CHÔN CẤT

Không phải hễ có chết là có an táng cả đâu.  Rất nhiều trường hợp hết đời âm thầm, tàn lụi không an táng.  Không ai an táng một tư tưởng ngay cả có thời nó được coi là vĩ đại.  Không ai an táng một mối tình đứt quãng giữa đường.  Chẳng ai an táng cái chết của một niềm tin, dù là niềm tin vào Đức Kitô.

Ban sự sống lại cho Lazarô Đức Kitô ban nguồn sống mới cho các tông đồ và tăng thêm niềm tin cho những người từng quen biết Lazarô.  Chính những người này thắc mắc vào quyền năng Thiên Chúa.  Họ hỏi nhau ông Giêsu có thể mở mắt cho người mù mà không thể cứu sống được bạn mình sao (c,38).

Đức Kitô nhắc cho chị em Maria và Martha biết về quyền năng của Thiên Chúa khi Ngài phán bảo các cô Ngài là Thiên Chúa của sự sống.  Maria và Martha tin vào quyền năng của Thiên Chúa vượt lên khỏi sự chết, đau khổ và bệnh tật, và các cô, dù không hiểu hay hiểu rất mù mờ vẫn đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô.  Tin vào Đức Kitô không đòi hỏi chúng ta hiểu một cách cặn kẽ.  Có lẽ điều cốt yếu cần học hỏi để tin nhiều hơn là học biết tình yêu Chúa dành cho con người cao xa, vượt khỏi tầm hiểu biết của ta.

Ban sự sống lại cho Lazarô, Đức Kitô mặc khải sức mạnh tình yêu Chúa.  Mặc khải sức mạnh tình yêu Chúa chính là làm sáng Danh Chúa.  Đức Kitô cho biết sức mạnh tình yêu Chúa lớn hơn sự chết và Danh Chúa cả sáng biểu lộ qua tình thương bao la Ngài dành cho nhân loại.  Đức Kitô đánh bại sự chết cho thấy ngay cả “thần chết” cũng phải quy phục Ngài.  Chết là chặng đường ta đi qua trước khi bước vào ngưỡng cửa Phục Sinh vinh quang.

Maria và Martha tin vào quyền năng Chúa nhưng vẫn mù mờ thắc mắc tại sao Thiên Chúa chậm chạp trong việc đáp lại lời ta cầu xin.  Cả hai cô, dù không bàn với nhau trước nói với Đức Kitô cùng một câu. Nếu Thầy đến sớm thì em con sẽ không chết (c.21, 32).

Thiên Chúa có chương trình riêng của Ngài, không phải chương trình của ta.  Khi nào Ngài đáp lời ta cầu xin là do Ngài chọn lựa thời gian, địa điểm.  Việc chọn lựa này đặt căn bản trong việc thực hiện ý Chúa Cha như Ngài từng phán Ta đến không phải để làm theo ý Ta mà là làm theo ý của Chúa Cha.  Khi nào đến giờ Ngài thực hiện điều ta xin là quyền của riêng Ngài.  Tiệc cưới Cana chứng tỏ điều đó khi Đức Trinh Nữ xin Ngài giúp gia chủ vì giữa tiệc hết rượu.  Ngài đáp: Giờ Ta chưa đến.

Hai chị em Maria and Martha tin tưởng Đức Kitô sẽ cho Lazarô sống lại và ngày đó sẽ xảy ra trong ngày sau hết.  Ngày sau hết khi nào chỉ mình Thiên Chúa định đoạt.  Chúng ta cũng không quên Thiên Chúa làm chủ sự sống và Ngài làm chủ cả thời gian.  Đối với chúng ta có sớm, có muộn vì chúng ta ảnh hưởng bởi thời gian.  Thiên Chúa không ảnh hưởng bởi thời gian nên không có sớm, cũng không có muộn, cũng không có tương lai.  Đối với Ngài thời gian luôn là hiện tại.  Liên kết với Đức Kitô để được luôn sống trong hiện tại và ơn Phục Sinh thuộc về Ngài.

Hành trình đi từ cõi chết đến sự sống là hành trình mỗi người chúng ta đều trải qua.  Chết về phần thân xác để sống vinh quang phần tâm linh.  Hành trình này gây đau khổ, xót thương như hai chị em Maria và Martha đã trải qua trước khi đón nhận sự sống mới của Lazarô.  Với đức tin vào Đức Kitô chúng ta tin rằng chết thân xác chỉ là biến đổi từ xác phàm trước khi mặc lấy thân xác vinh hiển.  Chết thân xác chỉ là tạm bợ vì tình yêu Chúa cao vời vĩ đại hơn tội lỗi con người.

Lm Vũ Đình Tường

NHÌN VÀO NỘI TÂM ĐỂ NHẬN BIẾT TỘI MÌNH

Người ta thường nhìn ra ngoại giới nhưng rất ít khi nhìn vào nội giới, nhìn vào nội tâm mình.  Con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào.  Khuôn mặt duy nhất trên đời chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy trực diện, đó là khuôn mặt của chính chúng ta.  Thế nên một nốt ruồi nhỏ trên mặt người khác, ta thấy rõ ràng; còn vết sẹo lớn trên trán mình, ta không thấy được.  Lỗi lầm nho nhỏ của người khác thì mình thấy rõ ràng, còn lỗi lầm to lớn nặng nề của mình thì lại không hay.  Thế rồi, chúng ta dành nhiều thì giờ để phê phán người khác mà chẳng bao giờ biết phê phán bản thân.

Các kinh sư và người Pha-ri-sêu trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thế.  Họ nhìn thấy rõ ràng tội lỗi của người phụ nữ phạm tội ngoại tình, nhưng không nhìn thấy tội lỗi của mình.  Họ bận tâm đến việc kết án người khác, nhưng không quan tâm đến việc sửa chữa lầm lỗi của mình.  Chính vì thế, Chúa Giêsu muốn nhân cơ hội để dạy cho họ một bài học tâm linh cần thiết là hãy nhận ra tội lỗi của mình trước, hãy trách phạt mình trước rồi lo trách phạt người khác sau.  Cổ nhân cũng thường dạy ta như vậy: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân.”

Khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giêsu, họ hối thúc Chúa Giêsu ra ngay một phán quyết định đoạt số phận của người đàn bà tội lỗi.  Thế nhưng Chúa Giêsu không vội phán xét ai.  Trước hết, Ngài muốn cho những người tưởng mình vô tội hãy xét lại chính mình.

Thế nên, đứng trước những con người đang lăm le kết án người phụ nữ và mưu toan ám hại mình, Chúa Giêsu lặng thinh không nói một lời.  Ngài thinh lặng và tạo nên bầu khí vắng lặng để cho mọi người tự vấn lương tâm.  Ngài muốn kéo dài sự thinh lặng bằng cách ngồi xuống viết, viết trên đất.

Khi người ta cứ hỏi mãi, phá tan sự im lặng cần thiết cho sự rà soát tâm hồn, Chúa Giêsu lên tiếng kêu mời họ hãy xét lại mình: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”  Rồi Ngài ngồi xuống trong thinh lặng.  Ngài cứ viết, viết trên đất để tạo bầu khí thinh lặng cho mọi người hồi tâm.

Nhìn lại nội tâm mình trong thinh lặng, những con người hăm hở kết tội người khác giờ đây dần dần nhận ra tội lỗi mình, có khi còn nhiều hơn, còn nghiêm trọng hơn cả tội lỗi của người phụ nữ.  Thế là các viên đá trên tay lần lượt rơi xuống, họ xấu hổ lặng lẽ rút lui, để lại một mình Chúa Giêsu và người thiếu phụ.  Hoá ra rốt cuộc ai cũng nhận ra mình là người có tội, mà đã là người có tội thì sao không kết án mình trước?  Sao lại đang tâm kết án người khác cũng tội lỗi như mình!

Nhìn lại mình để thấy được tội lỗi của mình là điều hết sức quan trọng để cải thiện bản thân.  Nếu tôi biết được là mình hôi hám, tôi sẽ đi tắm ngay.  Còn nếu tôi không nhận ra mùi hôi của cơ thể mình, thì mãi mãi tôi vẫn là người hôi hám.  Nếu tôi thấy được mặt mình dơ bẩn, tôi sẽ lau rửa tức khắc không chần chừ.  Còn nếu không thì chẳng có gì thay đổi.  Nếu tôi thấy được sự xấu xa của nội tâm mình, sự bê bối của đời sống mình, tôi sẽ cải thiện ngay không trì hoãn.

Sự chuyển hóa bản thân, cải thiện cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu lúc ta tự nhận biết tội lỗi mình.  Nhìn lại mình, nhìn vào mình để thấy được những tội lỗi của mình là khởi điểm, là bước đầu cho việc cải thiện đời sống.  Không có bước nầy, chẳng thể có bước thứ hai, chẳng có gì được cải thiện.

Lạy Chúa Giêsu, nhìn lại mình để rà soát chính mình, để thấy được tội mình là điều rất khó mà cũng là việc không mấy ai muốn làm.  Xin Chúa thương giúp đỡ chúng con.  Xin cho Lời Chúa trở nên gương soi cho chúng con, giúp chúng con nhận ra những vết nhơ trong tâm hồn chúng con, những nết xấu trong cuộc đời chúng con.  Lạy Chúa Giêsu, xưa kia, Chúa Giêsu đã giúp đám người Do Thái nhận ra tội lỗi của họ thì nay xin Ngài cũng giúp chúng con nhận ra lầm lỗi của mình để sửa đổi ăn năn.

Lm Ignatiô Trần Ngà – Trích trong “Cùng Đọc Tin Mừng”

CÙNG ĐỨC MẸ CHỊU ĐAU KHỔ TRONG MÙA CHAY

Hồi tôi còn nhỏ, Đức Maria luôn là một hình ảnh về người mẹ xa cách đối với tôi.  Bởi vì Đức Mẹ hoàn hảo về nhân đức và vô nhiễm, tôi không thể liên hệ với Mẹ.  Quá trình đấu tranh của tôi có vẻ khá khó khăn.  Tôi luôn hình dung ra sự ngoan ngoãn, sự dịu dàng, sự nhẫn nại và sự khiêm nhường của Đức Mẹ, nghĩ về Thánh Gia có những ngày và những buổi tối lặng lẽ, tôi thấy không phù hợp với tôi.

Rồi tôi trở thành mẹ.  Tình mẫu tử đã biến đổi tôi bằng rất nhiều cách, nhưng có một cách quan trọng mà Đức Mẹ đã thực sự trở nên Mẹ của tôi và rất thân thiện với tôi.  Đó là cách hiểu sâu về nỗi đau khổ của Đức Mẹ.

1.  Cuộc Tử Đạo Không Đổ Máu Của Đức Mẹ

Trong Mùa Chay, chúng ta thường tập trung vào Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, và đúng như vậy.  Nhưng chúng ta có nhận ra rằng mọi điều Ngài trải qua cũng diễn ra trong Trái Tim Đức Mẹ?  Chúa Giêsu chịu chết vào ngày hôm đó thì Đức Mẹ cũng chịu tử đạo trong lòng.

Đa số các học giả về Thánh Mẫu học đều công nhận rằng Đức Mẹ không trải qua đau đớn khi sinh con, cũng không phải khổ sở vì đau đớn khi hấp hối.  Nhưng Đức Mẹ vẫn bị các nỗi đau khác như đau lòng và đau khổ (thập giá cuộc đời).  Thập Giá của Chúa Giêsu cũng là của Đức Mẹ.  Nỗi đau xé nát lòng Đức Mẹ khi ông Simêon nói tiên tri về Chúa Giêsu là dấu hiệu cho người đời chống báng và làm duyên cớ cho nhiều người ngã xuống hoặc đứng lên (Lc 2:34-35).

Từ đó, Đức Mẹ nhận cuộc khổ nạn của riêng Mẹ, và Đức Mẹ chỉ hết đau khổ khi về trời cả hồn xác.  Dưới chân Thập Giá, khi Chúa Giêsu nói: “Này là con của Mẹ”, Đức Mẹ biết nỗi đau khổ của mình được chuyển đổi từ việc trải nghiệm sự đau khổ của Con Yêu sang nỗi đau khổ của loài người bị rắc rối vì tội lỗi.

2. Ba Cách Chịu Đau Khổ

ĐGM Jacques-Benigne Bossuet, một tác giả tâm linh thế kỷ XIX, đã chia sẻ trong tác phẩm kinh điển của ngài là cuốn “Meditations on Mary” (Chiêm Niệm về Đức Maria), một cách suy nghĩ hay về những gì chúng ta có thể học hỏi từ nỗi đau khổ của Đức Mẹ.  Ngài nói rằng có ba cách chịu đau khổ mà chúng ta cũng trải nghiệm và cách mà Thiên Chúa tác động nơi linh hồn chúng ta để hoàn toàn bình an trong mỗi tình huống.

  • Nỗi Buồn Hoàn Toàn Bị Loại Bỏ

Trong trường hợp này, Gm. Bossuet giải thích rằng “nỗi đau khổ hoàn toàn được làm cho nguôi ngoai, và chúng ta được an ủi”.  Lúc đó như thể đau khổ của chúng ta được lấy đi, đó là ân sủng kỳ diệu.  Một số người có thể hiểu điều này, trong khi những người khác lại không hiểu được.  Đó là ân sủng siêu nhiên hiếm có, thế nên chúng ta phải biết tạ ơn nếu điều đó xảy ra với chúng ta.

Trong trường hợp này, Thiên Chúa cho phép linh hồn chúng ta cảm nghiệm sự bình an trọn vẹn, bởi vì Ngài loại bỏ mọi nỗi buồn cho chúng ta.  Có lẽ Đức Mẹ đã nhận được ơn an ủi này, nhưng cũng rất có thể nỗi đau khổ của Đức Mẹ vẫn còn, bởi vì Đức Mẹ muốn chịu đau khổ vì yêu mến Chúa.

  • Linh Hồn Rắc Rối Vì Sự Dự Nhưng Kiên Nhẫn Chịu Đựng

Gm. Bossuet cho biết rằng linh hồn của chúng ta trong tình trạng này vẫn nhận biết nỗi buồn và đau khổ nhưng sẵn sàng chịu đựng.  Đó là khi chúng ta chiến đấu với các thập giá của mình, có thể chúng ta vẫn thấy sợ hãi hoặc coi thường đau khổ.  Theo Gm. Bossuet, chúng ta phải cố gắng duy trì sự bình an và không xao xuyến.

Sự bình an của Đức Mẹ không bao giờ bị dao động, cho dù có những nỗi đau khổ và rắc rối – ngay cả khi Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu khi gặp lại nhau sau ba ngày thất lạc: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?  Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48).  Sự lo lắng của Đức Mẹ không như sự lo lắng của chúng ta.  Đó là mối quan tâm vì không biết Con Trẻ thế nào, chứ Đức Mẹ không phiền lòng chi cả.

  • Chúng Ta Biết Đau Khổ Nhưng Không Phiền Lòng Vì Nó

Mức đau khổ này là lúc chúng ta vừa nhận biết đau khổ của mình vừa bị rắc rối vì nó.  Lúc đó, có vẻ như Thiên Chúa ban các đặc ân “soi sáng” để Ngài “ban thêm sức mạnh cho chúng ta”, mặc dù chúng ta vẫn “chịu sự mãnh liệt của nó, nhưng vẫn không mất sự bình an trong tâm hồn.”

Trong hành trình Mùa Chay của chúng ta, hãy tưởng tượng rằng Đức Mẹ đồng hành với chúng ta giống như chúng ta đi theo Chúa Giêsu lên Đồi Can-vê vậy.  Cũng như Đức Mẹ, chúng ta có thể đau nhói tim cả ngàn lần vì đau khổ và hấp hối, nhưng chúng ta cầu xin Đức Mẹ nâng đỡ bằng nhiều ơn thánh để làm cho chúng ta bình tĩnh mà không dao động khi chúng ta trải qua đau khổ vì yêu mến Chúa.

Jeannie Ewing – Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Chiều Mùa Chay, 16-3-2019