BA NGÔI (có Youtube)

Trong thánh lễ ban phép Bí tích Thêm sức, Đức Tổng Giám mục hỏi một ứng viên định nghĩa Ba Ngôi Thiên Chúa là gì. Một bé gái 14 tuổi nhỏ nhẹ trả lời: “Thưa Ba Ngôi Thiên Chúa là Ba Ngôi trong một Thiên Chúa”. Đức Tổng giám mục đã lớn tuổi, nặng tai, nghe không rõ, bèn hỏi lại: “Cha không hiểu con nói gì?” Vị linh mục giúp lễ cho ngài là một nhà thần học bèn trả lời: “Thưa Đức cha, Đức cha không cần phải hiểu. Ba Ngôi là một mầu nhiệm!”

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta biết rằng mình không thể hiểu được, vì đó là một mầu nhiệm. Nhưng cũng biết chắc rằng chúng ta đang sống mầu nhiệm đó. Ai cũng sống trong dòng đời, nhưng mấy ai đã hiểu được cuộc đời. Ai cũng cảm được dòng nhạc hay, nhưng lại không thể lấy được cái hay đó ra cho người khác xem!

Tách ra khỏi dòng sông, con cá sẽ chết. Biệt lập ra khỏi dòng đời, con người sẽ không tìm thấy hạnh phúc. Lẩy ra một nốt nhạc, nó chỉ là một âm thanh trơ trọi, không còn là một bài ca. Một vũ khúc được liên kết bởi các cử điệu trong sự liên tục trôi chảy và nhịp nhàng. Đó chính là những hình ảnh sống động giúp ta hiểu phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Có một cuốn sách tuyệt hay với tựa đề “Flow” – “Sự Trôi Chảy” của Mihaly Csikzentmihalyi, giáo sư tâm lý học trường Đại học Chicago. Tác giả đã trình bày những kết quả của việc nghiên cứu nhằm xác định một cách chính xác câu hỏi: “Điều gì làm cho con người hạnh phúc?” Sau khi thử nghiệm và phỏng vấn hàng trăm người trong nhiều năm, giáo sư đã đi đến kết luận rằng con người cảm thấy hạnh phúc nhất khi chúng ta sống “trong sự trôi chảy”.

Qua lời khẳng định này, tác giả muốn nói đến khả năng tự làm mất đi cái bản ngã của mình để hòa điệu vào cái khác hay người khác, hy sinh cuộc đời mình cho một người, một công trình, hay một hoạt động, nhẩy ra khỏi sự hạn hẹp của cái tôi chủ quan để hòa mình vào dòng suối cảm nghiệm của cuộc đời.

Sống “trong sự trôi chảy” có thể thực hiện dưới vô số những hình thức: leo núi, đánh cờ, nghe nhạc, hàn huyên trong câu chuyện gẫu, đắm chìm vào trong cuốn tiểu thuyết trinh thám, hay hăng say làm việc giúp đỡ người nghèo. Bất cứ cái gì thúc đẩy chúng ta ra khỏi bản thân mình, bất cứ cái gì làm cho chúng ta ngây ngất, hay tạo nên hoan lạc có thể được coi như “trong sự trôi chảy”. Đồng thời, khi chúng ta bị ngã bật ngửa ra, qua sự chán chường hay lo âu, khi chúng ta tê cóng lại thay vì chuyển động trôi chảy, chúng ta trở nên bất mãn, không hạnh phúc.

Đối với người Công giáo thì chẳng có gì ngạc nhiên, vì chúng ta ngầm khẳng định cái kinh nghiệm nội tâm này và biểu tỏ ra một cách sâu xa mỗi khi làm dấu thánh giá. Tôi tự hỏi chúng ta có thường ý thức rằng Thiên Chúa mà chúng ta thờ phượng không phải là một tĩnh vật bất động nhưng là một tập thể của những ngôi vị linh hoạt và năng động: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.

Từ nguyên thủy, Đức Chúa Cha, nguồn thần tính vô tận và phong phú, biểu tỏ qua Chúa Con, một cuộc hành trình đi ra khỏi chính mình trong kiến thức và tình yêu. Và Đức Chúa Con, từ nguyên thủy tự cho phép mình được phát biểu và rồi trở về với Đức Chúa Cha trong hoan lạc. Trong tình yêu hỗ tương, sự chia sẻ thân mật sâu xa của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là Đức Chúa Thánh Thần.

Diễn tả theo ngôn ngữ gợi cảm của thánh Bernard of Clairvaux: Đức Chúa Cha là người hôn, Đức Chúa Con là người được hôn, và Đức Chúa Thánh Thần chính là nụ hôn mà Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con chia sẻ với nhau. Thiên Chúa của chúng ta là một sự nhịp nhàng, một vũ khúc, một dòng sông, một dòng đời. Bản chất của Đức Chúa Cha là hướng về người khác, là đi ra khỏi chính Ngài. Bản tính của Đức Chúa Con là quên mình, trong khi bản tính của Đức Chúa Thánh Thần là yêu thương và được thương yêu.

***********

Ôi Thiên Chúa của con, con thờ lạy Ba Ngôi, xin giúp con quên hẳn mình đi để ở trong Chúa, bất động và bình an như thể hồn con đang sống trong vĩnh hằng; xin đừng để điều gì quấy phá sự bình an của con, và làm con phải ra khỏi Chúa, ôi Đấng bất biến của con, nhưng xin cho mỗi phút đem con vào sâu hơn trong mầu nhiệm của Chúa!  Xin cho tâm hồn con được bình an và trở thành thiên đường của Chúa, nơi cư ngụ Chúa yêu thích, nơi Chúa nghỉ ngơi.  Xin cho con đừng bao giờ để Chúa một mình, nhưng luôn có mặt, trọn vẹn, tỉnh thức trong đức tin, hết lòng thờ kính, hiến dâng trọn vẹn để Chúa tác tạo. 

Lời nguyện của chân phúc Êlisabeth Ba Ngôi.

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

33 NĂM SAU (có Youtube)

Với tựa đề “33 năm sau”, đó là một câu chuyện thuật lại như sau: “Những gì đã xảy ra cho đứa bé năm nào?”  Một trong ba vua đã đi triều bái vua Do Thái mới sinh tự hỏi.  Suốt cuộc đời mình, nhà vua không thể nào quên được cuộc hành trình cách đây khoảng 33 năm, một cuộc hành trình dõi theo ánh sáng sao lạ dẫn ông đến hang đá Bêlem.

Câu hỏi: “Liệu đứa bé ấy có trị vì dân Israel được không?”  Làm cho nhà vua bồn chồn đứng ngồi không yên.  Rồi chẳng dừng được, một lần nữa nhà Vua quyết định lên đường đi đến Palestine.  Tại Giêrusalem, những bậc bô lão còn nhớ đến những vì sao lạ, nhưng không ai biết gì đến đứa bé được sinh ra dưới điềm lạ ấy.  Còn tại Bêlem mọi người được hỏi đều lắc đầu, ngoại trừ một cụ già cho nhà Vua biết: Làm gì có ông Giêsu Bêlem, chỉ có ông Giêsu Nagiarét, một người nói phạm thượng tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nên cách đây mấy tuần đã bị xử “tử hình thập giá”.

Thất vọng ê trề, nhà Vua thẫn thờ nhập vào đoàn những người hành hương trở lại Giêrusalem, vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần.  Chen lấn vào đoàn lũ đang mừng lễ Tạ Ơn Sau Mùa Gặt, nhà Vua chú ý đến một đám đông đang bu quanh một nhóm người.  Tò mò ông lấn qua đám đông để đến gần và nghe có kẻ nói: “Tưởng gì chứ lại gặp mấy tên say rượu nói tầm xàm.”

Nhưng tai nhà Vua lại nghe một người trong nhóm nói tiếng nước mình và rõ ràng ông ta nói về ông Giêsu Nagiarét, người đã bị đóng đinh, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết.  Như bị một sức mạnh vô hình thúc đẩy, nhà Vua chen vào đám đông cất tiếng hỏi: “Vậy bây giờ ông Giêsu đó ở đâu?”  Ðại diện nhóm người đứng ở giữa đám đông là Simon Phêrô trả lời: “Ngài đang ở giữa chúng tôi.  Ngài đang ở trong chúng tôi.  Chúng tôi là môi miệng, là tai mắt, là đôi tay, là đôi chân của Ngài.”

Trong lúc Phêrô đang nói, bỗng có một luồng gió thổi mạnh và hình lưỡi lửa một lần nữa thổi tràn xuống mọi người.  Nhà Vua bỗng lại thấy ánh sao Bêlem, nhưng lần này ánh sao ấy chia ra nhiều ánh sao khác rơi xuống mọi người.  Trong tâm hồn, nhà Vua chợt hiểu: Mỗi người phải trở nên máng cỏ nơi Ðức Giêsu sinh ra và mỗi người phải mang Ngài đến cho mọi người xung quanh.

Câu chuyện trên nối liền ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, mừng biến cố Ngôi Lời nhập thể với Lễ Tưởng Niệm Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.  Ðồng thời câu chuyện cũng nêu nổi bật bổn phận của mọi người Kitô, là những kẻ phải trở nên tai mắt, trở nên môi miệng và chân tay của Ðức Kitô để mang Tin Mừng của Ngài đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ và cộng tác hằng ngày.

Trích Lẽ Sống

******

Lạy Chúa Thánh Thần mến yêu, Chúa là nguồn êm ái và ủi an, là ánh sáng và ân sủng, xin ngự xuống lòng con, con khao khát Chúa.  Xin ban cho con ơn khôn ngoan để con dùng sự phán đoán, lời nói và hành động mà tôn thờ, chúc tụng và làm sáng danh Chúa.  Xin cho con trí thông hiểu để con biết Chúa và yêu Chúa nhiều hơn, để con đón nhận và làm theo thánh ý Chúa.  Xin cho con ơn hiểu biết để con biết được giá trị của ơn cứu độ.

Xin hướng dẫn để con làm chứng nhân cho Chúa, dẫn dắt ai đang tìm kiếm Chân Lý và Ánh Sáng.  Xin làm cho  con trở nên khí cụ, đem Chúa đến cho người lạc lối.  Xin cho lòng con sốt mến, để con yêu thương, phụng sự và tôn thờ Chúa.  Xin cho con ngoan cường chịu đựng, để con vững tin vào Chúa đến cuối cuộc đời, để con thực thi những điều tốt đẹp, vì Chúa và vì mọi người mà không mong đền đáp.

Xin cho con biết kính sợ Chúa, để con nhận ra những tội lỗi của con, để con làm theo thánh ý Chúa và quyết chống lại những cơn cám dỗ.  Xin cho con trưởng thành trong đức tin, trung tín với lời cam kết khi rửa tội.

Lạy Chúa Thánh Thần mến yêu, Chúa là hy vọng, là sức mạnh của con, xin đổ tràn đầy tâm hồn con tình yêu Chúa.  Xin canh tân đức tin và đổi mới lòng con.  Lạy Chúa Thánh Thần, Con yêu mến Chúa, con khao khát Chúa.  Amen.

ĐGM Ruperto C. Santos

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

SỨC MẠNH CỦA SỢ HÃI (có Youtube)

Sợ hãi là nhịp tim của sự bất lực.  Đây là lời của Cor de Jonghe.  Đúng là thế.  Chúng ta có thể giải quyết hầu như mọi chuyện, ngoại trừ nỗi sợ.

Ngòi bút thiêng liêng người Bỉ, Bieke Vandekerkehove, trong quyển Vị của Thinh lặng, đã chia sẻ rất chân thành về những con quái vật quấy rối cô lúc cô mắc một chứng bệnh nan y ở tuổi 19.  Cô đưa ra ba con quái vật đã giày vò mình khi cô đối diện với cái chết, buồn sầu, giận dữ, và sợ hãi.  Và cô cho rằng chúng ta có thể dễ dàng đối diện với hai con quái vật buồn sầu và giận dữ, hơn là con thứ ba, con sợ hãi.  Và đây là suy nghĩ của cô:

Buồn sầu có thể giải quyết bằng những giọt nước mắt, bằng u phiền.  Buồn sầu có thể đổ đầy chúng ta như một cốc nước, nhưng cái cốc đó có thể đổ hết đi.  Nước mắt có thể xói mòn sự cay đắng của buồn sầu.  Chắc chắn, chúng ta đã từng cảm nghiệm được sự giải thoát, sự xoa dịu nhờ những giọt nước mắt. Nước mắt có thể làm mềm đi trái tim và tẩy đi chua cay của buồn sầu, cho dù sự nặng nề vẫn còn đó. Buồn sầu dù có nặng nề đến đâu, vẫn có một cái van để xả ra.  Giận dữ cũng thế.  Giận dữ có thể được bộc lộ và những bộc phát này giúp giải phóng giận dữ để nó không cuồng phá chúng ta.  Chắc chắn, chúng ta cũng từng trải qua chuyện này rồi. Tất nhiên, là khi giải phóng cơn giận, chúng ta cần cẩn trọng đừng để làm tổn thương người khác, và đây là mối nguy luôn tồn tại khi xử lý cơn giận dữ.  Với giận dữ, chúng ta có nhiều cách: Có thể hét lên, đánh trống, đấm đạp, cuồng ngôn, vận động cơ thể đến khi mệt lử, đập đồ đạc, thốt ra những lời đe dọa, và xả thịnh nộ vào đủ thứ có thể.  Những chuyện này không hẳn là có lý có lẽ, và nhiều thứ cũng bất bình thường, nhưng chúng cho chúng ta một lối thoát. Chúng ta có các công cụ để giải quyết giận dữ.

Nhưng sợ hãi, thì không có một cái van nào để xả.  Thường thì chúng ta không có cách nào để làm giảm bớt hay bỏ đi nỗi sợ hãi.  Nỗi sợ làm tê liệt chúng ta, và sự tê liệt này cướp đi sức mạnh chúng ta cần có để đương đầu với nó.  Chúng ta có thể đánh trống, cuồng ngôn, khóc lóc, nhưng nỗi sợ vẫn còn. Hơn nữa, không như giận dữ, nỗi sợ không thể trút lên một sự vật hay một con người khác, dù cho chúng ta có cố đến đâu chăng nữa.  Đến tận cùng, chẳng có cách nào.  Cái mà chúng ta sợ, không biến mất theo ý muốn của chúng ta.  Chỉ có thể chịu đựng nỗi sợ hãi.  Chúng ta phải sống với nỗi sợ cho đến khi nó tự tan biến dần.  Có khi, như trong sách Ai Ca, tất cả những gì chúng ta có thể làm, là vùi miệng trong đất cát và chờ đợi.  Với nỗi sợ, có lúc tất cả những gì chúng ta có thể làm là chịu đựng.

Chúng ta có học được bài học nào qua điều này?

Nhà thơ người Nga, Anna Akhmatova, đã kể lại lần bà gặp một bà, khi cả hai chờ bên ngoài nhà tù. Chồng của hai người đều đang bị tù dưới chế độ Stalin, và cả hai đều đến để đưa thư và các gói đồ cho chồng mình, giống như nhiều phụ nữ khác.  Nhưng khung cảnh khá là vô lý.  Tình thế lúc đó thật kỳ quái.  Trước hết, các bà không chắc chồng mình có còn sống hay không, và nếu còn sống, thì cũng chẳng biết là các lá thư và gói đồ của mình có được lính gác gởi đến được tay chồng mình hay không.  Hơn nữa, lính gác, chẳng vì lý do gì cả, lại bắt họ phải đợi hàng giờ dưới tuyết lạnh trước khi đến lấy thư và các gói đồ, và có lúc lại còn chẳng thèm tiếp.  Vậy mà mỗi tuần, bất chấp sự vô lý này, các bà vẫn đến, vẫn chờ dưới tuyết, chấp nhận sự bất công này, chấp nhận trải qua thời gian chờ đằng đẵng, và cố gắng đưa các lá thư các gói đồ đến cho người thân yêu của mình.  Một sáng nọ, khi họ đang chờ đợi, mà chẳng biết phải chờ đến lúc nào, thì một bà nhận ra Akhmatova, và hỏi: “À, chị là nhà thơ.  Chị có thể cho em biết chuyện gì đang xảy ra ở đây không?” Akhmatova nhìn bà này và trả lời: “Vâng, em có thể!” Và rồi giữa hai người hé một nụ cười.

Tại sao lại cười?  Chỉ là vì, khi có thể định danh chuyện gì đó, thì cho dù có vô lý hay bất công, có bất lực để thay đổi nó, vẫn là chúng ta đang tự do, đang đứng trên nó, biến đổi nó theo cách nào đó.  Định danh điều gì đó cho đúng, phần nào giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của nó.  Đây là lý do vì sao các chế độ chuyên chế sợ hãi các nghệ sĩ, nhà văn, nhà phê bình tôn giáo, nhà báo, và ngôn sứ.  Họ định danh mọi sự.  Đây chính là chức năng tận cùng của ngôn sứ.  Các ngôn sứ không báo trước tương lai, nhưng là định danh hiện tại cho đúng.  Richard Rohr thích nói rằng: Không phải mọi sự đều có thể được sửa chữa và chữa lành, nhưng mọi sự cần được định danh cho đúng.  James Hillman thì có cách của mình để thể hiện điều này.  Ông đề xuất rằng một triệu chứng đau đớn nhất khi nó không biết mình thuộc về sự gì.

Và điều này có thể hữu ích cho chúng ta để giải quyết nỗi sợ hãi trong đời mình.  Nỗi sợ có thể khiến chúng ta vô lực.  Nhưng, định danh nó cho đúng, nhận ra triệu chứng này do đâu, và nhìn nhận sự bất lực của chúng ta trong hoàn cảnh đó, có thể giúp chúng ta sống với nỗi sợ đó, sống mà không buồn sầu hay giận dữ.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

*********

Lạy Chúa,

hôm nay con bỗng sợ nhiều thứ
sợ thời gian, sợ chặng đường phía trước…
Con sống trong tâm trạng hoang mang
thấy bóng tối cứ bao phủ lấy con.
Con vùng vẫy và muốn tìm lối thoát
thực sự là con rất sợ!

………………………..

Xin dạy con sống Thánh, bằng việc sống tốt giây phút hiện tại
và vượt qua sợ hãi, bằng việc không quá bận lòng về tương lai.
Xin cho con có sức mạnh của Chúa
để không khó khăn nào có thể khuất phục được con
Xin cho con luôn vững tin vào Chúa
rằng trong Chúa mọi sự đều có thể.
Và xin cho mỗi bước con đi, mỗi việc con làm
đều in đậm Tình Yêu nhưng không của Chúa.

 Quỳnh Trâm

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.