TỪ BÓNG TỐI TỚI ÁNH SÁNG (có Youtube)

Mỗi khi đọc Kinh Thánh, nếu chịu khó để ý một chút, chúng ta sẽ thấy tên tuổi của nhân vật Nicôđêmô được Kinh Thánh nói tới ba lần, vào ba hoàn cảnh và ba thời điểm khác nhau:

Lần thứ nhất: ông ta chủ động đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm.  Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay sẽ nói với chúng ta về cuộc gặp gỡ này.

Lần thứ hai: khi các thủ lĩnh tôn giáo Do Thái đang bàn tính để tìm cách giết Chúa Giêsu.  Nicôđêmô vốn là thành viên của Thượng Hội đồng Do Thái Giáo, ông đã phản đối quyết định đó với ý kiến rằng: “Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7, 15)

Lần thứ ba: lúc táng xác Chúa Giêsu.  Ông cũng đến để tẫn liệm thi hài Chúa Giêsu bằng cách thức sang trọng như tẫn liệm một vị vua.  Thánh Gioan kể: “Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương.  Các ông lãnh thi hài Chúa Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn theo tục lệ chôn cất của người Do Thái.” (Ga 19, 39-40).  Sở dĩ tôi liệt kê ba lần như thế vì tôi muốn làm nổi bật lên khuôn mặt của Nicôđêmô và con người của ông.  Con người ấy đã đi qua một hành trình mà tôi tạm gọi là hành trình từ bóng tối tới ánh sáng, mà ba lần ở trên là ba cột mốc quan trọng trọng trong hành trình đó.

Ở lần thứ nhất, xét về phương diện thời điểm thì đây là giai đoạn mang một bầu khí căng thẳng do Chúa vừa đuổi quân buôn bán ra khỏi đền thờ (x. Ga 2, 13-25).  Sự căng thẳng này chưa kịp lắng dịu thì Nicôđêmô đã lén lút đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm.  Ông ta gặp Chúa lúc đêm tối nhằm giữ kín sự việc và để tránh dòm ngó, soi mói của người khác, đặc biệt là của giới lãnh đạo Do Thái Giáo, đồng nghiệp của ông.  Chi tiết ban đêm mà Thánh Gioan mô tả sẽ nói cho chúng ta biết điều đó.  Và còn hơn thế nữa, hàm chứa trong chi tiết ấy tôi còn khám phá thêm điều này của Nicôđêmô: Ông đang ở trong đêm tối.  Và từ trong đêm tối đó, ông đang dò dẫm, âm thầm tìm đến nguồn sáng.

Nicôđêmô là ai?  Kinh thánh bảo rằng ông là một thủ lãnh của người Do thái (x. Ga 3,1).  Tức là môt người có địa vị trong xã hội.  Và gắn liền với địa vị đó, chắn chắn ông là người có nhiều kiến thức và là một người có trình độ, chính những cái đó sẽ cho ông có khả năng là một người Giàu có.

Tóm lại, cuộc sống ông đầy đủ, bảo đảm, và an ninh.  Vậy ông còn thiếu cái gì?  Bên ngoài xem ra ông đầy đủ.  Ông có tất cả.  Nhưng những cái mà ông đang có đó không thể làm cho ông được sống thoả mãn.  Vì thế, tự trong thâm tâm của ông vẫn luôn nói với ông rằng ông vẫn còn thiếu một cái gì đó.  Cái đó là cái gì nếu không phải là sự sống đời đời.  Nên ông vẫn phải đi tìm.  Và ông hy vọng rằng nơi Chúa Giêsu, ông sẽ khám phá và có được sự sống ấy.  Và thế là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và anh tân tòng Nicôđêmô bắt đầu.  Chắc chắn cuộc nói chuyện này rất dài và rất lâu.  Tôi không muốn đi sâu vào cuộc đối thoại này vì sợ làm mất nhiều thì giờ của anh chị em.

Nhưng thay vào đó là điều tôi muốn nhấn mạnh trong bài chia sẻ này là: Chúng ta có thể khám phá ra điều gì về Nicôđêmô qua ba lần được Thánh kinh mô tả?  Là gì, nếu không phải đấy là ba giai đoạn của một hành trình hoán cải mà Nicôđêmô đã đi qua.

Lần xuất hiện đầu tiên cho thấy ông là người cởi mở, nhiều thiện chí và là một người thật sự muốn tìm kiếm chân lý.

Lần xuất hiện thứ hai chứng tỏ ông là một người công chính, một mực khăng khăng rằng không được kết án Chúa Giêsu trước khi đưa ra xét xử công khai.  Và lần xuất hiện thứ ba cho thấy rằng ông là một người giàu có nhưng quảng đại và có lòng thương xót nữa.  Dám bỏ tiền ra mua số lượng lớn là một trăm cân mộc dược và trầm hương, là những thứ quý hiếm.  Chúng ta đang sống trong bầu không khí của Mùa Chay.  Ai trong chúng ta cũng biết Mùa Chay là mùa hoán cải.  Vì thế để gọi là hoán cải, chúng ta cần làm lại hành trình của Nicôđêmô.  Hành trình đó được khởi đi từ một khao khát được sống.  Khao khát đó sẽ giúp cho ta:

  1. Ra khỏi chính mình để đi tìm, để tiếp cận, để gặp gỡ Chúa Giêsu là Đấng ban Sự Sống và là Sự Sống.
  2. Một khi đã khám phá Sự Sống đó, sẽ dẫn chúng ta tới sự can đảm để bảo vệ cho Sự Sống ấy.
  3. Cuối cùng là lòng quảng đại để sống cho, sống vì và sống với Sự Sống đó.
    – Đó là những Giá trị của Tin Mừng.
    – Đó là hành trình của Mùa chay.
    – Đó là hành trình của hoán cải.
    – Đó là hành trình của bóng tối đến ánh sáng, hành trình đi từ bống tối của sự chết đến ánh sáng của Sự Sống.  Amen!

Sưu tầm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

MÙA CHAY VÀ ƠN CỨU ĐỘ (có Youtube)

Mùa Chay là thời gian nhắc nhở đặc biệt đến ơn cứu độ.  Hầu như ngày nào Phụng vụ cũng có lời giục giã.  Thí dụ:

Hãy khát khao tìm ơn cứu độ,
Hãy sốt sắng cầu xin ơn cứu độ,
Hãy khiêm tốn đón nhận ơn cứu độ,
Hãy tích cực cộng tác vào công trình cứu độ,
Hãy cảm tạ Chúa vì ơn cứu độ,
Hãy xin Chúa thương ban ơn cứu độ cho thế giới vv…

Tất cả chứng tỏ ơn cứu độ là hết sức quan trọng.  Vậy ơn cứu độ là gì?

Tôi không đưa ra một định nghĩa thần học.  Chỉ xin nêu lên một số yếu tố gần gũi, vừa rút ra từ Kinh Thánh, vừa sát với kinh nghiệm cuộc đời.

Yếu tố thứ nhất là con người cần được cứu khỏi tình trạng tội lỗi.

Tội lỗi bám vào con người.  Tội lỗi đeo đẳng cuộc đời.  Tội lỗi tước đoạt tự do con người.  Đây là một kinh nghiệm bản thân, mà mỗi người đều có thể nói lên cách này hay cách khác.  Riêng thánh Phaolô dám viết ra kinh nghiệm của mình một cách khiêm nhường và xác thực.  Thiết nghĩ đây là một sự thực mà mỗi người nên coi là của chính mình.  Ngài viết: “Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi.  Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu:  Vì điều tôi muốn, thì tôi không làm.  Nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.  Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt.  Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.  Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi.  Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không.  Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm.  Nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi lại cứ làm.  Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.

Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: Khi tôi muốn làm sự thiện, thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.  Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa.  Nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.

Tôi thật là một người khốn nạn!  Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?  Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,14-25).

Nói lên được sự thực bi đát đó như thánh Phaolô là điều đáng mừng.  Phải nhận sự thực này một cách khiêm nhường mới hiểu được sự cần thiết đi tìm ơn cứu độ.

Hiện nay, ý thức về tội đã và đang suy giảm một cách mau lẹ và rất đáng lo ngại.  Có người mất hẳn ý thức về tội.  Vì thế mà tình hình đạo đức xuống dốc rõ ràng.  Nguy cơ đe dọa phần rỗi là rất trầm trọng.

Do đó, Mùa Chay nói về ơn cứu độ, mà nếu quên nhắc đến xiềng xích tội lỗi, thì sẽ là một thiếu sót lớn.  Đối với những ai có trách nhiệm loan báo ơn cứu độ, sự thiếu sót đó sẽ là một bất trung đối với Đấng Cứu độ, làm lạc đi ý nghĩa mùa chay.

Yếu tố thứ hai là con người cần được cứu khỏi nguy cơ làm tôi ma quỉ.

Quyền lực ma quỉ trên thế gian này là rất lớn, rất rộng.

Có trường hợp con người vâng phục ma quỉ một cách ngoan ngoãn và tự nhiên như thể họ là con cái đối với ma quỉ là cha mẹ họ.  Chúa Giêsu có lần đã nói rõ về một đám đông: “Cha các ông là ma quỉ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích.  Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân.  Nó đã không đứng về phía sự thực, vì sự thực không ở trong nó.  Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).

Có trường hợp con người phải vâng phục ma quỉ một cách miễn cưỡng như kẻ bị xiềng xích dưới quyền bạo lực.

Thánh Luca thuật lại hình ảnh kẻ bị quỉ ám tại Ghêraxa như một người bị cả một cơ binh hành hạ khống chế một cách ác độc.  “Chúa Giêsu hỏi: “Tên anh là gì?  Anh thưa: Đạo binh.  Vì rất nhiều quỉ nhập vào anh” (Lc 8,30-31).

Có trường hợp con người đi theo sự dụ dỗ của ma quỉ, như một người liên minh thân thích vốn cùng chung mưu tìm sự tội.  Kinh Thánh nói: Khi Giuđa vừa ăn xong tấm bánh Chúa Giêsu trao cho, “Satan liền nhập vào y” (Ga 13,27).

Ma quỉ luôn tìm cách lôi kéo con người vào đường tội lỗi là điều chắc chắc.  Chúa Giêsu phán: “Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31).

Chính thánh Phêrô sau này cũng đã trải qua kinh nghiệm đó, nên đã khuyên bảo giáo đoàn mình: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ là thù địch anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé anh em” (1 Pr 5,8).

Trước một nguy cơ đáng sợ như thế đang xảy ra xung quanh chúng ta, chúng ta rất cần đến Đấng cứu độ.  Phúc Âm cho thấy Đức Giêsu đã nhiều lần trừ quỉ, và ma quỉ rất sợ Ngài.  Chính Ngài là Đấng cứu độ con người khỏi quyền lực ma quỉ.

Yếu tố thứ ba là con người cần được hiệp thông với Thiên Chúa.

Hai yếu tố trên chỉ là mặt tiêu cực.  Mặt tích cực của ơn cứu độ là được hiệp thông với Thiên Chúa Cha, qua Đức Kitô. Thiên Chúa thường được trình bày như nguồn sự sống.  Chúa Giêsu phán: “Quả thực, Chúa Cha có sự sống nơi mình thể nào, thì cũng ban cho người con được sự sống nơi mình như vậy” (Ga 5,26).  Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha, theo quyền năng đã ban cho Người trên mọi phàm nhân, để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người” (Ga 17,2).

Tham dự vào sự sống đời đời của Chúa được hiểu là được cứu độ.  Vì thế, Chúa Giêsu hay nói về sự tham dự này nơi chính Ngài: “Ta là đường, là sự thực và là sự sống” (Ga 14,6).  “Ta đến để họ được sống và sự sống dồi dào” (Ga 10,10).

Theo chính Chúa Giêsu giải thích, thì tham dự sự sống của Chúa là nhận biết Thiên Chúa.  Trong bữa tiệc ly Ngài nói với Chúa Cha: “Sự sống đời đời, đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu Kitô” (Ga 17,3).

Theo Kinh Thánh, nhận biết Chúa thường mang một ý nghĩa riêng biệt, đó là tiếp xúc trực tiếp với Ngài, đón nhận Ngài, dấn thân theo Ngài, chọn Ngài một cách dứt khoát như chọn sự sống.

Như thế nhận biết Chúa cũng là một cách xin vâng trọn vẹn ơn gọi Chúa gởi đến cùng với mọi trách nhiệm đi kèm ơn gọi đó.

Nhận biết Chúa là chọn điều Chúa chọn, nghĩ điều Chúa nghĩ, muốn điều Chúa muốn, cảm điều Chúa cảm.

Nhận biết Chúa như thế là một cách cảm nghiệm được sự Chúa ở bên mình, ở trong mình, ở với mình. Ngài sống động như một tình yêu tác tạo và cứu độ, an ủi và đỡ nâng.

*******************************

Ba yếu tố tôi vừa nêu lên chắc chắn còn nhiều thiếu sót.  Nhưng tôi hy vọng, với ơn Chúa, những người thiện chí sẽ có thể dùng như một gợi ý đơn sơ dễ hiểu, để đi vào Mùa Chay theo phương hướng rõ ràng.  Họ sẽ cầu nguyện, sám hối, hãm mình, sửa tính theo ý Chúa một cách có ý thức hơn.

Tôi cầu mong: Những tâm hồn bé nhỏ, con cái Đức Mẹ, trong Năm Mân Côi này, sẽ đáp ứng lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng, biến Mùa Chay này thành khí cụ bình an, mang ơn cứu độ đến cho một mảng lớn nhân loại, đầy những xung khắc, đầy những sợ hãi, đầy những bất ổn, đầy những ảo tưởng đang chuẩn bị cho những chết chóc tang thương và những hận thù sâu sắc lâu dài.

Gm. Bùi Tuần

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THIÊN CHÚA MỜI GỌI MÙA CHAY (có Youtube)

Mùa Chay là mùa Thiên Chúa mời gọi riêng từng người: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng.”  Chúng ta trả lời: “Chúng con sẽ trở về.”  Nhưng chúng ta lại chưa sẵn sàng, chúng ta chưa thực sự chuẩn bị tâm hồn, còn nuối tiếc!  Chúng ta muốn lòng vòng, lẩn tránh, lần lữa, viện cớ…  Tâm hồn chúng ta chưa hoàn hảo.  Chúng ta chưa sẵn sàng để Thiên Chúa yêu thương chúng ta!

Đúng vậy, nhưng chúng ta rất muốn quan hệ thân mật với Thiên Chúa, chúng ta nhiệt thành tự nhủ như vậy.  Và chúng ta sẽ…  Không bao lâu nữa.  Chúng ta vẫn trì hoãn.  Thiên Chúa lại mời gọi chúng ta: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng”.

Vâng, lạy Chúa, con sẽ trở về với Ngài.  Con chỉ còn vài việc cần làm nữa thôi.  Trước tiên cho con thêm thời gian để cầu nguyện.  Rồi con sẽ hòa giải.  Xin cho con lau chùi nhà bếp, dọn dẹp nhà cửa, bán bớt mấy thứ lặt vặt, chăm sóc miếng đất con mới mua,…  Thiên Chúa nhắc lại: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng”.

Đó là lời mời gọi đặc biệt dành cho mỗi chúng ta, theo cách riêng của mỗi người.  Thiên Chúa mời gọi chúng ta đừng biện hộ vì điều đó là khoảng cách giữa chúng ta và Thiên Chúa.  Những gì Thiên Chúa muốn là chúng ta nhận biết các tiêu chuẩn của mình, cách phê bình và cách yêu thương của chúng ta cũng rất khác cách của Thiên Chúa.  Ngài cho chúng ta cả Mùa Chay, cả cuộc sống, vì yêu thương chúng ta vô điều kiện, dù chúng ta làm gì hoặc nghĩ gì mà chúng ta giấu giếm Ngài.

Từ thứ Tư lễ Tro, ngày khởi đầu Mùa Chay, các bài đọc đều nhắc lại lời Chúa: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng.”  Tv 51 cũng nhắc nhở: “Lạy Chúa, xin tạo cho con trái tim trong sạch.  Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.”  Đó là chính xác những gì Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta, đó chính là niềm vui ơn cứu độ.

Ở Bắc Mỹ, Mùa Chay rơi vào mùa Đông, những ngày này lạnh lẽo và tối tăm, hoàn toàn phải giấu mình trong nhà, hoàn toàn ẩn mình khỏi Thiên Chúa – chúng ta nghĩ vậy.  Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên trì, yêu thương, nhân hậu.  Thiên Chúa là Người Cha của Đứa Con Hoang Đàng, nhẫn nại chờ đợi, tha thiết muốn đứa con trở về, chờ suốt ngày thâu đêm.  Không hề khép vòng tay, không hề có ánh mắt xét đoán, chỉ có đôi mắt mỏi mòn chờ đứa con trở về.  Thiên Chúa khao khát được ôm choàng lấy chúng ta và vui mừng thấy chúng ta trở về.

Nhưng chúng ta vẫn quan ngại tìm cách nào để trở về và đắn đo lời nói, tìm cách để đối thoại.  Đó chỉ là lúc chúng ta còn ở xa, lúng túng và lẫn lộn, nhưng chúng ta không cần phải nói chi cả, chúng ta chỉ cần cho Ngài nhìn thấy chúng ta.

Hãy nhìn con đường phía trước: Thiên Chúa yêu thương đang vui mừng khi nhìn thấy chúng ta trở về. Lời mời gọi của Ngài đã được chúng ta nghe thấy và đáp lại: “Chúng ta phải mau về nhà thôi!”

Nhưng điều gì cản trở chúng ta về đoàn tụ với Cha?  Điều gì khiến chúng ta không đáp lại lời mời gọi để trở về sống với Thiên Chúa?  Đó là sự trì hoãn, lần lữa, so đo: “Từ từ… Chờ chút…  Vì không biết Thiên Chúa có biết mình hay không…”

Tất cả không thành vấn đề.  Chỉ cần biết rằng chúng ta phải trở về với Thiên Chúa, Ngài đang mỏi mòn chờ đợi chúng ta trở về để được ôm hôn mỗi chúng ta.  Vậy chúng ta phải mau trở về!  Tiếng Chúa vẫn âm vang: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng.”

Chấp nhận lời mời gọi này là điều đơn giản nếu chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ hãi.  Những gì chúng ta cần làm là thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con đây.  Con phải bắt đầu từ đâu?  Vâng, con muốn được ở bên Ngài.”  Lòng chúng ta đã mở ra và chúng ta đã bắt đầu bước về phía người cha đang đứng ở phía trước.  Không cần giải thích chi hết, chỉ cần vui mừng trong yêu thương mà nhìn vào ánh mắt nhân từ của Thiên Chúa đang nhìn chúng ta.

Bước kế tiếp trên đường về nhà là gì?  Chúng ta có thể dùng những giây phút đầu ngày, trước khi ra khỏi giường, để tạ ơn Chúa đã dành cho chúng ta lời mời gọi yêu thương như thế, và xin Ngài mở lòng chúng ta để chúng ta có thể đón nhận.  Hãy bắt đầu từ hôm nay, đang là thời gian Mùa Chay.  Suốt ngày, chúng ta có thể nhớ lời mời gọi của Chúa khiến lòng chúng ta lay động: “Hãy trở về với Ta bằng cả tấm lòng.”  Và chúng ta có thể cùng vui mừng với Thiên Chúa.

Đó là lời mời gọi mỗi ngày trong Mùa Chay.  Và hôm nay là ngày chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa.

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ OnlineMinistries.Creighton.Edu)

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.