NHỮNG BẰNG CHỨNG CHO THẤY ĐỨC GIÊSU ĐÃ CHẾT THẬT SỰ VÀ ĐÃ SỐNG LẠI VỚI SỰ SỐNG MỚI

Vì sự phục sinh của Đức Giêsu là một kinh nghiệm vô cùng đặc biệt và khó hiểu, chẳng ai trong chúng ta có kinh nghiệm phục sinh giống như Ngài nên nhiều người, kể cả những tín hữu, đã tỏ vẻ nghi ngờ.  Họ không tin vào điều này.  Việc không tin này càng gia tăng trong thế giới ngày nay, khi thế giới công nghệ phát triển, đặc biệt là những phát kiến trong lãnh vực y khoa.  Có nhiều người chết lâm sàng, rồi sống lại.  Cũng có những người đã chết thật rồi sống lại, họ kể lại cho người biết những gì họ đã thấy.  Bởi thế, nhiều người đặt vấn đề là liệu Đức Giêsu có phục sinh theo kiểu mà chúng ta vừa nói thật không.  Liệu rằng Ngài có chết lâm sàng rồi sống lại?  Liệu rằng Ngài chỉ giả chết, rồi sau đó tỉnh dậy rồi bỏ trốn?  Liệu Ngài có thông đồng với các môn đệ để bịa ra một câu chuyện phục sinh thật hoành tráng để lừa gạt người khác?   Hay liệu rằng các môn đệ có bị ảo giác khi cho rằng Đức Giêsu đã phục sinh và hiện ra với họ.

Để phản bác lại tất cả những điều này, một bằng chứng rõ ràng và thuyết phục nhất (dù chưa đầy đủ) chứng minh cho chuyện Ngài đã sống lại, là việc người ta không thể tìm thấy được xác của Ngài.  Tất cả mọi vĩ nhân trên thế giới này đều đã chết và thân xác của họ vẫn còn được xác định.  Còn Đức Giêsu thì không.  Các môn đệ sẽ không thể bịa chuyện rằng Đức Giêsu đã phục sinh và hiện ra với mình, vì chỉ cần lính Rôma trưng dẫn cái xác là mọi chuyện sẽ được giải quyết.

Nhưng biết đâu các môn đệ đã đánh cắp cái xác thì sao?  Điều này càng khó có thể xảy ra hơn nữa.  Khi Đức Giêsu bị bắt và hành hình, ai trong các ông cũng sợ đến nỗi bỏ chạy.  Phêrô còn không dám thừa nhận rằng mình có tương quan với Đức Giêsu.  Ngay cả sau đó, các ông vẫn còn nhốt mình trong phòng vì sợ thì làm sao dám cả gan đi đánh cắp xác Thầy tại một ngôi mộ có lính La Mã được trang bị vũ khí canh giữ.  Ngoài ra, chúng ta cũng không tìm thấy lý do gì để các ông phải liều mạng làm chuyện này.  Các ông không thể tự dưng đi đánh cắp cái xác, giấu một nơi không ai biết, rồi bịa chuyện Thầy Giêsu sống lại, sau đó chịu chết vì câu chuyện tưởng tượng ấy: người thì bị chặt đầu, người thì bị đóng đi, người thì bị tùng xẻo…

Hơn nữa, nếu đây là một âm mưu tập thể thì chỉ cần một người trong số họ khai ra sự thật thì kế hoạch sẽ vỡ tan tành.  Các ông lại là những ngư phủ thất học, làm sao có thể nghĩ đến và bịa ra một câu chuyện về sự phục sinh mà đến nay chúng ta còn không biết nó là cái gì.  Vả lại, nếu các ông bịa chuyện thì không nên đưa phụ nữ vào vì thời đó chẳng ai tin lời một phụ nữ như chuyện bà Maria Madalena ra mồ và gặp Chúa.  Ngoài ra, các ông cũng không thể bịa chuyện Đức Giêsu hiện ra với mình vì Đức Giêsu không chỉ hiện ra với các ông mà còn với nhiều người khác, trong đó có một người rất thù ghét Kitô giáo là Phaolô.  Chính Phaolô đã dành trọn cuộc đời còn lại của mình để làm chứng về sự phục sinh của Đức Giêsu.  Thậm chí, ông đã chết vì sự thật ấy.  Những bằng chứng này cho thấy, các môn đệ không thể đánh cắp xác chết của Đức Giêsu rồi bịa chuyện được.

Có thể có trường hợp Đức Giêsu đã không chết, ngài chỉ ngất đi, hoặc chết lâm sàng thôi, rồi sau khi được đưa xuống thập giá và đem vào mộ, Ngài đã tỉnh lại và bỏ trốn?  Nghĩ như vậy có được không?  Giả thuyết này cũng không vững, vì có nhiều bằng chứng cho thấy Đức Giêsu đã chết thật.  Theo luật, lính La Mã phải kiểm tra rất kỹ rằng tử tù phải chết rồi thì mới cho tháo xuống khỏi thập giá, còn không thì phải đập dập ống chân tử tù để hắn ta không thể bỏ trốn.  Việc Đức Giêsu không bị đập dập ống chân (x.Ga 19,31-33) cho thấy lính La Mã xác nhận rằng Ngài đã chết.  Lính La Mã sẽ phải lãnh cái chết nếu không kiểm tra cẩn thận.  Như thế, hẳn là anh lính này phải rất cẩn trọng.  Gioan cũng thấy máu và nước chảy ra từ cạnh sườn (x.Ga 19,34-35), điều này cho thấy phổi của Ngài đã bị ép và không thể hoạt động được nữa.  Giả như đến đây Ngài vẫn chưa chết thì Ngài cũng không thể thở được khi bị những tấm vải liệm quấn lấy từ đầu đến chân và bị đặt trong một khe đá kín (x.Ga 19,38-42).

Hơn nữa, một thân xác tàn tạ sau khi bị đánh đập và đóng đinh như thế thì sao có thể đẩy nổi tảng đá lớn lấp mộ mà không bị lính La Mã đứng canh phát hiện.  Giả như Ngài có làm được thì Ngài đã đi đâu, làm gì?  Tại sao không ai thấy?  Và quan trọng hơn nữa, một con người sống dở chết dở, thân bại danh liệt như thế, vốn dĩ đã làm cho các môn đệ thất vọng tràn trề, làm sao có thể khiến bao nhiêu người sẵn sàng bịa chuyện rồi sẵn sàng chết vì mình với một sự can đảm và khảng khái như vậy.  Bởi vậy, giả thuyết cho rằng Đức Giêsu không chết hoặc chỉ chết lâm sàng không đáng tin.

Một chứng cứ rất hùng hồn để chứng minh cho sự phục sinh của Đức Giêsu chính là những lần Ngài hiện ra, cùng ăn uống, trò chuyện, chia sẻ, giảng dạy và ban thêm sức mạnh cho các ông.  Chỉ có thể là Đấng Phục Sinh mới khiến cho các ông mở toang cánh cửa sợ sệt để hiên ngang bước ra ngoài trước đám đông mà giảng dạy.  Chỉ có thể là sức mạnh của Đấng Phục Sinh mới có thể giúp các ông được biến đổi từ trong ra ngoài: các ông có thể nói được nhiều ngôn ngữ, có thể làm các phép lạ, có thể mạnh dạn đối chất với các nhà cầm quyền, có thể có những lời nói làm say mê lòng người, cuốn hút họ và trao ban cho họ niềm tin.  Trải qua hơn hai ngàn năm, đức tin này ngày càng được chứng thực bởi nhiều vị thánh, những người được ơn đụng chạm và cảm nghiệm nó trong một tương quan sâu sắc với Chúa.  Và nhờ đó, nó vẫn trường tồn và thêm vững mạnh.  Tất cả những điều tuyệt vời này không thể đến từ một câu chuyện huyền hoặc do một số người thất học bịa ra hay từ một cái xác không còn hình thù nằm trong nấm mồ, hay một người giả vờ chết rồi sau đó trốn chui trốn nhủi.  Nó chỉ có thể đến từ một Đấng đã phục sinh thật sự, đã đi vào trong sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết.  Halleluia!  Halleluia!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

THÁNH TÔMA VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Chúa Nhật II phục sinh Giáo hội tuyên dương lòng thương xót Chúa.  Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: “Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương.  Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại duơng hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (Tiểu nhật ký, số 699).  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua đời vào đêm cuối tuần Phục Sinh đầu tiên (ngày 2 tháng 4 năm 2005).  Lòng thương xót Chúa đã chiếu một luồng ánh sáng vào cái chết của một vị thánh thời đại.

Lòng thương xót của Chúa được diễn tả qua cuộc thương khó và cái chết của Ngài trên thập giá.  Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn.  Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.  Lòng thương xót ghi đậm nét nơi các vết thương trên thân thể Chúa.  Vì thế, việc đầu tiên khi hiện ra với các môn đệ, sau khi trao sự bình an, là cho các ông xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, các môn đệ vui mừng và bình an.

Lòng thương xót Chúa đối với con người trước và sau phục sinh không thay đổi, vì Chúa Giêsu vẫn là một để cho người ta nhận ra Ngài.  Vết thương diễn tả lòng thương yêu của Chúa với con người không thay đổi.  Ngài còn khoe và cho phép Tôma lấy tay kiểm tra vết thương.  Chúa không che dấu, không tiếc xót dù Tôma có cứng lòng, đòi thực tế phải thấy mới tin.

1. Đức tin của Tôma

Chúa sống lại, các môn đệ không dễ dàng tin, thánh sử Luca kể: “Khi từ mộ trở về, các bà Maria Macđala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacôbê và các bà khác cùng đi với mấy bà này.  Các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy.  Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (Lc 24,11).  Thánh Matthêu thuật lại: khi mấy người phụ nữ báo tin cho các môn đệ: Chúa đã sống lại rồi, các ông cũng hoài nghi.  Rồi, “khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,17).  Riêng Tôma đã nói một câu quyết liệt: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”  Đây là kiểu tin bằng lý luận kiểm chứng, chỉ tin khi thấy, khi đã có đủ bằng chứng rõ ràng hiển nhiên.

Tôma đại diện cho những người lý luận, cái gì cũng muốn xem tận mắt, bắt tận tay.  Chỉ tin những gì thấy được.  Chỉ chấp nhận những gì sờ được.  Đòi kiểm nghiệm tất cả.  Đòi tự mình chứng nghiệm tất cả.  Không chỉ tin vào lời nói suông.  Tôma không vội tin một cách dễ dàng như bao người khác.  Ông là người có tính thực tế của khoa học phải qua kiểm chứng, kiểm nghiệm bằng mắt thấy, tai nghe, tay chân sờ mó đụng chạm hẳn hoi thì mới tin.  Đây phải chăng là thái độ khôn ngoan, cẩn thận trước một quyết định hết sức quan trọng của đức tin nơi Tôma?  Cám ơn thánh Tôma, vì nhờ ngài mà các môn đệ khác được chứng kiến tỏ tường Chúa sống lại, được nhìn thấy những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Người.

Trước khi tin, Tôma phải hoài nghi đã.  Tôma chỉ tin những điều hợp lý, những gì “thấy được, sờ được.”  Đây không phải là thái độ cố chấp của Tôma mà ngược lại là thái độ không nhẹ dạ, không cả tin vội vàng bằng tai nghe.  Đó là lối phân tích theo nhận định tự nhiên của con người và cũng là kinh nghiệm sống đức tin của nhiều người chúng ta.  Dù sao, đây cũng là một khó khăn riêng tư của Tôma trong việc tin vào Chúa sống lại.  Chúa Giêsu hiểu ông, nên đã đích thân đến và giúp cho ông dễ dàng hơn để tin vào Chúa.  Ngài mời gọi ông hãy tin vững vàng.  Và ông đã nói lên lời tuyên xưng đức tin thật đẹp đẽ, thật trang trọng “lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi.”  Cuối cùng, Chúa Giêsu đã ban cho Toma sự bình an và đức tin mạnh mẽ qua sự hoài nghi, để ông tuyên xưng đức tin cá nhân của mình: “Lạy Thiên Chúa của con.”  Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Tôma đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi.  Theo lưu truyền, ông đi rao giảng đức tin và lòng thương xót của Chúa ở Ba tư, Xyri rồi chịu tử đạo ở Ấn Độ.

Thần học gia Hans Kung nói: “người tín hữu không bao giờ nghi ngờ sẽ khó lòng hoán cải một người hoài nghi.”  Nhà thần học Paul Tillich nói: “sự hoài nghi chín chắn là sự khẳng định của đức tin.  Nó chứng tỏ một sự quan tâm rất nghiêm chỉnh.”  Còn Thomas Merton bảo: “người có niềm tin mà chưa từng trải qua sự nghi ngờ thì không phải là người có niềm tin.”  Jean Guitton, một nhà triết học người Pháp, nói: “Chính vì nghi ngờ thường trực mà tôi lại có thể tin vững.”  Thực tế, trên đời có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin, không kiểm tra được mà vẫn phải chấp nhận và sống điều ấy.  Sự hoài nghi giúp chúng ta trưởng thành trong đức tin, thúc đẩy ta thắc mắc, tìm hiểu, học hỏi, cầu nguyện, nghiên cứu sách vở (Lm. Pet. Bi Trọng Khẩn).

2. Lòng mến của Gioan

Có hai mức độ tin: mức độ thấp là tin vì thấy, tin dựa vào bằng chứng; mức độ cao là tin mà không cần thấy, tin không dựa trên bằng chứng mà dựa trên tình yêu.  Đây là mối phúc thứ 9 như lời Chúa Giêsu nói với tông đồ Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,28).  Không thấy mà tin không có nghĩa là tin một cách mù quáng, vu vơ, không có cơ sở, không có lập trường mà là bằng tình yêu nên đức tin vững mạnh hơn, truởng thành hơn.  Thánh Gioan, “người môn đệ Chúa yêu”, bằng tình yêu, Gioan “đã thấy và đã tin” và nhận ra điều mà mọi người khác không nhận ra.  Phúc âm kể: khi thấy một bóng người mờ mờ đi trên mặt biển, mọi người khác đều tưởng là ma, chỉ có Gioan tức khắc nhận ra đó là Thầy mình.  Khi Chúa Phục Sinh hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria, “các môn đệ không nhận ra” nhưng “ môn đệ được Chúa Giêsu thương mến” đã nhận ra và nói với Phêrô “Chúa đó” (Ga 21, 4-7)…  Rõ ràng, con đường tình yêu đi đến niềm tin nhanh chóng hơn, nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn.

Tin mừng Phục Sinh cho thấy: có hai con đường dẫn tới đức tin, một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng, và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu, thoạt xem có vẻ tầm thường nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc.  Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó.  Phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì cũng như thánh Gioan, nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt để nhận biết những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết.

3. Lòng Chúa Xót Thương

Nhân loại thời nay khát khao một “Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót” (1Ga 4,8; Ep 2.4) để họ tôn thờ, tựa nương và tìm được ý nghĩa cuộc đời.  Lòng thương xót là tình yêu thương, là lòng trắc ẩn với người đau khổ, với người nghèo đói, với người bệnh tật, với người tội lỗi.  Nhân loại thời nay cần tình yêu, đây là một dấu chỉ của thời đại.  Vì thế, mỗi người tùy vào khả năng của mình hãy đặc biệt quan tâm đến việc thực thi lòng thương xót.  Mỗi tín hữu được mời gọi trở thành nhân tố tích cực để sống và làm chứng cho lòng thương xót.

Điều làm nên nét độc đáo của người tín hữu là nhân đức thương xót, thể hiện bằng đạo yêu thương, được bộc lộ nơi bản thân và cuộc đời mỗi cá nhân.  Mỗi người trong chúng ta, bằng cách thực thi bác ái, lòng thương xót và tha thứ, có thể trở nên dấu chỉ quyền năng tình yêu của Thiên Chúa có sức biến đổi tâm hồn, đem lại hòa giải và bình an.  Trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), ĐTC Phanxicô nói: “Thời đại ngày nay, khi Hội Thánh đang thực thi công cuộc Tân Phúc Âm hóa, lòng thương xót quả là cần thiết để một lần nữa tạo nên nhiệt tình mới và đổi mới các hoạt động mục vụ.  Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót.  Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (số 12).  Đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô, trong Thư gởi cộng đoàn dân Chúa (17.9.2015), HĐGMVN nhấn mạnh: “Mỗi người Công Giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.  Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống.”

Chúa Phục Sinh cho các tông đồ xem những thương tích cuộc khổ nạn nay đã thành sẹo như mời gọi các ngài chiêm ngắm chính nguồn mạch của Lòng Thương Xót không bao giờ cạn vơi.

Thánh Tôma Aquinô đã cầu nguyện rằng: “Chúa ơi, con không xin được xem thương tích Chúa như ông Tôma tông đồ, nhưng con tuyên xưng Chúa là Chúa của con.  Hãy làm cho con luôn tin vào Chúa, cậy trông vào Chúa và yêu mến Chúa nhiều hơn nữa.”  Người kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà cần sống bằng lòng mến.  Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc.  Càng tin vững thì càng bình an.  Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến.  “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).  Những ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu trong những cái tầm thường để có khả năng chứng mình về tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

HÃY NHÌN XEM 

Thân xác chúng ta thường mang những vết sẹo, hậu quả của những lần bị trầy trụa, té ngã.  Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng kỷ niệm.  Dù vui hay buồn thì cũng là chuyện đã qua.  Vết sẹo làm ta kém đẹp, nhưng không làm đau như xưa.  Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra thăm các môn đệ, Ngài giúp họ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo.  Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn.  Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng:  Thầy chính là Ðấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được cái chết.

Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Chúa phục sinh có sẹo, dù điều đó chẳng đẹp gì.  Ngài không ngượng mà cho các môn đệ xem.  Những cái sẹo sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc.  Chúng gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau.  Nhưng nếu không có chúng thì cũng chẳng có phục sinh.  Chẳng cần phải xóa đi khỏi ký ức cuộc khổ nạn kinh hoàng và cái chết nhục nhã.

Chúng ta cũng lên thiên đàng với các vết sẹo của mình.  Sống ở đời sao tránh khỏi những dập gẫy, thương tích.  Nếu chúng ta đón nhận mọi sự với tình yêu thì mọi sự sẽ trở nên nhịp cầu cứu độ.  Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành.  Có những vết thương tưởng chẳng thể nào thành sẹo.  Chúng ta có dám cho người khác thấy sẹo của mình không?

Cuộc khổ nạn của Thầy đã làm các môn đệ bị thương.  Các vết sẹo của Thầy sẽ chữa lành những vết thương đó.  Hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh.  Chính lúc đó ông khám phá thật sâu một Tình Yêu.  Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.  Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông.  Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến để thỏa mãn những đòi hỏi quá quắt của mình.  Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.  Ông ra khỏi được sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin.  Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy.  Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.

Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy.  Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma,  nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác.  Cần tập thấy Chúa để rồi tin.  Có khi phải tập nhìn lại những vết sẹo của mình, của Hội Thánh, của cả thế giới, để rồi tin rằng Chúa phục sinh vẫn đang có mặt giữa những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau.  “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, và phúc cho những ai biết thấy nên tin.

***********************************

Lạy Chúa, xin cho con luôn vui tươi, dù có phải lo âu và thống khổ, xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình; nhưng biết nghĩ đến những người quanh con, những người – cũng như con – đang cần một người bạn. 

Nếu như con nên yếu đuối, thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm và nhân từ hơn.  Nếu bàn tay con run rẩy, thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.  Khi lâm tử, xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh. 

Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác, như một lời xin vâng cuối cùng.  Và con sẽ về nhà Chúa, để dự tiệc yêu thương muôn đời.  Amen!

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

NGÔI MỘ TRỐNG

Những người tin và người không tin đã tranh luận về sự phục sinh ngay từ ngày Chúa Giêsu sống lại.  Thật sự, chuyện gì đã xảy ra?  Làm sao mà Ngài sống lại từ cõi chết?  Một thi thể thật sự đã chết có thể sống lại và bước ra khỏi mộ, hay phục sinh là một sự kiện biến đổi đời sống trong lương tâm của các môn đệ Chúa Giêsu?  Hay phục sinh là cả hai, một sự kiện vừa thể lý, vừa nội tại trong lương tâm các tín hữu?

Rõ ràng chẳng có ai chứng kiến chuyện thật sự xảy ra.  Những người tuyên xưng Chúa Giêsu đang sống không nhìn thấy Ngài đứng dậy và ra khỏi mộ, họ chỉ gặp Ngài sau khi Ngài đã sống lại, và ngay lập tức những người tin và những người hoài nghi liền chia thành hai phe, những người tuyên bố đã được chạm vào Ngài bằng xương bằng thịt và những người nghi ngờ lời chứng đó.

Có những người tin và những người hoài nghi, và còn có những người tin rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu là một sự kiện đức tin chứ không phải về thể lý, họ tin thi thể người chết không thể đứng dậy mà ra khỏi mộ.

Sự phục sinh của Chúa Giêsu là một sự kiện thể lý hay đức tin?  Là cả hai.  Với các Kitô hữu, đây là sự kiện vĩ đại, cả về đức tin lẫn lịch sử.  Không thể giải thích hai ngàn năm lịch sử của đức tin Kitô, bằng cách nào khác ngoài hiện thực phục sinh.  Hiểu sự phục sinh của Chúa Giêsu như một sự việc đơn thuần, rằng thân thể Ngài trỗi dậy từ hầm mộ, là cắt bỏ đi ý nghĩa của sự phục sinh.  Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, với các Kitô hữu, phục sinh cũng phải là một sự kiện mang tính thể lý đến tuyệt đối.  Tại sao lại thế?

Trước hết, là bởi Tin mừng nói khá rõ ràng khi nhấn mạnh ngôi mộ trống và Chúa Giêsu phục sinh không phải là một linh hồn hay hồn ma.  Ví dụ như, chúng ta thấy trong Tin mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu đã mời Tôma kiểm tra thân thể Ngài.  “Hãy coi tay Ta, chân Ta; Chính là Ta đó!  Hãy rờ nắn mà xem, ma nào lại có thịt có xương như các ngươi thấy Ta có.”

Để trọn vẹn ý nghĩa sự phục sinh của Chúa Kitô, thì phải có sự sống lại của thân thể.  Cần phải có ngôi mộ trống và thi thể sống lại.  Tại sao lại thế?

Không phải như một kiểu bằng chứng cho phép lạ, nhưng là vì sự nhập thể.  Tin vào sự nhập thể mà không tin vào tính thể lý của sự phục sinh thì thật là mâu thuẫn.  Chúng ta tin rằng Ngôi Lời đã nhập thể làm người.  Và chính điều này đưa mầu nhiệm Chúa Kitô và hiện thực phục sinh ra khỏi giới hạn thuần tinh thần.  Nhập thể luôn luôn bao hàm một hiện hữu có tính thể lý, sờ mó được, như định nghĩa về vật chất là “một sự gì đó có chiếm hữu không gian và có trọng lượng.”

Tin vào sự nhập thể là tin rằng Thiên Chúa đã sinh ra trong thân xác thật, sống trong một thân xác thật, chết trong thân xác thật, và sống lại trong thân xác thật.  Tin rằng phục sinh chỉ là một sự kiện đức tin trong lương tâm các tông đồ, thì dù có phong phú và thật đến mấy, cũng vẫn tước bỏ ý nghĩa của sự nhập thể, và rơi vào chủ nghĩa nhị nguyên xem trọng tinh thần và khinh thường thể xác.  Một thuyết nhị nguyên như thế hạ giá sự nhập thể và xói mòn ý nghĩa của phục sinh.  Nếu phục sinh chỉ là một sự kiện tinh thần, thì đó chỉ là một sự kiện nhân loại chứ không phải một sự kiện bao hàm cả vũ trụ.  Nói thế là xem đó chỉ là một sự kiện trong lương tâm con người chứ không phải sự biến đổi của vũ trụ.

Nhưng sự phục sinh của Chúa Giêsu không chỉ là một sự mới mẻ tuyệt đối trong lương tâm con người, mà còn là một sự mới mẻ tuyệt đối về bản chất vũ trụ, mới mẻ trong từng nguyên tử.  Phục sinh sắp xếp lại tâm hồn và tâm trí con người, nhưng nó cũng sắp xếp lại các nguyên tử.  Trước khi Chúa Giêsu phục sinh, xác người chết không sống lại, họ vẫn chết, nên khi Ngài sống lại, thì đó là một sự mới mẻ tuyệt đối cả về tinh thần lẫn vật chất.  Chính xác là bởi tính vật chất tuyệt đối đó, nên sự phục sinh của Chúa Giêsu đem lại hy vọng mới cho từng phân tử cũng như cho tất cả mọi người.

Tôi tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, một cách vật chất, theo nghĩa đen.  Tôi cũng tin rằng sự kiện này thiêng liêng vô cùng, là một sự kiện đức tin, là sự biến đổi lương tâm, là hy vọng mới tăng sức cho lòng mến mới và sự tha thứ mới.  Nhưng phục sinh cũng là một sự kiện biến đổi vật chất đến từng phân tử và biến đổi xác người chết.  Đây là một sự kiện tuyệt đối mang tính thể lý, cũng hệt như mọi sự kiện khác trong công cuộc nhập thể khi Thiên Chúa mang lấy xác phàm thật sự.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THÁNH GIÁ VIẾT TRÊN CÂY NẾN

Trong đêm Vọng Phục Sinh, Cây Nến Phục Sinh là tâm điểm của cử hành Phụng Vụ.  Đức Giêsu Kitô đã ra khỏi mồ tối tăm, đã chiến thắng thần chết, và trở thành Nguồn Ánh Sáng, Sự Sống cho nhân loại.

Để đánh mốc thời gian lịch sử cứu độ, trong đêm ấy, linh mục chủ tế khắc ghi trên nến với những dấu chỉ như sau:

– “Đức Kitô là một, (vẽ đường dọc)

–  Hôm qua cũng như hôm nay, (Vẽ đường ngang)

–  Là Alpha và là Omega, (Viết chữ Alpha trên cây Thánh Giá)

–  Nghĩa là Khởi nguyên và tận cùng, (Viết chữ Omega ở phía dưới Thánh Giá)

–  Người làm chủ thời gian, (Viết số đầu của năm đó bên góc trái phía trên Thánh Giá).

–  Và muôn thế hệ, (Viết số thứ hai của năm nơi góc phải phía trên Thánh Giá).

– Vạn Tuế Đức Kitô, Đấng vinh hiển quyền năng, (Viết số thứ ba của năm góc trái phía dưới Thánh Giá).

– Vạn vạn tuế. Amen, (Viết số thứ tư của năm nơi góc phải phía dưới Thánh Giá).

Với năm hạt hương biểu thị năm dấu đinh của Chúa Giêsu khổ nạn được gắn trên cây nến Phục Sinh, gắn trên mỗi góc của Thánh Giá, vừa gắn vừa đọc:

– Vì năm vết thương

–  Chí thánh và vinh hiển

–  Xin Chúa Kitô

–  Gìn giữ

–  Và bảo vệ chúng ta.”  (Sách Lễ Roma).

Khi ghi dấu năm cứu độ chung quanh trục cây Thánh Giá, Giáo hội cũng ghi khắc vào đó cả khối tình tri ân của những năm hưởng nhờ hồng ân cứu độ trong lịch sử thời gian.  Thánh Giá nối trời với đất trong không gian mênh mông.  Thánh Giá là điểm thâu họp lịch sử dọc theo dòng thời gian.  Thánh Gía bao gồm hai chiều kích ấy.  Đức Kitô là trung tâm điểm của không gian và thời gian.

Hình Thánh Giá viết trên Cây Nến Đêm Vọng Phục Sinh, có ý nghĩa thâu họp vạn vật, mang ý nghĩa vũ trụ.  Thánh Irénée viết: “Ngài đã đến dưới dạng hữu hình với những gì thuộc về Ngài, Ngài đã trở thành xác thịt và xác thịt ấy đã được treo lên cây Thập tự để bằng cách ấy thâu họp vào mình cả vũ trụ.” Thánh Giá trở thành trục thế giới.  Thánh Cyrille ở Jérusalem viết: “Chúa Trời đã dang hai tay trên cây Thập Tự để ôm lấy bờ cõi Vũ trụ và vì vậy núi Golgotha là trục thế giới.”  Trên trục vũ trụ ấy có treo lên một người Con của Thiên Chúa.  Thánh Phaolô thì diễn tả trục này: “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1, 10).

Là Trục của thế giới, Thánh Giá có trung tâm điểm là Đức Giêsu Kitô.  Nhìn theo chiều kích cánh chung, thời gian sau cùng nhân loại sẽ chịu sự phân chia, bên tả hoặc bên hữu.  Đó là thời gian của sự phán xét.  Trục còn có nghĩa là mốc tuyển chọn, những người được tuyển chọn và những người tự mình đánh rơi.  Thánh Phaolô nhìn trục này như sự phân chia Lề Luật và Đức Tin, phân chia tâm hồn con người thành hai phần, nhục thể và Thần Khí, để rồi cho thấy sự thống nhất của phân chia là việc hoán cải, tái sinh, công chính hóa, lề luật, nhờ vào niềm tin cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trên Thánh Giá.

Là trục của thế giới, nhìn theo chiều kích cánh chung, Thánh Giá biểu trưng là chiếc thang, một chiếc thang đưa con người đi lên tham dự vào đời sống của Thiên Chúa.  Một chiếc thang để đất trời không còn xa nhau.  Chiếc thang nhiệm mầu mà thánh Nữ Perpétue thấy trong ngày chịu tử đạo: “Tôi nhìn thấy một cái thang bằng đồng thanh, cao khác thường, vươn tới tận trời, nhưng hẹp tới mức chỉ có thể đi lên từng người một: Hai bên thang tua tủa các khí giới: Kiếm, giáo, móc câu, gươm, như vậy mà nếu người nào lên mà lơ đãng, không chú ý nhìn lên trên cao, sẽ bị tan nát thịt da, để lại những mảng thịt mắc vào những khí giới đó.  Và bên dưới cái thang có một con rồng to lớn dị thường, nằm đó chăng bẫy những ai đạp chân lên thang, làm cho họ khiếp sợ không dám trèo lên.  Còn tôi, khi tôi đặt chân lên trên bậc thang thứ nhất, tôi đã đạp lên đầu con rồng đó, thế là tôi đi lên được và nhìn thấy một khu vườn rộng mênh mông.”  Chiếc thang có những bậc của thử thách.  Niềm an bình sẽ xuất hiện khi bước lên bậc thang thứ nhất.  Và cứ thế theo từng bậc niềm an bình sẽ được gia tăng cho đến khi hoàn toàn ở trên đỉnh thang.  Muốn đi lên cao, cần rũ bỏ, rũ bỏ làm cho nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đi lên.  Đó cũng là thời gian dành cho việc cầu nguyện và ăn chay thực thi đức ái để trút bỏ mỗi ngày trong cuộc sống.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).  Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống.

Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập Dòng Mến Thánh Giá.  Chắc hẳn ngài đã cảm nghiệm sâu sắc về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô nên mới có ý tưởng này!  Dòng Mến Thánh Giá là Hội Dòng chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của tình yêu của lòng trí.  Kể cũng thật lạ!  Không chọn cái gì nhẹ nhàng mà lại chọn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, phải vác phải mang ách nữa chứ!  Ngài có thành công gì đâu trước mắt người đời!  Có nhẹ nhàng gì đâu trước mắt trần thế!  Thế nhưng, Đấng chịu đóng đinh là hồng ân cứu rỗi.  Chọn con đường theo Chúa là đi vào con đường hẹp.  Một chọn lựa khôn ngoan vì đã chọn chính Đấng Cứu Độ.  Thánh Giá là đỉnh cao ơn cứu độ.  Mến Thánh Giá là tình yêu cao nhất của đời dâng hiến.  Từ đó nẻo đường cứu độ mở ra cho bản thân và có khả năng giúp cho những người khác tiến vào nẻo đường ấy.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô.  Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện vẫn không bị xóa nhòa.  Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta.  Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Đêm Vọng Phục Sinh, cả nhà thờ lung linh ánh nến.  Từ cây nến mẹ, nến Phục Sinh ánh sáng thắp lên các cây nến nhỏ trên tay mọi người.  Lửa Phục Sinh bừng cháy, sáng rực nhà thờ, rạng rỡ từng khuôn mặt, ấm áp mọi tâm hồn.  Cử chỉ chuyển lửa Phục Sinh, thắp sáng cho nhau là một hình ảnh tuyệt đẹp.  Đây là đêm rất đẹp trong ánh sáng chứa chan tình Chúa, tình người.

Ánh Sáng Phục Sinh đem lại sự sống mới cho toàn thể loài người khi tất cả được nâng lên và được kéo về bình diện siêu nhiên qua Thánh Giá, trong tình yêu viên mãn của Đấng Cứu Độ.  Chúa Kitô đã tỏa chiếu Ánh Sáng Tình Yêu qua toàn bộ hành vi yêu thương trên Thánh Giá.

Nếu như thập giá phô diễn bạo lực tội ác và đau thương thì Thánh Giá mạc khải Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại.  Trong Tình Yêu ấy, Đức Kitô đã chỉ cho nhân loại con đường sống ngang qua cái chết.  Trong Tình Yêu ấy, chúng ta ngắm nhìn, chiêm ngưỡng suy niệm để nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống qua Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ.  Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh.  Khi nhận lấy thập giá, Chúa Kitô đã dùng tình yêu biến đau khổ thành niềm vui.  Tình yêu làm cho thập giá trở thành Thánh Giá.

Thánh Giá biểu tượng cho cuộc chiến đấu của Chúa Giêsu, và cũng là biểu tượng cho tình yêu mạnh hơn sự chết, và cho sự Thiện sẽ giành chiến thắng cuối cùng trên sự Ác.

Thánh Giá là cánh cổng dẫn vào sự sống, thất bại chuyển thành chiến thắng, sự sống bị tước đoạt trở thành sự sống viên mãn, ai đánh mất mạng sống mình sẽ tìm gặp lại sự sống, ai can đảm chết cho Chúa Kitô sẽ được sống muôn đời.

Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng Thánh Giá.  Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá.  Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn.  Từ Thánh Giá Ðức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

“HỌ NHÌN XEM ĐẤNG HỌ ĐÃ ĐÂM THÂU QUA”

Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá thật thê thảm, nhưng cũng thật sâu thẳm nhiều người biết đến.  Trải qua năm này sang năm khác chúng ta lại nghe bài thương khó và nhìn lại biến cố đau thương này.  Nhưng nếu chỉ nghĩ đến khía cạnh thê thảm về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá thôi, thì nhiều người sợ không muốn theo đạo, hoặc không muốn nhìn lên cây Thập giá.  Vì thế, điều căn bản và sâu thẳm khi SUY TÔN Thánh giá là chúng ta SUY TÔN TÌNH YÊU CỦA NGÀI.

  • Trước hết, vì tội lỗi nhân loại nên con người phải chết. Chúa Kitô đã nhập thể.  Ngài cũng chấp nhận cái chết.  Nhưng cái chết của Ngài là vì “yêu những kẻ thuộc về Người đang ở thế gian này và Người đã yêu họ đến cùng.”
  • Đó cũng là điều căn bản mà chiều nay chúng ta cử hành, chúng ta chiêm ngắm: chiêm ngắm Tình Yêu được biểu lộ ra bên ngoài, Tình Yêu chiến thắng đến cùng, chiến thắng sự chết và chiến thắng tội lỗi.
  • Vâng, chiều nay chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của một VỊ VUA, VUA TÌNH YÊU được thể hiện trên cây thập giá để chúng ta ngắm nhìn.
  • Đó là một sự kinh ngạc đến nỗi viên sỹ quan ngoại giáo đã phải kêu lên: “Thật, người này là Con Thiên Chúa.” Liệu chúng ta có ngây dại hoặc đần độn mãi không?  Chắc chắn rằng không!  Người ta đã đâm thâu trái tim Con duy nhất, Con Thiên Chúa.  Và chúng ta đã khám phá ra TÌNH YÊU của Ngài được thể hiện ở đó.  “Trong trái tim Chúa yêu muôn đời, con xin được một chỗ nghỉ ngơi.”
  • Yêu đến cùng! Vâng, Ngài đã chết; Vua vũ trụ đã chết vì một sức mạnh và ngọt ngào vô biên:  Mọi sự đã hoàn tất.  Chúng ta chiêm ngắm Đấng đã chết vì Tình Yêu.
  • Chúng ta thấy trong bàn tay bị đóng đinh của Chúa Giêsu trên thập giá, có cả những bàn tay khép kín, sợ sệt của chúng ta chẳng có gì để mà yêu, để mà mở ra. Hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn tha thứ và biết mở bàn tay ra để yêu!
  • Chúng ta thấy trên bàn chân Chúa bị đóng đinh, có cả những bước chân chối từ của chúng ta không muốn để Chúa dẫn đi, để vâng lời Ngài và tin tưởng vào Ngài. Chúng ta đã phạm tội vì không để Chúa dẫn đi trên con đường tình Yêu Thập giá.  Hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn phó thác.
  • Chúng ta thấy trong trái tim Chúa bị đâm thâu, có cả những thiếu sót của tình yêu chúng ta: tình yêu ty tiện và vụ lợi. Hãy xin ơn biết mở trái tim chúng ta ra cho Chúa và cho anh chị em chúng ta!
  • Vâng, chiều nay chúng ta mệt nhọc vì tội lỗi chúng ta; chúng ta như Phêrô chối Chúa và trốn chạy. Nhưng trước tình yêu cao cả của Chúa, như Phêrô, chúng ta hãy khóc.  Những giọt nước mắt thống hối và bình an để tình yêu Chúa lấp đầy; những giọt nước mắt của trái tim trẻ thơ sẽ tìm lại được tình yêu.  Và cuối cùng chúng ta được yêu, được yêu đến cùng.  Mọi sự được hoàn tất!
  • Một lát nữa, chúng ta suy tôn Thánh giá; khi suy tôn chúng ta sẽ lãnh nhận hoa quả của Thập giá. Và khi suy tôn, chúng ta liên tưởng đến Mẹ Maria, người Mẹ liên kết thẳm sâu với Thập giá chừng nào!
  • Vì thế, chúng ta hãy đón nhận Đức Maria như người mẹ của chúng ta! Món quà tuyệt vời!  Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá, chắc chắn Mẹ cũng đứng dưới chân những đau khổ của chúng ta, dưới cả những tội lỗi của chúng ta.  Mẹ khóc vì chúng ta và cho chúng ta!
  • Chiều nay, khi suy tôn Thập giá, chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu về tình yêu của chúng ta bằng hương thơm trái tim chúng ta, hay nói cụ thể hơn bằng lời cầu nguyện sâu xa, chăm chú, đầy tình yêu. Hoa quả của Thập giá, chính là tình yêu được canh tân vì Chúa Kitô.
  • Hơn nữa, hoa quả vĩ đại nhất của thập giá, chính là có thể đón nhận thân thể Chúa Giêsu như Giuse Arimathia. Thân thể Chúa Giêsu chỉ muốn nên một với chúng ta, đó là Thánh Thể quý giá chừng nào mà một lát nữa chúng ta đón nhận và cố gắng đón nhận mỗi ngày.
  • Trên con đường theo Chúa Kitô, đôi lúc chúng ta có thể như Nicođemo đến với Chúa Giêsu ban đêm vì sợ người Do-thái; nhưng từ nay chúng ta hãy là Nicodemo xuất hiện giữa công nghị để bảo vệ đức tin chúng ta, bảo vệ danh Chúa Kitô, như Ngài đã bảo vệ chúng ta vì chúng ta không còn sợ nữa.
  • Tôn kính Thánh giá, đón nhận thánh giá, đó là trở nên nhân chứng của Chúa Kitô.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, giờ đây chúng con xin phó thác vào Chúa, vị VUA VŨ TRỤ của chúng con!  Xin Chúa tạo dựng lại thế giới, đặt sự sống mới vào mọi nơi và mọi người.  Xin Chúa làm sống lại tất cả những gì đã chết.  Xin Chúa làm cho trái tim tội lỗi của chúng con biết mở ra cho tương lai Phục sinh!

 Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

PHẢI RỬA CHÂN CHO NHAU

Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.  Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.  Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc Khổ Nạn gần đến cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu:  Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.  Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.  Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.  Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.  Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.  Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ, Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.  Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.

Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.  Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ, thì bây giờ Thầy làm cho trò.  Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.

Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.  Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.  Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.  Trong cả hai biến cố Rửa chân và Bí tích Thánh Thể, Thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.  Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân, hay tham dự bằng cách ăn uống Mình và Máu Ngài.

Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi Thầy Giêsu.  Thầy mời các môn đệ cũng làm như Thầy, và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.  “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14).  “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy (Lc 22, 19).  Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.  Muốn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu, cần giữ lệnh Thầy truyền (Ga 15, 10).

Mà “đây là lệnh truyền của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).  Hơn nữa, Thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong Thầy: “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất. Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.  Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.

****************************************

Lạy Thầy Giêsu, khi Thầy rửa chân cho các môn đệ, chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.  Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn, khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ. 

Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.  Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh. 

Lạy Thầy Giêsu, thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.  Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.  Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.  Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.  Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.  Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.  Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy, chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.  Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo, để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.  Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con, để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

PHẢN BỘI TẠI BỮA TIỆC LY

Lễ Vượt Qua là lễ quan trọng nhất của người Do Thái.  Đó là việc kỷ niệm hằng năm về sự giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ người Ai Cập.  Lễ này cử hành vào ngày 13 tháng Nisan (khoảng tháng Tư theo công lịch), nhưng vì ngày của người Do Thái bắt đầu vào lúc mặt trời lặn nên lễ thực sự bắt đầu từ lúc mặt trời lặn ngày 14 tháng Nisan.  Đối với Chúa Giêsu và các môn đệ, chắc chắn nhiều người khác cũng vậy, bữa ăn vượt qua được ăn vào chiều thứ Năm của năm đó.

Chuẩn Bị

Các môn đệ biết Thầy Giêsu muốn ăn Lễ Vượt Qua tại Giêrusalem, nhưng chưa chắc Thầy có muốn ăn ở đó hay không.  Họ đến gần Ngài và hỏi: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”  Chúa Giêsu sai Phêrô và Gioan đi chuẩn bị những gì cần thiết và dặn dò: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh.  Cứ đi theo người đó.  Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?”  Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.”  Hai môn đệ ra đi.  Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói.  Và các ông dọn tiệc Vượt Qua (Mc 14:12–16).

Trước giờ đã định, Phêrô và Gioan đã chuẩn bị xong cho bữa ăn mừng Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu và 10 môn đệ khác đến phòng tiệc.  Lúc đó khoảng 6 giờ chiều.  Tất cả chờ tiếng kèn đồng được các tư tế thổi tại Đền Thờ báo thời điểm mặt trời lặn để có thể bắt đầu dùng bữa.

Dạ Tiệc Bắt Đầu

Khi các môn đệ ngồi vào bàn ăn, cuộc tranh luận xảy ra về chuyện ưu tiên cao – thấp, trước – sau.  Chúa Giêsu quở trách họ và dạy bài học về đức khiêm nhường.  Ngài cởi áo, thắt lưng, đổ nước vào chậu, và rửa chân cho từng người.  Phêrô không chịu cho Thầy rửa chân mình, Chúa Giêsu nói với ẩn ý: “Anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” (Ga 13:10).  Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu ám chỉ môn đệ Giuđa.  Có thể Ngài nói lời đó khi di chuyển từ chỗ Phêrô tới chỗ Giuđa, và có ý cho Giuđa hiểu rằng Ngài đã biết rõ ý định đen tối của ông.

Khi mọi người yên vị, Chúa Giêsu nói thêm về bài học Ngài vừa dạy: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành thì thật phúc cho anh em!”  Tiếp tục ám chỉ Giuđa, Chúa Giêsu nói: “Thầy không nói về tất cả anh em đâu.”  Có lẽ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu đã sai lầm khi chọn một kẻ phản bội làm môn đệ, nên Ngài nói thêm: “Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13:17-18).  Câu này được Chúa Giêsu trích dẫn từ Cựu Ước (Tv 41:10), trực tiếp nói tới Đa-vít, và gián tiếp nói tới Đức Kitô, vì Đa-vít được mô tả trước về Đấng Mêsia – Đức Giêsu Kitô.  Chúa Giêsu cho các môn đệ biết trước để rồi họ sẽ nhận ra rằng lời tiên tri này nói về Ngài.

Tâm Thần Xao Xuyến

Thánh Gioan cho biết rằng Chúa Giêsu “cảm thấy tâm thần xao xuyến” (Ga 13:21).  Rõ ràng Chúa Giêsu phiền lòng vì sự hiện diện của Giuđa.  Ngài đã bật khóc vì thương Giêrusalem và nay lại buồn vì sự hiện diện của một con người được chọn mà chống lại Ngài, mê muội và cố chấp đi theo đường xấu.  Một lần nữa, Chúa Giêsu lại nói về sự phản trắc, lần này Ngài nói thẳng thắn hơn: “Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy” (Mc 14:18).  Chúa Giêsu cho biết lý do khiến Ngài xao xuyến.  Ngài bị phản bội bởi một người đồng bàn với Ngài, một người thân thiện thuộc Nhóm Mười Hai.

Cuối cùng, ý nghĩa trong lời nói của Chúa Giêsu cũng thấm sâu vào trí óc ngờ vực của các môn đệ.  Họ nhận ra rằng Ngài không dùng hình tượng trong lời nói mà Ngài xao xuyến.  Các môn đệ bắt đầu cảm thấy buồn và xao xuyến.  Họ nhìn nhau và thắc mắc, nhưng ánh mắt của họ buồn bã hơn là nghi ngờ.  Ai cũng sợ chính mình là người mà Thầy ám chỉ.

Chúa Giêsu đã xác định khi Giuđa hỏi có phải là mình hay không.  Chúa Giêsu vẫn tránh nói rõ kẻ phản bội và trả lời chung: “Chính là một trong Nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy” (Mc 14:20).  Có thể cách diễn tả của Ngài chỉ là cách nói khác một chút: “Người cùng ăn với Thầy.”  Rồi Ngài nói tiếp: “Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người.  Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” (Mc 14:21).  Chúa Giêsu chịu khổ nạn không phải là Ngài bị lừa hoặc bị ép buộc, mà Ngài chấp nhận hoàn toàn tự nguyện.

Đó là những lời đáng sợ nhất mà Chúa Giêsu đã nói khi còn trên thế gian.  Sự đe dọa đó không thể tránh: đó là lời đe dọa trực tiếp về án phạt đời đời đối với Giuđa.  Hẳn là tốt hơn cho Giuđa được sinh ra nếu thời gian không đến khi ông thị kiến hạnh phúc Nước Trời, nhưng điều có thể này có vẻ bị loại trừ qua lời nói của Chúa Giêsu.

Có thể là lời nói của Chúa Giêsu đã làm gián đoạn nghi vấn của các môn đệ: “Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26:25a).  Giuđa biết rất rõ rằng Chúa Giêsu ám chỉ ông, nhưng ông lảng tránh, nên cũng hỏi Thầy xem sao, và Chúa Giêsu liền xác định: “Chính anh nói đó!” (Mt 26:25b).  Đối với những người khác hỏi, Chúa Giêsu không nói gì.  Nhưng với Giuđa thì Chúa Giêsu xác định ngay.  Rõ ràng là Giuđa giả hình và có ý định đen tối.

Giuđa Bỏ Trốn

Phêrô ra dấu với Gioan và hỏi nhỏ: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?”  Gioan ghé sát vào Chúa Giêsu và thì thầm: “Thưa Thầy, ai vậy?”  Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy” (Ga 13:26).  Rồi Ngài chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt.  Gioan thấy Giuđa nhận miếng bánh thì cảm thấy ái ngại.  Phúc Âm không thấy nói Gioan có cho Phêrô biết kẻ phản bội hay không, rất có thể Phêrô không biết.

Lúc này, Thánh sử Gioan lại đề cập sự ảnh hưởng của Satan: “Y vừa ăn xong miếng bánh, Satan liền nhập vào y” (Ga 13:27a).  Khi xác định Giuđa là kẻ phản bội, có vẻ như Chúa Giêsu loại ông khỏi tông đồ đoàn.  Giuđa càng bị Thiên Chúa loại trừ thì Satan càng thoải mái chiếm hữu ông.  Càng khước từ ơn Chúa thì càng yếu đuối, không đủ sức chống lại ma quỷ.

Hy vọng cuối cùng đối với Giuđa trở nên mong manh.  Chúa Giêsu không còn hy vọng gì ở Giuđa nữa.  Lực bất tòng tâm, Ngài nói với Giuđa: “Anh làm gì thì làm mau đi!” (Ga 13:27b).  Chúa Giêsu muốn không bận tâm tới sự có mặt của kẻ phản bội để có thể dành chút thời gian còn lại cho các môn đệ trung tín.  Các môn đệ khác nghe Chúa Giêsu nói và tưởng là Ngài bảo Giuđa mua đồ chuẩn bị lễ và bố thí cho người nghèo.

Có thể tưởng tượng rằng Thánh Gioan như chết lặng khi Giuđa bỏ ra ngoài sau khi nhận miếng bánh từ tay Chúa Giêsu.  Khi Giuđa đi ra cửa, Gioan thấy bóng tối bao phủ Giuđa như chiếc áo khoác.  Bóng tối bên ngoài tương phản với ánh sáng trong phòng.  Gioan nhận thấy sự tương phản đó nên đã viết: “Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13:30).

Câu nói ngắn gọn của Thánh Gioan tạo ấn tượng mạnh mẽ.  Có vẻ như Thánh Gioan nhìn vào chính bóng tối khác với một hiện tượng vật lý; bóng tối mà Giuđa đi vào là một biểu tượng.  Đó là giờ của bóng tối, “người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3:19); đó là thời của quyền lực tối tăm (Lc 22:53), quyền lực này đã chiếm hữu linh hồn Giuđa; chính vì bóng tối này mà ánh sáng chiếu soi, và “bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:5).

Phêrô Vấp Ngã

Sau Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu tha thiết nói với 11 môn đệ để cảnh báo họ về những gì sắp xảy ra.  Ngài nói: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy.  Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác” (Mt 26:31).  Ngài không ngoại trừ ai: Tất cả sẽ vấp ngã vì Ngài.

Chúa Giêsu trích dẫn lời Kinh Thánh trong sách Dacaria nói về Ngài: “Hãy đánh mục tử, đàn chiên sẽ tan tác” (Dcr 13:7).  Các sự kiện trong đêm hôm đó và ngày hôm sau thực sự ứng nghiệm mọi lời Chúa Giêsu đã nói về cuộc khổ nạn của Ngài.  Mặc dù các môn đệ đã được cảnh báo trước, chuẩn bị trước, họ vẫn không dám đối diện với sự thật, và thực tế tang thương của Đức Kitô đã khiến họ quá bất ngờ.

Một lần nữa, Phêrô lại làm ngơ những gì Thầy Giêsu đã nói và chuyển sang chủ đề khác mà ông đang nghĩ.  Ông hoàn toàn trái ngược với Thầy Giêsu.  Chúa Giêsu nói: “Anh sẽ vấp ngã, anh sẽ chối Thầy.”  Nhưng Phêrô nói mạnh: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa thì con cũng nhất định là không” (Mc 14:29).  Ông rất tự tin, hoàn toàn xác nhận rằng tất cả các đồng môn vấp ngã, ngoại trừ ông – nghĩa là ông sẽ không bao giờ vấp ngã.

Lời xác quyết của Phêrô vô hiệu.  Câu trả lời của Thầy Giêsu quả quyết và xác định.  Lời nói trước rất rõ ràng và mạnh mẽ: “Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần” (Mc 14:30).  Các sự kiện đêm hôm đó chứng tỏ lời nói tiên tri của Chúa Giêsu về Phêrô và các môn đệ đều ứng nghiệm.

Đêm Định Mệnh

Trước khi rời Phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu và các môn đệ đã hát Thánh Vịnh – gọi là Hallel.  Đây là một phần trong nghi thức Lễ Vượt Qua.  Sau đó mọi người đi tới Vườn Dầu ở phía Đông.  Có lẽ lúc đó trong khoảng 10 giờ tới 11 giờ đêm.  Trăng rằm dịp Lễ Vượt Qua đã lên cao trên Núi Mô-áp ở phía Đông và tỏa ánh sáng nhạt trên thành phố tĩnh lặng.  Nếu truyền thống này đúng, nhóm lính tráng hẳn là không phải đi xa để tới dinh Cai-pha, nơi họ chuẩn bị bắt Chúa Giêsu ngay đêm hôm đó.

Chúa Giêsu và các môn đệ rời thành phố để tới thung lũng và ngang qua Fountain Gate.  Khi ra ngoài thành phố, họ đi về phía Bắc trên con đường dọc theo con suối Cedron, suối này khô cạn vào thời điểm đó.  Lúc này, nhìn suối Cedron sâu và tối, phân cách thành phố ở phía Tây với Núi Ô-liu ở phía Đông.  Họ đi dọc theo con đường ở dưới khe núi tối tăm, nhưng bên trên có ánh trăng chiếu sáng trên thành phố ở hai bên nên thấy ánh sáng mở trên các cây ô-liu ở triền núi.  Ngay đối diện Đền Thờ, không xa chiếc cầu hiện nay, hướng về phía Đông và tới Vườn Dầu trên sườn đồi.  Hành trình từ Phòng Tiệc Ly phải đi qua vùng địa thế khó khăn và có thể phải mất khoảng 30 phút.

Lm Ralph Gorman
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

CÁI CHẾT GIÚP SỰ THẬT HIỂN LỘ

Sau ba năm Đức Giêsu rao giảng, không ít người đã tin vào Ngài; tuy nhiên niềm tin vào Đức Giêsu của những người này tối đa cũng tương tự như niềm tin của các tông đồ khi Đức Giêsu còn sống đời dương thế.  Họ cho rằng Đức Giêsu là một vị thầy, hơn nữa có thể là một tiên tri, và cao nhất có thể là Đấng Kitô Vua (Ga.6, 15; Mc.8, 29; 11, 9-10).  Vào thời điểm đó, người ta không thể biết khác hơn được.  Còn đối với những người không tin Đức Giêsu, những kẻ khó chịu hoặc bực tức vì Ngài trổi trang hơn họ, Đức Giêsu đơn thuần chỉ là một con người bình thường như bao người.  Những người này không chỉ bất đồng ý kiến với Đức Giêsu, không chỉ khó chịu và bực tức mà còn muốn giết Đức Giêsu nữa (Mc.3, 6).

Vào thời cuối của ba năm rao giảng, Đức Giêsu đã nhiều lần nói những điều có thể làm cho Ngài phải bị ném đá.  Chẳng hạn Ngài nói Ngài có quyền tha tội (Mc.2, 5.7), Ngài có trước Abraham (Ga.8, 57-58), Ngài và Thiên Chúa là một (Ga.10, 30).  Vào cuối đời, Ngài có những câu nói “gây mất lòng” nhiều người.  Càng vào cuối đời, càng có ít người theo Ngài, vì những lời khó có thể hiểu và chấp nhận được, chẳng hạn: “chính tôi là bánh hằng sống.  Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga.6. 35).  Những lời nói tương tự không chỉ làm Đức Giêsu “mất người” mà còn gây thêm có nhiều người thù địch với Ngài, thậm chí còn làm cho những người muốn giết Ngài có đủ bằng cớ và hậu thuẫn.  Chẳng hạn, Ngài nhận mình là Thiên Chúa: “chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp nhưng vì một lời phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga.10, 33).

Gần lễ Vượt Qua, âm mưu giết Đức Giêsu trở nên rõ ràng nên Ngài lui về Galilê.  Vì thế, thời điểm Lazarô chết không có mặt Đức Giêsu tại đó.  Sau đó khi Ngài muốn lên Giêrusalem thì các tông đồ đã ngăn cản.  Tông đồ Thomas đã động viên các bạn: “nào chúng ta cùng lên Giêrusalem để cùng chết với thầy” (Ga.11, 16).  Đức Giêsu cũng biết Ngài sẽ bị giết nếu Ngài lên Giêrusalem vào thời điểm này, tuy nhiên Ngài vẫn cứ lên.  Ngài không muốn trốn chạy cái chết.  Ngài đã phải chọn lựa giữa sống và chết một cách cụ thể qua việc có lên Giêrusalem dịp lễ Vượt Qua này hay không.  Cuối cùng Ngài đã chọn lên Giêrusalem cho dù cái chết đang chờ đón Ngài.

Ở Giêrusalem, Ngài vẫn làm điều Ngài vẫn thường làm: “ban ngày Ngài giảng dạy trong đền thờ, còn ban đêm Ngài và các tông đồ ra vườn dầu để ngủ” (Lc.21, 37).  Hôm nay Ngài vào Giêrusalem và được dân chúng đón rước như vị Thiên Sai.  Ngài chấp nhận biến cố này vì biết thời điểm đặc biệt của Ngài đã đến: thời điểm Ngài được tôn vinh cũng là thời điểm Ngài chết trên thập giá.  Cái chết của Ngài có thể được thấy trước vì nó cũng theo quy luật của xã hội: người ta ghét Ngài đến độ muốn giết Ngài (Mc.14, 1).

Lúc khởi đầu người ta muốn giết Ngài vì Ngài đã dám suy nghĩ và nói ngược lại những người có thế lực (Mc.3, 6; 14, 1; 14, 53-59); nhưng khi vị thượng tế hỏi Đức Giêsu và Đức Giêsu trả lời: “rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và đến trên mây trời” thì họ không cần phải sắp đặt chứng cớ để giết Đức Giêsu như trước nữa, vì Đức Giêsu đã phạm một tội vô cùng lớn mà mọi người Do Thái một khi biết đều phải xử tử Đức Giêsu, vì là người mà dám cho mình ngang hàng với Thiên Chúa (Mc.14, 62-64).  Đức Giêsu đầu tiên bị người ta ghen ghét mà muốn giết, rồi khi đã bị bắt và xét xử với chứng cớ được xếp đặt trước, Ngài lại nói Ngài ngang hàng với Thiên Chúa; như vậy trước công nghị Do Thái, Đức Giêsu bị kết án tử hình vì tội tôn giáo: lộng ngôn xúc phạm đến Thiên Chúa.  Trên thập giá Đức Giêsu nói: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” (Lc.23, 34); thật vậy, không biết nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu, thì kết án Ngài là chuyện tất nhiên.

Để giết được Đức Giêsu một cách hợp pháp, người Do Thái phải đem Đức Giêsu sang tòa Roma.  Vào thời người Do Thái bị đô hộ, quyền xử tử thuộc về thẩm quyền người Roma.  Đức Giêsu đã bị gán cho tội chính trị “xưng vương”.  Nếu không gán cho Đức Giêsu tội chính trị thì Philatô đã không kết án tử hình Đức Giêsu.  Philatô biết Đức Giêsu bị oan, nhưng vì sợ mất chức nên đã kết án Ngài.  Nếu không kết án Đức Giêsu, Philatô có thể bị người Do Thái tố cáo với hoàng đế Roma vì đã buông tha người xưng vua phất cờ khởi nghĩa.  Nếu vậy, Philatô phải giải thích, phải biện luận, và sẽ gặp nhiều phiền phức, và hậu quả sẽ là không được hoàng đế tin tưởng nữa, vì vậy Philatô đã kết án tử hình Đức Giêsu thuận theo ý của người Do Thái.

Nếu Đức Giêsu chỉ là một con người, Đức Giêsu xứng đáng lãnh án tử.  Thực vậy, khi Đức Giêsu còn sống, nào ai biết Đức Giêsu là người có nguồn gốc thần linh, vì đâu là chứng cớ để người ta có thể tin như vậy!  Chỉ khi Đức Giêsu chết và sống lại, người ta mới nhận ra những gì Đức Giêsu nói và cho mình là chân thực.  Như vậy, chỉ sau biến cố Đức Giêsu Phục Sinh, các tông đồ mới biết chân tướng của Đức Giêsu.  Nếu Đức Giêsu là kẻ lộng ngôn phạm thượng, thì Thiên Chúa đã chẳng phục sinh Ngài, còn nếu Ngài đã sống lại, nghĩa là những điều Ngài đã nói là đúng, là chân lý.  Nghĩa là, Ngài và Thiên Chúa là một, Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài có trước Abraham.

Khi còn sống đời dương thế, Đức Giêsu khó có thể thoát chết, vì chân tướng của Ngài chỉ có thể được thấy rõ sau khi Ngài sống lại.  Đức Giêsu bị hiểu lầm mà bị kết án tử hình, vì không ai biết Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị, vì không ai có thể tưởng rằng Thiên Chúa có thể nhập thể làm người.  Sau khi Ngài sống lại, với ơn của Thánh Thần, các tông đồ nhận ra ý nghĩa của những lời Ngài đã nói mà khi Ngài còn đang sống các ông chẳng hiểu gì.  Ngài là Đấng có nguồn gốc thần linh, Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài và Cha là một, Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, Ngài là Thiên Chúa nhập thể.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

GIUĐA HAY LÀ TÔI…?

Nói đến Giuđa Iscariốt, ai cũng biết, ông là kẻ phản bội Chúa Giêsu, là kẻ bán đứng Thầy mình.  Nhưng khi tranh luận về Giuđa thì nhiều thắc mắc được nêu lên: Giuđa là kẻ có công hay có tội?  Là bậc ái quốc đại trượng phu hay là kẻ phản bội tiểu nhân?  Giuđa lên thiên đàng hay xuống hoả ngục?

Mùa Chay lại đến, một lần nữa, tôi và bạn cùng nhìn lại gương mặt nhiều màu sắc ấy của một người từng là môn đệ Chúa.  Mùa Chay là dịp thuận tiện để tôi và bạn soi mình vào “tấm gương Giuđa” mà nhìn thấy rõ thân phận yếu đuối, mỏng giòn của con người mình chẳng khác gì con người tội lỗi Giuđa ngày xưa.  Để rồi từ đó, tôi và bạn xin ơn biến đổi và cảm nghiệm sâu xa hơn đường lối chúng ta đang chọn, đang dấn thân, cũng như xin ơn nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho con người và dành cho ơn gọi của tôi và bạn.

Thường khi nói đến Giuđa, người ta nghĩ ngay đến một người mặc đồ đen từ bên ngoài đến bên trong tâm hồn, tưởng tượng Giuđa với cặp mắt dữ dằn, gương mặt phản trắc của một tên lưu manh…  Thật ra, rất có thể tôi và bạn đang sánh vai với Giuđa trong đám đông, đang bàn bạc với Giuđa trong mọi kế hoạch, và có những lúc, tôi và bạn đã quỳ bên cạnh Giuđa trong nhà thờ… vì Giuđa trước hết là một tông đồ mà!

Có người đồng hoá Giuđa với Satan, và hơn một người đã nâng Giuđa lên hàng thánh nhân, vì lý do: Giuđa là điều kiện không thể thiếu được trong chương trình cứu rỗi của Chúa!

Thật ra, Giuđa ở giữa hai thái cực đó, giữa một thằng quỷ và một ông thánh, giữa một tên lưu manh và một vị anh hùng.  Vì Giuđa là một con người.  Có một điều chắc chắn: Giuđa không phải là kẻ đốn mạt, mất trí.  Bởi nghi ngờ điều này là nghi ngờ sự khôn ngoan và đường hướng của Chúa và của Thiên Chúa Cha.

Trong Lc 6, 12-16 viết: Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu ra núi cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.  Sáng ngày, Ngài kêu các môn đệ lại và chọn lấy trong họ nhóm 12, Ngài gọi họ là Tông đồ: Simon, Anrê… và Giuđa Iscariot.

– Suốt đêm, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để rồi chọn Tông đồ Giuđa.  Điều ấy thật rõ ràng.  Giuđa đã được chọn sau một đêm Chúa thức trắng cầu nguyện.

– Giuđa đã được chọn để trở nên một Tông đồ.  Giuđa được đặt ngang hàng với Phêrô, Anrê, Mathêu, Philip và những Tông đồ khác.  Giuđa được nghe những gì họ nghe, thấy những gì họ thấy.

– Giuđa cũng đi rao giảng Nước Trời như họ.

– Giuđa không được chọn để quay lưng với Chúa, để phản bội Ngài.

Chúa Giêsu có lầm khi chọn Giuđa không?  Tại sao Thiên Chúa lại chọn Giuđa dù biết rõ con người Giuđa?

Chúa không lầm khi chọn Giuđa.  Chúa không lầm khi chọn những Tông đồ khác.  Chúa không lầm khi chọn gọi tôi và bạn.  Bởi vì, Kinh Thánh cho thấy: đâu phải Thiên Chúa chỉ chọn những con người xứng đáng, mà Giuđa cũng như tôi và bạn, đã được chọn để thanh luyện, để được nâng cao lên, để nên xứng đáng hơn.

Giuđa đã nhanh chóng đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô.  Ông muốn trở nên môn đệ Chúa.  Ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa không một chút do dự và Giuđa đã được cả nhóm đón nhận.  Họ đã chọn ông làm thủ quỹ, vì họ tôn trọng tài năng của ông.  Họ quý mến và tin cẩn ông, dù ông là người miền nam duy nhất trong số 12 Tông đồ.

Thật ra Giuđa không xuất hiện từ đầu như một người quay lưng lại với Chúa, bởi không ai bỗng dưng mà phản bội.  Giuđa không thay trắng đổi đen đầu hôm sớm mai, mà ông đã bước dần đến hố thẳm, ông bước đi từng bước một… và mỗi lần Giuđa bước thêm một bước gần đến hố thẳm là mỗi lần ông được Đức Giêsu nhắc nhở, cảnh báo một cách kín đáo nhưng thật rõ ràng.  Tin Mừng có ghi lại cách rõ ràng những bước chân sai phạm đó của Giuđa.

Lần 1: khi đám đông bỏ đi vì những lời giảng thật khó nghe về bánh hằng sống của Ngài, Chúa đã hỏi các Tông đồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy mà đi sao?”  Và trước lời xác quyết chắc nịch của Phêrô Simon: “chúng con biết theo ai, vì Thầy mới có Lời hằng sống.”  Chúa nói một câu mà chỉ có Giuđa hiểu: “Chẳng phải Thầy đã chọn cả 12 người đó sao?  Thế mà một trong anh em là quỷ dữ” (Ga 6, 67).  Như thế, Chúa biết trước về Giuđa như Thánh Vịnh 41, 10 tiên báo: “Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh, lại giơ gót đạp con.”

Chúa Giêsu biết rõ lời tiên báo ứng nghiệm nơi chính con người Giuđa, vì có những dấu hiệu ngày càng rõ: sự suy giảm nhiệt tình, sự cứng cỏi, sự biếng nhác cầu nguyện, sự tự mãn kiêu căng trong đời sống đạo đức, tính ham mê lời khen và sự nể vì.  Chính vì thế có lần Chúa đã nhắc nhở: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy.”  Và hơn một lần, trước lời trầm trồ của một phụ nữ: “Phúc cho lòng dạ nào đã cưu mang Thầy, và phúc cho vú nào đã cho Thầy bú mớm,” thì Chúa xác quyết: “Ai nghe và làm những điều ta nói đây, thì ví như người khôn xây nhà trên đá.”  Chúa Giêsu đã nói nhưng Giuđa nào đâu có biết!  Giuđa không nghĩ rằng kẻ tội nghiệp đó chính là mình.  Như David xưa cũng không nhận ra tên nhà giàu tham lam, độc ác trong câu chuyên của Nathan lại là chính mình.  Giuđa vẫn cảm thấy thoải mái với Chúa, an tâm với công việc mà ông gọi là dấn thân, phục vụ!

Lần 2: Khi gặp Giuđa, thì ông đã trở nên một tên ăn cắp mà mãi sau này người ta mới phát hiện ra.  Lúc Maria lấy dầu thơm trong bình bạch ngọc xức lên chân Chúa, Giuđa bảo: “Sao không đổi lấy 30 đồng mà cho người nghèo?”  Nhưng Thánh Gioan sau này giải thích: “Giuđa nói những lời này không phải vì bận tâm đến người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp, y giữ ví tiền, nên cái gì bỏ vào túi y là y phỗng mất” (Ga 12, 5-6).

Giuđa cũng như tôi và bạn đi theo Chúa, ngay từ đầu đều có mục đích, một chí hướng.  Nhưng tiếc thay, ý hướng ngay lành đó có thể đang bị méo mó, bị cám dỗ dưới quá nhiều hấp dẫn của sự đời.

– Ông tỏ ra thương yêu người nghèo, nhưng bên trong đầy những tính toán vụ lợi.

– Ông đưa ra bên ngoài khuôn mặt nhân ái, để che giấu bên trong lòng ganh ghét đố kỵ.

– Trên môi ông là những lời lẽ vị tha nhân ái, nhưng trong tâm tư là những nguyên do vị kỷ thấp hèn.

– Ông là kẻ luôn nói đúng, nhưng lại làm sai hoặc chẳng làm gì cả.

– Ông là người phục vụ chính mình, thay vì phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Và cứ thế mà tiến, những bước chân của Giuđa đã đưa ông đến bờ vực của sự phản bội.  Câu hỏi được đặt ra: vì sao Giuđa lại làm thế?  Lại trở nên một kẻ chỉ điểm, ám hại, bán đứng Chúa Giêsu?  Có nhiều cách giải thích, nhưng Kinh Thánh trả lời: “Satan đã nhập vào Giuđa, gọi là Iscariot.” (Ga 13,2/ Lc 22,3-4)

Dĩ nhiên, Satan không thể tự tông cửa mà vào, nhưng chính Giuđa đã vui lòng tự ý mở cửa.  Giuđa đã phản bội Thầy mình.  Thật ra, ông có thể chỉ cho họ biết nơi ở của Chúa Giêsu, có thể mô tả cách ăn mặc của Chúa để giúp họ nhận diện.  Nhưng không, chính ông đã đến tố giác Chúa, tố giác bằng một cái hôn.  Với Giuđa, dấu chỉ của yêu thương trở thành hành động của sự phản bội.

Giuđa đã bỏ lỡ nhiều cơ hội Chúa đã dành cho ông.  Ông đã từ chối những cánh cửa Chúa đã mở cho ông.

Chúa Giêsu biết rất rõ Giuđa sẽ phản bội, sẽ bán đứng mình bằng một cái hôn.  Ngài còn biết rất rõ rằng: Giuđa có nhiều khả năng, Giuđa có thể đổi đời và Ngài hy vọng ông sẽ đổi đường đi để đời ông đơm hoa kết trái.  Chính vì thế, Ngài đã chọn Giuđa.  Chúa chọn Giuđa không vì Giuđa xứng đáng mà để ông được biến đổi và nên xứng đáng hơn.

Bữa tiệc ly bắt đầu bằng một cử chỉ khiêm hạ đến rợn người.  Chúa rửa chân cho các môn đệ, cho Phêrô và cho cả Giuđa.  Ngài rửa chân cho Giuđa để ông tỉnh thức, để các tông đồ khác sau này hiểu rằng: dù biết trước sẽ bị bán đứng, nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương Giuđa.  Dù con người bất trung bất xứng tới đâu, Thiên Chúa vẫn một niềm trung tín, vì Ngài là tình yêu… biết mình bị phản bội mà vẫn cứ yêu thương.  Ngài cúi xuống rửa chân cho Giuđa, mong ông nhìn ra tình thương của Ngài. Nếu Giuđa bắt được cái nhìn đó, có lẽ ông đã có một “sức bật” như Phêrô và sẽ không đi đến vực thẳm tuyệt vọng.

Trao tấm bánh cho Giuđa, Chúa muốn mở cho ông một lối thoát sau này.  Ngài muốn các môn đệ khác không hận thù, tẩy chay, nhưng vẫn để cho Giuđa là thành viên của nhóm 12.  Chúa vẫn rất thương ông dù Giuđa có đốn mạt đến dâu đi chăng nữa.  Ngài hy vọng ông sẽ thay đổi và sẽ lại là một tông đồ.  Vì Thiên Chúa là Đấng “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói.”

Nhưng khốn nỗi, trong bữa tiệc ly hôm ấy, chỉ một mình Gioan là hiểu được tấm lòng của Ngài.  Và Chúa Giêsu biết Gioan hiểu mình.  Gioan hiểu Chúa muốn anh em đừng làm khổ Giuđa, Gioan hiểu: Chúa muốn ông đứng ra làm chứng nếu sau này anh em có làm phiền Giuđa.  Cho đến phút cuối, Giuđa cũng đã nhận ra tấm lòng của Chúa (Mt 27,3-10).  Ông hối hận, ông xưng thú tội công khai và sẵn sàng đền tội.  Nhưng điều đáng tiếc là cách hành xử của ông đã làm uổng phí những cố gắng của Chúa.  Ông đã để lỡ cơ hội của Chúa, vì ông không thể tin rằng ông lại có thể được tha thứ, lại có cơ hội để sửa đổi.  Ông đã để lỡ cơ hội của đời mình, vì ông không tin rằng Chúa lại có thể thương mình đến như thế!

Cái chết của Giuđa vén tỏ một chân lý: quỷ dữ và con người chỉ khác nhau có mỗi một điều: cả hai cùng có thể sa ngã, nhưng quỷ dữ thì sa ngã luôn, còn con người vẫn có cơ hội chỗi dậy, phục hồi và đi tới.  Cái chết của Giuđa cho tôi và bạn nhận ra rằng: trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, cho dù có chậm chạp, té ngã nhiều đến đâu, nếu biết chỗi dậy trong hành trình đi theo Chúa, chúng ta không bao giờ trễ cả.

Một ai đó đã ví von: “hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ ở sau lưng bạn.”  Như thế trở về với Chúa cũng là một cuộc chọn lựa, gạn đục khơi trong, bóc hết lớp vỏ bề ngoài mau qua, để dung nhan Thiên Chúa rạng ngời nơi tâm hồn.  Ơn gọi dấn thân, phục vụ của tôi và bạn không phải chạy theo nghi lễ bề ngoài, hay những nhu cầu giả tạo mau qua, cũng không sa lầy vào thói phô trương công đức, hay bằng lòng với một vài hoạt động rình rang nhưng rỗng tuếch vì thiếu sức sống, thiếu tình người.  Nhưng là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Đức Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tối tăm, những thân phận hẩm hiu, sao cho dung mạo nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh.  Như thế, tôi và bạn đang cộng tác vào việc biến đổi thế giới, đang theo chân Đức Kitô để cùng với Ngài đưa nhân loại vào hành trình phục sinh, khởi đi từ chính những đổi thay ngay từ hôm nay trong lối sống, trong cách nhìn, trong nếp nghĩ của chính mình.

Mùa Chay là một chặng dừng cần thiết của cuộc hành trình nội tâm của tôi và bạn.  Đó là giờ của ân sủng, là thời gian Thiên Chúa yêu thương con người.

Cuộc hành trình của con sâu gỡ mình ra khỏi tổ kén để trở thành cánh bướm, tương tự như cuộc “lột xác” của tôi và bạn, gỡ bỏ mọi khuynh hướng xấu của đam mê và tội lỗi để có thể gặp Chúa nơi tha nhân, là cuộc hành trình của hạt mầm đâm chồi vươn lên cho vụ mùa tốt tươi.  Hãy cúi mình xuống trong chân thành, khiêm hạ để có thể mở rộng tâm hồn với ân sủng Chúa ban qua những biến cố, những thành công, niềm vui và cả những thất bại, rã rời của tôi và bạn, vì biết rằng Chúa vẫn luôn mở ra cho tôi và bạn những cơ hội mới.  Bởi dù sao đi nữa, tôi và bạn không bao giờ thất vọng vì tin rằng Chúa luôn bên chúng ta và Chúa cũng không bao giờ thất vọng về chúng ta.

TuGiaVi