PHÊ-RÔ TRẢI NGHIỆM LÒNG THƯƠNG XÓT (có Youtube)

Những giọt nước mắt hổ thẹn và hối hận lăn dài trên khuôn mặt của Phê-rô, khi ông vội vã thoát khỏi sân dinh vị thượng tế, là nơi Chúa Giê-su đang bị giam giữ.  Một tiếng nói bên trong nội tâm tra khảo ông: “Làm sao ông lại chối bỏ thầy Giê-su cách công khai như vậy?”  Cách đây ít lâu, ông không bao giờ có thể tưởng tượng là mình có thể quay lưng với Chúa Giê-su một cách nhẫn tâm như vậy.  Những lời khẳng định đầy hiên ngang mà ông vừa nói với Chúa Giê-su, nay lại quay về ám ảnh ông: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33).  Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi Chúa Giê-su tiên báo, thì đêm hôm ấy, ông đã chối Chúa đến ba lần.  Phê-rô thầm nghĩ, mọi sự xảy ra quá nhanh.  Trước hết, ông cẩn thận tìm mọi cách để đi theo Chúa vào trong sân.  Rồi khi ông thấy mình đã bị nhận diện là môn đệ của Chúa Giê-su, ông chợt nhận ra là mình đang gặp nguy hiểm.  Đó là khi người ta bắt đầu lớn tiếng cáo buộc ông: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì?” (Mc 14,67).  Ông cảm thấy hồi hộp.  Người ta càng thúc ép ông trả lời cho câu hỏi đó, thì ông càng cương quyết phủ nhận.  Trong chốc lát, thái độ nhún vai phủ nhận đã biến thành một lời thề công khai, khi ông bắt đầu thốt lên những lời độc địa mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy” (Mt 26,74).

Ngay khi ông nhớ lại một chuỗi những sự kiện xảy ra quá nhanh, thì lòng ông quặn đau như thắt vì thất bại và ông cảm thấy hết sức chán nản.  Sau này, Phê-rô nhận thức rằng khi Chúa Giê-su quay lại nhìn ông, thì chính cái nhìn ấy – một cái nhìn đầy lòng thương xót – đã lay động tâm hồn ông, để ông nhận ra điều khủng khiếp mình vừa làm, đồng thời ông cũng nhận biết là Chúa đã thông cảm và tha thứ cho ông.  Khi ông nhận ra điều đó, ông đã khóc lóc thảm thiết.  Sertillanges đã chia sẻ như sau: “Đức Giê-su hướng về Phê-rô, mặc dầu ông ở rất xa, nhưng vẫn cảm được cái nhìn của Thầy, cái nhìn làm tan biến sự yếu đuối của trái tim con người, thâm nhập sâu vào tình yêu của nó và ban sức mạnh cho sự yếu đuối ấy.  Tảng đá đã chao đảo.  Nhưng chính trên tảng đá này mà nền móng của công trình đời đời được thiết lập.  Nơi đâu mà xác thịt loài người tỏ ra yếu đuối, nơi đó quyền năng của Thượng Đế được biểu lộ rõ ràng.  Phê-rô vấp ngã, nhưng ông là người thứ nhất tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, rằng Ngài là Đấng Thiên Sai Thượng Đế hứa”.[1]  Câu chuyện Phê-rô chối Thầy được trình thuật cả trong bốn Tin Mừng, chỉ cho thấy Giáo Hội tiên khởi đã công bố khuyết điểm của vị thủ lãnh đầu tiên của mình, chứ không che đậy.  Dù vậy, họ được thêm vững mạnh, chứ không bị vấp phạm.  Kinh nghiệm của thánh Phê-rô xác nhận với họ rằng, thất bại là điều có thể chấp nhận được, bởi vì Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng ban ơn tha thứ.  Rất có thể là chính thánh Phê-rô đã phổ biến câu chuyện thất bại của mình, khi người không ngừng cố gắng khích lệ anh chị em mình phấn đấu – như Chúa Giê-su đã yêu cầu Phê-rô: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Sa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo.  Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin.  Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32).

Như Giáo Hội tiên khởi đã xem sự sa ngã của Adam là một “tội hồng phúc”, vì nhờ đó mà xuất hiện Đấng Cứu Thế, Giáo Hội cũng xem sự trượt ngã của Phê-rô là “tội hồng phúc”, vì nhờ đó mà Giáo Hội có được một vị thủ lãnh vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ.  Phê-rô bị bó buộc phải đối diện với bóng tối của mình, và điều đó đã làm cho ông trở nên con người khiêm nhường đầy lòng thương xót.[2]  Qua hình ảnh của thánh Phê-rô, Giáo Hội được mời gọi luôn là Giáo Hội của lòng thương xót, và cần phải là Giáo Hội của lòng thương xót hơn bao giờ hết, vì Giáo Hội chính là thân thể mầu nhiệm và sống động của chính Chúa Giê-su, Đấng là mục tử nhân lành, Đấng là nguồn mạch của lòng thương xót.  Chính Ngài luôn yêu thương con cái của Ngài, và mời gọi tất cả những ai sống trong khổ đau và bất hạnh hãy đến với Ngài: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28-29).  Không chỉ dừng ở nơi đó, mà trong chiều sâu của tình yêu thương, Chúa Giê-su còn trao mọi người con của Chúa cho Mẹ Maria, người Mẹ của lòng thương xót.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

************************

Lạy Chúa, Đấng đầy lòng thương xót.
Xin thương đoái nhìn đến những góc khuất tăm tối, những yếu đuối mỏng dòn,
và những xáo động ồn ào trong con,
Xin thương đoái nhìn đến những phút giây bội thề, những yếu hèn nhát đảm,
cùng những lơ đễnh thoái thác trong con.
Con không đòi Chúa ban cho con bất cứ điều gì, ngoại trừ lòng thương xót của Người.
Trong cuộc sống thế trần, mọi sự chỉ như hoa cỏ sớm nở tối tàn.
Những gì con cho là cao quý cũng chỉ là phù vân hư ảo
và những gì con bận tâm lo lắng rốt cuộc cũng chẳng ý nghĩa đáng giá gì. 
Lạy Chúa, xin thương xót và dắt dìu con,
Xin biến đổi con một lần nữa để con lại khao khát sống cuộc đời thánh thiện,
và trở nên người của Chúa cho dẫu trong con còn nhiều hoang mang cùng bối rối.
Con không cầu xin để biết rõ ràng và chắc chắn phải làm gì,
ngoại trừ mong mỏi một điều là được Ngài dẫn dắt theo nẻo đường tình yêu của Ngài,
để có thể dõi bước và tín thác vào lòng thương xót của Ngài.
Vì được như thế, con mới tìm thấy điều con hằng khắc khoải chờ mong.

Nguyễn Thế Anh, SJ, chuyển ý
Nguồn: Thomas Merton, A Year with Thomas Merton: Daily Meditations from His Journals, (Selected and edited by Jonathan Montaldo), (New York: HarperCollins e-books, 2007), 247.

[1] Sertillanges A.D., What Jesus saw from the cross – Từ trên thập tự, Fr. Thomas Tuý OP.  Chuyển ngữ, chương 7. Người thân yêu. Nguồn: www.nguoitinhuu.org.

[2] Wikie Au và Norren Cannon, Những thôi thúc trong tim, Nguyễn ngọc Kính OFM. chuyển ngữ, NXB. Phương Đông 2012, t. 246-247.

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT và CÔNG LÝ (có Youtube)

Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là để cứu chuộc các tội nhân chúng ta và toàn thế giới.  Trong sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) được mặc khải cho Thánh nữ Faustina, Chúa Giêsu yêu cầu lúc 3 giờ chiều, chúng ta hãy đắm mình trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài.  Thánh Gioan Tẩy giả đã ngâm mọi người vào trong nước vì đó là biểu hiện của việc thanh tẩy.  Qua cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã thanh tẩy linh hồn nhân loại bằng Nước chảy ra từ cạnh sườn của Ngài, và ban cho linh hồn sự sống mới bằng Máu chảy ra từ Thánh Tâm Ngài.

Điều xảy ra trong Đại lễ LCTX là Chúa Giêsu làm cho hồng ân ngoại hạng này có sẵn thêm lần nữa dành cho các tội nhân, và linh hồn chúng ta có thể được thanh tẩy và nên mới, chúng ta được trao ban sự sống mới, một khởi đầu mới.  Vào ngày này, Chúa Giêsu cho phép chúng ta đứng dưới chân Thánh giá, lúc Ngài tắt thở, vì đó là thời điểm LCTX chiến thắng thế gian.

Dismas (tử tội bị đóng đinh với Chúa Giêsu) là người đầu tiên được hưởng nhờ lợi ích từ việc Chúa Giêsu chiến thắng Tử thần, vì lúc đó Chúa Giêsu được Chúa Cha trao quyền về Lòng Thương Xót.  Canon Ignacy Rozycki, người được phong Tiến sĩ Thần học Tín lý để kiểm chứng những mặc khải được bày tỏ với Thánh Faustina, đã kết luận rằng Chúa Giêsu ban đặc sủng ngày lễ LCTX là tặng phẩm hồng ân chỉ được so sánh bằng Bí tích Thánh tẩy.  Với phương tiện trong ngày này, linh hồn bạn có thể trở nên thuần khiết như trong ngày lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.  Nghĩa là bạn lại bắt đầu sống và bạn chỉ phải lo về tội lỗi bạn sẽ phạm trong tương lai, mọi tội lỗi của bạn trong quá khứ không còn nữa.  Dù bạn đã phạm tội gì trong quá khứ, bạn vẫn được tha thứ, miễn giảm các tội lỗi trong quá khứ mà không phải ở trong Luyện ngục.

Thế nên vào ngày Đại lễ LCTX, chúng ta được đưa lên đồi Can-vê, và chúng ta – cũng như Dismas, được Chúa Giêsu đoái nhìn, Chúa Giêsu ở đó với chúng ta trong ngày đó để thanh tẩy chúng ta bằng Nước tuôn trào từ cạnh sườn của Ngài, điều này xảy ra khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Hòa giải, và lúc đó chúng ta bắt đầu cuộc sống mới nhờ truyền Máu Thánh từ việc rước lễ.

Do đó, chúng ta được nhận chìm vào Máu và Nước trong ngày này.  Chúng ta tham dự Đại lễ LCTX cũng là chúng ta tín thác vào Đức Kitô, Đấng chịu chết trên Thập giá.  Trong ngày lễ LCTX, linh hồn chúng ta tín thác vào Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa Ngôi Hai.

Chúa Giêsu đã hứa chắc với Dismas, tên cướp cùng chịu đóng đinh với Ngài, rằng: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43).

Tặng phẩm chúng ta nhận trong ngày lễ LCTX cũng giống như tặng phẩm mà Chúa Giêsu đã trao tặng “tướng cướp” Dismas.  Nếu bạn chết vào ngày hôm sau, bạn sẽ đi thẳng tới trước Tôn Nhan Chúa trên Thiên đàng.  Vì nhờ LCTX, quá khứ của bạn được tha thứ, bạn không phải bị xét xử gì nữa.

Dĩ nhiên chúng ta quan ngại rằng lễ LCTX là sự tha thứ ngoại hạng, nhưng còn những sai sót khi làm người mà chúng ta đã không tha thứ cho người xúc phạm tới mình, mặc dù chúng ta muốn được tha thứ về những sai lầm khi sinh thời.  Nếu chúng ta muốn sạch tội trong ngày này thì chúng ta phải tha thứ cho những người đã xúc phạm tới mình, dù họ đối xử tồi tệ với chúng ta tới mức nào.  Trong ngày này, bạn phải dâng tất cả cho Chúa Giêsu và xin Ngài xử lý.  Chúng ta tự lừa dối chính mình, và sự thật không ở trong chúng ta, nếu chúng ta không tha thứ cho người khác trong ngày này.

Trước khi nhớ tên những người đó, bạn có thể than thở và xin Chúa lấy hết mọi cay đắng trong lòng bạn.  Điều này quan trọng.  Nếu bạn thú nhận tội lỗi, chúng ta phải kể cả nỗi cay đắng mà bạn gặp trong đời sống khi đối nghịch với người khác.  Nhờ rước lễ trong ngày này, chúng ta tuyên bố linh hồn mình sạch tội, đừng rước lễ nếu bạn chưa tha thứ cho người đã xúc phạm tới mình, nếu có điều gì đó chưa xưng thú, vì rước lễ lúc đó sẽ là tội trọng, thay vì đón nhận ơn Chúa thì chúng ta lại nhận lấy án phạt của Chúa.

Trong ngày lễ LCTX, chúng ta phải tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho họ, xin ơn tha thứ tội lỗi chúng ta đã phạm.  Nếu chúng ta làm đúng vậy để chuẩn bị đón nhận tặng phẩm LCTX, Tình yêu Chúa sẽ ấp ủ chúng ta và ban hồng ân cho chúng ta như Ngài đã hứa ban trong dịp đặc biệt này:  Đại lễ LCTX.

Kha Đông Anh (chuyển ngữ từ CatholicCulture.org)

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TIN VÀ YÊU (có Youtube)

Niềm tin vừa là hồng ân nhưng cũng vừa là sự dấn thân của bản thân.  Niềm tin có điểm xuất phát từ tình yêu và cũng từ niềm tin để dấn thân trong tình yêu.  Hai khía cạnh tin và yêu cùng hòa nhịp với nhau để mỗi ngày thêm xác tín hơn.

Trong cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu Phục Sinh và Toma, chính Toma đã xác tín niềm tin của mình bằng một tình yêu mãnh liệt: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28).

Tin là một sự dấn thân.

Cuộc đời người môn đệ từ ba năm trước, khi Chúa Giêsu ra đi rao giảng công khai.  Chúa đã gọi các ông từ nơi đang làm việc, họ bỏ mọi sự để đi theo Người.  Điểm hẹn đầu tiên của người môn đệ với Thầy luôn là một nơi ghi dấu ấn tượng đầu đời của dấn thân.  Như đôi bạn đầu tiên gặp nhau một nơi điểm hẹn, rồi lần lượt thời gian nhắc lại điểm hẹn đầu tiên ấy, sống lại kỷ niệm của thưở đầu quen nhau, yêu nhau.  Ký ức ấy sống động cùng tình yêu.  Chúa Giêsu cũng hẹn các môn đệ nơi gặp gỡ sau Phục Sinh ở nơi điểm hẹn đầu tiên của ba năm về trước ở Galilê.  Từ điểm hẹn đầu tiên, người ta có thể trắc nghiệm về lòng tin vào nhau.  Người ấy có đúng hẹn không, người ấy có biết và nhớ sở thích của mình không?  Những quan tâm đầu tiên đến nhau đủ mạnh để xây dựng niềm tin không?  Tất cả những điều ấy sẽ dẫn tới một quyết định, dấn thân, sống cùng nhau, chia sẻ cuộc đời với nhau.  Đó là một tình yêu đủ mạnh để tin vào người mình yêu để dấn thân vào chặng đường mới.

Chân thành về khiếm khuyết.

Tin là một tín thác, chân thành nói về khiếm khuyết cũng như thiếu sót của mình.  Toma không ngần ngại nói về sự thiếu lòng tin của mình: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi không tin” (Ga 20, 25).  Là một tình yêu thật sự, điều thiếu sót của bạn sẽ được lắng nghe chân tình, và còn được chia sẻ lại về những vấp váp của người kia.  Tình yêu là thật thà, là sẻ chia những vui buồn, những vấp ngã và cả những thành công để thêm niềm tin vào nhau.

Gặp gỡ và đối thoại.

Gặp gỡ nhau thường xuyên là một điều nói lên tình yêu hướng về nhau.  Tình yêu có thể làm mờ đi tiếng nói của lý trí; thế nên, lý trí đòi hỏi trong tình yêu luôn luôn cần có một sự thức tỉnh qua đối thoại.  Đời sống tin yêu của các môn đệ cũng qua chặng đường ấy.  Sự kiện hai môn đệ trên đường Emmau, họ nghe và thuật lại câu chuyện về Chúa Giêsu, chết, an táng, rồi sống lại, một cách nghi ngờ.  Chúa Giêsu giải thích cho họ về Kinh Thánh, rồi bẻ bánh là một trong những điều Chúa Giêsu làm trước khi tử nạn.  Họ nhận ra Người.

Tình yêu đủ lớn nhưng khối óc cũng cần đủ lớn để hiểu biết lẫn nhau, nhận ra nhau từ trái tim chân thành và lý trí lành mạnh.  Tin không bị lừa, yêu không gặp dối.

Tin yêu là một dấn thân liên tục.

Niềm tin không đủ lớn một lần cho tất cả và yêu cũng không đủ một lần cho trọn vẹn.  Tin luôn luôn là một đòi hỏi thực hiện lời hứa một cách trung tín.  Cam kết đi trong tình yêu để xây dựng niềm tin, đó là một tình yêu đã đi đến kết ước vĩnh viễn.  Niềm tin trao cho nhau để không phải là nắm giữ tim nhau, nhưng là để sống trong niềm vui của nhau.  Đi bên nhau mà không nghi kỵ nhau, sống bên nhau mà không kiểm soát lẫn nhau, nói với nhau mà không giả dối nhau…

Với các môn đệ một khi đã tin vào Chúa là dám sống chết cho điều mình tin, trở nên nhân chứng cho điều mình tin.

Tin yêu là một đòi hỏi không ngừng dấn thân.  Xin cho chúng con luôn biết cầu nguyện: Yêu mến Chúa hơn để trọn niềm tin vào Chúa hơn, thêm niềm tin vào Chúa hơn để yêu mến Chúa hơn qua những năm tháng đời sống, chúng con nên chứng nhân Phục Sinh của Người.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

***************

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh

Lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, xin hãy đến và đứng giữa chúng con như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con.  Amen!

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

SỐNG NIỀM VUI PHỤC SINH (có Youtube)

Tôi rất thích câu Kinh Thánh: “Khi Chúa Giêsu thấy Maria Mađalêna khóc ở cửa mộ thì Ngài hỏi: Này chị, sao chị khóc?” (Ga 20:15).  Lúc đó Ngài không hỏi một câu văn hoa bóng bẩy.  Ngài muốn biết lý do chúng ta lo âu, khóc lóc và phiền muộn khi niềm hy vọng tiềm ẩn trong mọi sự – nếu chúng ta lưu ý.

Phục sinh mang ý nghĩa giải thoát, rất ý nghĩa đối với một người như tôi, vì tôi luôn cảm thấy buồn sầu và tiêu cực.  Mừng lễ Phục sinh là dịp để chúng ta nói: “Vâng, lạy Chúa Giêsu, con tin.”  Khi làm vậy, hãy nắm bắt niềm hy vọng có sẵn đó.

  1. Tiến lên và chạm vào ngài

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: “Sao anh em phiền muộn?  Sao anh em nghi ngờ?  Hãy sờ vào Thầy và xem đây, ma không có xương thịt như anh em thấy Thầy.”  Nếu tôi là một trong số họ, tôi không chỉ phiền muộn mà chắc rằng tôi sẽ không dám đến gần sờ thử.  Tôi nghi ngại.  Nhưng tôi tìm thấy sự an tâm trong sự bảo đảm của Chúa Giêsu rằng sự phục sinh của Ngài là thật.  Chúa Giêsu là thật, sự phục sinh là thật, do đó mà các lời hứa của Ngài là thật.  Nghĩa là chúng ta khả dĩ tin Ngài khi Ngài nói với chúng ta rằng Ngài sẽ ở với chúng ta đến tận thế (Mt 28:20).

  1. Thiên Chúa tốt lành

Trước khi chịu chết, Chúa Giêsu nhắc lại rằng Ngài được sai đến nhân danh Chúa Cha.  Thật vậy, qua nhiều phép lạ, nhất là việc cho Ladarô sống lại, cho thấy tính tốt lành của Thiên Chúa: “Vì Cha yêu Con và cho Chúa Con thấy mọi sự Người làm, và Người sẽ cho Chúa Con thấy những việc vĩ đại hơn vậy, đến nỗi anh em có thể ngạc nhiên” (Ga 5:20).

Chân phước Angela Foligna, thế kỷ 14, là người mẹ và người vợ, rồi là người viết xuất chúng về các điều thần bí, đã viết: “Bước đầu tiên mà linh hồn phải có khi đi vào con đường yêu thương là biết Thiên Chúa qua chân lý, nhờ đó mà muốn đạt tới Thiên Chúa…  Biết Chúa qua chân lý là biết Ngài như chính Ngài, hiểu sự xứng đáng của Ngài, vẻ đẹp của Ngài, sự ngọt ngào của Ngài, sự tuyệt luân của Ngài, sức mạnh của Ngài, sự tốt lành của Ngài, bản chất cực tốt lành của Ngài.”  Tôi nghĩ rằng tin Chúa tốt lành là điểm phục sinh.  Thiên Chúa có tốt lành không?  Có.  Chúng ta có thể nói vậy với niềm xác tín vào sự Phục sinh.

  1. Phó thác

Hãy phó thác ý muốn và cuộc đời mình cho Chúa quan phòng.  Thánh Thomas Tiến sĩ viết: “Tính thánh thiện không gì hơn là quyết định dứt khoát, một hành động anh dũng của một linh hồn phó thác cho Thiên Chúa.  Nhờ ý muốn thẳng thắn mà chúng ta yêu mến Chúa, chạy về phía Chúa, đạt tới Ngài và sở hữu Ngài.”  Mỗi khi chúng ta nói với Chúa: “Hãy lấy điều đó khỏi con,” chúng ta đang sống niềm vui Phục sinh, vì chúng ta đang nhớ lời hứa của Chúa rằng Ngài sẽ cung cấp cho chúng ta, Ngài không bỏ chúng ta, và dù chúng ta nghi ngờ thì Ngài vẫn thực sự đáng tin.

  1. Loại bỏ sợ hãi

Trong trình thuật của thánh Mát-thêu, thiên thần Chúa hiện ra với Maria và một Maria khác ở nơi mộ trống, rồi nói với họ: “Đừng sợ, vì tôi biết các chị đang tìm Giêsu bị đóng đinh.  Ngài không còn ở đây.  Ngài đã sống lại như Ngài đã nói.”  Sau đó Chúa Giêsu gặp các chị và lặp lại: “Đừng sợ!” (Mt 28:10).  Có thể điều Chúa Giêsu nói ở đây là đừng sợ.  Loại bỏ sợ hãi là điều không dễ làm.  Nhưng nếu chúng ta có thể loại bỏ sợ hãi, dù loại bỏ dần dần, chúng ta sẽ tránh xa nỗi buồn thập giá và đến gần sự tuyệt vời của ngôi mộ trống.  Cố tu sĩ Thomas Merton, dòng Trap, viết: “Nỗi sợ hãi thu hẹp lối vào trái tim, co rút khả năng yêu thương và làm đóng băng khả năng trao tặng chính mình.”

  1. Công khai

Mệnh lệnh của Chúa Giêsu là rao giảng công khai.  Cho dù bạn có thể giống như kẻ khờ dại, cứ nói với người ta rằng sự sống lại đã xảy ra thực sự.  Không nhất thiết chúng ta phải là người rao giảng Tin Mừng từ xa.  Chúng ta khả dĩ làm và nói mọi thứ, ngôn ngữ và hành động của chúng ta luôn trở lại với sự Phục sinh, truyền niềm hy vọng cho mọi người chúng ta gặp.

  1. Khiêm nhường

Nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa, và chỉ có một Thiên Chúa, điều đó nghĩa là không ai trong chúng ta là Thiên Chúa.  Đó là sự thật quan trọng khác về sự sống lại: Thiên Chúa trở nên con người, con người không thể trở nên Thiên Chúa.  Tôi biết tôi thường lẫn lộn hai điều đó, nhất là khi tôi nói chuyện qua điện thoại với nhân viên bảo hiểm y tế, vì tôi cảm thấy mình có quyền hơn người đó.  Thánh nữ Catarina Siena viết: “Hãy nhỏ bé và khiêm nhường.  Hãy nhìn vào Thiên Chúa, Ngài tự hạ làm con người.  Đừng làm mình bất xứng với những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta.”  Với sự khiêm nhường, chúng ta sẽ có khả năng hơn nhờ sự Phục sinh.  Điều đó như sự bù đắp những gì chúng ta không thể có, nhưng Thiên Chúa khả dĩ cung cấp cho chúng ta nếu chúng ta tin vào ngôi mộ trống.

  1. Hành trình Emmaus

Tôi luôn được đánh động bởi trình thuật của thánh Luca về hành trình Emmaus.  Hai môn đệ trên đường đi Emmaus, Chúa Giêsu đến gần và hỏi họ đang nói chuyện gì.  Một người nói: “Sao ông hỏi vậy?  Ông không nghe xôn xao chuyện gì ư?”  Và họ chợt nhận ra Ngài khi Ngài cùng ngồi ăn với họ. Nhưng ngay khi họ nhận ra Ngài thì Ngài biến đi.  Hằng ngày chúng ta có dịp đi Emmaus nếu chúng ta đồng ý với thánh Leo Cả: “Chia sẻ sự Phục sinh của Chúa Kitô là không bị ràng buộc bởi những gì tạm thời, nhưng chỉ ràng buộc bởi sự sống vĩnh hằng mà Ngài trao ban cho chúng ta… Sự Phục sinh đã khởi sự nơi Đức Kitô, và Ngài muốn dẫn chúng ta đến sự viên mãn của sự sống và sự chữa lành.”

  1. Cầu nguyện liên lỉ

Trong trình thuật của thánh Luca, tôi thích câu: “Họ hỏi nhau: Lòng chúng ta không sốt sáng khi Ngài nói chuyện với chúng ta trên đường đi và giải nghĩa Kinh thánh cho chúng ta sao?” (Lc 24:32).  Hành trình tới Emmaus là lời cầu nguyện, các nhiệm vụ nhỏ mọn của chúng ta hằng ngày cũng là những lời cầu nguyện.  Thánh bổn mạng của tôi, Têrêsa Hài đồng, đã định nghĩa: “Lời cầu nguyện là điều bộc phát từ đáy lòng, là ánh mắt hướng về trời cao, là lời tạ ơn, là tình yêu giữa cơn thử thách và giữa niềm vui.”  Đó là cách cầu nguyện khi chúng ta sống niềm vui Phục sinh.

  1. Nhận biết Chúa trong mọi sự

Nếu mùa Chay là sống tĩnh lặng để lắng nghe tiếng Chúa thì lễ Phục sinh là ca vang Alleluia với Ngài.  Và nếu 40 ngày bắt đầu bằng thứ tư lễ Tro là tách mình ra khỏi ai đó, nơi nào đó và thương mình hơn thì lễ Phục sinh là đón nhận mọi người, mọi nơi, mọi thứ gì thúc đẩy sự tốt lành, vẻ đẹp và tình yêu thương.  Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã viết: “Chúng ta có thể tìm thấy Chúa trong mọi sự.  Chúng ta có thể hiệp thông với Ngài trong mọi sự và qua mọi sự.”  Thiên Chúa hằng sống và hiện hữu khắp nơi.  Hãy sống niềm vui Phục sinh ở mọi nơi và mọi lúc.  Hãy cầm lấy, tạ ơn, bẻ ratrao cho người khác chính cuộc đời mình!

Therese Borchard
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.