ĐỨC TIN

Có một người kia, sinh ra đã bị mù, anh sống trong một gian phòng, bởi vì không nhìn thấy gì nên anh phủ nhận tất cả những gì những người chung quanh quả quyết là có: “Tôi không tin, vì tôi có thấy đâu nào.”  Một vị lương y thấy vậy thì thương hại anh, ông đi tìm một thứ linh dược chữa cho anh được sáng mắt, anh sung sướng quá, tự phụ nói: “Giờ đây tôi đã thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi.”  Nhưng có người nói với anh: “Bạn ơi, bạn mới chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này thôi.  Như thế có là bao, ngoài kia người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng và các tinh tú hằng hà sa số, còn biết bao vật khác mà bạn chưa thấy, bạn đừng tự phụ như vậy.”  Anh tỏ vẻ không tin, lại còn nói mạnh hơn: “Làm gì có được những cái đó, những gì có thể thấy được, tôi đã thấy tất cả rồi.”

Một vị y sĩ khác lên tận núi cao, gặp được Sơn Thần chỉ cho một thứ linh dược khác, đem về giúp cho anh được cặp mắt sáng hơn và thấy xa hơn.  Bây giờ anh thấy được mặt trời, mặt trăng và các tinh tú trên không trung.  Mừng quá và lòng tự phụ tự đắc lại tăng thêm, anh nói với mọi người: “Trước đây tôi không tin, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin.  Như thế giờ đây không còn có gì mà tôi chẳng thấy, chẳng biết, đâu còn ai hơn tôi được nữa.”

Thấy anh ta tự phụ như vậy, một hiền nhân nói với anh: “Cậu ơi, cậu vừa hết mù, nhưng cậu cũng vẫn chưa biết gì cả.  Tại sao cậu lại quá tự phụ như thế?  Với chừng mực và giới hạn của tầm mắt, cậu làm gì biết có những vật ngoài ngàn dặm mà mắt cậu không làm sao thấy được.  Cậu có thấy được những nguyên nhân nào đã cấu tạo ra cậu khi cậu còn nằm trong bào thai của mẹ cậu chăng?  Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống đây, còn không biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không kể hết như cát ở bãi biển, cậu có thấy không?  Tại sao cậu dám tự phụ bảo rằng: “Tôi thấy cả, tôi biết cả rồi.”  Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối.”

Đó là câu chuyện của một anh mù bẩm sinh ở Ấn Độ.  Còn câu chuyện của anh mù, cũng mù từ bẩm sinh, kể lại trong bài Tin Mừng, thì lại khác hẳn: trong khi mù và sau khi được sáng mắt, anh luôn khiêm nhường, luôn nhìn nhận thân phận hẩm hiu buồn tủi của mình.  Ngược lại, những người sáng mắt thì lại mù tối, kiêu ngạo trong sự mù tối của mình, đó là những người Pharisêu.  Chúng ta thấy sự khác biệt tàn nhẫn giữa đôi mắt của người mù và đôi mắt của những người Pharisêu.  Đôi mắt thân xác của người này mù nhưng mắt tâm hồn anh lại sáng.  Những người Pharisêu có đôi mắt thân xác không mù lòa, nhưng đôi mắt tâm hồn đã chết.  Sự khác biệt đó là niềm tin và đức tin: anh mù được phép lạ đã tin Chúa Giêsu.  Còn những người Pharisêu thấy phép lạ nhưng không tin Chúa.

Đây là một phép lạ đặc biệt chưa từng có trong nhân loại.  Cho đến ngày nay, mặc dầu y khoa rất tiến bộ nhưng vẫn còn bó tay trước những người mù bẩm sinh.  Còn đối với những người vì một lý do nào đó bị mù lòa thì y khoa có thể dùng một loại ra đa hay dùng con mắt của người khác thay vào thì có thể thấy được.  Trường hợp anh mù trong Tin Mừng, Chúa Giêsu không làm thế, Ngài không thay mắt cho anh, Ngài dùng quyền năng Thiên Chúa để làm một phép lạ phi thường cho anh được sáng mắt.  Nhưng trên hết con mắt đức tin của anh được bừng sáng, anh nhận ra Đức Kitô mà nhiều người sáng mắt không nhận ra.

Theo ý nghĩa tượng trưng, trong phạm vi thiêng liêng, bệnh mù về tinh thần là tình trạng mê muội của những người sống trong tội lỗi và tình trạng mù quáng của những kẻ cố chấp.  Vậy hình thức thứ nhất của bệnh mù về tinh thần là tội lỗi, nó che lấp mắt linh hồn làm cho linh hồn không nhận ra Chúa và cũng chẳng nhận ra thánh ý Chúa.  Vì thế, Kinh Thánh gọi những người sống trong tội lỗi như ngồi trong chỗ tối tăm, ngồi trong bóng đêm, ngồi trong bóng sự chết.  Một hình thức khác của bệnh mù tinh thần là sự cố chấp, tức là bảo thủ trong sự lập luận sai lầm hay gàn dở của mình và nhất định không chịu phục thiện.  Chính vì thế mà nhiều lần Chúa Giêsu đã gọi những người Pharisêu là những kẻ mù quáng, bài Tin Mừng hôm nay là một điển hình.  Chúa đã nói: “Tôi đến thế gian này chính là để những kẻ không xem thấy thì được xem thấy, còn những kẻ xem thấy sẽ trở nên đui mù.”  Chúng ta thường nói về những người cố chấp: “Không ai điếc nặng cho bằng kẻ không muốn nghe”, thì chúng ta cũng có thể nói về những người mù tinh thần: “Không ai mù quáng nặng cho bằng kẻ mở mắt mà không muốn xem.”

Chúng ta có đang sống trong tình trạng mù lòa về tinh thần không?  Chúng ta tội lỗi và cố chấp ư?  Và hiện giờ chúng ta vẫn còn cố chấp trong tình trạng đó ư?  Không được đâu.  Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu để Ngài thắp sáng cuộc đời chúng ta như Ngài đã thắp sáng cuộc đời người mù xưa kia.  Nói khác đi, trên đời này không ai có thể giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, vì lý do ai cũng có tội, chỉ có một Đấng không có tội gì, tuyệt đối chí thánh, mới có quyền cứu giúp chúng ta mà thôi, đó là Chúa Giêsu.  Vấn đề là chúng ta có bằng lòng đến với Chúa không?

Người mù sung sướng biết bao khi đôi mắt anh mở ra và nhìn thấy Chúa Giêsu, vị ân nhân vĩ đại của mình.  Chúa đã thắp sáng đời anh.  Trong Mùa Chay, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu, vị đại ân nhân của chúng ta, để Chúa mở mắt tinh thần cho chúng ta, để Chúa thắp sáng đời chúng ta.

Sưu tầm

BIẾT DỨT KHOÁT ĐỨNG DẬY VÀ TRỞ VỀ

Chúa nhật IV Mùa Chay mời gọi chúng ta cảm nhận được và nhất là sống được trong niềm vui, niềm hạnh phúc của một người vừa thoát một hoạn nạn, một đau buồn, một cơn ác mộng và đang sống trong một thực tế an toàn và thanh thản.  Có bao giờ chúng ta cảm nhận được kinh nghiệm đó chưa?  Đó là kinh nghiệm của một người tưởng mình mắc bệnh nan y đang chờ chết, nhưng sau khi đi khám bác sĩ bảo không có gì đáng ngại, sẽ khỏi.  Đó là kinh nghiệm của hai vợ chồng cắn đắng nhau, gây gỗ nhau tưởng đã đi đến chỗ đổ vỡ, nhưng sau đó tìm lại được sự tha thứ, sự giải hòa và ôm nhau trong nước mắt.  Đó là kinh nghiệm của người vừa an toàn thoát khỏi một tai nạn kinh hoàng, trong những trường hợp đó, chúng ta sẽ thấy thấm thía khi hát lên thánh vịnh 124: “Hồn tôi như cánh chim đã vượt thoát bẫy của người đánh chim, bẫy đã tan tành muôn mảnh, còn chúng tôi, chúng tôi đã thoát.”

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Giosuê kể lại sự vui mừng hạnh phúc của dân Do Thái sau khi thoát khỏi nô lệ Ai Cập và nhất là sau khi đặt chân đến miền Đất Hứa.  Không còn nữa những ngày lang thang sa mạc gian lao, nguy hiểm.  Dân Chúa đã về đến quê hương Chúa đã hứa ban cho Abraham làm gia nghiệp, nơi đó tổ tiên của họ là Abraham, Isaác, Giacóp đã sống.  Họ đã xây dựng lại, đã khai khẩn đất đai làm mùa và nhất là đã bắt đầu tiêu dùng những thổ sản quê hương, từ ruộng đất và lao công của họ.  Vui hưởng ân lành của Chúa cảm thấy hạnh phúc tràn trề.  Trong tình yêu thương săn sóc của Chúa, họ đã hát lên thánh vịnh 33 dùng làm đáp ca “Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt.  Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.”

Nơi bài đọc thứ hai thánh Phaolô đã nhắc cho tín hữu thành Côrintô một hạnh phúc to lớn, không hạnh phúc, không niềm vui nào có thể so sánh được.  Đó là hạnh phúc của con người trở thành tạo vật mới, trở thành con Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.  Công cuộc trở thành tạo vật mới đó được thực hiện nhờ sự giao hòa lại cùng Thiên Chúa.  Tội lỗi làm cho con người sống xa Chúa, cắt đứt mọi liên lạc cùng Chúa, cuộc đời bị mất hướng, đời sống trở thành vô nghĩa, nhất là nguy hiểm diệt vong đang chờ đón.  Nhưng may mắn cho nhân loại, cho chúng ta, thánh Phaolô bảo: “Vì Chúa Kitô, chúng tôi van nài anh chị em hãy giao hòa lại với Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội thì Thiên Chúa làm cho nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên công chính trước Thiên Chúa.”

Không còn niềm vui nào bằng, từ tội lỗi trở thành công chính, từ nô lệ sự dữ trở thành con Thiên Chúa, từ đứng bên bờ diệt vong trở thành sống đời đời, trong ân sủng và tình thương.  Niềm vui được cứu thoát nô lệ Ai Cập về Đất Hứa của dân Do Thái trong sách Giôsuê, nơi bài đọc thứ nhất không thể nào so sánh được với niềm vui to lớn của con người từ nô lệ tội lỗi trở về làm con cái Thiên Chúa.

Đến bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một thí dụ tuyệt vời, rõ ràng dễ hiểu và nổi tiếng, ai cũng biết cả.  Để an ủi để khích lệ người tội lỗi hãy biết suy nghĩ, hãy biết dứt khoát đứng dậy và mạnh dạn tuyên bố: “Tôi muốn ra đi trở về với Cha tôi,” Chúa Giêsu đưa ra hai người con tiêu biểu cho hai cuộc trở về.  Người con phung phá trở về trong tình yêu của cha mình, của mái ấm gia đình.  Người con cả cần phải trở về trong tình anh em, phải biết tha thứ cho em mình, phải biết hòa nhập vào niềm vui của gia đình.  Sự trở về trong tình anh em này cũng có một tầm quan trọng giống như sự trở về cùng tình cha con.  Người con cả dầu tự hào là luôn sống trung thành với Cha, nhưng nếu khước từ tình anh em, thì anh vẫn là người ngoại cuộc không vào nhà và không cùng chung hưởng hạnh phúc niềm vui của gia đình.  Nếu anh không vào chính là tự ý anh không vào.  Người cha vẫn luôn mở rộng cửa nhà, mở rộng vòng tay, mở rộng cõi lòng năn nỉ anh.

Vậy niềm vui thật của cuộc trở về trong tình yêu thương của Chúa phải có hai chiều kích, trở về cùng Thiên Chúa là Cha, và trở về cùng anh chị em của mình, chính là tha thứ, làm hòa lại với nhau, giải tỏa những hận thù và sống trong tình yêu thương.  Đó là niềm vui thật, niềm vui mà ca nhập lễ kêu mời “Mừng vui lên hỡi Giêrusalem, tề tựu cả về đây hỡi những ai hằng mến yêu chân thành.  Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng hân hoan tận hưởng niềm an ủi chứa chan.”

Để có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi noi gương người em trong gia đình nơi bài dụ ngôn của Chúa Giêsu.  Tôi phải làm một hành động chứng tỏ tôi nhất định đứng dậy lên đường trở về nhà cha tôi, để sống lại trong hạnh phúc của tình yêu thương nồng thắm của Người.  Hành động đó có thể là một sự dốc lòng từ bỏ một tật xấu đã từng làm tôi đau buồn, đã kéo ghì tôi trong tội lỗi hay đã làm cho những người thân yêu trong gia đình tôi phải khổ.  Và kế đó học lấy bài học của người anh: Tôi không đứng để cho Cha tôi phải năn nỉ.  Tôi hãy biết tha thứ cho người khác, hãy hòa mình vào niềm vui của gia đình, nhất là chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa là Cha tôi khi một người anh chị em tôi trở về nhà Cha.

Radio Veritas Asia – Trích trong “Suy Niệm Lời Chúa”

VỀ NHÂN ĐỨC VÀ TỘI LỖI

Có một câu châm ngôn nói rằng: Không gì cho ta cảm giác tốt đẹp hơn nhân đức.  Đây là chân lý sâu sắc, nhưng còn một khía cạnh ẩn giấu nữa.  Khi làm việc tốt, chúng ta thấy bản thân mình tốt đẹp.  Nhân đức thực sự là phần thưởng cho chính nó rồi, và như thế là tốt.  Nhưng cảm giác mình công chính có thể sớm biến thành cảm giác tự đại.  Không gì cho ta cảm giác tốt đẹp hơn nhân đức, nhưng sự tự đại có vẻ cũng cho ta cảm giác tốt đẹp nữa.

Chúng ta thấy điều này được biểu lộ rõ trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về người thu thuế và người Pharisiêu.  Người Pharisiêu thực hành nhân đức, ông hành động đúng theo những điều được dạy, nhưng ông không có lòng khiêm nhượng, cũng không thấy mình cần Thiên Chúa và lòng thương xót, mà chỉ có thái độ tự đại và xét đoán người khác.  Tất cả chúng ta cũng thế, cũng dễ trở thành người Pharisiêu này.  Mỗi khi thấy người khác đang phải đấu tranh để sống đẹp, chúng ta nói: Nhờ ơn Chúa tôi mới được thế này.  Thái độ có vẻ khiêm nhượng đó có thể mang hai ý nghĩa rất khác nhau. Nó có thể là một lời tạ ơn chân thành vì đã được những ơn mình không xứng đáng, hoặc có thể dễ dàng là một thái độ tự đại về sự vượt trội của mình so với người khác.

Những ngòi bút thiêng liêng kinh điển như Gioan Thánh Giá, khi nói về những thử thách chúng ta gặp phải trên con đường môn đệ, đã nói về một thứ gọi là: Lỗi của những người nằm ngoài hoán cải ban đầu.  Ý nghĩa của câu này là: Chúng ta không bao giờ thoát được cuộc đấu tranh với tội lỗi.  Khi chúng ta trưởng thành, thì tội lỗi càng tinh vi hơn.  Ví dụ như, trước khi trưởng thành, chúng ta xác định được bảy mối tội đầu, và chúng thể hiện nơi chúng ta một cách nguyên sơ và rõ ràng.  Chúng ta thấy điều này nơi trẻ con, thanh thiếu niên.  Với họ, kiêu ngạo rõ ràng là kiêu ngạo, ghen tỵ rõ ràng là ghen tỵ, ích kỷ rõ ràng là ích kỷ, tham lam rõ ràng là tham lam, và nóng giận rõ ràng là nóng giận.  Chẳng có gì tinh vi hay ẩn giấu cả, cái lỗi nằm rành rành ra đó.

Nhưng khi chúng ta vượt qua được dạng nguyên sơ của những tội này, thì chúng lại đội những lốt khác tinh vi hơn trong cuộc đời mình.  Vì thế, chẳng hạn như, khi chúng ta khiêm nhượng, thì chúng ta lại trở nên kiêu ngạo và tự đại vì sự khiêm nhượng của mình.  Và tôi thấy từ chính kinh nghiệm của mình rằng: Không một ai thiển cận và xét đoán hơn một người mới trở lại đạo hay một người mang ngọn lửa nhiệt thành ban đầu.

Tội có những phức tạp của nó.  Một số khái niệm ngây thơ của chúng ta về tội và sự khiêm nhượng cũng cần được xem xét lại.  Ví dụ như, chúng ta thường nuôi một khái niệm lãng mạn hóa rằng, người có tội thì khiêm nhượng, nhận thức mình cần được tha thứ, và mở lòng ra với Chúa.  Và chúng ta có thể thấy điều này trong Phúc âm.  Khi Chúa Giêsu rao giảng, những người Pharisiêu đương cự với Chúa và thông điệp của Chúa, còn những người thu thuế và gái điếm lại mở lòng hơn với Ngài.  Vậy từ đó chúng ta có thể đặt một câu hỏi: Có phải tội lỗi còn khiến chúng ta nhận ra mình cần Chúa hơn cả nhân đức nữa?

Đúng, khi tội đó thành thật, khiêm nhượng, biết thú nhận và sám hối, hoặc là khi hành động sai trái của chúng ta bắt nguồn từ việc bị tổn thương, bị lợi dụng.  Không phải mọi tội lỗi đều như nhau.  Có tội ngay thẳng và tội bất lương.

Là con người, chúng ta yếu đuối và thiếu sức mạnh để luôn làm theo những gì tốt đẹp nhất trong con người mình.  Đôi khi chúng ta chịu thua cám dỗ và yếu đuối.  Để giải thích về việc chúng ta phạm tội, chỉ cần nói điều này thôi.  Chúng ta là con người!  Và đôi khi, người ta rơi vào tình trạng tội lỗi vốn không thật sự do tay họ gây ra.  Họ bị lợi dụng, bị bắt sống trong hoàn cảnh tội lỗi không do họ chọn lựa, họ là nạn nhân của nạn buôn người, là nạn nhân của hoàn cảnh bất công trong xã hội hay gia đình, hoặc họ bị tổn thương quá nặng.  Trong những hoàn cảnh đó, một hành động sai lầm, là vấn đề sống còn chứ không phải vấn đề chọn lựa tự do.  Một bà đã giải thích cho tôi rằng: “Tôi đơn giản là một con chó, cắn để khỏi bị cắn thôi.”  Trong những trường hợp này, thường thì dưới lớp vỏ chai đá có một tâm hồn vẫn ngây thơ vô tội biết mình cần lòng thương xót Chúa.  Có tội ngay thẳng.

Và có tội không ngay thẳng, là thứ tội biện luận, luôn chìm trong kiêu ngạo nên không thể thú nhận mình tội lỗi.  Kết quả là, nó trở thành một tâm hồn đầy xét đoán, cay đắng, và chai đá.  Khi tội biện luận, thì sự cay đắng tiếp vào, kéo theo sự ghét bỏ với nhân đức mà nó đã không giữ được.  Khi chúng ta biện luận, thì bản năng luân lý của chúng ta không bị lừa phỉnh đâu.  Nó phản ứng lại và trừng phạt bằng cách khiến chúng ta ghét bỏ mình.  Và khi ai đó ghét bỏ mình, thì sự căm ghét đó sẽ lớn lên và trở thành ghét bỏ người khác, và nhất là ghét bỏ nhân đức mà mình đã không giữ được.  Ví dụ như, không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người ngoại tình thường cay độc vô cùng khi nói đến đức khiết tịnh.

Thấy mình yếu đuối và tội lỗi, có thể khiến chúng ta cúi mình khiêm nhượng, và mở lòng chúng ta đón nhận lòng thương xót Chúa.  Nhưng nó cũng có thể biến tâm hồn chúng ta chai đá, cay đắng và xét đoán.  Không phải mọi người có tội đều cầu nguyện như người thu thuế trong Phúc âm.

Nhân đức khiến chúng ta biết ơn.  Tội lỗi khiến chúng ta khiêm nhượng.

Đúng là thế.  Nhưng không phải lúc nào cũng thế.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

LỄ TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ

Mỗi khi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta lặp lại lời sứ thần Gabriel chào Ðức Maria khi mở đầu cuộc truyền tin: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Ðức Chúa Trời ở cùng Bà.  Mừng vui lên hỡi Ðấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà.”  Ðây chính là lời chúc phúc có ý nghĩa nhất và cũng là lời chúc phúc có giá trị nhất của con người.

Quả thế, không có mối phúc nào lớn hơn mối phúc của người được Thiên Chúa ở cùng, của người được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa.  Theo sau lời chúc phúc cũng là lời loan báo cho Ðức Maria biết tình trạng ân sủng tuyệt vời của Mẹ.  Sứ thần cho Mẹ biết là Mẹ sẽ thụ thai Con Thiên Chúa.  Ðây quả là một tin hết sức trọng đại khiến Mẹ phải bối rối.  Hơn nữa, Mẹ sẽ thụ thai thế nào đây khi mà Mẹ chưa hề chung chăn gối với ai.  Thắc mắc của Ðức Maria được sứ thần giải đáp bằng một câu trả lời đầy thuyết phục một cách tuyệt đối nhân danh quyền năng của Ðấng Tối Cao, kèm theo là một chứng cớ cụ thể đang xảy ra cho người chị họ của Mẹ.  Ðối chiếu với các câu Thiên Chúa trả lời cho tổ phụ Abraham, cho ông Môisen hay cho thánh Giuse, chúng ta thấy Thiên Chúa rất tế nhị khi giao tiếp với từng đối tượng để giải đáp thắc mắc của người thiếu nữ.  Người đã chọn cách trả lời giản dị mà có hiệu quả nhất.  Câu trả lời này mang lại cho Ðức Maria sự bình an sâu thẳm.  Mẹ đã sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa trao phó cho Mẹ.  Mẹ đã tiếp nhận được điều chính yếu trong sứ điệp Truyền Tin, Mẹ đã tin tưởng tuyệt đối vào sứ điệp đó và Mẹ sẽ cống hiến hết mình cho điều mình xác tín.

Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa gởi sứ điệp có liên quan đến công cuộc cứu độ của Người.  Trong cái đại dương thông tin mênh mông đang ùa tới với chúng ta mỗi ngày, Thiên Chúa vẫn không ngừng nói với chúng ta bằng tiếng nói của con người hôm nay, cung cách giao tiếp của Thiên Chúa vẫn luôn tế nhị, thích ứng với từng đối tượng mà Người muốn ngỏ lời.  Nếu chịu khó lắng nghe, chúng ta sẽ thấy sứ điệp mà Thiên Chúa gửi đến cho mình cũng có những nét tương tự như sứ điệp Truyền Tin cho Ðức Maria.

Thay cho lời chào của sứ thần, chúng ta có thể cảm thấy có một cái gì đó lay động linh hồn chúng ta và tạo cho chúng ta một cảm giác thiêng liêng huyền nhiệm.  Trước cảm giác linh thiêng này, có thể chúng ta sẽ bối rối xao xuyến vì không biết chuyện gì đang xảy ra cho tâm hồn mình, chúng ta có thể lờ đi không lưu tâm đến nó nữa.  Và trong trường hợp này, chúng ta sẽ không nhận được phần tiếp theo của sứ điệp.  Nhưng nếu chúng ta để ý lắng nghe, chúng ta sẽ nhận được những sứ mạng mà Thiên Chúa muốn trao cho chúng ta.  Ða số các sứ mạng này là những công việc bình lặng trong cuộc sống thường ngày với mục đích đem ơn cứu độ đến cho những người khác.  Nhưng cũng có lúc đó là những công việc có tầm ảnh hưởng lớn hơn, khó thực hiện hơn, và đôi khi vượt quá khả năng của chúng ta.  Những lúc ấy, chúng ta sẽ cảm thấy e ngại vì không biết mình sẽ làm sao để thực hiện lời Thiên Chúa gợi ý.  Nhưng nếu chúng ta tin tưởng và tiếp tục đối thoại với Thiên Chúa, thì Người sẽ đưa ra cho chúng ta lời giải đáp, và có thể Người sẽ đưa ra cho chúng ta một vài bằng chứng cụ thể để củng cố lòng tin của chúng ta.  Ðến đây, Thiên Chúa chờ đợi lời thưa “Xin Vâng” của chúng ta như Người đã chờ đợi lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ Maria ngày xưa.

Lạy Mẹ Maria, có những lúc con đã nghe được tiếng Chúa gọi gợi ý cho biết những công việc phải làm, nhưng khi nhìn lại bản thân, con thấy mình chỉ là một con người bé nhỏ, bình thường như bao nhiêu người khác, vì thế, con ngần ngại không dám tiến thân.  Hôm nay, khi suy niệm về biến cố Truyền Tin, con hiểu ra rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, cũng không có gì là bé nhỏ tầm thường vô giá trị.  Xin Mẹ giúp con từ nay biết lắng nghe và thực hiện ý Chúa với tâm tình đơn sơ phó thác như Mẹ ngày xưa.

Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

SÁM HỐI THẬT LÒNG

Cha ông chúng ta vẫn khuyên dạy con cháu: “gieo gió gặt bão”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”…  Và trong Thánh Kinh, các câu chuyện như lụt Hồng Thuỷ, thành Sôđôma bị tàn phá v.v… cũng thường được giải thích theo quan niệm báo ứng ấy.

Không lạ gì người Do Thái thời Chúa Giêsu, cũng như chúng ta ngày nay, thích áp dụng nguyên tắc nhân quả “ác giả ác báo” nhưng là áp dụng cho người khác!  Trước hai tai hoạ xảy ra gây chết nhiều người, họ kết luận ngay rằng những nạn nhân “tội lỗi hơn mọi người khác” nên mới bị thảm hoạ như vậy.

Đành rằng, nếu gieo gió thì có thể sẽ gặt bão, song Chúa Giêsu khuyên mỗi người không nên hồ đồ xét đoán người khác, nhưng hãy xem các biến cố đó là cơ hội giúp ta xét lại chính mình mà trở về với nẻo chính đường ngay.  Vì chỉ Thiên Chúa mới có quyền phán xét chung cuộc trên mọi người.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định một cách quyết liệt về sự cần thiết phải sám hối, phải cải thiện đời sống, bằng không, “tất cả chúng ta sẽ bị huỷ diệt.”  Chúa Giêsu lặp đi lặp lại câu đáng sợ: “tất cả sẽ bị huỷ diệt” (Lc 13, 3.5).

Lý do mà Chúa Giêsu nhấn mạnh về sự sám hối, ăn năn chừa tội, canh tân đời sống, vì đó là bước đầu tiên, bước không thể thiếu, để chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa, Đấng Thánh Khiết Tuyệt Đối.  Chúa muốn đưa toàn nhân loại vào vương quốc Thánh Thiện, yêu thương của Ngài, để chúng ta trở thành “Dân Thánh, dân đặc tuyển” của Ngài, nên Chúa muốn chúng ta cải thiện đời sống, xa bỏ đường lối gian tà, tội lỗi.

Chính vì thế, mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, khi “có người thuật lại cho Chúa Giêsu về một tin giật gân: Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hòa lẫn với máu của các vật sát tế” thì Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này, dạy cho toàn dân việc tối quan trọng là tất cả phải sám hối nếu không thì tất cả sẽ bị huỷ diệt.

Theo lịch sử nước Do Thái, thì 20 năm trước khi biến cố trên xảy ra, thì có người thuộc phe vua Hêrôđê đứng lên xúi giục dân Galilê làm loạn, không nộp thuế cho đế quốc Rôma nữa, và có nhiều người hùa theo (Cv 3, 7).

Chính vì vậy, Hêrôđê và Philatô hiềm khích với nhau.  Tuy nhiên, dù theo phe Vua Hêrôđê, những người đó vẫn phải đến Giêrusalem để thờ phượng Giavê Thiên Chúa như luật dạy, hơn nữa, họ nghĩ rằng, nơi Thành Thánh uy nghiêm như thế, nơi pháo đài an toàn thì Philatô chẳng dám xông vào hành hung.  Thế nhưng, lần này, Philatô ra lệnh tàn sát mấy người thuộc phe Hêrôđê ngay tại nơi hiến tế chiên bò, làm cho máu những người đó hoà lẫn máu của các vật sát tế.

Những người này nghĩ rằng: Chúa Giêsu là Vị Thầy, Một Ngôn Sứ cao cả, Ngài sẽ về phe dân tộc và đạo giáo để bênh vực, và Ngài sẽ có cách trả thù cho những người dân vì yêu nước mà phải chịu tàn sát như thế.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu không thuộc phe phái nào, Ngài đứng trên mọi phe phái chính trị, mục đích của Ngài giáng thế là cốt để cứu vớt sinh linh thoát vòng tội lỗi mà thôi!  Chính vì thế, khi nghe tin ấy, Chúa bảo họ rằng: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilêa bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở Galilêa ư?  Ta bảo các ngươi: không phải thế! Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị hủy diệt như vậy” (Lc 13,3).

Cũng vậy, 18 người ở Giêrusalem bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, Chúa bảo dân chúng rằng: “Các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người ở Giêrusalem ư?  Không phải thế!  Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 13,5).  18 người này là những người đang chờ ở bờ hồ Silôê, mong được chữa lành bệnh, thình lình bị tháp sụp đổ đè chết!

Cả 2 biến cố đau thương tuy lấy đi mạng sống của con người, nhưng đó chỉ là sự mất mát, khổ đau cho thân xác, không thể so sánh với sự trầm luân đời đời của linh hồn nếu không sám hối, không cải thiện đời sống!

Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta: Đừng bao giờ xét đoán tội lỗi của một người qua các thảm cảnh hay tai nạn họ phải chịu. “Đừng xét đoán kẻo sẽ bị xét đoán” (Mt 7, 1) Chúa muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta rằng: Mỗi khi thấy các tai họa xẩy ra cho những người chung quanh, chúng ta hãy tự xét mình, để tránh những thảm họa ghê gớm hơn, nếu không sám hối, canh tân đời sống để trở về với Thiên Chúa!  Đó mới là tai họa thảm khốc nhất, là sự huỷ diệt kinh khủng cho linh hồn mãi mãi!  Thành tâm sám hối, cải thiện đời sống là phương cách duy nhất có thể tránh thoát cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, tránh thoát phép công thẳng của Ngài.

Do đó, không bao giờ có ngoại lệ, chỉ trừ Đức Maria, hoàn toàn tinh vẹn, thì tất cả nhân loại, tất cả chúng ta, ai cũng cần phải cải thiện đời sống, nếu không, sẽ chắc chắn bị hủy diệt, hủy diệt đời đời!  Đây là lời cảnh cáo nghiêm trọng của Thiên Chúa: Không sám hối sẽ bị hủy diệt!  Những người bị tai họa kia chỉ bị tàn sát, bị chết về thân xác, nhưng ai không sám hối, sẽ bị đày đọa mãi mãi về linh hồn và cả thân xác bên kia thế giới!

“Sám hối” là từ thường gặp trong Thánh Kinh, nó được kêu gọi bởi Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu, các tông đồ và hôm nay luôn được lặp lại nơi sứ điệp của Giáo Hội.  Bởi sám hối là động thái tiên quyết để đón nhận ơn cứu độ.  Còn sống là còn cơ hội để sám hối!  Nếu không tận dụng tốt cơ hội Chúa ban thì Ngài sẽ cất đi như cây vả không chịu sinh trái (x. Lc 13,6-9).

Sự sám hối trở về không chỉ là hành vi đấm ngực ăn năn mà còn phải chuyển hóa, thay đổi như trong lời mời gọi của Chúa: “Hãy sinh hoa kết trái xứng với lòng ăn năn thống hối.”  Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cây vả truyền cho chúng ta biến đổi sinh hoa kết trái.

Thiên Chúa luôn nuôi hy vọng và chờ đợi ở nơi chúng ta trong kiếp người dù ở thân phận nào, kể cả tội nhân khi sám hối và đơm bông kết trái: Hoa trái của sự thánh thiện.  Hoa trái của việc lành phúc đức.  Hoa trái của đời sống công bằng bác ái.  Hoa trái của đời sống yêu thương và phục vụ mọi người.

Huệ Minh

THÁNH GIUSE VÀ LỰA CHỌN THINH LẶNG

(Lc 2, 41-51a) 41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.

43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! “49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? “50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.

Sự cực lòng 

Sau ba ngày tìm kiếm trong vất vả và nhất là với tâm trạng lo âu, Thánh Giuse và Đức Maria tìm lại được Đức Giê-su trong Đền Thờ, lúc đó Người 12 tuổi.  Đức Maria thay mặt cho Thánh Giuse, nói với Đức Giê-su:

Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?
Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!
(c. 48)

Chúng ta được mời gọi đặt mình vào hoàn cảnh của Thánh Giuse và Đức Maria để hiểu và cảm được hết “sự cực lòng” của các ngài: đi một ngày, nhưng phải tìm kiếm tới ba ngày.  “Sự cực lòng” không chỉ của người cha và người mẹ, như bất cứ người cha và người mẹ nào, khi để lạc mất người con yêu dấu, nhưng còn “sự cực lòng” của người tôi tớ và của người nữ tì trong tương quan với Thiên Chúa, khi để lạc mất “Con Đấng Tối Cao.”  Chúng ta hãy hình dung ra tâm trạng lo âu của Thánh Giuse và Đức Maria lớn đến mức nào, khi các ngài thầm nghĩ: “Thiên Chúa trao phó cho mình Con của Ngài, để thực hiện kế hoạch cứu độ, vậy mà mình lại để lạc mất!”

Và nếu chúng ta để ý, đó là lời của Đức Maria, nhưng Mẹ không nhân danh cá nhân mình, nhưng nói với Đức Giê-su với tư cách là “cha mẹ” của Ngài; hơn nữa, Đức Mẹ còn tỏ lòng kính trọng Thánh Giuse khi nói: “cha con và mẹ đây.”  Ngoài ra, trong trình thuật này, từ đầu đến cuối, thánh sử Luca luôn nói tới: “cha mẹ”, “ông bà”, “hai ông bà.”  Thật vậy, “hai ông bà” trở về sau kỳ lễ, “cha mẹ” chẳng hay biết, “ông bà” cứ tưởng, “ông bà” đều cực lòng tìm con suốt ba ngày; và khi thấy con, “hai ông bà” đều sửng sốt.

Chúng ta có thể dừng lại để cảm nếm sự hiệp thông và hiệp nhất giữa Thánh Giuse và Đức Maria và tình yêu của các ngài dành cho Đức Giê-su.  Nhưng vì hôm nay không phải là lễ Thánh Gia, mẫu mực của mọi gia đình và cộng đoàn, nhưng là lễ Thánh Giuse, nên chúng ta hãy cùng lắng nghe sự thinh lặng của Thánh Giuse: Tại sao Thánh Giuse không lên tiếng, khi đây là cơ hội thích hợp nhất và hợp lý nhất để ngài lên tiếng?

Sự thinh lặng của Thánh Giuse

Trong những biến cố khác, được các Tin Mừng thuật lại, ngài cũng im lặng, chẳng hạn trong trình thuật truyền tin cho ngài, theo trong Tin Mừng của thánh Mát-thêu (Mt 1, 18-25).  Ngài im lặng khi sứ thần truyền tin và trao ban sứ mạng; điều này dễ hiểu, vì sứ thần đã khéo léo chọn lúc ngài đang ngủ ngon, hình ảnh diễn tả sự thụ động trọn vẹn đối với Lời Chúa và ý định của Người.  Nhưng trong biến cố này, ngài rất tỉnh táo và chủ động, vì đang vất vả cùng với Đức Maria đi tìm Đức Giê-su.  Vì thế, trong trường hợp này, sự im lặng của Ngài là khó hiểu nhất, và có thể nói là tuyệt đối nhất; bởi lẽ ngài là chồng, là cha, là gia trưởng.  Một sự im lặng khó hiểu và tuyệt đối, nhưng chắc chắn cũng nhiều ý nghĩa nhất và đánh động chúng ta nhất, nếu chúng ta có đôi tai biết lắng nghe.

Chắc chắn không phải vì trong đời thường, Thánh Giuse không nói gì, và cũng không nhất thiết là vì Thánh Giuse ít nói trong cuộc sống, nhưng chính xác là vì, trong những biến cố thánh, nghĩa là các biến cố liên quan đến mầu nhiệm Nhập Thể mà các Tin Mừng thuật lại, Thánh Giuse của chúng ta lựa chọn sự thinh lặng.  Đặt mình đối diện với mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chúng ta sẽ nhận ra rằng, sự thinh lặng của Thánh Giuse là một lựa chọn thiêng liêng; và nếu là như thế, lựa chọn thinh lặng của Thánh Giuse mở ra cho chúng ta cả một chiều sâu thiêng liêng, thậm chí cả một “linh đạo”, mà chúng ta được mời gọi lắng nghe và nhận làm của mình.

Cũng tương tự như sự thinh lặng tuyệt đối của trời xanh và không trung, nhưng lại ẩn dấu những sứ điệp lớn lao và sâu xa liên quan đến chính Thiên Chúa, ngỏ với đôi tai biết lắng nghe, biết lắng nghe sự thinh lặng, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả:

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa.
Không trung kể lại tay việc Người làm.
(Tv 19, 2)

Vậy chúng ta hãy “lắng nghe” sự thinh lặng của Thánh Giuse.  Thánh Giu-se lựa chọn thinh lặng, và để cho Đức Maria lên tiếng, đó là vì, với sự nhạy bén thiêng liêng, Ngài nhận ra, ở mức độ nào đó, biến cố này là điểm tới của cả một hành trình lớn lên của Đức Giê-su trong tương quan đặc biệt với Thiên Chúa: Đức Giê-su được sinh ra bởi một “Người Cha” khác, từ từ cảm nhận sự hiện diện của một “Người Cha” khác, duy trì tương quan kín đáo nhưng sâu đậm với một “Người Cha” khác, và ở đây, Đức Giê-su chính thức nói đến “Người Cha” này:

Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?

Và chắc chắn không chỉ trong biến cố này, nhưng trong mọi biến cố liên quan đến cuộc đời của Đức Giê-su; Đấng mà ngài hi sinh cả một đời, hi sinh gia đình riêng, hi sinh kế hoạch riêng, hi sinh thú vui riêng, để cưu mang, bao bọc và làm cho lớn lên.  Ngài nhận ra mầu nhiệm, tôn trọng mầu nhiệm và “lui ra phía sau” để Đức Maria và Người Con của Mẹ nổi bật lên không phải trong tương quan với “người cha” này, nhưng trong tương quan với “Người Cha” khác; hay nói theo ngôn ngữ đời thường, Thánh Giuse “lui lại phía sau”, để cho Hai Mẹ Con “muốn làm gì thì làm!”

Đó cũng là lựa chọn của ngài trước đó 12 năm: ngài nhận ra mầu nhiệm lạ lùng đang hình thành nơi cung lòng Đức Trinh Nữ, bởi vì nơi tâm hồn của ngài, tâm hồn của “người công chính”, không thể có ý nghĩ xấu về Đức Maria, người mà ngài suốt đời yêu mến trong Chúa; và khi nhận ra, dù chưa rõ ràng, ngài tôn trọng, giữ khoảng cách, lựa chọn thinh lặng và có ý định “lui lại phía sau” và xác tín rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa.

Và như chúng ta biết, Thiên Chúa đã ưu ái Thánh Giuse của chúng ta cách đặc biệt, khi vui lòng chuẩn nhận lựa chọn lui lại phía đàng sau trong thinh lặng của ngài, bằng cách cho ngài đi vào cõi thinh lặng của sự chết rất sớm, một đàng để cho Hai Mẹ Con, Đức Maria và Đức Giê-su nổi bật lên, đi đến cùng và hoàn tất Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Độ, và đàng khác, chính là để cho ngài cất vang lời ca tụng Mầu Nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa luôn mãi trong Sự Sống Mới, Sự Sống mà ngài đã nhận ra và dâng hiến cả một đời.

Sự thinh lặng của Đức Ki-tô

Khi lắng nghe sự thinh lặng của Thánh Giuse, chúng ta không thể không hướng đến sự thinh lặng của Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó và nhất là sự thinh lặng của Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh.  Có thể nói, sự thinh lặng của Thánh Giuse đã loan báo cho chúng ta sự thinh lặng của “Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Đối Tượng duy nhất của lòng trí chúng ta” rồi.  Và dưới chân Thập Giá, Đức Maria cũng sẽ lựa chọn thinh lặng (x. Ga 19, 25-27).  Nhưng Thánh Giuse của chúng ta đã lựa chọn thinh lặng từ rất lâu rồi, để diễn tả lời xin vâng tín thác nơi Tình Yêu muôn ngàn đời của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ nhiệm mầu của Ngài, ngang qua thử thách, khó khăn, đau khổ và chính sự chết.

Như thế, khởi đi từ sự nhạy cảm thiêng liêng, làm cho Thánh Nhân nhận ra mầu nhiệm Thiên Chúa trong mọi biến cố liên quan đến Đức Giê-su, lựa chọn thinh lặng của Thánh Giuse còn muốn nói lên lời xin vâng tín thác tuyệt đối của ngài.  Diễn tả lời xin vâng bằng sự thinh lặng, dường như đó là cung cách của phái nữ!  Vì thế, thật là thích hợp, khi các Hội Dòng Mến Thánh Giá nhận Thánh Cả Giuse làm Thánh Bổn Mạng.

********************************

Thánh Cả Giuse đã đón nhận, cưu mang, ôm ấp và làm cho Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể lớn lên.  Xin ngài cũng quảng đại đón nhận, cưu mang, ôm ấp và làm cho mỗi người chúng ta lớn lên theo khuôn mẫu của Đức Giê-su; và nhất là, xin Thánh Cả Giuse dạy mỗi người chúng ta, như Thánh Nhân, biết lựa chọn Sự Thinh Lặng Thần Linh.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Lễ Thánh Giuse 2015

MỘT TRÁI TIM MỚI

Thiên Chúa ban cho con người trái tim để yêu thương.  Giữa cuộc sống bon chen tính toán, có nhiều khi trái tim lỡ nhịp: thay vì yêu thương lại giận hờn, thay vì gắn kết lại phân ly, thay vì khôn ngoan lại dại khờ.  Bởi thế, trái tim luôn phải được canh tân để quy hướng về sự thiện.  Trái tim cũng là “tấm lòng” của con người, tức là nơi sâu thẳm của mỗi cá nhân.  Lòng người chính là thái độ sống có nhân có nghĩa, là cách đối nhân xử thế với đồng loại.  Lòng người sâu thẳm khôn dò, nên người ta nói:“Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm,” tức là vẽ hổ thì chỉ có thể vẽ được bộ da bề ngoài, không thể vẽ được bộ xương; biết người chỉ biết được khuôn mặt, không thể biết được lòng.  Những trái tim lỗi nhịp và vương vấn bụi trần, cần phải được tinh luyện.  Thiên Chúa là Đấng có thể canh tân đổi mới con tim và ban cho con người một trái tim mới.

Ai cũng có một trái tim.  Những trái tim đều giống nhau, dù là người da trắng, da đen hay da vàng.  Trái tim hay tấm lòng chỉ là tượng trưng cho cách sống của một con người.  Một người sống tốt với tha nhân, người ta gọi người đó có trái tim nhân hậu.  Một người biết cảm thông tha thứ cho người khác, người ta gọi người đó có tấm lòng vị tha.  Trái tim không có lỗi về hạnh kiểm của một con người, nhưng cách sống của mỗi người gán cho trái tim tính cách tốt hay xấu.  Mỗi cá nhân đều được Chúa dựng nên có tự do.  Nhờ tự do, họ quyết định về lối sống của mình, và họ phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Nếu lòng người sâu thẳm khôn dò, thì Thiên Chúa quyền năng lại biết rõ tâm tư của họ.  Tác giả Thánh vịnh đã thốt lên: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi.  Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.  Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139,1-4).  Thiên Chúa là trọng tài tối cao, luôn quan sát những suy nghĩ và hành động của con người.  Ngài cũng là vị thẩm phán công minh, xét xử con người về lối sống của họ.  Thập điều hay Mười điều răn của Luật Giao ước, được Chúa ban cho ông Môisen, để làm tiêu chuẩn cho cách đối nhân xử thế của con người thuộc mọi dân tộc và mọi nền văn hóa.  Những ai sống theo Mười điều răn, sẽ được hạnh phúc và được Chúa chúc lành.  Chúa Giêsu đã đến trần gian để hoàn thiện Luật Cựu ước, đồng thời Người mặc cho Luật ấy một ý nghĩa mới.  Đức yêu thương là điều cốt lõi căn bản trong giáo huấn của Chúa Giêsu, đến nỗi Người gọi đó là điều răn mới, là điều răn của Người.  Yêu thương là sống với nhau có tấm lòng, là quan tâm đến nhau và mong cho nhau được hạnh phúc.

Chúng ta cần có trái tim mới để yêu mến Chúa và nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời.  Một trái tim đầy ắp tham vọng không còn chỗ để đón Chúa ngự đến.  Một trái tim chai lì chẳng đáng được Chúa đoái thương.  Trong cảnh lưu đày, dân Do Thái đã bi quan chán nản.  Xa quê cha đất tổ, không còn phụng vụ Đền thờ và những lễ nghi cầu nguyện.  Họ cảm thấy bị Thiên Chúa quên lãng.  Nhiều người đã bỏ Chúa và tôn thờ các thần linh của địa phương xứ Babilon.  Trong bối cảnh đó, Chúa sai ngôn sứ Êdêkien đến để quả quyết với họ rằng: “Từ muôn dân, Ta sẽ tập hợp các ngươi lại; từ muôn nước, nơi các ngươi bị phân tán, Ta sẽ quy tụ các ngươi về và Ta sẽ ban cho các ngươi đất Ítraen.  Chúng sẽ trở về đó và loại đi mọi thứ gớm ghiếc và ghê tởm.  Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng.  Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta” (Ed 11,17-20).  Những lời này được coi như giao ước mới mà Thiên Chúa ký kết với dân lưu đầy.  Ngài hé mở cho họ niềm hy vọng.  Ngài cũng cho họ thấy lòng nhân hậu của Ngài.  Thiên Chúa quyền năng sẽ lấy khỏi họ trái tim chai đá, cằn cỗi và không còn khả năng yêu thương, và Ngài thay thế vào đó một trái tim bằng thịt.  Dân Israel không còn bị bỏ rơi và quên lãng.  Họ luôn được Chúa dạy bảo để không bị lạc đường.  Êdêkien đã làm cho con tim người Do Thái vui trở lại, với hy vọng thời gian lưu đày sẽ chấm dứt và họ lại được trở về chốn cũ quê xưa.

Chúng ta cần có trái tim mới để đón nhận ơn tha thứ và lòng thương xót của Chúa.  Mang thân phận con người còn đầy yếu đuối, trái tim mỗi chúng ta dễ nhuốm màu tội lỗi và rất cần được canh tân thanh tẩy.  Canh tân trái tim, nghĩa là canh tân cuộc đời.  Lý tưởng của con người nói chung là đạt tới sự tốt lành trong nhân cách để có một cuộc sống bình yên hài hòa và hạnh phúc.  Lý tưởng của người Kitô hữu là đạt tới sự hoàn thiện, là nên thánh “như Cha trên trời là Đấng Thánh.”  Hành trình nên thánh là một hành trình lâu dài, liên lỉ, cần có sự hy sinh, kiên trì và dứt khoát.  Trong hành trình đầy khó khăn và thử thách ấy, chúng ta tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng sẽ cất khỏi chúng ta quả tim chai đá, để thay vào đó một quả tim biết yêu thương.  Mang một trái tim mới, chúng ta sẽ thoát khỏi mọi ràng buộc của tội lỗi và ghen ghét hận thù.  Vua Đavít đã cầu nguyện tha thiết với Chúa để xin Ngài ban cho ông một trái tim mới.  Trước đó ông đã phạm tội cướp vợ của một sĩ quan trung thành là ông Uria, sau đó lập mưu ra lệnh giết người sĩ quan này.  Tội lỗi làm ông áy náy khôn nguôi.  Ông chạy trốn chính mình, nhưng không thoát khỏi, vì tội lỗi cứ bày ra trước mắt.  Ông đã sám hối và xin Chúa ban cho một trái tim mới.  Ông muốn đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi, khởi đầu ngã rẽ mới để làm lại cuộc đời.  Cùng với lời van xin một trái tim mới, Đavít xin Chúa ban cho ông niềm vui của ơn cứu độ.  Một trái tim được canh tân đổi mới cũng đồng nghĩa với trọn vẹn con người và hạnh kiểm cũng được thay đổi.  Do lòng chân thành sám hối, Đavít đã được Chúa tha tội.  Qua các thánh vịnh, ông đã ca ngợi lòng nhân từ của Chúa và tôn vinh những kỳ công của Ngài.

Chúng ta cần có trái tim mới để nhận ra mọi người là anh chị em của cùng một Cha trên trời.  Một trái tim khép kín không thể nhận ra hình ảnh của Chúa nơi những người xung quanh.  Một trái tim đầy những thành kiến sẵn sàng gạt bỏ và loại trừ người khác.  Một trái tim ghen ghét nhìn đâu cũng thấy kẻ thù.  Một trái tim vô cảm dửng dưng tới mức tàn nhẫn trước nỗi đau của người đáng thương.  Trong Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi tín hữu hãy nhận ra nơi tha nhân là một hồng ân, là một quà tặng của Chúa.  Ngài nhắc lại nhân vật người phú hộ trong Tin Mừng thánh Luca.  Ông này giàu có xa hoa, gấm vóc lụa là, yến tiệc linh đình, nhưng lại làm ngơ trước sự thống khổ của người nghèo tên là Lagiarô.  Trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó biết bao người như người phú hộ.  Họ phung phí của cải – nhiều khi là của cải kiếm được do gian lận và tham nhũng – trong khi nhiều người nghèo đói khát thiếu thốn.  Chính trong con người của mỗi chúng ta cũng có những lúc giống người phú hộ, lãng quên người nghèo.  Trái tim chúng ta cần được canh tân đổi mới để chung nhịp đập với tha nhân.  Con mắt tâm hồn chúng ta cần được khai sáng để biết quan tâm đến những người xung quanh mình.  Trái tim được đổi mới sẽ nên giống như trái tim Chúa Giêsu, rung cảm trước nỗi đau nhân thế.  Con mắt được canh tân sẽ giống như con mắt Chúa Giêsu, nhận ra mọi người đều được Chúa xót thương.  Một khi trái tim được canh tân đổi mới, chúng ta sẽ thân thiện hơn với mọi người, thận trọng hơn khi nhận định về người khác.  Ý thức mỗi người đều là tội nhân sẽ giúp chúng ta tránh lên án người khác, nhưng giúp đỡ khích lệ nhau trỗi dậy, sửa những sai lỗi, làm lại cuộc đời, vươn tới tương lai.

“Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim trong sạch!” (Tv 50,12).  Đó là lời nguyện cầu của vua Đavít.  Đó cũng là tâm tình của mỗi chúng ta mỗi khi Mùa Chay về.  Trái tim sạch là trái tim được canh tân.  Nếu không đổi mới từ tâm can, Mùa Chay sẽ trở thành vô nghĩa.  Thiên Chúa đang chờ đợi và sẵn sàng ban cho chúng ta một trái tim mới, thay thế trái tim đã già cỗi và chai đá.  Khi mang một trái tim được canh tân, chúng ta sẽ thấy cuộc đời này đẹp đẽ và đáng yêu hơn.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

NHỮNG CÂU CHUYỆN BIẾN HÌNH

Tác giả cuốn sách The Seven Habits of Highly Effective People (“Bảy Thói Quen Của Người Làm Việc Có Hiệu Quả”), Steve Covey, trên một chuyến xe điện ngầm tại thành phố New York vào một sáng Chúa nhật, đã thu được một kinh nghiệm sống rất quí như sau.  Steve kể:

Mọi người ngồi yên lặng.  Vài kẻ đang đọc báo.  Số khác đang chập chờn ru giấc ngủ.  Số khác nữa đang suy nghĩ miên man.  Thật là một cảnh yên tĩnh, thanh bình.

Tàu dừng lại tại một nhà ga.  Một người đàn ông và mấy đứa nhỏ, có lẽ là con ông ta, bước lên.  Lập tức bầu khí yên bình bị phá tan.  Những đứa bé la hét om sòm.  Chúng vất đồ đạc qua lại.  Thậm chí còn lấy báo của người khác vò lại ném nhau.  Thật là phiền hà hết sức!  Nhưng sao người cha của mấy đứa bé kia lại không có phản ứng nào?

Steve cảm thấy bực bội khó chịu trước thái độ của cha con những người khách mới.  Anh ta không thể hình dung ra được trên đời này lại có những kẻ vô cảm và vô tâm như gã đàn ông kia.  Con cái quậy phá làm phiền biết bao nhiêu người, thế mà vẫn cứ ngồi im.  Steve quan sát và thấy nhiều hành khách khác cũng có vài nếp nhăn khó chịu.

Cuối cùng, khi sức kiên nhẫn đã vượt mức tối đa, Steve bèn lên tiếng với người bố: “Thưa ông, con ông đang làm phiền nhiều người lắm đấy.  Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông không làm gì để kiềm chế chúng một chút.”  Người đàn ông nhướng mắt nhìn Steve như vừa sực tỉnh lại từ một ưu trầm lắng.  Nén tiếng thở dài, ông ta nói: “Tôi thành thật xin lỗi.  Tôi cũng không biết phải làm sao.  Chúng tôi mới rời khỏi bệnh viện nơi mẹ chúng nó vừa qua đời cách đây một giờ.  Tôi suy nghĩ mãi mà không biết cuộc đời rồi đây sẽ ra sao khi không còn nhà tôi, và chắc là chúng nó cũng không biết chịu đựng thế nào khi chẳng còn có mẹ.”

Steve kết luận bài viết của mình: “Bạn có thể tưởng tượng được cảm giác của tôi lúc đó như thế nào không?  Ngay lập tức tôi thấy mọi sự đổi khác.  Vì thấy mọi sự đổi khác nên thái độ của tôi cũng đổi theo . Cơn khó chịu bực bội trong tôi biến mất.  Thay vào đó là niềm cảm thông cho nỗi đau của người chồng mất vợ, và những đứa con mất mẹ.” 

Nhờ “thấy” được chiều sâu tâm hồn của cha con người đồng hành mà Steve đã thắng vượt những khó chịu bực bội trong mình, và sau đó đã đến với họ bằng tâm tình cởi mở chân thành.  Phải chăng trong đời sống, người ta cũng cần có con mắt nội tâm để “thấy” được nền tảng và ý nghĩa của cuộc đời hầu có những thái độ và cách sống thích hợp?  Phải chăng nhờ sự biến hình trên núi Tabor, các môn đệ đã “thấy” được hình ảnh phục sinh vinh quang của Đức Giêsu, để từ đó họ bớt nao núng khi bước vào nẻo đường thánh giá và đón nhận khổ nạn với Ngài?  Phải chăng đời ta và đời người cũng cần những giây phút biến hình để dung nhan Thiên Chúa, trong tha nhân và nơi mình tôi, được bừng sáng, đón nhận, và tin yêu hơn?

Trong một bài báo tự thuật, Malcolm Muggeridge có kể lại việc nhóm chuyên viên truyền hình của anh ta cố gắng thực hiện một bộ phim tài liệu về Mẹ Têrêsa Calcutta.

Họ muốn quay cảnh mẹ cùng các chị nữ tu Bác ái đang làm việc trong căn nhà Hấp Hối, bên cạnh những kẻ sắp từ biệt cõi đời.  Thế nhưng nhóm của Malcolm đã gặp phải một vấn đề khó khăn: căn phòng họ tính quay phim hơi tối, không đủ ánh sáng cần thiết cho việc thâu hình, mà trong nhà lại không có một ổ cắm điện nào cả.

Tuy nhiên, sau khi bàn thảo, họ quyết định cứ tiến hành thu hình trong cảnh tranh sáng tranh tối của căn phòng Hấp Hối.

Nhưng rồi, kết quả, trước bao cặp mắt ngạc nhiên, những thước phim thâu được lại tuyệt vời quá sức tưởng tượng.  Ánh sáng trong các hình ảnh đạt đến mức độ hoàn hảo.  Dường như đã có một luồng sáng ấm dịu nào đó phát ra trong lúc họ đang quay phim.

Malcolm, người mà sau này trở thành một Kitô hữu, lúc bấy giờ đã bị thuyết phục hoàn toàn với ý nghĩ là ánh sáng đã phát ra từ tình thương mà người ta có thể bắt gặp khắp nơi trong căn nhà Hấp Hối kia.  Malcolm viết lại trong nhật ký của mình: “Chính tình yêu đã chiếu sáng, một thứ ánh sáng giống như hào quang trên đầu các thánh mà tôi từng được xem thấy.”

Phải chăng đó cũng là thứ ánh sáng mà Đức Giêsu đã tỏ cho ba môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan và Giacobê khi Ngài biến hình trước mặt các ông?  Trong cuộc biến hình này, các môn đệ được nghe một lời phán bảo: “Đây là Con Ta yêu dấu, kẻ Ta đã chọn, các ngươi hãy nghe lời Ngài” (Lc 9:35).  Trong chương kế tiếp, Thánh sử Luca đã khéo léo trình bày việc “nghe lời” Đức Giêsu không gì khác hơn là ra đi rao giảng Tin Mừng Tình thương.  Chương 10 đã kể việc Chúa sai 72 môn đệ lên đường truyền giáo, đồng thời cũng làm nổi bật giáo lý của Đấng Cứu Thế qua câu hỏi “giới răn nào trọng nhất” của một luật sĩ, và qua câu chuyện “Người Samari Nhân Hậu” như những minh họa cho giáo lý yêu thương.

Cao điểm của cuộc biến hình là lời mời gọi “Hãy nghe Ngài.”  “Nghe Ngài” là để tiếp nối những cuộc biến hình khác, giữa cuộc đời này, bằng tình yêu.  Chính nhờ tình yêu mà Mẹ Têrêsa đã biến những thân xác tanh hôi, đau yếu, bị bỏ rơi, nên những con người có đầy đủ phẩm giá và đáng tôn trọng.  Chính nhờ tình yêu mà mẹ đã biến đổi tâm hồn của Malcolm, một kẻ “coi trời bằng vung”, nên cung điện tươi xinh cho Thiên Chúa ngự trị.

Không phải Chúa Giêsu đã từng nói: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đệ của Ta: ấy là các ngươi có lòng mến thương nhau” (Ga 13:35)?  Chính với yêu thương, cảm thông, cứu giúp, chia sẻ mà tha nhân thấy được dung mạo của Đức Kitô trong cuộc đời của bạn và tôi.

Ước gì tình yêu thương nhau sẽ biến hình đời ta và biến đổi đời người.  Ước gì tình yêu đó cũng giúp ta thắng vượt bao gian nan, trắc trở, và khổ giá trên đường đời, để tiến đến một ngày Phục sinh tươi sáng.

Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn

BÀI HỌC NƠI HOANG ĐỊA 

“Để đón nhận Hồng Ân của Chúa, bạn phải vào hoang địa và ở đó một lúc.”
Chân phước Charles de Foucauld

Mọi Kitô hữu đều phải vào hoang địa một lúc nào đó.  Hoang địa là sa mạc, là khoảng đất trống, khô khan, và “hoang địa” cũng là khi chúng ta cảm thấy sự mất mát, lầm lẫn, đau lòng, cô đơn.

Tôi đã vào hoang địa nhiều lần – có khi là một ngày, có khi là một tháng.  Nhức nhối lắm.  Khó chịu lắm.  Cần phải biết từ bỏ chính mình và các ước muốn.  Nhưng qua nhiều năm, tôi thấy rằng những lúc đó có sức biến đổi nhiều nhất.  Khi tôi thực sự nghĩ về điều đó, những lần mà tôi cảm thấy gần gũi với Thiên Chúa nhiều nhất.

Trong Mùa Chay này, thời gian mà Giáo hội tiến vào sa mạc của sự từ bỏ mình và sám hối.  Chúng ta có thể ghi nhớ 5 bài học quan trọng này để củng cố đời sống và tiến bước trên đường lữ hành trần gian:

1. Chúng ta luôn cần ơn Chúa.  Không có gì khiêm nhường hơn là thu mình vào nơi tĩnh lặng. Hầu như tôi luôn vào sa mạc ngay khi tôi nghĩ mình có những điều cần giải quyết.  Ngẫu nhiên chăng?  Có thể là không.  Chỉ khi Thiên Chúa tước lột hết thì chúng ta mới hiểu được chúng ta yếu đuối thế nào khi không có Ngài.  Chúng ta nhận ra ý chí mình quá nhu nhược, nên cần được an ủi về thể lý, tình cảm, hoặc tâm linh.  Chúng ta chịu đau khổ một thời gian vì không được an ủi, nhưng khi Thiên Chúa phục hồi những điều đó, chúng ta biết là phải yêu mến Ngài và nhận biết lòng nhân lành của Ngài

2. Trưởng thành từ đau khổ. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Khi ở trong sa mạc, tôi phải thực hành các nhân đức mà tôi muốn phát triển nhưng tôi quá yếu đuối hoặc cố chấp.  Chỉ khi Thiên Chúa thúc ép tôi bằng cách nhẹ nhàng của Ngài thì tôi mới thực sự khả dĩ phát triển trong Ngài.  Bất kỳ nỗ lực nào Ngài muốn chúng ta làm cũng đều là cơ hội để chúng ta trưởng thành hơn.

3. Thiên Chúa dùng sự gian khổ để kêu gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài. Thi thoảng Thiên Chúa kéo chúng ta vào hoang địa để chúng ta gặp gỡ và trò chuyện thân mật với Ngài:“Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2:14).  Khi nào chúng ta thoát ly mọi thứ chia trí trần thế hoặc đau khổ, chúng ta mới có thể liên kết với Ngài đúng mức.  Một số an ủi tâm linh có được từ những lúc đau khổ và cô đơn.  Có vẻ như đó là cách duy nhất mà Thiên Chúa có thể bước vào tâm hồn chai cứng của chúng ta.

4. Chúng ta không một mình, dù có vẻ như chúng ta bơ vơ. Ở trong hoang địa tâm linh hoặc tinh thần có vẻ là nơi cô đơn nhất thế gian. Nhưng ngay trong khoảng trống vắng đó, chúng ta lại khả dĩ nhớ rằng chúng ta thực sự không bao giờ một mình, vì Thiên Chúa luôn hiện diện để hướng dẫn, an ủi, và nâng đỡ chúng ta.

5. Mọi sự sẽ ổn. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Thiên Chúa biết rõ giới hạn của chúng ta.  Ngài biết thập giá của chúng ta nặng nề, chúng ta cần trợ giúp.  Đó là lý do Ngài ân xá cho chúng ta, chúng ta được đổi mới về sức mạnh, và chúng ta lại dễ dàng tín thác vào Ngài.  Hãy nhớ rằng cuối cùng dân Do Thái cũng vào Đất Hứa sau 40 năm dài đằng đẵng nơi hoang đại.  Và chúng ta cũng vậy.

Trong Mùa Chay này, và những lúc khác trong cuộc sống, khi chúng ta cảm thấy trống vắng hoặc khô khan, đừng tìm cách chạy trốn, mà hãy tự hỏi mình: “Thiên Chúa muốn dạy tôi điều gì trong lúc khó khăn?  Ngài muốn tôi trau dồi nhân đức nào: Tín thác, từ bỏ mình, khiêm nhường?  Ngài đang lột bỏ cái gì nơi tôi để tôi có thể bước theo Ngài sát hơn: Kiêu ngạo, ý định, ước muốn?”

Chúng ta hãy ấp ủ sự biến đổi yêu thương mà Đức Kitô muốn nơi chúng ta trong thời gian này, khi chúng ta nghĩ rằng không có gì xảy ra hoặc khi chúng ta đi về phía hư vô, vì đó là lúc chúng ta trở nên hoàn thiện nhất trên hành trình nên thánh.  Hoang địa có thể lạnh lẽo và trống vắng.  Nhưng nếu chúng ta bước đi trên cát bên Đức Kitô, nắm lấy tay Ngài, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và xinh đẹp hơn trước.

Amy Atkinson
Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

HÀNH ĐỘNG MÙA CHAY 

Kinh Thánh nhắn nhủ: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để ĐÓN CHỊU THỬ THÁCH.  Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ” (Hc 2:1-2).  Thử thách đó không chỉ là những nỗi khổ niềm đau, mà còn là những cơn cám dỗ như sóng xô không ngừng.

Phàm nhân là cát bụi, tro bụi, vì được Thiên Chúa tạo nên từ đất, thế nên rất yếu đuối, dễ dàng sa ngã, nhưng khốn nạn là vẫn kiêu căng, và tất nhiên cũng luôn cần nhận diện mình mà ăn năn sám hối.  Thánh Louis Marie de Montfort nói: “Thiên Chúa thường xuyên và thực sự rất thường xuyên để cho các tôi trung cao cả của Người vấp phải những sai lỗi nhục nhã nhất.  Điều ấy hạ thấp họ trước mắt họ và trước mắt những người đồng sự của họ.  Điều ấy giữ cho họ khỏi nhìn thấy và không kiêu hãnh về những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho họ.”

Sám hối liên quan cầu nguyện và ăn chay.  Ăn chay không chỉ là nhịn đói và từ khước thói quen vui thú nào đó, mà còn liên quan thực tế đời sống.  Kinh Thánh đặt ra vấn đề thực tế: “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58:9b-10).  Còn thời gian để ăn chay và đền tội là còn diễm phúc lắm.

Mùa Chay – dịp tốt ăn năn
Bụi tro nhắc nhớ chớ quên phận mình!
Ăn chay, sám hối, hy sinh
Yêu thương, bác ái, công bình, thứ tha

Mùa Chay là thời điểm hành động cụ thể – làm thật chứ không chỉ mong ước hoặc nói suông.  Mùa Chay nhắc nhớ về thân phận bụi tro, yếu đuối và tội lỗi, chắc chắn như vậy, nhưng quan trọng là nhớ đến cái chết: Memento Mori – Hãy nhớ mình sẽ chết.  Màu Tím phủ đầy: Tím cõi lòng, tím ăn năn, tím sám hối, tím khiêm nhường, tím yêu thương, tím chia sẻ, tím cầu nguyện, tím nghĩ suy, tím tin kính, tím thú tội…  Màu tím tươi đẹp sắc thánh đức chứ không buồn sầu thảm não.

Ai cũng sa ngã, nhưng quan trọng hơn là can đảm đứng dậy.  Thánh François de Sales động viên: “Sau khi đã sa ngã, hãy hướng tâm hồn lên một cách dịu dàng và êm đềm.  Hãy sấp mình trước thánh nhan Thiên Chúa trong sự ý thức về nỗi khốn cùng của mình.  Đừng ngạc nhiên trước sự yếu đuối của mình, bởi vì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, sự yếu đuối thì phải yếu đuối thôi.”  Đừng bao giờ ỷ lại hoặc tuyệt vọng, bởi vì như thế là động thái cố chấp và kiêu ngạo!

Cần Thiết Trở Về

Trở về không chỉ cần thiết mà còn cấp bách, vì đó là bước khởi đầu để được Thiên Chúa xót thương.  Vả lại, chính Đức Kitô đã khuyến cáo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2; Mt 4:17).

Biết ăn năn sám hối là điều tốt, nhưng coi chừng thói hợm mình và ỷ lại, rồi tự nhủ: “Tôi đã phạm tội nhưng nào có sao?  Bởi vì Đức Chúa nhẫn nại!  Đừng ỷ được tha thứ mà khinh thường, rồi cứ chồng chất tội này lên tội khác” (Hc 5:4-5).  Đừng lần lữa hoặc chần chừ, mà hãy nghe lời nhắn nhủ của Đức Chúa: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van”(Ge 2:12).  Tuy nhiên, vấn đề là “ĐỪNG xé áo, nhưng HÃY xé lòng” và “TRỞ VỀ cùng Đức Chúa là Thiên Chúa, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa” (Ge 2:13).  Vì thế, nếu chúng ta thành tâm sám hối, nhận biết sự khốn nạn của mình, Thiên Chúa sẽ “nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu chúng ta có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” (Ge 2:14).  Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi tội nhân ăn năn.

Từ xưa, qua miệng ngôn sứ Giô-en, Thiên Chúa đã tuyên ngôn: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú.  Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!” (Ge 2:16).  Ai cũng đã từng phạm tội nên cũng phải sám hối: “Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và thân thưa: Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài!  Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại!” (Ge 2:17).  Quả thật, “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người.  Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát” (Ge 2:18).  Thiên Chúa không muốn ai phải hư mất, bởi vì ai cũng là tác phẩm do Ngài tạo nên, ai cũng là con cái của Ngài.

Mới được hình thành, chưa được sinh ra, chúng ta đã mắc tội rồi: Tội Tổ Tông.  Rồi lớn khôn, càng sống lâu càng nhiều tội.  Như vậy, không ai lại không có tội, cho nên không ai lại không phải khẩn khoản cầu xin Lòng Chúa Thương Xót: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.  Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:3-4).  Phạm tội là lầm đường lạc lối, vì lầm lạc mà phải trở về.

Trở về là từ bỏ con đường cũ, là sám hối, là ăn năn.  Nhưng để có thể trở về thì phải khiêm nhường nhận ra sự đốn hèn của mình: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.  Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài.  Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử” (Tv 51:5-6).  Và rồi lại phải tiếp tục van xin: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.  Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.  Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:12-14).  Chắc chắn Thiên Chúa sẽ mủi lòng mà động lòng trắc ẩn.

Thiên Chúa kêu gọi: “Hãy RỬA cho sạch, TẨY cho hết, và VỨT BỎ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta.  ĐỪNG làm điều ác nữa!” (Is 1:16). Sám hối và cầu nguyện không chỉ phải thực hiện trong Mùa Chay, mà phải thực hiện suốt đời – bao lâu còn thở, như Giáo Hội vẫn cầu xin hằng ngày: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:17).  Đời sống tâm linh lúc nào cũng cấp bách: “Đừng trì hoãn, hãy trở về với Đức Chúa đi; đừng lần lữa hết ngày này qua ngày khác, vì thình lình Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ, và trong thời trừng phạt, con sẽ phải tiêu vong” (Hc 5:7).

Chân thành khuyên nhủ, Thánh Phaolô cho biết: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy.  Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.  Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5:20-21).  Chúng ta không thể hiểu thấu và không thể dùng trí thông minh của phàm nhân mà lý luận về cách hành động “ngược đời” như vậy của Chúa Giêsu.  Chúng ta chỉ có thể cúi đầu mà cảm phục và tạ ơn Ngài mà thôi, đồng thời tín nhân chúng ta cũng phải không ngừng cố gắng sống “ngược đời” như Ngài.

Và rồi Thánh Phaolô còn cho biết thêm: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa thì đừng để trở nên vô hiệu.  Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ.  Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6:2).  Sám hối lúc nào cũng cần đối với loài người chúng ta, nhưng sám hối càng cần hơn vào các thời điểm đặc biệt như cuối ngày, đặc biệt là Mùa Chay.

Mục Đích Trở Về

Làm gì cũng đều có mục đích.  Học hỏi để thành nhân.  Kiêng cữ để giảm cân hoặc chữa bệnh.  Ăn chay để kiềm chế xác thịt – vì “ăn no rửng mỡ.”  Trở về để gặp gỡ Thiên Chúa, để được Ngài xót thương, tha thứ và cứu độ.  Thế nhưng trở về cũng phải biết cách: Ăn chay đúng cách, sám hối đúng cách, làm việc lành đúng cách.  Chúa Giêsu hướng dẫn cụ thể: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy.  Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng”(Mt 6:1).  Chúa Giêsu sống khiêm nhường nên Ngài rất thích những người khiêm nhường.  Và Ngài tiếp tục khuyến cáo: “Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen.  Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6:2).  Những mệnh lệnh phủ định mang thông điệp mạnh mẽ về cách thực hiện: Đừng và Chớ.

Cách thức của Chúa Giêsu luôn khác cách thức của chúng ta, chắc hẳn đôi khi chúng ta cũng thực sự cảm thấy “khó chịu”, bởi vì những gì mình làm không được ai biết đến – nhất là những điều hay, điều tốt.  Chỉ trong một đám tiệc nhỏ, chẳng nhiều người, vậy mà người ta cũng muốn thể hiện “tài năng” của mình bằng cách giành nhau hát, giành nhau nói.  Thế nhưng Chúa Giêsu lại bảo chúng ta phải âm thầm và kín đáo, không được phô trương hoặc khoe khoang.  Thật vậy, chính Ngài kề tai nhắn nhủ mỗi chúng ta: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí được kín đáo.  Và Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho bạn” (Mt 6:3-4).

Để chúng ta có thể nhận thức rõ ràng hơn, Chúa Giêsu đưa ra ví dụ rất cụ thể: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy.  Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.  Còn bạn, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của bạn, Đấng hiện diện nơi kín đáo.  Và Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho bạn” (Mt 6:5-6).  Im lặng là khôn ngoan, im lặng là mạnh mẽ, không phải ai cũng có thể làm được như vậy!

Mùa Chay có một chuỗi hoạt động liên kết chặt chẽ với nhau: sám hối – ăn chay – cầu nguyện – bác ái. Đó là quy trình cần thiết trong Hành Trình Mùa Chay.  Hành trình đó không là 40 ngày hoặc 40 năm, mà là hành trình cả đời, không được lơ đãng bất kỳ một giây phút nào.  Tịnh tâm rất cần để hồi phục, cả về thể lý lẫn tinh thần.  Trai tịnh nghĩa là ăn chay cả thể lý lẫn tinh thần.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin biến đổi chúng con, xin giúp chúng con biết chân thành trở về với Ngài và trở về với tha nhân bằng hành động cụ thể là yêu thương và tha thứ cho nhau, để chúng con xứng đáng được thông phần đau khổ với Con Một Ngài, tràn trề hy vọng được sống lại với Đấng-Tử-Nạn-và-Phục-Sinh.  Xin biến đổi các tội nhân và nâng đỡ những người đau khổ.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.  Amen!

Trầm Thiên Thu