NHÀ CHA LÀ NHÀ CẦU NGUYỆN (có Youtube)

Có một người nằm mơ, thấy thiên sứ dẫn mình đến một ngôi nhà thờ vào ngày Chúa Nhật.  Tại đó, ông thấy người nhạc sĩ đang đàn phong cầm nhưng không nghe thấy tiếng nhạc, ca đoàn và cộng đoàn hát nhưng không nghe có âm thanh nào cả.  Rồi đến khi linh mục đứng lên giảng, môi mấp máy, nhưng không ra tiếng nói nào cả.  Người ấy rất đỗi ngạc nhiên hỏi thiên sứ, thì thiên sứ nói: “Ông không nghe thấy gì, vì không có gì để nghe cả.  Những người trong nhà thờ không tham dự vào buổi thờ phượng, mà chỉ dự phần vào hình thức thờ phượng mà thôi.  Tâm hồn họ trống rỗng.  Họ không thờ phượng Chúa từ trong cõi lòng.  Họ chỉ là những chiếc máy vô hồn phát ra.  Họ nếu không nói là giả hình thì cũng là những loại người thờ Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng dạ họ đã xa Chúa lâu rồi!”

Đôi khi chúng ta cũng đến với Chúa bằng hình thức bên ngoài mà chẳng có tâm tình bên trong.  Ðó chính là lối thờ phượng máy móc, hình thức của những người đi đạo lâu năm.  Họ đọc kinh theo thói quen.  Họ hát theo thói quen.  Họ nghe giảng theo thói quen.  Họ không còn ý thức đến hành vi của mình nữa, và cũng không có một cảm xúc hay một tâm tình thờ phượng đích thực nào trong những việc làm của mình.

Hôm nay Chúa Giêsu vào trong Đền Thờ, Ngài đã thấy gì trong đó?  Người Do Thái đã biến đền thờ thành nơi trao đổi buôn bán.  Họ lợi dụng Đền thờ để lợi dụng lẫn nhau.  Kẻ buôn bán súc vật và đổi tiền nhằm kiếm lợi nhuận.  Kẻ mua để dâng cúng trong đền thờ chỉ nhằm mục đích phô trương giả hình.  Ngay cả các tư tế cũng chủ trương như thế.  Họ thu lợi nhuận hoa hồng từ những việc trao đổi buôn bán trên.  Họ đã đánh mất sự linh thánh cần thiết của Đền thờ.

Chính vì Đền thờ bị lạm dụng, Chúa đã hành động thẳng thắn để thanh tẩy Đền thờ.  Chúa đã đòi hỏi họ phải trả lại ý nghĩa đích thực của Đền thờ.  Chúa bảo rằng “đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.”  Ngài đã tẩy chay một lối thờ phượng lệch lạc, không phải là thờ Thiên Chúa, mà là thờ quyền lợi của mình.  Đồng thời, khi Chúa Giêsu nói với những kẻ chất vấn Ngài: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại.”  Ngài cũng ám chỉ đến Đền thờ mới chính là thân thể Ngài.  Thân thể Ngài cũng bị phá huỷ bởi sự gian ác của con người, nhưng rồi Ngài sẽ sống lại sau ba ngày trong mồ.

Ngày hôm nay, người ta vẫn có thể lạm dụng Đền thờ bằng nhiều cách:

–   Có những người đến nhà thờ nhưng lại lo ra chia trí trong lòng.  Đó là những người có xác mà không có hồn.  Họ ví tựa như những thây ma trơ trẽn và nguội lạnh.  Họ xem lễ chứ không dự lễ, vì họ không đóng góp tấm lòng của mình vào việc thờ phượng Chúa.

–   Có những người đi lễ vì người khác đi mình cũng đi, hay chỉ vì cha mẹ bắt phải đi.  Đó là những người thờ phượng giả hình.  Họ không sống những điều mình tin.  Họ lấy “vải thưa che mắt thánh.”  Họ chỉ che được mắt thế gian nhưng không che dấu được Thiên Chúa.  Họ đến nhà thờ nhưng không gặp được Chúa nên đời sống họ cũng không có gì thay đổi.

–   Nhưng điều quan trọng mà hôm nay sứ điệp Lời Chúa muốn nhắn gởi chúng ta, chính là hãy chỉnh đốn lại đền thờ tâm hồn chúng ta.  Tâm hồn chúng ta có Chúa ngự trị hay không?  Chúng ta đang tôn thờ Thiên Chúa hay tôn thờ những danh lợi thú trần gian?

Mùa Chay là mùa mời gọi chúng ta sám hối và canh tân đời sống.  Có thể nói Mùa Chay là mùa giúp chúng ta nhìn lại đền thờ tâm hồn của mình để xin ơn Chúa thanh tẩy tâm hồn khỏi những đam mê tội lỗi, những thói hư tật xấu, ngõ hầu xứng đáng là Đền thờ cho Chúa ngự trị.

Lạy Chúa, tâm hồn con là đền thờ của Chúa, thế mà con đã để tâm hồn mình hoen ố bởi biết bao thói hư tật xấu, biết bao đam mê thấp hèn.  Xin Chúa hãy thanh tẩy tâm hồn con khỏi những bợn nhơ tội lỗi, hầu xứng đáng là đền thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.  Amen!

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

VẾT MÒN (có Youtube)

Con người thật là yếu đuối, hèn nhát, ngu xuẩn, nhưng lại luôn lên mặt tỏ ra mình ngoan hiền!  Điều mình muốn thì không làm, lại cứ làm điều mình ghét, không hề muốn (x. Rm 7, 15).  Ai cũng có những “vết mòn.”  Khốn nạn thay!

Mùa Chay liên quan vấn đề sám hối, sám hối liên quan tội lỗi.  Một trong những điều khiến chúng ta thất vọng nhiều nhất là khi cố gắng tiến bộ về tâm linh nhưng cứ tái phạm các tội cũ, cứ lại lăn vào vết xe cũ, tránh mãi chẳng được, chừa mãi không xong!  Chúng ta buồn.  Chúng ta nghĩ rồi mình lại tái phạm.  Và đúng như vậy.  Chúng ta ngập đầu tội lỗi, cắn rứt và xấu hổ.  Do đó chúng ta cũng dễ bỏ cuộc.  Chúng ta thất vọng và tự nhủ đó không là tội, nếu có là tội thì cũng chỉ là tội nhẹ.

Đây là 12 cách cần ghi nhớ nếu bạn cứ phạm đi phạm lại một tội nào đó:

  1. PHẢI HOÀN THIỆN CẢ ĐỜI

Bạn có nghĩ mình sẽ nên thánh sau một đêm?  Đây là vấn đề đối với nhiều người trong chúng ta. Chúng ta thích “cấp tốc”, giải quyết nhẹ nhàng mà hiệu quả.  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Sự hoàn thiện phải thực hiện suốt đời.”  Không gì vĩ đại mà lại dễ dàng.  Nên thánh cũng như trở nên vận động viên Thế Vận Hội hoặc người có tài năng xuất chúng.  Ai cũng phải khổ luyện, chẳng có gì dễ dàng và mau chóng được.  Hãy nhớ: “Dục tốc, bất đạt.”

  1. ĐỪNG GAY GẮT VỚI CHÍNH MÌNH

Vâng, hãy đặt ra tiêu chuẩn cao.  Đừng dễ dãi với chính mình, nhưng cũng đừng khó khăn với chính mình.  Cứ cố gắng làm rồi sẽ làm đúng.  Có một “sáo ngữ” nhưng đúng: “Bạn thường té ngã bao nhiêu lần thì cũng phải thường đứng dậy chừng đó lần.”  Bạn đang trên đường tiến tới thì té ngã bao nhiêu lần cũng không thành vấn đề.

  1. HÃY KHÁCH QUAN

Số tội lỗi và mức xấu hổ không là “thước đo” để phân định mức độ nghiêm trọng của tội.  Chúng ta cảm thấy xấu hổ về tội liên quan xác thịt vì nó ô uế và nhơ nhớp.  Việc thiếu cầu nguyện và không tôn trọng người khác có thể là tội còn nặng hơn các tội về xác thịt.  Lòng kiêu ngạo có thể ngăn cản tâm linh hơn tội về xác thịt.  Nói như vậy không phải là biện hộ cho tội xác thịt, nhưng cảm giác có tội và xấu hổ đôi khi khiến chúng ta không nhận ra rằng tội lỗi không làm chúng ta xấu hổ.  Hãy khách quan khi xét mình và đừng đánh mất cảm thức tội lỗi.  Hãy thẳng thắn với chính mình, tin vào lòng thương xót của Chúa và đi xưng tội.

  1. PHÂN BIỆT TỘI

Tội nặng (tội trọng) liên quan vấn đề quan trọng.  Bản chất của tội trọng là làm chúng ta mất ơn nghĩa với Chúa.  Bạn phải biết đó là tội trọng, là yếu tố làm mất tự do, và phải quyết định dứt khoát, đừng tự nhủ: “Tôi biết đó là tội trọng, nhưng tôi cứ phạm.”  Nếu lỡ phạm tội trọng, bạn phải cấp tốc ăn năn.  Nếu bạn có ý đi xưng tội trong thời gian sớm nhất, đó là bạn đã trở về với Chúa.

  1. TỘI QUEN PHẠM LIÊN QUAN TÂM LÝ

Nhận biết điều này giúp bạn bớt phạm tội.  Nếu bạn bị “nghiện” và không thể vượt qua một tội nào đó, bạn cần nhờ người linh hướng.  Các nhà liệu pháp và các nhà tư vấn có thể giúp bạn tìm ra căn nguyên khiến bạn “nghiện.”  Nếu bạn khó chừa một tội nào đó, có thể bạn đã bị “nghiện.”  Nhiều người không cho là mình bị “nghiện” nên không chịu “điều trị.”  Hãy mạnh dạn nhờ người giúp đỡ để bạn có thể vượt qua.  Đừng muốn làm bác sĩ vì bạn bị bệnh.  Đừng ngần ngại lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải nếu linh hồn bạn bị bệnh.

  1. TỰ GIẢI THOÁT

Nếu bạn “kẹt” vì một tội nào đó, có thể bạn bị sự ác ám ảnh.  Nói là “sự ác” không hẳn là ma quỷ.  Có thể đó chỉ là điều thuộc tâm sinh lý – bị kém trí nhớ, ảnh hưởng mối quan hệ không lành mạnh nào đó, hoặc do yếu tố xấu nào đó.  Nếu bạn cảm thấy sự ác ảnh hưởng bạn, hãy cầu nguyện và ăn chay.  Hãy ăn chay các ngày thứ Sáu và chú tâm cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ.”  Hãy xưng tội, đừng quan tâm là linh mục nào.  Xưng tội là thú tội với Chúa và xin Ngài thương xót.

  1. NHẬN BIẾT CƠN CÁM DỖ

Có thể bạn đã làm điều gì đó rồi… quen.  Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt.  Nó thúc giục bạn, và bạn lấy nhiều lý do để tự biện hộ.  Thói quen thành nghiện, nghiện rồi thì muộn rồi.  Hãy chống lại cơn cám dỗ ngay khi nó xuất hiện trong tâm trí.  Tránh voi chẳng xấu mặt nào.  Đừng thí mạng mà đối đầu với ma quỷ, nhưng hãy thẳng thắn nói với nó: “Xatan, cút ngay, xa ta ra!”

  1. CẬY NHỜ LINH KHÍ

Thánh Lễ, tràng hạt Mai Khôi, áo Đức Bà, ảnh các Thánh, Kinh Thánh, … là các vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến tâm linh.  Hãy tìm hiểu cách xử dụng hữu hiệu các linh khí này.

  1. HIỂU BẢN CHẤT TỘI

Bạn sẽ không bỏ được tội lỗi nếu bạn không thực sự ghê tởm nó.  Bạn thấy những con nghiện đáng sợ không?  Nghiện gì cũng đáng sợ: Nghiện ma túy, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, …  Nghiện phạm tội còn kinh tởm hơn nhiều.  Hãy cầu nguyện để thanh lọc ước muốn, cố gắng tập trung vào cái tốt đẹp và chân thật.

  1. TÌM NGƯỜI LINH HƯỚNG TỐT

Hãy chân thành sám hối và tìm người linh hướng, kiểu như bác sĩ gia đình, quan hệ thân thiết để người linh hướng biết thực trạng của bạn.  Càng biết rõ thì người linh hướng càng dễ giúp bạn tiến bộ trên đường trọn lành.  Ai cũng phải nên thánh, có người nhanh, có người chậm, nhưng chắc chắn ai cũng trải qua con đường sám hối và được Thiên Chúa thương xót thứ tha.

  1. ĐỪNG BỎ CUỘC

Dù thất vọng nhưng đừng tuyệt vọng.  Dù thế nào cũng không được đầu hàng, bỏ cuộc.  Đừng tự nhủ rằng tội của mình không là tội.  Đó là tự giả dối và hủy hoại chính mình.  Hãy đối mặt với tội lỗi và kiên cường chiến đấu.  Hãy ghi nhớ: “Đừng bỏ cuộc !”

  1. CHÚA LUÔN Ở BÊN BẠN

Đó là điều bạn phải ghi nhớ rõ ràng.  Nhiều người Công giáo phạm tội như thể Chúa ở xa lắm, rồi nghĩ rằng đời còn dài, mai mốt ăn năn cũng được, Chúa nhân từ lắm.  Đó là lạm dụng lòng thương xót của Chúa.  Kinh Thánh nói: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3, 17).  Phải hiểu tích cực chứ đừng tiêu cực.  Hiểu tiêu cực là lợi dụng lòng tốt của Chúa.  Ngài luôn chờ cơ hội để tha thứ chứ không muốn kết án.  Hãy can đảm “đứng dậy và trở về với Cha” (Lc 15, 18), càng sớm càng tốt.

Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ Patheos.com

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

ĂN TRONG MÙA CHAY (có Youtube)

Mỗi năm, lúc còn đang ráo riết các lễ hội mùa xuân, cánh mai mải miết nhuộm vàng để màu nắng tươi, cành đào miệt mài bung sắc hồng cho làn gió mát, khi lòng người đang chộn rộn bởi những cuộc vui chưa dứt, thì người Công Giáo lặng lẽ thu mình vào Mùa Chay Thánh.

Thói đời, cuộc vui qua mau, một tháng ăn chơi luôn là quá ngắn, nhưng 40 ngày chay tịnh thật quá dài. Chưa thỏa thích với “tháng giêng là tháng ăn chơi”, một số người níu kéo thêm “tháng 2 cờ bạc, tháng 3 rượu chè”. Chẳng riêng dân Việt mê say nên cảm thấy mùa chay lạc điệu, mà rất nhiều sắc dân khác đón nó cũng hững hờ. Chẳng hạn, để đối phó với chuỗi ngày “Lungo come la quaresima” (thăm thẳm như mùa chay) người Ý sẵn sàng nổ tung mình cho lễ hội Carnival tưng bừng, vốn có thể kéo dài từ một, hai hay thậm chí ba tuần, tùy theo cấu trúc kinh tế khu vực, và chỉ kết thúc cách không thể vui hơn được nữa vào lúc nửa đêm thứ Ba béo, ngay khi bước qua ranh giới thứ Tư ăn chay.

Mùa chay đến cách kiên quyết, định kỳ nhưng lại luôn “trái khoáy” lòng chúng ta. Không bất ngờ sao được khi đang hừng hực khí thế trong cuộc vui cấp quốc gia với các lễ hội đầu xuân, thì chúng ta, những người Công Giáo, lại phải gồng mình giữ thăng bằng mà nhắc nhau: “nhớ nhé chuẩn bị thứ tư lễ tro đấy”. Để rồi tiếp đó là 40 ngày chuyên chăm cho 3 việc biết rồi khổ lắm nói mãi: “ăn chay, cầu nguyện, chia sẻ”.

Lời nhắc nhớ rất dễ thương sắp tới Lễ tro ăn chay mau chóng phai tàn giữa chuyện hàng ngày ăn nhậu. Vì quen thói “soái ca, đã chơi là chơi hết ga” nên giữ được chữ “ăn” trong “ăn chay” rất là khó. Chỉ có các bà các cô là khá hơn, linh động uyển chuyển để khéo léo kết hợp “ăn giảm béo” sau những ngày ăn tết. Ít ai mà giữ tròn các bổn phận quan trọng khác “cầu nguyện, chia sẻ. Ăn chay kiểu này là ăn gian và thực ra nó đã có từ xa xưa, đã bị tiên tri Isaia vạch mặt “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,2-12:).

Vậy nên, để có thể ăn chơi tẹc ga mà không sợ hóc xương gà, không sợ bị cụ Isaia mắng, mùa chay năm nay mỗi người chúng ta để ý tới các cách ăn như sau:

–        Ăn nói: thánh Giacôbê đã nói “ai làm chủ được miệng lưỡi là người hoàn hảo”. Hầu hết các tội ta phạm hàng ngày đều là “ăn bậy nói càn, ăn tục nói phét”. Hãy giữ gìn miệng lưỡi của mình, tránh nói hành, nói xấu để dâng lên Chúa lời ca tiếng hát, để mình trở nên duyên dáng đáng yêu. Sự ngọt ngào là dấu chỉ của tâm hồn cao thượng.

–        Ăn mặc: trang phục đẹp là khi đáp ứng hai tiêu chí: tinh tế và thanh lịch, chứ không phải vì “độc và lạ”. Tinh tế là vì biết mình biết người, biết thời gian không gian để trang phục thích hợp. Xu hướng thời nay chỉ chạy theo độc và lạ nên biến nhiều người trở thành lố bịch và lạc lõng.

–        Ăn ở: “Hãy ăn ở nhân hậu, khiêm tốn, và ngay thẳng” (thư 1 Phêrô). Ăn ở ngay lành, nhân ái bao hàm một cuộc sống yêu thương, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ tha nhân. Nó rất khác với GATO thời nay: ghen ăn tức ở. Giàu sang không vì những gì ta có, mà vì những gì ta có thể cho đi.

–        Ăn năn: Năn là một loại cỏ dại có củ trong đất và ăn được. Người muốn ăn năn thì phải cúi xuống đào bới đất. Thái độ cúi xuống khi ăn năn đó được cha Đắc Lộ ghi nhận, và giải thích trong Từ Điển Annam – Lusitan – Latinh rằng theo nghĩa bóng là sám hối. Khi ăn năn, chúng ta dễ dàng đến với tòa giải tội để nhận Ơn An Bình.

Tựu trung lại, mùa chay là thời gian thuận lợi để chúng ta nhắc bảo nhau sống tốt hơn, là thời gian thiêng thánh để ta đón nhận được nhiều ơn lành. Hãy ăn ngay ở lành. Đừng ăn gian nói dối, chớ ăn càn nói bậy.

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng
Mùa chay 2017

http://giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20170312054741

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

ĐỨC GIÊSU – BẢO CHỨNG TÌNH YÊU (có Youtube)

Có nhiều tôn giáo tin nhận Thiên Chúa hiện hữu, nhưng Kitô giáo là tôn giáo đặc biệt nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương.  Chính khi nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Kitô hữu nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, đến độ dám cho Con Yêu Dấu của Ngài nhập thể làm người ở giữa con người.

I. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa

Đức Giêsu đã cùng với ba môn đệ lên núi.  Ngài đã biến hình, áo Ngài trở nên trắng như tuyết.  Tin Mừng Mác-cô không nói gương mặt Đức Giêsu biến đổi như thế nào, chỉ dùng chữ “biến hình”; tuy nhiên, người ta nghĩ rằng nếu áo của Ngài như vậy, thì gương mặt và thân xác của Ngài cũng phải “ra khác” một cách rất đặc biệt.  Cựu Ước cũng đề cập đến gương mặt của Môsê trở nên sáng láng sau khi ông gặp gỡ Thiên Chúa, nên ông phải che mặt khi gặp gỡ dân Do Thái (Xh.34, 29-35).  Thánh Phaolô đã giải thích gương mặt của Môsê được biến đổi vì phản ánh vinh quang Thiên Chúa.  Vậy khi Đức Giêsu biến hình, hàm chứa Ngài là người phản ánh Thiên Chúa một cách rất đặc biệt.

Tiếng từ trong đám mây nói với ba môn đệ: “Đây là Con Ta, Đấng rất được yêu.  Hãy nghe Ngài.”  Như vậy, Thiên Chúa nhận Đức Giêsu là Con của Ngài, và là Đấng được yêu đặc biệt.  Thực ra, tước vị “con Thiên Chúa” cũng được dùng để chỉ nhiều người (G.38,7), dân Israel (Hos.11, 1), vị vua thiên sai (Tv.2, 7).  Với Đức Giêsu, Ngài được Thiên Chúa gọi là người Con, được yêu đặc biệt; tuy nhiên, ngay lúc trên núi này, chắc ba môn đệ chưa thể nào nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa như các ngài đã nhận ra sau khi Đức Giêsu phục sinh và hiện ra cho các ông, tuy nhiên lúc này Đức Giêsu vẫn là một người rất đặc biệt.

Đức Giêsu nhận mình là Con Người.  Đức Giêsu thật sự là người như tất cả mọi người.  Một người cảm thấy gì thì Đức Giêsu cũng cảm thấy như vậy.  Ngài cũng bị cám dỗ như bao người, dù là cám dỗ về miếng ăn, về danh vọng và về quyền hành (Mt.4, 1-11); và không chỉ vậy, Ngài còn bị cám dỗ về đức tin nữa: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc.15, 34).  Đức Giêsu, nếu có điều gì khác chúng ta, thì đó là Ngài không phạm tội (Dt.4, 15).  Ngài đã dùng tự do để vâng phục Thiên Chúa, còn chúng ta lại dùng tự do Thiên Chúa ban để phản lại Ngài.

II. Abraham đã sẵn sàng hiến tế con mình cho Thiên Chúa

Abram, tổ phụ dân Do Thái, là một con người rất đặc biệt.  Thiên Chúa đã mời gọi ông bỏ quê cha đất tổ để đi đến đất Ngài chỉ cho.  Thiên Chúa hứa sẽ ban cho ông có con cháu nối dòng, có đất làm cơ nghiệp, và trở thành một mối chúc lành cho nhiều người.  Abram đã tin và đã đi theo lời mời của Thiên Chúa.  Đặt mình vào hoàn cảnh của người thời đó, ta nhận ra Abram đã tin vào Thiên Chúa một cách rất đặc biệt.  Thời đó người ta chưa có luật lệ như hiện tại, người ta phải dựa vào gia đình họ hàng để bảo vệ mình, và tài sản khỏi bị người khác đánh cướp.  Thế mà Abram dám rời bỏ gia đình, ra đi với tài sản và vợ là Saray.  Nếu không tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, thì không ai dám làm điều đó vì rất nguy hiểm, người ta không chỉ mất tài sản nhưng còn mất cả mạng sống mình.  Abram đã dám làm.

Thiên Chúa đã đổi tên Abram thành Abraham, Saray thành Sara; và đã cho ông bà có một người con tên là Isaac.  Thiên Chúa cũng nói với Abraham rằng dòng giống ông sẽ nhờ Isaac mà có; thế mà giờ đây Thiên Chúa lại bảo ông đem người con duy nhất của mình đi hiến tế làm của lễ dâng Thiên Chúa.  Tại sao Thiên Chúa lại “đổi ý” như vậy?  Tại sao Thiên Chúa không “nhất quán” với chính Ngài: đã hứa cho dòng dõi của ông nhờ Isaac mà có, mà bây giờ lại đòi ông phải hiến tế Isaac?  Làm sao có thể vâng lời Thiên Chúa được?

Một lần nữa, Abraham đã tin và phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa.  Thiên Chúa muốn sao Abraham cũng làm, vì ông tin rằng Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể làm tất cả, ngay cả phục sinh Isaac.  Chắc chắn Abraham đã có những suy nghĩ cám dỗ bất tuân, nhưng ông đã chiến thắng chính mình bằng niềm tin phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa.  Qua hành vi này, ông trở thành cha tất cả những người tin (Rm.4, 18tt).  Cả cuộc đời của Abrahm là một chuỗi những hành vi tin.  Ngay cả khi vợ ông là bà Sara chết, ông vẫn chưa có đất để chôn (St.23), tuy vậy ông vẫn tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho ông điều Ngài đã hứa.

III. Thiên Chúa đã không dung tha chính Con Ngài

Khi Đức Giêsu còn tại thế, chẳng ai biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể, kể cả các tông đồ.  Chỉ sau khi Ngài sống lại, và với ơn Thánh Thần soi sáng, các tông đồ nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói và đã làm, nên mới nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa theo một nghĩa thật đặc biệt.  Một khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng thật đặc biệt, là Con Thiên Chúa, thì Kitô hữu lại hiểu biết về Thiên Chúa và về con người một cách thâm sâu hơn.

Con người là ai mà được Thiên Chúa yêu thương đến như vậy!  Sao Thiên Chúa lại trao phó Con của Ngài cho con người như thể “trao trứng cho ác” như vậy?  Một người ít hiểu biết nhất cũng nhận ra con người gian ác sẽ giết Con của Ngài, như vậy tại sao Ngài vẫn trao gởi Người Con của Ngài cho con người?  Tại sao Thiên Chúa tin con người đến độ như vậy?  Cho đến cùng, Kitô hữu nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với con người thật vô cùng: Thiên Chúa tin vào con người dù thật sự không thể tin được.

“Thiên Chúa không dung tha chính Con Ngài nhưng phó thác Con của Ngài vì tất cả chúng ta.”  Nhìn Đức Giêsu chết trần trụi ô nhục thê thảm trên thập giá, người ta có cảm tưởng như thể Thiên Chúa yêu thương con người hơn cả Đức Giêsu.  Thật ra không phải Thiên Chúa yêu thương con người hơn Con của Ngài; nhưng điều đó lại cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng.  Theo thánh Phaolô, một khi Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu cho ta, thì Ngài không còn tiếc gì với ta nữa.  Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta tất cả.  Đức Giêsu là bảo chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng!

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

ĐẦU NĂM TẠ ƠN VÀ KHÁM PHÁ (có Youtube)

Đầu năm là mốc thời gian trọng đại.  Dịp này, con cái Chúa hướng lòng về Cha trên trời.  Một việc không thể thiếu là tạ ơn Cha.

Trong tâm tình tạ ơn thường có cảm nhận tình thương của Chúa.  Cảm nhận sẽ trở thành khám phá, khi linh hồn được đưa vào một cõi tình yêu mênh mông êm đềm, mà Chúa dành riêng cho họ.

  1. Bài học tạ ơn và khám phá

Khám phá riêng tư ấy không luôn xảy ra trong việc tạ ơn.  Khám phá đó là do Chúa ban.  Không phải bất cứ ai cũng được ơn riêng ấy.  Vậy những người được Chúa ban ơn đặc biệt đó là ai?  Chúng ta tìm được câu đáp ở lời sau đây của Chúa Giêsu: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần thúc đẩy, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: ‘Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.  Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha’” (Lc 10,21).

Như vậy, những người được Chúa ban ơn khám phá thấy tình xót thương Chúa chính là những kẻ bé mọn.  Để hiểu thế nào là kẻ bé mọn, mà Chúa Giêsu đề cao ở đây, trước hết chúng ta nên đọc lại đoạn Phúc Âm sau đây:

“Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: ‘Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con’, Chúa Giêsu bảo các ông: ‘Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống.  Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp trên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em.  Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời’” (Lc 10,17-20).

Đoạn Phúc Âm trên đây cho chúng ta thấy: Những kẻ bé mọn Chúa Giêsu muốn đề cao chính là nhóm Bảy Mươi Hai.  Họ đã được Chúa sai đi.  Họ đã đến với những người nghèo hèn, cùng khổ để tiếp cận, để cứu giúp, để loan báo Tin Mừng, để giúp sám hối, để xua đuổi quỷ dữ.  Họ làm những việc bác ái đó nhân danh Chúa Giêsu với nhận thức tự mình chẳng có gì.  Đang khi họ vui mừng vì những thành công đó, Chúa Giêsu đã cho họ khám phá thấy tình xót thương Chúa dành cho họ còn cao quý hơn nhiều, đó là tên họ được ghi trên trời.  Nói tóm lại, nhóm Bảy Mươi Hai được Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn, vì hai lý do:

Họ đã đến với những kẻ nghèo hèn, cùng khổ, để cứu giúp và chia sẻ.  Họ khiêm tốn trở thành bé mọn với bất cứ kẻ bé mọn nào.  Họ khiêm tốn nhận mình đã cho đi những gì mình đã nhận từ lòng xót thương Chúa.  Họ chỉ làm theo ý Chúa và nhân danh Chúa, Đấng đã sai họ đi.  Họ luôn bé mọn, nghèo khó.

Chúa dạy họ không nên vui vì những thành công trước mắt, nhưng hãy vui vì phần thưởng cao quý Chúa dành riêng cho họ, đó là tên họ được ghi trên trời.  Nghĩa là họ được Chúa cứu độ, được Chúa thánh hoá, được Chúa tuyển chọn.  Khám phá đó sẽ cho họ thấy tình thương Chúa là vô biên, vô bờ, đem lại cho họ sự bình an và hạnh phúc đời đời, không gì sánh kịp.  Chúa Giêsu đã hớn hở vui mừng tạ ơn Đức Chúa Cha, vì những lạ lùng đã xảy ra cho những kẻ bé mọn.  “Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha, vì… đã mạc khải những điều này cho những kẻ bé mọn”

  1. Thực hiện bài học tạ ơn và khám phá

Những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm trên đây, nên được coi là bài học quý giá cho chúng ta mọi ngày, nhất là những dịp tạ ơn Chúa.  Bài học đó có thể thực hiện bằng những việc sau đây:

Chúng ta khiêm tốn nhận mình hèn mọn, yếu đuối, bé nhỏ.  Nếu ta có điều gì tốt, làm được việc gì lành, thì đều do Chúa ban ơn.  Chúng ta khiêm tốn cầu xin Chúa giúp chúng ta khám phá ra những ơn lành Chúa đã ban cho chúng ta.  Tôi được Chúa ban ơn trở về, tôi được Chúa cứu độ, tôi được Chúa kêu gọi, tôi được Chúa tha thứ, tôi được Chúa sai đi, tôi được Chúa ban ơn chia sẻ tình Chúa cho người khác, tôi được Chúa yêu thương đặc biệt.

Chúng ta khiêm tốn vui mừng trong tình yêu của Chúa, theo gương Chúa và Đức Mẹ.  Chúa Giêsu “hớn hở vui mừng, ca ngợi Chúa Cha.”  Tình cảm đó cũng được thấy nơi Đức Mẹ Maria, khi Mẹ đi viếng thăm bà chị họ Isave.  Mẹ đã khám phá thấy tình Chúa xót thương Mẹ là hết sức lạ lùng, nên lòng Mẹ trào dâng lên những lời cảm tạ đầy hớn hở, vui mừng, ca ngợi Chúa: “Linh hồn tôi tung hô Chúa.”  Tình cảm vui mừng cảm tạ Chúa có hương sắc thiêng liêng siêu thoát, có sức nâng tâm hồn lên với Chúa.  Không một chút vẩn đục bởi bất cứ tư tưởng thế tục nào.  Chúng ta khiêm tốn để lòng mình nghỉ ngơi trong sự chiêm niệm ngắm nhìn Chúa, với hết lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa.  Chúa là nguồn mọi sự tốt lành.  Chúa là cùng đích cuộc đời của ta.

  1. Tỉnh thức trong tạ ơn và khám phá

Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy tỉnh thức mà cầu nguyện và tạ ơn” (Cl 4,2).  Lời khuyên trên đây của thánh Tông đồ nên được áp dụng thường xuyên trong tạ ơn và khám phá.

Trước hết, cần tỉnh thức về phương diện khiêm tốn.  Khiêm tốn thực chất, khiêm tốn luôn luôn, khiêm tốn trong mọi sự.  Có thể nói, cái làm cho việc tạ ơn và khám phá đẹp lòng Chúa chính là sự khiêm tốn.  Đức Mẹ Maria suốt đời khiêm tốn, nên suốt đời Mẹ là lễ tạ ơn và khám phá tình xót thương của Chúa.

Khiêm tốn, nên luôn giữ tự do tâm hồn.  Tỉnh thức không để mình bị áp lực do bất cứ quyền lực nào của ma quỷ, thế gian và xác thịt.  Tâm hồn nhờ vậy sẽ rất nhẹ nhàng vâng phục thánh ý Chúa.  Thánh ý Chúa là muốn chúng ta sẵn sàng phục vụ.

Vì thế, cũng cần tỉnh thức trong việc phục vụ.  Mỗi nơi ta ở, mỗi thời ta sống, đều có những dấu chỉ về thánh ý Chúa.  Ta sẽ nghe được tiếng gọi của Chúa trong các dấu chỉ đó, để phục vụ.  Không thể tạ ơn, nếu phục vụ sai thánh ý Chúa.

Nhờ tỉnh thức, chúng ta sẽ khám phá thấy tình Chúa thương chúng ta, ngay cả khi chúng ta sống trong muôn vàn đau khổ.  Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, chúng ta cũng sẽ khám phá thấy Chúa ban cho chúng ta vẫn có khả năng phục vụ các linh hồn bằng nhiều cách hiệu nghiệm.

Nếu không tỉnh thức, việc gọi là tạ ơn Chúa có thể sẽ trở thành dịp phô trương cái tôi, và việc gọi là khám phá tình yêu Chúa cũng dễ là dịp khoe khoang thành tích.  Tệ hại nhất là vô ơn và lạm dụng ơn Chúa cũng như danh  nghĩa Chúa.

Cúi xin Mẹ Maria thương giúp chúng ta biết noi gương Mẹ mà tạ ơn Chúa và khám phá tình Chúa xót thương.

ĐGM GB. Bùi Tuần

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THIÊN CHÚA LÀ MÙA XUÂN VĨNH CỬU (có Youtube)

Hôm nay, ngày đầu năm Bính Tuất, chúng ta nhắc lại câu chuyện cổ tích “Con Chó Đá”.

Ngày xưa, có người học trò nghèo dùi mài kinh sử chờ khoa thi ở kinh đô.  Một hôm, anh đi qua cổng làng, thì con chó bằng đá đang đứng trên bệ bỗng nhổm dậy vẫy đuôi mừng rỡ.  Lấy làm lạ, anh học trò bèn hỏi tại sao lại vẫy đuôi.  Con chó trả lời: “Khoa này thầy thi đỗ nên tôi mừng.”  Anh học trò về kể cho cha mẹ nghe.  Thế là từ đó người cha lên mặt hống hách với mọi người, không coi ai ra gì.

Tháng sau, trước ngày đi thi, anh học trò đi ngang qua cổng làng, không thấy con chó vẫy đuôi nữa, bèn hỏi tại sao.  Con chó đáp: “Tại cha thầy sớm lên mặt với mọi người, nên khóa này thầy chẳng đỗ đâu.”  Y rằng như thế.

Anh học trò về kể lại với người cha.  Ông hối hận, từ đó tu thân tích đức, sửa chữa lỗi lầm.  Khóa sau, anh học trò đi qua, chó đá lại vẫy đuôi.  Quả nhiên, sau đó anh đỗ đạt và làm quan lớn.

Hình ảnh con chó đá luôn gắn bó với làng quê miền Bắc Việt Nam bao đời qua, trở thành một biểu tượng dân gian thân thuộc.  Chó là con vật trung thành với con người, luôn biết phục vụ con người qua việc canh giữ nhà cửa và bảo vệ con người sống trong sự bình an.  Hình ảnh con chó đá vẫy đuôi trong câu chuyện cổ tích còn cho thấy chó luôn sống thân thiện với con người, hòa nhập vào đời sống tình cảm của con người, trở thành niềm vui và niềm động viên cho con người.

Từ những nét đặc trưng của loài chó kể trên, ta mới nghiệm thấy Xuân Bính Tuất đang đến với ta cũng có những đặc tính đáng yêu đáng mến ấy.  Đó cũng chính là những ước vọng của chúng ta trong năm mới Bính Tuất này.

Một năm mới tràn ngập bình an

Bình an luôn là ước vọng lớn của con người.  Cũng vậy, hòa bình cũng chính là hoài bão lớn nhất của nhân loại.  Thế nhưng, đã nhiều thế kỷ trôi qua, con người vẫn sống trong chiến tranh điêu tàn.  Con người vẫn chưa tìm được sự bình an, và thế giới vẫn chưa có hòa bình đúng nghĩa.

Hôm nay, ngày đầu năm chúng ta hãy nguyện xin Thiên Chúa là Chúa Xuân ban cho chúng ta sự bình an như lòng chúng ta mong ước và ban hòa bình cho thế giới.  Chỉ có Chúa mới có thể ban tặng cho ta sự bình an đúng nghĩa, vì chính Người là nguồn bình an đích thực.

Tuy nhiên, sự bình an chỉ có thể có được nếu chúng ta biết hoàn toàn phó thác cậy trông vào tình thương và sức mạnh của Chúa, như lời Chúa dạy chúng ta : “Các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai”.

Trong ngày đầu năm, chúng ta hãy dâng lên Chúa quan phòng những ước vọng, và mọi âu lo trong đời sống, nhất là trong những ngày tháng sắp tới.  Trong niềm phó thác và cậy trông vào Chúa, chúng ta sẽ luôn được bình an.

Một năm mới tràn ngập yêu thương

Tình yêu cũng luôn là khát vọng khôn nguôi của con người.  Vì thiếu tình yêu, con người đã rơi vào những thảm cảnh của bạo lực và khủng bố.  Vì thiếu sự thân thiện, nên con người đã lao vào chém giết nhau.  Vì thiếu sự yêu thương, nên gia đình ly tán, tan vỡ.  Và cũng vì thiếu tình thương yêu nên con người càng ngày càng đắm chìm trong hận thù ghen ghét.

Trong ngày đầu năm, chúng ta hãy dâng lên Chúa là Thiên Chúa tình yêu, những nguyện ước chân thành, xin cho mọi người biết yêu thương nhau hơn, bớt đi những khủng hoảng và chiến tranh, thay vào đó là tinh thần đại đồng và hiệp nhất giữa mọi quốc gia, luôn giúp nhau cùng phát triển trong một “nền văn minh tình thương”.

Muốn được thế, mỗi người chúng ta hãy biết loại bỏ đi những tị hiềm ghen ghét, biết cảm thông và tha thứ cho mọi người sống chung quanh.  Chúng ta hãy để cho “Thiên Chúa tình yêu” luôn ở giữa chúng ta và liên kết mọi người nên một trong tình yêu và sự hiệp nhất.

Một năm mới tràn ngập niềm vui

Thế giới luôn chìm ngập trong nỗi buồn muôn thuở: nỗi đau “huynh đệ tương tàn”, nỗi niềm xót xa của những thảm cảnh chiến tranh từng ngày, ở khắp nơi.  Tâm hồn con người cũng không thoát khỏi nỗi ưu sầu nhân thế: sự cô đơn, thất vọng và khủng hoảng.  Các gia đình cũng không thiếu cảnh buồn sầu: gia đình xung đột, chia rẽ và cuối cùng dẫn đến sự đổ vỡ hoàn toàn.

Trong ngày đầu năm, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui trọn vẹn và bền vững, niềm vui xuất phát từ chính Thiên Chúa, niềm vui không phai nhòa và lụi tàn.  Niềm vui ấy chỉ có được ở nơi những tâm hồn đầy tràn ơn Chúa.  Niềm vui ấy cũng chỉ có được nếu biết hướng tới tha nhân.  Và niềm vui ấy thật sự bền vững khi niềm vui ấy là kết quả của một đời biết hy sinh phục vụ người khác.

Hôm nay, chúng ta còn khát khao một điều cao cả hơn hết: đó là xin Chúa mãi mãi là mùa xuân vĩnh cửu của cuộc đời ta.  Muốn được thế, ta phải biết chọn lựa và tìm kiếm Người giữa những thần tượng trần thế.  Hãy biết đặt Người lên trên mọi ưu tiên của cuộc đời, như lời Chúa dạy chúng ta : “Tiên vàn các con hãy biết tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”.

“Nước Thiên Chúa” là gì nếu không phải là “Vương quốc tình yêu”, vương quốc mà chỉ có những con người biết yêu thương mới đạt tới?  “Sự công chính” của Thiên Chúa là gì, nếu không phải sự thánh thiện của những con người luôn biết vâng theo thánh ý Chúa hằng ngày?

Hôm nay, chúng ta mở sang một trang sách mới của cuộc đời, trang sách đầu tiên của năm mới.  Chúa mời gọi chúng ta hãy làm một cuộc lựa chọn: Thiên Chúa hay thế gian.  Trong suốt cả năm, chúng ta có hạnh phúc, an vui, thành đạt hay không là tùy thuộc ở sự lựa chọn này.

Một đứa bé đã khóc thét lên khi nó thọc tay vào miệng một cái bình sứ Trung Quốc rất đắt tiền mà không thể rút tay ra được.  Cha mẹ nó tìm mọi cách kéo tay đứa bé ra.  Nhưng hoài công vô ích!  Mọi cách đều làm đứa bé khóc to hơn vì đau và sợ.

Cuối cùng, họ đành đập bể chiếc bình quý giá đó.  Khi những mảnh vỡ rơi tan tác dưới sàn, mọi người mới hiểu tại sao tay đứa bé kẹt cứng ở trong cái bình: Nó nắm chặt lấy một đồng tiền cắc mà trước đó nó đã làm rơi vào trong bình.  Vì cứ nắm chặy lấy đồng tiền, nó đã không thể rút tay ra khỏi chiếc bình.  Không chỉ riêng đứa bé, rất nhiều người trong chúng ta đã không nhận ra được giá trị thật của cuộc sống.  Bàn tay ta cứ nắm chặt lấy những đồng tiền trong cuộc sống, khiến ta không thể nắm bắt được hạnh phúc mà Thiên Chúa tặng ban.

Sưu tầm

***************

Lạy Chúa

365 ngày vụt qua nhanh, ngày đầu năm mới đó mà hôm nay đã cuối năm rồi.
Tờ lịch sang trang mới. 
Cuộc sống của con còn bao nhiêu tờ lịch sang trang nữa?
Con không biết. 
Ngày mai là của Chúa.

365 ngày cũng có chút sóng gió trong công việc, trong sức khỏe, 
nhưng Chúa đã dẫn chúng con trong bình an. 
Con kính dâng lên Chúa lời tạ ơn chân thành với tất cả tâm tình biết ơn.

Qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, 
Con kính dâng lên Chúa những dự tính, những ước mơ về một năm mới.
Xin Chúa là nguồn bình an, thương chúc phúc cho gia đình con, 
những người thân yêu của con, bạn bè con.

Xin Chúa thương chúc phúc cho những người chung quanh con: 
những người đang ưu tư tìm kiếm công việc làm ăn, 
những người vất vả sớm hôm mà vẫn sống trong cảnh nghèo khổ, 
những người lang thang cơ nhỡ, 
những người cô đơn, bệnh hoạn, đói khát, tật nguyền, khổ đau cùng cực, 
những người đang phải sống trong vùng chiến tranh với biết bao lo sợ, tiếng súng thay cho tiếng cầu kinh.

Xin trải dài trên suốt cuộc đời của mỗi người chúng con 
tình thương vô biên của Lòng Thương xót Chúa: 
để chúng con luôn có tấm lòng mở rộng, chia sẻ với nhau từ vật chất đến tinh thần, 
để lời nguyện cầu của chúng con luôn được Chúa chấp nhận.  Amen.

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TỘI LỖI VÀ TÌNH THƯƠNG (có Youtube)

Chúng ta đã bước vào Mùa Chay.  Đối với người tín hữu, đây là “thời Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,2).  Sống tinh thần Mùa Chay là khiêm tốn nhìn nhận mình còn nhiều tội lỗi, đồng thời nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa.  Nhờ tình thương, chúng ta được canh tân đổi đời và nên giống Chúa Giêsu trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta được mời gọi thực hành những việc đạo đức truyền thống như chay tịnh, hãm mình, hy sinh, cầu nguyện.  Thoạt nghĩ đến những thực hành này, chúng ta thường coi đó là những ràng buộc nặng nề, làm giảm tự do ngăn cản ham muốn hưởng thụ của chúng ta.  Tuy vậy, những việc đạo đức của Mùa Chay, nếu được thực hiện có ý thức, sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, sống đẹp lòng Chúa và sống tốt với anh chị em mình.

Bài đọc I trích sách Sáng thế giúp chúng ta rút ra bài học từ một sự trong quá khứ.  Đây cũng là một kinh nghiệm về lòng từ bi hay thương xót của Thiên Chúa, mặc dù con người tội lỗi phản nghịch.  Vào thời xa xưa, đã có lúc nhân loại trở nên xấu xa và đầy tội lỗi.  Chúa đã muốn dùng cơn Đại hồng thủy để xóa đi cả dòng giống con người.  Tác giả sách Sáng thế diễn tả với nỗi đau đớn: “Thiên Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất” (St 5,6).  Ngài đã muốn dùng cơn Đại hồng thủy để xóa đi loài người và mọi loài thụ tạo, để thiết lập một dòng giống mới, tinh tuyền thánh thiện hơn.  Dòng giống này phát sinh từ gia đình ông Nôê, người sống đạo đức và kính sợ Chúa.  Bằng con tàu khổng lồ ông đã chuẩn bị theo lệnh truyền của Chúa, gia đình ông và các loại cỏ cây, súc vật, chim trời đã trở thành những nhân tố đầu tiên của cuộc sáng tạo mới sau khi nước hồng thủy rút đi.  Nước vừa có sức mạnh hung dữ nhấn chìm mọi tạo vật, vừa có khả năng làm sinh ra một thế hệ mới.  Các hiền sĩ Do Thái đều nhìn nhận biến cố này diễn tả thân phận tội lỗi của con người và lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa.  Đoạn sách Sáng thế chúng ta được nghe hôm nay là kế hoạch của Thiên Chúa sau khi nước hồng thủy đã rút đi.  Thiên Chúa hứa với ông Nôê và các con ông: từ nay về sau sẽ không bao giờ tái diễn sự hủy diệt tàn khốc như vậy.  Lời hứa của Chúa được gọi là giao ước, và được đánh dấu bằng cầu vồng trên các tầng mây.  Sau này, thánh Phêrô và các nhà thần học đầu tiên của Giáo Hội đều giải thích Đại hồng thủy là hình bóng của bí tích Thánh tẩy (Bài đọc II).  Nhờ dòng nước tái sinh, con người cũ của chúng ta đã chết đi để nhường chỗ cho con người mới, tức là con người được ân sủng của Chúa nâng đỡ và thánh hóa.  Nhờ tình thương của Chúa, nhất là nhờ ơn cứu độ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với con người một giao ước mới.  Đây là giao ước được ký kết trong máu của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, để quy tụ muôn dân về một mối, làm thành gia đình của Thiên Chúa có Chúa Giêsu là trưởng tử.

Việc cảm nhận thân phận tội lỗi sẽ dẫn chúng ta tới sự sám hối chân thành để cầu xin ơn tha thứ của Chúa.  Những thực hành đạo đức của Mùa Chay sẽ giúp chúng ta lãnh nhận ơn tha tội, được trở nên con người mới.  Chúa nhật đầu tiên này của Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng vào sa mạc với Chúa Giêsu để tìm lại chính mình.  Bởi lẽ, giữa biết bao bon chen giành giật của cuộc sống, nhiều khi chúng ta trở thành vong bản, tức là đánh mất bản thân, sống trong lầm lạc, không có định hướng và tương lai.  Khi diễn tả Đức Giêsu “sống giữa loài dã thú” trong sa mạc, Thánh Máccô giúp chúng ta liên tưởng tới khung cảnh vườn địa đàng thuở ban sơ, ở đó, mối tương quan Thiên Chúa –  Con người và Tạo vật rất hài hòa êm đẹp, niềm vui và hạnh phúc luôn tràn trề viên mãn.  Nếu biết sống tinh thần sa mạc giữa lòng đời, chúng ta sẽ được gặp Chúa, được tâm sự với Ngài và được Ngài hướng dẫn, giúp chúng ta bước theo đường ngay nẻo chính.  Thực hành tốt những việc đạo đức của Mùa Chay (cầu nguyện, chay tịnh và bác ái) chính là sống tinh thần sa mạc, nhờ đó, chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu, để cùng với Người đem phần rỗi cho anh chị em xung quanh.

“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”  Đó là lời rao giảng mở đầu trong giáo huấn của Chúa Giêsu.  Hai ngàn năm đã qua, lời kêu gọi này vẫn mang tính cấp bách.  Bởi lẽ con người khước từ lời Chúa, chuộng sống gian dối hơn là sự thật; thích chiều theo lối sống thế gian hơn là hy sinh để nên trọn lành. Nhờ sám hối, chúng ta được hòa giải với Chúa và với anh chị em, để cùng nhau tiến bước trên con đường về nhà Cha, Đấng luôn yêu thương và chúc phúc cho chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THÂN PHẬN NGƯỜI (có Youtube)

Bước vào Mùa Chay, nghe ca khúc “Thân phận người” của nhạc sĩ Tuấn Kim như một tâm sự để suy niệm.  Giai điệu và lời ca thiết tha ngân nga những thao thức, nhắc nhở mỗi người về thân phận của mình, về cõi nhân sinh: “Phù du là phận người, trăm năm như chớp mắt thôi.  Công danh như nước trôi qua cầu, đời con trôi về đâu?”

Phù du là phận người.  Mọi sự chỉ là phù vân. Sách Giảng Viên viết rằng: “Tất cả chỉ là phù vân.”  Phù là trôi nổi, huyền ảo.  Vân là mây.  Phù vân là bèo dạt mây trôi, là hay thay đổi, mau qua, tàn phai.  Mọi của cải vật chất trên trần gian này, kể cả cuộc sống của mỗi người đều là phù vân.

Phù du, phù vân diễn tả thân phận bụi tro: “Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về tro bụi.”  Con người, dù trẻ hay già, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù quyền thế hay dân thường, dù tài giỏi hay bình thường… thì một mai cũng lìa khỏi  thế gian này trở về cát bụi.  Đó là định luật muôn thuở!

Trong nghi thức khai mạc Mùa Chay, các tín hữu từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân, mọi người đều khiêm hạ nhận lấy một chút tro trên đầu.  Người giàu cũng như người nghèo, người già cũng như người trẻ, ai cũng nhận mình là thân phận bụi đất.  Nghi thức xức tro thật cảm động, vừa diễn tả lòng sám hối, vừa nói lên nguồn gốc tro bụi của đời người.

Lần lượt mỗi người, từ cụ ông cụ bà đến trẻ nhỏ bước lên để thừa tác viên rắc tro trên đầu.  Nghi thức và cử chỉ ấy giúp con người ý thức thân phận mong manh và giới hạn của mình. “Hãy nhớ ngươi được tạo dựng từ bụi tro, và sẽ trở về với bụi tro.”  Đó là lời Thiên Chúa đã phán với Ađam Evà.  Đó là lời Chúa nói với từng người khi lên xức tro.

Ý thức thân phận giới hạn mong mong của mình, để làm gì?

Để biết rằng tôi không sống mãi trong cuộc đời này, sớm muộn gì cũng đến lúc tôi trở về với Chúa, và tôi sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về cuộc đời của mình.  Con người có sinh có tử, có hợp có tan, có khởi đầu sẽ có kết thúc.

Nghĩ về sự chết để mà sống sao cho “đẹp” đời trần thế.  Làm sao để tôi sống cuộc đời này cách ý thức hơn, với tinh thần trách nhiệm hơn, để khi đến trước mặt Chúa tôi có thể đến trong niềm vui, chứ không phải trong sự sợ hãi!

Vì thế, cử chỉ xức tro còn hàm chứa một lời mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; hãy nhìn nhận những tội lỗi thiếu sót, những bất tất trong cuộc đời của mình, và hãy cố gắng để sửa đổi những gì còn thiếu sót đó để sống hợp với thánh ý Thiên Chúa hơn.

Đó là lời mời gọi mà Chúa gởi đến từng người qua nghi thức xức tro rất đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa và thật xúc động.

Thứ Tư Lễ Tro mở cửa vào Mùa Chay Thánh 40 ngày.  Đây là thời gian giúp chúng ta ý thức về sự mong manh giới hạn của đời người, sống lời mời gọi sám hối và trở về với Tin mừng.  40 ngày Chay Thánh nhằm chuẩn bị cho chúng ta sống mầu nhiệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, đón nhận cái chết, và mừng ngày Phục sinh của Người.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở về thân phận mỏng dòn của con người, đồng thời mời gọi chúng ta hoán cải nội tâm trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.

Tiên tri Gioel đã kêu gọi :“Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng.  Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa” (Ge 2,13).  “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo… Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta!”  Đó là ý nghĩa cơ bản và sâu xa nhất của sự hoán cải.  Cần phải thay đổi cái nhìn, thay đổi tư tưởng và ước muốn sao cho phù hợp với giao ước tình yêu của Thiên Chúa.  Sự biến cải nội tâm ấy được biểu lộ bằng những hành động cụ thể, như từ bỏ thói quen xấu, kìm hãm con người xác thịt, thực hành chay tịnh, tất cả là để tái tập thế quân bình giữa hồn và xác.

Thứ Tư Lễ Tro khởi đầu Mùa Chay Thánh, mỗi người cố gắng thực hành những việc đạo đức như Giáo Hội mời gọi.

Hòa giải với Chúa và với nhau.

Do tội lỗi, con người bị cắt đứt khỏi nguồn mạch sự sống, và bị dìm vào tình trạng bi thảm của sự chết.  Thiên Chúa mời gọi con người trở về với Ngài, giao hòa trong tình con thảo và sống trong niềm vui ân sủng.

Sự giao hoà phải là một lời cầu nguyện khiêm tốn : “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con đã xúc phạm đến Chúa.”  Đó là lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa, diễn tả tâm tình khiêm tốn tin cậy nơi lòng nhân hậu của Thiên Chúa.  Theo gương Thánh Giuse sống thinh lặng nội tâm và đón nhận Bí Tích Hòa Giải. Cần rút lui vào thinh lặng của tâm hồn, hãy sống kín đáo với Chúa trong tâm hồn mình.  Đó là mục đích của những cuộc tĩnh tâm Mùa Chay.  Có một người lâu năm không xưng tội, bỗng một ngày kia anh cho vợ con đi về nhà ngoại chơi một tuần; một mình anh ở nhà, xét mình để chuẩn bị xưng tội.  Anh đến tòa giải tội với một cuốn tập viết đầy từ đầu chí cuối.  Chỉ trong thinh lặng, người ta mới thấy mình được rõ hơn.

Hòa giải với tha nhân.  Đó là điều Chúa Giêsu đã xác quyết : “Nếu người dâng của lễ nơi bàn thờ và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, đi làm hòa với anh em ngươi trước đã rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của người.”  Bởi vậy, xin ơn giải hòa với Thiên Chúa, chúng ta cũng hãy tìm mọi cách xóa đi những xích mích, bất hòa hờn giận với người khác.

Hy sinh hãm mình.

Truyền thống Giáo Hội từ xa xưa giữ chay 40 ngày, nhưng vì hoàn cảnh và sự yếu đuối của con người, Giáo Hội đã giảm bớt tối đa chỉ buộc giữ chay hai ngày: thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh.  Dù vậy, tinh thần hãm dẹp xác thịt lúc nào cũng không thể bỏ qua được.  Do đó “mỗi người hãy cố giữ đời sống hoàn toàn trong sạch, lợi dụng những ngày thánh này để gột rửa những sơ suất trong các mùa khác, bằng cách chế ngự các thói hư, gia tăng cầu nguyện, siêng năng đọc sách, thành tâm thống hối, để tâm hồn được vui mừng mong đợi Lễ Phục Sinh“. (Tu luật Biển Đức).

Mùa Chay là một thời gian thuận tiện để rèn luyện tâm hồn.  Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta chương trình ba điểm để rèn luyện trong Mùa Chay.  Đó là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.

Ăn chay là một phương thế hữu hiệu để rèn luyện tâm hồn.  Cầu nguyện càng sâu xa chúng ta càng thân thiết với Chúa, ai siêng năng cầu nguyện sẽ được sức mạnh cần thiết để chiến thắng các cơn cám dỗ.  Làm việc bác ái, tình yêu Chúa thực sự sẽ được thể hiện trong tình yêu mến anh em đồng loại.

Mùa Chay là những ngày thánh: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.”  Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn sàng ban ơn cứu độ với điều kiện con người phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con trong Mùa Chay Thánh này, biết ý thức thân phận của mình, thực thi việc phải làm là được hòa giải với Thiên Chúa, với chính mình và với anh em.

Xin Thánh Giuse hướng dẫn chúng con trong cuộc hành trình này, để chúng con có thể hoán cải bản thân và nghiệm thấy ân sủng của Thiên Chúa luôn tuôn đổ trên mỗi người chúng con, giúp chúng con được biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.  Amen!

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TỘI LỖI CÒN HƠN PHONG CÙI NỮA (có Youtube)

Mở đầu.

Sứ vụ của Chúa Giêsu nơi loài người đã được khẳng định trong các trường hợp đơn giản và thông thường mà mọi người đều hiểu được.   Giêsu là Đấng cứu độ.  Ngài không đến mang giải pháp cho vô số vấn đề hàng ngày, nhưng để giải phóng loài người khỏi quyền lực của tội lỗi, và sự chết đang thống trị họ.  Giai đoạn đời sống Chúa Giêsu mà chúng ta đọc trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ cách mới mẻ và thời sự về sứ vụ của Ngài đối với chúng ta.

Bệnh tật.

Chúng ta thất vọng và chua xót khi thuốc của chúng ta uống không đạt hiệu quả.  Ai mà không tìm cách chống lại một cơn nhức đầu sổ mũi bằng những liều thuốc thần được quảng cáo khắp nơi, và cuối cùng cũng phải nhượng bộ trước sức tấn công của bệnh cúm. Vào thời Chúa Giêsu, người ta hầu như không có cách nào chống lại bệnh tật cả, và nó cũng hoành hành như ngày nay.  Nơi người ngoại giáo, người ta thường mặc nhiên gán cho bệnh tật sự thù ghét của những quyền lực của thần dữ, cho sự trừng phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi, ngay cả những tội lỗi mà người ta không hề biết tới.  Tại Israel, bệnh tồi tệ nhất trong các bệnh là bệnh phong cùi.  Đôi khi người ta có thể lành được nhưng điều ấy có nghĩa là Chúa đã tha tội.  Thường thường, phải để cho cơn bệnh tăng dần theo diễn tiến ghê rợn của nó thôi.

Người phong cùi đến với Chúa Giêsu xin được tẩy sạch.  Anh ta xin một điều lớn hơn là được hồi phục trong thân xác.  Anh ta khẩn nài Chúa Giêsu tẩy sạch tâm hồn anh khỏi những tội lỗi đã gây cho anh nỗi khốn khổ này.  Một khi được tẩy sạch trong lòng, thân xác anh sẽ được tái sinh.

Thái độ của Chúa Giêsu.

Không ai ngạc nhiên về thái độ của Chúa Giêsu cả.  Trái lại người ta ngạc nhiên về những lời cảnh cáo nghiêm khắc của Ngài.  Chữa lành người bệnh chẳng đủ rồi ư?  Tại sao còn bắt anh phải giữ thinh lặng, một việc khó khăn như thế, trong lúc mọi người chung quanh đều nhận thấy anh ta được chữa lành?  Tại sao bắt anh ta phải làm một công việc phiền toái, là đến cho một công chức của đền thờ kiểm tra việc chữa lành đã quá hiển nhiên như thế.

Chúa Giêsu yêu cầu kẻ Ngài tẩy sạch khỏi bệnh phong cùi làm một việc hoán cải nghiêm túc và rõ rệt.  Sự thinh lặng mà anh ta phải giữ về biến cố anh được chữa lành sẽ ngăn cản anh khỏi gán cho mình công trạng của việc thanh tẩy này, hoặc dùng nó để thu hút sự chú ý đến mình.  Sự thinh lặng sẽ gìn giữ anh khỏi chơi trò anh hùng, điều này sẽ gây ra kiêu ngạo và sinh tội nữa.

Còn việc anh ta phải làm tại đền thờ sẽ ghi dấu sự kiện anh được tái nhập vào cộng đoàn, mà chỉ có thể thực hiện một cách công khai thôi.  Việc này cũng sẽ cho phép anh bắt đầu lại cuộc sống trung thành với Chúa.  Tuyên dương những kỳ công của Thiên Chúa mà thôi thì chưa đủ, còn phải sống ngày này qua ngày nọ trong sự khiêm tốn trung thành với ý Chúa nữa.  Việc trình diện nơi đền thờ sẽ khai mào cho sự trung thành mới mẻ này.

Người phong cùi.

Theo Tin Mừng, người phong cùi có vẻ không hiểu rõ ý định của Chúa Giêsu về mình.  Anh ta không thể giữ miệng được, anh nói oang oang ra, và mọi người đi tìm Chúa Giêsu, mỗi người đều hy vọng sẽ nhận được phép lạ cho mình hoặc, ít nhất, là được chứng kiến những phép lạ mà mình sẽ kể cho bà con lối xóm.

Anh chị em hãy ghi nhận rằng Chúa Giêsu không gọi người ấy tới để nói với anh ta rằng Ngài rút lại việc chữa lành, và anh sẽ bị phong cùi như trước.  Ngài để cho anh hưởng niềm vui và cuộc sống mới, cho dù nó bắt đầu một cách mỏng dòn.  Lòng thương xót của Chúa như thế đó, Ngài vẫn trung thành bất chấp những sự vụng về, chậm tin, và thất tín của những kẻ đã được thương xót.

Kết luận.

Trong lòng mỗi người chúng ta có một nguồn ô nhiễm lan đến sự sống mà phép rửa đã ban cho chúng ta.  Đó là một sự gắn bó keo sơn với tội lỗi, những tội mà chúng ta tái phạm hoài một cách vô ý thức.  Chúng ta cần được thanh tẩy triệt để, đó là công trình của lòng thương xót.  Chúng ta hãy đến xin Chúa Giêsu, Đấng thanh tẩy chúng ta.

Yvon Daigneau

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THƯA CHA, CON KHÔNG ĐI NHÀ THỜ NỮA! (có Youtube)

Câu chuyện của cha xứ vùng Angevin giúp chúng ta tập trung vào điều thiết yếu.

Có ai chưa bao giờ bực mình vì ca đoàn hát sai, vì linh mục giảng quá dài, vì người bên cạnh dám nghe điện thoại cầm tay không?  Cám dỗ quá lớn đối với một số người, họ tức tối và bỏ nhà thờ ra đi không trở lại!  Linh mục Matthieu Lefrancois, cha xứ họ đạo Thánh Antôn ở Angers tìm được một bài trên Facebook của “Giáo hội Công giáo Guinea” để kêu gọi chúng ta chỉ tập trung nhìn Chúa Kitô.

***************

Một thanh niên trẻ đến gặp một linh mục và nói:

– Thưa cha, con không đi nhà thờ nữa!

Linh mục hỏi:

– Vậy à, con có thể cho cha biết lý do không?

Người thanh niên trả lời:

– Lạy Chúa tôi, ở đây con thấy cô này nói xấu cô kia; anh đọc Sách Thánh đọc dở; ca đoàn vừa chia rẽ vừa hát sai; người đi xem lễ chỉ chăm chăm nhìn điện thoại, đó là không nói đến ngoài nhà thờ họ là những người ích kỷ, cao ngạo…

Linh mục nói với anh:

– Con có lý. Nhưng trước khi dứt khoát rời nhà thờ, con có thể làm cho cha việc này: con rót một ly nước đầy, rồi đi quanh nhà thờ ba vòng mà không làm đổ một giọt.  Sau đó, con có thể bỏ nhà thờ.

Người thanh niên tự nhủ: quá dễ!

Và anh đi ba vòng như cha xứ dặn.  Đi xong, anh về nói với cha:

– Rồi, con đi xong rồi.

Linh mục hỏi:

– Khi con đi, con có thấy cô này nói xấu cô kia không?

Người thanh niên trả lời:

– Thưa cha không.

Con có thấy người này người kia thờ ơ với nhau không?

Người thanh niên:

– Thưa cha không.

Con có thấy người này người kia chúi mũi vào điện thoại không?

Người thanh niên:

– Không, con không thấy.

– Con có biết vì sao con không thấy không: vì con tập trung để ly nước không bị đổ. Con biết… cuộc đời cũng vậy.  Khi tâm hồn chúng ta tập trung vào Chúa Kitô, thì chúng ta không có thì giờ để nhìn các sai lầm của người khác.  Ai ra khỏi nhà thờ vì các Kitô hữu đạo đức giả thì chắc chắn họ cũng không vào nhà thờ vì Chúa Giêsu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

***************

Không có chi cầu khấn
Chẳng có gì hiến dâng
Chúa ơi!  Con tìm đến
Để nhìn Chúa!  Thế thôi!

Để nhìn Chúa!  Thế thôi!
Trong sương mai diệu vợi
Bàn thờ Hy Lễ mới
Lời ca thánh chơi vơi
Hoa nến chiếu sáng ngời.

Để nhìn Chúa!  Thế thôi!
Dưới trưa hè nắng gội!
Nhà Chúa vắng đơn côi!
Chim buồn thôi cất lời!
Hương khói tàn tả tơi!

Để nhìn Chúa!  Thế thôi!
Hoàng hôn tím khung trời
Mây từng áng ngừng trôi
Vài cánh hạc rã rời!
Giáo đường đứng bồi hồi!

Để nhìn Chúa!  Thế thôi!
Ngày qua đêm đến vội!
Nước mắt và mồ hôi!
Trên bàn tay thống hối!
Nhiều trống vắng!  Chúa ơi!

Để nhìn Chúa!  Thế thôi!
Trong đêm thâu vời vợi!
Thập giá in lẻ loi!
Trên nền trời hấp hối!
Đất cúi xuống ngậm ngùi!

Không có chi cầu khấn!
Chẳng còn chi hiến dâng!
Chúa ơi!  Con tìm đến:
Để nhìn Chúa!  Thế thôi!!!!

Lm Hải Hồ

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.