MÙA VỌNG: MÙA TRÔNG ĐỢI TRỜI MỚI ĐẤT MỚI…

“Ta sẽ tạo dựng một Trời Mới Đất Mới; những gì đã qua sẽ không còn được nhớ đến nữa, sẽ không còn ở trong tâm trí ai nữa…  Trời Mới Đất Mới được tạo dựng sẽ tồn tại trước nhan Ta như thế nào, dòng dõi các con và tên các con cũng sẽ tồn tại như vậy” (Isaia 65, 17; 66, 22).

“Bây giờ tôi thấy một Trời Mới và Đất Mới; vì trời cũ và đất cũ đã qua đi…  Sẽ không còn sự chết nữa; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa; vì những điều cũ đã qua đi” (Khải Huyền 21, 1-4).

“Ngày của Chúa đến như kẻ trộm.  Ngày đó các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị tiêu hủy… Nhưng theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta đang mong đợi một Trời Mới Đất Mới, nơi công lý ngự trị.  Trong khi mong chờ ngày đó, anh em hãy cố gắng hết sức để sống làm sao cho tinh tuyền, không vết nhơ tội lỗi và an bình trước mặt Chúa! (II Phêrô 3-9).

Chúng ta bắt đầu Năm Mới theo Lịch Phụng Vụ Giáo Hội từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng.  Mùa Vọng, ngày xưa thường gọi là “Mùa Áp” (theo tiếng Latinh là Adventus, ra tiếng Anh ZZlà Advent; từ động từ Advenire, có nghĩa là “đến gần”).  Trong lịch Phụng Vụ của Giáo Hội Việt Nam bây giờ gọi là “Mùa Vọng”, với ý nghĩa là Mùa “trông đợi”, “mong chờ”.

Vậy chúng ta trông đợi, mong chờ điều gì?

Thực tế, Mùa Vọng là mùa để chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng trong niềm mong chờ mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.  Tuy nhiên, phụng vụ Mùa Vọng cũng nói với chúng ta, qua các Bài Đọc Sách Thánh trong các Thánh Lễ, hãy chuẩn bị tâm hồn trong sự chờ đợi Chúa đến viếng thăm mỗi người chúng ta vào lúc chúng ta “qua khỏi đời nầy (qua đời) và đó là lúc “chúng ta không ngờ.”  Như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Vọng (Năm B), Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào” (Matcô 13, 33).  Và trong Bài Đọc II (Côrintô 1, 3-9), Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra…” và mong rằng “chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến…”

Xa hơn nữa, Phụng vụ Mùa Vọng cũng chuẩn bị tâm hồn chúng ta để đón chờ ngày “cuối cùng của thế giới nầy, ngày “tận thế!” ngày đó cũng là ngày “không ngờ”, ngày mà “các tầng trời rung chuyển”, ngày mà “Con Người sẽ ngự đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả!”  (Bài Phúc Âm, Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm C).  Tuy nhiên đối với những ai có lòng tin nơi Đấng Cứu Thế, và sống theo Phúc Âm của Ngài, thì ngày đó, không đáng kinh khiếp, nhưng lại là “Ngày Giải Thoát” để bước vào miền hạnh phúc viên mãn của cuộc sống “trường sinh, vinh hiển”, một “Trời Mới Đất Mới” (Xin xem Isaia 65, 17; 66, 22 và sách Khải Huyền 21, 1-4).

Mùa Vọng cũng là Mùa để chúng ta sống lại lịch sử ơn cứu độ, đặc biệt qua các Bài Đọc Cựu Ước, thường trích ra từ Sách Tiên Tri Isaia, một vị Tiên tri lớn trong Cựu ước, sống vào khoảng hậu bán thế kỷ VIII trước Chúa Giáng Sinh.  Tiên tri đã được linh ứng và tuyên sấm về ngày Đấng Cứu Thế đến, mặc thân xác loài người và sống giữa nhân loại như một con người để chia sẻ thân phận con người như chúng ta, rao giảng Tin Mừng tình thương và Ơn Cứu Độ, chịu bao khổ hình, và chết trên Thập Gíá để đền tội và cứu chuộc nhân loại tội lỗi; rồi Ngài đã sống lại và lên Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho mọi người tin theo và sống theo tinh thần Tin Mừng mà Ngài đã rao giảng.  Ngài được sinh ra từ lòng một Trinh Nữ và được gọi là Emmanuel, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”  Tiên tri Isaia đã loan báo trước: “Này một Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai….”  (Bài đọc I, Chúa Nhật IV Mùa Vọng, Năm A).

Tiên tri Asaia cũng nói đến Đấng Cứu thế như một “Hoàng Tử Hòa Bình” và triều đại của Ngài là một thời đại Thanh bình: “Người ta sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cầy, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm.   Nước này sẽ không còn tuốt gươm để chống nước kia” (Bài đọc I, Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm A).  Đó cũng là thời đại của tình yêu thương, hòa hợp: Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ sống chung với nhau; các trẻ thơ sẽ chăn dắt đoàn thú vật; bò con và gấu ăn chung một nơi…” (Bài Đọc I, Chúa Nhật II Mùa Vọng, Năm A).

Nhưng để có thể đi vào Thời đại của Đấng Cứu Thế trong một “Trời Mới Đất Mới”, mỗi người phải sửa đổi cuộc sống cho ngay thẳng, lương thiện, sống công chính và yêu thương.  Tiên tri Isaia đã hô hào: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng, hãy lấp các hố sâu và bạt mọi núi đồi.  Con đường cong queo, hãy sửa cho ngay thẳng, con đường gồ ghề, hãy san cho bằng; rồi vinh hiển của Chúa sẽ xuất hiện; mọi người sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa …” (Bài đọc I, Chúa Nhật II, Mùa Vọng).  Thánh Gioan Tiền Hô cũng nhắc lại lời này để kêu gọi mỗi người chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước Trời đã gần đến.  Chính Người là Đấng Tiên Tri Isaia đã loan báo: Có tiếng kêu trong hoang địa: hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng…” (Phúc Âm Chúa Nhật II, Mùa Vọng, Năm A, B, C).  Đó cũng là tinh thần chúng ta đọc thấy trong thư II Phêrô 3-9: “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em; vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mỗi người đi đến chỗ ăn năn hối cải…”

Vậy trong tinh thần “dọn đường Chúa đến…”, chúng ta hãy cầu nguyện chung cho nhau để mỗi người cùng biết nhìn nhận chính mình là con người yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội, sống khiêm tốn, hòa hợp yêu thương để Nước Bình An của Chúa có thể đến trong tâm hồn mỗi người, mỗi gia đình và lan tỏa ra trên tòan thế giới chúng ta.  Để đến ngày mừng Chúa Gíáng Sinh, chúng ta có thể cùng với các Thiên Thấn ca hát:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho loài người được Chúa Yêu thương” (Luca 2,
14).

LM Anphong Trần Đức Phương

SỐNG TỈNH THỨC 

Có ba xác chết đều có bộ mặt đang mỉm cười được đặt tại Trung tâm điều tra hình sự.  Ông quản lý đang trả lời nhà báo về nguyên nhân của những cái chết.

ZZ– Đây là ông A.  Ông ta chết ngay sau khi biết tin mình trúng xổ số 10 tờ độc đắc.

Ông ta bước đến xác thứ hai:

– Đây là Bo.  Ông ta chết khi nghe tin toà án cho ly dị vợ mà không phải chia gia sản được hưởng toàn bộ.

Đến cái xác thứ ba:

– Đây là Tom.  Ông ta chết vì bị sét đánh.

– Hai người trước thì có thể hiểu được nụ cười, còn ông này cười cái gì?

– Ồ, ông này say rượu, khi thấy tia sáng của sét đánh xuống mà ông ta cứ ngỡ mình đang được chụp hình nên vẫn cứ cười !

Chết có muôn ngàn kiểu.  Vui quá cũng chết.  Buồn quá cũng chết.  Không hẳn già mới chết mà có khi mới sinh cũng chết.  Không hẳn bệnh mới chết mà có khi đang khỏe mạnh cũng lăn ra chết.  Chết cũng không quy định nơi chốn.  Có người chết ở nhà và cũng có người chết đang đi đường . Có người đang nằm viện nhưng cũng có người đang trên công trường.  Nơi chốn và cách thức chết xem ra chẳng có một quy định nào dành cho con người.

Thế nhưng, có một điều chung cho con người là ai cũng phải chết.  Cái chết là quy luật tất yếu của đời người.  Sinh – lão – bệnh – tử.  Có người còn cho rằng con người sinh ra để tiến về cái chết. Mỗi một ngày sống là tiến về cái chết gần hơn.

Hôm nay, Chúa Giê-su còn nói đến ngày cánh chung của toàn thể nhân loại và vũ trụ.  Vũ trụ có khởi đầu thì cũng có ngày kết thúc.  Sự sống con người tồn tại trong vũ trụ cũng kết thúc cùng với ngày cánh chung của vũ trụ.  Ngày ấy sẽ đến với những dấu chỉ kinh thiên động địa.  Ngày ấy sẽ san bằng mọi công trình do con người làm ra.  Ngày ấy sẽ san bằng mọi giai cấp, chủng tộc.  Ngày ấy là sự kết thúc cuộc sống hữu hình để bước qua một trang sử mới trong sự sống siêu nhiên.  Con người sẽ bước qua một cuộc sống thần linh.  Sự sống của linh hồn bất diệt.  Sự sống đời đời ấy với hai thái cực. Một là sống lại để hưởng hạnh phúc đời đời bên Chúa.  Hai là sống lại để bị trầm luân hỏa ngục đời đời.

Song le, thưởng hay phạt đều tùy thuộc vào cách sống của chúng ta hôm nay.  Chúng ta biết đi con đường hẹp, con đường hy sinh từ bỏ những niềm vui bất chính, những thú vui tội lỗi để sống có trách nhiệm với bổn phận thì đời sau sẽ là thiên đàng, là hạnh phúc viên mãn.  Ngược lại, sẽ chịu hình phạt đời đời khi ta cố tình sống buông thả tội lỗi, sống thiếu trách nhiệm và gây đau khổ cho tha nhân.

Thế nên, hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức đừng để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời mà hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa.  Hãy sống công chính trước mặt Chúa.  Sống trong ơn nghĩa của Ngài.  Sống trung thành với giáo huấn của Ngài.  Sống tự chủ bản thân mình đừng chiều theo tính xác thịt mà làm trái với luân thường đạo lý.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức thân phận mỏng dòn của mình để trông cậy vào ơn Chúa. Xin cho chúng ta đừng bao giờ sa ngã trong những đam mê tội lỗi nhưng luôn sống trong ơn nghĩa Chúa. Amen

LM Jos Tạ Duy Tuyền

 

THỨC MÀ KHÔNG TỈNH – TỈNH MÀ KHÔNG THỨC

ZZ“Lạy Chúa, con nâng hồn lên tới Chúa.
Lạy Chúa, con nâng hồn lên tới Ngài”.

Các bạn trẻ thân mến,
Thánh Vịnh đáp ca của Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay là một lời cầu nguyện khẩn thiết, cũng là tâm tình đúng đắn để chúng ta đi vào Mùa Vọng, khởi đầu một năm phụng vụ mới.  Bởi lẽ, là những người đang sống trên đất, dường như chúng ta đang quá lo lắng những chuyện ngang đất.  Đi giữa ban ngày, nhưng lắm lúc chúng ta đang lần khần trong đêm tối; trừng trừng mắt mở, nhưng không ít lần chúng ta lại hoá đang ngủ mê.  Ấy thế, khởi đầu Mùa Vọng, Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta: “Hãy tỉnh thức, hãy cầu nguyện.”

Và thật ý nghĩa, theo Tin Mừng Luca, khi “Hãy tỉnh thức, hãy cầu nguyện” chính là câu nói cuối cùng trong Diễn Từ Chung Luận của Chúa Giêsu trước khi Ngài ra đi chịu chết.  Vậy thì tại sao “lời cuối cho nhau” lại là tỉnh thức và cầu nguyện mà không là một lời nào khác?

Phải chăng, bởi Chúa Giêsu biết có nhiều người thức mà không tỉnh; hay ngược lại, nhiều người tỉnh mà không thức?

Thức mà không tỉnh nghĩa là mê.  Ở đây không nói đến mê ngủ nhưng nói đến mê lầm, mê muội, mê đắm: Tức là mê danh, mê tiền, mê việc, mê đất, mê người… mê đến nỗi quên tất cả, quên cả Chúa, quên cả người, quên cả bà con ruột rà anh em và nhất là quên cả nhân cách, quên luôn cả linh hồn mình.  Thức mà không tỉnh là vậy!

Còn tỉnh mà không thức là thấy điều lành nhưng lại không ao ước, mà có ao ước cũng không dám thực hiện.  Vì lẽ, thực hiện thì phải cố gắng, cố gắng lại phải hy sinh, hy sinh hẳn phải bỏ mình.  Bởi thế, sẽ không ngạc nhiên khi có người định nghĩa: “Hoả ngục là nơi được lát bằng những thiện chí.”  Tỉnh mà không thức là thế!

Kho tàng ngụ ngôn Ấn Độ kể rằng:  Cụ già kia có cô cháu ngoại 12 tuổi với khuôn mặt thật xinh xắn, đôn hậu; nhưng rủi thay, cô bé bị mù từ thuở mới sinh.  Bởi thế, ngày ngày cô thầm khóc vì tủi thân và nét mặt bao giờ cũng trầm buồn.  Cho đến một hôm, cụ già gọi cô lại và bảo: “Cháu ơi, trên đời này người ta khổ vì mê, người ta bất hạnh vì lầm.  Vì mê, nên người ta so; vì lầm, nên người ta sánh.  Phần cháu, cháu không mê, cũng không lầm; cháu không so, cũng không sánh nên thật hạnh phúc.”

Cô bé xem ra không hiểu nên ngoại em nói tiếp: “Người ta so sánh cái này với cái kia, người này với người nọ.  Chính cái hơn thua làm cho người ta đau khổ, chính cái đua đòi làm cho người ta u mê, để rồi họ miên man chạy theo danh, hụt hơi tìm theo lợi, rong ruổi theo cái phù hoa, bất chấp phải xâu xé, không ngại phải dẫm đạp…  Thế mà đang khi đó, mấy ai nhớ rằng, tất cả mọi sự đang qua đi, tất cả mọi sự đang tan chảy; có cái tan nhanh như bọt nước, có cái tan chậm như địa cầu.  Mỗi người quên rằng, chính thân xác họ đang tan, cuộc đời họ cũng đang chảy.  Sống thêm một ngày là một ngày bước tới gần bên huyệt mộ của mình”.

Nghe xong lời giải thích, cô cháu lặng người, những giọt lệ từ đôi mắt mù loà lăn dài trên đôi má; nhưng cũng từ đó, khuôn mặt cô bắt đầu rạng rỡ.  Cô cảm nhận mình đang thật hạnh phúc.

Các bạn thân mến,

Khởi đầu Mùa Vọng, là những lữ khách trên chốn trần ai, chúng ta không được đề nghị hãy quên những chuyện dưới thấp để sống lỏng bỏng hỏng chân cho những chuyện trên trời, nhưng mỗi người đang được mời gọi hướng lên cao đang khi chu toàn những công việc dưới thấp, mỗi người được mời gọi làm những việc bình thường một cách phi thường, nghĩa là được mời gọi nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Mỗi người hãy ao ước thưa lên: “Lạy Chúa, con nâng hồn con lên tới Chúa, con nâng hồn con lên tới Ngài.”  Muốn được vậy, chớ gì chúng ta cũng biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn để không phải là người lừng khừng đi giữa ban ngày mà thực tế, đang lầm lũi trong đêm; để không là những người quá quen với bóng tối đến nỗi không biết ở bên kia vẫn còn sự hiện diện của ánh sáng.

Vậy mà, tự sức chúng ta, tỉnh thức và cầu nguyện lại không dễ chút nào.  Hãy đến với Chúa Giêsu mỗi ngày trong phép Thánh Thể, vì Thánh Thể không chỉ là của ăn linh hồn nhưng còn là mặt trời cho mỗi ngày sống của chúng ta.

Càng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta càng được mạnh sức; càng đến với Ngài, chúng ta càng được khôn ngoan, tỉnh táo.  Tâm có tỉnh, trí mới khôn; lòng có cầu, ý mới nguyện.  Tỉnh thức và cầu nguyện là vậy, là ước ao nên tốt hơn mỗi ngày, là biết sống như những người con sẵn sàng đứng thẳng và ngẩng đầu lên một khi ra trước mặt Chúa.

Mỗi người chúng ta có thể cầu nguyện: “Lạy Chúa, dù làm việc, dù học hành…, mỗi chúng con cũng đang bôn tẩu ngược xuôi giữa chợ đời.  Xin hãy dừng bước chân con, xin hãy dừng bước chân con… để con cũng có thể nâng hồn lên tới Chúa; cho tim con đang trĩu nặng được thư thái, cho trí xôn xao của con được lặng yên, cho thần kinh căng thẳng của con được dịu lại, cho gân cốt mệt nhoài được ngơi nghỉ.  Cho con thật tỉnh thức và chuyên chăm nguyện cầu.

Giữa bao công việc thường ngày, xin dạy con biết dừng lại năm mười phút, trầm sâu xuống lòng mình để nghe cho được tiếng Chúa, tiếng tha nhân và cả tiếng lòng con.

Xin cho con mỗi tuần, ít nữa ngày Chúa Nhật, biết dành thời giờ cho Chúa, cho linh hồn con nhiều hơn.  Từ đó, con có thể rút ra nguồn sáng mới, sức mạnh mới và lòng dũng cảm mới.  Và lạy Chúa, cho dẫu trời có sập xuống, đất có vỡ đôi khi mà mọi người phải hồn xiêu phách lạc, thì phần con, lạy Chúa, Chúa có thể gọi con bất cứ lúc nào vì con đang tỉnh thức và cầu nguyện để luôn sẵn sàng; sẵn sàng khi thức, sẵn sàng cả lúc ngủ, nhất là giấc ngủ không bao giờ chỗi dậy, giấc ngủ sau cùng, Amen”.

LM Minh Anh (Gp. Huế)

TẠ ƠN LÀ MỘT TÂM TÌNH

ZZMỗi mùa Lễ Tạ Ơn, Thanksgiving, người ta hay nhắc đến chuyện người phung cùi trở lại cám ơn Ðức Kitô trong Phúc Âm Luca.

Trên đường lên Jêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilêa.  Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phung cùi đón gặp Người.  Họ dừng lại đàng xa, và kêu lớn tiếng:  “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi.”  Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ:  “Hãy đi trình diện với các tư tế.”  Ðang khi đi thì họ được sạch.  Một người trong bọn họ thấy mình được khỏi liền quay trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.  Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Samari.  Ðức Giêsu mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc. 17: 11-19).

Tôi nghĩ câu chuyện tạ ơn của người phung cùi không dừng lại ở đây.  Không dừng lại ở lời tạ ơn Chúa mà thôi.  Nó gọi ta đến một đường cong sâu hơn và xa xôi hơn.  Tạ ơn là tâm tình đòi hỏi một tấm lòng.  Tâm tình này là bản phiên dịch của một nội tâm.  Chính bản phiên dịch nội tâm này nói trung thực cho ta biết mình là ai.

Tôi muốn nhìn vào nội tâm người phung cùi, để đi tìm chiều kích lời tạ ơn của anh ta với Ðức Kitô. Nó đến từ một đường cong sâu xa nào?

Bối cảnh văn hóa, tôn giáo, lịch sử.

Người Do Thái trong thời Chúa Giêsu không chấp nhận những người phung cùi sống trong làng.  Họ phải sống cô lập ngoài sa mạc, xa xôi ngoài cánh đồng.  Khi gặp Ðức Giêsu, họ cũng đứng “từ đàng xa” chứ không dám lại gần.  Họ bị coi là những kẻ tội lỗi, bị Thiên Chúa giáng án phạt.  Hiểu như thế mới thấy nỗi cô đơn của kẻ mang bệnh tật này.  Trong thời đại ấy, người Do Thái cũng không chấp nhận chung sống với người ngoại giáo.  Họ đối nghịch đến độ thù hận nhau.

Cộng đoàn những người cùi.

Theo mạch văn của đoạn Kinh Thánh, Chúa hỏi: “Còn chín người kia đâu.”  Như vậy chín người kia cộng với anh cùi đến tạ ơn Chúa, tất cả mười người.  Tại sao có mặt người cùi ngoại giáo trong cộng đoàn những người cùi Do Thái?  Tại sao những người cùi Do Thái lại để người cùi xứ Samaria theo mình nhập bọn?  Ðoạn Kinh Thánh trên tường thuật là “một người trong bọn họ.”  Cụm từ “một người trong bọn họ.”  Cho thấy chín người Do Thái Giáo và một người Samaria đã sống chung, đi chung một con đường, là một cộng đoàn.

Chuyện này dường như cũng không xa lạ giữa hoàn cảnh xã hội hôm nay.  Trong những hành trình gian khổ, dường như người ta vượt qua mọi biên giới để sống với nhau.  Có những tình nghĩa vợ chồng, khi nghèo khó, họ sống đời đùm bọc nhau.  Cùng nhau đẩy chiếc xe đạp chở ngô khoai.  Cùng nhau chèo một con đò, buôn thúng bán bưng nuôi con.  Rồi có thể họ mất nhau khi mỗi người có một địa vị, một công ty riêng.  Lúc lâm nạn, người ta vượt qua biên giới chủng tộc, tôn giáo, để cứu nhau. Rồi người ta xây nên những thành trì, những bức tường tôn giáo khi người ta có đền thờ riêng.

Tại sao trong cộng đoàn mười người cùi này lại có một người ngoại giáo.  Tại sao họ chung sống với nhau?

Khổ đau dường như có một giá trị rất sâu trong câu chuyện này.  Rất nhiều trường hợp, khi hết yếu đuối, hết nghèo khó, họ xa nhau.  Trên đường đi tạ ơn này, chín người kia đi về một phía, người Samaria đi về một phía.  Không còn một cộng đoàn những người cùi khác tôn giáo.

Với chín người cùi, họ có thể liên kết lại để cô lập người cùi Samaria.  Nhưng ở đây, họ chung sống, chấp nhận người cùi khác tôn giáo này.  Dường như trong cô đơn tận cùng vì bị xã hội chối bỏ, họ được đốt cháy hết những địa vị, tên gọi, và khi được bóc trần đến phẩm giá sau cùng, họ thấy họ giống nhau ở một tên gọi duy nhất là làm người.

Giá trị cùng đích sau hết vẫn là: Làm người.

Dường như tôn giáo cũng rất cần luôn luôn được thanh tẩy để khỏi bám bụi.  Những giá trị ngoài nhân đức như đền thờ, tổ chức, ảnh hưởng, rất có thể đưa con người xa cách nhau.

Mọi tôn giáo đều tìm cách dạy con người ý nghĩa của cô đơn, đau khổ.  Nhưng ý nghĩa đẹp nhất của đau khổ và cô đơn lại là vượt qua mọi tôn giáo để đùm bọc nhau cho con người bớt cô đơn và đỡ khổ đau.

Rồi tình yêu cũng thế.  Tình yêu cũng cần thanh tẩy.  Những giá trị ngoài nhân đức như nhan sắc, địa vị, vàng bạc, rất có thể sẽ đưa con người xa cách nhau.  Trong đời sống, ai cũng cần chịu ơn nhau.

Phải nghèo một chút để biết xin.

Phải yếu một chút để biết nương tựa.

Nhìn lại, người cùi xứ Samaria, trong “bọn họ”, anh ta là thiểu số, anh chỉ có một thân, một mình.

Tôi nghĩ anh ta trở lại tạ ơn Thiên Chúa vì đời anh quen tâm tình tạ ơn rồi.  Ngay những ngày sống chung với chín người kia, biết mình thiểu số mà được chấp nhận, anh ta đã sống lòng biết ơn đó.  Tạ ơn là một bản phiên dịch nội tâm của anh.

Câu chuyện cộng đoàn mười người cùi được chữa lành rất đẹp vì họ đã sống với nhau.  Nếu sau khi được chữa lành, tất cả đều trở lại tạ ơn Thiên Chúa thì câu chuyện kết thúc quá lý tưởng.  Tại sao chín người kia không trở lại?

Rất có thể chín người kia không quen tâm tình tạ ơn.  Rất có thể họ chấp nhận người cùi Samaria như là cho ơn hơn là lãnh nhận.

*********************

Tôi thụ phong linh mục năm 1989.  Cũng năm này tôi được gởi qua trại Palawan, Philippines giúp đồng bào tỵ nạn.  Những ngày đó, chúng tôi đã có những kỷ niệm đẹp, tôi đã viết bài “Palawan Mùa Phật Ðản”, năm 1992, đăng trong báo Ðường Sống.

Năm 1995 tôi rời trại tỵ nạn.  Tôi xa khúc đường trong trại, một bên có hương trầm nhà Chùa, một bên có tiếng chuông nhà Chúa.  Rồi một hôm, mười năm sau, kỷ niệm lại về như nghe tiếng mõ tụng kinh quen thuộc ngày nào đó, bên Chùa.  Ðó là vào ngày 28 tháng 12 năm 2004.  Sau lễ Giáng Sinh, tôi đang giúp tĩnh tâm cho cộng đoàn các Sơ Ðaminh Việt Nam ở Houston.  Tôi nhận được một lời nhắn trong chiếc phôn cầm tay:

Dạ, kính linh mục Nguyễn Trọng Tước.

Ðây tôi là Thích Thông Ðạt từ San Jose gọi chúc mừng trong mùa Giáng Sinh với New Year.  Chúc mừng linh mục dồi dào sức khỏe.  Happy Merry Christmas.  Happy New Year.  Dạ, kính linh mục.  Khi nhận được message xin cho gặp số phôn 408-926-1998.  Kính chúc mừng linh mục trong mùa Chúa Giáng Sinh cũng như đầu năm mới.

Kính linh mục.

Tôi hết sức ngạc nhiên.  Một Thầy bên Chùa đã mười năm xa cách.  Từ ngày Thầy rời trại tỵ nạn Palawan, bằng ấy năm không hề gặp lại nhau.  Mười năm không liên lạc.  Bỗng dưng Thầy tìm phôn gọi tôi, vì Thầy muốn chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Những kỷ niệm xa xưa.

Kính Thầy Thông Ðạt,

Những ngày ở trại tỵ nan, những ngày ấy chúng ta có nhiều kỷ niệm quá nhỉ.  Vào mùa Phật Ðản và Giáng Sinh, năm nào chúng ta cũng có những món nợ.  Chúng ta cho nhau mượn cái trống, mấy sợi giây đèn.  Các em Thiếu Nhi cho nhau mượn mấy mét vải, cái đầu lân để làm văn nghệ.  Chúng ta đã nợ nhau tình thương mến.

Thời gian đã xa xôi quá, như đang xóa nhòa dần đi.  Bỗng dưng mười năm sau, Thầy tìm điện thoại, gọi chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Mười năm là thời gian dài lắm đó Thầy ạ.  Thế là tôi lại “nợ” Thầy.

Thánh Phaolô đã căn dặn các tín hữu của ngài: “Các con hãy nợ nhau tình thương mến” (Rom. 13: 8).  Bây giờ chúng ta đã xa những ngày tỵ nạn cho nhau mượn cái bát, tô cơm.  Thầy Thông Ðạt có thể nay đã có chùa riêng, có đoàn Phật Tử đông đảo.  Chả ai phải mượn ai.  Chùa của Thầy chăng rợp hoa đèn ngày lễ.  Chả ai cần ai.  Thầy gọi điện không là để mượn gì cả, cũng chẳng hỏi tôi có mượn cái đầu múa lân không, chỉ để chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Thầy gọi điện vì nhớ về khung trời tỵ nạn có những kỷ niệm bên bờ đời sống.  Tình thương mến.

Có những cặp vợ chồng nay mỗi người là một giám đốc.  Chẳng ai phải nhờ ai.  Có những anh em, không ai phải cậy ai.  Xa những ngày nghèo túng rồi.  Không ai phải dựa ai.  Ðầy đủ.  Mà sao cứ như có nỗi vắng trong lòng.

Hay là người ta thiếu nhau món nợ tình thương mến?

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J. – Trích tập suy niệm Ðường Ði Một Mình

ANH EM LÀM CHỨNG CHO THẦY

ZZTrong số 117 vị Tử Đạo Việt Nam, được phong thánh năm 1988, có một phụ nữ duy nhất, mẹ của 6 người con.  Đó là bà Anê Lê Thị Thành, còn gọi là bà Đê.

Trước khi là một anh hùng tử đạo, bà đã là một người mẹ hiền gương mẫu. “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách dự thánh lễ và xưng tội rước lễ.”  Đó là lời khai của cô con gái út trước giáo quyền.

Nhà bà Đê là nơi các linh mục trú ẩn.  Buổi sáng lễ Phục Sinh năm 1861, quan Tổng Đốc Nam Định cho quân bao vây làng của bà.  Bà Đê bị bắt lúc đã 60 tuổi.  Bà bị đánh đập tra tấn, bị ép phải chối đạo, bị lôi qua Thánh Giá, bị bỏ rắn độc vào người.  Khi con gái đến thăm bà trong nhà giam, đau đớn vì thấy quần áo mẹ loang đầy vết máu, bà đã an ủi con với một niềm lạc quan lạ lùng: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”  Sau ba tháng chịu đủ mọi cực hình, người phụ nữ ấy đã hiến đời mình cho Chúa.

Cuộc đời của vị thánh nữ tiên khởi của Việt Nam là một sức nâng đỡ lớn cho chúng ta.  Thiên Chúa đã làm điều phi thường nơi một người phụ nữ già nua, yếu đuối.  Quan “Hùm Xám” tỉnh Nam Định cũng phải bó tay trước sự yếu đuối kiên vững của bà.

Khôn ngoan và đơn sơ, can đảm chịu đau khổ, bà thánh Đê đã phó mặc cho Chúa đời mình.  Bà chẳng lo phải nói gì, phải làm gì trước tòa án, vì sức mạnh của Thánh Thần ở với bà.

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống vì đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời.

Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng lại đòi hy sinh cả tương lai vững vàng ổn định.

Mỗi ngày, chúng ta thường bị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Đức Giêsu, y hệt như các vị tử đạo ngày xưa.

Có khi chúng ta đã bước qua thập giá, khi chọn mình, đã chối Chúa bằng chính cuộc sống.

Càng có tự do, ta lại càng dễ sa sút đức tin.  Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những thụ tạo gây ra những cuộc bách hại êm ả và khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện.

Ước gì chúng ta không để mất đức tin được mua bằng giá máu của bao vị tử đạo, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho hơn 70 triệu đồng bào trên quê hương.

***********************************

Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm.  Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt.  Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn.  Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ.  Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam.  Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

LM Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

CHÚA KITÔ VUA TÌNH YÊU

ZZGiáo hội Kitô giáo luôn luôn kết thúc năm phụng vụ với lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ.

Lễ Chúa Kitô Vua chỉ mới được thiết lập vào năm 1925 mà thôi.  Trong cuộc đời Chúa Giêsu, biến cố thể hiện vương quyền của Chúa Giêsu là biến cố Chúa lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha trong vinh quang. “Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Ta.”  Ðó là lời quả quyết của Chúa Kitô Phục Sinh trước khi sai các Tông Ðồ ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật.  Như vậy, ngày lễ Chúa Thăng Thiên có thể nói là ngày mừng kính vương quyền của Chúa Giêsu Kitô một cách phù hợp hơn cả.  Thế nhưng tại sao Giáo Hội lại mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ?

Năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Thiên Chúa và cuối cùng trở về với Ngài.   Thiên Chúa là khởi đầu và là cuối cùng của lịch sử.  Kết thúc năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc lại giây phút chấm dứt, giây phút vũ trụ đạt đến cùng đích tột cùng là Thiên Chúa, giây phút Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang.  Trong viễn cảnh này thật là điều thích hợp cho việc Giáo Hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ.  Ngài đã nhập thể làm người trong một lịch sử dân tộc cụ thể để thiết lập Nước Thiên Chúa trong lịch sử con người, và kể từ giây phút đó, Nước Thiên Chúa luôn luôn được phát triển, được lan rộng, cho đến mức thành toàn cuối cùng khi Chúa Giêsu Kitô ngự đến và đưa tất cả về cùng Thiên Chúa Cha.

Chúa Giêsu Kitô là Vua không những vì Ngài đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua Ðavid, mà hơn nữa vì Ngài là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Ngài mà được hiện hữu sinh động.  Nhưng trớ trêu thay, Chúa Giêsu Kitô không thiết lập vương quốc của Ngài như một vương quốc phàm trần và bằng những phương tiện phàm trần như chiến tranh, chiếm đoạt bằng sức mạnh bạo lực.  Không, nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu thiết lập một cách kỳ diệu bằng một hành động hy sinh cao cả trên thập giá, tột đỉnh của cuộc đời của Chúa trên trần gian để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Chúa Giêsu Kitô là vua khi Người bị treo lên thập giá.  Thiên Chúa đã dùng hành động bêu xấu của quan Philatô khi quan này cho khắc ghi trên thập giá Chúa dòng chữ: “Ðây là Vua dân Do Thái.”  Thiên Chúa đã muốn dùng hành động bêu xấu này như muốn nhắc nhở con người, để mạc khải cho con người một sự thật không thể chối bỏ được rằng: Chúa Giêsu Kitô là Vua.  Ngài trổi vượt lên trên mọi người không những vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người, mà vì Ngài đã thực hiện một hành động cao cả tuyệt vời: hy sinh mạng sống mình vì yêu thương con người để cứu rỗi con người.

Truyện cổ tích Ai-len có kể lại một nhà vua không có con nối dòng.  Muốn đi tìm hoàng tử để truyền ngôi lại cho, và chỉ có một điều kiện duy nhất mà vị hoàng tử phải có là chứng tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và đối với con người ở mức độ cao nhất.  Nhiều người đã đến trình diện với nhiều cách, nhiều bằng chứng về tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và đối với anh  chị em xung quanh, nhưng những bằng chứng đó không có sức thuyết phục nhà vua.  Cuối cùng, có một chàng thanh niên đến trình diện với một bộ đồ cũ rách.Chàng thanh niên này được nhận.  Chàng không cần phải dài dòng thuyết phục nhà vua vì chàng thanh niên này chính là người mà nhà vua đã gặp chiều hôm trước:

Số là vì nhà vua đã cải trang làm một người hành khất để thử lòng những vị hoàng tử tương lai của mình.  Nhiều chàng thanh niên đã đi qua, nhìn thấy người ăn xin rách rưới, và xa tránh, chỉ có người thanh niên này dám dừng lại, hy sinh luôn cả chiếc áo mới của mình và dám mặc lại chiếc áo cũ để vào trình diện nhà vua.  Tình yêu nằm trong con tim con người chứ không nằm trong chiếc áo bên ngoài.

************************

Quí vị và các bạn thân mến,

Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu của mình bằng cái chết trên thập giá.  Ngài đáng làm vua nêu gương cho chúng ta sống theo Ngài.  Phúc Âm (Lc 23,35-43) ghi lại cảnh Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá làm căn bản cho những suy niệm cho chúng ta trong ngày lễ Chúa Giêsu Kitô Vua.

Ðọc lại đoạn Tin Mừng trên, chúng ta có thể lưu ý rằng giữa bao người lăng mạ, nhạo báng Chúa và vương quyền của Ngài thì có một người nhìn nhận vương quyền của Chúa, và người đó lại chính là kẻ tội phạm cùng chịu đóng đinh với Chúa.  Anh ta đã khám phá ra tình thương bao la của Chúa: Một kẻ vô tội mà bị nguyền rủa nhưng lại tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình.  Anh ta đã khám phá nơi hành động của Chúa như một dấu chỉ mạc khải tình thương của Ngài, và từ đó nhìn Chúa là vua và bày tỏ ước muốn được sống trong Nước Tình Thương này.  “Lạy Chúa, khi nào về Nước Ngài, thì xin nhớ đến tôi cùng.”

Chúa Giêsu đã mạc khải vương quyền của Ngài bằng hành động cao cả nhất của tình thương là hy sinh chính mình.  Không ái có tình yêu thương hơn kẻ hiến mạng sống mình cho người mình thương và chỉ những ai khám phá ra tình thương của Chúa thì mới tin nhận Chúa làm vua và đáng bước vào trong Nước Chúa.

Xưa cũng như nay, luôn có những người không hiểu xuyên tạc, và cười nhạo vương quyền của Chúa Kitô: Nếu Chúa là vua tại sao không dùng quyền của mình để thoát chết, để trả thù, để thống trị, để hưởng lợi.  Nhưng trớ trêu thay, con người đã dùng thập giá để bêu xấu, để loại trừ Chúa Giêsu Kitô, nhưng lại chính đó là dấu chỉ Thiên Chúa dùng để thiết lập và mạc khải vương quyền của Chúa trên cả mọi sự.  Chúa Giêsu Kitô là vua, Ngài làm vua bằng tình yêu thương và để gieo rắc khắp nơi tình yêu thương đó.

************************

Lạy Chúa Kitô Vua, trước sự xấu xa và ngoan cố của con người.  Xin cho chúng con được can đảm bước vào trong nước yêu thương của Chúa bằng con đường thập giá mà Chúa đã đi qua.  Amen.

 Veritas

 

LẬN ĐẬN

Nhìn những dòng người tấp nập đến và đi trên con đường, tôi nghĩ về những cuộc đời lận đận, lao đao.  Bao giờ mới thực sự hết lận đận lao đao và tôi nghĩ về cuộc đời.

Tôi nhớ về lời của bài hát “tiến thoái lưỡng nan” của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận.  Ngày xưa lận đận không biết về đâu.”  Có những cuộc đời đến lúc ra đi vẫn còn lận đận, vẫn hoài lao đao.  Tôi nghĩ đến những phận người khốn khổ, không phải khốn khổ vì người khác mang đến mà tự thân mình mang vào những khốn khổ.  Khốn khổ lao đao khi không biết rằng mỗi người đều có một thời, không đón nhận thay đổi của thời gian.  Cái lận đận của một tuổi già, sức kém mà vẫn hoài mong một thời chiến tích lập lại, cái lận đận của những mưu tính ôm giữ địa vị, vị thế dù biết mình không thể.  Lận đận vì những lo sợ hão huyền, không còn người biết đến, không còn gì để nắm giữ…  Tôi nghĩ đến những lận đận, cái lận đận của những con người chỉ thích tiếng khen, lời dịu ngọt tâng bốc, những lời giả dối mà không sẵn sàng đón nhận thực tế, những lời chân thành.  Không biết về đâu nên đâu cũng là con đường giống nhau, không dẫn tới đích.  Con người lận đận, loanh quanh không lối thoát trong khổ đau của hành trình.  Những lận đận của những con người quên mất mình có một thời: “Về thu xếp lại, ngày trong nếp ngày” (lời “Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn).  Một thời của tuổi già tìm về yên tĩnh, rũ bỏ những âu lo, tìm về tháng ngày bình yên, đó chẳng là con đường tìm về, thu xếp lại những ngổn ngang cuộc đời trước khi về bên kia thế giới.

Tôi nghĩ đến bao tâm hồn hạnh phúc trước khi ra đi.

Tôi đã được phép giã từ.  Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em! Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường.  Này đây chìa khoá tôi gài lên cửa, và cả căn nhà cũng trao trọn anh em. Chỉ xin anh em lời tạ từ lần cuối thắm đượm tình thân.  Từ lâu rồi, sống bên nhau, chúng mình là láng giềng lối xóm; nhưng anh em đã cho tôi nhiều hơn tôi cho lại anh em.  Bây giờ ngày đã rạng, đèn trong xó tối nhà tôi đã tắt.  Lệnh triệu ban rồi, tôi đi đây” (93, Lời dâng, R. Tagore).

Này đây chìa khoá tôi gài lên cửa.”  Hay quá, con người cao thượng quá, trao lại cho người sau tất cả những gì cuộc đời mình đã gầy dựng được, chỉ xin giữ tình thân.  Cuộc đời không giữ gì cho mình lại là cuộc đời đầy tràn tất cả.  Cuộc đời nhìn nhận mình đón nhận tất cả hơn những gì mình kiến tạo, sao hạnh phúc quá. Tôi ước mơ tôi cũng hành động như thế trong mọi lúc trước khi ra đi, tôi ước mơ cái hạnh phúc thật đơn giản, thật sự quên mình trong thế giới bao la của tình người.

Con người rồi sẽ ra đi, rồi sẽ để lại tất cả những gì mình có, để lại ngôi nhà, của cải, vật chất mình đang nắm giữ…  Lận đận khi mình cố níu giữ, bám chặt dù không còn sức, lận đận khi vẫn còn tham vọng, đầy mưu tính.  Tôi ước mơ những cuộc đời lận đận, đừng làm khổ đời mình nữa, tôi ước mơ, con người sống đừng giả dối nhau, đưa nhau lên đài danh vọng rồi chôn vùi đời nhau trong lao đao.  Lận đận chạy chọt, tạo liên minh, gây chia rẽ, tìm chỗ bám víu, làm chi vậy, chỉ thêm khổ, mất thêm nhiều tình nghĩa, và lẻ loi trong hoạt động của phe nhóm.  Hãy nói cho nhau về sự thật cuộc đời, hãy để cho Lời Chúa được thực hiện trong cuộc sống: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20).  Tại sao lại bám víu để rồi lận đận.

ZZThanh thản, an nhiên ra đi như một người vừa làm xong công việc của mình, khiêm nhường đón nhận: “Tôi chỉ là đầy tớ vô duyên, tôi chỉ làm việc bổn phận của tôi” (Lc 17,10).  Diễm phúc cho mỗi cuộc đời khi nhận ra mình là tôi bộc cho hạnh phúc nhân loại, và sẵn sàng như một người đã hoàn thành sứ mạng của mình: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7)

Rũ bỏ lận đận để khỏi lao đao.  Tôi ước mong như bao tâm hồn mong ước: Ra đi trong niềm hân hoan vì cuộc đời này tôi đã sống qua bao hạnh phúc, qua bao đau thương vẫn thấy hạnh phúc.  Hạnh phúc của một con người vì thấy mình được yêu thương, hạnh phúc vì thấy mình đã nỗ lực dâng hiến cho con người được hạnh phúc.

LM Giuse Hoàng Kim Toàn

CON ĐƯỜNG HẠT LÚA

Khi đến Rôma, tôi thích đi viếng những hang toại đạo.  Hang toại đạo là hệ thống đường hầm đào sâu dưới lòng đất tại các khu nghĩa trang ngoại thành Rôma.  Những hang hầm dài nhiều cây số. Không phải chỉ một tầng mà đến 3, 4 tầng sâu dưới lòng đất.  Không khí trong hang thật lạnh lẽo.  Hơi lạnh từ lòng đất toát ra cộng với hơi lạnh từ những nấm mồ càng làm cho khu hầm mộ trở nên lạnh lẽo đáng sợ.  Người sống phải đấu tranh với cái chết.  Sự chết luôn đe doạ rình rập cướp lấy mạng sống con người.  Tại nơi đây, các tín hữu sơ khai đã ẩn trốn những cơn bách hại liên tiếp trong 3 thế kỷ.  Có lẽ thánh Phêrô và thánh Phaolô cũng đã từng đi lại sinh hoạt trong những hang này.  Người tín hữu sơ khai đã phải sống trong những điều kiện như thế để bảo vệ đức tin của mình.

Nhưng thật kỳ diệu. Các vua chúa của đế quốc Rôma hùng mạnh đã tìm cách tiêu diệt một nhóm người nghèo khổ yếu ớt không một tấc sắt tự vệ.  Không phải chỉ bắt bớ trong một chiến dịch ngắn hạn mà là một chủ trương kéo dài suốt 300 năm.  Vậy mà các vua chúa qua đi rồi, nhóm người nghèo khổ yếu ớt đó không những chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.  Đi dưới lòng hang toại đạo tôi mới thấm thía ý nghĩa của lời Chúa nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”  Hạt giống Giáo Hội đã bị chôn chặt dưới 3, 4 tầng đất.  Hạt giống đức tin đã bị vùi sâu đến 300 năm.  Tất cả các thánh Tông đồ, các tín hữu sơ khai đã bị mục nát.  Và các ngài đã làm trổ sinh cả một mùa gặt dồi dào phong phú.  Cả châu Âu đã tin theo Chúa.

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, ta cũng thấy có sự tương tự.  Khi đạo Chúa mới được truyền vào Việt Nam, lập tức bị các vua chúa phong kiến bắt bớ.  Cuộc bắt bớ kéo dài khoảng 300 năm. Đủ mọi hình thức để tiêu diệt đạo.  Nào là cấm cách bắt bớ.  Nào là đe dọa bạc đãi.  Nào là xua đuổi ra khỏi những vùng trù phú phồn vinh.  Nào là phân sáp, tức là tách ly cha mẹ, anh chị em trong một gia đình bắt đi sống riêng rẽ trong các gia đình ngoại đạo.  Nào là lấy thép nung đỏ khắc chữ “tả đạo” trên má ngưới có đạo.  Và nhất là lên án tử hình những người có đạo.  Người tín hữu trung thành với đức tin phải trốn chạy chết trên rừng thiêng nước độc.  Nếu bị bắt có thể bị chết trong tù.  Nếu không cũng bị xử án tử hình.  Có đấng bị chém đầu.  Có đấng bị trói chân tay vào ZZchân ngựa.  Bốn con ngựa kéo về bốn góc xé nát xác vị tử đạo.  Có đấng bị kết án cho voi dày.  Thê thảm nhất có lẽ là án bá đao.  Cứ sau một hồi chiêng trống, đao phủ xẻo một miếng thịt cho đến khi chết.

Dù các vua chúa đã dùng đủ mọi cách tiêu diệt nhóm người bé nhỏ yếu ớt trong 300 năm.  Trong 3 thế kỷ đó có khoảng 100 ngàn người chịu chết vì đạo.  Nhưng số người tin Chúa ngày càng gia tăng. Từ một nhóm nhỏ người bị bắt bớ, nay số tín hữu tại Việt Nam đã hơn 6 triệu người.  Hạt giống đức tin gieo trồng vào quê hương Việt Nam đã bị vùi sâu, đã bị mục nát, và nay đã trổ sinh một mùa gặt phong phú.  Một lần nữa chúng ta lại xác tín lời Chúa dạy: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”

Nhìn lại lịch sử, ta càng thêm tin tưởng vào Lời Chúa.  Nếu đang gặp khó khăn trong đời sống đạo, ta hãy an tâm.  Như Đức Giêsu đã chịu gian nan khốn khó, phải chịu bắt bớ, nhục mạ, phải chịu chết tủi hổ trên Thánh giá, các môn đệ con cái Chúa không thể đi con đường nào khác ngoài con đường Thánh giá.  Như các bậc tiền nhân xưa đã chịu vất vả khổ cực để xây dựng một Giáo Hội vững mạnh như ngày nay, ta tin tưởng những gian nan khốn khó của ta rồi cũng sẽ trôi qua.  Nếu ta biết chịu đựng những đau đớn, khó khăn, vất vả vì Chúa.  Nếu ta vẫn trung thành với Chúa, với đức tin qua mọi gian nan thử thách, chắc chắn Chúa sẽ ban cho ta một mùa gặt bội thu, kết quả phong phú ngoài sức tưởng tượng của ta.

Lạy Các Thánh Tử đạo Việt Nam, xin dạy con noi gương bắt chước các ngài, luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.  Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

PHÁN XÉT CHUNG

ZZBấy giờ Con Người sẽ ngự đến, đầy uy nghi và cao cả.  Đó là một vài nét chấm phá về ngày phán xét chung, ngày Chúa ngự đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, ngày linh hồn chúng ta sẽ lộ hết chân tướng.

 Đúng thế, vào ngày lễ Giáng sinh năm 1541, người ta mở tấm màn che phủ bức tranh khổng lồ của Michelangelo.  Bức tranh về ngày phán xét chung.  Nếu được nhìn ngắm, hẳn chúng ta sẽ rùng mình khiếp hãi.  Khuôn mặt của Chúa Giêsu không còn là khuôn mặt của vị mục tử nhân lành, nhưng là khuôn mặt của một vị quan tòa oai nghiêm.  Trong bức tranh, có đến hơn 300 hình ảnh: Nào là các thánh Tông đồ, nào là các thánh Tử đạo, nào các thánh Tiến sĩ, nào là các Đức Giáo hoàng, nào là những người giáo dân…  Theo tiếng kèn thiên sứ, những người chết chỗi dậy và ra khỏi mồ.  Cha mẹ âu yếm nhìn lại con cái của mình.  Bạn bè tay bắt mặt mừng.  Thế nhưng, trong ánh mắt của họ hiện rõ một sự lo âu sợ hại vì số phận đời đời sắp được ấn định.  Nhưng đó mới chỉ là một bức tranh do óc tưởng tượng của nhà nghệ sĩ.

Nếu những điều Chúa tiên báo về số phận bi thảm của Giêrusalem đã được thực hiện vào năm 70, khi tướng Titus đem quân vây hãm và tàn phá, đến nỗi không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào, thì những lời Chúa nói trước về ngày tận thế chắc chắn cũng sẽ xảy ra.  Thế nhưng, có những người đã tự lừa dối mình khi nói: Thiên Chúa nhân lành, Ngài không nỡ trừng phạt chúng ta trong lửa đời đời.  Họ đã lầm.  Đúng thế, lòng nhân lành của Thiên Chúa không phải là một cái gì nhu nhược và yếu đuối và bản thân Ngài cũng không phải là kẻ thiếu khả năng, không thực hiện được những ý định của mình.  Mặc dù là một người cha giàu lòng thương xót, nhưng Ngài vẫn là một vị thẩm phán công bằng, trừng trị những kẻ phản bội Ngài bằng án phạt hỏa ngục muôn kiếp.

Trong khi tạc một bức tượng, nhà nghệ sĩ thường dùng màn để che phủ, nhưng lúc đã tạc xong, ông ta sẽ vén bức màn đó lên để mọi người chiêm ngắm.  Trong ngày phán xét chung cũng vậy, bức màn che dấu cuộc đời chúng ta cũng sẽ được vén lên và lúc đó câu hỏi duy nhất được đặt ra cho mỗi người, đó là hình ảnh Thiên Chúa có rõ ràng và sáng chói trong tâm hồn chúng ta hay không?  Trong cuộc sống trần gian, chúng ta đã dùng áo quần và son phấn cũng như địa vị xã hội để che dấu con người thực sự và ngay cả những người bạn thân thiết nhất cũng không thể nào nhìn thấy khuôn mặt thật của chúng ta.  Nhưng khi giờ phán xét đến, tất cả bức màn ấy sẽ bị rơi xuống, để chúng ta hiện nguyên hình trước tôn nhan Thiên Chúa.  Mọi tư tưởng, mọi lời nói và mọi việc làm của chúng ta, dù thầm kín nhất cũng sẽ bị phơi bày dưới ánh sáng của Thiên Chúa.  Chúng ta không thể nào chạy tội hay chối cãi được nữa.  Đó là một giây phút quyết liệt, giây phút đứng trước tòa án tối cao của Thiên Chúa, Ngài sẽ không hỏi chúng ta đã sống được bao nhiêu năm, nhưng sẽ hỏi chúng ta đã sống như thế nào?

Lúc bấy giờ sứ thần Chúa sẽ mở cuốn sổ cuộc đời chúng ta.  Bao nhiêu ngày là bấy nhiêu trang. Đây là những ngày chúng ta còn thơ ấu với những trang được viết bằng nét chữ vàng ghi nhận những giờ kinh sốt sắng, những lần rước lễ thật trang nghiêm và những tâm tình sám hối ăn năm.  Sứ thần Chúa tiếp tục mở những trang kế tiếp.  Không một tư tưởng, không một lời nói cũng như không một việc làm nào bị quên sót.  Tất cả những việc tốt cũng như những việc xấu.

Nhưng rồi nét mặt của vị sứ thần Chúa bắt đầu buồn bã và chúng ta lo sợ.  Trên những trang giấy ấy, đã xuất hiện những vết đen đầu tiên, đó là những lầm lỗi của chúng ta.  Tiếp đến là một trang đen kín, đó là tội trọng đầu tiên chúng ta đã vấp phạm.  Rồi lại đến những trang đen kín khác và ngay cả trang cuối cùng cũng đen kín.  Sứ thần Chúa bỏ đi, nước mắt chan hòa và ma quỷ tiến đến.  Nó thưa lên cùng Chúa: Lạy Chúa, là vị thẩm phán công minh.  Chính Chúa đã xuống thế làm người vì kẻ tội lỗi này.  Chính Chúa đã chịu lạnh rét nơi hang đá Bêlem cũng vì kẻ tội lỗi này.  Chính Chúa đã sống nghèo hèn suốt 30 năm cũng vì kẻ tội lỗi này.  Chính Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá cũng vì kẻ tội lỗi này.  Thếnhưng, kẻ tội lỗi này vẫn ngoan cố, không chịu phụng sự làm tôi Chúa, nhưng đã chạy theo tội lỗi.  Vậy xin Chúa phán quyết xem: Hắn thuộc về Chúa hay là thuộc về tôi?

Bởi đó, hãy thuộc về Chúa trong giây phút hiện tại, để rồi chúng ta sẽ thuộc về Chúa mãi mãi trong cuộc sống vĩnh cửu, và chúng ta sẽ không còn lo sợ khi Chúa đển để xét xử chúng ta.

Sưu tầm

*************************************************

Kính lạy Người lần cuối – Lời Dâng 103

Kính lạy Người lần cuối,
Xin cho giác quan tôi trải rộng,
Tiếp xúc thế giới dưới chân Người.
Xin cho tâm trí tôi.
Như đám mây thu là là mọng nước,
Cúi khom trước cửa nhà Người.
Kính lạy Người lần cuối.
Xin cho âm điệu tôi hát rải rác nhiều lần
Tụ lại thành bài ca duy nhất,
Rồi tuôn chảy vào đại dương lặng trầm

Kính lạy Người lần cuối,
Ôi Thượng Đế!
Kính lạy Người lần cuối,
Như đàn hạc hoài hương,
Ngày đêm hối hả bay về tổ ấm trên núi cao,
Xin cho đời tôi phiêu du
Tới Quê Hương vĩnh cửu ngàn thu.

Rabindranath Tagore

TÔI SẼ XÂY DỰNG LẠI

Hôm nay chúng ta mừng lễ cung hiến thánh đường Latêranô.  Ðây là vương cung thánh đường cổ kính nhất của Hội Thánh, là nhà thờ chính toà của Ðức Thánh Cha, giám mục Rôma, là Mẹ của mọi nhà thờ trên thế giới.  Cung hiến thánh đường là ZZdâng cho Chúa một ngôi nhà để dành riêng cho việc phụng tự.
Khi được cung hiến để trở thành nhà của Thiên Chúa, thánh đường cũng trở nên nhà của các tín hữu.  Nơi Thiên Chúa hiện diện và thi ân cũng là nơi con người họp nhau để tôn thờ, cảm tạ.  Dù nguy nga hay nhỏ bé, cổ kính hay hiện đại, mọi nhà thờ đều là nơi Thiên Chúa hẹn gặp con người.

“Hãy phá hủy Ðền thờ này đi,
nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.”

Ðức Giêsu không có ý nói đến đền thờ Giêrusalem. Ngài muốn nói đến chính thân thể Ngài, thân thể bị phá hủy và được xây dựng lại, thân thể bị giết chết và được phục sinh. Ðức Giêsu phục sinh trở nên Ðền Thờ của Giao Ước mới.  Ai ai cũng được mời gọi bước vào Ðền Thờ này.  Chỉ nơi đây, con người mới gặp được Thiên Chúa.

Hội Thánh cũng được ví như một Ðền Thờ thiêng liêng, mỗi tín hữu là một viên đá sống động (x. 1Pr 2, 4-8), và Ðức Kitô là viên đá góc, là nền (x. 1Cr 3, 11).  Thánh Phaolô không ngần ngại khẳng định
“Ðền thờ của Thiên Chúa chính là anh em” (1Cr 3,17).  Hơn thế nữa, ngài còn nói: “Thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần” (1Cr 6,19).  Như thế cả Hội Thánh và từng Kitô hữu đều là Ðền Thờ.
Ðền Thờ chủ yếu lại không phải là những toà nhà có thể bị thời gian bào mòn, bị chiến tranh phá hủy.
Ðền thờ là những con người sống động. Ðền thờ quan trọng nhất là con người Ðức Giêsu phục sinh, một con người đầy tràn sức sống của Thánh Thần.  Mọi Ðền thờ đều phải qui về Ðền thờ đó.  Không gắn bó với Ðấng phục sinh và Thánh Thần của Ngài, chẳng Ðền thờ nào là Ðền thờ thực sự.

Khi thấy nhà Cha trở thành nơi buôn bán, Ðức Giêsu đã nổi giận, vì nhiệt tâm đối với Cha.  Chúng ta thường thiếu một chút giận dữ hồn nhiên như vậy, vì chúng ta yêu quá ít và sợ quá nhiều.  Chúng ta dửng dưng với những gì liên hệ đến Thiên Chúa.  Có nhiều nhà thờ, đền thờ cần tu bổ.  Nhà thờ đầu tiên là con người tôi.  Xin Ðức Giêsu cứ thanh tẩy chúng ta bằng Thánh Thần, cứ tiếp tục lật đổ và trục xuất những gì ô uế.  Ước gì chúng ta cung hiến lại bản thân mình cho Chúa để Hội Thánh thật sự là Ðền thờ,  nhờ đó cả thế giới cũng trở thành Ðền thờ của Chúa.

*************************************

Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

LM Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.