ĐỨC ÁI

Tiên tri Giêrêmia được sinh ra trong một gia đình thuộc dòng tư tế ở miền Bắc Giêrusalem.  Thiên Chúa đã gọi, thúc giục và tác động cách mạnh mẽ trong tâm hồn của ông ngay khi còn thơ trẻ.  Giêrêmia chấp nhận sứ mệnh ra đi giữa bao thử thách và khó khăn.  Sứ mệnh của ngài kéo dài qua nhiều thập niên trong lịch sử của cộng đồng Giêrusalem.  Ngài đã tiên báo về sự đe doạ và sụp đổ của thành Giêrusalem.  Tiên tri có cá tính riêng và rất mạnh mẽ chịu đựng những khổ cực cùng với đoàn dân.  Giêrêmia đã giúp mọi người nhận ra những hậu quả xấu mà họ phải gánh chịu do sự bất trung và tội lỗi gây nên.  Đôi khi ông cũng cảm thấy đuối sức và ngại ngùng, nên đã muốn chối từ sứ vụ đặc biệt này.  Nhưng cánh tay của Chúa luôn dẫn dắt ông trong mọi nẻo đường.  Ông thố lộ tâm tư qua sự mạc khải: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1,5).  Chúng ta biết rằng sứ mệnh tiên tri là một ơn gọi đặc biệt vì là trung gian giữa Thiên Chúa và dân Người.  Thiên Chúa hứa ban sức mạnh và đồng hành cùng ông trong cuộc hành trình đầy gian nan này.  Đối diện với sự ruồng bắt và cái chết, ai mà không lo sợ cho tính mạng của mình.  Giêrêmia cũng không ngoại lệ, ông cũng là con người mang nhiều sự yếu đuối và lỗi lầm như mọi người.  Sứ điệp của ông là kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối để trở về cùng Thiên Chúa.  Ông đã đặt niềm tin vào Chúa là kiên thuẫn và dũng lực.  Thiên Chúa hứa: “Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì sấm ngôn của Thiên Chúa, có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.” (Gr 1,19).  Giêrêmia đã trung thành với sứ vụ được trao ban và đã chứng kiến bao cảnh thăng trầm của Dân Do Thái từ năm 627 tới khoảng năm 587 BC.

Sứ mệnh khó khăn của các tiên tri là phải đối đầu với đời sống con người thế tục.  Các nhà cầm quyền đã dùng mọi ảnh hưởng để loại trừ thần quyền ra khỏi cuộc sống.  Họ dùng sức mạnh và bạo lực của thế quyền để đàn áp, tẩy chay và loại trừ các nhân chứng của sự thật và công chính.  Lòng người thế trần bị nhuốm màu tội lỗi vì sống thả theo bản năng thú tính và tìm thoả mãn mọi đòi hỏi của tham sân si.  Nhiều người không còn muốn nghe những lời khuyên răn luân lý đạo đức.  Đôi khi họ cho rằng những người sống đạo hạnh, công chính và chân thật là những người dại khờ.  Phải tranh đấu để sống.  Sống là phải hưởng thụ.  Chúng ta biết đời sống là cuộc chạy đua.  Không phải mọi người đều nhận ra được con đường chính thật.  Người ngu mà biết mình ngu là người có trí.  Người ngu mà tưởng mình có trí thì càng ngu hơn.  Không biết chính mình là người vô minh và ngu đần.  Đôi khi họ lại tưởng nghĩ mình là người khôn ngoan và sành đời.  Luôn tìm cách tiêu diệt những người công chính và coi họ như là cản mũi kỳ đà.

Chúa Giêsu biết rất rõ về số phận của các nhân chứng cho sự thật.  Từ xưa, số phận các tiên tri hoặc ngôn sứ đã thường bị bách hại, xua đuổi và tẩy chay.  Chính Chúa Giêsu cũng đã cảm nghiệm điều này ngay tại quê quán mình: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4,24).  Làm nhân chứng cho sự thật giữa một xã hội bị tục hoá như hiện nay là một sự dấn thân hy sinh và từ bỏ.  Các trào lưu xuôi dòng đang cuồn cuộn kéo lôi con người như thác lũ đi vào cuộc sống hưởng thụ thế tục.  Nhiều nhà cầm quyền có xu hướng chạy theo thị hiếu và mị dân chấp thuận những khuynh hướng của nền văn minh sự chết.  Các thế hệ trẻ hiện nay dễ bị đầu độc bởi nền văn hóa thụ hưởng rất tinh tế và nhẹ nhàng qua cách suy tưởng và phán đoán thuận theo đa số.  Là Kitô hữu, chúng ta không thể chạy theo những trào lưu hào phóng bên ngoài, nhưng phải biết tìm kiếm nguồn chân thiện mỹ.  Hãy yêu chuộng những vẻ đẹp của đời sống lương tâm tự nhiên đã được in ghi trong tâm hồn.  Chúa Giêsu về lại làng quê mình để gặp gỡ và truyền rao sứ mạng cứu độ.  Người đồng hương ngạc nhiên về lời giảng dạy của Chúa nhưng họ không mở lòng đón nhận chân lý.  Họ đòi hỏi và thách thức quyền năng của Chúa: “Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi.  Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.” (Lc 4,29).  Chúa Giêsu đâu làm gì nên tội để bị đối xử tệ như thế.  Có lẽ tâm hồn của họ bị khép kín và trái tim bị đóng băng lạnh lùng.  Họ không chấp nhận lời giảng và cũng không đón nhận chính Chúa.  Họ đã vào hùa với nhau chống báng và xua trừ Chúa để khỏi phải nghe những lời chân thật.  Chúa Giêsu cùng đồng số phận với các tiên tri bị người đời ngược đãi và thế gian chống đối ghét bỏ.

Số phận các ngôn sứ hôm nay cũng không khá hơn các vị tiền bối.  Những nhà truyền giáo và các nhân chứng sự thật đều phải đối diện với hiện trạng thờ ơ và lạnh nhạt trong đời sống luân lý, đạo đức.  Dù trong hoàn cảnh nào, xem ra sự kiện có thực mới vực được đạo hay đi đạo lấy gạo mà ăn vẫn có thể kéo lôi nhiều người.  Khi cuộc sống ổn định về kinh tế và tài chính, đời sống đạo cũng nhờ đó mà thăng hoa.  Chúng ta chấp nhận rằng thực tế cuộc sống luôn đòi hỏi phải đáp ứng những nhu cầu cụ thể trước.  Chính Giáo Hội cũng đang nỗ lực giúp đỡ những vùng truyền giáo xa xôi.  Họ thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất.  Nhân chứng sự thật không thể tách rời khỏi những nhu cầu căn bản cuộc sống của người dân.

Một điều rất quan trọng mà thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13,3).  Đức mến là cốt lõi của việc ra đi làm nhân chứng.  Là nhân chứng cho Chúa Kitô, chúng ta không thể thiếu tình yêu chia sẻ.  Nếu tất cả mọi việc phục vụ tha nhân với trái tim yêu thương, sẽ mang lại niềm vui và ý nghĩa đích thực.  Yêu rồi làm.  Tình yêu sẽ thăng hoa tất cả.  Phaolô khuyên dạy: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.” (1 Cr 13,4-6).

Đức ái là nhân đức tuyệt hảo.  Chỉ có tình yêu mới có thể tha thứ, bao dung và liên kết nên một.  Tình yêu như lửa hun đốt và hâm nóng những tâm hồn nguội lạnh.  Một thái độ cảm thông yêu mến có thể xoá nhòa mọi lỗi lầm.  Một cử chỉ yêu thương có thể khơi dậy niềm hy vọng.  Một dấu ấn tình yêu có thể đổi đời.  Một lời nói dễ thương có thể vỗ về tâm hồn nguội lạnh.  Ôi tình yêu thật diệu vời!  Ai trong chúng ta cũng có trái tim để yêu, chỉ cần chúng ta biết mở cửa trái tim để trao ban và đón nhận.  Tình yêu như dòng sông nước chảy, càng chảy càng thấm nhuần.  Yêu là cho đi và cũng là đón nhận.  Một tình yêu tuôn trào sẽ tạo nguồn sống tươi vui và hạnh phúc.  Chúng ta đang ngụp lặn trong biển tình: tình Chúa, tình gia đình và tình nhân loại.  Tình yêu chính là lẽ sống.

Lạy Chúa, Chúa là Tình Yêu.  Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ dám hiến thân mình vì bạn hữu.  Chúa đã hiến mình vì yêu thương chúng con.  Xin cho chúng con biết yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân.  Chỉ có đức mến mới tồn tại muôn đời: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cr 13,13).

 Lm. Giuse Trần Việt Hùng

CHIẾN ĐẤU VỚI CÁI TÔI

Ngày ấy, khi còn đang học ở Đại Chủng viện, có lần tôi về thăm một linh mục già về hưu, cha bảo: “Cần thiết sống linh mục trước khi làm linh mục.”  Sống linh mục!  Cái “tôi” tốt bụng trong tôi gật đầu, cho rằng điều vị linh mục nói chí lý.  Cho đến nay, dù đã làm linh mục, và vị linh mục già kia cũng đã quy tiên, tôi vẫn còn thấy đúng, vẫn còn ấp ủ trong suy nghĩ và trong lòng mến của mình.  Chính vì cảm nghiệm sâu lắng như thế, vì muốn sống hoàn hảo hơn chức linh mục của mình, cũng vì niềm ao ước cho các thế hệ đàn em chuẩn bị hành trang cần thiết cho đời linh mục của chính bản thân họ mai sau, mà tôi đã nói đi nói lại với học trò của mình cách ân cần và nói nhiều lần rằng: “Anh em thân mến, anh em cần phải sống linh mục trước khi làm linh mục.”  Và hôm nay, ghi lại những dòng ngắn ngủi này, tôi muốn gởi đến họ, những người sẽ tiếp bước các thế hệ đàn anh phụng sự Chúa Kitô, phục vụ Giáo Hội và phục vụ con người, sẽ là những linh mục mang hình ảnh của chính Linh Mục Kitô.

Tuy nhiên, ngày ấy, khi nghe vị linh mục già nhắn nhủ mình, không phải trong tôi đã hoàn toàn quy phục.  Bởi sống linh mục là thế nào?  Chưa làm linh mục mà lại sống linh mục…, nghe lạ quá!  Ngày ấy cái “tôi” xấu bụng trong tôi cười khì, rồi lên tiếng đặt vấn đề như thế.

Có lẽ ngày hôm nay, khi nghe tôi bảo “Hãy sống linh mục trước khi làm linh mục”, bạn cũng ít nhiều đặt vấn đề như tôi ngày ấy?  Nhưng bạn ạ, lời khuyên ấy không hề là lời khuyên thiếu căn cứ.  Nó là bài học cảm nghiệm cả một đời linh mục của vị linh mục già đáng kính.  Hôm nay nó còn là cảm nghiệm của chính bản thân tôi, dù chưa già, nhưng ít nhiều đã nhận ra giá trị của lời khuyên “Hãy sống linh mục trước khi làm linh mục”.

  1. Mâu thuẫn nội tại

Một “kẻ lành” và một “kẻ xấu” ngay trong bản thân tôi.  Đó là thực tại mà tôi đã có kinh nghiệm.  Thực tại ấy làm nên những mâu thuẫn ngay trong nội tâm của tôi.  Mâu thuẫn thường xuyên xảy ra.  Mâu thuẫn nội tại.  Mâu thuẫn do tôi.  Đó cũng là sự thật mà tông đồ Phaolô đã nhìn nhận cách chân thành nhưng bi đát: “Sự lành tôi muốn, tôi không làm, sự dữ tôi không muốn, tôi lại làm.  Khi tôi làm điều tôi không muốn, thì không phải tôi làm, mà là tội lỗi ở trong tôi chủ động.  Như vậy tôi có kinh nghiệm này là: Khi tôi muốn làm sự lành thì sự dữ đã hiện ra bên cạnh tôi.  Trong thâm tâm tôi, tôi vốn yêu mến lề luật Chúa.  Nhưng tôi thấy xuất hiện trong tôi một lề luật khác, chống đối lề luật nơi bản thân tôi và lôi cuốn tôi sa vào cạm bẫy của tội lỗi trong mình tôi” (Rm 7, 19- 23).  Mâu thuẫn chỉ chấm dứt cùng với sự chấm dứt của cuộc đời mỗi người.  Phần thưởng của Thiên Chúa sẽ dành cho người yêu mến Thiên Chúa, sống trong chân lý và chiến đấu chống “kẻ dữ” nơi chính mình.

Không có cuộc chiến nào đòi người ta phải kiên trì cho bằng cuộc chiến với chính mình, nó đòi cả một đời.  Làm sao có thể nên hoàn thiện hơn?  Làm sao mỗi ngày một bớt đi cái xấu?  Đó là điều mà mọi người thiện chí phải bứt rứt, băn khoăn.  Chính vì điều này mà cuộc chiến với bản thân có giá trị, được xem là chính đáng, được loài người khuyến khích nhau.  Vì khi chiến đấu đẩy xa cái xấu nội tại nơi chính mình, con người sẽ nhích gần tới nhau.  Đó cũng là ý muốn của Thiên Chúa, của Giáo Hội.  Vì chiến thắng bản thân mình, còn hơn cả việc được hiệp thông với nhau trên bình diện con người, đó là một chiến thắng mang giá trị cứu độ.

  1. Thân phận lữ hành

Một kẻ lành và một kẻ xấu hiện diện ngay trong bản thân, đó chính là tình trạng của kẻ lữ hành.  Bởi vì lữ hành là còn phải bước đi, là chưa hoàn thiện, là khiếm khuyết, là phải vươn tới liên tục…  Đó là tình trạng giằng co của người chưa đạt tới đích phải đến.

Cái xấu và cái tốt đó cũng chính là thực tại nội tâm, một thực tại có thực, không sờ, không thấy được, chỉ có thể kiểm chứng bằng hành động, “do quả của chúng các ngươi nhận biết chúng” (Mt 7, 16a).  Hay: “Điều tự người ta ra, điều đó làm cho người ta nhơ uế.  Vì tự trong lòng người ta xuất ra những điều xấu xa” (Mc 7, 20- 21).  Một thực tại mà ai cũng dễ nhận ra, “sự lành tôi muốn, tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn, tôi lại làm…”  Mang thân phận lữ hành, nội tâm con người cứ mãi bị xáo trộn và mất bình an như thế.  Điều còn lại là thiện chí, là quyết tâm, là sống để từng bước nên hoàn thiện tiến về tương lai hằng hữu, chứ đừng buông trôi để rồi vuột mất tương lai ấy.

  1. Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người

Chúa Kitô đến trần gian để chia sẻ kiếp người cùng con người.  Người hiểu và thông cảm sâu xa với thân phận yếu hèn của chúng ta.  Nhưng không vì thế Người cất khỏi những dằn vặt, những xáo trộn nơi chính bản thân ta.  Tình trạng giằng co ấy cần thiết để con người chứng minh lòng trung thành của mình.  Vượt qua liên tục để vươn tới cái thiện, cái tốt sẽ nâng cao giá trị của cuộc sống, làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa, thêm phong phú.  Không có gì khó hơn cuộc đấu tranh của bản thân với bản thân. Nhưng cũng không có gì đẹp lòng Thiên Chúa cho bằng chiến đấu chống cái ác giành lấy cái thiện.  Điều chắc chắn, Thiên Chúa sẽ không bỏ mặc con người phải chiến đấu một mình.  Người sẽ giúp sức để họ chiến thắng.

Khi mang lấy xác phàm, Chúa Kitô đã nhiều lần chiến đấu với bản thân, với cám dỗ, với mọi mưu ma của thế gian.  Khi ghi lại ba lần Chúa chiến thắng những cơn cám dỗ, Phúc Âm đã xác quyết điều đó (Mt 4, 1-11).  Chúa Kitô đã chiến thắng, và chiến thắng cả sự chết.  Chính vì thế Người đã được tôn vinh: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và ban cho Người danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu” (Philip 2, 9).

Khi chiến đấu với chính bản thân để thánh ý Thiên Chúa nên trọn, Chúa Kitô nên gương sáng cho chúng ta soi rọi mà bắt chước Người.  Và khi được tôn vinh, Người là nguồn hy vọng cho những ai tín nghĩa đến cùng.  Chiến thắng và được tôn vinh của Chúa Kitô là mạch suối cứu độ đời đời.

* * * * * * * * * *

Cuộc đời là một chuỗi dài những chiến đấu.  Cho đến nay, khi viết những điều này, tôi vẫn chưa hiểu hết điều vị linh mục nói với tôi.  “Sống linh mục” là sống cái gì?  Cụ thể sống thế nào để được gọi là “sống linh mục?”  Vì sao lại phải “sống linh mục trước khi làm linh mục?”

Nhưng cũng từ câu nói ấy, tôi chợt nhận ra nơi mình đã có “hai kẻ” hiện hữu từ rất lâu: “kẻ lành”, và “kẻ dữ”.  Cũng từ ấy tôi bắt đầu tập chiến đấu với chính mình nhiều hơn.  Không phải lúc nào cũng thành công, hay thành công lúc này là đương nhiên thành công trong mọi lúc.  Vì thế tôi cứ phải chiến đấu và cứ tập chiến đấu.  Tôi tự nhủ: sống linh mục chính là rèn luyện bản thân, là chiến đấu để vươn lên hoàn thiện.  Sống linh mục trước khi làm linh mục như thế, để khi làm linh mục, tôi ĐÃ CÓ MỘT THÓI QUEN SỐNG LINH MỤC.

Lm. Vũ Xuân Hạnh

SỰ GIÀU CÓ CỦA THIÊN CHÚA LÀ LỜI MỜI GỌI CHO LÒNG QUẢNG ĐẠI 

Mặt trời hào phóng một cách lạ thường, không giây phút nào là nó không chiếu sáng nhất.

Các nhà khoa học cho biết, bên trong mặt trời, cứ mỗi giây có một tỉ lệ tương đương với bốn triệu con voi được chuyển hóa thành ánh sáng, một thứ quà tặng chỉ biết cho đi, không bao giờ biết nhận lại.  Mặt trời vẫn tiếp tục đốt cháy nó.  Nếu sự hào phóng này ngừng lại, đương nhiên tất cả năng lượng sẽ mất nguồn cung cấp, mọi sự sẽ chết và bất động.  Chúng ta, và mọi vật trên hành tinh này, sống được là nhờ sự hào phóng của mặt trời.

Trong sự hào phóng này, mặt trời phản ánh sự giàu có của Thiên Chúa, một sự hào phóng mời gọi chúng ta cũng trở nên hào phóng theo, mở rộng quả tim, dấn thân nhiều hơn để tận hiến bản thân mình trong công việc hy sinh, để làm chứng nhân cho sự giàu có của Thiên Chúa.

Nhưng điều này không dễ.  Một cách bản năng, chúng ta có khuynh hướng tự nhiên là tích trữ và để dành để cho cuộc sống được an toàn.  Bản chất chúng ta là sợ và sống chùm với nhau.  Vì vậy, dù nghèo hay không, chúng ta đều có cảm nhận thiếu thốn, luôn luôn sợ mình không có đủ, và vì không có đủ, chúng ta phải cẩn thận khi cho, chúng ta không thể quá hào phóng được.

Nhưng Thiên Chúa làm ngược lại với điều tự nhiên trên.  Thiên Chúa rộng rãi, giàu có, quảng đại, và hào phóng vượt ra ngoài những lo sợ và tưởng tượng nhỏ nhoi của chúng ta.  Vũ trụ của Thiên Chúa quá phong phú và phi thường.  Kích thước của vũ trụ, chỉ tính riêng về những gì con người đã khám phá, cũng đã là không tưởng tượng nổi.  Quá dồi dào và hào phóng là đặc nét của Thiên Chúa.

Chúng ta thấy điều này qua dụ ngôn Người gieo giống trong Kinh Thánh: Người gieo giống, đại diện cho Thiên Chúa, người mà Đức Giê-su mô tả, không phải là người  tính toán, gieo cẩn thận và chỉ gieo ở những mảnh đất màu mỡ.  Người gieo giống này gieo không phân biệt nơi gieo: bên vệ đường, trong bụi gai, trên đá, nơi mảnh đất cằn cỗi, cũng như nơi tốt tươi.  Hình như ông quá dư hạt giống nên có thể nói cách gieo giống của ông xuất phát từ tính hào phóng của sự dồi dào hơn là tính thận trọng của sự thiếu thốn.  Chúng ta cũng thấy sự giàu có này trong dụ ngôn người làm công vườn nho, gia chủ, đại diện cho Thiên Chúa, trả công đồng đều cho tất cả người làm công, không phân biệt ai trước ai sau.  Thiên Chúa, như chúng ta biết, giàu có vô hạn và không bao giờ tính toán chi ly trong việc ban phát.

Thiên Chúa cũng rộng rãi và quảng đại khi tha thứ, như chúng ta thấy trong các phúc âm.  Trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, người cha tha cho người con hoang đàng, ông cho vượt lên sự giàu có của ông, nhiều khi sự giàu có này làm cho nhân phẩm bị mất vì quá tính toán cho mình.  Chúng ta cũng thấy sự rộng rãi này nơi Đức Giê-su khi Người tha thứ cho kẻ hành hình cũng như tất cả những ai bỏ Người trong cuộc thương khó.  Qua những gì chúng ta thấy, Thiên Chúa quá giàu tình yêu, quá giàu lòng thương xót nên Ngài mới phung phí, quá quảng đại, không tính toán, không kỳ thị, dám nhận bất trắc, và có quả tim rộng lượng vượt quá trí tưởng tượng chúng ta.

Và đó là lời mời gọi: Để có được một khái niệm về sự giàu có của Thiên Chúa, một giàu có dám nhận bất trắc, chúng ta cần có một quả tim luôn rộng mở và một lòng quảng đại vượt lên trên bản năng sợ hãi, bản năng làm chúng ta nghĩ rằng, chỉ vì chúng ta không có đủ nên cần tính toán chi ly nhiều hơn.

Trong tất cả các phúc âm, phúc âm thánh Lu-ca chứa đựng một trong những sứ điệp mạnh mẽ nhất về đức công bình (cứ sáu hàng là có một thách thức trực tiếp với đức công bình đối với người nghèo) nhưng tuy thế, trong phúc âm thánh Lu-ca, Đức Giê-su vẫn nhắc nhở về mối hiểm nguy của giàu có, Ngài không bao giờ lên án sự giàu có hay người giàu có.  Hơn thế Người phân biệt sự giàu có quảng đại và giàu có bủn xỉn.  Người giàu có quảng đại tốt lành vì họ tỏa ra và hiện thân cho sự giàu có và lòng quảng đại của Thiên Chúa trong khi người giàu có bủn xỉn không tốt bởi vì họ đưa ra một hình ảnh sai lầm về sự giàu có, quảng đại, và quả tim rộng lớn của Thiên Chúa.

Đức Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta đong đấu nào sẽ nhận lại đấu đó.  Điểm chính là nói lên rằng không khí chúng ta thở ra là không khí chúng ta hít vào.  Điều đó không chỉ đúng về mặt sinh thái học mà nó còn đúng cho mọi khía cạnh chung của cuộc sống.  Nếu chúng ta thở ra sự bủn xỉn, chúng ta sẽ hít vào sự bủn xỉn; nếu chúng ta thở ra tính nhỏ nhen, chúng ta sẽ hít vào tính nhỏ nhen; nếu chúng ta thở ra sự gắt gỏng cay chua, chúng ta cũng sẽ hít vào sự gắt gỏng cay chua đó; và nếu chúng ta thở ra sự thiếu thốn khiến chúng ta tính toán và dè dặt, thì sự toán tính và dè dặt đó sẽ là không khí chúng ta hít vào.  Nhưng, nếu nhận thức được sự giàu có của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thở ra lòng quảng đại và bao dung, và khi đó chúng ta sẽ hít không khí quảng đại và bao dung vào.  Chúng ta hít vào những gì chúng ta thở ra.

Tôi chưa bao giờ gặp ai thật sự có lòng quảng đại mà họ lại không nói rằng, lúc nào họ cũng nhận được nhiều hơn cho.  Và tôi cũng chưa bao giờ gặp một ai thật sự có quả tim rộng rãi mà lại sống trong cảm nhận mình thiếu thốn.  Để có lòng quảng đại và quả tim rộng mở thì trước hết chúng ta phải tin vào sự giàu có và lòng quảng đại của Thiên Chúa.

Nhờ sự giàu có của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được ánh sáng mặt trời, một vũ trụ lớn lao hào phóng vượt sức tưởng tượng của loài người.  Đó không phải chỉ là thử thách cho tinh thần và trí tưởng tượng, nhưng đặc biệt là thử thách cho quả tim, để nó trở nên giàu có và quảng đại hơn.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ỨNG NGHIỆM LỜI CHÚA

Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.  Tin Mừng nhiều lần đề cập đến điều này.  Chẳng hạn như: được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện.  Hôm nay được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người đi rao giảng khắp miền Galilê.  Trở về Nagiaréth, Người đọc Sách Thánh trong hội đường đúng đoạn nói về Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.  Nhiều lần Tin Mừng nói Chúa Giêsu tràn đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần.  Nhờ đâu được như thế?  Một phần nhờ việc đọc Sách Thánh.

Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh.  Tin Mừng hôm nay diễn tả: “Rồi Chúa Giêsu đến Nagiaréth, là nơi Người sinh trưởng.  Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabbat, và đứng lên đọc Sách Thánh.”  Yêu mến và gắn bó với hội đường, nên Chúa Giêsu thường xuyên đến sinh hoạt với mọi người trong hội đường.  Yêu mến và gắn bó với Sách Thánh nên Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh.  Còn hơn thế nữa, sau khi đọc, Người đứng ra giải nghĩa cho mọi người.  Đó là nếp sinh hoạt bình thường của Người.  Nếp sinh hoạt này đã thành thói quen từ khi Người còn nhỏ bé.  Nên ngay từ khi lên 12 tuổi, Người đã có thể đối đáp với các bậc tiến sĩ trong Đền Thờ Giêrusalem.

Chúa Giêsu kính cẩn đọc Sách Thánh.  Chúa Giêsu không đọc Sách Thánh theo thói quen.  Người đọc một cách trịnh trọng kính cẩn.  Ta hãy chiêm ngắm thái độ của Người theo lời diễn tả của thánh Luca: “Họ trao cho Người cuốn sách tiên tri Isaia. Người mở ra và đọc… Người cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống.  Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.  Người bắt đầu nói với họ.”  Thật là trang nghiêm kính cẩn.  Thái độ của Người ảnh hưởng đến cả hội đường.  Nên khi Người đọc mọi người chăm chú nhìn Người.  Chúa Giêsu trân trọng việc đọc Sách Thánh vì Người luôn thao thức tìm thánh ý Chúa Cha.  Người đọc Sách Thánh để tìm hướng dẫn cho cuộc đời.  Người đọc Sách Thánh để mong chu toàn thánh ý Chúa Cha.  Người nhận biết thánh ý Chúa Cha qua những trang Sách Thánh.  Người cố đọc giữa những hàng chữ để tìm thánh ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu nghiêm túc thực hành lời Sách Thánh.  Khi nói với mọi người rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói đến hai điều.  Điều thứ nhất: Người tìm thấy thánh ý Chúa Cha qua đoạn Sách Thánh.  Với thái độ kính cẩn, với lòng khiêm tốn hiếu thảo lắng nghe, Chúa Giêsu đã đọc được thánh ý Chúa Cha qua đoạn sách tiên tri Isaia.  Biết lời tiên tri Isaia ứng nghiệm vào sứ mạng của mình.  Điều thứ hai: Biết được thánh ý Chúa Cha rồi, Chúa Giêsu cương quyết thực hành.  Người coi đó là chương trình hành động.  Người coi đó là chỉ nam hướng dẫn.  Dù sứ mạng của Người vừa mới khởi đầu, Người cũng cương quyết hoàn thành.  Suốt đời Người sẽ thực hành chương trình này.  Vì thế đoạn sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

Đây là mẫu gương cho ta.  Đó là kết quả của Ơn Chúa Thánh Thần.  Hãy thường xuyên đọc Kinh Thánh để ta luôn được tiếp xúc với Thiên Chúa.  Hãy kính cẩn tìm thánh ý Chúa trong Kinh Thánh chắc chắn ta sẽ được ơn Chúa soi sáng cho biết đường đi.  Nhất là hãy quyết tâm thực hành Lời Chúa mà ta đã đọc.  Ta sẽ được tràn đầy Ơn Chúa Thánh Thần.  Thật vậy, chẳng ai có thể say mê Kinh Thánh nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần lôi cuốn.  Chẳng ai tìm được thánh ý Thiên Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng.  Chẳng ai có thể thực hành Lời Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ.  Như một phản hồi hai chiều.  Càng được Ơn Chúa Thánh Thần ta càng say mê Kinh Thánh.  Càng say mê Kinh Thánh ta lại càng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời.  Cuộc đời sống theo Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ hoàn toàn ứng nghiệm ý định của Thiên Chúa cho bản thân và cho tha nhân.  Đó chính là cuộc đời đạt được mục đích cao quý nhất.

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

MỘT CON NGƯỜI ĐÃ TÉ XUỐNG ĐẤT 

“Khi một tâm hồn chai đá biết để mở ra với Thần Khí, Thiên Chúa sẽ luôn ban ơn sủng dồi dào và một phẩm giá được phục hồi.  Điều này cần được diễn ra ngang qua sự khiêm nhường, tự hạ.  Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Sáu, 15.04, tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta.”  Bài đọc một hôm nay thuật lại cuộc hoán cải của Thánh Phao-lô.

“Có lòng nhiệt thành với những điều thánh thiêng thì không có nghĩa là sẽ có một con tim rộng mở với Thiên Chúa.”  Đức Thánh Cha đã minh họa điều này bằng gương của Sao-lô (Phao-lô), quê ở Tác-xô, một người đầy sốt sắng trong niềm tin tưởng và nghiêm chỉnh tuân giữ những quy tắc mà đức tin truyền dạy, nhưng lại có một con tim khép kín, hoàn toàn câm điếc trước Đức Kitô, thậm chí ông còn đồng ý tiêu diệt và bỏ tù những Kitô đang sống ở Đa-mát.

Sự khiêm nhường làm tan chảy con tim

“Ngay trên con đường thực hiện mục tiêu đã đặt ra, tất cả mọi sự đã đảo ngược so với dự định của Phao-lô.  Cuộc hành trình trên con đường Đa-mát ấy đã trở thành khúc tình sử về một con người dám để cho Thiên Chúa biến đổi trái tim mình: Một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy Phao-lô.  Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông.  Trong phút chốc, mắt ông hóa mù lòa, không còn thấy gì nữa.  Một Phao-lô đầy mạnh mẽ và xác tín, giờ đây đã ngã xuống đất.  Nhưng chính trong hoàn cảnh đó, ông thấu hiểu sự thật về mình: Ông đã không là một người như Thiên Chúa mong muốn, vì Thiên Chúa tạo dựng tất cả chúng ta là những con người hiên ngang, đầu đội trời chân đạp đất.  Vì thế, tiếng nói bởi trời không chỉ tra vấn Phao-lô: “Tại sao ngươi bắt bớ ta?” nhưng còn mời gọi ông đứng dậy.

“Hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.”  Nhưng khi bắt đầu đứng dậy, Phao-lô nhận ra mình đã mù, không còn thấy gì cả.  Ông để cho người ta dẫn ông đi.  Và từ đó, con tim của ông bắt đầu mở ra.  Như vậy, Phao-lô đã được những người bạn đồng hành cầm tay dẫn tới Đa-mát.  Ông ở trong tình trạng mù lòa suốt ba ngày và cũng chẳng ăn, chẳng uống gì cả.  Con người này đã bị té xuống đất và ngài lập tức nhận ra rằng cần phải chấp nhận sự nhục nhã, bẽ mặt này trong khiêm hạ.  Như vậy, chính con đường tiến về Đa-mát ấy đã mở toang con tim của Phao-lô và giúp ông biết khiêm tốn hơn.  Cũng thế, khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta khiêm tốn và cho phép những nhục nhã, bẽ mặt xảy xa với chúng ta, chỉ với mục đích là giúp chúng ta trở nên ngoan ngoãn, giúp mở rộng con tim chúng ta ra với Đức Giêsu.  Đó là một con tim đã hoán cải.

Chúa Thánh Thần là nhân vật chính

Con tim của Phao-lô đã tan chảy.  Trong những ngày cô đơn và bị mù lòa ấy, cái nhìn nội tâm của Phao-lô đã biến đổi.  Thiên Chúa sai Kha-na-ni-a đến đặt tay trên Phao-lô để cho mắt ông lại thấy được.  Có một khía cạnh quan trọng trong tiến trình năng động này cần được để ý.

Chúng ta nhớ rằng nhân vật chính của câu chuyện không phải các thượng tế, kinh sư; cũng không phải Tê-pha-nô, cũng không phải Phi-líp-phê hay viên thái giám, và cũng không phải là Phao-lô… nhưng là chính Chúa Thánh Thần.  Nhân vật chính trong Giáo hội là Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng hướng dẫn Đoàn Dân Chúa.  Khi Kha-na-ni-a đặt tay trên Phao-lô, ngay lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông và ông lại thấy được.  Ông đứng dậy và chịu phép rửa.  Con tim chai đá của Phao-lô đã tan chảy và trở nên ngoan ngoãn trước Thần Khí.

Phẩm giá được phục hồi

Thật là đẹp khi chúng ta chiêm ngắm cách thức Thiên Chúa biến đổi tâm hồn con người, cho dù đó là những tâm hồn chai đá, ngang bướng, để trở nên mềm mại và ngoan ngoãn trước Thần Khí.  Cách nào đó, tất cả chúng ta đều có lòng chai dạ đá.  Nếu ai trong anh chị em không có, xin vui lòng giơ tay lên xem.  Ít nhiều, tất cả chúng ta đều có lòng chai đá.  Bởi vậy, chúng ta hãy nài xin để được nhìn thấy những chai đá đó quật ngã chúng ta xuống đất.  Nhưng đồng thời, chúng ta cũng khiêm tốn xin ơn để đừng nằm mãi dưới đất nhưng biết đứng dậy, đứng dậy với phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã tác tạo nên ta.  Đó chính là ơn sủng của một con tim rộng mở và ngoan ngoãn trước Thần Khí.”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

NÊN CHO HAY NHẬN?

Sách Huấn Ca dạy: “Con ơi, đừng tước đoạt miếng cơm manh áo của người nghèo, đừng để kẻ khốn cùng luống công chờ đợi.  Đừng làm cho kẻ đói phải buồn tủi, đừng chọc tức ai khi họ phải ngặt nghèo.  Một tâm hồn đang bực bội, con đừng làm khổ thêm, đừng bắt kẻ túng thiếu đợi lâu mới được con giúp đỡ.  Kẻ khốn khổ nài xin, con đừng từ chối, gặp người nghèo, con đừng ngoảnh mặt đi.  Đừng làm ngơ không nhìn đến kẻ thiếu thốn, kẻo nên cớ cho người ta nguyền rủa con” (Hc 4:1-5).

Cho là trao tặng, trao ban, hiến dâng,… với cả tấm lòng trân trọng và yêu quý.  Một động từ đẹp, không đẹp về cách viết mà đẹp về ý nghĩa đầy tính nhân bản, đầy tình thương xót, đầy lòng thứ tha, … không có thì không thể cho, vì người ta chỉ có thể cho những gì mình có – dù vật chất hay tinh thần.

Ngoài Tám Mối Phúc Thật (Mt 5:3-10), một trong những đại phúc khó tin nhất được đề cao trong Kinh thánh là: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35).  Người cho lại hạnh phúc hơn người nhận ư?  Có lộn không?  Thật là ngược với trực giác và bản năng của chúng ta.  Tuy nhiên, đó lại là sự thật với 5 lý do xác định nên cho hơn nhận.

Tuy nhiên, cũng nên nhớ lại câu nói ý vị của người Việt Nam: “Của cho không bằng cách cho.”  Một câu nói rất nhẹ nhưng rất đau, nhắc nhở chúng ta đừng vội… “chảnh” khi cho ai bất kỳ thứ gì!

  1. Cho là vâng lời Thiên Chúa

Cựu ước có nhiều mệnh lệnh hơn đối với việc cho về tài chính – cho ai, cho khi nào, cho bao nhiêu, cho cách nào, Tân ước ít mệnh lệnh này.  Có thể các tác giả Tân ước chỉ cho rằng Thiên Chúa đã cho chúng ta quá nhiều – thậm chí đã cho chính Đức Kitô làm giá cứu độ muôn dân, nhưng việc cho của chúng ta nên hợp lý và thoải mái.  Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8).  Một mệnh lệnh xem chừng quá “nhẹ” nhưng lại khó thực hành!

  1. Cho là phục tùng Thiên Chúa

Vâng lời (vâng phục, tuân phục, thanh tuân) là một nhân đức. Vâng lời liên quan việc “từ bỏ mình”, tức là khi vâng lời thì người ta phải bỏ ý riêng, đề cao ý người khác, vì khi vâng lời là “chết” cho chính mình.  Vâng lời cũng là một trong ba lời khấn chính của các tu sĩ.  Mỗi động thái vâng lời đều có giá trị cao trong cuộc đời Kitô hữu: “Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9).  Chúa Giêsu cũng hành động chỉ vì vâng lời: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này.  Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39).  Đó là vâng phục.

  1. Cho là thể hiện tình yêu Thiên Chúa

Cho là động thái tốt đẹp và hoàn hảo: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1:17).  Quả thật, xét cho cùng thì “tất cả đều là Hồng Ân” (Rm 4:16).  Những gì không thuộc về mình, vậy tại sao cứ giữ khư khư làm “tư sản” mà lại không muốn cho? Miệng nói yêu Thiên Chúa mà lại không muốn cho thì làm sao có thể gọi là tình yêu đúng nghĩa?  Nếu chỉ nói suông thì chúng ta chỉ là “thùng rỗng kêu to” (x. 1 Cr 13).  Người ta nói: “Tiền là tiên, là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân.”  Vậy chúng ta nghĩ gì về Thiên Chúa khi chúng ta dùng tiền bạc?

  1. Cho là rao truyền Thiên Chúa cứu độ

Thiên Chúa là Đấng-tự-hiến, sẵn sàng trao ban tất cả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).  Đó là lý do mà Tông đồ Phaolô muốn khuyến khích chúng ta nên cho, dẫn chứng sống động bằng chính Đức Kitô: “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8:9).  Chúa Giêsu giàu đức tin, giàu yêu thương… nên Ngài muốn chúng ta cũng phải như thế.  Khi chúng ta hy sinh, chịu đau khổ, nhịn nhục… vì lợi ích của người khác, đó là chúng ta biết cho vì đức ái, là loan báo Tin Mừng và nên giống Đức Kitô.

  1. Cho là tin tưởng Thiên Chúa quan phòng

Nỗi sợ là rào cản khiến chúng ta không muốn cho.  Tại sao?  Sợ cho quá nhiều, sợ uổng phí, sợ mình bị thiếu hụt…  Khi biết cho là biết hy sinh, chúng ta bày tỏ đức tin và niềm tín thác vào Thiên Chúa vì chắc chắn Ngài luôn quan phòng và lo liệu đủ cho chúng ta.  Đây không là điên rồ, mà là đức tin.  Nhiều Kitô hữu đã tìm được niềm vui trong công việc từ thiện, công việc tông đồ.  Đó là cách bẻ tấm-bánh-cuộc-đời-mình và trao cho tha nhân: “Cơm bánh của bạn, hãy đem thả trên mặt nước, về lâu về dài, bạn sẽ tìm lại được” (Gv 11:1).  Thiên Chúa quan phòng sẽ lo liệu nếu chúng ta vâng lời Ngài và tin tưởng: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 22:).

Có những điều nghịch lý được Kinh Thánh đề cập: “Có khi lâm nạn lại thành công, gặp may mà hoá thiệt thòi.  Có lúc cho đi mà con không được lợi, có lúc cho đi lại được trả gấp đôi.  Đôi khi vinh quang đem lại nhục nhã, kẻ thấp hèn lại được ngẩng đầu hiên ngang.  Có kẻ sắm nhiều mà tốn ít, nhưng thực ra phải trả gấp bảy lần.  Người khôn ngoan nói ít cũng gây được thiện cảm, lời hoa mỹ của kẻ ngu đần chỉ là thứ đổ đi.  Ích gì cho con quà biếu của đứa khờ dại: nó biếu một mà trông được mười.  Nó cho thì ít, trách mắng thì nhiều, miệng oang oang như thằng mõ, hôm nay cho mượn, ngày mai đã đòi” (Hc 20:9-15).  Vậy mà không phải vậy.  Trong đó đầy triết lý sống mà chúng ta phải miệt mài học cả đời!

Biết cho là sống khôn ngoan, bởi vì “khôn ngoan chính là cây sự sống đối với người nào nắm được khôn ngoan” (Cn 3:18).  Sự sống đề cập ở đây là sự sống đời đời, sự sống vĩnh hằng.

Trầm Thiên Thu

CUỘC SỐNG LUÔN CẦN SỰ QUAN TÂM

Sau khi chịu phép rửa của Thánh Gioan, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai.  Ngài rao giảng Tin mừng.  Đi liền với lời rao giảng là các phép lạ.  Bài Tin mừng hôm nay tường thuật phép lạ Ngài biến nước thành rượu ngon theo lời thỉnh cầu của Đức Mẹ.  Đây là phép lạ đầu tiên của Ngài.  Qua phép lạ này, chúng ta thấy được những bài học về sự quan tâm: Sự quan tâm của Đức Mẹ; sự quan tâm của Chúa Giêsu và sự quan tâm của các gia nhân.

  1. Sự quan tâm của Đức Mẹ

Đi dự đám cưới để chúc mừng hạnh phúc của đôi tân hôn là chuyện bình thường trong cuộc sống.  Đặc biệt khi con người có những mối liên hệ: ruột thịt, họ hàng, bạn bè, làng xóm láng giềng với nhau.  Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu và Mẹ Maria đi dự tiệc cưới.  Chắc chắn gia đình chủ tiệc có liên hệ gì đó với Mẹ Maria và Chúa Giêsu.  Thông thường, những người được mời đến dự tiệc sẽ được sắp xếp ngồi vào chỗ đã chuẩn bị trước và được gia chủ tiếp đón một cách chu đáo.  Đức Mẹ và Chúa Giêsu là khách mời, và có lẽ là khách mời danh dự nên sẽ được sắp xếp vào chỗ ngồi đặc biệt.  Nhưng tại sao Đức Mẹ lại biết chủ tiệc hết rượu?  Vì Mẹ quan tâm đến gia chủ.  Mẹ quan sát và thấy gia chủ bối rối.  Mẹ tìm hiểu và thấy họ hết rượu.  Đúng như người ta nói: Bác ái là tìm tòi.  Tìm sự thiếu thốn của người khác để quan tâm, để giúp đỡ.  Giúp đỡ như thế nào đây?  Đức Mẹ đã nghĩ đến Chúa Giêsu.  Vì Mẹ tin tưởng chỉ có Con của Mẹ mới có thể giải quyết được chuyện này.  Thế là Mẹ đã mạnh dạn đặt vấn đề với Chúa Giêsu, Con của Mẹ: “Họ hết rượu rồi” (x. Ga 2,3).  Vai trò của Mẹ là như thế: Cầu bầu.  Việc còn lại là của Chúa Giêsu.  Mặc dầu, câu trả lời của Chúa Giêsu có vẻ lạnh nhạt: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?  Giờ của tôi chưa đến” (x. Ga 2,4).  Nhưng Mẹ vẫn tin tưởng Chúa Giêsu sẽ làm gì đó để giúp đỡ chủ tiệc.  Bằng chứng là Mẹ đã bảo những người giúp việc “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (x. Ga 2,5).

Mẹ Maria có mặt ở tiệc cưới Cana là do lời mời của gia chủ, và cũng là do sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.  Ngày hôm nay, nhiều gia đình đang thiếu thốn cách này cách khác: Thiếu thốn sự quan tâm, thiếu thốn tình yêu, thiếu thốn miếng cơm manh áo, bị bệnh tật…  Hãy mời Mẹ về với gia đình, hãy dâng những nỗi khổ, những sự thiếu thốn của gia đình chúng ta cho Mẹ.  Mẹ sẽ sẵn sàng cầu bầu cùng Chúa giúp đỡ gia đình chúng ta như xưa Mẹ đã cầu bầu cùng Chúa giúp đỡ gia đình tiệc cưới tại Cana.

  1. Sự quan tâm của Đức Giêsu

Trong suốt 3 năm rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu hằng luôn quan tâm đến mọi hạng người để giúp đỡ, để biến đổi, để chữa lành.  Riêng trong đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Ngài quan tâm đến lời yêu cầu của Đức Mẹ.  Khi Mẹ Maria đề nghị Ngài cứu giúp gia tiệc, Chúa Giêsu trả lời cho Mẹ biết “Giờ Ngài chưa đến” (x. Ga 2,4).  Mặc dầu giờ chưa đến nhưng do lời thỉnh cầu của Mẹ, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon.  Điều đó chứng tỏ Ngài quan tâm đến Mẹ.  Sự quan tâm đó còn được thể hiện qua việc Ngài trối Đức Mẹ cho Thánh Gioan và trối Thánh Gioan cho Đức Mẹ.  Từ đó, Mẹ trở thành mẹ của mỗi người chúng ta.  Mẹ hằng yêu thương giúp đỡ chúng ta khi còn sống cũng như khi đã về trời.  Vì vậy, Giáo hội thường gán cho Mẹ các tước hiệu như: Đấng bênh vực, Mẹ Phù hộ, Mẹ cứu giúp, Đấng làm trung gian (x. LG 62).

Chúa Giêsu không những quan tâm đến Đức Mẹ mà Ngài còn quan tâm đến chủ tiệc và đôi tân hôn, tức là quan tâm đến đời sống gia đình.  Đám cưới là niềm vui lớn nhất trong đời của đôi tân hôn.  Chính vì vậy, cả đôi tân hôn và cả gia đình chủ tiệc đều mong muốn có một niềm vui trọn vẹn.  Thế mà, không hiểu sao giữa tiệc vui lại hết rượu.  Đây là sự cố xảy ra ngoài ý muốn của gia đình và cô dâu chú rể.  Vì không muốn họ mất đi niềm vui trọn vẹn, nên Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon để cứu giúp họ.  Việc Chúa Giêsu đi dự tiệc cưới và làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon nói lên sự quan tâm của Ngài đối với gia đình.  Đó là dấu chỉ Ngài sẽ lập Bí tích hôn phối sau này.  Bí tích hôn phối được Chúa thiết lập kết hợp người nam và người nữ thành vợ chồng.  Đặc tính của bí tích này là đơn hôn và vĩnh hôn.  Nghĩa là phải một vợ một chồng và phải sống với nhau cho đến chết.

  1. Sự quan tâm của các gia nhân 

Thông thường trong các đám cưới, ngoài cha mẹ anh em họ hàng ra còn có những người làng xóm, bạn bè…  Họ không phải là khách mời, nhưng là những người đến để giúp đỡ.  Họ giúp gia chủ những công việc như: Dựng rạp, sắp đặt bàn ghế, trang trí, nấu nướng, bưng bê mâm cỗ…  Tại đám cưới ở Cana, vai trò của những người này hết sức quan trọng.  Không những họ làm những công việc trên, mà họ còn đóng góp phần mình trong phép lạ hoá nước thành rượu ngon.  Sau khi đề nghị với Chúa Giêsu, Mẹ Maria bảo họ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (x. Ga 2,5).  Và khi nghe Chúa Giêsu bảo đổ đầy nước vào các chum.  Họ liền làm đúng như vậy.  Sau đó, Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc” (x. Ga 2,8).  Họ cũng làm theo như vậy, và phép lạ đã được thực hiện.

Như vậy, phép lạ hoá nước thành rượu ngon do Chúa Giêsu làm nhưng nhờ lời thỉnh cầu của Mẹ Maria và sự cộng tác tích cực của các gia nhân.

Trong mọi biến cố vui buồn của cuộc sống gia đình, cần có sự quan tâm, giúp đỡ, cộng tác của những người xung quanh.  Đó là sự cộng tác: giữa vợ chồng với nhau; giữa cha mẹ và con cái; giữa anh em ruột thịt; giữa bạn bè; giữa làng xóm láng giềng.  Mỗi người Chúa ban cho mỗi khả năng, nếu biết quan tâm, giúp đỡ, cộng tác với nhau chắc chắn sẽ đem lại lợi ích to lớn.  Thánh Phaolô trong bài đọc II đã nói: “Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh.  Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.  Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người”(1 Cr 12, 9-11).

Cuộc sống cần sự quan tâm.  Noi gương Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các gia nhân trong bài Tin Mừng, mỗi chúng ta hãy thể hiện sự quan tâm của chúng ta đối với những người xung quanh.  Mình giúp người, người giúp mình đó là quy luật của cuộc sống.  Để thấy rõ hơn điều đó, chúng ta hãy nghe câu chuyện cảm động sau đây:

Một nữ công nhân làm việc tại nhà máy chế biến thịt đông lạnh.  Ngày hôm ấy, sau khi hoàn thành công việc, như thường lệ cô đi vào kho đông lạnh để kiểm tra một chút.  Đột nhiên, cửa phòng bị đóng và khóa lại, cô bị nhốt ở bên trong mà không một ai biết.

Cô vừa hét khản cổ họng vừa đập cửa với hy vọng có người nghe được tiếng mình mà đến cứu, nhưng vẫn không có ai nghe thấy.  Lúc này tất cả công nhân đã tan ca, toàn bộ nhà máy đều yên tĩnh.

Sau 6 giờ chiều hôm ấy, nữ công nhân lạnh cóng người, tuyệt vọng và đau khổ…  Đang lúc cô tưởng như không chịu đựng được nữa thì bất ngờ được người bảo vệ đến mở cửa cứu ra ngoài.

Hôm sau, cô gái hỏi người bảo vệ tại sao lại biết mình ở trong đó để đến mở cửa, mặc dù đây không phải khu vực mà ông ấy quản lý.

Người bảo vệ trả lời: “Tôi làm việc ở nhà máy này đã 35 năm rồi.  Mỗi ngày đều có mấy trăm công nhân ra ra vào vào.  Nhưng cô là người duy nhất mà ngày nào sáng sớm đi làm cũng chào hỏi tôi và buổi tối tan làm lại chào tạm biệt tôi trong khi có rất nhiều người xem như không nhìn thấy tôi vậy!   Hôm nay, tôi biết rõ ràng buổi sáng cô có đi làm bởi vì sáng sớm cô còn nói “cháu chào bác!”  Nhưng sau khi tan làm buổi chiều, tôi lại không nghe thấy tiếng cô chào: “Tạm biệt bác, hẹn ngày mai gặp lại!”   Thế là tôi quyết định đi vào trong nhà xưởng tìm xem thế nào.  Tôi đi đến những chỗ góc hẻo lánh tìm cô và cuối cùng lại nghe thấy tiếng khóc và tìm thấy cô ở trong kho đông lạnh…”

Hãy luôn khiêm tốn nhã nhặn, yêu thương và tôn trọng những người xung quanh mình bởi vì bạn không thể biết được sự tình gì sẽ xuất hiện vào ngày mai!

(Theo NTDTV, Mai Trà biên dịch)

Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đến tham dự tiệc cưới ở Cana và Chúa đã cứu gia đình chủ tiệc một bàn thua trông thấy khi làm phép lạ hoá nước thành rượu ngon.  Ngày hôm nay, nhiều gia đình đang tan nát vì họ thiếu thốn đủ thứ: Thiếu tình thương, thiếu sự kính trọng, thiếu sự quan tâm, thiếu niềm tin, thiếu lòng chung thuỷ…  Xin Chúa hãy đến với họ để giúp họ như xưa Chúa đã giúp gia chủ và đôi tân hôn tại tiệc cưới Cana. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

CHẤP NHẬN CHÍNH MÌNH

Có những lúc trời yên bể lặng, chúng ta thấy đời sao đẹp thế!  Mọi sự tưởng chừng như dễ chấp nhận đối với ta.  Nhưng đến những lúc biển gào sóng thét, chúng ta thấy đời sao bất công!  Mọi sự giờ đây trở nên bế tắc và không thể nào chấp nhận nổi.  Cảm nhận ấy là lẽ thường trong cuộc đời.  Tuy nhiên, dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa, chúng ta phải đảm nhận và chấp nhận cuộc đời mình.  Vì ai chối bỏ cuộc sống của mình, họ chối bỏ chính hiện hữu của mình và như thế, sống như thể chết vậy!  Chúng ta không chấp nhận đầu hàng cuộc sống này, cần tập chấp nhận chính mình.  Chúng ta không phải một sớm một chiều mà dễ dàng chấp nhận chính mình đâu!  Đây là bài học làm người mà chúng ta phải sống và trả giá suốt đời.  Quả thật, trước tiên, chúng ta cần chấp nhận hiện hữu của mình; rồi có cả một quá khứ cần được chúng ta đón nhận; có cả những thất bại và tương quan tha nhân cần được chúng ta chấp nhận, và có cả một đời người để được chúng ta vui nhận.  Vì mỗi ngày có một niềm vui và mỗi cuộc đời là một nguồn vui.

HIỆN HỮU

Nếu hiểu hiện hữu là yếu tố cơ bản và nền tảng cấu thành đời sống mỗi người thì việc chấp nhận hiện hữu của mình ắt phải được chúng ta quan tâm hàng đầu.  Nhưng thực tế cho thấy, đôi khi chúng ta đã khước từ hiện hữu của mình cách nào đó.

Trước tiên, chúng ta nhận ra có những bậc cha mẹ đã khước từ con cái của mình vì chúng không có trong kế hoạch của các ngài.  Điều này ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của đứa trẻ, và người ta thấy rằng tự nhiên có những khoảnh khắc những đứa trẻ này muốn tự tử mà không biết lý do. Tâm lý học đã trả lời rằng do sự khước từ của cha mẹ đối với đứa bé trong thời kỳ thai nhi.  Rồi lớn lên, chúng có những biểu hiện tiêu cực và muốn tự tử từ trong vô thức.  Đương sự cần xác tín rằng dù cha mẹ có bỏ con đi nữa thì đã có Chúa đón nhận con.  Chính khi sẵn sàng tha thứ cho bố mẹ mình mà họ có thể chấp nhận hiện hữu của mình mà không ngừng vượt qua để lớn lên.

Chẳng hạn: Steve Jobs người trở thành biểu tượng công nghệ của thế giới.  Trong một buổi nói chuyện tại đại học Stanford năm 2005, ông đã thừa nhận mình là một đứa con không được người mẹ thừa nhận vì mang thai lúc thời sinh viên mà chưa kết hôn.  Thế nhưng, ông đã chấp nhận biến cố ấy như khởi đi từ tuổi thơ bất hạnh để trở thành bậc thiên tài về công nghệ vi tính.  Thật vậy, chỉ khi chấp nhận hiện hữu của mình, chúng ta mới được người khác chấp nhận và tìm được chỗ đứng của mình trong lòng mọi người.

Hoặc có những người vì quá bám víu vào một mối tình nào đó đến khi nhận ra mình bị phản bội, họ đi đến giải pháp cuối cùng là tự vẫn.  Vì không khám phá ra giá trị đích thực của cuộc đời mình mà nhiều người đã khước từ hồng ân sự sống.

Có câu chuyện kể rằng: Một vị vua trồng cạnh lâu đài mình đủ thứ hoa và trái.  Quả thật, vườn cây của nhà vua có cảnh sắc tuyệt đẹp.  Cảnh sắc ấy cũng là nguồn vui và thư giãn cho nhà vua mỗi khi đi dạo.  Rồi một ngày kia nhà vua phải đi xa.  Khi trở về, ông vội vã ra thăm vườn và hết sức đau lòng khi thấy cỏ cây trơ trụi.

Ông đến gần cây hoa hồng vốn cung cấp những cánh hoa nhan sắc tuyệt vời, hỏi xem có chuyện gì đang xảy ra.  Cây hoa hồng tâm sự: “Tôi nhìn thấy cây táo kia và tự nhủ chẳng bao giờ mình sinh sản được những trái ngon như thế, rồi tôi chán nản và khô héo.”

Nhà vua lại đến thăm cây táo đang tàn úa và nghe nó kể lể: “Tôi nhìn cánh hồng kiêu sa đang tỏa hương và tự nhủ sẽ chẳng bao giờ tôi được đẹp đẽ và dễ thương như thế, rồi tôi bắt đầu khô héo.”  Thế rồi nhà vua phát hiện một cánh hoa bé bỏng vẫn tràn đầy sức sống.  Khi được hỏi thăm, cánh hoa tâm sự: “Tôi cũng sắp úa tàn vì thấy mình không có vẻ đẹp của đóa hồng, cũng chẳng có trái ngon của cây táo, nhưng rồi tôi tự nhủ: Nếu nhà vua, vốn là người giàu có và quyền lực, không muốn tôi có mặt trong cánh vườn này, thì ông đã bứng tôi đi lâu rồi.  Còn nếu nhà vua muốn giữ tôi lại, hẳn là vì ông muốn tôi là tôi chứ không là cái gì khác.  Kể từ đó, tôi vui tươi và vươn cao sức sống hết sức có thể.

Có hai bài học được rút ra ở đây:

–    So sánh sinh hủy diệt.

–    Khám phá nét độc đáo và duy nhất của bản thân dưới ánh nhìn của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể liên tưởng vị vua ấy chính là Thiên Chúa, Ngài đã muốn bạn có mặt trên đời, và chắc hẳn, Ngài có chương trình cho riêng bạn.  Và bạn có giá trị trước mắt Thiên Chúa.  Đó là động lực giúp mỗi người chấp nhận hiện hữu của mình để vươn lên những tầm cao như lòng Ngài mong đợi.

Ngoài ra, con người cũng có thể chối bỏ hiện hữu của mình khi đối diện với đau khổ. Điển hình là ông Gióp trong Kinh Thánh; ông đã nguyền rủa ngày ông chào đời: “ Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo: ‘Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi !’… Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ” ( G 3,3.11).  Cho dù con người có nguyền rủa, kêu la, khóc than thế nào đi nữa thì đau khổ vẫn còn đó!  Thậm chí, khi đó, thay vì vơi bớt nỗi đau, lại càng làm cho vết thương loét dần.  Có một cách giúp con người đón nhận thực tại hiện hữu này là khám phá ra ý nghĩa và giá trị đằng sau những gì bản thân đang chịu đựng, vì biết rằng thánh giá không quá sức ta.  Nếu Thiên Chúa đã thinh lặng khi Con Một mình chịu treo trên thập giá để cứu độ nhân loại thì việc Ngài thinh lặng khi thấy ta chịu đau khổ, chắc hẳn là sinh ích cho chính mình và nhiều người.  Ý nghĩa và giá trị cứu độ đã được hoàn tất sau cuộc Phục Sinh của Đức Kitô.  Chính khi ý thức có Ai đó đang đồng hành với mình, nỗi đau sẽ giảm trừ, nỗi buồn sẽ vơi đi và niềm cảm thương được nhân rộng; nhường chỗ cho một cuộc chữa lành.  Quả thật, khi đó bản thân được lớn lên nhờ đau khổ và thử thách; đồng thời, nó là bài trắc nghiệm cho lòng trắc ẩn của tình yêu nhân loại dành cho nhau và cho Thiên Chúa.

QUÁ KHỨ

Quá khứ đã sang trang, đã đi vào lịch sử.  Chúng ta không thể nào thay đổi lịch sử nhưng không thể nào để nó mưu toan gieo ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống hiện tại.  Để được thế, chúng ta cần chấp nhận quá khứ.

Đôi khi nghĩ lại tôi nhận ra mình là một cô bé ngô nghê và ngờ nghệch chẳng biết gì là chuyện đời; thiếu kinh nghiệm và đơn sơ quá lẽ.  Một chút xấu hổ nào đó thoáng qua nhưng đừng để lại điều gì mặc cảm.  Đức Phanxicô đã có lần khẳng định: sự xấu hổ giúp ta sống khiêm tốn hơn; còn mặc cảm khiến ta sống sợ hãi và cố chấp.  Nếu như sống khiêm tốn giúp chúng ta dễ dàng cởi mở với những gì mới mẻ trước mắt thì sự sợ hãi và cố chấp khiến ta thu mình vào vỏ bọc cái tôi an toàn.  Chúng ta chỉ có thể lớn lên khi ý thức mình đã qua một thời non dại, nhưng chúng ta cứ mãi ấu trĩ khi cuộn mình trong tổ kén mong manh.

Có thể nói, chấp nhận một quá khứ đã qua là cách sống an hòa với chính mình.  Chúng ta đã từng nghe câu chuyện của hai nhà sư trẻ.  Một người đã chấp nhận phạm giới để cõng một cô gái qua khỏi vũng nước và đã để cô lại bên bờ; còn vị sư trẻ kia không thể nào chấp nhận hành động lố bịch ấy của người bạn.  Cuối cùng, người này đã để cô gái lại bên bờ kia, còn vị sư trẻ nọ lại cõng cô ta mãi trong đầu.  Thế ai là người sống an nhiên tự tại và an hòa với chính mình?  Chỉ có những người quên đi chặng đường đã qua, lao mình về phía trước; chỉ có những người chấp nhận để cho quá khứ trôi qua và đặt nó một giá trị đúng đắn nào đó trong lịch sử cuộc đời; để rồi tiếp tục sống phút hiện tại với sự ngạc nhiên mới nơi những thực tại đang chào đón chúng ta.

Nếu ông Lêvi không chấp nhận quá khứ của mình, ông chẳng đi theo Chúa để trở thành một vị thánh sử ghi chép Tin Mừng.  Nếu ông Phaolô không chấp nhận quá khứ mình là một kẻ bách hại đạo, ông đã chẳng can đảm và tự tin khi giáp mặt với các Kitô hữu tiên khởi mà ông toan bắt giữ.  Hoặc nếu thánh Augustinô không chấp nhận quá khứ lầm lạc của mình, ngài đã không trở thành bậc thầy trong Giáo Hội.  Thật vậy, chỉ những ai chấp nhận quá khứ của mình, họ mới khả dĩ khám phá ra ơn gọi và sống sứ vụ của mình cách triệt để hơn.  Khi ấy, chấp nhận quá khứ của mình là một bước khám phá niềm vui sống.

THẤT BẠI

Có thể nói, chấp nhận thất bại là một điều hết sức khó khăn nơi mỗi người chúng ta; dẫu biết rằng:

Ai chiến thắng mà không từng chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần.

Chúng ta đã thất bại trong việc dựng xây cuộc đời mình; mọi sự đều đổ nát.  Nhưng đó lại là loại xà bần đổ nền rất chắc cho ngôi nhà tương lai.  Thất bại là qui luật đào thải tự nhiên của vạn vật, nhưng nếu ai chấp nhận nó, ắt sẽ nên khôn ngoan và cẩn trọng hơn khi tận dụng những cơ may trong cuộc đời.

Biết đâu, nhờ thất bại chúng ta có thời gian để lượng giá về bản thân mình.  Phải chăng bản thân chưa lường sức đủ để chớp lấy cơ hội thăng tiến?  Có những ảo tưởng mà chỉ nhờ thất bại con người mới ngộ ra.  Có những giới hạn mà chỉ nhờ thất bại con người mới thực sự thừa nhận.  Khi ấy, thất bại lại trở nên một lợi thế giúp bản thân biết mình hơn, nhờ đó, trăm trận trăm thắng.

Bài thực tập thú vị được gợi ý trong phần này là mỉm cười với chính mình.  Tập mỉm cười với những thất bại và giới hạn của bản thân trong hiện tại để có thể vui cười với chính mình trong tương lai.  Có thể chính nhờ thất bại mà con người sẽ nhận ra giá trị từng nỗ lực của bản thân để thành công.  Và khi ấy, thành công không làm con người ngạo mạn trái lại, luôn tinh tế và trân trọng những công khó mình làm ra.

THA NHÂN

Chúng ta thử hỏi tha nhân có liên quan gì đến việc chấp nhận chính mình?  Phải chăng có một mối dây vô hình ràng buộc tôi với hiện hữu của tha nhân?  Kinh nghiệm trong cuộc sống cho thấy: tha nhân là thành phần bản thân ta.  Chính vì thế, chấp nhận tha nhân đồng nghĩa với việc chấp nhận chính mình.

Tha nhân có những thứ gì đó mà ta không có.  Cũng như những thứ ta có mà tha nhân đang cần.  Như thế, khi ta đón nhận tha nhân vào trong cuộc sống của mình, cách nào đó, chúng ta làm phong phú bản thân, và ngược lại, khi tha nhân đón nhận ta, họ cũng được lắp đầy cách nào đó trong sự tương trợ lẫn nhau.  Và như thế, khi chấp nhận tha nhân nghĩa là ta chấp nhận những mặt yếu kém của mình nhờ sự bù đắp của họ.

Cũng có khi cả ta và tha nhân cùng một sở thích, một tính cách như nhau hay cùng chung lý tưởng… khi ấy, sự tương đồng của hai bên sẽ giúp nhau tiến bộ và lớn lên trong tình tương thân tương ái.  Để có một tình thân lâu bền, điều cần thiết là có những qui định ngầm cách nào đó ngỏ hầu có thể xa nhau đủ để tôn trọng nhau và gần nhau đủ để yêu thương nhau.  Chính khi một ai đó phá đi ranh giới của mình để đi sâu vào “thế giới riêng” của người khác mà ngay cả vợ chồng cũng ly dị nhau vì sự tổn thương không thể được chữa lành.  Bởi đó, sự tôn trọng thực sự luôn cần thiết cho hai tâm hồn chấp nhận nhau.  Thế rồi, một khi chấp nhận nhau bằng cách tôn trọng mối tương quan ấy, họ sẽ tiến tới bước nữa trong tình tương ái chân thành và tránh làm tổn thương nhau.

Xét cho cùng, chấp nhận tha nhân là chấp nhận họ như họ là.  Không có một sự áp đặt hay mưu toan chi phối đời sống người khác.  Khi ấy, họ sống cảm thức thuộc về nhau như thể tôi là niềm hãnh diện của bạn và bạn là niềm vui của đời tôi.

KẾT LUẬN

Cuộc sống muôn mặt vô cùng phong phú, cuộc đời muôn vạn nẻo đường để bước đi, hành trình chấp nhận là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong lãnh vực phát triển cá nhân, là khả năng thừa nhận toàn bộ sự thật về chính mình.  Trong đó, sự hiện hữu, quá khứ, thất bại và cả tha nhân được chủ thể hội nhập vào đời sống mình như những nhạc cụ hòa chung trong một bản nhạc cuộc đời duy nhất. Mặc dù còn đó những cung đàn lạc giọng nhưng một khi chấp nhận nó trong cuộc đời, chúng ta dễ bỏ qua và vượt qua những ích kỷ nhỏ nhen khiến tinh thần mệt mỏi mà sống vui trong từng khoảnh khắc cuộc đời đang chào đón chúng ta.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.

ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Kitô hữu ngày nay biết Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể; nhưng những người ngày xưa như dân Bêlem, dân làng Nadarét và cả những người nghe Đức Giêsu rao giảng, đều không biết Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể.  Họ đã đối xử với Đức Giêsu như một con người.  Vì thế, khi Đức Giêsu mặc khải Ngài ngang hàng với Thiên Chúa thì Ngài bị người ta kết án tử hình.  Đối với người thời đó, không có chuyện Thiên Chúa ba ngôi vị, nên chẳng có chuyện Thiên Chúa nhập thể.

Đức Giêsu là con của Đức Maria ở Nadarét.  Ngài đã được sinh trong chuồng chiên cừu ở Bêlem khi cha mẹ Ngài không tìm được chỗ qua đêm.  Ngài sinh ra như một người nghèo hèn nhất trong thiên hạ.  Không ai biết chân tướng của Ngài.  Có lẽ cả Đức Maria và thánh Giuse cũng chỉ biết Đức Giêsu là một người rất đặc biệt, là người của Thiên Chúa, nhưng vẫn chưa biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể.  Người ta chỉ biết Thiên Chúa là ba ngôi vị sau biến cố Đức Giêsu Phục Sinh.

Đức Giêsu đã sống một thời gian dài ở Nadarét như tất cả những người Do Thái thời đó.  Ngài hành nghề lao động như bao người nghèo.  Tin về Gioan con ông Dacaria rao giảng làm phép rửa sám hối đến làng Nadarét, chắc Đức Giêsu không phải là người duy nhất từ Nadarét muốn đi nhận lãnh phép rửa sám hối với Gioan.  Có lẽ Ngài đã xin Đức Maria, và được sự đồng ý của Mẹ, Ngài đã lên đường tới sông Jordan.  Ngài chờ đợi tới phiên mình.  Ngài cũng gục đầu sám hối như bao người.  Ngài cảm thấy mình liên đới với con người tội lỗi.  Ngài thống hối xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho tất cả mọi người.  “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian.”  Ngài chịu phép rửa, vì Ngài gánh tội trần gian.

Đức Giêsu đã sống một thời gian dài ở Nadarét, vì Ngài không thấy Thiên Chúa muốn Ngài làm điều gì đặc biệt.  Với biến cố này, Thiên Chúa thúc đẩy Ngài tới với Gioan để nhận phép rửa sám hối.  Sau khi lãnh nhận phép rửa sám hối, Thánh Thần Thiên Chúa đã thúc đẩy Ngài vào sa mạc ăn chay cầu nguyện (Mt.4, 1tt).  Ngài cầu nguyện để biết Thiên Chúa muốn Ngài làm gì.  Đức Giêsu là một người chia sẻ thân phận con người hoàn toàn, nghĩa là, Ngài cũng chấp nhận “đi tìm ý Thiên Chúa” như tất cả mọi người.  Cũng chính trong bầu khí này mà người ta hiểu tại sao Ngài lại bị cám dỗ.  Ma quỷ cám dỗ Ngài làm sai ý của Thiên Chúa Cha, nhưng Ngài đã chống lại.  Đức Giêsu đã chiến thắng.

Đức Giêsu cũng đã phải nhận định xem mình có nên chịu phép rửa hay không, vì Ngài thấy mình đâu có tội lỗi gì để mà phải nhận lãnh phép rửa sám hối.  Đức Giêsu đã muốn liên đới với con người, với tội nhân, nên Ngài đã đi nhận lãnh phép rửa.  Hành vi này của Ngài, đã được Thiên Chúa chuẩn nhận.  “Khi Ngài đang cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim câu.  Và có tiếng từ trời phán rằng: ‘Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.’”

Hành vi Đức Giêsu nhận lãnh phép rửa sám hối, làm đẹp lòng Thiên Chúa.  Khiêm tốn, liên đới với người nghèo và người tội lỗi, là cung cách hành xử của Thiên Chúa.  Đức Giêsu đã thực hiện đúng ý Người.  Đức Giêsu luôn tìm kiếm ý Thiên Chúa, và một khi thấy thì Ngài thi hành:

Của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta (Ga.4, 34),

Lạy Cha, nếu có thể thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha.

Đức Giêsu luôn tìm kiếm để biết Thiên Chúa muốn Ngài làm gì.  Sở dĩ vậy, vì Đức Giêsu chia sẻ thân phận con người hoàn toàn (Dt.2, 17; 4, 15).  Con người không biết nên phải tìm kiếm ý Thiên Chúa, thì cũng vậy Đức Giêsu cũng chia sẻ tính vô tri này của con người, và Ngài cũng phải liên tục tìm biết ý Thiên Chúa.

Khiêm tốn là nhìn nhận sự thật về chính mình.  Đức Giêsu đã nhìn nhận sự thật về chính Ngài, và hơn nữa, Ngài còn tự hạ mình, muốn chia sẻ thân phận của anh em mình vì yêu thương.  Hành vi này của Ngài, đã làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha.  Hành vi khiêm tốn, là hành vi chấp nhận sự thật về chính mình, và cũng là hành vi được điều khiển bởi tình yêu.  Yêu thương sẵn sàng hy sinh chính mạng sống mình để anh em mình được sống.

Biến cố Đức Giêsu xuất hiện, đã được Giáo Hội nhìn như một biến cố đặc biệt mà Cựu Ước đã loan báo như chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất: “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao; Hỡi kẻ loan tin mừng cho Jêrusalem, hãy cất tiếng lên cho thật lớn … kìa Thiên Chúa các ngươi đang tới.”   Nơi Đức Giêsu, người ta thấy vinh quang của Thiên Chúa.  Thiên Chúa đến cách đặc biệt nơi Đức Giêsu.

Biến cố Đức Giêsu cũng đã chi phối và biến đổi đời sống của những người tin Ngài một cách dứt khoát.  Đời sống của Kitô hữu phải dọi theo đời sống của chính Đức Giêsu Kitô.  Đức Giêsu luôn chọn ý Thiên Chúa trên tất cả, Ngài luôn yêu thương anh chị em mình.  Ngài yêu họ đến độ dám hy sinh chính mạng sống mình cho họ, nói cho họ biết Thiên Chúa yêu thương họ đến cùng khi cho Con Ngài nhập thể, cho dù khi nói như vậy Ngài bị người ta hiểu lầm và giết Ngài.  Đức Giêsu là người đã đến sống cho tình yêu và chết cho tình yêu.  Xin cho mỗi người chúng ta sống theo gương Ngài, yêu thương và khiêm tốn, để đem hạnh phúc cho những người chúng ta gặp gỡ và sống với.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

THĂNG TRẦM CỦA ĐỨC TIN

Nhà thơ và là nhà thần nghiệm Rumi, phái Sufi, từng viết rằng chúng ta sống với một bí mật thâm sâu mà đôi khi chúng ta biết, rồi lại không biết, rồi lại biết.  Đây là mô tả rất hay về đức tin.  Đức tin không phải là thứ bạn có thể giành lấy một lần là xong.  Đức tin là thế này: Có những lúc bạn bước đi trên mặt nước, và có những lúc bạn chìm nghỉm như hòn đá đến tận đáy.

Tin mừng làm chứng cho điều này, nhất là trong câu chuyện thánh Phêrô bước đi trên mặt nước.  Chúa Giêsu bảo Phêrô ra khỏi thuyền và bước đi trên mặt nước đến với Ngài.  Lúc đầu thì được, Phêrô không nghĩ gì và bước đi trên mặt nước, nhưng đến khi ông ý thức được việc mình đang làm, thì ông chìm nghỉm.  Chúng ta cũng thấy được sự dao động khủng khiếp nơi các môn đệ trong thời gian sau khi Chúa phục sinh.  Chúa Giêsu hiện ra với họ, họ tin Ngài đã sống lại, rồi Ngài lại biến mất, và họ lại mất lòng tin, trở lại cuộc sống thường nhật trước khi gặp Ngài, đi đánh cá ngoài biển.  Trình thuật sau biến cố phục sinh đã thể hiện những động năng của đức tin khá rõ ràng: Bạn tin.  Rồi bạn không tin.  Rồi bạn lại tin.  Ít nhất, vẻ ngoài là thế.

Chúng ta cũng thấy một ví dụ khác trong chuyện thánh Phêrô chối Chúa Giêsu.  Trong Tin mừng theo thánh Maccô, Chúa Giêsu bảo rằng có một bí mật phân chia người có đức tin và người không có.  Thầy cho các con biết bí mật của nước trời, nhưng chỉ dùng dụ ngôn với người ngoài.  Nghe có vẻ như Ngộ đạo thuyết, với ý niệm rằng có một mật mã bí mật nằm đâu đó (như trong truyện Mật mã Da Vinci chẳng hạn) mà một số thì biết và số khác không biết, và bạn được dự phần hay không là tùy vào hiểu biết này.  Nhưng ý Chúa Giêsu không phải thế.  Bí mật của Ngài là một bí mật mở, tất cả mọi người đều có thể biết: đó chính là ý nghĩa của thập giá.  Bất kỳ ai hiểu được điều này sẽ hiểu toàn bộ ngụ ý của Chúa Giêsu, và ngược lại.  Chúng ta dự phần hay không, tùy vào việc chúng ta có thể hay không thể nắm bắt và đón nhận ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu.

Nhưng, dự phần hay không, không phải là một chuyện làm một lần là xong.  Đúng hơn, chúng ta vào rồi ra!  Và sau khi thánh Phêrô đã chối Chúa Giêsu, Tin mừng viết rằng: “Ông đi ra ngoài.”  Câu này vừa có ý theo nghĩa đen và nghĩa bóng.  Sau khi chối Chúa, thánh Phêrô bước ra khỏi cửa đi vào đêm tối để tránh xa đám đông, nhưng ông cũng bước ra khỏi ý nghĩa đức tin của mình.

Đức tin của chúng ta cũng lên lên xuống xuống vì một lý do khác, đó là chúng ta hiểu sai về cách vận hành của đức tin.  Lấy ví dụ chàng thanh niên giàu có đã đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy nhân lành, con phải làm gì để có sự sống đời đời?”  Cách chọn từ của anh này là điểm đáng chú ý: “có”.  Sự sống đời đời như một thứ để chiếm hữu sao?  Chúa Giêsu nhẹ nhàng chỉnh đốn cách chọn từ của anh, và dạy cho chúng ta một điều quan trọng sống còn về đức tin.  Chúa Giêsu nói: “Nếu anh mong muốn đón nhận sự sống đời đời,” thế nghĩa là đức tin và sự sống đời đời không phải là thứ để chiếm hữu, cất giữ, và bảo vệ như thóc trong kho lẫm, tiền trong ngân hàng, hay nữ trang trong rương hòm.  Đức tin và sự sống đời đời, chỉ có thể đón nhận, như không khí chúng ta hít thở vậy.  Không khí thì miễn phí, có khắp nơi, và sức khỏe của chúng ta không phụ thuộc vào sự hiện diện của không khí, bởi mọi lúc mọi nơi đều có không khí mà, nhưng sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào tình trạng lá phổi vào thời điểm đó.  Đôi khi chúng ta hít thở sâu và cảm nhận luồng khí, nhưng đôi khi, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta hít thở kém, hổn hển, hết hơi, hay nghẹt thở.  Cũng như hít thở, đức tin cũng có những thể thức của mình.

Và do đó, chúng ta cần phải hiểu đức tin của mình, không phải như một thứ để chiếm hữu hay có thể đạt được một lần là xong, một thứ chỉ có thể mất đi khi xảy ra biến chuyển cực kỳ lớn trong cuộc đời, khi chuyển từ người có đức tin sang người vô thần.  Abraham Heschel đã nói rằng, “Đức tin không phải là tình trạng tin liên tục, nhưng là một dạng thành tín, trung thành với những thời khắc mà chúng ta có đức tin.”

Và điều này làm khuấy động một điều khác nữa: Đức tin thật, không hẳn phải được diễn tả hoàn toàn trong tính tôn giáo, nhưng có thể biểu lộ trong sự thành tín, trung thành, và tin cậy.  Ví dụ như, trong Giờ Tươi Sáng [The Bright Hour], một hồi ký đầy mãnh liệt viết vào thời điểm hấp hối vì bệnh ung thư, Nina Riggs đã chia sẻ đức tin mạnh mẽ nhưng âm thầm của cô khi bình thản đón nhận cái chết.  Cô không có một đức tin tôn giáo rõ ràng, nhưng có lần một y tá đã nói với cô: “Đức tin, cô phải có nó, và cô phải cần nó!”  Lời này khiến trong lòng cô phải suy ngẫm về những gì cô tin hay không tin, và cô đã đi đến suy nghĩ này: “Với tôi, đức tin hệ tại ở việc nhìn đăm đăm vào hố thẳm, thấy có bóng tối và những điều ta không biết, nhưng lòng thấy ổn với việc đó.”

Chúng ta cần phải tin những sự mà chúng ta không biết, biết rằng chúng ta sẽ ổn, dù cho rồi một ngày nào đó, chúng ta sẽ như người đang đi trên nước mà chìm nghỉm.  Đức tin là một sự thâm sâu hơn cảm nhận của chúng ta nhiều.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

************************************************

Lạy Chúa là Ánh sáng thân thương,
giữa những bủa vây của u sầu ảm đạm,
xin Chúa dẫn con đi.

Đêm thì tối, đường còn xa,
xin Chúa dẫn con đi,
xin giữ bước chân con.

Con đâu dám xin thấy tương lai xa xôi,
chỉ thấy một bước trước mặt cũng đủ rồi.

Chưa bao giờ con như bây giờ,
cũng chưa bao giờ con xin Chúa dẫn.
Con đã quen chọn và thấy con đường của mình.

Nhưng giờ đây,
xin Chúa dẫn con đi.

Chân phước John Henry Newman