NAY ANH MAI TÔI (có Youtube)

Người ta nói: “đời như hoa trước gió” chẳng sai!  Nó sớm nở chiều tàn.  Nó mong manh như kiếp cỏ hoa.  Nó phù du như mây hợp rồi tan.  Theo thống kê của chính phủ thì trong đợt mưa lớn ngày 09 – 10/10 xảy ra ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh miền Bắc, gây nên lũ quét và sạt lở đã cướp đi hàng trăm sinh mạng, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà và hàng ngàn gia súc trôi dạt trên dòng nước mênh mông.

Nhìn vào những cái chết tức tưởi ấy ta mới thấy kiếp người thật mong manh.  Cái chết không có tuổi.  Không hẳn tuổi già cái chết mới đến, mà tuổi trẻ cũng có thể phải ra đi, vì “sinh hữu hạn, tử bất kỳ.”  Có khi người trẻ lại ra đi trước người già như trong ca dao xưa đã nói:

Lá vàng còn ở trên cây,
Lá xanh rụng xuống, có hay hỡi trời.

Sự thật này nói lên tính cách mong manh của kiếp sống con người.  Thật mong manh như hoa cỏ đồng nội mà thánh vịnh 102 cũng từng nói tới:

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
Một cơn gió thoảng là xong,
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
(Tv 102,15-16)

Nghĩ đến thân phận mỏng dòn của kiếp người, trong tâm hồn tôi chợt vang lên giai điệu bài hát “Nay anh mai tôi” của Tuấn Kim.  Lời bài hát đã bóc trần sự phù du của kiếp người hòa với giai điệu du dương khi trầm khi bổng như xé nát tâm can vì nó diễn tả quá đúng về kiếp người “nay anh mai tôi” sẽ lần lượt đi qua con đường hẹp là sự chết.

Giai điệu bài hát như dội vào tim, khiến tôi cũng muốn cất lên lời hát:

“Nay anh mai tôi, chung đường chung lối,
xuôi tay ra đi giã từ cuộc đời”.

Nhưng cuộc ra đi này cũng có phần an ủi cho kiếp người lắm truân chuyên nhiều nước mắt, vì nó mở ra cho chúng ta một chân trời mới trong ngôi nhà Cha trên trời tràn đầy an vui.

“Vì trong tiếng cười có nước mắt rơi
Về nơi quê trời, bên Chúa an vui”.

Qua bài hát này ta thấy một chân lý đã được khẳng định:

“Ngày con sinh ra, Chúa đã biết rõ, ngày con qua đời Chúa không cho hay”.

Phận số cuộc đời không tùy thuộc vào ta.  Sự sống hay chết đều nằm trong kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa.  Nhưng có sinh có tử dường như là lẽ trời mà ai cũng phải chấp nhận “nay anh mai tôi” mà thôi!

“Dòng đời ngày qua bao kẻ chia xa, mà lòng thầm suy nay người mai ta, thế gian phù hoa.”

Thế nên, sự khôn ngoan như mời gọi ta hãy sống thanh thoát với cuộc đời, đừng quá bon chen thú vui hay lợi danh, vì khi chết có mang theo được gì đâu?

“Cuộc sống mong manh chớ ham lợi danh, ngày mai chết đi sẽ mang được gì?”

Tháng 11 là tháng để nhớ và cầu nguyện cho những người đã chết.  Họ đã về với Chúa, với họ là niềm vui, vì được chuyển đổi từ sự sống tạm trần gian qua sự sống vĩnh cửu quê trời, được chuyển đổi nơi trần đời bi ai đầy nước mắt để tiến vào thiên đàng vĩnh phúc.  Có lẽ, nếu được nghe thì họ sẽ đang nói với chúng ta như nhà văn John Bun-y-an đã nói: “Các bạn đừng than khóc cho tôi.  Tôi sẽ về nhà đời đời nơi Đức Chúa Trời là Cha Đức Giêsu Kytô: Ngài sẽ tiếp rước tôi dù tôi là một tội nhân bởi công lao cứu chuộc của Con Ngài.  Tôi tin rằng, chẳng bao lâu nữa sẽ gặp nhau trên nước sáng láng của Chúa để hát bài ca mới và sống hạnh phúc trong cõi đời đời.”

Thế nhưng, trong thân phận con người ai cũng có yếu đuối cần được ân hưởng máu cứu chuộc của Con Thiên Chúa, vì “ai nên khôn mà không dại một lần.”  Ai cũng cần được thanh luyện trong tình thương của Chúa.  Vì thế, trong tình liên đới giữa người với người, và nhất là trong đạo hiếu Việt Nam luôn mời gọi con cái hãy biết đền ơn đáp nghĩa mẹ cha qua những thánh lễ cầu nguyện cho những người đã khuất, qua những hy sinh bác ái để lập công đền tội cho các tiền nhân.  Nhớ đến công lao cha mẹ không chỉ bằng những giọt nước mắt nuối tiếc mà cần phải tỏ lòng hiếu thảo qua lời kinh cầu hằng đêm và qua những việc lành phúc đức chúng ta làm cho cha mẹ mới là tấm lòng hiếu thảo mà tổ tiên đang cần nơi con cháu chúng ta.

Ước mong khi nhìn về kiếp người mong manh ta hãy cầu nguyện cho những người đã khuất hôm nay để ngày mai sẽ gặp nhau trên quê trời.  Chúng ta hãy tín thác ông bà cha mẹ và những người thân hữu đã qua đời nơi tình thương quan phòng của Chúa.  Amen!

Lm. Jos Tạ duy Tuyền

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TƯỞNG NHỚ NGƯỜI ĐÃ RA ĐI (có Youtube)

Khi tưởng nhớ đến người đã qúa cố, tâm tình buồn thương nhớ tiếc khơi dậy nơi những người còn đang sống trên trần gian.  Tâm tình này đạo đức và rất tình người.  Tâm tình này cũng dẫn đưa chúng ta đến suy nghĩ về những khác biệt trong đời sống của con người.  Mọi người đều có ngày mở mắt chào đời từ trong cung lòng mẹ đi ra, và ai cũng có ngày sau cùng của đời sống rồi được bọc trong cỗ áo quan chôn vùi dưới lòng đất.

Những người đã ra đi khỏi cuộc sống trần gian về thế giới bên kia và những người còn đang sống, trước sau vẫn thuộc về nhau.  Tất cả đã cùng chung sống với nhau.  Chúng ta và họ đã cùng chia sẻ cuộc sống niềm tin, cuộc sống tình người với nhau.  Họ đã ra đi, nhưng họ vẫn hằng hiện diện trong trái tim tình yêu mến của chúng ta.  Họ vẫn hằng sống động trong tâm tình biết ơn của chúng ta, cùng trong những kỷ niệm những ngày đã cùng nhau sống qua.

Mỗi khi cùng nhau dâng thánh lễ tưởng nhớ đến người quá cố, chúng ta muốn nói lên: không chỉ một mình tôi làm việc này, nhưng tất cả mọi người trong thánh đường đang cùng dâng thánh lễ cũng tưởng nhớ đến thân nhân của họ đã quá cố.  Vì cuộc đời ai mà không có lần đau buồn chia lìa vĩnh biệt người thân của mình đã qua đời.

Và trong thánh lễ tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô, không chỉ chúng ta người còn đang sống, mà cả những người đã quá cố cùng quây quần bên bàn tiệc thánh lễ: Tôi tin các Thánh cùng thông công.  Tôi tin phép tha tội.  Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.  Tôi tin hằng sống vậy. Amen.

Bánh Thánh, Mình Máu Chúa Giêsu nối kết người còn sống và người đã qua đời lại với nhau trong niềm tin và tình yêu mến.  Với niềm tin và tâm tình yêu mến chúng ta hôm nay:

  1. Tưởng nhớ đến Tổ tiên, Ông Bà, cha mẹ đã ra đi về cùng Thiên Chúa. Họ là những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta nên người khôn lớn. Họ là những người đã không chỉ nuôi dưỡng chúng ta bằng sữa, bằng cơm ăn áo mặc, lo lắng cho sức khỏe.  Nhưng họ đã hy sinh suốt cả cuộc đời làm tròn nhiệm vụ làm cha mẹ được Thiên Chúa giao phó, nuôi dạy uốn nắn đời sống đức tin tinh thần đạo đức của chúng ta.  Tình yêu đó, công ơn đó xin muôn đời ghi nhớ, và mỗi khi dâng Thánh lễ chúng con đều nhớ đến và mang dâng lên bàn thờ Chúa.
  1. Tưởng nhớ đến những người thân yêu ruột thịt trong gia đình đã an giấc ngàn thu: họ là chồng hay vợ; là con cái, cháu chắt, anh chị em, cô cậu, chú bác, cô dì. Với họ chúng ta đã cùng nhau trải qua những chặng đường đời sống vui buồn cay đắng ngọt bùi, đã cùng nhau sống những giờ phút thành công cũng như thất bại, hy vọng có, lo âu sợ sệt cũng có. Một phần đời sống của ta từ nơi họ và một phần đời sống của họ cũng từ nơi ta.  Ân nghĩa, tình yêu và những kỷ niệm này luôn hằng khắc ghi trong tâm khảm người còn đang sống, và xin dâng lên bàn thánh hợp cùng hy lễ Chúa Giêsu trên thánh giá.
  1. Xin tưởng nhớ đến các linh mục, những người được Thiên Chúa và Hội Thánh trao nhiệm vụ săn sóc tinh thần đạo đức cho các tín hữu trong các xứ đạo. Sau những năm tháng âm thầm hy sinh làm việc tông đồ, họ đã trở về với Chúa. Sự hy sinh và lòng quảng đại sống rao giảng, làm nhân chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa trong các xứ đạo của các linh mục là ân đức của Chúa ban tặng cho con người.  Người tín hữu Chúa Kitô vui mừng và cảm thấy an ủi vì có linh mục, vị hướng dẫn tinh thần, là người cùng đồng hành trong cuộc sống niềm tin vào Thiên Chúa.  Linh mục vui và cảm thấy được nâng đỡ vì có Thiên Chúa ở cùng ông trong mọi hoàn cảnh, và nhất là được cùng chung sống xây dựng phát triển đời sống niềm tin với mọi người tín hữu.  Các cha nằm nơi nghĩa trang sâu trong lòng đất mẹ.  Những người tín hữu xưa kia đã cùng chung sống trong xứ đạo không quên ơn các cha.  Nơi bàn thánh xưa kia các cha cùng dân Chúa dâng thánh lễ, ngày nay khi dâng thánh lễ họ cùng hợp với của lễ Chúa Giêsu nhớ đến cầu nguyện cho các cha.
  1. Xin nhớ đến các Nữ Tu cùng các Thầy Dòng đã chọn đời sống thanh tịnh theo tiếng gọi của Chúa trong Hội Dòng, đã được Thiên Chúa gọi về đời sau. Xưa kia các Thầy, các chị em Nữ Tu đã nghe tiếng Gọi của Chúa từ trời cao từ bỏ mọi sự có thể có, và được phép hưởng dùng, chọn nhận sống đời khiết tịnh nhiệm nhặt, đời phục vụ cho ích chung của nước Chúa và cho con người. Đời sống từ bỏ hy sinh vác thánh giá và âm thầm cầu nguyện của các Thầy, các chị em Nữ tu là nhân chứng sống động cho tình yêu Thiên Chúa giữa trần gian.  Xin dâng lên bàn thờ Chúa trong các thánh lễ cầu cho các Thầy, các anh chị em Nữ tu.
  1. Xin nhớ đến các Bạn Bè người quen thân, các vị ân nhân ngày xưa đã cùng nhau trải qua những giờ phút vui buồn, những kỷ niệm êm đẹp. Giờ đây họ đã thành người thiên cổ. Xin cám ơn lòng ưu ái tình người chúng ta đã trao cho nhau và xin dâng các Bạn lên bàn thờ Thiên Chúa, Đấng là đời sống và ơn cứu chuộc của con người chúng ta.
  1. Xin nhớ đến những nạn nhân đã qua đời vì thiên tai bão lụt, hạn hán, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật và những người mồ côi bơ vơ không có ai nhớ đến. Họ tất cả là con Chúa và niềm tin dạy chúng ta: Họ cũng được Thiên Chúa cứu độ. Nơi bàn tiệc thánh Chúa Giêsu họ có chỗ ngồi đồng hàng với tất cả mọi người.  Xin cùng với ánh nến tình thương liên đới dâng lên bàn thờ Thiên Chúa nguồn tình yêu thương lời kinh cầu nguyện cho linh hồn họ đã về nơi chín suối ngàn thu.
  1. Xin tưởng nhớ đến những thành viên trong Cộng đoàn chúng ta đã được Thiên Chúa gọi về. Cộng đoàn được thành lập cho chúng ta, và do chúng ta cùng chung lưng đấu cật xây dựng nên từ bao năm qua. Những hy sinh đóng góp của mỗi người trong cộng đoàn là những viên gạch xây dựng nên ngôi nhà cộng đoàn đức tin sống động vào Thiên Chúa Ba ngôi.  Mỗi khi nhớ đến những người xưa kia đã cùng chung vai sát cánh xây dựng nên Cộng đoàn, mà giờ đây họ đã ra đi về với Chúa trước chúng ta, Cộng đoàn chúng ta ngậm ngùi nhớ đến họ với lòng biết ơn và cảm phục.  Xin cùng dâng lời kinh tiếng hát hòa lẫn trong làn hương khói và ánh nến cầu nguyện cho họ trước bàn thờ Thiên Chúa Ba ngôi.
  1. Xin nhớ đến các em hài nhi đã qua đời hay bị phá hủy sự sống ngay khi đang còn là thai nhi trong thời kỳ phát triển thành hình nơi cung lòng mẹ. Các em thai nhi vô tội bị phá hủy hình hài sự sống là những Thiên Thần bé nhỏ của con người trước tòa Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống và lòng nhân lành. Xin thắp những ngọn nến hồng nhỏ bé nhớ về các Thiên Thần vô tội.  Các Thiên Thần tí hon vô tội là những vị cầu bầu cho chúng ta trước ngai tòa Thiên Chúa tình yêu.
  1. Trước nấm mồ chúng ta muốn đọc lại sứ điệp của những người đã ra đi về đời sau nhắn gửi lại:

–  Tôi ra đi bây giờ nằm sâu dưới lòng đất, hay đã bị thiêu hủy thành tro bụi.  Nhưng tôi tin rằng tôi trở về cùng Thiên Chúa, Đấng sinh thành ra tôi.

–  Tôi nằm sâu trong lòng nấm mồ này.  Nhưng tôi vẫn hằng hy vọng trông mong Thiên Chúa sẽ cứu độ linh hồn tôi, và sẽ cho tôi sống lại được hưởng đời sống bất diệt, như Ngài đã cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

–  Tôi bây giờ nằm chôn kín trong nấm mồ xây kín bằng xi-măng cát đá.  Nhưng tôi hằng có tâm tình yêu mến Thiên Chúa của tôi.  Vì Ngài là Cha đời tôi, Ngài hằng yêu mến tôi.  Và tôi tâm niệm rằng:

–   Những gì ngày xưa tôi xây dựng làm ra, giờ này tôi phải bỏ lại.

–   Những gì ngày xưa tôi thu góp tích lũy để dành, giờ này tôi không mang đi được.

–   Nhưng những gì ngày xưa tôi cho đi, bây giờ tôi nhận lãnh trở lại.

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

HÃY SỐNG TRONG SỰ THẬT (có Youtube)

Đêm kia tại một làng đánh cá bên Ấn Độ, một ngư phủ nghèo lẻn vào trong hồ cá của một người nhà giàu để thả lưới.  Nhưng chưa kịp kéo lưới lên thì bị người giàu phát hiện.  Người này cho gia nhân bủa đi khắp nơi quanh cái hồ mênh mông của mình để bắt cho bằng được tên trộm.

Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp nơi mà không thấy bóng dáng tên trộm đâu cả.  Trong khi đó thì anh ngư phủ nghèo lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần đó y hệt một nhà hiền triết hay một đạo sĩ.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân không thấy kẻ trộm mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình trong suy tư và cầu nguyện.  Chỉ một ngày hôm sau tiếng đồn đã vang đi khắp nơi rằng có một đạo sĩ đang tu luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ.

Thế là thiện nam tín nữ từ các ngã đường đổ xô đến gốc cây để chiêm ngưỡng vị tu hành.  Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc.  Không mấy chốc mà quà cáp tuôn đổ tràn lan quanh nhà tu hành bất đắc dĩ.

Nhà tu hành mới nhủ thầm trong bụng: Thà đánh lừa bà con để sống còn hơn là đánh cá suốt ngày mà chẳng được gì.  Nghĩ như thế rồi, ông ta tiếp tục đóng vai tu hành, ngày đêm tụng niệm và chờ đợi sự tiếp tế của dân làng.

Anh chị em thân mến, “Chiếc áo không làm nên thầy tu.”  Người đánh cá bất đắc dĩ phải trở thành vị tu hành trên đây có thể là một hình ảnh không xa lạ bao nhiêu đối với chúng ta.  Một cách nào đó, có khi chúng ta cũng sơn vẽ cho mình một nước áo đạo đức để đánh lừa bà con và đánh lừa chính mình như những Luật Sĩ và Pharisêu giả hình mà hôm nay Chúa Giêsu kịch liệt chống đối.  Họ thường phô trương, tự phụ, tranh giành địa vị, tìm kiếm danh vọng.  Họ chép những câu Kinh Thánh đeo lên trán, buộc vào cổ tay, để chứng tỏ họ ghi nhớ và tuân giữ luật hơn bất cứ ai khác.  Khi đi dự tiệc, họ phải ngồi vào chỗ danh dự.  Ở Hội đường, họ phải ngồi chỗ nhất và ở nơi công cộng, họ đòi được chào kính, xưng hô là Thầy.  Họ muốn tôn mình lên cao hơn mọi người.

Ngược lại với thái độ đạo đức giả và kiêu căng tự phụ của những Luật Sĩ và Pharisêu.  Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ và cũng là cho cộng đoàn Kitô hữu chúng ta, một thái độ sống chân thật: đó là phong cách thể hiện tình huynh đệ, sự bình đẳng và tinh thần phục vụ.  “Anh em chỉ có một Thầy, một vị lãnh đạo, là Đức Kitô.  Anh em chỉ có một Cha, là Cha trên trời.  Còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.”  Vì thế, “trong anh em, người làm lớn hơn cả phải làm đầy tớ anh em”.

Thưa anh chị em, đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, tất cả Giáo Hội của Chúa Kitô, từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân phải bình tâm suy nghĩ.  Những lời Chúa nói trước các Luật sĩ và Pharisêu ngày xưa phải có tiếng vọng đến chúng ta ngày nay.  Pharisêu không còn, nhưng não trạng pharisêu chưa chết, vẫn còn sống mãi.  Giáo Hội qua các thời đại phải nhìn nhận rằng những phô trương lòe loẹt, chủ nghĩa hiếu thắng trần tục (triomphalisme) đã đi vào trong hàng ngũ Giáo Hội.  Những chức tước, áo mũ cân đai, cờ quạt, kiệu rước… đã làm hoen ố đi hình ảnh một Giáo Hội chân thật, một “Giáo Hội nghèo của người nghèo.”  Công Đồng Vatican II đã bỏ đi nhiều những điều phù phiếm đó và muốn cho Giáo Hội mang khuôn mặt đích thực của Chúa Kitô khiêm tốn, phục vụ.

Đức Cha Bernard Topel (1903-1986) Giám Mục giáo phận Spokane, WA. Hoa Kỳ, đã viết trên báo của Giáo phận: “Trong thời kỳ họp Công Đồng, các Giám Mục thường hay nói về Giáo Hội như Giáo Hội của người nghèo, tôi nghe mà sinh bối rối, vì tôi chưa thấy chúng ta là Giáo Hội của người nghèo chút nào cả!”  Từ cái bối rối này, Đức Cha Topel đã thực thi Công Đồng cách quyết liệt gần như Thánh Phanxicô Assisi thực thi Tin Mừng: Đức Cha đã bán Tòa Giám Mục, nhẫn vàng, thánh giá, giây đeo và gậy cẩn ngọc thạch để lấy tiền giúp người nghèo.  Với bốn ngàn đô, Ngài mua một căn nhà ở ngõ cụt để làm tư dinh.  Sau giờ làm việc, Ngài về làm vườn, trồng rau, xin đầu cá nấu ăn.  Nhiều người không tán đồng, họ nói: “Vua thì phải sống cho ra Vua, Chúa thì phải sống cho ra Chúa, Giám mục thì phải sống cho Giám mục.”  Nguyên là thạc sĩ toán học, Đức Cha trả lời: “Không phải là kết toán làm thành bài toán.  Bài toán chúng ta là phải trừ, chia và nhân: phải bớt tiêu xài xa hoa, để chia sẻ với những người nghèo khó, và nhân thêm niềm hy vọng sống xứng đáng cho họ.”

“Trong anh em, ai lớn hơn cả phải là người tôi tớ phục vụ.”  Trong Nước Trời, không ai có quyền thống trị kẻ khác, tất cả chúng ta đều là anh em.  Ngay cả việc hành xử quyền bính, cho dù thuộc phạm vi dân sự hay tôn giáo, cũng chỉ là một hình thức phục vụ, Đức Giáo Hoàng tự nhận là “Tôi tớ của các tôi tớ” (Servus servorum).  Người cha, người mẹ trong gia đình, sở dĩ được các con cái quý mến là vì biết tận tụy phục vụ, hy sinh cho con cái.  Càng cho đi, càng được nhận lại, càng cho đi nhiều, càng được nhận lại nhiều hơn.  Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ.  Ngài đã tự hạ, vâng phục cho đến chết trên thập giá vì yêu thương loài người chúng ta.  Chính vì thế, Ngài đã được siêu tôn là Đức Chúa: “Ai tự hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.  Ai tự tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống”.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu tỏ ra thông cảm và khoan dung đối với mọi người tội lỗi, mọi hèn yếu của con người.  Nhưng Ngài lại có thái độ khe khắt đối với thói giả hình của những người Pharisêu.  Ngài không ngừng kêu gọi các môn đệ của Ngài cẩn thận giữ mình kẻo vướng lây phải thói tật đáng ghét này.  Chúng ta giữ đạo, nhưng có lẽ chưa sống đạo.  Có khi chúng ta mang lớp sơn đạo đức bên ngoài mà thiếu thực chất của một lòng đạo đức chân thật bên trong.  Hãy sống trong sự thật trước mặt Chúa và anh chị em.  Nhờ khiêm tốn và phục vụ, chúng ta sẽ sống theo đúng đường lối của Chúa và dễ dàng sống với anh em như đòi hỏi của đức ái: mến Chúa – yêu người.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.