Việc nói lời xin lỗi có thể khó khăn, nhưng nó giúp ích cho tâm trí, thân xác và linh hồn bạn.
Tôi sẽ không thể nào quên việc ông chủ đã la mắng khi tôi mắc một sai lỗi. Tôi đánh giá cao công việc của mình nên tôi đã nhanh chóng xin lỗi và hứa sẽ sửa chữa, nhưng trong thâm tâm tôi giận sôi lên. Tôi nghĩ rằng, mình đã không làm gì sai. Trong đầu tôi, ông ấy mới là người sai và tôi xin lỗi vì đó là cách nhanh nhất để chuồn ra khỏi phòng của ông. Tuy nhiên, buổi tối hôm đó tôi không thể ngủ được, và tôi bắt đầu ngẫm nghĩ về giá trị mà một lời xin lỗi thực sự có thể đem lại.
Thường thì cái giá của một lời xin lỗi dường như quá cao. Có một sự lưỡng lự muốn tháo lui, bởi vì bạn cảm giác giống như bị mất một phần nào đó của chính mình khi phải thú nhận là mình sai phạm. Một khi tôi nhận ra mình đã hành xử sai với một ai đó, tôi trải qua một tiến trình kỳ lạ: cố gắng tự thuyết phục rằng mình là người tốt, mặc kệ lương tâm mình nói gì, kế đến là bào chữa cho hành động của mình và giảm thiểu tối đa những sai quấy mà mình đã làm. Cuối cùng, vui mừng vì phải ngu muội mà tin rằng chính mình là người sai và mọi người khác đều muốn giúp mình.
Dĩ nhiên, trò lươn lẹo phức tạp này không kéo dài. Tôi không bao giờ đánh mất cảm giác trăn trở về ý tưởng, cuộc sống sẽ không bình an cho tới khi tôi làm những việc đúng. Khi sự việc quá tệ, tôi nằm trong bóng đêm ngẫm nghĩ, hoặc là tôi sẽ có một phản ứng căng thẳng đến nỗi huyết áp nhảy vọt. Tôi cố làm việc chăm chỉ để tránh nói lời xin lỗi – hoặc xin lỗi một cách không chân thành – nhưng cuối cùng nó cũng không thành công.
Lợi ích thể xác và tinh thần của việc xin lỗi
Khi chúng ta tức giận và từ chối nói ra hoặc đón nhận một lời xin lỗi, nó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của mình. “Không thể ở yên được – bạn sẽ lăn qua, trở lại trên giường, bạn sẽ thấy tức thở vì những suy nghĩ đầy ắp trong lồng ngực, bạn ăn, uống không kiểm soát, bạn thấy cái đầu muốn nổ tung”. Đó là lời của Chaline Laino, tác giả của một bài báo nói về lời xin lỗi đem lại lợi ích gì cho sức khỏe trên trang Web MD.
Một lời xin lỗi đàng hoàng cũng ảnh hưởng tốt đẹp trên những người đón nhận nó. Laino cũng đề cập đến một nghiên cứu năm 2002 do Đại học Hope và Virginia Commonwealth cho thấy: nhịp tim, huyết áp, lượng đường và nét căng thẳng trên gương mặt cũng giảm khi nạn nhân chỉ mới nghĩ đến việc mình được xin lỗi.
Việc xin lỗi cũng có ích khi một người thật sự biết nhận lỗi. Những lời xin lỗi không chân thành thường chỉ để chữa lỗi – và chúng ta thấy rất nhiều kiểu như vậy trên truyền thông xã hội với những hình ảnh, người nổi tiếng chỉ muốn rút lui sau một cuộc tranh cãi. Thí dụ, diễn viên Jason Biggs đã một lần viết những lời vô tình trên Tweet sau một tai nạn máy bay. Anh ta làm nhiều người bất bình và cuối cùng viết như thế này: “Mọi người bị khó chịu, và đó không phải là ý định của tôi. Xin lỗi những ai đã bị xúc phạm… những lời không cố tình của tôi có lẽ đã nói ra không đúng lúc. Vì thế, tôi xin lỗi.”
Tôi hiểu là anh ta cố trốn tránh trách nhiệm một cách không thỏa đáng; chỉ xin lỗi một nửa, thật ra là không nhận cái sai của mình. Nếu là tôi, tôi sẽ cảm thấy tiếp tục ân hận vì điều đó.
Việc xin lỗi ảnh hưởng đến chúng ta, không chỉ ở thể lý nhưng cả trong tinh thần nữa. Nó có thể giảm bớt những áp lực, lo lắng liên quan, và giúp làm mới lại tương quan trước đây. Trong một bài viết mạnh mẽ của mình trong Tâm lý học Ngày nay, nhà văn Beverly Engel mô tả một câu nói đơn giản “Mẹ xin lỗi” từ mẹ cô ta, sau ba năm coi nhau như người xa lạ, đã chữa lành tình cảm của cô ấy.
Những oán ghét xưa cũ sẽ tạo thành gánh nặng và tiếp tục ảnh hưởng tới những mối tương giao sau này. Đôi khi tôi bị cám dỗ không xin lỗi, bởi vì tôi nghĩ là mình sẽ không bao giờ gặp lại người đó nữa và vấn đề đó sẽ qua đi. Nhưng thực ra, nó không bao giờ là vậy. Sự tổn thương kéo dài dai dẳng, cuối cùng sẽ tác động đến chúng ta.
Tôi cảm nhận điều này quen thuộc và riêng tư như một mục tử, khi thỉnh thoảng tham gia một nhóm “Rượu không tên” tại nhà thờ để ủng hộ nhóm. Tại những buổi họp này, tôi nghe vài chia sẻ không sợ hãi, chân thành tự xét những sai sót trong quá khứ, mà tôi chưa gặp bao giờ. Mười hai bước của AA tập trung vào việc làm bản báo cáo đạo đức, và chỉnh sửa những sai lầm trong quá khứ, và bước thứ 9 là về việc sửa sai. Ngay cả khi vì không sai lỗi trong quá khứ nên khỏi tiến hành việc này – đây vẫn là thực đối với tất cả chúng ta.
Xin lỗi giúp ích tâm hồn
Trong tác phẩm Mỗi người cần tha thứ cho một ai đó, Allen Hunt viết về một người phụ nữ tên Amy, mà tác giả tranh luận nhiều năm trong những buổi họp ở nhà thờ. Sự việc tiến triển xấu đến độ, chị ta bỏ nhà thờ này đi lễ ở một nhà thờ khác, và ông nghĩ rằng vấn đề của ông coi như đã xong.
Sau đó nhiều năm, Allen vô tình gặp lại Amy trong một trận đấu tennis. Tim anh như thắt lại khi cô ta nhận ra anh và bước tới – cô ta đi bước trước và nói lời xin lỗi. “Cô ta đã thoát ra và đưa cho tôi chìa khóa để mở ra một con đường mới, một con đường không còn chua chát, độc hại đã nằm sâu trong tâm khảm tôi bấy lâu nay”, Hunt đã viết như vậy. Lời xin lỗi là thuốc giải độc cho một căn bệnh tâm hồn mà đôi khi ta không biết là ta cần nó.
Tôi không chắc là tôi có đủ can đảm như Amy. Khi tôi sợ nói một lời xin lỗi, là vì tôi không cho phép mình thoát ra khỏi sai lầm của quá khứ, mà khẳng định mình. Tôi bắt đầu nghĩ rằng những tật xấu của mình không nặng nề lắm, và thú nhận lỗi lầm là gắn mình vào nó. Mặc dù việc đó không đúng – không ai trong chúng ta được nhận dạng bằng tội lỗi của mình. Sự nhận lỗi cho phép ta vượt lên trên quá khứ, và bước những bước tiến về phía con người tốt lành, mà ta muốn trở thành.
Ba bước của việc xin lỗi
Rõ ràng là những lời xin lỗi xứng đáng với thời gian và sự nỗ lực, nhưng một lời xin lỗi tốt đẹp là như thế nào?
Một thí dụ dễ hiểu nhất, là lời xin lỗi của nữ diễn viên Reese Witherspoon, sau khi nổi tiếng trong phim ‘Good morning America’, về tội cư xử thô lỗ với cảnh sát vì bị nghi ngờ cô và chồng cô lái xe khi uống rượu. Trên truyền hình quốc gia cô nói, “Chúng tôi đi ăn tối ở Atlanta, và có uống hơn một ly rượu, chúng tôi nghĩ rằng mình có thể lái xe tốt, nhưng thực ra không nên như vậy. Điều đó không thể chấp nhận được, chúng tôi rất tiếc và xấu hổ. Tốt hơn, chúng tôi không nên làm như vậy”.
Lời xin lỗi của Reese Witherspoon gồm ba bước: Trước tiên, cô ta thành thật nhận mình đã sai. Cô nhận hoàn toàn trách nhiệm mà không cố giải thích hay biện minh. Cô không cố tình làm việc đó, nhưng thừa nhận mình hoàn toàn làm chủ hành động của mình, và tốt hơn không nên làm như vậy. Điều này có nghĩa là, lần sau cô sẽ tránh sai phạm lỗi lầm tương tự. Thứ đến, cô không cho rằng cảnh sát đã làm sai, cô không đổ lỗi cho nhân viên giao thông về sự việc đã diễn ra. Cuối cùng, Witherspoon đã không chần chừ, mà nhanh chóng nói lời xin lỗi, cho dù sự việc sẽ gây ra xấu hổ cho cô.
Chỉ cần vài câu ngắn ta có thể nói lên một lời xin lỗi đàng hoàng – không cần phải suy đi nghĩ lại. Có thể nó không dễ dàng nhưng nó đem lại cho ta sự thanh thản, bình an.
(The life-changing benefits of a good apology/Michael Rennier)
Cành Dương chuyển ngữ
************
Lạy Thánh Thần Chúa, xin giúp con biết dẹp bỏ tự ái, mặc cảm, xin ban thêm ơn can đảm để con có thể mạnh dạn mở miệng nói lời xin lỗi chân thành với những ai mà con đã lỡ xúc phạm, làm tổn thương đến họ, đặc biệt là với những người thân thương trong gia đình. Và cũng xin cho con biết mở rộng tấm lòng để đón nhận lời xin lỗi từ anh em con. Amen!
Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.