LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

ZZBiến cố ngày 11.9 tại Hoa Kỳ đã làm chúng ta bàng hoàng.  Mỗi lần nhắc lại hoặc thấy những hình ảnh đó, chúng ta không khỏi buồn sầu, lo lắng, tức giận.  Có thể mỗi người nhìn biến cố đó với một góc độ khác nhau.  Nhưng có một góc độ có lẽ ít người nghĩ đến, và đó là vấn đề mà chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ.

Trên thế giới từ xưa tới nay, không phải chỉ có biến cố ngày 11.9, mà còn vô vàn biến cố khác, chẳng hạn sự kiện hai quả bom nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945.  Có một câu hỏi được đặt ra: Thế thì số phận của những người đã chết trong các biến cố đó ra sao?

Ngày nay người ta chỉ nói đến sự trả thù, phải trả thù cho những người chết oan, trả thù cho những người đau khổ.  Công lý thế gian, công lý của con người thực hiện ra sao chúng ta không biết, nhưng về mặt đức tin, chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào?  Phải dựa vào Lời Chúa, vì chính Chúa muốn chúng ta hãy dùng Lời của Ngài để an ủi nhau, cách riêng trong những biến cố thảm thương như vậy.

Bài đọc I của ngày lễ hôm nay, cách nào đó, khiến chúng ta phải suy nghĩ.  Nhiều người chết rất bi thương, cái chết không xứng hợp chút nào với đời sống của họ, người ta chỉ còn biết thương tiếc và nghĩ rằng như thế là chấm dứt một cuộc đời, chấm dứt cách buồn thảm, tràn đầy thất vọng.  Thế nhưng Lời chúa lại nói với chúng ta: Những người công chính khi chết đi, họ sẽ được đưa vào trong vinh quang của Thiên Chúa, nếu cái chết của họ hay sự đau khổ của họ xảy đến cũng giống như vàng phải được trui luyện trong lửa, để chắt ra chất vàng tinh ròng và loại bỏ những thứ cặn bã.

Con người mà Thiên Chúa đã tạo dựng, yêu thương và cứu chuộc, chính là vàng.  (Nếu chúng ta có thì giờ để hiểu rằng, trên Thiên Quốc có biết bao nhiêu người công chính, bao nhiêu con người đã được Thiên Chúa rước và cho vào trong vinh quang của Ngài.  Đó chỉ mới nói về những con người được tạo dựng ở trần thế.  Còn thế giới của thiên thần, thế giới thần linh, tất cả đều ở trong vinh quang đó).  Có thể nào chúng ta vào Nước Trời với một tấm áo đầy bụi bặm, nhơ bẩn.  Phải được tinh luyện, sự tinh luyện đó không phải bởi sức lực của chúng ta, nếu bởi chúng ta chắc chúng ta sẽ thất vọng vì thấy rõ sự yếu đuối của mình, thì đây, thánh Luca nói trong bài Phúc Âm của ngài: Khi suy niệm về sự chết, khi cầu nguyện cho những người đã chết, bao giờ chúng ta cũng phải đặt trên nền tảng Đức Kitô Tử Nạn-Phục Sinh, không đặt trên nền tảng và không đi từ chân lý đó thì không có một thắc mắc hay một vấn nạn nào được giải quyết, được soi sáng.

Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, cao điểm được thể hiện trên núi Canvariô (dù rằng chưa Phục Sinh), Chúa đã biểu lộ vinh quang của Ngài như lời thánh Gioan: Chính khi Ngài được treo dựng lên nơi cao, vinh quang chói ngời của Ngài sẽ tỏa ra.  Vậy thánh Luca cho chúng ta thấy: một thế giới sa đọa tội lỗi, (và thế giới đó) đã nhạo cười, đã đóng đinh Chúa Giêsu và đưa Ngài đến cái chết thảm thê trên thập giá.  Trong thế giới đó, còn có những con người thiện tâm, có những con người sẵn sàng hoán cải, dù rằng trước mắt thế gian con người đó xứng đáng với cái chết (vì cũng đã bị treo trên thập giá). Nhưng Chúa Giêsu nói: Quả thật, ngày hôm nay ngươi sẽ được vào trong Nước Thiên Đàng.

Nhưng nếu chỉ thấy Ngài chịu chết thì làm sao chúng ta được sống lại?  Cái chết của Ngài đem đến những gì cho chúng ta?  Vì nếu Ngài chết mà Ngài không sống lại thì cái chết của Ngài cũng vô ích, tình thương của Ngài cũng vô ích!

Chúa Giêsu chết và Ngài đã Phục Sinh.  Chính Ngài là đầu mối của tất cả mọi việc, chính nơi Ngài mà chúng ta (những người cách này hay cách khác đã tin vào Ngài) tìm được niềm tin và hy vọng.  Nhưng không chỉ những người được Rửa Tội mới gọi là tin vào Ngài.  Có những người rất thành tâm, thiện chí, nhưng vì một hoàn cảnh nào đó, họ vẫn cố gắng sống theo lương tâm, Ngài vẫn đón nhận trong tình yêu và trong Ơn Cứu Chuộc của Ngài.

Chúng ta cám ơn người trộm “lành”, vì nhờ có anh, như một dấu chứng nếu chúng ta tin vào Ngài “Lạy Thầy, khi vào Nước Thiên Đàng xin nhớ đến con.”  Anh ấy biết gì về Chúa Giêsu?  Biết gì về Mầu Nhiệm Nhập Thể?  Biết gì về Mầu Nhiệm Cứu Chuộc?  Biết gì về Mầu Nhiệm sống lại?  Nhưng anh đại diện cho một số đông trên trần thế này, một cách nào đó vẫn hướng về một sự linh thiêng, hướng về một Đấng Tối Cao, muốn làm những việc tốt lành.  Những người đó sẽ được Máu của Chúa đổ ra để thanh tẩy tội lỗi và cho vào Nước Trời.   6000 người chết trong một khoảnh khắc, chắc chắn có một số đông được tình yêu và Máu Chúa đổ ra để xóa tội lỗi và cứu chuộc họ.  Tại sao chúng ta cứ muốn ấn định cho Thiên Chúa những người được vào Nước Trời, mà không đặt niềm tin của chúng ta nơi lượng khoan hồng từ bi và nơi công lao của Ngài?  Vì Ngài đã hạ mình chịu chết trên thập giá, nên Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài và đặt mọi loài dưới quyền của Ngài, trong cái chết và sự Phục Sinh của Ngài, Ngài xin với Chúa Cha là hãy tha thứ, hãy cứu độ, hãy chuộc lại hết những tâm hồn (lúc này hay lúc khác), đã có sự tin tưởng vào Ngài.  Từ đó chúng ta thấy rằng sẽ không bao giờ tìm được sự công bằng nơi trần thế này, sự công bằng và yêu thương chỉ tìm thấy nơi một mình Chúa mà thôi.

Nếu có được niềm tin đó, cuộc đời trở nên sáng tỏ hơn.  Đứng trước các biến cố, chúng ta đỡ buồn phiền thất vọng, chúng ta thấy cuộc đời vẫn đáng sống và những đau khổ xảy đến triền miên vẫn có ý nghĩa, vẫn có giá trị, vì chúng ta được tham dự vào Mầu Nhiệm Tử Nạn của Đức Kitô để được sống lại với Ngài.

Vậy trong tháng các linh hồn, với niềm tin đó chúng ta sẽ thấy được những điều gì?

  1. Những linh hồn trong lửa luyện ngục là những vị thánh, tuy không được tuyên phong trên bàn thờ, cũng chưa được hưởng vinh quang, nhưng phần rỗi thì đã chắc chắn. Không phải vì họ ít tội, nhưng vì tình yêu của Thiên Chúa và công nghiệp của Con Một Ngài.  Giờ đây họ chịu thanh luyện để trở nên tinh ròng, để mang một chiếc áo cưới thật mới mẻ vào dự tiệc cưới, vào Nước Trời.  Không ai có thể chia cắt, không gì làm họ mất niềm hy vọng vào đời sống vinh phúc đó.
  1. Đàng khác, các linh hồn giờ đây không làm được gì cho họ nữa, vì thời gian để lập công nghiệp đã qua (không phải họ không biết, nhưng cũng giống chúng ta biết rằng giây phút đang sống là thời gian tích lũy công phúc, là thời gian chuẩn bị để được vào Nước Chúa. Chúng ta còn có thì giờ, chúng ta hãy làm).  Các vị ấy chỉ còn trông cậy vào lòng nhân thứ của Chúa, Ngài kêu gọi và ban cho chúng ta được tham dự và tiếp tục sứ mạng cứu độ qua lời cầu nguyện, qua sự hy sinh hãm mình, chúng ta sẽ giúp được các linh hồn đó.Lẽ dĩ nhiên đừng nghĩ rằng Chúa phải chờ đời những lời cầu nguyện của chúng ta để Chúa cứu vớt, Ngài đã cứu vớt rồi.  Nhưng Chúa muốn chúng ta sống trong sự thông hiệp, muốn cho chúng ta có sự liên đới hữu hiệu, Ngài tạo điều kiện để chúng ta thấy rằng: thì ra chúng ta còn có thể làm được rất nhiều cho những người thân yêu của chúng ta.  Biết đâu khi họ còn sống, chúng ta chưa có một tâm tình, chúng ta chưa đối xử tốt, thì giờ đây chúng ta có một cơ hội rất tốt.

    Phát xuất từ những tâm tình trên, cách đây hơn 1000 năm, ngày lễ cầu cho các linh hồn 02.11 được thiết lập, đó là niềm an ủi rất lớn cho những người còn sống, cho chúng ta có một phương tiện tuyệt hảo để yêu thương và biểu lộ tình yêu, cứu giúp những người mình yêu thương.  Ngày hôm nay, trong tháng này và suốt cả cuộc đời, chúng ta hãy tập nhân đức yêu thương, nhớ đến các linh hồn.

    (Cách đây 100 năm, cũng có một nhà dòng được thiết lập chỉ nhằm mục đích để cầu nguyện, ăn chay, hãm mình cho các linh hồn trong lửa luyện ngục, mà điều đó tất cả chúng ta đều làm được).

  1. Anh chị em nghĩ sao nếu những người nhờ lời cầu nguyện chúng ta, đã được về Thiên Đàng, được hưởng vinh quang Chúa mà các ngài lại quên chúng ta? Chắc chắn trong vinh quang (và sự khôn ngoan) của Thiên Chúa, các ngài biết dưới trần thế này, đã có những con người yêu thương, cầu nguyện, hy sinh cho các ngài.  Chắc chắn lời cầu nguyện của các ngài cho chúng ta sẽ có uy tín và hiệu quả (lời cầu nguyện của chúng ta lúc thì chia trí, lúc thì không xứng đáng, đủ hết mọi lý do).  Trong lịch sử Giáo Hội, nhiều biến cố cho thấy rằng: các thánh thông công là sự sống rất sinh động, không phải là một chân lý chết ngắc, nhưng là sự sống được diễn tả mỗi ngày.  Khi chúng ta ngồi đây, chúng ta vẫn liên kết với các thánh trên trời và các linh hồn trong lửa luyện ngục để cầu nguyện và nâng đỡ nhau.  Sống trong một sự liên đới như vậy, anh chị em có thấy chúng ta là những con người diễm phúc, là những con người rất giàu tình yêu thương, là những con người được nâng đỡ?Khi tôi nói những điều này, các bạn trẻ lại càng phải suy nghĩ nhiều hơn, để thấy rằng trong từng giây phút, chúng ta phải sống cho có ý nghĩa, vì từng giây phút của cuộc sống, có thể xây dựng hạnh phúc và phần rỗi cho rất nhiều người và cho chính bản thân chúng ta.  Nhờ lời chuyển cầu của các thánh và các linh hồn trong lửa luyện tội (chúng ta tin rằng) chúng ta vẫn tiếp tục đón nhận hồng ân Chúa, đón nhận cách đặc biệt mỗi lần chúng ta cử hành thánh lễ, là lễ tế tạ ơn đồng thời là lễ tế đền tội cho chúng ta.

ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

CÁCH HỌC THEO CÁC VỊ THÁNH

ZZ

Ngày nay, phổ biến trong khoa tâm lý học, cả về phương diện tinh thần, người ta hay nhấn mạnh đến việc tự nhận ra chính bản thân mỗi người chúng ta.  Đây là một điều quan trọng, nhưng có nhiều điều còn quan trọng hơn, đó là chúng ta phải sống dựa vào chính mình và tốt hơn hết chúng ta hãy là chính mình.  Xã hội ngày nay cho chúng ta thấy có nhiều cách giúp chúng ta có thể áp dụng để trở nên là chính mình bằng hành động và bằng việc nhìn vào gương sáng của người khác.  Hai câu chuyện sau đây là hai cách mà chúng ta có thể áp dụng:

  1. Xưa có một người đàn ông tên là Simon. Anh ta muốn sống như một vị Thánh.  Anh quyết định chính mình sẽ trở thành mẫu gương giống như Thánh Phanxicô Assisi.  Anh đã mắc phải một sai lầm rất nghiêm trọng.  Vì anh ta chỉ có duy nhất một mục đích sống là trở thành bản sao của Thánh Phanxicô Assisi.Năm tháng qua đi.  Anh vẫn đang thực hiện lý tưởng của mình và chẳng có vấn đề gì to tát xảy ra cả. Bạn bè thường nói đùa trông anh giống như Thánh Phanxicô Assisi, nhưng anh vẫn không vui.  Vì thế anh tìm đến một vị tu sĩ lớn tuổi rất nổi tiếng vì sự thông thái để nhờ vị này khuyên giải cho anh.  Tên vị tu sĩ là Barnabas.  Vị tu sĩ già đã kiên nhẫn nghe Simon kể hết câu chuyện của anh.Nghe xong, Barnabas nói: “Anh đã chọn một mẫu gương rất tốt.  Một mẫu gương xuất sắc.  Nhưng tấm gương không phải là một cái khuôn do chính tay anh đúc ra.  Một tấm gương tốt chỉ là sự khích lệ giúp chúng ta sống đúng với những gì ở trong chúng ta, với những gì được trao ban cho chúng ta và chỉ riêng cho chúng ta mà thôi.  Simon, anh đã không sống đúng con người của anh.  Anh đã thực hiện một công việc mà công việc đó lại dành cho người khác.”

    Nhiệm vụ quan trọng trong cuộc đời là hãy sống đúng với con người mình.  Nếu chúng ta không là chính mình thì rất có thể chúng ta không thể trưởng thành, không thể hạnh phúc và không thể nên Thánh.  Nhưng khi chúng ta là chính mình, mọi điều trong con người chúng ta đều chân thật và đúng đắn.  Phanxicô Assisi đã trở nên một vị Thánh không phải bởi Ngài trở nên giống với một ai khác, nhưng bởi sự công chính của Ngài và Ngài hoàn toàn sống đúng với chính mình.

    “Simon, khi anh đứng trước tòa Chúa vào ngày phán xét, Người sẽ không hỏi anh: Tại sao con không trở thành Thánh Phanxicô Assisi?  Nhưng Người sẽ hỏi anh: tại sao con không trở thành một Simon như Thiên Chúa muốn?”

  1. Bill Shankley, huấn luyện viên câu lạc bộ đội bóng Liverpool, một thời là huyền thoại. Khi ông từ chức, Bob Paisley được chỉ định lên thay ông.  Biết được công việc khó khăn sắp tới, đầu tiên Bob Paisley đã nhẹ nhàng nói lời từ chối.  Nhưng cuối cùng sau nhiều lần thuyết phục, Bob Paisley đã đồng ý làm huấn luyện viên thay Bill Shankley.Quả là khó khăn khi phải kế nhiệm một công việc của một người thành đạt như Bill Shankley.  Liverpool không chỉ tự hào vì những trận thắng vẻ vang của mình, nhưng còn bởi việc sở hữu một chiến thuật đặc biệt để chinh phục những trận bóng đó.  Người huấn luyện viên, các cầu thủ và những người góp công cho câu lạc bộ – tất cả đều là thành viên trong đại gia đình.  Đó chính là cách câu lạc bộ thực hiện.Khởi đầu với những thành công của người tiền nhiệm là một áp lực nặng nề cho Paisly để trở thành một Bill Shankley thứ hai.  Nhưng ông đã kháng cự lại sự quyến rũ ấy.  Thay vào đó, ông đã làm việc theo cách riêng của mình.  Ông vẫn tiếp tục truyền thống của câu lạc bộ, nhưng vẫn giữ lại nét độc đáo của riêng mình.  Cuối cùng, Paisley đã thành công và thậm chí còn thành công hơn cả Bill Shankley.

    Khi ông từ chức, có người đã hỏi ông chìa khóa của sự thành công đó là gì.  Ông đã trả lời rất khôn ngoan: “Không có một cách nào đẫn đến thành công bằng việc bắt chước những điều cao cả của người khác.  Bạn phải tự khẳng định mình”.

    Cả Bob Paisley và Bill Shankley đều là những người thành công.  Cả hai sự thành công đó đạt được chính trong sự cạnh tranh công bằng.  Và để đạt được sự thành công như thế đối với phàm nhân thì chúng ta chỉ cần tuân thủ các quy tắc thông thường.  Nhưng đối với nước Trời thì chưa đủ.

    Khá nhiều tôn giáo không hề có nhiều vị thánh.  Bởi nhiều tín đồ của tôn giáo đó không bao giờ thành công trong chính bản thân họ.  Để nên thánh chúng ta không chỉ có việc tu hành khổ hạnh, hay thậm chí phải theo một lễ nghi thật long trọng và nghiêm trang.  Nhưng trước tiên chúng ta phải là chính mình.

    Các vị Thánh đã giúp chúng ta làm được điều đó, thậm chí là những vị thánh nhỏ.  Các Ngài đã cho chúng ta thấy một cuộc sống cao đẹp hơn, thanh khiết hơn.  Các Ngài đã truyền cho chúng ta nguồn cảm hứng để chúng ta cố gắng trở về với sự tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn, lành mạnh hơn trong chính mỗi người chúng ta.

    Các Ngài đã trao ban cho chúng ta mẫu gương sáng ngời.  Nhìn vào đó, chúng ta biết được mình là ai.  Ở trong đó, chúng ta thấy được sự tốt lành nhất, sáng tỏ nhất trong các Ngài.  Các Ngài chính là mẫu gương, là người thầy, là người bạn và là người trung gian cầu bầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa.

    Khi gặp bất cứ việc gì trên đường đời dù vui buồn, khó khăn hay thử thách, vấn đề cần lưu tâm là chúng ta có thật sự là chính mình hay không?  Điều tốt đẹp nhất chúng ta có thể làm được là trở thành người mà Thiên Chúa muốn, chứ không phải để chúng ta khước từ cuộc sống hay để cố gắng trở thành một ai khác, nhưng là để gieo hạt giống cuộc đời trong đời sống mỗi chúng ta.  Đó chính là hành trình chúng ta đi về nhà Chúa.

Phaolô Nguyễn Hồ Hữu Thành – Phỏng dịch từ New Sunday Holyday

LÊN ÐƯỜNG

Ðường là để đi.  Ðường là để đi nghĩa là đường sẽ dẫn đến nơi nào đó.  Bản tính của đường là để đi, nên đường không bao giờ là nơi cư trú, mà là để dẫn đến nơi cư trú.  Như vậy, kẻ dùng đường làm nơi cư trú thì chẳng bao giờ đến nơi cư trú của mình.  Tôi phải xác định với lòng tôi: Cuộc sống hôm nay là đường đến một quê hương khác?  Nếu cuộc sống hôm nay không phải là cùng đích, mà tôi lại chọn làm nơi cư trú, tức là tôi chẳng lên đường để đến nơi tôi phải đến.  Lối đi hôm nay của tôi có là đáp trả tiếng gọi của Chúa?  Nếu không, mà tôi chẳng lên đường theo tiếng gọi là tôi đang làm ngơ, đang cố quên đường về.

Phải rẽ lối khai quang mới thành đường đi.  Sở dĩ có người rẽ lối khai quang để làm đường đi vì họ muốn đến một nơi nào đó.  Nghĩa là họ muốn tìm kiếm.  Như thế, trước hết, trái tim họ phải là nơi ôm ấp những ước mơ ZZkiếm tìm.  Cõi lòng họ phải là nơi ôm ấp những ước mơ kiếm tìm.  Cõi lòng họ phải mở rộng cho một chân trời bước tới.  Sẽ không có đường đối với kẻ không muốn tìm kiếm.  Và ước mơ lên đường mà không lên đường thì cũng không thành đường đi.

– Có ai không cần tìm kiếm vì đã dư thừa?
– Có ai không cần lên đường vì đã gặp gỡ?

Ước mơ hạnh phúc là dấu hiệu hạnh phúc đang vắng mặt.  Nguyện cầu cho hết phân ly là nói một cách khác họ đang khao khát được xum họp.  Khổ tâm khi thấy người thương mến của mình gặp bất hạnh nghĩa là kẻ đó đang thiếu thốn, và mình cũng chẳng đủ quyền năng cho họ hạnh phúc.  Khi tôi lo âu là lúc tôi có vấn đề.  Ai trong cuộc sống mà lại chẳng có lúc âu lo?  Tất cả đấy là những dấu hiệu giới hạn của con người, những thiếu thốn mà con người đang đi tìm.

Và như thế, ai cũng cần phải lên đường, ai cũng phải tiếp tục tìm kiếm.  Ðời là cõi rộng mênh mông. Sống là đi.  Mục đích là gặp điều tôi mong mỏi.

Nhưng đi về chốn nào?  Trong cõi rộng mênh mông ấy, đâu là đường?

Chắc chắn không thể là tôi.  Vì tôi có thể ban tặng cho mình được những gì tôi thiếu thốn thì tôi đã chẳng còn bao giờ ước mơ nữa.  Nếu tôi không thể đến một nơi nào đó để lấy được những gì tôi mong mỏi, như vậy, cũng có nghĩa là tôi không thể tự làm đường đi cho mình được.  Chắc chắn cũng không thể là người chung quanh tôi vì họ cũng thiếu thốn như tôi.

Vậy, ai có thể giúp tôi đạt được những điều thiếu thốn đó?

“Ta là Ðường, là Sự Thật, và là Sự Sống” (Ga 14, 6).  Ðường của cuộc đời tôi đi là Chúa.  Những gì tôi thiếu thốn và lo âu đều liên quan đến hạnh phúc của tôi.  Khi Chúa nói Chúa là sự sống, có nghĩa Chúa là hạnh phúc tôi đang túng thiếu.  Khi Chúa nói Chúa là đường, có nghĩa là để dẫn tôi tới hạnh phúc đó.

Kinh nghiệm cho thấy hạnh phúc có thể thỏa mãn những thao thức sâu kín nhất trong tâm hồn tôi không hệ tại sự giàu có, người yêu, những gì trong phạm vi trần thế.  Nếu vậy thì phương cách để đạt được hạnh phúc có thể thỏa mãn tâm hồn tôi cũng không thể đến được từ trần gian.  Hạnh phúc ấy thuộc về phạm vi siêu nhiên, vượt tầm sáng tạo của nhân loại.  Cho nên, con đường dẫn tới hạnh phúc đó cũng phải là siêu nhiên, không thể là sản phẩm của con người.  Trong ý nghĩa này, Chúa là cùng đích và cũng là phương tiện dẫn tới cùng đích.  Chúa là hạnh phúc và cũng là đường dẫn tới hạnh phúc.

* * *

Lạy Cha, Cha đã tỏ cho con biết Cha là đường của con.  Ðường đã có rồi.  Sự thật và sự sống đã có rồi.  Nhưng con cần Cha dọn cỏ, mở lối cho con.  Cỏ tối tăm và cỏ nguội lạnh là những giây leo rừng chằng chịt che kín lối.  Và con đã không thấy đường.  Cha là sự thật, nên không có loại cỏ tối tăm nào có thể che kín.  Cha là sự sống nên không loại gai nào có thể làm nghẽn lối.  Giây gai làm nghẽn lối, cỏ dại che kín đường không mọc ở đường đi, nhưng mọc trong chính trái tim con.  “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10, 51).  Cha đã mở mắt và người mù đã thấy đường đi.  Một lần nữa, hành động của người mù cũng lại khởi đầu bằng ước mơ: ước mơ được sáng mắt.  Ðiều ấy cũng hàm nghĩa là anh ta luôn luôn muốn tìm kiếm ánh sáng.  Nếu anh ta không muốn lên đường.  Nếu anh ta chọn thế giới mù làm quê hương.  Nếu anh ta cư trú trong thế giới bóng đêm ấy và chẳng muốn bước tới nữa thì chắc chắn anh sẽ chẳng bao giờ thấy mặt trời.  Ðời anh sẽ tẻ nhạt biết bao.  Ðời con cũng vậy.  Con phải lên đường.  Ngày nào con cũng có lầm lỗi.  Ngày nào cũng có bóng đen của ghen tương, bóng đen của thèm muốn bất chính, bóng đen của lo âu thiếu tin tưởng.  Ngày nào con cũng có mù lòa.  Vì thế, con cần Cha mở mắt cho con hàng ngày.  Và, con phải lên đường mỗi sớm mai.

* * *

Mơ ước lên đường thì bao giờ cũng đẹp.  Nhưng để thực hiện lên đường lại không dễ.  Những hạnh phúc đẹp chỉ dành cho những tâm hồn dám lên đường tìm kiếm.  Muốn nhìn vũ trụ mênh mông phải giã từ mặt đất, cất cánh theo chim trời.  Nếu con sâu cứ lặng lẽ sống dưới mặt đất với loài trùng, thì nó chẳng có lý do để oán trách sao cuộc đời chung quanh chỉ là mùi ẩm của đất, mùi mốc của cỏ.  Nó phải hóa thân thành cánh bướm.  Và, lúc đó người ta sẽ ngước mắt nhìn theo.  Tất cả vũ trụ là của nó. “Trong tà ác tôi đã sinh ra, và đã là tội lỗi từ khi mới là thai nhi trong lòng mẹ” (Tv 51, 7).  Ðó là hình ảnh tôi sinh ra trong thân phận sâu.  Sinh ra trong thân phận sâu, nhưng lại không để làm sâu, mà được kêu gọi hóa thân làm bướm.  “Ta đã chọn các ngươi từ giữa thế gian” (Ga 15, 19; 17, 16).

* * *

Lên đường nào cũng có giã từ, vì thế mới có ngần ngại.  Càng gắn bó, lúc cách xa càng luyến nhớ.  Sâu đậm bao nhiêu, lúc giã biệt sẽ nuối tiếc bấy nhiêu.  Những rung cảm bất chính đã ở trong dòng máu của tôi.  Bây giờ tôi phải từ bỏ.  Những liên hệ không ngay lành, nhưng cho tôi thú vui trần thế.  Bây giờ tôi phải cắt đứt.  Lười biếng là một thứ quyến rũ như bếp lửa trong chiều đông, nó giữ chân tôi lại.  Bởi, lên đường là mở cửa đi ra, ngoài kia có gió lạnh làm tôi ngại ngùng.  Muốn được người ngưỡng mộ, tôi tạo ra khuôn mặt đẹp mà tâm hồn tôi không có.  Bây giờ, lên đường, nghĩa là tôi phải sống thật với tôi.  Trở về chấp nhận khuôn mặt nghèo nàn của mình là điều tôi không muốn.  Ðể người biết khuôn mặt thật của mình là điều tôi không dám.  Bước tới để thay đổi tâm hồn là một giá tôi phải trả.  Là một lên đường đòi nhiều can đảm.

Những biến cố thay đổi cuộc sống của một tâm hồn trong Phúc Âm đều là những biến cố lên đường.  Chúa đã dùng những hình ảnh lên đường cụ thể, lên đường bằng đôi chân bước trên cát bụi để diễn tả cuộc lên đường nội tâm.  “Ði dọc theo bờ biển Galilêa, Ngài thấy Simon và Anrê dang quăng chài dưới biển.  Ðức Yêsu nói với họ: Hãy theo Ta, Ta sẽ cho các ngươi là ngư phủ bắt người.  Tức khắc, họ đã bỏ chài lưới mà theo Ngài.  Ði xa một ít, Ngài thấy Yacôbê và Yoan em ông, cả hai đang vá lưới dưới đò.  Ngài gọi họ.  Và họ đã bỏ cha họ và những người làm công mà theo Ngài” (Mc 1, 16-20).  Phúc Âm thuật lại, sau khi theo Chúa rồi, nhiều lần Phêrô vẫn còn thả lưới.  Như vậy, đáng lẽ Chúa phải bảo Phêrô mang lưới theo kẻo mai mốt lại tốn tiền mua lưới khác.  Nhiều lần Chúa phải dùng thuyền mà đi.  Sao Chúa không dặn Phêrô giữ lấy thuyền vì mai mốt cả Thầy trò vẫn còn cần tới.

Họ đã bỏ lại tất cả.

Họ đã bỏ lại tất cả, phải chăng lưới mà Yacôbê đang vá lưới của những toan tính thiếu niềm tin vào Chúa, là mạng nhện đam mê gắn liền với tâm hồn tôi như áo tôi mặc.  Tôi chẳng muốn bỏ.  Mỗi mũi kim vá là một lần tôi níu kéo, bám theo . Phải chăng thuyền của Phêrô là những nét xấu như một thứ quê hương tôi đang sống ở trong.  Tôi đang an phận với quê hương ấy?

Lạy Cha, Simon và Anrê, Yacôbê và Yoan đã lên đường.  Khi nghe Cha gọi, họ đã tức khắc bỏ chài lưới mà lên đường.  Không lưỡng lự.  Dứt khoát.  Hình ảnh của những cuộc lên đường đẹp quá.  Lên đường của những kẻ muốn tung cánh trong tự do bát ngát như thập giá không chịu khuất phục sự chết.  Lên đường của những bàn chân không biết mỏi khắp cánh đồng Galilêa.  Lên đường không phân vân như mặt trời bình thản đẩy bóng tối lại đàng sau.

* * *

Lạy Cha, nếu không lên đường, chắc hẳn Phêrô chẳng gặp Cha, đã không được Cha huấn luyện và tâm hồn Phêrô đã nghèo nàn lắm.  Trong cuộc sống của con, Cha đã gọi.  Con cũng đã lên đường, nhưng con không can đảm như Anrê, như Yacôbê.  Lưới đời của con dầy mắt, những mắt lưới mà con nghĩ là sẽ bắt được nhiều cá: cá bằng cấp, cá danh vọng, cá sắc đẹp, cá giàu có, cá tình yêu.  Mỗi lần bắt hụt vì lưới bị rách là con lại cặm cụi ngồi vá.  Có bao giờ con đã quá chú ý cúi mặt vá lưới đến nỗi Cha đi qua, Cha gọi mà con chẳng nghe gì?

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J

 

 

KHÔNG BAO GIỜ Ở MỘT MÌNH… 

Khi một thiếu nhi thuộc bộ tộc thổ dân Cherokee ở Châu Mỹ vừa bước vào tuổi thiếu niên, cha của em đưa em vào rừng, lấy khăn bịt mắt em lại và bỏ đi, để em một mình.  Em buộc phải ngồi trên một thân cây cả đêm và không được lấy khăn bịt mắt ra cho đến khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện vào sáng hôm sau.  Em không được nhờ ai giúp mình.  Nếu em sống sót qua đêm đó, em sẽ được coi là khôn lớn.

Em không được nói cho các thiếu nhi khác biết về kinh nghiệm này, vì mỗi thiếu nhi đều phải bước vào tuổi thiếu niên theo cùng một cách như thế.

Tất nhiên là em rất sợ, em nghe đủ thứ tiếng động: Chó sói hú, thú hoang rảo quanh tìm mồi, cũng có thể có người nào đang muốn hại em.  Em nghe tiếng lá cây xào xạc, tiếng gió rít qua cành cây, và em phải kiên cường ngồi trên thân cây, không được tháo khăn bịt mắt ra.  Vì đối với em, đây là cách duy nhất để em trở nên người lớn khôn.

Cuối cùng, sau đêm dài khủng khiếp ấy, mặt trời ló dạng, em đã có thể bỏ khăn bịt mắt ra.  Chính lúc đó em mới khám phá ra… cha em đang ngồi ngay bên cạnh em.  Cha em không hề bỏ đi, cha em đã im lặng canh chừng cả đêm, cùng ngồi trên thân cây đó với em, sẵn sàng che chở em khỏi mọi nguy hiểm, và dĩ nhiên ông đã không để cho em biết có ông luôn âm thầm ở bên em.

Cũng thế, chúng ta không bao giờ ở một mình.  Dù chúng ta không thấy được Thiên Chúa giữa những tăm tối, thách đố, hiểm nguy của cuộc đời, nhưng Cha trên Trời luôn ở bên cạnh chúng ta, ngồi trên cùng một cảnh ngộ với chúng ta, để canh chừng gìn giữ chúng ta.

Khi khó khăn và tăm tối xảy đến, điều duy nhất chúng ta cần làm là tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha yêu thương.  Rồi một ngày, bình minh sẽ ló dạng và chúng ta sẽ thấy Người ngay bên cạnh chúng ta.

Khuyết Danh

****************************************************

“Lạy Chúa,                                                             ZZ
Con dâng lên Chúa những giờ phút cô đơn
Ðôi lần đến với con trong cuộc đời.

Con dâng lên Chúa
Lúc con phải làm việc một mình
Trong sự tẻ nhạt của bổn phận nặng nề
Mà không có lấy một sự khích lệ đỡ nâng
Trong cộng đoàn.

Con dâng lên Chúa
Những lúc cô đơn,
Mò mẫm đi tìm trong hoài nghi,
Khi không còn biết con đường
Mình đang theo đuổi sẽ dẫn đến đâu
Và trên đó bóng đêm bao trùm.

Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải
Ðau khổ âm thầm một mình,
Dù đang ở giữa những kẻ mà con phải
Bày tỏ Chúa cho họ và bị vô ơn hất hủi,
Do thờ ơ và thiếu cảm thông.

Con dâng lên Chúa
Những giây phút con phải yêu một mình
Giây phút thật nặng nề
Khi trái tim con khắc khoải,
Ði tìm sự tương giao
Mà không gặp thấy trong lòng người khác.
Và trong lòng những người con ưa thích
Tìm thấy một sự no thỏa mà không nếm cảm được.

Con dâng lên Chúa
Những giờ phút con phải đau khổ một mình,
Những giây phút Giếtsêmani của bản thân con.
Và chính trong những lúc ấy,
Lạy Chúa, con ước ao được nên giống Chúa.

Cũng như Chúa,
Con ước muốn và cầu xin
Cho chén khổ nầy ra khỏi con,
Nhưng xin Chúa cho con sức mạnh
Ðể chế ngự mình
Mà vâng theo Thánh ý Cha,
Ðấng Chúa yêu ngàn đời,
Cả khi Ngài chấp nhận thấy con đau khổ.

Lạy Chúa,
Xin đừng theo ý con
Nhưng cho ý Cha được thể hiện Amen.”

“Phút Cô Ðơn”, của Ludovic Giraud,
(trích trong sách “Lời Kinh Ðẹp Nhất Thiên Niên Kỷ”)

MÙ CÓ PHẢI LÀ BẤT HẠNH KHÔNG?

Khi nghĩ đến người mù, nhất là những người bị mù bẩm sinh, ta thường nghĩ đến hai chữ “tội nghiệp”, “đáng thương”, hay “bất hạnh”.  Dĩ nhiên có khi chính bản thân người mù cảm thấy bất hạnh thật vì họ không được nhìn thấy ánh sáng, không được nhìn thấy vẻ đẹp thiên nhiên, nhất là không được nhìn thấy những người thân yêu của mình.  Và ngay cả khái niệm về màu sắc, họ cũng không biết đến.

Tuy nhiên, giữa người mù và người sáng, chưa chắc ai bất hạnh hơn ai.  Có khi vì mắt sáng tỏ, nên người ta bất hạnh hơn là bị mù loà.  Bằng chứng là trong các vụ án trộm cắp, lường gạt, đâm chém, hiếp đáp, ngoại tình…, ta có thấy thủ phạm nào là người mù không, ngoại trừ những người sáng mắt?  Trong số những dân chơi cuồng quay nơi các vũ trường ngập ngụa ma tuý, thuốc lắc, hàng “đá”, ta có bắt gặp bóng dáng người khiếm thị nào bên cạnh những người mắt sáng ở đó không?  Trước vành móng ngựa xét xử các quan tham vô lại, có lẽ ta cũng khó mà tìm được một bị cáo nào là kẻ mù loà ở đấy; có chăng chỉ toàn là những người cả hai mắt đều tỏ đều tường!!!  Và nếu ta cất công thắp đuốc đi tìm các tù nhân là người mù trong các trại giam, chắc chắn ta sẽ thất vọng vì nơi đó chỉ thấy toàn những người có đủ cả hai mắt.  Vậy thì ai “bất hạnh” hơn ai?  Người mù hay người sáng?  Bởi thế, khi nhìn ZZthấy một người mù, khoan đã cho rằng người đó tội nghiệp, người đó bất hạnh.  Hạnh phúc hay bất hạnh không hệ tại ở việc sáng hay mù cặp mắt thể lý, nhưng là hệ tại ở việc sáng hay mù cặp mắt tâm hồn, cặp mắt đức tin.

Trong câu chuyện Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, ta thấy Bartimê là một người mù loà, hành khất bên vệ đường ngoại thành Giêricô.  Không biết anh có thuộc “Hội Người Mù” nào hay không!  Song thiết tưởng anh là một người lương thiện.  Anh sống bằng những gì kiếm được từ lòng hảo tâm của người khác.  Mặc dù nghèo, nghèo nên phải đi ăn xin, nhưng cuộc đời anh thanh thoát.  Anh sống vô tư giản dị, không bon chen giành giật, không tính toán hơn thua, không đua đòi ăn diện.  Anh cũng không vợ nọ con kia, không rượu bia các thứ.  Có lẽ anh cũng chưa bao giờ phạm vào những tội “đội sổ” của con người thời đại hôm nay: Buôn gian bán lận, lậu thuế trốn thuế, tham ô, móc ngoặc, hối lộ, hay rút ruột các công trình xây dựng…  Suốt cả cuộc đời, chắc hẳn anh cũng chưa hề lường gạt, bóc lột hay hãm hại ai.  Tắt một lời, anh sống hoàn toàn ngay chính.

Hơn thế nữa, trong khi rất nhiều người sáng đôi mắt thể lý, lại mù loà trước ánh sáng vô hình, không thể nhận ra Chúa Giêsu là ai, thì anh mù Bartimê này lại “thấy tỏ tường” chính Đức Giêsu là ai.  Anh không van xin Chúa bằng danh xưng “Giêsu Nazareth”, mà dùng danh xưng “Con Vua Đavít” – một danh xưng ám chỉ tước hiệu Đấng Mêsia.  Tiếng kêu lớn tiếng của anh khi bị mọi người ngăn cản: “Lạy Con Vua Đavít”, đồng thời cũng là một lời tuyên xưng niềm tin vào chính Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng mà anh tin là sẽ phục hồi sự sáng cho anh.  Bởi đó, khi được Chúa Giêsu hỏi anh muốn xin gì, anh không xin Chúa Giêsu mua cho anh mấy tờ vé số, cũng không xin Chúa Giêsu cho anh ít đồng bạc cắc bố thí, như anh đã từng nói với những người qua lại, mà anh chỉ xin Chúa Giêsu cho anh được thấy, tức là được sáng mắt.  Nếu không tin Chúa Giêsu là Đấng có thể mở được mắt cho nguời mù bẩm sinh, anh đã không xin Ngài điều này.

Đồng ý “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, nhưng không phải một khi “cửa sổ” ấy bị đóng vĩnh viễn do mù loà là đương nhiên tâm hồn trở nên tối tăm băng giá như vùng bắc cực đâu.  Ngược lại nữa là khác.  Khi đôi mắt của họ không còn khả năng thấy được những thực tại hữu hình, thì tâm hồn họ lại rất bén nhạy với những thực tại vô hình.  Bởi đó người ta bảo rằng người mù thường cảm nhận rất sâu xa về những thực tại siêu linh, và họ cũng rất nhạy bén trước những nỗi thống khổ của anh em đồng loại.  Nói cách khác, người mù thường có cặp mắt đức tin sáng tỏ, như trường hợp anh mù Bartimê hôm nay.

Dẫu chưa một lần được gặp gỡ hay diện kiến Đức Kitô; chưa một lần được trực tiếp nghe những lời Ngài giảng dạy, cũng chưa một lần được phúc chứng kiến các phép lạ Ngài đã làm; anh chỉ mới được nghe người ta nói về con người của Đức Giêsu; thế mà anh đã tin.  Anh tin một cách mãnh liệt.  Và nhờ niềm tin đó, anh đã gặp được hiện thân lòng nhân hậu của Thiên Chúa, hiện thân của những mối phúc thật là Đức Giêsu Kitô.  Anh được Chúa phục hồi sự sáng, sự sáng của cặp mắt thể lý, và quan trọng hơn là cặp mắt đức tin nơi anh vốn đã sáng nay sáng tỏ hơn.  Từ đây đời anh hoàn toàn đổi mới. Còn hạnh phúc nào bằng?  Anh đã tự nguyện dấn bước theo Chúa trong niềm vui trào tràn.

Sẽ thật hạnh phúc cho tôi, nếu tôi có đôi mắt thể lý lẫn đôi mắt tâm linh sáng ngời.  Ngược lại, sẽ thật bất hạnh biết bao nếu tôi có đôi mắt thân xác sáng tỏ nhưng đôi mắt tâm hồn lại mù tối như đêm ba mươi.  Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho tôi có đôi mắt thể lý chưa một lần phải đến bác sĩ nhãn khoa.  Xin Ngài gìn giữ tôi, để đôi mắt đức tin của tôi cũng luôn được tinh tường sáng suốt.  Đặc biệt xin Chúa cho những người mù luôn giữ được cái tâm trong sáng để cuộc đời của họ không bao giờ là “bất hạnh”, là “đáng thương” như người ta vẫn nghĩ.  Amen.

LM Giuse Nguyễn Thành Long

 

KHÔNG GIAN CHỮA LÀNH CỦA THINH LẶNG

Quyển sách mới đây của Robyn Cadwallander, “Nữ ẩn sĩ” (The Anchoress) kể về Sarah, một phụ nữ trẻ chọn khép mình khỏi thế giới và sống như một ẩn sĩ (như Julian thành Norwich vậy). Đây không phải là đời sống dễ dàng và cô sớm nhận ra mình phải đấu tranh với lựa chọn này. Cha giải tội cho cô là cha Ranaulf, một tu sĩ trẻ, không nhiều kinh nghiệm. Mối liên hệ giữa họ cũng không dễ dàng. Cha Ranaulf là người ngại ngùng và ít nói nên Sarah thường thấy chán khi gặp cha, cô muốn cha nói thêm, muốn cha đồng cảm hơn và đơn giản muốn cha hiện diện rõ hơn với cô. Họ thường xuyên bàn luận, hay ít nhất là Sarah thường cố moi thêm lời nói và đồng cảm từ cha Ranaulf. Nhưng bất kỳ lúc nào cô cố gắng làm thế, cha Ranaulf đều gián đoạn buổi xưng tội và rời đi.

Một ngày nọ, sau một buổi xưng tội cực kỳ đáng chán khiến cha Ranaulf cứng lưỡi và Sarah giận dữ, cha chỉ đóng cánh cửa tòa giải tội, một phản ứng thông thường của cha khi căng thẳng, khi có điều gì đó trong cha không muốn cho cha bỏ đi. Cha biết là mình phải cho Sarah một điều gì đó, nhưng cha không có lời lẽ nào để làm được. Và, khi không có gì để nói ngoài cảm giác mình buộc phải rời đi, cha đơn giản là ngồi đó trong thinh lặng. Ngược đời thay, sự bất lực câm nín của cha lại đạt được một điều mà những lời nói của cha không làm được, đó là một bước đột phá. Lần đầu tiên, Sarah cảm thấy sự quan tâm và đồng cảm của cha, cũng như sự hiện diện của cha với mình.
Và lời văn của Cadwallander mô tả đoạn này như sau:

“Cha hít một hơi thật sâu rồi từ từ chậm rãi thở ra. Cha không còn điều gì để nói, nhưng cha không để cô ấy ở đây một mình trong tâm trạng cay đắng được. Vậy nên cha vẫn ngồi lại trong tòa giải tội, cảm nhận sự trống trải của phòng xưng tội quanh mình, cảm nhận sự thất bại của việc học, của những từ ngữ mà cha đã ghi khắc trong đầu, trang này đến trang khác, tầng này đến tầng khác. Cha không thể mở miệng, nhưng cha có thể ở lại, và cha làm thế. Cha bắt đầu cầu nguyện trong thinh lặng, nhưng không biết bắt đầu thế nào, không biết phải xin gì. Cha bỏ cuộc, và thở chậm rãi từ từ.

Sự thinh lặng bắt đầu như một điều gì đó thật vụn vặt và đáng sợ, đậu trên rìa cửa sổ tòa giải tội, nhưng khi cha Ranaulf ngồi đó trong tĩnh mịch, nó dần dần, rất chậm rãi, lớn lên, và tràn khắp gian phòng, cuộn chặt quanh cổ và vòng lấy lưng cha, cuốn quanh đầu gối và đôi bàn chân cha, tràn lên các bức tường, lấp đầy các ngóc ngách, len lỏi vào cả các khe tường đá.… Sự thinh lặng trườn qua các khe hở và len vào cả gian phòng bên trên. Dường như nó thật êm ái mềm mại. Nó tràn ra và vững vàng, nó chiếm lấy mọi khoảng không. Cha Ranaulf ngồi bất động, không nhúc nhích, cha đã mất hết mọi khái niệm về thời gian. Mọi sự cha biết là một có một phụ nữ đang cách cha một sải tay, trong bóng tối, và đang thở. Vậy là đủ.

Khi ánh nến trong gian phòng mờ dần đi, cha nhúc nhích, cha nhìn vào bóng tối.
‘Chúa ở cùng con Sarah.’ ‘Và ở cùng cha.’ Giọng của cô tươi sáng hơn, thân thiết hơn.”

Có một ngôn ngữ vượt ngoài ngôn từ. Sự thinh lặng dành chỗ cho ngôn ngữ đó. Đôi khi chúng ta cảm thấy bất lực không thể nói được gì có ý nghĩa, chúng ta phải đi trở vào sự vô tri và vô lực, nhưng khi ở lại trong tình trạng này, sự thinh lặng tạo một không gian cần thiết cho một điều thâm sâu hơn xuất hiện. Nhưng thường, lúc đầu, thinh lặng thật không dễ dàng gì. Nó bắt đầu “như một sự đáng sợ vụn vặt” và dần lớn lên thành hơi ấm xua tan đi căng thẳng.

ZZNhiều lần chúng ta không có lời nào đáng để nói. Chúng ta, ai cũng cảm nghiệm việc đứng bên giường người hấp hối, tham dự một đám tang, đứng trước một tâm hồn tan vỡ, hay rơi vào thế bí khi cố gắng vượt qua tình huống căng thẳng trong quan hệ, lại thấy mình cứng lưỡi, không có từ nào để nói, rồi cuối cùng rơi vào thinh lặng, biết rằng nói bất kỳ điều gì cũng chỉ làm trầm trọng thêm nỗi đau đớn này. Trong tình thế bất lực đó, bị hoàn cảnh làm câm nín, chúng ta học được một điều: Chúng ta không cần phải nói gì, chỉ cần ở đó. Sự hiện diện thinh lặng, bất lực của chúng ta là điều đang cần.

Và tôi phải công nhận, đây không phải là điều dễ học đối với tôi, không phải là điều theo khuynh hướng của tôi, và thực sự nhiều khi tôi không làm thế khi đáng ra phải làm. Cho dù tình thế có ra sao đi nữa, tôi luôn cảm thấy mình phải nói lên một điều gì đó có ích, một điều gì đó giúp giải quyết căng thẳng này. Nhưng tôi đang học được rằng, hãy để sự bất lực lên tiếng, và cũng học được rằng điều này thật mạnh mẽ biết bao.

Tôi nhớ có lần, khi còn là một linh mục trẻ, đầy kiến thức học được trong chủng viện và háo hức chia sẻ kiến thức đó, tôi ngồi trước một người có tâm hồn đang bị tan vỡ, tôi cố gắng tìm câu trả lời và thấu suốt trong đầu mình, tôi không tìm thấy gì, cuối cùng tôi xin lỗi thú nhận sự bất lực của tôi với người đối diện. Câu trả lời của cô làm tôi kinh ngạc, và dạy tôi một điều mà tôi không hề hay biết trước đây. Cô đơn giản nói rằng: Sự bất lực của cha là món quà quý báu nhất cha có thể chia sẻ với con ngay bây giờ. Con cám ơn cha.

Không một ai kỳ vọng bạn có chiếc đũa thần để chữa lành những phiền muộn của họ. Đôi khi, thinh lặng lại thành một sự êm ái mềm mại len lỏi và chiếm lấy, lấp đầy mọi khoảng không.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TRUYỀN GIÁO BẰNG CÁCH SỐNG

Cách chung con người ngày hôm nay thường nóng vội, hấp tấp, làm đại.  Nghịch lý ở chỗ thích hoành tránh nhưng lại đòi phải nhanh, phải gọn.  Họ chỉ thích làm những chuyện lớn mà bỏ qua chuyện nhỏ.  Họ luôn xem việc nhỏ là tầm thường mà quên rằng việc lớn là do tích tiểu thành đại.  Không kiên nhẫn trong việc nhỏ thế nên, họ cũng bỏ lỡ cơ hội làm những chuyện lớn lao.

Điển hình là xã hội hôm nay không có những công trình thế kỷ mà chỉ có những kiến thiết hợp thời, model nhưng mau qua.  Về sự học dường như học sinh không thể ngồi yên để thuộc một câu thơ hay một bài lịch sử mà chỉ học trên net, trên Iphone…

Người ta kể rằng: Thời Đông hán có một thiếu niên tên Trần Phiên.  Hắn cho mình bất phàm nên chỉ làm chuyện lớn mà thôi.  Một hôm người bạn tới thăm thấy nhà hắn bẩn thỉu liền nói:  Nho tử sao không quét nhà để tiếp đón khách?

Trần Phiên trả lời: Đại trượng phu xử thế.  Nên quét thiên hạ sao lo một nhà?

Người bạn đáp lại: Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ.

Trần Phiên ngộ ra không nói được lời nào.

Xem ra muốn xây dựng giang sơn thì phải xây dựng từ gia đình mình.  Muốn làm những điều cống hiến cho đời thì phải rèn luyện mình thành người tốt.  Phải khởi đi từ việc nhỏ mới mong làm chuyện đại sự to tát hơn.  Muốn canh tân xã hội phải có một kế sách lâu dài và phải khởi đi từ những việc nhỏ nhất mới mong thành đại sự.

Phải chăng Giáo hội hôm nay cũng bị cuốn vào trào lưu thích hoành tráng, rầm rộ?  Thích phô trương đánh trống hơn là sống đạo mến yêu?   Các lễ nghi, lễ hội thật nhiều nhưng điều đó không quan trọng bằng việc ra đi đến với người nghèo, người già yếu, bệnh tật…?

Giáo hội luôn nói mình có sứ mạng truyền giáo và mời gọi các tín hữu tham gia vào công cuộc truyền giáo, nhưng xem ra chẳng có kết quả, bởi vì ai cũng muốn làm việc lớn nhưng những việc bình thường là canh tân đời sống bản ZZthân, là sống công bình bác ái, là phục vụ yêu thương khởi đi từ gia đình lại bị xem thường.

Thực vậy, làm sao có thể truyền giáo khi chưa tề gia để mang lại cho gia đạo êm ấm thuận hòa?

Làm sao có thể truyền giáo khi bản thân còn nhiều tính hư nết xấu, đôi khi còn trở thành gương mù gương xấu cho tha nhân?

Truyền giáo không phải là một lễ hội để đánh trống khua chiêng.  Truyền giáo là đem đạo vào đời qua muôn nẻo đường trần thế.  Thế nên, truyền giáo đòi hỏi từng người phải biết sống trở thành nhân chứng cho Chúa, phải mang tin mừng thẩm thấu vào trong trái tim và trao tặng cho anh em, cho bạn bè.  Truyền giáo phải như chút muối làm cho thế gian nồng thắm tin mừng.  Truyền giáo phải như chút men làm cho Tin mừng hòa vào thế gian.

Trong bài hát “Một chút” thôi của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống dường như cũng nói những điều thật đơn giản ấy.

Một chút những viên đá nhỏ hợƿ thành ngọn núi lớn
Một chút những bước chân đi xɑ về muôn lối
Một chút những ƿhút ủi ɑn dịu xoɑ ngàn nỗi sầu
Ϲhỉ một chút ƙhởi đầu tương lɑi sẽ đẹƿ màu
ĐK – Một chút trong đời chỉ một chút chút xíu thôi
Ɲhiều chút chút bé nhỏ mà làm cho đời thêm mới
Một chút trong đời trở thành một chút thật tuуệt vời.
Ϲhắt chiu từng chút ấу cho đời nàу thêm sáng tươi.

Hôm nay ngày khánh nhật truyền giáo, ước gì chúng ta hãy từng chút một chắt chiu những việc làm tốt để sáng danh Chúa, có như vậy chúng ta mới gom thành một làn sóng yêu thương mang tin mừng lan tỏa khắp nơi.  Xin Chúa giúp chúng ta biết truyền giáo khởi đi từ việc nhỏ nhất trong đời thường bằng việc nêu gương sáng cho tha nhân trong bổn phận và trong việc bác ái dấn thân xây dựng thế giới ngày một tốt đẹp hơn.

LM Jos Tạ Duy Tuyền

 

CHÚA SAI TÔI ĐI

ZZTa thường nghĩ rằng: Việc truyền giáo là dành cho các Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ.  Giáo dân không được học hỏi gì nhiều làm sao có thể truyền giáo được?  Truyền giáo phải có nhiều phương tiện vật chất.  Thiếu phương tiện không có thể làm gì được.  Đó là những quan niệm sai lầm mà Chúa vạch cho ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu cho ta thấy truyền giáo là công việc của mọi người khi Người sai 72 môn đệ lên đường.  Mười hai Tông đồ có tên tuổi rõ ràng.  Đó là thành phần ưu tuyển.  Đó là các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ.  Còn 72 môn đệ không có tên tuổi rõ ràng.  Đó là một đám đông không xác định.  Đó là tất cả mọi người giáo dân.  Khi sai 72 môn đệ, Chúa Giêsu muốn huy động tất cả mọi người thuộc đủ mọi thành phần tham gia vào việc truyền giáo.

Giáo dân tham gia vào việc truyền giáo bằng cách nào?

– Trước hết phải ý thức sự cấp thiết của việc truyền giáo: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Lúa đã chín vàng, phải nhanh chóng gặt về không được chậm trễ, nếu không lúa sẽ hư hỏng.  Biết bao anh em đang chờ đợi được nghe Lời Chúa.  Biết bao anh em đang tìm kiếm Chúa.  Biết bao tâm hồn đang mở cửa đón Chúa.  Ta phải mau mắn để khỏi lỡ mất cơ hội.

– Thứ đến ta phải cầu nguyện.  Sau khi đã chỉ cho thấy đồng lúa chín vàng, Chúa Giêsu không bảo lên đường ngay, nhưng Người dạy phải cầu nguyện trước.  Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo.  Vì truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên chúa.  Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban.  Nên cầu nguyện chính là truyền giáo và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện sẽ rất sâu xa.  Ta hãy noi gương Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu.  Vị Thánh sống âm thầm, suốt đời chôn vùi trong 4 bức tường Dòng Kín.  Thế mà nhờ lời cầu nguyện, Thánh nữ đã đem được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.

– Khi đi truyền giáo, hãy trông cậy vào sức mạnh của Chúa.  Chúa dạy ta: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” để ta biết sống khó nghèo.  Để ta đừng cậy dựa vào tài sức riêng mình.  Để ta đừng cậy dựa vào những phương tiện vật chất.  Biết mình nghèo hèn yếu kém, biết những phương tiện vật chất chỉ có giá trị tương đối, ta sẽ biết trông cậy vào sức mạnh của Chúa.  Chính Chúa sẽ làm cho việc truyền giáo có kết quả.

– Sau cùng, truyền giáo là đem bình an đến cho mọi người.  Niềm bình an đến từ thái độ quên mình, sống chan hoà với những người chung quanh.  Niềm bình an đến từ sự hiệp thông, có cho đi, có nhận lãnh.  Và nhất là, niềm bình an vì được làm con cái Chúa, luôn sống dưới ánh mắt yêu thương của Chúa.

Như thế việc truyền giáo hoàn toàn nằm trong tầm tay của mọi người giáo dân.  Mọi người đều có thể ý thức việc truyền giáo.  Mọi người đều có thể cầu nguyện.  Mọi người đều có thể trông cậy vào Thiên chúa.  Và mọi người đều có khả năng cho đi, nhận lãnh, sống chan hoà với người khác

Như thế mọi người, từ người già tới em bé, từ người bình dân ít học đến những bậc trí thức tài cao học rộng, từ người khoẻ mạnh đến những người đau yếu bệnh tật, tất cả đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.

Hôm nay, Chúa đang than thở với mọi người chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Chúng ta hãy bắt chước tiên tri Isaia thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi”.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

**************************************

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết vui mừng thấy triều đại Chúa mở mang thịnh trị.  Vẫn còn thiếu mặt nhiều thực khách nơi bàn tiệc thánh trong phòng Tiệc ly, dưới ánh sáng hoàng hôn ngày thứ năm Tuần thánh, mà Lời Chúa hôm đó mời chúng con đến dự.  Ngày mà nước Trung Hoa sẽ gia nhập đại gia đình Kitô hữu, để chung tiếng hát ca: “Hãy nâng tâm hồn lên.”  Ngày mà cả nước Ấn độ sẽ hát kinh Tiền tụng.  Ngày mà toàn cõi Châu Phi, trong đôi bàn tay đen, sẽ dâng hiến Bánh thánh tinh truyền.  Ngày mà dân Chúa không còn nạn lạc đạo ly khai, sẽ quy tụ trong một cuộc dâng lễ vĩ đại, đặt tâm hồn muôn vật hữu hình trên đĩa vàng tiến dâng Chúa.  Ngày đó công cuộc Cứu độ của Chúa sẽ hiển hiện với đầy đủ sắc vẻ huy hoàng.  Lạy Chúa của con, Chúa đã dạy chúng con phải thương yêu anh em đồng loại, hôm nay Chúa cho chúng con nhận biết toàn thể loài người là anh em thật sự của chúng con.  Xin Chúa cho chúng con biết yêu mến nhân loại ruột thịt của chúng con, cách thành thật, tận tình.

Pierre Charles

 

TÊRÊSA AVILA

ZZThánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo.  Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ.  Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.

Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.

Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới “trọng nam khinh nữ” vào thời đó.  Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình.  Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí.  Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người.  Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: Khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách.  Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.

Têrêsa là một phụ nữ “vì Chúa”, một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương.  Tâm hồn ngài thuộc về Chúa.  Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn.  Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách.  Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật.  Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện.  Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao.  Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.

Têrêsa cũng là một phụ nữ “vì tha nhân.”  Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng.  Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới.  Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu — luôn luôn để canh tân, để cải tổ.  Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.

Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh.  Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.

Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại nhiều xáo trộn, thời đại cải tổ và thời đại giải phóng.  Các phụ nữ thời đại có thể nhìn đến Thánh Têrêsa như một thách đố.  Thúc giục canh tân, thúc giục cầu nguyện, tất cả đều có trong con người Thánh Têrêsa là người đáng khâm phục và noi gương.

Thánh Têrêsa hiểu rõ giá trị của sự đau khổ liên tục (bệnh tật thể xác, không muốn cải tổ, khó khăn cầu nguyện), nhưng ngài đã luyện tập để có thể chịu đau khổ, ngay cả khao khát đau khổ: “Lạy Chúa, hoặc là đau khổ hoặc là chết.”  Cho đến gần cuối đời, ngài đã kêu lên: “Ôi lạy Chúa! Thật đúng là bất cứ ai làm việc cho Ngài đều được trả bằng những khó khăn!  Và đó thật đáng giá cho những ai yêu mến Ngài nếu chúng con hiểu được giá trị của nó.”

http://www.dongcatminh.org

CẦU NGUYỆN BẰNG CHUỖI MÂN CÔI

Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân côi.  Suốt tháng này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một ZZcách đặc biệt.  Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng.  Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Mân côi chính là hoa hồng.  Như thể, bằng chuỗi Mân côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.

Lịch sử chuỗi Mân côi là một hành trình dài.  Hành trình đó mang nhiều gợi ý.  Những gợi ý này có thể giúp chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi một cách sốt sắng, vừa hợp với truyền thống, vừa sát với thời sự.

Chuỗi Mân côi đốt lên lửa mến

Lịch sử cho thấy kinh Mân côi được thành hình do động lực sùng kính Đức Mẹ.  Người được nhắc tới nhiều trong lịch sử kinh Mân côi là thánh Đaminh, đấng sáng lập Dòng Giảng thuyết.  Ngài qua đời năm 1221.  Một số tài liệu quả quyết rằng chính Đức Mẹ đã trao cho thánh Đaminh chuỗi Mân côi.  Xung quanh thánh Đaminh còn một số tu sĩ nhiệt thành, như tu sĩ Dominique dòng Chartreux thành Trèves, tu sĩ Alain de la Roche dòng Đaminh thành Lille.

Các vị này đã có những đóng góp quan trọng.  Tất cả các ngài đều là những tông đồ của Đức Mẹ.  Với lòng xác tín, hăng hái, nhiệt thành, các ngài rao giảng, truyền bá kinh Mân côi.  Trước hết là trong các cơ sở Dòng, sau là tại các giáo xứ của nhiều giáo phận Âu Châu.

Phong trào đọc kinh Mân côi sau đó được tổ chức thành các hiệp hội.  Các người trong hiệp hội liên đới với nhau bằng chia sẻ đời sống thiêng liêng.  Nhận thấy phong trào kinh Mân côi đem lại nhiều kết quả lớn lao và mau lẹ cho đời sống đức tin, Toà Thánh đã công nhận, khuyến khích và ban nhiều ân xá.

Năm 1475, tại Cologne, chính hoàng đế nước Đức là Fredéric III, hoàng hậu và hoàng tử đã xin ghi tên vào hội kinh Mân côi.  Nhờ vậy, chuỗi Mân côi có thêm uy tín.  Uy tín đó không phải là lý do để phong trào kinh Mân côi lan rộng.  Lý do lan rộng chính là tính cách Kinh Thánh và bình dân của chuỗi Mân côi.

Các lời kinh của chuỗi Mân côi đều được đúc kết từ Kinh Thánh.  Các mầu nhiệm suy gẫm trong chuỗi Mân côi cũng được rút ra từ Kinh Thánh.  Số 150 kinh Kính Mừng cũng là để nhớ lại số 150 thánh vịnh của Cựu Ước.

Tuy nền tảng là Kinh Thánh, nhưng chuỗi Mân côi được sắp xếp một cách bình dị, dễ đọc, dễ hiểu, hợp với bình dân.  Miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tay lần chuỗi hạt, đó là một hình thức đạo đức bình dân thấy có ở nhiều tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Hồi giáo.  Với hình thức đạo đức này, kinh Mân côi đã đốt lên lửa mến trong các tâm hồn.  Nhiều tâm hồn trước kia nguội lạnh đã được ơn trở về.

Chuỗi Mân côi thắp sáng niềm hy vọng cứu độ

Lịch sử cho thấy: Khi khấn cầu ơn nọ ơn kia, nhiều người đã dựa vào chuỗi Mân côi như một nguồn để tìm sức mạnh cậy trông.

Năm 1571, trước cơn đe dọa đạo Chúa bị tàn phá, Đức Thánh Cha Piô V, đã truyền cho Hội Thánh cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi, với hy vọng Chúa sẽ cứu.  Khấn cầu đó đã được Chúa chấp nhận. Chiến thắng ở vịnh Lepante ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã là cơ sở để Đức Thánh Cha thiết lập lễ Đức Mẹ Mân côi.  Hằng năm cứ đến ngày 7 tháng 10, Hội Thánh đề cao chuỗi Mân côi như một nguồn hy vọng.

Năm 1629, trước cơn dịch tả nguy hiểm lan rộng trên nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci đã lập ra chuỗi Mân côi liên tiếp.  Thầy tính rằng: Mỗi năm có 8.760 giờ.  Căn cứ vào đó, thầy làm ra 8.760 tấm vé. Mỗi vé ghi tháng, ngày, giờ, rồi cho rút thăm.  Ai được vé nào thì cam kết đọc chuỗi Mân côi tháng ngày giờ đó.  Mục đích có ý xin ơn chết lành cho những người hấp hối, xin ơn trở lại cho những người tội lỗi, xin ơn bình an cho các dân tộc.

Từ sáng kiến đó, phong trào kinh Mân côi liên tiếp được thành lập và lan rộng.  Năm 1657, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII chấp nhận phong trào đạo đức này, và ban cho nhiều ân xá.

Năm 1826, trước nhu cầu truyền giáo cho các vùng xa xôi, bà Pauline Jaricot, thành Lyon, đã có sáng kiến lập ra phong trào “Kinh Mân côi sống.”  Cứ 10 nguời thì thành một nhóm nhỏ.  Mỗi người trong nhóm cam kết đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày.  Hơn nữa, mỗi người trong nhóm sẽ tìm thêm 5 người.  Năm người này cũng hứa đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày.  Và cứ thế nhân lên số người đọc kinh Kính Mừng.

Mỗi tháng, bà Pauline phổ biến cho các nhóm một bản suy gẫm Lời Chúa, hướng về truyền giáo.

Đầu thế kỷ XX, trước tình hình suy giảm đức tin tại Pháp, cha Joseph Eyquem lập ra những hội Mân côi.  Sinh hoạt của những người theo hội này cũng là đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày.  Ngoài ra, họ họp nhau mỗi tháng một lần. Cuộc họp không tổ chức ở nhà thờ, nhưng ở nhà tư, lúc ở nhà này, khi ở nhà khác.  Cuộc họp gồm đủ mọi thành phần.  Những tín hữu bình thường, những người ly dị, những người rối vợ rối chồng, những người xa tránh các bí tích.  Họ cầu nguyện, trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua các thử thách.

Nói chung, khi gặp những khó khăn nguy hiểm, cả trong đạo lẫn ngoài đời, người ta đã chạy lại với Đức Mẹ.  Họ khẩn cầu Mẹ bằng chuỗi Mân côi.  Và thực sự chuỗi Mân côi đã đem lại cho các tâm hồn những hy vọng lành thánh.

Chuỗi Mân côi mở kho tàng trái Tim Đức Mẹ

Trước đây, chuỗi Mân côi được truyền bá bởi các thánh, và Hội Thánh. Nay, chính Đức Mẹ lên tiếng.

Tại Fatima, khi hiện ra với ba trẻ, Phanxicô, Giacinta và Lucia, Đức Mẹ đã mang chuỗi Mân côi. Đức Mẹ cũng đã khuyên người ta hãy năng cầu nguyện kinh Mân côi.

Tại Fatima, Lộ Đức và những nơi hành hương, chuỗi Mân côi ví như những chuỗi hoa hồng của các trái tim không ngừng dâng lên Đức Mẹ.  Còn Đức Mẹ, thì luôn mưa những hoa hồng thiêng xuống cho các người chân thành cầu khấn.  Hoa hồng nói đây là những ơn phúc phần hồn phần xác.  Ơn phúc đủ loại, nhất là ơn sám hối, ơn trở về với Chúa, ơn đổi mới cuộc đời, ơn đi sâu vào Phúc Âm, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa để trở thành cộng tác viên đắc lực của Đức Mẹ đồng công cứu chuộc.

Các ơn Đức Mẹ ban qua chuỗi Mân côi phát xuất từ trái tim Đức Mẹ.  Trái tim ấy đầy tình thương và cũng đã chịu nhiều đau đớn, để cùng với Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh trên thánh giá.  Vì thế có thể nói, các ơn đó đến từ trên, và chảy vào trong nội tâm mỗi người.  Với nhận thức đó, chúng ta hiểu ý nghĩa lời Đức Mẹ nói với Bernadette ở Lộ Đức: “Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau.”  Tuy nhiên, ngay ở đời này, những ai lần chuỗi Mân côi, cũng sẽ được Đức Mẹ thương ban ơn, cách này hay cách khác.

Hiện nay, cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải.  Kinh Mân côi sẽ giúp chúng ta tìm được lối thoát.  Lối thoát sẽ từ trên trái tim Đức Mẹ mà xuống và từ trong nội tâm ta mà ra.  Nội tâm ta cầu nguyện sám hối.  Trái tim Đức Mẹ sẽ làm chứng một cách sống động lời thiên thần đã nói với Đức Mẹ xưa: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37).

ĐGM Gioan B Bùi Tuần