DÀNH THÌ GIỜ (có Youtube)

Lần kia, có một người đàn ông đang cưỡi một con ngựa.  Khi con ngựa và người cưỡi ngựa ầm ầm phóng qua, một người nông dân già đang đứng ở cổng cất tiếng hỏi: “Anh đang đi đâu đấy?”

Người đàn ông la lớn trong khi phóng vụt qua “Đừng hỏi tôi, hãy hỏi con ngựa ấy”.

***************

Người đàn ông cưỡi ngựa tiêu biểu cho người có cuộc sống với cách sinh hoạt hối hả không ngừng.  Người đó không hề có tự do; anh bị nô lệ cho công việc của mình.  Nhưng vấn đề của anh ta còn sâu xa hơn.  Anh ta không kiểm soát được cuộc sống của mình.  Dường như có một sức mạnh nào đó đã nhập vào anh ta, đang dẫn dắt anh đi.  Đây không phải là một lối sống hay ho gì.

Người ta có thể quá muộn để bắt kịp công việc, đến nỗi họ không dành ra được lấy một phút nào cho bản thân mình.  Hoạt động có thể trở thành một thứ bệnh tật.  Đây là một tình trạng nguy hiểm.  Có thể người ta phải chịu đựng sự hủy hoại và suy sụp.  So với những kẻ ích kỷ, thì những người quảng đại dễ gặp rủi ro này hơn.  Chúng ta phải biết chăm sóc bản thân mình.  Đây không thể là cung cấp, và cũng không phải là thu nạp vào tất cả.  Chỉ bằng cách chú tâm cẩn thận đến những nhu cầu thể lý, tình cảm, tâm trí, và tinh thần của bản thân, thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục luôn là những người vui vẻ cống hiến.

Như chúng ta nhận thấy trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ngay cả Đức Giêsu cũng cần dành thì giờ cho bản thân mình.  Những kẻ đau yếu về thể xác và tâm trí luôn vây quanh Người.  Tất cả mọi người đều đang kêu la với Đức Giêsu.  Người đang có nguy cơ bị hao mòn.  Tuy nhiên, giữa bối cảnh cuồng nhiệt đó, chúng ta vẫn đọc được rằng “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng, và cầu nguyện ở đó.”  Đức Giêsu cầu nguyện không chỉ vì bổn phận, mà còn vì nhu cầu nữa.

Nơi hoang vắng làm được gì cho Người?  Nơi đó tạo cho Người khả năng để phục hồi lại năng lực đã bị mất đi, giúp cho Người tiếp tục tập trung.  Nhưng nhất là trong suốt những giây phút cô tịch này, Người duy trì và củng cố được một điều quan trọng nhất trong cuộc đời của Người – mối tương quan với Chúa Cha.  Đây là bí quyết cho sự thành công trong sứ vụ của Người.

Lời cầu nguyện hữu ích nhất, chính là có được sự hiện diện của Thiên Chúa mà không cần phải nói hoặc làm bất cứ việc gì.  Chỉ khi được ngồi với sự hiện diện của Thiên Chúa, là người ta có thể được ngồi bên cạnh lò lửa nồng ấm.  Điều này nghe có vẻ dễ dàng, nhưng trong thực hành, quả thật rất khó khăn.  Bởi vì ngay khi dừng chân lại, thì chúng ta liền cảm thấy trống rỗng, thậm chí có lẽ còn cho rằng đó là giây phút vô dụng nữa.  Hầu hết người ta đều cho rằng bản thân mình có giá trị qua công việc.  Họ cho rằng giá trị của con người tùy thuộc vào ích lợi của người đó.  Họ không biết cách đương đầu với sự nhàn rỗi và tĩnh mịch.  Hậu quả là cuộc sống của họ có thể bị nông cạn và hời hợt.  Mặt khác, khi nhận chìm mình vào sự thinh lặng và tĩnh mịch với sự hiện diện của Thiên Chúa, thì những kế hoạch của chúng ta mất đi sức mạnh nơi bản thân mình, và chúng ta cảm nhận được giá trị đích thực của mình, không hệ tại ở sự làm việc, mà ở sự hiện diện.

Cách thế quan trọng nhất để yêu mến Thiên Chúa, chỉ đơn giản là sống với sự hiện diện của Người, để chỉ quan tâm đến Thiên Chúa mà thôi.  Rất nhiều người có khuynh hướng cho là lòng yêu mến Thiên Chúa ngang hàng với công tác xã hội.  Tất nhiên, lời cầu nguyện có thể trở thành một điều ích kỷ, tránh né và trốn tránh.  Nhưng lời cầu nguyện cũng có thể có tác dụng.  Công việc có thể là một cách tránh né khỏi phải cầu nguyện, khỏi phải tìm kiếm Thiên Chúa.  Và nếu không có lời cầu nguyện, thì người ta có thể dễ dàng trở thành người hoàn toàn qui hướng về bản thân mình, tự mình hành động, hơn là trông cậy vào Thiên Chúa.

Chúng ta có thể đánh mất chính mình trong khi làm việc.  Nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy chính mình trong công việc.  Đây là lý do tại sao trong cuộc sống, chúng ta cần có một nơi yên tĩnh.  Chúng ta cần phải học hỏi từ gương mẫu của Đức Giêsu, về cách kết hợp giữa hoạt động và chiêm niệm.  Ra đi cầu nguyện không phải là cách thế trốn thoát, nhưng điều này đưa đến sự tái cam kết.  Cần có thời gian để cống hiến, và cần có thời gian để tiếp nhận.  Để có được một cuộc sống lành mạnh, chúng ta cần phải quan tâm đến cả hai lối sống trên.

Sưu tầm

***************

Lạy Cha Đức Giêsu Kitô và cũng là Cha chúng con,

Chúng con đặc biệt xin Cha kết hợp chúng con với đời sống Đức Giêsu theo một phương diện đặc biệt:  xin chuẩn bị cho chúng con sẵn sàng kết hợp với lời nguyện của Ngài.

Đức Giêsu Kitô là Đấng hết lòng thờ phụng Thiên Chúa trong thần trí và trong sự thật, Người là Đấng trung gian duy nhất chuyển đạt lời nguyện chúng con lên ngai tòa ân sủng.

Chúng con hợp nhất trong Thần trí Đức Giêsu, xin Người dạy bảo chúng con biết noi gương Người, luôn cầu nguyện không mệt mỏi, kiên trì, tin tưởng khiêm cung, trong thần trí và trong sự thật, với một tấm lòng chân thành thương yêu tha nhân, nếu thiếu tình yêu ấy, không lời nguyện nào có thể làm thỏa lòng đẹp ý Cha.

Nguyện xin Đức Kitô dạy chúng con biết xin Cha những điều mà chính Người hằng tâm niệm ấp ủ.

Lạy Cha, xin Cha ban cho chúng con tinh thần cầu nguyện, trầm mặc và kết hợp với Cha.  Amen!

Karl Rahner

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THÁNH GIOAN DON BOSCO (Ý, 1815-1888) (có Youtube)

Cuộc đời thánh Gioan Don Bosco, như chính ngài viết trong nhật ký theo lệnh ÐGH Pio IX, ghi lại dòng Salésiens, gồm 3 phần: Sống nghèo với cảnh mẹ góa con côi; Ơn gọi làm linh mục, mở trường giáo dục con em; và lập Dòng Salésiens.  Cha Thánh suốt đời sống và phục vụ người trẻ.  Trước khi qua đời 31.01.1888, cha nói: Hãy nói với các bạn trẻ, ta chờ chúng ở trên Thiên Ðàng.  Thánh nhân được phong Chân Phước 02.06.1926, và Hiển Thánh 1.4.1934, do ÐGH Pio XI.  Lễ kính 31.1 hàng năm.  Khi phong thánh, Ðức Giáo Hoàng tôn vinh Don Bosco là cha và thầy của thanh thiếu niên.  Năm 2015, kỷ niệm 200 sinh nhật Thánh Don Bosco, Ðức Giáo Hoàng Phanxico nói: Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thánh nhân, xin hoán cải giới trẻ trong tinh thần tươi trẻ huynh đệ như xưa, ngài đã đào luyện.

I. Nghèo cảnh Mẹ Góa con côi

Thánh Gioan Don Bosco sinh 15.08.1815, lễ Ðức Mẹ Lên Trời, tại làng Becchi, Marialdo, thị trấn Castelnuovo d’Asti, bắc Ý, xa Torino 17 cây số.  Ngày 17, Gioan được rửa tội do cha Giuse Festa.  Trong sổ rửa tội ghi tên em nhỏ: Bosco Joannes Melchior.  Melchior là tên ông nội.  Chữ Don thêm vào để “tôn kính” hay “cha.”

Mẹ Gioan là Margarita Occhiena di Capriglio (+1865).  Ông bà thành hôn năm ông 28 tuổi bà 24 tuổi.  Cha của Gioan là Phanxico Aloysii, dân quê.  Ông qua đời 12.5.1817, 34 tuổi.  Năm đó, Bosco mới 22 tháng, mẹ kéo Gioan vào buồng khóc, nói: Bố không còn nữa.  Gia đình có ba anh em: Antôn con mẹ trước, Têrêxa mất khi mới hai ngày.  Giuse và Gioan.  Trong nhà còn bà nội, 70  tuổi.

Gia đình sống trong thời đói kém.  Dân làng ăn cháo bột bắp hay mì.  Người chết đói la liệt ngoài đường, miệng còn ngậm cỏ.  Có tiền cũng không mua được thức ăn.  Có lần bà mẹ nhờ người hàng xóm đi mua thức ăn.  Họ mang tiền về.  Cả nhà bàng hoàng lo sợ.  Giữa lúc túng bấn ngặt nghèo, bà qua nhà bên cạnh vay mượn chút ít.  Nhưng không ai có.  Bà nói với các con: Khi bố chết, có dặn: phải có lòng tin.  Nghe lời bố cả nhà qùi xuống cầu kinh.  Rồi bà xuống bắt con bê, nấu một phần cho con ăn, qua cơn đói.

Ngay trong những ngày đói kém, có người ngỏ ý muốn kết hôn.  Bà từ chối: Thiên Chúa cho tôi một người chồng.  Nay Chúa cất đi.  Anh trao lại cho tôi ba đứa con.  Tôi sẽ là người mẹ độc ác, nếu bỏ rơi chúng đang khi chúng cần tôi.  Người ta nói với bà tìm cho mỗi đứa một người giám hộ tốt.  Bà trả lời: giám hộ chỉ là bạn.  Tôi là mẹ, không bao giờ bỏ con.  Dù cho tôi vàng bạc.

Chính bà để tâm dạy các con đọc kinh chung, lần chuỗi và cầu nguyện.  Năm Don Bosco lên sáu, xưng tội lần đầu mẹ dẫn con đến nhà thờ, tham dự Lễ, bà xưng tội trước, sau đến con.  Ðức Pio XII nói về gia đình bà: hãy xem người phụ nữ góa, cùng ba đứa con cầu nguyện.  Chúng như thiên thần nhỏ.  Người mẹ mở tủ, lấy quần áo cho con mặc.  Ðem con đi nhà thờ làng bên cạnh.  Sau cơm tối, con cái vây quanh, bà nhắc các con 10 giới răn.  Kể cho con cuộc tử nạn Chúa Giêsu.  Sau này, Bosco kể lại, nhờ mẹ, mà mình có lòng tôn kính Phép Thánh Thể.

Mẹ không có nghề trong tay, nên Bosco làm nhiều việc, phụ giúp nuôi gia đình như: chăn bò, bửa củi, bồi bàn càfê, may quần áo…  Năm 11 tuổi, Gioan mới cắp sách, đi bộ 4 cây số, mới đến trường, do các linh mục điều hành, kỷ luật.

Nghèo, lại lận đận học hành, Bosco mất học nhiều năm.  Từ nhỏ nuôi mộng thành linh mục.  Nhưng sợ mẹ vất vả tốn kém.  Bà đã nói với con: đừng băn khoăn.  Mẹ nghèo, sống và chết nghèo.  Năm 16 tuổi, Bosco nhập tu.  Giờ rảnh Bosco xin tập họp trẻ mồ côi, vui chơi và dạy giáo lý.  Sau khi làm linh mục, cha bắt tay gầy dựng theo ước mơ.  Lần đầu 1 trẻ đến.  Ba hôm sau có 9 em.  3 tháng có 25 em.  Chẳng bao lâu, toàn trẻ mồ côi đến.  Sáng lễ, xưng tội.  Chiều giáo lý, hát vui chơi.  Cha lập các “nguyện xá” qui tụ thanh thiếu niên, vui chơi.  Cha có thiên tài viết nhạc thuyết phục trẻ và chủ trương: Nhà Salésiens thiếu âm nhạc, chỉ là xác không hồn.  Bosco yêu giới trẻ.

Có mẹ Margarita, thánh Gioan Don Bosco trở thành nhà giáo dục thanh thiếu niên tài giỏi.  Anh của Bosco nóng tính hay hành hạ em.  Bà buồn.  Cha sở thấy Gioan thông minh chọn vào nhà xứ học Latinh, chuẩn bị đi tu.  Anh ghét, bắt Gioan làm việc tối ngày lại đánh đập, có khi Gioan ngất xỉu.  Nhìn xa, biết con sẽ đau khổ, bà gửi con tới nhà cậu em, xa 20 cây số.  Ở nhà cậu, em làm bánh mì, nặng nhọc thức khuya dậy sớm.  Dưới ánh lửa tối, Gioan lấy sách ra học.  Ðôi khi bà gửi con đến nhà những người quen.

Ðến hôm người anh lập gia đình, ở riêng.  Bà mẹ đem con về nhà và gửi vào cha xứ tiếp tục tu luyện.  Ngày con nhập tu viện Torino, nghèo bà phải bán áo cưới may cho con áo chùng thâm.  Ngày con thụ phong linh mục, bà qùy nhận phép lành, bà nói: mẹ sung sướng thấy con thành linh mục.  Con thành tâm phụng sự Chúa và các linh hồn.

Có lần thấy mẹ lạnh, ăn mặc lôi thôi, cha mua cho mẹ áo mới.  Lâu không thấy mẹ mặc, cha hỏi.  Mẹ trả lời đã bán phụ tiền nuôi trẻ.  Sau nhiều năm phụ con, cạn tiền, lại già, kiệt sức, vì lũ trẻ tinh nghịch, phá phách bà xin nghỉ.  Cha nói với mẹ: vắng mẹ, còn ai giúp con.  Bà mẹ mắt mờ, lưng còng, hai mẹ con nhìn nhau, nước mắt lưng tròng, nói: Gioan con, mẹ hiểu và ở lại với con…. cho đến chếtTụi nó là con mẹ.  Sau 20 năm phụ con, bà qua đời ai cũng mộ mến và gọi là má Margarita.  Hiện có tượng má lớn ngay cổng vào làng cũ xưa.  Tay mang giỏ hoa.  Bà qua đời năm 1865.

II. Linh Mục trẻ ở Torino

Mẹ thánh nhân nói với con lúc 14 tuổi khi vào chủng viện Chierin ở Turino: Mẹ tràn đầy niềm vui, khi thấy con mặc áo chùng thâm, nhưng con nên nhớ “chiếc áo không làm nên thầy tu.”  Nếu ngày nào con nghi ngờ ơn gọi, thì mẹ van xin con, hãy chọn con đường khác.  Mẹ thích đứa con nông dân nghèo hơn linh mục sao lãng bổn phận.  Lúc con chào đời, mẹ đã dâng con cho Đức Mẹ.  Khi con đi học, mẹ đã dặn con tôn kính Người trong khó khăn.  Giờ đây con hãy chọn Đức Mẹ là nữ vương của con.

Năm 1841, Don Bosco thụ phong linh mục, lúc đầu làm tuyên úy nhà tù, sau có mẹ phụ giúp, phục vụ giới trẻ trong xóm lao động.  Và 1844, làm tuyên úy lưu xá sinh viên.  Từ 1856, hai mẹ con trực tiếp nuôi khoảng 150 đến 200 trẻ em.

Từ nhỏ Gioan cảm thấy ao ước làm linh mục.  Cậu kể lại giấc mơ, năm lên 10.  Một đêm trong giấc mơ, Gioan Don Bosco thấy mình đứng giữa bọn trẻ đang đánh nhau và chửi tục.  Cậu khuyên can, chúng không nghe.  Bỗng, người áo trắng đến mỉm cười, nói:

–   Bằng tình yêu, em sẽ biến chúng thành ngoan ngoãn đạo hạnh.

–   Nhưng thưa ông, cháu nghèo và dốt.

–   Vâng lời, chịu khó học, em sẽ làm được.

–   Thưa, ông là ai?

–   Ta là con Trinh Nữ mà mẹ em đã dạy phải cầu nguyện, em hãy xin Mẹ Ta giúp.

Rồi kìa, Ðức Mẹ xuất hiện, mặt dịu hiền, nói với Don Bosco:

–   Con nhìn xem…

Theo tay Mẹ chỉ, Bosco nhìn thấy đoàn chó dữ.  Ðức Mẹ tiếp:

– Như Mẹ xử với đoàn chó dữ thế nào, con hãy xử với các trẻ như vậy.

Từ giấc chiêm bao đó, Don Bosco hiểu được sứ vụ giáo dục phục vụ thanh thiếu niên.

Ngày kia, mẹ dẫn Bosco đi coi xiệc.  Về nhà, Bosco nảy ra, bắt chước trong xiệc “tự tập leo giây.”  Mỗi lần té, Bosco lại đọc Kinh Kính Mừng.  Sau nhiều lần, Bosco thành công.  Tập hết màn này, sang màn khác.  Cuối cùng, Don Bosco trình diễn một buổi xiệc.  Thành công.

Nguyện xá ở Valdosco

Năm 1848, chuyện xảy ra khiến cha nghĩ phải lập nhà riêng cho giới trẻ nghèo.  Là hôm  đó, cha vào phòng áo chuẩn bị lễ, thì nhìn thấy người coi phòng áo đánh đập cậu bé.  Cha đuổi ông.  Tên cậu Garetti Bartholomew, 16 tuổi, làm gạch.  Ba hôm sau cậu rủ thêm 8 người khác, đến gặp cha.  Rồi được Thiên Chúa và Ðức Mẹ thúc đẩy, Cha nghĩ ra nơi tập trung cho thanh thiếu niên đến ngày một đông.  Cha đặt tên cho trung tâm này Nguyện xá.  Các linh mục, dân chúng, trong vùng không tán thành vì cho rằng cha đã lôi kéo bọn trẻ, chúng không đến nhà thờ được.  Trong khi đó, chính quyền làm khó dễ, cho là ồn ào, mất an ninh.  Nên bước đầu cha tập trung thanh thiếu niên ngoài cánh đồng.  Ngủ lều, lưu động, mưa gió, nhất là thực phẩm vô cùng khó khăn.  Có những ngày, cha dẫn đàn em xin ăn.  Bên ngoài nhìn vào, người ta cho cha điên.  Nhưng kiên tâm, kết quả tốt, nhờ giúp đỡ người thiện nguyện.  Chính trong các Nguyện Xá có thánh lễ, ca hát, lớp học chữ và nghề.

Ngày nay, trung tâm Valdocco còn lại: lớp học, phòng ăn, phòng ngủ, sân chơi, vòi nước… xưa, rộng rãi, một lúc cho cả mấy ngàn em…  Nguyện xá lần lượt xây cất, dựng lên, với bao tiếng hoan hô và hâm mộ.  Các em đến ngày một đông.  Nổi tiếng.

III. Lập Dòng Phanxico Salésiens.

Một mình không thể làm xuể.  Có lần Cha mệt, té, tưởng chết.  Từ đó, năm 1859, cha và các cộng sự viên có ý tưởng lập Dòng Don Bosco, chuyên giáo dục thanh niên.  Có dòng nam và nữ Salésiens. Người ta thường gọi Don Bosco là Vincent de Paul mới.  Theo tinh thần của Thánh Phanxico.  Ðược Tòa Thánh công bố, 22.07.1864, mang tên Hội Ðạo Ðức thánh Phanxico đệ Salê, với sắc lệnh Decretum Laudis.  Ðức Pio IX, phê chuẩn hiến luật, 1873.

  •  1859, đầu tiên có dòng Nam, tên là “Phanxico Salésiens’’ (SDB).  Dòng lo giáo dục, dạy nghề cho thanh thiếu niên.  Dòng còn lo truyền giáo.  Triết lý giáo dục là hiểu biết và yêu thương giới trẻ.  Chân phước linh mục Michel Rua là 1 trong 8 tu sỹ khấn dòng đầu tiên.  Sau làm Bề trên kế nghiệp Cha Bosco.  Họ được chọn trong những em được cha Bosco nuôi.

Khẩu hiệu Dòng: Xin cho tôi các linh hồn.  Các sự khác cứ lấy đi (x. St. 24, 21-23)

  • 1872, Cha cùng thánh Marie Mazzarello lập Dòng Nữ mang tên “Dòng con Ðức Mẹ Phù Hộ Giáo Hữu” (FMA)
  • 1876, Cha bề trên cả Phillip Rinaldi (sau là chân phước) thành lập ‘‘Chí nguyện Don Bosco (VDB) nhiệt tâm với giới trẻ.  Họ là những người độc thân, có nam, có nữ được thánh hiến.  Dưới sự hướng dẫn của linh mục Salésiens.

Sau khi Thánh Don Bosco qua đời, những người tình nguyện và cựu học sinh mộ mến Dòng, lập ra ba tổ chức sau, yểm trợ cho Dòng tiếp tục đào tạo thế hệ trẻ.

  •  “Hội Cựu học viên Don Bosco” (FMA) gồm những học sinh đã chịu ơn Salésiens, rải  rác khắp nơi, đóng góp tài sức cho dòng Salésiens.
  • Hội Cộng tác viên Salésiens” gồm giáo dân sống trong gia đình và cả linh mục trong xứ đạo, sống Tin Mừng theo tinh thần Don Bosco, trên thế giới, phục vụ giới trẻ địa phương.
  • Hội Truyền giáo giáo dân Salésiens” gồm nam nữ độc thân hay có gia đình, làm việc tự nguyện, ít ngày, bên cạnh SDB, FMA, tại các nước truyền giáo, có người Salésiens.

Lạy thánh Gioan Don Bosco, là người cha, thầy, bạn tuyệt vời của bạn trẻ.  Xin cho chúng con biết noi gương Ngài cả đời đem hết tâm huyết nhiệt tình lo cho thanh thiếu niên, giáo dục bằng tình yêu và gương sáng, để giúp các em về và ở lại với Chúa mãi mãi.  Amen.

Sưu tầm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THOMAS AQUINAS – TIẾN SĨ KHIÊM NHƯỜNG (có Youtube)

Thánh Thomas Aquinas (Toma Aquino, 1225–1274) là phát ngôn viên xuất sắc của truyền thống Công giáo về tín lý và mạc khải.  Ngài là 1 trong 4 thầy dạy vĩ đại của Giáo hội Công giáo thời Trung cổ (3 vị kia là Alexandre Hales, Albert Cả và Bonaventura), Ngài được tôn vinh là Tiến sĩ Giáo hội và Tiến sĩ Thiên thần.  Thomas thông thái xuất chúng nhưng rất khiêm nhường.

Thomas Aquinas chào đời vào mùa xuân năm 1225 tại Rocca-secca, gần Aquino, một thị trấn ở miền Nam nước Ý.  Thomas là con trai thứ ba trong một gia đình vị vọng: Ông bà Bá Tước Landolfo và Theodora.

Lúc 5 tuổi (1230), Thomas được song thân gửi vào Đan viện Biển Đức tại Cassino để thụ huấn.  Song thân của Thomas hy vọng con trai sẽ trở thành Tu viện trưởng của Đan viện này, vì điều đó sẽ làm cho ảnh hưởng của thân phụ lan rộng hơn, và để làm vẻ vang dòng dõi quý tộc.  Nhưng năm 1235, Thomas phải rời Đan viện vì có sự tranh chấp giữa thần quyền và thế quyền, trong đó có sự tham dự của các vị lãnh đạo thành Aquino.  Là con vị lãnh chúa vùng Aquinas thuộc hoàng tộc Hohenstanfen nhưng Thomas không thích thế quyền.

Năm 1239, Thomas bắt đầu theo học tại phân khoa nghệ thuật Đại học Neapoli, và tốt nghiệp năm 1244, lúc đó Thomas vừa tròn 19 tuổi.  Tại đây, ngài rất say mê triết học của Aristote.  Cũng chính thời gian này Thomas khám phá ra ơn gọi tu trì.

Năm 1243, Thomas bỏ kế hoạch của gia đình và xin vào Dòng Anh Em Thuyết Giáo (Dòng Đa-minh), mẹ ngài rất thất vọng.  Thế nên mẹ ngài cho người bắt ngài về và biệt giam ngài ở nhà hơn 1 năm.  Thậm chí gia đình còn thuê gái điếm vào quyến rũ Thomas, nhưng ngài đã lấy cây củi đang cháy trong lò sưởi mà đuổi đi.  Ngài vẽ hình Thánh Giá trên tường và qùy xuống cầu nguyện.  Thiên thần hiện ra thắt dây đồng trinh cho ngài.  Vì thế, ngài còn được gọi là Tiến sĩ thiên thần.  Sau 1 tháng, ả gái điếm đành chịu thua.  Người chị thương em nên giúp Thomas trốn khỏi nhà.

Khi được tự do, ngài đi Paris rồi tới Cologne và hoàn tất việc học với Thánh Albert Cả.  Ngài tốt nghiệp và làm giáo sư tại Paris khi mới ngoài 20 tuổi.  Ngài sống trong dinh của Đức Giáo Hoàng Urban IV, hướng dẫn các trường dòng Đa-minh ở Rome và Viterbo, tranh luận với các tu sĩ khất thực, tranh luận với một số tu sĩ Dòng Phanxicô về thuyết của Aristote, và chống lại giáo thuyết Manich, kể cả phái Averroist.  Trong trường, Thomas rất ít nói.  Ngài thường suy tư đến ngây người nên bị gán cho biệt danh “con bò câm xứ Silixia.”  Giáo sư Albert biết lực học của Thomas nên nói trước lớp: “Hãy học theo Thomas trong cách suy nghĩ.  Đó là một con bò, nhưng tiếng rống của con bò này sẽ vang dội khắp thế giới.”  Quả thật, lời tiên báo đó của Thánh Albert Cả đã ứng nghiệm.

Năm 1248, Thomas theo thầy Albert về Cologne dạy học và tiếp tục nghiên cứu.  Cũng tại đây, Thomas được lãnh tác vụ linh mục và dần dần trở nên nổi tiếng về sự thông thái và thánh thiện.  Giáo quyền muốn dành cho Thomas nhiều chức tước và đặc ân, nhưng Thomas từ chối tất cả, chỉ muốn làm một tu sĩ bình thường, không danh vọng, không chức tước.

Trong thời gian làm giáo sư, Thomas đã đọc nhiều tác phẩm thuộc đủ các môn và đã sáng tác nhiều tác phẩm triết học và thần học rất có giá trị.  Sinh thời, danh tiếng ngài vang dội, nhiều người đổ xô đến xin ý kiến ngài.  Người ta hỏi:

– Theo giáo sư, nhàn rỗi là gì?
– Là cái búa mà kẻ thù bổ xuống đầu bạn.
– Cái gì tạo ra sức mạnh của giáo sư: Kinh nguyện, việc làm hay ý chí?
– Kinh nguyện.  Ai không cầu nguyện thì như người lính ra trận không có vũ khí.
– Làm thế nào để được cứu độ?
– Phải khiêm nhường.

Khi ở Ý, Đức Giáo Hoàng Urban IV giao cho ngài nhiều trọng trách – như giảng thuyết cho người Do thái, và muốn trao mũ gậy giám mục cho ngài nhưng ngài từ chối để được dạy học và lo việc cho nhà dòng.  Tương truyền, Thomas đã đàm đạo với Đức Mẹ, các thánh và cả với Chúa Giêsu nữa.  Có lần Chúa Giêsu hỏi: “Sách con viết, Ta rất hài lòng.  Con muốn được thưởng gì?”  Thomas đáp: “Con chỉ muốn được yêu mến Chúa mà thôi.”

Công đóng góp to lớn của ngài cho Giáo hội Công giáo là những sách ngài viết, đặc biệt là bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologiae) được viết từ năm 1266–1273.  Sự hiệp nhất, sự hài hòa và sự liên tục của đức tin và lý lẽ, của kiến thức con người tự nhiên và được mặc khải, tất cả đã thấm sâu vào những gì ngài viết.  Thánh Thomas, với tư cách là người-của-Phúc-Âm, đã trở thành người hăng hái bảo vệ chân lý mặc khải.  Ngài hiểu biết sâu rộng đủ để thấy trật tự thiên nhiên đến từ Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, và thấy lý lẽ là tặng phẩm từ trời rất được yêu mến.

Nhưng tác phẩm cuối cùng của ngài bộ Tổng luận Thần học, giải quyết toàn bộ Thần học Công giáo, lại chưa hoàn tất.  Ngài ngừng viết tác phẩm này sau khi cử hành Thánh lễ ngày 6-12-1273.  Khi được hỏi tại sao ngài ngừng viết, ngài khiêm nhường cho biết: “Tôi không thể tiếp tục… Những gì tôi đã viết có vẻ như rơm rác so với những gì tôi nhìn thấy và những gì tôi được mặc khải.”

Có một thời gian, sách của Thánh Thomas đã bị Giáo hội cấm vì cho là lạc giáo, nhưng sau đó lại công nhận và tuyên bố rằng ai không đọc sách của ngài sẽ bị lầm lạc.  Bất kỳ ai tu học làm linh mục đều phải học Triết học và Thần học của ngài.  Trước đây, các trường học đời cũng học Triết học của ngài, và ngay từ các lớp tiểu học, các học sinh đều đọc kinh cầu nguyện với ngài trước giờ học: “Lạy Thánh Thomas là quan thày các nhà trường…”.

Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô mời đến dự Công đồng Lyon II.  Nhưng khi đang trên đường tới dự Công đồng, ngài bị bệnh và qua đời ngày 7-3-1274 tại Đan viện Xitô Fossa Nuova, lúc đó ngài 49 tuổi – tuổi mà người ta cho là “tuổi độc” (49 chưa qua, 53 đã tới).  Ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan XXII tôn phong hiển thánh năm 1323, và được Đức Giáo Hoàng Piô V tôn phong Tiến sĩ Hội thánh năm 1567 vì đạo lý uyên bác và vững chắc của ngài.  Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã đặt ngài là bổn mạng các nhà thần học và các trường học Công giáo.  Giáo hội cử hành lễ nhớ Thánh Thomas Tiến sĩ ngày 28 tháng 1 hằng năm.

Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện, con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo hội một Thomas thánh thiện và thông thái, nhưng lại rất khiêm nhường; xin giúp con biết noi gương Thánh Thomas.  Lạy Thánh Thomas, bổn mạng đáng kính của con, xin soi sáng và hướng dẫn con ngay từ khi con suy nghĩ, và dạy con biết hành động như ngài, tất cả chỉ vì Danh Chúa chứ không vì thứ gì khác.  Con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-Làm-Người và cứu độ nhân loại. Amen.

Thom. Aq. Trầm Thiên Thu

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

NGƯỜI TRỪ QUỶ (có Youtube)

Anh chị em có tin ma quỷ không?  Anh chị em có thực sự tin không?  Anh chị em không biết phải trả lời ra sao nữa.  Tôi cũng vậy.  Tuy nhiên, ma quỷ đang là vấn đề thời sự.  Anh chị em hãy nhớ lại sự thành công của một cuốn phim mang tựa đề: “Exorcist” (Người trừ quỷ) được ra mắt khán giả vào năm 1970 đã phá kỷ lục bán vé.  Chuyện phim kể lại một chàng thanh niên bị quỷ ám, giống hệt anh chàng trong Tin Mừng hôm nay.  Cuốn phim được xây dựng dựa trên một trường hợp có thật của một cậu bé 14 tuổi, sống tại vùng Mt. Rainier, bang Maryland, vào năm 1949.

Một hôm trong phòng của cậu bé, các tranh ảnh, ghế bàn và chiếc giường của cậu bé đột nhiên di động.  Ban đêm hầu như cậu ta không thể nào ngủ được, vì luôn bị quấy phá.  Sau khi được nhận vào bệnh viện, cậu bé bắt đầu lầm bầm trong miệng những lời nguyền rủa hung hãn bằng những thứ cổ ngữ, và đến một lúc nào đó, dù cậu đang bị cột vào chiếc giường ngủ, thì trên thân xác cậu lại hiện ra những vết cào dài nhuốm máu.  Cuối cùng cậu đã được cứu sống nhờ được một linh mục trừ tà, và hiện nay cậu đang sinh sống tại vùng Thủ đô Washington.  Một linh mục già từng tham gia vào việc trừ tà cho cậu bé đã thề hứa sẽ không bàn luận gì về việc ấy, ngài nhấn mạnh rằng kinh nghiệm này đã thực sự biến đổi cuộc sống của ngài tốt đẹp hơn.

Thưa anh chị em, như đám đông dân chúng chứng kiến Chúa Giêsu trừ quỷ ở Hội đường Caphanaum đã bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì?  Ông ấy ra lệnh cho quỷ, quỷ cũng phải vâng theo.”  Chúng ta cũng thắc mắc: Đâu là ý nghĩa sâu xa ẩn chứa đàng sau quyền năng của Chúa Giêsu xua đuổi ác thần, quyền năng mà Chúa Giêsu đã trao ban cho Giáo Hội của Ngài?

Để trả lời cho câu hỏi này, Chúa Giêsu nói: “Ta trừ quỷ chính nhờ quyền năng Thiên Chúa, và điều ấy chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa đã đến với các ngươi rồi” (Lc 11,20).  Ý nghĩa sâu xa hơn ẩn chứa đàng sau việc Chúa Giêsu trừ quỷ chính là Vương quốc của Satan từng kiềm kẹp nhân loại dưới vòng nô lệ kể từ khi Ađam phạm tội, giờ đây đang nhường chỗ cho Vương quốc của Thiên Chúa: Nước đã đổi chủ.  Nước Thiên Chúa đã đến.  Điều này gợi ra cho chúng ta một vấn nạn khác: Nếu Chúa Giêsu đã khai mạc Vương quốc Thiên Chúa từ 2000 năm nay, vậy thì tại sao đến ngày hôm nay, điều ác vẫn còn lan rộng trên thế giới?  Nói cách khác: Nếu Chúa Giêsu đã khai mạc Vương quốc Thiên Chúa khi Ngài còn sinh thời, thì tại sao Vương quốc Satan cũng vẫn còn tác oai tác quái trong thời đại chúng ta ngày nay?

Dĩ nhiên câu trả lời sẽ là: Vương quốc Thiên Chúa không đến tức khắc.  Đó là một bước tiến từ từ.  Nó không phải là biến cố xảy đến chỉ một lúc, mà là một chuyển động liên tục xuyên suốt dòng lịch sử.  Đức Giêsu đã khai mạc Vương quốc Thiên Chúa, nhưng Ngài trao phó cho chúng ta công việc hoàn tất.  Đó là lý do tại sao trong lời Kinh Lạy Cha, chúng ta vẫn cầu nguyện: “Xin cho Nước Cha trị đến.” Chúng ta có thể sánh ví Vương quốc Thiên Chúa như một cây non.  Chúa Giêsu trồng cây ấy, nhưng Ngài giao cho chúng ta nhiệm vụ vun xới, bón phân, tưới nước cho nó.  Nhiệm vụ của chúng ta là chăm sóc làm sao cho Vương quốc ấy sinh hoa kết trái theo đúng ý định của Thiên Chúa.

Nhưng tại sao Vương quốc Thiên Chúa lại chậm đến như thế?  Tại sao Vương quốc Satan lại lâu lụi tàn như thế?  Đó là vì chúng ta đã không hoàn tất nhiệm vụ của chúng ta một cách thỏa đáng.  Chúng ta đã không thực hiện trách nhiệm làm hoàn tất Vương quốc ấy đúng như chúng ta đã có thể làm.  Thậm chí, có khi chính chúng ta lại đồng lõa với Satan, với thế lực của sự ác để làm lùi bước tiến của Nước Chúa.

Chúa Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa trên mặt đất, nhưng cuộc chiến với Satan còn kéo dài đến tận thế.  Chúng ta phải cộng tác để Nước Chúa mau thành tựu.

Anh chị em thân mến, Satan, ma quỷ thường được mô tả như một con vật xấu xí và đáng sợ.  Nếu thế thì chúng ta rất dễ nhận ra nó, và nó cũng khó lòng cám dỗ được ta.  Trong thực tế, ma quỷ không bao giờ hiện nguyên hình của nó để cám dỗ chúng ta.  Nó luôn ẩn nấp dưới những hình dáng xinh đẹp và hấp dẫn.  Nó tấn công chúng ta bằng thủ đoạn tinh vi, ngọt ngào.  Nó nắm rõ điểm yếu nhất của từng cá nhân cũng như tập thể.  Xưa nay, người bị quỷ nhập thực sự chắc không nhiều.  Nhưng chắc hẳn nhiều người bị quỷ lèo lái mà không biết.  Kitô giáo không bịa ra ma quỷ để hù dọa tín đồ.  Ma quỷ là những mãnh lực xấu xa, cố kéo chúng ta xa Chúa.  Chúng chống lại Thiên Chúa và hạnh phúc đích thực của con người.  Chúng phỉnh phờ con người bằng thứ hạnh phúc giả tạo.  Chúng ta tự hào mình không bị quỷ ám.  Nhưng thế giới hôm nay vẫn bị ám bởi nhiều thứ quỷ: quỷ tham vọng và dục vọng, sợ hãi và oán thù, ích kỷ và hưởng thụ… Có những điều vốn không xấu cũng trở thành ngẫu tượng: tiền bạc, tiện nghi, thời trang, công việc làm ăn, phim ảnh… Cái ám nào cũng làm ta mất tự do, mất trong trắng.  Cái ám từ ngoài vào, ở lại trong ta, trở nên ô uế.  Nó bắt chúng ta phải nghĩ, phải sống như theo một lập trình vi tính.  Chúng ta không thể làm khác, không thắng được bản năng và thói quen.  Chúng ta thấy mình bất lực, nên cần “Đấng Thánh của Thiên Chúa.”  Hôm nay Chúa muốn nói với tà thần ở trong tôi: “Hãy xuất ra khỏi người này!”  Nhờ ơn Chúa, tôi cũng muốn ra lệnh cho ma quỷ hãy xuất ra khỏi thế giới này.

Hôm nay chúng ta được mời gọi kiểm chứng cuộc chiến đấu của chúng ta với Satan, để phát hiện những thông đồng của chúng ta với sự ác và với ma quỷ.  Satan là “thủ lãnh của việc giết chết” và “cha của sự dối trá.”  Đối với đồng loại, chúng ta có sử dụng bạo lực không, hay chúng ta sống yêu thương và phục vụ?  Chúng ta có sống trong sự thật với Thiên Chúa và với anh em chúng ta không?

Nguyện cho Thánh lễ này, trong đó chúng ta tham gia vào cuộc chiến thắng của Chúa Kitô trên ác thần, trên tội lỗi và sự chết, làm cho chúng ta được tăng cường sức sống của Chúa để cộng tác với Ngài chiến đấu và chiến thắng sự ác trong ta và trong thế giới.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

***************

Muốn tìm hiểu thêm, xin mời đọc cuốn sách nổi tiếng “Nhà Trừ Qủy Kể Truyện” của linh mục Gabriele Amorth tại đường link sau:

https://suyniemhangngay.net/2016/09/17/nha-tru-quy-ke-truyen/

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

KINH NGHIỆM SỰ CHẾT CỦA CHA JOSE MANIYANGAT (có Youtube)

(Sau khi Chúa cho sống lại năm 1985)

Tôi sinh ngày 16 tháng 7 năm 1949 tại Kerala, Ấn Độ.  Cha mẹ của tôi là Joseph và Theresa Maniyangat.  Tôi là người con lớn nhất trong 7 anh chị em: Jose, Mary, Theresa, Lissama, Zachariah, Valsa và Tom.

Vào năm 14 tuổi, tôi gia nhập tu viện St. Mary ở Thiruvalla.  Bốn năm sau đó, tôi đổi sang tu viện St. Joseph ở Alwaye, Kerala để tiếp tục đời tu.  Sau 7 năm triết học và thần học, tôi được thụ phong linh mục vào ngày 1 tháng 1 năm 1975.  Sau đó, tôi làm công tác truyền giáo ở Giáo Phận Thiruvalla.

Vào năm 1978, trong thời gian tôi đang dạy ở tu viện St. Thomas ở Bathery, tôi là một thành viên hoạt động trong phong trào Canh Tân Đặc Sủng ở Kerala và bắt đầu tổ chức các cuộc tĩnh tâm, đại hội của phong trào Canh Tân Đặc Sủng ở Kerala.

Vào Chúa Nhật Lễ Kính Lòng Thương Xót ngày 14 tháng 4 năm 1985, khi trên đường đi dâng lễ cho một nhà thờ phía bắc ở Kerala, tôi đã bị tai nạn thật khủng khiếp.  Tôi đang lái xe gắn máy bị một người say rượu lái chiếc xe jeep đụng vào đầu xe.  Sau đó người ta chuyển tôi tới bệnh viện cách xa khoảng 35 dặm.  Trên đường tới bệnh viện, linh hồn tôi đã lìa khỏi xác, và tôi đã cảm nghiệm được sự chết.  Ngay lúc đó, tôi gặp Thiên Thần bản mệnh.  Tôi được nhìn thấy thân xác của tôi và những người đưa tôi đến bệnh viện.  Tôi nghe tiếng họ đang khóc và cầu nguyện cho tôi.  Lúc đó Thiên Thần bản mệnh nói với tôi rằng: “Tôi sẽ đưa cha lên Thiên Đàng; Thiên Chúa muốn gặp và nói chuyện với cha.”  Thiên Thần bản mệnh cũng nói với tôi trên đường đi sẽ cho tôi thấy Hỏa Ngục và Luyện Ngục.

Trước tiên, Thiên Thần dẫn tôi tới Hỏa Ngục.  Thật là một cảnh rất khủng khiếp!  Tôi đã nhìn thấy Satan và các quỷ dữ với độ nóng phừng phực khoảng 2000 độ F, giòi bọ bò lúc nhúc, người ta la hét và chửi bới, một số khác đang bị tra tấn bởi quỷ dữ.  Thiên Thần bảo tôi những người này đã mắc tội trọng mà không ăn năn hối cải khi còn sống.  Tôi đã hiểu ở đó có 7 mức độ đau đớn của hình phạt khác nhau tùy theo tội trọng mà họ đã phạm khi còn sống, linh hồn họ rất xấu xí, độc ác và kinh khiếp.  Đó là một kinh nghiệm đáng sợ.  Tôi có nhìn thấy một số người quen nhưng tôi không được phép nêu tên của họ.  Những tội bị rơi vào Hỏa Ngục chính yếu là các tội: phá thai, dâm dục, trợ tử, ghen ghét, không tha thứ và phạm thánh.  Thiên Thần bảo tôi rằng, nếu những người này thống hối trước giờ chết thì họ có thể tránh được Hỏa Ngục, chỉ phải đền bù ở Luyện Ngục.  Tôi còn hiểu rằng một số người hối cải chịu đau khổ để đền tội ở đời này.  Bằng cách đó, họ sẽ tránh được luyện ngục và được lên thẳng Thiên Đàng.

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy có cả các linh mục và giám mục ở Hỏa Ngục.  Trong số những người đó, một số người tôi không bao giờ dám nghĩ họ sẽ bị sa Hỏa Ngục.  Những giám mục và linh mục này bị sa Hỏa Ngục vì đã giảng dạy sai lầm và làm gương xấu.

Sau khi thăm Hỏa Ngục, Thiên Thần đưa tôi đến Luyện Ngục.  Ở đây cũng vậy, có 7 mức độ hình phạt và lửa cháy phừng phực khác nhau.  Nhưng ở Luyện Ngục thì không khủng khiếp như ở Hỏa Ngục.  Người ta không tranh giành và chửi bới.  Nỗi đau khổ chính của họ là không được chiêm ngắm Thiên Chúa.  Một số người trong Luyện Ngục mắc tội trọng nhưng họ đã ăn năn thống hối với Chúa trước khi chết.  Mặc dù những linh hồn này đang chịu hình phạt, họ vẫn cảm nhận sự bình an và họ biết rằng ngày nào đó họ sẽ được hưởng thánh nhan Chúa.  Tôi đã được phép nói chuyện với linh hồn ở Luyện Ngục.  Họ xin tôi và mọi người cầu nguyện cho họ để họ sớm được về Thiên Đàng.  Khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục, họ sẽ nhớ ơn và cầu nguyện lại cho chúng ta khi họ về Thiên Đàng.

Thật rất khó mà diễn tả Thiên Thần của tôi đẹp như thế nào.  Thiên Thần sáng như ánh hào quang. Thiên Thần luôn đồng hành với tôi trong công việc mục vụ, đặc biệt là mục vụ chữa lành.  Thiên Thần luôn đi với tôi bất cứ nơi nào và tôi rất biết ơn về sự bảo vệ của thiên thần cho đời sống của tôi.

Kế tiếp, Thiên Thần đưa tôi lên Thiên Đàng.  Chúng tôi băng qua con đường hầm sáng láng.  Tôi chưa bao giờ cảm nghiệm được sự bình an và hoan hỉ bằng lúc này.  Ngay tức khắc, tôi nghe thấy điệu nhạc du dương những Thiên Thần đang ca hát và tôn thờ Chúa.  Tôi nhìn thấy những vị Thánh đặc biệt là Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, nhiều giám mục và linh mục thánh thiện.  Những vị này sáng láng như các vì sao.  Khi tôi đến trước mặt Chúa, Chúa Giêsu bảo tôi “Cha muốn con trở lại trần gian, trong cuộc sống thứ hai của con, con sẽ trở nên dụng cụ hòa bình và chữa lành cho mọi người, con sẽ đến một nơi đất lạ và con sẽ nói tiếng nước ngoài, mọi sự sẽ được Cha chúc phúc.”  Sau những lời đó, Đức Mẹ Maria bảo tôi “Con hãy làm những gì Chúa bảo con, Mẹ sẽ giúp con trong công việc mục vụ của con.”

Không một ngôn từ nào có thể diễn tả được sự đẹp đẽ của Thiên Đàng.  Nơi đó chúng ta đầy tràn bình an và hạnh phúc vượt quá hằng triệu lần sự tưởng tượng của chúng ta.  Thiên Chúa rất là tốt đẹp hơn bất cứ sự tưởng tượng nào.  Mặt của Ngài sáng láng và rực rỡ hơn ngàn lần ánh sáng của mặt trời.  Những bức tranh mà chúng ta nhìn thấy ở thế giới này chỉ là những bóng mờ so với sự lộng lẫy của Ngài.  Bên cạnh Chúa Giêsu là Mẹ Maria, Mẹ rất đẹp và sáng láng.  Không có một hình ảnh nào trên thế giới có thể so sánh với vẻ đẹp thật sự của Mẹ.  Thiên Đàng là quê thật của mỗi người chúng ta.  Chúng ta cố gắng trở về Thiên Đàng và hưởng hạnh phúc nhan thánh Chúa mãi mãi.  Sau đó tôi cùng Thiên Thần trở lại trần gian.

Lúc xác tôi còn nằm ở bệnh viện, bác sĩ đã kiểm tra toàn bộ và xác nhận tôi đã chết.  Nguyên nhân của sự tử vong là do mất quá nhiều máu.  Gia đình tôi đã được thông báo khi họ còn ở xa.  Nhân viên bệnh viện quyết định đưa xác tôi xuống nhà xác.  Bởi vì bệnh viện không có máy lạnh, nên họ lo ngại xác sẽ có mùi hôi.

Ngay lúc họ chuyển xác tôi tới nhà xác, linh hồn tôi trở lại thân xác.  Tôi cảm thấy rất đau đớn bởi vì những vết thương và nhiều xương bị gẫy.  Tôi bắt đầu rên la, những người xung quanh tôi chạy tán loạn la hoảng lên vì sợ hãi.  Một trong những người đó đã đi gọi bác sĩ và nói “Xác chết đang rên la.”  Bác sĩ đến kiểm tra lại thân thể tôi và phát hiện tôi vẫn còn sống.  Bác sĩ ấy nói rằng “Cha Jose vẫn còn sống, đây là phép lạ, hãy đem cha trở lại bệnh viện.”

Khi họ đưa tôi đến phòng để truyền máu, đồng thời họ mổ và sửa lại những xương đã bị gẫy.  Họ sửa lại xương quai hàm, xương sườn, xương chậu, xương cổ tay và xương chân phải của tôi.

Sau hai tháng điều trị tại bệnh viện, bác sĩ về xương đã cho tôi biết là tôi không bao giờ có thể đi lại được nữa.  Nhưng tôi đã nói với bác sĩ: “Thiên Chúa đã cho tôi sống lại, gửi tôi về trần gian thì cũng sẽ chữa lành tôi.”  Sau một tháng cắt băng bột, tôi vẫn không thể đi lại được.  Trong lúc chúng tôi đang cầu nguyện tại nhà, tôi cảm thấy rất đau đớn ở nơi xương chậu.  Nhưng chỉ một thời gian ngắn, sự đau đớn đã hoàn toàn biến mất và tôi nghe thấy có tiếng nói với tôi: “Con đã được chữa lành, đứng dậy và đi.”  Tôi cảm thấy an bình và được chữa lành hoàn toàn trong con người của tôi.  Tôi đứng dậy và bước đi. Tôi ngợi khen và tạ ơn Chúa cho phép lạ này.

Tôi báo cho bác sĩ về cái tin mà tôi đã được chữa lành, ông ta rất ngạc nhiên.  Ông ta nói với tôi rằng: “Thiên Chúa của ông là Chúa thật.  Tôi phải theo Thiên Chúa của ông.”  Bác sĩ này là người theo đạo Hindu, ông ta đã hỏi tôi về đạo thánh.  Sau đó, ông ta học đạo và chính tôi là người đã rửa tội cho ông để gia nhập đạo Công Giáo.

Theo sứ điệp của Thiên Thần, tôi đã đến Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 11 năm 1986, với công tác là linh mục truyền giáo.  Lúc đầu, tôi làm việc cho Giáo Phận Boise ở Idaho từ năm 1987 tới 1989, kế đến tôi làm tuyên úy cho một nhà tù trong Giáo Phận Orlando, Florida từ năm 1989 tới 1992.

Năm 1992, tôi thuyên chuyển đến Giáo Phận Thánh Augustinô và làm việc tại nhà thờ Thánh Máthêu ở thành phố Jacksonville trong hai năm.  Sau đó tôi được chỉ định làm chính xứ của nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời từ năm 1994 đến 1999.  Vào năm 1997, tôi được chính thức công nhận là linh mục trong giáo phận.  Từ tháng 6 năm 1999 đến nay, tôi là cha quản nhiệm nhà thờ Đức Mẹ của Lòng Thương Xót ở thành phố MacClenny, Florida.  Đồng thời tôi cũng phục vụ cho trại tù Starke, trung tâm cải huấn Raiford và trong bệnh viện MacClenny.  Hơn nữa, tôi cũng là cha linh hướng của Hội Lêgiô Marie của địa phận.

Trong mỗi ngày thứ bảy đầu tháng, giáo xứ tôi có giờ chầu Thánh Thể và Thánh Lễ chữa lành.  Mọi người đến từ nhiều nơi trong tiểu bang Florida và các tiểu bang khác.  Tôi đã được mời đến cho mục vụ chữa lành ở nhiều thành phố lớn trong nước như New York, Philadelphia, Washington DC, San Jose, Dallas, Chicago, Birmingham, Denver, Boise, Idaho Falls, Ontario, Miami, Ft. Lauderdale, Poolsville và nhiều nước trên thế giới như Ireland, Spain, Czech Republic, India, France, Portugal, Yugoslavia, Italy, Canada, Mexico, Cayman Island và Hawaiian Islands.

Xuyên qua công tác mục vụ chữa lành qua phép Thánh Thể, tôi đã thấy nhiều người được chữa lành về thể xác, linh hồn, tâm hồn cũng như cảm xúc.  Nhiều bệnh khác nhau như ung thư, SIDA, tim, mắt, xuyễn, đau lưng, lãng tai và nhiều bệnh khác đã được chữa lành hoàn toàn.  Thêm vào đó, nhiều lần trong năm có những cuộc chữa lành đặc biệt về giòng tộc mà đã ảnh hưởng bởi tội lỗi của cha ông cũng đã được chữa lành hoàn toàn.

Vì thế chúng ta cần sự chữa lành về gia tộc.  Các bác sĩ và nhiều thuốc men không thể giúp chúng ta chữa lành về các loại bệnh tật này.

Trong mục vụ chữa lành, đã có nhiều người được nghỉ ngơi trong ơn Chúa Thánh Thần trước Thánh Thể Chúa và nhiều người được đổi mới tâm linh cũng như chữa lành về thân xác.

Tường thuật của Linh Mục Jose Maniyangat
Chuyển dịch: Anna Liên Nguyễn

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THIÊN CHÚA GẦN GŨI (có Youtube)

Đang có một dòng văn học ghi lại cảm nghiệm của những người bị chết lâm sàng trong một thời gian (vài phút hay vài giờ) rồi phục hồi về mặt y khoa và sống lại.  Nhiều người chúng ta biết đến quyển sách của bác sĩ Eben Alexander, Bằng chứng về Thiên đàng: Hành trình của một bác sĩ phẫu thuật não vào Đời sau [Proof of Heaven: A Neurosurgeon’s Journey into the Afterlife].  Mới đây, Hollywood có ra mắt bộ phim Phép lạ từ Thiên đàng [Miracles from Heaven], với câu chuyện thật về một cô gái ở Texas đã chết lâm sàng, nhưng rồi sống lại theo y khoa và đã chia sẻ những gì mình cảm nghiệm được trong đời sau.

Qua vài chục năm, đã có hàng trăm câu chuyện như thế được công bố hay đơn giản là chia sẻ với những người thân thuộc.  Điều đáng chú ý (và cũng đem lại khuây khỏa) là những câu chuyện này vô cùng tích cực, dù cho nhân vật chính theo bất kỳ tôn giáo nào.  Trong hầu như mọi trường hợp, dù rất khó tả, nhưng họ đều cảm nghiệm được một cảm giác yêu thương nồng ấm rất gần gũi, ánh sáng và sự chào đón, và một số người còn gặp được những người thân đã qua đời, đôi khi là những người thân mà họ chưa biết.  Và trong hầu như mọi trường hợp, họ không muốn trở lại cuộc sống này, như thánh Phêrô trên núi Biến hình vậy, họ muốn được ở lại đó.

Gần đây, khi diễn thuyết tại một hội thảo, tôi có nhắc đến dòng văn học này và chỉ ra rằng, dường như khi người ta chết, ai cũng lên thiên đàng.  Tất nhiên, điều này sẽ khiến ta bật ra ngay những tranh luận. “Còn địa ngục thì sao?  Khi chết đi, ta không bị phán xét sao?  Không có ai vào địa ngục sao?”  Câu trả lời của tôi cho những câu hỏi này, là trong khi tất cả chúng ta đều lên thiên đàng sau khi chết, nhưng tùy vào khuynh hướng đạo đức và tâm linh của mình, có thể chúng ta lại không muốn ở lại đó.  Như Chúa Giêsu đã nói, địa ngục là một lựa chọn, thật sự là một lựa chọn, và chính chúng ta phán xét mình.  Thiên Chúa không đẩy ai vào địa ngục cả.  Địa ngục là do chúng ta chọn.

Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ một chuyện sau buổi hội thảo đó.  Khi tôi sắp ra về, một bà tìm đến và nói là bà từng có cảm nghiệm đó.  Bà đã bị chết lâm sàng trong vài phút rồi sống lại nhờ biện pháp y khoa.  Và như cảm nghiệm của mọi người khác, bà cũng cảm thấy một sự nồng ấm, ánh sáng, và chào đón vô cùng mãnh liệt, đến nỗi bà không muốn quay lại đời này nữa.  Tuy nhiên, điều bà nhớ nhất và muốn chia sẻ với người khác nhất, là thế này: Tôi biết được rằng Thiên Chúa rất gần gũi.  Chúng ta chẳng hiểu nổi Thiên Chúa gần gũi chúng ta đến mức nào đâu.  Thiên Chúa gần gũi chúng ta hơn ta tưởng quá nhiều!  Cảm nghiệm đó đã cho bà ghi khắc luôn mãi một cảm giác về sự nồng ấm, yêu thương và chào đón của Thiên Chúa, nhưng dấu ấn sâu sắc nhất trong bà chính là cảm giác về sự gần gũi của Thiên Chúa.

Tôi chấn động trước lời chia sẻ này, cũng như hàng triệu người khác, tôi chưa cảm được sự gần gũi đó, hay ít nhất là chưa cảm được một cách rõ ràng.  Thiên Chúa có vẻ xa cách, trừu tượng và phi nhân, một Thần Linh với hàng triệu việc phải lo nên chẳng thể chăm lo cho những chuyện vụn vặt của sinh linh bé nhỏ là tôi.

Hơn nữa, là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Thiên Chúa là vô hạn và khôn tả.  Thế nghĩa là dù chúng ta có thể biết Chúa, nhưng không bao giờ hình dung nổi Chúa.  Do đó, càng khó hơn khi chúng ta hình dung một Đấng Tạo Hóa vô hạn và Đấng Bao Hàm mọi sự lại ở ngay trong chúng ta, lo lắng cho chúng ta, chia sẻ những dằn vặt của ta, và biết những cảm giác khó nói nhất của ta.

Hơn nữa, bất kỳ lúc nào chúng ta cố gắng hình dung về Thiên Chúa, thì trí tưởng tượng của chúng ta lại bị đẩy lùi trước ngưỡng không thể hình dung.  Ví dụ như, hãy thử hình dung điều này: Có hàng tỷ người trên trái đất, và hàng tỷ người đã sống trước chúng ta.  Mỗi phút, hàng ngàn người sinh ra, hàng ngàn người chết đi, hàng ngàn người phạm tội, hàng ngàn người làm việc tốt, hàng ngàn người yêu nhau, hàng ngàn người chịu khổ, hàng ngàn người rộn ràng vui sướng, tất cả chỉ là một phần nhỏ trong hàng tỷ tỷ sự kiện.  Làm sao một trái tim, một cái đầu, một con người có thể ý thức được tất cả những chuyện này, biết rõ và đồng cảm với chúng ta theo mức độ “tóc trên đầu anh em đều được đếm hết rồi”?  Thật không thể nào hình dung nổi, và đó chính là một phần định nghĩa về Thiên Chúa.

Làm sao Thiên Chúa có thể gần gũi với chúng ta như chính chúng ta được?  Đây là mầu nhiệm, và khôn ngoan thì công nhận mầu nhiệm, vì bất kỳ điều gì chúng ta có thể hiểu được thì chưa đến tận cùng thâm sâu!  Mầu nhiệm về sự gần gũi của Thiên Chúa, sự hiện diện của Ngài trong chúng ta, thật vượt quá hình dung của chúng ta.  Nhưng mọi điều trong truyền thống đức tin của chúng ta và hầu hết mọi điều trong lời chứng của hàng trăm người từng có cảm nghiệm về đời sau, đảm bảo với chúng ta rằng, dù Thiên Chúa có thể vô hạn và khôn tả, nhưng Thiên Chúa vô cùng gần gũi với chúng ta, gần gũi hơn ta tưởng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THAY ĐỔI BẢN THÂN ĐỂ ĐỔI THAY THẾ GIỚI (có Youtube)

Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua cai quản một vương quốc rộng lớn bao la.  Ông muốn đích thân đi thăm những miền xa xôi của đất nước.  Khi về đến nhà, đôi bàn chân ông sưng tấy và đau đớn, vì đường xá gập ghềnh sỏi đá.  Ông liền ra lệnh tất cả các con đường trong vương quốc phải trải bằng da lông thú để nếu ông đi thăm vương quốc thì chân ông không còn bị đau.  Cả triều đình đều thấy đó là một điều vô lý, nhưng chẳng ai dám lên tiếng.  Sau cùng, có một vị quan dũng cảm đã nói với vua: “Tâu bệ hạ, tại sao vương quốc của chúng ta lại phải tiêu tốn ngân khố một cách vô ích như vậy?  Tại sao bệ hạ lại không cho cắt những miếng da bò rồi phủ quanh đôi chân trần của mình?  Như vậy, chân Người sẽ không còn bị đau khi đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá, mà cả vương quốc sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc?”  Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị của vị quan, và thế là đôi giày da đầu tiên của nhân loại ra đời.

Có nhiều người muốn bắt cả thế giới theo mình, trong khi nếu mình thay đổi cách sống và quan niệm cá nhân, thì sẽ cảm nhận thế giới hoàn toàn khác.  Thay đổi bản thân, trong ngôn ngữ của Tin Mừng, là thành tâm sám hối.  Ngôn sứ Giona được Chúa sai đến thành Ninivê để kêu gọi dân thành sám hối.  Vào thời đó, thành phố này có tiếng là tội lỗi và hung bạo, đến nỗi khi ông Giona nghe thấy Chúa sai mình đến đó thì tìm cách chạy trốn vì sợ hãi.  Nhưng lạ thay, khi nghe lời Giona rao giảng, mọi người, từ vua cho tới dân đã ăn chay sám hối theo lệnh của vua.  Nhờ lòng sám hối, dân thành đã không bị án phạt giáng xuống.

Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng bằng lời kêu gọi sám hối.  Lời kêu gọi này còn được lặp đi lặp lại nhiều lần, ở mọi nơi Người đặt chân tới.  Sám hối là một phần quan trọng của giáo huấn Tin Mừng.  Lời kêu gọi sám hối của Chúa Giêsu đi liền với lời mời gọi tin vào Tin Mừng Người rao giảng.  Tin vào Tin Mừng là nhận biết Chúa Cha, đấng bao dung nhân hậu.  Ngài luôn chờ đợi chúng ta trở về để đón nhận sự tha thứ.  Tin Mừng kể lại có những người rất tội lỗi, nhưng đã mở lòng đón nhận giáo huấn của Chúa và được ơn thứ tha.  Lịch sử Giáo Hội cũng làm chứng cho chúng ta, rất nhiều tội nhân đã sám hối và được nên thánh.

Sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những sai sót lỗi lầm của mình, đồng thời hứa với Chúa sẽ thay đổi cuộc sống của mình nên tốt hơn.  Một khi chúng ta thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn của mình đối với những người xung quanh, chúng ta sẽ nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác.  Thay đổi cuộc sống sẽ giúp chúng ta thấy cuộc đời lạc quan  đáng yêu hơn, đồng thời thúc đẩy chúng ta đóng góp phần mình để nhân lên những điều thiện hảo trong cuộc sống.  Giống như vị vua trong câu chuyện trên đây, khi ông bọc đôi chân bằng miếng da bò, thì đi đâu cũng thấy êm ái và sạch sẽ.  Khi trong tâm trí chúng ta có những tâm tình tốt đẹp, chúng ta sẽ  khám phá những nét đẹp tiềm ẩn nơi mọi người mọi vật xung quanh.

Sám hối còn là đoạn tuyệt với quá khứ để khởi đầu một hành trình mới theo chân Đức Giêsu.  Thánh Máccô kể với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay về việc Chúa gọi các môn đệ đầu tiên.  Anrê và Simon, Giacôbê và Gioan là những người đã can đảm từ bỏ cuộc sống cũ để khởi đầu một hành trình mới.  Tiếng gọi “Hãy theo tôi” có sức thuyết phục kỳ diệu, khiến các ông sẵn sàng từ bỏ những người thân yêu và nghề nghiệp bao năm gắn bó.  Sau này, nhiều khi phải đối diện với những khó khăn, chống đối và thiếu thốn, nhưng các ông không hề hối tiếc vì sự lựa chọn này: “Thưa Thày, bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai?  Thày mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67).

Cũng như một cỗ máy cần được bảo dưỡng luôn luôn, cũng như những cây nho cần được thường xuyên cắt tỉa, tâm hồn chúng ta phải được thanh tẩy mỗi ngày, để nhờ đó, chúng ta được biến đổi, nên giống Chúa hơn.  Lời kêu gọi thay đổi cuộc đời luôn âm vang trong cuộc sống của người tín hữu chúng ta.  Đây không phải là một khẩu hiệu, mà là một lời khuyên rất thiết thực, vì “thời gian chẳng còn bao lâu.”  Thánh Phaolô đã dùng cách nói rất cụ thể để nói với chúng ta hãy lựa chọn những điều tốt nhất và lâu bền cho mình, bởi vì bộ mặt thế gian này đang qua đi, nên “những ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả…”.

“Mỗi vị thánh đều có một quá khứ; mỗi tội nhân đều có một tương lai.”  Đừng có ai mặc cảm về đời sống của mình mà không mạnh dạn thay đổi cuộc đời.  Nếu mạnh dạn tiến bước, chúng ta chẳng còn là tội nhân, mà sẽ là những vị thánh, nhờ lòng bao dung thứ tha và ơn phù trợ của Thiên Chúa.  “Tâm bình, thế giới bình,” cuộc đời này sẽ thay đổi, khởi đi từ sự thay đổi trong chính con người mỗi chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

(có Youtube)

TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ (có Youtube)

Ngày 28/8/1963, mục sư Martin Luther King, một nhà hoạt động vì dân quyền, chống phân biệt chủng tộc, đã đọc bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” tại Đài tưởng niệm Lincoln (Washington D.C, Mỹ) trước hàng nghìn người tham gia cuộc tuần hành đến Washington vì việc làm và tự do.

Trong bài diễn văn, Luther King đã nói lên ước mơ cháy bỏng của mình cho một tương lai của nước Mỹ, tương lai mà ở đó, người da đen và người da trắng được đối xử bình đẳng, chung sống hoà thuận.  Cuộc tuần hành, cùng với bài diễn văn lay động này đã gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Kennedy, thúc đẩy việc thông qua đạo luật dân quyền tại Quốc hội Mỹ.

Vài ngày sau khi bài diễn văn được đọc, tờ Los Angeles Times đã ca ngợi rằng “tài hùng biện vô song” được thể hiện bởi King, “nhà hùng biện siêu đẳng” với phong cách quá hiếm hoi đến nỗi hầu như bị lãng quên trong thời đại chúng ta, “đã khiến những kẻ chủ trương phân biệt phải hổ thẹn” bằng cách soi sáng “lương tâm của nước Mỹ” với công lý của chính nghĩa quyền công dân.

“Tôi có một giấc mơ” đứng đầu trong danh sách 100 bài diễn văn chính trị xuất sắc nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20, theo bình chọn năm 1999 của giới học giả về diễn thuyết.

Xin giới thiệu toàn văn bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” của mục sư Martin Luther King:

Một trăm năm trước đây, một người Mỹ vĩ đại mà chúng ta giờ đây đứng dưới bóng của ông, đã ký một bản Tuyên ngôn giải phóng.  Tuyên ngôn lịch sử này đã trở thành ngọn đuốc hy vọng cho hàng triệu nô lệ da đen, những người bị thiêu đốt trong ngọn lửa của sự bất công.  Nó đến như vầng dương chấm dứt đêm dài tăm tối.  Nhưng một trăm năm sau, chúng ta lại đang phải đối mặt với một sự thật bi kịch khác, người da đen vẫn chưa được tự do.

Một trăm năm sau, cuộc sống của người da đen vẫn bị kéo lê bởi xiềng xích của sự cách ngăn và cùm gông của nạn kỳ thị.  Một trăm năm sau, người da đen vẫn đang phải sống trên hoang đảo nghèo đói giữa biển cả phồn vinh.  Một trăm năm sau, người da đen vẫn tiều tụy lang thang nơi góc phố tối tăm trên đất Mỹ, chỉ thấy chính họ là kẻ lưu vong trên ngay mảnh đất quê hương mình.

Bởi vậy, chúng ta cùng nhau có mặt tại đây hôm nay, cất chung tiếng nói về điều kiện thương tâm của chúng ta.  Theo một nghĩa nào đó, chúng ta đã tới thủ đô để đòi một khoản nợ.  Khi các kiến trúc sư của nền dân chủ Mỹ viết những lời tuyệt đẹp cho bản Hiến pháp và Tuyên bố Độc lập, họ đã ký nhận vào một tờ tín phiếu, theo đó mọi công dân Mỹ đều có quyền thừa kế.

Tờ tín phiếu này mang theo một lời hứa hẹn rằng mọi người dân đều được đảm bảo quyền không thể tách rời là quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.  Nhưng hôm nay, thực tế hiển nhiên cho thấy nước Mỹ đã thất hứa vì rằng màu da của người dân Mỹ lại bị xem là rào cản trong việc sử dụng tờ tín phiếu này.  Thay vì trân trọng trách nhiệm thiêng liêng ấy, nước Mỹ đã trao cho người dân da đen một tờ séc trống không có giá trị thanh toán.  Nhưng chúng ta không tin rằng ngân hàng công lý đã bị phá sản.  Chúng ta không tin rằng quốc gia không có đủ ngân quỹ trong hầm dự trữ chứa đầy những cơ hội của đất nước này.

Bởi vậy, chúng ta đến đây để đòi nợ, một khoản nợ về quyền tự do và sự đảm bảo về công lý.  Chúng ta có mặt tại nơi linh thiêng này để nhắc nhở nước Mỹ về sự cấp thiết trong thời điểm hiện nay.  Lúc này không phải là thời điểm của sự nhượng bộ thỏa hiệp hay xoa dịu bằng những viên thuốc an thần.  Giờ là thời điểm mở tung cánh cửa cơ hội cho tất cả những người con của Chúa.  Giờ là thời khắc đưa dân tộc ta từ vũng lầy của bất công kỳ thị tới một nền tảng vững chắc của tình đoàn kết anh em.

Sẽ là tai họa cho cả dân tộc nếu lờ đi tính cấp bách của thời cuộc hiện nay và đánh giá thấp lòng quyết tâm của người dân da đen.  Không khí ngột ngạt oi bức chứa đầy sự bất bình trong mùa hè này chưa thể qua đi tới khi có được làn gió thu của tự do và công bằng tiếp sinh lực.  Những ai có hy vọng rằng người da đen cần phải xả bớt sự căng thẳng và hài lòng với những gì đã có sẽ bị vỡ mộng nếu như đất nước này trở lại với công việc như thường ngày.  Nước Mỹ sẽ chưa thể bình yên, chừng nào người da đen chưa giành được quyền công dân của mình.

Cơn lốc của cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục làm lung lay nền móng của quốc gia này cho tới ngày thấy được ánh sáng của công lý.  Trong quá trình đấu tranh giành lại vị trí xứng đáng cho mình, chúng ta không cho phép mình mắc phải những hành động sai lầm.  Hãy đừng thỏa mãn cơn khát bằng chén hận thù và đắng cay.

Chúng ta phải xây dựng các cuộc tranh đấu của mình trên nền tảng của các giá trị và nguyên tắc.  Chúng ta không cho phép những chống đối biến thái thành các cuộc xung đột bạo lực.  Chúng ta phải đứng trên tầm cao của sự hòa trộn tâm lực và trí lực.

Tính chiến đấu thấm nhuần trong đông đảo người dân da đen không được làm cho chúng ta mất lòng tin vào những người da trắng.  Rất nhiều những người anh em da trắng, như bằng chứng sự có mặt của các bạn ở đây hôm nay, đã cho thấy vận mệnh của các bạn cũng là vận mệnh của chúng ta và tự do của các bạn cũng gắn liền với tự do của chúng ta.

Chúng ta không thể bước những bước đơn độc.

Mỗi bước đi, chúng ta phải nối vòng tay bè bạn cùng đồng hành.

Chúng ta không thể quay trở lại.

Có những người đang hỏi bạn, “Rồi chừng nào bạn mới yên lòng?”  Chúng ta sẽ không bao giờ thấy yên lòng khi mà ta không thể tìm được một nơi trú ngụ trong một nhà nghỉ bên đường hay tại một khách sạn trong thành phố sau chuyến đi mỏi mệt.  Chúng ta chưa thể yên lòng chừng nào sự di chuyển của một người da đen vẫn đơn giản chỉ là từ một khu ghetto nhỏ sang một khu ghetto lớn hơn.  Chúng ta chưa thể yên lòng chừng nào một người Negro ở Mississipi còn chưa được quyền đi bầu cử, khi một người da đen ở New York còn tin rằng anh ta chẳng có gì để đi bầu.  Không, không, chúng ta không yên lòng, và chúng ta sẽ chưa thể yên lòng cho tới ngày công lý được tuôn tràn như dòng thác, và công bằng sẽ như một dòng sông cuộn chảy.

Tôi biết có những bạn tới đây vượt qua những nỗi khổ đau, gian nan thử thách.  Có những bạn mới vừa ra khỏi xà lim.  Có những bạn đến từ những nơi mà cuộc tìm kiếm tự do của bạn bị chà đạp bởi sự ngược đãi cuồng bạo và bị cản trở bởi sự tàn bạo của cảnh sát.  Các bạn đã trở thành những người kỳ cựu về chịu đựng khổ đau.  Tiếp tục tiến lên với niềm tin rằng sự thống khổ oan ức là cứu thế.

Trở về Mississippi, trở về Alabama, trở về Georgia, trở về Louisiana, trở về với những khu nhà ổ chuột ở các thành phố phía bắc của chúng ta, chúng ta tin rằng bằng cách nào đó tình trạng này có thể và sẽ đươc thay đổi.

Hãy đừng đắm mình trong nỗi tuyệt vọng.

Hôm nay, tôi muốn nói với các bạn rằng, dù hiện tại có muôn vàn khó khăn và nỗi bức xúc, tôi vẫn luôn mang trong mình một giấc mơ.  Đó là một giấc mơ bắt nguồn từ giấc mơ nước Mỹ.

Trong giấc mơ của tôi, tới một ngày đất nước này sẽ cùng đứng lên và sống một cuộc sống với niềm tin “Chúng ta coi sự thực này là điều hiển nhiên: con người sinh ra là bình đẳng.”

Giấc mơ của tôi là một ngày kia, trên những ngọn đồi ở Georgia, những đứa con của những người nô lệ và những đứa con của những người chủ nô trước đây sẽ cùng ngồi bên chiếc bàn thân thiện của tình anh em.

Trong giấc mơ của tôi, thậm chí một ngày kia, bang Mississippi, một hoang mạc ngột ngạt trong bầu không khí của bất công và kỳ thị, sẽ biến thành một ốc đảo của tự do và công bằng.

Trong giấc mơ của tôi, 4 đứa con tôi tới một ngày sẽ được sống trong một đất nước mà ở đó giá trị của chúng được đánh giá bởi chính ý chí, nghị lực cá nhân, chứ không phải bằng màu da.

Ngày hôm nay, tôi có một giấc mơ!

Tôi mơ một ngày kia bang Alabama, nơi vị thống đốc hiện thời đang luôn mồm nói về quyền can thiệp và vô hiệu hóa sẽ trở thành nơi các trẻ trai và trẻ gái da đen cùng nắm tay các bạn da trắng như anh em một nhà.

Hôm nay, tôi có một giấc mơ!

Tôi mơ một ngày kia các thung lũng rồi sẽ được lấp đầy, những quả đồi, ngọn núi sẽ được san bằng, mặt đất gồ ghề sẽ trở nên phẳng phiu, những góc quanh co sẽ được uốn thẳng tắp, và sự huy hoàng của Thiên Chúa sẽ được bộc lộ và mọi người cùng thấy.

Đó là hy vọng của chúng ta.  Đó là niềm tin tôi sẽ mang theo về miền Nam.

Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ có thể đập nát núi tuyệt vọng thành những viên đá hy vọng.  Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ biến những tiếng kêu bất hòa trong lòng dân tộc thành bản giao hưởng êm ái của tình đoàn kết anh em.  Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ cùng sát cánh bên nhau, cùng nguyện cầu, cùng chiến đấu, cùng vào nhà lao, cùng đứng lên vì tự do, vì chúng ta biết rõ một ngày kia chúng ta sẽ tự do.

Đó sẽ là ngày tất cả những người con của Chúa cùng hòa chung một bài ca: “Quê hương tôi, miền đất thân yêu của sự tự do, của người tôi hát.  Miền đất nơi cha tôi đã nằm xuống, miền đất niềm tự hào của những người hành hương, từ mọi triền núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do”.

Và nếu nước Mỹ là một đất nước vĩ đại, điều đó nhất định phải trở thành sự thực.

Hãy để tự do ngân lên từ những ngọn núi khổng lồ ở New Hampshire.

Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi hùng vĩ vùng New York.

Hãy để tự do ngân lên trên những vùng cao Alleghenies miền Pennsylvania!

Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi Rockies tuyết phủ của Colorado!

Hãy để tự do ngân lên trên những núi đồi tròn trịa của California!

Không chỉ thế,

Hãy để tự do ngân lên từ những đỉnh núi Stone Mountain của Georgia!

Hãy để tự do ngân lên trên ngọn Lookout Mountain của Tennessee!

Hãy để tự do ngân lên từ mọi triền đồi và vùng đất cao ở Mississippi.

Từ mọi triền núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do.

Khi chúng ta để tự do ngân lên, khi tự do ngân lên từ mọi làng quê, mọi thôn xóm, mọi thành phố và tiểu bang, chúng ta sẽ có thể làm cho ngày ấy đến thật nhanh, ngày mà mọi đứa con của Thiên Chúa, dù da trắng hay da đen, Do Thái hay không phải Do Thái, người theo đạo Tin Lành hay công giáo La Mã, tất cả sẽ cùng nối vòng tay hát vang lời ca linh thiêng của người da đen:

“Tự do đã đến, tự do đã đến, xin cảm ơn Đức Chúa toàn năng, cuối cùng chúng ta đã tự do!”

 Mục sư Martin Luther King

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TÌM… NHƯ THỂ TÌM CHIM (có Youtube)

Con đi tìm Chúa trong lụa là gấm vóc, trong trưng diện xa hoa mỹ lệ, trong mâm cao cỗ đầy kẻ hầu người hạ.  Người tìm con trong nghèo hèn đói rách tả tơi, trong bữa cơm rau chan mồ hôi nước mắt.

Con tìm Ngài trong nhà lầu xe hơi bóng láng.  Ngài tìm con trong nhà tranh vách đất nghiêng nghiêng.

Con đi tìm Ngài trong vinh quang chức bậc quyền uy thống trị cha chú.  Ngài tìm con trong khiêm tốn, đầy tớ khiêm nhu.

Con tìm Ngài nơi nhà thờ cao sang tráng lệ.  Ngài tìm con trong nhà nguyện túp lều rách nát phơi sương bốn mùa.

Con tìm Ngài trong sách vở kho tàng kiến thức, những tư tưởng uyên bác cao siêu.  Ngài tìm con trong dốt nát, đơn sơ khiêm hạ nhỏ bé.

Con tìm Ngài nơi người đạo đức trưởng giả quý phái.  Ngài tìm con trong người lầm lì chai đá với trái tim khô vì thèm khát tình yêu.

Con tìm Ngài trong sức mạnh phe đảng, đám đông hống hách.  Ngài tìm con trong yếu đuối cô thế cô thân, thấp cổ bé miệng.

Con tìm Ngài trong lễ nghi ồn ào náo động.  Ngài tìm con trong thinh lặng âm thầm lặng lẽ.

Con tìm Ngài nơi trưng bày ảnh tượng hoa nến lung linh nhang khói mịt mờ.  Ngài tìm con trong đáy sâu tâm hồn tình yêu sức sống

Con tìm Ngài trong biện pháp khai trừ, trục xuất, dẹp bỏ, xua đi.  Ngài tìm con ở nơi không nỡ dập tắt tim đèn còn leo lét, bẻ gẫy cây lau bị giập.

Con tìm Ngài nơi những khuôn mặt trái soan, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, môi trái tim.  Ngài tìm con trong gương mặt trái mít, mắt ghèn, mồm méo, răng mái hiên.

Con tìm Ngài nơi cô độc lẻ loi khép kín đóng khung che đậy.  Ngài tìm con trong đám đông thợ thuyền công nhân nhà máy đơn sơ mộc mạc chất phác.

Con tìm Ngài trong cơ cấu cứng ngắcluật lệ nề nếp khắt khe.  Ngài tìm con trong tình yêu con cái thắm thiết nồng nàn tung bay thoáng mát.

Con tìm Ngài nơi người trẻ hào nhoáng cao hứng bốc đồng hồng hào quyến rũ.  Ngài tìm con nơi ông già bà cả nhăn nheo trải dài mưa sương nắng gió cô đơn lẻ loi.

Con tìm Ngài trên con đường dễ dãi thênh thang, tự do phóng túng bừa bãi.  Ngài tìm con trên con đường nhỏ hẹp dẫn đến tin yêu.

Và rồi, cứ thế…cứ thế… con hụt hơi, mòn mỏi đôi chân, rã rời thân xác, mắt mờ họng ráo khô, suy sụp tinh thần.  Lạy Chúa, suốt đời con không gặp được Chúa, Chúa không gặp được con.  Để Chúa và con cứ tìm nhau mãi, tìm nhau mãi….

Mong Manh

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THẦY Ở ĐÂU – HÃY ĐẾN MÀ XEM (có Youtube)

Ðoạn Tin Mừng này đã được Ðức Thánh Cha dùng làm bài suy niệm cho ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XII.  Ðể gặp được Ðức Giêsu, cần có người giới thiệu.  Gioan đã giới thiệu Ðức Giêsu cho hai môn đệ của mình.  Ông Anrê cũng đã giới thiệu Ðức Giêsu cho em là Simon, và dẫn ông này đến gặp Ngài.

Chẳng ai thực sự gặp được Ðức Giêsu mà lại không mong giới thiệu Ngài cho người khác.  Ðức Giêsu là kho tàng cứ mãi lớn lên khi được san sẻ.  Hạnh phúc của Gioan Tẩy giả và Anrê là thấy Ðức Giêsu và người mình giới thiệu gặp nhau.

Họ chấp nhận tự xóa mình.  Gioan chấp nhận chia tay với hai môn đệ yêu dấu.  Anrê sau này chẳng được nổi tiếng bằng Simon.  Theo lời giới thiệu của Gioan, hai ông đi theo Ðức Giêsu.  Chẳng rõ họ đã đi theo bao lâu và bao xa.  Họ rụt rè không biết bắt đầu câu chuyện thế nào.  Ðức Giêsu thấy sự lúng túng dễ thương của họ.  Chính Ngài đi bước trước, mở đầu cuộc đối thoại.  Các anh tìm gì thế?

Câu hỏi này bắt họ phải trở lại với lòng mình, phải ý thức về nỗi khát khao đang chi phối mình.  Tôi đang tìm gì?  Tiền bạc, tiếng tăm, thỏa mãn?  Hay tôi đang tìm một Ai đó cho đời tôi một hướng đi?  Ðức Giêsu gợi chuyện để họ bày tỏ khát vọng của mình.

Thưa Thầy, Thầy ở đâu?  Câu hỏi này tương đương với một câu trả lời.  Chúng con muốn biết nhà của Thầy, muốn đến thăm Thầy.  Ðến nhà một người là đi vào thế giới của người đó.  Hai ông không chỉ muốn biết Ðức Giêsu qua lời Gioan.  Họ muốn đích thân gặp gỡ Ngài.  Chuyện này không ai làm thay được.

Hãy đến mà xem.  Ðức Giêsu không giấu hai ông về thế giới của Ngài.  Lời mời này vẫn vang vọng đến tai chúng ta.  Ðừng sợ đi theo Ðức Giêsu để đến nhà Ngài.  Ðừng sợ trao đổi với Ngài như một người bạn.  Nơi nào có những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, những người cô đơn, bị khinh miệt hay phản bội, những người khác văn hóa và tôn giáo, nơi đó là nhà của Ðức Giêsu.

Họ đã đến xem và đã ở lại.  Hai ông đã nhận lời mời ngay lập tức.  Không có khoảng cách giữa ước muốn và thực hành.  Chúng ta chẳng rõ chi tiết của cuộc hạnh ngộ này, nhưng chắc chắn đó là một kỷ niệm không quên.  Kinh nghiệm của hai ông cũng là của mọi Kitô hữu.  Chúng ta phải được giới thiệu Ðức Giêsu, phải đích thân gặp Ngài, và phải trở nên người giới thiệu Ngài cho thế giới.

***************

Lạy Chúa Giêsu, nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại chọn những cầu thủ bóng đá, những tài tử điện ảnh làm thần tượng cho đời mình.  Hôm nay Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai, và chúng con thật sự đắn đo trước khi chọn Chúa.  Bởi chúng con biết rằng chọn Chúa là lội ngược dòng, theo Chúa là bước vào con đường hẹp: con đường nghèo khó và khiêm nhu, con đường từ bỏ và phục vụ.

Hôm nay, chúng con chọn Chúa không phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng, nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.  Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.  Chẳng ai hoàn hảo như Chúa. 

Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa nhiều lần trong ngày, qua những chọn lựa nhỏ bé, để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con, và để chúng con thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.

Lm. Nguyễn Cao Siêu, S.J

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.