BUÔNG BỎ

Ai ơi!  Làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe tiếng lòng dâng khúc hát
Để lắng lòng tìm lại chính bản thân
Để biết trân trọng từng hơi thở
Để tâm bén nhạy lòng tỉnh thức
Để sống cho trọn kiếp nhân sinh
– Hoa Dại –

Cuộc sống có nhiều khoảng lặng để gọi tên.  Sau những vất vả với cuộc mưu sinh, ta thích lắng lòng theo những dòng suy tưởng.  Một góc NGẪM bình yên, ta muốn tìm về sau những ngày tất bật, để ngẫm về cuộc đời trong kiếp nhân sinh.

Bên ly cà phê tôi cảm nhận được vị lạnh của đá, vị đắng của cà phê.  Tôi ngồi một mình, một mình đối diện với chính mình, ngồi để ngẫm về sự đời.  Ngồi miên man, mân mê ly cà phê, tôi lại nhớ đến câu chuyện mà tôi đã từng được nghe:

Một cô gái đến tìm một nhà sư, cô hỏi:

– Thưa thầy, con muốn buông bỏ một vài thứ mà không thể, con mệt mỏi quá.

Nhà sư đưa cho cô gái một cốc nước và bảo cô cầm, đoạn ông liên tục rót nước nóng vào cốc, nước chảy tràn ra cả tay, làm cô bị nóng quá, cô buông tay làm vỡ cốc.

Lúc này nhà sư từ tốn nói:

– Đau rồi tự khắc sẽ buông!

“Đau” trong câu chuyện về cô gái là chỉ những khổ đau, tổn thương, những vấp ngã gây ra cho tâm hồn.  Đôi khi những việc này xảy đến sẽ tạo động lực để người ta buông bỏ đi những điều trĩu nặng lên tinh thần như tham vọng, u sầu, vị kỷ, nóng giận…

Không phải ai cũng đủ dũng cảm, đủ vững vàng để bước qua những nỗi đau.  Nhưng một khi tim đã không thể còn đau thêm nữa, nước mắt đã không thể chảy thêm nữa thì đã đến lúc ta phải học cách buông bỏ chúng để yêu thương lấy chính mình.

Hạnh phúc nào rồi cũng tàn.  Phù phiếm, xa hoa nào rồi cũng tan.  Cảm xúc nào rồi cũng chai sạn.  Có chăng một thứ hư vô nào đó là vĩnh cửu?

Cuộc sống luôn chật vật giữa yêu và buông; bởi có yêu thì mới có buông, có buông mới biết mình có yêu.  Yêu và buông cứ như hai sợi dây vô hình đan vào nhau, thắt lại tạo một mớ bòng bong để con người ta ngụp lặn trong đó không biết lối ra.  Người ta thích nắm hơn buông, mặc dù trên nguyên tắc buông dễ hơn nắm.  Những ai biết buông – hoặc biết cách nắm như thế nào cho đúng cách – sẽ không phải chìm trong đau khổ.  Nắm đúng cách chính là sự tinh tế của kiếp nhân sinh.  Buông đúng lúc, nắm đúng cách ta mới có được sự quân bình, an lạc.  Nói thì dễ, nhưng thực hành mới khó làm sao!  Mà khó nhất chính là làm sao buông được để rảnh tay mà nắm đúng!

Một thầy giáo hỏi học sinh: “Giả dụ các em nhóm bếp để đun một nồi nước nhưng khi mới đun được một nửa thì củi đã sắp hết.  Lúc đó, các em sẽ làm thế nào?”  Có em nói sẽ sang hàng xóm xin ít củi, có em trả lời sẽ ra ngoài mua thêm.  Thầy giáo nghe vậy, liền nói: “Sao không ai nghĩ đến chuyện đổ bớt nước trong nồi đi nhỉ?”

Tương tự như vậy, mọi chuyện trên đời này có được ắt có mất, chứ không thể lúc nào cũng suông sẻ, viên mãn được.  Đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải chấp nhận đánh đổi để đạt được mục đích của mình.

Với nhịp sống hối hả này, tôi và bạn đã quá mệt mỏi.  Lúc này, ta cần làm không phải là gồng mình lên gắng gượng mà là thả lỏng bản thân, cho phép mình được thư giãn.  Khi cảm thấy đã nghỉ ngơi đủ thì mới nên tiếp tục làm những việc còn đang dang dở, kết quả sẽ có thể tốt đến không ngờ.  Ngược lại, nỗ lực một cách cố chấp thì sẽ chỉ càng làm hỏng việc mà thôi.

Tôi nhận ra một điều: Tôi được sinh ra không phải để sống cho quá khứ hay sống cho tương lai mà sống cho hiện tại này, như vậy là quá đủ rồi.  Có lẽ tôi chưa đủ kiến thức để hiểu, chưa đủ lớn để nhận thức được nhiều vấn đề nan giải nhưng có một điều đơn giản “Sống là để học cách yêu thương, biết che lấp nỗi đau, nỗi buồn và tự tìm cho mình một niềm vui trong cuộc sống này.”  Như Oprah Winfrey đã từng nói: “Hít thở.  Bước tiếp.  Và nhắc nhở bản thân rằng giây phút này là của riêng bạn.”

Một đời người trong cõi nhân sinh!
Cát bụi trở về cát bụi…còn lại gì?

Giuse Phạm Minh Thành, mf

VỚI CẢ TÂM TÌNH

Truyện thiền kể có hai nhà sư xuống núi.  Dọc đường các ngài gặp một thiếu nữ đứng bên vũng nước sâu.  Thiếu nữ muốn đi qua mà không sao đi được.  Thấy vậy, một nhà sư liền bế thiếu nữ vượt qua vũng nước.  Trở về gần đến chùa, nhà sư kia trách bạn: “Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế?”  Nhà sư trả lời: “Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa.”

Câu chuyện ý nhị trên đã minh họa rõ nét về hai lối sống đạo.  Lối sống đạo theo hình thức và lối sống đạo theo nội tâm.  Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương.  Thế mà ông vẫn yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc.  Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành.  Ông đã hoàn toàn giữ luật theo hình thức bề ngoài mà không xét đến nội tâm của mình.

Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do Thái cũng giữ đạo theo hình thức như thế.  Họ rất trọng những lề luật theo hình thức bề ngoài.  Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ.  Theo họ, đạo là lề luật.  Giữ trọn lề luật là giữ đạo.  Đặc biệt là luật thanh sạch.  Người Do Thái có nhiều cấm kỵ ô uế.  Bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo.  Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế.  Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế.  Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế.  Ô uế là tội lỗi.  Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa.  Để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.

Đức Giêsu chê trách họ là giả hình.  Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong.  Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm.  Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn.  Có lần Đức Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám xấu xa.

Vì quá chú trọng đến những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn.  Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện.  Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu.  Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ.  Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa.  Nên hôm nay, Đức Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.”

Những hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết.  Nhưng những hình thức bên ngoài, muốn có giá trị, cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong.  Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi.  Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt.  Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị.

Đạo Chúa không phải là hình thức.  Đạo Chúa là tình yêu.  Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng.  Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo.  Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phaolô dạy: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng.  Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.  Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.”

Vì thế, khi làm việc gì, điều cần thiết là cho cử chỉ phản ánh trung thực tâm hồn.  Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực.  Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành.  Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ.  Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời.  Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu.  Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối.  Có như thế, khi môi miệng đọc kinh, lòng ta mới gần gũi Chúa.  Khi ăn chay, tâm hồn ta mới tan nát vì tội lỗi.  Khi làm việc bác ái, ta tránh được thói phô trương.  Khi rửa tay, tâm hồn ta mới được thanh tẩy nên trong trắng.

Với tất cả tâm tình, những nghi thức mới trở nên có hồn, thành thực.  Với tất cả tâm tình, ta mới thực sự sống đạo.  Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa ta đến gần Chúa.

Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

THÁNH GIOAN TẨY GIẢ BỊ TRẢM QUYẾT

Có những cái chết để lại cho đời niềm thương nhớ khôn nguôi.  Có những sự ra đi làm cho con người thương nhớ, nhắc nhở tên người chết mãi mãi không ngơi.  Có những cái chết khiến người khác trề môi, phỉ nhổ.  Chết là trở về nơi cũ.  Chết là ra đi.  Chết là trở về với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và tác sinh.  Cái chết của thánh Gioan tẩy Giả mà Giáo Hội mừng kính hôm nay khiến nhân loại phải ghi nhớ, khiến nhiều người thương tiếc, nhưng cũng không khỏi nguyền rủa sự điên rồ, ngạo nghễ và dại gái, khôn nhà dại chợ của Hêrôđê, một vị vua tàn ác và thiếu tư cách làm người.

MỘT CÁI ĐẦU, MỘT SỰ TRẢ GIÁ VÔ BIÊN

Hêrôđê đã đi vào con đường tội lỗi.  Sự dại gái, khôn nhà dại chợ của Hêrôđê đã khiến vị vua này trở nên ngông cuồng điên dại.  Sống trong tội lỗi, tâm hồn của Hêrôđê đã trở nên mù quáng, tối tăm.  Ở trong bóng tối, Hêrôđê đã không còn biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái.  Ông đã hành động tùy tiện việc nước, đã ăn chơi, chè chén trác táng.  Ông không còn biết nhận ra sự thật.  Hêrôđê đã cướp vợ của người em mình.  Sự loạn luân không thể tha thứ, đã làm cho Gioan Tẩy Giả phải lên tiếng quở trách nặng lời hành động vô luân của Hêrôđê và Hêrodias, vợ loạn luân của Hêrođê.  Đúng như lời Kinh Thánh nói: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan.  Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng…” ( Ga 1, 6-7 ).

Gioan không phải là ánh sáng, nhưng Gioan tới để minh chứng về ánh sáng.  Vì chứng minh cho Chúa Giêsu là sự thật, là ánh sáng, Gioan đã không bao giờ chịu khuất phục trước những việc chướng tai gai mắt của con người, của xã hội đương thời và của nhân loại.  Gioan đã có lần nói: “Có Đấng đến sau tôi và tôi không xứng đáng cởi giây dép của Ngài.”  Gioan quả thực đã tới trần gian để dọn đường cho Chúa cứu thế.  Làm công tác dọn đường, Gioan đã sống đích thực sứ mạng của vị tiên tri.  Ngôn sứ phải nói lên sự thật và không bao giờ sợ nguy hiểm cho dù công tác của vị ngôn sứ luôn gặp hiểm nguy.  Để làm chứng cho Đấng cứu thế, Ngài đã nói công khai với mọi người khi họ lầm tưởng Gioan là Đức Kitô: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại.”  Gioan đã lớn lên trong sự minh chứng cho sự thật.  Chống lại hành động loạn luân và dâm dật của đôi dâm phụ Hêrôđê và Hêrodias.  Gioan Tẩy Giả đã phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời ngôn sứ của mình: cái chết.  Hêrôdias vì không chấp nhận sự thật, không chịu nổi lời quở trách của vị tiên tri.  Nên đã căm thù tìm cơ hội khử trừ vị ngôn sứ đầy uy tín.  Với sự nhảy múa cuồng nhiệt nhân ngày sinh nhật, Hêrodiađê đã làm ngây ngất vua Cha.  Cái đầu, là kết quả sự căm tức ngông cuồng của Hêrôdias.  Đầu của vị ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã nằm gọn trong chiếc dĩa trước mặt Hêrôđê.

LỜI CHỨNG ĐÁNG GIÁ NHẤT CỦA NGÔN SỨ GIOAN TẨY GIẢ

Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời, Gioan Tẩy Giả vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị ngôn sứ.  Mọi tiên tri đều phải trả giá cho lời chứng của mình.  Gioan Tẩy  Giả đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình.  Cái đầu phải trả là giá nặng nề và đáng nguyền rủa nhất của vị ngôn sứ sau cái chết chịu đóng đinh nơi thập giá đối với người Do Thái lúc đó.  Gioan Tẩy Giả đã tự xóa nhòa mình để cho Đấng cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại.  Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói lên sự thật muôn đời là Gioan đã hoàn toàn đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa: “Ngài không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các vua chúa.  Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý.”

Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả xin ban cho chúng con lòng can đảm để chỉ biết nói lên sự thật và làm chứng cho sự thật.  Xin ban cho chúng con biết nhỏ lại với con người yếu hèn, tội lỗi của mình và luôn để Chúa lớn lên trong chúng con.  Xin ban cho chúng con tâm hồn và sức sống của các vị ngôn sứ của Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

CHỌN LỰA: MỘT HÀNH VI KHÔNG DỄ

Cả anh em nữa, anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không?  Chúa Giêsu không hỏi: anh em có tiếp tục theo Thầy không mà lại hỏi thẳng thừng: anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không.  Một câu hỏi không thuộc dạng mời gọi như trước đây mà là đặt vấn đề chọn lựa rõ ràng, dứt khoát.

Kitô hữu chúng ta theo đạo không phải là theo một học thuyết mang tính triết lý hay thần học nào đó, nhưng là theo một “con người”, theo một “ai đó”, một “Đấng nào đó.”  Đấng hay con người mà chúng ta lựa chọn đi theo, lựa chọn để gắn bó, đó là Đức Giêsu Kitô.  Phụng Vụ Lời Chúa ngày Chúa nhật XXI Thường Niên B đặc biệt lưu ý chúng ta đến hành vi lựa chọn.  Chọn lựa một công việc để làm kế sinh nhai quả không mấy dễ.  Chọn lựa một bậc sống thật lắm phân vân đủ bề.  Chọn lựa một con người để làm bạn đời trăm năm cũng lắm sự nhiêu khê.  Và chọn lựa Đấng để trao gửi hạnh phúc hôm nay, và vĩnh cửu chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều.  Vì thế, khi phải chọn lựa trong một vấn đề quan trọng, chúng ta cần có đủ cơ sở một cách nào đó.

Sau khi nhắc lại cho dân tình yêu của Thiên Chúa qua các kỳ công Người đã thực hiện để bảo vệ dân, Giô-suê khẳng khái trước toàn dân rằng: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa” (Gs 24,15).  Và dân đã đáp lại rằng họ không hề có ý định bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác!  Họ sẽ thờ phụng Thiên Chúa, vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của họ dùng quyền năng thực hiện những dấu lạ lớn lao để đem họ cùng với cha ông họ ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà nô lệ mà vào đất hứa.  Như thế, cơ sở để dân Chúa xưa chọn thờ phụng Người đó là vì Người quyền năng đã đưa họ ra khỏi nhà nô lệ.

Trước câu hỏi của Chúa Giêsu, một kiểu đặt vấn đề đòi hỏi có sự chọn lựa dứt khoát thì Phêrô đã thay mặt nhóm Mười Hai trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).  Không kể trường hợp một phần tử trong nhóm không tin, thì câu trả lời của Phêrô nói lên sự chọn lựa của cả nhóm Tông Đồ.  Và sự chọn lựa ấy đặt cơ sở trên điều này: vì Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.  Để nói lên được những lời này, chắc chắn cùng với các bạn, Phêrô đã từng chứng kiến uy quyền của Thầy khi khiến nước lã hóa thành rượu ngon (x.Ga 2,1-12).  Các vị đã từng nghe Thầy nói với viên sĩ quan cận vệ nhà vua rằng: “Ông cứ về đi, con ông sống” và đứa con trai của ông ta đang hấp hối đã đuợc cứu sống (x. Ga 4,46-54).  Và các ngài chưa thể quên lời tạ ơn mới đây của Thầy đã giúp cho năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ no nê chỉ từ năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá (x. Ga 6,1-15).

Không ai tự nguyện dấn thân theo một lý tưởng, thực hiện một trách nhiệm hay gắn bó với một con người mà không ấp ủ một hoài bão, một ước mơ hay niềm hy vọng nào đó.  Xưa, dân Do Thái chọn tôn thờ Thiên Chúa là để một mặt khỏi bị Người giáng họa, trừng phạt, mà trái lại sẽ được Người chúc phúc và che chở trước các “kẻ thù” lân bang (Gs 24,19-20).

Cái hoài bão, uớc mơ, đúng hơn là cái mục đích việc Phêrô thay mặt anh em chọn gắn bó với Thầy đó là vì “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”  Sự sống đời đời là một ước mơ của con người, mọi thời và mọi nơi.  Dù đủ đầy của cải vật chất, dù nắm trong tay quyền sinh sát của bậc đế vương thì con người vẫn cảm nhận cái hữu hạn của cuộc sống đời này.  Danh vọng quyền lực, của cải hay tiền tài không thể giúp ta kéo dài cuộc sống đến vô tận.  Một thanh niên có nhiều sản nghiệp đã đến tham vấn Chúa Giêsu: Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?  Sau khi nói anh ta giữ các giới răn, Chúa Giêsu đã mời gọi anh ta hãy bán của cải, phân phát cho người nghèo rồi đến mà theo Người (x. Mt 19,16-22; Mc 10,17-22; Lc 18,28-30).

Chọn lựa là hy sinh.  Một câu nói cho thấy một lẽ tất yếu của việc chọn lựa.  Chọn ra đi thì phải hy sinh chuyện không ở lại, chọn việc cất tiếng nói thì đương nhiên phải mất thái độ giữ im lặng, đã chọn tôn thờ Thiên Chúa thì phải bỏ các thần của dân ngoại (x. Gs 24,23), v.v…  Tuy nhiên sự hy sinh trong việc chọn lựa không chỉ dừng lại ở các nội dung xem như đối lập của sự chọn lựa mà còn có sự hy sinh ngay trong chính hành vi chọn lựa.  Sự hy sinh ở đây được hiểu như một sự đánh cược, một sự dấn thân, một sự “liều lĩnh” nào đó.  Vì chưng, chúng ta vốn khó có được các cơ sở một cách chắc chắn kiểu trăm phần trăm khi chọn lựa một điều gì đó.  Chúng ta dễ nhận ra ngay hiện thực này qua việc các bạn thanh niên nam nữ chọn bạn đời hay chọn ơn gọi tu trì.  Như thế, sự hy sinh ở đây có thể hiểu như sự can đảm dấn thân, chấp nhận nhiều “cái giá” phải trả khi chọn lựa.

Cái giá mà chúng ta phải trả khi chọn lựa đi theo Chúa Giêsu, gắn bó với Người đó chính là “vác thập giá.”   “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27).  Cái giá mà Phêrô sẽ phải trả được Đấng Phúc sinh báo trước: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý.  Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.  Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.  Thế rồi Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,18-19).

“Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà không cần có tôi” (thánh Augustinô).  Tự do là một quà tặng cao quý Chúa ban cho loài người, loài cao trọng nhất trong các loài hữu hình Người dựng nên.  Tự do là một ân ban cao quý và cũng là một thử thách ắt có của tình yêu.  Được sống đời đời hay phải chết đời đời có nghĩa là được hạnh phúc bất diệt hay bị trầm luân mãi mãi, các khả thể này đang tùy ở sự lựa chọn của chúng ta.  Ai lại không muốn được sự sống đời đời, được hạnh phúc bất diệt, nhưng vấn nạn khó vượt qua đó là chúng ta thường e ngại phải trả giá.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

ĐẼO CHÂN THEO GIÀY

Một câu chuyện ngụ ngôn kể về người thợ đóng giày.  Vì tay nghề của ông quá kém, nên khi đóng một đôi giày, khách hàng thường phải yêu cầu ông sửa đi sửa lại nhiều lần.  Có một khách hàng đến khiếu nại vì giày của ông quá chật.  Đáng lẽ phải nới rộng giày cho vừa với chân thì ông thợ kia lại đề nghị khách hãy “đẽo bớt chân cho vừa giày.”

Ý tưởng của người thợ giày ngược đời và không có tính khả thi.  Tác giả muốn qua câu chuyện này cho thấy xung quanh ta vẫn có những hành động phi lý, gượng ép và không mang lại hiệu quả.  Trong đời sống đức tin cũng như đời sống xã hội, vẫn còn đó nhan nhản những khuynh hướng theo kiểu “đẽo chân theo giày”.

Khuynh hướng thứ nhất là tự dựng nên một hình ảnh Thiên Chúa theo ý kiến chủ quan

Nếu tác giả sách Sáng Thế viết: “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh mình…” (St 1,27), thì nay nơi nhiều người đang có khuynh hướng làm ngược lại: “Con người tạo dựng Thiên Chúa theo hình ảnh của họ (!)”.  Thật thế, để tạo nên một thứ tôn giáo đáp ứng được đam mê và sở thích cá nhân, người ta tự xây dựng một hình ảnh Thiên Chúa nhằm thỏa mãn tự do của mình.  Các môn đệ xưa kia cũng không thoát khỏi lối suy nghĩ nguy hiểm này.  Họ mang một quan niệm sai lệch về sứ mạng thiên sai của Đức Giêsu.  Tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ” cũng thúc bách bà mẹ của hai người con ông Giêbêđê.  Bà xin Đức Giêsu cho hai con trai mình, một bên tả, một bên hữu Chúa.  Hai chàng thanh niên này cùng đi với mẹ và hăng hái sẵn sàng chấp nhận chén đắng miễn là được hai vị trí quan trọng hai anh đang mong chờ (x. Mt 20,21-22).  Ngay cả khi Người vừa loan báo: “Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy…” (Lc 22,21) thì liền sau đó, các môn đệ vẫn sôi nổi tranh luận xem ai trong nhóm được coi là lớn nhất (x.Lc 22,24).  Thậm chí sau khi Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết, một vài người trong họ vẫn còn giữ khái niệm thuần túy nhân loại về sứ mạng của Người.  Tác giả sách Công vụ Tông đồ chắc đã mỉm cười hài hước khi ông ghi lại câu hỏi của một số người có mặt: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” (Cv 1,6).  Thật là khó hiểu, vì các môn đệ là những người bỏ mọi sự mà theo Thầy, đã được thụ giáo trong suốt ba năm có lẻ, mà vẫn bị những tham vọng trần thế làm mờ con mắt.  Các ông muốn xây dựng hình ảnh một đấng Messia theo nhãn giới trần thế của các ông, với hy vọng được thăng quan tiến chức và hưởng phú quý vinh hoa.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, tôn giáo cũng có thể biến thành một thứ hàng hóa bát nháo như một cái chợ.  Người ta viện cớ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, “bên cha cũng kính mà bên mẹ cũng vái,” để duy trì một thứ tôn giáo hỗn tạp. Thiên Chúa bị đặt để ngang hàng với các loại ngẫu thần và các hình thức mê tín dị đoan.  Trong cách nghĩ của nhiều tín hữu, Thiên Chúa là người quản lý giàu có và hào phóng, giống như Bà Chúa Kho, khi cần thì đến khấn vái để được những lợi lộc, may mắn.  Đây là một quan niệm làm biến dạng đức tin vào Thiên Chúa, rất nguy hiểm.  Bởi lẽ khi người ta tin vào Chúa thế nào thì người ta thực hành đức tin như vậy.  Một Thiên Chúa để ban ơn lợi lộc thì chỉ được kêu cầu để buôn may bán đắt.  Người ta khấn vái Ngài để thực hiện những “phi vụ” làm ăn, bất chấp những điều phi pháp và trái đạo lý con người.  Chẳng bao giờ người ta nghĩ đến việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa.  Tạo nên hình ảnh Thiên Chúa cho mình, đó chính là một hình thức “đẽo chân theo giày” của khá nhiều người thời nay.

Khuynh hướng thứ hai là thực hành đức tin tự do, theo những tham vọng cá nhân

Tại một số nước Âu Mỹ, xuất hiện một cách thức sống đức tin mà người Pháp gọi là “à la carte”. “Carte” là bản thực đơn trong nhà hàng.  Mỗi khi khách đến, nhân viên đưa ra một thực đơn để khách hàng chọn những món ăn mình thích.  Thành ngữ trên đây muốn diễn tả một cách sống đức tin có chọn lựa, giống như chọn lựa món ăn.  Món nào ngon, hợp khẩu vị thì chọn, món nào không hợp thì thôi.  Vì vậy, có những người tín hữu chủ trương “Tin Chúa Kitô nhưng không chấp nhận Giáo Hội” hoặc ngược lại.  Họ chấp nhận đi nhà thờ, nhưng không lãnh nhận bí tích.  Họ nhận mình là người công giáo, nhưng vẫn ly dị hoặc sống chung ngoài hôn nhân.  Họ chấp nhận kết hôn, nhưng không sinh con cái.  Họ nổi loạn và phản đối từ Đức Giáo Hoàng cho đến mọi phẩm chức trong Giáo Hội, khi họ không được đáp ứng những yêu sách chủ quan của họ.  Nói tóm lại, họ chỉ chọn lựa những gì dễ dãi cho bản thân, mà không chấp nhận bất kỳ sự ràng buộc nào do Luật của Thiên Chúa và Luật của Giáo Hội quy định.

Quan niệm sống đức tin theo kiểu “hiện đại” trên đây cũng đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.  Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, dựa vào lý luận “Thiên Chúa nhân từ” để dễ dàng vượt qua những quy định của Giáo Hội.  Họ coi nhẹ những ràng buộc hôn nhân và sự chung thủy vợ chồng.  Họ quan niệm quá tự do về tính dục.  Đời sống cầu nguyện nội tâm và việc học giáo lý bị coi thường.  Nhiều bạn trẻ vẫn nhận mình là Kitô hữu, nhưng lại không thực hành đức tin.  Họ dễ dàng từ bỏ danh nghĩa là người công giáo để có thể thăng tiến trong xã hội.  Họ muốn thay ngôi đổi vị trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, biến Ngài thành một Thiên Chúa phụng sự con người hơn là con người phụng sự Thiên Chúa.  Bắt Thiên Chúa chiều theo con người, chỉ chấp nhận những gì dễ dãi, đây là một kiểu “đẽo chân theo giày” trong việc sống đức tin.

Khuynh hướng thứ ba là hành động vô trách nhiệm

“Mình vì mọi người và mọi người vì mình”, “Lợi ích tập thể phải đặt ưu tiên trên lợi ích cá nhân”…  Những câu châm ngôn này xem ra nay đã lỗi thời.  Xã hội ngày càng rối ren do con người thiếu trách nhiệm trong cách hành xử, từ lãnh vực cá nhân đến lãnh vực tập thể.  Trong lãnh vực cá nhân, người ta nói và làm theo nhận định chủ quan của mình mà không quan tâm đến ích lợi của người khác.  Trong lãnh vực tập thể, những người có trách nhiệm chỉ để ý tới lợi nhuận trước mắt mà quên những ích lợi lâu dài.

Những người công bộc của dân được đặt lên để phục vụ và làm cho ích nước lợi nhà, nhưng xem ra phần “ích nước” luôn bị coi nhẹ và phần “lợi nhà” lại là chính.  Ấy vậy nên mới có những vị “đầy tớ nhân dân” mà gia tài của họ được so sánh như những đại gia, thậm chí còn giống như vua chúa thời phong kiến, có vườn thượng uyển, có dinh thự xa hoa.  Một điều lạ lùng là những vị lãnh đạo kém khả năng và thiếu tư cách, lẽ ra phải cho nghỉ việc thì lại được đề bạt lên cấp cao hơn, đến lúc bị phát hiện thì mọi người tá hỏa vì tổn thất quá lớn và thủ phạm đã cao chạy xa bay.  Nhiều người phỏng đoán nếu có bắt được thủ phạm thì cũng “hòa cả làng”.  Những cách hành động trên đây đang làm cho đất nước và dân tộc nghèo đi, không chỉ về kinh tế, mà còn nghèo về tình người và nguy hiểm nhất là nghèo về niềm tin.

Trong đời sống xứ đạo, những chia rẽ, cạnh tranh theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” vẫn tồn tại.  Nhiều khi người ta quên điều cốt lõi của đức tin mà quá nặng về hình thức.  Giữa một thời kỳ “trăm hoa đua nở” về xây cất và lễ lạc, việc thực thi công bằng, tôn trọng lương tâm và đời sống cầu nguyện dễ bị coi nhẹ.

Trong lãnh vực gia đình cũng vậy.  Nếu ngày xưa các cụ dạy: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, thì hiện nay đang phổ biến tình trạng ngược lại: “Con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy.”  Nhiều bạn trẻ tự do và quyết đoán trong việc trăm năm, đưa cha mẹ vào thế “đã rồi” và cha mẹ chỉ còn mỗi việc là làm theo những gì con cái muốn.  Họ tự do yêu nhau, tự do quyết định hôn lễ và cũng tự do trong những quyết định hệ trọng của cả một đời người.

Kết luận: “Đẽo chân theo giày” là một lối hành xử trái với tự nhiên hoặc cẩu thả, vô trách nhiệm, nên gây ra những hậu quả vô cùng tai hại.  Con người có khả năng và trí thông minh để điều khiển vũ trụ, nhưng họ cũng cần phải lắng nghe sứ điệp của Tạo Hóa để tôn trọng các nguyên tắc mà Ngài đã quy định.  Hành động với lương tâm ngay chính, tôn trọng phẩm giá và ích lợi tha nhân, đó chính là bí quyết của thành công trong mọi lãnh vực của cuộc sống chúng ta.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

SỰ KHAO KHÁT ÂN SỦNG

Một người nghiện rượu khám phá ra ý nghĩa mới cho sự cô đơn của mình, trong bàn tay Thiên Chúa

Ảo tưởng nguy hiểm của nhiều người nghiện rượu là khi chúng ta ở một mình thì việc uống rượu sẽ giúp chúng ta hòa nhập vào thế giới.  Ảo tưởng này đã trở thành lối sống cho tôi trước khi tôi chuyển tới thành phố New York lúc tôi hai mươi lăm tuổi.  Nhưng không phải cứ uống nhiều rượu, tình dục bất thường hay quần áo mắc tiền là có thể xoa dịu sự cô đơn nội tâm của tôi.  Trong một thành phố có tám triệu người, nơi cô đơn nhất chính là ở giữa một đám đông người.

“Với Anh, Miễn Phí.”  Những vụ tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, xảy ra ngay sau ngày sinh nhật thứ hai mươi bảy của tôi.  Nhìn làn khói và đống tro từ vị trí của Tháp Đôi, tôi cảm thấy như thể tất cả mọi nỗi sợ hãi, lo lắng và thống khổ trong tôi cũng đang trào tràn ra.  Ký ức sống động nhất của tôi từ mùa thu năm đó là khi nhìn thấy mười hai người lính cứu hỏa trong bộ quần áo màu xanh đậm đồng phục, đang tràn vào quán rượu gần văn phòng của tôi hàng tháng.  Mỗi ngày đều có một lễ tang mới gần Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Patrick.  Mỗi buổi tối, tôi đều uống rượu và nhìn lên, chết lặng và mệt mỏi.

Qua năm sau, những mối tương quan bị rạn nứt, sự chán nản và những dư vị khó chịu do dùng thức uống có nồng độ cồn cao hằng ngày gia tăng.  Khi ngày sinh nhật của tôi đến, tôi quyết định dành hai ngày nghỉ phép để “tổ chức” việc uống rượu nhiều hơn.  Mặt trời phả sức nóng nguy hiểm của nó trên tôi ngày thứ nhất khi tôi đi từ quán rượu này sang quán rượu khác.  Khi tối về, tôi cảm thấy sức nặng do sự ẩm ướt của thời tiết tháng Tám đè nặng trên tôi, nó càng mạnh hơn bởi hỗn hợp rượu và thuốc chống suy nhược mà tôi đã dùng.

Trong tình trạng này, tôi bắt đầu sợ hãi cái ngày ăn bữa tối mà tôi đã sắp đặt tại một câu lạc bộ chơi nhạc jazz ở Greenwich Village.  Tuy nhiên, tôi đã đến sớm và ngồi trong quán rượu, nói cách chắc chắn với người phục vụ ở quầy rượu là tôi ở đó để tổ chức sinh nhật của tôi.  Cô ấy đặt một cái ly đầy rượu màu xanh nhạt trước mắt tôi.  Cô ấy nói: “Với anh, miễn phí.  Chúc mừng sinh nhật anh!”  Tôi nâng ly lên, nhưng khi tôi làm như vậy, có một giọng nói bên trong tôi vang lên “Đây là nó.  Đây là lần uống cuối cùng của con.”

Giọng Nói Biết Tất Cả.  Tôi chuyển cái ly ra khỏi mặt tôi và nhìn vào nó.  Tôi rất bối rối bởi một cảm giác hy vọng lạ lùng và không thể tin được.  Tôi sẽ không còn say khướt nữa sao?  Hoặc tôi sắp chết rồi ư?  Giọng nói không rõ ràng và sự chết dễ dàng vẽ lên hơn là sự không say rượu nữa.  Tôi chiến thắng việc uống rượu chỉ trong tích tắc và rồi tôi chờ đợi.  Tôi không muốn tin giọng nói ấy.  Bất thình lình mọi sự bắt đầu đi vào bóng tối, như thể tôi đang bước vào một đường hầm.  Tôi không chết, nhưng tôi đã chạy tới phòng vệ sinh nam và ói ra.

Đó là lần uống cuối cùng của tôi.

Giọng nói mà tôi nghe làm tràn ngập trong một khao khát bất chợt là được giải phóng khỏi rượu.  Tôi đã cảm thấy rằng tôi đã được ban tặng một khởi đầu mới cho cuộc sống và tôi không muốn hoang phí nó nữa.

Một vài tuần sau, người phụ nữ mà tôi quen đã mời tôi đi nghe ca đoàn nhà thờ hát vào một sáng Chúa Nhật sau khi chúng tôi thức dậy.  Tôi quá xúc động bởi thánh ca Gregorian (thánh ca thời Trung cổ) và âm nhạc đến nỗi tôi đã trở lại vào Chúa Nhật sau đó, và sau đó nữa.  Tôi đã bắt đầu tham dự Thánh Lễ hằng tuần chỉ vì để tôi có thể nghe âm nhạc.

Dần dần, tôi đã bắt đầu nghe những gì đang diễn ra giữa những bài hát.  Rồi đến một ngày kia tôi nghe câu chuyện Chúa Giêsu cho con gái ông Jairus sống lại từ cõi chết (Mc 5,35-43).  Người bảo ông Jairus “Đừng sợ, nhưng hãy tin” (Mc 5,36).  Lúc đó, tôi biết đó chính là giọng nói biết tất cả đã hứa với tôi rằng đó là lần uống rượu cuối cùng của tôi.  Tôi nhận ra rằng trong suốt dọc dài đời tôi, Chúa Giêsu đã đang chuẩn bị cho tôi khao khát một cái gì đó khác hẳn.

“Linh hồn con khao khát Chúa.”  Vào Mùa Vọng năm 2003, tôi nhận ra rằng tôi phải sống trong tình trạng ân sủng khi tôi rước lễ.  Vì thế, tôi đã đi tìm một nhà thờ dòng Phanxico gần Penn Station và tôi ở đó mười phút trước khi Việc Xưng Tội kết thúc.  Tôi thưa với linh mục đang ở bên kia phiên sắt (của Tòa Giải Tội) rằng: “Lần xưng tội cuối cùng của con cách đây mười sáu năm rồi.”  Tôi nghe tiếng ngài hít vào thật sâu.  Khi tôi nói tôi không biết phải làm gì, ngài đã tử tế đề nghị tôi hãy kể thật lòng những tội lỗi của tôi bằng cách dùng Mười Điều Răn như bản hướng dẫn.

Tôi hỏi “Mười điều răn là gì ạ?”  Vị linh mục giúp tôi hiểu từng điều một và ngài giải thích rằng Chúa Giêsu đã tha thứ cho tôi cả những tội mà tôi không thể nhớ.  Sau khi tôi đọc xong Kinh Ăn Năn Tội và lãnh nhận ơn tha tội, ngài nói với tôi rằng: “Bây giờ không quá tệ, đúng không con?  Tòa nhà đã không xụp đổ xuống trên con.”  Tôi ra khỏi Tòa với một cảm giác nhẹ nhàng và hạnh phúc mới, và tôi ngước lên bầu trời để nhìn những tinh thể tuyết trắng trong đang rơi xuống.

Mùa Xuân năm ấy, tôi bắt đầu cầu nguyện Phụng vụ các Giờ Kinh.  Tôi sớm cảm nhận giá trị cấu trúc các Giờ Kinh trong ngày sống của tôi.  Tôi thích thú ngồi bên ngoài phòng thoát hiểm của tòa nhà tôi ở Queens[1], cầu nguyện bằng các thánh vịnh dưới bầu trời chiếu sáng.  Tôi bắt đầu cảm nghiệm Thiên Chúa đang nói với tôi qua những lời trong Thánh Kinh.  Đặc biệt, nhiều thánh vịnh rất cá vị hợp với tôi:  Lạy Thiên Chúa của con – chính Ngài Đấng con kiếm tìm!  Linh hồn con đã khát khao Ngài; tấm thân con mòn mỏi đợi trông (Tv 63,2).

Những đoạn trích này không còn là những từ ngữ xa xôi đã có từ hàng ngàn năm trước.  Chúng là những nền tảng của một mối tương quan mới giữa tôi và Giáo Hội qua thời gian.  Tôi không cô đơn trong kinh nghiệm tìm kiếm một sự đói khát mới về Thiên Chúa của tôi.  Tôi có vua David cùng đồng hành!

Một Cuộc Sống Mới Trong Bàn Tay Của Chúa Giêsu.  Muốn phục hồi khỏi chứng nghiện rượu, tôi cần niềm tin mới hồi sinh của tôi.  Tình bạn mà tôi đã tìm thấy trong nhóm mười hai bước thật là quan trọng, đặc biệt các linh mục và các bạn hữu của tôi ở nhà thờ đã giúp tôi duy trì việc bỏ rượu.  Họ chỉ cho tôi thấy những con đường mới đối với ý thức trách nhiệm và sự tự xét mình.  Tôi học hỏi từ họ và từ những sách thiêng liêng nói về sự khiêm tốn, và về sự hòa giải với những người mà tôi đã làm thiệt hại.  Điều quan trọng nhất là tôi đã nhận ra giá trị cuộc sống cho những người khác, chứ không phải cho chính tôi.

Qua việc cầu nguyện hằng ngày, Thánh Lễ và tham gia vào ca đoàn, tôi bắt đầu phục vụ Giáo Hội.  Những sự diễn tả của niềm tin Công Giáo đã trở nên những yếu tố nắm giữ cuộc sống của tôi.  Chúng giúp tôi chấp nhận hoàn toàn một viễn cảnh mới về sự cô đơn, đau khổ và cả niềm vui.

Những điều này dường như luôn luôn giống như những vấn đề cá nhân biệt lập đối với tôi.  Nhưng rồi tôi nhận ra rằng Chúa Giêsu đã nhìn thấy nỗi khổ của tôi và đã làm cho nó thành mối quan tâm của Ngài.  Tiếng Ngài nói với tôi tại quán rượu ở Manhattan!  Ngài đã mời gọi tôi bằng âm nhạc tuyệt vời.  Ngài đã bước vào cuộc đời tôi trong Thánh Lễ để Ngài có thể kéo tôi vào trong Ngài.  Như Ngài đã đi tìm những người phong hủi, và những cô gái điếm cách đây hai ngàn năm, Ngài cũng đã đi tìm tôi trong khung cảnh của quán rượu ở Greenwich Village.  Vì thế cho dù thỉnh thoảng tôi vẫn cảm nghiệm sự cô đơn sâu thẳm, nhưng nó đã trở nên có ý nghĩa hơn.  Tôi đã học thế nào để dâng nỗi cô đơn ấy lên Chúa Giêsu như phần (nhỏ bé) của tôi vào cuộc sống của Ngài, vào cái chết và sự phục sinh của Ngài.

Theo “Big Book” của nhóm những người nghiện rượu vô danh (Alcoholics Anonymous), “Trong bàn tay Thiên Chúa, bóng tối đi qua là sự sở hữu lớn nhất mà bạn có – chìa khóa cho cuộc sống và hạnh phúc đối với những người khác.”  Đó là vì trong bàn tay của Chúa Giêsu, chúng ta được tái sinh và ban tặng sự sống mới.  Tôi hy vọng rằng mỗi người trong các bạn có thể cảm nghiệm được niềm vui này và chia sẻ nó cho những người xung quanh bạn.

Colin O’Brien sống ở Hyattsville, Maryland.

Theo the Word Among us, Easter 2018 Issue
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP

[1] Queens: one of the five boroughs of New York City (located on Long Island)

HỒNG ÂN THÁNH THỂ

Khi thông ban Sự Sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân cao quý hơn hết mọi hồng ân, một quà tặng tuyệt vời trên tất cả mọi món quà.

Không gì trên đời quý bằng sự sống.  Dù có bị thiên tai mất hết ruộng vườn, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, nhưng chưa phải chết thì vẫn còn may.  Được sống là một hồng phúc lớn nhất, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ.  Theo nhà văn Jack London thì “thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết.”  Làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết!  Thế nên người ta thường nói: “Mạng sống quý hơn đống vàng.”

Vì yêu thương con người trên hết mọi sự, nên Thiên Chúa muốn dành cho họ quà tặng cao quý hơn tất cả mọi quà tặng, đó là sự sống; nhưng Thiên Chúa không chỉ ban sự sống sinh vật mà còn thông ban cả Sự Sống của chính Thiên Chúa cho con người nữa.

Thông ban sự sống thần linh

Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của Sự Sống.  Sự Sống bắt nguồn từ Chúa Cha.  Người thông ban Sự Sống của Người cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con).  Chúa Giêsu xác nhận sự sống của Người từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha” (Ga 6, 57).  Một khi nhận được sự sống từ Chúa Cha, Chúa Giêsu không giữ lại cho riêng mình, nhưng tìm cách thông truyền Sự Sống cao quý ấy cho nhân loại.

Bằng cách nào?

Muốn cho cành nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối để nên một với cây nho vườn.  Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.

Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giêsu thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giêsu.  Thế nên, Chúa Giêsu lập nên bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu Người, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Người thì được nên một với Người, được ở lại trong Người: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.”  Những ai “ở lại trong Chúa Giêsu và có Chúa Giêsu ở lại trong người ấy”, thì tất nhiên Sự Sống của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho người ấy.

Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giêsu thông ban, qua việc tiếp nhận Mình Máu Người, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.  “Đức Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.  Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).  “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).

Thế là thông qua việc ăn Mình và Máu Chúa Giêsu, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu” với Chúa Giêsu và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho họ.  Khi thông ban Sự Sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân cao quý hơn hết mọi hồng ân, một quà tặng tuyệt vời trên tất cả mọi món quà.

Biến đổi con người thành Chúa Giêsu

Ngoài ra, khi tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu trong Bí Tích thánh thể, chúng ta còn được biến đổi để nên một Giêsu khác.  Thánh Giáo hoàng Lê-ô Cả khẳng định: “Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy” (trích bài giảng của thánh Lê-ô cả giáo hoàng, trong bài đọc kinh sách ngày thứ tư, tuần 2 phục sinh).  Giáo huấn của Hội Thánh còn dạy cho biết nhờ tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa: “Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Kitô, bạn nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu.  Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Kitô, có Mình Máu Người thấm nhập khắp toàn thân.  Nhờ vậy, theo lời thánh Phê-rô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.” (trích bài giáo huấn cho các tân tòng tại Giê-ru-sa-lem trong bài đọc kinh sách ngày thứ bảy, tuần bát nhật phục sinh)

Lạy Chúa Giêsu, Hồng ân Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu nhưng tiếc thay, nhiều người không nhận biết nên tỏ ra hững hờ.  Xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận hồng ân nầy với hết lòng cảm tạ tri ân.

Lm Ignatiô Trần Ngà

TÍN ĐIỀU ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Ngày 1.11.1950, ĐGH Piô XII đã long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Lên Trời với nội dung: “Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, sau khi hoàn tất hành trình dương thế, đã được cất nhắc về trời cả hồn lẫn xác.”  Chọn công bố chân lý đức tin này trong ngày lễ các thánh nam nữ, Giáo Hội hữu ý cho thấy Đức Mẹ dù đứng trong hàng ngũ những người đã được thánh hoá, nhưng vinh quang Mẹ được hưởng đã đưa Mẹ lên vị trí hàng đầu: Mẹ là Đấng “đầy ơn phúc.”

  1. Tín điều Đức Mẹ Lên Trời: ưu thắng của lòng đạo đức bình dân.

Đây là một tín điều mới mẻ, mới được định tín cách đây hơn 65 năm, quý vị từ 65 tuổi đổ lên đã có một thời gian sống không có tín điều này; nhưng không phải là tín điều mới lạ, vì được châm rễ sâu trong lòng sùng mộ của dân Chúa từ lâu đời rồi.  Thế kỷ thứ VI ở đông phương đã thấy có lễ mừng Đức Mẹ Ngủ, sang thế kỷ thứ VII lịch phụng vụ Rôma đã ấn định lễ Đức Mẹ Lên Trời vào ngày 15/8 hằng năm, và đến thế kỷ IX cả châu Âu đã mừng lễ với tên gọi Mông Triệu như ngày nay.  Lex orandi, lex credendi, luật cầu nguyện đã dần dà chín mùi và khi đến thời đến lúc trở thành luật đức tin.

Nếu việc Đức Mẹ Lên Trời đã rõ rệt trong lòng sùng mộ của dân Chúa, thì việc đưa ra nền tảng thần học giải thích vẫn còn phải vất vả truy tìm.  Một mặt biến cố Đức Mẹ Lên Trời không được Phúc Âm nói đến, cũng dễ hiểu vì Phúc Âm là cuốn sách viết về đời và lời của Chúa Giêsu.  Còn Đức Mẹ xuất hiện trong đó chỉ như nhân vật phụ, lại nữa Mẹ rất kiệm lời, trong Phúc Âm chỉ thấy 7 lời của Mẹ thôi.  Mặt khác như Phúc Âm thứ tư cho biết, từ dưới chân thập giá Mẹ đã được trao cho sự chăm sóc của thánh Gioan, nên sau lễ Thánh Thần hiện xuống, Mẹ cũng dần dần rút lui vào hậu trường cầu nguyện để nhẹ nhàng ra đi không để lại dấu vết gì.

Tuy nhiên, điều không tìm thấy trong Thánh Kinh lại gặp được trong Thánh Truyền.  Giữa lòng Giáo Hội đông tây, từ rất sớm, các giáo phụ mỗi vị theo cách của mình đã nói đến việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời như biến cố ở đoạn cuối cuộc đời trần thế của Mẹ, và diễn giải bằng những hình bóng Thánh Kinh rất ý nhị và sâu sắc, vừa hỗ trợ cho lòng đạo nơi dân Chúa, vừa từng bước đưa ra những nền tảng hình thành tín điều đặc biệt này.  Trước 1.11.1950, người ta có quyền tin hay không, nhưng kể từ ngày định tín, tín hữu vui mừng tuyên xưng đức tin của mình: Đức Mẹ đã lên trời cả hồn lẫn xác.

  1. Tín điều Đức Mẹ Lên Trời: minh định rõ thêm những đặc ân của Đức Mẹ.

Có bao nhiêu đặc ân của Đức Mẹ?  Thưa có bốn: Hai đặc ân cổ thời được xác tín từ lâu dựa trên phẩm tính của Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh.  Hai đặc ân tân thời được định tín trong vòng trên dưới 150 năm nay đóng khung cuộc đời trần thế của Đức Mẹ, khởi đầu là Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội và kết thúc là Ơn Hồn Xác Lên Trời.  Cả bốn đặc ân này dẫu bản chất có khác nhau nhưng đều hoà quyện trong ơn tuyển chọn của Chúa Cha, ơn cứu độ của Chúa Kitô và ơn thánh hoá của Chúa Thánh Thần.

Chẳng phải nói đâu xa, ngay trong danh xưng ngày lễ hôm nay cũng nói lên trọn vẹn ý nghĩa của tín điều tuyên xưng.  Gọi là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Giáo Hội minh định đoạn kết vinh quang sau khi Đức Mẹ đã chu toàn trách vụ đường đời bên cạnh Đấng Cứu Thế.  Còn gọi là lễ Mông Triệu, Giáo Hội lại muốn nhấn mạnh khía cạnh mầu nhiệm, Đức Mẹ không tự mình mà nhấc lên trời, nhưng do Thiên Chúa triệu vời.  Nhưng dù gọi bằng danh xưng nào, đúng nghĩa Assumptio tiếng latinh, Đức Mẹ được kết hợp với Chúa Kitô phục sinh.  Còn muốn đi xa hơn một chút, ta có thể lý giải: dựa trên mầu nhiệm Nhập Thể, Mẹ đã cung cấp chất liệu xác thân cho Đấng Cứu Thế làm người, nên khi thân xác Đấng Cứu Thế phục sinh về trời, thân xác Mẹ cũng được chia sẻ hiệp thông.  Còn dựa trên mầu nhiệm cứu độ, Mẹ đã hiệp công cứu độ trọn vẹn với Chúa Kitô, Mẹ cũng được hiệp thông sự sống vinh quang trọn vẹn với Người trong trời mới đất mới.

  1. Tín điều Đức Mẹ Lên Trời: gieo thêm tin yêu hy vọng cho đời tín hữu

Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời như vậy đã sáng tỏ cho lòng tin của chúng ta.  Nếu có gì còn khó hiểu, có lẽ nằm ở chỗ mình chưa tách bạch được hai tình trạng của thân xác: tình trạng lữ hành và tình trạng phục sinh.  Trong tình trạng lữ hành, xác thân nặng nề; còn trong tình trạng phục sinh, thân xác được biến đổi thăng hoa.  Thân xác của Đức Maria lên trời chính là thân xác đã được ghi dấu bằng sự phục sinh của Đức Kitô.  Đức Kitô trưởng tử trong gia đình nhân loại, đã lên trời do tự mình, còn Đức Mẹ là hoa quả đầu mùa được triệu vời lên trời do ân sủng Chúa ban.  Trong ngắm thứ tư Mùa Mừng ta tuyên xưng từ thuở nào “Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời,” có điều hôm nay khi mừng lễ, ta nâng cao tâm hồn để chung mừng với Giáo Hội trong lời tuyên xưng trọng thể và chung vui với Đức Mẹ nơi đặc ân lạ lùng này, “Chúa đã làm cho Đức Mẹ những điều cao trọng.”

Nhưng tín điều hôm nay kỷ niệm còn hướng các tín hữu đến việc xem Đức Mẹ như mẫu gương tuyệt vời, quyết tâm yêu mến bước theo Mẹ, sống như Mẹ để một mai khi lìa đời ta cũng sẽ có kết cục giống như Mẹ, được hưởng ơn phục sinh của Chúa Kitô.  “Đức Maria, thầy dạy đức tin”, chúng ta hãy khiêm tốn tìm đến mái trường Đức Maria, học theo Mẹ những bài học từ cơ bản đến nâng cao, và sẵn sàng đi vào chuyên sâu để sống đời tận hiến cho Chúa theo gương sống của Mẹ.

Chính trên đỉnh cao của lòng tin mến ấy, chúng ta không ngại bộc bạch cho Mẹ nỗi niềm cậy trông.  Mẹ nào mà chả thương con, chỉ có con bỏ mẹ chứ mẹ chẳng bỏ con bao giờ.  Nếu tình mẹ nhân loại còn dạt dào như bể thì tình mẹ trên trời còn ví thể gấp trăm.  Sở dĩ con cái nhân gian có thể cậy trông Mẹ, là bởi vì trước đó Tấm lòng Mẹ đã mở rộng, đôi tay Mẹ đã sẵn sàng thi ân.  Mẹ lên trời không phải để cách xa cuộc sống nhân loại, nhưng trên đỉnh vinh quang thiên đàng, đó là lúc Mẹ có điều kiện phù hợp để gần gũi che chở đỡ nâng mọi người một cách rộng rãi và thuận lợi hơn.

Tóm lại, tín điều Đức Mẹ Lên Trời giúp ta tuyên xưng đức tin cách trọn vẹn hơn, giục giã yêu mến Đức Mẹ cách đậm đà hơn, và cũng thúc đẩy cậy trông nơi Mẹ gắn bó hơn.  Bởi lẽ xét cho cùng, tuyên tín Mẹ lên trời không chỉ cho vinh quang của riêng Mẹ, mà còn cho hạnh phúc của con cái Mẹ trên dương thế là chính chúng ta.

Có người hỏi “Ở Tàpao có những phép lạ nào?”  Tôi trả lời: Phép lạ thì không biết, nhưng ơn lạ thì hầu như ngày nào cũng có, nhất là ơn biến cải đời sống.  Đang mê chuyện đỏ đen, đi Tàpao về bỏ được hết, đang xào xáo gia đình, đến Tà pao khấn về được bình yên, hay đang khô khan nguội lạnh theo bạn đến Tàpao về bỗng dưng thấy sống đức tin cách tích cực hơn, đó chẳng phải là ơn lạ ở Tàpao sao?

Xin được cùng với khách hành hương dâng lên Mẹ lời kinh tôn vinh và trông cậy:

Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Đồng Trinh,
Mẹ Thiên Chúa, Mẹ uy linh muôn đời.
Hôm nay mừng Mẹ lên trời,
Hành hương con đến chung lời ca khen.
Cúi xin Mẹ rất dịu hiền,
Thương con, dẫn dắt về miền trời cao,
Đời con có Mẹ Tàpao.

GM Giuse Vũ Duy Thống

BÍ QUYẾT YÊU MẾN KINH THÁNH

Cuối tháng Chín hàng năm, Giáo hội kính nhớ Thánh tiến sĩ Giêrônimô, bổn mạng các dịch giả.  Ngài sinh ra không là thánh ngay, ngài có tính nóng nảy và gay gắt nên nhiều người không ưa, ngài còn bị cám dỗ dữ dội về đức khiết tịnh nên ngài chiến đấu bằng cách cầu nguyện và ăn chay nhiều.

Mặc dù khuyết điểm về tính khí và thường xuyên bị kẻ thù tấn công, ngài vẫn là người thông minh xuất chúng, đam mê nghiên cứu, nhất là say mê Lời Chúa.

Giáo Hội rất biết ơn Thánh Giêrônimô, đặc biệt về lòng yêu mến Lời Chúa và tác phẩm nghiên cứu của ngài.  Có điều quan trọng là ngài đã hoàn tất bản dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin – chúng ta gọi là “Vulgate” (bản phổ thông), và từ bản phổ thông này, Kinh Thánh đã tiếp tục được chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ khác – tiếng Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Việt Nam,…  Kinh Thánh là sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất, khoảng 2.500 ngôn ngữ.  Tất cả đều nhờ công việc khó nhọc của Thánh Giêrônimô.

Công Đồng Vatican II đã xuất bản bốn Hiến chế về Tín lý, bốn cột trụ của Giáo Hội trong thế giới ngày nay: Sacrosanctum Concilium (Hiến chế về Phụng Vụ Thánh), Gaudiumet Spes (Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội), Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân) và Dei Verbum (Lời Thiên Chúa) – đề cập sự mặc khải và Lời Chúa. Thánh Giêrônimô nổi tiếng với câu nói này: KHÔNG BIẾT Kinh Thánh là KHÔNG BIẾT Đức Kitô – IGNORANCE of Sacred Scripture is IGNORANCE of Christ.

Đúng vậy!  Nếu chúng ta không đọc Kinh Thánh, đặc biệt là các Phúc Âm, chúng ta không thể biết Chúa Giêsu là ai, không biết Ngài thì không thể yêu mến Ngài, do đó mà khó có thể đi theo Ngài và làm môn đệ của Ngài được.  Vì thế, chúng ta phải dành cho Chúa tâm hồn mình, yêu mến và quý trọng Lời Chúa, bằng cách thực hiện ít nhất vài điều trong số các điều này:

  1. SỞ HỮU KINH THÁNH – Kinh Thánh có nhiều cuốn và đa dạng, nhưng bạn nên có được cuốn Kinh Thánh của Giáo Hội Công giáo. Với điện thoại thông minh, bạn có thể sử dụng các Apps liên quan Kinh Thánh, nhưng phải cẩn trọng và chọn đúng Kinh Thánh Công giáo!
  1. TRAO TẶNG KINH THÁNH – Các dịp đám cưới, sinh nhật, kỷ niệm ngày rửa tội, thêm sức, ngân khánh, kim khánh,… Thật là rất ý nghĩa nếu chúng ta tặng nhau một cuốn Kinh Thánh.
  1. YÊU MẾN KINH THÁNH – Hãy đặt cuốn Kinh Thánh ở nơi trang trọng, đừng bao giờ bất kính. Điều đó có nghĩa là đừng bao giờ để sách Kinh Thánh ở nơi bất xứng – để trên nền nhà, ghế ngồi,… Kinh Thánh là Lời Chúa, chúng ta phải nâng niu, trân quý.
  1. ĐỌC VÀ SUY NIỆM – Kinh Thánh không là phần trang trí hoặc bộ sưu tập của lễ Giáng Sinh, cũng chẳng là vật kỷ niệm. Kinh Thánh là để đọc và suy niệm không ngừng. Hãy khắc dạ ghi tâm lời Thánh Vịnh: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:1-2).  Ước gì chúng ta cũng thích đọc Kinh Thánh và suy niệm Lời Chúa suốt ngày đêm!
  1. GHI NHỚ NHỮNG CÂU QUAN TRỌNG – Chúa Giêsu là gương mẫu của chúng ta! Ngài ăn chay 40 đêm ngày, ma quỷ cám dỗ Ngài. Cơn cám dỗ thứ nhất nó xúi giục Chúa Giêsu biến đá thành bánh mà ăn.  Ngài nói thẳng với nó: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4).
  1. BẢO VỆ ĐỨC TIN BẰNG LỜI CHÚA – Thánh Phaolô nói rằng Lời Chúa như gươm hai lưỡi tách xương và tủy. Ngài có ý nói rằng Lời Chúa mạnh mẽ, nên được dùng làm linh khí để chiến đấu với Satan và đồng bọn của nó – những kẻ dối trá. Hãy đọc Thánh Thomas Aquinô với Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica) và cách ngài bảo vệ tín lý dựa vào Lời Chúa.
  1. THÁNH LỄ VÀ LỜI CHÚA – Hãy tham dự Thánh Lễ hằng ngày – cách cầu nguyện tuyệt vời nhất trên thế gian này! Hiến chế Sacrosanctum Concilium giải thích về Thánh Lễ và Phụng Vụ, cho biết rằng có hai bàn tiệc nuôi dưỡng chúng ta trong Thánh Lễ: Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể. Hãy tham dự Thánh Lễ – thực sự là Bàn Tiệc Nước Trời!
  1. LINH THAO VÀ LỜI CHÚA – Khi có cơ hội, cố gắng sống theo cách Linh Thao (Spiritual Exercises) của Thánh Inhaxiô Loyola. Có thể đó là cuộc tĩnh tâm một tháng, tám ngày, hoặc một tuần, hoặc ngay hôm nay, tĩnh tâm giữa đời thường, có thể kéo dài sáu tháng hoặc một năm, cùng với một vị linh hướng. Phương pháp Linh Thao của Thánh Inhaxiô Loyola là cách suy niệm hoặc chiêm niệm Lời Chúa.  Hãy thử và bạn sẽ không bao giờ hối tiếc!
  1. ĐỨC MẸ VÀ LỜI CHÚA – Khi cố gắng phát triển lòng yêu mến đối với Lời Chúa,đừng quên đến với Đức Trinh Nữ Maria, vì chính Đức Mẹ đã cưu mang Ngôi-Lời-hóa-thành-nhục-thể trong cung lòng 9 tháng. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ đã suy niệm Lời Chúa trong Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Sau khi các mục đồng đến kính viếng Hài Nhi, Đức Mẹ hoàn toàn im lặng: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19).  Cầu xin Đức Mẹ thêm sức cho chúng ta làm được như vậy – suy niệm Lời Chúa bằng cách đọc Kinh Thánh, cầu nguyện bằng Kinh Thánh, thấm nhuần Kinh Thánh và noi gương Đức Mẹ sống Lời Chúa!

Lm Ed Broom, OMV – Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ Catholic Exchange.com

BÁNH TRƯỜNG SINH

Một ngôn sứ dũng cảm như Êlia trên núi Các-men cũng có lúc chán nản, thất vọng, chỉ muốn xin được chết.  Giữa sa mạc, Êlia nằm ngủ dưới gốc cây.  Ông không còn đủ sức tiếp tục cuộc hành trình.  Một thiên thần đã đem đến cho ông bánh và nước, nhờ đó ông có sức đi đến núi của Thiên Chúa.

Người Kitô hữu cũng phải đi ngang qua sa mạc cuộc đời, với bao thách đố, ngờ vực, hiểm nguy…  Chúng ta cần được dưỡng nuôi, nâng đỡ, để có sức đi hết cuộc hành trình về quê thật.  Có thiên thần nào hiện ra đem bánh cho ta không?  Có thứ manna nào từ trời rơi xuống?

Thiên Chúa Cha muốn ban cho ta tấm bánh từ trời, đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa (Ga 6,32-33).

Đức Giêsu là Tấm Bánh Cha ban cho nhân loại, và chính Ngài cũng muốn tặng bản thân mình cho ta: “Tôi là Bánh trường sinh” (c.48).  “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống” (c.51).

Khi nói đến Bánh hằng sống, Bánh trường sinh, chúng ta thường nghĩ ngay đến bí tích Thánh Thể và ít khi nghĩ đến Tấm Bánh Lời Chúa.

Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc.  Chúng ta được mời đến dự bàn tiệc Lời Chúa trước khi dự bàn tiệc Thánh Thể.  Cả hai đều là lương thực cần thiết cho tín hữu.

Công đồng Vaticanô (PV 7) khẳng định rằng khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa trong Phụng Vụ thì Chúa Giêsu “hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội.” Như thế Chúa Giêsu vẫn loan báo Tin Mừng trong từng thánh lễ (PV 33).  Ngài vẫn trao cho ta Tấm Bánh là Lời của Ngài.

Con người sống đâu chỉ nhờ cơm bánh vật chất, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.  Đức Giêsu là Lời viết hoa của Thiên Chúa.  “Thầy có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).

Lời Chúa là thức ăn khó nuốt.  Cuốn Tân Ước tôi cầm trên tay là một bản văn cổ, thuộc nền văn hóa xứ Pa-lét-tin cách đây hơn 2000 năm.  Phải học hỏi, đào sâu mới hiểu đúng và hiểu đủ.  Lời Chúa cũng là thức ăn khó nuốt, vì là một lời mời gọi tôi ra khỏi mình, bỏ lại những tính toán khôn ngoan và hợp lý.  Tiếng Chúa đụng đến con người tôi, ở đây, bây giờ, và mời tôi dấn thân vào một cuộc mạo hiểm.  Nhưng Lời Chúa sẽ là tấm bánh thơm ngon nếu tôi biết lắng nghe và đem ra thực hành.  Càng sống Lời Chúa, tôi càng gặp được ánh sáng và sức mạnh, nhất là được hiệp thông với con người Đức Giêsu.

Hãy hưởng dùng Tấm Bánh Chúa trao cho bạn, và hãy chia sẻ cho nhau kho tàng Lời Chúa.

************************

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa dưới muôn ngàn dáng vẻ.

Chúa hiện diện lặng lẽ như tấm bánh nơi nhà Tạm, nhưng Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ, những người sống không ra người.

Chúa hiện diện sống động nơi vị linh mục, nhưng Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người gặp gỡ nhau để chia sẻ Lời Chúa.

Chúa hiện diện nơi Giáo Hội gồm những con người yếu đuối, bất toàn, và Chúa cũng ở rất sâu trong lòng từng Kitô hữu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy Chúa đang tạo dựng cả vũ trụ và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.  Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.  Xin cho con khám phá ra Chúa đang hẹn gặp con nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.  Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi, thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.  Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa trên bước đường đời của con. Amen.

Trích trong “Manna”