THÁNH THỂ VÀ THÁNH GIÁ (có Youtube)

  1. Đất, nước, đá

Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dùng đất nắn nên hình hài (St 2,7).  Từ đó Tổ Tông loài người mang tên Đất (St 4,25;5,1-3).  Ađam, tiếng Do thái nghĩa là đất.

Để cứu Dân Ngài thoát khỏi nô lệ Aicập, vượt qua Biển Đỏ khô chân, lập giao ước Sinai với dân, Thiên Chúa đã dùng Môsê.  Môsê, tiếng Do Thái nghĩa là nước (Xh 2,10).

Khi xây dựng Giáo Hội, Thiên Chúa lại dùng một con người đánh cá tầm thường, khi thì hùng hổ tuốt gươm bảo vệ Thầy Giêsu (Lc 22,50), khi thì sợ hãi chối quanh trước một đầy tớ gái (Lc 22,56-57).  Người ấy Chúa Giêsu đặt tên là Đá (Mt 16,18).  Kêpha, tiếng Do Thái nghĩa là đá.

Như vậy, lịch sử sáng tạo, lịch sử cứu độ của Thiên Chúa quyện đan với những cái tên tầm thường: Đất, Nước, Đá.

Người Việt Nam chúng ta cũng dùng những tiếng tầm thường ấy để nói lên Một Điều Linh Thiêng.  Linh thiêng đến độ bao anh hùng liệt nữ đã hy sinh mạng sống mình cho điều linh thiêng đó: Đất Nước Việt Nam. (x. Chút mắm muối cho bữa cơm hàng ngày, trang 252).

  1. Bánh và rượu

Chúa Giêsu đã dùng bánh rượu làm nên Mình và Máu Thánh của Người.  Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người.  Bánh và rượu có thể tầm thường nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống hàng ngày của con người.  Chính Chúa Kitô đã muốn trở nên gần gũi và cần thiết đó.  Người muốn bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người để nuôi sống chúng ta hàng ngày.

Tình yêu Chúa Kitô làm nên sáng kiến tuyệt vời.  Vì yêu thương hết mọi người, Chúa đã muốn trở nên bé nhỏ tầm thường trong thân phận một người thợ mộc ở Nazareth để có thể ở giữa mọi người, từ kẻ hèn cho đến người sang trọng, từ người thánh thiện cho đến kẻ tội lỗi, từ người Do thái cũng như dân ngoại.  Để trở thành của ăn nuôi mọi người, Chúa đã muốn trở thành tấm bánh ly rượu.  Chỉ khiêm tốn và giản dị thế thôi để mọi người có thể ăn, chứ không phải là một bữa ăn đắt giá dành cho bậc quyền quý sang giàu.

Khi sinh ra đời, Chúa đã chọn cái chuồng bò.  Khi sống ở Nazareth Chúa đã muốn làm một người thợ giữa những người lao động khác.  Khi bắt đầu rao giảng tin mừng, Chúa đã chọn những người tầm thường trong xã hội làm bạn đồng hành, làm bạn tâm phúc thừa kế sự nghiệp.  Trong giờ sau hết, Chúa đã chọn tấm bánh ly rượu, chọn khung cảnh một bàn ăn giữa bạn bè, chọn một tư gia để Tạ Ơn, trong đó người vừa là chủ tế vừa là của lễ.  Và Chúa muốn Giáo Hội tiếp tục lễ Tạ Ơn theo cách thức của Người bằng những phương tiện đơn sơ là tấm bánh ly rượu.

Chỉ cần một bông lúa, một chùm nho đủ làm nên tấm bánh ly rượu.  Không cần cái gì cao sang đắt giá, to lớn như con bò, con bê, con cừu mà đạo Do thái vẫn tế lễ trong đền thờ.  Với tấm bánh ly rượu, Chúa Giêsu còn muốn cho của lễ Tạ Ơn phải chính là sản phẩm hoa màu ruộng đất, lao công con người, của ăn thức uống căn bản và phổ biến nhất của con người.

Chúa Giêsu là bông lúa, là chùm nho mọc lên từ ruộng đất thế gian, nơi Người nhập thể làm người.  Người đã biến đổi trong thân thể Người là Con Thiên Chúa và cũng là con loài người tất cả tinh hoa của ruộng đất, trở thành bông lúa chùm nho.  Từ bông lúa bị nghiền nát; từ chùm nho bị ép.  Nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại.  Chối từ cám dỗ của Satan hoá đá thành bánh, nhưng Chúa Giêsu đã tự ý biến đổi đời mình thánh Tấm Bánh để nuôi dưỡng con người.

“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.”  Chắc hẳn không ai hiểu câu nói này theo kiểu các yêu tinh muốn ăn thịt Đường Tăng, trong truyện Tôn Ngộ Không.  Yêu tinh quyết tâm bắt cho được Đường Tam Tạng để ăn thịt.  Nó tin rằng ăn thịt vị cao tăng này thì sẽ được trường sinh bất tử.  Tôi nghĩ rằng giả như có ai giết Chúa Giêsu để ăn thịt Người (theo kiểu các yêu tinh ăn thịt Đường Tăng) thì người ấy vẫn chết như thường, và về mặt tâm linh thì cũng chẳng được ích lợi gì.  Vì câu nói “Thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống” của Chúa Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất.  “Thịt và Máu” ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất.  “Của ăn và của uống” ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất.  Những từ đó phải hiểu theo nghĩa tâm linh.  Chúa Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự.

  1. Từ Thánh Giá đến Thánh Thể

Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha.  Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật.  Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra.  Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới.  Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy là chính Người trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.

Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể.  Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.

Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em.” Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu thế bị giết chết trên thập giá.  Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.  Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa.  Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.

Thánh thể và Thánh giá Chúa Kitô là hai cớ vấp phạm cho trí tuệ con người suốt hơn 20 thế kỷ qua. Thánh Giá Đức Kitô là sự điên rồ đối với người Hy Lạp đi tìm sự khôn ngoan, là dại dột đối với người Do Thái tìm dấu lạ và mãi mãi là mầu nhiệm thẳm sâu với lý trí.

Thánh Thể, bánh rượu nên Mình và Máu Chúa Kitô.  Sự hiện diện đích thực của Con Thiên Chúa, làm lương thực vĩnh cửu thì càng lại là mầu nhiệm khó hiểu đối với đầu óc con người không có niềm tin.  Khi nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Thịt Ta là của ăn, Máu Ta là của uống cho sự sống muôn đời.” Người Do thái đã phản ứng rất mạnh: “Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được?” (Ga 6,52); “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao?  Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42).  Trước phản ứng dữ dội của họ, Chúa Giêsu không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6,54); sâu xa hơn là con người được đi vào sự kết hiệp mật thiết với Người: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).  Trước mạc khải này, nhiều môn đệ liền nói: “Lời này chướng tai qua, ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60).  Từ lúc đó, “Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,66).

Như thế, người ta chỉ nhìn nhận Chúa Giêsu về phương diện con người, phủ nhận bản tính Thiên Chúa của Người.  Chúa Giêsu cho dân chúng và các môn đệ thấy rõ mầu nhiệm Phục sinh trong Bánh Hằng Sống “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống.  Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt có ích gì” (Ga 6,63).  Quả thật, chúng ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh Thể qua mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn, Phục Sinh mà thôi.

Vậy có thể nói, cả mầu nhiệm Đức Kitô đều hội tụ trong Bí tích Thánh Thể.  Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang; Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha và ban lương thực thần thiêng đều hàm chứa trong Bí tích Thánh Thể.  Bí tích Thánh Thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Người mà không hội tụ trong Bí Tích Thánh Thể.

Từ Thánh Giá đến Thánh Thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến.  Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh Giá đến tình yêu Thánh Thể.  Hiểu như thế để khi dâng Thánh Lễ hay chầu Mình Thánh Chúa, chúng ta tham dự tích cực linh động với tất cả trí lòng tin yêu.  Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy đem theo hy lễ đời mình để kết hiệp với Hy lễ của Chúa Kitô.  Khi rước lễ là chúng ta gặp gỡ Đấng hy sinh chịu chết, là kết hợp với Đấng đã yêu đến cùng.  Chúng ta được mời gọi sống như Chúa Giêsu, biết bẻ ra, chia sẻ, phục vụ và hiến trao.

Đất nước đá cũng như bánh và rượu là những thực tại tầm thường trong cuộc sống, nhưng một khi đã gắn với lịch sử cứu độ là nó trở nên những điều kỳ diệu.

Cuộc sống chúng ta với Thiên Chúa cũng thế.  Sống đời sống thiêng liêng, siêu nhiên một cách tự nhiên.  Sống đời sống tự nhiên một cách thiêng liêng, siêu nhiên.

Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã cho con hàng ngày được ăn một miếng Bánh đơn sơ, nhỏ bé để con được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Vô Cùng.  Xin cho cho tâm hồn con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời.  Amen!

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

BÀI HỌC VỀ TÌNH MẸ

Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng là ngày đưa chúng ta vào tình yêu sâu thẳm của Chúa Giêsu và Đức Mẹ.  Qua cuộc thăm viếng này, các bà mẹ có thể tận hưởng niềm vui sâu xa của ơn gọi làm mẹ, niềm vui của việc chăm sóc lẫn nhau trên hành trình này.  Sau khi được truyền tin và xin vâng theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Đức Mẹ đã vội vã đi thăm người chị họ Êlisabét.

Trình thuật Lc 1,39-45 cho biết: Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa.  Bà vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét.  Bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.  Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?  Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.  Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

Có nhiều điều thu được từ đoạn văn hay này.  Đó là sự đến với nhau của hai người phụ nữ, được liên kết bằng niềm vui và lời hứa cứu độ.  Hai người phụ nữ cùng chia sẻ tặng phẩm là thiên chức làm mẹ.  Một người mang thai một người sẽ mở đường cho Đấng Cứu Thế, một người mang thai một người là Đấng xóa tội trần gian và là Êva Mới.  Hai phụ nữ đón tiếp nhau với tư cách là thân nhân, với mối quan hệ thâm sâu.  Cuộc gặp gỡ của họ mời gọi chúng ta đến gần Thiên Chúa không chỉ bằng tặng phẩm là sự công bố của họ, mà còn bằng tình yêu thương dành cho nhau.  Tính chất phụ nữ và làm mẹ của họ là tấm gương sáng cho mọi người, cách riêng các bà mẹ có thể học hỏi nhiều hơn qua cuộc thăm viếng này.

Mẹ Maria vội vã lên đường

Đức Mẹ là người lặng thầm trong Kinh Thánh, nhưng Đức Mẹ chứng tỏ là một phụ nữ thể hiện sứ vụ và mục đích: Đức Mẹ vội vã lên đường.  Đức Mẹ biết sự cấp bách đối với công việc của Thiên Chúa trên thế gian này.  Sau khi chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa là làm Mẹ của Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ mau mắn đi thăm chị Êlisabét.  Mẫu gương của Đức Mẹ là mẫu gương quan trọng đối với những người mẹ.  Xung quanh chúng ta có nhiều thứ cần chú ý.  Con cái và người chồng luôn cần chúng ta quan tâm.  Thi thoảng chúng ta có thể xao lãng và có thể gây “tổn hại” cho gia đình.  Chúng ta phải nhận biết khi nào cần vội vã.

Đức Mẹ nhắc chúng ta rằng công việc của người mẹ là “việc thánh.”  Nuôi dạy con cái là để dẫn đưa chúng về trời, công việc căng thẳng lắm.  Vội vã theo nghĩa ở đây là sự bận rộn.  Rất thường xuyên theo văn hóa Tây phương, chúng ta kết hợp sự bận rộn với sự thánh thiện hoặc sự quan trọng.  Chạy từ sự kiện này tới sự kiện khác không là cách vội vã được đề cập ở đây.  Đó là hấp tấp, ôm đồm.  Vội vã muốn nói ở đây là hướng tới chồng con với lòng yêu thương, quan tâm chăm sóc chồng con, và cho họ những thứ họ cần.  Đó là cách chọn lựa hiện diện giữa họ và nhiệt tâm sống theo ơn gọi của mình.  Điều đó không có nghĩa là chúng ta không cảm thấy mệt mỏi, mà là lý do chúng ta cần cầu nguyện và thường xuyên lãnh nhận các bí tích để duy trì sự cân bằng trong đời sống tâm linh.

Các bà mẹ được mời gọi chăm sóc nhau

Nhiều khi người mẹ có vẻ là cuộc đấu tranh đơn độc.  Đó là thực tế rất nhiều người mẹ duy trì theo loại văn hóa mà chúng ta tách khỏi người khác.  Đó là điều rất thật đối với những người mẹ chỉ ở nhà nội trợ, nhưng có thể họ vật lộn với công việc nhiều lần trong sự đơn độc như thế.  Người mẹ này cần người mẹ khác.  Phụ nữ là những thụ tạo xã hội.  Chúng ta cần thảo luận về những gì đang diễn tiến trong cuộc sống và với con cái.  Chúng ta cần những người mẹ khác cho chúng ta biết rằng cách cư xử riêng là điều bình thường.

Trong sự cô lập của chúng ta, chúng ta có thể bắt đầu cảm thấy mất trí nhớ hoặc con cái trở nên xa lạ.  Thực tế con cái có thể khá xa lạ, đó là một trong các lý do mà việc làm mẹ như vậy là sự mạo hiểm vừa vui vẻ, vừa tiêu khiển, vừa mệt mỏi.  Là những người mẹ, chúng ta không cạnh tranh với nhau.  Chúng ta hân hoan kết hiệp với Nhiệm Thể Đức Kitô và sống liên đới với nhau.  Sự cô độc mà chúng ta cảm thấy là vì nhu cầu này không được thỏa mãn trong xã hội vội vã, cá nhân, và biệt lập.  Nhưng bạn không đơn độc một mình đâu!

Vào ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng, rõ ràng Đức Maria và Thánh Êlisabét tìm thấy sự bình an, niềm vui, và sự thoải mái khi gặp nhau.  Họ liên kết với nhau bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần.  Chúng ta cũng được kết hiệp nhờ Chúa Thánh Thần.  Những người mẹ cần chia sẻ với nhau về niềm vui, nỗi buồn, sự đấu tranh, đau khổ, thành công và thất bại.  Chúng ta cần cùng nhau đồng hành trên con đường thánh thiện này.  Chúng ta không thể chỉ đạt được sự thánh thiện.

Về phương diện bản thể học (ontology), con người là các thụ tạo xã hội.  Nhờ tặng phẩm của việc Con Thiên Chúa nhập thể, chúng ta được liên kết với nhau trong tình đoàn kết sâu sắc với Đức Kitô và với nhau.  Chúng ta cũng được tạo nên để cùng bước đi với nhau.  Tình bạn và gia đình là những tặng phẩm quý giá.  Đã đến lúc chúng ta bắt đầu cùng nhau ca tụng ơn gọi làm mẹ để chúng ta có thể sống trong niềm vui của Đức Kitô, Đấng liên kết chúng ta.

Mẹ Maria đến với mỗi người chúng ta

Đức Mẹ đến thăm chị họ Êlisabét, Đức Mẹ cũng đến thăm mỗi chúng ta.  Đức Mẹ là Mẹ của chúng ta và yêu thương chúng ta bằng tất cả Thiên Tình Mẫu Tử.  Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng nhắc nhở chúng ta phải có thói quen cầu xin Đức Mẹ nâng đỡ.  Việc làm mẹ đòi hỏi tình nhân ái, sự kiên nhẫn, sức chịu đựng, sự thận trọng, sự khôn ngoan, và mọi đức tính khác.

Việc làm mẹ “cắt tỉa” chúng ta với các mức độ mạnh mẽ nhất.  Chúng ta sở hữu tính vị kỷ bởi vì sự sa ngã của Nguyên Tổ luôn “giằng xé” chúng ta vì chồng con.  Đây là một quá trình lành thánh, nhưng đôi khi cũng là một quá trình khiến ta cảm thấy bị ám ảnh và quá sức.  Đức Mẹ là sự hướng dẫn cho những người mẹ.  Đức Mẹ không bỏ mặc chúng ta hoặc làm cho chúng ta thất vọng.  Đức Mẹ luôn dẫn chúng ta đến với Con Yêu Dấu của Đức Mẹ, nâng đỡ chúng ta trên con đường nên thánh.  Hãy cầu xin và tin tưởng vào cách hướng dẫn đầy yêu thương và khôn ngoan của Đức Mẹ.

Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng là cơ hội tuyệt vời để chúng ta tìm hiểu và đào sâu ơn gọi làm vợ và làm mẹ.  Đó là con đường Thiên Chúa ban cho chúng ta để làm cho chúng ta vâng theo Thánh Ý Ngài.  Đức Mẹ dạy chúng ta cách hành động vội vã trong cuộc sống hằng ngày, nhờ đó chúng ta có thể ưu tiên những điều hướng dẫn gia đình và đưa chúng ta tới cuộc sống thánh thiện hơn.

Đức Maria và Thánh Êlisabét cho chúng ta biết sức mạnh của việc giao tiếp qua Chúa Thánh Thần, và cho chúng ta biết rằng chúng ta là những người giao tiếp với nhau.  Chúng ta không là những ốc đảo, không đơn độc nuôi dưỡng các thánh, mà chúng ta cùng nhau tiến về Quê Hương Thiên Đàng.

Kính mừng Mẹ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Mẹ… Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Constance T. Hull,
bản dịch của TRẦM THIÊN THU, từ CatholicExchange.com

BỨC TRANH MIÊU TẢ MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI CỦA CHÍNH THỐNG GIÁO NGA (có Youtube)

“Đó là điều vô lý nhất và không thích hợp khi miêu tả Chúa Cha với hình tượng người đàn ông có bộ râu màu xám, và Người con duy nhất của Ngài có hình ảnh chim bồ câu ở giữa, bởi vì không ai đã nhìn thấy Chúa Cha vì thiên tính của Ngài, và Chúa Cha không có xương có thịt […] và Chúa Thánh Thần bản chất không phải là chim bồ câu, nhưng bản chất là Thiên Chúa.”  (Đại Thượng Hội Đồng Moscow, 1667)

Đối với Giáo Hội Chính Thống Nga, việc miêu tả Thiên Chúa Ba Ngôi trong nghệ thuật là một vấn đề gây tranh cãi trong hàng ngàn năm qua.  Mặc dù Công Đồng Nicaea năm 787 cho phép các họa sĩ vẽ về Thiên Chúa, tuy nhiên Giáo Hội Chính Thống Nga vẫn không hài lòng với những bức họa phổ biến về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Họ cảm thấy hình tượng người đàn ông với bộ râu màu xám và chim bồ câu (thường được dùng để mô tả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong hội họa) không thể xứng với mầu nhiệm khôn thấu về Thiên Chúa Ba Ngôi.  Thay vì sử dụng những hình ảnh phổ biến này, họ đã chọn bức tranh (icon) Chúa Ba Ngôi của Andrei Rublew như cách diễn tả thích hợp về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Rất khó để những người bên ngoài Chính thống giáo hiểu được những bức tranh icon của Chính Thống Giáo Nga, và với cái nhìn đầu tiên, bức tranh có vẻ không diễn tả hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi.  Bối cảnh trung tâm của bức ảnh xuất phát từ sách Sáng Thế, khi ông Abraham tiếp đón ba vị khách lạ vào lều của mình, “Và Đức Chúa hiện ra với Abraham tại cụm sồi Mamre … Ông ngước mắt lên và … kìa, ba người đàn ông đứng gần ông.  Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất và nói … [Ông Abraham] đã lấy [bánh, sữa chua, sữa tươi, và thịt bê đã làm] mà đãi khách; và ông đứng hầu dưới gốc cây trong khi họ dùng bữa” (Sáng thế ký 18: 1-8).

Bức ảnh của Rublev miêu tả cảnh tượng trên với hình ảnh ba thiên thần, có giáng vẻ giống nhau, ngồi quanh một chiếc bàn.  Phía sau là ngôi nhà của Abraham và một cây sồi phía sau ba vị khách.  Trong khi bức ảnh này mô tả một sự kiện trong Cựu Ước, thì Rublev đã sử dụng đoạn Kinh Thánh này để phác họa hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, phù hợp với các nguyên tắc nghiêm ngặt của Giáo Hội Chính Thống Nga.

Các biểu tượng của hình ảnh phức tạp và có ý nghĩa tổng quát niềm tin thần học của Giáo Hội trong Thiên Chúa Ba Ngôi.  Trước hết, ba thiên thần giống hệt nhau về hình dạng tương ứng với tín điều Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất.  Tuy nhiên, mỗi thiên thần trong bức tranh mặc một trang phục khác nhau, diễn tả sự riêng biệt của mỗi ngôi vị.  Trên thực tế, việc Rublev mô tả Thiên Chúa Ba Ngôi trong hình ảnh thiên thần cũng là một lời nhắc nhở về bản tính của Thiên Chúa, Đấng là thần linh thuần túy.

Các thiên thần được sắp xếp từ trái sang phải theo thứ tự như khi chúng ta tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Thiên thần đầu tiên mặc áo màu xanh, tượng trưng cho bản tính thần linh của Thiên Chúa và áo choàng màu tím, chỉ vương quyền của Chúa Cha.

Thiên thần thứ hai và là vị quen thuộc nhất, là người mặc quần loại đặc trưng của Chúa Giêsu trong truyền thống icon.  Màu đỏ tượng trưng cho nhân tính của Chúa Kitô, trong khi màu xanh là biểu hiện thiên tính của Người.  Cây sồi phía sau nhắc nhở chúng ta về cây sự sống trong Vườn Eden cũng như thập giá mà trên đó Chúa Kitô đã cứu thế giới khỏi tội lỗi của Adam.

Thiên thần thứ ba mặc một chiếc áo màu xanh (thiên tính), và áo choàng xanh lá cây.  Màu xanh lá chỉ trái đất và nhiệm vụ đổi mới địa cầu của Chúa Thánh Thần.  Xanh lá cũng là màu phụng vụ trong lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, theo truyền thống Chính Thống Giáo và Byzantine.  Hai thiên thần bên phải bức tranh đầu hơi cúi, diễn tả một thực tế là Chúa Con và Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha.

Trung tâm của bức tranh là chiếc bàn, tượng trưng cho một bàn thờ.  Đặt trên bàn là một chiếc bát hoặc chén bằng vàng, có chứa thịt bê mà Abraham đã chuẩn bị cho khách.  Thiên thần ở giữa có lẽ đang làm phép bữa ăn.  Tổng hợp các điều đó nhắc nhở chúng ta về bí tích Thánh Thể.

Tuy bức tranh không minh họa trực tiếp mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nhưng đây là một trong những bức tranh uyên thâm nhất từng được vẽ.  Truyền thống Chính Thống Giáo và Byzantine vẫn dùng nó như cách miêu tả chính về Thiên Chúa Ba Ngôi.  Bức tranh thậm chí được đánh giá cao trong Giáo hội Công giáo La Mã, và thường xuyên được các giáo lý viên sử dụng để dạy người khác về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm, và sẽ luôn là như vậy khi chúng ta đang còn hiện diện trên trái đất.  Tuy nhiên, đôi khi chúng ta thấy được cái nhìn thoáng qua về sự sống thần linh của Thiên Chúa, và bức tranh của Rublev đã giúp chúng ta có được giây phút ngắn ngủi để nhìn vào phía sau bức màn mầu nhiệm.

Cát Trắng
The Russian Icon that Reveals the Mystery of the Trinity

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm tình yêu thương.

Từ đời đời, Chúa Cha yêu Chúa Con.  Tình yêu ấy lớn lao đến nỗi Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con giống hệt như mình.  Con là hình ảnh hoàn hảo, nguyên tuyền của Cha.  Con là chính Cha, nên Đức Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).  Cha có gì thì ban tất cả cho Con.  Nên sau này Đức Giêsu đã nói: “Tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 16,15).  Tình Cha yêu Con thật lớn lao, kỳ diệu.  Tình Con đáp lại tình Cha cũng nồng nàn tha thiết không kém.  Những gì Con nhận được do tình yêu của Cha thì Con dâng lại cho Cha tất cả.  Đức Giêsu vì yêu mến Chúa Cha, nên đã vui lòng xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại.  Trọn cuộc đời, Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha để thi hành.  Người luôn tâm niệm: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy” (Ga 4,34).  Người từ bỏ hết ý riêng mình để chỉ làm theo ý Chúa Cha.  Người nên một với Đức Chúa Cha trong tâm tình, trong tư tưởng, trong hành động.  “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 14,10).  Trong giờ hấp hối, dù sợ hãi cái chết đến độ mồ hôi máu tuôn ra, nhưng Đức Giêsu vẫn luôn vâng theo ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho Con khỏi uống chén này.  Xin đừng theo ý Con, nhưng theo ý Cha mà thôi” (Mt 26,39).  Thánh Phaolô đã tóm tắt về cuộc đời Người: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.  Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2,6-8).  Tất cả thái độ vâng phục nói lên sự dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha.  Tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần.

Ba Ngôi là lò lửa tình yêu lúc nào cũng ngùn ngụt cháy.  Ba Ngôi là nguồn mạch tình yêu không bao giờ vơi cạn.  Cuộc trao đổi cho đi và nhận lãnh làm cho tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa ngày càng sung mãn dồi dào.  Tất cả mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi.  Tất cả mọi tình yêu muốn trung thực và bền vững đều phải học theo khuôn mẫu tình yêu Chúa Ba Ngôi.  Hạnh phúc là ta được tham dự vào bầu khí yêu đương của Chúa Ba Ngôi.  Hạnh phúc sẽ đến khi mọi người biết yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Hôm nay, khi truyền cho ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Đức Giêsu muốn ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới.  Người mong ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những góc tối tăm chiến tranh, chia rẽ.  Người mong ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng tình thương tha thứ.  Người muốn cho tình yêu lên ngôi ngự trị trong hết mọi tâm hồn.

Phần ta, những môn đệ của Chúa, mỗi khi ta làm dấu Thánh giá nhân danh Chúa Ba Ngôi, ta hãy xin Ba Ngôi Thiên Chúa in tình yêu thánh thiện của Người vào tâm hồn ta.  Xin cho ta được tham dự vào tình yêu vô cùng sung mãn của Người.  Xin cho ta trở nên một đốm lửa trong lò lửa yêu thương của Người.  Được cháy trong lò lửa tình yêu Chúa Ba Ngôi, ta sẽ trở nên giống như Người, luôn biết cho đi, luôn biết dâng hiến, luôn mưu tìm hạnh phúc cho tha nhân.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

************************

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
Xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
Xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
Xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
Xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
Xin cho các kitô hữu chúng con
Trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con
Biết yêu như Ngài,
Biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
Biết quảng đại cho đi
Và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy ba ngôi chí thánh,
Xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Nguyễn Cao Siêu, S.J.

THÁNH RITA CASCIA (1381-1457)(có Youtube)

(Trung thành trong đau khổ suốt đời qua nhiều giai đoạn: thiếu nữ, vợ, mẹ, góa, nữ tu)

Trong nhiều thế kỷ, Thánh Rita ở Cascia là một trong những vị thánh nổi tiếng của Giáo Hội Công Giáo. Người ta thường gọi ngài là “Vị Thánh Bất Khả,” vì bất cứ điều gì nhờ ngài cầu bầu đều được Thiên Chúa nhận lời.

Thánh Rita sinh năm 1381, tại thành Cascia thuộc tỉnh Umbria, nước Ý.  Cha mẹ có tinh thần đạo hạnh cảm ơn Chúa đã cho sinh con như món quà quí.

Cô muốn dâng mình đi tu, nhưng cha mẹ lại bắt cô lập gia đình.  Ban đầu cô hơi bực mình, nhưng Rita hiểu đây là ý Chúa, nên cô bằng lòng.  Rita kết hôn năm 12 tuổi, với một thanh niên quý tộc.  Anh ta là người khô đạo, thường xuyên hành hạ vợ mình.  Tuy nhiên, với tâm hồn đạo hạnh, Rita vẫn yêu thương làm tròn bổn phận của người vợ.

Cuối cùng, vì đức hạnh của Rita, người chồng đã thay đổi nếp sống và tận tâm yêu mến bà.  Đời sống gia đình kéo dài được 18 năm.  Chúa đã chúc lành cho Rita và cho bà sinh 2 con trai.  Bà trở thành người vợ và người mẹ tốt lành tận tụy.

Vì có sự bất hòa trong đại gia đình dòng họ, một hôm, chồng bà đã bị kẻ thù giết chết, bà rất đau khổ, nhưng trong tinh thần Công giáo, bà tha thứ cho kẻ thù đã giết chồng.

Hai con trai của bà khi đến tuổi được phép mang khí giới, chúng không giống như mẹ, chúng quyết tâm nuôi mộng giết kẻ thù để trả hận cho cha mình.  Bà lại đau khổ, khuyên can các con và vì biết không thể làm lay chuyển được kế hoạch giết người của chúng, bà đã ngày đêm cầu xin Chúa cất chúng về khi chúng đang còn trong ân sủng của Chúa và chưa phạm tội ác.  Chúa đã nhận lời bà.  Trong một năm, cả hai đứa lìa đời.

Sau khi con chết, bà xin vào tu trong nhà dòng nữ Augustinô ở Cascia, nhưng nhà dòng đã ba lần từ chối không nhận bà vì không còn là trinh nữ.  Bà tha thiết cầu nguyện đêm ngày xin Chúa cho bà được thuộc về Chúa như người Bạn Trăm năm.  Người ta kể rằng, một đêm kia ba vị thánh (Gioan Tẩy giả, Augustinô, Nicholas Tolentino) hiện ra dẫn bà tới nhà Dòng Madalena, đưa bà vào trong khuôn viên của tu viện dù đã kín cổng cao tường. Thấy vậy, các nữ tu tin rằng ý Chúa muốn ngài được chấp nhận vào dòng.

Trong 40 năm ở nhà dòng, bà sống trong cầu nguyện và chiêm ngắm, hầu hạ người bệnh và người nghèo, làm việc tay chân được bề trên chỉ định.  Bà ước ao chia sẻ những khổ đau cùng Chúa Kitô nên sau 25 năm tu, Chúa đã ban cho bà được chia sẻ một chút là cho một cái gai trong mũ gai của Chúa cắm vào trán bà.  Từ đó, trên trán của bà có vết thương rướm máu.  Các bề trên của bà nghĩ rằng đó là hiện tượng bệnh phong cùi, nên tách riêng bà ra khỏi cộng đoàn nhà dòng và cho bà sống trong một căn phòng nhỏ trong góc tu viện.  Bà mang vết thương này trong 15 năm, âm thầm chịu đựng ngày đêm và cảm tạ những ơn Chúa Giêsu Kitô đã đặc biệt ban cho bà.  Bà bị đau đớn khổ sở cho đến lúc nhắm mắt lìa đời ngày 22 tháng Năm năm 1457 khi 76 tuổi.

Người ta gọi bà Rita là: Người đem hòa bình.  Thánh của những trường hợp vô vọng.  Bà thánh xin nhiều quá (“Peacemaker,” “Saint of the Impossible,” the “Saint Who Asks Too Much”).  Ngài đặc biệt được tôn kính ở nước Ý ngày nay, và được coi là quan thầy của những trường hợp khó khăn, nhất là có liên hệ đến hôn nhân.

Ngài được phong chân phước năm 1626 và được phong thánh năm 1900, và được coi như “Viên ngọc quí của thành Umbria.”  Lòng sùng kính thánh nữ Rita không những lan ra khắp nước Italia mà còn ra nhiều nước khác, nêu gương cho phụ nữ mọi thời, mọi nơi, qua nhiều giai đoạn…

Sưu tầm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

Ý NGHĨA CUỘC SỐNG (có Youtube)

Chúa Thánh Thần đem lại gì cho chúng ta.  Đó là câu hỏi chúng ta cùng nhau tìm hiểu.  Và ơn huệ đầu tiên Ngài đem lại đó là đức tin.  Chính đức tin sẽ tạo nên nơi chúng ta một cái nhìn mới.

Kể từ nay, chúng ta không còn cúi mặt nhìn xuống đất, mà còn có thể ngước mắt nhìn lên trời.  Và qua những thực tại trần gian, chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị siêu nhiên.  Chúa Thánh Thần sẽ mở ra một chân trời mới, sẽ hướng dẫn chúng ta bước vào cõi sống đời đời.  Hẳn rằng đã hơn một lần chúng ta băn khoăn và tự hỏi: Hỡi người, người là ai?  Tại sao người lại sống trên mặt đất này.  Rồi người sẽ đi về đâu?  Mục đích cuộc sống của người là gì?  Ý nghĩa cuộc sống của người là gì?

Có một nhà hiền triết nọ cũng đã suy tư như thế.  Hôm đó, ông đi lang thang trong rừng, miệng không ngừng lặp lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống?  Bỗng một con họa mi bay đến và nói: Ý nghĩa cuộc sống ư?  Chỉ là tiếng hót véo von.  Rồi nó bay đi nhưng vẫn còn vương lại những âm thanh dễ mến.  Nghe vậy, chú chuột chù phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối.

 Thế nhưng chị bướm lại lắc đầu không chịu: Cuộc sống chỉ là hưởng thụ và vui thú.  Bấy giờ bác ong mật phát biểu: Cuộc sống không chỉ là vui thú, mà còn là lao động, lao động nhiều hơn vui chơi.  Cô phượng hoàng thì vỗ cánh và nói: Chẳng ai có lý hết, đời sống chính là tự do, được tung bay trên khắp khoảng trời xanh.  Cụ tùng bách thì lắc đầu và bảo: Đời sống là một cố gắng để vươn cao.  Nhưng cô hồng nhung lại quả quyết: Cuộc đời chỉ là những tháng ngày trau chuốt cho vẻ đẹp được thêm duyên dáng.  Còn chàng mây lang thang lại thở dài: Đời sống chỉ là những lần chia ly, khổ đau, cay đắng và nước mắt.  Còn bà sóng thần thì bảo: Đời là một sự đổi thay không ngừng.

Nhà hiền triết hốt hoảng và chạy trốn khỏi khu rừng để không còn nghe tiếng nói của muôn loài trước một vấn nạn chưa được giải quyết.

Còn chúng ta thì sao?  Rất có thể chúng ta cũng đã băn khoăn như nhà hiền triết, để rồi cảm thấy như bế tắc, không tìm ra đáp số cho bài toán.

Thế nhưng với biến cố Hiện xuống, các môn đệ đã nhìn rõ vấn đề, đã thấu suốt được những chân lý mà Chúa Giêsu đã truyền dạy.  Với ơn Chúa Thánh Thần chúng ta cũng sẽ nếm thử được niềm an bình và nỗi mừng vui, bởi vì chúng ta xác tín rằng: quê hương chúng ta không phải ở mặt đất này, nhưng là ở chốn trời cao.  Cuộc sống tạm bợ phù du này sẽ kết thúc để rồi mở ra một chân trời hạnh phúc, kéo dài tới vĩnh cửu.  Nhờ đức tin lãnh nhận, chúng ta có được cái nhìn mới và biết đánh giá đúng mức những thực tại trần gian, biết xử dụng chúng để xây dựng cuộc sống siêu nhiên.

Thánh Cyrillo đã so sánh: Chúa Thánh Thần tác động trong chúng ta như ánh sáng mặt trời tác động trên con mắt.  Nếu đi từ bóng tối ra ánh sáng, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều vật trước kia chúng ta không nhìn thấy.  Cũng vậy, với Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ nhìn xem tất cả bằng cặp mắt siêu nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra những giá trị thiêng liêng cho cuộc sống tạm gửi này, để rồi chúng ta sẽ không dừng lại, sẽ không đầu tư cho những vui thú chóng qua, nhưng sẽ tìm kiếm và đầu tư cho hạnh phúc vĩnh cửu.

Ngày xưa Chúa Thánh Thần bay lượn trên nước và đã biến cái đám hỗn mang thành một vũ trụ có trật tự thế nào, thì bây giờ Ngài cũng bay lượn, cũng hiện diện trong tâm hồn để biến con người tội lỗi, vô trật tự của chúng ta thành một Kytô hữu đích thực, Ngài sẽ cởi bỏ con người cũ của chúng ta, biến chúng ta trở nên một tạo vật mới, một con người mới.  Vậy con người mới ấy là như thế nào?  Chắc hẳn bề ngoài chúng ta vẫn như trước vẫn giống với mọi người, có đầu, có mắt, có trái tim, nhưng cách thức chúng ta nhìn ngắm, cách thức chúng ta suy nghĩ, cách thức chúng ta yêu mến thì lại hoàn toàn thay đổi, như lời tiên tri Êgiêkiel đã diễn tả: Ta sẽ rảy nước tinh tuyền trên các ngươi và các ngươi sẽ được trong sạch.  Ta sẽ cất khỏi các ngươi trái tim bằng đá, nhưng sẽ ban cho các ngươi một trái tim bằng thịt.  Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới và một thần khí mới.

Với Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn, chúng ta sẽ nhìn cuộc sống, nhìn những người anh em, nhìn thế giới, nhìn dòng lịch sử một cách khác.  Chúng ta sẽ nhìn những khổ đau, những thử thách và những đắng cay một cách khác.  Chúng ta sẽ tìm thấy được những giá trị siêu nhiên của chúng.

Bởi đó, hãy mở cửa đón nhận Chúa Thánh Thần, hãy lắng nghe tiếng nói của Ngài, hãy bước đi dưới sự soi dẫn của Ngài, hãy sống theo những gì Ngài chỉ bảo.  Đừng dập tắt ngọn lửa của Ngài, để nhờ đó, Ngài sẽ hun đúc đức tin, để nhờ đó chúng ta biết đánh giá đúng mức những thực tại trần gian.

Xin hãy đến!  Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến, thay đổi đời sống tâm linh chúng con, xin giúp chúng con tìm ra ý nghĩa đích thực cuộc sống mình.  Xin hãy đến làm sức mạnh nâng đỡ để chúng con đủ can đảm đi theo Chúa mỗi ngày cho đến trọn đời.  Amen!

Sưu tầm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

ĐẤNG QUI TỤ MUÔN LOÀI (có Youtube)

Trong Cựu ước, tác giả sách Sáng thể đã kể lại một trang sử buồn của lịch sử nhân loại, đó là câu chuyện tháp Baben.  Vì con người kiêu ngạo, muốn xây tháp chọc trời.  Chúa đã làm cho ngôn ngữ của họ trở thành hỗn loạn.  Kết quả là họ không hiểu nhau.  Cây tháp Baben được gọi là cây tháp gây phân tán (x. St 11,1-9).

Thế rồi, kể từ trang sử buồn ấy, con người ngày càng xa Chúa và xa nhau.  Nhân loại bị trượt dài trong đường dốc sa đọa.  Người Do Thái nhắc tới tháp Baben như một kinh nghiệm đau thương.

Trong Tân ước, tác giả Công vụ kể với chúng ta một biến cố trọng đại, đó là câu chuyện lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem (Bài đọc I).  Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, đã ngự xuống liên kết muôn người nên một.  Họ đã hiểu nhau mặc dù khác biệt về nguồn gốc.  Người Kitô giáo gọi Lễ Ngũ Tuần là lễ Hiện Xuống, ghi nhớ sự kiện Chúa Thánh Thần từ trời đến ở với cộng đoàn tín hữu, đến với Giáo Hội.  Nếu tháp Baben trong Cựu ước là biểu tượng của sự phân tán, thì Lễ Ngũ Tuần của Tân ước là điểm quy tụ.

Kể từ ngày lễ Ngũ Tuần năm xưa, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động để quy tụ muôn dân về một mối.  Chúa Thánh Thần chính là ngôn ngữ chung cho toàn thể nhân loại.  Ngôn ngữ đó là Tình Yêu, vì Ngài là Tình Yêu của Thiên Chúa.  Tình yêu lấp đầy mọi ngăn cách, san bằng mọi núi đồi, phá tung mọi ranh giới.  Nhờ Chúa Thánh Thần, Tin Mừng của Đấng Phục Sinh được loan báo cho mọi tạo vật, mọi nền văn hóa.  Chúa Thánh Thần đã liên kết mọi người trong một Đức tin và làm thành Giáo Hội của Chúa Kitô.

Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh một thân thể gồm nhiều chi thể để nói về Giáo Hội (Bài đọc II).  Nhờ sự liên kết của Chúa Thánh Thần, mọi tín hữu được quy tụ nên một thân thể.  Mặc dù khác biệt về chức năng, mọi chi thể đều phải liên kết với nhau và làm cho thân thể được khỏe mạnh.  Năng lực sống để điều khiển thân thể hoạt động, chính là Chúa Thánh Thần.  Ngài nối kết và làm cho những khác biệt trở nên hài hòa với nhau.  Lịch sử Giáo Hội hai ngàn năm nay đã chứng minh hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.

Thánh Gioan kể lại việc Chúa ban Thánh Thần cho các môn đệ qua cử chỉ “thổi hơi” trên các ông, qua biểu tượng này, Chúa Thánh Thần được diễn tả như hơi thở, như làn gió mát và như sự sống.  Bài đáp ca trong thánh lễ hôm nay cũng khẳng định vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần đối với mọi loài tạo vật: “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình.  Nếu Ngài gửi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 103,29).  Bởi vậy, đời sống Đức tin của chúng ta cần có Chúa Thánh Thần nâng đỡ và hướng dẫn.  Nhờ Ngài mà chúng ta không sợ lạc đường.  Nhờ Ngài mà chúng ta có thể trung tín với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.  Cũng nhờ Ngài mà chúng ta mới biết cách cầu nguyện thế nào cho có hiệu quả.

Nếu Chúa Thánh Thần là Đấng quy tụ muôn loài, thì những ý đồ gây chia rẽ thù oán là đi ngược lại với hoạt động của Ngài.  Sống ở đời, chúng ta luôn bị giằng co giữa một bên là giáo huấn của Chúa, một bên là cám dỗ của thế gian.  Thánh Phaolô khuyên nhủ giáo dân Thêxalônica: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí… Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều gì xấu thì bất cứ hình thức nào cũng phải lánh cho xa” (1Tx 5,19).

Lễ Hiện Xuống được cử hành trong tháng Năm, là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ.  Đức Maria đã hiện diện với Giáo Hội trong ngày lễ Ngũ Tuần.  Chúa Thánh Thần ngự đến trong khi các tông đồ quây quần xung quanh Đức Mẹ để cầu nguyện.  Trong suốt chặng đường dài của lịch sử Giáo Hội, Đức Mẹ vẫn hiện diện để che chở Giáo Hội và nâng đỡ các tín hữu.  Đức Phaolô VI đã tôn vinh Trinh nữ Maria với tước hiệu “Mẹ Giáo Hội.”  Chúng ta hãy cầu xin Mẹ chúc lành cho Giáo Hội hoàn vũ, cách riêng Giáo Hội Việt Nam chúng ta.  Mỗi người hãy dâng lên Đức Mẹ đóa hoa lòng, thể hiện qua tâm tình yêu mến, siêng năng lần hạt Mân Côi và thực thi bác ái đối với tha nhân.  Đó là những đóa hoa không tàn úa với thời gian, nhưng luôn tươi đẹp và tỏa ngàn sắc hương trước dung nhan Mẹ.

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, cùng với việc trao ban bình an, Chúa Giêsu phục sinh còn trao ban cho chúng ta sức mạnh của Người.  Nhờ được trang bị bằng sức mạnh là Chúa Thánh Thần, đến lượt mình, chúng ta có thể làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin quy tụ chúng con trong tình hiệp nhất yêu thương.  Amen!

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

LỜI  NGUYỆN XIN TĨNH LẶNG (có Youtube)

Hãy làm thinh và biết Ta là Đức Chúa.

Kinh thánh quả quyết với chúng rằng nếu chúng ta làm thinh thì sẽ biết Chúa, nhưng có được sự lặng yên thì nói dễ hơn làm.  Như Blaise Pascal từng nói, “Mọi khốn khổ của con người là do chẳng ai có thể ngồi yên trong một tiếng đồng hồ.”  Đạt được sự tĩnh lặng có vẻ là việc quá tầm của chúng ta, và như thế chúng ta gặp một song đề: chúng ta cần tĩnh lặng để tìm Chúa, nhưng cần Chúa giúp để tìm sự tĩnh lặng.  Nghĩ như thế, tôi xin gợi ý các bạn một lời nguyện xin sự tĩnh lặng.

Lạy Thiên Chúa của tĩnh lặng…

Xin làm tĩnh lặng những bồn chồn tuổi trẻ của con, tĩnh lặng cơn đói khát cứ ập vào con, cơn đói khát muốn nối kết với mọi người, muốn thấy và thưởng nếm mọi thứ, cơn đói khát khiến con mất bình an những buổi tối cuối tuần.  Xin tĩnh lặng những giấc mơ tự đại muốn mình nổi bật với người khác.  Xin cho con ơn sống hài lòng hơn với bản thân con.

Xin tĩnh lặng cơn bồn chồn khiến con thấy mình quá nhỏ bé.  Xin cho con biết rằng đời con là đủ, và con không cần đòi hỏi về mình, dù cho cả thế giới đang cố lôi kéo con làm thế với vô vàn những hình ảnh tiếng động khắp nơi.  Xin cho con ơn sống bình an trong cuộc đời mình.

Xin làm tĩnh lặng tính dục của con, chỉnh đốn những khao khát bừa bãi, dục vọng của con, nhu cầu không ngơi muốn được thân mật hơn nữa của con.  Xin tĩnh lặng và chỉnh đốn những dục vọng trần tục của con mà không cần phải xóa bỏ chúng đi.  Xin cho con biết nhìn người khác mà không phải với con mắt tình dục ích kỷ.

Xin tĩnh lặng những lo âu, trăn trở của con và đừng để con lúc nào cũng sống ngoài giây phút hiện tại.  Xin cho con biết ngày nào có mối lo của ngày ấy.  Xin cho con ơn biết rằng Chúa đã gọi con trong yêu thương, viết sẵn tên con trên thiên đàng, và con được tự do sống mà không cần lo lắng.

Xin tĩnh lặng nhu cầu muốn bận rộn luôn mãi của con, muốn kiếm việc gì đó để làm, muốn lên kế hoạch cho ngày mai, muốn hoạt động mọi phút giây, muốn tìm cái gì đó để lấp đầy khoảng thinh lặng.  Xin cho con biết thêm tuổi thêm khôn ngoan.  Xin làm nguôi đi những cơn giận âm ỉ vô thức của con vì thấy quá nhiều mong muốn của mình chưa thành sự.  Xin tĩnh lặng sự chua cay vì thất bại của con.  Xin giữ con khỏi ghen tương khi con cay đắng chấp nhận những giới hạn của cuộc sống mình.

Xin cho con ơn chấp nhận những thất bại và hoàn cảnh của mình.

Xin tĩnh lặng nỗi sợ chính mình, nỗi sợ trước những thế lực tăm tối đang đe dọa con trong vô thức.  Xin cho con can đảm để đối diện với bóng tối cũng như ánh sáng của chính mình.  Xin cho con ơn đừng sợ sự phức tạp của mình.

Xin tĩnh lặng nỗi sợ hiện tại của con là sợ mình không được yêu thương, sợ con không xứng đáng để yêu.  Xin làm tĩnh lặng sự hoài nghi dằn vặt rằng con luôn là kẻ ngoài cuộc, rằng cuộc sống thật bất công, rằng con không được tôn trọng và thừa nhận.  Xin cho con ơn biết rằng con là con yêu dấu của Chúa, Đấng yêu thương con vô điều kiện.

Xin tĩnh lặng trong con nỗi sợ vô cớ đối với Chúa, để con đừng thấy Chúa xa cách và đáng sợ, mà thay vào đó là nhìn thấy Chúa nồng ấm và thân thiện.  Xin cho con ơn liên kết với Chúa thật hồn nhiên, như một người bạn mà con có thể chuyện trò, đùa giỡn, vui vẻ và thân thiết.

Xin tĩnh lặng trong con những suy nghĩ bất dung, về những giận hờn từ quá khứ, những bội bạc, lăng mạ mà con phải chịu.  Xin tĩnh lặng trong con những tội mà chính con đã phạm.  Xin tĩnh lặng trong con những tổn thương, cay đắng và giận hờn.  Xin cho con sự tĩnh lặng từ sự tha thứ, từ con và cho con.

Xin tĩnh lặng những nghi ngờ, lo lắng về sự hiện diện của Chúa, về lòng trung tín của Chúa.  Xin tĩnh lặng trong con xung lực muốn để lại dấu ấn, muốn tạo nên gì đó bất tử cho bản thân mình.  Xin cho con ơn biết tin tưởng, ngay cả trong tối tăm và nghi hoặc, rằng chính Chúa sẽ cho con sự sống đời đời.

Xin tĩnh lặng tâm hồn con để con biết Chúa là Thiên Chúa, và cho con biết Chúa đã tạo dựng và gìn giữ mọi hơi thở của con, rằng Chúa yêu thương con cũng như hết thảy mọi người, rằng Chúa muốn cuộc sống chúng con bừng nở, Chúa muốn chúng con hạnh phúc, Chúa yêu thương và chăm lo hết mọi người, rằng chúng con sẽ được an bình trong bàn tay nhân từ của Chúa, ở đời này và đời sau.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

CÁM ƠN MẸ (có Youtube)

Người ta nói rằng trẻ em là tặng phẩm quý giá nhất.  Tôi tin rằng những người mẹ cũng là tặng phẩm cao quý nhất.  Những người mẹ là tặng phẩm yêu thương, hạnh phúc, niềm vui, lòng can đảm, chăm sóc và nâng đỡ.  Chúng ta không thể tự chọn mẹ hoặc gia đình để chúng ta sinh ra, nhưng mẹ của chúng ta chọn cách quan tâm chăm sóc chúng ta.  Tôi may mắn có được người mẹ là mọi thứ mà đứa con có thể hy vọng.

Mẹ sinh tôi khi bà còn đang là sinh viên năm hai tại một trường đại học ở Nashville, Tennessee.  Bà có thể bỏ học để về nhà ở thành phố New York, nhưng bà không thể làm như vậy.  Có lần bà kể với tôi rằng tôi là nguồn cảm hứng và động lực thúc đẩy bà hoàn tất những gì bà đã khởi đầu.  Mẹ tôi vừa đi học vừa đi làm thêm để lo cho tương lai của tôi, và bà cũng muốn có tấm bằng đại học.  Khi tôi còn nhỏ, bà thường đem tôi theo đến lớp học cho tới lúc tôi lớn hơn để có thể vào nhà trẻ.  Tôi biết ơn mẹ vì mẹ đã quyết định làm gương cho tôi noi theo.

Hàng ngày tôi vẫn thắc mắc rằng nếu không có mẹ thì không biết đời tôi sẽ ra sao.  Đời tôi sẽ khốn khổ chăng?  Chắc hẳn vậy.  Và câu hỏi đó đã được trả lời vào một ngày hè.  Đó là ngày mẹ tôi đi làm khi đang mang thai em tôi.  Hôm đó tôi rất phấn khởi!  Thế nhưng mẹ bị sảy thai và em tôi chết.  Hôm đó tôi cũng có thể mất luôn mẹ, nhưng thật may là mẹ còn sống.  Điều này khiến tôi suy nghĩ nhiều và nhận biết mẹ thực sự có ý nghĩa thế nào đối với tôi.

Sau đó không lâu, cha mẹ tôi chia tay.  Đây là cú “sốc” đối với tôi.  Dù tôi mới 4 tuổi, nhưng tôi vẫn nhớ mãi ngày hôm đó, y như mới xảy ra hôm qua vậy.  Cảnh gia đình ly tan là cú “sốc” nặng đối với tôi, và tôi nguyền rủa em tôi, vì tôi cho rằng cái chết của em tôi đã khiến cha mẹ chia tay.  Giá mà nó còn sống, chúng tôi sẽ là một đại gia đình hạnh phúc!

Dù cha mẹ tôi chia tay, nhưng hai người vẫn cùng nhau nuôi dưỡng tôi.  Mẹ tôi trực tiếp và đích thân lo cho tôi mọi thứ.  Vì tôi mà mẹ tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt với cha tôi.  Điều này khuyến khích tôi không coi mẹ là điều dĩ nhiên phải có.  Đó là lý do tôi biết ơn mẹ tôi.

Mẹ ơi, qua bao gian nan khốn khó, mẹ vẫn như một người bạn tốt nhất của con.  Mẹ động viên con theo đuổi ước mơ của mẹ, và mẹ dạy con những bài học sống qua các hành động của mẹ.  Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ là nguồn cảm hứng để con đi theo con đường đúng trong cuộc sống, mẹ cũng đã giúp con có những cách chọn lựa đúng, và để con va chạm với những thử thách xem chừng như mạo hiểm vậy.

Mẹ ơi, con chưa bao giờ hiểu được mẹ có ý nghĩa thế nào đối với con cho tới lúc con ngồi viết những dòng này.  Con muốn mẹ biết rằng con mãi mãi kính yêu mẹ.  Con hy vọng rằng khi con trưởng thành, con có thể là người mẹ tốt đối với con của con như mẹ đã là người mẹ tốt đối với con vậy.

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ Thank You Mom)

************************

Lạy Chúa, xin cho con trở thành những bậc cha mẹ tốt lành và hoàn hảo. 

Xin giúp con biết tìm hiểu con cái của con, biết nhẫn nại lắng nghe các cháu muốn nói gì, và thông cảm tìm hiểu những khúc mắc ưu tư tuổi trẻ của con mình.

Xin cho con biết lịch sự nhã nhặn với các con của con như con muốn các cháu luôn nhã nhặn lịch sự với con. 

Xin cho con can đảm thú nhận những lỗi lầm của mình, và xin các con của con tha thứ cho con khi con đã hành động sai quấy đối với các cháu.

Ước gì con không bao giờ vô tâm phi lý va chạm tự ái của các con của con. 

Xin cho hằng giờ hằng phút, bằng tất cả lời nói và việc làm, con chứng minh cho các con của con thấy sự thành thật và ngay thẳng sẽ phát sinh hạnh phúc.

Xin cho con biết trao tặng các con của con tất cả những điều mong ước phải lẽ, và giữ gìn con luôn luôn can đảm, biết từ chối bất cứ một đặc ân nào có thể làm hại các cháu sau này.

Xin cho con của con đừng bao giờ khinh khi bố mẹ vì thất học hoặc ngôn ngữ xứ người không thông, nhưng cho các cháu biết nhận ra cả cuộc đời của con vất vả khổ nhọc cũng chỉ vì để lo cho các cháu có một cuộc đời tốt đẹp hơn của con.

Xin đừng để con của con quên giòng giống Lạc Hồng và quê hương Việt Nam, nơi tổ tiên bao đời gầy dựng, song cho các cháu luôn nhận thức được mình vẫn là người Việt Nam máu đỏ da vàng với bốn ngàn năm lịch sử dựng nước.

Cuối cùng, xin Chúa cất hết những mặc cảm đang đè nặng trong tâm hồn con vì dị biệt ngôn ngữ, vì mặc cảm phải luôn nhờ vả con cái, vì nhiều điều con còn ấm ức trong lòng không nói ra được.

Xin cho con biết xử sự công bình vô tư, ân cần và đồng hành với con cái để các cháu thực sự quý trọng con.

Xin cho con là bậc cha mẹ xứng đáng để các con của con yêu thương con và bắt chước con. 

Và lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn thanh thản, an bình và nhận ra được cuộc sống gia đình nơi đây là quà tặng Chúa ban cho con.  Amen!

 Sưu tầm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

Ý NGHĨA VIỆC CHÚA LÊN TRỜI (có Youtube)

“Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi” (Mc 16,20)

Theo Thánh Luca, biến cố Chúa về trời mang chở một ý nghĩa sâu xa, nhằm biến đổi các tông đồ và khởi sự sứ vụ rao giảng Tin mừng của toàn thể Hội Thánh.  Thánh Luca thuật lại biến cố này để kết thúc Tin mừng và cũng để khởi đầu sách Tông đồ Công vụ.

Việc Chúa Thăng Thiên mang lại một âm hưởng sâu xa nơi các môn đệ.  Đối diện trước biến cố này, các ông ngỡ ngàng, mắt vẫn còn đăm đăm ngước lên trời cao (Cv 1,10), và chưa thể hình dung sự việc xảy ra như thế nào.  Nhưng sau đó, các ông đã hiểu.  Chính xác hơn, là các tông đồ đã dần dần hiểu ra và tiến sâu vào thế giới của huyền nhiệm khi nhớ lại những lời Đức Giêsu đã căn dặn.  Cuối cùng, “Các ông bái lạy Người.  Các ông trở về Giêrusalem lòng đầy hân hoan, và họ ở trong đền thờ, ngày đêm chúc tụng Chúa (Lc 24,52-53).

Thoạt đầu, phản ứng của các tông đồ khiến chúng ta dễ đặt nghi vấn.  Đức Giêsu vừa “rời bỏ” các ông.  Sự ra đi nào cũng để lại biết bao sầu thương và nỗi nhớ.  Các ông buồn, nhưng sau đó các ông lại “ngập tràn niềm vui.”  Tại sao các tông đồ lại có phản ứng trái chiều mau lẹ đến thế?  Chúng ta nhớ lại trong diễn từ ly biệt, ở phần cuối chương 13 của Tin mừng Gioan, Đức Giêsu báo trước là Ngài sẽ bỏ lại các ông, và tâm hồn các ông sẽ xao xuyến.  Nhưng sau đó Ngài trấn an và nói về Thánh Thần, là nguyên lý chữa trị những sầu buồn và tuyệt vọng (Ga 14-17).  Ngài nói với các học trò của mình đừng lo lắng, các ông sẽ không mất Ngài, nhưng Ngài vẫn ở với các ông mọi ngày cho đến tận thế qua một dạng thức khác, nhờ Thánh Thần.

Việc Chúa về trời khơi dậy niềm vui.  Các tông đồ sớm nhận ra rằng khi Đức Giêsu trở về với Chúa Cha, họ sẽ lãnh nhận được nhiều đặc phúc.  Trước hết, đó là quà tặng Thánh Thần.  Lời hứa về Chúa Thánh Thần sẽ được thực hiện tròn đầy.  Các tông đồ nhìn xem Chúa lên trời, nhưng lòng đầy vui mừng bởi vì các ông nhớ lại lời hứa của Chúa về “ Đấng sẽ đến.”  Những nghi ngại và sợ hãi dần tan biến.  Các tông đồ thâm tín rằng Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết và vẫn đang sống.  Qua sự phục sinh của Đức Kitô, các tông đồ trải nghiệm niềm vui, và hy vọng về sự chiến thắng trước mãnh lực tử thần.  Họ tín thác vào Chúa.  Vì thế, sự ra đi của Đức Giêsu để trở về với Chúa Cha đem lại cho họ niềm vui.  Niềm vui đó được cắt nghĩa với những lý do sau.

1. Đức Giêsu lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sai Ngài đến trần gian.  Ngài đã tiếp nhận cái chết một cách bi thương và đã được quyền năng Chúa Cha làm cho sống lại.  Cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là bằng chứng chắc chắn về ơn cứu độ và sự tha thứ tội lỗi (Do Thái 10,22-24).  Đây là căn nguyên niềm vui nơi các môn đệ cũng như nơi chúng ta.

2. Khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đảm nhận vai trò trung gian giữa con người với Chúa Cha. Nhờ Ngài và với Ngài, chúng ta được thông dự vào thế giới thần linh cùng Chúa Cha (1Ga 2,1).

3. Khi Chúa lên trời, vương quốc vĩnh cửu của Ngài bắt đầu khai mở. Đó là vương quốc đánh bại kẻ thù là Satan và ác thần.  Thánh Phêrô đã viết: “ Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền (1P 3,22).

4. Cuối cùng, khi Đức Giêsu lên trời, Hội thánh được phú ban năng quyền để thực thi sứ mệnh Chúa trao phó. Khi nói về việc Đức Giêsu sống lại và lên trời, Thánh Phaolô trong thơ gửi giáo đoàn Êphêsô đã khẳng quyết: “Thiên Chúa đã đặt tất cả mọi sự dưới chân Đức Giêsu và đặt Người làm đầu toàn thể hội Thánh, mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Eph 1,22-23).

Đức Giêsu được đưa về trời, khai mở vương quốc bất diệt.  Ngài là Vua, là Chúa tể hoàn vũ và Satan không thể làm được gì đối với vương quốc ấy.  Satan cám dỗ con người để chúng ta quên đi Đức Kitô là Vua vũ trụ.  Ma quỷ làm mọi cách để cắt đứt sự liên lạc giữa chúng ta với Ngài.  Sách Tông đồ Công vụ thuật lại, trước khi bị ném đá đến chết, Thánh Stêphanô đã ngước mắt lên trời và thấy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha.  Các sách tân ước đều khải thị cho chúng ta hình ảnh Đức Giêsu Đấng Cứu thế, là Vua hoàn vũ, là Vua chiến thắng, để mời gọi chúng ta tin vào Ngài.

Trước sự kiện Chúa lên trời, tâm hồn các tông đồ ngập tràn niềm vui, chứa chan niềm hy vọng, và sẵn lòng rộng mở để thực thi sứ mạng mà Đức Giêsu đã chuyển giao.  Đây là ba nét căn bản đã làm đổi thay các tông đồ một cách toàn diện: Niềm vui, niềm hy vọng, và việc thực thi sứ mạng rao giảng.

Chớ gì mỗi người chúng ta hôm nay, cũng như các tông đồ năm xưa, có thể trải nghiệm niềm vui, và niềm hy vọng.  Đồng thời, tiếp nối dấu chân của các tông đồ, chúng ta hân hoan lên đường thực thi sứ mạng cứu thế mà Chúa Giêsu đã chuyển giao cho chúng ta trước khi Ngài trở về với Chúa Cha.

Keith Witfield – Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển ngữ

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.