CHIẾN THẮNG CÁM DỖ

Con người sống trên đời luôn bị quay cuồng bởi nhiều cám dỗ.  Nhà thơ Trần Tế Xương đã gọi mặt đặt tên những cám dỗ ấy thành “ba thứ lăng nhăng nó quấy ta,” đó là trà, rượu và đàn bà.  Người ta vẫy vùng muốn thoát khỏi những cám dỗ, nhưng không dễ dàng, vì cám dỗ như chiếc lưới bủa vây ràng buộc, càng vùng vẫy càng mắc sâu hơn.

Với cuộc sống tiện nghi của thời đại hôm nay, cám dỗ không dừng lại ở “ba cái lăng nhăng” như thời Cụ Tú Xương, nhưng đa dạng và nguy hiểm hơn nhiều.  Một trong những cám dỗ nghiêm trọng nhất lôi kéo chúng ta, đó là chối bỏ Thiên Chúa, tự cho mình có thể thay thế Ngài trong đời sống hằng ngày.

Thực ra, đây không phải là một cơn cám dỗ mới.  Chính Chúa Giêsu cũng đã bị ma quỷ cám dỗ.  Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta lại được chiêm ngưỡng hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện và ăn chay trong sa mạc.  Nơi đây, Người đã chiến đấu với ma quỷ đang dụ dỗ Người từ bỏ sứ mạng thiên sai mà Chúa Cha trao phó.  Ma quỷ còn hứa cho Chúa tất cả vinh hoa phú quý ở đời, miễn là sấp mình thờ lạy nó.  Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ.

Cám dỗ phủ nhận Thiên Chúa và muốn thay thế Ngài, đó cũng là cám dỗ của ông bà Nguyên tổ ở khởi đầu của lịch sử.  Ông Ađam và bà Evà đã nghe con rắn dụ dỗ, muốn được thông minh và quyền năng như Thiên Chúa.  Ông bà đã muốn đổi ngôi, từ thân phận thụ tạo thành vị trí “đấng sáng tạo.”  Cơn cám dỗ ở đầu lịch sử vẫn luôn hoành hành và gặm nhấm mỗi người chúng ta, nhất là trong xã hội hiện đại hôm nay, khi con người cậy dựa vào những phát minh của khoa học và tự cho rằng kỹ nghệ sẽ đem lại hạnh phúc cho con người.  Nhiều phong trào xã hội mượn danh “dân chủ”, “văn minh” đã muốn loại bỏ Thiên Chúa và giáo huấn của Ngài và thay thế vào đó là những ý thức hệ vô thần, hoặc nền văn hoá sự chết.  Có những cơn cám dỗ mang khuôn mặt khả ái, những chức danh mỹ miều hoặc nhân danh lòng đạo đức, nhưng thực ra nó chứa nọc độc, nhằm lôi kéo con người xa Chúa.  Khi chối bỏ Thiên Chúa, nhiều người muốn tôn thờ vinh hoa phú quý như một thứ thần linh.  Họ coi của cải, giàu có là mục đích tối thượng của cuộc đời.  Họ quên rằng, tiền bạc không phải bao giờ cũng đem lại cho con người hạnh phúc.  Một khi vắng bóng Thiên Chúa, cuộc đời này sẽ thiếu vắng tình yêu và tràn lan những hận thù.

Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2016 này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tình trạng sự mù loà của con người thời nay trước nỗi khổ của tha nhân, và do đó, họ ảo tưởng trong những quan điểm về cuộc sống.  Ngài viết: “Lời ma quỷ nói với Bà Evà: Bà sẽ nên giống Thiên Chúa” (St 3, 5), là gốc rễ của mọi tội lỗi.  Ảo tưởng này có thể mang những hình thức xã hội và chính trị, được biểu lộ nơi hệ thống độc tài toàn trị của thế kỷ XX, và trong thời đại của chúng ta, nơi những ý thức hệ độc quyền về tư tưởng và khoa học công nghệ, loại trừ Thiên Chúa và giảm thiểu con người thành thứ vật chất đơn thuần để khai thác bóc lột.  Ảo tưởng này cũng có thể được thấy trong những cơ cấu tội lỗi liên quan đến mô hình phát triển sai lầm đặt nền trên việc tôn thờ tiền tài, dẫn đến việc thiếu quan tâm về thân phận người nghèo nơi một số cá nhân và xã hội giàu có hơn; họ đóng chặt cửa mà chẳng thèm đếm xỉa đến người nghèo.”

Mùa Chay giúp chúng ta nhìn nhận thân phận mình, với biết bao yếu đuối và lỗi lầm, rất cần được Chúa tha thứ và đỡ nâng.  Ông Môi-sen đã chỉ dẫn cho người Do Thái, khi đến dâng của lễ, hãy thưa với Chúa về nguồn gốc du mục của mình và nhớ lại những điều tốt lành Ngài đã làm với tổ phụ họ (Bài đọc I), nhờ đó, họ dâng của lễ với lòng tri ân chân thành và đáng được Chúa chấp nhận.  Nhìn nhận thân phận mình sẽ giúp chúng ta khiêm tốn và sám hối sửa mình, và nhờ đó, chúng ta được đón nhận lòng Chúa xót thương.

“Đã có lời chép: ‘Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”  Chúa Giêsu đã tuyên bố với tên cám dỗ như vậy.  Đây cũng là lời giáo huấn dành cho chúng ta, là những tín hữu.  Như Chúa Giêsu đã trung thành với sứ mạng, dù phải chấp nhận thập giá, mỗi chúng ta được kêu mời kiên vững trong Đức tin, dù phải trải qua phong ba bão táp của cuộc đời.

Lửa thử vàng, gian nan thử đức.  Những cám dỗ chúng ta gặp trong đời là thước đo sự trưởng thành của chúng ta trong Đức tin và sự tín thác vào Chúa.  Thánh Phaolô nói với chúng ta về một Đức tin đích thực: “Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Bài đọc II).  Lời cầu nguyện của Phụng vụ khi bước vào Mùa Chay: “Hôm nay, chúng con bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng…” đã nói lên mục đích của mùa Phụng vụ này.  Xin cho Mùa Chay thánh này giúp chúng ta tìm được sức mạnh, sự bình an và niềm vui thánh thiện.  Amen!

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

GIỮ CHAY THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA

Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa tập luyện thiêng liêng bằng việc xức tro và ăn chay để khởi đầu Mùa Chay Thánh.  Mùa Chay được bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ Sáu Tuần Thánh.  Mùa Chay được kéo dài năm tuần lễ để chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Phục Sinh là đỉnh cao của niềm tin Kitô Giáo.  Tuy nhiên, có điều là: Mùa Chay đã diễn ra hằng năm, nhưng tại sao đời sống đạo của chúng ta vẫn chỉ dừng lại nhiều ở góc độ bên ngoài mà đời sống tâm linh không có gì thay đổi lắm!  Nguyên nhân tại đâu và việc chúng ta ý thức về nó như thế nào?  Đâu là điều Chúa và Giáo Hội muốn nơi người tín hữu mỗi khi Mùa Chay về?  Nhân ngày thứ Tư Lễ Tro, chúng ta hãy làm mới lại tinh thần về ngày lễ này.

Xức Tro

Việc xức tro lên đầu nhắc chúng ta về thân phận hữu hạn, tro bụi của kiếp người.  Vì thế, Tổ Phụ Abraham đã thưa với Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18, 27).  Thật vậy, con người được hiện hữu trên trần gian này là do tình thương của Thiên Chúa.  Nhưng tiếc thay, tình thương ấy đã bị con người lạm dụng và hướng chiều về tội lỗi thay vì biết ơn!  Mỗi khi xức tro, Giáo Hội nhắc chúng ta: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14) để được Thiên Chúa tha thứ.

Những ý nghĩa này được khởi đi từ những câu chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước, điển hình như: tiên tri Giêrêmia kêu gọi sám hối: “Thiếu nữ dân tôi ơi, hãy quấn vải thô vào mình và lăn trên tro bụi” (Gr 6, 26).  Không chỉ dừng lại ở lời khuyên, tiên tri Đanien xin Chúa cứu dân Itrael, và nêu gương cho họ khi nói và hành động: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3).  Đến thời Giona, Đức Chúa truyền cho ông loan báo về tai ương mà Đức Chúa sẽ giáng xuống trên dân, nếu dân không ăn năn sám hối.  Ông đã loan báo công khai, mãnh liệt, ráo riết, nên: “Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3, 6).

Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của việc xức tro.  Tuy nhiên, Ngài hối thúc và cảnh báo sự chai lỳ cứng cỏi của dân khi nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi Khoradin!  Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa!  Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.  Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11, 21 – 22; x. Lc 10, 13).  Tro còn nói đến một điềm gở, mà cụ thể là cái chết của mỗi người và nhân loại.  Vì thế, tiên tri Giêrêmia đã mô tả như: “Thung lũng tử thi và tro thiêu xác” (x. Gr 31, 40).  Nói như thánh Phaolô: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết” (1 Cr 15, 31).  Vì thế, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, không thể chần chừ.  Chuẩn bị tức là sống theo tinh thần của Chúa.

Như vậy, hành động xức tro lên đầu ngoài việc công khai nhận mình là người có tội và tỏ lòng sám hối chân thành, để xin ơn thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn thể hiện sự quyết tâm trở về với Chúa, đổi mới tâm hồn để xứng đáng là con Chúa.  Một trong những điều thể hiện sự trở về, đó là việc chay tịnh. Tuy nhiên, giữ chay thế nào mới đúng với tinh thần mà Chúa mong muốn?

Ăn Chay

Ăn chay khởi đi từ tinh thần thờ phượng Thiên Chúa và làm đẹp lòng Người, để dâng cho Người một phân nửa của cải (x. Ds 29,7; Cv 13,2),  (x. Tl 20,26; Gđt 8,6).  Ăn chay còn có ý nghĩa nữa là thể hiện lòng đạo đức để được Thiên Chúa nhận lời (x. 2Sm 12,16-22; Er 8,21; để đền tội, xin Thiên Chúa tha thứ (x. Lv 23,27; Hc 34,26; Đn 10,2); để hỗ trợ việc trừ quỉ… (x. Mt 17,21).

Ăn chay còn thể hiện tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7), để thánh hóa bản thân, siêu thoát tinh thần để được sự sống đời đời.  Không bám viú vào của cải, sức riêng cách thái quá, vì: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).  Thật vậy, nếu không ăn chay với những mục đích đã kể trên thì sẽ trở thành công dã tràng!  Điều này đã được thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).

Cách giữ chay của người Công Giáo hiện nay

Ngày nay, tinh thần ăn chay của người Công Giáo xem ra đã bị lạm dụng, hay hướng chiều về những hành vi tiêu cực.

Có những người ăn chay, bố thí… chỉ vì mục đích được khen là đạo đức, họ ủ dột, thê lương, cốt để làm sao cho mọi người biết mình là người nghiêm chỉnh giữ chay.  Lại có những người ăn chay chỉ vì sợ luật hay sợ Chúa phạt.  Vì thế, nếu trong ngày, lỡ cách nào đó mà phạm luật, họ hoang mang đến bất an chỉ vì trót ăn vặt, không đúng giờ, đúng bữa…  Cũng có những người tính toán đến độ ngày mai ăn chay, thì hôm nay ăn uống cho đã để ngày mai đỡ thèm, hoặc ăn chực nằm chờ cho qua thời gian luật định, tức là qua 24h, sau đó nhậu nhẹt hả hê.  Họ làm như thế và an tâm vì đã giữ trọn ngày chay theo đúng luật.  Vì thế, không lạ gì khi có những người mỉa mai cách thức ăn chay của chúng ta rằng: “thứ ba béo”; “thứ năm sung sướng.”  Đáng buồn hơn nữa là: có nhiều gia đình ngày chay kiêng thịt thì lại đi mua những thứ cao lương mỹ vị như: hải sản, tôm hùm hay những thứ khác đắt tiền hơn thịt nhiều…

Tinh thần ăn chay như thế, hẳn chúng ta thua xa về ý thức nơi anh chị em các tôn giáo khác về việc giữ chay!  Mặt khác, điều chúng ta dè bửu người Pharisêu hình thức khi xưa, khi họ lo giữ cho sạch chén bát bên ngoài, còn trong lòng thì toàn sự hận thù, ghen ghét, ích kỷ, kiêu ngạo (x. Mc 7,1-8a.14-15.21-23), thì nay, chúng ta lại đi vào chính vết xe đổ của họ, chẳng khác gì “gậy ông đập xuống lại dần lưng ông.”  Nói cách khác, chúng ta là con đẻ của nhóm hình thức vụ luật.  Thiết nghĩ, ăn chay như vậy, hẳn chúng ta chẳng khác gì những Pharisêu!  Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Đấng thấu suốt mọi điều kín nhiệm là Đức Giêsu đã quở trách họ cách nặng nề: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7, 6).  Ăn chay kiểu như thế quả thật vô nghĩa vì đã đánh mất đi ý nghĩa thánh thiêng của ngày Thánh, ngày dành cho Thiên Chúa và vì ơn cứu độ của mình và tha nhân.

Việc ăn chay của Kitô giáo phải gắn liền cuộc đời, lời nói và hành vi của mình với Đức Kitô, nếu không, chúng ta chỉ là cỗ máy không hồn, như chiếc thùng kêu to, nhưng thực chất nó rỗng, và đôi khi chúng ta trở thành danh hài hay con hề trên sân khấu.  Thánh Phaolô đã cẩn trọng nhắc nhở những kẻ như trên trong thời của Ngài, khi nói: “Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Kitô và mất hết ân sủng” (Gl 5,4) khi chỉ lo giữ luật mà không có đức mến và đức ái đi kèm.

Người Công Giáo ăn chay, ngoài việc liên đới với Thiên Chúa, chúng ta còn gắn liền với các mối tương quan nơi tha nhân.  Vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta dành ra một chút hy sinh về của cải vật chất mà lẽ ra chúng ta được hưởng để chia sẻ cho người túng nghèo, lo truyền giáo, giúp đỡ các bệnh nhân…  Nói cách khác, việc ăn chay phải nhằm xây dựng Nước Trời ở trần gian này, nghĩa là phải biến việc ăn chay thành một phong cách sống nhằm xây dựng xã hội hay Giáo Hội ngày càng tốt đẹp hơn, công lý và tình thương hơn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo” (Ge 2, 12-18); “Hãy làm hoà cùng Chúa đi…  Bây giờ là cơ hội thuận tiện” (2 Cr 5, 20 – 6, 2).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con hiểu rằng: muốn được phục sinh với Chúa, chúng con phải qua con đường thập giá.  Phải chiến đấu và tập luyện các nhân đức cách sốt sắng, để thêm lòng yêu mến Chúa và liên đới với tha nhân.  Amen!

Jos. Vinc. Ngọc Biển

QUÀ TẶNG CỦA SỰ KHÔN NGOAN

Thiên Chúa, Đấng trao ban món quà là khôn ngoan,
Và tôi là kẻ kiếm tìm.

Ai là kẻ kiếm tìm?  Đó là kẻ thành tâm khao khát được biết, được triển nở, và được dư đầy.  Và tôi, tôi đang tìm kiếm điều gì?  Điều cao quí nhất tôi đang tìm là sự KHÔN NGOAN.  Khôn ngoan là dạng thức cao nhất của tri thức, vốn được nảy sinh không chỉ từ trí năng, nhưng còn từ kinh nghiệm sâu xa của con người.  Mẫu thức cao nhất của tri thức là chính THIÊN CHÚA.

Vua Salômôn yêu mến sự khôn ngoan.  Ông diễn tả sự khôn ngoan như sau:

Từ thời trai trẻ, tôi đã yêu quí và kiếm tìm Đức Khôn Ngoan làm bạn đời; và vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan làm tôi say đắm…  Đức Khôn Ngoan đã được truyền thụ những hiểu biết về Thiên Chúa, và chính Đức Khôn Ngoan quyết định về những công trình của Người (Kn 8: 2-4).

Ngay lúc này, tôi có đang kiếm tìm THIÊN CHÚA trong đời sống của tôi chăng?  Nếu tôi tìm kiếm Thiên Chúa, Ngài sẽ tìm thấy tôi (không phải tôi tìm được Ngài).  Và đó là một huyền nhiệm.  Ngài đã ban cho tôi sự khôn ngoan.  Và sự khôn ngoan, một món quà đặc biệt, được thông ban qua những cơ hội, những kinh nghiệm, và thậm chí qua cả những lỗi lầm, thiếu sót.  Món quà khôn ngoan đặc trưng ở chỗ nó chỉ xuất hiện khi tôi nhận ra bài học từ những lỗi lầm, thất bại, hay khi nhận ra một cơ hội nào đó đang được trao cho tôi, hay khi tôi nhận ra một biến cố trong đời khiến tôi phải tiến tới với thái độ phản tỉnh sâu sắc hơn.

Chúng ta đang sống trong thời đại “bùng nổ thông tin” – có quá nhiều thông tin đến nỗi chúng ta không biết phải chọn cái nào cho hợp lẽ.  Cùng với chuyện mạng Internet trở nên thứ nằm trong tầm tay mỗi người, thì một cuộc cách mạng công nghệ thông tin gần đây đã làm đổi thay cả địa cầu.  Nhiều người thừa nhận rằng trẻ em trong thời đại của chúng ta “am hiểu” nhiều hơn cả người lớn.  Thế nhưng, có thể nói được rằng sự KHÔN NGOAN đang dần biến mất trong một viễn ảnh như thế – cũng chẳng khác gì việc nhiều loại ngôn ngữ và chữ viết đang dần biến mất trên đất nước này (tác giả đang muốn nói về đất nước Ấn Độ)!  Phàm ai là cha mẹ, người ấy hiển nhiên cần sự khôn ngoan.  Điều mà bằng bất cứ giá nào cha mẹ cần hướng đến chính là một tương lai rạng ngời cho con cái.

Chúng ta đang hướng con cái đến một tương lai tốt đẹp trong khi chúng ta (những người lớn) lại hành động cách vô trách nghiệm đối với những nguồn tài nguyên mà những người trưởng thành của tương lai cần đến!!!  Người ta bận tâm, lo lắng nhiều cho hiện tại, nhưng hầu như chẳng làm gì để đảm bảo một tương lai tốt đẹp.  Những giá trị đạo đức và cảm thức nhân loại dường như bị hạ thấp và nhấn chìm trong một thế giới cạnh tranh “khốc liệt.”  Những ai được xem là khôn ngoan thì đã quyết không tham gia vào cuộc chạy đua điên khùng này.

Có một sự giảm trừ đáng kể về mối quan tâm đến sự khôn ngoan.  Chúng ta cần trở nên những kẻ kiếm tìm và chỉ qua đó, chúng ta mới có thể trở nên tương hợp với sự khôn ngoan.  Kẻ kiếm tìm không thuộc loại người chỉ biết vun vén cho mình.  Kẻ ấy nỗ lực không ngừng hầu đặt mình trong tâm thế tìm kiếm Thiên Chúa, đấng ban phát sự khôn ngoan.

Có hai vấn đề ngày nay chúng ta phải đối diện trong việc tìm kiếm Thiên Chúa:

Những sao nhãng

Khi tâm trí trở nên yếu đuối, chúng ta dễ dàng bị sao nhãng.  Thế giới bên ngoài thực là quyến rũ và thu hút, chính vì vậy chúng ta đôi khi trở nên gắn bó với thế giới ấy, mà chẳng có một nỗ lực gì để nhận ra.  Tâm trí chúng ta xem đó là điều tốt và vì vậy cứ bám chặt lấy nó.  Ngay cả những lo âu cũng là một sự gắn bó hay một sự quyến luyến tồn tại trong ta!  Đó là một sự gắn bó với điều vốn bao trùm lên cả cái người ta chỉ có thể làm chủ một phần, và cả cái mà người ta không điều khiển được chút nào.

Tình trạng bão hòa

“Tôi biết đủ rồi,” “tôi đã học đủ rồi,” hay “Thiên Chúa đã nghe lời tôi cầu xin rồi,” hay “tôi và Chúa đã có một tương quan gần gũi vừa đủ rồi!” – tất cả những thái độ như thế chỉ cho thấy rằng đang có tình trạng bão hòa nào đó khởi đi từ sự nhàm chán hay một cảm giác dư thừa.  Tình trạng bão hòa như thế cũng có thể đến từ lý do tuổi tác.  Khá thường xuyên, chúng ta nghĩ rằng bởi vì đến độ tuổi nào đó, chúng ta biết được về nhiều thứ rồi, hoặc đã đạt được một vị trí nào đó rồi, nên chúng ta có thể khẳng quyết những am hiểu và cả sự khôn ngoan, ngay cả đối với những chủ đề chúng ta không biết rõ.  Với cả cái bão hòa đến từ sự nhàm chán và lý do tuổi tác, chúng ta sẽ ngừng lại trên hành trình tìm kiếm Thiên Chúa.

Tôi có đang tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng ban cho tôi quà tặng sự khôn ngoan, hay chẳng còn ham hở kiếm tìm Ngài nữa rồi?

Kinh Thánh nói

Thánh Vịnh 111:10 Kẻ kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan.  Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy.  Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Ngài.

Gia-cô-bê 1:5 Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho.  Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách.

Châm Ngôn 16:16 Được khôn ngoan tốt hơn được vàng, được hiểu biết tốt hơn được bạc.

Đa-ni-en 2:23 Lạy Ngài là Chúa của tổ tiên chúng con, con cảm tạ và ngợi khen Ngài, vì Ngài đã cho con sự khôn ngoan và sức mạnh.  Và giờ đây, Ngài đã cho con biết chuyện của nhà vua.

Người ta nói

“Đời sống là quà tặng của tự nhiên, nhưng sống đẹp là quà tặng của sự khôn ngoan.” – Greek Adage

“Khôn ngoan là hồng ân đặc biệt vốn cho phép con người có khả năng nhìn mọi sự với cặp mắt yêu thương của Thiên Chúa.  Một cách mộc mạc và đơn sơ, khôn ngoan là chiêm ngắm những cảnh huống, những tình thế, những vấn nạn, và mọi sự thuộc về thế giới dưới ánh nhìn của Thiên Chúa.  Khôn ngoan là thế đó.  Chúng ta thường nhìn điều này điều nọ theo cách chúng ta muốn hay theo con tim nhân loại vốn gắn liền với cả những thiện cảm và ác cảm, với cả những đố kỵ, ghen tương.  Không!  Đó không phải là ánh mắt của Thiên Chúa.  Khôn ngoan là chính hoạt động của Chúa Thánh Thần trong ta, và nhờ đó mỗi người có thể nhìn mọi sự dưới ánh nhìn của Thiên Chúa.  Và đó chính là món quà sự khôn ngoan.” – Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

“Biết mình là căn nguyên của mọi lẽ khôn ngoan.” – Aristotle

“Ta khả dĩ học được điều khôn trong ba cách này: Thứ nhất là qua việc suy tư phản tỉnh, vốn được xem là cao quí nhất; Thứ hai là noi gương bắt chước, cách này xem ra là dễ nhất.  Và thứ ba là qua kinh nghiệm, ở cách này, người ta sẽ phải nếm vị đắng cay nhất.” – Khổng Tử

Robin Seelan, S.J. – Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, S.J.
Nguồn: Robin Seelan, S.J., The Gifts, (Banglore, India: Asian Trading Corporation, 2016), 26-31.