ƠN CHÚA THÁNH THẦN

“Thiên Chúa của chúng ta không xuống từ trời mỗi ngày để ngự nơi chén thánh vàng.  Ngài đến để tìm một thiên đàng vô cùng quý giá – đó là thiên đàng linh hồn của chúng ta, được dựng nên giống hình ảnh Ngài, nơi ấy chính là đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi” – Thánh Thêrêsa Hài Đồng Giêsu.

ZZ

Nhân dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và đây cũng là lúc các em trong giáo phận lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm những món quà cao quý mà Chúa Thánh Thần hằng ban cho chúng ta trong cuộc sống làm con Chúa.  Qua những món quà thiêng liêng này con người chúng ta được uốn nắn và biến đổi hầu tâm hồn chúng ta cũng được trở nên đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi như lời mời gọi của Thánh Nữ Thêrêsa Hài Đồng Giêsu.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng không có thể phủ nhận những hoa quả thiêng liêng mà chúng ta thường nhận được trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như yêu thương, hoan hỉ, an bình, nhân hậu, quảng đại, chung thủy, tha thứ, dịu dàng, tự chế, kiên nhẫn, chịu đựng, khoan dung.  Lắm lúc chúng ta sống những hoa quả ấy nhưng chẳng bao giờ nhìn lại để cám ơn Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn, thúc đẩy và uốn nắn chúng ta sống trong tình yêu của Ngài.

Một điều mà chúng ta có thể khẳng định đó là Chúa Thánh Thần luôn luôn hoạt động trong chúng ta, từ lúc chúng ta sinh ra cho đến khi lìa trần.  Ngay cả khi linh hồn chúng ta lìa khỏi xác, chính Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn đưa linh hồn chúng ta về gặp Đấng Sinh Thành.  Bởi thế, chúng ta đừng bao giờ nghĩ tự mình có thể phát xuất những hành động yêu thương, hay những lời nói bao dung chân thành.  Tất cả đều là ơn của Chúa Thánh Thần.  Khi chúng ta cảm thấy hoan hỉ hay hãnh diện vì mình đã tự kiềm chế được chính mình, chúng ta hãy lắng đọng lại và cám ơn Chúa Thánh Thần đã ban cho chúng ta những hoa quả ngọt ngào ấy, và xin Ngài dạy cho chúng ta biết hoan hỉ và hãnh diện trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi vì một con tim biết ơn là một con tim khiêm hạ.

Mặc dầu Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong ta, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biết lắng nghe và chọn Ngài.  Lắm lúc, chúng ta để những chuyện bên ngoài làm cho tâm hồn bị giao động và chúng ta hành động theo những thúc đẩy (impulses) trong ta.  Lúc đó, chúng ta cũng đừng có chán nản và để cho tâm hồn chúng ta bị áy náy dày vò, nhưng xin ơn để biết bám vào Chúa Thánh Thần và xin Ngài ban cho chúng ta ơn sám hối.  Đồng thời xin Ngài dạy cho chúng ta biết thấy và chấp nhận những chuyện đã qua trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Bởi vì không phải tự chúng ta biến đổi chính mình, nhưng chính ơn Chúa Thánh Thần giúp biến đổi con người và tâm trí ta.

Những gì được nhắc đến là hoa quả của Chúa Thánh Thần, và những hoa quả ấy được phát xuất từ bảy ơn của Chúa Thánh Thần, và bảy ơn đó được nhắc đến trong sách I-sai-ia 11:2-3:

                                    Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,
từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.
Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này:
Thần khí khôn ngoan, và minh mẫn,
thần khí mưu lược và dũng mãnh,
thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa Trời.

Đây là đoạn Kinh Thánh tiên báo về Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng mang thân phận yếu đuối của con người nhưng được hoàn hảo nhờ những ơn của Chúa Thánh Thần.  Qua đoạn Kinh Thánh này chúng ta có thể nói rằng Đức Giêsu đã không tự mình thánh hoá để được trở nên hoàn hảo.  Nhưng Ngài đã được thánh thiện nhờ lãnh nhận và chọn để được thánh hoá bởi ơn của Chúa Thánh Thần.  Lắm lúc chúng ta quên Đức Kitô là một con người hoàn toàn như chúng ta.  Ngài thật sự đã sống trọn vẹn trong thân phận của một con người nhưng Ngài đã để sự khôn ngoan của Thần Khí làm chủ đời mình và luôn sống trung thành trong ơn gọi làm con.  Đức Kitô đã mở lòng để cho Thần Khí uốn nắn và dạy dỗ hầu tâm hồn của Ngài hiểu biết và tin rằng mọi sự tốt lành đến từ Thiên Chúa Cha.

Sống trong Thần Khí của Thiên Chúa đòi hỏi Đức Kitô phải sống cuộc sống lắng đọng và biết minh mẫn để nhận định ra tiếng gọi từ phía bên trong, và xin được ơn dũng cảm để đón nhận và thi hành những nhiệm vụ đã được giao phó.  Sống trong Thần Khí là đón nhận cuộc sống từ bỏ chính mình. Đức Kitô đã dâng trót đời Ngài và sẵn sàng để Thiên Chúa Cha lo liệu và tin rằng Thiên Chúa Cha là Đấng Quan Phòng và yêu thương.  Khi Đức Kitô đón nhận ơn gọi làm con, Ngài đã để vinh quang và sự thánh thiện của Thiên Chúa Cha bao bọc lấy mình và Ngài đã buông thả tất cả để sống trong sự thánh thiện ấy.  Là một người con hoàn hảo, Đức Kitô luôn tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa Cha vì lòng mến của Ngài dành cho Cha Ngài.

Hơn nữa, vì Ngôi Lời đã nhập thể và ở trong mỗi người chúng ta, chúng ta được thừa hưởng những ơn Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha đã ban cho Chúa Giêsu.  Bởi thế chúng ta cần luôn xin ơn để sống trong Thần Khí của Ngài và biết cảm tạ và tri ân vì những ân sủng Ngài ban cho chúng ta qua Chúa Thánh Thần.  Xin Chúa Thánh Thần đổi mới con người chúng ta để chúng ta luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống hàng ngày.

Củ Khoai

 

 

LỬA THÁNH THẦN

ZZTrước khi về trời, Chúa Giêsu đã nhiều lần hứa sẽ gửi Thánh Thần đến an ủi các môn đệ.  Quả thật, các ngài không phải chờ đợi lâu.  Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần xuống đầy tràn trên các ngài.  Ơn Chúa Thánh Thần thật mãnh liệt.  Chúa Thánh Thần đã đụng chạm đến các ngài.  Chúa Thánh Thần như nguồn nhựa sống thấm tẩm vào từng chân tơ kẽ tóc làm cho các ngài thay đổi da thịt, trở thành con người mới.  Các ngài đã cảm nghiệm được sự tác động ấy.  Đó là cảm nghiệm về một ngọn lửa.

Chúa Thánh Thần là ngọn lửa thanh luyện.

 

Giống như ngọn lửa thanh luyện vàng và kim loại khỏi các tạp chất, ngọn lửa Thánh Thần tẩy sạch con người cũ của các tông đồ.  Trước kia các tông đồ là những người nhỏ nhen ích kỉ, ham hố danh vọng, thường tranh nhau chỗ cao chỗ thấp.  Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các Ngài trở nên quảng đại, hy sinh quên mình, chỉ nghĩ đến phục vụ Nước Chúa.  Trước kia các Tông đồ là những người nhút nhát, dễ thay đổi.  Nhưng khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các Ngài đã trở nên cam đảm, trung thành làm cho Chúa đến nỗi dám hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa.  Hơi ấm của Chúa Thánh Thần băng bó những vết thương làm cho tâm hồn các Ngài liền da liền thịt, sạch hết mặc cảm, trở nên những con người hoàn toàn mới.

Chúa Thánh Thần là ngọn lửa soi sáng.

Ai đã có lần đi trong hang động tối tăm mới hiểu được nỗi khổ của người mò mẫm lần từng bước dò đường đi.  Những tảng đá lởm chởm, những thú vật độc ác, những vực sâu hiểm nghèo đang rình chờ cướp mạng sống của người mạo hiểm.  Hạnh phúc biết bao khi có ánh sáng tới.  Đường đi xuất hiện rõ ràng.  Khách bộ hành an tâm mạnh dạn tiến bước.

Trước kia, các Tông đồ giống như người đi trong đêm tối, không biết đường biết hướng về đâu.  Lửa Chúa Thánh Thần đến soi sáng trí khôn biến những bác ngư phủ quê mùa trở nên sáng suốt thông minh, hiểu biết Lời Chúa.  Lửa Chúa Thánh Thần soi sáng đường đi, biến những môn đệ mất Thầy như bầy ong vỡ tổ trở nên những người lãnh đạo dẫn đường cho một đoàn dân mới tiến về Quê Trời.

Chúa Thánh Thần là ngọn lửa sự sống.

Sau ngày Chúa Giêsu chịu chết, các Tông đồ sợ hãi tản lạc tứ phía.  Các ngài phải trốn chạy.  Các ngài phải ẩn nấp, Các ngài sống trong sợ sệt lo âu.  Các ngài phải đóng kín cửa nhà vì sợ người Do thái.  Các ngài sống nhưng tựa như đã chết.  Các ngài giống như cái xác không hồn.  Nhưng sau khi nhận được ơn Chúa Thánh Thần, các ngài nhận được nguồn sống.  Các ngài bừng tỉnh như sau một giấc ngủ.  Các ngài mạnh mẽ như người hồi phục sau cơn trọng bệnh.  Sự sống mãnh liệt trào tuôn khiến các ngài không còn có thể bó gối ngồi một chỗ, nhưng mạnh mẽ mở cửa ra đi rao giảng Lời Chúa.  Sự sống mãnh liệt trào tuôn khiến các cộng đoàn phát triển mau chóng.  Ngọn lửa Chúa Thánh Thần đã đem lại sự sống, sự sống lại và là sự sống mới cho các Tông đồ, cho các tín hữu.

Ngày nay chúng ta cảm ơn Chúa Thánh Thần hơn bao giờ hết.  Trong bản thân cũng như trong cộng đoàn chúng ta có nhiều tì tích hoen ố.  Chỉ có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần mới có thể thanh luyện tâm hồn chúng ta.  Thế giới hôm nay đầy những bóng tối.  Chỉ có ngọn lửa Chúa Thánh Thần mới có thể soi sáng cho chúng ta biết đường lối mà đi.  Thế giới hôm nay chứa đầy văn minh sự chết, đưa con người tới huỷ diệt.  Chỉ có ngọn lửa Chúa Thánh Thần mới hồi phục, đưa ta vào sự sống mới trong Đức Kitô.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.  Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

SỰ HIỆN DIỆN THINH LẶNG CỦA THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI CHÚNG TA

Thi sĩ Rumi cho rằng chúng ta sống với một bí mật sâu kín mà có lúc chúng ta biết, có lúc chúng ta không.

Và điều này sẽ giúp chúng ta hiểu nhiều về đức tin của mình.  Một trong những lý do vì sao chúng ta phải vật lộn với đức tin, chính là vì sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta và trong thế giới của chúng ta, hiếm khi rõ ràng, mạnh mẽ như một chuyện không thể bác bỏ.  Thiên Chúa không hành động như thế.  Mà sự hiện diện của Thiên Chúa, trước những nản lòng và mất kiên nhẫn của chúng ta, là một sự gì đó lặng lẽ và dường như bất lực bên trong chúng ta.  Hiếm khi sự hiện diện đó bùng lên dữ dội.

Vì không hiểu đủ về chuyện này, chúng ta có khuynh hướng hiểu lầm những động lực của đức tin và rồi thấy mình theo thói quen đang cố gắng đặt đức tin của mình trên một điều gì đó ồn ào, rõ ràng, mạnh mẽ hơn.  Chúng ta luôn tìm kiếm một điều gì đó vượt ngoài cái mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta.  Nhưng chúng ta phải nhận biết, từ cách Thiên Chúa đến với thế giới này trong hình hài em bé, rằng đức tin của chúng ta cần phải đặt nền tảng trên một điều gì đó lặng lẽ và không kịch tính.  Như chúng ta biết, Chúa Giêsu sinh ra trong đời, không một uy quyền hay báo hiệu ầm ĩ nào, Ngài là một em bé nằm bất lực trong máng cỏ, như bất kỳ đứa bé nào trên đời.  Việc hạ sinh của Ngài chẳng có gì đặc biệt dưới con mắt người đời.  Rồi, trong đời sứ mạng của mình, Ngài chẳng bao giờ làm phép lạ để chứng tỏ thiên tính của mình, nhưng chỉ làm phép lạ vì lòng thương hay để bày tỏ về Thiên Chúa mà thôi.  Chúa Giêsu không bao giờ dùng quyền năng thiêng liêng để cố gắng chứng tỏ Thiên Chúa tồn tại, bất chấp những hoài nghi của dân chúng.  Đời rao giảng của Ngài, cũng như việc hạ sinh của Ngài, không phải là những nỗ lực cố gắng chứng minh Thiên Chúa hiện hữu.  Nhưng là để dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa như thế nào và Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện.

ZZHơn nữa, lời dạy của Chúa Giêsu về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời chúng ta cũng làm rõ rằng sự hiện diện này gần như lặng lẽ và dấu kín, như cái cây lớn dần trong thinh lặng khi chúng ta đang ngủ, như men làm dậy bột mà chúng ta không thấy được, như mùa hè biến cây khô cằn nên xanh tốt, như một cây cải con khiến chúng ta bất ngờ khi thấy nó lớn lên cao đến chừng nào, như một người tha thứ cho kẻ thù của mình vậy.  Dường như, Thiên Chúa hành động theo những cách thinh lặng và khuất khỏi tầm mắt chúng ta.  Thiên Chúa mà Chúa Giêsu là hiện thân, không rõ ràng mạnh mẽ cũng không bừng bừng bùng nổ.

Qua việc này, đây là một bài học đức tin quan trọng cho chúng ta.  Nói đơn giản là, Thiên Chúa ở trong chúng ta, sâu bên trong, nhưng theo một cách gần như không tồn tại, gần như không cảm được, gần như chẳng thấy, và dễ bị lờ đi.  Nhưng, trong khi sự hiện diện đó không bao giờ quá đỗi mạnh mẽ, nhưng lại mang trong mình một mệnh lệnh nhẹ nhàng nhưng không dứt, một cưỡng bách hướng đến một sự cao cả hơn, đang mời gọi chúng ta hòa mình vào.  Và nếu chúng ta hòa mình vào, thì nó sẽ tuôn trào trong chúng ta một dòng chảy bất tận, hướng dẫn, nuôi dưỡng, lấp đầy chúng ta bằng sinh lực vô biên.

Điều này rất quan trọng để hiểu được đức tin.  Thiên Chúa đặt để trong chúng ta một lời mời, hoàn toàn tôn trọng tự do của chúng ta, không bao giờ áp đặt cũng không bao giờ từ bỏ.  Điều này ở trong chúng ta, như một trẻ bé bất lực nằm trong máng cỏ, nhẹ nhàng vẫy tay với chúng ta, nhưng không thể tự mình bắt chúng ta phải nắm lấy.

Ví dụ như C.S. Lewis, khi giải thích vì sao cuối cùng ông trở thành “một người trở lại ngoan cố nhất trong lịch sử Kitô giáo” (theo lời của ông), đã viết rằng, trong suốt nhiều năm, ông đã có thể bác bỏ được một tiếng nói bên trong bản thân, vì tiếng đó gần như không tồn tại, gần như không cảm được, và hầu như bị lờ đi.  Mặt khác, khi nhìn lại quá khứ, ông nhận ra rằng tiếng đó luôn luôn có đó, một thôi thúc nhẹ nhàng nhưng không ngớt, ra hiệu cho ông hãy lấy từ nó một sự gì đó mà đến cuối cùng ông nhận ra đó là một mệnh lệnh nhẹ nhàng nhưng không nhượng bộ, và vô cùng khẩn thiết, một “cưỡng bách”, mà nếu ông tuân theo, sẽ đưa ông đến với tự do.

Ruth Burrows, nữ tu dòng Carmen và là nhà thần nghiệm người Anh, đã mô tả một cảm nghiệm tương tự trong tự thuật của mình, Trước mặt Thiên Chúa hằng sống.  Bà ghi lại tuổi thanh xuân, mô tả tính lửng lơ và thiếu cuốn hút trong đời sống đạo của mình.  Nhưng cuối cùng, bà không chỉ nghiêm túc về đường sống đạo mà còn trở thành một nữ tu dòng Carmen.  Chuyện gì đã xảy ra?  Một ngày nọ, trong nhà nguyện, gần như đi ngược lại với ý muốn của mình, và được thúc đẩy bởi một loạt hoàn cảnh tình cờ, bà đã mở lòng mình với tiếng gọi bên trong, mà lâu nay bà đã lờ đi vì nó nằm trong lòng bà nhưng gần như không tồn tại, gần như không cảm được, và hầu như không thấy được.  Nhưng một khi đã chạm đến, thì nó tuôn trào ra như một cái gì thâm sâu nhất và thật nhất trong bà, rồi định hướng để bà đi theo nó suốt đời.  Cũng như C.S. Lewis, bà cũng đã từng mở lòng mình với tiếng đó, cảm được đó là một cưỡng bách tinh thần không nhượng bộ mở con người mình ra với tự do vô hạn.

Tại sao Thiên Chúa không tỏ mình với chúng ta một cách trực tiếp và uy quyền hơn, để làm cho đức tin của chúng ta được dễ dàng hơn?  Đó là một câu hỏi, mà phần nào, không thể có câu trả lời thỏa mãn hoàn toàn.  Nhưng câu trả lời mà chúng ta có, nằm trong việc hiểu được đường lối Thiên Chúa biểu lộ Ngài trong đời chúng ta và trong thế giới chúng ta.  Không như hầu hết mọi sự khác vốn luôn cố gắng lôi kéo sự chú ý của chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ cố gắng để chiếm lấy chúng ta.  Thiên Chúa, hơn bất kỳ ai khác, tôn trọng tự do của chúng ta.  Vì lẽ đó, Thiên Chúa ở mọi nơi, trong chúng ta và quanh chúng ta, gần như không cảm được, hầu như không thấy, và dễ dàng bị lờ đi, như một thôi thúc nhẹ nhàng lặng lẽ, nhưng nếu bắt lấy được, thì sẽ là dòng suối bất tận tuôn trào tình yêu và sinh lực.

Father Ron Rolheiser, OMI