CÁC THÁNH THẤY TỘI NHƯ THẾ NÀO?

ZZ“Điều gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong sự tha thứ, đó là tương lai cánh chung – Ngài đã cho chúng ta chính Ngài.  Bởi thế, sự tha thứ có nghĩa là sự hiện diện của chính Thiên Chúa ngay trong hiện tại, món quà nhưng không vô tận ban tặng cho dân của Ngài, hoá mình để được chia sẻ tương quan mật thiết với con người.” — Nathan Mitchell

Tháng mười một là tháng Giáo Hội hoàn vũ dành riêng để kính các thánh trên Thiên Quốc, qua đó Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở chúng ta về gương sống đức tin của các ngài và món quà Đức Tin thiêng liêng mà mỗi người chúng ta được lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội.  Có lẽ chúng ta cũng nhận ra được rằng bên cạnh món quà Đức Tin, mỗi thánh có những đức hạnh đặc biệt để chúng ta noi theo; nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ về cuộc sống của các ngài, chúng sẽ thấy trong các thánh ai cũng có ơn để nhận ra con người tội lỗi của mình, và đón nhận nó trong ân sủng của Chúa.

Khi nói đến tội, có lẽ chúng ta cũng nhận thấy mỗi người chúng ta có cái nhìn khác nhau.  Có người thấy tội đi đôi với án phạt – là hậu quả của sự tội – và có người thấy tội đi đôi với lòng thương xót của Chúa.  Cả hai cách nhìn đều đúng và chúng cần phải đi đôi với nhau, như thế thì chúng ta mới thật sự có can đảm để nhìn nhận ra tội của mình và xin được chữa lành và ơn thống hối.  Đây cũng là cái nhìn mà Giáo Hội dạy cho chúng ta rõ ràng nhất trong đêm vọng Phục Sinh – điều mà chúng ta gọi là “tội hồng phúc” – khi chính nhờ vào sự sa ngã của Adong mà chúng ta được biết Chúa qua sự Nhập Thể của Con Một Thiên Chúa.

Có lẽ phần đông chúng ta khó nhận ra và đón nhận con người tội lỗi của mình, nhất là đối với người Á Đông chúng ta.  Nhận ra sự sai lầm của mình là một thách đố.  Thế nhưng nhờ vào sự nhận thức rằng con người ai cũng bất toàn, chúng ta biết đón nhận sự sai lầm của chính mình một cách dễ dàng hơn.  Có điều là lắm lúc, chúng ta có thể nói đến sự bất toàn của mình, nhưng khi chúng ta nói đến tội, chúng ta cảm thấy có một cái gì nặng nề và không muốn đối diện nó.  Thậm chí nhiều khi chúng ta cảm thấy không cần đến toà giải tội vì chúng ta thấy mình không có tội hay chẳng làm gì nên tội.  Tại sao vậy?  Có lẽ khi chúng ta nói đến sự bất toàn của mình, chúng ta biết mình cần sửa đổi và sự sửa đổi ấy đến từ chính mình – mình tự làm chủ lấy sự sửa đổi đó.  Nhưng khi nói đến tội, có lẽ chúng ta biết nó có liên quan đến Chúa và chúng ta sợ, vì chúng ta biết khi đón nhận con người yếu đuối của mình, chúng ta cũng phải đón nhận sự Phục Sinh mà Thiên Chúa hứa ban – chúng ta phải đón nhận Thiên Chúa vào cuộc sống của mình.  Chúng ta không tự mình sửa đổi nhưng chính Chúa là người sửa đổi chúng ta, cách nào và lúc nào, như Ngài mong muốn.  Thật ra, sự tha thứ và chữa lành thật sự chỉ có thể đến khi ta đón nhận tình yêu của Chúa, thấy và đón nhận tội lỗi của mình, và biết rằng chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới có thể hoán cải và rửa sạch con người của chúng ta.  Đó là thái độ của kẻ có tội được Chúa yêu thương.

Thông thường chúng ta hay nói đến chúng ta cần tình thương và lòng thương xót của Chúa, nhưng thực sự chúng ta có cần đến Chúa không?  Chúng ta đều biết rằng chúng ta cần đến tình thương của Chúa, cũng như chúng ta, không kể tuổi tác, đều cần đến tình thương của cha mẹ mình, và chúng ta sẽ rất đau lòng nếu cha mẹ không thương mình.  Nhưng có mấy ai trong chúng ta cần đến cha mẹ mình khi ta đã lớn lên và thành công?  Chúng ta chỉ cần tình yêu, chứ chẳng cần sự chỉ bảo của cha mẹ, và chỉ làm những gì theo ý định và nhu cầu của mình.  Lối suy nghĩ này có thể dùng để so sánh mối tương quan giữa ta và Chúa.  Khi chúng ta không nhận ra tội lỗi của mình và chấp nhận rằng chỉ có trong Chúa mà tội lỗi của ta mới được tẩy sạch và chữa lành, chúng ta sẽ chỉ cần tình yêu Thiên Chúa chứ không cần Ngài.  Chúng ta vẫn làm chủ cuộc sống và Chúa như vẫn tiếp tục làm theo kế hoạch và chương trình đã được đặt sẵn của chúng ta.

Chúng ta nên học hỏi lấy sự khôn ngoan của các thánh, đó là nhận ra và đón nhận con người tội lỗi của mình trong tình yêu của Chúa.  Các thánh là những người thấy mình là người tội lỗi và họ đã bám vào Ngài – một sự phụ thuộc hoàn toàn.  Họ không những cần tình yêu và lòng thương xót của Chúa, mà các ngài còn biết họ còn cần đến Chúa.  Các thánh biết rằng chỉ có Chúa mới có thể thay đổi và dẫn họ đến tương lai đã được dành sẵn đó là luôn được ở trong tình thương của Chúa ở đời này và đời sau.

Ước gì chúng ta biết đón nhận con người yếu hèn của mình mà trông cậy vào lòng thương xót của Chúa, xin Ngài ơn hoán cải và rửa sạch con người của mình như Ngài mong muốn.  Xin Chúa dạy cho chúng ta biết chúng ta luôn cần đến Ngài hầu chúng ta biết bám vào Ngài như các thánh xưa, để chúng ta cùng hưởng những gì các ngài đã được hưởng khi còn sống.  Amen.

Củ Khoai

QUẢNG ĐẠI VÀ TỰ DO

Người nghèo thường quảng đại và sẵn sàng quên mình để giúp đỡ người khác.  Họ tự do với bạc tiền danh lợi, nên có thể tin vào con người và sẵn sàng yêu thương phục vụ hơn.

Hãy coi chừng

Chúa Yêsu nói với mọi người: “hãy coi chừng” những ông kinh sư, họ thích mặc áo thụng xúng xính khác người, thích được chào hỏi, thích ngồi chỗ nhất, nhưng lại “nuốt” hết tài sản của các bà góa, lại còn giả bộ đọc kinh lâu giờ.

Không phải chỉ những ông kinh sư thời Đức Yêsu thích rồi làm như vậy, mà con người ngày nay cũng vậy nữa: Cũng tham của người, ham danh hám lợi, và hay giả bộ “đạo đức”.  Nếu đạo đức thật, mà người ta thấy thì cũng tốt vì làm gương sáng; còn nếu không đạo đức mà lại làm như thể đạo đức, là giả hình.  Hãy coi chừng.

Nếu ai thích khen, người đó có thể bị điều khiển bằng lời khen; nếu ai tham của, người đó có thể bị mua chuộc bằng tiền của.  Người đó đang bị nô lệ, bị sai khiến bởi tiền bạc danh vọng chức quyền.  Người đó tưởng họ đang tự do, nhưng thực sự họ đang nô lệ và bị điều khiển mà họ không biết.  Hãy coi chừng.

Nếu bạn không nô lệ những điều đó, thì hạnh phúc biết bao!

ZZNgười nghèo quảng đại

Tiên tri Elia trên đường lánh nạn đã được Chúa truyền đến sống nhờ một bà goá nghèo.  Cũng có thể nói bà goá nghèo và con bà sống nhờ tiên tri, vì chính nhờ tiên tri mà hũ bột không cạn và hũ dầu không vơi.   Đúng hơn Thiên Chúa thương cả tiên tri lẫn bà goá nghèo nên đã nuôi sống tất cả.

Bà goá chỉ còn một nhúm bột và một chút dầu, lượm củi làm cái bánh cuối cùng để “ăn rồi chết”, thế mà bà vẫn tin lời tiên tri, làm cho ông một cái bánh trước khi làm cho con bà và chính bà.  Cách hành xử của bà goá này rất đẹp.  Tôi có đơn sơ tin người và sẵn sàng giúp người như bà goá nghèo này không?  Thiên Chúa quá tuyệt.

Bà goá trong Tin Mừng được Đức Yêsu khen là quảng đại, dám dâng cúng tất cả những gì mình có.  Có người nói rằng: “vì bà goá chỉ có mấy xu nên dễ dàng để dâng cúng tất cả, còn nếu bà goá này thật giầu thì chắc bà chẳng dám bỏ tất cả đâu”!  Cũng có thể như vậy, nhưng “những người quảng đại” thường nghèo; có lẽ họ “hay cho” nên mới không giầu.  Bà goá đó không giầu được vì bà luôn cho tất cả, dù khi bà có hai xu hay có nhiều hơn hai xu, có lẽ chưa khi nào bà giữ cho mình được mười đồng vì bà vẫn cho những gì bà có.  Thiên Chúa cũng cho con người tất cả, ngay cả điều qúy nhất là Chúa Con và Thánh Thần.

Những người “ham tiền” thường ky cóp và không bỏ ra ngay cả một xu!

Người nghèo dễ tự do để chọn theo Thiên Chúa hơn

Có mấy người hiểu được hạnh phúc của người nghèo?  Có mấy người hiểu được người nghèo tự do đến mức nào?  Trong cuộc sống, bao nhiêu quyết định bị chi phối bởi sợ người này hay không dám làm mất lòng người kia, sợ người khác hiểu lầm mình, sợ người khác không còn đánh giá mình cao nữa, sợ người khác biết sự thật về mình.  Vì sợ nên không được tự do.

Xin Chúa cho con nghèo, để con không còn gì để phải sợ, để con chỉ còn biết sống theo Chúa theo sự thật, để chỉ bị tình yêu thương chi phối mà thôi.

LM Giuse Phạm Thanh Liêm

ĐỜI NGƯỜI CHIẾC LÁ

Những ngày cuối tháng 10, Đất Thánh các Giáo xứ đông người đi tảo mộ.  Bên người thân yêu đang an nghỉ, con cháu, thân nhân thành kính đốt nến thắp nhang, hiệp thông cầu nguyện.

ZZMỗi chiều, tôi ra Đất Thánh của Giáo xứ cùng mọi người dọn dẹp cỏ rác, phát quang bụi rậm, sữa sang lễ đài, chuẩn bị cho ngày lễ các đẳng linh hồn.

Nhìn những chiếc lá vàng rơi rụng khắp Nghĩa Trang, tôi nghĩ về mùa thu, nghĩ về đời người và chiếc lá.

Nhớ bài thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư:

Em nghe không mùa thu.
Lá thu rơi xào xạc.
Con nai vàng ngơ ngác.
Đạp trên lá vàng khô.
(Tiếng thu)

Màu vàng của lá, màu úa của cỏ, nắng nhạt gió chiều là hình ảnh đặc trưng của mùa thu.  Mùa “chịu tang” của những chiếc lá vàng.  Ngồi nhìn lá rơi, mỗi chiếc lá chọn cho mình một cách “chia tay.”  Có những chiếc lá ra đi trong sự quằn quại khổ đau, dùng dằng bịn rịn như thể không muốn lìa cành; có những chiếc lá “hấp hối” loạng choạng buông mình cách nặng nề nghiêng ngả trên mặt đất.  Lại có những chiếc lá ra đi cách nhẹ nhàng trong dáng điệu thướt tha buông mình theo gió.  Những chiếc lá khác không bàng hoàng hối hả mà chậm rãi, thanh thản, an nhiên rơi mình trên thảm cỏ xanh như thể một bông hoa say trong giấc ngủ yên lành.  Một đời lá mong manh, chóng tàn phai rụng xuống.  Mới đó, lá còn xanh tươi, mà nay đã úa vàng lìa cành.

Đời người có khác chi một chiếc lá cuối thu.  Có những người ra đi trong bấn loạn, hối tiếc, khổ đau, nặng nhọc.  Lại có người ra đi về với cội nguồn một cách thanh thản nhẹ nhàng thanh thản.  “Lá rụng về cội.”  Lá rơi bên gốc cây.  Lá chờ đợi một quá trình sinh học để trở thành dinh dưỡng nuôi cây.  Lá góp thân xác tàn úa để trả ơn cho cây.  Đời lá ngắn ngủi mà đầy ý nghĩa nhân sinh.

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ lời Thánh Kinh: “Có thời sinh ra, có thời chết đi” (Gv 3,2).  Mỗi loài thụ tạo đều có thời hạn của nó.  Đời người như chiếc lá mỏng manh, ngắn ngủi.  Chỗ dựa trần gian chẳng an toàn vững chắc. Tiền bạc vật chất, bằng cấp, kiến thức, chức quyền đều chóng tàn phai.  Sức khoẻ, sắc đẹp hao mòn rồi rệu rã theo tuổi đời năm tháng.

Nhìn lá vàng rơi, ta nhận ra sự thật cay đắng nhất của đời người là sự chết.  Nó chẳng từ ai, chẳng thương tiếc ai.  Nó đến bất ngờ làm ta bang hoàng.  Phải bỏ lại tất cả mọi thứ ta gắn bó và gom góp suốt đời để ra đi với hai bàn tay trắng.  Cái chết của mỗi người là một chuyến đi cuối cùng.  Một chuyến đi quyết định và quan trọng.  Một chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.  Một chuyến đi một vài tuần về thăm quê nhà, một chuyến đi nghỉ hè đôi ba ngày… tôi đã phải sắp xếp chuẩn bị nhiều ngày, có khi nhiều tuần ….  Nhưng tôi đã chuẩn bị được những gì cho chuyến đi cuối cùng và thật quan trọng của cuộc đời tôi?  Tôi có nỗ lực để xắp xếp chuẩn bị cho chuyến đi vĩnh viễn và không bao giờ trở lại này không?

Nhìn lá vàng rơi, ta nhớ lời Thánh Vịnh: “Đời sống con người giống như cây cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích” (Tv 102,15-16).  Dù văn minh đến dâu, con người vẫn không thắng nổi cái chết bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật.  Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu… ai ai rồi cũng phải chết.  Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng.  Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái chết.  Suy tư về cái chết là suy tư về sự sống.  Chết là một phần của sự sống bởi lẽ trong sự sống đã có sự chết.  Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng.  Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết.  Đó là định luật chung của con người.  Không ai có thể sống mãi mà không chết.  Các vua chúa ngày xưa đã cố công đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng chết.  Để sống cách trọn vẹn, phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết.  Đời người ngắn ngủi như chiếc lá như lời Thánh Vịnh:

Đời con là một kiếp phù du,
Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi.
Sống làm người ai không phải chết,
Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?
(Tv 88,48-49)

Con người không có quyền gì trên sự chết và sự sống.  Sống và chết là kỳ công và đều bởi Thiên Chúa.  Sự sống là mong manh, thế mà Thiên Chúa lại phải đánh đổi bằng máu của các tiên tri, bằng mạng sống của Con yêu dấu là Chúa Giêsu.

Nhìn lá vàng rơi ta nghĩ về cuộc đời lữ thứ.  Xin đừng mưu mô tính toán mà làm gì.  Xin đừng chia rẽ và thù ghét làm chi.  Cuộc đời này thật ngắn, tiền bạc trên thế gian này nhiều lắm, bàn tay ta có tham mấy cũng chẳng vơ vét hết được.  Rồi đến lúc bàn tay xuôi xuống, lạnh cóng, cô đơn, chẳng nắm giữ được gì.

Để có được sự ra đi trong thảnh thơi nhẹ nhàng và đong đầy niềm tin hy vọng ngày mai tươi sáng, ta hãy định nghĩa cuộc đời mình bằng sự “hiện hữu”, đừng bao giờ là sự “sở hữu”.  Ta hãy chọn phương châm “sống với” chứ đừng “sống vì”.  Thấu cảm được ý nghĩa về cuộc đời thì ta mới nhẹ nhàng, thanh thản ra đi mà không vướng bận, không ưu phiền.  Như ai đó đã từng nói: “Ngày ta sinh ra đời, mọi người cười ta khóc.  Hãy sống như thế nào để khi ra đi mọi người khóc ta cười”.

LM Giuse Nguyễn Hữu An