SỐNG MÙA VỌNG

ZZMùa Vọng, ngày xưa thường gọi là “Mùa Áp” (theo tiếng Latinh là Adventus, từ động từ Advenire, tiếng Anh là Advent, có nghĩa là “đến gần”), với ý nghĩa là Mùa “trông đợi”, “mong chờ”.

Theo truyền thống Giáo Hội, Mùa Vọng có bốn ý nghĩa sau: Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhất; Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế; Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta; Mùa chuẩn bị tâm hồn Kitô hữu xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới.

1/ Mùa Vọng là Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm.  Kỷ niệm ở đây không đơn thuần là hoài niệm, không chỉ là những hình ảnh hay biến cố để ghi nhớ, nhưng là một thực tại để sống.

Mùa Vọng trước tiên là Mùa để chúng ta sống lại lịch sử ơn cứu độ của Đức Kitô trong cuộc đời mình, bắt đầu từ việc dân Do thái mong đợi và chuẩn bị Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để “giải phóng” họ khỏi ách nô lệ, đặc biệt là nô lệ tội lỗi.  Isaia đã loan báo, Gioan Tẩy Giả đã dọn đường, dân chúng cũng đã chịu phép rửa sám hối để đón nhận Đấng Messia.

Đấng Messia là Đức Kitô đã đến, ban đầu người ta cũng hồ hởi đón nhận Ngài, nhưng rồi thấy Ngài là Đấng không giống như mình nghĩ, không hành động như mình mong, không thực hiện những điều như mình muốn, nên người ta dần dần bỏ Ngài.  Hơn nữa, vì quyền hành và tham vọng, vì kiêu căng và lòng chai dạ đá, nên các vị lãnh đạo tôn giáo muốn khai trừ Ngài.

Quả thật,“Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).  Người Do Thái đã muốn nắn đúc Vị Cứu Tinh theo ý đồ và tham vọng của họ, muốn đúc khuôn một Vị Cứu Thế theo quan niệm và mơ ước của họ, nên đã không nhận ra hay không muốn nhận ra Ngài.  Cuối cùng, Chúa Giêsu đã chết cho những ảo tưởng, kiêu căng và tội lỗi của họ, và thật ra cũng là của nhân loại, của mỗi người chúng ta.

Cho tới ngày nay họ vẫn còn gục đầu vào bức tường than khóc để chờ đợi một Đấng Messia như lòng họ mong ước, chứ không như Thiên Chúa ước mong.  Như vậy, sống lại lịch sử của ơn cứu độ trong Mùa Vọng là để chúng ta xác tín rằng, thái độ mong đợi và chuẩn bị Chúa đến trước tiên phải là hành vi tẩy nãothanh lọc cuộc sống mình, để không rơi vào tình trạng vong thân và lạc mất ơn cứu độ như dân Do Thái xưa.

Nói đến tẩy não là vì trong đầu óc ta đầy những tạp niệm, định kiến, thành kiến, thiên kiến; cũng như những hình dung và quan niệm lệch lạc hoặc thiếu xót về Thiên Chúa, về chính mình và tha nhân, để từ đó sáng lên một cái nhìn trung thực, đúng đắn, rõ ràng và thâm sâu về mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa.

Nói đến thanh lọc là vì bản thân ta luôn dễ bị ô nhiễm bởi nhiều ham muốn, đam mê, dục vọng, khiến ta sa lạc, và nô lệ cho tội lỗi.  Tội lỗi làm tâm trí ta trở nên đen tối không còn khả năng nhận diện và gặp gỡ Chúa.  Vì thế, tẩy não và thanh lọc bản thân điều kiện tối cần.  Đó cũng là hành vi tự cứu độ mình trước khi đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

2/ Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế.  Ngày đó cũng là ngày “không ngờ”, ngày mà “Con Người sẽ ngự đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả!” để xét xử phân minh.  Tuy nhiên đối với những ai có lòng tin nơi Đấng Cứu Thế, và sống theo Phúc Âm của Ngài, thì ngày đó, không đáng kinh khiếp, nhưng lại là “Ngày Giải Thoát” để bước vào miền hạnh phúc viên mãn của cuộc sống “trường sinh, vinh hiển”, một “Trời Mới Đất Mới” (Is 65, 17; 66, 22 ; Kh 21, 1-4).  Hoa quả của lòng tin chính là đức ái trong mọi tương quan hằng ngày.  Tiêu chuẩn chính yếu của ngày chung thẩm không có gì khác hơn là tình yêu mến, là đức ái (x. Mt 25, 32-55).

Dostoievski có lần kể câu chuyện về một người phụ nữ ở dưới luyện ngục, tha thiết xin thánh Phêrô cho lên thiên đàng.  Thánh nhân yêu cầu bà nhớ lại xem đã làm được điều gì tốt để ngài có thể dựa vào lý do đó mà xét cho vào Thiên đàng.  Người phụ nữ nhìn lại thật tỉ mỉ cuộc đời và nhớ chắc chắn đã có lần cho lão ăn mày khốn khổ một củ hành.  Bà vội trình với thánh Phêrô và ngài phán, vì ngươi đã cho kẻ khó một củ hành nên bây giờ ta sẽ cột sợi dây vào củ hành thả xuống luyện ngục, rồi ngươi cứ bám vào đó, ta sẽ kéo lên.  Thế là người phụ nữ bám chặt vào củ hành để thánh Phêrô kéo lên.  Khổ nỗi khi thấy bà được kéo lên, những người khác nhao nhao xin theo và bà ra sức dẫy dụa đạp họ xuống, vừa đạp vừa la “một mình tao lên thôi!”  Nhưng vì dẫy dụa quá nên sợi chỉ đứt luôn và bà vẫn ở lại chỗ cũ.

Tới lúc lên thiên đàng mà vẫn còn ích kỷ.  Câu chuyện này có thể làm ta liên tưởng đến hình ảnh các nhân vật tư tế và trợ tế trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu (x. Lc 10) khi họ vội vã lên đền thờ mà bỏ quên tha nhân trong cảnh đau khổ.  Thiếu tình yêu, thiếu bác ái với tha nhân, thì những cố gắng chu toàn các bổn phận thờ phượng có nghĩa lý gì? “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9, 13).

3/ Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta.  Không ai biết được ngày giờ nào, vì thế, hãy chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng.  Như Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào!” (Mc 13, 33).  Thánh Phaolô cũng khuyên: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra…” và mong rằng “chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến” (1Tx 5, 23)

Thường xuyên suy gẫm về sự chết là cách thế hữu hiệu nhất để sống cách tốt nhất.  Đức Hồng Y Px. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ cho chúng ta kinh nghiệm: “Nếu tôi biết ngày mai mình sẽ chết, thì hôm nay tôi sẽ sống một ngày đẹp nhất.”   Chúng ta chưa sống từng ngày đẹp nhất là vì cứ tưởng mình còn lâu mới chết.  Đó cũng là cám dỗ của ma quỉ để ta mê say cuộc sống này mà mất đi sự cảnh giác.

Ai cũng dễ ham mê gây dựng cho mình một sự nghiệp trần thế, muốn có uy tín hơn, sáng giá hơn, chức vụ cao hơn, ảnh hưởng lớn hơn, mọi người nể phục hơn, làm nên những công trình to tát hơn.  Ít có ai muốn sống âm thầm, hiền lành, khiêm tốn và vui lòng chịu khó, chịu khổ theo ý Chúa muốn; ít ai muốn chịu khinh khi, chịu xóa mình, chịu quên lãng, để sống cho Chúa và tha nhân.  Nhưng rồi tất cả những gì chúng ta gầy dựng để mong hưởng thụ cho riêng mình đều là hư vô, vì khi nằm xuống trong lòng đất rồi thì tất cả đều chấm dứt, chẳng còn lại gì.  Chẳng ai còn nhớ đến, thế hệ tương lai cũng chẳng biết ta là ai, hiện hữu cũng vậy, không hiện hữu cũng thế, duy chỉ một mình Chúa biết.  Quả thật, ý nghĩa và giá trị cuộc sống của ta chỉ ở nơi Chúa mà thôi.  Vì thế, đừng bao giờ tìm kiếm những gì ngoài Chúa, những gì không phải là  Chúa.

4/ Thực tế, Mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới. Thật sự ta chẳng bao giờ xứng đáng được với chính Chúa, Đấng thánh thiện vô ngần, nhưng chỉ là bớt bất xứng hơn. Điều này đòi hỏi mỗi người cứ phải hoán cải, sửa đổi và tu chỉnh cuộc sống không ngừng, để góp phần với Chúa làm cho cuộc sống trở nên chân thật hơn, khiêm tốn hơn, yêu thương hơn, cao đẹp hơn, an bình hơn, như tiên tri Isaia đã hô hào, như Gioan Tẩy Giả đã loan báo, như trong thơ 2Phêrô 3-9 đã nhắc lại “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em; vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mỗi người đi đến chỗ ăn năn hối cải …”.

Nguyễn Trãi có câu: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một bước sa chân là ngàn đời ân hận.  Quay đầu trở lại là trăm năm cơ đồ).  Cần làm một cuộc trở lại cách đặc biệt trong Mùa Vọng này: trở lại với Chúa, trở lại với anh em, và trở lại với chính mình để đón nhận một sức sống mới.

Chúa Giáng Sinh không chỉ là một biến cố hồng phúc đối với Đức Maria ngày xưa, nhưng còn là một biến cố ân phúc đối với mỗi người chúng ta ngày nay.  Theo cha Zundel, điều này có nghĩa là Chúa cũng muốn cho chúng ta nên giống như Đức Mẹ là cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa lớn lên trong cuộc đời mình.  Đây là điều chúng ta đọc thấy trong phụng vụ lễ Giáng sinh: “Một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta”.

Thiên Chúa muốn sinh ra từ chúng ta cũng như chúng ta được sinh ra từ Ngài.  Điều bí ẩn sâu sắc nhất của Phúc Âm, đó là Thiên Chúa muốn sinh ra từ lòng mến của chúng ta.  Người ta chỉ tin vào Thiên Chúa, tin vào Phúc Âm khi bộ mặt của Chúa Giêsu lộ rõ trong đời sống của chúng ta, để từ đó ta mới có thể trao ban Chúa cách đích thực cho người khác.  Mỗi lần khuôn mặt người khác được sáng lên do sự tiếp xúc với lòng bác ái của chúng ta, thì đó là nét mới của khuôn mặt Thiên Chúa được lộ ra.  Nếu không như thế, thì đời sống thiêng liêng, mọi hoạt động tông đồ và truyền giáo đâu có nghĩa gì.  Đó cũng chính là sự thể hiện tính cách mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Hiểu như thế và xác tín thâm sâu như vậy, chúng ta mới thấy Lễ Giáng Sinh có một ý nghĩa trọng đại trong từng năm của cuộc đời mình.  Nhờ đó, ta biết chuẩn bị bằng cách cải đổi tâm hồn mình như thế nào để phát sinh hiệu quả ơn thánh và làm lớn mạnh công trình tình yêu mà Chúa muốn thực hiện nơi mỗi người chúng ta.

LM Thái Nguyên

 

NGƯỜI GIỮ CỬA

Có bao nhiêu thời gian sống ở đời được chúng ta dành cho việc chờ đợi?

Có sự chờ đợi làm ta căng thẳng, mệt mỏi; nhưng cũng có sự chờ đợi đem lại hương vị và ý nghĩa cho cuộc sống.  Người mẹ tần tảo nuôi con, chờ ngày con thành tài.  Người vợ chờ đợi ngày chồng trở về từ biên ải.

Con người không chỉ sống bằng quá khứ nhưng còn bằng những ngóng đợi về tương lai.

Cái tương lai tưởng như mơ hồ, xa xôi mà lại lôi kéo được cái hiện tại đi về một hướng.

ZZBiết sống là biết chờ đợi
Chờ đợi làm nên cuộc sống.

Mùa vọng đưa ta đi vào thái độ chờ đợi.  Chờ đợi Chúa sẽ đến trong vinh quang mai này.  Chờ đợi Chúa vẫn đến trong niềm vui và nước mắt.

Chờ như người giữ cửa thức trắng đêm, vì không biết giờ nào chủ trở về.  Nhưng chờ không phải là thụ động khoanh tay mà là vuông tròn sứ mạng được giao phó.

Ông chủ đi xa đã để lại ngôi nhà, giao quyền cho các đầy tớ, mỗi người một việc (câu 34).

Có lẽ từ lâu ta đã thấy không cần chờ đợi Chúa, vì chúng ta có quá nhiều điều khác để đợi mong, những điều gần gũi hơn, thiết thực hơn, cấp bách hơn.

Hãy nói cho tôi biết, bạn đang chờ gì, tôi sẽ nói cho bạn biết, bạn đang đi về đâu.

Nếu không có Ai để chờ, thì cũng chẳng cần tỉnh thức.

Tỉnh thức trong đêm tối đâu phải là chuyện dễ dàng.

“Ngài trở lại và thấy các môn đệ đang ngủ… Rồi Ngài lại đến và thấy họ vẫn đang ngủ, đôi mắt họ li bì nặng giấc” (Mt 26, 40-45).

Chiến đấu chống lại sự buồn ngủ của mắt còn dễ dàng hơn chống lại sự mê ngủ của tinh thần.

Cuộc sống vật chất ngày càng cao cung ứng cho con người biết bao thứ ru ngủ và đưa con người vào cơn mê mà họ không hay biết.

Ma túy là mối đe dọa giới trẻ hôm nay.

Ma túy đi vào trường học, được bán ở cổng trường, để chích, để hút, để ngửi.  Nó cho người ta sống lâng lâng trong một thế giới ảo, để rồi không còn khả năng sống đời thực của mình nữa.  Nhưng ma túy đâu phải chỉ là bạch phiến, cần sa.

Ma túy là tất cả những gì gây nghiện, khiến con người thành nô lệ và đánh mất mình.

Tiền bạc, tiếng tăm, tình dục, tiện nghi… vẫn là những thứ ma túy mê hoặc con người.

Mùa Vọng là mùa tỉnh thức, để thành thật tự hỏi:

“Tôi đang nghiện thứ ma túy gì?”

*************************************

Lạy Chúa Giêsu, xin đánh thức con.

Xin đưa con ra khỏi cơn mê mà tự sức con không sao thoát ra được.

Xin đừng ngại đánh thức con bằng những biến cố đôi khi mạnh mẽ, nhưng xin cho con thấy bàn tay Chúa nhân từ đang cắt tỉa con vì yêu con.

Ước gì con được tỉnh táo để nhìn lại vẻ đẹp từng làm con say mê, những chỗ dựa mà con tưởng là tuyệt đối.

Như ngọn đèn chầu trong nhà nguyện, xin cho con thức luôn và sáng luôn, trước nhan Chúa.

Trích trong “Manna”

SẤP MÌNH TẠ ƠN

ZZGiáo dục cho trẻ em về lòng biết ơn là điều quan trọng.  Cha mẹ thường dạy con cám ơn người làm ơn cho mình.  Cám ơn là đi từ món quà đến người trao tặng.  Mỗi người chúng ta đã nhận biết bao quà tặng trong đời, nên chẳng ai là người trọn vẹn nếu không có lòng biết ơn.  Bản thân tôi là một quà tặng do nhiều người cho: cha mẹ, ông bà tổ tiên, các anh hùng dân tộc…  Chỉ cần để  lòng biết ơn đi lên mãi, lên tới nguồn, tôi sẽ gặp được Thiên Chúa như Người Tặng Quà viết hoa.

Đức Giêsu đã làm bao điều tốt đẹp cho người thời của Ngài.  Nhưng ít khi Tân Ước nói đến chuyện họ cám ơn, mà Đức Giêsu cũng chẳng bao giờ đòi ai cám ơn mình sau phép lạ.  Bởi đó bài Tin Mừng hôm nay thật độc đáo.  Mười người phong ở với nhau trong một ngôi làng.  Họ biết tiếng của Đức Giêsu và biết cả tên của Ngài.  Họ vui mừng thấy Ngài vào làng, nhưng họ chỉ được phép đứng xa xa.  Tiếng kêu của họ vừa bi ai, vừa đầy hy vọng được chữa lành:  “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (c. 13).  Đức Giêsu đã chẳng chữa lành cho họ ngay lập tức, như từng làm với một người phong khác trước đây (Lc 5, 12-16).  Dù họ chưa được sạch, Ngài đã bảo họ đi trình diện với các tư tế để cho thấy là mình đã khỏi rồi.  Họ đã tin tưởng, vâng phục, ra đi, và được khỏi bệnh.

Chỉ có một người, khi thấy mình được khỏi, liền quay lại.  Anh ấy lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mình tạ ơn Đức Giêsu.  Đó là một người Samaria, thời đó bị coi như người nước ngoài (c. 18).
Anh được ơn lành bệnh, và hơn nữa anh có lòng biết ơn.  Tôn vinh Thiên Chúa thì làm ở nơi nào cũng được.  Nhưng anh muốn trở lại để gặp người Thiên Chúa dùng để thi ân cho mình.

Cám ơn, biết ơn, tạ ơn, là mở ra một tương quan riêng tư mới mẻ.  Người phong xứ Samaria không chỉ được chữa lành.  Anh còn có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và người thi ân là Thầy Giêsu.  Ơn này còn lớn hơn ơn được khỏi bệnh.

Đức Giêsu có vẻ trách móc khi hỏi ba câu hỏi liên tiếp (cc. 17-18).  Ngài ngạc nhiên vì không thấy chín người Do thái kia trở lại cám ơn.  Đôi khi người Kitô hữu chúng ta cũng thiếu thái độ tạ ơn khi cầu nguyện.  Dường như chúng ta ít mãn nguyện với những ơn đã được tặng ban.  Chúng ta chỉ buồn Chúa về những ơn xin mãi mà không được.  Nhận ra ơn Chúa ban cho đời mình và biết tri ân: đó là một ơn lớn.  Người có lòng biết ơn bao giờ cũng vui.  Họ hạnh phúc với những gì Chúa ban mỗi ngày, vào giây phút hiện tại.  Biết ơn là con đường đơn sơ dẫn đến kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa.
Khi tôi biết đời tôi là một quà tặng nhận được, thì tôi sẽ sống nó như một quà tặng để trao đi.

**************************

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

TỬ ĐẠO, MỘT CHỌN LỰA CỦA LÒNG TIN

Hôm nay, chúng ta hân hoan cùng với toàn thể Giáo Hội Việt Nam mừng kính trọng thể lễ các thánh Tử Đạo tại Việt Nam.  Đây là một ngày vui mừng chung của tất cả chúng ta, những Kitô hữu mang trong mình dòng máu con Rồng, cháu Tiên.  Cách đây gần 400 năm, hay đúng hơn từ lễ Phục sinh năm 1615, khi cha Bugiơmi, dòng Tên, người Ý dâng thánh lễ đầu tiên tại Hội An, Đà Nẵng bây giờ, đạo Công giáo đã được chính thức khai nguyên và lập cơ sở ở Việt Nam.  Hạt giống Tin mừng đã được gieo vãi trên mảnh đất hình chữ “S” thân yêu này.  Cha ông chúng ta những con người có tâm hồn hiền hậu, chất phác đã đón nhận và sẵn sàng dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Tin mừng đó.

ZZThật vậy, “Tử Đạo” theo nguyên ngữ là “Martyr” có nghĩa là “làm chứng”.  Vậy thì việc cha ông chúng ta, từng lớp lớp người sẵn sàng bỏ tất cả vinh hoa, phú quý, vợ con để chết đi làm chứng điều gì?  Chắc chắn việc các ngài sẵn sàng chết không phải vì các ngài không muốn sống, nhưng là để làm chứng rằng, sự sống nơi trần thế này không phải là tuyệt đối, và mọi vinh dự ở đời này không phải là vĩnh cửu.  Với cái chết của mình, cha ông chúng ta đã cho thấy rằng: chết chưa phải là hết, nhưng là cửa ngõ để đi vào một đời sống vĩnh cửu đúng như tâm thức từ bao đời nay trong lòng người dân Việt: “sống gởi, thác về”.  Và chính dòng máu nóng của các ngài đổ ra trên mảnh đất này, đã làm phát sinh một Giáo Hội Việt Nam hôm nay, như lời Đức Kitô: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

  1. Chọn lựa của dân Do thái:

Tuy nhiên, để có thể sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho Tin mừng, cha ông chúng ta đã phải làm một cuộc chọn lựa thật quyết liệt trong tâm hồn.  Bởi vì, trong thực tế, hạnh phúc đời sau thì bây giờ chúng ta không thấy, còn tiền của, danh vọng cùng với những vinh hoa phú quý của nó, thì lại nằm ngay trước mắt.  Chính dân Do Thái khi bước vào được Đất Hứa, sau cuộc hành trình 40 năm trong sa mạc, cũng đã phải làm một cuộc chọn lựa cơ bản này.  Ông Môisê đã nói với họ: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là bị chết, bị tai họa”.  Khi dân Do thái chọn lựa “yêu mến Đức Chúa,… và gắn bó với Người”, thì không phải vì trước mắt họ nhận được một cuộc sống sung sướng, dễ dãi.  Họ chọn lựa Thiên Chúa chỉ vì họ tin tưởng vào tình yêu của Giavê Thiên Chúa, Đấng đã từng giải thoát họ thoát ách nô lệ Ai Cập, kết ước với họ, để họ được làm dân của Ngài.  Đồng thời, còn ban cho họ Đất Hứa làm gia nghiệp.

  1. Chọn lựa của cha ông chúng ta:

“Trung thành với Thiên Chúa” cũng chính là chọn lựa, mà cha ông chúng ta ngay từ những ngày đầu đón nhận Tin mừng đã quyết định.  Một cuộc chọn lựa nhìn bên ngoài có vẻ đơn giản: đó là bước qua thập giá hay không bước qua.  Bước qua thì có ngay tiền bạc, vinh hoa phú quý, còn như không bước qua thì có thể lập tức lãnh lấy cái chết.  Đứng trước thập giá, đã có người bước qua, nhưng cũng đã có nhiều người không bước qua, không quá khoá.  Đã có người được khiêng qua thánh giá, nhưng đã co chân lên như thánh Antôn Nguyễn Đích.  Đã có người bước qua thánh giá, nhưng sau lại hối hận: đó là trường hợp của ba vị thánh Augustin Phan Viết Huy, Nicôla Bùi Đức Thể, và Đaminh Đinh Đạt.  Vua quan đã bày ra trước mặt các ông mười nén vàng, một tượng Chịu Nạn và một thanh gươm rồi nói: “Cho bay tự ý chọn, bước qua tượng thì được vàng, bằng không thì gươm sẽ chặt đôi người bay ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển.”

Đúng đây là một chọn lựa nghiêm chỉnh, chọn lựa này đụng đến tương lai và sinh mạng của chính mình.  Chọn lựa này bày tỏ thái độ của bản thân tôi đối với Đức Giêsu.  Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi.  Thánh Anrê Kim Thông nói với quan tỉnh: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được.”  Còn Thánh Têphanô Ven, một linh mục trẻ, chỉ mới 31 tuổi, thuộc Hội Thừa Sai Paris đã bày tỏ chọn lựa của mình một cách thật dứt khoát, khi trả lời cho viên quan bảo ngài bước qua Thánh giá: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được?  Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”  Một chọn lựa có thể nói là đầy bấp bênh theo cái nhìn tự nhiên của con người.  Chính vì bấp bênh như thế mà những chọn lựa này trở nên có giá trị, vì nó đúng là một chọn lựa của lòng tin.

Vâng, mỗi người chúng ta chỉ nhờ có lòng tin chứ không phải nhờ bất cứ điều gì khác, mới có thể giúp mỗi người chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ.  Ý thức điều đó, thánh Phaolô mời gọi tín hữu thành Côlôsê và cũng là lời nhắc nhở từng người chúng ta: “Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc kiên quyết, và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin mừng.”  Đức tin này mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận khi chịu phép Rửa, nhưng như thế thì chưa đủ.  Đức tin đó còn phải được minh chứng bằng chính cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta.  Nhiều vị tử đạo đã được mời giả vờ bước qua thánh giá, để quan có cớ mà tha, còn đức tin bên trong thì quan không đụng đến.  Đây là một cám dỗ khá tinh vi và hấp dẫn, có vẻ như được cả hai, đời này và đời sau.  Nhưng liệu tôi có thể bên ngoài chà đạp một Đấng mà bên trong tôi tôn thờ không?  Đứng trước thánh giá là đứng trước một chọn lựa dứt khoát, không có giải pháp dung hoà hay lập lờ.  Không ai có thể làm tôi hai chủ (x. Mt 6, 24), điều này vẫn đúng cho những chọn lựa mỗi ngày của các Kitô hữu chúng ta qua mọi thời đại.

  1. Chọn lựa của chúng ta hôm nay:

Mừng lễ các thánh Tử Đạo tại Việt Nam hôm nay, lời Chúa một lần nữa mời gọi mỗi người chúng ta xét lại chọn lựa của mình. Chọn lựa này không phải chỉ một lần là xong, nhưng cần đựơc lập lại mỗi ngày.  Tôi đang chọn Chúa hay tôi chọn tôi?  Và nếu tôi chọn Chúa, tôi đã làm gì để chứng minh cho lựa chọn của mình?  Chọn lựa của chúng ta hôm nay, có thể không đòi chúng ta phải đổ máu để làm chứng cho Chúa, nhưng tôi thiết nghĩ, cũng không kém phần gian khó.  Đứng trước những bất công, tôi có dám bênh vực, hay tôi sợ phiền hà rồi im lặng?  Trước một trận bóng đá, một bộ phim hay, một giấc ngủ ngon, một lời rủ đi chơi của bạn bè và tiếng mời gọi của Chúa nơi ngôi Thánh đường này, tôi chọn điều gì?

Chớ gì, nhờ lời cầu bầu của các thánh Tử Đạo tại Việt Nam và nhất là sức mạnh của Thánh Thể, quý ông bà anh chị em và tôi đủ sức thực hiện những chọn lựa của mình.  Nhờ đó, vào ngày sau hết, tất cả chúng ta sẽ cùng được đoàn tụ với cha ông chúng ta như lời hứa của Đức Giêsu: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” Amen!

**************************************

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái dấn thân vào phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các Ngài, ca tụng tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển.  Amen!

Sưu tầm

VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy nhiều sự thật quan trọng về kết cục của con người.

Sự thật thứ nhất là: thế giới này sẽ chấm dứt.  Không có gì vĩnh cửu ở đời này.  Mọi sự sẽ qua đi. Những gì được coi là bền vững lâu dài rồi cũng tan thành cát bụi.  Của cải, tài năng, công danh cũng sẽ trở thành hư vô.  Cả đến con người cũ cũng không còn.  Sau cùng mọi người bằng nhau và phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét.

ZZSự thật thứ hai là: mọi người sẽ bị xét xử.  Tất cả mọi người sẽ tụ tập lại.  Tất cả mọi người sẽ phải trả lời về những gì mình đã làm trong cuộc đời.  Cuộc xét xử sẽ diễn ra công khai.  Những trách nhiệm liên đới sẽ được sáng tỏ.  Những liên hệ thầm kín sẽ được phơi bày.  Nếu trên trần gian ta phải chứng kiến bất công thì tại phiên xử cuối cùng này sẽ có công bằng tuyệt đối.  Chẳng ai có thể mua chuộc vị quan tòa tối cao, quyền uy và công thẳng.

Sự thật thứ ba: sẽ có một vương quốc mới.  Tuy nhiên kết thúc thế giới cũ không phải là chấm dứt tất cả.  Chúa Giêsu tổng kết thế giới cũ để đưa nhân loại vào một thế giới mới.  Thế giới không còn thời gian.  Thế giới vĩnh cửu.  Thế giới không còn đau khổ.  Thế giới hạnh phúc tràn đầy.  Vì Chúa sẽ thiết lập một vươn quốc mới: vương quốc tình yêu.  Cuộc xét xử chính là một cuộc tuyển lựa những công dân cho vương quốc mới.  Vì là vương quốc tình yêu nên chỉ những ai có tình yêu mới được vào.  Luật lệ trong vương quốc mới chỉ có một luật duy nhất: luật tình yêu.  Việc cai trị cũng chỉ theo một nguyên tắc duy nhất: tình yêu.  Chúa Giêsu trở thành Vua Tình Yêu.

Sự thật thứ bốn: đời này là cơ hội duy nhất.  Thế giới mới và vương quốc mới không phải bất ngờ mà có, nhưng được xây dựng ngay từ đời này.  Đời này tuy chóng qua nhưng là cơ hội để ta xây dựng vương quốc mới.  Những ai có lòng yêu thương anh em, đặc biệt những anh em nghèo khổ, bé mọn, sẽ được tuyển chọn vào Nước Trời.  Đời này ngắn ngủi nhưng lại là cơ hội duy nhất.  Hết đời này sẽ không còn cơ hội nữa.  Sẽ đi đến chung cuộc.  Vì thế ta phải vội vàng mau mắn thực hành giới luật yêu thương, kẻo không kịp.

Với dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho ta hết những bí mật của vận mạng thế giới.  Và chỉ vẽ cho ta con đường để được nhận vào Nước Chúa: thực hành yêu thương bằng những việc làm cụ thể.  Cho người đói ăn.  Cho người khát uống.  Cho người rách rưới ăn mặc.  Thăm viếng người đau yếu và kẻ tù đầy.  Đây là những việc vừa tầm tay mọi người.  Ai cũng có thể làm được.  Ai cũng có điều kiện để làm.

Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, xin cho con biết thực hành yêu thương, để được nhận vào Nước Chúa. Amen.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

DI CHÚC

Rồi cũng có một ngày, bác sĩ sẽ nói với tôi rằng bộ não của tôi không còn khả năng hoạt động nữa, hay nói cách khác là cuộc đời tôi hầu như đã chấm dứt.

Khi điều đó xảy ra, xin đừng cố gán ghép một cuộc sống nhân tạo vào trong cơ thể tôi bằng tất cả những thứ máy móc đó.  Xin đừng gọi đó là “giây phút lâm chung” của cuộc đời tôi, mà hãy gọi đó là một khởi đầu của sự sống mới vì tôi sẽ góp tấm thân này để giúp những người khác có được một cuộc sống lành lặn hơn.

Hãy đem ánh sáng của tôi dâng tặng cho một người đàn ông chưa từng một lần nhìn thấy ánh nắng mặt trời, chưa bao giờ được thấy gương mặt dễ thương của trẻ thơ, và chưa từng nhìn thấy tình yêu trong đôi mắt của một người phụ nữ.

ZZHãy tặng trái tim của tôi cho một người luôn bị trái tim mình hành hạ bằng những cơn đau đớn triền miên.

Hãy truyền những giọt máu của tôi cho cậu bé đang thương tích đầy mình sau tai nạn giao thông kia để nó có thể sống cho tới ngày được nhìn thấy cháu chắt của mình.

Tôi sẽ hiến hai quả thận của mình cho những ai phải sống lần hồi qua ngày bằng chiếc máy chạy thận nhân tạo.

Hãy lấy xương của tôi, từng thớ thịt của tôi, và tất cả những sợi dây thần kinh này nữa nếu điều đó giúp cho những đứa trẻ tật nguyền có thể đi lại được.

Hãy nghiên cứu từng ngóc ngách trong bộ não của tôi.  Nếu cần thiết, hãy lấy cả các tế bào, đem phát triển chúng, thí nghiệm chúng để một ngày nào đó chúng có thể giúp cho một cậu bé câm có thể bật lên tiếng nói hay để một cô bé bị điếc có thể nghe thấy tiếng mưa rơi bên ngoài cửa sổ.

Nếu tôi có còn lại gì thì hãy đem thiêu tất cả rồi thả tro vào trong gió, biết đâu nhờ gió mang đi, chúng cũng giúp ích được gì cho những bông hoa xinh đẹp kia.

Nếu buộc phải đem chôn thứ gì đó của tôi, xin hãy chôn đi tất cả những tội lỗi, yếu kém, hay những định kiến mà tôi đã dành cho những người chung quanh.

Hãy đem tội lỗi của tôi đến cho quỷ dữ.  Đem linh hồn tôi đến cho Thượng đế.  Nếu như, dù chỉ tình cờ thôi, bạn muốn nhớ đến tôi, thì hãy thay tôi làm những điều tốt hay nói những lời yêu thương với những ai đang cần đến bạn.  Nếu bạn làm đúng tất cả những điều tôi đã dặn, thì tôi sẽ không bao giờ chết!

***********************************************

Lạy Chúa,

Đứng trước cái chết, con cũng run sợ như ai
Vì con chưa thấy sẵn sàng để gặp Chúa.
Cả cuộc đời con, con đã lo toan rất nhiều,
Nhưng điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy
Thì con lại chưa làm gì cả.
Con thật dại khờ khi nghĩ rằng con sẽ có đủ thời gian,
Con sẽ làm được điều đó bất cứ lúc nào con muốn.
Nhưng sự thật là con chưa bao giờ tự làm chủ được sự sống của mình
Làm sao con lại dám cho mình cái quyền làm chủ được sự chết?
Ngày nào đó con đến trước mặt Chúa
Không biết Chúa có nhận ra con hay không,
Hay là Chúa bảo “đi cho khuất mắt Ta, hỡi phường gian ác”

Lạy Chúa là Chúa Tạo Vật,
Con xin Chúa sự khôn ngoan
Để sống trọn vẹn giây phút hiện tại
Trong ân nghĩa của Chúa
Để rồi ngày nào đó con đi gặp Chúa,
Sẽ không như hai người xa lạ
Nhưng là hai người rất thân quen.
Lúc đó, Chúa sẽ gọi con bằng tên rất trìu mến
Và giang đôi tay đón con vào lòng.  Amen!

Sưu tầm

CHẾT TRONG BÀN TAY TIN YÊU

ZZThật khó để nói lời an ủi khi đứng trước cái chết, dù người quá cố đã sống trọn cuộc đời, sống thọ và ra đi trong bình an.  Đặc biệt khó hơn khi người chết còn trẻ, còn cần được chăm sóc nuôi dưỡng, khi họ chết trong hoàn cảnh không được lý tưởng cho lắm.

Là một linh mục, tôi đã nhiều lần chủ lễ các tang lễ của những người chết trẻ vì bệnh tật, tai nạn, hay tự vẫn.  Những đám tang như thế luôn luôn buồn thảm và mang tính hoài  nghi.  Tôi còn nhớ một đám tang như vậy: Một học sinh trung học chết vì tai nạn xe hơi.  Gia đình, bạn bè, và bạn học của em lòng đầy thương tiếc đến dự chật kín cả nhà thờ.  Mẹ cậu, vẫn còn trẻ, ngồi ở hàng ghế đầu, lòng bà nặng trĩu với nỗi tang thương mất mát của mình, nhưng rõ ràng bà quặn thắt khi nghĩ về đứa con.  Và hơn hết, em chỉ là một đứa trẻ, phần nào vẫn còn cần người chăm sóc, vẫn cần mẹ.  Và bà mẹ cảm nhận em chết trẻ như thế, theo cách nào đó, cũng đã làm em trở thành em bé mồ côi.

Chẳng có mấy lời có tác dụng trong trường hợp như thế này, nhưng có vài lời mà chúng ta buộc phải nói, ngay cả trong một ngày như thế, khi cái chết vẫn còn trước mặt, khi người ta không cảm được bao nhiêu sự an ủi về mặt tình cảm được.  Phải nói gì trước một cái chết như thế?   Đơn giản là cậu bé bây giờ đang ở trong bàn tay yêu thương hơn, âu yếm hơn, dịu hiền hơn, và đáng tin cậy hơn đôi tay của chúng ta, rằng ở bên kia có một người mẹ đón nhận em, săn sóc nuôi dưỡng mà em vẫn còn cần, giống như ở đời này vậy.  Không một ai sinh ra mà lại không nằm trên bàn tay ẵm của mẹ cả.  Đó chính là hình ảnh mà chúng ta cần phải giữ trước mắt để có thể hình dung cái chết một cách lành mạnh hơn.

Vậy cụ thể hơn, hình ảnh này là gì.  Một vài hình ảnh nền tảng và dịu hiền như hình ảnh người mẹ ôm và ru đứa con mới sinh của mình.   Lời bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng, Silent Night, bài thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng nhất mọi thời đã lấy cảm hứng từ hình ảnh này.  Joseph Mohr, một linh mục trẻ người Đức, chiều trước lễ Giáng Sinh, đã đi đến một căn nhà tranh trong rừng để rửa tội cho một em bé mới sinh.  Khi ông ra về, đứa trẻ ngủ ngon trong lòng mẹ.  Ông được đánh động quá đỗi trước hình ảnh đó, trước sự sâu thẳm và bình an của hình ảnh đó, rồi khi trở về nhà xứ, ngay lập tức ông viết nên những dòng lừng danh của bản Đêm Thánh Vô Cùng.  Người hướng dẫn dàn nhạc của ông, đã thêm một vài hợp âm guitar cho những dòng này, biến chúng thành những dòng bất hủ.  Hình ảnh khuôn mẫu tuyệt đối cho yên bình, an toàn, và bảo đảm chính là hình ảnh em bé sơ sinh ngủ trong lòng mẹ. Hơn nữa, khi một đứa trẻ chào đời, không chỉ có một mình người mẹ háo hức muốn ẵm bồng mà tất cả gia đình mọi người đều muốn.

Có lẽ chẳng có hình ảnh nào phù hợp, mạnh mẽ, có sức an ủi, và chính xác hơn nữa để minh họa những gì xảy đến với chúng ta khi chết đi và tỉnh dậy trong sự sống bất diệt cho bằng hình ảnh bà mẹ ẵm đứa con mới sinh của mình.  Khi qua đời, chúng ta chết trong bàn tay Thiên Chúa, và chắc chắn chúng ta đã được đón nhận với quá đỗi yêu thương, trìu mến, dịu hiền như khi chúng ta được mẹ ẵm trên tay lúc mới sinh.  Hơn nữa, chắc chắn ở đó, chúng ta được an toàn hơn khi sinh ra trên thế gian này.  Tôi cũng nghĩ, ở đó sẽ có những vị thánh quây quần xung quanh, chờ đến lượt mình để được ẵm em bé mới sinh.  Và như thế thật an tâm nếu chúng ta chết trước khi sẵn sàng để chết, khi vẫn còn cần được chăm sóc nuôi nấng, khi vẫn còn cần một người mẹ.  Chúng ta đang ở trong đôi bàn tay an toàn, ân cần, và đầy tình chăm sóc.

Đó có thể là niềm an ủi thâm sâu bởi cái chết đẩy tất cả mỗi người chúng ta vào tình trạng mồ côi, và mỗi ngày, đều có những người chết trẻ, bất ngờ, thiếu chuẩn bị, những người vẫn còn cần được chăm sóc.  Tất cả chúng ta khi qua đời, vẫn còn đang cần một người mẹ, nhưng đức tin bảo đảm cho chúng ta rằng chúng ta sẽ được sinh ra trong đôi bàn tay đáng tin cậy hơn và được nuôi dưỡng hơn đôi bàn tay của nhân loại.

Tuy nhiên, dù có lẽ sẽ đem lại an ủi, nhưng nó vẫn không thể chấm hết nỗi đau buốt vì mất đi người thân yêu.  Chẳng gì cất đi được nỗi đau buồn đó cả, vì chẳng có gì được định để làm việc đó.  Cái chết là vết sẹo không phai trong tâm hồn chúng ta vì đó chính là những đau đớn do tình yêu mà ra.  Dietrich Bonhoeffer đã nói về điều này như sau: “Không có gì có thể khỏa lấp việc mất đi người chúng ta yêu thương. … Thật vô lý khi nói rằng Thiên Chúa lấp đầy khoảng trống, Thiên Chúa không lấp đầy nó, nhưng ngược lại, ngài vẫn để nó trống rỗng và như thế giúp chúng ta giữ mối giao tình với người đã mất cho dù cái giá của nó là nỗi đau.  … Ký ức của chúng ta, nếu càng nhiều và càng thiết tha, thì sự chia lìa càng nên khó khăn hơn.  Nhưng lòng biết ơn biến đổi những nhói buốt trong ký ức thành niềm vui thanh bình.  Vẻ đẹp của quá khứ không phải là chiếc gai đâm xé da thịt nhưng chính là tặng vật quý báu.”

Rev. Ron Rolheiser, OMI

*************************************

Tôi đã được phép giã từ.
Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em!
Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường.

Này đây chìa khóa tôi gài lên cửa,
Và cả căn nhà cũng trao trọn anh em.
Chỉ xin anh em lời tạ từ lần cuối,
Thắm đượm tình thân.
Từ lâu rồi, sống bên nhau,
Chúng mình là láng giềng lối xóm;
Nhưng anh em đã cho tôi
Nhiều hơn tôi cho lại anh em.

Bây giờ ngày đã rạng,
Đèn trong xó tối nhà tôi đã tắt.
Lệnh triệu ban rồi,
Tôi đi đây.

Rabindranath Tagore

Nén bạc

Ngày xưa, triết gia Platô (427–347 BC, trước công nguyên) người Hy Lạp đã đưa ra một thí dụ điển hình giúp chúng ta kiến tạo những điều ưu tiên trong cuộc đời.  Hãy tưởng tượng cuộc đời như một hình tam giác lớn; xếp đặt tất cả những điều coi là quan trọng dọc theo cạnh đáy của hình tam giác.  Rồi bắt đầu di chuyển những điều ưu tiên hơn lên trên.  Khi chúng ta di chuyển chúng lên trên như vậy, cạnh đáy của hình tam giác càng thu hẹp nhỏ lại để đưa những điều quan trọng hơn lên trên đỉnh của hình tam giác.  Chúng ta sẽ đặt những điều ít quan trọng nằm ở phía dưới và sẽ giữ lấy những điều coi như quan trọng hơn ở trên.  Sau cùng, khi chúng ta đạt tới đỉnh của hình tam giác, chỉ còn một chỗ duy nhất mà thôi.  Kết quả là, chúng ta sẽ tự hỏi chính mình, “Cái gì quan trọng nhất trong cuộc đời, ở trên tất cả mọi sự?”  Câu trả lời, dĩ nhiên là sống hoà hợp với ý muốn của Thiên Chúa, là đầu tư cuộc đời để thi hành thánh ý Thiên Chúa.

ZZQua dụ ngôn những nén bạc trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã tin tưởng trao ban cho mỗi người một cuộc sống, một khả năng, một kho tàng để chúng ta phát triển trở nên phong phú bằng cách sẵn lòng đầu tư khả năng của mình vào chương trình và mục đích của Ngài.

Thiên Chúa muốn chúng ta chấp nhận hy sinh cho chương trình của Ngài.  Ngài muốn hoạt động và phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống của chúng ta.

Một vị vua kia có ba người con trai, mỗi người với những tài năng riêng của mình.  Người thứ nhất có tài trồng cây ăn trái.  Người thứ hai chăn nuôi cừu.  Và người thứ ba kéo đàn vĩ cầm (violin) rất hay.  Một hôm nhà vua phải đi ra khỏi nước một thời gian lâu dài.  Trước khi ra đi, vua gọi ba người con lại và căn dặn rằng vua tin tưởng nơi họ làm cho dân chúng hài lòng trong lúc vua vắng mặt.

Lúc đầu mọi sự rất tốt đẹp.  Nhưng rồi mùa đông tới, một mùa đông lạnh giá chưa từng có.  Không còn đủ củi cho dân chúng sưởi.  Người con thứ nhất phải đối diện với một quyết định vô cùng khó khăn, có nên để dân chúng chặt một số cây ăn trái làm củi sưởi không?  Khi nhìn thấy dân chúng run rẩy trong giá buốt, cuối cùng người anh cũng phải cho phép họ làm.

Người con thứ hai cũng đã phải đối diện với một quyết định khó khăn.  Dân chúng khan hiếm lương thực để ăn trong mùa đông.  Anh có nên cho phép họ giết đàn cừu yêu quý của mình làm lương thực không?  Khi nhìn thấy trẻ con than khóc vì đói, anh đau lòng và để cho họ giết đàn cừu làm lương thực ăn qua mùa đông.

Dân chúng đã có củi để sưởi và thịt cừu để ăn trên bàn.  Tuy nhiên mùa đông khắc nghiệt vẫn cứ tiếp tục kéo dài.  Tinh thần của họ trở nên chán nản, không ai có thể làm cho họ vui vẻ, phấn khởi lên được.  Dân chúng tìm kiếm đến người con thứ ba biết kéo đàn vĩ cầm, nhưng anh từ chối không muốn chơi đàn cho họ nghe.  Cuối cùng tình thế trở nên tuyệt vọng, nhiều người đã bỏ xứ, dọn đi nơi khác.

Đến một ngày, nhà vua trở về nước.  Ông vô cùng buồn bã vì thấy rằng nhiều người đã bỏ nước ra đi.  Ông gọi ba người con lại để tường trình xem chuyện gì đã xẩy ra. Người con thứ nhất nói, “Thưa cha, con hy vọng rằng cha sẽ không giận con, nhưng mùa đông đã quá lạnh và con đã cho phép dân chúng chặt cây ăn trái xuống làm củi để sưởi.”  Người con thứ hai nói “Thưa cha, hy vọng rằng cha cũng sẽ không giận con vì khi lương thực khan hiếm, con cho phép dân chúng làm thịt bầy cừu của con.”

Nghe vậy, nhà vua thay vì giận dữ, đã ôm lấy hai người con, hãnh diện và hài lòng về họ.  Rồi người con thứ ba tiến đến với cây đàn vĩ cầm trên tay và thưa, “Thưa cha, con đã không thể nào chơi đàn nổi vì cha đã không có mặt ở đây để thưởng thức những tiếng đàn đó, hơn nữa dân chúng cũng đang chịu khổ vì đói lạnh, làm sao vui được!”

Bấy giờ người cha mới nói rằng “Hỡi con, hãy kéo đàn cho cha nghe vì bây giờ lòng cha buồn rầu tan nát.”  Người con cầm cây đàn vĩ cầm lên kéo, nhưng tự cảm thấy rằng những ngón tay của mình đã trở nên cứng nhắc vì bỏ lâu không thực tập.  Dù cố gắng hết sức, anh cũng không thể nào nhúc nhích được những ngón tay.  Sau đó người cha nói, “Con đã có thể làm cho dân chúng phấn khởi lên bằng tiếng nhạc của con, nhưng con đã từ chối không làm.  Nếu xứ sở này đã mất đi một nửa số dân, đó là lỗi tại con.  Nhưng bây giờ chính con cũng không còn có thể chơi đàn được nữa.  Đó chính là hình phạt cho con vậy”.

Để sống một cách phong phú hơn chúng ta phải biết sử dụng tài năng đã đón nhận từ Thiên Chúa. Trong dụ ngôn những nén bạc, ba người đầy tớ được trao ban những nén bạc.  Một nén bạc tương đương với 15 năm lương của một người lao động suốt cả ngày.  Trong Anh ngữ nén bạc được dịch là “talent,” lại còn có nghĩa là tài năng thiên phú tự nhiên trong các sinh hoạt sáng tạo như nghệ thuật, âm nhạc, thi phú… Tài năng tự nhiên có thể được hiểu rộng rãi hơn gồm những ơn lành chúng ta đã đón nhận từ Thiên Chúa, đặc biệt là đức tin, sức khoẻ, kiến thức và những cơ hội may mắn…  Những tài năng này đã được ban cho chúng ta không phải để cất dấu, làm mai một đi, nhưng phải được đầu tư để làm cho chúng sinh hoa kết quả.

Sưu tầm

GỌI HỒN VÀ HỒN GỌI

Nhiều người tin là có những thầy bùa có thể gọi hồn người chết về nhập vào người sống để nói chuyện.  Có người đến xin hồn cho biết những chuyện kín như ai lấy cắp tiền bạc của mình.  Có kẻ muốn hỏi hồn ý kiến phải quyết định như thế nào trong những việc hệ trọng.  Do đó, mới có chuyện “gọi hồn”.

Người ta chỉ gọi hồn người chết.  Trong Phúc Âm cũng có nói đến chuyện “gọi hồn.”  Chuyện rất lạ.  Người trong Phúc Âm kể không gọi hồn kẻ chết mà là hồn người sống!  Trước khi tìm hiểu chuyện gọi hồn này trong Phúc Âm, ta thử đặt vấn đề: “gọi hồn” hay là “hồn họi”?  Người ta đã nói đến “gọi hồn” rồi, có thể có vấn đề “hồn gọi” không?

Không có xác, hồn đi lang thang, người ta gọi là “hồn ma vất vưởng.”  Không có hồn, chỉ có xác nằm đấy, người ta bảo là “xác ma không hồn.”  Con người là tổng hợp của cả hồn và xác.  Thiếu một trong hai thì người ta gọi là “ma!”  Hễ có tổng hợp là có liên hệ tương quan.  Tin Mừng có nói đến liên hệ này giữa xác hồn.  “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ.  Vì linh hồn thì hăng hái, nhưng thân xác lại yếu đuối” (Mt 26:4).

Thân xác yếu đuối, linh hồn hăng hái.  Có khác nhau trong tương quan giữa xác và hồn.  Như thế, thân xác có tiếng nói của thân xác.  Hồn có ngôn ngữ của hồn.  Vậy có “gọi hồn” thì cũng có “hồn gọi.”  Hai ngôn ngữ khác nhau thì “hồn gọi” rất khác với “gọi hồn.”  Một đàng là hồn gọi thân xác theo mình.  Một bên là thân xác gọi hồn đến với mình.

ZZMột Con Người: Hai Tiếng Gọi

Nhà văn Tuý Hồng có cuốn tiểu thuyết nhan đề: “Tôi Nhìn Tôi Trên Vách.”  Đức Cha Bùi Tuần viết tập sách thiêng liêng, đặt tên là: “Nói Với Chính Mình” tựa đề những tác phẩm trên nói lên một nội dung là có băn khoăn, có thao thức, mà cách nào đó có vấn đề giữa mình với mình.

Trong thư gửi giáo đoàn Roma, Phaolô cũng tự “tôi nhìn tôi trên vách” rồi thú nhận về con người mình:

“Tôi khám phá ra luật này: Khi tôi làm sự thiện thì thấy sự ác xuất hiện ngay.  Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì lề luật Thiên Chúa.  Nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi tỏng luật của tội là luật vẫn nằm trong chi thể tôi” (Rm 7:21-23).

Nói “tôi nhìn tôi” là nói đến hai nhân vật.  Một bên là chủ thể nhìn, một bên là khách thể bị nhìn.  Cũng vậy, khi “nói với chính mình” là có người nói, có người nghe.  Nhưng ở đây, người nghe cũng là người nói, người nhìn cũng là kẻ bị nhìn.  Trong tương quan xác – hồn thì ai theo ai khi nghe tiếng phía bên kia gọi” Ai dừng lại khi thấy phía bên kia nhìn mình?

Hồn Gọi

Hồn gọi là hồn muốn nói với xác.  Hồn bất tử.  Hồn không thể chết.  Đặc tính ấy cho thấy hồn có một giá trị cao hơn xác.  Trong đời sống thường nhật, người ta đồng ý là vật chất rất cần thiết, nhưng tinh thần có giá trị đẹp hơn vật chất.  Chẳng hạn như lòng chung thuỷ thì đáng ca ngợi hơn nhan sắc.  Tình yêu thì quý hơn bạc vàng.  Vì thế, mới có những hy sinh cao thượng.  Có người chết cho quê hương, có kẻ chết vì lý tưởng.  Do đấy, mới có những thiên anh hùng ca.

Lúc đói, ngôn ngữ của xác bảo: Hãy ăn.  Tất cả thú vật đều làm thế.  Xác càng đói thì tiếng đòi ăn của xác càng mạnh.  Ấy vậy mà có lúc đói ta vẫn chống lại, không ăn.  Như thế, tiếng nói bảo: “đừng ăn” không thể đến từ xác.  Nó phải là tiếng của hồn ta gọi xác ta.  Khi xác muốn ăn mà hồn bảo “đừng” là hồn tìm lý do, lý luận và điều khiển xác.  Bởi đó, “hồn gọi” là hồn suy luận, phân tích và hướng dẫn xác trước khi để cho sự việc xảy tới.

Ta ít nghe nói đến “hồn gọi”, nhưng trong đời sống hằng ngày, chẳng mấy lúc mà hồn không gọi xác.  Khi xác đói, ta xoè tay muốn lấy trộm củ khoai, hồn suy nghĩ rồi bảo: Không!  Thiếu tiếng “hồn gọi”, xác chỉ nói ngôn ngữ tự nhiên của đòi hỏi sinh lý thì con người và loài vật giống nhau.  Tiếng “hồn gọi” là tiếng lương tâm Thượng Đế in dấu nơi con người nên bao giờ cũng đúng, nó chỉ đạo cho xác.  Và như thế, tiếng “hồn gọi” bao giờ cũng là tiếng gọi đẹp.  “Hướng đi của xác thịt là sự chết, còn hướng đi của hồn là sự sống và bình an” (Rm 8:6).

Cũng có những trường hợp lương tâm sai, nhưng là do con người làm sai.  Tuy nhiên, dẫu có sai, nó chỉ sai một phần nào, chứ lương tâm không thể mất dạng.  Những câu nói tự nhiên hằng ngày như “hãy lắng nghe tiếng lương tâm”, đấy chẳng phải là chứng từ chấp nhận hồn nói với xác hay sao. Và khi chấp nhận như thế, chẳng phải là đã đồng ý cho hồn một sứ mạng hướng dẫn xác hay sao.

Gọi Hồn

Nếu xác có ngôn ngữ riêng thì tiếng xác “gọi hồn” thế nào?  Ngay cả những người biết Phúc Âm cũng tin hồn cao hơn cả thể xác.  Nguyễn Du, trong Kiều viết rằng: “Xác là thể phách, hồn là tinh anh.”  Vì hồn tinh anh nên người ta mới “gọi hồn” người chết về mà vấn ý.  Nhưng chuyện “gọi hồn” trong Phúc Âm thì rất lạ.  Tin Mừng Matthêu ghi câu chuyện “gọi hồn” người sống như sau:

Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây?  Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!”  Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, và tích trữ tất cả lúa và của cải của mình vào đó.  Lúc đó ta sẽ nhủ lòng: hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê chề của cải, dư xài nhiều năm.  Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:16-19).

Đã chết đâu mà ông phú hộ ấy gọi hồn về.  Làm sao hồn có thể ăn mà lại gọi hồn đến?  Có người đem khoanh thịt ra mộ bia rồi lại đem về.  Đó là biểu tượng nhớ thương nhiều hơn là tin rằng hồn thực sự ăn.  Hồn thuộc thế giới thiêng liêng, làm sao lấy thịt thà, rượu bánh là vật chất mà đãi hồn là thế giới vô hình?  Vậy mà ông phú hộ mời hồn đến “ăn uống vui chơi cho đã.”  Cái lầm lẫn của ông ta là cho hồn thứ không thể ăn.  Tiếng “gọi hồn” của ông ở đây là một nghịch lý hoang tưởng.  Ông ta tin vào hoang tưởng này và kiên quyết “gọi hồn”.

Phúc Âm kết đã kết thúc cái phi lý đó:

“Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc!  Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?  Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc12:20-21).

Liên hệ hồn xác gọi nhau là những tiếng gọi cho những hướng đi khác biệt.  Giữa “hồn gọi” và “gọi hồn” có một phân tranh rất rõ.  “Anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn” (1Phêrô 2:11).

Hãy để ý là trong câu chuyện gọi hồn của ông phú hộ, theo mạch văn tường thuật, ta thấy trong căn nhà ấy rất vắng.  Không có ai.  Không thấy ông nói đến vợ con, không thấy nói đến anh em, không thấy nói đến bạn bè, không thấy nói đến người hàng xóm, chỉ có mình ông ta lẻ loi.  Nổi bật lên là một thế giới khép kín lạnh lùng.

Không có ai để mà gọi, chỉ xác của ông gọi hồn ông thôi.  Hồn không ăn được thóc chứa trong kho, hồn không uống được ly rượu trên bàn.  Ông gọi sai chỗ, ông cho lầm đối tượng.  Tại sao vậy?  Vì ông quá cô độc không có ai nên mới phải gọi hồn về ăn?  Hay tại ông chỉ muốn cho hồn ông ăn thôi nên ông chẳng có ai chung quanh cuộc đời và ông thành cô độc?  Hình ảnh chỉ có một mình ông trong căn nhà vắng là bóng hình rất âm u.

Hồn không ăn được mà ông ta cứ gọi hồn, câu chuyện kỳ lạ là ở chỗ ấy.

Đi qua nghĩa trang vào ngày rằm, ta thấy xôi gà, những khoanh thịt trước mộ người chết.  Khi chết rồi người ta mới đem đồ ăn cho hồn.  Hay nói cách khác, hễ có hồn, có đồ ăn là có bóng hình mộ người chết.  Hình ảnh “gọi hồn” này làm cho căn nhà của ông phú hộ phảng phất một chút ma quái của thế giới bên kia.  Trong cái sống đã có cái chết.  U uẩn.  Một nấm mồ.

Qua những tháng ngày trăn trở nhìn mình, biết có tiếng “hồn gọi.”  Ray rứt khi mình nghe mình và cũng muốn có tiếng “gọi hồn.”  Rồi, Phaolô nói với chính mình phải bỏ tiếng “gọi hồn” đi mà nghe tiếng “hồn gọi”:

“Nếu anh em sống theo xác thịt anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em được sống” (Rm 8:13). “Hướng đi của xác thịt là phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa” (Rm 8:7).

Trong căn nhà vắng, bóng hình người phú hộ cô độc cất tiếng “gọi hồn”.  Nghe như âm vang hồn đã xa rồi.  Và quả là thế.  Trong ý nghĩa của Phaolô than thuở: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rom 7:20).  Thì, lúc này hồn ông phú hộ đang trăn trở lắm với tiếng gọi của thân xác.  Hồn ấy muốn đi xa.  “Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm. 7:20).  Hồn chạy trốn.  “Vẫn biết rằng lề luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét tôi lại làm” (Rm 7:14-15).  Giằng co.  Âm vang của xác “gọi hồn” rất kỳ bí, tàn bạo.

Đời Phaolô đã khổ sở trong tiếng gọi của xác.  Có hai tiếng gọi thật đấy, nhưng Phaolô đã nghe tiếng “hồn gọi” chứ không để xác “gọi hồn” theo.  “Được cả thế gian mà mất linh hồn thì nào lợi ích gì?” (Mt 16:26).

Ta thấy trong căn nhà ông phú hộ chỉ có một mình ông.  Phải chăng sự say mê đi tìm, tích luỹ gạo thóc ấy làm ông cô độc?  Cô độc, không có ai chung quanh, một mình, và sau cùng, xác người phú hộ cất tiếng cười mời hồn đến.  “Hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm.  Thôi, cứ nghỉ chơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”  Sự sai lầm trong tiếng trong tiếng “gọi hồn” của ông đã được Chúa đặt lại thành câu hỏi: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng người, thì nhũng gì người sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12:20-21).

Câu hỏi ấy cũng vẫn là câu hỏi cần thiết cho cuộc sống hôm nay để nhắc nhở chính mình về hạnh phúc đích thực mai sau cho linh hồn.

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ.

VỀ NƠI TĨNH LẶNG

Bên cạnh cuộc sống ồn ào, vội vã, có người về nơi tĩnh lặng, những vành khăn tang, những tiếng kèn đồng đưa tiễn, những lời kinh chen lẫn tiếng ồn ào của xe cộ, những chiếc máy phát âm thanh, những tiếng rao, cười nói.  Người yên lặng ra đi như gợi lại một lời Chúa bảo các Tông đồ: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31).

Tĩnh tâm: Để tâm hồn thanh thản yên tĩnh không trĩu nặng buồn hay vui, không mê ảo, không xáo động.  Tâm tĩnh là một trạng thái tựa mặt hồ tĩnh lặng soi bóng hàng cây, bầu trời, rõ nét, không lẫn lộn.  Hiệu quả tâm tình ZZluôn là sáng suốt sáng tạo, trong sáng trong suy nghĩ.  Như lời thầm thì, kinh nghiệm của Thánh Phanxicô Assisi trong bài ca mặt trời, nói về tĩnh lặng của tâm hồn để kể về anh mặt trời, chị mặt trăng, anh gió và chị nước, trong đó lời của thiên nhiên tỏ bày những tâm tư sâu kín của cõi lòng con người.  Tĩnh lặng để nói với đóa hoa chưa nở về buổi khai nguyên, về những gì sắp hoàn tất và ngay cả những gì chưa thể hoàn tất.  Trong nội tâm sâu kín của con người cũng mang đầy ước vọng, khi dồi dào, phong phú; khi khô hạn, héo hon; khi vui tươi hoặc cả khi buồn chán.  Yên tĩnh để tiếng nói của Tình Yêu vô tận ngỏ lời, vì trong tiếng nói Tình Yêu ấy sẽ như làn gió mát đuổi cơn nồng, có thể như ngày mới của bình minh chiếu toả.  Sức mạnh không vận dụng từ bên ngoài mà vận dụng tự nội tâm thanh vắng.  Chúa Giêsu nói với các Tông đồ sau khi vui mừng gặt hái kết quả của chuyến loan báo Tin Mừng: “tìm nơi thanh vắng”.

Nơi an nghỉ: Trong tiếng nói yên tĩnh nhất của “chị chết”, mọi người đều không thoát nổi, nhưng “chị chết” cũng cần tập chết đi cho mỗi ngày.  “Hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6, 11).  Chết, một sự an nghỉ hoàn toàn, không tội lỗi trọng nào, ấy là cái chết đối với tội lỗi.  Vậy “chị chết”, như hạt lúa gieo vào lòng đất, trong mình nó ươm mầm một sự sống, như bình minh sẽ mọc sau đêm tối.  Tĩnh lặng của sự chết không phải là kết thúc mà là một thời gian cần thiết nghỉ ngơi, lấy lại sức lực, đổ rỗng những nặng nề mang lấy gánh nhẹ nhàng.  Kinh nghiệm của tĩnh lặng từ nơi “chị chết” giống như thời gian lặng yên nhìn lại mình trong sám hối, chuẩn bị cho việc đối diện với chính mình bằng việc xưng tội.  Bình minh sẽ lên, chính vì thế, trong bài ca mặt trời của Thánh Phanxicô vẫn liên kết chị chết với anh mặt trời, để không chết trong lần thứ hai là chết trong tội trọng đáng thương, thiếu mất một bình minh.

An tĩnh để kể về tình yêu

Tình yêu như Thánh Phanxicô tường thuật, đó là lời kể của Thiên Chúa thì thầm trong các thụ tạo.  Kể cho đất nghe, chính bàn tay Thiên Chúa đã làm nên, kể cho nắng nghe, Chúa đã làm ra mặt trời, kể cho người nghe, tất cả thụ tạo được trao cho họ…  Ân nghĩa dồi dào từ mẹ thiên nhiên, nếu con người biết yên tĩnh để lắng nghe, sẽ nhận ra vì yêu thương “con người được tạo dựng giống hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa” (St 1, 27).  Con người được yêu thương để sống yêu thương, con người sẽ không tàn phá thiên nhiên, con người sẽ sống hài hoà với nhau, tôn trọng sự sống của nhau.  Con người an tĩnh sẽ tường thuật tình yêu trong cuộc đời mình, “không thù hận, không oán ghét, không mừng vui vì những bất công, không ích kỷ tìm tư lợi” (x. 1 Cr 13, 4).  Tĩnh lặng để nhận ra lẽ sống của “Kinh Hoà bình”, “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”  Rất nhiều sứ điệp để kể về về tình yêu để con người sống trong thế giới hoà bình.  Tắt đi những chiến tranh, những vũ khí hạng nặng, những thứ giết người hàng loạt, những sự kiện khủng bố, những lời dao búa, những tính chất côn đồ…

Yên tĩnh để suy nghĩ về những điều tuyệt diệu của cuộc sống bằng lời mời gọi “vào nơi tĩnh lặng”, sống tâm tư của tháng mười một, nơi các linh hồn đang an nghỉ và kể về bình an của sự chết trong ánh sáng bình minh.

LM Giuse Hoàng Kim Toàn