XIN LỖI (có Youtube)

Một trong những ngôn từ đẹp và uy lực nhất trong cuộc sống, đó là lời “xin lỗi.”  Chúng ta biết rằng ai cũng có lỗi lầm và sai phạm ít hay nhiều, vì vô tình hoặc hữu ý.  Là người công giáo, mỗi khi tham dự thánh lễ, trong phần sám hối, chúng ta đọc Kinh Cáo Mình xưng thú tội lỗi: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.”  Lỗi tại tôi, nên tôi xin Thiên Chúa Toàn Năng và anh chị em tha lỗi.  Lời Kinh rất đẹp và ấn tượng, nhưng điều quan trọng là tâm hồn của chúng ta có thật sự hối lỗi hay không?

Lời “xin lỗi” trong mọi hoàn cảnh đều rất quan trọng.  Xin lỗi là bước đầu của sự hòa giải, là cầu nối của sự cảm thông, và là nền tảng của sự bình an trong tâm hồn.  Xin lỗi là khai mở một chân trời mới trong tình người.  Làm lỗi thi hãy mau xin lỗi.  Lời “xin lỗi,” xem ra rất đơn giản, nhưng rất khó thực hiện.  Nó đòi hỏi một thái độ khiêm nhu, hạ mình, thành thật và chạnh lòng.  Người ta thường nói: “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh kẻ chạy lại.”

Thiên Chúa thưởng phạt công minh.  Dân Do-thái, dọc theo lịch sử Ơn Cứu Độ, đã nhiều lần dân chúng phạm tội bất tuân và phản nghịch, nhưng khi họ biết hối lỗi quay về, Thiên Chúa đã thứ tha.  Như câu truyện của Vua Đavid đã phạm tội ngoại tình và giết người, sau khi được cảnh tỉnh, Đavid đã cúi mình nhận tội hối lỗi và xin lỗi Chúa.  Chúa đã thứ tha.  Có rất nhiều gương sám hối của các vị thánh nhân như Phêrô, Phaolô, Augustinô…. các ngài đã tỉnh thức nhận lỗi, sửa lỗi và xin lỗi.  Các ngài đã trở nên những vị thánh vĩ đại.

Nhiều khi chúng ta đã làm điều sai trái và phạm lỗi lầm, nhưng nếu bị người khác hạch hỏi hay chất vấn, chúng ta thường giận dữ, biện hộ, chối quanh, đổ lỗi hoặc tránh né.  Chối tội như kiểu ông bà nguyên tổ Ađam và Evà.  Sau khi phạm tội trái lệnh Thiên Chúa, Chúa hỏi tội: Ông Ađam đã đổ lỗi cho bà Evà và Evà đổ lỗi cho con rắn.  Để tìm sự công bằng thưởng phạt, các tổ chức xã hội đã lập ra các nhà giam, nhà tù, nhà cải huấn, rồi có các luật sư và trạng sư…. để điều tra phân xử.  Có nhiều người đã phạm tội, nhưng vì sợ, đã không đủ can đảm để khai báo sự thật.  Họ tìm cách giấu diếm phi tang lỗi phạm.  Tâm hồn họ chưa tìm sự bình an đích thực.  Họ chưa thể thắng vượt mình.  Thật vậy, thắng mình không luôn dễ.

Sống chung với nhau trong gia đình hay ngoài xã hội, qua cách ứng xử hằng ngày, chúng ta không thể tránh khỏi mọi sự va chạm, hiểu lầm và gây gỗ.  Dù sống bên nhau và gần nhau lâu, nhưng chưa hẳn đã cảm thông và hiểu nhau.  Có nhiều điều rất nhỏ như một câu nói gắt gỏng, một lời diễu cợt, một câu viết mơ hồ hoặc một thái độ hờ hững có thể làm phật lòng nhau.  Cách chữa lành hiệu qủa và nhanh nhất, đó là lời “xin lỗi.”  Vậy thì: Ai là người phải xin lỗi trước?  Ai là người phải làm hòa trước?  Vấn đề căn cốt là cái “tôi.”  Tự vấn: Tôi không làm gì sai.  Tôi không phải xin lỗi ai cả.  Cái “tôi” tự ái thổi phồng.  Thánh Luca nhắc nhở: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6, 41).

Các bạn ạ, ai trong chúng ta cũng có lầm lỗi.  Điều quan trọng là chúng ta có dám nhận lỗi và xin lỗi hay không.  Thánh Gioan khẳng định: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Jn. 1, 8).  Biết mình là đầu mối sự khôn ngoan.  Ai biết nhận lỗi và xin lỗi là người khôn và cao thượng.  Lời “xin lỗi” sẽ giúp phá vỡ tất cả các bức tường ngăn cách, ghen ghét, thù hận và hiểu lầm.  Người dám nói lời xin lỗi là người thắng cuộc.  Thắng mình và thắng người.  Lời “Xin Lỗi” cần có đối với tất cả mọi người trong mọi hoàn cảnh, không phân biệt cấp bậc và vị thế, từ các nhà lãnh đạo cao nhất của xã hội, cũng như giáo hội, tới mọi thành phần dân chúng.

Đẹp biết bao khi bề trên biết xin lỗi kẻ dưới, thầy xin lỗi trò, trò xin lỗi thầy, chồng xin lỗi vợ, vợ xin lỗi chồng, con cái xin lỗi cha mẹ, cha mẹ xin lỗi con cái, anh chị em xin lỗi nhau và bạn bè xin lỗi lẫn nhau.  Gia đình sẽ sống trong bầu khí an vui, cộng đoàn sẽ lạc an và thế giới sẽ hòa bình.  Nhận lỗi về mình là một cung cách cao đẹp.  Biết rằng đôi khi sự gây lỗi có thể do hiểu lầm, thiếu hiểu biết, nông cạn, tự ái hay thiển cận trong vấn đề.  Gây lỗi, chúng ta hãy xin lỗi.  Chiếc bóng đầy hơi sẽ xẹp.  Giây cung căng sẽ chùn.  Cơn nóng giận sẽ nguôi.  Sự háo thắng sẽ hạ.  Cầu thông cảm sẽ nối và tình người sẽ hòa.

Biết xin lỗi, chúng ta sẽ được lợi nhiều điều.  Chúng ta sẽ tránh được biết bao đổ vỡ và nghi kỵ.  Chúng ta sẽ thắng mình và thắng bạn.  Cuộc sống sẽ an vui.  Tâm hồn được thanh thản và an lạc.  Quan trọng nhất là chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1Jn. 1, 9).

Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TIỀN BẠC DƯỚI CON MẮT CỦA TÔN GIÁO (có Youtube)

Không một ai, dù là cá nhân hay tổ chức, nắm trọn con đường đến với Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đã làm quá rõ ràng điều này.

Ví dụ trong câu chuyện Chúa Giêsu tẩy uế đền thờ bằng cách lật tung các bàn đổi tiền.  Việc này thường được dùng để biện minh cho những cuồng nộ và bạo lực được làm dưới danh Chúa.  Luôn luôn là thế, khi có người quả quyết Thiên Chúa bất bạo lực, thì họ sẽ gặp phản ứng: “Vậy việc Chúa Giêsu đuổi những người đổi tiền ra khỏi đền thờ thì sao?”  “Vậy Chúa Giêsu nổi nóng, nổi giận thì sao?”

Dù các câu hỏi này có hợp lý gì đi nữa, thì chuyện Chúa Giêsu tẩy uế đền thờ vẫn có một dụng ý sâu xa hơn.  Điều này đặc biệt rõ ràng trong Tin mừng theo thánh Gioan, khi sự kiện này được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu đang thay thế một loạt những tục lệ tôn giáo cũ bằng một cách thức Kitô mới.  Ví dụ như, ngay trước sự kiện tẩy uế đền thờ, ở tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã thay thế một tục lệ tôn giáo cũ (khi bước vào nhà một người Do Thái, bạn phải thanh tẩy bằng một loạt các nghi lễ tẩy uế trước khi ngồi vào bàn) bằng một cách thức Kitô mới tự thanh tẩy bản thân để được ngồi vào bàn tiệc thiên quốc (với các Kitô hữu thì rượu của cộng đoàn Kitô giáo, rượu của Phép Thánh Thể, giờ đây sẽ thanh tẩy để bạn có thể ngồi vào bàn tiệc nước trời).

Việc tẩy uế đền thờ cần được hiểu trong bối cảnh đó:  Chúa Giêsu đang thay thế việc thực hành tôn giáo cũ bằng một cách thức Kitô mới, và Ngài đang mặc khải một điều rất quan trọng về Thiên Chúa khi làm như thế.  Diễn tả theo ẩn dụ như sau: Chúa Giêsu đang thay thế loại tiền tệ tôn giáo cũ bằng một loại tiền tệ tôn giáo mới.  Đó vừa là một phép ẩn dụ vừa là một bài học:

Chúng ta tất cả đều quen thuộc với sự kiện này:  Chúa Giêsu đi vào khu vực đền thờ, nơi những người đổi tiền đặt bàn của họ, Ngài lật tung bàn, đuổi hết những người đổi tiền và nói rằng: “Đem hết tất cả những thứ này khỏi đây, và đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.”

Nhưng phải hiểu chuyện này một cách cẩn thận.  Xét sơ qua, bản văn này có vẻ rõ ràng là như vậy, nhưng đàng sau lại đầy tính hình tượng vi tế (cho dù ý nghĩa thật rõ ràng đi nữa).  Chúng ta khơi mở ý nghĩa của chuyện này thế nào đây?

Điều quan trọng là phải nhận ra những người đổi tiền đó đang làm một công việc cần thiết.  Dân chúng từ nhiều nơi đổ về Giêrusalem để cử hành việc thờ phượng trong đền thờ.  Họ đem theo đồng tiền của nước mình, và khi đến đền thờ, họ phải đổi sang đồng tiền Do Thái để có thể mua những con vật (bồ câu, cừu, dê) dùng làm lễ tế.  Những người đổi tiền làm công việc này, cũng như nhân viên ngân hàng bây giờ, khi bạn ra nước ngoài, bước xuống máy bay là phải đến quầy đổi tiền để có tiền nước đó dùng.

Tất nhiên, trong số những người đổi tiền đó, có một số người thiếu lương thiện, nhưng đó không phải là lý do Chúa Giêsu phản ứng mạnh quá đỗi như vậy.  Và cũng không phải là Ngài thấy bị xúc phạm quá đáng khi việc đổi chác xảy ra tại một nơi thiêng liêng như thế.  Khi Chúa Giêsu nói, “đem hết những thứ này ra khỏi đây và đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”, là Ngài đang dạy một điều, vượt trên yêu cầu phải sống lương thiện, và cũng vượt trên yêu cầu không được buôn bán trong đền thờ.  Sâu xa hơn, là “đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” phải hiểu như sau: “Khi đến thờ phượng Thiên Chúa, ngươi không cần phải đổi tiền của mình qua bất kỳ tiền tệ nào khác.  Ngươi có thể thờ phượng Thiên Chúa bằng tiền tệ của mình, bằng đồng tiền của mình.  Không một ai, không một cá nhân, không một đền thờ, không một Giáo hội, không một tổ chức nào, tuyệt đối là không một điều gì, được phép đứng giữa ngươi và Thiên Chúa mà nói rằng: “Anh phải đi qua tôi mới được!”’

Đó là một lời dạy mạnh mẽ và sẽ không hợp lắm với nhiều người trong chúng ta.  Ngay lập tức, họ sẽ bật ra câu hỏi: “Vậy giáo hội thì sao?  Giáo hội không cần thiết cho ơn cứu độ sao?”  Câu hỏi đó thậm chí càng đau lòng hơn nữa, khi thời này, nhiều người nói thẳng ra họ không cần đến Giáo hội: “Tôi có lòng đạo, nhưng không theo tôn giáo.”

Cứ cho là có một nguy cơ trong việc khẳng định và nhấn mạnh lời dạy này của Chúa Giêsu, nhưng, và đây là điểm mấu chốt, lời dạy này không hướng đến những người vào thời đó đang mở miệng nói: “Tôi có lòng đạo, nhưng không theo tôn giáo.”  Đúng hơn, lời dạy này nhắm đến những cá nhân có tôn giáo và các tổ chức tôn giáo đang nghĩ rằng con đường đến với Thiên Chúa phải đi qua con đường dẫn cụ thể (con đường đó đang nằm trong tay họ).  Tất cả mọi đồng tiền tôn giáo đều phải được đổi sang đồng tiền tôn giáo riêng của họ, vì họ nghĩ rằng, họ nắm con đường đến với Thiên Chúa.  Chúa Giêsu đã cố gắng thanh tẩy chúng ta khỏi bất kỳ thái độ hay hành động nào mang suy nghĩ như thế.

Điều này không bác bỏ sự chính đáng hay cần thiết của Giáo hội cũng như những người phục vụ trong Giáo hội.  Thiên Chúa làm việc qua Giáo hội và các thừa tác viên của Giáo hội.  Nhưng điều này bác bỏ bất kỳ tính chính đáng nào khi người ta cho rằng Giáo hội và các thừa tác viên của mình mới nắm con đường đến với Thiên Chúa.

Không một ai nắm giữ con đường đến với Thiên Chúa, và nếu Chúa đã từng nổi nóng thì đó là vì đôi khi chúng ta tin rằng con đường đến với Ngài đang hoàn toàn nằm trong tay mình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

VINH QUANG THẬP GIÁ (có Youtube)

Họa sĩ người Ý, Raphael (1483 – 1520), khi chết mới 37 tuổi, nhưng đã để lại một số lượng tác phẩm tuyệt vời cho hậu thế.  Một trong những tác phẩm danh tiếng của ông có tên là “Cuộc Biến Hình”, “Transfiguration”.  Trong tang lễ, bức tranh này đã được đặt trên đầu quan tài của ông.  Bức tranh vẽ có hai phần.  Phần trên, diễn tả cảnh Chúa Giêsu biến hình trong sự sáng láng và vinh quang của Ngài, mặt Ngài chiếu sáng, áo Ngài trắng như tuyết.  Bản tính Thiên Chúa ngời sáng qua nhân tính của Ngài.  Ở bên phải là Môsê, đại diện cho luật cũ, và bên trái là tiên tri Elia, đại diện cho các tiên tri của Cựu ước.  Ở dưới chân của Chúa Giêsu là ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong sự sửng sốt và kinh ngạc khi thấy vinh quang thiên quốc của Ngài.

Trái lại, phần dưới của bức tranh tối tăm u buồn.  Trong cái u tối đó có một bé trai bị bệnh, đang đau đớn quằn quại trên chiếc giường nhỏ, gia đình qui tụ xung quanh, cùng với chín tông đồ còn lại.  Một tông đồ đang chỉ tay vào em bé bị bệnh, và một tông đồ khác chỉ tay hướng về Chúa Giêsu đang trên đường đi xuống núi.  Các tông đồ không thể chữa được cơn bệnh ngặt nghèo của em bé, chỉ có Chúa Giêsu mới có thể chữa được.  Em bé trai phải hướng về Chúa Giêsu và tin tưởng vào Ngài.

*************************

Đau khổ và thập giá là sự kiện hiển nhiên trong cuộc sống.  Chúng xuất hiện dưới nhiều hình thức.  Không ai có thể tránh khỏi.

Sáu ngày trước khi biến hình vinh quang trên đỉnh Taborê, Chúa Giêsu đã chính thức loan báo cho các tông đồ biết về những khổ đau Người sẽ phải chịu.  Thế nhưng, Phêrô đã lên tiếng can ngăn Ngài, để rồi Ngài đã thẳng thắn quở trách:  Hỡi Satan hãy lui đi.

Qua đó chúng ta thấy mơ ước của các tông đồ là một mơ ước nặng mùi xôi thịt, được bao phủ bằng những quyền lực trần thế.  Thực vậy, khi dân chúng có ý định tôn Chúa Giêsu lên làm vua sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, các tông đồ đã khấp khởi mừng thầm, vì sẽ được chia chác ghế nọ, ghế kia trong thành phần nội các của Ngài, nhưng rồi các ông đã thất vọng khi Chúa lên thuyền và đi ngay.  Mãi cho đến những ngày cuối cùng của Chúa, các ông vẫn còn tranh cãi xem ai được làm lớn nhất dưới triều đại của Ngài.  Và giờ đây, trước ánh quang vinh, các ông lại càng khó chấp nhận thập giá hơn nữa.  Maisen và Elia đang nói chuyện với Chúa về vấn đề thập giá mà Ngài sẽ phải chịu.  Các ông tai nghe mắt thấy nhưng không một mảy may chú ý.  Các ông chỉ thấy có ánh sáng và vinh quang, cho nên đã định dựng lều tại Tabo, chứ không thấy được sứ mạng của Thầy mình ở Canvê.

Đó cũng chính là tâm trạng của mỗi người chúng ta.  Nếu chúng ta không nguyền rủa thập giá, thì cũng chỉ chấp nhận nó như một tai ương không thể lẩn tránh chứ không như một sứ mạng cao cả và có tính cách cứu độ.  Chúng ta không ngừng xây dựng thiên đàng ngay ở dưới thế, cũng như không ngừng phóng đại những hạnh phúc trần gian, coi đó như cùng đích phải theo đuổi, để rồi cuối cùng xin chọn trần gian này làm quê hương vĩnh cửu.

Chúng ta không biết rằng: thiên đàng là tình yêu chứ không phải là những thú vui vị kỷ hay nói đúng hơn, thiên đàng là chính Thiên Chúa.  Giữa vinh quang, các tông đồ không thể tin nổi rằng Chúa có thể chết và chết cách nhục nhã.  Đã bao lần Chúa đã nối kết cái chết của Ngài vào với sự phục sinh, nhưng các ông không thể hiểu nổi sợi dây nối kết ấy.  Vì thế khi Chúa bị bắt, các ông bị tan tác như bầy chiên trước sói rừng.  Nếu có theo thì chỉ dám theo xa xa, để rồi sau cùng đã chối bỏ Chúa.  Ngay cả sau khi Chúa đã sống lại mà các ông vẫn còn không tin, vẫn còn tuyệt vọng.

Với chúng ta cũng vậy, biết bao lần chúng ta đã nhìn thử thách cuộc đời qua cặp kính màu xám, chúng ta kéo lê thập giá chứ không tự mình vác lấy.  Còn Chúa Giêsu thì khác, chính lúc Người nộp mình trong tay kẻ thù lại là lúc Người được quang vinh như Người đã nói:  Ta đã thắng thế gian, ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất…

Là môn đệ của Chúa, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường thập giá như lời thánh Phaolô: Tôi chỉ biết có Đức Kitô chịu đóng đinh, nhưng Ngài đã phục sinh để chúng ta được sống.  Cho nên mặc dù vai vác thập giá, cặp mắt chúng ta vẫn luôn hướng về trời cao.  Trời cao và sự sống, đó là kết thúc của con đường thập giá.

Sự biến hình của Chúa Giêsu trong vinh quang chính là niềm hy vọng và tăng cường sức mạnh cho chúng ta đang khi cố gắng trung thành với Ngài giữa những cám dỗ, đau khổ và thử thách.  Giống như em bé trai thống khổ trong bức tranh vẽ của Raphael, chúng ta không bao giờ thất vọng khi nhìn ngắm vào thập giá của Chúa Giêsu, mà phải luôn tìm kiếm Ngài trong vinh quang.  Chỉ qua Ngài, với Ngài, và ở trong Ngài chúng ta mới chiến thắng được thế gian và ma quỉ.

Sưu tầm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.