn bởi vì kinh nghiệm của mình cũng phải là cách đối với người khác.  Thiên Chúa không có nhiệm vụ chung cho tất cả chúng ta, thế nên nếu chúng ta tin rằng cách của mình là cách duy nhất, chúng ta sẽ đối lập với Thiên Chúa.  Chúng ta phải nhớ rằng mỗi chi thể trong Nhiệm Thể đều phải hướng về cùng một mục đích, nhưng không cùng một con đường.  Có vô số con đường tới Giêrusalem, nhưng đích đến luôn luôn giống nhau.  Điều này cũng đúng đối với Thời Cánh Chung của chúng ta.

Có sự tự do lớn lao khi nhận biết sức mạnh và sự yếu đuối của mình.  Điều đó cho phép chúng ta ấp ủ con đường riêng mà Thiên Chúa kêu gọi mỗi chúng ta bước đi.  Điều đó dạy chúng ta cẩn thận và giúp chúng ta biết khi nào nói “có” và khi nào nói “không”.  Có nhiều điều mà người khác có thể làm tốt hơn chúng ta bởi vì họ có tặng phẩm đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho họ, giống như chúng ta đặt các tặng phẩm dưới chân Chúa để phục vụ Giáo Hội và thế giới.  Khi chúng ta đón nhận các tặng phẩm đó, chúng ta sẽ giảm bớt xét đoán người khác vì con đường của họ khác với con đường của chúng ta và chúng ta cũng sẽ thấy dễ dàng tránh né những cuộc tán gẫu.   Tất cả chúng ta đều phải tìm kiếm đường lối của Thiên Chúa dành cho chúng ta, chứ không phải con đường của chính chúng ta.  Yêu thương nhau như anh chị em trong Đức Kitô là nhận biết các tặng phẩm riêng ở mỗi người.  Khi làm vậy, chúng ta sẽ có thể kết hợp các tặng phẩm của chúng ta để chúng ta có thể đưa thế giới sa ngã này về với Đức Kitô.

Constance T. HullTrầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)