NGÀY CỦA MẸ

Có một câu châm ngôn cổ cho chúng ta lời chỉ dạy khôn ngoan, nhưng gần như không thể làm theo được.  Hãy khôn ngoan trong việc chọn cha mẹ!

Nói thì dễ, làm thì khó, nhưng câu châm ngôn này có nhiều ý nghĩa.  Chúng ta không hoàn toàn là chính mình.  Chúng ta còn là sản phẩm do tay cha mẹ, những người không chỉ cho chúng ta bộ gen di truyền, mà tập hợp phức tạp những gì của họ trong chúng ta và cách họ liên kết với chúng ta và với thế giới cũng góp phần định hình nhân bản và tính cách của chúng ta nữa.  Khi trưởng thành, chúng ta vừa tự do vừa tê liệt về mặt cảm xúc khi suy nghĩ về chính xác những gì mình đã thừa kế được từ cha mẹ.  Họ định hình chúng ta.

Ngày hôm nay, ngày của mẹ, khi tôi nghĩ về mẹ mình và gen di truyền được thừa kế từ mẹ, tôi nhận ra rằng cha mẹ đã định hình nên tôi.  Mẹ tôi đã mất 43 năm trước, nhưng dấu ấn của mẹ vẫn còn ghi đậm nơi đây, nơi anh chị em tôi, và nơi tôi.  Vậy ngoài những đặc thù thể lý, mẹ còn cho tôi gì nữa?

Những gì mẹ cho tôi không phải là tự nhiên mà có.  Với sự giúp đỡ của cha tôi, mẹ đã nuôi nấng cả một gia đình đông con, và dù cuộc hôn nhân của họ thật lãng mạn, nhưng gần hết thời gian của họ, họ đã phải xoay xở vật lộn với vấn đề tiền bạc, thời gian, sức lực để lo toan cho cả nhà.  Những gì mẹ phải làm luôn luôn hầu như vượt quá sức của mẹ.  Nhưng bằng cách nào đó, mẹ luôn luôn xoay xở được, luôn luôn tìm được cách để tăng tiến mọi việc, tăng sức tăng thời gian để cho chúng tôi ăn, mặc, và làm tròn vai trò người mẹ.

Mẹ thường không có thời gian, sức lực hay kiên nhẫn để cho chúng tôi tình cảm và sự nồng ấm mật thiết mà một đứa trẻ hết sức mong đợi và cần đến, dù thực sự, tự bản chất, mẹ là người ấm áp và ân cần.  Quá nhiều việc phải làm đè nặng lên mẹ một áp lực nên nhiều khi mẹ không thể cầu toàn và chú tâm thật nhiều được.  Và mẹ cũng không phải là một bà mẹ trên phim, lúc nào cũng ăn mặc đẹp đẽ và biểu lộ tình cảm hoàn hảo, nhưng thành thật mà nói, mẹ đã cho chúng tôi điều quan trọng nhất đối với một gia đình, chính là sự an toàn và bảo đảm.  Nhu cầu lớn nhất, che khuất tất cả mọi nhu cầu khác, chính là mong muốn được cảm thấy an toàn và bảo đảm.

Mẹ tôi thường chia trí với nhiều việc khác nhau, nên không thể chú ý đến chúng tôi cũng như không biểu lộ tình cảm trọn vẹn được, nhưng mẹ cho chúng tôi những gì chúng tôi cần hơn tất cả, là sự an toàn và bảo đảm.  Mẹ cho chúng tôi một mái nhà và một mái ấm luôn luôn vững chãi và chừng mực – đôi khi cũng hơi ồn ào một chút.  Trong môi trường đó, chúng tôi luôn được an toàn.  Thời thơ ấu, không một ai cho tôi được điều gì phong phú hay to lớn hơn thế nữa.

Hơn nữa, trong tất cả mọi việc, khi phải xoay xở để lo toan và phải đối phó với những việc chẳng đặng đừng, mẹ đã dạy cho chúng tôi biết một điều quan trọng nữa là, bạn không cần phải chờ cho đến khi thanh toán hết hóa đơn, sức khỏe sung mãn, có đủ thời gian rảnh rỗi, và chẳng có những việc đau đầu đang chờ, nghĩa là không cần phải chờ cho đến khi mọi việc hoàn hảo để có thể hưởng dùng thời khắc hiện tại.  Mẹ tôi biết cách để hưởng giây phút hiện tại.  Mọi ngày lễ, sinh nhật, hay ngày Chúa Nhật, đều là dịp để có một bữa ăn đặc biệt và mừng lễ đặc biệt cho dù có việc gì khó khăn có thể xảy ra đi chăng nữa.  Và có lẽ, quan trọng hơn tất cả, mẹ tôi vô cùng có trách nhiệm trong việc trao truyền đức tin cho tôi, và dù cha tôi cùng chung tay, nhưng mẹ tôi chính là người thúc đẩy tôi mở lòng ra với ơn gọi linh mục.

Các nhà nhân học nghiên cứu các nghi lễ khai tâm trong nhiều nền văn hóa khác nhau đã cho chúng ta biết rằng các quy trình khai tâm cần thiết để biến đổi một đứa trẻ thành một người trưởng thành, đều cần phải nhấn mạnh vào bốn chân lý rõ ràng này: Đời của bạn không phải của riêng bạn.  Cuộc sống đầy gian khó.  Bạn sẽ chết.  Đời của bạn không phải là cho bạn.

507Nền văn hóa và Giáo hội của mẹ tôi đã ghi khắc không thể phai mờ những chân lý này trong bà.  Với thế hệ của bà, đặc biệt khi bạn sống ở vùng nông thôn và nghèo, thì cuộc sống thật khó khăn và đòi hỏi đạo đức phải cao.  Nhiều người chết trẻ.  Và đặc nét thế hệ của mẹ tôi là gia đình, Giáo hội, người đồng loại và quê hương có thể đòi hỏi, và bổn phận của bạn là trao ban đời sống mình mà không chút ích kỷ hay than van.  Thật ích kỷ khi nghĩ về mình trên hết.  Mẹ tôi đã thấm nhuần đặc tính đó và rồi bà truyền cho chúng tôi, đặc biệt là chân lý rằng đời của bạn không phải là cho bạn.  Những sự thật khác nữa như, cuộc sống là khó khăn và bạn sẽ chết, sẽ tự lên tiếng với bạn, nhưng từ lúc bạn còn là đứa trẻ cho đến khi trưởng thành, thông điệp gởi đến bạn rất rõ ràng: Đời của bạn không phải của riêng bạn.  Đời của bạn không phải là cho bạn.  Các nhà nhân học có lẽ nên nghiên cứu cách nhìn và cách sống khai tâm của mẹ tôi.

Không bà mẹ nào hoàn hảo, mẹ tôi cũng vậy.  Mẹ có những sai lầm và tôi cũng còn nhớ nhiều sai lầm của mẹ bên cạnh nhiều điều tốt mẹ đã làm cho tôi.  Nhưng khi nghĩ về mẹ mình, tôi chỉ cảm thấy thật tốt lành và biết ơn mà thôi.  Tôi đã chọn mẹ cho mình một cách khôn ngoan đó!

Rev. Ron Rolheiser, OMI

HIỆP NHẤT TRONG YÊU THƯƠNG

504“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con để họ nên một như chúng ta… con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17:11-20)

Đã hơn hai ngàn năm rồi, lời nguyện của Thầy Giêsu Chí Thánh vẫn còn vang vọng cho đến ngày hôm nay.  Giêsu ngày xưa đã cầu xin cho các môn đệ và những ai tin vào Ngài được ơn hiệp nhất nên một trong tình yêu.  Nếu đặt mình trong bầu khí của bữa tiệc ly hôm ấy, chắc hẳn chúng ta sẽ hiểu được lòng của Giêsu hơn, hiểu được khao khát của Ngài hơn.  Hiểu được vì sao lúc này lòng Ngài lại hướng trọn về các môn đệ thân yêu và cả chúng ta nữa, dù Ngài đang phải đối diện với bao cam go và thách đố khi chuẩn bị đi vào cuộc thương khó.  Hiệp nhất là một ơn thật cao quý.

Hiệp nhất không phải là làm cho mọi người đều có cùng một quan điểm, một suy nghĩ, và tất cả đều khoác lên mình một bộ đồng phục giống nhau.  Thực tế, chúng ta rất khác biệt nhau.  Dù cùng một màu da, cùng một văn hóa, và cùng một ngôn ngữ; nhưng chúng ta được Chúa dựng nên với những nét độc đáo riêng biệt và với kế hoạch rất riêng Chúa dành cho cuộc đời mỗi người.  Khoa học cũng cho thấy rằng khả năng giống hệt nhau giữa những con người được sinh ra chỉ còn là 1 trên 70 vạn tỷ (1/7.1013).  So với khoảng 7 tỉ người trên thế giới hiện nay, khả năng có ai đó giống mình thì rất xa vời.

Hiệp nhất là nên một giữa những khác biệt.  Hiệp nhất như một bức tranh mang nhiều màu sắc khác nhau nhưng vẫn hài hòa với nhau và cùng diễn tả một ý nghĩa hay một chủ đề nào đó, như một bản hòa tấu du dương gồm các nốt nhạc cao thấp, mạnh nhẹ khác nhau chứ không phải là tiếng còi tàu một cung hú lên inh ỏi.  Chúng ta có thể trở nên hiệp nhất nhờ biết mình đều là con cái Chúa, đều mang nơi mình hình ảnh của Ngài.  Khi hiệp nhất chúng ta được ở trong tình yêu của Giêsu, và cũng là ở trong tình yêu của Chúa Cha.

Tình yêu được nhắc đến như điểm quy chiếu, điểm nối kết tất cả.  Không thể nói đến hiệp nhất nếu không có tình yêu.  Nếu yêu mến và gắn kết với Giêsu một cách thực sự, thì cũng sẽ yêu thương và gắn kết với nhau.  Nhờ tình yêu, cũng sẽ khiêm tốn để cảm thông và chấp nhận nhau.  Cũng sẽ cùng nhau nghĩ đến lợi ích lớn hơn thay vì chỉ loay hoay với những tính toán nhỏ mọn của riêng mình.  Và khi ấy sẽ có hiệp nhất và bình an.  Giêsu là cây nho, chúng ta là cành nho, cành nào không gắn liền với cây thì sẽ bị khô héo và tách rời, hiệp nhất hệ tại cành nho liên kết với cây nho.  Để hiệp nhất cần có một tình yêu rất riêng với Giêsu.  Giêsu phải là trung tâm cho đời sống của mình.

Ước mong nhờ lời cầu nguyện của Giêsu ngày xưa, bạn và tôi cũng nghe thấy một lời mời nào đó cho chính mình, và cũng biết mau mắn đáp lại.  Để rồi chính mình nghiệm thấy niềm vui của sự hiệp nhất và bình an khi được ở trong Chúa là Đấng nhân từ đầy yêu thương.

***************************************

Lạy Chúa Giêsu,

Trong một thế giới chỉ thích đề cao cái tôi và thích nghĩ đến ích lợi cá nhân.
Xin cho chúng con trở nên đơn sơ và nhỏ bé, biết quên mình nghĩ đến anh em.
Trong một thế giới đầy lừa lọc và gian dối.
Xin cho con dám sống chân thật như Chúa dù phải gặp nhiều thách đố gian truân.
Cuối cùng xin cho chúng con luôn biết chọn Chúa là trên hết và trước hết trong cuộc đời con,
để khi gắn kết với Chúa, con được cũng được gắn kết với anh em,
khi hiệp nhất với Chúa, con cũng được hiệp nhất với anh em,
và tất cả chúng con được nên một trong tình yêu như Chúa hằng ước mong.  Amen.

Khánh Duy, S.J

LỄ THĂNG THIÊN

503Chúng ta mừng lễ Chúa Thăng Thiên hay nói một cách bình dân là lễ Chúa lên trời.

Cả ba bài đọc lời Chúa liên kết với nhau một cách chặt chẽ.  Bài đọc thứ I sách Tông Đồ Công Vụ mô tả việc Đức Giêsu được cất nhắc lên trời trước mắt các môn đệ.  Bài đọc II, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Ephêsô cho biết Đức Giêsu sau khi hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó ở dưới thế đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha; và bài Tin Mừng theo thánh Luca (năm C) cho biết – trước khi về trời – Đức Giêsu Phục Sinh đã truyền cho các môn đệ làm chứng cho Ngài; rồi nhân danh Ngài mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân.  Ngài cũng chúc bình an và hứa ban Thánh Thần cho các ông để các ông được tràn đầy niềm vui và hân hoan chu toàn sứ mạng.

Mầu nhiệm Chúa lên trời là một tín điều chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin…  Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.  Người lên Trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha.”

Vậy, lên trời là gì?  Và việc Đức Giêsu lên trời có ý nghĩa gì với cuộc đời người Kitô hữu chúng ta?

Khi nói về việc Chúa Giêsu lên trời, nhiều người tưởng là Ngài bay vào không gian; rồi ở đâu đó giữa muôn vàn tinh tú!  Cho nên, người ta kể rằng: sau khi từ không gian trở về, một nhà du hành vũ trụ đã tuyên bố: “Không có Thiên Chúa” vì ông đã lên tới trời rồi mà không gặp!

Vậy, trước hết, chúng ta cần hiểu việc Chúa “lên Trời” là một sự kiện diễn ra trước mắt các tông đồ (bài đọc I).  Đồng thời, chúng ta cần đọc biến cố này trong ngôn ngữ thánh kinh: Đức Giêsu lên trời nghĩa là Ngài được “cất nhắc lên” được “tôn vinh”; và cũng để khẳng định: Ngài là Đấng từ trời xuống; vậy sau khi đã hoàn tất sứ vụ, Ngài trở về trời với Chúa Cha (bài đọc II).

Hơn nữa, thiên đàng hay cõi trời của Thiên Chúa ở trong chiều kích khác với chiều kích không gian địa lý của chúng ta.  Thật vậy, Thiên đàng là nơi Thiên Chúa ngự.  Mà Thiên Chúa là tình yêu; cho nên, nơi nào có tình yêu, nơi đó là thiên đàng!

Sách tu đức có kể lại câu chuyện:

Một tu sĩ sống cuộc đời hạnh phúc và an vui trong bốn bức tường của Tu viện.  Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ông là ông thánh.

Ngày nọ, đang lúc ông rửa chén, bỗng một Thiên thần hiện ra và nói: “Thiên Chúa sai ta đến để báo cho thầy biết là giờ thầy lìa đời đã đến.”  Tu sĩ vẫn điềm nhiên vui vẻ trả lời: “Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa để phục vụ cho kịp bữa cơm chiều của tu viện, xin ngài có thể hoãn lại sau khi tôi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?”  Nói xong, Thiên thần biến đi.  Tu sĩ trở lại công việc một cách hăng say, hoàn tất rồi chờ mãi mà cũng không thấy thiên thần trở lại.

Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần hiện ra.  Như đoán trước ý nghĩ của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói: “Đây ngài xem, cỏ dại mọc đầy vườn, (bề trên tổng quyền lại sắp về tu viện kinh lý!) Ngài có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không?”  Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.

Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra; lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân đang kêu la đau đớn trên giường bệnh.  Thiên thần biến đi không nói một lời nào.

Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, mãn nguyện vì đã xong bổn phận, ông cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con đã sẵn sàng theo Ngài về trời.”  Lời cầu nguyện vừa dứt, Thiên thần Chúa xuất hiện; vị tu sĩ mừng rỡ: “Lần này, Thiên thần mang tôi đi, vì tôi đã sẵn sàng theo ngài về thiên quốc.”  Thiên thần trìu mến nhìn vị tu sĩ và nói: “Này ông thánh sống ơi, những ngày tháng vừa qua, ông không nghĩ rằng ông đã ở thiên đàng rồi sao?”

Qua câu chuyện, tác giả sách tu đức không phủ nhận thiên đàng đời sau dành cho những ai chu toàn bổn phận và sống giới răn yêu thương nhưng muốn chúng ta hiểu và sống thực tại thiên đàng ngay tại trần thế.

Tuy nhiên, như các môn đệ Chúa năm xưa, nhiều Kitô Hữu cứ đăm đắm hướng về trời mà quên mất bổn phận dưới đất! (MV 43, 1b).

Vì vậy, sách Tông Đồ Công Vụ bài đọc thứ nhất cho thấy thiên sứ phải thức tỉnh các tông đồ: “Hỡi các ông người Galilê, thôi đừng đứng đó mà nhìn lên trời nữa!”  Thiên thần nhắc nhở các ông nhìn xuống đất để sống với thực tại; và nhất là để thực hiện sứ mạng mà Đức Giêsu – Thầy của các ông đã trao phó.

Như thế, sự kiện Chúa lên trời là khởi đầu cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội: Từ đây, nhất là từ ngày lễ Ngũ Tuần, khi đã lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần, các môn đệ hân hoan ra đi làm chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu, và loan báo Tin Mừng cứu độ không chỉ ở Giêrusalem và cho người Do Thái mà thôi, mà còn ở khắp nơi, và cho mọi người.

Đức Giêsu lên trời nhưng không rời xa chúng ta “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”  Ngài vẫn hiện diện cùng chúng ta trong Lời Chúa, trong các bí tích, trong các thừa tác viên Chúa chọn, trong những người anh em quanh ta, nhất là trong những người nghèo khổ, bệnh tật.  Đức Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha không có nghĩa là Ngài đóng đô ở một chỗ nào đó trong không gian, trên các tầng trời.  Ngài ở bất cứ nơi nào có tình hiệp nhất, yêu thương, chia sẻ.

*******************************************

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, Chúa về trời là niềm hy vọng cho chúng con.  Chúng con tin tưởng, sau những gian nan thử thách và cả cái chết ở đời này, đến ngày tận thế, thân xác chúng con sẽ được Chúa cho phục sinh để hưởng phúc vinh quang.  Xin cho chúng con ý thức rằng: Mừng lễ Chúa thăng thiên, chính là dịp để chúng con nhìn tới tương lai để định hướng sống cho hiện tại; hơn nữa, thay vì chỉ mải mê nhìn trời, xin cho chúng con biết cùng nhau xây dựng nước trời ngay đời này bằng đời sống yêu thương, dấn thân phục vụ.  Đó là cách thức truyền giáo hữu hiệu và cũng là con đường đưa chúng con về quê trời khi chúng con hoàn tất cuộc đời dương thế.  Amen.

Sưu tầm