XỨNG ĐÁNG

ZZ“Sự biết ơn là nhận ra tình yêu của Thiên Chúa trong tất cả các thứ Ngài đã ban cho chúng ta – và Ngài đã cho chúng ta tất cả.

Từng hơi thở của chúng ta là một món quà tình yêu của Ngài, mỗi khoảnh khắc của cuộc sống là một hồng ân, vì nó mang đến cho chúng ta ân sủng bao la từ Thiên Chúa.  Do đó, lòng biết ơn chẳng bao giờ để chúng ta nhận một cách dửng dưng, không bao giờ không đáp trả, không ngừng tỉnh thức để cảm nhận kỳ quan mới và để ca ngợi sự huyền diệu của Thiên Chúa.  Đối với những người biết ơn, họ biết rằng Thiên Chúa rất tốt lành, không chỉ bởi nghe người ta nói nhưng bằng kinh nghiệm.  Và đó chính là điều làm nên tất cả sự khác biệt.” Thomas Merton

Chúng ta đã được nghe và chứng kiến nhiều mẫu chuyện về con số bảy trong Kinh Thánh cũng như trong điều luật Giáo Hội dạy.  Trong Cựu Ước, Thiên Chúa dựng nên mọi sự trong sáu ngày và ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi.  Trong điều luật Giáo Hội dạy, chúng ta có bảy Bí Tích, bảy mối tội đầu, thương xác bảy mối, thương linh hồn bảy mối.  Trong Tân Ước, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết tha thứ bảy mươi lần bảy, và bài đọc Phúc âm của Thánh Luca ở chương hai mươi con số bảy lại được nhắc đến khi các người thuộc nhóm Xađốc, những người không tin có đời sau, đến hỏi Chúa Giêsu về Luật Môisen dạy về việc cưới vợ lấy chồng và làm sao luật này có thể thực hiện được “trong ngày sống lại”.

Trong Phúc âm Luca, những người Xađốc đã dùng câu chuyện bảy anh em cùng lần lượt cưới một người phụ nữ để hỏi Chúa Giêsu về việc sống lại.  Câu trả lời của Chúa Giêsu cho họ là “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.  Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần.  Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.”  Vậy qua câu chuyện này và câu trả lời của Chúa Giêsu, Thánh Sử Luca đang muốn nói gì với mỗi người chúng ta là những người Kitô Hữu tin vào sự sống lại, và đặc biệt hơn nữa là đang đi tìm sự sống?

Chúng ta có thể bắt đầu với con số bảy được nhắc đến trong Kinh Thánh.  Đối với Kinh Thánh, con số bảy là con số hoàn hảo và vô tận.  Thiên Chúa dựng nên mọi sự trong bảy ngày nói lên sự hoàn hảo của tạo dựng, trong đó có con người, và con số bảy đó cũng nói lên sự tiếp tục của tạo dựng và tái tạo của Thiên Chúa trong vũ trụ và nói riêng trong mỗi người chúng ta.  Sự tái tạo ấy được Chúa Giêsu nhắc đến khi Ngài nói chúng ta phải biết tha thứ bảy mươi lần bảy.  Đó là chúng ta được mời gọi để có tâm hồn biết tha thứ vô tận vì mỗi lần chúng ta tha thứ cho kẻ khác, chúng ta được tái tạo.  Mỗi lần chúng ta biết nhận ra lỗi lầm và xin lỗi, chúng ta được tái tạo.  Mỗi lần bước vào tòa giải tội, chúng ta lại được tái tạo.  Ân sủng vô biên, vô tận của Thiên Chúa sẽ tái tạo chúng ta khi chúng ta mở lòng để đón nhận tình thương của Ngài, khi chúng ta có lỗi lầm cũng như khi chúng ta biết trao ban tình thương cho những ai xúc phạm đến mình.  Hơn nữa, qua câu nói “tha thứ bảy mươi lần bảy”, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta là những tạo vật hữu hạn bước vào thế giới linh thiêng vô tận của Ngài qua ân sủng của ơn cứu độ.  Thật vậy, đúng như lời nói trên của Thomas Merton, Thiên Chúa không tiếc gì với chúng ta cả.  Ngài cho chúng ta tất cả những gì Ngài có, kể cả sự vô tận của Ngài.

Trong câu chuyện về sự sống lại này, Thánh Sử Luca lại một lần nữa nhắc nhở cho chúng ta lời mời gọi để bỏ đi những bám dính của chúng ta để bước vào sự vô tận của Thiên Chúa.  Thánh Sử Luca nói rất rõ đó là những ai xét đáng được hưởng phúc đời sau (sự vô tận), và sống lại từ cõi chết, thì họ không thể chết được nữa, và được ngang hàng với các thiên thần.  Họ là con cái của Thiên Chúa, con cái của sự sống.  Nói một cách khác, Thánh Sử Luca muốn nói với chúng ta rằng, những ai biết sống với Chúa mỗi giây phút trong cuộc sống, biết buông thả những bám dính và đừng để chúng ăn mòn tâm trí của mình, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa.  Chẳng hạn như thay vì để tâm trí của chúng ta hướng về Thiên Chúa và cảm tạ những gì Ngài cho, chúng ta lại bận tâm với những bám dính như phải có xe kiểu này, nhà kiểu nọ, khi đi phục vụ nhà thờ thì phải được tôn trọng như thế nào, con cái phải làm theo như ý mình muốn, từ việc học hành cho đến việc lập gia đình hay sống độc thân, trong khi đó chính mình chẳng bao giờ nhìn lại và tìm hiểu con cái mình muốn gì và như thế lòng chúng ta cứ thấp thỏm sống trong lo sợ, hoặc khi làm điều gì thì cứ sợ lời ra tiếng vào vì chưa biết phó thác.  Thánh Sử Luca muốn xác định rõ, khi chúng ta biết chọn sự sống trong Ngài, chúng ta không thể chết được nữa và chúng ta được xét để đáng được hưởng ân sủng vô tận.

Ước gì chúng ta biết bước ra khỏi ngôi mồ của những bám dính, những lo âu vô tận mà đi tìm sự sống và bình an của Chúa.  Vì khi chúng ta biết ý thức và nhận ra được Chúa là ai trong mỗi giây phút của cuộc sống, và chọn làm con của Thiên Chúa, thì chúng ta luôn biết cảm tạ tình yêu bao la của Ngài cho ta qua con cái, bạn bè, gia đình, cây cối, thú vật, trăng sao – tất cả những gì ta thấy và cảm nhận được. Lúc đó chúng ta sẽ chẳng bao giờ có những mong muốn nào khác ngoài cuộc sống với Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu và qua Chúa Giêsu.

Củ Khoai

NHÌN BẰNG ĐÔI MẮT KHÁC

ZZCó bao giờ bao giờ bạn nhìn đời bằng đôi mắt khác?  Có những người đã nhìn thế giới bằng đôi mắt của những người vô gia cư, họ cảm thấy bản thân cần khiêm tốn hơn, biết đón nhận người khác hơn.  Qua đôi mắt của các em bé bị khuyết tật, có người đã cảm nghiệm được niềm vui nơi các em dù cuộc sống của các em có nhiều mất mát.  Qua đôi mắt của những người bệnh nhân phong cùi, có người đã nhận ra rằng dù khuyết tật về hình thể nhưng những người bệnh nhân phong đã có được tất cả.  Những trải nghiệm tốt đẹp này bắt đầu bằng lòng khao khát nhìn thế giới bằng đôi mắt của người khác.

Nhìn bằng đôi mắt của người khác là ta đang ra khỏi bản thân của ta để nhìn về chính ta, nhờ đó mà biết ta hơn.  Khi ra khỏi chính ta, đặt ta trong cái nhìn của người khác, ta thấy được con người thực sự của ta.  Khi nhìn bằng con mắt của người khác, ta sẽ tái hiện chính mình để từ đó, ta thấy mình thực sự là ai?  Ta đang khao khát điều gì?

Hàng ngày, có biết bao nhiêu người vì mải lo toan với cuộc sống mà quên đi những gì tốt đẹp đang diễn ra.  Người ta thường quên ý thức về mình, quên đi những gì họ đang nói, những việc họ đang làm.  Đôi khi họ giận dữ và để cho cơn giận dữ điều khiển chính mình hơn là quan sát cơn giận dữ đang diễn ra như thế nào trong tâm hồn của họ và kiểm soát cơn giận dữ ấy.

Qua đôi mắt của người khác, ta không chỉ quan sát cái vẻ bề ngoài như vẫn làm hàng ngày khi soi gương nhưng ở mức cao hơn, ta khám phá ra những gì đang diễn ra bên trong con người của ta.

Từ đôi mắt của người khác, ta nhìn về chính ta có nghĩa là ta không còn coi bản thân là trung tâm của đời ta.  Người ta thường dễ dàng xem họ là trung tâm của câu chuyện.

“Tôi thấy phải như thế này…”
“Công việc này là của tôi…”
“Mọi việc phải theo ý tôi…”

Những câu nói quen thuộc như thế vẫn luôn diễn ra trong đời sống hằng ngày.  Vẫn biết rằng, những câu nói ấy là thể hiện sự quyết đoán trong công việc nhưng đôi khi từ cái nhìn “tôi là trung tâm” ấy đã dẫn đến những hệ lụy không đáng có.  Những hệ lụy đó có thể là những bất hòa do thiếu sự đồng cảm với những khuyết điểm của người khác, hoặc có thể là sự bất mãn do người dưới cảm thấy sự áp đặt quan điểm cá nhân của người trên.

Chính vì tự coi mình là trung tâm dẫn đến ý nghĩ “Tôi là nguyên nhân chính của những thất bại.”  Ý nghĩ này dẫn đến nhiều trường hợp tự tử vì thất bại trong việc học hay vì không chịu đựng được áp lực đè nặng của công việc.  Ý nghĩ này biểu hiện thái độ người ta đã không ra khỏi chính họ để nhìn về họ bằng đôi mắt của người khác.  Nếu nhìn từ đôi mắt của những người yêu thương họ, những người đang mong muốn họ có được niềm vui hơn là đau khổ thì hẳn họ sẽ có được một thái độ khác.

Nhìn thế giới bằng đôi mắt của người khác cần có nhận định và khôn ngoan.  Ta không nên nhìn cuộc sống này bằng đôi mắt của những con người ích kỷ, hẹp hòi, hay có thái độ bi quan trong cuộc sống, nhưng cần nhìn bằng đôi mắt của những con người biết yêu thương vô vị lợi, sẵn sàng cho đi chứ không nhận lấy, những con người biết sống hết mình vì người khác, bởi với đôi mắt của những con người luôn có thái độ tiêu cực trong cuộc sống sẽ khiến ta đánh mất đi chính mình, và lại giam cầm ta trong nhà tù của sợ hãi và lo lắng.  Trong khi đó, với đôi mắt của những con người có cái nhìn tích cực về cuộc sống, ta có được niềm vui và hạnh phúc.

Thế giới ngày nay đang cần một cái nhìn bằng đôi mắt của người khác.  Những cuộc chiến tranh đẫm máu, những vụ khủng bố, những bất công xã hội, tình trạng tham nhũng… là do người ta đang nhìn từ đôi mắt của chính họ chứ không phải đôi mắt của những nạn nhân đang phải gánh chịu những hậu quả đau đớn.  Nếu thực sự nhìn từ đôi mắt của các nạn nhân, ắt hẳn người ta sẽ suy nghĩ khác đi và mong muốn đem lại sự ổn định và hòa bình cho mọi người.

Nhìn thếgiới qua đôi mắt khác mời gọi ta ra khỏi chính ta, ra khỏi vùng an toàn của ta, và chọn lựa cho ta đôi mắt phù hợp để có thể sống vui trong cuộc sống này cũng như đem niềm vui đến với người khác.

Đức Thiện, Dòng Tên
Theo Ephata

CUỘC SỐNG LÀ MỘT QUÀ TẶNG

 (Lc 12, 32-48)

Phần lớn đoạn Phúc Âm nầy nói về sự đánh giá đúng mức đối với quà tặng của cuộc sống, đừng hoang phí hay để trôi mất.

Nhiều năm trước đây, Thornton Wilder đã sáng tác một vở kịch hay, nhan đề là “Our Town” (“Thành Phố Chúng Ta”).  Cảnh trí sau cùng của vở kịch là một nghĩa địa ở New England.  Ngồi trên những chiếc ghế đong đưa là những người dân thị thành đã chết, trẻ có, già có.  Họ có thể thấy và nghe người sống, nhưng người sống không thể thấy và nghe họ được.

Một em bé gái tên là Emily nhập bọn với họ.  Em vừa mới chết và phải xa cách gia đình một cách đau đớn.  Em chào hỏi những người bạn mới và cho biết ước nguyện đầu tiên của em là được trở về nơi chốn người sống, nhưng họ đã mạnh mẽ khuyến khích em không nên trở về.  Họ bảo: “Những người sống không quí trọng cuộc sống.  Tất cả những tặng phẩm của Chúa trên trần gian đều bị đánh giá thấp: Những buổi hoàng hôn, sinh hoạt nghệ thuật, tự do hát xướng, sức khỏe và tình bạn.

Tuy nhiên, mặc cho những lời cảnh cáo, Emily vẫn rời xa họ.  Em được Chúa cho sống lại một ngày trong đời em.  Ngày mà em chọn lựa là sinh nhật thứ mười hai của mình.  Trong thời gian mười mấy tiếng đồng hồ trong ngày đó, em nhận thấy không ai xem ra để ý tới em hết.  Họ rất bận rộn để chuẩn bị cho ngày sinh nhật của em.  Em đã khóc lên: “Tôi không thể tiếp tục được nữa.  Thời gian trôi qua rất nhanh.  Chúng ta không có thời giờ để nhìn mặt nhau nữa.

Rồi em nói tiếp: “Quả địa cầu ơi, ngươi quá đẹp đối với ai biết thưởng thức.”  Và rồi với đôi mắt đẫm lệ, em đặt câu hỏi: “Có bao giờ loài người nhận ra cuộc sống như thế nào khi họ đang sống trong đó không?”  Một tiếng nói đáp lại: “Không có.  Có thể các Thánh hay các thi sĩ mà thôi.

Sau đó em trở về với những bạn bè đã chết, dao động bởi nhận thức mới là những kẻ ra đi, mới là những người biết nhận chân giá trị đích thực của cuộc sống.  Vở kịch muốn nói lên điều nầy: Phần đông người ta “không sống” mà “chỉ hiện hữu” thôi.  Cuộc sống đã đi qua bên cạnh họ như một con thuyền trôi lờ lững trong đêm tối.

ZZCuộc sống là để sống

Henry David Thoreau đã viết lên giòng chữ tuyệt vời nầy: “Chúa ôi, khi đạt tới đích điểm sự chết, chính lúc đó người ta mới nhận ra mình chưa sống bao giờ.”  Thật buồn biết bao và đúng là một cuộc sống đã bị hoang phí!

Phúc Âm còn mạnh mẽ dứt khoát hơn.  Chúa phán: “Hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.” Hãy ăn mặc chỉnh tề vì cuộc sống.  Cuộc sống là để sống.  Ngài muốn chúng ta vui hưởng tất cả những gì Ngài đã trao ban cho chúng ta.

Triết gia Aristote có lần đã mô tả “học giả là người có thể tiêu khiển với một tư tưởng, với một người bạn và với chính mình.”  Nhiều người đã đánh mất khả năng thích thú, khoái trá.  Giống như những người trong vở kịch “Thành Phố Chúng Ta,” họ không biết làm thế nào để vui hưởng những chuyện tầm thường trong cuộc sống.

Họ giống những người rất bận rộn, để ra nhiều tháng lập nên kế hoạch nghỉ hè.  Họ vừa đến nơi và ở đó chẳng bao lâu, lại lo lắng giữ chỗ máy bay để trở về nhà.  Họ đi đó đây, chụp thật nhiều hình. Về sau, họ phô bày những hình ảnh về những nơi mà họ chưa bao giờ thấy, nhưng chỉ chụp được mà thôi.

Tôi nhớ lại đã trò chuyện với một chị đang hấp hối, ở lứa tuổi đôi mươi.  Chị nói một điều tôi không bao giờ có thể quên được: “Con thà chết trẻ mà biết sống, còn hơn sống già mà không bao giờ biết quý trọng cuộc sống.”  Đó là sự thách đố đối với đoạn Phúc Âm hôm nay.

Quà tặng phải được chia sẻ

Cuộc sống là một quà tặng vay mượn.  Chúng ta không trao tặng cuộc sống cho chính chúng ta. Nếu được, có thể chúng ta muốn sống mãi và trẻ mãi không già.  Điều rắc rối là phần đông chúng ta tự xem mình là sở hữu chủ cuộc sống chúng ta, thay vì xem đó là quà tặng được Thiên Chúa trao phó cho chúng ta.

Chúng ta thường nói: “Đây là cuộc sống của tôi.  Tôi có thể sử dụng tùy thích.  Đây là thân xác của tôi.  Tôi có thể dùng nó để làm bất cứ điều gì mà tôi chọn lựa.  Đây là sức khỏe của tôi.  Tôi có thể tiêm vào mình bất cứ chất gì tôi thích.  Chúng ta thường nói là nhà cửa của tôi, phòng ốc của tôi, xe cộ của tôi, nhà thờ của tôi, giáo xứ của tôi, thành phố của tôi… tất cả là của tôi, của tôi và của tôi.

Chúng ta nói như thể chúng ta là sở hữu chủ những thứ đó.  Nhưng chúng ta không phải là sở hữu chủ, như cuộc sống đã nhắc nhở chúng ta.  Những thứ đó chỉ được cho chúng ta mượn tạm trong chốc lát.  Đó là một quà tặng phải được sử dụng một cách có trách nhiệm và đầy tinh thần sáng tạo.

Vậy đích thực Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?  Ngài muốn truyền đạt điều nầy: Bạn phải thương yêu mọi người!  Mọi người là anh em chị em của bạn.  Mọi người là con cái của Chúa.  Tôi phải quan tâm họ như thế nào, tình trạng pháp lý của họ ra sao, cũng như trình độ trí thức, màu da, tôn giáo hay chủng tộc của họ.

Bạn hãy nhìn thế giới nầy như một quà tặng để được san sẻ và không phài là một giải thưởng phải chiếm đoạt.  Mọi điều bạn có là quà tặng và người ta trông mong bạn chia sẻ tài năng, tiền bạc cùng thời giờ của bạn.  Chúng ta là những tạo vật.  Tất cả những gì chúng ta có là quà tặng của Cha trên trời.  Chúng ta không sở hữu chúng.  Chúng ta chỉ chia sẻ chúng.

Nữ Thánh Catherine Sienna là một trong số ít nữ tiến sĩ Giáo Hội, có lần đã nói về cuộc sống như sau: “Đó là thiên đàng thì tất cả mọi đường đều đưa tới thiên đàng; hoặc đó là hỏa ngục thì tất cả mọi đường đều đưa tới hỏa ngục.”  Sự lựa chọn tùy thuộc chúng ta.

Ngay Đấng Trao Ban Mọi Tặng Phẩm Tốt Đẹp không nghĩ tưởng là không chia sẻ cho chúng ta.  Nhưng đối lại, Ngài đòi hỏi điều gì?  Thật đơn giản, Ngài chỉ muốn chúng ta là những ủy viên quản trị tốt đẹp cho cuộc sống, chứ không phải là những sở hữu chủ của cuộc sống.

Nguyên Tác IN STEP WITH GOD. LM Vincent Travers, OP

Hương Vĩnh chuyển ngữ

HỌC BẠ CỦA GIÊSU

ZZCậu Giêsu, học sinh trường Nazaret, đem học bạ về nhà.

Thật tình mà nói, kết quả không mấy tốt. Mẹ cậu biết thế nhưng không nói gì, bà chỉ ghi nhớ mọi sự trong lòng mà suy đi nghĩ lại.

Nhưng điều gay go nhất bây giờ, là phải trình học bạ này cho ông Giuse.

Người gửi: Trường Simêôn tại Nazaret

Ngưòi nhận: Ông Bà Giuse và Maria David

Nội dung: Học bạ của Giêsu 

Toán Học: Hầu như chẳng làm được bài toán nào, ngoại trừ nhân bánh và cá lên nhiều lần.  Không biết làm toán cộng, cậu khẳng định rằng mình cộng với Cha thành một.

Tập Viết: Không bao giờ mang tập vở bút viết đến lớp, đành phải viết trên cát.

Địa Lý: Không có khái niệm về phương hướng.  Cậu khẳng định rằng chỉ có mỗi một con đường để về nhà Cha thôi.

Hóa Học: Không chịu làm các bài tập thí nghiệm gì cả, nhưng có lần Cậu đã làm cho nước hóa ra rượu nho khiến người ta cự nự nhau trong đám cưới.

Thể Dục: Thay vì học bơi như mọi người, lại ngang nhiên biểu diễn đi trên nước.

Văn Học: Khó có thể nói năng rõ ràng, nói gì cũng bằng dụ ngôn.

Vấn Đáp: Mới 12 tuổi mà Cậu đã đối đáp với các luật sĩ và kinh sư trong đền thờ khiến họ hết sức ngạc nhiên.

Kỷ Luật: Đã đánh mất mọi thứ đồ đạc, rồi tuyên bố xoành xoạch rằng mình chẳng có được một viên đá gối đầu!

Hạnh Kiểm: Có khuynh hướng thích giao du trò chuyện với kẻ lạ, bọn nghèo, hạ cấp và cánh phụ nữ trắc nết.

Vệ Sinh: Nhổ xuống đất hòa thành bùn rồi bôi lên mắt người ta tức thì họ được sáng mắt.

Sinh Vật: Dám quả quyết người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Thiên Văn: Là người duy nhất đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống.

Kinh Doanh: Những người được mướn từ sáng sớm, cậu trả cho họ một quan tiền; và những người cậu mướn vào xế chiều, cậu cũng trả một quan tiền.  Chưa hết, bà góa bỏ tiền xu vào nhà thờ, cậu nói bà ta bỏ nhiều nhất.

Tâm Lý: Cậu nói “Đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.  Đúng hơn, hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.”

Lịch Sử: Cậu sẽ xây Hội Thánh của Cậu, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi vì Cậu đã thắng thế gian.

*********************************

Đọc xong học bạ, ông Giuse tự nhủ rằng tình trạng này không được kéo dài thêm, mà cần phải có biện pháp cứng rắn: “Này, Giêsu, đã như vậy thì kỳ Phục Sinh này con đành phải vác thánh giá thôi!”  Vậy Giêsu đã bảo gì với Cha mình?  Giêsu nói:

-“Ối trời, Cha Giuse ơi, ngày xưa, con học hành khá hơn nhiều đó chứ!  Thế mà giờ lũ trẻ cứ phiên phiến ra như thế!  Con chỉ còn một viên đá gối đầu thật, nhưng đâu phải là con vứt đi các vật dụng, mà là con cho nhà hàng xóm đó thôi.  Khi Mẹ Maria may cho con áo mới mặc vào mùa xuân, con thích lắm.  Nhưng sáng nay, con đi dạo chơi quanh làng, thấy cậu bé ở cuối xóm, mặc bộ quần áo rách bươm, con nghĩ đồ đạc của con còn nhiều, tốt hơn của bạn ấy, thế nên, về nhà, con gói ghém và tặng bạn ấy.  Lần trước, đôi dép mới cha cho con cũng thế.  Cha thường dạy, chia sẻ như thế là rất tốt phải không cha?  Con không bao giờ phân biệt kẻ nghèo, người giàu.  Con thích giao tiếp với những người bị khinh bỉ, bỏ rơi.  Nhiều người nghĩ con là người điên, nhưng cha biết con rất tỉnh táo, phải không cha?  Và cha vui vì điều đó.  Cha luôn dạy con phải biết yêu thương mà.

 Bây giờ con buồn ngủ rồi, chúc cha ngủ ngon.  Ngày mai, con sẽ nói tiếp cho các bạn ấy hiểu, con đã học hành như thế nào, cha nhỉ!”

Mong rằng học bạ của mỗi người chúng ta, cũng có những phần như vậy.

Sưu tầm