LỄ ÐỨC MẸ THĂM VIẾNG

523Ngày hôm nay là một ngày rất đặc biệt, có một không hai trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại.  Ngày đánh dấu sự gặp gỡ huyền diệu giữa hai người đàn bà thánh thiện được cưu mang những Đấng mà nhân loại hằng mong đợi: đó là Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, và người chị họ là Elizabeth, mẹ của Thánh Gioan Tẩy giả.

Như đã được thuật lại trong Phúc Âm của Thánh Luca, chính Đức Mẹ Maria đã khởi đầu cuộc hành trình thăm viếng Elizabeth ở một nơi rất xa làng Nagiarét của Mẹ.  Bởi vì vừa khi Thiên thần truyền tin việc thụ thai nhiệm mầu cho Đức Mẹ Maria, thì Thiên Thần cũng báo cho Đức Mẹ biết là bà Elizabeth, “người đàn bà có tiếng là son sẻ” cũng đang mang thai một con trai trong “tuổi già của bà.”  Câu chuyện muốn nói lên rằng sự thụ thai một cách mầu nhiệm của bà Elizabeth là một đảm bảo cho những lời hứa của Thiên Chúa đối với Đức Mẹ Maria: vì rằng “Không có sự gì mà Thiên Chúa không thể làm được.”  Đó có lẽ là động lực đầu tiên thúc đẩy Đức Mẹ Maria đến viếng thăm bà Elizabeth để tự chính mình trông thấy người đàn bà đã được liên kết một cách lạ lùng với kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Khi bà Elizabeth vừa nghe lời chào mừng của Maria thì hài nhi trong bụng bà nhảy mừng.  Elizabeth liền thốt: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và con lòng bà gồm phúc lạ.”  Vừa khi nghe lời chúc phúc của Elizabeth thì bỗng chốc Maria liền cảm nghiệm được Thiên Chúa soi sáng cho mình ý thức được sự bày tỏ và thực hiện những lời hứa của Thiên Chúa, đặc biệt là những lời hứa nầy có liên quan đến những người nghèo khổ và những kẻ bị áp bức.  Do đó Đức Mẹ Maria đáp lại bằng một ca vịnh tuyệt vời, “Magnificat”:

Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa,
Và thần trí tôi hớn hở mừng vui trong Chúa Đấng cứu độ tôi,
Vì Người đoái thương nhìn phận tôi tớ mọn hèn…
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường
Kẻ nghèo đói Chúa ban đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay không.

Đây là một viễn tượng phi thường và có tính cách phá đổ trong đó ân huệ của Thiên Chúa đối với hai người phụ nữ khiêm tốn được xem như là để báo trước cho một đảo ngược toàn diện thể chế xã hội: vinh thăng kẻ nghèo hèn!  Hạ bệ kẻ thù của họ!

Niềm vui chan chứa của cuộc thăm viếng nầy làm tan đi bất cứ điềm báo nào về cái giá mà họ phải trả sau nầy.  Vả lại, cũng không có dấu hiệu gì về viễn tượng biểu lộ trong ca vịnh của Maria dẫn đến cái chết của hai hài nhi đang nhảy mừng trong lòng mẹ.  Tuy nhiên ngày đó còn xa vời lắm.  Hôm nay, nhân ngày lễ trọng để kính nhớ Đức Mẹ Maria Thăm Viếng Bà Thánh Elizabeth” chúng ta nhớ đến sự vui mừng gặp gỡ và tình chị em của hai phụ nữ liên kết niềm tin của họ trong Thiên Chúa Toàn Năng.

Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác

TÔI ĐI TU!

523Bà ôm tôi, bảo rằng bà hãnh diện vì tôi.

Bố trầm ngâm, chẳng nói gì, bảo rằng tôi đã lớn, hãy tự quyết định cho cuộc đời.

Mẹ rươm rướm nước mắt, lo lắng, chẳng biết tôi vào “trong đó” rồi sẽ ăn ngủ ra sao.

Có một người con gái cũng vì tôi mà nhỏ lệ.

Đám bạn thân, có đứa chúc mừng, có đứa bàng quan, có đứa cười khẩy, bảo “thằng này ngu, tự nhiên đánh mất cả đời trai phơi phới”!

Uhm, phải, “đời trai” cũng đẹp mà.  Cả cuộc đời dài đằng đẵng, chỉ có một lần duy nhất, người đàn ông sở hữu cái gọi là “đời trai.”  Ở cái tuổi đang hừng hừng sức sống này, một người con trai đang có trước mặt mình cả một vùng trời tươi sáng.  Biết bao con đường đang mở ra, nhìn đâu cũng toàn những viễn cảnh tươi đẹp.  Những phong ba bão táp dường như chẳng có gì đáng sợ cả.  Sức ta có, ý chí ta mạnh, ta chỉ biết con đường thẳng mà phóng tới, chẳng hề nghĩ ngợi hay đắn đo.  Những dự phóng, những kế hoạch, ta không hề thiếu.  Rồi công danh, sự nghiệp, tiền đồ phía trước như đang vẫy gọi ta.  Cả một hay thậm chí nhiều tình yêu đẹp sẽ đến với ta, làm con tim ta tan chảy hoặc nở rộ những cánh hồng tươi.  “Đời trai” hệt như một con sóng cuồn cuộn, tất cả sinh lực của trời đất như hừng hực trong mình.  Con đường vinh hoa, con đường thăng tiến như hiển hiện trước mắt, chỉ cần một bước nữa là tới thôi.

Thế nhưng, tôi bỗng dưng lại chọn cho mình một hướng rẽ.  Gạt đi những lời mời gọi hướng đến sự cao sang, tôi lại đặt bàn chân lên “một đoạn đường chẳng mấy ai đi,” một con đường gai góc.  Đi tu là đi đâu vậy?  Thú thật tôi cũng chẳng biết.  Phía trước tôi là một màn tối âm u.  Tôi chỉ nghe nơi đó vẳng lại một tiếng gọi mơ huyền, vây cuốn trái tim tôi và bảo tôi cứ men theo tiếng nói âm vang ấy mà cất bước.  Đi tu là chọn một con đường không biết đích đến, trong khi mọi chỗ an toàn để mình bám víu thì phải bỏ lại hết đàng sau.  Cứ liều mình bước đi như vậy, giữa một tư thế chông chênh, lấy niềm tin mà lao tới. Có đôi khi tôi tự hỏi bản thân: liệu mình có được mời gọi thật không, hay chỉ là do mình ảo tưởng, chuyện gì xảy ra khi bất chợt lúc nào đó tôi phát hiện ra mình đã nhầm.  Tôi tin vào tiếng gọi nhưng cũng có lúc tôi không khỏi lo sợ và dẫn đến nghi ngờ.

Đi tu, tôi có phải là một thánh nhân đâu.  Tôi vẫn còn đó những yếu đuối của một kiếp con người.  Tôi vẫn mong được ăn sung mặc sướng, muốn được ấp ủ chiều chuộng và thích làm theo ý riêng.  Càng đi tu, tôi càng nghiệm thấy rõ điều đó hơn, rằng tôi đến với Chúa bằng trọn vẹn một con người đầy loang lỗ, đầy vết nhơ, đầy thiếu sót.  Trước khi đi tu, tôi cũng ấp ủ nhiều lý tưởng cao đẹp, rằng tôi muốn dâng mình cho Chúa, muốn thuộc về Chúa, muốn cứu độ tha nhân.  Nhưng càng đi tu, tôi thấy mình như bị phô bày ra trước mắt biết bao nhiêu thiếu sót.  Càng sống trong đời tu, tôi càng cảm thấy xấu hổ khi nghĩ đến chuyện mình được hiến thánh, cảm thấy bất xứng khi có ai đó nói rằng tôi là người của Chúa, cảm thấy ngại ngùng khi bản thân mình còn chưa vẹn toàn, nghĩ gì đến chuyện cứu giúp người ta.  Sau bao nhiêu năm miệt mài theo Chúa, tôi vẫn còn thấy mình xa Chúa lắm, con đường thập giá tôi vẫn còn chưa ôm trọn vào người, bài học phục vụ tôi vẫn còn chưa đặt để vào con tim.  Có đôi khi, tôi còn mượn danh tu sĩ để tô vẽ cho bản thân những ánh hào quang giả tạo.

Nhưng càng đi tu, tôi càng nghiệm thấy Chúa yêu thương tôi vô điều kiện.  Ngài luôn đón nhận tôi, bất chấp những giới hạn và yếu đuối của tôi.  Bạn bè tôi không hiểu tại sao tôi huỷ hoại “đời trai” chỉ vì một lý tưởng mơ hồ nào đó.  Còn tôi, tôi cho rằng đặt đời mình vào tay Chúa thì “đời trai” của tôi mới sinh hoa kết quả dồi dào.  Chắc chắn là phải có những hy sinh, nhưng cảm nghiệm được một tình yêu lạ lùng từ Chúa giúp tôi thấy được nơi thập giá cuộc đời những cánh hoa tươi đẹp.  Đi tu, trước hết chỉ là “đến và ở lại” với Ngài, rồi sau đó mới là thoả sức tung cánh muôn phương.  Tôi không đi tu để trốn tránh cuộc đời vô thường, không tìm một chốn thanh tịnh nào đó để xa lánh thế gian.  Tôi lên núi gặp Chúa chính là để xuống núi với tha nhân, tôi tách mình ra khỏi thế giới là để có thể dấn thân vào nó nhiều hơn, sâu hơn.  Tôi đi tu là để hoà mình vào một tình yêu siêu nhiên và nhờ đó làm phong phú cho đời sống của mình.  Bởi thế, nên đời tu của tôi đẹp lắm!

Đường còn xa, lối đi còn muôn nẻo.  Hành trình đời tu vốn dĩ không bao giờ có sự chắc chắn và mãi mãi không có điểm dừng.  Niềm hãnh diện của bà, sự tin tưởng của bố, nỗi lo lắng của mẹ, nước mắt của cô gái kia, và cả những bỡn cợt của bạn bè, tôi khắc ghi vào tim, tôi để nó sánh bước song hành với mình.  Chẳng ai biết được tôi có trọn tình vẹn nghĩa với Chúa ở tận cuối con đường!  Chẳng ai biết được tôi có thể giữ lòng thanh thoát những trước quyến rũ của thế gian chỉ để say tình Chúa!  Chẳng ai biết được… Nhưng tôi chỉ xin cho mình biết luôn tín thác như Abraham – cất bước ra đi mà chẳng biết đi đâu, một sự sẵn sàng như Mẹ Maria – chỉ cần Chúa muốn là xin vâng mau mắn.  Đi tu, không chỉ là sửa mình, tu chỉnh mình, nhưng hơn hết, đó là một sự hiến dâng, một lời đáp cho tiếng gọi trong u tối.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

*Đại từ “tôi” được sử dụng trong bài viết có ý nói đến những người dâng hiến cách chung chứ không nhất thiết là bản thân người viết.

 

MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Thánh lễ này nhắc nhở cho ta: Chúa Kitô đã và đang trao ban chính Mình Máu Ngài làm lương thực để ban sự sống cho ta, để tiếp nhận ta vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay thuật lại phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều. Phép lạ này không phải từ “không ra có”, nhưng từ năm chiếc bánh và hai con cá là phần đóng góp của con người. Tương tự như vậy, bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa được hiến dâng trên bàn thờ chính là hoa màu ruộng đất và lao công khó nhọc của con người. Thiên Chúa không muốn làm một mình, nhưng Ngài muốn con người cộng tác với Ngài. Được cộng tác với Ngài chính là hồng ân, là vai trò tuy nhỏ bé nhưng hết sức cao quý được dành riêng cho ta trong mầu nhiệm Thánh Thể.

Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô, thánh Phaolô cho chúng ta một chứng từ cổ xưa về bí tích Thánh Thể mà ngài gọi là bữa ăn của Chúa. Bí tích Thánh Thể là một sáng kiến của Ðức Giêsu trong bữa ăn vào đêm Người bị nộp. Tấm bánh thành Mình Thầy: hãy cầm lấy mà ăn. Chén rượu thành Máu Thầy: hãy cầm lấy mà uống.

523Đã bao nhiêu thế kỷ qua đi, có biết bao thánh lễ đã được cử hành trên mặt đất. Thánh lễ nào cũng là một bữa ăn do Chúa thết đãi, và cũng là một nghi thức tưởng nhớ cái chết của Chúa. Không thể tách rời thánh lễ với cái chết của Ðức Giêsu. Mình Thầy sẽ bị nộp, Máu Thầy sẽ đổ ra vì anh em. Rước lễ là rước lấy Ðấng đã chết vì loài người, Mỗi lần dự lễ, chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết va đã sống lại. Rước lễ chẳng phải là rước một thi hài người chết, mà là đón lấy Ðấng đang sống và đang ban phát sự sống.

Dự thánh lễ là tham dự một bữa ăn, là tham dự vào hy tế năm xưa trên Núi Sọ. Chính vì thế ta không nên dự lễ với hai bàn tay trắng. Cần đem theo tấm bánh của mình trong những ngày qua. Chúa Giêsu cần tấm bánh của tôi, để Người biến đổi. Thánh Thần cần tấm bánh của tôi, để Người thánh hoá. Chúa Kitô không từ trời cao ngự xuống tấm bánh. Ðúng hơn, Người nâng tấm bánh lên tới Người, và biến tấm bánh thành lương thực thần linh nuôi tôi. Như thế, tấm bánh mong manh nhỏ bé lại là nơi hội tụ của cả Thiên, Ðịa, Nhân. Vũ trụ, con người và Thiên Chúa gặp nhau, hoà quyện vào nhau. Bí tích Thánh Thể góp phần biến đổi cả vũ trụ loài người. Những gì là tự nhiên, nay được thần hoá, được biến đổi tận căn mà vẫn không đánh mất chính mình. Lễ vật tôi dâng lên Chúa, Chúa trao lại cho tôi. Bánh bởi trời cũng là bánh bởi đất…

Mầu nhiệm Mình Máu Thánh Chúa là Mầu Nhiệm Tình Yêu. Chính vì thế mà Thánh Gio-an đã viết về đêm Người bị trao nộp: “Người đã yêu thương họ đến cùng.” Vì yêu thương đến cùng nên Người cũng hiến thân đến cùng. “Này là Mình Thầy, Này là Máu Thầy, các con ăn đi, và hãy làm như thế để tưởng niệm Thầy”.

******************************

Lạy Chúa Giêsu! Có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm, ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân, và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan toả khắp nơi, để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ, nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp, nơi lớp học tình thương lúc chiều tà, nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm, nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ, nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ, nơi các tiệm cho mướn băng video, nơi tình yêu trong trắng của đôi bạn trẻ…
Nhưng lạy Chúa, trước hết, xin cho đời con là một ngọn đèn, ngọn đèn màu đỏ lung linh sáng, mời gọi tha nhân dừng bước, để trầm tư và gặp được Chúa. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CHÚA GIÊSU VÀ MUHAMMAD

 

523

Những Điều Khác Nhau

Mặc dù có một số điểm tương tự giữa Chúa Giêsu và Muhammad (Mô-ha-mét) – như lãnh đạo tôn giáo vĩ đại và ảnh hưởng thế giới, nhưng có những điểm rất khác nhau.  Đó là khác nhau về lời tuyên bố, tính cách, quyền phép, ủy thác, quyền năng và sứ điệp.  Chúng ta hãy cùng điểm qua các điểm dị biệt này.

Tuyên Bố Khác Nhau

Muhammad nói ông chỉ là một con người; Còn Đức Giêsu tuyên bố Ngài là Thiên Chúa.  Thật vậy, Muhammad chưa hề tuyên bố ông là gì khác hơn một con người, một tiên tri của Đấng Allah.  Lời cầu nguyện của ông chứng tỏ điều này: “Lạy Thánh Allah! Con chỉ là một con người” (Ahmed, Musnad, Vol. 6, tr. 103).

Mặc dù Đức Giêsu là một con người, cũng cảm thấy đau đớn, đói, khát, mệt mỏi, và cũng bị cám dỗ như chúng ta, nhưng Đức Giêsu là Thiên Chúa, đồng đẳng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.  Ngài được nói trước là sẽ làm người, Ngài và Chúa Cha luôn hiện hữu là MỘT Thiên Chúa, đồng sáng tạo vũ trụ.

Vài lý thuyết phổ thông, như The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci), cho rằng Giáo hội đã “phát minh” thần tính (divinity) của Chúa Giêsu, nhưng các chứng cớ lịch sử cho thấy các Kitô hữu đầu tiên đã tin rằng Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người.

Kitô giáo không như vậy nếu các môn đệ của Chúa Giêsu không hoàn toàn tin Ngài là Thiên Chúa.  Thuật ngữ “Con Thiên Chúa” không có nghĩa là “con ruột” (biological offspring, con về phương diện sinh học) hoặc Chúa Giêsu “kém thua” Chúa Cha, mà chỉ phản ánh mối quan hệ lẫn nhau về tính thần thánh (godhead).  Các chứng cớ đều cho thấy rõ rằng các môn đệ đã hoàn toàn tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa.

Tính Cách Khác Nhau

Là một con người, Muhammad cũng phạm tội và chết như chúng ta.  Nhưng Chúa Giêsu tuyệt đối không có tội: “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?  Nếu tôi nói sự thật, sao các ông lại không tin tôi? (Ga 8:46).  Ngay cả các kẻ thù của Ngài cũng không thể kết tội Ngài đã phá bỏ các Điều răn của Thiên Chúa.  Còn Muhammad nhận mình cũng sai lầm, và xin Đấng Allah tha thứ 3 lần (Sura al-Ghafir 40:55; 47:19 al-Fath 48:2).

Quyền Phép Khác Nhau

Muhammad chưa bao giờ làm một phép lạ nào (Qur’an 29:50), nhưng Chúa Giêsu đã chứng tỏ quyền phép đối với thiên nhiên và con người bằng cách làm rất nhiều phép lạ: Chữa người què, mù, câm, điếc, làm sóng yên biển lặng, làm cho người chết sống lại, hóa bánh ra nhiều, đuổi thần ô uế,…

Ủy Thác Khác Nhau

Chúa Giêsu được các ngôn sứ tiên báo, còn Muhammad thì không.  Muhammad không đưa ra các ủy thác nào ngoài sự tiết lộ (revelation).  Gần 300 lời tiên tri trong Cựu ước với 61 chi tiết đặc biệt đã được Chúa Giêsu hoàn tất.  Chỉ Thiên Chúa mới có thể ứng nghiệm đầy đủ từng chi tiết.  Do đó, Chúa Giêsu đã phù hợp từng chi tiết.  Thiên nhiệm của Chúa Giêsu được tiên báo bằng Lời Tiên Tri của Thiên Chúa.

Quyền Năng Khác Nhau

Sự phục sinh của Chúa Giêsu đã chứng tỏ thiên năng của Ngài, còn Muhammad đã chết và xương cốt vẫn ở ngôi mộ tại Medina.  Mặt khác, Chúa Giêsu đã sống lại sau 3 ngày bị đóng đinh và đã được các lý hình xác nhận là Ngài đã tắt hơi thở. Cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài là các sự kiện lịch sử mà ngày nay người ta đã chứng minh cụ thể rõ ràng.

Sứ Điệp Khác Nhau

Chúa Giêsu dạy yêu thương và dịu hiền, còn Muhammad dạy quy luật và phục tùng (submission).  Muhammad dạy rằng chúng ta phải đạt được ơn cứu độ bằng cách trung thành với Ngũ Trụ Đức Tin Hồi Giáo (Islam’s Five Pillars of the Faith).  Nói cách khác, ơn cứu độ của chúng ta tùy thuộc vào nỗ lực của chúng ta.  Thậm chí người ta không bảo đảm được ơn tha thứ, và phải nhờ vào lòng thương xót của Đấng Allah để được tha thứ.  Một số tín đồ Hồi giáo tin rằng kinh Koran (Qur’an) dạy phải tử đạo vì Đấng Allah thì sẽ được cứu độ và sẽ được thưởng công lên trời.

Chúa Giêsu nói rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để thiết lập mối quan hệ với Ngài.  Kế hoạch của Ngài là nuôi dưỡng chúng ta trong một thiên gia (heavenly family) với tư cách là những đứa con yêu dấu của Ngài.  Tuy nhiên, chúng ta đã phản nghịch Ngài và phá bỏ luật luân lý của Ngài.  Kinh thánh gọi đó là tội lỗi.  Sự bất tuân chống lại Thiên Chúa như vậy cần phải xét xử.  Các hành vi tốt của chúng ta, tiền bạc, hoặc lời cầu nguyện cũng không thể chuộc lại tội lỗi của mình.

Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu và xót thương.  Ngài đã “trả giá” cho chúng ta bằng chính giá máu của Đức Kitô qua cuộc khổ nạn đau thương và cái chết nhục nhã trên Thập giá.  Thánh Phaolô nói: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.  Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2:1-5).

Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

Chúa Giêsu dạy rằng ơn cứu độ là tặng phẩm phải được ấp ủ bằng việc tin vào chính Ngài, chứ không là những việc làm của chúng ta.  Sự chọn lựa của chúng ta là CHẤP NHẬN hoặc TỪ KHƯỚC ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ Y-Jesus.com)

 

MUÔN HOA DÂNG MẸ

520Tháng Năm tươi thắm muôn hoa,
Vàng hồng trắng đỏ, đậm đà sắc hương.
Lòng thành, tin cậy mến thương,
Trước nhan thánh Mẹ, khiêm nhường tiến dâng.

Mỗi dịp tháng năm về, các Nhà thờ rộn rã mùa dâng hoa kính Đức Mẹ.  Phụng vụ Mùa Hoa tưng bừng nhộn nhịp với nhiều thể loại phong phú Rước hoa và Dâng hoa tuỳ mỗi tập quán mỗi đặc trưng văn hóa địa phương.  Những bài ca dâng Mẹ ngân nga khắp nơi.  Ca khúc “Đây Tháng Hoa” của Nhạc sĩ Duy Tân, có lẽ ai cũng thuộc lòng.

Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà.  Dâng tiến hoa, lòng mến dâng lời cung chúc.  Hương sắc bay, tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc.  Muôn tháng qua, lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

– Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần.  Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng.  Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời.  Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

– Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về.  Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi.  Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ.  Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời.

Nói tới hoa là nghĩ về một kỳ công của Thiên Chúa.  Hoa muôn màu muôn sắc, hoa tươi xinh, hoa thơm ngào ngạt.  Hoa tô thắm vũ trụ nên xinh tươi.  Hoa mời gọi ong bướm đến hút mật.  Hoa khoe sắc thắm, nhoẻn cười với con người.  Lời của hoa thật dịu huyền giữa thiên nhiên.  Hoa hòa vào lòng người dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

Loài hoa nào cũng đẹp.  Loài hoa nào cũng gởi cho ta một sứ điệp yêu thương. “Hoa Hướng Dương biểu trưng cho mặt trời toả sáng, sưởi ấm lòng người.  Hoa Mười Giờ gởi ta một tình yêu thuỷ chung, son sắt.  Dù đời em chỉ toả sáng lúc mười giờ, nhưng trọn đời em vẫn yêu thương.  Thật vấn vương khi nhắc đến loài Hoa Phượng.  Loài hoa gợi ta nhớ lại những phút giây vui đùa trên sân trường thuở nhỏ, một tuổi thơ mơ tiên, hồn nhiên, trong trắng, thơ ngây, tuổi ô mai, tuổi vấn vương, tuổi học trò.  Màu hoa tươi tắn là tình yêu chan chứa cho cuộc đời khô cằn nắng cháy và cũng là ước nguyện, sức sống cho tương lai.  Hoa Lưu Ly là lời tha thiết yêu thương “xin đừng quên tôi.”  Cuộc đời là muôn đời liên kết “xin đừng quên tôi” hỡi người tôi yêu!  Đó phải chăng là những ai còn nhớ và những ai đã quên, nhất là khi ta vắng mặt sau cuộc đời trần thế.” (Sứ điệp loài hoa, trg 11.)

Hoa đã trở thành bạn thân thiết với con người.  Khi vui người ta tặng hoa để chúc mừng nhau.  Khi buồn người ta cũng trao gởi lẳng hoa như trao gởi tấm lòng đồng cảm thân thương.  Hoa khích lệ lòng người.  Hoa hướng con người nhớ tới Đấng tạo hoá đã xoay vần vũ trụ bốn mùa xinh tươi.  Hoa mơn man lòng người đau khổ.  Hoa khích lệ những ai thất bại.  Hoa chúc mừng những ai chiến thắng.  Hoa ca vang kỳ công kiệt tác của Thiên Chúa.  Đôi khi, chỉ một cánh hoa đủ trào dâng lòng mến của Thánh Têrêxa Hài Đồng.  Nhiều lần, một dàn hoa làm tâm hồn Thánh Phanxicô ngây ngất tình Chúa.

Lắng nghe tiếng nói huyền diệu của hoa, Thánh Bênađô biết được tâm trạng của hoa.  Chẳng hạn, hoa Hồng giàu lòng yêu mến.  Hoa Huệ biểu tượng đức Khiết trinh, hoa Tím là duyên đức đoan trang khiêm tốn.  Thánh nhân ca ngợi các nhân đức Đức Mẹ qua ý nghĩa các loài hoa.  Hoa Hồng đức mến, hoa Huệ đức Khiết trinh, hoa Tím đức Khiêm nhường.  Đức Mẹ là hoa Huệ khiết trinh.  Đức Mẹ là hoa Hồng yêu mến.  Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi sinh. Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa.

Sứ Thần Gabriel đã cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1, 28).  “Ðấng đầy ơn phước” là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn.  Đức Mẹ tuyệt đẹp vì không vương vấn tội, vẻ đẹp của sự thánh thiện vô tỳ tích, một vẻ đẹp không chỉ do con người nỗ lực thanh tẩy mà còn do ân sủng Thiên Chúa trao ban.

Tháng Năm về, mỗi lần thưởng thức hương hoa, ta hãy hướng về Đức Mẹ, xin Mẹ tỏa hương thiên đàng của người, ấp ủ ta thành những đóa hoa tươi thắm của Mẹ.  Mỗi khi hái hoa dâng tiến Đức Mẹ, ta hãy mượn hương sắc và lời huyền diệu của hoa để ca tụng hoặc cầu xin người.  Dâng hoa Hồng, xin Mẹ cho ta được yêu mến Mẹ nhiều hơn.  Dâng Hoa Huệ, ta ca ngợi đức khiết trinh của Mẹ.  Xin Mẹ lấy hương huệ trinh nguyên của hồn Mẹ ướp hồn ta nên trong trắng.

Tháng Năm về, mỗi tín hữu yêu mến Hoa Mân Côi cách đặc biệt hơn.  Hoa Mân Côi là sứ điệp Yêu Thương, sứ điệp Ơn Cứu Độ, là kinh nguyện Phúc Âm được kết dệt từ các mầu nhiệm chính trong đạo: Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Mầu Nhiệm Cuộc Đời Dương Thế, Vượt Qua và Thăng Thiên, được suy gẫm qua 20 Mầu Nhiệm “Hoa Mân Côi”: Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng.

Mỗi khi cất lên lời kinh: Kính mừng Maria đầy Ơn Phước… là chúng ta kết thành Hoa Mân Côi kính dâng Mẹ.  Từ trời cao, Đức Mẹ mừng vui và ban muôn ơn lành cho đoàn con cái sốt mến thành tâm hướng về Mẹ.

Ở thành Nancêniô bên nước Pháp, có một gia đình trung lưu.  Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan.  Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình, nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy, đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ.  Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con.  Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng 6 năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục.  Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa.  Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Maria Vianey.

Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống.  Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Vianey liền bảo:

– Đừng lo cho linh hồn chồng bà.  Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

– Cha Vianey nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết.  Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.  Nghe xong lời cha Vianey, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.  (trích từ: Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trg 10).

Chỉ có mấy bông hoa nhỏ dâng kính Đức Mẹ mà người đàn ông khô khan ấy cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy.  Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ.  Chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của bậc thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.  Hãy luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu.  Đức Mẹ hằng yêu thương phù trợ mỗi người chúng ta.

Trong tháng Năm này, chúng ta tham dự những buổi dâng Hoa, rước kiệu, lần hạt Mân Côi… dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh tật… chắc sẽ được Đức Mẹ ban nhiều ơn lành.  Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng cậy, hoa Đỏ của lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hy sinh hãm mình, hoa Vàng của niềm tin, hoa Hồng của tình yêu sắt son chung thủy.

Xin dâng lên Mẹ hoa Trắng của sự trinh trong, xin Mẹ giúp chúng con gìn giữ tâm hồn luôn trong trắng, thánh thiện.  Xin dâng lên Mẹ hoa Xanh của niềm cậy trông và hy vọng, xin đừng để chúng con thất vọng chùn bước trước bất cứ khó khăn nghịch cảnh nào của cuộc sống.  Xin dâng lên Mẹ hoa Vàng của niềm tin kiên vững, xin Mẹ dạy chúng con sống phó thác tin tưởng vào tình thương và sự quan phòng của Chúa như Mẹ.  Xin dâng lên Mẹ hoa Hồng của lòng yêu mến, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu Chúa hết lòng và yêu anh chị em mình như Chúa đã yêu chúng con.  Xin dâng lên Mẹ hoa Tím của những đau khổ, bệnh tật, thất bại, xin Me dạy chúng con biết vui lòng chấp nhận Thánh Giá Chúa gởi đến để trung thành bước theo Đức Kitô, Con của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, những đoá hoa lòng đơn sơ, chân thành nhưng đượm tình yêu mến, chúng con xin dâng lên Mẹ, xin Mẹ thương nhận lấy và chúc lành cho chúng con.  Amen!

LM Giuse Nguyễn Hữu An

SỐNG HIỆP THÔNG CHIA SẺ

  • Có người nông dân dạy con trai mới lớn: Muốn cho mướp ra nhiều trái phải bấm ngọn.  Cậu bé hỏi: Tại sao?  Người cha trả lời: Vì nó tức nên nó đâm trái.  Có thể cậu bé không bằng lòng với câu trả lời của cha, nhưng sau này khi vào đại học nông nghiệp, cậu sẽ biết rõ lý do.
  • Một em bé đứng trước thi hài ông nội, hỏi mẹ: Mẹ ơi sao ông nội chết vậy hả mẹ?  Mẹ đáp: Vì ông nội già rồi. Bé lại hỏi: Thế bà nội già rồi sao không chết?  Chú Tư trẻ vậy sao lại chết.  Người mẹ vui mừng vì thấy con thông minh lý sự nhưng lúng túng không tìm ra câu trả lời thoả đáng.  Khi lớn lên bé sẽ hiểu lý do.

Trong cuộc sống, có nhiều điều lạ lùng mà trí khôn con người vẫn không bao giờ hiểu thấu nổi.  Để diễn tả các điều khó hiểu của cuộc sống, cha ông ngày xưa mới đố nhau:

Đố ai biết lúa mấy cây,
biết sông mấy khúc,
biết mây mấy tầng.

…..

Đố ai quét sạch lá rừng,
để ta khuyên gió,
gió đừng rung cây.

Có lẽ trong tất cả mọi điều khó hiểu của cuộc sống con người thì tình yêu là khó hiểu nhất.  Chỉ nguyên định nghĩa tình yêu thôi cũng đủ để hao tổn bao công sức và giấy mực, qua các thời đại mà vẫn không có được một định nghĩa diễn tả trọn vẹn ý nghĩa.  Và vì không có được một định nghĩa như vậy nên người ta mới coi tình yêu như là mầu nhiệm vậy.

Thế nhưng, tình yêu ấy có đáng là gì so với các mầu nhiệm của Thiên Chúa.  Trong các mầu nhiệm của Thiên Chúa thì mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là cao cả nhất, khó hiểu nhất.  Như sách giáo lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu.  Bởi vì đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa mà cũng là mầu nhiệm của Thiên Chúa cho chúng ta”.

Trước mầu nhiệm Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao sâu, trí khôn nhỏ bé của con người không thể hiểu nổi. Tại sao Một Chúa mà Ba Ngôi?  1 là 3 và 3 là 1?

518Vậy phải hiểu và đón nhận mầu nhiệm quá cao siêu này như thế nào?

Ba Ngôi là một mầu nhiệm thuộc đời sống nội tại của Thiên Chúa, vượt qúa mọi khả năng hiểu biết và suy luận của trí khôn hữu hạn con người.  Qua bao thời đại, trí khôn con người dựa vào mạc khải để tìm hiểu huyền nhiệm sâu thẳm này.

Thánh kinh có bàn nhiều về mầu nhiệm Ba Ngôi

  • Mạc khải Cựu ước chủ yếu là mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất nhưng cũng có mầm móng về mầu nhiệm Ba Ngôi. Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất của Cựu ước ( Đnl 6, 4-5).  Điều này cần thiết cho bối cảnh đa thần giáo ở Trung đông thời bấy giờ.
  • Mạc khải Tân ước dạy rõ ràng hơn về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ che chở bà, vì thế Hài Nhi bà sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.”  Những lời đó cho biết: Đấng Tối Cao là Chúa Cha cùng với Chúa Thánh Thần sẽ lo cho Hài Nhi sắp sinh ra là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.  Hình ảnh đặc trưng nhất là khi Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan.  Chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1, 32-34).  Tiếng Chúa Cha tuyên phán: Con là con Ta yêu dấu (Mt 1, 11).  Tiếng nói, chim câu, Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Ba Ngôi.  Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu hứa với các tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bào Chữa khác, đó là Thần Khí sự thật…”  Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban Đấng Bào Chữa là Thần Khí sự thật, nghĩa là Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.

Trong phúc âm Matthêu có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19).  Thánh Phaolô luôn cầu chúc: Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em.

Chỉ có một Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa có Ba Ngôi và là Ba Ngôi:  Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần.  Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.  Mỗi ngôi vị đều bằng nhau về về thần tính và ưu phẩm, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa.  Mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất.

Nói theo từ ngữ của Công đồng Vatican II:  Sáng kiến cứu độ là của Chúa Cha, Chúa Cha chia sẻ và bàn bạc sáng kiến ấy với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Việc thực hiện sáng kiến ấy giống như một bản trường ca gồm hai phần chính.  Đức Kitô thực hiện phần đầu.  Ngài nhập thể, mạc khải về Chúa Cha dâng lên Cha hy lễ thập giá để cứu độ.  Phần hai dựa vào công trình ấy mà nâng con người lên, đưa con người về cùng Cha, đó là phần vụ của Chúa Thánh Thần.

 

Thánh Ignatio Loyola trong một lần cầu nguyện, bỗng nhiên nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.  Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau hướng về nhau.  Ba Ngôi là một gia đình.  Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa.  Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau.  Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung, chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo.  Trung với Chúa, hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin.  Thực tại Ba ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.  Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói lòa rực rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quang Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần.  Giáo hội là dân tộc lữ hành, phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Đức Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần.  Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần.  Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x. GH 1; GLCG số 772).  Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội.  Giáo hội là công trình của Ba Ngôi.  Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

Nhìn lên cung thánh, ta thấy Thánh Giá, Nhà Tạm, Bàn Thờ.  Đó là trung tâm niềm tin của người Kitô hữu.  Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã tự hiến làm hy lễ dâng lên Chúa Cha.  Ngài tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trong tinh thần vâng phục và yêu mến đối với Cha, để thiết lập giao ước mới với Giáo hội trong máu của Ngài.  Ngài đã phục sinh về với Cha nhưng vẫn luôn ở lại với Giáo hội qua Bí Tích Thánh Thể mà Nhà Tạm là nơi Ngài hiện diện thường trực.  Bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô.  Khi linh mục cử hành thánh lễ là tưởng niệm hy lễ thập giá và cử hành mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.

Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống đó là tình yêu thần linh.  Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.  Với chúng ta sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô, Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua thánh thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6, 34).  Khi chia sẽ chén hiệp thông cuả Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một (Ga 17, 21).

Chúng ta đến Nhà thờ để tìm Chúa và gặp Chúa.  Nói theo kiểu nói của Đức Hồng y Henry de Lubac: Con người tìm Chúa là một người bơi lội giữa đại dương.  Mỗi lần tiến tới là đẩy lui một đợt sóng.  Bơi lội giữa đại dương làm cho con người khiếp đảm lo sợ không tới bến.  Nhưng Thiên Chúa vừa là bến bờ vừa là đại dương.  Ai bơi lội trong đại dương là bơi lội trong Thiên Chúa.  Hướng tới Chúa đã là ở trong Chúa, tìm Chúa gặp Chúa là hướng về Chúa.  Không có sự tìm kiếm nào mà không phải phấn đấu, không gặp mâu thuẫn đau khổ.  Nhưng chúng ta tin vào Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong Đức Kitô và lôi kéo chúng ta với sức mạnh Chúa Thánh Thần.

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong tình yêu.  Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác “Nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh thần.”  Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, hiệp thông chia sẽ trong cuộc sống hàng ngày của mình.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

LINH MỤC AUGUSTINO NGUYỄN VIẾT CHUNG THẦN TƯỢNG CỦA TÔI

Từ nhà thương đến nhà Chúa

Vốn là một bác sĩ ngoại đạo, cuộc đời thánh hiến đã đến với cha Augustinô Nguyễn Viết Chung, Tu hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn (CM) từ những dấu ấn khó phai.  Buổi thực hành mô phôi.

Vượt qua cung đường gió bụi, men theo con hẻm nhỏ lạo xạo sỏi đá, khúc khuỷu như thách thức người cầm lái, chúng tôi gặp cha nơi cộng đoàn heo hút giữa núi rừng thuộc xã Đăk Tân, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kontum.  Giọng chậm rãi, nhỏ đều, vị linh mục ngoài 60 kể về đời mình như chỉ mới ngày hôm qua.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn có sáu anh chị em ở Sài Gòn, tuổi thơ cậu bé Chung là những tháng ngày không êm ả vì ba mẹ hay cãi vã, hục hặc.  Ký ức ấy gieo vào tâm trí cậu nỗi ám ảnh, sợ hãi về nơi mà số đông người gọi là tổ ấm.  Năm 1973, khi đang học lớp 12, cậu tình cờ đọc được bài báo về sự ra đi của Đức cha Jean Cassaigne – Giám mục của những người bị bệnh phong.  Cuộc đời nhân đức, phục vụ quên mình của ngài chợt tác động mạnh mẽ lên tâm thức cậu học trò.  Cậu thấy trần gian vẫn còn bao điều tốt đẹp, ý nghĩa và đáng để sống thật trọn vẹn.  Một tia hy vọng, một niềm tin mới dần le lói sau những ngày dài bi quan, chán nản.  Nắng xuân đã về xua tan đông dài lạnh lẽo.
Ngày 4.11.1974, cậu đạt được ước mơ đỗ vào Trung tâm Giáo dục Y khoa Sài Gòn (nay là ĐH Y Dược TP.HCM) để sau này săn sóc bệnh nhân phong như thần tượng J. Cassaigne.  Kinh tế nhà eo hẹp, để có tiền trang trải học phí, chàng sinh viên nghèo đạp xích lô buổi tối kiếm thêm ít đồng.  Được một thời gian, không đủ sức khỏe, giờ giấc lại eo hẹp, cậu ngưng việc, tập trung đèn sách.  Bữa nọ, trước lúc tiến hành thực nghiệm mổ xác, giảng viên dạy môn Mô phôi (là một linh mục) yêu cầu học trò tham dự thánh lễ cầu nguyện cho người đã hiến xác tại nhà thờ Thánh Jeanne d’Arc (quận 5, TPHCM), cách trường 1 cây số.  Nét thánh thiện về đời tu và chuyên môn vượt trội của người thầy đã đặc biệt thu hút cậu.  Thế nên chiều cùng ngày, khi thầy đề nghị viết thông tin cá nhân gởi về, kèm câu hỏi phụ: “Sau khi tốt nghiệp, bạn muốn làm gì?” cậu Chung đã viết: “Con muốn trở thành linh mục giống thầy.”  Dù bấy giờ, cậu chưa là người Công giáo.

Năm 1980, sinh viên Nguyễn Viết Chung ra trường.  Đồng lương Nhà nước eo hẹp khi đất nước còn khó khăn, phải xoay sở bằng việc khác.  Rồi cậu nộp đơn gởi Sở Y tế TP trình bày mong muốn chăm lo người bị bệnh ở Di Linh 517nhưng bị từ chối vì không đúng tay nghề (cậu thuộc chuyên ngành Ký sinh trùng sốt rét).  Khoảng từ 1986 – 1989, bác sĩ Chung làm việc tại Trạm sốt rét Đồng Nai.  Cuối năm 1989, cậu xin vào Bệnh viện Da liễu TPHCM, có cơ hội trau dồi những kiến thức về bệnh phong.  Ba năm sau, bác sĩ Chung lên trại phong Bến Sắn (tỉnh Bình Dương) phục vụ.  Điều ấp ủ, trông đợi lâu nay cuối cùng cũng thành hiện thực.  Ngày qua ngày, chứng kiến sự tận tâm với người bệnh nơi những nữ tu thuộc Tu hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, ý định muốn dâng mình lại sáng lên trong lòng người thầy thuốc.

Nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ của các dì, ngày 15.5.1993, bác sĩ Chung được rửa tội.  Tiếp đến, “người tân tòng” bắt đầu tìm hiểu Tu hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn.  Cứ làm việc ba tuần, ghé Tu hội một tuần, trong vòng một năm.  Do lớn tuổi và đặc thù công việc nên mọi người cũng cảm thông trường hợp “hiếm, lạ” này.  Năm 2002, thầy hoàn tất chương trình Triết học và Thần học.  Tới lễ Truyền tin năm 2003, thầy Chung thụ phong linh mục tại Dòng Chúa Cứu Thế (quận 3 – TPHCM).  Điều kỳ diệu mà Thiên Chúa làm đã được tỏ bày qua hành trình ơn gọi đầy trúc trắc và không ít những bất ngờ thú vị ấy.

“Xin vâng”

Sau ngày chịu chức, cha giúp Mái ấm Mai Hòa chăm sóc người bị nhiễm HIV (huyện Củ Chi, TPHCM) và dạy học tại một số cộng đoàn của Tu hội.  Năm 2009, vâng lời Bề trên, cha bắt đầu gắn bó cùng bà con dân tộc thiểu số trên dải đất Kontum.  Môi trường sống mới, đối tượng tiếp xúc mới, song cha mau chóng thích nghi và hòa nhập.

Qua tìm hiểu, người mục tử nắm cụ thể những thiệt thòi, khổ cực mà bà con Thượng gánh chịu.  Đi tìm lời giải cho câu hỏi tại sao họ rơi vào cảnh ngộ đó, cha gút nhận ra các rào cản chính như bệnh tật, thất học, không có đất canh tác… “Nhiều nhà có nương rẫy nhưng do họ mù mờ nên bị người dưới xuôi lợi dụng, cho vay nặng lãi tới mức phải bán hết đất, hết vườn để trả nợ”, cha giải thích.  Thế là, cha hỗ trợ anh em mua miếng rẫy khác đặng có chỗ cắm cây mì, trồng cây bắp sinh sống.  Đi đôi với trồng trọt, cha gởi các hộ khó khăn trong thôn cặp bò giống và cùng họ chăn nuôi để chờ ngày có bê.  Một tuần đôi ba lần, cha chạy vào làng thăm chừng chuồng trại, thức ăn, con nào bệnh, con nào sắp đẻ hay có “ẻm” nào “bốc hơi” vì: “Người dân tộc mà, túng quá sẽ bán ngay để có tiền hay làm thịt cho cả nhà ăn chứ đâu suy tính chuyện dài lâu”, cha mỉm cười.

Mấy bận thăm hỏi bản làng, thấy túp lều nhà ai xuống cấp đáng thương, cha ngược xuôi giúp một tay để họ có được chốn tựa lưng đàng hoàng tử tế, để gió mùa đông thôi lùa vào thông thốc. Cái khổ nữa là người Thượng ít có nhà vệ sinh, hầu hết đều “giải quyết” tự do nên cha ra sức giúp bà con “cải thiện thực trạng” vì điều này ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe, môi trường.  Khi mảng dân sinh tạm ổn, cha lo đến y tế.  Hễ làng nào có người phong cùi, bóng dáng “áo chùng thâm” lại xuất hiện ngay bên: đưa họ ra cơ sở chữa trị, lo phí ăn uống, vận chuyển, ủi an…  Sau hết, cha dồn mọi trăn trở vào khoản giáo dục.  Bà con nếu muốn đổi đời, muốn con cháu bớt khổ cần mau mắn “đầu tư” cho chúng chữ nghĩa, tri thức.  Phụ huynh chưa nghĩ xa tới chuyện đó, cha nghĩ và phân tích thay họ.  Để gia đình yên tâm, bớt áp lực, cha đồng hành lo học phí, sách vở…  Dẫu cực mấy nhưng thấy “hoa trái” thu về, lòng lại an yên.

Có thể nói, những tên làng như Konscôi, Konken, Konselat (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) từ lâu thân thuộc với cha như hình với bóng.  Làng gần nhất cách nơi cha ở 7 km.  Đường đi mù bụi, lởm chởm mấp mô, quệt vội giọt mồ hôi rồi nổ máy, cha cứ thế dấn bước hết năm này tháng nọ.  Nhưng đâu chỉ có vậy.  Ở những thôn xa xôi tận huyện Đăk Hà, Đăk Tô hay Ngọc Hồi cũng in rõ dấu chân vị linh mục vùng cao.  Hôm nào khỏe, cha tranh thủ sáng đi chiều về, lúc mệt thì ngủ qua đêm do đường xấu lại xa.  “Thế mới thấy hết ý nghĩa đời tu.  Nghĩ tới hình ảnh mấy đứa bé chết vì suy dinh dưỡng, ngộ độc khoai mì (*) lòng lại ray rứt không yên nên làm được gì giúp họ cứ làm, kẻo muộn”, cha chia sẻ.

Xế trưa, một phụ nữ thuộc sắc tộc Rơ Ngao cầm nải chuối già từ xa lên biếu cha để cảm ơn vì căn nhà đã xây xong.  Tấm lòng của cha, sự đơn sơ nhưng chân tình của chị khiến chúng tôi chợt nghĩ, nếu ngày trước Đức cha Cassaigne từng hé mở một mùa xuân mới trong cuộc đời cha, thì nay cha đang mang mùa xuân ấm áp đó đến với muôn dân, trên vạn nẻo đường.

Phú Khang

(*): Bà con dân tộc thiểu số thường hái lá khoai mì nấu canh ăn bởi quá nghèo.

MATTHIAS VỊ TÔNG ĐỒ GIỜ THỨ 11

 

617Ngày Đức Yêsu chịu phép rửa ở Bêtania, Mathias đã có mặt.  Không ai chú ý đến ông.  Và dưới cặp mắt thế gian, hình như Đức Yêsu cũng không để ý đến ông.

Ông không có cái mạnh dạn của Yoan và Anrê để đi tìm Đức Yêsu mà hỏi chuyện.  Ông không được Người tìm đến trao đổi như với Philip.  Ông không được ai tiến cử như trường hợp Phêrô và Nathanael…

Nhưng, từ ngày Mathias nghe biết được về Chúa Yêsu, ông đã theo Người một cách âm thầm.

Các tông đồ đi đến đâu thì Mathias đi đến đấy.  Không đòi hỏi, không bon chen…

Ngày Đức Yêsu chọn 12 người thân tín, Mathias không được chọn nhưng không hề thất vọng, ông vẫn tiếp tục theo Người.

Khi nào có một đám đông đến nghe Người thì chắc chắn ông có mặt ở đó.  Nhưng khi Người chia sẻ tình Thầy trò thân mật thì Mathias không được phép dự.

Mathias không có mặt ở Tabor, Mathias không được nghe lời dạy dỗ trong buổi tiệc ly, Mathias không được chia sẻ giây phút máu lửa ở Yêtsêmani… Mathias là một tín hữu hạng nhì, tín hữu như hàng triệu tín hữu vô danh khác.  Suốt đời theo Chúa, nghe Lời Người giảng dạy mà chưa một lần được hưởng một dấu hiệu tình yêu nào.

Sẽ có bạn nhận định: “Biết đâu Đức Yêsu cũng có tỏ cho Mathias nhiều tình cảm đặc biệt mà Kinh Thánh không nhắc đến.  Vả lại, dù ông không được trọng vọng thì duy một việc gặp gỡ được Đức Kitô và theo Người, nghe Người nói cũng đủ làm cho cuộc đời ông có ý nghĩa rồi…”

Nhận định đó quả là hợp lý, nhưng dù sao thì dưới cái nhìn của thế gian, và có thể, theo đánh giá của bạn và tôi, cuộc sống của Mathias thật là đáng thương hại…

Trong 3 năm trời đằng đẳng, ông kiên trì theo Chúa mà không cầu xin một ân huệ nào cho chính mình.  Ông chỉ biết đi theo thế thôi, đi theo một cách kiên trì…

Ngày Chúa nói ra những điều nghe chói tai, bao nhiêu người đã bỏ đi, trừ các tông đồ, cố nhiên, vì họ là những người thân tín.  Ngoài ra còn một số rất ít vẫn trung thành đi theo, trong số ít ngưới đó có Mathias.

Gia đình Mathias chắc hẳn đã hơn một lần phê bình trách cứ ông, cho ông là tào lao.  Ông không cãi lại, cũng không lý luận, ông chỉ tiếp tục cuộc hành trình tưởng như vô vọng của mình.

Bạn bè Mathias có lẽ đã có lần nhạo cười ông, cho ông là thiếu thực tế, không biết hưởng tuổi thanh xuân, mù quáng mà đeo theo một người hoàn toàn chẳng màng đến mình, lại không biết đi về đâu nữa chứ…  Ông không biện minh một lời, ông chỉ tin tưởng tiếp tục chí hướng theo Chúa…

Niềm tin của Mathias quả là sắt thép.  Trong số những người thường xuyên theo Chúa, có lẽ Mathias là người ít được chứng kiến phép lạ nhất.  Chúa chỉ làm phép lạ trước mặt các tông đồ mà thôi.  Ngay cả lần Chúa làm phép lạ bánh hóa nhiều, Mathias có mặt ở đó nhưng chắc gì ông đã ngờ đó là phép lạ.  Ông chỉ biết các tông đồ phân phát bánh cho hàng mấy ngàn người ăn, còn bánh ấy lấy ở đâu ra thì làm sao ông biết được.  Mathias vẫn theo Chúa, âm thầm tin tưởng nhưng không hề có một chứng cứ nào để biện minh cho niềm tin của mình.

Ngày Chúa chết đi, một số người như ông đã thất vọng rời Yêrusalem để trở về quê, những môn đệ về Emmau chẳng hạn.  Ngay trong nhóm 12, cũng có người muốn bỏ cuộc, như Tôma, ông bỏ không đến họp.  Nhưng Mathias thì vẫn kiên trì ở lại.

Khi Chúa đã thăng thiên, có một nhóm người rất ít tề tựu lại, khoảng 120 người, thì ông vẫn còn đó.  Thế rồi Phêrô tuyên bố: “Chúng tôi cần tìm một người đã cùng đi với chúng tôi suốt cả thời gian Chúa Yêsu ra vào giữa chúng tôi, khởi từ lúc Yoan Tẩy giả, cho đến ngày Đức Yêsu siêu thăng… người đó sẽ thay thế Yuđa Iscariốt…” (Cv 1).

Lúc đó, mọi người nhìn quanh, người ta chú ý ngay đến một người quan trọng: ông Yuse.  Ông này khá nổi tiếng, có biệt danh là Yustô (người công chính).  Người ta gọi ông là Barsaba, (con của Sabba), người ta biết gốc gác lý lịch của ông rất rõ.

Và vì phải công bình, cộng đoàn cũng nhắc đến tên một người khác, người này tên là Mathias. Thế thôi, chấm hết.  Không ai biết thêm chút gì về ông.  Ông chỉ là một người lu mờ.  Duy chỉ có một điều đáng lưu ý: Mathias đã kiên trì đi theo Chúa tự ban đầu…

Và rồi, giữa hai người, Thiên Chúa đã chọn người mang tên Mathias tầm thường đó.

(Mathias gì?  Tục danh?  Biệt hiệu?  Con ai?  Thân thế sự nghiệp?  Quả là không ai để ý, không ai ngờ!)  Thế mà ông đã được chọn.

Thiên Chúa đã chọn, thì người ta liệt Mathias vào hàng ngũ các tông đồ (Cv 1, 26)…

Thế là kể từ đây, Mathias sẽ được nhắc đến, mọi người sẽ chú ý đến ông, ông sẽ nổi danh.

Có thế chứ!  Một đời âm thầm theo Chúa rồi, đã đến lúc Thiên Chúa công bình trả công, trao cho ông hào quang chứ…

Xin lỗi! Sự thật lại không phải như thế.  Mathias chỉ nổi bật lên có chừng ấy thôi, rồi lại tiếp tục đi vào quên lãng.  Suốt cuốn tông đồ công vụ, Luca sẽ nhắc rất nhiều về Phaolô, đến Yoan, đến Phêrô.  Luca dành hẳn hai chương cho tá viên Stêphanô, một chương cho tá viên Philip.  Còn Mathias?  Không có lấy một chữ.  Mathias chỉ có một nhiệm vụ quan trọng, một chức năng: điền vào chỗ trống của Yuđa để đủ con số 12.  Quan trọng là số 12 chứ không phải người được điền khuyết.

Ngày Chúa còn ở thế gian, còn thân mật, còn an ủi chuyện trò thì Yuđa lãnh nhận hết tất cả…  Giờ đây, cần một người “làm chứng tá cho sự sống lại của Người” nghĩa là cần một người để bị xỉ vả, bị hạch xách, bị đánh đập, bị tù đày vì Đức Yêsu, thì Mathias thế vào chỗ Yuđa.  Mathias có lẽ là vị tông đồ bạc bẽo nhất, một người âm thầm, gần như là vô tích sự… Và Thiên Chúa đã chọn Mathias.  Sự lựa chọn của Thiên Chúa quả là một mầu nhiệm.

Tại sao ba năm rao giảng, Chúa Yêsu làm như không thấy Mathias, không chú ý đến Mathias, không chuẩn bị cho Mathias, không tạo niềm tin cho Mathias… để rồi khi đã siêu thăng, Chúa lại chọn Mathias?  Tại sao lại chọn đúng vào Mathias tầm thường này?  Tại sao lại không phải là Yuse Yustô Barsaba?  Tại sao lại chọn Abel, Yacob, Yuse chứ không phải là những ông anh cả Cain, Esau, Ruben?

Tại sao lại chọn Đavit “liễu yếu đào tơ” chứ không phải là Eliab, Abinadab, Samma, những người anh phương phi chững chạc?

Phải chăng vì… “Chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan.  Và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ.  Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt ra không những điều hiện có…” (1 Cr 1, 27-28).

Dù sao đi nữa thì việc Chúa chọn Mathias cũng là một niềm an ủi và là một sứ điệp cho mỗi chúng ta.  Khi bắt đầu rao giảng, Chúa chọn 12 tông đồ và người đầu tiên là Anrê chứ không phải Phêrô.  Khi Hội Thánh bắt đầu hoạt động thì người đầu tiên Người chọn là Mathias chứ không phải là Phaolô.   Phaolô là người mở mang Nước Trời bằng những lời rao giảng, bằng những cuộc hành trình, bằng những chứng tích vang dội.  Còn Mathias chỉ có làm một điều là Sống Tin Mừng.  Mathias chỉ có một chứng tích độc nhất là Lòng Kiên Trung.  Mathias có một cuộc hành trình duy nhất là cuộc Hành Trình Theo Chúa Suốt Đời.  Mathias chỉ để lại vỏn vẹn một lời rao giảng hùng hồn đó là Cuộc Đời Tận Hiến của mình.

Chúng ta được yên ủi rất nhiều qua vị tông đồ “giờ thứ 11” là Mathias…  Ông xuất hiện khi mọi việc hầu như đã hoàn tất:  Chúa Yêsu đã nhập thể, đã chết, đã sống lại, và đã siêu thăng…

Trong chương 20, Matthêu đã kể lại dụ ngôn người chủ vườn nho.  Gia chủ từ tảng sáng đã mời những người thợ đến làm việc trong vườn nho của mình.  Giờ thứ 6 và giờ thứ 9, ông cũng làm như vậy.  Đến giờ thứ 11, ông vẫn ra mời những người thợ khác.  (Theo giờ hiện nay là 12g, 15g, và 17g).  Nhưng đến khi trả công thì người thợ vào làm giờ thứ 11 cũng được trả bằng giá với những người thợ vào làm từ tảng sáng…

Lúc hừng đông của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã chọn Abraham, Môsê, Isaia, Yêrêmia…  Khi mặt trời lên tột đỉnh – giờ thứ 6 – là lúc Đức Kitô nhập thể và giờ thứ 9 là giờ Người chết để cứu rỗi, Người đã chọn nhóm 12…  Khi mọi chuyện hầu như hoàn tất, giờ mà hình như không còn gì để làm nữa ngoại trừ tổng kết công việc thì Người đã chọn Mathias, người tông đồ giờ thứ 11.

Và Mathias được đặt đồng hàng với những người đi trước, không phải đồng hàng trong cái hư danh là tông đồ, nhưng là đồng hàng dưới đôi mắt nhân lành của Thiên Chúa.  Thế đó: “Những kẻ cuối hết sẽ lên đầu hết” (Mt 20, 16).

Chúa đã chọn Mathias và chúng ta được an ủi, vì vấn đề không phải là được chọn trước hay chọn sau, nhưng vấn đề là Mathias có chấp nhận tự ý chân thành đáp lời kêu gọi vào làm vườn nho của Chúa hay không?

Ngày nay, mỗi chúng ta đều được kêu gọi trở nên tông đồ, chúng ta cũng phải gắng bước theo chân người anh cả Mathias.  Những Phêrô, Phaolô, Anrê, đã chia tay trần thế, đã lìa đời khi thế kỷ thứ nhất chưa kết thúc, nhưng những Mathias thì sẽ sống mãi cho đến ngày Chúa trở lại.

Hai ngàn năm qua, những Mathias đã tủa đi khắp thế giới, trầm mình trong lòng của xã hội,

từ công sở đến trường học, từ chợ búa đến nhà tù.  Những Mathias khiêm nhường, không tăm tiếng,

lẫn lộn trong mọi lớp người như men ở trong bột, để từ đó, lớp bột người vươn dậy nhờ chất men của Đức Kitô… Và mỗi ngày, Mathias đã phải mục nát đi để cho ngọn lúa Đức Kitô đơm hoa kết hạt.

Trong đời sống Kitô hữu, biết bao lần chúng ta thấy mình như một chiếc bóng âm thầm, lặng lẽ bước đi mà không làm được gì cả.  Chúng ta lữ hành trong đêm đen, từ ngày này đến ngày khác, gần Chúa mà vẫn không cảm thấy sự dịu ngọt của Người.  Và phần nào như Mathias, chúng ta có cảm giác như Thiên Chúa không hề để ý đến chúng ta.  Chúng ta ước ao được lựa chọn, được sai đi một cách cụ thể rõ ràng.  Chúng ta còn mong muốn Chúa làm một phép lạ nào đó, bởi vì chúng ta khó chấp nhận cái phép lạ duy nhất là:

“Tin tưởng khi không còn dấu hiệu nào để tin tưởng.”  “Hy vọng khi không còn gì để hy vọng.”

“Yêu thương khi chính mình chưa cảm thấy được yêu thương…”

Mathias đã là một phép lạ như thế.  Và qua Mathias, chúng ta có một bằng chứng rằng mọi người đều được kêu gọi để trở nên đồng hàng với nhau trước mặt Thiên Chúa.  Vì Người không xét đoán theo tài năng và công trạng đóng góp của chúng ta, nhưng chỉ xét theo Tình Yêu của Người.  Điều duy nhất Người đòi hỏi chúng ta là bước vào vườn nho của Người.

Qua Mathias, chúng ta được an ủi, nhưng cùng một lúc, chúng ta cũng nhận được một sứ điệp.  Mathias không nhận lãnh nhiệm vụ trực tiếp từ Chúa Yêsu nhưng qua sự đề cử của cộng đoàn.  Mathias là chứng tích cho sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội Thánh của Người.  Mathias đã thay thế Yuđa, trong trường hợp mà chúng ta nghĩ rằng không thể nào có ai thay thế được, bởi lẽ Đức Kitô đã ra đi.  Những người có ác ý chờ đợi những ảnh hưởng của Yêsu sẽ mờ đi, người sẽ đi vào quên lãng như những kẻ đã dấy động trước Người.

“Thêuđa đã dấy lên, xưng mình là một nhân vật nào đó và kết nạp được khoảng 400 người. Ông ta đã bị giết và mọi kẻ theo ông cũng tan rã không còn gì hết.  Sau đó lại có Yuđa người Galilê nổi lên, nhưng ông này cũng chết và phe cánh bị tan tác…” (Cv 5, 36-37).

Thế nhưng, Yêsu Nazareth bị tử hình thập giá thì nhóm 12 vẫn có đủ.  Có một người thay thế Yuđa Iscariốt, đó là Mathias…  Và câu chuyện về Mathias vẫn còn tiếp diễn đến nay, thế kỷ XXI…

Trong tác phẩm: “Vinh danh và quyền lực” (The Power and the Glory), Graham Greene thuật lại về một ngôi làng bị bách đạo:

Mọi linh mục đều từ từ bị hành quyết, chỉ còn lại duy nhất một người.  Vị linh mục này đã nhiều lần định tìm cách bỏ xứ trốn đi.  Nhưng lần nào cũng vậy, ông lại phải quyết định ở lại vì có một ai đó cần đến ông…  Ông đã ở lại cho đến ngày bị phát giác và xử tử.  Thế là xong, trên vùng đất này từ nay sẽ không còn ai làm chứng cho Đức Kitô…  Thế nhưng, ngay vào đêm hôm vị linh mục cuối cùng bị xử tử, có một người thanh niên tìm đến gõ cửa một ngôi nhà trong làng.  Anh ta nói: “Xin cho tôi trú ngụ, tôi là linh mục…”

Cuốn sách kết thúc ở đó, nhưng suy tư của độc giả vẫn tiếp tục…

Một Mathias khác đã xuất hiện….

 

Trần Duy Nhiên

CHÚA THÁNH THẦN – QUÀ TẶNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 16).  Thật vậy, từ lòng dạ thương xót của Thiên Chúa, Người yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho nhân loại.  Đến lượt Đức Giêsu, qua việc nhập thể và nhập thế, cũng như những lời rao giảng và hành động của Ngài, Ngài đã mặc khải và diễn tả xuất sắc lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người.  Đường thương xót đó không dừng lại cũng như kết thúc qua việc Đức Giêsu về trời, mà còn tiếp diễn và tồn tại muôn đời.  Bởi lẽ, Đức Giêsu đã chuyển trao lòng thương xót ấy nơi Chúa Thánh Thần.

Vì thế, Chúa Thánh Thần chính là quà tặng của lòng thương xót mà Thiên Chúa trao ban cho con người.  Nên từ ngày Người hiện xuống, lòng thương xót của Thiên Chúa như dòng sông không ngừng chảy đến với mọi người qua các chứng nhân dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

1. Chúa Thánh Thần công khai hóa Giáo Hội bằng lòng xót thương

513Khi lần dở các trang Tin Mừng, chúng ta thấy trong suốt hành trình tại thế của Đức Giêsu, Ngài đã ấp ủ, cưu mang công cuộc thiết lập Giáo Hội qua việc dạy dỗ, hướng dẫn các Tông đồ cũng như dân chúng đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa để được cứu độ.  Tuy nhiên, con đường đó đã trở nên xa lạ đối với các ông và dân chúng khi họ không hiểu được tâm tư của Thầy Giêsu, bởi vì mục đích của họ không nằm trong chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa, mà luôn bám vào những suy tính của trần gian.

Nhưng, đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần chính thức công khai hóa Giáo Hội qua ơn ban bình an và lửa mến tràn ngập nơi tâm hồn các Tông đồ, qua đó, các ông đã được biến đổi từ một con người ích kỷ, vụ lợi, kiêu ngạo, sợ hãi, nhát đảm, ham sống sợ chết…, trở nên chứng nhân của lòng thương xót.

Điều này đã được các Tông đồ chứng minh bằng thái độ can đảm, hân hoan, sẵn sàng mở tung cánh cửa đã đóng kín, để ra đi loan báo về lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua Đấng chịu đóng đinh cho mọi người, bất chấp mọi khó nguy, liên lụy và ngay cả cái chết.

Khi nói về mục đích của cuộc đời, thánh Phaolô đã diễn tả: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3, 8); “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1, 21)”; nên “Không có gì tách chúng tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô”; và thánh Phêrô cũng biểu lộ tâm tình hân hoan khi: “Được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41).

Vì thế, các Tông đồ luôn coi việc loan báo Tin Mừng là một điều cấp thiết đến độ không thể không thi hành: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

2. Hoa trái lòng thương xót của Chúa Thánh Thần được triển nở trong đời sống Giáo Hội

Như vậy, kể từ ngày Giáo Hội công khai hóa, các Tông đồ đã cảm thấu và đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa thật dồi dào, nên tâm hồn các ông tràn đầy bình an và lửa sốt mến, khiến các ông đã không giữ lại cho riêng mình, nhưng đã chuyển trao cho mọi người, nhất là những người nghèo khó, bất hạnh, bị áp bức, bất công…

Cũng thế, trải qua dòng thời gian hơn 2000 năm qua, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hiện diện và hoạt động cũng như làm cho kho tàng lòng thương xót của Thiên Chúa luôn được tỏa sáng như ngọn hải đăng trên con thuyền của Giáo Hội.

Những dấu ấn ghi đậm sự can thiệp của Chúa Thánh Thần như: Giáo Hội luôn gặp nhiều giông tố, bão bùng, nguy khốn; biết bao kẻ đe dọa, chống phá và muốn hủy diệt Giáo Hội ngay trong trứng nước, từ thời sơ khai và cho đến tận hôm nay!  Nhưng Giáo Hội Chúa vẫn hiên ngang, đứng vững, lớn mạnh không ngừng và tồn tại muôn đời.

Sự can thiệp của Chúa Thánh Thần còn được thể hiện cụ thể qua việc biến đổi tâm hồn con người.  Vì thế, biết bao người nguội lạnh, khô khan, cố chấp… Nhưng qua một biến cố hay sự kiện nào đó, họ được khai trí mở lòng, nên đã ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhất là cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời, lập tức họ đã trở nên những người yêu mến Giáo Hội hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.

Hay có những người “dốt đặc cán mai”; “chân lấm tay bùn”; hoặc thuộc hạng “cùng đinh” trong xã hội, nhưng sau khi được Chúa Thánh Thần đổ đầy lòng xót thương trên cuộc đời họ, họ đã trở thành những người lỗi lạc, hàn lâm, uyên bác đến lạ thường khi nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em…!

Lại có những kẻ trước đây thuộc về thế giới ma quỷ.  Sẵn sàng làm đồ đệ cho chúng và ra tay tàn ác với anh chị em đồng loại, thậm chí ngược đãi, chống phá Giáo Hội… Nhưng sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hóa và xót thương, nay lại trở thành những chứng nhân Tin Mừng ngay giữa lòng xã hội…

Đây chính là hoa trái lòng thương xót của Chúa Thánh Thần.

3. Hãy làm cho hoa trái xót thương của Chúa Thánh Thần triển nở

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, mỗi người được đón nhận Chúa Thánh Thần cách dồi dào và phong phú.  Tuy nhiên, ơn thánh của Chúa Thánh Thần không chỉ dừng lại trên cá nhân, mà phải sinh hoa kết trái đến với người khác, để mọi người đều được chung chia niềm vui và hạnh phúc như chúng ta.

Vì thế, mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, mỗi người hãy suy nghĩ và tự cật vấn bản thân xem: Đã bao lần ta thờ ơ, khước từ ơn Chúa đến với mình; biết bao lần ta đã đóng chặt ơn Chúa cho riêng bản thân và đã vô cảm trước tiếng kêu gào thống thiết của người nghèo khổ, đói khát cơ bần nơi xó chợ, bãi rác, ngoài công viên, nơi bến xe, gầm cầu…?

Biết bao lần ta đã lựa chọn sự hời hợt, hình thức, tham lam, ích kỷ, vụ lợi, ghen tương, vu khống, kiêu ngạo, thù hận, thiếu niềm tin, lòng trông cậy và yêu mến Chúa trong đời sống đạo?  Biết bao lần ta đã phớt lờ tiếng nói của Lương Tâm, để lựa chọn những hành vi tội lỗi không phù hợp với bản chất Công Giáo và giá trị Tin Mừng?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần ban ơn bình an và lòng thương xót của Người cho chúng ta.  Khi có được sự an bình thư thái và ngụp lặn trong tình thương của Thiên Chúa, mỗi người sẽ làm cho hoa trái của Chúa Thánh Thần được triển nở trong tâm hồn và đời sống của chúng ta ngang qua những lựa chọn đầy chất Kitô của mình.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến để biến đối tâm hồn chúng con cho phù hợp với tư cách người môn đệ của Chúa trong lòng xã hội hôm nay.  Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

BÀ MẸ KHÓ TÍNH NHẤT THẾ GIỚI

Tôi có một bà mẹ khó tính nhất thế giới!  Trong lúc đám con nít những gia đình khác lấy kẹo bánh làm quà sáng thì tôi phải điểm tâm bằng một bát cơm rang đơn giản.  Đến trưa, đang khi chúng có thể được một tô phở thì tôi lại vẫn 509cứ cơm canh rau đậu như mọi ngày.  Và như các bạn cũng đoán được đấy, bữa tối của tôi cũng khác chúng nữa, phải ngồi ăn đàng hoàng tại bàn cơm gia đình, chứ không được vừa ăn vừa xem tivi!

Mẹ tôi lúc nào cũng khăng khăng muốn biết chúng tôi hiện đang ở đâu, cứ y như là chúng tôi đang bị tù giam hay quản thúc không bằng!  Mẹ tôi buộc phải cho bà biết bạn bè chúng tôi là những ai, chúng tôi sắp đi đến những đâu, để làm gì, chơi cái gì…  Bà cũng không quên ra lệnh giờ nào thì phải về lại nhà rồi!

Tôi lấy làm xấu hổ khi phải thú nhận điều này: Mẹ tôi thật sự dám liều lĩnh vi phạm cả đến bộ luật lao động dành cho thiếu nhi, bởi bà đã buộc chúng tôi phải làm việc: Chúng tôi phải rửa chén rửa bát, dọn chăn màn giường chiếu, và phải biết nấu nướng bếp núc nữa cơ chứ!  Tôi hình dung ra mẹ tôi phải thức thâu đêm để nghĩ ra đủ thứ chuyện để bắt con cái trong nhà phải làm.

Mặt khác, mẹ tôi hễ cứ bắt đầu nói là một mực bắt chúng tôi phải “nói sự thật, toàn bộ sự thật, và không gì khác hơn, ngoài sự thật!”  Nghe cứ như là đang tuyên thệ trước tòa án tối cao vậy.

Đến tuổi dậy thì, đời sống chúng tôi thật sự là chịu không nổi, muốn điên lên được vì ngượng. Này nhé, mẹ tôi dứt khoát không cho bất cứ anh bạn trai nào của chúng tôi đến nhà mà lại cứ đứng ngoài bóp còi xe inh ỏi, mà phải gõ cửa tử tế, chào hỏi thưa gửi với người lớn trong nhà cho đàng hoàng lễ phép.

Tôi còn quên chưa kể là, lũ bạn của chúng tôi đã được phép hẹn hò ngay từ hồi mới lơn lớn một tý, trong khi đối với con cái chúng tôi trong nhà thì dứt khoát không được như thế bao giờ!

Quả thật, mẹ tôi đã nuôi dưỡng cả đám chúng tôi theo lối nệ cổ, đâm ra không đứa nào trong chúng tôi bị bắt quả tang ăn cắp vặt trong cửa tiệm hàng hóa hay là chích choác xì-ke ma túy.  Và ai là người chúng tôi phải cám ơn về chuyện này.  Chắc chắn đó là bà mẹ khó tính của chúng tôi rồi, chứ còn ai vào đây nữa?

Thế rồi, đến khi bản thân tôi đã có gia đình, tôi cũng đã cố gắng nuôi dạy các con của tôi y như vậy, để chúng biết luôn đứng thẳng người và ngẩng cao đầu hơn trong cuộc sống.  Thú thật là mọi người đâu có biết lòng dạ tôi đau đớn như thế nào khi tôi nghe các con tôi cũng xầm xì than vãn với nhau rằng tôi khó tính, y như tôi đã từng kêu ca về mẹ của tôi!

Tôi xin cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một bà mẹ khó tính vào bậc nhất thế giới!  Hằng ngày, chúng ta vẫn thường nghe dư luận mọi người, kể cả các nhà giáo dục, các nhà xã hội học, các chính trị gia tỏ ra bức xúc về điều gì đất nước chúng ta đang thật sự cần thiết phải có đây?

Tôi xin long trọng phát biểu ngay: “Thưa tất cả quý vị, điều mà đất nước chúng ta hiện tại đang thật sự cần đến, đó là: Có được càng nhiều càng tốt, những bà mẹ khó tính nhất thế giới như bà mẹ của tôi!”

Theo một tài liệu giảng dạy của trường trung học St.  MICHAEL, North Melbourne, Úc.

Nguồn: Ephata