BÍ QUYẾT CHIẾN ĐẤU THIÊNG LIÊNG

Đây là 25 bí quyết chiến đấu thiêng liêng – cách chống lại cơn cám dỗ của ma quỷ, mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina Maria Kowalska (1905-1938).

Tại Cracow-Pradnik, ngày 2-6-1938, Chúa Giêsu đã hướng dẫn nữ tu trẻ người Ba Lan là Faustina về việc tĩnh tâm ba ngày.  Chị cố gắng ghi lại lời hướng dẫn của Chúa Giêsu vào nhật ký – sổ tay thần bí về cầu nguyện và Lòng Thương Xót.

Đây là những tiếng thì thầm của Chúa Giêsu nói với Thánh Faustina về cách tự bảo vệ khỏi những đợt tấn công của ma quỷ.  Hướng dẫn này đã trở nên vũ khí của Thánh Faustina trong cuộc chiến thiêng liêng.  Chúa Giêsu nói: “Này ái nữ, Ta muốn dạy con biết cách chiến đấu thiêng liêng” (số 1760).

1. Đừng bao giờ tin vào chính mình mà hãy hoàn toàn tin vào thánh ý của Ta.

Tín thác là vũ khí thiêng liêng, loại khiên thuẫn đức tin mà Thánh Phaolô đề cập trong chương 6 của thư gởi giáo đoàn Êphêsô: Binh giáp của Thiên Chúa.  Từ bỏ mình để theo Ý Chúa là hành vi tín thác, tin vào sức mạnh xua đuổi ác thần.

2. Khi ở trong tình trạng phiền muộn, tăm tối và hoài nghi, hãy cậy nhờ Ta và cha linh hướng của con, ngài sẽ trả lời con nhân danh Ta.

Trong cuộc chiến thiêng liêng, hãy cầu nguyện với Chúa Giêsu.  Hãy cầu khấn Thánh Danh Ngài, âm binh run sợ khi nghe Thánh Danh Giêsu.  Hãy đem bóng tối ra ánh sáng bằng cách cho cha linh hướng hoặc cha giải tội và làm theo hướng dẫn của ngài.

3. Đừng thỏa thuận với cơn cám dỗ, hãy ẩn náu vào Thánh Tâm của Ta.

Trong Vườn Địa Đàng, Bà Êva đã mặc cả với ma quỷ và đã thua cuộc.  Hãy chạy đến với Chúa Giêsu và ẩn náu vào Thánh Tâm, lúc đó chúng ta quay lưng lại với ma quỷ.

4. Ngay lần đầu, hãy cho cha giải tội biết cơn cám dỗ.

Xưng tội nên, cha giải tội tốt lành, và hối nhân chân thành là bí quyết để chiến thắng cơn cám dỗ và ma quỷ – không thất bại.

5. Hãy đặt tính ích kỷ vào chỗ cuối để nó không làm hư hỏng hành động của mình.

Ích kỷ là tự nhiên, nhưng phải diệt trừ nó để khỏi kiêu ngạo.  Khiêm nhường đánh bại ma quỷ, loài kiêu ngạo vô cùng.  Ma quỷ cám dỗ chúng ta ích kỷ để đưa chúng ta vào tròng kiêu ngạo của nó.

6. Hãy kiên nhẫn chịu đựng chính mình.

Kiên nhẫn là vũ khí bí mật giúp chúng ta bình an trong tâm hồn ngay cả khi bão tố cuộc đời dữ dội. Chịu đựng chính mình là thành phần của sự khiêm nhường và tín thác.  Ma quỷ cám dỗ chúng ta đừng kiên nhẫn, chống lại chính mình và tức giận.  Hãy nhìn mình trong tầm mắt của Thiên Chúa, Đấng vô cùng kiên nhẫn.

7. Đừng coi thường sự đau khổ nội tâm.

Kinh Thánh dạy rằng một số ma quỷ chỉ có thể trục xuất bằng cầu nguyện và ăn chay.  Sự đau khổ nội tâm là vũ khí chiến đấu, có thể là hy sinh nhỏ bé nhưng với lòng mến to lớn.  Sức mạnh của tình yêu hy sinh có thể trục xuất kẻ thù.

8. Hãy luôn bảo vệ ý kiến của bề trên và cha giải tội của con.

Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Faustina đang ở trong nhà dòng.  Chúng ta cũng có những người có quyền đối với chúng ta.  Ma quỷ muốn chia rẽ và chiến thắng, thế nên đức vâng lời vì khiêm nhường là vũ khí thiêng liêng.

9. Hãy tránh xa lời đàm tiếu như bệnh dịch.

Miệng lưỡi có thể gây nguy hại nhiều.  Đàm tiếu, tán gẫu, bép xép, lắm chuyện… là những thứ không bao giờ thuộc về Thiên Chúa.  Ma quỷ là kẻ lừa dối, nó khuấy động những lời kết án và tán gẫu để có thể giết người khác.  Hãy xa tránh thói “bà tám” lắm chuyện!

10. Hãy hành động như chính hành động và như mình muốn.

Quan tâm công việc của mình là bí quyết trong cuộc chiến thiêng liêng.  Ma quỷ luôn rình rập để thừa cơ lôi kéo người ta.  Hãy làm vui lòng Chúa bằng cách bỏ ý mình và tôn trọng ý kiến của người khác.

11. Hãy hết lòng giữ luật.

Ở đây Chúa Giêsu muốn nói tới Luật Dòng.  Nhưng đa số chúng ta cũng đã thề hứa điều gì đó với Thiên Chúa và Giáo Hội, chúng ta nên trung thành với những lời thề hứa đó – ví dụ, lời thề hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy hoặc bí tích Hôn Phối.  Ma quỷ luôn cám dỗ chúng ta không trung thành, không vâng lời, và không giữ luật.  Lòng trung thành chính là vũ khí để chiến thắng.

12. Nếu có ai gây rắc rối cho con, hãy nghĩ tới điều tốt con có thể làm cho họ.

Trở nên chiếc bình chứa đựng Lòng Thương Xót là vũ khí chiến đấu vì điều tốt và đánh bại ma quỷ.  Ghen ghét, tức giận, thù hận, không tha thứ… là “đặc tính” của ma quỷ.  Cũng có lúc người khác làm chúng ta tổn thương.  Chúng ta đáp lại bằng điều tốt nào?  Cầu chúc tốt lành là cách phá vỡ xiềng xích của sự nguyền rủa và thù hận.

13. Đừng bày tỏ cảm xúc của mình.

Người nói nhiều sẽ dễ bị ma quỷ tấn công.  Hãy chỉ bày tỏ cảm xúc với Thiên Chúa.  Hãy nhớ rằng thần lành và thần dữ đều nghe thấy những gì con nói.  Cảm xúc sẽ qua đi.  Sự hồi tưởng nội tâm là chiếc áo giáp thiêng liêng.

14. Hãy im lặng khi bị khiển trách.

Đa số chúng ta đều đã từng bị khiển trách.  Chúng ta không kiểm soát được điều đó nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách phản ứng của mình.  Lúc nào cũng muốn mình đúng có thể mắc bẫy của ma quỷ.  Thiên Chúa biết sự thật.  Im lặng là bảo vệ.  Ma quỷ có thể làm chúng ta té nhào bằng cái bẫy “tự nhận mình công chính.”

15. Đừng hỏi ý kiến mọi người, chỉ hỏi vị linh hướng, cứ chân thật đơn sơ như trẻ em.

Sống đơn giản có thể xua đuổi ma quỷ.  Chân thật là vũ khí đánh bại kẻ đại bịp Satan.  Khi chúng ta giả dối, chúng ta đặt một chân vào “vùng độc” của nó, và nó sẽ tìm cách quyến rũ chúng ta nữa.

16. Đừng thất vọng vì sự vô ơn.

Không ai muốn người khác vô ơn với mình.  Nhưng khi chúng ta gặp tình huống vô ơn hoặc vô cảm, sự thất vọng có thể kéo chúng ta xuống.  Hãy chống lại sự thất vọng, vì điều đó không bao giờ thuộc về Thiên Chúa.  Đó là một trong các cám dỗ hiệu quả nhất của ma quỷ.  Hãy biết ơn về mọi thứ và không buồn vì người ta vô ơn.

17. Đừng tò mò về con đường Ta đưa con đi.

Muốn biết và tò mò về tương lai là loại cám dỗ đã đưa rất nhiều người tìm đến ông đồng, bà cốt, thầy bói, thầy tướng số, tử vi…  Hãy quyết tâm bước đi trong đức tin, quyết tâm tín thác vào Thiên Chúa, chính Ngài dẫn đưa con trên đường về trời.  Hãy luôn luôn chống lại thói tò mò, hiếu kỳ.

18. Khi con buồn vì chán nản và bất đồng, hãy chạy ra khỏi chính mình và ẩn mình vào Thánh Tâm Ta.

Chúa Giêsu đưa ra cùng một sứ điệp lần thứ hai.  Bây giờ Ngài nói tới sự chán nản.  Ở đầu cuốn Nhật Ký, Ngài đã nói với Thánh Faustina rằng ma quỷ rất dễ dàng cám dỗ những người rảnh rỗi, ăn không ngồi rồi.  Hãy nhận biết sự chán nản là tình trạng lơ mơ hoặc trầm cảm – ma quỷ ban ngày.  Những người rảnh rỗi là mồi ngon đối với ma quỷ.  Hãy bận làm việc cho Chúa.

19. Đừng sợ chiến đấu, hãy can đảm chống lại cám dỗ, chúng không dám tấn công nữa.

Sợ hãi là thủ đoạn phổ biến thứ hai của ma quỷ (thứ nhất là kiêu ngạo).  Sự can đảm làm cho ma quỷ nhụt chí – nó sẽ chuồn đi khi gặp lòng can đảm kiên quyết dựa trên Đá Tảng Giêsu.  Mọi người đều chiến đấu, Thiên Chúa là sự quan phòng của chúng ta.

20. Luôn chiến đấu với niềm tin sâu sắc rằng Ta ở với con.

Chúa Giêsu đã hướng dẫn một nữ tu vào dòng để “chiến đấu” với sự tin chắc.  Nữ tu này có thể làm vậy vì có Chúa Giêsu đồng hành.  Các Kitô hữu được mời gọi chiến đấu với niềm tin tưởng chống lại mưu ma kế quỷ.  Ma quỷ cố gắng khủng bố và chiếm lấy các linh hồn, hãy chống lại!  Hãy luôn cầu xin Chúa Thánh Thần suốt ngày.

21. Đừng theo cảm xúc, vì không thể luôn kiểm soát được; nhưng công trạng nằm trong ý muốn.

Mọi công trạng đều nằm trong ý muốn vì yêu thương là hành động của ý muốn.  Chúng ta hoàn toàn tự do trong Đức Kitô. Chúng ta phải chọn lựa, tự quyết định làm điều tốt hay xấu.  Chúng ta đang sống trong vùng nào?

22. Hãy luôn tùy thuộc bề trên, ngay cả những điều nhỏ nhất.

Đây là hướng dẫn Chúa Giêsu dành cho Thánh Faustina.  Nhưng chúng ta đều có Chúa là Bề Trên của mình.  Tùy thuộc vào Thiên Chúa là vũ khí của cuộc chiến thiêng liêng vì chúng ta không thể chiến thắng nhờ sức mình.  Tuyên xưng Đức Kitô chiến thắng ma quỷ là bổn phận của người môn đệ.  Đức Kitô đến để chiến thắng tử thần và ma quỷ.  Hãy tuyên xưng Ngài!

23. Ta sẽ không lừa dối con bằng viễn cảnh bình an và an ủi, nhưng chuẩn bị những cuộc chiến đấu cam go.

Thánh Faustina chịu đau khổ cả thể lý và tinh thần.  Chị được chuẩn bị cho những cuộc đại chiến bằng ân sủng của Thiên Chúa, Đấng nâng đỡ Chị.  Đức Kitô hướng dẫn chúng ta qua Kinh Thánh để chuẩn bị cho những cuộc chiến cam go, để mặc áo giáp của Thiên Chúa và chống lại ma quỷ.  Hãy luôn tỉnh thức và ý thức.

24. Hãy nhớ rằng con ở trong giai đoạn quan trọng mà cả trời đất đều nhìn con.

Tất cả chúng ta đang ở trong giai đoạn mà cả trời đất đều theo dõi.  Cuộc đời chúng ta có sứ điệp gì?  Điều gì tỏa ra từ chúng ta – ánh sáng hay bóng tối?  Cách chúng ta sống thu hút nhiều ánh sáng hay bóng tối?  Nếu ma quỷ không thành công trong việc lôi kéo chúng ta vào miền tối tăm, nó sẽ cố gắng giữ chúng ta trong vùng hâm hẩm – không nóng, không lạnh, dở dở ương ương.  Và như thế thì Thiên Chúa không vui lòng.

25. Hãy chiến đấu như một hiệp sĩ để Ta có thể ban thưởng cho con. Đừng sợ hãi, vì con không đơn độc.

Lời Chúa Giêsu nói với Thánh Faustina có thể trở thành lời tâm niệm của chúng ta: Hãy chiến đấu như một hiệp sĩ!  Hiệp sĩ của Đức Kitô biết rõ lý do mình chiến đấu, sự cao cả của sứ vụ, Vị Vua mà mình phục vụ, và tính chắc chắn của sự chiến thắng mà chiến đấu tới cùng, chiến đấu bằng mọi giá.  Nếu một nữ tu ít học, giản dị, nhưng kết hiệp với Đức Kitô, có thể chiến đấu như một hiệp sĩ, thì mọi Kitô hữu – trong đó có mỗi chúng ta – cũng có thể chiến đấu như vậy.  Tin tưởng sẽ chiến thắng!

Kathleen Beckman
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

KHIÊM TỐN BAO NHIÊU CŨNG CHẲNG ĐỦ

Chủ đề suy niệm từ Tin Mừng nói với chúng ta về một vật rất đỗi bình thường trong cuộc sống, đó là chiếc ghế.  Tự bản chất, ghế chỉ để ngồi.  Nhưng chỗ ngồi ở mỗi vị trí lại có giá trị khác nhau.  Vì thế, người ta tranh nhau cái ghế và cố gắng bảo vệ chỗ ngồi của mình bằng mọi cách!  Từ hình ảnh “Thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi,” Chúa Giêsu dạy cho chúng ta bài học về lòng khiêm tốn và nhân đức khiêm nhường.  Thế nhưng, giữa một thế giới mà trong đó con người đang giành nhau những vị trí cao nhất ở mọi lãnh vực, vậy bài học về đức khiêm nhường của Chúa có còn thích hợp với người thời nay nữa hay không?

Người Việt Nam chúng ta vốn quan niệm “Một miếng giữa đàng, hơn một sàng xó bếp.”  Quan niệm ấy cho ta hai suy nghĩ vừa tích cực lẫn tiêu cực.  Chiều tích cực cho thấy sự trọng vọng của mọi người dành cho người có chức quyền và địa vị ở mọi thời.  Sự vinh quang này cũng có thể là động lực giúp cho nhiều người cố gắng vươn lên trong khả năng của mình cho bằng người khác.  Tuy nhiên, mặt trái của sự vinh quang thế gian ấy cũng làm cho chính đương sự nhiễm thói kiêu ngạo, vênh vang tự đắc, coi trời bằng vung và chẳng xem ai ra gì!  Nhiều khi chính vì địa vị của họ mà người ta rơi vào vùng trời cô đơn, chỉ những kẻ nịnh bợ được lợi mới là bạn.  Và đôi khi địa vị của họ cũng trở thành tầm ngắm của nhiều người muốn giành giật.  Vì vậy cuộc sống của họ phải đối diện với trăm ngàn mưu mô, cạm bẫy, khó khăn ngay cả với những kẻ thuộc cấp.  Khi còn đương chức thì dương dương tự đắc, vì “Miệng nhà quan có gang có thép.”  Và bao người đón đưa, ca tụng.

Thế nhưng, sông có khúc, người có lúc.  Khi có chức quyền thì phải sống sao để khi hết chức, hết quyền người ta vẫn còn lòng quí mến và kính trọng mình.  Cách riêng đối với những người đang nắm giữ những chức vụ trong Giáo Hội, trong các đoàn thể…, chúng ta càng phải ý thức và sống cách triệt để lời Chúa căn dặn môn đệ khi thấy họ cãi nhau xem ai là người làm lớn:  “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).  Thực ra, chức vị và quyền hành không phải là một cái gì tội lỗi, đáng sợ hay xấu xa, vì những người khôn ngoan và có khả năng, nhiệt thành, được tập thể tín nhiệm trao phó trọng trách để phục vụ con người, công ích và phục vụ Giáo Hội.  Vậy hãy nhớ lời sách Huấn Ca nhắc nhở: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Chúa” (Hc 3,18).

Chức quyền chỉ là luân phiên để phục vụ “Quan chỉ nhất thời, dân mới vạn đại.”  Thế nên, người khiêm tốn sẽ biết khả năng, chức vụ của họ chỉ là phương tiện phục vụ mọi người.  Trong đời sống đức tin, chúng ta cần ý thức mình chỉ là một trong những dụng cụ Chúa dùng để phục vụ phần rỗi và ơn cứu độ nhân loại.  Chúng ta như những chiếc ghế dùng để ngồi.  Thiên Chúa muốn đặt ở đâu cũng không sao.  Ai ngồi lên cũng không thành vấn đề.  Nếu không còn được dùng nữa, chiếc ghế vui vẻ sẵn sàng nằm trong kho hoặc trở thành những thanh củi để cho đời một chút lửa, một cục than hay một nắm tro tàn.

Chúng ta cần ý thức “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng đủ.  Kiêu căng một chút cũng bằng thừa.”  Người khiêm tốn thì luôn kính trọng tha nhân, làm việc theo ý chung vì lợi ích tập thể.

Người khiêm tốn ý thức giới hạn của bản thân nên luôn nhận trách nhiệm khi công việc thất bại, còn thành quả là do tập thể.

Người khiêm tốn âm thầm làm việc mà không cần người khác khen ngợi, vì họ biết đó là bổn phận và trách nhiệm của họ.

Người khiêm tốn luôn bình tĩnh nghe sự góp ý của người khác về khuyết điểm của mình và sẵn sàng sửa đổi.

Người khiêm tốn không thích nói về mình, không đề cao mình, những gì họ đạt được là do ơn Chúa và nhờ sự trợ giúp của mọi người.

Người khiêm tốn nỗ lực và ý thức trách nhiệm trong mọi việc đã lãnh nhận, cố gắng với tất cả khả năng và phó thác thành công cùng thất bại trong bàn tay Chúa.

Người khiêm tốn luôn cư xử nhẹ nhàng, hòa nhã và tinh tế với mọi người, luôn đặt lợi ích và quyền lợi của người khác trên bản thân mình.

Người khiêm tốn biết giới hạn của mình và chỉ thực hiện những gì trong tầm tay và khả năng cho phép.  Họ không đứng chỉ tay nhưng vén tay áo để cùng làm việc với mọi người.

Người khiêm tốn ý thức chức vụ và quyền hành là để phục vụ, vì thế họ sẵn sàng rút lui khi sức khỏe và khả năng giảm sút không còn đủ hay không phù hợp để phục vụ mọi người.

Người khiêm tốn là người biết nhận định chính xác về bản thân mình trong mọi sự.

Bài học khiêm tốn tuy đơn giản nhưng không phải dễ dàng học và thực hiện trong đời mình.  Con công đẹp ở bộ lông, con chồn quí ở bộ da.  Nhưng chúng chết hoặc bị săn lùng cũng chỉ vì những thứ mà chúng khoác trên mình!  Xin cho chúng ta hôm nay thấm nhuần được bài học khiêm nhường của Chúa – Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng.  Người đã chọn chỗ rốt hết trong thân phận làm người, nghèo hèn trong cuộc sống, đơn giản trong cách ăn nết ở, hòa nhã và thân thiện với tất cả mọi người.  Cuối cùng, Người đã chấp nhận hủy mình ra không trong cái chết.  Người đã chọn chỗ rốt hết trong bữa tiệc nhân sinh.  Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người.  Qua cuộc sống, Người đã trở nên mẫu gương cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi lòng chúng con nên khiêm nhường giống như Chúa.  Amen!

Dã Quỳ

THÁNH AUGUSTINÔ, BẬC TRÍ THỨC CỦA MỌI THỜI

Đối với Augustinô, người Kitô hữu phải kết hợp thành một thân thể duy nhất với Chúa Kitô.  Vả lại, cuộc sống Kitô hữu là gì, nếu không phải là mặc lấy Chúa Kitô, tái sinh trong Thiên Chúa và trong sự thăng tiến tâm linh cho đến lúc gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt?

1. Hối nhân trở thành thánh nhân

Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng 11 năm 354, tại Tagaste, nay là thành phố Souk-Ahras thuộc nước Algeria, nằm phía Bắc Phi Châu.  Cha ngài là thị trưởng Patricius, thuộc gia tộc quyền quý và mẹ là Monica, một tín hữu công giáo, đạo hạnh, gương mẫu và giàu nhân đức.  Mẹ Monica đã kiên trì cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và mở lòng người chồng và người con trai yêu quý tìm về nguồn Chân Thiện Mỹ.  Ơn Chúa rất huyền nhiệm và linh động nơi cuộc đời Augustinô.

Khi còn bé, Augustinô là một cậu bé tinh nghịch, thông minh xuất chúng, nên cậu là niềm hãnh diện của ông Patricius.  Sau 16 năm sống với gia đình tại Tagaste, ngài đã được cha mẹ cho đi học về văn khoa hùng biện tại Carthage vào cuối năm 370.

Thành phố Carthage là một thành đô phồn thịnh, những toà nhà nguy nga lộng lẫy, thổ dân ở đây đa số là đa thần, và lối sống cao xa dễ đưa con người vào con đường xa hoa trụy lạc.  Cuộc sống ở đô thành đã thu hút biết bao bạn trẻ, và Augustinô cũng không ngoại lệ.  Tuy con đường học vấn trổi vượt hơn các bạn học nhưng đời sống tâm linh và luân lý bị suy sụp.

Năm 19 tuổi, Augustinô đã trở thành giáo sư triết học.  Sự thành công trong học vấn đã tạo cho ngài một chỗ đứng vững vàng trong xã hội.  Những kiến thức thâm thúy và sự khôn ngoan của triết gia Cicero đã gợi trong tâm thức Augustinô nỗi khát vọng tìm kiếm sự khôn ngoan chân thật.  Khi nghe giáo chủ của giáo phái Manikê hùng biện về giáo thuyết của họ, ngài bị thu hút và đã gia nhập giáo phái này.  Với tài hùng biện sẵn có, ngài đã thuyết phục được bao nhiêu người gia nhập vào giáo phái đó.

Sau những năm theo học tại Carthage, năm 373, ngài trở về quê Tagaste, nhưng mẹ ngài không thể đón nhận một người thuộc bè phái Manikê dù đó là con trai của mình.  Nhưng tình yêu đã khiến Monica tha thứ và hết lời khuyên con trở về chính lộ.  Thời gian ở Tagaste, Augustinô đã mở lớp dạy môn khoa Ngữ Văn để kiếm tiền sinh sống.

Suốt 9 năm làm tín đồ Manikê, đến năm 383, khi tròn 29 tuổi, ngài ao ước sang Ý để lập nghiệp, nhưng ý định này không được mẹ tác thành.  Tuy nhiên, ngài vẫn trốn mẹ mà đi sang thánh đô Rôma, nước Ý.  Khi đến nơi, ngài đã lâm trọng bệnh và sau khi hồi phục ngài đã mở lớp dạy chuyên khoa văn hùng biện.  Học sinh ở đây không trả lệ phí nên ngài nản lòng và bỏ dạy.  Cuối cùng, ngài xin dạy tại đại học ở Milan.  Là một giáo sư dạy triết học, ngài say mê tìm kiếm và đào sâu vào triết lý của Plato.

Năm 384-387, là giai đoạn khủng hoảng niềm tin.  Giai đoạn khủng hoảng được chấm dứt khi ngài nghe bài giảng thật huyền nhiệm của thánh Giám mục Ambrôsiô.  Phục Sinh năm 387, Augustinô được Rửa tội tại Nhà thờ Milan.  Ít lâu sau, đang khi phải chiến đấu dữ dội với những ham muốn của xác thịt, ngài đã nghe như có tiếng thúc bách từ nội tâm là hãy cầm sách Thánh lên để đọc.  Ngài mở thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương.  Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,13-14).  Niềm vui và sự bình an khôn tả tràn ngập tâm hồn Augustinô và đã biến đổi cuộc đời của ngài hoàn toàn.

Hè năm 387, Augustinô cùng với mẹ và các bạn đồng hành đến cảng Ostia.  Ít lâu sau, mẹ ngài qua đời và được chôn cất tại đây.  Năm 388, ngài trở về Tagaste.  Cùng với người bạn Alypius, ngài đã thành lập đan viện để sống chiêm niệm.  Năm 391, ngài được phong chức linh mục thành Hippo và ở đây cho đến chết.

Khi nhận ra Đức Kitô là nguồn ơn cứu độ, ngài đã viết rất nhiều sách để phi bác các lạc thuyết thời bấy giờ.  Năm 395, ngài được phong làm phụ tá Đức Giám mục thành Hippo.  Sau khi Đức Giám mục Valerius thành Hippo băng hà năm 396, thánh Augustinô lên kế vị.  Sự khôn ngoan và thánh thiện của ngài đã giúp cho Giáo hội Phi Châu tiến triển rất nhiều.  Ngài còn để lại những bộ sách quý giá về thần học, minh giáo và chú giải Thánh Kinh.  Trong suốt quãng thời gian làm Giám mục, ngài còn thể hiện một tinh thần khiêm tốn và tình huynh đệ bác ái tuyệt hảo đối với các linh mục dưới quyền ngài.

Sau khi trở lại, thánh Augustinô sống nhưng không còn phải là ngài sống nữa, mà là Đức Kitô sống nơi ngài.  Khi mọi sự đã hoàn tất, Chúa đã gọi ngài một lần nữa qua cơn bệnh trầm trọng và đã qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo.  Ngài đã được phong thánh và được nâng lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1303.

Thánh Augustinô trở lại vào năm 33 tuổi và 3 năm sau Ngài trở thành linh mục, rồi năm 41 tuổi làm giám mục.  Ngài biết Chúa và yêu Chúa tuy muộn màng nhưng thật nồng cháy “Con đã yêu mến Ngài quá muộn, ôi Đấng tốt đẹp rất cổ kính và rất tân kỳ!  Con đã yêu mến Ngài quá muộn!

“Này, Ngài vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con và vì thế con tìm Ngài ở bên ngoài; là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những vật xinh đẹp Ngài đã tạo dựng nên.  Ngài đã ở với con mà con lại không ở với Ngài.  Chính những vật, nếu không hiện hữu trong Ngài thì không bao giờ hiện hữu, đã cầm giữ con xa Ngài.  Ngài đã kêu gọi, đã gào thét, đã thắng sự điếc lác của con.  Ngài đã soi sáng, đã chiếu rọi, đã xua đuổi sự mù lòa của con.  Ngài đã tỏa mùi thơm của Ngài ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Ngài.  Con đã được nếm Ngài, và đâm ra đói khát Ngài; Ngài đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Ngài” (Tự thuật X, 27, 38).  Ngài đã cầu nguyện, đọc tìm hiểu Kinh Thánh và lắng nghe Lời Chúa nên luôn thao thức “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa” (Tự thuật I, 1, 1).

2. Thánh Augustinô, bậc trí thức của mọi thời

Thánh Augustinô để lại cho Giáo hội một kho tàng tư tưởng quý giá trong 252 cuốn sách lớn nhỏ, 509 bài giảng đủ loại, và 207 lá thư xa gần.  Những tư tưởng bất hủ của ngài thường được trích từ ba cuốn sách nổi tiếng là: Những thú nhận, Thành trì của Thiên Chúa, về Chúa Ba Ngôi.

Nội dung tư tưởng phần lớn tập trung vào ba lãnh vực: Triết học, thần học, linh đạo.  Hình thức ngài dùng để diễn tả nội dung là rất phong phú.  Tất cả đều mang dấu ấn của một người học cao về văn chương và hùng biện.

Đọc những tác phẩm của thánh Augustinô, người nghiên cứu thấy: Phần, mà ngài nhận được bởi người khác, là rất đa dạng.  Phần, mà ngài tự suy nghĩ ra, là rất sâu sắc.  Ngài đã là giáo sư ở Tagaste, Carthage, Roma và Milan.  Ngài có quan hệ mật thiết với nhiều bạn bè trí thức, trong đó có thánh Ambrôsiô.

Trí thức của thánh Augustinô được nhận thấy ở điểm chung này là: Say mê đi tìm sự thật, lẽ phải và đức khôn ngoan.  Đối tượng là Thiên Chúa và con người.  Sau khi đã mải miết đi tìm ở các trường phái, các trường học, các học giả, thánh nhân đã đi tìm nơi Đức Kitô.  Ngài thú nhận: Chỉ Đức Kitô mới cho ngài thấy rõ sự thực, lẽ phải và sự khôn ngoan.  Chỉ Đức Kitô mới là thầy chỉ cho ngài thấy con đường phần rỗi.  Đức Kitô dạy ngài qua gương đạo đức của mẹ ngài là thánh Monica, qua Lời Chúa và trong nội tâm sâu thẳm của ngài.  Ngài ghi lại tất cả cuộc đời thăng trầm của ngài một cách rất khiêm nhường.  Với những tư tưởng trí thức trộn vào những kinh nghiệm bản thân, thánh Augustinô đã phản bác các bè rối một cách trí thức và đạo đức.  Cũng với trí thức và đạo đức, ngài đã lập cộng đoàn tu viện ở Tagaste, đã sống đời mục vụ khi làm giám mục ở Hippone.  Tại đây, ngài cũng đã trí thức trong lối sống của ngài.

Một chọn lựa đã được thánh Augustinô hay nhắc tới, đó là đời sống bên trong hơn đời sống bên ngoài.  Trong mục vụ, thánh Augustinô lo cho đời sống bên ngoài của con chiên bằng nhiều cách, nhất là bằng cách dạy bảo, cảnh báo, khuyên răn.  Nhưng điều quan trọng hơn ngài luôn cố gắng là, lo cho con chiên đi vào nội tâm mình, để gặp gỡ Đức Kitô.  Trong cố gắng ấy, ngài thường nhấn mạnh đến đời sống phục vụ trong yêu thương, tình nghĩa theo gương Đức Kitô.  Chính Đức Kitô mới là Đấng dạy dỗ nội tâm và đổi mới con người bên trong.  Vì thế, mục đích sau cùng, mà ngài nhắm tới trong mọi bài giảng, là dẫn con người đến với Đức Kitô.

Thánh Augustinô là niềm tự hào của giáo phận Hippone, của Hội Thánh Phi châu, của Hội Thánh toàn cầu.

Nếu nhìn Hội Thánh Việt Nam qua gương trí thức của ngài, chúng ta sẽ thấy mình còn nhiều điều phải cố gắng thêm.

Bước đầu của trí thức là biết nhận thấy vấn đề.  Trong lãnh vực tư tưởng cũng như trong lãnh vực đời sống, trí thức vẫn là một tiếng gọi.  Dù đối thoại, dù đối kháng, chúng ta cần phải trí thức.  Nhất là trí thức Phúc Âm.  Những chọn lựa đạo đức, nếu thiếu chiều sâu trí thức, sẽ khó có thể làm cho Chúa được vinh quang trên đất nước Việt Nam hôm nay một cách hữu hiệu và lâu bền.

Trên đất nước Việt Nam hôm nay và ngày mai, trí thức đang và sẽ phát triển ở mọi tầng lớp.  Trí thức cũng đang được khát khao ngay ở thôn quê bình dân nghèo túng.

Ước mong Công giáo Việt Nam khi hiện diện và đồng hành, sẽ không thiếu một đội ngũ trí thức tầm cỡ đi đầu.  Vừa trí thức trong đạo, vừa trí thức ngoài đời.  Khối trí thức ấy sẽ sát cánh kề vai với các trí thức xã hội, để cùng với tất cả đồng bào, xây dựng quê hương chung là Việt Nam yêu mến của chúng ta.  Chúng ta thành khẩn dâng lên Chúa mong ước trên đây với tâm tình cầu nguyện khiêm cung. (x. Vietcatholic 27-8-2010, nhân lễ kính thánh Augustinô, suy nghĩ về trí thức; ĐGM Bùi Tuần).

3. “Giám mục vì anh chị em, Kitô hữu với anh chị em”

Cho anh chị em, tôi là Giám mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu. Tước hiệu thứ nhất là trách vụ đã lãnh nhận, tước hiệu thứ hai là của ân sủng.  Tước hiệu đầu nói lên mối nguy hiểm, tước hiệu sau nói lên ơn cứu độ.

Thánh Augustinô đã sống một đời sống cầu nguyện liên lỉ, không ngừng đào sâu Kinh Thánh.  Kinh nguyện trong cộng đoàn giúp ngài thêm mạnh mẽ.  Sự ân cần của ngài đối với mọi người luôn là một huyền thoại: những người dự tòng chuẩn bị bí tích Rửa Tội, những người bị mất phương hướng luân lý viết thư xin ngài chỉ giáo, những giáo lý viên chán nản, những linh mục mất định hướng thần học…

Đối với Augustinô, người Kitô hữu phải kết hợp thành một thân thể duy nhất với Chúa Kitô.  Vả lại, cuộc sống Kitô hữu là gì, nếu không phải là mặc lấy Chúa Kitô, tái sinh trong Thiên Chúa và trong sự thăng tiến tâm linh cho đến lúc gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt?

Cầu nguyện

Ôi thánh Augustinô ngàn đời hạnh phúc.
Thiên Chúa đã chọn Ngài để trở thành mục tử của Hội Thánh.
Thiên Chúa đã ban cho Ngài đầy tinh thần Khôn ngoan và thông hiểu.
Suốt đời, Ngài đã tìm kiếm Thiên Chúa với cả con tim thổn thức của mình.
Trong đức tin, với lòng tín thác, tình yêu và sự bền chí, chúng con kêu cầu Ngài vì Ngài là cha chúng con:
Xin giúp chúng con được củng cố trong đức tin, đức cậy và đức mến.
Xin giúp chúng con biết noi gương Ngài luôn khát khao Thiên Chúa là nguồn mạch của sự khôn ngoan đích thực.
Xin cũng giúp chúng con tìm thấy sự nghỉ an trong Thiên Chúa, chủ thể tình yêu vĩnh cửu mà thôi. Amen.

(Lời nguyện trong tuần cửu nhật chuẩn bị Năm Thánh của Tiểu chủng viện Thánh Augustinô-Koupélà).

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

KHÔNG GIAN CHỮA LÀNH CỦA THINH LẶNG

Quyển sách mới đây của Robyn Cadwallander, “Nữ ẩn sĩ” (The Anchoress) kể về Sarah, một phụ nữ trẻ chọn khép mình khỏi thế giới và sống như một ẩn sĩ (như Julian thành Norwich vậy).  Đây không phải là đời sống dễ dàng và cô sớm nhận ra mình phải đấu tranh với lựa chọn này.  Cha giải tội cho cô là cha Ranaulf, một tu sĩ trẻ, không nhiều kinh nghiệm.  Mối liên hệ giữa họ cũng không dễ dàng.  Cha Ranaulf là người ngại ngùng và ít nói nên Sarah thường thấy chán khi gặp cha, cô muốn cha nói thêm, muốn cha đồng cảm hơn và đơn giản muốn cha hiện diện rõ hơn với cô.  Họ thường xuyên bàn luận, hay ít nhất là Sarah thường cố moi thêm lời nói và đồng cảm từ cha Ranaulf.  Nhưng bất kỳ lúc nào cô cố gắng làm thế, cha Ranaulf đều gián đoạn buổi xưng tội và rời đi.

Một ngày nọ, sau một buổi xưng tội cực kỳ đáng chán khiến cha Ranaulf cứng lưỡi và Sarah giận dữ, cha chỉ đóng cánh cửa tòa giải tội, một phản ứng thông thường của cha khi căng thẳng, khi có điều gì đó trong cha không muốn cho cha bỏ đi.  Cha biết là mình phải cho Sarah một điều gì đó, nhưng cha không có lời lẽ nào để làm được.  Và, khi không có gì để nói ngoài cảm giác mình buộc phải rời đi, cha đơn giản là ngồi đó trong thinh lặng.  Ngược đời thay, sự bất lực câm nín của cha lại đạt được một điều mà những lời nói của cha không làm được, đó là một bước đột phá.  Lần đầu tiên, Sarah cảm thấy sự quan tâm và đồng cảm của cha, cũng như sự hiện diện của cha với mình.

Và lời văn của Cadwallander mô tả đoạn này như sau:

“Cha hít một hơi thật sâu rồi từ từ chậm rãi thở ra.  Cha không còn điều gì để nói, nhưng cha không để cô ấy ở đây một mình trong tâm trạng cay đắng được.  Vậy nên cha vẫn ngồi lại trong tòa giải tội, cảm nhận sự trống trải của phòng xưng tội quanh mình, cảm nhận sự thất bại của việc học, của những từ ngữ mà cha đã ghi khắc trong đầu, trang này đến trang khác, tầng này đến tầng khác.  Cha không thể mở miệng, nhưng cha có thể ở lại, và cha làm thế.  Cha bắt đầu cầu nguyện trong thinh lặng, nhưng không biết bắt đầu thế nào, không biết phải xin gì.  Cha bỏ cuộc, và thở chậm rãi từ từ.

Sự thinh lặng bắt đầu như một điều gì đó thật vụn vặt và đáng sợ, đậu trên rìa cửa sổ tòa giải tội, nhưng khi cha Ranaulf ngồi đó trong tĩnh mịch, nó dần dần, rất chậm rãi, lớn lên, và tràn khắp gian phòng, cuộn chặt quanh cổ và vòng lấy lưng cha, cuốn quanh đầu gối và đôi bàn chân cha, tràn lên các bức tường, lấp đầy các ngóc ngách, len lỏi vào cả các khe tường đá.…  Sự thinh lặng trườn qua các khe hở và len vào cả gian phòng bên trên.  Dường như nó thật êm ái mềm mại.  Nó tràn ra và vững vàng, nó chiếm lấy mọi khoảng không.  Cha Ranaulf ngồi bất động, không nhúc nhích, cha đã mất hết mọi khái niệm về thời gian.  Mọi sự cha biết là có một phụ nữ đang cách cha một sải tay, trong bóng tối, và đang thở.  Vậy là đủ.

Khi ánh nến trong gian phòng mờ dần đi, cha nhúc nhích, cha nhìn vào bóng tối.

‘Chúa ở cùng con Sarah.’  ‘Và ở cùng cha.’  Giọng của cô tươi sáng hơn, thân thiết hơn.”

Có một ngôn ngữ vượt ngoài ngôn từ.  Sự thinh lặng dành chỗ cho ngôn ngữ đó.  Đôi khi chúng ta cảm thấy bất lực không thể nói được gì có ý nghĩa, chúng ta phải đi trở vào sự vô tri và vô lực, nhưng khi ở lại trong tình trạng này, sự thinh lặng tạo một không gian cần thiết cho một điều thâm sâu hơn xuất hiện.  Nhưng thường, lúc đầu, thinh lặng thật không dễ dàng gì.  Nó bắt đầu “như một sự đáng sợ vụn vặt” và dần lớn lên thành hơi ấm xua tan đi căng thẳng.

Nhiều lần chúng ta không có lời nào đáng để nói.  Chúng ta, ai cũng cảm nghiệm việc đứng bên giường người hấp hối, tham dự một đám tang, đứng trước một tâm hồn tan vỡ, hay rơi vào thế bí khi cố gắng vượt qua tình huống căng thẳng trong quan hệ, lại thấy mình cứng lưỡi, không có từ nào để nói, rồi cuối cùng rơi vào thinh lặng, biết rằng nói bất kỳ điều gì cũng chỉ làm trầm trọng thêm nỗi đau đớn này.  Trong tình thế bất lực đó, bị hoàn cảnh làm câm nín, chúng ta học được một điều: Chúng ta không cần phải nói gì, chỉ cần ở đó.  Sự hiện diện thinh lặng, bất lực của chúng ta là điều đang cần.

Và tôi phải công nhận, đây không phải là điều dễ học đối với tôi, không phải là điều theo khuynh hướng của tôi, và thực sự nhiều khi tôi không làm thế khi đáng ra phải làm.  Cho dù tình thế có ra sao đi nữa, tôi luôn cảm thấy mình phải nói lên một điều gì đó có ích, một điều gì đó giúp giải quyết căng thẳng này.  Nhưng tôi đang học được rằng, hãy để sự bất lực lên tiếng, và cũng học được rằng điều này thật mạnh mẽ biết bao.

Tôi nhớ có lần, khi còn là một linh mục trẻ, đầy kiến thức học được trong chủng viện và háo hức chia sẻ kiến thức đó, tôi ngồi trước một người có tâm hồn đang bị tan vỡ, tôi cố gắng tìm câu trả lời và thấu suốt trong đầu mình, tôi không tìm thấy gì, cuối cùng tôi xin lỗi thú nhận sự bất lực của tôi với người đối diện.  Câu trả lời của cô làm tôi kinh ngạc, và dạy tôi một điều mà tôi không hề hay biết trước đây.  Cô đơn giản nói rằng: Sự bất lực của cha là món quà quý báu nhất cha có thể chia sẻ với con ngay bây giờ.  Con cám ơn cha.  Không một ai kỳ vọng bạn có chiếc đũa thần để chữa lành những phiền muộn của họ.

Đôi khi, thinh lặng lại thành một sự êm ái mềm mại len lỏi và chiếm lấy, lấp đầy mọi khoảng không.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG

Chắc không ít người ngỡ ngàng khi Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết là con đường dẫn tới sự sống đích thực và vĩnh cửu là con đường: “Vào qua cửa hẹp.”  Và ai biết tìm kiếm và chiến đấu để vào qua cửa hẹp thì được sự sống đời đời làm gia nghiệp.  Đó là điều Chúa Giêsu quả quyết cho tất cả chúng ta.  Vấn đề không phải là có bao nhiêu người được cứu độ vì “Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở”; cũng không phải là chuyện ai được tiền định để hưởng sự sống đời đời “Không phải gọi Lạy Chúa!  Lạy Chúa là được vào Nước Trời đâu!”  Nhưng vấn đề là làm sao tìm thấy “con đường hẹp” và “vào qua cửa hẹp” cách anh hùng và trung tín.

Vấn đề đặt ra: “cửa hẹp là cửa nào?”  Làm sao để có thể tiến bước trong con đường mà cửa hẹp dẫn đưa qua?

Khi nói “Hãy phấn đấu vào qua cửa hẹp”, chắc chắn Chúa Giêsu không nói đến vấn đề rộng hẹp theo nghĩa vật chất, nhưng mang nghĩa tinh thần và thiêng liêng.  Nhìn vào chính cuộc sống và chọn lựa của Chúa Giêsu, ta có thể thấy được một vài đặc tính của con đường hẹp:

Con đường hẹp là con đường của sự từ bỏ: từ bỏ những gì đi ngược lại với phẩm giá và lương tâm của con người dù nó có lợi lộc nhiều đến mấy đi nữa!  Từ bỏ những quyến luyến hay việc tôn thờ lệch lạc như thần tài, bói toán, sắc dục …

Con đường hẹp là con đường của hy sinh: sẵn sàng chịu mất giờ, mất công sức, mất tiền của vì hạnh phúc của anh chị em mình; vui lòng nhường nhịn với những tranh chấp nhỏ nhen vì muốn gây tinh thần hoà thuận với mọi người…

Con đường hẹp là con đường của yêu thương và tha thứ: con đường của tình yêu và tha thứ là con đường đẹp nhất, nhưng cũng là con đường nhiều chông gai nhất.  Bởi lẽ, yêu thương vô vị lợi là cúi mình xuống tận cùng để nâng người khác lên, là sẵn sàng nhận lãnh lấy những chỉ trích, những hiểu lầm của người khác.  Cái chết nhục nhằn của Chúa Giêsu trên Thập giá đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Con đường hẹp là con đường vâng phục Thánh ý Chúa Cha Thánh ý Chúa trong cuộc đời ta thường rất khác với ý ta muốn.  Chấp nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời ta cũng có nghĩa là chấp nhận bỏ mình, trở nên không không để Chúa tự do hành động trong đời ta, và ta sẵn sàng bước theo Chúa trên những con đường mới lạ, gập ghềnh và chẳng mấy ai đi!  Nhưng Chúa sẽ đưa ta vào con đường huyền nhiệm của yêu thương và sự sống.

Tóm lại con đường hẹp là con đường Thập giá mà Đức Giêsu đã đi.  Nhưng xem chừng, con đường hẹp như thế này không mấy hấp dẫn đối với nhiều người hôm nay, nhất là khi cuộc sống của họ đã quá đầy đủ và giàu sang!  Theo lẽ thường, ai cũng thích bước đi trên con đường rộng rãi, phẳng phiu và dễ dãi.  Đó là con đường tự do để hưởng thụ, tự do làm những gì mình thích bất chấp hậu quả.

Trong Tin mừng theo Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh với mọi người rằng: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong mà nhiều người lại đi qua đó” (Mt 7,13).  Chúa để cho chúng ta tự do để chọn lấy cho mình một con đường.  Trước mắt chúng ta luôn có hai con đường mở ra: con đường hẹp với những hy sinh, chịu đựng, nhịn nhục nhau vì yêu và một con đường rộng thênh thang với đầy dẫy sự hưởng thụ và hấp lực trần gian.

Có một câu chuyện rất hay sau đây tôi xin được kể như một kết thúc: “Một thanh niên giàu có than phiền với bạn: “Người ta không thích tôi.  Họ cho rằng tôi ích kỷ và keo kiệt.  Nhưng tôi đã hứa là sau khi tôi qua đời, tôi tặng tất cả những gì tôi có cho một tổ chức từ thiện.”

Bạn anh nói: “Ồ, câu chuyện của bạn làm tôi liên tưởng đến cuộc trò chuyện giữa Bò và Heo.  Heo đến phàn nàn với Bò: ‘Người ta luôn nói tốt về bạn.  Vâng, điều đó là sự thật, vì bạn cho họ sữa.  Nhưng họ nhận nơi tôi nhiều hơn: dăm bông, thịt muối, mỡ và có khi họ nấu cả chân tôi.  Chẳng ai giống tôi.  Nhưng đối với họ, tôi chỉ là một con lợn, một con lợn để làm thịt.  Tại sao thế?’

Bò suy nghĩ một lát và nói: ‘Có lẽ điều đó đúng.  Nhưng bạn chỉ cho thịt khi bạn chết rồi; còn tôi, tôi cho sữa ngay lúc tôi còn sống.”

Sưu tầm

TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG SAU TAI NẠN

Tôi là một thanh niên Ý 22 tuổi, hiện đang nằm nhà thương.  Không hiểu sao tôi bỗng nảy ra ý nghĩ lấy giấy bút viết cho bạn mấy dòng này.  Hy vọng bạn dành ra ít thời giờ đọc nó.

Tôi tên Marco và để tóc dài.  Tôi là một trong vô số người trẻ mà bạn trông thấy, những người trẻ chạy môtô hết tốc lực như điên trên các đường phố.  Có lẽ đôi lần bạn trông thấy tôi, nhưng không kịp quan sát tôi thật kỹ, bởi lẽ, lúc nào tôi cũng như người luôn vội vã, không có thì giờ dừng lại, hỏi thăm hoặc chuyện trò vui vẻ.

Đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng, đối với tôi chẳng có kílô gì cả.  Tôi chẳng thèm quan tâm sự hiện diện của chúng.  Tôi chỉ biết chạy hết tốc lực, chạy như điên như cuồng.  Một ngày đang chạy môtô vùn vụt như thế, tôi bị một chiếc xe hơi chạy chậm trước mặt cản đường.  Tôi nhất định vượt qua.  Và chuyện gì phải đến đã đến.

Ngày hôm sau, khi hồi tỉnh, tôi thấy mình nằm ở nhà thương, cụt một tay, một chân.  Trong vòng hai hay ba tiếng đồng hồ, tôi tìm cách tự trấn an: đây chỉ là một giấc mơ!  Nhưng vô hiệu.  Thực tế quá phũ phàng.  Tôi nhận chân sự thật rõ ràng: Tôi chỉ còn một tay và một chân.

Nhưng điều kỳ lạ xảy ra.  Lúc đó, đáng lẽ tôi buồn rầu thất vọng mới phải, thì trái lại, tôi cảm thấy niềm an bình khôn tả đang chiếm ngự hồn tôi.  Tôi tự nhủ: bị một tai nạn khủng khiếp như thế mà mình vẫn còn sống sót thì quả là điều thật may mắn.  Sự sống trước đây tôi vẫn khinh thường, giờ đây, nhờ tai nạn tôi mới biết đánh giá cao.  Trước kia, tôi lê lết trong các phòng trà, các hộp đêm, tôi xem ra tận hưởng cuộc đời, nhưng kỳ thật tôi giết chết cuộc đời.  Tôi chỉ là cái xác không hồn.  Tôi sống, nhưng thực tế, tôi đã chết.

Bạn có biết không?  Từ trên giường nơi bệnh viện, tôi ngắm nhìn ánh sáng mặt trời chiếu sáng qua cửa sổ, và trong lòng dâng lên niềm cảm tạ THIÊN CHÚA.  Tôi cám ơn Chúa cho tôi có đôi mắt để ngắm nhìn kỳ quan trong vũ trụ.  Từ 22 năm qua, tôi dùng đôi mắt để nhìn, nhưng tôi không hề biết cám ơn Chúa, cũng không bao giờ ý thức mình may mắn có đôi mắt trong sáng lành lặn.  Giờ đây tôi khám phá ra thế giới tôi đang sống, mà lúc trước, tôi không hề để ý.  Chưa hết, tôi còn khám phá ra một thế giới khác: thế giới của đau khổ.  Tôi hiểu thấm thía thế nào là bị đau và phải nằm bệnh viện.

Tháng ngày trong bệnh viện mang đến cho tôi niềm an bình sâu xa và dạy cho tôi bài học vô cùng quý giá: bài học YÊU THƯƠNG.  Tôi bắt đầu chú ý đến người khác.  Tôi tìm cách giúp đỡ và an ủi người khác, những người còn kém may mắn hơn tôi gấp trăm ngàn lần.

Chẳng hạn hôm nay, tôi vỗ về lau khô nước mắt cho một thiếu niên vừa mất mẹ.  Rồi tôi trìu mến vuốt ve một em bé bị bệnh.  Tôi mỉm cười với cụ già, lẻ loi một mình, không ai thăm viếng chăm sóc.  Tất cả cử chỉ nhỏ nhặt ấy lấp đầy khoảng trống vắng trong lòng tôi.  Tôi thành thật thú nhận với bạn rằng, chưa bao giờ như chính lúc này đây, tôi cảm thấy nhu cầu yêu thương, ca hát và cảm tạ THIÊN CHÚA vì hồng ân sự sống Ngài ban cho tôi.

Nếu thư này đến tay bạn, thì tôi xin phép hỏi bạn một điều: bạn vẫn còn hai tay hai chân và thân mình lành lặn phải không?  Nhưng có thực sự bạn đang sống bình thường không?  Bạn dùng hai chân để đi đến nơi nào?  Bạn dùng hai tay để làm việc gì?  Hạnh phúc cho bạn, nếu bạn biết dùng đôi chân để viếng thăm người cô đơn, kẻ góa bụa, mồ côi!  Hạnh phúc cho bạn, nếu bạn biết dùng đôi tay để lau khô những giọt nước mắt cho những ai đang khóc lóc.  Tôi cũng cầu chúc bạn biết nhìn thế giới bạn đang sống với đôi mắt mới mẻ.

Sau cùng, tôi cầu chúc bạn mọi điều an lành may mắn trong cuộc đời.

Chào tạm biệt.
Ký tên: Marcô.

… “Suy nghĩ lo toan là việc của con người, còn nói câu trả lời là do THIÊN CHÚA.  Con người cho lối sống của mình là trong sáng, nhưng THIÊN CHÚA thấu suốt mọi tâm can.  Hãy ký thác việc bạn làm cho THIÊN CHÚA, dự tính của bạn ắt hẳn thành công…  Nhờ nhân nghĩa tín thành mà tội được xóa bỏ, nhờ kính sợ THIÊN CHÚA mà tránh được sự dữ…  Thà ít của cải mà sống công chính hơn nhiều huê lợi mà thiếu công minh.  Tâm trí con người nghĩ ra đường lối còn THIÊN CHÚA hướng dẫn từng bước đi” (Sách Châm Ngôn 16,1-9).

(Il Seme”, 1-3/1994, trang 94)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

BI KỊCH THẬT SỰ CỦA TỘI LỖI

Bi kịch thật sự của tội lỗi thường là người bị tội lỗi chống lại, cuối cùng lại trở thành tội nhân, họ giáng xuống người khác điều mà họ từng phải gánh chịu.  Có những điều nghịch lý trong chúng ta, bằng cách nào đó khi chúng ta bị tội lỗi chống lại, chúng ta thường có khuynh hướng tiếp nhận tội lỗi, cùng với sự yếu đuối nơi tội lỗi phát ra, sau đó là cuộc chiến đấu để không hành động cùng một cách thức sai phạm như vậy.  Thắng lợi chủ yếu nhất của tội lỗi là lần đầu tiên bị tội lỗi chống lại, chúng ta thường trở thành những tội nhân.

Chúng ta hiểu điều này, ở dạng sơ đẳng nhất, họ bị ảnh hưởng từ những “nghi thức chào đón” tàn bạo nào đó (chào đón thành viên mới, sinh viên mới) mà họ đã trải qua.  Từ đội bóng trường cấp ba, liên đoàn trường cao đẳng đến một số trường huấn luyện quân sự nào đó, chúng ta thấy nghi thức chào đón tàn bạo được dùng như nghi lễ khởi đầu.  Điều thú vị là những người đã trải qua điều đó thường không thể chờ đến lúc họ giáng xuống người khác điều đó.  Đã chịu đựng những điều tàn bạo, bạo tàn sẽ nảy sinh trong họ.

Có một chân lý trong các trường tâm lý học cho rằng, mọi kẻ ngược đãi đều từng bị lạm dụng trước đó.  Hầu hết đều đúng vậy.  Những kẻ bắt nạt là những người đã bị bắt nạt, người tàn bạo đều đã từng là những nạn nhân, người ngoài cuộc gay gắt xa lánh (trong sự kiêu ngạo, chúng ta gọi họ là “kẻ thua cuộc”) chính là người đã bị loại trừ một cách bất công.  Điều gì tạo ra một người ngoài cuộc?  Việc gì làm nên một kẻ hung tàn?  Thực tế, điều gì tạo thành một kẻ giết người hàng loạt?  Phải có điều gì đó đã xảy ra với trái tim họ, khiến họ trở thành một chiến binh mệt mỏi cầm lấy khẩu súng tấn công, và bắt đầu bắn vào những đứa trẻ không nơi nương tựa?

Bệnh tâm thần thường là một yếu tố, không nghi ngờ gì, nhưng có nhiều yếu tố khác mà phần lớn trong đó, chúng ta không đủ can đảm để thành thật đối diện.  Sự phán xét tức thời của chúng ta về thủ phạm của cuộc bắn phá hàng loạt, hay vụ khủng bố bom cách tự nhiên nhất thường thể hiện theo cách này: “Tôi hi vọng hắn bị thiêu trong địa ngục!”  Điều sai với phản ứng đó, là không hiểu rằng người ấy đã bị thiêu trong những địa ngục cá nhân, và hành động khủng khiếp này là một nỗ lực để thoát khỏi địa ngục hoặc ít nhất là đẩy nhiều người như ông cùng vào địa ngục.  Cái mà phần lớn các thủ phạm của bạo lực muốn làm là phá hủy thiên đường đối với những người khác, kể từ khi họ cảm thấy mình đã bị tước mất thiên đường một cách không công bằng.  Dĩ nhiên không phải lúc nào điều đó cũng đúng, vì bệnh tâm thần và mầu nhiệm tự do của con người cũng được sử dụng, nhưng nó đúng đủ để thách thức chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết rõ ràng hơn về lý do tại sao có những người lại mang một trái tim gay gắt, bạo lực trong khi những người khác lại nhã nhặn, yêu thương.  Điều gì nắn đúc nên một trái tim?  Điều gì làm con người ta nên gay gắt hay nhã nhặn?

Tội lỗi và ân sủng hình thành nên tâm can con người, trước hết làm biến dạng và sau đó lại chữa lành.  Tội lỗi, những điều riêng của chúng ta không ít hơn những người khác, gây tổn thương người khác và bảo vệ chính mình khỏi những bệnh hoạn bên trong bởi vì chúng ta đã đổ lên người khác bệnh tật của chúng ta, làm người đó trở nên yếu đuối.  Ân sủng thì ngược lại.  Nó giải phóng người khác khỏi những đau yếu mà họ phải chịu đựng cách bất công, giúp họ từ gay gắt trở nên hiền hòa, xoa dịu tận gốc rễ những tổn thương của họ.

Vì vậy, chúng ta cần ngưng hành động phân cấp mọi người là “người chiến thắng” hay “người thua cuộc” như thể họ phải chịu trách nhiệm một mình về sự thành công hay thất bại của họ.  Không có nhiều Mẹ Têrêxa, tôi nghi ngờ đã bị lạm dụng cách tổn thương khi còn trẻ.  Không có nhiều Thánh Phanxicô đã chịu đựng sự nhạo báng làm suy nhược như những đứa trẻ nhỏ đã bị “ném đá” trên Facebook hay nhạo cười vì sự xuất hiện của chúng.  Sự tàn ác hay ân sủng như Leonard Cohen đưa ra, cả hai đều đến với chúng ta cách không xứng đáng.  Và sau đó chúng in dấu vào tâm lý và thậm chí cả cơ thể chúng ta nữa.  Làm thế nào chúng ta tự mang mình, hình dáng cơ thể chúng ta.  Làm thế nào chúng ta lan tỏa tinh thần, sự tự tin, nỗi xấu hổ, lòng quảng đại hay tính nhỏ nhen, khả năng thể hiện yêu thương hay sự kháng cự tình yêu, bao nhiêu lời chúc phúc, bao nhiêu điều chúc dữ của chúng ta… phụ thuộc rất nhiều vào ơn lành bất xứng hay sự nguyền rủa chúng ta đã lãnh nhận.  Điều đó thể hiện những ân sủng bất xứng hay những bạo tàn mà chúng ta đã trải qua.

Phải thú nhận rằng, điều này vẫn mang màu sắc của mầu nhiệm sự tự do của con người.  Một vài việc Mẹ Têrêxa làm xuất phát từ nền tảng việc lạm dụng, và một số điều Thánh Phanxicô đã chịu đựng tính bạo lực và bị bắt nạt khi còn là một đứa trẻ và chưa trở thành một trong hàng triệu người chữa lành thương tích, đã biến những tội lỗi của chính họ thành ân sủng chữa lành mạnh mẽ.  Đáng tiếc thay, họ là ngoại lệ chứ không phải thường lệ, và sự vĩ đại của họ, hơn bất kỳ điều gì khác, nằm trong những thành tựu đúng đắn đó.

Có nhiều thách thức đối với chúng ta trong vấn đề này: Trước hết, chúng ta không được để cảm xúc lôi kéo chúng ta vào việc xét đoán điều mà chúng ta mong muốn thấy ai đó bị “thiêu trong ngục.”  Thứ hai, chúng ta nên giảm bớt sự tự mãn, tính kiêu căng của mình đối với những người mà chúng ta gọi là “kẻ thua cuộc.”  Tiếp đến, chúng ta cần phải học biết rằng thử thách căn bản của nhân tính và tinh thần là không để người khác vì chúng ta mà phải chịu đựng những gì chúng ta đã trải qua do lỗi lầm và bạo lực mà một vài người nào đó đã gây ra cho chúng ta.  Cuối cùng, hiểu một cách sâu xa về những gì trong cuộc sống không dẫn chúng ta đến việc biết ơn một cách sâu sắc hơn đối với Chúa và với tất cả mọi người, những người xứng đáng cũng như không xứng đáng có tình yêu và khả năng thiên bẩm của chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

LỬA TRÊN MẶT ĐẤT

Tin Mừng hôm nay là lời tâm sự của Đức Giêsu, Ngài khẳng định mục đích của đời mình là ném lửa trên mặt đất và Ngài mong muốn phải chi lửa ấy đã bùng lên.  Lửa Đức Giêsu mang lại là lửa nào?  Phải chăng là thứ lửa trời đã thiêu hủy Sôđôma, hay thứ lửa mà Giacôbê và Gioan định sai xuống để thiêu hủy một ngôi làng Samari (Lc 9,55)?  Phải chăng là thứ lửa mà cây không trái (Mt 3,10), hay những cành nho khô héo bị quăng vào (Ga 15, 6)?  Lửa này có phải là lửa kinh khủng của ngày phán xét?

Trong cái nhìn của thánh Luca, lửa mà Đức Giêsu muốn làm bùng lên trên toàn cầu, chắc là thứ lửa của Phép Rửa trong Thánh Thần (Cv 1,5).  Lửa này đã ngự xuống từng người vào lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3).  Lễ Ngũ Tuần quả là Phép Rửa trong lửa, nhưng đó mới chỉ là một khai mở ban đầu.  Còn cần vô số những lễ Ngũ Tuần khác trên thế giới.

Trái đất này càng lúc càng nóng lên.  Nhưng lòng con người lại nguội lạnh như hai môn đệ Emmau.  Chúng ta cần cảm thấy chút lửa ấm (Lc 24,32) của người đồng hành xa lạ, nói cho ta về Lời Chúa.  Chúng ta cần cảm thấy ngọn lửa trong tim như Giêrêmia, thúc bách ông phải nói Lời Chúa dạy (x. Gr 20,9).

Đức Giêsu đã bắt đầu nhóm lửa trên địa cầu.  Đừng làm tắt đi ngọn lửa ấy, nhưng hãy để nó lan ra.  Lửa thiêu hủy những cằn cỗi.  Lửa thanh lọc những ô nhơ.  Lửa làm ấm lại cõi lòng băng giá.  Lửa sáng soi trên bước đường kiếm tìm sự thật. Chúng ta cần làm cho mong muốn của Đức Giêsu thành tựu.  Nhưng trước hết chúng ta phải là người mang trong tim ngọn lửa của Thánh Thần tình yêu.

Đức Giêsu chia sẻ cho ta điều đang đè nặng trên Ngài.  Ngài linh cảm về thử thách lớn lao Ngài sắp chịu.  Đúng là Ngài đang lên đường đi gặp nó.  Ngài gọi đó là Phép Rửa mà Ngài phải chịu.  Đức Giêsu can đảm đón nhận Phép Rửa đáng sợ này.  Ngài thấy mình sẽ bị nhận chìm thật sâu trong đó.

Đức Giêsu tiếp tục nói điều phải nói, làm điều phải làm.  Ngài dám trả giá cho sự trung tín của mình.  Nỗi khổ đau và cả cái chết là điều không thể tránh khỏi, nhưng điều đó chẳng làm Ngài chùn bước.

“Các anh có thể chịu Phép Rửa mà Thầy sẽ phải chịu không?”  Ngài đã hỏi các con ông Dêbêđê như thế (Mc 10,38), và Ngài cũng hỏi từng người chúng ta như thế.

Chẳng có Phép Rửa nào khác ngoài Phép Rửa Ngài đã chịu.  Chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã đi.  Tin Mừng Đức Kitô dành cho người hiền hòa, chứ không nhu nhược.  Chúng ta phải có cùng một mong muốn và khắc khoải như Giêsu.

****************************

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái Tim Chúa, ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.
Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày, nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau, và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.
Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡ mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồng của những thất bại đắng cay trên đường đời.
Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thành để hết lòng phụng sự Nước Chúa, lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.
Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa để chúng con đi khắp địa cầu loan báo về Tình Yêu và gieo rắc Tình Yêu khắp nơi.  Amen!

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J (Trích từ ‘Manna’)

ĐỂ LÊN TRỜI CẦN BẮT CHƯỚC CÁC NHÂN ĐỨC CỦA MẸ

Sống trên đời ai cũng có một người mẹ.  Người mẹ đó không chỉ sinh ra chúng ta mà còn yêu thương và nuôi dạy chúng ta lớn lên thành người.  Vì vậy, qua mọi thời, con người không ngớt lời ca ngợi công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ.  Con dân Nước Việt cũng có nhiều câu ca dao tục ngữ, để nói lên tình yêu vô bờ bến của người mẹ:

Đôi vai mẹ một gánh đầy huyền thoại, tình yêu thương hào phóng đến khôn cùng;
Mênh mông bát ngát đại dương, Cũng không sánh được tình thương mẹ hiền.
Nhưng cho dầu có dùng hết ngôn ngữ trần gian để ca tụng tình mẹ, thì cũng không thể nào diễn tả hết:
Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá. Đựng sao đầy hai tiếng: Mẹ ơi!

Trong đức tin Công giáo, mỗi người kitô hữu chúng ta có chung một người Mẹ, đó là Đức Maria.  Công ơn của Mẹ Maria đối với mọi người không những không thua kém người mẹ trần thế mà còn gấp ngàn lần.  Mẹ là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh và là Mẹ của mỗi người chúng ta.  Nhờ Mẹ, chúng ta có Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người.  Nhờ Mẹ chúng ta có tất cả trong đức tin: Được làm người Công giáo, được lãnh nhận các Bí tích, được có nhiều cơ hội để lo phần rỗi hầu ngày sau được về Thiên đàng.

Mẹ được Thiên Chúa ban cho 4 đặc ân cao cả: Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đặc ân Đồng trinh trọn đời, đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa và đặc ân Hồn Lẫn Xác Lên Trời.  Đối với đặc ân Hồn Xác Lên Trời đã được truyền thống Giáo hội và các Kitô hữu tôn kính từ xa xưa, nhưng mãi tới ngày 01 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo hoàng Piô XII mới tuyên bố thành tín điều.  Mặc dầu trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói rõ về đặc ân này, nhưng nếu chúng ta để ý thì chúng ta vẫn thấy đặc ân Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác ẩn chứa trong nhiều đoạn Kinh Thánh.  Chẳng hạn, lời thiên thần chào Mẹ “Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ.” Hay lời ca tụng của bà Êlizabét: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42).  Rồi, lời ca tụng Thiên Chúa của Đức Mẹ trong bài Magnificat: “Từ nay muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc, bởi Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả.” (x. Lc 1,48-49).  Mặt khác, bình thường chúng ta cũng có thể dễ chấp nhận đặc ân này.  Bởi vì, thân xác chết là do tội lỗi.  Nhưng Đức Maria không hề mắc tội Tổ tông truyền và tội riêng.  Do đó, thân xác Mẹ không bị hủy hoại tiêu tan.

Hơn nữa, các thánh và nhiều bậc thông thái trong Giáo hội cũng đã từng quả quyết về việc Đức Mẹ được đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác.  Thánh Đamascênô tiến sĩ quả quyết: “Vì Đức Mẹ đã được sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì cần thiết là sau khi qua đời, xác Đức Mẹ cũng phải được bảo tồn nguyên vẹn.”  Cha Ađômêô thì nói rằng: “Thân xác Đức Mẹ không hề bị hư nát vì đã kết hợp với linh hồn và đã được đầy ơn.”

Ngày lễ hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta tuyên xưng niềm tin hồn xác lên trời của Mẹ.  Đồng thời, chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa vì đã thưởng công Mẹ hồn xác lên trời.  Mặt khác, đây là dịp nhắc nhở chúng ta rằng, quê hương chúng ta ở trên trời.  Mẹ đã lên trời, đó là niềm hy vọng để mỗi người chúng ta tiếp bước theo sau.  Nhưng để được lên trời với Mẹ chúng ta phải cố gắng sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi.  Sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi đó chính là noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ:

Thứ nhất, chúng ta bắt chước nhân đức khiêm nhường của Mẹ: Sau lời sứ thần truyền tin, Đức Mẹ đã khiêm tốn thưa với Thiên thần rằng: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.” (Lc 1,38).  Từ đó, Mẹ sống tinh thần khiêm nhường thẳm sâu trước mặt Chúa và mọi người: Khi Bà Êlizabét ca ngợi Mẹ, Mẹ đã qui hướng tất cả những gì mình có là do tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn;”(Lc 1,49).  Mẹ sống âm thầm trong vai trò làm vợ và làm mẹ tại mái ấm gia đình Nagiarét đến nỗi không ai biết Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa; Khi Đức Giêsu được nổi danh do lời giảng dạy và các phép lạ Ngài làm, Đức Mẹ vẫn sống âm thầm và ẩn danh… Tất cả điều đó cho chúng ta thấy nhân đức khiêm nhường của Mẹ.  Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Thứ hai, chúng ta bắt chước Mẹ sống tin tưởng và phó thác vào Chúa: Sau khi thưa xin vâng, Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu.  Bào thai trong cung lòng của Mẹ ngày càng lớn lên.  Nhưng không ai hiểu về nguyên nhân, kể cả Thánh Giuse.  Bằng chứng là Thánh Giuse định tâm bỏ Mẹ mà trốn đi.  Rồi, người thân và làng xóm láng giềng, chắc chắn không thiếu những lời đàm tiếu, thị phi.  Vậy mà Mẹ vẫn tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.  Đúng như lời bà Thánh Êlizabét ca tụng Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).  Sự tin tưởng và phó thác vào Chúa của Mẹ là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Thứ ba, chúng ta bắt chước Mẹ để sống hiền lành và nhịn nhục: Từ khi cưu mang Đức Giêsu cho đến khi Con Mẹ chịu chết treo trên thập giá, Đức Mẹ phải đối diện với biết bao đau khổ: Đau khổ khi nghe ông Simêon nói tiên tri về Mẹ và Hài Nhi; Đau khổ khi đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập khỏi tay Hêrôđê lùng bắt; Đau khổ khi lạc mất Con ở Jêsusalem trong ba ngày; Đau khổ khi gặp Đức Giêsu vác Thập giá trên đường đến Núi Sọ; Đau khổ khi thấy Đức Giêsu bị đóng đinh; Đau khổ khi chứng kiến việc tháo xác Đức Giêsu xuống khỏi thập giá; Đau khổ khi phải chứng kiến việc chôn xác Đức Giêsu trong mồ.  Nhưng trong khi chịu đựng những đau khổ đó, Đức Mẹ không hề trách móc kêu la một lời nào.  Sự hiền lành và nhịn nhục của Mẹ là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta noi theo.

Thứ tư, chúng ta bắt chước Mẹ để hết lòng yêu mến Chúa: Lòng yêu mến Chúa của Mẹ được thể hiện qua những việc tiêu biểu như:  Ba tuổi Mẹ đã dâng mình trong đền thờ; Khi Thiên thần đến truyền tin cũng là lúc Mẹ đang đắm chìm trong lời kinh nguyện; Mẹ thưa “Xin Vâng” để cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa; Hơn ba mươi năm Mẹ nuôi nấng chăm sóc Đức Giêsu; Mẹ chạy đôn đáo tìm cho bằng được khi Đức Giêsu đi lạc trong đền thờ…  Tất cả những thái độ trên đều thể hiện một lòng yêu mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự của Mẹ.  Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Thứ năm, chúng ta bắt chước Mẹ để sống yêu thương hết mọi người: Vì yêu thương nhân loại nên Mẹ đã chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó nhân loại được cứu chuộc.  Vì yêu thương nên Mẹ đã vội vã lên đường thăm bà Êlizabét để chia sẻ niềm vui có Chúa và để giúp đỡ bà chị họ trong những ngày thai nghén sinh nở.  Vì yêu thương nên Mẹ đã cầu bầu cùng Đức Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu ngon để cứu gia chủ khi họ hết rượu.  Vì yêu thương nên khi đã về trời Mẹ vẫn hiện ra đây đó trên thế giới để ủi an nâng đỡ con cái loài người…  Đó là mẫu gương yêu người cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Như vậy, Đức Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác không chỉ nhờ những đặc ân Thiên Chúa ban mà còn nhờ những nhân đức mà Mẹ ra sức rèn luyện.  Chúng ta muốn được lên Thiên đàng phải đi con đường Mẹ đã đi, phải sống như Mẹ đã sống, đó là biết noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ.

Lạy Thiên Chúa là nguồn Tình Yêu, Chúa đã cho Mẹ hồn xác lên trời.  Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin giúp chúng con biết sống làm sao để một ngày kia cũng được hưởng hạnh phúc trên Trời với Mẹ.  Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

KHÔNG CHẠY THEO ĐÁM ĐÔNG

Trong Phúc âm, từ “đám đông” gần như luôn luôn được sử dụng với ngụ ý chê bai, thường xuyên đến mức lúc nào nhắc tới nó thì bạn liên tưởng đến tính từ “vô tâm.”

Đám đông không có tâm trí.  Họ được châm ngòi và thôi thúc bởi bất kỳ loại năng lượng gì đang phổ biến, đang phóng đại, thói thời thượng, đua đòi theo ý thức hệ, hay trong cơn cuồng loạn.  Trong Phúc âm, loại năng lượng này được gọi là “sự kinh ngạc.”  Rất nhiều trường hợp khi Chúa Giê-su nói hoặc làm điều gì gây ngạc nhiên cho đám đông, thì hầu như bao giờ cũng có câu này theo sau: “và đám đông kinh ngạc.”  Hiếm khi đó là một điều hay.

Tại sao?  Có vấn đề gì sai trái hay nguy hiểm về năng-lượng-đám-đông này?

Năng-lượng-đám-đông nguy hiểm bởi vì, trong hầu hết mọi trường hợp, nó không suy nghĩ.  Nó chỉ đơn thuần là dẫn và truyền đi năng lượng chứ không suy xét và chuyển hóa năng lượng.  Một hình ảnh minh họa thích hợp cho năng-lượng-đám-đông, sự kinh ngạc theo nghĩa trong kinh thánh, là sợi dây điện.  Sợi dây điện đơn thuần là để tải năng lượng đi qua.  Nó không phân biệt loại năng lượng đó tốt lành hay có tính hủy diệt.  Nó là vật dẫn thuần túy.  Bất cứ cái gì đi vào thì chính cái đó đi ra.

Các đám đông có xu hướng hành xử giống nhau.  Họ để năng lượng đi qua mình mà không phân biệt và suy xét năng lượng đó tốt hay xấu.  Ví dụ, chúng ta thường nói bị/được cuốn theo vào một loại năng lượng nào đó.  Đôi khi đó là năng lượng tốt, khi đám đông được cuốn theo một loại năng lượng tích cực, giúp xây dựng cộng đồng.  Ví dụ, trong mấy tuần qua, dân chúng trên thế giới cuốn theo cuộc giải cứu những người thợ mỏ bị mắc kẹt dưới hầm mỏ ở Chi-lê, và năng lượng chung đó đã giúp tạo ra một cộng đồng xuyên qua ranh giới các quốc gia, sắc tộc, tôn giáo và chính trị.  Chúng ta cũng thấy hầu hết các năng-lượng-đám-đông tích cực xung quanh các sự kiện thể thao chẳng hạn như Giải Vô địch Bóng đá Thế giới World Cup, giải Vô địch Bóng chày Thế giới World Series of Baseball, hay nhiều giải quần vợt.

Nhưng hầu hết năng lượng của đám đông mang tính cách tiêu cực, năng lượng của ý thức hệ, của chủ nghĩa nguyên giáo, phân biệt chủng tộc, thói thời thượng, và sự phóng đại.  Năng-lượng-đám-đông là năng lượng thúc đẩy cưỡng bức tập thể.  Đó cũng là năng lượng đằng sau việc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá.  Vấn đề sáng tỏ khi nhìn đám đông đó trước và trong cuộc đóng đinh trên thập giá.  Năm ngày trước khi bị đóng đinh, Chúa Giê-su bước vào thành Jerusalem và đám đông cuồng nhiệt hô vang lời tán tụng, muốn tôn người lên làm vua của họ.  Năm ngày sau, hầu như chẳng có gì thay đổi, cũng cùng đám đông đó la hét: “Đóng đinh hắn vào thập giá!  Đóng đinh hắn vào thập giá!”  Đám đông hay thay đổi vì đám đông không suy nghĩ.  Họ chỉ đơn thuần truyền tải bất cứ năng lượng gì đang bao phủ họ.

Phúc âm kể câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình và bị đám đông nhiệt tình dẫn đến gặp Chúa Giê-su, ở đây chúng ta thấy một minh họa trọn vẹn nhất cho loại năng lượng không suy xét, nguy hiểm của đám đông tương phản với loại năng lượng có suy xét của cá nhân.  Câu chuyện kể đám đông dẫn người phụ nữ tới trước mặt Chúa Giê-su và yêu cầu Ngài phải đồng ý với họ về mặt luân lý rằng phải ném đá bà ta cho đến chết.  Nhưng Giê-su, với lời thách thức nổi tiếng, bảo họ rằng: “Ai thấy mình không có tội thì ném trước.”  Phản ứng của họ là: “Họ bỏ đi, từng người một, đầu tiên là người lớn tuổi nhất.”  Một đám đông vô tâm, bị cuốn theo cơn bốc đồng về luân lý, đã đem người phụ nữ tới trước mặt Chúa Giê-su.  Nhưng họ bỏ đi với tư cách cá nhân, từng người một, không còn bị cuốn đi trong cơn bốc đồng kinh ngạc đó nữa.

Tuy nhiên, cần phân biệt hết sức rõ ràng giữa kinh ngạc với ngưỡng mộ (wonder) và thán phục (awe).  Ngưỡng mộ và thán phục là phản đề của kinh ngạc.  Trong kinh ngạc, năng lượng chảy xuyên qua bạn. Trong ngưỡng mộ và thán phục, năng lượng làm bạn sững sờ, tê liệt, và giữ chặt bạn lại.  Danh hài George Carlin châm biếm một cách sắc sảo về sự khác biệt này: Khi giải thích tại sao ông vốn nghi ngờ phần lớn những người “tái sinh”, Carlin đã châm chọc như sau – rất nhiều người biết đến lời nổi tiếng này: “Tôi không tin những người tái sinh vì họ nói quá nhiều.  Khi tôi sinh ra tôi choáng váng tới mức không thể nào nói được gì trong hai năm liền!  Khi một người có một trải nghiệm tâm linh đủ mạnh mẽ để khiến họ im bặt trong vài năm, thì tôi mới tin họ!”

Có một thách thức trong những lời đó: Hãy ý thức về loại năng lượng phát ra từ đám đông.  Hãy ý thức về các thói thời thượng.  Hãy ý thức về mọi thể loại cường điệu.  Hãy ý thức về những người cổ vũ cho cả phe tự do lẫn phe bảo thủ.  Hãy ý thức về bất cứ đám đông nào muốn ném đá một ai đó cho tới chết nhân danh Chúa.

Hãy nghĩ lại tất cả những lần đóng đinh người khác trên thập giá mà bạn đã tham gia, và hãy nhớ lại, sau đó, khi tỉnh táo và nhìn nhận rõ ràng trong một bầu không khí khác, bạn đã tự hỏi mình: Làm sao mình lại có thể sai lầm đến vậy?  Tàn nhẫn đến vậy?  Ngu dại đến vậy?  Hãy đọc lại những câu chuyện trên báo chí và trên internet về những thanh niên có tâm tốt, đàng hoàng, bị cuốn theo năng lượng đám đông, đã tấn công qua mạng (cyber-bully) một người nào đó đến mức người đó phải tự vẫn.  Hãy suy nghĩ, trong mỗi trường hợp, nhiều người có trách nhiệm cuối cùng đã bỏ đi như thế nào, từng người một, tỉnh táo hơn nhiều và suy xét chín chắn hơn nhiều so với khi họ bị cuốn đi trong năng lượng vô tâm của đám đông.

Sau đó, có lẽ, một cách nhẹ nhàng hơn, bạn hãy bày ra những bức ảnh cũ chụp các kiểu tóc, kiểu áo quần của bạn qua nhiều năm, thì bạn sẽ có tất cả những lời nhắc nhở cần thiết rằng năng lượng của phút giây đó dễ thay đổi và vô tâm đến như thế nào.

Rev. Ron Rolheiser, OMI