ĐÊM ÁNH SÁNG

Đêm Giáng Sinh chìm trong lớp lớp bóng tối dày đặc.

Bóng tối tự nhiên của một đêm mùa đông ảm đạm.  Bóng tối cay đắng của đêm dài nô lệ khi đất nước chìm trong ách thống trị ngoại bang.  Bóng tối âm thầm nhẫn nhục của những kiếp người nghèo hèn lam lũ.  Bóng tối âm u trong túp lều lúc nhúc súc vật hôi tanh.  Bóng tối u mê của tội lỗi nhơ nhớp.

Giữa màn đêm dày đặc, Hài nhi Giêsu xuất hiện như một làn ánh sáng rực rỡ.

Đó là ánh sáng tình yêu

Tình yêu vốn là một ngọn lửa vừa chiếu sáng vừa sưởi ấm.  Hài nhi Giêsu là kết tinh tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Tình yêu đã đi đến tận cùng vì đã trao ban cho nhân loại món quà cao quí nhất không gì có thể so sánh được.  Trao ban Đức Giêsu là cho tất cả, không còn có thể cho thêm gì nữa.  Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đi tìm con người.  Thiên Chúa đã hạ mình thẳm sâu để xuống gặp con người.  Thiên Chúa đã tìm thấy con người trong những khốn cùng tột độ của nó.  Thật lạ lùng, Thiên Chúa quá yêu thương đến độ kết hợp với sự khốn cùng của nhân loại.  Thiên Chúa đã cưới lấy bản tính nhân loại.  Bóng đêm nhân loại nhận được ánh sáng của Thiên Chúa.  Bóng đêm khổ đau nhận được ánh sáng yêu thương.  Ánh sáng Thiên Chúa soi sáng kiếp người tăm tối.  Ánh sáng Thiên Chúa sưởi ấm cho nhân loại lạnh lẽo.

Đó là ánh sáng niềm tin

Ánh sáng Giáng Sinh chiếu toả trên những tâm hồn thiện chí.  Đêm nhân gian vẫn còn mê đắm.  Nhưng vẫn có những tâm hồn thiện chí tỉnh thức.  Đó là những tâm hồn bé nhỏ nghèo hèn.  Đó là những cuộc đời khiêm tốn sống âm thầm trong bóng tối.  Đó là những người nghèo của Thiên Chúa.  Đó là thánh Giuse, Đức Maria.  Đó là Ba Vua.  Đó là các mục đồng.  Khiêm nhường nên các ngài sẵn sàng đón nhận thánh ý Thiên Chúa.  Tỉnh thức nên các ngài nhạy bén đón nhận những dấu chỉ Thiên Chúa gửi đến.  Thiện chí nên các ngài hăng hái lên đường ngay khi nhận được tín hiệu.  Đơn sơ nên các ngài nhận được ánh sáng.  Hê rô đê và Giêrusalem chìm trong mê đắm nên ngôi sao đã tắt.  Trái lại “vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh các mục đồng.”  Và ngôi sao xuất hiện dẫn đường cho Ba Vua.  Ánh sáng đã bao phủ các ngài.  Ánh sáng đã dẫn đưa các ngài đến bên máng cỏ.  Ánh sáng đã khiến các ngài nhìn thấy “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” và các ngài đã tin.

Đó là ánh sáng hy vọng

Hài nhi Giêsu là hạt giống bé bỏng Thiên Chúa gieo vào thế giới.  Những tâm hồn thiện chí là mảnh đất phì nhiêu.  Những người nghèo của Thiên Chúa âm thầm kiên trì chờ đợi.  Những tâm hồn thiện chí như Ba Vua ngước mắt lên trời tìm kiếm.  Niềm khao khát đã được đáp ứng.  Đã đến mùa Thiên Chúa gieo hạt.  Hạt mầm thần linh gieo vào xác phàm sẽ thần hoá cả nhân loại.  Hạt giống Giêsu sẽ triển nở thành cây cao bóng cả cho muôn loài trú ngụ.  Mặt trời bé nhỏ Giêsu sẽ trở thành mặt trời chính ngọ soi chiếu đêm tối nhân gian.  Ánh bình minh Giêsu hứa hẹn một ngày mới chan hòa ánh sáng.  Với Hài nhi Giêsu, một thời đại mới khởi đầu: những người bé nhỏ được nâng lên, những người nghèo hèn được kính trọng.  Giêsu chính là hạt mầm hy vọng Thiên Chúa gieo vào thế giới.

Đó là ánh sáng Tin Mừng

Được thắp lửa, những tâm hồn thiện chí trở thành những ngọn đuốc, không chỉ sáng lên niềm vui, niềm tin, niềm hy vọng, mà còn chia sẻ ánh sáng với những người chung quanh.  “Họ kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.”  Tin Mừng được loan đi.  Niềm vui lan tới mọi tâm hồn.  Ánh sáng bừng lên phá tan đêm tối.

Hài nhi Giêsu như mầm cây vừa nhú.  Mầm cây cần bàn tay ân cần chăm bón để vươn thành cổ thụ cành lá xum xuê.  Hài nhi Giêsu như ngọn nến đem ánh sáng vào đêm tối.  Ngọn nến cần được nhiều bàn tay liên đới chuyền nhau cho ánh sáng lan rộng.

Xin cho con được trái tim của các mục đồng biết mở lòng ra đón nhận ánh sáng và biết đem ánh sáng của Chúa đi khắp nơi, để đêm tối trần gian được ngập tràn ánh sáng huy hoàng của Chúa.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

MANG CHÚA ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI

Cuộc sống hàng ngày, thăm viếng nhau là chuyện hết sức bình thường. Nghe tin bên nhà ông A có chuyện không may, ông B đến nhà ông A thăm hỏi, chia sẻ niềm đau. Hoặc biết nhà bà B có tin vui, bà A đon đả chạy sang góp thêm tiếng cười, chia sẻ niềm vui.  Hai người hàng xóm thăm nhau, hai người bạn thăm nhau, những người trong thân tộc máu mủ, họ hàng thăm nhau, tất cả đều là chuyện bình thường của cuộc sống.

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho biết Đức Maria đi thăm bà Isave, người chị họ của Mẹ, khi nghe tin bà mang thai. Đây là một sự thăm viếng bình thường giữa hai người họ hàng của nhau.  Dẫu cho Đức maria, lúc đó đã bắt đầu mang thai Chúa Giêsu, và dẫu cho bà Isave từ xưa tới nay không có con, bây giờ lại mang thai trong lúc già nua tuổi tác, thì việc Đức Maria thăm bà Isave vẫn là chuyện bình thường.  Có chăng, thì chỉ niềm vui là lớn hơn mà thôi.  Nhưng trong sự thăm viếng bình thường giữa hai người phụ nữ ấy, Thiên Chúa lại làm một điều rất phi thường.  Vậy đâu là sự phi thường do bàn tay Thiên Chúa?

Vì đây không chỉ là một cuộc thăm viếng, gặp gỡ giữa hai người mẹ mà thôi. Nhưng trong cuộc thăm viếng giữa hai người mẹ, là một cuộc chào đón giữa hai người con, dù hai người con đó chỉ mới là bào thai trong lòng của hai người mẹ. Sự chào đón lạ thường này, đã khiến thánh Gioan Tiền Hô nhảy mừng trong lòng bà Isave, ngay sau lời chào đầu tiên mà Đức Maria dành cho bà.

Nhảy mừng là để diễn tả niềm vui.  Bào thai trong lòng bà Isave chính là thánh Gioan Tiền Hô, đã biểu lộ niềm vui mừng bằng động tác “nhảy mừng”. Niềm vui cho gia đình của thánh Gioan lớn lắm. Vì đây không phải là niềm vui bình thường, nhưng là niềm vui ơn cứu độ. Niềm vui lớn lao đó, trước hết không chỉ vì hạnh phúc được Đức Maria đến thăm, đúng hơn, cùng với sự thăm viếng của mình, Đức Maria đã mang Chúa đến viếng thăm gia đình thánh Gioan.

Niềm vui càng lớn và ý nghĩa nhiều hơn, khi vừa nhập thể trong lòng Đức Maria, nghĩa là vừa mới xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã chọn gia đình thánh Gioan làm gia đình đầu tiên để Người thực hiện cuộc viếng thăm đầu tiên. Bởi thế, ơn cứu chuộc, lần đầu tiên đến trong trần gian, ngoài Đức Maria và gia đình thánh Gia, gia đình đầu tiên được diễm phúc đón nhận là chính gia đình của thánh Gioan. Còn hơn thế nữa, chẳng những được Chúa đến thăm, gia đình thánh Gioan còn hãnh diện vô cùng vì cùng với việc Đức Mẹ ở lại, gia đình thánh Gioan được Chúa ngự đến, hiện diện và cùng chung sống.  Chỉ có gia đình thánh Gioan là gia đình đầu tiên được diễm phúc như thế.

Thật ra bào thai không thể nhảy mừng, dù sẽ là một siêu nhân, cũng không bao giờ biết niềm vui, nỗi buồn, cũng chẳng hiểu được bất cứ một điều gì, để có thể nhảy mừng hay không nhảy mừng.  Nhưng ở đây, thánh Luca khẳng định rất dứt khoát: “Hài nhi nhảy mừng trong lòng bà”. Như vậy, ta phải giải thích làm sao cho hiện tượng kỳ diệu này? Chắc bạn đồng ý với tôi, đây là một phép lạ: Thiên Chúa đã thực hiện phép lạ tuyệt vời. Người đã làm cho một cuộc viếng thăm bình thường, trở nên rất đỗi lạ thường: thai nhi có thể nhảy cẩng lên mà vẫn bình yên vô sự. Sự nhảy mừng, đồng thời là phép lạ ấy, có được là do một bào thai khác, được một người mẹ khác mang trong lòng mình làm nên.  Người mẹ đó là Đức Maria, và bào thai mà Mẹ mang trong dạ, đó là Đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa làm người. Chỉ có một Thiên Chúa và quy về Thiên Chúa, ta mới dám khẳng định đức tin của mình vào một sự kiện lạ thường như thế.

Vâng! Chỉ có Thiên Chúa mới làm nên điều kỳ diệu đến nỗi con người phải chưng hửng.  Do đó, việc Đức Mẹ thăm viếng bà Isave không còn là một cuộc thăm viếng bình thường nữa, mà là một cuộc trao ban ơn cứu độ. Mẹ đã mang chính Đấng là Ơn Cứu Độ tuyệt đối đến cho gia đình bà Isave.

Mẹ đến thăm bà Isave, thì trong hành động thăm viếng đó, Mẹ đã mang Chúa Giêsu đến cho gia đình bà Isave. Bởi vậy, bất cứ nơi nào người ta mang Thiên Chúa đến cho nhau, ở đó sẽ có niềm vui, có sự bình an, có ơn thánh, và sự cứu rỗi sẽ tràn ngập.

Trong cuộc thăm viếng người chị họ của mình, Mẹ Maria dạy chúng ta một bài học đáng giá: Hãy mang Chúa đến với mọi người, chứ đừng mang hận thù, đừng mang những suy nghĩ đen tối, những nghi kỵ đến với nhau. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ để yêu thương và chia sẻ tình yêu với mọi người. Hãy cưu mang Chúa Giêsu trong tâm hồn, để như Mẹ, ta cũng có thể mang một tâm hồn tràn ngập sự sống của Chúa Giêsu và mang chính Chúa Giêsu đến với anh chị em xung quanh. Nhờ đó, mọi người sẽ chứa chan niềm vui, chứa chan ơn thánh, chứa chan niềm hạnh phúc và bình an.

Lm Vũ Xuân Hạnh

NỤ HÔN CHO ÔNG GIÀ NOEL LÀM THUÊ

Câu chuyện xảy ra đã hơn năm năm nhưng tôi vẫn nhớ như in món quà mà một cô bé đã tặng tôi mùa đông năm ấy, một mùa Giáng sinh lạnh lẽo nhưng ấm áp tình người.

Tháng mười hai, trời ở miền Bắc mưa rả rích kèm theo cái lạnh như cứa vào da thịt.  Khoảng không gian chật hẹp của căn gác nhỏ không làm dịu được nỗi buồn và cảm giác nhớ nhà.  Noel này cả lớp tôi lại lên kế hoạch đi chơi nhưng giờ mẹ vẫn chưa gửi tiền.  Chắc mùa này quê mình lại bão lụt nhiều nên gia đình không thu hoạch được gì.

Sáng qua, mấy đứa cùng xóm trọ mách nhau chuyện làm thêm cho các tổ chức từ thiện.  Mấy đứa rủ nhau đi kiếm việc.  Công việc không nặng lắm nhưng khá mất thời gian bởi tôi và Hải vào vai hai ông già Noel.  Chúng tôi xuất phát từ nhà lúc sáu giờ tối và về cũng phải sau nửa khuya.  Có hôm làm ở trung tâm bảo trợ trẻ em nghèo, có hôm làm ở hội người tàn tật, cũng có khi là các trại mồ côi.

Những ngày cận kề Giáng sinh chúng tôi lại càng phải đi nhiều.  Hôm đứng ở cổng trường tiểu học vùng ven ngoại thành, trời đã khuya lắm rồi nhưng có một cô bé vẫn chưa về.  Bé nhìn tôi chằm chằm nhưng không dám tiến lại gần.  Tôi đến cạnh bé, hỏi nhỏ: “Cháu sao vậy?”  Bé cười, đôi mắt vẫn còn nhiều niềm vui: “Ông già Noel ơi, có phải đứa trẻ nào học giỏi mới nhận được quà?  Sáng nay cháu bị điểm kém môn toán, cháu sợ không có quà.”  Tôi cười nhẹ: “Không đâu, ông cho tất cả.  Nhưng nếu cháu nào ngoan thì ông sẽ vui hơn.”  Bé ngạc nhiên, nhìn sang tôi, nhìn cả Hải: “Vậy là cháu đã làm hai ông buồn rồi à?”

Bé khóc, những giọt nước mắt nóng hổi rớt đầy trên tay tôi.  Hình như trong suốt buổi tối qua, vì quá mệt nhọc mà chúng tôi quên mất nở nụ cười với nhiều đứa trẻ, trong đó có bé.  “Thôi, cháu nín đi.  Hai ông già này không buồn đâu, nhưng cháu phải cố gắng hơn nhé.”  Bé cười, đôi mắt vẫn còn ngân ngấn nước: “Vậy đi phát quà cho trẻ em, hai ông có nhận được quà của ai không?”  Hải bước tới: “Không, hai ông chỉ đem quà và giúp các cháu thực hiện ước mơ thôi.  Là ông già Noel rồi thì cần gì nữa.”

Bé đi lại gần tôi, gần Hải: “Cháu tặng hai ông nhé,” rồi hôn nhẹ nhàng lên má của chúng tôi.  Hai đứa ngớ người ra nhưng vẫn không quên nở nụ cười với bé trước khi bé đi mất.  Cảm giác ấm áp lan tỏa trên má tôi, rồi cả người.  Một chút vị ngọt ngào xen lẫn niềm thích thú.  Tôi chợt nghĩ chưa bao giờ mình ước cho bản thân một món quà gì đó.  Hình như tuổi thơ của tôi đã qua và chuyện ông già Noel đã chìm vào quá khứ lâu lắm rồi.

Thì ra không phải cứ mặc bộ trang phục đỏ trắng, phát quà cho trẻ em là mình đã tròn vai ông già Noel.  Ông già Noel chỉ hiện hữu thật sự khi chúng ta được giao cảm với nhau.  Sự chia sẻ tình người không chỉ là những hộp quà phát vội mà còn là những nụ hôn hồn nhiên và giàu ý nghĩa.  Cảm ơn cô bé dễ thương đã cho những “ông già Noel” làm thuê như chúng tôi một kỷ niệm thú vị trong mùa Giáng sinh.

Tâm Vũ (Huế)

SẴN SÀNG CHO GIÁNG SINH

Nhiều người bước vào lễ Giáng Sinh một cách mệt mỏi, bận rộn, xao lãng, và bị vắt kiệt với đủ mọi ánh đèn, ca nhạc, và ăn mừng Giáng sinh.  Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị cho Giáng Sinh, nhưng với nhiều người trong chúng ta, đây không phải là thời gian chuẩn bị để Chúa Kitô có thể sinh ra lần nữa một cách sâu đậm trong đời sống mình.  Thay vào đó, việc chuẩn bị cho Giáng Sinh, hầu như là để chuẩn bị cho các buổi ăn mừng với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.  Những ngày hướng đến Giáng Sinh hiếm khi được yên bình.  Thay vào đó, chúng ta cứ hối hả vội vã lo trang trí, mua quà, gởi thiệp, chuẩn bị đồ ăn, và dự các liên hoan Giáng Sinh.  Hơn nữa, khi Giáng Sinh về, chúng ta đã chán ngấy các bài hát Giáng Sinh, đã nghe chúng cả trong các điệu nhạc giật gân trong các trung tâm mua sắm, trong nhà hàng, quảng trường, và trên đài phát thanh.

Và rồi Giáng Sinh đến với chúng ta trong một không gian chật chội và mệt mỏi, chứ không thư thái và yên bình.  Thật vậy, đôi khi mùa Giáng Sinh như bài kiểm tra sức chịu đựng hơn là thời gian vui vẻ thực sự.  Hơn nữa, và còn nghiêm trọng hơn, nếu chúng ta thành thật với bản thân, chúng ta phải công nhận, trong khi chuẩn bị chúng ta ít chừa chỗ cho việc thiêng liêng, cho Chúa Kitô sinh ra một cách sâu đậm trong lòng mình.  Thời gian chuẩn bị thường dành để chuẩn bị nhà cửa hơn là chuẩn bị tâm hồn, mua sắm hơn là cầu nguyện, tiệc tùng hơn là chay tịnh chuẩn bị cho đại lễ.  Mùa Vọng thời nay có lẽ là để ăn mừng trước hơn là chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh.

Và kết quả là, như các chủ trọ đã không còn phòng cho Đức Mẹ và thánh Giuse trong mùa Giáng Sinh, chúng ta cũng thường “không còn phòng” không còn chỗ trong đời mình cho sự tái giáng sinh thiêng liêng.  Lòng chúng ta thì tốt, chúng ta muốn Giáng Sinh tái sinh chúng ta về đường thiêng liêng, nhưng cuộc sống của chúng ta quá nhiều áp lực, quá nhiều hoạt động và quá mệt mỏi, đến nỗi chúng ta không còn sinh lực thực sự để làm cho Giáng Sinh trở nên thời gian đặc biệt để canh tân tâm hồn mình.  Tinh thần Giáng Sinh vẫn ở trong chúng ta, vẫn thật, nhưng như đứa trẻ trong nôi bị bỏ bê đang chờ được bồng ẵm.  Và chúng ta muốn bồng đứa trẻ lên, nhưng lại không bao giờ đến gần cái nôi cả.

Vậy thì chúng ta thật tệ biết bao?

Điều này thách thức chúng ta hãy nhìn vào chính mình, nhưng không đến nỗi xấu như nhiều chỉ trích lòng đạo thường hay nói đâu.  Dự lễ Giáng Sinh với một cuộc sống quá bận rộn và quá lơ là việc dành chỗ cho Chúa Kitô, không biến chúng ta thành người xấu.  Như thế không có nghĩa chúng ta là những kẻ ngoại đạo vô tâm.  Và cũng không có nghĩa là Chúa Kitô đã chết trong lòng chúng ta.  Chúng ta không xấu xa, mất đức tin và ngoại đạo chỉ vì chúng ta hướng đến Giáng Sinh theo thói quen một cách quá lơ là, quá bận rộn, quá áp lực và quá mệt mỏi đến nỗi không thể có một nỗ lực ý thức để làm cho đại lễ này trở thành dịp để canh tân linh hồn thực sự trong đời mình.  Tình trạng thờ ơ đường thiêng liêng của chúng ta định rõ chúng ta là con người hơn là thiên thần, trần tục hơn là thuần khiết, và duy cảm hơn là duy thiêng.  Tôi cho rằng Chúa hoàn toàn hiểu tình trạng này của chúng ta.

Thực sự, tất cả mọi người đều đấu tranh với điều này theo nhiều cách.  Không ai hoàn hảo, không ai dành trọn không gian của đời mình cho Chúa Kitô, ngay cả trong thời gian Giáng Sinh.  Điều này sẽ cho chúng ta đôi chút an ủi.  Nhưng cũng cho chúng ta một thách thức cấp thiết.  Trong cuộc sống bận rộn và lơ đãng của chúng ta, có quá ít chỗ cho Chúa Kitô!  Chúng ta phải hành động dọn đôi chỗ cho Chúa Kitô, khi làm cho Giáng Sinh thành một thời gian phục hồi linh hồn và canh tân đời sống.

Làm sao chúng ta làm được chuyện này?

Trong những ngày cận kề Giáng Sinh, chúng ta cố gắng làm đủ mọi chuyện cần thiết để sẵn sàng cho tất cả những gì cần có trong nhà, trong nhà thờ, và nơi làm việc.  Chúng ta đi mua quà, gởi thiệp, treo đèn và trang trí, soạn thực đơn, mua đồ ăn, dự đủ tiệc liên hoan Giáng Sinh ở nơi làm việc, nhà thờ và nhà bạn bè.  Điều này, cộng thêm vào áp lực sẵn có trong cuộc sống, thường làm cho chúng ta nghĩ: Tôi sẽ không làm được!  Tôi sẽ không sẵn sàng!  Tôi sẽ không sẵn sàng cho Giáng Sinh!  Đây là cảm giác chung của mọi người.

Nhưng, sẵn sàng cho Giáng Sinh, làm mọi việc cần làm, không phải là hoàn tất các việc chúng ta đã lên danh sách như mua quà, gởi thiệp, thức ăn, các bổn phận xã hội.  Ngay cả khi danh sách những việc cần làm chỉ mới xong được một nửa, nhưng nếu bạn đi lễ nhà thờ ngày Giáng Sinh, nếu bạn ngồi được trong bàn ăn với gia đình vào ngày Giáng Sinh, và nếu bạn thăm hỏi hàng xóm và đồng bạn với đôi chút nồng hậu hơn, thì điều này không có nghĩa là bạn lơ là, mệt mỏi, quá tải, và không suy nghĩ rõ về Chúa Giêsu, và có nghĩa là bạn đã làm trọn những việc để đón Giáng Sinh rồi đó.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THIÊN ĐÀNG LÀ THẾ ĐÓ

“Mừng vui lên Sion, này đây Chúa ngươi đến rồi.
Mừng vui lên Sion, Ngài khấng nghe lời ngươi đó.
Ngài dẫn đưa ngươi, qua những hố sâu, qua núi đồi,
Về nơi an vui, nơi suối mát trong đẹp tươi.”

Đó là lời reo ca thoát thai từ niềm tin son sắt của tiên tri Sôphônia trong cảnh tang tóc khổ đau của kiếp lưu đày biệt xứ.

Số là vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, vùng đất Do thái bị áp lực và sâu xé bởi đoàn quân viễn chinh Assyria hùng mạnh ở phía Bắc và vương quốc Ai Cập rộng lớn ở phía Nam.  Ngoài ra còn phải đương đầu với tệ nạn cướp bóc, sách nhiễu của các nước lân bang.  Triều đình Do thái bị phân năm xẻ bảy.  Người thì muốn cấu kết với Assyria để tránh tai họa, kẻ thì đòi liên minh với người Assur để chống giặc phương Bắc.  Tình trạng rối rắm, bất ổn, chia rẽ, lo sợ đã làm đất nước nhỏ bé Giuđa rơi vào hoàn cảnh khốn đốn, kiệt quệ chưa từng thấy.  Rốt cuộc Giêrusalem bị dày xéo, đền thờ rơi vào tay giặc, và dân cư phải đi lưu đày.  Kiếp nô lệ cho đế quốc Assur bắt đầu.

Vào khoảng năm 609 trước Thiên Chúa giáng sinh, đế quốc Assur bắt đầu suy yếu.  Tin tưởng ngày Giavê ra tay cứu thoát, thấy trước thời kỳ khôi phục quốc gia Giuđa, Sôphônia đã phấn chấn tâm hồn người dân lưu đày bằng lời reo vui: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca!  Hỡi nhà Israel hãy vui mừng!  Vì Chúa đã cất án phạt trên ngươi.  Địch thù của ngươi, Ngài bắt phải tháo lui.  Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn phải sợ khổ cực nữa” (Xp 3:14-15).

Đây là niềm vui lớn lao cho toàn dân.  Vui vì được Giavê giải thoát.  Vui vì Chúa đến ở với dân Người.  Chính Thánh Phaolô cũng đã nhắc đến niềm vui cứu độ này cho cộng đoàn tiên khởi Philip: “Anh em hãy vui mừng lên… vì Chúa đã gần bên” (Phi 4:4-5).  Đây chính là chủ đề của Chúa nhật thứ 3 mùa vọng.  Màu tím trong phụng vụ được thay bằng màu hồng.  Qua đó, Giáo hội kêu mời dân Chúa hãy đổi mới thái độ sống, hãy hân hoan vui mừng, hãy hát lên, vì khổ đau kinh hoàng sẽ qua đi và bình an của trời cao đang ngự đến.

Hãy đổi mới thái độ sống cũng chính là câu trả lời của Thánh Gioan Tiền hô khi dân chúng đến hỏi “Chúng tôi phải làm gì?”

Theo Thánh Gioan, để đón chào Sứ giả Bình an, để tiếp nhận Hạnh phúc của trời cao, thì “ai có hai áo, hãy cho người không có, ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy…  Đừng đòi gì quá mức ấn định…  Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai.”  Phải chăng vị ngôn sứ đã muốn làm nổi bật chân lý: Hãy thương người để gặp được Chúa.

Khi hết lòng tu chỉnh thái độ sống của mình đối với anh chị em chung quanh, khi cố gắng thực thi công bình, bác ái, yêu thương và san sẻ, khi quyết tâm thay đổi tính khí xung giận hận thù, là tôi đang chân thành mở ngỏ đón mừng Đấng Cứu Thế ngự đến, là khơi dòng cho nguồn bình an tuôn tràn đến người thiện tâm, và làm cho thiên đàng thật sự chớm nở nơi trần thế.

Người Nhật thường kể cho nhau nghe câu chuyện về một hiệp sĩ Samurai hung bạo, cộc cằn không ai bằng.  Một hôm chàng ta đến gặp một vị thiền sư và nói:

– Xin hãy chỉ cho tôi biết thiên đàng là gì và hoả ngục là gì?

Vị thiền sư đưa mắt nhìn con người thô bạo từ đầu đến chân rồi thất vọng trả lời:

– Dạy cho ngươi biết thế nào là thiên đàng và thế nào là hoả ngục ư?  Ta không thể dạy cho ngươi bất cứ điều gì cả.  Vì ngươi là một kẻ hung bạo, thô lỗ.  Ngươi là nỗi tủi nhục cho hàng ngũ hiệp sĩ Samurai.  Hãy cút khỏi mặt ta.  Ta không chịu được ngươi nữa.

Nghe những lời sỉ vả ấy, chàng hiệp sĩ nổi nóng, liền rút gươm định chém đầu vị thiền sư.  Nhưng vị này giơ tay ngăn lại và nói:

– Hỏa ngục là thế đó!

Chợt nhận ra đây là bài học thực tiễn của nhà tu hành, chàng hiệp sĩ vội dừng tay.  Sự hối hận bỗng đâu dâng tràn tâm hồn, chàng ta hiểu rằng vị thiền sư muốn hy sinh cả mạng sống để dạy cho mình bài học về hoả ngục.  Thế rồi chàng từ từ hạ gươm xuống, cho vào bao, đoạn đến quì gối trước mặt vị thiền sư với tất cả sự thành tâm sám hối.  Vừa nâng chàng dậy, vị thiền sư vừa nhìn sâu vào đôi mắt của chàng và nói:

– Thiên đàng là thế đó! 

Thiên đàng đã hiện hữu nơi cõi thế.  Đấng Cứu Thế đã đến trần gian.  Một Hài Nhi đã sinh ra đời.  Nhưng, nếu không biết thành tâm sám hối, đổi mới thái độ, làm sao người ta có thể cảm thấu được hạnh phúc thiên đàng là gì, Chúa Hài đồng là ai, hay niềm vui cứu độ là chi.  Phải chăng vì bao lâu nay tính nóng nảy, giận hờn, ích kỷ, và nhất là vì thiếu hành vi sám hối mà người ta đã gây ra không biết bao nhiêu quang cảnh tan nát, lưu đày, hoả ngục cho chính mình và cho tha nhân?

Nhưng nếu biết sống an hoà với mọi người, biết chia sẻ cứu giúp những ai bần cùng khốn khó, biết chế ngự thói xấu tật hư, biết hướng lòng lên với trời cao bằng kinh nguyện và lời tri ân, thì như lời Thánh Phaolô đoan quyết, “bình an của Thiên Chúa sẽ gìn giữ lòng trí của anh em trong Đức Giêsu Kitô” (P1 4:7)

Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn

4 ĐIỀU KỲ DIỆU VỀ ĐỨC MẸ GUADALUPE

Vào ngày 12 tháng Mười Hai hàng năm, Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Guadalupe, đánh dấu ngày 9/12/1531, khi Đức Mẹ hiện ra ở Mexico với một nông dân 57 tuổi tên Juan Diego.  Khi ấy Juan Diego đang đi bộ đến khu vực mà nay là thành phố Mexico (đồi Tepeyac), thì ông thấy Đức Mẹ hiện ra.

Để chứng minh cho Đức Tổng Giám mục những gì ông đã thấy, Đức Mẹ bảo ông leo lên đỉnh đồi để hái hoa.  Khi lên tới nơi, Juan Diego tìm thấy những bông hoa hồng Castilian, vốn không nở vào mùa này và cũng không phải là loài sống được nơi đây.

Đức Mẹ đã sắp xếp số hoa tìm được vào chiếc áo tilma bằng sợi xương rồng của Juan.  Và khi ông đến dinh thự của giám mục, mở chiếc áo choàng ra thì hoa rơi xuống sàn, trên bề mặt áo bỗng xuất hiện hình ảnh Đức Mẹ mà ngày nay được gọi là “Đức Mẹ Guadalupe.”  Chiếc áo tilma với hình ảnh Đức Mẹ chỉ trong vòng 7 năm đã tác động lên hàng triệu người, khiến họ chuyển sang đạo Công giáo.

Bên cạnh đó, chiếc áo hiện được trưng bày tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe ở thành phố Mexicô, Mexicô còn có nhiều điều lạ lùng mà các khoa học gia chưa thể giải thích.

Dưới đây là 4 sự thật đáng kinh ngạc về chiếc áo tilma in hình Đức Mẹ.

1) Chất liệu và màu sắc đặc biệt mà loài người không thể tái tạo

Chiếc áo tilma được làm chủ yếu từ sợi cây xương rồng, một chất liệu có chất lượng rất kém và bề mặt thô ráp.  Vì thế rất khó để mặc chúng, và thậm chí còn khó hơn nếu muốn giữ được hình ảnh đã vẽ lên vải.  Tuy thế, hình ảnh Đức Mẹ trên tấm áo tilma nói trên vẫn còn cho đến ngày nay.  Các nhà khoa học nghiên cứu vải tấm nhấn mạnh rằng, bề mặt tấm vải đã không được xử lý bằng bất kỳ kỹ thuật nào.  Bề mặt trên tấm tilma có in hình Đức Mẹ khi chạm vào thì mềm như lụa, trong khi những phần còn lại tilma vẫn thô ráp.

Hơn nữa, các chuyên gia nhiếp ảnh hồng ngoại nghiên cứu vào cuối những năm 1970 xác định rằng, trên chiếc tilma không có bất kỳ nét cọ nào (hoàn toàn không), như thể ảnh Đức Mẹ được sát nhập vào làm một với tấm vải.  Tiến sĩ Phillip Callahan, một nhà sinh lý học tại Đại học Florida phát hiện ra rằng, khi đưa bức ảnh ra xa một chút thì có sự khác biệt về diện mạo của kết cấu và màu da của Mẹ, mà con người không thể tái tạo được:

“Kỹ thuật đó không thể là do bàn tay con người làm nên.  Nó chỉ thường xảy ra trong tự nhiên, như màu của lông chim hay cánh bướm và những màu tươi tắn trên bọ cánh cứng…  Nếu từ từ lùi ra xa bức ảnh, đến một khoảng cách nhất định thì các sắc tố tự nhiên và bề mặt có in hình Đức Mẹ sẽ hòa quyện vào với nhau, vẻ đẹp tuyệt vời nơi chân dung Đức Trinh Nữ có màu của trái olive hiện ra như thể đó là ma thuật.”

Ngoài ra, tấm vải có in hình Đức Mẹ còn thay đổi nhẹ màu sắc tùy vào góc nhìn của người xem.  Màu sắc của bức ảnh cũng không thể tìm thấy nơi các loài động vật hay trong các nguyên tố khoáng chất (vào năm 1531, chưa có màu tổng hợp), khiến nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.

2) Mọi người cho đây chỉ là một bức vẽ, nhưng chiếc áo tilma ấy đã đánh bại mọi bức vẽ bản sao cả về thời gian lẫn chất lượng

Mỗi khi có ai muốn tạo ra một bản sao để thay thế bức ảnh gốc, thì kết quả là bản sao ấy sẽ nhanh chóng phai mờ, trong khi bản gốc dường như không bao giờ phai.  Miguel Cabrera, một nghệ sĩ sống giữa thế kỷ 18, người đã sao chép ra ba trong số những bản sao nổi tiếng nhất (một dành tặng Tổng giám mục, một dành tặng Đức giáo hoàng và một cho chính ông) đã từng viết về sự khó khăn trong việc sao chép bức ảnh, dù là với những chất liệu tốt nhất:

Ông nói: “Tôi tin rằng dù một họa sĩ tài năng và cẩn thận nhất đi chăng nữa, nếu anh ta sao chép bức ảnh thánh thiêng này trên tấm vải vẽ có chất lượng kém [như chiếc áo tilma gốc], thì dẫu anh có cố gắng khó nhọc đến mấy để họa lại 4 chất liệu trên bức ảnh, thì cuối cùng cũng phải mệt mỏi thừa nhận rằng mình không thể làm được.  Điều này có thể được chứng minh rõ ràng qua rất nhiều bản sao đã được tạo nên, nhờ vào lợi thế của việc sử dụng véc-ni, tấm vải vẽ được chuẩn bị cẩn thận nhất và chỉ sử dụng một chất liệu là dầu – môi trường thuận lợi nhất cho việc vẽ tranh…”

Tiến sĩ Adolfo Orozco, nhà nghiên cứu và nhà vật lý học tại Đại học Quốc gia Mêxicô, vào năm 2009 đã so sánh việc chiếc áo tilma được bảo quản quá hoàn hảo so với những bản sao của nó.  Ví dụ, một bản sao năm 1789 được vẽ trên một bề mặt tương tự với các kỹ thuật tốt nhất vào thời điểm đó, sau đó bản sao được bọc kính và lưu trữ bên cạnh chiếc áo tilma gốc.  Lúc đầu, trông bản sao thì đẹp khi mới sơn, nhưng chỉ 8 năm sau với khí hậu nóng ẩm của Mêxicô, người ta đã phải gỡ bỏ bản sao này bởi màu sắc đã phai mờ và có những vết nứt.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Orozco cho biết, không có bất kỳ lời giải thích khoa học nào lý giải cho sự thật là “chiếc áo tilma gốc đã được trưng bày ngoài trời trong gần 116 năm mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào.  Tấm áo đã hấp thu tất cả những tia hồng ngoại và tia cực tím phát ra từ hàng chục ngàn ngọn nến gần đó, đồng thời tiếp xúc với không khí ẩm ướt và mặn trong ngôi đền.”

3) Chiếc áo tilma giống như một cơ thể sống

Năm 1979, khi Tiến sĩ Callahan phân tích áo tilma bằng công nghệ hồng ngoại, ông cũng phát hiện ra rằng chiếc áo luôn duy trì một nhiệt độ không đổi là 98,6 độ F (tương đương 36,6 – 37 độ C), giống như nhiệt độ của một cơ thể sống.

Khi bác sĩ Carlos Fernandez de Castillo, một bác sĩ phụ khoa Mêxicô, kiểm tra áo tilma, đầu tiên ông thấy một bông hoa bốn cánh nằm ở vị trí là dạ con của Mẹ Maria.  Người Aztec gọi loài hoa này là Nahui Ollin, đây là biểu tượng của mặt trời và còn là biểu tượng của sự sung túc.  Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng hơn, tiến sĩ Castillo kết luận rằng kích thước của cơ thể Đức Mẹ Guadalupe trong bức ảnh, tương tự với kích thước của một bà mẹ mang thai.  (ngày 9/12, ngày Đức Mẹ hiện ra với Juan, chỉ hai tuần lễ trước Giáng sinh…).

Cuối cùng, một trong những phát hiện nổi tiếng nhất, đó là những khám phá nằm trong đôi mắt của Đức Mẹ trong bức ảnh.  Tiến sĩ Jose Alte Tonsmann, một bác sĩ nhãn khoa người Peru đã tiến hành một nghiên cứu, và một trong những thí nghiệm của ông là phóng đại 2.500 lần hình ảnh đôi mắt Đức Mẹ.  Với hình ảnh phóng đại này, nhà khoa học này phát hiện có hình ảnh 13 người ở cả hai mắt với các tỷ lệ khác nhau, giống như mắt của con người khi nhìn sự vật gì đó.  Đôi mắt dường như đã chụp lại cảnh tượng khi thánh Juan Diego trải chiếc áo tilma của mình ra trước mắt vị Tổng giám mục.

4) Bức ảnh dường như không thể bị phá hủy

Qua nhiều thế kỷ, có hai sự kiện đã đe dọa sự nguyên vẹn của chiếc áo tilma.  Một xảy ra vào năm 1785 và một vào năm 1921.  Năm 1785, khi một công nhân đang lau dọn bề mặt kính của bức ảnh, ông đã vô tình làm tràn 50% dung dịch a-xít nitric lên phần lớn bức ảnh.  Vì thế, hình ảnh Đức Mẹ và những nơi còn lại của áo tilma ngay lập tức bị dung dịch ăn mòn gần hết.  Tuy nhiên sau 30 ngày, bức ảnh tự phục hồi và còn nguyên vẹn cho đến này nay, ngoại trừ các vết bẩn nhỏ trên tấm vải không in hình Đức Mẹ.

Năm 1921, một nhà hoạt động chống giáo sĩ đã giấu một quả bom có chứa 29 thanh thuốc nổ trong một lọ hoa hồng, và đặt nó trước bức ảnh bên trong Vương cung thánh đường ở Gadalupe.  Khi quả bom phát nổ, hầu như tất cả mọi thứ từ bàn thờ bằng đá cẩm thạch, sàn nhà cho tới cửa sổ cách đó 150m đều bị vỡ… nhưng bức ảnh và khung kính xung quanh vẫn không ảnh hưởng gì.  Thiệt hại duy nhất xảy ra gần với áo tilma là một cây thánh giá bằng đồng thau bị xoắn và uốn cong bởi vụ nổ.

Anna Huê (theo Church Pop)

CÁCH SỐNG THÁNH MÙA VỌNG

Mùa Vọng đã về.  Đó là thời gian chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh – Sinh Nhật Đức Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai và Đấng Cứu Độ.  Niềm vui Lễ Giáng Sinh tùy vào cường độ mà chúng ta sống Mùa Vọng.  Chúng ta hãy làm theo các gợi ý cụ thể và sống Mùa Vọng với niềm vui mừng, cầu nguyện, yêu thương và cương quyết.  Hãy sống Mùa Vọng này như thể là Mùa Vọng cuối cùng trong cuộc đời mình.  Hãy mạnh mẽ lên!  Chúa Giêsu luôn nhắc chúng ta tỉnh thức, sẵn sàng và chuẩn bị cho cuộc tái lâm của Đức Kitô, bởi vì chúng ta chẳng biết lúc nào.

Đây là 5 gợi ý hữu ích để chúng ta làm cho Mùa Vọng này là Mùa Thánh Đức:

1/ Duy Trì Thinh Lặng

Hãy nhớ cuộc gặp gỡ của ngôn sứ Êlia với Thiên Chúa trên núi và trong thinh lặng: “Người nói với ông: ‘Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa.  Kìa Đức Chúa đang đi qua.’  Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão.  Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất.  Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa.  Sau lửa có tiếng gió hiu hiu.  Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang.  Bấy giờ có tiếng hỏi ông: ‘Ê-li-a, ngươi làm gì ở đây?’  Ông thưa: ‘Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ít-ra-en đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài.  Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con” (1 V 19:11-13).

Hãy cố gắng loại bỏ những thứ không cần thiết và dành những phút thinh lặng cho Thiên Chúa.  Hãy “lên núi” và thinh lặng để lắng nghe Ngài, đừng chia trí vì những loại ô nhiễm nào khác.

2/ Cầu Nguyện Liên Lỉ

Hãy dành nhiều thời gian cầu nguyện trong Mùa Vọng Thánh này.  Giáo hội khuyến khích chúng ta gia tăng cầu nguyện hàng ngày.  Có nhiều cách cầu nguyện, đây là vài cách khả thi hữu ích:

  • Kinh Phụng Vụ.
  • Thánh Vịnh – cách cầu nguyện bằng Kinh Thánh.
  • Giờ Thánh, đọc và suy niệm Lời Chúa.
  • Thánh Lễ – cách cầu nguyện đặc biệt.
  • Khẩu nguyện – đọc thật chậm, chú ý tới lời kinh với lòng yêu mến.
  • Xét mình nghiêm túc.
  • Kinh Mai Côi – cuốn Kinh Thánh rút gọn.

Chiêm ngưỡng Hang Đá, theo bước các mục đồng,… Những điều này có thể hữu ích thêm vào việc cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng (sách đạo đức).  Có nhiều cách, nhưng hãy chọn cách tốt nhất cho chính mình!

 3/ Giúp Đỡ Người Nghèo

Trong Mùa Vọng này, có thể bạn tìm được cách phục vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo.  Hãy nhớ rằng chính Chúa Giêsu hiện thân nơi người nghèo.  Mẹ Thánh Teresa Calcutta nói rằng chúng ta nên tìm kiếm Chúa Giêsu nơi người nghèo.  Hãy đọc trình thuật Mt 25:31-46 – cuộc phán xét chung.  Chúa Giêsu cho thấy rằng cuộc phán xét cuối cùng được dựa trên đức ái – cách chúng ta đối xử với người nghèo.  Đừng bao giờ quên điều này: Bác Ái Bắt Đầu Từ Gia Đình.

4/ Tham Dự Thánh Lễ

Trong Mùa Vọng này, hãy cố gắng tham dự Thánh Lễ hàng ngày.  Nếu bạn làm được như vậy, bạn có thể tiến tới một hoặc hai bước khác, hơn cả những gì bạn đang làm.  Cố gắng đi lễ sớm để chuẩn bị đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể vào “Hang Belem” của bạn – gọi là Nhà Bánh, tức là cõi lòng của bạn.  Hãy cố gắng khuyến khích các thành viên trong gia đình và bạn bè cùng gặp gỡ Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể.  Thánh Anrê tông đồ đã đưa người khác đến gặp Chúa Giêsu, bạn cũng được mời gọi đưa người khác đến với Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa và Đấng cứu độ nhân loại.  Thật vậy, Chúa Giêsu là ngọc quý và là kho tàng vô giá. Hãy chia sẻ Ngài với người khác!

5/ Noi Gương Đức Mẹ

Trong cuốn sách “True Devotion to Mary” (Tôn Sùng Đức Maria, số 108), Thánh Louis de Montfort chỉ ra 10 nhân đức của Đức Mẹ: khiêm nhường, tín thác, tuân phục tuyệt đối, cầu nguyện không ngừng, luôn từ bỏ mình, khiết tịnh, yêu mến, kiên trì, tử tế, và khôn ngoan.

Hãy chọn một hoặc hai trong số các nhân đức của Đức Mẹ, cầu xin Mẹ cầu giúp nguyện thay để chúng ta noi gương Đức Mẹ. Trong Mùa Vọng này, hãy nỗ lực cụ thể là sống các nhân đức.  Đức Mẹ là con đường ngắn nhất, mau nhất và dễ dàng nhất để đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu: Ad Jesum Per Mariam – Nhờ Mẹ Đến Với Chúa Giêsu.

Lm Ed Broom (OMV – Oblates of the Virgin Mary – Dòng Tận Hiến Trinh Nữ Maria)
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

ĐI VÀO SA MẠC CỦA NGHÈO KHÓ VÀ SIÊU THOÁT

Tin Mừng hôm nay giống như một bức tranh với hai cảnh trí đối nghịch nhau.  Trên một cái phông lờ mờ, chúng ta như thấy được cảnh đô thị giàu sang nơi ngự trị của hoàng đế Lamã, người đại diện của ông là tổng trấn Phongxiô Philatô, và các thứ vua bù nhìn là Hêrôđê và Philipphê.  Cũng trong cái phông lờ mờ ấy, người ta còn thấy được như hai cái bóng ẩn tàng là Anna và Caipha, hai vị thượng tế lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, trên cái phông lờ mờ ấy, thánh Luca như muốn tô đậm một cảnh trí khác đó là cảnh sa mạc vắng vẻ, nơi cư ngụ của một kẻ nghèo nàn ấy là Gioan, con của Giacaria.  Thánh Luca có lẽ đã muốn làm nổi bật cái cảnh sa mạc nghèo nàn vắng vẻ ấy, để nói với chúng ta rằng chỉ có trong sa mạc vắng vẻ nghèo nàn, con người mới lắng nghe được tiếng nói của Thiên Chúa.

Sa mạc vốn là một phạm trù ưu việt của Kinh Thánh.  Những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người thường diễn ra trong sa mạc.  Môisen đã phải lẩn trốn vào sa mạc để được nhận biết Chúa và nhận lãnh sứ mạng giải phóng dân tộc.  Bốn mươi năm lang thang trong sa mạc là thời kỳ thanh luyện cần thiết để dân riêng được vào đất Hứa.  Truyền thống đi vào sa mạc đã không ngừng được các tiên tri về sau sống lại như một kinh nghiệm cần thiết trước khi thi hành sứ vụ.  Nhưng điển hình và mang nhiều ý nghĩa hơn cả vẫn là 40 đêm ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong sa mạc và những đêm cầu nguyện lâu giờ của Ngài trong nơi vắng vẻ.

Sa mạc là đồng nghĩa với nắng cháy trơ trụi, nghèo nàn.  Phải chăng có trở nên trống rỗng và nghèo nàn, có trút bớt đi những cái không cần thiết thì con người mới lắng nghe được tiếng nói của Chúa và thanh luyện được niềm tin của mình.  Lịch sử Giáo Hội luôn chứng minh rằng những cuộc bách hại luôn là yếu tố thanh luyện và canh tân Giáo Hội.  Trong thử thách và khổ đau, trong nghèo nàn và trơ trụi Giáo Hội lại càng vững mạnh hơn.  Có trút bỏ được những cái không cần thiết và làm cho vướng mắc thì Giáo Hội mới trở nên sáng suốt và giàu có.  Giàu có không do những phương tiện vật chất và các thứ đặc quyền đặc lợi, mà giàu có bởi một niềm tin được tinh luyện và can trường hơn.

Từ trong sa mạc của thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta cũng có thể rút ra được một bài học khác cho niềm tin.  Không những từ trong sa mạc Gioan đã nắm được tiếng Chúa, mà còn can đảm để hô lớn tiếng Chúa cho mọi người được nghe thấy: “Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa đường cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi.  Đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, đường gồ ghề hãy san cho bằng.”  Lời kêu gọi ấy, Gioan chẳng những đã ngỏ với đám dân nghèo hèn, thấp cổ bé miệng, mà còn nhắn gởi với cả giai cấp thống trị trong cả nước nữa.  Ngồi tù và cuối cùng bị chém đầu vì dám lên tiếng tố giác hành vi tội ác của một Hêrôđê, số phận của Gioan cho chúng ta thấy rằng ngài đã đi đến tận cùng sứ mạng tiên tri của ngài.  Thánh nhân đã dám nói thẳng và sống thực là bởi vì ngài không có gì để tiếc nuối, không có gì để bám víu, không có gì để giữ lấy ngoài chiếc áo da thú của ngài.

Chiếc áo vẫn là tượng trưng của sứ mạng tiên tri.  Đó là lý do tại sao trong dịp tấn phong Hồng Y cho một số chức sắc trong Giáo Hội, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của phẩm phục màu đỏ mà chúng ta quen gọi là Hồng Y.  “Màu đỏ là màu của hy sinh, là màu của máu, các Hồng Y phải là những người hy sinh đến độ có thể đổ máu đào.”  Lời nhắc nhở này chắc phải có một giá trị đặc biệt đối với các vị Hồng Y đến từ những nơi Giáo Hội đang bị bách hại và thử thách, những nơi mà các vị cần phải lên tiếng, cho dẫu phải hy sinh mạng sống của mình.  Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo và kêu gọi san bằng bất công.  Ngài đã can đảm lên tiếng là bởi vì ngài không có gì để mất.  Ngài không sợ phải mất một ít đặc quyền đặc lợi hay bất cứ một thứ ân huệ nào.

Nồi cơm manh áo hay một ít bả vinh hoa có thể là động lực thúc đẩy con người thỏa hiệp và sống dối trá.  Đó cũng có thể là cơn cám dỗ của các tín hữu chúng ta trong giai đoạn hiện nay.  Một ít đặc lợi vật chất, một vài ưu đãi, một số đặc quyền đặc lợi, một lời dễ dãi, đó là miếng mồi ngon khiến cho nhiều người nếu không bán đứng lương tâm của mình, nếu không uốn cong miệng lưỡi thì cũng chấp nhận thỏa hiệp im tiếng.  Mùa Vọng là mùa của sa mạc, có đi vào sa mạc của nghèo khó và siêu thoát chúng ta mới dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Chúa.  Và có từ sa mạc của nghèo khó và siêu thoát, chúng ta mới có đủ can đảm để gióng lên tiếng của Chúa: “Hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu, hãy bạt mọi núi đồi.  Đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, đường gồ ghề hãy san cho bằng.”

Khi cuộc sống của các tín hữu trở thành một lời mời gọi, khi miệng lưỡi của họ nói lên những lời can đảm chân thực, thì lúc đó như Tin Mừng nói với chúng ta, mọi người sẽ được thấy ơn cứu độ của Chúa.

Radio Veritas Asia – Trích trong “Suy Niệm Lời Chúa”

TẠI SAO ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI?

Vô Nhiễm Nguyên Tội là đặc ân Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ.  Nhưng tại sao là Đức Maria mà không là người khác?  Tại sao chúng ta phải chịu hệ lụy của Tội Nguyên Tổ?  Tại sao Áp-ra-ham, Mô-sê hoặc Đa-vít được tuyển chọn mà không là người khác?

Theo Kinh Thánh, người được tuyển chọn luôn được chọn vì người không được chọn.  Như vậy, Áp-ra-ham được chọn để các quốc gia không được chọn trên trái đất sẽ được chúc lành qua ông.  Cũng vậy, Mô-sê và dân Ít-ra-en được chọn để họ có thể là dân tư tế vì các dân-tộc-không-được-chọn trên thế giới.  Đa-vít được chọn để con trai của ông có thể dẫn đưa các dân-tộc-không-được-chọn đến với Vương Quốc của Thiên Chúa.

Với Đức Maria cũng vậy.  Ơn Cứu Độ được Thiên Chúa hoàn tất qua Mẹ.  Ơn Cứu Độ hoàn toàn mang tính ngăn ngừa chứ không mang tính chữa trị, không là dấu chỉ loại trừ.  Đó là dấu chỉ về quyền năng cứu độ nơi Chúa Giêsu, dành cho chúng ta theo sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa, để chúng ta chiến đấu với Tội Nguyên Tổ.  Vì Đức Mẹ là biểu tượng của Giáo hội và là thụ tạo đặc biệt trong các thụ tạo của Thiên Chúa, chính Đức Mẹ có thể đưa ra một ước lệ đối với sự kiêu ngạo và lời hứa giải thoát qua cuộc nổi loạn bằng cách cho chúng ta thấy rằng:

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa.

Con người phát xuất từ Thiên Chúa và được tạo nên để kết hiệp với Ngài.

Quyền tha tội của Chúa Giêsu được biểu hiện trọn vẹn nơi Đức Mẹ, chúng ta có thể biết chắc rằng Ngài cũng có quyền tha tội của chúng ta, dù tội nặng tới mức nào.

Con người là sản phẩm tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Tội lỗi không là sự thật nền tảng, cũng không là nền tảng cuối cùng của con người.  Chính Chúa Giêsu mới là nền tảng.

Con người được xác định bởi tình yêu, chứ không bởi sự hận thù.

Con người được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

Con người phản ánh lý lẽ, trật tự và tình yêu của Thiên Chúa.

Con người tìm thấy sự sống khi mất sự sống và tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Con người chỉ trở nên “người” hơn qua tình yêu, lòng khiêm nhường và lòng thương xót.

Con người lớn lên trong tình yêu bằng cách quan tâm “những người bé mọn” vì họ quý giá đối với Đức Kitô, Đấng đã tự hạ tới mức sinh nơi hang đá.

Con người nên tìm kiếm tình yêu tự dâng hiến ngay trên thế gian và phần thưởng trên trời, vì cuộc đời này không tồn tại mãi.

Chúng ta nên khiêm nhường vì chúng ta “được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa”, và sự thật là thế. Khiêm nhường giúp chúng ta nhận biết mình cần có ơn Chúa.

Bản chất Thiên Chúa là tình yêu.  Chúng ta chỉ là thụ tạo, chúng ta không tìm thấy mình bằng cách tôn thờ bản chất đó mà bằng cách tôn thờ chính Thiên Chúa, Đấng tạo nên chúng ta và cứu độ chúng ta qua Đức Giêsu Kitô.

Tóm lại, khi nhân loại tạo nên văn hóa sự chết, Chúa Thánh Thần đã đưa Giáo hội đến với Đức Mẹ, Đấng trung gian cầu xin Thiên Chúa cứu độ chúng ta.  Đức Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, nhân chứng duy nhất về ơn cứu độ của Đức Kitô.  Là người che chở nhân loại, Đức Mẹ như hàng rào bao quanh sự thật về Ơn Cứu Độ của Đức Kitô.  Là Tông Đồ mẫu mực, Đức Mẹ cho chúng ta biết Ơn Cứu Độ vô biên của Đức Kitô có thể tẩy sạch tội lỗi của chúng ta và cho chúng ta biết sự xứng đáng về nguồn gốc của chúng ta từ Thiên Chúa.  Đức Mẹ là “máng chuyển” ơn Chúa, như Thánh Irênê nói: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống viên mãn.”

Mark Shea
Trầm Thiên Thu, chuyển ngữ từ http://www.ncregister.com