NGƯỜI CON CHÚA (có Youtube)

Hôm nay Giáo hội mừng kính việc Chúa Giêsu chịu phép rửa của thánh Gioan Tiền hô tại sông Jordan kết thúc mùa Giáng Sinh và hướng chúng ta về đời sống công khai của Chúa Giêsu.  Đây cũng là một cuộc hiển linh của Thiên Chúa nói chung và của Chúa Giêsu nói riêng, vì trong biến cố này Thiên Chúa muốn loan báo và mạc khải cho mọi người biết về Thiên Chúa và một số chân lý khác.­­­

Trước hết, mạc khải mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.  Đây là một lần mạc khải công khai có cả Ba Ngôi cùng hiện diện: Ngôi Cha chỉ xuất hiện qua tiếng nói: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”  Ngôi Con là Chúa Giêsu, Đấng nhận phép rửa, đang hiện diện cụ thể ở sông Jordan.  Ngôi Ba Thánh Thần, xuất hiện qua hình ảnh chim bồ câu.

Thứ hai, mạc khải Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.  Chính Thiên Chúa Cha đã xác nhận và giới thiệu điều này và kêu gọi mọi người hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu, hãy đến với Ngài để đón nhận nguồn hồng phúc vô biên của Thiên Chúa.

Thứ ba, mạc khải ý nghĩa và giá trị phép rửa của Chúa Giêsu.  Chính thánh Gioan đã khẳng định điều này: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.  Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”

Xin chia sẻ một điều về ý nghĩa và giá trị cao quí của Bí tích Rửa tội.  Chúng ta biết phép rửa của Gioan Tiền hô chỉ là một nghi thức tượng trưng, có mục đích nhắc nhở và thúc giục người ta ăn năn sám hối và cải thiện đời sống.  Phép rửa này không có khả năng tẩy xóa tội lỗi, không có năng lực ban ơn thánh.  Bởi vì phép rửa này không phải là một bí tích, đúng như thánh Gioan đã quả quyết, đồng thời Ngài cũng giới thiệu một phép rửa khác, phép rửa của Chúa Giêsu, là phép rửa bằng Thánh Thần, nghĩa là phép rửa của Chúa Giêsu là một bí tích thông ban Chúa Thánh Thần, mặc dầu cũng dùng tới nước, nhưng nước chỉ là điều kiện, là nghi thức bên ngoài, còn thực sự là được rửa bằng Thánh Thần, biến đổi con người tội lụy nên con Thiên Chúa, và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nước trời.

Khi chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ngài.  Chúng ta vào đời khi được sinh ra, và vào đạo của Thiên Chúa khi được rửa tội.  Trong nghi thức rửa tội chúng ta được dìm trong nước hoặc đổ nước trên đầu để chỉ việc tẩy rửa khỏi tội tổ tông và mọi tội riêng, được sinh lại làm con cái của Chúa và gia nhập vào Giáo Hội.  Vì thế, Giáo Hội coi bí tích tửa tội như một cuộc tái sinh, người được rửa tội trở thành một con người mới.  Họ thấy đâu là ơn gọi và định mệnh của con người, đâu là ý nghĩa của cuộc đời.

Có một cụ già, mãi tới khi 80 tuổi mới lãnh nhận phép rửa tội.  Bắt đầu từ đó cụ sống một đời rất gương mẫu.  Hai năm sau, cụ hấp hối.  Có người muốn biết cụ bao nhiêu tuổi.  Cụ dõng dạc trả lời: “Tôi mới có hai tuổi.  Tám mươi năm trước khi rửa tội là những năm chết.  Tôi mới bắt đầu sống thật khi tôi chịu phép rửa tội.”  Thật là chí lý.

Bí tích Rửa tội quí trọng vô cùng, là cửa đưa chúng ta vào đoàn chiên của Chúa là Giáo Hội, vào hàng ngũ con cái Chúa, đồng thời từ đây chúng ta được gọi là Kitô hữu.  Kitô hữu là người có Chúa Kitô.  Mỗi Kitô hữu là một Đức Kitô thứ hai.  Mỗi Kitô hữu là một nối dài của chính Đức Kitô.  Đó là tước hiệu cao quí của chúng ta.  Tước hiệu ấy không mua bằng tiền bạc.  Tước hiệu ấy không chỉ sáng ngời trong những dịp lễ lạc, hội hè, mà phải luôn chiếu tỏa trong từng giây phút của cuộc sống.

Nhưng phải chăng nhiều người trong chúng ta đã là Kitô hữu một cách miễn cưỡng?  Đức tin chưa phải là niềm vui sống mà chỉ là một mớ những ràng buộc khiến chúng ta cảm thấy nặng nề, khó khăn?  Ngoài những ràng buộc của luân lý Kitô giáo và gánh nặng của những sinh hoạt đạo giáo, biết đâu nhãn hiệu Kitô hữu lại không là đầu mối của biết bao kỳ thị, thiệt thòi trong cuộc sống của chúng ta?  Chúa Kitô đã mang lại cho chúng ta cuộc sống mới của những người con Thiên Chúa, cho dầu cuộc sống ấy có thể tạo ra nhiều ràng buộc, có thể đòi hỏi nhiều hy sinh và chiến đấu, có thể gây nên những phiền toái, thua thiệt… nhưng đó là giá để chúng ta đạt được niềm vui đích thực trong cuộc đời làm con Chúa.

Đàng khác, chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và đã được trở thành con Thiên Chúa.  Nhưng chúng ta đã sống ơn cao quí này như thế nào?  Cha trên trời có hài lòng về chúng ta không?  Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Cha đã phán: “Con là Con yêu dấu của Cha.  Cha hài lòng về Con.”  Còn chúng ta thì sao?  Nếu như bây giờ, nhận định về chúng ta, Chúa Cha sẽ nói thế nào?  Chúa hài lòng hay Chúa phải buồn rầu, đau lòng và than phiền?

Chúng ta hãy nhớ: ơn cao trọng và cao quí nhất khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội là ơn được làm con Chúa.  Vậy chúng ta phải luôn cố gắng sống xứng đáng là những người con mà Chúa hài lòng về chúng ta.

Sưu tầm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TÌM CHÚA (có Youtube)

Vào thời Trung Cổ người ta hay diễn tuồng ba vua ở trong nhà thờ hoặc nơi cửa ra vào. Để làm thoả mãn trí tưởng tượng của khán giả, người ta thường đem đến những vật kỳ lạ, và cho là lễ vật của ba vua tiến Chúa như: khỉ, vẹt, lạc đà… Lễ ba vua còn có một thủ tục khác nữa là chơi trò bắt thăm làm vua. Người ta cho một hạt đậu hay một tượng nhỏ vào trong chiếc bánh ngọt, và chia ra thành từng phần cho những người trong nhà, ai được miếng bánh có hạt đậu hay tượng nhỏ đó sẽ được làm vua, được đội triều thiên trong bữa ăn. Thủ tục này bắt chước thủ tục của dân ngoại ở Rôma, Đức… còn trong tu viện nếu được làm vua sẽ được làm chủ tọa cộng đoàn khi dự nghi lễ phụng vụ và chủ tiệc ngày hôm ấy. Từ thời Trung Cổ người dân ngoại và cả người Công Giáo đều ao ước được giống như ba vua, để được dâng lễ vật tiến Chúa, được chủ tọa nghi lễ phụng vụ… Đó chỉ là những hình thức bên ngoài của thời Trung Cổ, nhưng ít nhiều cũng cho thấy tâm tình bên trong; họ ao ước giống ba vua cả trong đức tin, hành động và cả lòng can đảm.

  1. Trong đức tin

Ba vua chính là những người dân ngoại đầu tiên nhận biết Chúa. Và chính nhờ đức tin qua ngôi sao lạ đã hướng dẫn đường đi, nước bước cho các ông. Thật vậy đức tin chính là ơn ban cao trọng nhất, vì không có đức tin chúng ta không thể sống đẹp lòng Chúa được. Hơn nữa không có đức tin thì sẽ như người mù lòa không biết đường biết hướng về đâu. Nhưng phải luôn nhớ rằng đức tin luôn là ơn ban cho tất cả mọi người, đặc biệt là dân ngoại. Đức tin đến với ba vua không như một phép lạ để họ nhận biết Người. Họ được ngôi sao lạ dẫn đường, ngôi sao này có thật hay không chúng ta không cần biết. Điều quan trọng là qua ngôi sao lạ ba vua nhận biết đó là điềm Thiên Chúa gởi đến soi sáng và đưa họ đến Bêlem để thờ lạy Chúa.

Ngày xưa ba vua nhờ đức tin soi sáng dẫn đường đã được thoả lòng hạnh phúc. Ngày nay Thiên Chúa cũng soi sáng chúng ta bằng nhiều cách qua các biến cố. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta đã biết lấy đức tin để đón nhận chưa?

  1. Hành động

Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có hành động là đức tin chết”. Nếu ba vua nhìn thấy ngôi sao mà không lên đường, thì việc trông thấy ngôi sao nào có ích gì? Đối với chúng ta cũng vậy, nếu có đức tin mà không sống theo đức tin thì có ích gì. Ba vua vừa nhìn thấy ngôi sao lạ thì nhận biết ngay đó chính là quyền phép Thiên Chúa thì các ông không cần tìm hiểu nguyên do, mà mau mắn bước theo. Thật là một niềm tin mãnh liệt là một tấm gương cho mỗi người chúng ta. Đứng trước chân lý đức tin đòi hỏi ta cũng phải có thái độ tùng phục như vậy. Do đó chúng ta hãy mau mắn làm theo ba vua, khi thấy “ngôi sao đức tin” phải vội vã lên đường, nếu ta còn lưỡng lự chậm chạp rất có thể ngôi sao đó sẽ tắt lịm và không còn ánh sáng nào soi đường cho ta đi về quê thật là nước thiên đàng nữa.

  1. Can đảm

Ba vua đã từ giã gia đình thân yêu, không ngại thân già sức yếu, đường sá nguy nan, chấp nhận tất cả những khó khăn chỉ mong làm tròn thánh ý Chúa đã tỏ ra với mình. Chúng ta những người đang lữ hành, con đường mình đi chắc chắn cũng có rất nhiều chông gai hiểm trở. Chúng ta phải chiến đấu không ngừng với bản thân mình, với những xu hướng xấu từ ngay trong chính bản thân… Như ba vua đã đạt được đích đến là Thiên Chúa, thì chúng ta tin rằng với con đường đức tin mình cũng sẽ đạt được hạnh phúc đời đời. Vì thế mà mỗi người hãy can đảm vượt mọi trở ngại đời này, để sống xứng đáng với đức tin mà Thiên Chúa đã ban cho ta.

Không phải con đường đức tin lúc nào cũng trơn tru, lắm lúc cũng bị mây mù che khuất như ba vua hôm nay, nhưng với sự quyết tâm và lòng thành các ông đã vượt qua bằng cách hỏi thăm đường. Chúng ta cũng vậy lắm lúc con mắt đức tin mình cũng bị che mù làm ta không còn nhận ra đường đi nữa, không còn biết phải đi con đường nào và xử sự ra sao. Lúc đó cũng hãy biết chạy đến những người khôn ngoan, hướng dẫn đức tin như: cha sở, cha linh hướng hoặc những người khôn ngoan, chắc chắn chúng ta sẽ không bị lầm lạc và cũng tìm được Chúa như ba vua xưa đã thấy.

Trong ngày lễ hiển linh hôm nay, chúng ta hãy dâng lên Chúa Hài đồng tâm tình thờ lạy. Ta chẳng có vàng, nhũ hương và mộc dược, nhưng chúng ta có tấm lòng, có con tim. Vậy chúng ta hãy dâng lên Chúa với tất cả lòng chân thành và con tim yêu mến đó.

Lạy Chúa, chỉ tin không thì chưa đủ, mà còn đòi hỏi con phải mau mắn thi hành những điều đức tin dạy, như thế mới là sống theo ý Chúa . Amen

Sưu tầm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TÌM GẶP THIÊN CHÚA GIỮA LÒNG ĐỜI (có Youtube)

Theo ánh sáng của ngôi sao lạ, ba nhà chiêm tinh đã tìm đến cung điện của vua Hê-rô-đê để thờ lạy kính bái, vì nghĩ rằng nếu có vị vua mới sinh thì ắt vua đó phải sinh ra nơi cung vàng điện ngọc, nơi chốn cao sang. Nhưng thực ra không phải thế. Khi ba vị đến ngay cung điện vua Hê-rô-đê và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người,” thì vua Hê-rô-đê tỏ hết sức ngạc nhiên. (Mt 2, 2)

Bấy giờ “nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” (Mt 2, 4-6)

Thật bất ngờ, Chúa Cứu Thế không sinh ra trong cung vàng điện ngọc mà lại sinh ra trong nơi quê mùa heo hút, nơi làng Bê-lem là phần đất nhỏ bé của miền Giu-đa.

Như thế, nhờ ánh sáng từ Kinh Thánh soi sáng mà vua Hê-rô-đê, cả triều thần của vua cũng như ba nhà chiêm tinh biết được nơi Chúa Cứu Thế giáng sinh. Cũng nhờ ánh sáng nầy, ba nhà chiêm tinh tiếp tục đến tận nơi để thờ lạy và dâng lễ vật cho Người, tại một nơi nghèo nàn tầm thường mà ba vị không ngờ trước được.

Hôm nay, không có ngôi sao lạ nào xuất hiện trên bầu trời để soi đường cho chúng ta đi tìm Chúa, nhưng chúng ta có một ánh sáng khác rực rỡ hơn giúp ta tìm gặp Người. Đó là ánh sáng của Lời Chúa, như lời Thánh Vịnh: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Thánh vịnh 119, câu 105)

Vậy ánh sáng Lời Chúa soi đường cho chúng ta tìm thấy Chúa nơi đâu?

Ở nơi mà không mấy ai tin là có: Ở ngay trong nhà, trong xóm chúng ta. Thật quá bất ngờ !

Ba nhà chiêm tinh ngày xưa ban đầu cứ ngỡ rằng vua mới ra đời ắt phải sinh ra trong cung điện Hê-rô-đê, không ngờ Lời Chúa lại chỉ cho họ tìm gặp Đấng Cứu Thế mới sinh tại một làng quê Bê-lêm hẻo lánh, trong hình hài một trẻ sơ sinh yếu ớt, tại một túp lều nghèo nàn đơn sơ.

Chúng ta cũng thế, ban đầu chúng ta cứ tưởng Chúa chỉ ngự trên chốn trời cao, Chúa chỉ hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, chỉ ngự trong các thánh đường… Nào ngờ Chúa cũng hiện diện trong chính gia đình chúng ta, trong thôn xóm nghèo nàn của chúng ta.

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong tâm thư gửi các gia đình đã viết: “Thiên Chúa đồng hoá với con người, với những người trong gia đình. Thiên Chúa là một với người cha, người mẹ, người bạn trăm năm, người con cái trong gia đình.”

Qua dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng trong Tin Mừng Mát-thêu, Chúa Giê-su tỏ cho thấy những ai cho những người đói khát đầu đường xó chợ một bát cơm thì Chúa nói là họ cho Chúa ăn. Những ai cho người rách rưới hoặc mình trần một manh áo, thì Chúa nói là họ đã cho Người mặc. Những ai cho người sa cơ thất thế không nơi nương tựa được trú ngụ một thời gian thì Chúa nói là họ đã cho Chúa trọ nhà… Nói như thế, Chúa Giê-su tự đồng hoá mình với mọi người chung quanh. Nói khác đi, bất cứ ai cũng được Chúa Giê-su nhìn nhận là chính Người. (xem Mt 25, 31-46)

Khi chưa nhận biết Đức Giê-su là Thiên Chúa, Phao-lô ra tay bách hại các môn đệ của Người dữ dội. Vì thế, ông đã bị quật ngã trên đường Đa-mát và có tiếng Chúa Giê-su vang lên giữa thinh không: “Sao-lô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” Phao-lô hết sức kinh hoàng: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Có tiếng từ trời đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ”. (Cv 22, 6-9). Chính từ hôm đó, Sao-lô (tức thánh Phao-lô tông đồ) mới nhận ra các tín hữu cũng chính là Chúa Giê-su nên người thường nhắc nhở mọi người ghi tâm khắc cốt lời nầy: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?” (I Cr 6, 15).

Chính những Lời Chúa dạy trên đây là ánh sao sáng, còn sáng hơn sao Bê-lem năm xưa, soi sáng cho chúng ta biết Chúa đang ở ngay trong gia đình, trong làng xóm của chúng ta, để chúng ta đến hầu hạ phục vụ và dâng lễ vật cho Người.

Lễ vật của chúng ta không phải là vàng, nhũ hương và mộc dược nhưng là một tấm áo cho cha, một bát cơm cho mẹ, là sách vở bút mực cho con cái học hành, là sự ân cần săn sóc cho những người đau khổ chung quanh chúng ta.

Đó là những lễ vật quý báu mà Chúa Giê-su đang thiết tha chờ đợi. Ước gì chúng ta mau mắn và quảng đại hiến dâng cho Người.

LM Inhaxiô Trần Ngà

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TÌM… NHƯ THỂ TÌM CHIM

Con đi tìm Chúa trong lụa là gấm vóc, trong trưng diện xa hoa mỹ lệ, trong mâm cao cỗ đầy kẻ hầu người hạ.  Người tìm con trong nghèo hèn đói rách tả tơi, trong bữa cơm rau chan mồ hôi nước mắt.

Con tìm Ngài trong nhà lầu xe hơi bóng láng.  Ngài tìm con trong nhà tranh vách đất nghiêng nghiêng.

Con đi tìm Ngài trong vinh quang chức bậc quyền uy thống trị cha chú.  Ngài tìm con trong khiêm tốn, đầy tớ khiêm nhu.

Con tìm Ngài nơi nhà thờ cao sang tráng lệ.  Ngài tìm con trong nhà nguyện túp lều rách nát phơi sương bốn mùa.

Con tìm Ngài trong sách vở kho tàng kiến thức, những tư tưởng uyên bác cao siêu.  Ngài tìm con trong dốt nát, đơn sơ khiêm hạ nhỏ bé.

Con tìm Ngài nơi người đạo đức trưởng giả quý phái.  Ngài tìm con trong người lầm lì chai đá với trái tim khô vì thèm khát tình yêu.

Con tìm Ngài trong sức mạnh phe đảng, đám đông hống hách.  Ngài tìm con trong yếu đuối cô thế cô thân, thấp cổ bé miệng.

Con tìm Ngài trong lễ nghi ồn ào náo động.  Ngài tìm con trong thinh lặng âm thầm lặng lẽ.

Con tìm Ngài nơi trưng bày ảnh tượng hoa nến lung linh nhang khói mịt mờ.  Ngài tìm con trong đáy sâu tâm hồn tình yêu sức sống

Con tìm Ngài trong biện pháp khai trừ, trục xuất, dẹp bỏ, xua đi.  Ngài tìm con ở nơi không nỡ dập tắt tim đèn còn leo lét, bẻ gẫy cây lau bị giập.

Con tìm Ngài nơi những khuôn mặt trái soan, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, môi trái tim.  Ngài tìm con trong gương mặt trái mít, mắt ghèn, mồm méo, răng mái hiên.

Con tìm Ngài nơi cô độc lẻ loi khép kín đóng khung che đậy.  Ngài tìm con trong đám đông thợ thuyền công nhân nhà máy đơn sơ mộc mạc chất phác.

Con tìm Ngài trong cơ cấu cứng ngắc, luật lệ nề nếp khắt khe.  Ngài tìm con trong tình yêu con cái thắm thiết nồng nàn tung bay thoáng mát.

Con tìm Ngài nơi người trẻ hào nhoáng cao hứng bốc đồng hồng hào quyến rũ.  Ngài tìm con nơi ông già bà cả nhăn nheo trải dài mưa sương nắng gió cô đơn lẻ loi.

Con tìm Ngài trên con đường dễ dãi thênh thang, tự do phóng túng bừa bãi . Ngài tìm con trên con đường nhỏ hẹp dẫn đến tin yêu.

Và rồi, cứ thế…cứ thế… con hụt hơi, mòn mỏi đôi chân, rã rời thân xác, mắt mờ họng ráo khô, suy sụp tinh thần.  Lạy Chúa, suốt đời con không gặp được Chúa, Chúa không gặp được con.  Để Chúa và con cứ tìm nhau mãi, tìm nhau mãi….

Mong Manh