ĐẦU TƯ CHO CUỘC SỐNG MAI SAU (có Youtube)

Hầu như mọi hoạt động, mọi nỗ lực của nhiều người đều quy về việc củng cố, đầu tư cho thân xác, cho cuộc đời tạm thời vắn vỏi nầy.  Cái tôi như một quả bong bóng mà cá nhân mỗi người cố thổi cho phồng lên tối đa.  Cái tôi như một trung tâm điểm mà tất cả mọi năng lực của bản thân đều quy về đó.

24 giờ mỗi ngày đều được người ta dành trọn vẹn cho thân xác: giờ để ăn, giờ để ngủ, giờ để giải trí vui chơi, giờ để làm việc nuôi thân xác… 168 giờ mỗi tuần, 720 giờ của mỗi tháng cũng được dành trọn cho thân xác.  8,766 giờ của mỗi năm cũng chỉ được dành trọn để thổi phồng thân xác dòn mỏng nầy cho đến lúc nó nổ tung ra như quả bong bóng đầy hơi.

Châm ngôn của người ta là: Tất cả cho thân xác.  Tất cả cho cuộc sống đời nầy.  Người ta cố đầu tư xây dựng cho cuộc sống đời nầy như những con dã tràng đua nhau xe cát, tạo nên những đụn cát nhỏ bé trên bãi biển bao la để rồi một lát sau sóng biển sẽ xoá đi chẳng để lại vết tích gì.  Người ta chăm lo vun quén cho thân xác thật sung mãn như những đứa bé thi nhau thổi ra những chiếc bong bóng xà phòng trông thật long lanh và hấp dẫn… nhưng rồi… bụp, bụp, bụp…, bong bóng nầy nối tiếp bong bóng kia, đua nhau nổ tan tành chẳng còn chi.

Bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của, tài năng, trí tuệ, nghị lực… đều được dốc ra để đầu tư cho thân xác, cho cuộc sống tạm bợ đời nầy, để rồi kết cuộc đời người, theo như thi hào Nguyễn Du, chỉ còn là một nấm đất:

“Trăm năm còn có gì đâu?
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!”

 Tiếc thay, ngay nay đất đai khan hiếm, kết cục đời người không còn được một nấm cỏ khâu như xưa, nhưng chỉ là một lọ nhỏ chứa nắm tro tàn sau khi thiêu xác!  Thế là đúng như lời Chúa Giêsu dạy: “quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất”; và cho dù người ta có thu tóm “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”

***************

Đầu tư hết vốn liếng và khả năng để bồi đắp thân xác và xây dựng cuộc sống đời nầy để rồi rốt cục chỉ còn là “một nấm cỏ khâu” hay đơn giản hơn, là “một lọ tro tàn” thì kiếp người đúng là một thảm kịch bi đát nhất.  Trong lĩnh vực kinh tế, có ai dại dột đến nỗi đầu tư kiểu đó không?

Nhưng làm sao để tránh khỏi thảm kịch bi đát nầy?  Có giải pháp nào làm cho đời sống triển nở tốt đẹp hơn không?

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề nghị một giải pháp tốt.  Người dạy chúng ta đầu tư đúng hướng để được hưởng lợi nhuận vững bền.  Đó là đầu tư theo hướng tâm linh, mà điều kiện tiên quyết là hãy từ bỏ mình và vác thập giá.  “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.  Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.  Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?  Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?”

Phanxicô Xavie lúc còn thanh xuân quyết dồn mọi nỗ lực để phụng sự thân xác, muốn đầu tư hết tài trí, sức lực để chiếm hữu địa vị xã hội và vinh hoa thế gian.  May thay, Thiên Chúa đã gửi đến cho anh người bạn tốt, đó là thánh Inhaxiô, một người bạn lớn tuổi học cùng trường.  Inhaxiô thường dùng câu lời Chúa chúng ta nghe hôm nay để nhắc bảo Phanxicô Xavie: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”  Ánh sáng của Lời Chúa đã loé lên trong tâm hồn chàng trai đầy tham vọng trần thế và đã làm xoay chuyển cuộc đời anh.  Phanxicô giã từ việc theo đuổi phù du ảo ảnh đời nầy (đó là từ bỏ mình) để dấn thân không mệt mỏi vào những vùng đất xa xôi (đó là chấp nhận vác thập giá) để chinh phục các linh hồn cho Thiên Chúa nên đã được hạnh phúc vinh hiển muôn đời.

“Từ bỏ chính mình” tức là đừng lấy thân xác làm mục tiêu cho mọi phấn đấu, mọi nỗ lực của ta; cụ thể là không dành toàn bộ công sức, thời gian, tài năng, trí tuệ để phụng sự thân xác.  “Vác thập giá mình” là chấp nhận khổ chế, cụ thể là khước từ những đòi hỏi vô độ của thân xác – sự khước từ nào cũng là một thập giá, đều để lại đau thương – để dành thời giờ và nghị lực cho sự phát triển tâm linh.

Chúa Giêsu đã đầu tư đời Người theo hướng đó và Người đã đạt tới vinh hiển khải hoàn.  Hôm nay, Người muốn chúng ta đầu tư theo hướng Người đã đầu tư, bước đi theo con đường Người đã bước, để chúng ta được chung hưởng vinh hiển như Người.

Lạy Chúa Giêsu, Xin cho Lửa Thánh Linh soi chiếu tâm hồn để chúng con nhận ra rằng con người gồm cả hồn lẫn xác.  Thân xác nầy nay còn mai mất và rốt cục chỉ còn là tro bụi thì chỉ cần đầu tư vừa phải.  Còn linh hồn trường tồn bất diệt thì phải đầu tư cho hồn nhiều lần hơn để mai sau được hưởng vinh phúc muôn đời với Chúa. Amen.

Lm Ignatiô Trần Ngà (Trích trong “Cùng Đọc Tin Mừng”)

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TÂM TÌNH CUỐI ĐỜI CỦA THÁNH GIOAN TẨY GIẢ NÓI GÌ VỚI TÔI (có Youtube)

Trong lúc ngồi xe lửa đi làm và đọc kinh sáng, tôi có một chút suy tư về tâm tình của “Thánh Gioan Tẩy Giả” nhân ngày lễ nhớ ngài bị chặt đầu ngày hôm nay.  Có lẽ điều lớn lao nhất của một Tiên Tri (prophet) là hoàn tất nhiệm vụ được Thiên Chúa giao phó.  Tôi tự hỏi thánh Gioan Tẩy Giả đã có những suy tư gì trong những giây phút cuối đời trong bóng tối của nhà tù.  Tôi tưởng tượng nếu mình là thánh nhân thì mình sẽ nói với Chúa những gì trong những ngày ngồi trong ngục thất tối tăm.  Có lẽ thánh Gioan Tẩy Giả sẽ thủ thỉ tâm sự với Chúa những tâm tình dưới đây, xin được chia sẻ với mọi người.

************

“Lạy Chúa, Chúa đã thăm dò con và Ngài đã biết con.” (Thánh Vịnh 139:1)

Cảm ơn Chúa, vì những ân sủng của Ngài.  Chúa đã không chỉ chọn con là sứ giả của Đấng Cứu Thế Mết-si-a, mà Ngài còn cho con được diễm phúc làm họ hàng bà con thân thiết với Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.  Ngay lúc này đây con đang lo lắng vì mối đe dọa của cái chết đang treo lơ lửng trên cổ con, nhưng Chúa ơi, con vẫn hoàn toàn tin tưởng rằng Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi con.

Chúa ơi, mẹ của con, bà Ê-li-dza-béth đã kể lại cho con nghe rằng con đã “nhẩy mừng” trong bụng bà khi cô Maria đến thăm hai mẹ con.  Mẹ con quả quyết là Chúa Thánh Thần đã làm cho bà và con vui mừng vì được diễm phúc đứng trước mặt Chúa Giêsu con của Ngài.  Tạ ơn Chúa đã cho hai mẹ con nhận ra Đấng Cứu Thế, mặc dù  con và mẹ không trực tiếp được thấy Người.  Xin Chúa hãy cho con luôn giữ mãi những ký ức tươi đẹp hạnh phúc ấy, đặc biệt là trong những giây phút thử thách khi con đang sống những ngày cuối cùng của đời con.

Chúa ơi, Ngài có biết là con đã rất ngạc nhiên và bàng hoàng thế nào không, khi thấy Chúa Giêsu đến bên dòng sông Gio-đan để chịu phép rửa tội do con cử hành.  Con đã không thể nào hiểu được tại sao một Đấng Cứu Thế vô tội lại cần đến một phép rửa để ăn năn và tẩy sạch tội?  Đây quả là một điều vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người.  Nhưng rồi con thấy dấu chỉ chim bồ câu của Chúa Thánh Thần và nghe tiếng nói của Chúa Cha từ trời, và rồi con đã bắt đầu hiểu ra rằng Giêsu không chỉ là Đấng Cứu Thế Mết-si-a mà còn là Con Chiên Thiên Chúa, là lễ vật toàn thiêu của Thiên Chúa.  Là Đấng sẽ chịu chết làm lễ tế để cất đi mọi tội lỗi của nhân loại và nối lại mối tình “cha và con” mà ông A-đam và bà E-và đã đánh mất ngày nào.  Một lần nữa, con lại được tràn đầy niềm vui sướng khi Chúa Thánh Thần cho con thấy được kế hoạch kỳ diệu và tràn đầy yêu thương của Thiên Chúa trong việc cứu rỗi nhân loại.

Giờ phút này đây Chúa ơi, con ngồi trong tù chờ chết, và con tự hỏi lòng mình rằng “những việc gì sẽ xẩy đến với tôi?”  Chúa ơi, một lần nữa xin Ngài gởi Chúa Thánh Thần đến với con để giúp con thêm lòng can đảm và tin tưởng.  Can đảm để dám đối diện với tương lai của con và tin tưởng rằng Chúa luôn luôn đồng hành với con trong từng gây phút của đời con.

Lạy Chúa Thiên Chúa của con, xin Chúa giúp con trung thành với ơn gọi của con và với Ngài đến cùng.

************

Đó là tâm tình mà thánh Gioan Tẩy Giả có thể đã tâm sự với Chúa trong giây phút cuối đời của ngài trong những ngày bị bắt ở tù.  Cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, mỗi người chúng mình cũng được Thiên Chúa chọn lựa làm con của Ngài và làm anh em họ hàng với Chúa Giêsu qua bí tích rửa tội.  Thiết tưởng rằng là Kitô hữu, là môn đệ của Chúa Giêsu mỗi người chúng mình cũng có thể đã và sẽ có những tâm tình gần giống như Thánh Gioan Tẩy Giả.  Nhất là trong những lúc sóng gió của đời sống “Đạo và Đời” trên con đường lữ thứ trần gian chờ ngày về quê Trời.  Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi cá nhân phải “giằng co”, phải “lựa chọn” để chu toàn bổn phận của một người Kitô hữu, của một người chồng, người vợ, người cha, mẹ, con cái, v.v…  Đôi khi “cái tôi”, cái “gia trưởng”, cái quyền làm “bố mẹ” phải nhỏ đi để gia đình được lớn lên, được bình an và hạnh phúc.  Có những lúc phải làm sao để một linh mục, một tu sĩ có thể chống trả lại với những cám dỗ ham muốn rất ư là bình thường của một con người.  Và chắc hẳn cũng có những lúc phải lựa chọn sao để thăng bằng bổn phận giữa “công việc làm, gia đình, và giáo xứ” của một người phó tế vĩnh viễn, một Kitô hữu bình thường như bao Kitô hữu khác nhưng lại được Chúa trao thêm một ơn gọi phụ nữa là “phục vụ”, ngoài ơn gọi chính là “gia đình”.   Đây có lẽ là một thách đố khá khó khăn mà chính bản thân tôi đang phải đương đầu mỗi ngày.   Những lúc như thế mỗi người chúng mình sẽ rất cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để thêm đức tin, đức mến và lòng can đảm để chu toàn phổn phận, và là Kitô hữu trung thành đến cùng.

Lạy Chúa Thánh Thần, trong những lúc bình yên lẫn sóng gió của cuộc sống, và trong lúc cố gắng chu toàn ơn gọi của mỗi người, xin Ngài ban ơn và truyển cảm hứng cho từng người chúng con như Ngài đã làm cho Thánh Gioan Tẩy Giả; ngõ hầu mỗi người chúng con có thể nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện trong đời sống, và giúp chúng con thêm tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa dành riêng cho từng người chúng con.  Amen!

PT Giuse Nguyễn Xuân Văn
August 29, 2017 –  Viết theo cảm hứng “The Passion of John the Baptist” từ “The Word Among Us.”

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

VIẾT CHO VỊ THÁNH KHÓC NHIỀU NHẤT! (có Youtube)

Mẹ Monica kính mến,

Nếu được bình chọn vị thánh nào khóc nhiều nhất, chắc người ta luôn ưu tiên chọn Mẹ như một người cả đời khóc vì chồng con.  Mẹ khóc để cầu xin cho chồng con được yêu mến Thiên Chúa.  Nước mắt Mẹ thống thiết đến tận trời cao và Người đã nhận lời ước nguyện của Mẹ.  Đúng như nhận xét của thánh Augustinô: “Làm sao Chúa có thể nhắm mắt khi bà khóc, những giọt lệ khẩn khoản không phải xin vàng bạc, hay danh vọng trần gian mau qua, nhưng chỉ cho đứa con xa lạc được cứu rỗi?”  Nhờ vậy mà đến cuối cuộc đời, Mẹ mỉm cười bay về Thiên quốc với niềm vui hoan hỷ.  Hôm nay Giáo Hội mừng lễ của Mẹ, chúng con thích thú lắng nghe câu chuyện cuộc đời Mẹ.

Mẹ Monica mở mắt chào đời năm 332 trong một gia đình đạo đức ở làng Sucara bên Phi Châu.  Từ nhỏ người ta chứng kiến cô bé Monica với nhiều nhân đức.  Họ hy vọng lớn lên cô sẽ được hạnh phúc trong đời sống gia đình.  Tuy nhiên Thiên Chúa lại trao cho Mẹ thánh giá mà tưởng chừng quá nặng đối với một người mẹ chân yếu tay mềm như Monica.  Ở độ tuổi 22, Mẹ vâng lời kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi qúy phái.  Ông là người ngoại đạo với tính tình ngang ngược, độc ác mà tuổi lại gấp đôi.  Hơn nữa, làm dâu trong một gia đình không cùng tôn giáo, với mẹ chồng không mấy tốt lành, người ta chứng kiến biết bao bất công mà Mẹ phải chịu đựng.  Nước mắt mẹ tuôn rơi, nhưng mẹ vẫn vui vẻ sống cảm hóa chồng và gia đình bên chồng.  Mẹ hy vọng một ngày nào đó, Thiên Chúa sẽ đoái thương Mẹ và cả gia đình.

Sau mấy năm nên nghĩa vợ chồng, Mẹ đã có ba người con mà Augustinô là con đầu lòng.  Nhẫn nại trong lời cầu nguyện và không ngừng than thở với Thiên Chúa, Mẹ đã dần cảm hóa được chồng.  Ngày Patricius rửa tội, đánh dấu một thời gian lâu dài Mẹ thưa với Chúa: “Lạy Chúa, thánh giá này Chúa đã gởi đến cho con, con xin lãnh nhận.  Là phận hèn yếu đuối, xin giúp sức cho con lãnh nhận linh hồn Patriciô để hoán cải chàng.”  Nước mắt mẹ tưởng chừng như vơi đi khi thấy chồng mỗi ngày yêu mến Chúa hơn.  Nhưng không!  Thiên Chúa quả muốn hun đúc đức tin của Mẹ.  Ngài muốn Mẹ cộng tác vào việc huấn luyện nuôi dạy con cái theo đường lối của Chúa.

Dĩ nhiên Mẹ hằng yêu thương con cái, nhất là đối với Augustinô.  Mẹ đặt nhiều hy vọng vào cậu.  Với trí thông minh và tinh thần ham học hỏi, Mẹ chờ đợi con Mẹ sẽ nên người tài đức.  Nhưng càng hy vọng, nước mắt Mẹ càng tuôn rơi.  Cậy vào trí thông minh lanh lợi, Augustinô không ít lần hỗn hào với bố mẹ.  Càng lớn cậu càng rơi vào con đường ham mê lạc thú danh vọng.  Cậu sẵn sàng lừa dối Mẹ để thỏa mãn bản tính tự nhiên.  Đến nỗi trong sách Tự Thuật, Augustinô thú nhận rằng: “Mẹ khóc cho tôi còn hơn bà mẹ mất đứa con một.  Theo mẹ tôi đã chết, chết vì không tin, chết về tinh thần.  Kết quả là bà không thể đem tôi ngồi cùng bàn ăn với bà hay về nhà.  Bà không chịu nổi những câu nói lộng ngôn của tôi hay những sự đả phá của tôi.”

Vì là người học giỏi nên Augustinô được du học ở Carthage.  Tại đây Mẹ lại tiếp tục khóc vì những thói ăn chơi của con mình.  Thời gian này Augustinô ham mê tri thức chạy theo bè rối Manikê vốn chống lại Giáo Hội.  Là người con tốt lành của Chúa, dĩ nhiên Mẹ đau lòng chứng kiến con mình rơi vào đường tội lỗi như thế.  Mẹ khóc nhiều hơn.  Khóc để kêu cầu Thiên Chúa giúp con Mẹ thoát khỏi vòng u mê đó.  Và Thiên Chúa đã nhận lời để Augustinô nhận ra bè rối Manikê không hợp lý chút nào.

Sau đó con của Mẹ nhận được một công việc tại Milan nước Ý.  Thế là trong vai trò giáo sư cho thành phố Milan, Augustinô phải làm việc gần gũi với vị giám mục Milan là thánh Ambrosiô.  Không yên tâm với con mình nơi đất khách quê người, Mẹ lên đường để tìm kiếm và tiếp tục khuyên nhủ con.  Thế là Augustinô lúc này vừa có Mẹ bên cạnh như nguồn tình cảm nâng đỡ cho cậu, vừa có Đức Giám mục như nguồn tri thức giúp cậu nhận ra chân lý.

Thiên Chúa không để Mẹ khóc nhiều hơn nữa.  Mẹ vui sướng khi biết Augustinô quyết định trở về với Giáo Hội.  Như lời chia sẻ của Augustinô: “Tôi muốn thành dự tòng đi học giáo lý cho đến khi tôi thấy được chân lý chắc chắn.  Khỏi cần phải nói, mẹ tôi sung sướng lắm.”  Dĩ nhiên bất cứ cha mẹ nào cũng đều vui sướng khi thấy con mình chọn đường ngay nẻo chính để bước đi.  Mẹ cũng thế. Lúc này chắc nước mắt Mẹ cũng rơi, nhưng đó là hai dòng cảm xúc của hạnh phúc dâng trào.  Từ đây con của Mẹ không những là con của Chúa, mà là Linh mục, giám mục tài đức, và là vị thánh nổi tiếng trong lẫn ngoài Giáo Hội.

Sau khi hạnh phúc chứng kiến con mình chịu phép rửa, Mẹ đã qua đời năm 387 và được an táng tại Ostia.  Sau này Mẹ hạnh phúc được chôn cất bên người con mà Mẹ tốn rất nhiều nước mắt.  (Xác thánh nữ được đem về nhà thờ Thánh Augustinô ở Rôma vào năm 1430.)

Mẹ biết không, khi chiêm ngắm cuộc đời Mẹ đắm chìm trong nước mắt, chúng con có dịp nhớ đến những người mẹ Công giáo đang đau khổ vì chồng con.  Thời đại hôm nay tiếc là còn nhiều người vợ, người mẹ giống như hoàn cảnh của Mẹ năm xưa.

Là bổn mạng các bà mẹ Công giáo, xin Mẹ giúp mỗi người nữ trong vai trò làm vợ, làm mẹ có được tinh thần tín thác nơi Chúa như Mẹ Monica.  Rồi khi gia đình gặp nhiều khó khăn khiến người vợ, người mẹ đau lòng, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho họ được mạnh mẽ trong đức tin.  Xin Chúa lau khô nước mắt của họ.  Được như thế, chúng con hy vọng trong gia đình công giáo lúc nào cũng tràn ngập niềm vui hạnh phúc.

Mừng lễ thánh Monica, Bổn Mạng Các Bà Mẹ Công Giáo

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn http://dongten.net

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

ĐỨC KITÔ LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT (có Youtube)

Nếu chúng ta còn nhớ cách đây không lâu ở Mỹ này, nhà văn Dan Brown viết cuốn sách Da Vinci code, nó trở thành cuốn sách bestseller, được đóng thành phim, và được phổ biến khắp thế giới, trở thành “hiện tượng Da Vinci code” và làm nhiều người công giáo bị sốc.  Bởi vì trong đó Dan Brown giới thiệu một Đức Giêsu hoàn toàn khác biệt với Đức Giêsu ở trong Kinh Thánh.  Ngài là một người bình thường như mọi người, đã có gia đình, có vợ có con và giòng giống của ngài vẫn tồn tại cho đến hôm nay.  Và Giáo hội chỉ là một tổ chức chính trị và quyền lực hoàn toàn nhân loại.  Nhiều người công giáo bị sốc và lung lay đức tin và có người đã nói rằng: mấy chục năm theo đạo, tôi đã bị lừa… bây giờ người ta mới tìm biết ra Chúa Giêsu chỉ là một người đàn ông bình thường… v v….

Tôi nhắc lại sự kiện đó để chúng ta thấy rằng: Câu hỏi của Chúa Giêsu với các tông đồ hôm nay vẫn còn mang tính thời sự:  Người ta bảo Thầy là ai?  Thời Chúa Giêsu dư luận dân chúng cũng biết mù mờ về Ngài: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêremia hay một tiên tri nào đó.”  Ngày hôm nay Chúa cũng đang hỏi chúng ta:  Người ta bảo thầy là ai?  Nhiều người mang danh là Kitô hữu nhưng biết rất mơ hồ về Ngài.  Chúng ta thưa: Dạ thưa Chúa: kẻ thì nói Chúa là một nhà sáng lập tôn giáo, một nhà cách mạng tinh thần… còn Ông Dan Brown bảo Chúa lấy bà Mađalêna và có quan hệ với bà nên có vợ con đề huề….

Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới bùng nổ thông tin và của thị trường tự do.  Tất cả mọi thứ người ta có thể rao bán và quảng cáo.  Về mặt tư tưởng cũng thế, tôn giáo và các hệ tư tưởng cũng bị biến thành thị trường cạnh tranh mua bán, và người ta cứ việc mua thứ tôn giáo nào hợp với sở thích của mình.  Đức Kitô cũng bị nhào nặn, được đánh bóng theo sở thích và lợi nhuận của họ để rao bán khắp nơi.  Nói như Cha Cantalamessa, ngày xưa Chúa bị bán bởi Giuđa, còn hôm nay Chúa cũng bị bán bởi các nhà viết sách và làm phim, mà lợi nhuận không phải ba mươi đồng bạc nhưng là cả triệu dollar!

Nhưng chúng ta phải tỉnh thức, vì đó không phải là Đức Kitô của Kinh Thánh, của niềm tin Giáo hội, mà là Đức Kitô của “người ta”: một Đức Kitô của tưởng tượng và sự hiếu kỳ của họ.  Chúng ta không cần phải hoang mang và lo sợ gì!

Niềm tin của chúng ta vào đức Kitô được gói ghém trong câu hỏi thứ hai của Chúa Giêsu “Còn các con bảo Thầy là ai?”  Anh chị em và tôi bảo Đức Giêsu là ai?  Câu này mới là quan trọng.  Nhân danh tất cả, Phêrô trả lời: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”  Đây là mạc khải và là trung tâm điểm niềm tin chúng ta vào Đức Kitô, và kể từ năm 325 (Công Đồng Nicée) trở thành định tín Kitô học của Giáo hội mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh tin Kính: “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời.  Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng.  Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Cha, nhờ người mà muôn vật được tạo thành.  Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…”.  Nghĩa là Đức Kitô đó là Thiên Chúa thật và người thật, vrai Dieu et vrai homme.  Ngài cũng biết khóc biết cười, Ngài cũng có nhu cầu ăn uống và nghỉ ngơi, Ngài giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi thôi.  Nhưng Ngài là “Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, nghĩa là Ngài là chính Thiên Chúa.  Ngài nhập thể để cứu độ chúng ta nên Giáo hội tuyên xưng Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát của nhân loại.  Và nói như thánh Gioan: Ai tin vào con của Người thì được cứu độ (x. Ga 3,14).  Chỉ nhờ Ngài mà chúng ta được cứu độ.  Chỉ qua Ngài chúng ta tới Thiên Chúa.

Đức tin đó không phải là một sự hiểu biết suông, nhưng là một sự gắn bó đời mình với Đức Kitô.  Người Kitô hữu là người xây dựng cuộc đời và những dự phóng đời mình trên Đức Kitô, lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm của cuộc sống.  Bởi vì nơi Ngài chúng ta tìm được tất cả những giải đáp cho những thắc mắc, những khát vọng sâu thẳm nhất về ý nghĩa cuộc đời.  Đó là một đức tin trưởng thành, mang tính cá vị và không bị lung lay trước thử thách.

LM Phêrô Nguyễn Hương

******************

Con tin Thiên Chúa, Cha của mọi sự sống.
Người có trước lâu những ngân hà tràn đầy vũ trụ.
Khi Người phán, con người chỗi dậy, chỗi dậy trong phẩm cách,
chỗi dậy trong những gì có thể được trong đời mình.
Người ở khởi đầu mọi sự mang lại lẽ sống cho con người. 

Con tin Con Thiên Chúa.
Ðấng đuợc sai đến, Ðấng được chọn,
Ðấng không ngừng phán lời hằng sống,
lời hi vọng, lời mở các cửa. 
Người là bạn, là người anh.
Nhờ Người, cơm bánh được chia sẻ,
Và trở nên hơn cơm bánh.

Con tin Chúa Thánh linh.
Thiên Chúa như Chúa Cha và Chúa Con.
Người đã đến để chúng ta biết sự thiếu sót, sự vắng mặt.
Người là Ðấng đã xuống
Khi Chúa Con đã lên.
Từ đó, lửa không ngừng bừng cháy
Trong lòng người. 

Con tin Giáo hội.
Một Giáo hội đón nhận mọi người,
người quyền thế cũng như người thấp kém.
Một Giáo hội phát sinh trong mong đợi và hi vọng.
Một Giáo hội của thế giới công bằng và chân chính,
Dám làm những gì mình nói và công bố.
Với tất cả các tiên tri,
Chúng con nói rằng Ðấng hằng sống
ở trong Giáo hội luôn mãi.

Hiền Hoà chuyển dịch

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

ĐỪNG NÉ TRÁNH TIẾNG CHÚA (có Youtube)

Chúa nói với ta là để dạy dỗ ta.  Tuy nhiên, ta dễ tìm ra nhiều chỗ núp để tránh né sự dạy dỗ ấy.  Ta có thể tránh né bằng cách mải lo việc của người khác, bằng cách hài lòng với quá khứ hoặc thêu dệt tương lai, bằng cách làm những việc bên ngoài.

  1. Con Chứ Không Phải Người Khác 

Cách dễ nhất và cũng đáng buồn nhất để tránh né điều Chúa dạy là quay sang lo việc người khác.  Một phụ nữ dễ “nói chuyện với Chúa” hằng giờ về những thiếu sót của chồng và không hề tự hỏi gì về bổn phận làm vợ, làm mẹ của mình.  Người cha gia đình có thể than thở với Chúa rất nhiều về những đứa con lớn của ông, nhưng lại không muốn hỏi Chúa xem trong việc giáo dục con cái, ông đã sai trái thế nào!  Một linh mục có thể rất bận tâm tới phần rỗi mọi người và quên mất rằng Chúa đang chờ đợi chính cha sửa đổi đời sống!  Con cái dễ trách móc cha mẹ, bề trên phàn nàn về bề dưới, giáo dân than phiền cha sở… để khỏi đối diện với những điều Thiên Chúa đang đòi hỏi bản thân họ.

Ðôi khi ta còn nhanh nhẩu lo sửa giùm lầm lỗi của kẻ qua đường, của người hàng xóm.  Ta không có giờ suy nghĩ những vấn đề của ta vì ta đang bận phê bình các thế hệ người xưa và các tầng lớp xã hội ngày nay.

Trước mắt Chúa, ta cần tự hỏi: “Chúa muốn dạy con điều gì?” chứ đừng hỏi: “Chúa muốn con dạy người kia điều gì?”

  1. Lúc Này Chứ Không Phải Lúc Khác 

Nếu không mắc cái tệ “việc mình thì lười, việc người thì siêng”, ta lại có thể tránh né tiếng Chúa bằng cách mải miết nghĩ đến những “thành quả” nào đó trong quá khứ.  Ta yên tâm vì mình không đến nỗi tệ…  Ta hãnh diện vì đã biết đáp lại tiếng Chúa.  Làm như là đã nắm vững ý Chúa, đã giải quyết xong đâu đó rồi, không còn vấn đề nữa.

Như thế là quên rằng Chúa đang dìu ta từng bước một, mỗi lúc Ngài đều muốn ta tiến thêm.  Không ai khám phá tiếng Chúa một lần thay cho tất cả, và nếu không muốn lùi lại thì cũng không ai có thể cho rằng mình đã đáp lại tiếng Chúa xong rồi.

Lắm lúc ta lại có rất nhiều lý do tốt đẹp để thêu dệt vẽ vời tương lai, mải lo giải quyết những chuyện chưa đến, mất thời giờ vì những chuyện nằm trong giả thuyết.  Không, nếu hiện tại ta không yêu thì lấy gì bảo đảm rằng tương lai ta sẽ yêu?

Mỗi giây phút Chúa đều có điều muốn dạy ta, ta cần tỉnh táo luôn luôn để nghe được điều Chúa dạy dỗ.

  1. Chính Tâm Hồn Con Chứ Không Phải Chuyện Bên Ngoài 

Sự lẩn tránh đôi khi thật tinh vi.  Ta có thể cố gắng làm những việc thật lớn lao, nhưng chỉ là những việc bên ngoài, để dựa vào đó mà khỏi lo hoàn thiện chính mình.  Hãy nhớ lời Chúa nói: “Ta muốn tấm lòng chứ không muốn của lễ.”

Tĩnh tâm chính là dịp ta đến với Chúa, để Chúa hoán cải tâm hồn ta nên giống như Chúa, “có được những tâm tư như đã có nơi Ðức Kitô-Giêsu” (Phil 2:5), rung cảm, muốn và hành động như Ngài.

  1. Học Từ Bỏ 

Tập linh thao là tập xa bỏ những xu hướng lệch lạc để gắn bó với thánh ý Thiên Chúa.  Công cuộc này bắt đầu từ những chọn lựa nhỏ nhặt và kết quả hay không phần lớn đều do thái độ của ta trước những cám dỗ “chẳng ra gì” này.

Ví dụ:

  • không kìm hãm một câu hỏi, một cái nhìn, một điếu thuốc …
  • ươn lười trong cách ngồi nguyện ngắm
  • rút ngắn giờ nguyện ngắm
  • mải lo nghĩ về những điều sẽ làm hay có thể làm thay vì tập trung vào sự gặp gỡ Thiên Chúa.

Ai trung tín trong việc nhỏ sẽ trong tín trong việc lớn.  Càng cương quyết trước những quyến luyến lặt vặt, ta càng có sức mạnh đáp lại những đòi hỏi lớn lao của Thiên Chúa.  Ngược lại, chỉ một nhượng bộ nhỏ cũng có thể mở đầu cho một chuỗi đầu hàng làm cho ta yếu hẳn đi, lùi lại rất xa và rồi coi thường cả những nguy cơ trầm trọng gây thiệt hại cho linh hồn mình và người khác.

Cuộc linh thao có kết quả nhiều hay ít là tùy ta dám từ bỏ nhiều hay ít.  Việc từ bỏ nói đây trước hết là từ bỏ ý riêng, cả những cái có vẻ rất chính đáng.  Ngay từ những ngày chuẩn bị đi linh thao, hãy tập vui vẻ đón nhận mọi chuyện trái ý.  Nếu những ngày trước tĩnh tâm, ta đã cố gắng để tự thắng, vui vẻ từ bỏ ý riêng, thì trong thời gian tĩnh tâm sẽ dễ tỉnh táo trước những gợi ý có vẻ rất nhỏ mọn của Chúa.

Ðừng quên rằng những cái nhỏ ấy đang chuẩn bị cho những cái lớn.  Nước trời bao giờ cũng bắt đầu như một hạt cải, nhỏ hơn mọi thứ hạt…  Có quảng đại với Chúa trong những việc dễ mới có thể nói không với mình trong những chuyện khó, khi phải buông bỏ những điều ta vẫn chủ quan cho là tốt nhất để chọn những điều có vẻ rất bấp bênh, ít hữu hiệu nhưng lại là điều Thiên Chúa đề nghị.  Lắm lúc Thiên Chúa chỉ đòi hỏi ta để yên cho Ngài làm.  Ðáng mừng biết bao nếu lúc ấy ta biết nhỏ lại để Ngài được lớn lên.

Nguồn http://www.donghanh.org/

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

TỈNH NGỘ (có Youtube)

Khi suy tư về sự chóng qua cuộc đời, nhà thơ Bùi Giáng đã thốt lên: “Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật. Thế cho nên tất bật đến bây giờ?”  Khi nói lên điều cảm nhận trên đây, nhà thơ như một người mộng du tỉnh ngộ, nhận ra cuộc sống này thật ngắn ngủi và vô nghĩa, mà trước đó, ông lại tin rằng nó hoàn hảo và tồn tại vĩnh viễn.

Trong cơn lốc của cuộc sống hiện đại và trào lưu hưởng thụ hôm nay, nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ rằng “trần gian là cõi thật”, nên tìm mọi cách để làm giàu hoặc thăng tiến trong con đường danh vọng.  Để đạt được tham vọng, họ dùng mọi thủ đoạn, kể cả loại trừ người khác.  Khi không đạt được điều họ muốn, họ cay cú, tiêu cực, hằn học không yên.  Nhưng nếu đạt được điều mơ ước, thì họ cũng chẳng thoả mãn, và tiếp tục tìm cách leo cao hơn trong bậc thang danh vọng bổng lộc.  Tiền bạc bao nhiêu cũng chẳng đủ.  Danh vọng cao mấy cũng chẳng vừa.  Tham vọng đã làm cho họ tối mắt.  Của cải làm họ quên hết bạn bè.  Đến một lúc nào đó, giật mình nhìn lại bản thân, họ thấy rằng, những thứ mà họ say sưa tìm kiếm cuối cùng chỉ như đám mây buổi sáng, như đoá hoa phù dung.  Thì ra bấy lâu nay, cữ ngỡ một khi mình đạt được những điều theo đuổi, thì sẽ hạnh phúc sung sướng.  Giờ mới ngộ ra một điều, hạnh phúc đích thực lại không dựa trên những điều chóng qua ấy.  Của cải không phải lúc nào cũng đem lại niềm vui.  Danh vọng chẳng phải bao giờ cũng giúp ta hạnh phúc.  Những tất bật đôn đáo ngược xuôi bấy lâu nay chỉ là cuộc đuổi hình bắt bóng vô nghĩa.  Nhiều khi giàu có về của cải, mà ta lại nghèo nàn về tình người.  Có khi đạt được đỉnh cao của danh vọng, nhưng nghiệt ngã trong trận chiến loại trừ nhau.

Trong Kinh Thánh Cựu ước, tác giả sách Giảng viên  đã thốt lên:  Mọi sự là phù vân (tức là mây bay), nay còn mai mất (x. Gv 1,2-8).  Đây cũng là những suy tư đúc kết kinh nghiệm sau một đời lận đận gian nan chạy theo những danh vọng của cải trần thế.  Tác giả kêu gọi, nếu nhận ra cuộc đời này là phù vân, thì hãy cậy dựa trên những gì là vĩnh cửu, để rồi cuối đời, chúng ta không ân hận, vì đã để thời gian trôi đi một cách uổng phí.

Trong Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh một người phú hộ để dạy chúng ta biết chọn lựa những giá trị sống lâu bền (x. Lc 12,16-21).  Người phú hộ chuyên cần làm lụng, tích trữ được nhiều hoa lợi.  Anh phá kho nhỏ, xây kho lớn.  Anh  là người có tầm nhìn xa, sau một thời gian vất vả làm lụng, tự cho phép mình được nghỉ ngơi và hưởng thụ.  Nhưng, chính lúc anh nghĩ mình được nghỉ ngơi và hưởng thụ, thì đó cũng là ngày tận số của anh.  Những gì anh vất vả làm lụng và tích trữ, giờ đây trở thành vô nghĩa trước một cái xác không hồn.  Chúa Giêsu đã đưa ra kết luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.  Đây cũng là thông điệp mà Chúa Giêsu muốn gửi đến mọi người.  Ai cũng hiểu “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” là tu thân tích đức, tạo một mối tương quan tốt lành với Chúa và với anh chị em, tức là mến Chúa và yêu người.  Người phú hộ không có thời gian để làm lại cuộc đời.  Anh ta giỏi về làm ăn, nhưng bị quở trách là đồ ngốc.  Anh khôn trong suy tính cho cuộc đời hiện tại, nhưng lại dại trong cái nhìn về tương lai.  Anh như người mộng du, đi mà không biết đi về đâu, tích trữ mà không biết để làm gì, để rồi anh phải đón nhận một kết cục cay đắng.

Tin Mừng cũng nói đến một tỉnh ngộ khác, đó là nhân vật người con thứ trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (x. Lc 15).  Khi rơi vào cảnh khốn cùng, anh đã dốc quyết trỗi dạy, trở về với cha mình.  Anh chỉ tỉnh ngộ sau khi nếm trải bất hạnh và khổ đau, nhưng muộn còn hơn không.  Người cha vẫn đợi chờ anh với tình thương vô bờ bến, và dang rộng vòng tay đón anh trở về.  Anh chỉ muốn được như người ăn kẻ ở trong nhà, nhưng người cha vẫn dành cho anh vinh dự của người con, với tình thân thương trìu mến.  Người cha trong dụ ngôn là hình ảnh Thiên Chúa.  “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta là những người luôn cảm thấy mệt mỏi xin tha thứ.  Những ai có can đảm để tiếp cận Chúa, sẽ tìm thấy niềm vui lễ hội nơi Thiên Chúa, vì Ngài luôn luôn chờ đợi và tha thứ” (Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà nguyện Thánh Marta, ngày 28-3-2016).  Tỉnh ngộ đã giúp người con thứ tìm lại mái ấm gia đình và tình thương trời bể của người cha.  Cánh cửa tương lai đã mở ra cho anh với biết bao hứa hẹn tốt lành.

Sinh ra làm người, mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời.  Vì thế, mỗi người được đề nghị chọn cho mình một hướng đi.  Đó là chọn lựa một lần cho tất cả.  Chọn lựa này sẽ tác động ảnh hưởng trong suốt hành trình trần thế của chúng ta.  Có người chọn cho mình lý tưởng ưu tiên là nghề nghiệp chức vụ;  người khác lại chọn dấn thân phục vụ tha nhân.  Chọn lựa nào cũng đáng tôn trọng, nhưng không được quên, mọi định hướng phải được xây nền trên lương tâm đạo đức và tình người.  Sự thành đạt nhờ mưu mô mánh lới sẽ chẳng tồn tại lâu dài.  Không có chọn lựa rõ ràng và dứt khoát, ta như bước đi trong vòng luẩn quẩn, đến khi tỉnh ngộ thì đã thấy mình đầu bạc, gối mỏi, muốn làm lại cuộc đời nhưng bất lực vì đã quá muộn màng.

Người tín hữu sống giữa cuộc đời chao đảo, giằng co bởi biết bao nhiêu toan tính, dễ bị chìm đắm trong những đam mê.  Lời Chúa nhắc bảo chúng ta hãy tỉnh ngộ để nhận ra đâu là thánh ý Chúa để biết sống đẹp lòng Ngài.  Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội để chúng ta tỉnh ngộ.  Nhờ ơn Chúa, chúng ta thay đổi cuộc đời, trở nên con người mới.  Cảm nhận tình Chúa yêu thương và cộng tác với Ngài làm cho lòng nhân ái lan rộng nơi trần thế.  Nhận ra nơi những người anh chị em xung quanh hình ảnh của Chúa để cùng nhau cổ võ tình huynh đệ, đỡ nâng những ai bất hạnh khốn khó trong cuộc đời, đó chính là sự tỉnh ngộ Chúa mong chờ nơi mỗi chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

CHÚA GIÊSU ĐÃ THUA MỘT ĐỨC TIN TUYỆT VỜI (có Youtube)

Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc, Người mang hạnh phúc đến cho chúng ta, người đàn bà xứ Canaan hiểu điều đó nên đã tìm đến Chúa!  Bà muốn Chúa Giêsu nhìn đến nhu cầu bà xin cho con gái bà.  Bà muốn Thiên Chúa thể hiện lòng nhân lành đối với con bà, lời van xin của bà mới đẹp làm sao: “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi!” (Mt 15, 22)  Bà coi Chúa Giêsu là Đấng Messia.

Sự thinh lặng của Chúa Giêsu

Bà xin Chúa không trả lời, có phải bà bị miệt thị không?  Chắc chắn là thế, nhưng bà cứ xin Chúa phải trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel” (Mt 15, 24).  Câu này thể hiện sự vâng phục của Chúa Giêsu được Cha sai đến cùng dân Israel, và mạc khải cho dân biết về lòng trắc ẩn của Thiên Chúa đối với họ.  Lời cầu xin của bà xứ Canaan khó có thế chấp nhận, nhưng bản chất và tình thương của một người mẹ bảo bà cứ xin.

Chúng ta biết, giữa người Do thái và dân ngoại có một bức tường ngăn cách, thánh Phaolô gọi đó là “bức tường hận thù” (x. Eph 2, 14).  Chính sự ngăn cách này mà Chúa Giêsu cũng bảo môn đệ đừng đi theo đường của dân ngoại, cầu nguyện “đừng có lải nhải như dân ngoại” (Mt 6, 7).  Và nếu ai đó muốn nhục mạ người nào trong dân Israel, thì hãy “đối xứ với họ như dân ngoại” (x. Mt 18, 17), nên không có lạ gì khi môn đệ ngạc nhiên thấy Thầy tiếp chuyện với người phụ nữ xứ Samaria dân ngoại.  Thế mới biết người đàn bà xứ Canaan can đảm biết chừng nào, bà đã vượt qua tất cả rào cản về tôn giáo, địa lý, niềm tin, nhất là về thân phận phụ nữ của chính bà.  Vì ngay người nữ Do thái còn không được nhắc đến trong lời cầu nguyện, lời chứng của họ không có giá trị pháp lý, không giải quyết được gì ở nơi công cộng, huống hồ là đàn bà dân ngoại.

Chúa Giêsu không đề cập đến những vấn đề trên.  Tuy nhiên, bà này vượt qua ranh giới dân ngoại, kêu xin một người Do thái với lòng kính trọng: “Lạy Ngài là con Vua Đavít” (Mt 15, 22).  Có lẽ bà đã nghe nói nhiều về Chúa Giêsu, trong lòng bà có điều không biết rõ, phải chăng là hồng ân của Thiên Chúa.

Nhưng bà biết, theo ý kiến của dân chúng, bà có thể xin được điều bà cần nơi Đấng được Thiên Chúa sai đến.  Bà liều đến, Chúa Giêsu không chấp nhận, bà nhờ vả các môn đệ, khiến các ông phải thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi” (Mt 15, 23).  Các ông muốn Chúa nhận lời ngay, Chúa từ chối, bà khăng khăng sấp mình xuống.  Chúa bảo bà, “không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó” (Mt 15, 26) để giải thích lý do tại sao Người không thể nhận lời bà xin.  Bà đáp rằng: “vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống” (Mt 15, 27).  Lời này đã thuyết phục được Chúa Giêsu, ma quỉ bị trục xuất, con gái bà được giải thoát.

Lời bà van xin không được xét đến, xin mãi bị từ chối, lại còn bị miệt thị như chó.  Chúng ta tự hỏi: điều gì đã khiến cho bà dám làm tất cả?  Thưa vì yêu.  Với tình mẫu tử, bà không đành lòng ngồi nhìn đứa con mình bị ma quỉ hành hạ, bà đi khắp đó đây tìm thầy chạy thuốc, vượt qua cả những nơi bị xem là cấm kỵ.  Yêu con, bà chấp nhận tất cả, không những đến với Chúa Giêsu là người Do thái, lại còn tin Chúa có quyền năng thống trị được ma quỉ, tin Chúa có lòng thương xót sẽ ra tay cứu chữa, tin Chúa có trái tim rộng mở để không phân biệt người ngoại, kẻ đạo.  Đáng ngưỡng mộ cho một người mẹ.

Giao ước và đức tin

Dù bà đã công nhận kế hoạch của Thiên Chúa, cũng như vai trò cứu thế của Chúa Giêsu được sai đến với nhà Israel, nhưng bà hy vọng rằng sự quan phòng của Thiên Chúa Đấng Cứu Thế không chỉ liên kết chặt chẽ với Israel, mà còn trải dài đến mọi dân tộc, kể cả dân ngoại, “vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc” (Is 56, 7); để “hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài” (Tv 66).  Bà cũng tin rằng, những rào cản ngăn cách giữa con người một ngày kia sẽ được tháo bỏ, không còn trở ngại cho việc thi ân giáng phúc của Thiên Chúa.  Bà tin, Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa sai đến như vị Cứu tinh dân ngoại, bởi bà tin Thiên Chúa đã hành động.  Lời thánh Phaolô chứng tỏ điểu đó: “Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót” (Rm 11, 32).  Tại Nagiaret, Đức Giêsu đã không thể làm một phép lạ nào vì họ không tin vào Người, bởi vì họ cứng lòng tin.  Người đàn bà này bằng đức tin đã đến gần Chúa Giêsu.  Bà quả là một người mẹ có lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, bà đã được Thiên Chúa xót thương (x. Rm 11, 13-15. 29-32)

Bài học cho chúng ta

Chúng ta học được nhiều điều ở nơi bà xứ Canaan.  Nhờ đức tin của bà, Chúa Giêsu hoàn thành phép lạ cứu con gái bà.  Người ban cho bà được đồng bàn tình thương của Thiên Chúa như con cái Cha trên Trời.  Được trở nên con cái Thiên Chúa là ơn gọi của chúng ta!  Chúng ta không bị tách rời khỏi Giao ước ban đầu.  Chúa Giêsu đến để kiện toàn, vì: “Không còn Do Thái hay Hi lạp; không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ; vì hết thảy anh em là một trong Đức Kitô Yêsu”(Gal 3, 28).  Thánh Gioan nói với chúng ta rằng chúng ta có quyền là con.  Tất cả những ai đón nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa (x. Ga 1, 12).  Cả chúng ta nữa, chúng ta được Thiên Chúa Cha mời gọi vào dự tiệc cưới Con Chiên.

Bánh vẫn luôn luôn là nội dung của câu chuyện.  Bánh được ban cho dân chúng ăn no nê, thỏa mãn sự thèm muốn.  Bánh đã được ban tặng cho 12 chi tộc Israel, bánh ấy đã không được chấp nhận, nay Bánh ấy được ban cho dân ngoại.  Chúa Giêsu là Bánh của con cái Thiên Chúa.  Phẩm vị của những người làm con Thiên Chúa mới đẹp làm sao.

Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện, như: người bạn đến quấy rầy xin bánh, bà góa yêu cầu vị thẩm phán bất lương xử kiện, cụ thể người đàn bà xứ Canaan đã chiến đấu và đã chiến thắng.  Thiên Chúa vui mừng vì đã có cơ hội để chịu thua một đức tin tuyệt vời.  Trong đời sống của chúng ta, chúng ta cũng phải chiến đấu một trận chiến, ai có đức tin tuyệt vời sẽ là người chiến thắng.  Amen!

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

MARIA, THẦY DẠY ĐỨC TIN (có Youtube)

Trong một đan viện nọ, có hai tu sĩ ngồi đàm đạo để cùng giúp nhau thăng tiến về đời sống thiêng liêng.  Họ mở Kinh Thánh ra và cùng nhau chia sẻ.  Đoạn Kinh Thánh được đọc lên, trích trong Tin mừng Luca chương 15, nói về dụ ngôn đứa con hoang đàng.  Câu chuyên khá dài với nhiều tình tiết.  Gấp sách lại, cả hai thinh lặng cầu nguyện và trao đổi.  Một đan sĩ lên tiếng: “Tôi không hiểu tại sao thằng bé này lại bỏ nhà đi hoang.  Nó có một gia đình khá đầy đủ về vật chất.  Hơn nữa, nó còn có một ông bố yêu thương nó hết lòng.  Vậy tại sao nó lại thoát ly gia đình?”  Suy nghĩ một lát, vị đan sĩ kia lên tiếng: “Đứa bé này bỏ nhà đi bụi, vì trong ngôi nhà ấy vẫn vắng bóng một người mẹ.”

May mắn, chúng ta có một người Mẹ tuyệt vời là chính Đức Maria.  Người vừa là hiền mẫu, vừa là Thầy dạy đức tin và cũng là đấng phù trợ chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin trần thế.  Mừng lễ Mẹ lên trời hôm nay, Giáo hội cũng nhắc nhớ chúng ta hướng về người Mẹ thiêng liêng và tuyệt diệu này.

Đồng thời, chúng ta cũng nhìn về Đức Maria như là khuôn mẫu đức tin để noi theo.

Ý nghĩa mầu nhiệm Mẹ lên trời hồn xác

Năm 1950, Đức Thánh Cha Piô XII đã công bố tín điều này.  Đây là tín lý thuộc đức tin mang tính thần khải và Công giáo.  Giáo hội xác tín chân lý ấy dựa vào nhiều lý chứng.

Trước hết, bởi vì Mẹ là thụ tạo vượt trổi, đã được Chúa giữ gìn khỏi lây nhiễm tội lỗi.  Tội tổ tông không để lại âm hưởng gì nơi Mẹ, đồng thời Thiên Chúa cũng gìn giữ mẹ luôn mãi vẹn tuyền.  Ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Ngài phó trao cho Mẹ những đặc sủng tương thích với sứ vụ cao cả này.  Thân xác Mẹ cho dù có phải nếm trải sự chết giống như Đức Giêsu, nhưng thân xác vẹn tuyền đó không thể  bị hủy hoại.  Vì vậy Giáo hội xác tín rằng sau khi chết, Mẹ đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác.

Thứ đến, cuộc đời của Mẹ đã gắn kết chặt chẽ với Đức Giêsu.  Đức Giêsu đã phục sinh và lên trời.  Mẹ cũng vậy.  Phần thưởng nước trời dành cho Mẹ như một hệ quả tất yếu của sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu.

Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh đã nói đến sự chiến thắng của người nữ trên con rắn.  Người nữ đạp dập đầu con rắn và con rắn rình cắn gót chân bà.  Người phụ nữ này là hình tượng chỉ về Hội thánh, về Đức Maria, về những con người sống hiệp thông chặt chẽ với Đức Giêsu trong nhiệm cục cứu độ.  Cũng tương tự, người nữ trong sách Khải Huyền đã chiến thắng con rồng đỏ, cũng ám thị về Đức Maria và về toàn thể Giáo hội.

Giáo hội công bố tín điều này để mời gọi chúng ta hướng về Mẹ như khuôn mẫu đức tin.  Mẹ chính là Thầy dạy Đức tin cho chúng ta.

Thầy dạy đức tin

Sau khi Chúa về trời, Kinh Thánh nói rất ít về Mẹ.  Tin mừng Gioan chỉ tóm gọn trong một câu ngắn: “Từ lúc ấy, môn đệ đem Mẹ về nhà mình (Ga 19,27).  Sách Tông đồ Công vụ chỉ duy nhất một lần nói về sự hiện diện của Đức Maria giữa các tông đồ khi cầu nguyện tại Giêrusalem trong dịp lễ Ngũ Tuần.  Sau đó, Chúa Thánh Thần đậu xuống trên các tông đồ và trên Đức Mẹ (Cv. 1,12).   Như vậy, sau biến cố Phục sinh, Mẹ đã hoàn toàn rút vào trong thinh lặng để suy niệm và cầu nguyện.  Thái độ đức tin này cũng được Thánh Luca tóm kết bằng một câu đơn giản: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc. 2,19).  Vì vậy, qua phụng vụ hôm nay, Giáo hội cũng mời gọi chúng ta hướng về Mẹ như là Thầy dạy đức tin của mọi tín hữu.

“Phúc cho bà là kẻ đã tin” (Lc. 1,45).  Đây là lời được mặc khải qua miệng bà Elizabeth.  Trước khi chúng ta chiêm ngắm các nhân đức và những đặc phúc nơi Mẹ, chúng ta hãy nhìn về Mẹ như là Thầy dạy đức tin của chúng ta.

Cuộc hành trình đức tin của Mẹ được dàn trải trong suốt cả cuộc sống, từ biến cố truyền tin đến cao điểm là phút giây hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu dưới chân Thập giá.  Thái độ đức tin đó được thể hiện bằng cách Mẹ luôn tìm kiếm và quy thuận thánh ý Thiên Chúa.  Có lần, khi Chúa Giêsu đang giảng giữa đám đông, Đức Maria chợt đến.  Người ta báo cho Chúa biết là “bà cố” đang đến.  Người trả lời: “Ai là mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Mc 3,31-35).  Đức Giêsu gián tiếp đề cao thái độ đức tin nơi Mẹ.  Tính cách làm Mẹ của Ngài hệ tại ở việc biết nghe lời Thiên Chúa và đem ra thi hành.

Mẹ được đem về trời cả hồn lẫn xác là dấu chứng của một cuộc vinh thắng, và đó chính là cuộc chiến thắng trong đức tin.  Trong thư Rôma, thánh Phaolô so sánh Ađam với Đức Kitô (xem chương 5).  Ađam gieo sự tội vào trần gian vì bất tuân, còn Đức Kitô đưa sự giải án tuyên công đến cho con người qua vâng phục.  Cũng như Evà đã liên đới với Ađam trong tội nguyên tổ, thì Đức Maria được sánh ví như Evà mới, đã hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu để đem ơn cứu độ đến cho con người.  Nhiều thần học gia còn gọi Mẹ là Đấng “Đồng công Cứu chuộc” (Corredemptorist).  Sách Giáo lý Công giáo cũng mời gọi chúng ta hướng nhìn về Mẹ như là Biểu tượng Cánh chung (Eschatological Icon) cho toàn Giáo hội trong cuộc lữ hành trần thế (Giáo lý Công giáo số 972).  Những điều này nói về Mẹ như là khuôn mẫu và Thầy dạy đức tin cho chúng ta.

Ở Đức, trong một vở kịch diễn lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, diễn viên trình diễn cảnh Giuđa sau khi phản bội đã ra đi tự vẫn.  Trước khi chết, anh ta thét lên: “Khốn thân tôi, tôi biết chạy đến với ai bây giờ ?”  Nghe vậy, một đứa trẻ ở gần đó nói với mẹ: “Mẹ ơi, sao anh ta không chạy đến với Đức Maria.”

“Trên đời này, không có một kỳ quan nào cao cả và vĩ đại cho bằng trái tim của người mẹ.”  Cũng vậy, chúng ta có Đức Maria là Hiền Mẫu, là Thầy dạy đức tin và cũng là nơi nương náu an toàn nhất trong cuộc lữ hành trần thế hôm nay.

Lm G.B. Trần Văn Hào SDB

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

THEO ĐỨC MẸ LÊN TRỜI (có Youtube)

Sắp đến lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời.  Lên Trời là lên thiên đàng.  Mẹ Maria lên trời là một sự kiện đầy hân hoan.  Sự kiện vui mừng này gợi lên trong chúng ta khát vọng chính chúng ta cũng được lên trời.

Nhưng, để theo Đức Mẹ lên trời, ta không thể tự mình lên được.  Ta phải tuân theo chỉ dẫn của Mẹ.  Chỉ dẫn của Mẹ rất đơn sơ:  Hãy sống vâng phục thánh ý Chúa (Lc 1,18).  Thánh ý Chúa về ta là thế nào?  Tôi thiết nghĩ:  Trong một nơi đặt truyền giáo là ưu tiên như tại đây, thì thánh ý Chúa về ta là lời Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ Người, trước khi Người về trời: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Lời truyền dạy đó phải được coi là rất cần hiện nay.  Nó phải được áp dụng một cách sống động.   Nghĩa là đối với mỗi người chúng ta, ai cũng phải làm chứng về Chúa tại nơi mình đang sống, trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống mình.  Làm chứng cho Chúa tại nơi mình sống phải được coi như một nhiệm vụ sống còn.  Vì thế tôi thường nghĩ: “Làm chứng cho Chúa” tại đây lúc này là con đường tôi phải đi, để được lên trời với Đức Mẹ.

Với ý nghĩ đó, tôi xin phép chia sẻ vài suy tư, để xét mình, nhân dịp mừng lễ Mẹ lên trời.

Làm chứng cho Chúa

Làm chứng cho Chúa là làm chứng cho Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu phán: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8).  Làm chứng cho Chúa Giêsu là làm chứng Người là Đấng Cứu thế.  Người cứu độ nhân loại bằng chịu khổ hình và sống lại.  Phúc Âm ghi rõ nội dung làm chứng: “Bấy giờ Người mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.  Chính các con là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,45-48).

Chắc chắn chúng ta có làm chứng cho Chúa Giêsu theo chứng từ trên đây.  Làm chứng như thế cũng đã là việc tốt.  Nhưng điều tốt hơn, mà mục vụ và truyền giáo mong muốn nơi ta, là chúng ta làm chứng Chúa Giêsu đã và đang cứu độ ta, trong chính cuộc sống cụ thể của ta, một cuộc sống có vô vàn phức tạp.  Hơn nữa, ta cũng làm chứng rằng: chính ta cũng đã và đang cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ những người xung quanh, cả đồng bào ta.

Hôm nay, nếu tôi và nhiều người khác biết sám hối, bỏ được tội lỗi, trở về đàng lành, giải quyết được nhiều vấn đề, thì chính là nhờ ơn cứu độ của Chúa, Đấng đã chịu nạn và phục sinh cho tôi và cho mọi người.  Tin Mừng qui chiếu vào hiện tại, vào hôm nay, vào cuộc sống và vấn đề của chúng ta.  Tôi có kinh nghiệm như vậy.  Những bước đường làm chứng một cách cụ thể như thế sẽ không dễ dàng.  Nhưng chúng ta sẽ thực hiện được nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần

Khi sai các tông đồ đi làm chứng, Chúa Giêsu đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần” (Cv 1,8).

Kinh nghiệm cho tôi hiểu lời đó thế này: Chúa Giêsu cứu độ thường đến với ta qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần.  Sức mạnh ấy được thể hiện nhiều cách, nhất là ơn đổi mới tâm hồn.

Chẳng hạn, trước đây có những người dễ chạy theo những thú vui hưởng thụ thế gian, thì nay họ trở thành dửng dưng với những thứ đó, để hăng say chìm đắm trong sự bình an của ơn Chúa hiện diện.  Trước đây, có những tính tình rất tự phụ tự mãn, coi như đã xi măng-hoá rất vững trong chất kiêu căng, nhưng nay họ trở thành khiêm tốn nhã nhặn, từ các suy nghĩ, đến các cử chỉ thái độ và lời nói.  Các đổi mới như thế thường rất sâu xa, nhưng lại rất âm thầm.  Nơi từng cá nhân, nơi cả một tập thể.  Tôi coi những đổi mới như thế là sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Nhiều khi, nhìn thấy những sự lạ lùng mà Chúa Thánh Thần đã và đang thực hiện tại đây trong các tâm hồn giữa những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, tôi có cảm tưởng công việc Ngôi Lời nhập thể vẫn đang tiếp tục.  Rất lặng lẽ, rất ẩn dật, nhưng Chúa Thánh Thần đang đưa ơn cứu độ vào lịch sử từng người và từng địa phương.

Chính tôi đã cảm nghiệm được sự kiện đó. Chúa hiện diện trong đời tôi, nhất là trong những giai đoạn tăm tối nhất. Người hiện diện để ủi an, để nâng đỡ, để soi sáng, để thứ tha, để chia sẻ, để cải hoá, để thanh luyện.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi có thể tiên đoán được sự chuyển biến tốt của lịch sử đang diễn ra âm thầm, qua những đổi mới các tâm hồn, do sức mạnh của Chúa Thánh Thần.  Tôi càng có lý để tin điều đó, khi nghĩ đến sự Đức Mẹ đang đồng hành với chúng ta trên đường truyền giáo.

Nhờ Mẹ Maria cầu bầu

Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan: “Này là mẹ con” (Ga 19,26).  Tôi coi lời trối quí giá đó cũng dành cho mọi người sẽ được sai đi làm chứng cho Chúa.  Xin tạm bỏ qua lý thuyết cắt nghĩa lời đó.  Tôi chỉ xin dựa vào kinh nghiệm.  Kinh nghiệm làm chứng điều này:  Đức Mẹ giữ một địa vị rất quan trọng trong việc chúng tôi làm chứng cho Chúa.

Nhiều người biết Đức Mẹ trước khi biết Chúa.  Nhiều nơi cầu nguyện với Đức Mẹ trước khi cầu nguyện với Chúa.  Đức Mẹ là nơi ẩn náu của những ai tội lỗi, là nguồn an ủi cho những ai lo buồn.   Đặc biệt, Đức Mẹ là hy vọng của những ai bé nhỏ, mọn hèn.

Riêng với những người làm chứng cho Chúa, Đức Mẹ dạy cho họ cách riêng tinh thần khiêm tốn, khó nghèo.  Bởi vì, để làm chứng cho Đấng cứu thế là Đấng rất khiêm tốn, khó nghèo, người ta không thể phản chứng bằng đời sống của mình trái ngược với khó nghèo khiêm tốn.

Hơn nữa, Chúa chỉ ban ơn biết làm chứng về Chúa cho những ai có tinh thần khiêm tốn.  Như lời Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.  Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).  Người sống bé mọn với Chúa, luôn là người sống bé mọn với Đức Mẹ và với Hội Thánh của Chúa.

Trên đây là một thoáng nhìn về con đường tôi theo Mẹ lên trời.  Tôi thấy rõ tôi không đi một mình.  Chúng tôi đi với nhau, trong tình hiệp thông và phấn đấu, luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa, để làm chứng cho Đấng Cứu độ.  Người là Tin Mừng cho mọi người.  Loan báo Tin Mừng, sống Tin Mừng là con đường Mẹ đã đi để lên trời.  Con cái Mẹ cũng theo Mẹ mà đi trên con đường đó, để về trời.

GM GB. Bùi Tuần

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

CON TƯỞNG (có Youtube)

Bài hát “Con tưởng rằng con vững tin…” của linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy quả là suy niệm thật thích hợp cho chủ đề Lời Chúa của tuần 19 thường niên năm A.  Câu chuyện “Chúa đi trên mặt biển” và sự kiện “chìm nghỉm” của Phêrô đã nói lên thực tại thân phận con người khi phải đối diện với những sức ép của mãnh lực thiên nhiên, thế lực trần gian và cả chính sự yếu đuối tự thân của mỗi người.  “Con tưởng rằng con vững tin, khi đời sống toàn những hoa hồng.”  Nhiều khi, chúng ta tưởng rằng mình đã đủ lớn, lớn cả thể xác, lớn cả chức vị nhưng thực ra chúng ta cũng chỉ là một tạo vật thật tầm thường, bé nhỏ và yếu đuối giữa biển đời mênh mông, đầy bão tố.

Sức ép của những cơn gió ngược đến từ thiên nhiên.  Những đợt sóng dữ, dồn dập vỗ tứ bề, con thuyền thì tròng trành sắp chìm, bầu trời phủ một màu đen tối, chẳng thấy đâu là bến bờ.  Tất cả làm nên sức mạnh của thiên nhiên khiến cho con người phải hoảng sợ và mất hết phương hướng, mặc cho những kinh nghiệm từng trải của đời ngư phủ.  Sức ép về tâm lý đã làm cho các môn đệ cảm thấy chới với, mệt mỏi và buông xuôi, hoảng hốt bảo nhau “Ma đấy!”  Mất hết niềm tin!

Sức ép của những cơn gió ngược đến từ con người.  Những cơn bão tố đến từ quyền lực, trù dập, phe cánh xem ra thời nào cũng tràn ngập xã hội và cả ngay trong lòng giáo hội, làm mất “lửa tông đồ” và gây tác hại mất cả niềm tin.  Biết đâu là chân lý, còn đâu là tình anh em huynh đệ hay chỉ là chập chùng thử thách và đêm tối.  Chẳng còn ai có nhuệ khí mà chống chèo, chẳng còn ai nhiệt tâm phục vụ, trước những cơn bão quyền lực, hay cái tôi nội bộ làm thui chột tính chiến đấu.  Hoảng hốt và sợ hãi là tâm trạng chung của các tông đồ ngày xưa và cả ngày nay trước sức ép ngược gió đến từ con người!  Mất hết niềm tin!

Sức ép của những cơn gió ngược đến từ chính bản thân:  Bệnh tật, yếu đuối và cả những cơn “cám dỗ ngọt ngào” của xác thịt, quyền lực, tình cảm đang làm cho mọi người ngày càng mất hết phương hướng giữa chợ đời đầy dẫy những cạm bẫy.  Giá trị của con người đang bị đảo lộn bởi những thách thức của nếp sống văn minh hưởng thụ, bởi trào lưu chạy theo thành tích bề ngoài, “yêu cuồng sống vội, đầy thác loạn.”  Con người cứ luôn phải đối diện với những “cơn sóng ngược” khi sống niềm tin của mình.  Mất hết niềm tin!

Không có Chúa trên thuyền cùng đồng hành, các môn đệ một mình đương đầu với những cơn sóng dữ.  Cảm giác bị bỏ rơi và cô độc, lẻ loi sẽ mãi là những cơ hội làm cho các tông đồ cảm thấy hoảng hốt, sợ hãi và đánh mất hết phương hướng.  Con người đang dần dần tự đánh mất hết niềm tin vào những giá trị tôn giáo và chỉ cần những thử thách nho nhỏ, những khó khăn hay những đòi hỏi hy sinh, con người sẽ bị chao đảo, và chìm nghỉm trong vực thẳm của đam mê dục vọng.

“Sao con lại hoài nghi.”  Chúa đang tra hỏi từng người chúng ta về sự tín thác, tin cậy vào Ngài.  Trong mọi nơi mọi lúc, Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn ở bên cạnh, đồng hành với kiếp người, bởi Ngài hiểu rất rõ thân phận con người thật mong manh và yếu hèn của chúng ta.  Chúa đã từng trấn an Phêrô “cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ” nhưng rồi “ông vẫn sợ.”

“Sao con lại hoài nghi.”  Đó chính là thực tại của con người chúng ta hôm nay khi mà trước mắt bầy ra biết bao cơn “cám dỗ ngọt ngào” khiến chúng ta không còn vững tin vào Chúa.  Tiền bạc, dục vọng, quyền lực đang ngày càng làm lu mờ con mắt đức tin của chúng ta.

“Lạy Chúa, xin cứu chúng con kẻo chết mất.”  Mang thân phận con người với sự giới hạn vì “gió ngược”, niềm tin của chúng con dễ tròng trành giữa biển đời với biết bao thử thách.  Xin Chúa hãy là “núi đá” là “điểm tựa” để chúng con cậy trông và tín thác. “Thưa Thầy, xin cứu con với” …..“Vì lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối và đổi thay.

Con đang cần đến Chúa từng phút giây, khi an vui cũng như khi sầu đầy….”  Amen!

Lm. Gioan B. Phan Kế Sự

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.