LÀM MÔN ĐỆ CỦA CHÚA

ZZAi trong chúng ta cũng mong ước được làm môn đệ của Chúa.  Ai cũng muốn theo chân Chúa.  Nhưng ta có thực sự hiểu làm môn đệ Chúa là như thế nào không?  Hôm nay Chúa chỉ cho ta thấy rõ điều đó.

Làm môn đệ là một việc làm nghiêm túc.  Đây không phải là một cảm tính bồng bột nhất thời.  Nhưng là một việc lâu dài.  Chúa Giêsu ví việc làm môn đệ theo Chúa với việc “xây dựng một cây tháp” và việc “chiến đấu với kẻ thù.”  Xây dựng cây tháp là một việc làm lớn lao.  Chiến đấu với kẻ thù là việc làm nghiêm trọng.  Vì thế cần phải ngồi xuống suy tính cho cẩn trọng, chi li.  Cũng thế việc làm môn đệ của Chúa là một việc làm nghiêm túc, vừa lớn lao như sự nghiệp cả đời, vừa nghiêm trọng vì ảnh hưởng tới cả định mệnh.  Vì thế phải ngồi xuống suy tính cho kỹ lưỡng để có thể theo Chúa đến cùng.  Phải suy tính kỹ lưỡng vì làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng.

Làm môn đệ là từ bỏ đến tận cùng.  Môn đệ không phải là kẻ hiếu kỳ cưỡi ngựa xem hoa.  Môn đệ không phải là kẻ tài tử nay làm mai không.  Môn đệ là người đi theo thày suốt đời, sống như thày trong mọi sự.  Chính vì thế mà phải coi thày là thần tượng duy nhất.  Chính vì thế mà phải từ bỏ tất cả, không chỉ người thân mà từ bỏ cả chính bản thân với những ý nghĩ riêng tư.  Để không những đi theo thày, sống như thày mà con ăn nói như thày, suy nghĩ như thày nữa.  Kitô hữu là người mang Chúa Kitô trong mình.  Muốn có Chúa Kitô trong mình, ta phải loại bỏ tất cả những gì không phải Chúa ra khỏi mình.  Điều này chắc chắn không dễ dàng.  Nhưng ta an tâm, vì Chúa Giêsu không chỉ đòi hỏi ta.  Người đã đòi hỏi chính mình trước.  Chúa Giêsu không chỉ đòi ta vác thánh giá. Chính Người đã vác thánh giá trước.  Ta sẻ cảm thấy dễ dàng vì chỉ việc làm như Chúa Giêsu.

Làm môn đệ là làm như Chúa Giêsu.  Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi ta từ bỏ, chính Người đã từ bỏ trước.  Người đã từ bỏ trời cao để xuống đất thấp.  Người đã từ bỏ địa vị làm Thiên Chúa để xuống thế làm người.  Sự từ bỏ được thấy rõ qua việc Chúa tự nguyện sống nghèo khổ, tự nguyện nhận lấy tội lỗi của loài người và tự nguyện chết thay loài người.  Khốc liệt nhất là Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng theo ý Chúa Cha.  Cuộc chiến đấu khốc liệt đã thấy trong vườn Giêtsimani, khi nhìn thấy trước cái chết đau đớn tủi nhục sắp tới, Người run sợ muốn lẩn tránh bỏ cuộc, nên đã tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén đắng này.”  Nhưng cuối cùng, Chúa đã từ bỏ ý riêng, vâng theo ý Cha, sẵn sàng ra đi chịu chết: “Nhưng đừng theo ý con, xin vâng ý Cha mà thôi.”

Nhờ hoàn toàn từ bỏ ý riêng, vác thánh giá đi đến cùng, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc của Chúa Cha trao phó, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.  Người môn đệ, khi hoàn toàn từ bỏ chính mình, sẽ nên một với Chúa Kitô, cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

ĐIỆU CA CỦA NGƯỜI MÙ

Tôi vào đời không có màu sắc.  Tôi đi trong biển đêm không giới hạn hoàng hôn hay bình minh.  Cuốn lịch của tôi chỉ có một tờ, dài bằng cuộc đời.  Tờ lịch mở ra là ngày sinh và bóc đi là ngày chết.  Chiều lên hay chiều xuống, rừng thay mùa đổi lá, thửa vườn tôi vẫn không đổi thay.  Bốn mùa đời tôi chỉ có vậy, vang vang một cung điệu trầm của bóng tối, ngày lẫn vào đêm.

Tôi vào đời trong không gian không có hình dáng.  Mây về ngang trời hay mây đi xa, mùa thu êm ả hay hoa xuân rạo rực trên đồi, không gian tôi vẫn thế.  Tôi không biết gần, không biết xa.  Chung quanh tôi có khi cận kề mà như xa tít tắp.  Có khi xa lắm mà lại như bên cạnh.

Tôi dò dẫm cuộc đời trong bước chân rất chậm.  Tôi tìm tôi trong cuộc sống bằng tiếng nói của con tim chứ không thể bằng con mắt.

Bởi tôi mù, tôi không bao giờ biết thế nào là ánh sáng, nên ánh sáng của tôi là một thứ ánh sáng không nắm bắt được bằng ánh mắt của xác thân.  Cứ mặt trời lên, mặt trăng về là vũ trụ tuần tự lên xuống theo ánh sáng.  Ánh sáng trong trí tuệ mà thôi.  Bởi thế, những gì con người nhìn thấy và gọi là ánh sáng thì không phải ánh sáng của tôi.  Không so sánh được với ánh sáng thì bóng tối của tôi cũng khác.  Do đấy, bóng tối của tôi cũng khác xa bóng tối được xác định bằng nhãn quang của con người.  Lương tâm tôi xác định bóng tối cho tôi.

Với thân phận mù lòa, con mắt của tôi không phải là ngôn ngữ định nghĩa về bóng tối và ánh sáng.  Tôi đi tìm ánh sáng và bóng tối trong lương tâm và trí tuệ

Từ bóng tối và ánh sáng trong tim tôi, tôi vào đời bằng điệu ca của người mù, điệu ca cũng đến từ con tim nơi tôi suy niệm về bóng tối và ánh sáng đó.  Ðây là bài ca:

–  Xin thương xót tôi!
–  Xin thương xót tôi!
–  Xin thương xót tôi!
–  Xin thương xót tôi!

Tôi là người mù nên bị xếp chung một loại với những người mù khác.  Mở Phúc Âm để nhìn lại những bức ảnh của người mù, người ta sẽ thấy bốn trường hợp Phúc Âm nhất lãm ghi lại cũng là bốn lần chúng tôi hát điệp khúc ấy.

Trong Tin Mừng Mátthêu lần thứ nhất:

Khi Ðức Kitô ra khỏi đó thì có hai người mù theo Ngài mà kêu rằng: “Lạy Con vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt. 9:27)

ZZTrong Tin Mừng Mátthêu lần thứ hai:

Có hai người mù ngồi ở vệ đàng; nghe biết Ðức Kitô đi ngang qua, thì họ kêu rằng: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt. 10:29-30)

Trong Tin Mừng Máccô:

Con của Timê là Bartimê, một người mù ăn xin, ngồi ở vệ đàng.  Nghe biết là Ðức Yêsu Nazarét đó, thì hắn lên tiếng kêu rằng: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” (Mc. 10:46-47)

Trong Tin Mừng Luca:

Có người mù nọ đang ngồi ăn xin ở vệ đàng.  Nghe có đông người đi ngang qua, hắn dò hỏi cho biết chuyện gì thế.  Người ta cho hắn biết là có Yêsu Nazareth ngang qua.  Và hắn la lên rằng: “Lạy con vua Ðavit, xin thương xót chúng tôi!” (Lc. 18:35-38)

Những người mù chúng tôi không có bài ca nào khác.  Trước chân dung Ðức Kitô, chúng tôi chỉ có điệu ca duy nhất.  Chúng tôi chỉ lập đi, lập lại mãi:

–  Xin thương xót chúng tôi! Xin thương xót chúng tôi!

Chúng tôi không nhìn thấy khuôn mặt của Ðức Kitô.  Bao nhiêu người đã chứng kiến dấu lạ Ngài làm và tin Ngài.  Ðối với kẻ mù lòa như chúng tôi, niềm tin của chúng tôi cũng khác lắm.  Vì không bao giờ nhìn thấy, bởi đó, chúng tôi kiếm tìm niềm tin dựa vào lòng thương xót.  Chúng tôi không thấy dấu lạ.  Chúng tôi chỉ tin rằng Ngài có lòng thương xót.  Và hễ nghe tin Ngài sắp đi ngang qua là chúng tôi kêu lên:

–  Xin thương xót chúng tôi! Xin thương xót chúng tôi!

Ngày ngày ngồi ở vệ đường xin ăn, tôi chỉ biết về Ðức Kitô bằng cách lắng nghe tiếng người qua lại chuyện trò.  Một người mù trong nhóm chúng tôi bị kết tội là do tội lỗi của cha mẹ hắn ta, hoặc có thể tội riêng hắn mà phải mù.  Ngài bảo rằng không phải tội của ai cả.  Nhưng là để quyền năng Thiên Chúa được tỏ hiện (Yn 9:1-41).  Ðấy, Ngài lại có lòng thương xót.

Ngồi ở vệ đường, tôi nghe kể về Ðức Kitô đã đến với những kẻ khốn cùng như chúng tôi.  Bị trách là tại sao vào thăm nhà những người thu thuế tội lỗi, thì Ngài bảo là người đau yếu mới cần thầy thuốc (Mc. 2:15-17).  Gặp kẻ khốn cùng vì câm điếc, mù lòa, tật nguyền là Ngài xót thương họ ngay (Mt. 15:29-31).  Bao nhiêu lần Ngài cứu chữa những người còng lưng, bất toại trong ngày Sabat (Mt. 12:9-14).  Ngài không bảo chúng tôi về, ngày mai hãy tới vì Ngài phải coi ngày Sabat trọng hơn sự khốn khổ của chúng tôi.  Lòng thương xót của Ngài không bao giờ là tình thương được định theo thời khóa biểu.

Ngồi bên vệ đường, tôi suy nghĩ về lòng xót thương.  Tôi thấy lòng thương xót nào mà không phải chờ đợi bằng chương trình của những thời khóa biểu thì đấy là lòng thương xót thật.  Tôi thấy chỉ vì thương xót chúng tôi mà Ngài mất đi niềm thương xót của các thầy tư tế, các kinh sư.

Cũng như những tháng ngày ngồi bên vệ đường, cũng bằng con tim thôi, tôi thấy lòng thương xót nào mà sẳn sàng chịu thương đau với người mình thương xót thì đấy là lòng thương xót thật.  Những ngày thinh lặng bên chợ đời, cũng chỉ bằng con tim, tôi nhìn thấy chân dung Ngài.  Làm sao màu sắc có thể vẽ được lòng thương xót?  Tôi chỉ vẽ hình ảnh Ngài bằng điệu ca:

–  Xin thương xót chúng tôi! Xin thương xót chúng tôi!

Những lời kêu của chúng tôi làm người chung quanh nhàm chán lắm: “Những kẻ đi trước quát bảo hắn im đi” (Lc. 18:39).  Ðức Kitô không bao giờ chán nghe điệu ca ấy, không bao giờ từ chối bài ca của người mù chúng tôi.  Ngài biết từng bước lần mò trong đời sống của kẻ mù lòa tội nghiệp như thế nào.  Ngài không từ chối tiếng gọi của chúng tôi, vì trong điệu ca, chúng tôi đã gọi đúng tên của Ngài.

Tên Ngài là Ðấng hay xót thương.  Và niềm tin của chúng tôi là tin Ngài là Ðấng hay thương xót.

******************************

Lạy Chúa, đọc trong Phúc Âm nhất lãm, chúng con đã thấy bốn trường hợp nhắc đến người mù là bốn lần có điệp khúc “xin thương xót chúng tôi.”  Hôm nay, lập lại bài ca thương xót trước mỗi lần dâng lễ:

–  Xin Chúa thương xót chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con!

Là chúng con lập lại bài ca của người mù thủa xưa.  Nhắc tới ánh sáng người mù đã nhìn thấy là lập lại lòng thương xót của Chúa.  Họ đã nhìn thấy một tên gọi đẹp nhất để gọi Chúa:  Chúa là Ðấng hay thương xót.

Ngày nào con yêu điệp khúc đó trong đời con là ngày đó con hạnh phúc.  Nếu con không biết Chúa là Ðấng thương xót con, con sẽ lạc lõng.

Lạy Chúa, mỗi lần đi lễ, nghe điệp khúc ấy, con muốn Chúa cho con trong niềm tin, cậy, mến nói với Chúa rằng: Con hạnh phúc vì Chúa luôn thương xót con.

Nguyễn Tầm Thường, S.J

 

THÁNH MONICA

ZZHoàn cảnh cuộc đời Thánh Monica đã có thể biến ngài thành một người vợ hay mè nheo, một nàng dâu nhiều cay đắng, và một người mẹ tuyệt vọng, tuy nhiên ngài đã không chịu thua bất cứ cám dỗ nào.  Mặc dù ngài là một Kitô Hữu, cha mẹ ngài đã gả cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống trong cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi Châu.  Patricius là người tốt nhưng ông vô cùng nóng nẩy và phóng túng.  Ngoài ra Thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng.  Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người.  Nhưng sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của Thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo.  Ông Patricius chết năm 371, sau khi rửa tội được một năm để lại người vợ goá và ba con nhỏ.

Người con cả, Augustine Hippo, nổi tiếng nhất (sau này là thánh).  Vào lúc cha chết, Augustine mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage.  Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng.  Có những lúc Thánh Monica không cho con được ăn ngủ ở trong nhà.  Và rồi một đêm kia, ngài được thị kiến và được đảm bảo là Augustine sẽ trở về với đức tin.  Từ đó trở đi ngài sống gần với con hơn để ăn chay và cầu nguyện cho con.  Quả vậy, ngài ở gần đến nỗi Augustine cũng phải bực mình.

Khi 29 tuổi, Augustine quyết định đi Rôma để dạy về hùng biện.  Một tối kia, Augustine nói với mẹ là anh ra bến tầu để từ giã bạn bè.  Nhưng, anh lại lên tầu đi Rôma.  Thánh Monica thật đau lòng khi biết mình bị lừa, nhưng ngài nhất định đi theo.  Vừa đến Rôma thì ngài lại biết là Augustine đã đi Milan.  Mặc dù việc di chuyển khó khăn, Thánh Monica vẫn nhất định bám sát.

Ở đây, Augustine bị ảnh hưởng bởi một giám mục, Ðức Ambrôsiô, là vị linh hướng sau này của Thánh Monica.  Augustine chấp nhận mọi lời khuyên của đức giám mục, và tập được đức khiêm tốn đến độ ngài có thể từ bỏ được nhiều tật xấu.  Thánh Monica trở thành người lãnh đạo của nhóm phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi ở Tagaste.

Ngài tiếp tục cầu nguyện cho Augustine trong những năm anh theo học với đức giám mục.  Vào Phục Sinh năm 387, Ðức Ambrôsiô rửa tội cho Augustine và một vài người bạn của anh.  Không lâu sau đó, cả nhóm đi Phi Châu.  Lúc ấy, Thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, ngài nói với Augustine, “Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả.  Mẹ không biết có gì còn phải thi hành và tại sao mẹ lại ở đây, vì mọi hy vọng của mẹ ở trần gian này đều đã được hoàn tất.”  Sau đó không lâu ngài bị bệnh và chịu đau đớn trong chín ngày trước khi từ trần.

Tất cả những gì chúng ta biết về Thánh Monica là trong tác phẩm Tự Thú của Thánh Augustine.

Thánh Monica rất được mộ mến, nên nhiều người đã nhận tên Thánh Monica.  Giáo Hội tôn vinh ngài là bổn mạng của các bà mẹ, cách riêng các bà mẹ Công Giáo.  Nhiều đoàn thể hay thành phố lấy tên Ngài như thành phố Santa Monica, Los Angeles để kỷ niệm lần đầu tiên các nhà truyền giáo đến đây đúng ngày Lễ kính Thánh Monica 27/8.

Nhờ có được một Người Mẹ Tuyệt Vời, sau này Augustinô trở thành nhà giảng thuyết hùng biện, học giả uyên bác, một Thánh Giám Mục được phong là Tiến sĩ Hội Thánh.

Trong xã hội ngày nay, mọi thứ đều sẵn sàng, từ mì ăn liền, cà phê uống liền, đến việc tiêu xài liền (instant-credit) khiến chúng ta không còn kiên nhẫn.  Tương tự như thế, chúng ta cũng muốn lời cầu xin của chúng ta được đáp trả ngay lập tức.  Thánh Monica là gương mẫu của sự kiên nhẫn.  Những năm trường cầu nguyện, cộng với đức tính kiên cường và kỷ luật, sau cùng đã đưa đến sự trở lại của người chồng nóng nẩy, người mẹ chồng ưa gắt gỏng, và người con thông minh nhưng bướng bỉnh, là Augustine.

***************************************

Lạy Chúa, giữa những nghịch cảnh của cuộc sống gia đình, xin Chúa cho chúng con là những bà mẹ Công Giáo luôn biết siêng năng cầu nguyện.  Ngay cả đôi khi lời cầu nguyện của chúng con xem ra chưa được chấp nhận ngay, xin cho chúng con không sờn lòng nản chí nhưng biết phó thác vào ơn quan phòng của Chúa.  Xin cho chúng con hiểu rằng không phải những lời nói xuông của chúng con nhưng chính là những chứng tá yêu thương của chúng con trong những hy sinh hàng ngày mới đem lại ơn hoán cải cho những người xung quanh chúng con.  Amen!

Sưu tầm

DỰ TIỆC VÀ ĐÃI TIỆC

  1. ZZKhi được mời dự tiệc

Được mời dùng bữa, Đức Giêsu quan sát thấy ai cũng muốn ngồi chỗ nhất.  Không phải vì chỗ nhất ăn ngon hơn mà vì chỗ đó danh dự hơn.  Chỗ ngồi là danh dự. Những người Pharisêu là những người rất mộ đạo, và tự coi mình là những người gương mẫu.  Tuy nhiên, ở đây họ tranh giành những chỗ ngồi danh dự.  Điều đó cho thấy, thực ra họ rất tự mãn, phù phiếm và ích kỷ.  Họ không ở đó để làm vinh dự cho chủ nhà nhưng để làm vinh dự cho chính họ.

Chỗ ngồi và người ngồi cái nào quan trọng hơn?  Có câu chuyện kể về một người chủ nhà mở một bữa tiệc và mời nhiều người đến dự.  Trong số khách đến dự có một học giả nổi tiếng tên là Daniel.  Khi Daniel đến, chủ nhà mời ông ngồi bàn trên.  Nhưng Daniel từ chối và nói rằng ông muốn ngồi chung với những người bình dân nghèo hèn.  Sau Daniel còn có nhiều khách lần lượt đến.  Ai cũng giành ngồi bàn trên và những bàn gần phía trên.  Chỉ có cái bàn tận cuối cùng, bàn của Daniel đang ngồi là còn trống chỗ.  Sau cùng, ông thị trưởng đến.  Vì không còn ghế trống ở bất kỳ bàn nào khác nên chủ nhà buộc lòng mời ông thị trưởng ấy đến ngồi bàn cuối chung với bàn của Daniel.  Vị thị trưởng thắc mắc: nhưng đây là bàn cuối cùng mà!   Chủ nhà nhanh trí đáp: thưa không, đây là bàn danh dự vì là bàn có ông Daniel đang ngồi.  Vị thị trưởng hết thắc mắc và ngồi vào chỗ chủ nhà chỉ.  Ý nghĩa câu chuyện là: không phải chỗ ngồi làm cho người ngồi được vinh dự, ngược lại, chính người ngồi làm cho chỗ ngồi được vinh dự.

Phần lớn, những cuộc tranh chấp ở đời thường xoay quanh những chiếc ghế.  Lúc đầu, ghế tượng trưng cho chức vụ, chức năng.  Dần dần, nó tượng trưng cho chức quyền, chức tước.  Ai cũng thích ghế cao và bảo vệ ghế của mình.  Người Pharisiêu thích ngồi ghế danh dự trong hội đường.  Giacôbê và Gioan thích ngồi ghế bên tả, bên hữu Đức Giêsu. Philatô cho đóng đinh Đức Giêsu vô tội vì ông sợ mất ghế.

Bài Phúc Âm cho thấy, ai cũng muốn ngồi chỗ nhất nên chỗ nhất thiếu chỗ, có những bậc vị vọng đành phải ngồi xuống chỗ dưới.  Có lẽ Đức Giêsu không muốn tranh giành, lại coi thường những chức danh phù phiếm nên đã tự động ngồi vào ghế chót.  Trong tình huống ấy, chủ nhà buộc lòng phải mời những vị khách không mấy quan trọng xuống khỏi chỗ nhất.  Chủ nhà mời Đức Giêsu lên chỗ nhất, một phần vì uy tín của Người, nhưng cũng để nghe Người nói.  Nhân hoàn cảnh đó, Đức Giêsu dạy bài học cách sống khiêm tốn: Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.  Không có đời sống tâm linh chân thật nếu không có sự khiêm nhường.

Đi ăn tiệc cứ chọn chỗ cuối cùng mà ngồi.  Nếu được chủ nhà mời lên thì thật vinh dự.  Tự cho phép mình ngồi chỗ trên hết, lỡ bị chủ nhà mời xuống thì thật là xấu hổ.

Khiêm tốn không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên, coi thường mình hay sợ người khác, rụt rè không dám nhận trách nhiệm.  Khiêm tốn là biết mình đã nhận được tất cả từ Chúa và lớn lên mỗi ngày nhờ tha nhân.  Bài đọc 1 ca ngợi đức khiêm tốn.  Sự hiền hoà và khiêm tốn là nhân đức căn bản và quý giá của con người.  Nhờ khiêm tốn, con người khám phá được sự cao trọng của Thiên Chúa và mở ngõ cho con người đi vào sự khôn ngoan.  Lời dạy này là kết tinh của kinh nghiệm biết bao bậc hiền triết khôn ngoan từ thuở xưa.  Chính Chúa Giêsu cũng lấy đức khiêm tốn làm một trong các mối phúc của bài giảng trên núi và mời gọi mọi người hãy học cùng Người là Đấng hiền lành và khiêm tốn trong lòng.  Ai sống hiền lành và khiêm tốn thì được nghĩa trước mặt Chúa và được mọi người yêu mến.

Ngày nay, khiêm nhường thường bị người đời coi là thua kém, là yếu hèn, là nhu nhược.  Trái lại Thiên Chúa nâng cao những ai khiên nhường.  Khiêm nhường được ví như nền móng của ngôi nhà. Nền móng càng sâu, ngôi nhà càng cao, càng vững chắc.

  1. Khi đứng ra đãi tiệc

Người ta dễ đánh giá người khác dựa trên chiếc ghế của họ.  Thật ra, một người quét đường có lương tâm lại có giá trị gấp nhiều lần một giám đốc tham ô lãng phí.  Người ta thường thích giao lưu với những người có thế giá, có học thức, có của cải để dễ nhờ vả khi cần.  Nhưng Đức Giêsu khuyên rằng: khi mời tiệc nên mời những người nghèo khó, tật nguyền.  Đây cũng là một trong các nghịch lý của Tin Mừng đi ngược nhiều với thế gian.  Ngài dạy làm ơn và phục vụ không cần người ta đền đáp vì chính Thiên Chúa sẽ đền đáp.  Như thế Đức Giêsu mong muốn người tín hữu vượt qua óc tính toán vụ lợi để yêu thương phục vụ những người bất hạnh.

Đức Giêsu muốn minh định cái nguyên tắc thuộc linh cao cả, cái động lực vô vị lợi cho các hành vi thiện đức: đừng bao giờ ban ơn để rồi được nhận lại.  Ngài không bảo đừng bao giờ mời người giàu hay chỉ mời người nghèo, nhưng đừng phục vụ với hậu ý kiếm lợi.  Nếu chỉ phục vụ với chủ ý mưu lợi cho tha nhân mà không nghĩ tới mình được trả trong đời này hay đời sau, thì hành vi đó lại chắc chắn được thưởng trong ngày Chúa quang lâm vinh hiển.

Đức Giêsu muốn nói đến bữa tiệc Nước Trời, nơi đó mọi người đều được mời đến dự, không phân biệt đối xử, đặc biệt mời những người nghèo, vì người nghèo dễ dàng nhận lời mời hơn những người giàu có, quyền thế.  Bữa tiệc Nước Trời, Thiên Chúa đã dọn sẵn, và chỉ những ai khiêm tốn, bé nhỏ, nghèo khó mới được vào dự tiệc. “Chúa sẽ hạ bệ những ai quyền thế và lòng trí kiêu căng.  Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, phận nhỏ.  Người nghèo đói Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1, 51-54).  Quyền thế trần gian đối với Thiên Chúa chỉ là yếu hèn.  Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài mà ban sức mạnh cho người yếu đuối.

Chúa Giêsu dạy bài học khiêm nhường và bác ái, bài học về cách dự tiệc và cách đãi tiệc.  Đó là bài học về những cách sống trong cuộc đời.  Lời Chúa dạy xem ra đảo lộn mọi trật tự xã hội trần thế. Nhưng sống Tin mừng luôn là lội ngược dòng và Thiên Chúa luôn đứng về phía những người khiêm nhường, những người thấp hèn trong địa vị xã hội, những người bị áp bức bất công.  Sống khiêm nhường và yêu thương người nghèo là con đường đi đến Nước Trời.  Người tín hữu đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để kín múc tận nguồn sự khiêm hạ trong tình yêu.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

NGƯỜI TRẺ NGÀY NAY

ZZMột chủng sinh tôi mới quen biết, kể cho tôi nghe về hôm thầy dự một buổi tiệc tối thứ sáu ở trường đại học địa phương.  Nhóm này gồm những thanh niên đại học trẻ tuổi, và anh bạn của tôi giới thiệu mình là một chủng sinh, một người nỗ lực để trở thành linh mục, và khấn hứa sống đời độc thân khiết tịnh.  Khi nghe đến độc thân khiết tịnh, một số cười khúc khích, số khác giễu cợt, và nhiều lời đùa rằng anh sẽ phải bỏ mất biết bao nhiêu thứ trong đời.  Thật là ngây thơ, tội nghiệp!  Ban đầu, trong nhóm 8x9x này, niềm tin lòng đạo và những gì dẫn dắt anh chủng sinh muốn sống cuộc đời của mình, được xem là một chuyện vừa buồn cười vừa tội nghiệp.  Nhưng trước khi tàn tiệc, một vài cô gái trẻ đến, khóc trên vai anh và chia sẻ về sự thất vọng với việc bạn trai mình không thể hoàn toàn tận tâm trong mối quan hệ.

Điều này có thể cho chúng ta một mô tả về người trẻ trong thế giới thế tục hóa thời nay của chúng ta.  Họ thể hiện cái gọi là tính cách lưỡng cực về đức tin, giáo hội, gia đình, luân lý tình dục, và nhiều đều khác quan trọng với họ.

Họ cho chúng ta một hình ảnh mâu thuẫn.  Một mặt, nhìn chung, họ không đi lễ, ít nhất là không đều đặn, họ không giữ đạo đức Kitô giáo về tình dục, dường như lãnh đạm, và có khi thù địch với nhiều truyền thống quý báu trong đạo, và họ có thể thiển cận, không thể tin nổi khi nghiện ngập, và bị nô lệ hóa trong luồng thời thượng của thế giới giải trí, thời trang, và công nghệ thông tin.  Nhìn từ phương diện này, đám trẻ của chúng ta có vẻ không có đạo, suy đồi đạo đức, và vùi đầu vào những thứ hời hợt của các show truyền hình, và trò chơi điện tử.  Nghiêm trọng hơn nữa, các em còn có thể có vẻ thiển cận, tham lam, hư hỏng, và tư lợi quá đáng.  Thật là một viễn cảnh không sáng sủa gì trước mắt chúng ta.

Nhưng không hoàn toàn chính xác như vậy.  Trong hầu hết trường hợp, phía dưới bề mặt, các bạn sẽ thấy một con người dễ mến, chân thành, dịu dàng, thiện tâm, tử tế, đạo đức, quảng đại và tìm kiếm những gì đúng đắn (mà không có nhiều hỗ trợ từ một nền văn hóa thiếu chỉ hướng đạo đức rõ ràng, và đầy nguy cơ với quá nhiều chọn lựa).  Tin tốt là, hầu hết người trẻ, với những khao khát thật nhất trong mình, hoàn toàn không xa lạ với Thiên Chúa, đức tin, giáo hội, và gia đình.  Xét chung, người trẻ ngày nay vẫn là người tốt và muốn điều đúng đắn.

Nhưng, không phải lúc nào cũng rõ ràng như thế.  Có khi vẻ ngoài dường như lấn át chiều sâu của người trẻ đến nỗi con người thật của các em, và những gì các em muốn không thật sự rõ ràng.  Chúng ta thấy vẻ ngoài, và qua đó, thấy người trẻ có vẻ tư lợi hơn là quảng đại, hời hợt hơn là sâu sắc, bừa bãi hơn là nhạy bén về đạo đức, và lãnh đạm với đạo hơn là đầy đức tin.  Người trẻ cũng thể hiện một sự tự phụ thiển cận, cho rằng mình khó mà bị tổn thương, và không cần bất kỳ ai khác hướng dẫn.

Mà chính vì thế, người trẻ đang trong tình trạng lưỡng cực.  Hầu như, các em muốn những điều đúng đắn, nhưng quá thường xuyên vì thiếu sự hướng dẫn thực sự, và vì nền văn hóa bao quanh, mà người trẻ không đưa ra những chọn lựa đem lại những gì đúng với các khao khát sâu thẳm hơn trong lòng mình.  Ví dụ hàng đầu là về tình dục.  Các nghiên cứu trên giới trẻ 8x và 9x cho thấy hầu hết các em mong muốn cuối cùng có được một cuộc hôn nhân chung thủy một vợ một chồng.  Vấn đề là các em cũng tin rằng trước hết mình có thể sống mười hay mười lăm năm tình dục tự thoải mái, mà không chấp nhận rằng mười hay mười lăm năm tình dục không phải là một chuẩn bị tốt cho sự chung thủy nâng đỡ hôn nhân và gia đình.  Trong chuyện này, cũng như nhiều chuyện khác, các em bị kẹt giữa đặc nét văn hóa, và sự an toàn mỏng manh của mình.  Văn hóa cứ xướng lên một đặc nét nhất định, giải phóng khỏi những tỉ mẩn của quá khứ, hoàn toàn tự mãn xem thường bất kỳ điều gì chất vấn nó.  Nhưng nhiều sự tự mãn như thế thực sự đang sa vào bóng tối.  Sâu bên trong, người trẻ của chúng ta khá dao động, và may thay, chính điều này giữ các em yếu đuối và dễ thương.

Có lẽ Louis Dupre, triết gia đã dạy tôi vài năm ở Yale, trình bày rõ nhất điều này khi ông nói rằng người trẻ ngày nay không xấu, chỉ là chưa hoàn thiện.  Đây là một thấu suốt đơn giản mà nhiều ý nghĩa.  Có người có thể rất tuyệt vời và dễ thương, nhưng vẫn thiếu chính chắn, chưa trưởng thành.  Hơn nữa, nếu bạn đủ trẻ, như thế bạn có thể rất hấp dẫn, rất ngầu.  Và ngược lại, thường cũng như thế. Nhiều người trưởng thành chúng ta, bị giày vò vì tính lưỡng cực của chính mình, khi chúng ta chính chắn trưởng thành, nhưng lại không tuyệt vời và dễ thương.  Điều này gây nên những song đề nghịch lý.

Vậy người trẻ ngày nay thực sự là thế nào?  Là con người luôn luôn gói kín trong thế giới của riêng mình, bị ám ảnh về ngoại hình, ham mê đến nghiện truyền thông xã hội, sống ngoài hôn nhân, tự mãn thiển cận về đạo đức phi truyền thốn,g và quan điểm tôn giáo của mình ư?  Tôi tin rằng, đó chỉ là mặt bề ngoài.  Người trẻ ngày nay thực sự đầy nồng hậu, thiện tâm, quảng đại và mong đợi có ý thức một tình yêu và kết ước, cũng như mong đợi trong vô thức được Thiên Chúa ôm vào lòng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 

TRỞ NGẠI LỚN NHẤT CỦA TÌNH YÊU

Trở ngại lớn nhất để yêu mến Chúa là tính kiêu căng.  Vì kiêu căng là thèm muốn cho mình được trổi vượt một cách quá đáng; trong khi đó Đức Ái lại khiến ta xem Chúa là đối tượng tối thượng cho mọi cố gắng của ta.  Đang khi kiêu căng khiến ta co cụm lại với chính mình, thì Đức Ái lại gắn bó trí tuệ ta, trái tim ta, và ý chí ta với Chúa.  Vì trực tiếp chống lại điều răn thứ nhất, nên tính kiêu căng là tội lớn nhất trong tất cả mọi thứ tội.

Kiêu căng là nguyên nhân căn bản của khuynh hướng biến cái tôi của mình, chứ không phải là Chúa Ki tô, thành trung tâm đời sống mình.  Vì thế, Chúa đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mình như là dặc điểm đầu tiên của những kẻ theo Ngài.  Theo một nghĩa nào đó, sự hãm mình duy nhất mà chúng ta cần thực hiện là từ bỏ chính mình, vì cái tôi cá nhân đi ngược lại lề luật và tình yêu dành cho Chúa.  Không gì phá hoại đời sống Chúa Kitô ở trong ta bằng tính kiêu căng.

ZZTính kiêu căng – một thứ tà giáo

Tính kiêu căng đúng là một thứ tà giáo, vì nó lấy chính bản thân mình làm thần tượng thay vào chỗ chỉ dành cho Chúa.  Đó là sự tôn thờ quá đáng cái tôi của mình, vì nó coi cái tôi của mình như nguyên nhân đầu tiên và cũng như mục đích cuối cùng.  Nó thúc đẩy ta tìm cách khoe những điều tốt của mình ra, đồng thời giấu kín những khiếm khuyết hay thất bại của mình.  Nó cũng có thể xúi giục ta tìm cách hạ kẻ khác xuống vì sợ rằng họ sẽ làm giảm sự trổi vượt mà ta tưởng rằng mình đang có.

Nó làm ta đóng tai lại trước những lời phê bình, và đề nghị khách quan của người khác, nhưng lại thích lắng tai nghe những lời tán tụng mà nó hằng tìm kiếm.  Nó khiến ta nhắm mắt lại không thấy được những nhân đức hay tài năng của người khác đang khi tất cả mọi người đều trông thấy rành rành và thán phục, nhưng nó lại khiến ta chú ý những khuyết điểm hay thất bại dù nhỏ nhất của họ.  Bi đát hơn là nó khiến ta sống vì mình, chứ không phải vì Chúa.  Đấy đúng là một sự tôn thờ bản thân một cách sai lầm!

Tính kiêu căng biến ta thành người vong ân

Tính kiêu căng cũng biến chúng ta thành những kẻ vong ân.  Tại sao thế?  Vì cứ sợ rằng người khác sẽ không công nhận những thành công hay do tài năng và đức độ của mình.  Nên chúng ta cảm thấy rất miễn cưỡng khi phải công nhận sự thành công đó là nhờ Chúa.  Thật ra, tất cả mọi sự tốt đẹp chúng ta có được đều xuất phát từ Thiên Chúa, chỉ có một điều duy nhất trong đời sống chúng ta mà Chúa không nhúng tay vào, đó là tội lỗi của chúng ta.  Ngoài tội lỗi ra, thì có thứ gì khác chúng ta có được mà không nhận từ bàn tay Thiên Chúa không?  Tính kiêu căng dường như làm ta không nhận ra chân lý cơ bản này.

Tính kiêu căng tạo ra một tế bào ung thư trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.  Tế bào ung thư là tế bào hoạt động theo đường lối riêng của nó, nó từ chối không làm việc chung với những tế bào lành mạnh của thân thể.  Tính kiêu căng của bất kỳ ai đều giống như bệnh ung thư luôn luôn gây tai hại cho sự sống của Nhiệm Thể Chúa Kitô, cản trở sự lưu thông của sự sống và tình yêu của Chúa Kitô là Đầu đến với các Chi Thể.

Tính kiêu căng ăn trộm vinh quang của thiên chúa

Cuối cùng, tính kiêu căng biến ta thành kẻ trộm, vì nó ăn trộm vinh quang vốn chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.  Theo sự an bài của Chúa Quan Phòng, mọi sự mọi việc trong đời sống chúng ta cuối cùng đều nhắm đến làm vinh danh Thiên Chúa.  Nhưng người kiêu căng lại dùng mọi cố gắng, tài năng để xây một giáo đường tôn thờ sự trổi vượt của mình.  Do đó, họ là kẻ ăn cắp quyền lực, sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa.

Hậu quả đáng buồn nhất của tính kiêu căng là sự tự phụ khiến cho người kiêu căng tự cho mình là rất quan trọng, quan trọng đến nỗi Chúa không thể loại họ ra khỏi nhãn quan của Ngài.  Họ nghĩ rằng họ có thể cứu vớt linh hồn mình mà không cần phải thực sự từ bỏ chính mình, và có thể lên được thiên đàng mà không cần có đức trông cậy đích thực.  Họ quên rằng họ phải đặt Chúa trong trái tim họ trước khi trái tim họ được lên đến Cõi Trời.

Chúa chống lại người kiêu căng thì có gì đáng ngạc nhiên không?  Chúa không thể giúp người kiêu căng vì họ ở ngoài tầm giúp đỡ của Chúa.  Chúa sẽ giúp họ chừng nào họ nhận ra hay cảm thấy họ cần Ngài.  Họ bắt đầu trở lại với Chúa khi nào họ thành khẩn cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi”.  Chúng ta cũng phải cầu nguyện như vậy!

Trích: Nên Thánh Trong Thời Đại Mới

Tác giả: Kilian Mc Gowan, C.P

Người dịch: LM JBM Trần Minh Cương

 

VÀO KHUNG CỬA HẸP

ZZTrong mùa thi vào đại học vừa qua, có nhiều bạn học sinh đã bị chứng suy dinh dưỡng, mất ngủ, thậm chí bị tâm thần.  Lý do là các bạn phải học rất nhiều, phải phấn đấu để được vào đại học.  Đại học hiện tại là một khung cửa hẹp.  Trường lớp có ít mà số lượng sinh viên mỗi năm mỗi tăng.  Thế nên các học sinh phải hết sức phấn đấu mới được vào.

Cảnh các thí sinh chen chúc trước các cổng trường đại học làm tôi nhớ đến bài Tin Mừng hôm nay.  Ai muốn vào Nước Trời cũng phải đi qua khung cửa hẹp.

Cửa hẹp không phải vì Nước Trời chật hẹp.  Nước Trời rộng mênh mông, có thể đón tiếp tất cả mọi người.  Nhưng không phải tất cả mọi người vào được, vì vào Nước Trời đòi có những điều kiện cần thiết.  Cửa hẹp chính là để tuyển lựa những người có phẩm chất thích hợp với Nước Trời.  Ai muốn vào Nước Trời phải phấn đấu.

Trước hết phải phấn đấu hạ mình xuống.  Ở đời người ta thường phấn đấu để vươn lên.  Người ở địa vị thấp phấn đấu để được địa vị cao.  Người hèn kém phấn đấu để được trọng vọng.  Người phải phục vụ phấn đấu để được người khác phục vụ mình.  Nhưng trong Nước Trời thì ngược lại.  Phải phấn đấu để đi xuống.  Phải phấn đấu để tìm chỗ thấp hèn nhất.  Phải phấn đấu để phục vụ anh em.  Như lời Chúa dậy: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống.  Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14, 11).  “Khi anh được mời, hãy ngồi vào chỗ cuối” (Lc 14, 10).  “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22, 26).  “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10, 15).

Sau đó phải phấn đấu để bé nhỏ lại.  Thông thường ở đời người ta phấn đấu để to ra.  Ai có nhà nhỏ phấn đấu để có nhà lớn hơn.  Ai có ruộng vườn nhỏ cũng phấn đấu để vườn ruộng lớn rộng thêm.  Ai cũng phấn đấu để có nhiều của cải hơn, có nhiều bằng cấp hơn, có nhiều đặc quyền đặc lợi hơn.  Trái lại, người muốn vào Nước Trời phải phấn đấu để trở nên bé nhỏ.  Phải phấn đấu để trở nên nghèo.  Phải phấn đấu để bỏ bớt của cải đi.  “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.  Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21).  “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).

Cửa vào Nước Trời hẹp vì được làm theo kích thước của Chúa Giêsu.

Cửa này thấp vì Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu.  Là Thiên Chúa, Người đã tự nguyện trở nên người phàm.  Từ trời cao, Người đã tự nguyện xuống nơi đất thấp.  Là Thày, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phục vụ.  Vô cùng thánh thiện nhưng Người đã để bị đối xử như một đại tội phạm.  Người đã bị vùi dập xuống tận bùn đen.

Cửa này bé vì Chúa Giêsu đã trở nên bé nhỏ.  Người đã sinh ra nghèo, sống nghèo và chết nghèo. Người đã bị bóc lột hết, không phải chỉ quần áo mà cả uy tín và danh dự.

Chúa Giêsu đã mở đường về Nước Trời. Muốn vào Nước Trời chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Chúa Giêsu đã đi.  Chẳng có cửa nào khác ngoài khung cửa hẹp mà Chúa Giêsu đã qua.  Ai muốn qua đó cũng phải noi gương Người phấn đấu hạ mình khiêm tốn, và từ bỏ hết cái tôi cồng kềnh ích kỷ mới qua được khung cửa hẹp mà vào Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết “từ bỏ mình, vác thập giá mình” mà theo Chúa.  Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

NGUỒN GỐC LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Lễ Mẹ hồn xác lên trời là lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức Mẹ được cử hành trong toàn thể Giáo hội.  Toàn thể ở đây được hiểu là bao trùm cả Giáo hội Đông phương, Công giáo lẫn Chính Thống giáo.

Theo truyền thống của Giáo hội Đông phương dành 15 ngày đầu tháng 8 để chuẩn bị cuộc lễ và 15 ngày cuối để tạ ơn.

ZZTrong những thế kỷ đầu, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được gọi là lễ Đức Mẹ an giấc.  Ngày lễ đã được mặc cho tất cả sự trang trọng kể từ năm 1950 khi Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII định tín việc Đức Mẹ được cất nhắc về trời cả hồn lẫn xác.  Với tín điều này, Giáo hội chỉ công bố long trọng một chân lý vốn đã được các tín hữu Kitô tin từ ngàn xưa tôn kính.  Chân lý đó là: “Thân xác của Người phụ nữ đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa.”

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không những là lễ cổ xưa nhất về Đức Mẹ.  Nhưng ngày 15-8 hằng năm còn có một ý nghĩa rất đặc biệt.  Đa số ngày tháng của các ngày lễ trong Kitô giáo đều bắt nguồn từ những ngày lễ ngoại giáo.  Lễ Giáng sinh chẳng hạn, không gì khác hơn là lễ của thần mặt trời của đế quốc La-mã được rửa tội lại theo Kitô giáo mà thôi.

Đây không phải là trường hợp của Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.  Đế quốc La-mã vốn dành ngày đầu tháng tám để tôn vinh hoàng đế.  Trong khi đó lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được cử hành vào ngày 15-8.  Như vậy lý do chọn ngày 15-8 để cử hành lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không bắt nguồn từ đế quốc La-mã, mà từ chính Giêrusalem cổ.

Trước thời hoàng đế Constantinope, trong ngày này đã diễn ra một cuộc lễ trong nhà thờ, trên núi cây dầu tại Jerusalem.  Truyền thống đã gọi lễ này là lễ Đức Mẹ an giấc.

Trong đế quốc La-mã ngoại đạo, không có bất cứ nguồn gốc nào về ngày lễ này đã đành, mà kể từ đó về sau cũng chẳng có đế quốc nào xóa bỏ, hay thay thế được lễ này.  Những cố gắng vô ích của một hoàng đế Napoléon của Pháp là một bằng chứng.

Ngày 15-8-1769 tại Ajaccio đảo Corse chào đời một đứa bé mà cha mẹ đã đặt cho một tên hiếm có là Napoléon.  Nếu ngày 15-8-1637 vua Louis XIII đã ban hành một sắc lệnh để đặt toàn nước Pháp dưới sự che chở của Mẹ Maria, thì năm1806 sau khi đã đăng quang làm hoàng đế của nước Pháp và khắp Âu Châu.  Napoléon tước đoạt mọi danh dự dành cho Mẹ Thiên Chúa, để biến thành một ngày lễ dành riêng cho ông.

Sinh trùng vào ngày 15-8, Napoléon bắt toàn dân nhớ đến ngày sinh của ông là điều dễ hiểu, là ngày được cha mẹ đặt tên cho là Napoléon.  Ông đã cố lục lọi trong danh sách các thánh trong Giáo hội tìm cho bằng được một vị thánh có tên là Napoléon.

Với sự đồng ý của một vị giám mục cung đình, ông đã tìm được mục danh sách các vị tử đạo Rôma, trong đó có một vị tên là Néopoli.  Không rõ do những lèo lái như thế nào mà cuối cùng cả triều đình của ông đều đồng thanh nhận á thánh Néopoli với tên gọi Napoléon của ông.  Vậy là ngày 15-8 không những là ngày sinh nhật của ông mà còn là ngày lễ bổn mạng của ông nữa.

Danh dự đã dành cho Mẹ Thiên Chúa được ông hoàng đế này đương nhiên chiếm đoạt.  Tại Roma, Đức Giáo Hoàng Piô VII tuyên bố rằng: “Việc quyền bính thế tục thay thế việc tôn kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bằng việc tôn kính một vị thánh không có tên trong lịch Phụng vụ là điều không thể chấp nhận được.”

Đây là một hành động xen lấn không thể dung thứ và chấp nhận được, không thể lấy thế quyền thay cho thần quyền.  Nhưng vì những hành động của bạo chúa Napoléon quá tàn nhẫn, cho nên bức kháng thư đã không được công bố.  Tột cùng hành động ngang ngược của Napoléon là ra lệnh đưa Đức Giáo Hoàng về giam giữ tại Fontainebleau bên Pháp.

Dĩ nhiên, rồi cuối cùng Trái Tim Mẹ vẫn thắng, sự cáo chung của đế quốc do Napoléon dựng nên cũng chấm dứt việc chiếm đoạt danh dự dành cho Mẹ Maria.  Vị thánh Napoléon được Napoléon tự phong cũng tự ý rút lui để trả ngày 15-8 lại cho Mẹ Thiên Chúa.  Điều kỳ diệu mà Mẹ Maria đã thực hiện là việc tôn kính vị thánh Napoleon do những kẻ dua nịnh bịa đặt ra hơn là đòi hỏi của lịch sử đã để lại một hậu quả không lường được.  Đó là kể từ ngày đó 15-8 hằng năm đã biến thành một ngày lễ buộc trên toàn nước Pháp.

Trên đây là một trong những ví dụ cho thấy những sự vụng về kỳ lạ của lịch sử, qua đó người ta thấy được sự hiện diện kín đáo nhưng vô cùng hữu hiệu của Mẹ Thiên Chúa.  Kẻ quyền thế muốn tước đoạt danh dự của Mẹ Maria đã bị hạ xuống khỏi tòa cao, như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat.

Ngày nay sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nước Pháp vẫn tiếp tục đóng cửa nghỉ ngày 15-8 để tôn vinh Mẹ Maria.  Danh vọng hão huyền mà một hoàng đế Napoléon đeo đuổi bằng cách hạ bệ Mẹ Thiên Chúa đã không kéo dài quá tám năm.  Kể từ tháng 3-1814 sau khi hoàng đế Napoléon thoái vị và bị đày ra đảo Sante Hélène để sống những ngày còn lại của ông.  Trong ăn năn sám hối, tên tuổi của ông vẫn được tiếp tục nhắc đến như một thiên tài cũng có, mà như một kẻ ngông cuồng thì nhiều hơn.

Trong khi đó Mẹ Maria vẫn tiếp tục ngự trị trong lòng người dân Âu châu, mặc dù họ có muốn tục hóa đến đâu đi nữa, thì trong lịch sử hàng năm của họ vẫn còn những dấu ấn không bao giờ tàn phai của Mẹ Thiên Chúa.  Mãi mãi như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat: “Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi là người có phúc.”

Sưu tầm

 

MẸ LÊN TRỜI

ZZNgày 1.11.1950 Đức Thánh cha Piô XII đã long trọng công bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời như sau: “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đức Maria Vô Nhiêm trọn đời đồng trinh, sau khi đã đi trọn cuộc đời trần thế, được triệu vời cả hồn lẫn xác trong vinh quang thiên quốc.”  Đặc ân hồn xác lên trời vừa như hoa trái vinh quang của trọn vẹn cuộc đời hoàn toàn thuộc về Chúa, vừa là kết thúc và bao gồm mọi đặc ân Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Maria.  Khi tuyên dương công trạng đầy tràn của Mẹ Maria bằng việc triệu vời Mẹ về trời, Thiên Chúa đã biểu dương chính hồng ân Chúa ban cho Mẹ.  Và như vậy Thiên Chúa muốn đề cao Mẹ Maria như thành quả tuyệt vời có một không hai của ân sủng, để mọi người ở mọi thời ngợi khen Mẹ diễm phúc, và nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, chí thánh chí tôn đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả.

1. “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”

Bà Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần đã lớn tiếng tuyên xưng thiên chức Thánh Mẫu của Mẹ Maria. Thiên chức Thánh Mẫu cao cả giờ đây đang bày tỏ ra nơi chính con người thiếu nữ Maria bằng xương bằng thịt, bình thường, giản dị và khiêm nhường thẳm sâu.  Chỉ bằng việc có mặt khi đến thăm, và chỉ bằng một lời chào đơn sơ của Đức Maria, bà Êlisabét lại nhận ra thiên chức Thánh Mẫu của Mẹ.  Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa bằng cả hồn cả xác của mình.

1.1  Mẹ Thiên Chúa bằng tâm hồn

Trong khi Chúa Giêsu đang giảng thì có một người phụ nữ đã lên tiếng nói với Chúa: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm (Lc 11, 27).  Thuộc giới phụ nữ và trong tư cách làm mẹ.  Người phụ nữ ở đây cảm phục và yêu mến Chúa Giêsu bao nhiêu, thì lại muốn đề cao và hết lòng ca ngợi hồng phúc của người mẹ đã sinh ra Chúa bấy nhiêu.  Đó là cái nhìn thường tình.  Nhưng Chúa Giêsu cho thấy cần phải vượt lên trên quan niệm tự nhiên mới có thể đánh giá được hồng phúc làm Mẹ của Đức Maria, và hồng phúc đó trước hết và cốt yếu là ở trong tâm hồn: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

Một lần kia Mẹ Maria và anh em họ hàng đến thăm Chúa Giêsu và khi nghe biết thế, Chúa Giêsu đã đề cao Mẹ Maria trong chiều sâu thẳm của thiên chức Thánh Mẫu: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,2).  Như vậy căn bản thiên chức Thánh Mẫu của Đức Maria, không chỉ do ngài được làm Mẹ Đức Giêsu – Thiên Chúa làm người – tại tâm hồn của Mẹ đã hoàn toàn mở ra cho lời Chúa, và lời Chúa thành sự sống và lẽ sống của Mẹ.  Mẹ Maria đã cưu mang lời Chúa trong tâm hồn trước khi cưu mang Lời trong thân xác.  Thánh Augustinô còn nhận định tư cách môn đệ nơi Đức Maria (Mẹ trong tâm hồn) trổi vượt hơn tư cách làm mẹ nơi Đức Maria (Mẹ trong thân xác).

1.2. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa

Khi Lời Thiên Chúa đã đi vào và thấm nhuần trọn vẹn tâm hồn Đức Maria tới mức sung mãn, thì Lời Thiên Chúa đi vào trong thân xác vô nhiễm của Đức Maria.  Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa theo một nghĩa trọn vẹn (cả hồn xác).  “Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người.”   Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa bằng con người toàn diện, cả hồn lẫn xác.  Có nghĩa là hồn xác Mẹ vốn đã thuộc về Chúa, dành riêng cho một mình Chúa.  Và như vậy thân xác Mẹ không phải hư nát là dấu thuộc về trần gian cát bụi.  Mẹ xứng đáng lên trời cả hồn xác.  Đó là điều đã được tiền định do ý định khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa khi tuyển chọn Mẹ làm Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể.

2. “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”

Trong ngày Truyền tin, Đức Maria đã thưa lời xin vâng với Thiên Chúa, một lời xin vâng toàn vẹn và tuyệt hảo, bao gồm cả quá khứ, hiện tại, và tương lai.  Mẹ đã không ngừng “Xin vâng” với mọi lời Thiên Chúa đến với Mẹ từ trước đến nay.  Và giờ đây tiếng xin vâng thốt ra ngoài miệng là âm vang và kết quả của tâm hồn Mẹ đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa.  “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa” là một lời xác định rằng: Từ trước đến nay và mãi mãi sau này, tôi là nữ tỳ của Chúa, hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa.  Hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa cả hồn xác trong mọi lúc, là một cách giải thích đặc ân Vô Nhiễm nguyên tội và trọn đời đồng trinh của Mẹ Maria.

2.1. Mẹ Maria Vô Nhiễm nguyên tội

Vô nhiễm nguyên tội là không mắc tội nguyên tổ.  Có nghĩa là ngay từ giây phút đầu tiên thụ thai trong lòng thân mẫu, con người (hồn xác) của Mẹ hoàn toàn đóng kín, không một kẻ hở nào cho tội lỗi và cho tất cả những gì thuộc trần gian đã bị tội lỗi làm hư thối.  Mẹ cũng hoàn toàn đóng kín với chính bản thân của mình, cái “tôi” của mình.  Đóng kín với tất cả, để Mẹ có thể trọn vẹn mở ra cho Thiên Chúa, và chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi.  Đó là đặc ân Vô Nhiễm của Mẹ Maria.  Với đặc ân này, Mẹ Maria dù vẫn sống cuộc đời trần thế của một con người, Mẹ có thể qui hướng tất cả, và trọn vẹn từng chi tiết của bản thân và từng giây phút của đời sống về cho Chúa.  Nói cách khác, đặc ân Vô Nhiễm ban cho Mẹ Maria có khả năng không ngừng thuộc về Chúa cả hồn lẫn xác.  Mẹ xứng đáng lên trời cả hồn xác để mãi mãi thuộc về Chúa.

2.2. Mẹ Maria trọn đời đồng trinh

Hội Thánh tuyên xưng Mẹ Maria trọn đời đồng trinh trước khi, đang khi, và sau khi sinh Chúa Giêsu.  Và Phụng Vụ đã giải thích như sau: “Khi Người giáng sinh, đức đồng trinh của Thánh Mẫu đã không vì thế mà bị tổn thương, nhưng đã được thánh hiến” (Lời nguyện tiến lễ, lễ chung Đức Mẹ).  Đức đồng trinh của Mẹ rất thánh không thể được nhìn theo thường tình mà phải được nhìn theo đức tin, nghĩa là như ý định nhiệm mầu và khôn ngoan của Thiên Chúa.  Thiên Chúa ban cho Mẹ ơn đồng trinh trọn đời có mục đích là để con người toàn vẹn của Mẹ, cả hồn cả xác, hoàn toàn thuộc về Chúa, không sứt mẻ, không biến chất, trái lại luôn luôn nguyên tuyền và mãi mãi toàn vẹn.  Do đó khi Con Một Thiên Chúa được thụ thai và được sinh ra bởi Mẹ, thì không những không làm tổn thương hồn xác nguyên tuyền của Mẹ, mà trái tại còn làm cho hồn xác thuộc về Chúa hơn nữa.  Thuộc về Chúa trọn vẹn hồn xác nguyên tuyền, và suốt cả cuộc đời từng giây từng phút như vậy, nên việc Mẹ được Chúa đưa lên trời cả hồn cả xác là kết quả đương nhiên và hợp tình hợp lý.

Kết luận

Con đường Thánh Mẫu Maria Vô Nhiễm trọn đời đồng trinh đã đi để được lên trời cả hồn cả xác, là con đường Tin Mừng đã ghi lại: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” “Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2, 9-5).  Mẹ hằng đón nhận Lời Chúa, ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng, cho tới khi Lời Chúa thành máu thịt, thành hơi thở, thành sự sống cho mình.  Và lúc đó hồn xác Mẹ được thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, thuộc về Chúa từ trong ra ngoài, từ đầu đến chân.

Con đường đưa lên trời cả hồn cả xác của Mẹ Maria được mở ra cho mọi người như Tin Mừng đã ghi tại.  Tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi đi con đường Mẹ Maria đã đi, để đến nơi Mẹ đã đến.

GM GB Bùi Tuần

LỬA TÌNH YÊU

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy mang lửa xuống trần gian, thầy mong ước gì, nếu không phải là muốn lửa ấy cháy lên.”  Nhóm lên, và làm ngọn lửa tình yêu bừng cháy, là sứ mạng của Đức Giêsu và của mỗi người môn đệ Ngài.

Phải chọn lựa giữa Đức Giêsu và thế gian

Đừng tưởng thầy tới mang hòa bình, nhưng ngược lại, thầy tới mang chia rẽ.  Chia rẽ ở đây hiểu theo nghĩa, người ta phải chọn lựa giữa Chúa Giêsu và giá trị trần gian.  Những ai theo trần gian, có thể có ngày họ phản bội và làm hại thậm chí cả anh em hay cha mẹ mình; còn những ai theo Đức Giêsu, phải sống theo luật tình yêu.  Qua Đức Giêsu, con người phải chọn lựa, phải có thái độ dứt khoát.  Theo nghĩa này, Đức Giêsu mang chia rẽ.

Ở một chỗ khác Đức Giêsu nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em.  Bình an Thầy ban cho anh em, không như thế gian ban tặng.”  Bình an của Đức Giêsu, không có nghĩa là không có chuyện gì xảy ra; đúng hơn, bình an là thái độ sống mà không gì có thể làm mất được.  Bình an do xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương mình, và Ngài làm những điều tốt nhất cho mình, Ngài biến cả những điều xấu người khác làm cho mình trở thành ích lợi cho mình.

Bình an Đức Giêsu ban tặng, người ta tìm thấy nơi các tông đồ.  Dù bị bách hại nhưng các ngài vẫn kiên vững loan truyền Tin Mừng cứu độ “Thiên Chúa yêu thương con người.” Bình an này các thánh tử đạo là những người cảm nghiệm và làm chứng bằng chính cuộc sống của các ngài.

ZZLửa tình yêu đã thiêu đốt Giêrêmia

Giêrêmia đã nhân danh Chúa nói với dân chúng những điều mà những người lãnh đạo cùng chính dân chúng không ưa thích.  Và điều này đã làm cho tiên tri bị ghét, và người ta tìm cách hãm hại tiên tri.

Đã có lúc tiên tri bỏ cuộc, không muốn nói nhân danh Chúa nữa, những lúc đó lòng tiên tri bừng bừng như lửa thiêu đốt, và cuối cùng tiên tri đã trở lại với Chúa, để tiếp tục sứ mạng Ngài trao phó.  “Vì nhiệt thành với luật Chúa, mà con phải thiệt thân.”  Thiên Chúa ban lửa tình yêu cách đặc biệt nơi một số người, để họ thành chứng nhân của Chúa, để họ trở thành dụng cụ làm bùng cháy ngọn lửa tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với con người nơi nhiều tâm hồn.

Lửa tình yêu với Thiên Chúa trong lòng Giêrêmia, lửa tình yêu đối với con người nơi người đến xin vua Zedekiah giải cứu Giêrêmia, và ngọn lửa tình yêu nơi tâm hồn vua, đã làm tất cả những người này hành động theo tình yêu, theo lương tâm, theo Lời Chúa.  Giêrêmia sống theo lửa tình yêu thúc đẩy, và chính Giêrêmia cũng được cứu bởi lửa tình yêu.

Lửa Thánh Thần tình yêu

Thánh Thần là lửa tình yêu.  Thánh Thần tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu, làm nhiều người can đảm đáp trả tiếng Chúa mời gọi, sẵn sàng sống chết cho tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người.  Trên đường trần không thiếu những gai góc và gian nan vất vả, nhưng với tình yêu của Thánh Thần, biết bao người đang tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu, đang nỗ lực làm bừng cháy lên ngọn lửa tình yêu.  Nhìn lên Đức Giêsu như người mẫu và lý tưởng, Kitô hữu hiên ngang sống giữa đời, đem tình yêu đến với mọi người bằng sống yêu thương, ngay cả với những người thù ghét mình.

Tình yêu chiến thắng hận thù.  Yêu thương làm cuộc đời đẹp hơn, tươi hơn, thoải mái và hạnh phúc hơn.  Lửa tình yêu Đức Giêsu mang xuống trần đã bùng cháy trong tim mỗi người, và mỗi người được gọi để làm ngọn lửa tình yêu lan rộng mãi.

LM Giuse Phạm Thanh Liêm