LÝ DO ĐỂ TÔN SÙNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Lòng sùng kính mà người Công giáo dành cho Thánh Tâm Chúa Giêsu là điều phù hợp vì vài lý do.

Thứ nhất, khi chúng ta tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra sự viên mãn của nhân tính nơi Đức Kitô.  Nhưng chúng ta còn đang làm nhiều hơn vậy:  Đối với dân Israel xưa, trái tim được coi là trung tâm của con người.  Nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta tập trung tầm nhìn vào Đức Kitô theo chiều sâu của chính Ngài.

Hai lý do khác là ngọn lửa luôn liên kết với trái tim, nhấn mạnh rằng sự hy sinh trên Thập Giá là tế vật linh thiêng, là lễ toàn thiêu, mặc dù không có lửa.  Và chính ngọn lửa luôn là biểu tượng của bản chất Thiên Chúa trong Cựu Ước.  Rất phù hợp khi trái tim, phần cốt lõi của con người, được liên kết với lửa thiêng nơi Thiên Chúa làm người.  Theo cách nào đó, ngọn lửa nơi Thánh Tâm lại trở thành biểu tượng cho cả nhân tính và thần tính của Đức Kitô – sự hy sinh và Thiên Chúa là Đấng thiêu đốt nó.

Tuy nhiên, có một lý do để sùng kính Thánh Tâm là phù hợp và có nguồn gốc từ Cựu Ước.  Cựu Ước có đoạn liên kết trái tim với Lời Chúa và lửa.

Thứ nhất, Tv 39:2-5 cho biết:

Tôi đã nói: “Mình phải giữ gìn trong nếp sống, để khi ăn nói khỏi lỗi lầm; tôi quyết sẽ ngậm tăm, bao lâu người gian ác còn đối mặt.”  Tôi câm lặng làm thinh chẳng hé môi, mà không ích lợi gì, nên cơn đau lại càng nhức nhối.  Nghe trong mình NUNG NẤU tự tâm can, càng nghĩ ngợi, LỬA CÀNG BỪNG CHÁY, miệng lưỡi tôi phải thốt nên lời: “Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế!”

Trong đó, lòng khao khát Thiên Chúa giống như một loại lửa.  Phép ẩn dụ là một xu hướng, vì lửa biểu hiện Thiên Chúa – hãy nghĩ tới bụi cây cháy nói với Môsê, lửa thiêu trên Núi Sinai, và lửa nuốt lấy sự hy sinh của Ngôn sứ Êlia.

Lửa được đặt vào trái tim.  Trái tim của Thánh Vịnh gia “cháy âm ỉ.”  Ngôn sứ Giêrêmia cảm thấy như thể “lửa cháy trong lòng.”  Lòng ước muốn Thiên Chúa chiếm lấy chúng ta.  Điều đó không ở ngoại biên, cũng không là mong muốn lý trí hoặc niềm đam mê thoáng qua.

Thánh Vịnh gia và Ngôn sứ Giêrêmia đều cố gắng kiềm chế lửa, nhưng họ đều thất bại.  Ở đây, sự tương đương về lửa giúp giải thích lý do: Lửa không thể bị kiềm chế nhưng lan tỏa và bùng lên, do đó lòng ước muốn Thiên Chúa cũng chiếm lĩnh họ.  Điều đó cũng có trong cách đặc biệt nhất: Lửa phát ra bằng lời nói với Thiên Chúa.  Bởi vì những lời này cũng được ghi lại trong Kinh Thánh – Kinh Thánh là Lời Chúa.

Thánh Vịnh gia đã cố gắng “khóa” miệng mình.  Tiếng kêu thảm thiết của Thánh Vịnh gia đã chuyển thành lời cầu nguyện.  Ngôn sứ Giêrêmia cũng đã cố gắng lặp lại việc đề cập Thánh Danh Thiên Chúa.  Nhưng lửa trong tâm hồn ông khiến ông phải ca vang bài ngợi khen Thiên Chúa.  Trong cả hai trường hợp, lửa ước muốn Thiên Chúa phát ra thành lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa.

Kinh nghiệm của Thánh Vịnh gia và Ngôn sứ Giêrêmia cho biết rằng tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu là điều hoàn toàn hợp lý.  Đức Kitô là Con Người hoàn hảo, Ngài trải nghiệm ước muốn Thiên Chúa trọn vẹn và diễn tả điều đó hoàn hảo nhất.  Ngài cho chúng ta biết cách thắp lửa trái tim để lửa đó cháy bùng lên thành lời cầu nguyện tự hiến.

Đức Kitô không chỉ là mẫu mực mà còn là nguyên nhân.  Thánh Tâm Chúa Giêsu phải thắp lửa yêu mến Chúa trong tâm hồn chúng ta và bùng cháy thành lời cầu nguyện.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu bừng cháy lửa yêu dành cho chúng con, xin đốt lòng chúng con cháy lửa yêu mến Ngài!

Stephen Beale
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Tháng Sáu – 2018

CỘNG TÁC VỚI ƠN CHÚA

Chuyện kể rằng một bà già bị đau răng, bà đã làm Tuần chín ngày để kính thánh Antôn, vì người ta nói: Thánh Antôn “chuyên trách” về bệnh này.

Hết tuần chín ngày bà vẫn còn đau.  Lúc đó một vị linh mục đến thăm.  Bà liền hỏi:

– Xin cha nói cho con biết: có phải thánh Antôn chuyên trách bệnh đau răng không?

Vị linh mục nói:

– Bà hãy nghe tôi: Đây là địa chỉ của nha sĩ. Hãy đến đó và nói là tôi giới thiệu, họ sẽ làm không công cho bà.

Bà già la lên:

– Trời đất ơi, một ông linh mục vô thần.

Thánh Antôn tự nhủ:

– Kể ra cũng đau lòng, để nhận lời cầu nguyện của bà, chính ta đã gởi đến cho bà vị linh mục này. Thế mà…! 

************************

Nếu bà già trong câu chuyện suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chắc bà sẽ không làm cho thánh Antôn phải thất vọng.  Người phụ nữ xuất huyết trong bài Tin Mừng và bà già đau răng trong câu chuyện trên, cả hai đều tin tưởng vào Chúa.  Nhưng niềm tin của họ có sự khác biệt rất lớn.  Người phụ nữ xuất huyết nghĩ mình phải làm điều gì đó chứ không chỉ tin suông.  Bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình.  Bà già đau răng thì cầu nguyện rồi chờ phép lạ.  Bà không chịu làm gì nữa.

Ông Giairô cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông.  Ông làm hết sức mình.  Con gái ông hấp hối không thể đến với Chúa được, nên ông đã xin Chúa đến chữa cho con gái ông.

Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn.  Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban.  Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta.  Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này: “Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta, và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa.”  Mc Kenzie nói: “Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều ta không thể.”

Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thể thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình.  Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người.

Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người.

– Trong tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã “múc nước đổ đầy các chum” (Ga 2,7).

– Trong phép lạ về bánh, Người chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi “có 5 chiếc bánh và 2 con cá” (Mc 6,35-43).

– Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga 9,1-40).

Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần. Ngạn ngữ Tây phương có câu: “Hãy tự giúp mình trước rồi Trời sẽ giúp sau.”

************************

Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con với trái tim của người cha người mẹ, Chúa để chúng con hoàn toàn tự do đáp lại tình yêu Chúa.  Xin cho chúng con luôn biết sống ngoan ngoãn, thảo hiếu, đẹp lòng Chúa.  Xin dạy chúng con biết cộng tác với ơn Chúa, để được Chúa ban thêm ơn trợ giúp trong những cơn gian nan khốn khó.  Amen!

Thiên Phúc – Trích trong “Như Thầy Đã Yêu”

HAI CUỘC ĐỔI ĐỜI

Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ.  Các ngài là cột trụ của Hội Thánh.  Các ngài là những viên đá tảng, đá quý để xây dựng toà nhà Hội thánh vững chắc và toả rạng cho khắp năm châu.

Các ngài là cột trụ của niềm tin cho toàn thể Hội thánh.  Một niềm tin không gì có thể lay chuyển đến nỗi “ma quỷ cũng không thắng nổi.”  Một đức tin can trường đến nỗi dầu có chịu nhiều thiệt thòi, dầu có phải trải qua những gian truân cùng khốn: tù đầy, đói rét hay phải bôn ba rày đây mai đó, phải vượt qua biết bao phong ba bão tố, các ngài vẫn vui lòng chấp nhận vì được thông phần đau khổ với Thầy Giêsu.

Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ hai nền văn hoá khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng.  Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.

Thực vậy, nhìn vào đời sống hai trụ cột của Hội thánh, chúng ta thấy: một Phêrô đã từng sa ngã.  Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết.  Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm.  Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa.  Chính ông đã đồng loã với những người quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stephano.  Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu.  Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô.  Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài.  Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm.  Chúa đã nói cùng Phêrô: “một khi con trở lại hãy củng cố đức tin của anh em con.”

Theo Thánh Kinh kể lại: Sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô, Ngài biết hết!  Phêrô chột dạ.  Phêrô nhớ lại lời Thầy: “Nội trong đêm nay, trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần.”  Tức thì, Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn nặng trĩu, một cái gì đó đã chết trong ông.  Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức.  Còn lời nào biện minh cho hành động hèn nhát của ông.  Còn đâu lời khẳng khái: “mọi người có bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ.”  Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, hèn yếu và rất dễ sa ngã.  Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã “đổi mới” tâm hồn Phêrô.  Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.

Còn Phaolô thì sao?  Sau khi ngã ngựa đau đớn bởi một luồng sáng chói loà.  Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày.  Nhưng thật ra, tâm hồn ông lại sáng.  Ông đang thấy và thấy rất rõ.  Đó là Đức Giêsu, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha.  Đó là sự thật mà ông phải chấp nhận.  Một sự thật mà từ nay ông phải làm chứng về những điều đã nghe, đã thấy, và đã biết.

Vâng, có thể nói, nhờ sự đổi mới cuộc đời của Phêrô và Phaolô mà cả thế giới được đổi mới.  Văn hoá Kitô giáo đã làm mới lại bộ mặt địa cầu.  Có thể nói ở đâu đó vẫn có những người chưa tin vào Chúa nhưng họ đã được thấm nhuần văn hoá Kitô giáo, vẫn còn có những người được đổi mới cuộc đời nhờ vào lời Chúa và sức mạnh của Tin Mừng.  Ở đâu đây vẫn còn những tâm hồn thất vọng, lầm than nhưng họ đã bừng lên niềm hy vọng nhờ những giá trị tin mừng mà Kitô giáo mang lại cho họ.

Mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, mỗi người chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống của các tông đồ mang Tin Mừng đến khắp cùng trái đất.  Mỗi người chúng ta cũng là những viên đá sống động, góp phần xây dựng toà nhà Hội thánh.  Dù nhỏ bé, yếu hèn và bất lực, nhưng Chúa sẽ dùng tuỳ theo nhu cầu của Ngài.  Chính Ngài sẽ đổi mới cuộc đời chúng ta bằng ân sủng và tình thương của Ngài, để nhờ đó chúng ta cũng có khả năng đổi mới môi trường chúng ta đang sống.  Đồng thời chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn cho Đức Thánh Cha, cho các giám mục là những Đấng kế vị thánh Phêrô và các tông đồ.  Xin Chúa ban thêm sức mạnh, nghị lực và ơn khôn ngoan, để các ngài luôn là điểm tựa cho niềm tin của chúng ta. Amen!

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

LÀM SAO MÀ ANH EM VẪN CHƯA CÓ LÒNG TIN?

Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng hôm nay thánh Maccô thuật lại một hành trình trên biển để “sang bờ bên kia” của Chúa Giêsu và các môn đệ.  Hành trình này được ví như hành trình đức tin của mỗi chúng ta.  Hành trình trên biển gặp sóng gió là chuyện không lạ lắm đối với những người thường xuyên đi biển và sống bằng nghề biển như các môn đệ.  Tuy nhiên, chiếc thuyền của Chúa Giêsu và các môn đệ hôm nay không gặp những con sóng ngọn gió hiền lành bình thường, mà là gặp “cuồng phong”… “sóng ập vào”… “thuyền đầy nước”… Các môn đệ lo lắng như “chết đến nơi rồi”, còn Chúa Giêsu thì “chẳng lo gì”…  Các môn đệ kêu cầu đến Chúa và Chúa đã ra tay uy quyền, Chúa mắng các môn đệ “làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Chúng ta ngắm nhìn xem, tại sao Chúa Giêsu lại mắng các môn đệ chưa có lòng tin?

Qua trình thuật này chúng ta có thể hiểu rằng, giữa Chúa Giêsu và các môn đệ đã có một tương quan rất thân thiện với nhau rồi.  Cùng làm việc và cùng thi hành sứ vụ chung với nhau.  Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ dàng cảm nghiệm rằng, dường như tương quan ấy chỉ mới có ở bề mặt bên ngoài, có nghĩa là các môn đệ mới chỉ gặp gỡ, gần gũi làm việc chung, mới tương quan trên bình diện công việc và cuộc sống, chứ các môn đệ chưa đi vào tương quan sâu sắc, chưa hiểu hết Chúa như thế nào, quyền năng của Ngài ra sao?

Chúa mắng các môn đệ “chưa có đức tin” quả thật là phải lẽ, vì hành trình của các ông đang có Chúa đó, nhưng các ông chẳng ý thức về sự hiện diện đồng hành của Ngài, các ông không nhận biết quyền năng của Chúa, các ông cũng chẳng trông cậy vào Ngài…  Sóng gió ập đến, các môn đệ mới sực nhớ đến Chúa, và rồi các ông vội trách Chúa “chẳng lo gì”.

Cuộc sống thường ngày của chúng ta dường như cũng thế, chúng ta ít khi ý thức sự hiện diện của Chúa, chúng ta thường đi với Chúa cách vô ý thức, coi như Chúa không biết gì, Chúa chẳng quan tâm.  Đến lúc nguy khó mới nhớ chạy đến Chúa và kêu la rối rít.  Thái độ sống này, chắc chắn sẽ bị Chúa mắng là “chưa có lòng tin.”  Tuy nhiên, một thái độ ngược lại cũng đáng quan tâm.  Cuộc sống đôi lúc chúng ta cũng rơi vào tâm trạng thất vọng nặng nề, chúng ta cũng chẳng còn nhớ đến Chúa, và quên rằng Ngài ở bên chúng ta và chờ chúng ta khiêm tốn lên tiếng kêu cầu Ngài.  Thái độ chỉ kêu đến Chúa khi gặp khó khăn, hoặc là thất vọng đến quên cả Chúa mà lầm lũi bước đi đó là thái độ “chưa có lòng tin.”

Thánh Maccô thuật tiếp, sau khi các môn đệ kêu đến Chúa, tin tưởng vào quyền năng của Chúa, Chúa bắt đầu ra tay.  Nhưng sau khi Chúa ra tay truyền sóng biển im lặng, thì các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai…?”

Gặp sóng gió, các môn đệ hoảng sợ, không tin đủ vào Chúa.  Sau khi Chúa tỏ quyền năng thì các ông lại thắc mắc “Ngài là ai?”  Điều này chứng tỏ nền tảng đức tin của các môn đệ chưa vững chắc, đi bên Chúa, gặp gỡ Chúa nhưng không khao khát tìm biết Chúa là ai?  Lẽ ra các ông phải tìm hiểu về Chúa, biết Chúa là ai khi bắt đầu cất bước theo Ngài!  Còn nghi ngờ vào chính Thiên Chúa thì chắc chắn là chưa có lòng tin.  Tin Chúa là phải học cho biết Ngài là ai và đi vào trong tương quan sâu để cảm nghiệm Ngài như ta đã được học biết.  Tin vào Chúa là hiểu điều Chúa làm, mong điều Chúa muốn và phó thác cho Ngài cuộc sống của ta.

Sau phép lạ Chúa làm truyền sóng biển im lặng, chắc chắn các môn đệ phải tìm được câu trả lời Chúa là ai khi quan sát sự kiện và khi tương quan gần gũi song hành với Chúa.  Vậy mà không hiểu sao các ông lại còn hoảng sợ và thắc mắc “ông này là ai?”  Câu hỏi này chứng tỏ lòng tin của các ông chưa có và bị Chúa mắng thì cũng không oan uổng gì.

Bởi vì các môn đệ chưa có lòng tin, nên chưa ý thức sự hiện diện của Chúa.  Chưa có niềm tin nên còn nghi ngờ “ông này là ai?”  Chưa có lòng tin nên còn dành quyền điều khiển và kiểm soát hành trình.  Khi các môn đệ dành quyền kiểm soát và điều khiển hành trình đời mình, thì Chúa dành cho họ ưu tiên đó, Ngài nghỉ ngơi.  Giả như chúng ta tin tưởng trao phó cho Chúa để Ngài điều khiển và an tâm nghỉ ngơi, thì chính lúc ấy Chúa sẽ giang tay ra hành động, Ngài chở che, bao bọc và cứu giúp.

Thái độ của những người “chưa có lòng tin” là thái độ của những người ưa thích đảo lộn tình thế, đứng vào vị trí điều khiển của Chúa, quên đi vai trò lệ thuộc của chính bản thân mình.

Có lòng tin là ý thức Chúa hiện diện trong mọi nẻo hành trình; Có lòng tin là trả lời xác tín với mọi người về chính Chúa, bằng sự cảm nghiệm của chính cá nhân mình; Có lòng tin là để Chúa điều khiển và kiểm soát cuộc sống của mình; Có lòng tin là khiêm tốn kêu xin khi gặp gian nan khốn khó.

Giờ đây, chúng ta khiêm tốn dâng lên Chúa lời nguyện xin ơn đức tin:

Lạy Chúa Giêsu,

Chúng con cám ơn Chúa vẫn hiện diện trong cuộc sống chúng con.
Xin cho chúng con tin vào quyền năng Chúa vẫn hiển trị trong cuộc đời chúng con.
Lạy Chúa, cuộc sống quanh chúng con có biết bao điều xảy đến.
Tất cả đều nằm dưới bàn tay tình thương quan phòng của Chúa.
Xin Chúa giúp chúng con biết cùng với vạn vật dâng lời ca khen quyền năng Chúa.
Xin giúp chúng con biết đón nhận ân ban của Chúa trong sự khiêm tốn thẳm sâu.
Xin dạy chúng con biết chạy đến với Chúa khi gặp những gian nan thử thách,
Xin giúp chúng con biết bám vào Chúa để đi qua những giông bão trong cuộc đời.
Lạy Chúa, Chúa luôn nâng đỡ những ai kêu cầu Chúa.
Chúng con xin phó dâng cuộc sống trong tình thương quan phòng của Chúa. Amen.

Trích trong “Tin Vui Xuân Lộc”

LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Câu trả lời đúng nhất là lời Chúa Giêsu nói về ngài.  Phúc Âm thánh Luca viết: “Khi những người ông Gioan sai đến đã ra về, Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông về ông Gioan rằng: Anh em đi xem gì trong hoang địa?  Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?  Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng?  Những kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung điện.  Thế thì anh em đi xem gì?  Một vị ngôn sứ chăng?  Đúng thế đó.  Mà tôi nói cho anh em biết: Đây còn hơn ngôn sứ nữa!  Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Lc 7,24-27).

Theo lời Chúa Giêsu phán trên đây, thì thánh Gioan là vị ngôn sứ, được Chúa sai đi dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Với những tước vị đó và với những trọng trách đó, thánh Gioan Baotixita là một nhân vật có một không hai trong Phúc Âm.  Lịch sử của ngài cũng minh chứng như vậy.

Con đường thiêng liêng ngài đã đi không thuộc riêng cho ngài, nhưng nó là một kho tàng chung.  Mỗi người có thể học được nơi ngài một bài học mà mình thấy cần.

Riêng đối với tôi, bài học mà ngài dạy tôi kỹ nhất để nên đạo đức, đó là biết dùng con đường thời gian của mình.

Con đường thời gian của thánh Gioan Baotixita chia thành ba giai đoạn:

– Giai đoạn thứ nhất là thời gian ngài được Chúa đào tạo và tự đào tạo.

– Giai đoạn thứ hai là thời gian ngài thi hành nhiệm vụ rao giảng.

– Giai đoạn thứ ba là thời gian ngài hy sinh hiến tế, kết quả của giai đoạn rao giảng.

Thánh Gioan đã biết dùng thời gian một cách khôn ngoan trong từng giai đoạn cuộc đời của ngài.

1/ Giai đoạn thứ nhất là thời gian đào tạo

Thánh Gioan Baotixita đã biết dùng thời gian để cho Chúa đào tạo và tự đào tạo mình.  Đào tạo bằng lối sống khổ chế, chiêm niệm và vui hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên trong sa mạc yên tĩnh.

Lối sống đó lấp kín thời gian.  Qua lối sống ấy, ngài lắng nghe ý Chúa.  Tâm hồn ngài được Chúa kéo về hướng chân thiện mỹ.  Qua nhiều ngày, lối sống đó trở thành thói quen.

Trong sa mạc, ngài đón nhận được các ơn của Chúa, nhưng rất có thể ngài cũng gặp các chước ma quỷ cám dỗ.  Đây là dịp ngài thu lượm kinh nghiệm về những đấu tranh giữa thiện và ác.  Muốn cho mình luôn thuộc về sức mạnh sự thiện và thắng vượt được thế lực sự ác, ngài phải tỉnh thức, cầu nguyện, cậy nhờ ơn Chúa.  Mỗi thành công là một kinh nghiệm về sự phải từ bỏ tội lỗi, để trở về với Chúa.

Thời gian đào tạo mình cho ngài thấy: Đào tạo là việc lâu dài.  Không sách vở nào thay thế được kinh nghiệm bản thân.  Không trường sở nào thay thế được thời gian tập luyện.

2/ Giai đoạn thứ hai là thời gian thánh Gioan Baotixita thi hành nhiệm vụ rao giảng

Trong giai đoạn này, thánh Gioan Baotixita đã rất tận dụng thời giờ cho nhiệm vụ của mình.  Đề tài rao giảng đầu tiên được nêu lên rất rõ.  Đó là sám hối, đền tội.

Về việc sám hối, ngài đòi phải chịu phép rửa và đền tội bằng những việc bác ái, chia sẻ công bằng.  Ngài nói: “Ai có hai áo, thì hãy chia cho người khác.  Ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11)… Với những người thu thuế, ngài bảo: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình” (Lc 3,13).

Tiếp liền với việc sám hối, thánh Gioan Baotixita chuyển sang đề tài đợi chờ Đấng Cứu thế.  Đợi chờ bằng thái độ khiêm tốn hạ mình, và tôn vinh Đấng Cứu thế: “Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến.  Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3,16).

Khi vừa thấy Chúa Giêsu đến từ đàng xa, Gioan Baotixita liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1,29).  Ngài quả quyết như vậy, không phải bằng trực giác, mà bằng chứng cớ rõ ràng: Tai ngài đã nghe lời trên trời báo, và mắt ngài đã thấy Thánh Thần ngự xuống trên Đức Kitô (x. Ga 1,31-34).

Ngài rao giảng với tư cách người làm chứng.  Ngài rao giảng với lửa thiêng từ nội tâm phát ra.  Ngài làm chứng bằng chính đời sống đạo đức khác thường của ngài.  Có thể nói: Lời giảng của ngài đã được chuẩn bị từ nhiều năm tháng kết hợp với Chúa.

3/ Giai đoạn thứ ba là thời gian hy sinh hiến tế, kết quả của việc rao giảng

Trong thời gian này, Gioan Baotixita nếm niềm vui do thành công và nỗi buồn khổ do thất bại.  Phúc Âm thánh Luca viết: “Nghe Gioan giảng, toàn dân, kể cả những người thu thuế, đều nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng công chính và đã chịu phép rửa của ông.  Còn những người Pharisêu và các nhà thông luật thì khước từ ý định của Thiên Chúa về họ, và không chịu phép rửa của ông” (Lc 7,29-30).  Bị giới đạo đức và thông luật trong đạo khước từ, Gioan Baotixita cảm thấy đau xót.

Cơn đau đớn càng tăng thêm, khi Gioan Baotixita bị vua Hêrôđê bắt bỏ tù.  Cảnh đó xảy ra bất ngờ.  Gioan Baotixita đón nhận với lòng phó thác.  Thời gian này, Gioan Baotixita sống đời hiến tế.  Sau cùng, ngài hy sinh mạng sống trong đớn đau xác hồn.

Trong suốt giai đoạn bị thử thách này, Gioan Baotixita dùng thời gian một cách khác.  Đó là hết lòng tin cậy vào Chúa, hết lòng quảng đại chịu đau khổ vì Chúa.

Những suy nghĩ trên đây đưa tôi kết luận này: Thời giờ là vàng.  Chúa đã trao cho thánh Gioan Baotixita một số vàng thời gian.  Ngài đã dùng số vàng đó để sinh lời lãi.  Lời lãi rất lớn, lời lãi rất quý, lời lãi rất nhiều cho Nước Trời.

Mỗi người chúng ta cũng đã nhận được thứ vàng quý là thời gian.  Kẻ nhiều người ít.  Chúa đợi chúng ta nộp cho Người số lời lãi phải có.  Chúng ta đã sinh lời lãi thế nào?  Điều đó tùy ở sự chúng ta biết dùng thời gian của mình một cách thông minh, theo đúng định hướng hợp ý Chúa.

Sưu tầm

TIẾNG KÊU CỦA HỮU HẠN

Điều gì làm cho bạn xúc động nhất?

Vừa có người hỏi tôi câu này trong một cuộc thảo luận.  Trong một buổi thảo luận, tất cả chúng tôi đều được hỏi câu này: Lúc nào bạn cảm nhận tình thương trong lòng mình một cách tự nhiên nhất?

Với tôi, câu trả lời thật đơn giản.  Tôi xúc động nhất khi thấy sự bất lực, khi tôi thấy ai đó hay sự gì đó bất lực không thể lo được cho nhu cầu hay bảo vệ phẩm giá của mình.  Có thể đó là một đứa trẻ, đói bụng và kêu khóc, quá nhỏ để tự ăn và bảo vệ phẩm giá của mình.  Có thể là một bà trong bệnh viện, bệnh tật, đau đớn, không cách nào khá hơn được, cũng như không thể giữ phẩm giá của mình.  Có thể là một người thất nghiệp, gặp vận hạn, không tìm được công việc, một người lạc lõng trong khi mọi người khác có vẻ đang rất tốt.  Có thể là một cô bé trên sân chơi, bất lực khi bị chọc ghẹo và ăn hiếp, chịu đựng bị làm nhục.  Hay có thể là một chú mèo con, đói bụng, bất lực, nhìn tôi với đôi mắt nài nỉ, không thể tự kiếm ăn mà cũng chẳng biết nói.  Sự bất lực xoáy sâu vào tâm hồn.  Tôi luôn luôn xúc động đến tận những nơi sâu nhất lòng mình, mỗi khi chứng kiến sự bất lực, nài van của sự hữu hạn.  Tôi cho rằng tất cả chúng ta cũng thế.

Chúng ta đều giống nhau.  Đây cũng là điều đã lay động Đức Maria ở tiệc cưới Cana, khi Mẹ đến nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi!”  Lời thỉnh cầu này của Đức Mẹ có nhiều ý nghĩa.  Một là lời thỉnh cầu cụ thể ở một dịp cụ thể trong lịch sử: Mẹ đang cố gắng cứu chủ tiệc cưới khỏi bị bẽ mặt, khỏi bị chuốc nhục nhã.  Chắc chắn, việc hết rượu là tỏ ra nghèo kém, dù là thiếu tiền hay thiếu tính toán, nhưng dù gì thì cũng làm cho chủ nhà mất mặt trước quan khách.  Như hầu hết mọi câu chuyện trong Tin mừng, câu chuyện này có một ý nghĩa thâm sâu hơn.  Đức Mẹ không chỉ ngỏ lời thay cho một chủ nhà cụ thể hay một dịp cụ thể.  Mẹ nói chung cho tất cả, như mẹ của nhân loại, lên tiếng thay cho tất cả chúng ta “tiếng kêu của hữu hạn” theo lời John Shea.

Hữu hạn là gì?  Như chúng ta có thể thấy, hữu hạn tương phản với vô hạn, với sự không có gì giới hạn được, chính là Thiên Chúa.  Thiên Chúa, chỉ mình Ngài là không hữu hạn.  Chỉ mình Thiên Chúa là tự đủ.  Chỉ mình Thiên Chúa là không bao giờ bất lực, và chỉ mình Ngài không bao giờ cần bất kỳ ai giúp sức.  Chỉ mình Thiên Chúa không bao giờ bị đau bệnh, đói khát, mệt mỏi, cáu tức, kiệt lực, suy tàn thể xác và tinh thần, và cả cái chết.  Chỉ mình Thiên Chúa không bao giờ chịu sự mất phẩm giá của một nhu cầu không được đáp ứng, của bị đè nén, của sự bất lực không thể hiện được bản thân, không được trân trọng, của sự khó chịu bối rối, bị bắt nạt, hay sự bất lực không thể làm gì cho mình, cũng như sự than van câm lặng.

Mọi sự khác đều hữu hạn.  Như thế, là con người, chúng ta là đối tượng của sự bất lực, bệnh tật, than khóc, đui mù, đói khát, mỏi mệt, cáu tức, suy tàn và cái chết.  Hơn nữa, trong tất cả mọi sự này, chúng ta cũng là đối tượng bị mất phẩm giá.  Vậy nên, nhiều lời lẽ và hành động của chúng ta là tiếng khóc của sự hữu hạn, tiếng khóc cần giúp đỡ, tiếng khóc của đứa trẻ đòi ăn, đòi hơi ấm, che chở, và bảo vệ khỏi bị mất phẩm giá.  Dù cho chúng ta không ngừng ngụy biện hơn về nhân tính của mình, nhưng trong mức độ nào đó, tất cả chúng ta vẫn là con mèo con, ngước đôi mắt nài nỉ xin được cho ăn, và khi những người giàu có, khỏe mạnh, kiêu căng, và những ai có vẻ như không cần giúp đỡ làm tất cả mọi sự để khẳng định mình tự đủ, thì nó chẳng gì hơn là những nỗ lực giữ cho sự bất lực tạm xa mình.  Dù cho có mạnh mẽ và tự đủ đến thế nào đi chăng nữa, thì tự bản thân chúng ta hẳn phải tin rằng mình hữu hạn và khả tử, không có ngoại lệ nào cả.  Sự mệt mỏi, bệnh tật, suy tàn, cái chết và những cơn đói khát đau đớn cuối cùng sẽ tìm đến chúng ta, tất cả chúng ta.  Rượu của chúng ta cuối cùng rồi cũng hết. Và chúng ta hy vọng có ai đó như Đức Mẹ nói thay cho chúng ta rằng: “Họ hết rượu rồi!”

Chúng ta có được bài học nào qua điều này?

Thứ nhất, nhìn nhận sự hữu hạn của mình có thể cho chúng ta một tự nhận thức lành mạnh hơn.  Nhận biết và chấp nhận sự hữu hạn của mình có thể giúp chế ngự nhiều nản lòng, bồn chồn, và cảm giác tội lỗi sai lầm trong đời chúng ta.  Tôi từng có một linh hướng là một nữ tu cao niên, đã thách thức tôi sống theo châm ngôn này: Đừng sợ, bởi con là bất xứng.  Chúng ta cần tha thứ cho bản thân, bởi vì chúng ta có giới hạn, bởi chúng ta là con người, hữu hạn, và không thể cho mình cũng như cho những người chung quanh mình tất cả những gì chúng ta cần.  Nhưng sự bất xứng là một tình trạng có thể tha thứ được, chứ không phải là một lỗi phạm luân lý.

Khi nhìn nhận và chấp nhận sự hữu hạn của mình, không chỉ là tự tha thứ cho sự bất lực của bản thân, nhưng còn thách thức chúng ta lắng nghe rõ ràng hơn tiếng kêu của hữu hạn quanh chúng ta.  Và dù đó là tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh, sự nhục nhã trong đôi mắt một người tìm việc, sự hoang tàn trong đôi mắt người bệnh liệt giường, hay đơn giản là đôi mắt nài nỉ của một chú mèo nhỏ, thì chúng ta cần phải, như Đức Mẹ, lo cho họ, và bảo đảm có ai đó giúp cho họ khỏi bị mất phẩm giá, bằng cách mở lời: “Họ hết rượu rồi!”

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TRUYỀN THUYẾT VỀ NGƯỜI CHA

“Một cách bản năng, những đứa trẻ muốn được cảm nhận rằng cha chúng luôn ở phía sau chúng vững chãi như một quả núi, nhưng cũng vì người cha giống như ngọn núi, nên bọn trẻ phải ngước lên nhìn.”
Dorothy Thompson

Khi ông Trời bắt đầu tạo ra người cha đầu tiên trên thế gian, ngài chuẩn bị sẵn một cái khung thật cao.  Một nữ thần đi ngang qua ghé mắt coi và thắc mắc: “Thưa ngài, tại sao người cha lại cao đến như vậy? Nếu ông ta chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình lại phải cúi người.  Thật bất tiện!”  Trời trầm ngâm một chút rồi gật gù: “Ngươi nói có lý.  Thế nhưng nếu ta để cho người cha chỉ cao bằng những đứa con, thì lũ trẻ sẽ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới?”

Thấy Trời nặn đôi bàn tay người cha to và thô ráp, vị nữ thần lại lắc đầu buồn rầu: “Ngài có biết đang làm gì không?  Những bàn tay to lớn thường vụng về.  Với đôi bàn tay ấy, người cha chật vật lắm mới có thể găm kim băng đóng tã, cài nút áo cho con trai, thắt chiếc nơ hồng cho con gái.  Bàn tay ấy không đủ khéo léo để lấy những mảnh dằm nằm sâu trong da thịt mềm mại của trẻ.”  Ông Trời mỉm cười đáp: “Nhưng đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành.”

Vị nữ thần đứng bên cạnh nhìn Trời nặn người cha với một đôi vai rộng, lực luỡng. “Tại sao ngài phí thế?” nữ thần thắc mắc.  “Thế người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa?  Lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu, khi đi xem xiếc về khuya?”  “Quan trọng hơn, đôi vai đó sẽ gánh vác cả gia đình,” ông Trời đáp.

Ông Trời thức trắng đêm để nặn cho xong người cha đầu tiên.  Ngài cho tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán.  Tuy đôi mắt của người cha nhìn thấu mọi việc trên đời, nhưng lại bình tĩnh và bao dung.  Cuối cùng khi đã gần như hoàn tất công việc, Trời thêm vào khóe mắt người cha vài giọt nuớc mắt.  Nhưng sau một thoáng tư lự, Ngài lại chùi chúng đi.  Thành ra người đời sau không mấy khi thấy được những giọt lệ hiếm hoi của người cha, mà chỉ có thể cảm và đoán được rằng ông ta đang khóc.

Xong việc, ông Trời quay lại nói với nữ thần: “Ngươi thấy đó, người cha cũng đáng yêu như người mẹ mà ta đã dồn bao công sức để tạo ra.”

Sưu tầm

************************

Lời cầu nguyện của một người cha

Ôi lạy Thiên Chúa là Cha của con ở trên trời,
thật là một điều kỳ diệu khi Ngài gọi con làm một ngươi cha giống như Ngài ở dưới đất.

Chúa ơi, con chỉ là một đứa bé thơ trong sự hiện hữu của Ngài.
Chúa thì mạnh mẽ, con lại yếu đuối.
Chúa thật thánh thiện, con lại tội lỗi.
Chúa thật khôn ngoan và đầy yêu thương, con thường hay u tối và đầy ích kỷ
Cho dù với tất cả những bất toàn của con như thế,
nhưng Chúa vẫn mời gọi con làm một người cha ở trần thế.

Xin Chúa ban ân sủng để con có thể hướng dẫn gia đình của con
theo con đường của Chúa qua Giáo Hội,
bằng những lời nói, việc làm, và đời sống cầu nguyện hàng ngày của con.

Xin Chúa ban ơn để con có can đảm dám đẩy hai chữ “GIA TRƯỞNG”
ra khỏi con người của con, ngõ hầu mang lại sự yêu thương, bình an trong gia đình.

Chúa ơi, Xin ban thêm sức mạnh để con luôn biết đặt vợ và các con,
lên trên những khát vọng và những thú vui của riêng mình,
nhờ đó con có thể quan tâm đến nhu cầu của những người trong gia đình,
giống như Chúa đã quan tâm đến từng người chúng con.

Và những khi cần đến sự cứng rắn và kỷ cương trong đời sống gia đình,
xin giúp sức để con không nóng nẩy và thiếu kiên nhẫn,
nhưng ngược lại biết bình tâm, kiên nhẫn và động viên mọi người bằng một con tim
tràn đầy yêu thương giống như Chúa.  Amen!

Phó Tế Giuse Nguyễn Xuân Văn
Ngày phụ mẫu – Father’s day

GIEO LỜI YÊU THƯƠNG

Malcolm Dolkoff là một cậu bé nhút nhát, dễ bị tổn thương.  Cậu có rất ít bạn và luôn phải lủi thủi một mình.

Một lần, cô giáo đọc cho cả lớp một đoạn truyện ngắn.  Loài vật là bạn thân của con người, sau đó phân công mỗi học sinh tự viết đoạn kết cho câu chuyện.  Dolkoff thích lắm, ngay chiều hôm ấy cậu đã hoàn thành bài viết của mình.  Nhưng mãi cậu mới có đủ tự tin đem nộp truyện của mình cho cô giáo vào buổi học tuần sau.

Những gì cậu viết cũng như điểm số mà cô giáo đã cho không hề quan trọng.  Đối với cậu, điều quan trọng nhất mà cũng là điều cậu nhớ nhất lại chính là 4 chữ cô giáo đã phê: “Em viết hay lắm!”  Chỉ 4 chữ mà cũng đủ thay đổi toàn bộ cuộc đời cậu bé.  Trước khi nhận được 4 chữ đó, cậu chưa bao giờ có khái niệm về bản thân hay những điều mình đã làm.  Còn sau buổi học hôm ấy, cậu đã chạy thật nhanh về nhà, ngồi ngay vào bàn và bắt đầu viết một câu truyện ngắn, một câu truyện về tất cả những điều cậu đã từng mơ tới và không bao giờ dám nghĩ mình có thể biến những giấc mơ đó thành hiện thực.

Cậu viết ngày càng nhiều hơn và cứ được một truyện cậu lại mang ngay tới cho cô giáo của mình nhận xét.

Nhiều năm trôi qua, Malcolm Dalkoff đã trở thành một nhà văn nổi tiếng thay cho cậu bé tự ti ngày nào.  Cậu trở về thăm trường cũ và thăm lại cô giáo ngày xưa của mình.  Điều cậu phải cảm ơn cô không phải vì cô đã trở thành một người bạn của cậu mà chính là 4 chữ đầu tiên cô đã từng phê “Em viết hay lắm!”, bởi những chữ ấy đã có thể thay đổi cả một cuộc đời.

Có những lời nói, cử chỉ tưởng như vô tình lại trở thành nguyên nhân thay đổi cho cả một đời người.  Biết bao con cái rơi vào sự tự ti mặc cảm khi cha mẹ vô tình lặp lại lời chê trách đối với con.  Biết bao con người trở thành hung dữ khi cha mẹ luôn gieo vào tâm trí trẻ thơ những lời nói việc làm chất chứa đầy hiềm khích, bất công.  Và ngược lại, biết bao con người đã bẻ gãy ổ khoá tự ti mặc cảm để can đảm vào đời, khi nhận được một sự khích lệ, một sự cảm thông từ những người thân.  Biết bao con người đã hoàn thiện nhờ vào gương lành của tha nhân đã gieo vào lòng họ những lời nói, những việc làm tốt. Những lời nói, những việc làm của ta tưởng như vô tình nhưng thực ra nó vẫn âm thầm gieo vào lòng những người chung quanh ta để có thể biến đổi họ theo cách sống của chúng ta.

Cha ông ta vẫn thường nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”  Nói cho vừa lòng nhau không phải để lấy lòng nhau hay lừa dối lòng mình.  Nhưng là lựa lời để nói.  Nói để xây dựng con người.  Nói để giúp họ thăng tiến.  Đừng dùng lời nói làm đau lòng người khác, và cũng đừng dùng lời nói để kết án anh em.  Một lời nói có thể thay đổi cả đời người.  Hãy trao tặng cho anh em những lời nói thật chân tình và đầy ắp yêu thương.  Lời nói không mất tiền mua, không phải để chúng ta phung phí bừa bãi, nhưng biết quý trọng từng lời.  Lời nói thể hiện nét đẹp văn hoá nơi con người.  Hãy biết chắt lọc ngôn ngữ.  Hãy làm cho lời nói của ta có giá trị bằng cách biết dùng lời cho vừa lòng nhau.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ra đi gieo vãi Lời Chúa.  Gieo trong kiên trì.  Dù đêm hay ngày.  Người gieo giống luôn gieo vào nhân thế hạt giống của tin mừng, hạt giống của yêu thương và hạnh phúc.  Nếu cô giáo của Malcolm Dolkoff không gieo vào lòng cậu bé lòng tin và nghị lực thì không có một nhà văn tài ba.  Người Kitô không gieo Lời Chúa thì làm sao có cánh đồng lúa bát ngát bông lúa vàng là tâm hồn các tín hữu?

“Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống này nảy mần và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết.”  Sự kỳ diệu của hạt giống là vẫn âm thầm lớn lên theo quy luật tự nhiên và sẽ có một ngày nó trở thành cây cao bóng cả cho đàn chim trú ngụ.  Người Kitô hãy gieo trong kiên trì, gieo với niềm cậy trông để nhờ ơn Chúa lời ta nói, việc ta làm sẽ sinh hoa kết trái nơi môi trường chúng ta đang sống.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn gieo vãi yêu thương trong hành trình cuộc sống của chúng ta, để mỗi bước chân chúng ta đi luôn để lại dấu ấn của yêu thương và hy vọng cho nhân thế.  Amen!

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

THÁNH ANTÔN PADUA, LINH MỤC-TIẾN SĨ HỘI THÁNH

Lòng tôn sùng rộng rãi và mạnh mẽ đối với thánh Antôn Padua thật lạ lùng so với những sự kiện đời ngài. Ngài sinh năm 1195 có lẽ gần Lisbonne, với tên gọi là Fernandô. Cha Ngài là hiệp sĩ và viên chức tại triều đình hoàng đế Alphongsô thứ II, vua nước Bồ Đào Nha. Fernandô được gởi đi học trường nhà thờ chánh tòa tại Lisbonne. Nhưng vào tuổi 15, Ngài gia nhập dòng thánh Augustinô.

Sau hai năm tại nhà dòng, Ngài xin được chuyển về Coimbra vì bạn bè đến thăm quá đông. Tu viện Coimbra có một trường dạy Thánh kinh rất danh tiếng. Tám năm trời Fernandô nỗ lực học hỏi và đã trở thành học giả sâu sắc về thần học và kinh thánh. 

1. Biến cố thay đổi

Ngày kia với nhiệm vụ tiếp khách, ngài săn sóc cho 5 tu sĩ Phanxicô đang trên đường tới Morocco. Về sau họ bị tàn sát dã man và thi hài họ được đưa về Coimbra để tổ chức quốc táng. Fernandô mong ước hiến đời mình cho cánh đồng truyền giáo xa xăm. Nôn nóng với ước vọng mới, Fernandô phải tiến một bước bất thường đầy đau khổ là rời bỏ dòng Augustinô để nhập dòng Phanxicô. Nhà dòng đặt tên ngài là Antôn và chấp thuận cho ngài tới Moroccô. Nhưng vinh dự tử đạo không được dành riêng cho ngài. Ngài ngã bệnh và phải trở về nhà. Trên đường về, con tàu bị bão thổi bạt tới Messina ở Sicily. Thế là An tôn nhập đoàn với anh em Phanxicô nước Ý. Có lẽ thánh nhân có mặt trong cuộc họp ở Assisi năm 1221, và gặp thánh Phanxicô ở đây. Ít lâu sau ngài được gởi tới viện tế bần ở Forli gần Emilia để làm những công việc hèn hạ.

2. Biến cố tiếp theo

Dầu vậy một biến cố bất ngờ khiến người ta khám phá ra khả năng đặc biệt của thánh nhân. Trong một lễ nghi phong chức ở Forli nhà giảng thuyết đặc biệt vắng mặt. Không ai dám thay thế. Cha giám tỉnh truyền cho An tôn lên tòa giảng. Antôn làm cho khán giả kinh ngạc. Người ta thấy ngay trước được rằng ngài là một nhà giảng thuyết bậc nhất. Hậu quả tức thời ngài được chỉ định làm nhà giảng thuyết trong cả Italia. Đây là một thời mà Giáo hội cần đến những nhà giảng thuyết hơn bao giờ hết để chống lại các lạc thuyết. Kể từ đó nhà tế bần Forli không còn gặp lại Antôn nữa. Ngài du hành không ngừng bước từ miền nam nước Ý tới miền Bắc nước Pháp, hiến trọn thời gian và năng lực cho việc giảng dạy. Sự đáp ứng của dân chúng đã khích lệ ngài nhiều, các nhà thờ không đủ chỗ cho người đến nghe. Người ta phải làm bục cho ngài đứng ngòai cửa. Nhưng rồi đường phố và quảng trường đã lại chật hẹp quá và người ta lại phải mang bục ra khỏi thành phố tới những cánh đồng hay sườn đồi, nơi có thể dung nạp những 20, 30, 40 ngàn người đến nghe ngài. Nghe tin ngài đến đâu, thì nơi đó tiệm buôn đóng cửa, chợ hoãn phiên họp, tòa ngưng xử án. Suốt đêm dân chúng từ khắp nơi đốt đuốc tụ về. Dường như bất cứ ai một lần chịu ảnh hưởng của thánh Antôn thì không có gì chống lại được sự lôi cuốn bởi các bài giảng của ngài.

Ngài thường mạnh mẽ chống lại sự yếu đuối của hàng tu sĩ qua những tội nổi bật trong xã hội đương thời như: tính tham lam, nếp sống xa hoa, sự độc đoán của họ. Đây là một giai thoại điển hình: khi ngài được mời để giảng ở hội đồng họp tại Bourges, dưới sự chủ tọa của tổng giám mục Simon de Sully. Với những lời mở đầu “Tibi loquor cornute” (Tôi xin thưa cùng ngài đang mang mũ giám mục trên đầu), thánh nhân tố giác vị giám mục mới tới, làm mọi thính giả phải kinh ngạc.

Cũng tại Bourges, nên ghi lại một phép lạ lừng danh về một con lừa thờ lạy bí tích cực trọng. Với một người Do thái không tin phép Bí tích Mình Thánh. Thánh nhân nói:

– Nếu con lừa ông cưỡi mà quỳ xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình dưới hình bánh thì ông có tin không?

Người Do thái nhận lời thách thức.  Hai ngày ông ta không cho lừa ăn rồi dẫn tới chỗ họp chợ, giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua, con vật quên đói quay sang thờ lạy Chúa. 

Mùa chay cuối cùng thánh Antôn giảng ở Padua.  Và người ta còn nhớ mãi sự nhiệt tình mà thánh nhân đã khơi dậy.  Dân địa phương đã không thể nào tìm ra thức ăn lẫn chỗ ở cho đoàn người đông đảo kéo tới.  Nhưng sau mùa chay này, thánh nhân đã kiệt sức.  Ngài xin các bạn đồng hành đưa về nhà thờ Đức Maria ở Padua để khỏi làm phiền cho chủ nhà trọ.  Không nói được nữa,  ngài dừng chân ở nhà dòng Đức Mẹ người nghèo ở Arcella.  Tại đây, người ta đặt ngài ngồi dậy và giúp ngài thở.  Ngài bắt đầu hát thánh thi tạ ơn và qua đời giữa tiếng ca ngày 13 tháng 6 năm 1231 khi mới 36 tuổi.  Ngài được phong thánh một năm sau, ngày 30-5-1232.  Năm 1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

Năm 1263, trong ngày lễ thánh nhân, hài cốt thánh Antôn được đưa từ tu viện đến nhà thờ mới, dưới sự điều khiển của thánh Bonaventura.  Khi khai quật phần mộ, da thịt ngài đã tiêu tan hết, đặc biệt lưỡi thì còn y nguyên.  Thánh Bonaventura hôn kính “lưỡi đáng kính trọng” ấy, rồi thốt lên: “Bởi lưỡi thánh này đã ngợi khen Thiên Chúa và khuyên dụ nhiều người ngợi khen Thiên Chúa, nên Ngài đã gìn giữ lưỡi này còn nguyên vẹn cho đến bây giờ.”  Lưỡi ấy được đặt vào một bình bạc để trên cao cho mọi người tôn kính.  Từ đó, khách hành hương từ khắp nơi đến viếng nhà thờ và mộ thánh để cầu nguyện và xin ơn.  Thánh Antôn hằng ban ơn giáng phúc, chẳng những về thể xác mà nhất là về phần linh hồn.  Chính thánh Bonaventura đã chứng kiến và ca ngợi rằng: “Ai muốn nhờ phép lạ thì phải chạy đến cùng thánh Antôn.  Người cứu chữa lúc gian nan, giúp đỡ khi túng cực.  Hãy hỏi dân thành Pađua, hãy hỏi các khách hành hương, họ sẽ nói lên sự thật ấy. 

Người ta thường vẽ thánh Antôn bế Hài Nhi Giêsu vì Ðức Giêsu đã hiện ra với ngài.  Thánh Antôn là người hiểu biết thâm sâu, nhất là về Kinh Thánh, do đó Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên xưng ngài là “Tiến Sĩ Tin Mừng” hay Tiến Sĩ Kinh Thánh.

Thánh Antôn Padua đã hiến trọn thời gian và năng lực cho việc giảng dạy về tình yêu Chúa.  Ước gì mỗi chúng ta cũng biết noi gương thánh nhân, can đảm hiến thân cho tha nhân, cho Tin Mừng nước Cha.

Tổng hợp

Xin xem thêm sách thánh Antôn Padua

https://suyniemhangngay.net/ 2016/09/04/thanh-anton-padua/

CÔ ĐƠN VÀ TĨNH MẠC

Từ ít lâu nay, trong Hội thánh Công giáo đã xuất hiện một phong trào tu đức nhằm vào sự cô đơn.

Phong trào này đào tạo nên những con người:

  • Coi sự cô đơn của Chúa Giêsu là một yếu tố quan trọng của thân phận Đấng cứu Thế được sai vào đời.
  • Quan tâm cách đặc biệt đến những người cô đơn trong xã hội và Giáo Hội.
  • Biết dùng bất cứ cảnh cô đơn nào xảy đến cho chính mình, để thêm cậy tin và phó thác nơi Chúa giàu lòng thương xót.
  • Biết phân biệt cảnh cô đơn không cần thiết và cảnh tĩnh mạc cần thiết cho việc đạo đức.

Với mấy nhận thức trên đây, tôi xin kính mời mọi tín hữu nói chung và mọi môn đệ được gọi vào chức thánh nói riêng, hãy nhìn vào Chúa Giêsu của tuần thánh.  Hãy ngắm nhìn kỹ và suy nghĩ thực sâu, để chia sẻ đôi chút tâm tình của Người.  Bởi vì cô đơn và tĩnh mạc đang và sẽ là vấn đề lớn cho ta và cho cộng đoàn của ta.

  1. Sự cô đơn của Chúa Giêsu

Trong tuần thánh, cảnh nổi bật vây phủ Chúa Giêsu là cảnh cô đơn.

a) Quần chúng trước đây tung hô Người, nay quay lại nguyền rủa Người thậm tệ. Sự thay lòng đổi dạ đó đã gây cho Chúa Giêsu một sự cô đơn đầy sát khí. Nó đổ trên Người những bất hiếu, bất trung, vô ơn, độc ác.

b) Sự cô đơn của Chúa Giêsu do quần chúng gây nên lại càng nặng thêm do thái độ các môn đệ thân tín bỏ rơi Người. Kẻ thì bán Người, kẻ thì bỏ mặc Người bị bắt, kẻ thì chối Người.

c) Sự cô đơn của Chúa Giêsu càng trở nên bi đát, khi Người bị xét xử trước tòa đạo, tòa đời hồi đó. Những kẻ được nắm quyền do ơn trên, nay lại dùng chính quyền đó để kết án Người với sự hãnh diện của thứ đạo đức giả sành nghề.

d) Sự cô đơn coi như đẩy Chúa Giêsu xuống vực thẳm sâu nhất chính là khi Người cảm thấy như mình bị Chúa Cha từ bỏ. Chính Chúa Giêsu đã thốt lên một lời diễn tả nỗi khổ đó: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi con” (Mc 15,34).

  1. Sự tĩnh mạc của Chúa Giêsu

Khi Chúa Giêsu bị các nỗi cô đơn đè nặng trên mình, Người đã đối phó bằng sự đi vào cõi tĩnh mạc.

Trước hết là tĩnh mạc địa lý.  Người đi vào vườn Cây Dầu là nơi vắng vẻ.  Khi cầu nguyện, thì chỉ đi với ba môn đệ.  Nhưng rồi Người cũng không cùng với ba môn đệ cầu nguyện chung.  Người cầu nguyện một mình ở một chỗ tĩnh mạc, xa ba môn đệ.

Trong tĩnh mạc địa lý, Chúa Giêsu đi sâu vào tĩnh mạc nội tâm.  Sự tĩnh mạc này giúp Người cầu nguyện, thêm sức cho Người được chịu mọi đau khổ về thể xác và tinh thần.

Sự tĩnh mạc nội tâm này đã được nhận thấy ở sự rất ít nói của Chúa Giêsu, khi bị nhục mạ, bị vu khống, bị kết án.  Ban đầu, Người còn trả lời vắn tắt những câu tra vấn.  Sau đó, Người trả lời bằng sự im lặng.  Trên Thánh giá, Người chỉ nói mấy lời với nội dung yêu thương đối với loài người, và phó thác đối với Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Trong sự cô đơn và tĩnh mạc nội tâm, Chúa Giêsu đã rất quan tâm đến những người khác bằng tình yêu thương.

  1. Sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với những cảnh cô đơn

a) Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã an ủi các môn đệ: “Thầy không để các con phải mồ côi” (Ga 14,18). “Thầy để lại bình an cho các con. Bình an mà Thầy ban cho các con không giống bình an mà thế gian ban tặng” (Ga 14,27).  “Nếu Thầy không đi, Đấng Bảo trợ sẽ không đến với các con.  Nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với các con” (Ga 16,7).  Hơn nữa, Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh để ở lại với nhân loại một cách gần gũi đầy an ủi.

b) Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã nghĩ tới cảnh cô đơn của mẹ Người. Nên Người đã trối thánh Gioan cho Đức Mẹ, và trối Đức Mẹ cho thánh Gioan và nhân loại.

c) Trên thánh giá, Chúa Giêsu thấy rõ cảnh con người bị tội lỗi xiềng xích là cảnh cô đơn đáng phải sợ nhất, nên Người đã xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ làm khổ Người, đặc biệt là Người nhận lời kẻ trộm chịu đóng đinh bên hữu Người. Ông sẽ được cùng Người vào chốn trường sinh.

Trên đây là vài chia sẻ vắn tắt cho một vấn đề đã xưa, nhưng hiện đang là thời sự chi phối bầu khí đạo đức trong xã hội và trong Giáo Hội.

Thực vậy, theo các nhà khảo sát xã hội và quan sát tình hình tôn giáo, thì hiện nay:

  • Số người rơi vào cảnh cô đơn càng ngày càng đông.
  • Số người bị loại trừ cũng đang có chiều hướng gia tăng.

Cảnh cô đơn và cảnh bị loại trừ diễn ra ngay trong gia đình, trong các cộng đoàn xã hội, cả trong những cộng đoàn tôn giáo.

Động cơ đẩy người ta vào cảnh cô đơn và loại trừ càng ngày càng phức tạp.

Nếu chúng ta không tỉnh thức và cầu nguyện, thì cảnh cô đơn và loại trừ sẽ phát sinh và phát triển mạnh trong Hội Thánh Việt Nam ta.  Đang khi đó, cảnh tĩnh mạc sẽ lại bớt đi.  Lỗi phần nào là do các phong trào không lành mạnh trong xã hội, nhưng cũng một phần do chính những nhẹ dạ hoặc ác ý của một số thành phần thuộc nội bộ Giáo Hội ta.

Xin nhớ rằng: Ác quỷ Satan rất khôn khéo trong việc phá Hội Thánh Chúa.  Phá dưới mọi hình thức. Hiện nay hình thức Satan ưa dùng, là gây nên cảnh cô đơn và loại trừ trong chính nội bộ, đang khi đó chúng lại gây nên cảnh náo động hướng ngoại, thay cho tĩnh mạc cầu nguyện.  Nếu đúng như vậy, thì vấn đề chúng ta nên để tâm nhiều hơn trong tu đức là hãy đón Chúa Giêsu chịu tử nạn vào tâm hồn ta.

Khi Người là sự sống của ta, thì chính Người sẽ đổi mới ta.  Nhờ Người, ta sẽ biết khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ nắm được một phần nhỏ của các sự thực, để ta sẽ sống bé nhỏ trong việc góp phần xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh có nhiều khác biệt, trên đường hành hương nhiều khi cô đơn và tĩnh mạc.

Dù cô đơn, dù tĩnh mạc, chúng ta tuyệt đối phó thác cuộc đời chúng ta nơi Chúa tình yêu. “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,9).

Gm. G.B. Bùi Tuần