CHỐNG CÁC TAY SAI CỦA QUỶ VƯƠNG

Nếu tôi là Đức Giêsu, tôi sẽ buồn phiền chán nản vô cùng: vừa bị thân nhân gia đình bôi nhọ là: “Ông ấy mất trí”, lại bị nhóm kinh sư từ thành đô Giêrusalem đến xem xét rồi chụp mũ: “Ông ấy bị quỷ vương Bengiêbút ám nhập và dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”.

Đó là những bẫy rất tâm lý và cực kỳ nguy hại của sa tan, để đánh bại chương trình cứu độ của Đấng Cứu Thế như nó đã đánh bại chương trình sáng tạo của Thiên Chúa.  Trước kia nó đã mặc lốt con rắn cuốn lôi con người bỏ Thiên Chúa mà theo nó phạm tội ăn trái cấm (Bài đọc 1).  Bây giờ, nó núp bóng dưới dạng thân nhân, và kinh sư âm mưu tráo trở công việc cứu độ của Đức Giêsu biến thành công việc của nó.  Đức Giêsu đã mạnh mẽ phản kháng những lừa bịp độc hại của sa tan.  Người liền gọi dân chúng, những con người hiền lành chất phát đến nghe để Người giải tỏa cho họ khỏi nọc độc bịp bợm của rắn quỷ, bằng kiểu luận lý dễ hiểu, ai cũng có thể thấy rõ được: “Nước nào chia rẽ, nước ấy sẽ mất; nhà nào chia rẽ, nhà ấy sẽ tan”.

Một tiền đề sát với đời sống cụ thể của họ và rất sắc bén để dẫn tới áp dụng kết luận: “Vậy satan chống lại satan, satan tự chia rẽ satan, thì chúng không thể tồn tại, tất nhiên chúng dẫn đến diệt vong”.

Người đau đớn quay sang nói với bọn kinh sư, tay sai của quỷ rằng: “Nếu Ta nhờ Bengiêbút mà trừ quỷ thì bè phái các người nhờ ai mà trừ quỷ?  Bởi thế, chính họ sẽ xét xử các ngươi”.

Đồng thời Người cũng cho họ thấy rõ sự thật hiển nhiên là: “Ta đã nhờ Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là nước Thiên Chúa đã đến trên các ngươi” (Mt. 12, 27-28).

Nói đến đây, đáng lẽ ra các kinh sư là những người thông Kinh thánh, họ phải nhớ ra việc Elia xưa đã nhờ Thiên Chúa mà trừ diệt những kẻ dựa vào quỷ Bengiêbút thời vua Akhap và Ôkhôgia vua Israen. Ôkhôgia khi bị đau liệt, ông đã sai sứ giả đi cầu khẩn Bengiêbút.  Thiên Chúa đã thúc giục tiên tri Elia đi đón sứ giả và nói: Ở Israel không có Thiên Chúa sao mà các ngươi lại đi cầu khẩn Bengiêbút?  Cho nên Thiên Chúa phán thế này: Ngươi sẽ chết trên giường ngươi nằm.  Ôkhôgia cố chấp không nghe lời cảnh cáo của Elia, còn sai quan quân tất cả hai lần trăm người đến bắt Elia.  Elia đã nói: Nếu ta là người của Thiên Chúa, thì lửa hãy từ trời xuống thiêu đốt các ngươi đi.  Và lửa từ trời đã thiêu đốt sạch bọn chúng, và cả nhà vua cũng chết, trừ đoàn sứ giả thứ ba biết khấn xin người của Thiên Chúa thì được sống (2V. 1, 2-17).

Những hạng người cầu khẩn tà thần ma quỷ, những người khăng khăng cố chấp những tà thuyết mù quáng, những hạng người ác ý thay trắng ra đen, xuyên tạc công việc của Thiên Chúa sang công việc của quỷ thần, những hạng người đó đã xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, chúng chẳng bao giờ được tha thứ, chúng lì lợm đến diệt vong.

Chỉ có những người ngay lành thiện chí như dân chúng, biết nhận ra lẽ phải, biết lắng nghe lời Thiên Chúa, biết đón nhận những việc lành phúc đức, mới thực sự “là mẹ, và anh em của Đức Giêsu”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết siêng năng chạy đến xum họp chung quanh bàn tiệc thánh Lời và Mình Máu Thánh Chúa, như đám đông dân chúng xưa kia đã ngồi vây quanh Người để lắng nghe.  Xin cho chúng con nhận biết và thực thi thánh ý Thiên Chúa để được vinh phúc trở nên là mẹ và anh em với Người.  Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm (trích trong “Xây Nhà Trên Đá”)

MỪNG RỠ VÁC LÊN VAI

Dụ ngôn về con chiên bị lạc mất được đọc trong lễ Thánh Tâm.  Đức Giêsu nói dụ ngôn đơn sơ này vì thấy những người Pharisêu và các kinh sư khó chịu khi Ngài đón tiếp các tội nhân và hồn nhiên ăn uống với họ.  Ngài không xa lánh họ vì họ dám đến gần Người để nghe (Lc 15, 1-2).

Từ nơi Đức Giêsu toát ra một sự hấp dẫn những ai bị xã hội loại trừ.  Họ biết mình được Ngài yêu thương đón nhận.  Họ biết mình có chỗ trong trái tim nhân hậu của Ngài.  Dụ ngôn con chiên bị mất là dụ ngôn về một trái tim.  Trái tim nhói đau của người có đàn chiên một trăm con, và mất một.  Anh không coi nhẹ sự mất mát này, vì anh quý từng con chiên.  Con chiên bị lạc mất làm anh nặng lòng, không yên, dù một con trong đàn chiên trăm con có thể chẳng là gì cả.

Trái tim nhói đau cũng là trái tim tìm kiếm.  Để tìm kiếm, anh phải để lại chín mươi chín con kia trong hoang địa.  Có thể anh phải gửi đàn chiên mình cho người bạn chăn nuôi.  Lòng của anh bây giờ tập trung hoàn toàn vào con chiên lạc mất, đến độ có vẻ như anh bỏ rơi những con còn  lại.  Ta chẳng rõ anh đi tìm ở những nơi nào và bao lâu.  Hẳn anh đã đến mọi nơi mà con chiên này có thể ẩn nấp.  Điều chắc chắn là anh đã muốn tìm nó cho kỳ được (c. 4).  Anh không muốn bỏ dở nửa chừng cuộc tìm kiếm vất vả này.

Trái tim âu lo tìm kiếm cũng là trái tim nhảy mừng khi tìm thấy.  Thấy bóng dáng con chiên lạc từ một hố sâu, hay nghe tiếng kêu quen thuộc của nó từ bụi rậm, điều đó làm anh quên hết mọi nhọc nhằn. Niềm vui rộn lên trong lòng anh.  Cách anh biểu hiện niềm vui là vác con chiên tìm thấy trên vai, và để nó ngang đầu mình, mặt mình.  Có thể anh không muốn dắt nó đi vì anh sợ nó mệt, thay vì anh không muốn mất nó một lần nữa.

Trái tim nhảy mừng cũng là trái tim muốn chia sẻ niềm vui.  Khi về nhà, anh đã mời bạn bè, hàng xóm lại và nói với họ: “Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên bị mất” (c. 6).  Niềm vui lớn quá nên không thể giữ riêng trong lòng mình được.  Niềm vui đòi nói ra, đòi chia sẻ để được nhân lên.  Trái tim của Đức Giêsu là trái tim của người chăn chiên, buồn khi mất chiên, vất vả đi tìm và nhảy mừng khi tìm thấy.  Khi ngồi ăn với những tội nhân trên đường hoán cải, Đức Giêsu nếm trải niềm vui tột độ của người tìm được chiên.  Tiếc thay những người Pharisêu không muốn chung vui với Ngài.  Họ không hiểu được niềm vui của cả thiên đàng khi một tội nhân hoán cải.  Đơn giản vì Thiên Chúa quý từng người và không muốn mất một ai.  Chỉ mong mỗi linh mục có trái tim của Giêsu, người mục tử nhân hậu.

************************

Lạy Chúa,

Xin cho con quả tim của Chúa
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, 

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa 
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường 
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. 
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, 
mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, 
không một biến cố nào làm xáo trộn, 
không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công, 
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. 
Xin cho quả tim con đủ lớn 
để yêu người con không ưa. 
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở 
để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

TÌNH CHÚA (có Youtube)

Vào tháng 12 năm 1987 một cơn động đất lớn đã xảy ra ở xứ Armênia thuộc Liên Xô cũ giết chết hằng ngàn người.  Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có 2 mẹ con bà Suzanna.  Mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ.  Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt nhỏ.  Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch.  Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: “Mẹ ơi con khát quá.”  Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con.  Nhưng tình máu mủ đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo: bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút.  Một lúc sau nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa.  Cứ như thế cho đến khi người ta cứu 2 mẹ con ra.  Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng: “Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết.  Nhưng tôi muốn con tôi sống”

Câu chuyện trên thật cảm động.  Nhưng vẫn không cảm động bằng việc Đức Giêsu tự hiến dâng thịt máu mình cho chúng ta.  Bà Suzanna đã lấy máu của mình nuôi con khi bà biết rằng chắc chắn bà sẽ chết.  Thay vì chết cách vô ích.  Bà đã hy sinh dòng máu của mình để cho đứa con được sống.  Đó là sự hy sinh trong một tình thế bó buộc.  Còn Đức Giêsu thì không có gì bắt buộc cả: Ngài đến trần gian để chết cho loài người.  Càng ngày Ngài càng tiến gần đến cái chết.  Tuy nhiên bất cứ lúc nào Ngài cũng có thể thoát khỏi cái chết ấy.  Dù vậy Ngài vẫn cương quyết đi đến cái chết và cương quyết lấy thịt máu mình làm lương thực nuôi sống loài người chúng ta.  Thật đúng là: “Không có tình yêu nào cao trọng cho bằng tình của người dám chết cho người mình yêu thương.”  Điểm thứ hai khác biệt giữa bà Suzanna với Đức Giêsu là: việc bà Suzanna hy sinh máu mình cho đứa con chỉ xảy ra một lần; còn việc Đức Giêsu ban thịt máu Ngài cho chúng ta xảy ra hằng ngày, như lời Ngài đã truyền dạy “Chúng con hãy làm việc này để nhớ đến Ta.”  Mỗi lần Giáo hội dâng Thánh lễ là mỗi lần việc hy sinh của Đức Giêsu được lập lại, lập lại không chỉ như một tưởng niệm mà lập lại với tất cả hiệu quả có nó.  Hiệu quả ấy là như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời.”

Một điều đáng buồn là lòng chúng ta đã thành chai đá trước tấm lòng của Chúa mà lẽ ra phải khiến chúng ta hết sức cảm động.  Ngày nay ở phương Tây, số giáo dân Pháp, chỉ còn có 10% giáo dân dự lễ Chúa Nhật.  Còn bên Việt Nam chúng ta, số người bỏ lễ Chúa Nhật cũng càng ngày càng nhiều.  Trong số những kẻ còn đi lễ thì nhiều người đứng ngoài nhà thờ, vừa dự lễ vừa trò chuyện và hút thuốc.  Hình như rất nhiều người đi lễ chỉ vì sợ phạm tội trọng.

Khi Nữ Tu Têrêxa Calcutta sang Liên Xô xin mở trụ sở bác ái, Bà đã gặp các vị lãnh đạo chính quyền và đã được đồng ý nhanh chóng.  Tuy nhiên khi bà xin cho có Linh mục tại những trụ sở đó thì các vị ấy đã ngần ngại.  Lúc Mẹ Têrêxa giải thích: Nguồn sức mạnh của các Nữ Tu chúng tôi là do Mình Thánh Chúa.  Nhờ mỗi ngày được rước Mình Thánh Chúa nên các Nữ Tu chúng tôi có sức hy sinh quên mình để phục vụ những người nghèo khổ.  Do đó cần phải có Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh Lễ và cho chúng tôi rước lễ.  Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Bà là những người đã cảm nghiệm được Lời Chúa phán khi lập phép Mình Thánh Chúa “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời.”

Hôm nay lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.  Chúng ta ôn lại tình yêu bao la của Đức Giêsu khiến Ngài chịu chết vì chúng ta và trước khi chết đã ban Mình và Máu Ngài làm thương thực nuôi linh hồn chúng ta.

Nhưng chúng ta cũng nhận thấy sự giảm sút lòng sốt sắng của chúng ta đối với việc dự lễ và rước lễ.  Chúng ta thờ ơ với một thứ lương thực quý giá mà Chúa đã ban.  Chúng ta bỏ mất biết bao ơn ích do việc rước lễ mà nhiều người đạo đức rất quý chuộng.

Giờ đây chắc chúng ta biết mình phải làm gì:

– Trước hết, là những người làm cha mẹ, làm ông bà, chúng ta hãy nhắc nhở và khuyến khích con cháu mình thường xuyên tham dự Thánh Lễ và Rước lễ sốt sắng.

– Phần chúng ta, mỗi khi dự lễ và Rước Lễ, chúng ta hãy cố gắng sốt sắng.  Đừng làm một cách máy móc theo thói quen, nhưng hãy đặt hết tâm tình vào đó.

Để kết thúc, xin trích đọc sau đây tâm tình của một người đã biết cách dự lễ và rước lễ sốt sắng: “Mỗi Thánh Lễ, tôi lại cảm thấy có điều gì đó cần thống hối cách đặc biệt.  Mỗi Thánh Lễ, tôi lại thấy mình muốn đặt lên đĩa Thánh một chút cố gắng riêng tư, đau khổ, mơ ước, thao thức…  Tôi không đi dự Thánh Lễ với hai bàn tay trắng, nhưng với lễ vật là chính cuộc đời tôi.  Trong mỗi Thánh Lễ, Lời Chúa lại tác động đến tôi, những lời nói đã nghe nhiều lần tôi nhớ rằng Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho tôi, và tôi cũng phải trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh chị em tôi.”

Sưu tầm

************************

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đến với chúng con
dưới dạng tấm bánh bình thường.
Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.
Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.

 Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự 
giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa. 
Xin cho chúng con biết cách 
đến với con người hôm nay : 
đơn sơ, khiêm hạ, 
không chút vinh quang hay quyền lực. 
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa, 
chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon, 
được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.

 Ước gì chúng con dám rước Chúa
đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
những Nhà tạm di động,
đem Chúa đến cho đồng bào
và quê hương chúng con.  Amen. 

Rabbouni

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.