CHÂN DUNG THÁNH ĐA MINH

Thánh Đa Minh (Đôminicô) sinh năm 1170 tại Castille, nước Tây Ban Nha. Thân phụ ngài là bá tước Felix de Guzman, thân mẫu là chân phước Gioanna de Aza.  Ba anh em trai đều thụ phong linh mục, người anh cả Antôniô làm tuyên úy bệnh viện, còn anh thứ Mannes, sau vào Dòng Thuyết Giáo của em mình.  Truyện về tuổi trẻ của Ngài nói tới nhiều điềm báo lạ lùng.  Mẹ Ngài mơ thấy từ lòng mình có con chó nhảy ra, miệng ngậm bó đuốc chạy khắp cả thế gian.  E ngại vì giấc mơ này, bà làm tuần cửu nhật xin cho được sinh nở vuông tròn.  Đến ngày thứ bảy, vị chánh sở nói với bà:

– Đừng sợ gì vì đứa trẻ sinh ra sẽ trở thành ánh sáng thế gian và niềm an ủi cho Giáo Hội, nhờ sự thánh thiện và giáo thuyết của nó.

Dù được cưng chiều, thánh Đôminicô sớm sống đời khổ hạnh.  Đến tuổi đi học, Đôminicô được gởi tới thụ giáo với ông cậu là linh mục ở Gumiel.  Năm 14 tuổi, Ngài theo học tại đại chủng viện ở Palencia và đã tiến triển rất nhanh về hiểu biết lẫn nhân đức.  Nạn đói lan tràn nước Tây Ban Nha, một người bạn đến thăm Đôminicô không thấy đồ dùng lẫn những pho sách quí đâu nữa.  Ngài đã bán để giúp người nghèo khó rồi.  Gương sáng này đã lôi kéo được nhiều sinh viên lẫn các giáo sư bắt chước.

Sau khi hoàn tất việc học, Đôminicô được Đức cha Diegô, giám mục Osma truyền chức linh mục.  Vị giám mục đạo đức này đang muốn canh tân lòng đạo đức trong giáo phận, đã đặt cha Đôminicô làm kinh sĩ.  Khi qua Châu Âu lo chuyện nhà nước, Đức cha Diegô dẫn cha Đôminicô đi theo.  Tại Languedoc, các Ngài được chứng kiến sự tàn phá mà bè rối Albigeois gây ra.  Họ chủ trương rằng: mọi vật chất đều xấu và do ma quỉ.  Sự hoàn thiện theo họ, hệ tại sự từ bỏ phi nhân bản để sống khắc khổ.  Chủ trương này dẫn tới sự lãnh cảm, chẳng hạn đối với việc hôn nhân, và chôn vùi mọi cơ cấu xã hội gia đình.  Họ còn có lễ nghi, và phẩm trật riêng.  Người ta bị phân thành hai loại: một bên gồm những người hoàn thiện và những nhà lãnh đạo sống rất khắc khổ; bên kia là quần chúng tìm thấy nơi giáo thuyết mới lý do bào chữa cho sự tự do luân lý không bị kiềm chế của mình.

Trên đường về, Đức cha Diegô và cha Đôminicô đến Rôma xin từ nhiệm để dấn thân vào cuộc truyền giáo.  Đức Giáo hoàng Innocentê III từ lâu đã mong có người ra đi rao giảng tại miền nam nước Pháp, chống lại ảnh hưởng của bè rối Albigeois, thay vì chấp nhận lời thỉnh cầu, Đức giáo hoàng sai các Ngài tới miền nam nước Pháp.  Hai người đã tới phụ lực với các sứ giả đã được sai tới trước kia.

Tại Montpellier, Đức cha Diegô đã nhận thấy sự khác biệt giữa các nhà giảng thuyết công giáo đầy xa hoa với các nhà giảng thuyết phái Albigeois đầy khiêm tốn giản dị.  Các Ngài chọn đường lối khác, lấy khó nghèo và cầu nguyện làm gương sáng thu hút mọi người.  Tháng 4 năm 1207, nhiều tu sĩ Xitô đến trợ lực.  Trong vòng một năm trời, có đến 40 vị dấn thân vào hoạt động.  Những thành công sơ khởi bắt đầu tới, nhưng không kéo dài được lâu.  Các tu sĩ Xitô nản lòng.  Đức cha Diegô trở về Tây Ban Nha kiếm thêm người trợ lực và qua đời tại đây.  Một vị sứ thần cũng từ trần.  Tệ hại hơn cả là Phêrô Castelman, vị sứ thần khác, bị bọn lạc giáo ám sát.

Còn lại mình cha Đôminicô.  Ngài vẫn tiếp tục nhiệt tình hoạt động trong đường lối khổ hạnh và cầu nguyện.  Không chấp nhận kiểu rao giảng khua trống gióng chiêng, Ngài nói:

– Không thể như vậy được. Hãy trang bị bằng kinh nguyện và chân không mà đến với tên khổng lồ Goliath.

Trong sáu năm, cha Đôminicô trải qua nhiều sóng gió.  Ngay khi mới tới, Đức cha Diegô và Ngài đã thiết lập một cộng đoàn nữ tu tại Prouille.  Một ngày kia trong khi nhiệt tình cầu nguyện, thánh nhân than thở tại sao số người lạc giáo quá nhiều mà trở lại thì quá ít.  Đức Trinh nữ đã hiện ra và dạy Ngài hãy rao giảng phép lần hạt Mân Côi.  Vâng lời Mẹ, thánh nhân dồn nỗ lực vào việc truyền bá sự sùng kính kỳ diệu này.  Thay vì tranh luận như trước, Ngài dạy dân chúng hiểu phương pháp và tinh thần khi lần chuỗi.  Ngài dẫn giải cho họ các mầu nhiệm thánh.  Kết quả thật lạ lùng.  Sau một thời gian ngắn, thánh Đôminicô đã được an ủi khi thấy hơn một trăm ngàn người tội lỗi và những kẻ lạc giáo được đưa trở về với Giáo Hội.

Hoàn thành sứ mệnh, thánh Đôminicô có ý định thành lập một dòng tu làm vườn ươm các tông đồ.  Ngài trình bày dự tính với Đức Giáo hoàng Innocentê III.  Nhưng Đức Giáo hoàng ngần ngại.  Đêm sau Ngài mơ thấy đại giáo đường Lateranô bị rung chuyển và thánh Đôminicô đưa vai chống đỡ bức tường cho khỏi sụp đổ.  Biết ý Chúa, Ngài cho gọi thánh nhân đến và chấp thuận cho lập dòng mới.  Đây là dòng Giảng Thuyết.

Một hôm, khi đến nhà thờ Ngài gặp một tu sĩ, mặc đồ người ăn xin ngồi ngay cửa.  Đó là thánh Phanxicô.  Hai người chưa gặp nhau, nhưng đã ôm choàng lấy nhau và gọi tên nhau.  Các Ngài hợp nhất với nhau trong công cuộc của Chúa.

Thánh Đôminicô đề cao việc học, Ngài gởi các tu sĩ đến các đại học, Ngài truyền:

– Chớ gì các tu sĩ chuyên cần học tập ngày đêm. Lúc ở nhà cũng như khi đi ngoài đường, họ phải không ngừng đọc sách và suy gẫm.

Thánh Đôminicô rảo qua khắp nẻo trên đường giảng dạy, một thanh niên hỏi Ngài đã học cách nào, Ngài nói:

– Hỡi con trong sách đức ái đó, sách này hơn mọi sách dạy bảo tất cả.

Một năm trước khi qua đời, các cha dòng Đôminicô đã được sai tới Oxfor, Amgaria, Đan mạch và Hy lạp.

Thánh Đôminicô qua đời tại Bologna ngày 6 tháng 8 năm 1221.  Năm 1231 Đức Thánh Cha Grêgôriô thứ IX đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.

Sưu tầm

THIÊN CHÚA NÓI KHÔNG

Có một bài thơ của một tác giả vô danh mà Hồng Y Jaime Sin, Tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân, lấy làm ưng ý nhất và thường trích dẫn trong các bài giảng của Ngài.  Bài thơ ấy như sau:

Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời: “Không!”  Ngài nói rằng không phải Ngài là người cất khỏi mà chính tôi mới là người phấn đấu để vượt thắng nó.

Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa trả lời: “Không!”  Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: “Không!”  Ngài nói rằng kiên nhẫn là hoa trái của thử thách.  Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.

Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời: “Không!”  Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy tôi.

Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: “Không!”  Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái.

Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: “Không!”  Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi được xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.

Tôi đã hỏi: “Liệu Ngài có yêu tôi không” và Ngài đã trả lời rằng: “Có!”  Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Đấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên Đàng vì tôi đã tin.

Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: “Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi.”

Nhìn lên thập giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi để tin nhận rằng Thiên Chúa đã yêu thương con người, Ngài đã yêu thương đến độ đã ban Người Con Một của Ngài cho thế gian.  Tình Yêu của Thiên Chúa nhiệm màu thẳm sâu đến độ sự thất bại, cái chết ô nhục đã trở thành Một Dấu Chứng.

Tình yêu ấy nhiệm màu thẳm sâu đến độ ngay cả khi Thiên Chúa xem ra nói không với chúng ta, Ngài vẫn yêu thương chúng ta.  Ngài nói không khi chúng ta xin được khỏe mạnh, và bệnh hoạn vẫn bám lấy chúng ta.  Ngài nói không khi chúng ta xin được thành công và thất bại lại đến với chúng ta.  Ngài nói không khi chúng ta xin được cơm bánh hằng ngày và đói khổ lại cấu xé chúng ta…  Qua những cái không ấy, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta…

Xin cho chúng ta cảm nhận được tình yêu ấy mỗi khi chúng ta nhìn lên cái chết ô nhục của Người Con Một Thiên Chúa trên thập giá.  Và cũng giống như Người Con Một ấy, xin cho chúng ta vẫn tiếp tục dâng lời chúc tụng ngay giữa niềm đau tưởng chừng như không còn chịu đựng nổi.  Và giữa trăm nghìn đắng cay chua xót, xin cho chúng ta cũng được tiếp tục thốt lên lời xin tha thứ như Ngài… Mãi mãi, xin cho chúng ta luôn phó thác như Ngài.

************************

Lạy Chúa,
Con cầu xin ơn mạnh mẽ
để thành đạt trong cuộc đời,
Chúa lại làm cho con ra yếu ớt
để biết vâng lời khiêm hạ…

Con cầu xin có sức khỏe
để mong thực hiện những công trình lớn lao,
Chúa lại cho con chịu tàn tật
để chỉ làm những việc nhỏ tốt lành…

Con cầu xin được giàu sang
để sống sung sướng thoải mái,
Chúa lại cho con nghèo nàn
để học biết thế nào là khôn ngoan…

Con cầu xin được có uy quyền
để mọi người phải kính nể ca ngợi,
Chúa lại cho con sự thấp hèn
để con biết con cần Chúa…

Con xin gì cũng chẳng được theo ý muốn
Nhưng những điều con đáng phải mơ ước,
Mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin,
thì Chúa lại đã ban cho con
thật dư đầy từ lâu…

Lạy Chúa,
Hóa ra, con lại là người hơn hết trên đời này,
Bởi con đã nhận được ơn Chúa vô vàn.  Amen!

Paradoxes Of Prayers

ĐỐI XỬ CÔNG BẰNG VỚI LINH HỒN TA

Sau khi được Chúa Giêsu ban cho một bữa ăn no nê thỏa thích qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, đám đông người Do-thái đổ xô tìm đến với Chúa mong được Người cho ăn tiếp. Chúa Giêsu không bằng lòng với toan tính đó nên Người nói thẳng với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”

Biết rõ bận tâm của đám đông là chỉ lo cho có lương thực nuôi xác, còn lương thực nuôi dưỡng tâm hồn và đời sống thiêng liêng thì chẳng màng tới, Chúa Giêsu răn bảo họ: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6, 27).

Khi nói như thế, Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người hãy cố công chăm lo cho linh hồn mình được phúc đời đời chứ đừng chỉ dồn tất cả công sức chăm lo cho thân xác mau hư nát nầy.

************************

Một nhà kia có hai người con.  Người con út được cha mẹ đem hết lòng yêu thương chăm sóc: cho ăn, cho mặc, cho học hành, cho thuốc men, cho tiêu xài thoải mái, cho tất cả những gì nó muốn và không từ chối nó bất cứ điều gì.

Trong khi đó, đứa con cả không được cha mẹ đoái hoài: không được nuôi ăn, chẳng được cấp dưỡng chút gì, bị cha mẹ bỏ mặc như thể nó không hề có mặt trên đời, mặc dù nó không làm điều gì sai trái.

Cha mẹ phân biệt đối xử như thế là quá bất công, đáng bị lên án.  Nếu chúng ta ở vào địa vị người cha người mẹ trên đây, chắc chắn không bao giờ chúng ta đối xử bất công như thế.

Thế nhưng, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có “hai người con” trong đời mình, đó là linh hồn và thân xác.  Thân xác nầy nay còn mai mất thì được nhiều người chăm sóc chiều chuộng tối đa, còn linh hồn trường sinh bất tử thì chẳng được đoái hoài.

Châm ngôn của một số đông là: Tất cả dành cho thân xác, tất cả cho cuộc sống đời nầy.  Người ta không từ chối thân xác bất cứ điều gì.  Dù thân xác có đòi hỏi những điều hèn hạ, vô luân, người ta cũng chiều theo nó.  24 giờ của mỗi ngày đều dành trọn cho thân xác.  168 giờ của mỗi tuần, 720 giờ của một tháng đều dành trọn để lo cho thân xác và cứ như thế hết tháng nầy qua tháng khác, hết năm nầy qua năm kia.

Trong khi linh hồn thì bị bỏ rơi, không được đoái hoài!  Đó là một bất công không thể chấp nhận được và mang lại hậu quả đau thương cho cuộc sống mai sau, vì không sớm thì muộn, cái chết cũng sẽ đến để cướp hết những gì người ta đang có và hủy hoại thân xác ra không.  Cuối cùng thân xác con người chỉ là một nhúm bụi đất còn linh hồn thì phải trầm luân muôn đời muôn kiếp.  Thật là điên rồ khi người ta dành hết tất cả thời gian, công sức, trí tuệ, tài năng, nghị lực của mình cho thân xác để rốt cuộc nó chỉ còn là bụi đất!

Qua sứ điệp Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người hãy đối xử công bằng với linh hồn mình.  Thân xác nầy nay còn mai mất thì chỉ cần chăm lo vừa đủ, còn linh hồn sống đời đời vĩnh cửu thì phải được chăm lo nhiều lần hơn.  Khi nuôi xác bằng cơm bánh được thu hoạch từ lòng đất thì cũng phải nuôi hồn bằng “Bánh từ trời xuống.”  Chính Chúa Giêsu là Bánh bởi trời được Chúa Cha ban cho nhân loại để mang lại sự sống cho thế gian. (Ga 6, 32-35)

“Ăn” Chúa Giêsu (theo nội dung đoạn Tin Mừng hôm nay, Gioan 6, 24-35) không có nghĩa là nhai, là nuốt Chúa Giêsu nhưng là đến với Chúa Giêsu và tin vào Người: “Chính tôi là Bánh trường sinh.  Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”  Nói khác đi, “ăn” Chúa Giêsu là đến với Chúa Giêsu, học với Chúa Giêsu, sống như Chúa Giêsu để đào tạo mình nên người có phẩm chất cao đẹp như Chúa, để rồi mỗi người chúng ta trở nên hình ảnh sống động của Chúa Giêsu và được chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Người.

Lm. Ignatiô Trần Ngà