TỪNG CHÚT MỘT THÔI…

ZZNhìn một vận động viên đứng trên bục cao nhận giải thưởng, ta trầm trồ thán phục.  Ta ước mong mình có thể trở thành một vận động viên xuất sắc như thế.  Đọc một kiệt tác văn học, ta thích thú ngưỡng mộ ngòi bút xuất thần của nhà văn.  Ta ước mong mình có thể viết được hay như thế.  Nghe gương sống thánh thiện của một vị thánh, ta thấy mình bừng cháy khát khao nên thánh.  Ta ước ao đời mình cũng thánh thiện như thế.  Rồi ta lên kế hoạch cho mình, ta sẽ làm thế này, ta sẽ làm thế kia… cuối cùng, được vài ngày, ta lại…nản.  Tất cả lại trở về như cũ.

Ở đời, tất cả những gì thành công, xuất chúng, đáng giá đều không thể gặt hái một sớm một chiều. Chúng là kết quả của những nỗ lực bền bỉ, bước đi trong khiêm tốn, kiên nhẫn và…từng chút một.  Ta nên biết rằng đằng sau tấm huy chương vàng óng ánh là những kiêng khem, tập luyện vất vả, không phải ngày một ngày hai, mà có khi mất nhiều năm trời luyện rèn bền bỉ.  Đằng sau những áng văn bất hủ là những bản thảo miệt mài viết đi viết lại, sửa tới sửa lui.  Có khi nó là công trình của cả một đời người, bắt đầu từ những nét chữ nguệch ngoạc cho đến những câu chữ chỉnh chu rõ ràng.  Đằng sau một mẫu gương thánh thiện, là cả một đời rèn luyện nhân đức.

Mọi sự đều có tiến trình riêng của nó.  Một chú nhộng bướm phải mất hàng giờ kiên nhẫn cố thoát mình ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu trên cái kén.  Tiến trình tự nhiên mà ta tưởng là mất giờ này giúp cho cơ thể chú nhộng nhỏ gọn và đôi cánh cứng cáp để có thể bay khi chú thoát thai thành bướm.  Nếu ta thương tình can thiệp để tiến trình ấy diễn ra nhanh hơn, chú “nhộng bướm” sẽ chỉ là chú “bướm nhộng” bò loanh quanh với thân hình phồng rộp và đôi cánh nhăn nhúm.  Tôn trọng tiến trình của cuộc sống và chấp nhận quy luật ấy cũng là lẽ khôn ngoan ở đời.  Một bạn trẻ thành công quá sớm trong khi chưa chín chắn trưởng thành trong nhân cách có thể hủy hoại tương lai và cả thành công hiện tại. Macaulay Culkin, diễn viên nhí trong bộ phim nổi tiếng “Ở nhà một mình” là một thí dụ điển hình. Thành công quá sớm đã khiến cho Macaulay Culkin nhanh chóng sa ngã, sự nghiệp tuột dốc và cuối cùng chết mòn vì ma túy.  Chấp nhận mọi thành công đều cần một quá trình, ta từ tốn khôn ngoan bước đi từng bước vững chắc.

Thường thì nói và nghĩ bao giờ cũng dễ, bắt tay vào làm mới khó.  Nghĩ tưởng về thành công trong tương lai, khơi lên trong ta bao nhiêu động lực hiện tại, nhưng thực tế, khi bắt đầu hành trình và nhìn về chân trời xa xăm phía trước lại có thể khiến ta thoái chí nản lòng.  Ta không biết liệu mình có làm được như vậy không?  Ta không biết liệu dự phóng của mình có quá ảo tưởng không?  Và cái tiến trình xa vời vợi ấy có thể là một cám dỗ giục ta bỏ cuộc.  Lúc mới hoán cải với tâm trí tràn ngập những dự phóng sẽ thực hiện cho Thiên Chúa, thánh Inhaxio cũng đã từng bị cám dỗ như vậy.  Khi ấy, tâm trí ngài nổi lên một ý nghĩ: “Liệu ngươi có thể sống nổi cuộc sống này suốt 70 năm không?” Ý nghĩ ấy khiến ngài nản chí, nhưng khi nhận ra đó là một cám dỗ, ngài hiểu rằng 70 năm ấy có thể đạt được, chỉ cần lúc này ngài sống từng giờ trọn vẹn.

Cuối cùng, ở mỗi tiến trình ta phải nhận thức đúng về mình và quý trọng những thành quả tương xứng với tiến trình ấy.  Một con sâu róm xấu xí không nên tự trách mình không đẹp đẽ tươi xinh như chú bướm bay lượn trên các khóm hoa.  Những so sánh như vậy đều là khập khiễng và dễ dàng khiến ta thất vọng về mình.  Ta đang tập viết, không thể đòi mình có khả năng xuất khẩu thành thơ, hay sáng tác những áng văn kiệt xuất.  Điều khiến lòng ta an ủi là, dù có là cây bút đại tài đi nữa, thì cũng từng phải mài đũng quần tập viết từng câu chữ như ta.  Nhận thức đúng về mình giúp ta vững vàng trước những tiếng đời dư luận.  Chú sâu róm sẽ thất vọng buồn rầu đến chết được, vì ai nhìn chú cũng khiếp sợ.  Người ta khiếp sợ một con sâu mà không thể thấy rằng nó sẽ trở thành một con bướm.  Người ta thích thú nhìn ngắm một con bướm mà quên mất rằng nó đã từng là một con sâu.  Người đời cũng vậy, họ có thể chỉ nhìn thấy bạn như là một “con sâu” mà không thấy được nỗ lực của bạn để trở thành một “con bướm”.  Vậy nên bạn đừng để nhận xét của họ làm mai một ý chí vươn lên của mình.

ZZBạn thân mến, một tòa tháp cao bắt đầu từ một viên gạch nhỏ.  Một hành trình dài ngàn dặm khởi đi từ một bước chân ngắn.  Bạn là kiến trúc sư cho tòa tháp cuộc đời mình.  Trở nên một con người như thế nào, tương lai ra sao, cống hiến được gì cho đời, tất cả được đặt trên đôi vai của bạn.  Chính bạn là thuyền trưởng của cuộc đời mình.  Từ tốn, kiên nhẫn, trung thành sống từng chút nhỏ thôi, bạn sẽ lái cuộc đời mình về đến đích, như lời vị tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Chấm một chấm cho thẳng, chấm này nối tiếp chấm kia… đường sẽ thẳng.  Sống một phút cho tốt, phút này nối tiếp phút kia… đời sẽ thánh’’.

Dominic Vũ Chí Kiên, SJ.
http://dongten.net

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG BIẾT SỢ

ZZNói đến hai thánh Tông Đồ cả Phêrô và Phaolô, người ta thường chăm chú đến những khác biệt nơi hai Ngài để rồi hướng đến quyền năng của Thiên Chúa.  Đây là một cái nhìn truyền thống có căn bản thần học đã góp phần cho đoàn tín hữu xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa.  Mạo muội có một cái nhìn về những điểm chung của hai Ngài xem ra khá táo bạo, thế nhưng nếu có cơ sở thì cũng đáng cho ta ghi nhận điều gì đó.  Xin được chia sẻ một nét chung nơi tính cách của hai “cột trụ” của Hội Thánh đó là “không biết sợ”.

1. Không sợ sai để dám nói: Những người quá cẩn trọng thì thường tự biện minh là “nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít.” Tuy nhiên cũng có thể nếu cẩn trọng cách quá đáng như kiểu luôn thủ thân thì rất dễ đi đến chỗ “không nói gì” để khỏi phải sai lầm. Có ngờ đâu, không nói gì cả khi cần phải nói thì lại là một sự sai lầm rất tai hại.

Đọc Tin Mừng thì không ai lại không chân nhận tính “mau miệng” của tông đồ Phêrô.  Không thể nói là Chúa Kitô đã minh nhiên đặt Ngài làm đầu nhóm 12 trong thời gian rao giảng, vì cũng trong thời gian này nhóm 12 luôn tranh giành nhau về vị thế làm đầu.  Chưa chính thức làm đầu, thế mà Phêrô thường là người thay mặt anh em để lên tiếng.  Có khi nói đúng thì được Thầy khen, nhưng cũng có khi chệch choạc thì bị Thầy lên tiếng quở trách nặng nề (x. Mt 16, 13-23).  Thế nhưng Phêrô vẫn cứ lên tiếng.  Đúng là không biết sợ.

Thánh Phaolô thì sao đây?  Có thể nói Ngài là vị “nhỏ người mà lớn miệng.”  Ngài đã nhiều lần tự biện hộ cho mình về việc lên tiếng quá nhiều và hình như không biết “kiêng dè.”  Ngay cả với Phêrô mà Ngài cũng chẳng tha (x. Gal 2, 11-14).  Có khi hăng say rao giảng đạt kết quả và cũng có khi nhiệt tình lý luận thì bị mời đi chỗ khác chơi ( x.Cvtđ 17, 22-34).  Thánh nhân vẫn không ngừng lên tiếng, khi thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi.  Thật chẳng biết sợ là gì.

2. Không sợ thất bại để dám làm: Dù biết rằng thất bại là mẹ thành công nhưng sự thường không ai là không ngại thất bại. Không chỉ ngại thất bại mà người cơ hội thường thích ẩn mình để chờ thời cơ. Không làm gì cả thì chẳng mất lòng ai và nếu có bầu bán vị trí vai trò quan trọng nào trong các tổ chức xã hội hay tôn giáo cũng dễ kiếm nhiều phiếu hơn. Một sự thật không thể nói là cá biệt hay đặc thù chút nào nếu không muốn nói ngược lại.

Nếu là Thầy, xin truyền cho con đi được trên nước… và Phêrô mạnh dạn bước đi trên sóng biển (x. Mt 15, 22-33).  Trước đám đông quân lính hùng hổ, Phêrô dứt khoát rút gươm bảo vệ Thầy.  Dù cho bạn đồng môn tìm cách trốn lánh thì Phêrô vẫn quyết định dõi theo chân Thầy vào sân vị Thượng tế.  Làm nhiều ắt gặp thất bại không ít, nhưng Phêrô vẫn quyết tâm đi tới.

Việc làm của Phaolô thật khó có ai bì.  Ba chuyến hành trình truyền giáo cùng với bao gian khó vất vả là một minh chứng rõ ràng.  Bị đòn roi, bị ném đá, bị ngồi tù hay lênh đênh trên biển cả… tất cả không ngăn được bước chân của vị Tông đồ nhiệt thành.  Thành công rất nhiều và thất bại cũng chẳng thiếu, nhưng Phaolô bỏ tất cả đằng sau để một mực lao về phía trước.  Ngài đã từng khẳng định “bất cứ những gì người ta dám làm thì Ngài cũng dám làm” (2 Cor 11, 21).

3. Không sợ thua thiệt để dám yêu:  Đây chính là nền tảng căn bản để hai thánh Tông đồ dám nói, dám làm không sợ hãi.  Yêu là chết trong lòng một ít.  Câu ngạn ngữ trên một cách nào đó nói về sự hy sinh trong tình yêu.  Đã yêu là không thể thiếu sự quảng đại hy sinh và quên mình vì người mình yêu.

Vì yêu mến Thầy hơn các môn đệ khác Phêrô chấp nhận cảnh phận “phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn Ngài đến nơi Ngài chẳng muốn” (Ga 21, 18).  Cho dù bị thua thiệt nhưng tình yêu sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x. 1 P 4, 8)

Vì yêu mến Đức Kitô, Phaolô chấp nhận mọi thua thiệt.  Phaolô sẵn sàng chịu mọi gian truân khốn khó vì yêu mến đồng loại và mong cứu thoát được một số người.  Thánh nhân cảm nghiệm tình yêu là cao trọng hơn cả vì yêu thương là chu toàn mọi lề luật (x.Rm 14, 8).

Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô được Hội Thánh nhìn nhận là hai trụ cột chính của Tòa Nhà Hội Thánh.  Hội Thánh là đoàn dân của Thiên Chúa.  Có thể nói đó là tập thể những con người sống đạo yêu thương.  Tình yêu thì loại trừ mọi nỗi sợ hãi.  Đã yêu thì không còn e ngại sự gì.  Đã yêu thì không ngại các thiệt thua.  Vì yêu thương nên không sợ sai khi phải nói điều phải nói.  Vì yêu thương nên không sợ thất bại khi quyết làm điều chính đáng và phải đạo.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
VietCatholic.net

PHÊRÔ, PHAOLÔ, BẠN VÀ TÔI

 

ZZTại sao hai thánh tông đồ cả lại mừng lễ chung với nhau?

Một số thánh nhân, vì là anh em với nhau, vì cùng tử đạo, vì là mẹ con, vì có những điểm chung nhất, nên được mừng lễ trùng ngày với nhau hoặc sát gần nhau. Vậy thánh Phêrô và thánh Phaolô tương quan với nhau thế nào mà lại có ngày lễ kính cùng với nhau?

Đức Tổng Giám Mục Patrick Flores đã từng đặt câu hỏi này với giáo dân trong bài giảng của mình.  Và rồi ngài tự trả lời cách hóm hỉnh: “Bởi vì hai thánh nhân không thể sống chung với nhau được trên thế gian, nên Chúa bắt các ngài phải chung với nhau trên thiên đàng.”(!)

Câu chuyện hài hước này rất có cơ sở. Thánh kinh cho thấy hai ông thật sự khác biệt nhau về tính cách, chênh lệch nhau về đẳng cấp:

  • Người kém văn hóa, kẻ trí thức cao
  • Người đã có vợ, kẻ vẫn độc thân
  • Người rút gươm bảo vệ Chúa, kẻ phóng ngựa truy giết những ai theo Chúa
  • Người giảng dạy cho giới đã cắt bì, kẻ loan Tin Mừng cho dân ngoại.

Chính thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Galata đã thừa nhận sự đụng độ với thánh Phêrô ở Antiokia.  Ông đã cự lại thánh Phêrô vì đã không dám công khai dùng bữa với lương dân như trước khi nhóm cắt bì đến (từ cự lại là nguyên văn của Phaolô trong Gl 2, 11).

Điều rất dễ thương là, trong tất cả sự khác biệt cũng như cãi vã đó, thánh Phaolô luôn nhìn nhận vị trí quan trọng của thánh Phêrô với tư cách là người đầu tiên được Chúa Giêsu cho thấy Người đã phục sinh (1Cr 15, 5), một tư cách xứng đáng với cương vị thủ lĩnh.  Một sự trân trọng rất tuyệt đến nỗi tính cách khác biệt không hề làm cản trở sứ mạng và lý tưởng của hai thánh nhân.  Phần mình, thánh Phêrô cũng không kém cao thượng khi bắt tay Phaolô để tỏ dấu hiệp thông (Gl 2,10).  Điểm độc đáo này được Giáo Hội đưa vào kinh tiền tụng trong ngày lễ 29/06: “các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Ðức Kitô.”  Để rồi từ những khác biệt tính cách và mâu thuẫn đường lối đó, các ngài đã trở thành:

Hai người tiên phong, hai sao sáng đi đôi và hai tướng anh hùng.

Thế còn anh và em?  Còn bạn và tôi thì sao?

Dĩ nhiên chúng ta thế nào cũng có các điểm khác biệt, và dĩ nhiên chúng ta đã từng cãi vã, giận hờn.  Không ít lần chúng ta đặt câu hỏi tại sao và tại sao người mà mình trọn niềm tin tưởng lại cư xử như thế.  Đã nhiều lần ta như muốn buông một bàn tay thân yêu, rời xa một bờ vai thân thiết, phớt lờ một ánh mắt thân thương.  Chỉ vì chúng ta khác biệt nhau, không hiểu nhau.

Phải chăng ta khác biệt nhau và rồi ta so đo tính toán với nhau?  Để rồi ta hát mãi điệp khúc sau đây:

  • Đúng là anh giầu có hơn tôi thật, tôi không quên được đâu vì anh thường xuyên nhắc tôi về điều đó, nhưng anh cũng biết tôi có rất nhiều tài, còn về sắc đẹp thì không cần bàn cãi là ai hơn nhé!
  • Dĩ nhiên em chu đáo tỉ mỉ, nhưng cũng vì thế em thường sa đà vào các tiểu tiết và chi li, tính toán, phê bình đến mức nhỏ nhen.
  • Anh nghĩ chuyện to lớn trên trời, nhưng chuyện trước mắt, ngay trong nhà, anh có thấy đâu?
  • Sao em nói nhiều như vậy mà anh cứ ngồi im thin thít thế kia?
  • Và còn bạn nữa! Chúng ta có còn là bạn nữa không, mà sao khi lòng dạ mình rối bời lên thì bạn cứ trơ trơ như không cảm xúc vậy?
  • Có nhiều điều mình muốn nói, nhưng không nói ra vì mình nghĩ bạn chẳng thể nào hiểu được.

Khác biệt giữa Phêrô và Phaolô làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng trở nên phong phú hơn.  Các khác biệt của chúng ta lẽ ra là để bổ sung cho nhau và để làm cho đời ta thêm màu hương sắc, cũng như các giới hạn của cá nhân là để chúng ta cần đến nhau hơn trong cuộc trần này.  Điều quan yếu là ta biết trân trọng người khác và chiến thắng cái tôi ích kỷ.

Phêrô và Phaolô, hai ngôi sao “chỏi” đều tỏa sáng trên bầu trời Thiên quốc, hai con người Phêrô và Phaolô trở thành đồng trụ và bàn thạch cho tòa nhà Giáo Hội.  Tình yêu đối với Chúa Giêsu làm nên điều kỳ diệu này.  Chỉ có tình yêu đủ lớn mới có thể làm cho các bất đồng giữa vợ chồng, giữa bạn bè trở thành một liên kết phong nhiêu, một tương giao phong phú.  Tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ có tình yêu còn ở lại.

Anh và em, bạn và tôi đã giận hờn, tranh cãi, thậm chí căm thù nhau trong quá khứ.  Có những điều cứ tái đi tái lại nhiều lần như một căn bệnh mãn tính, nan y.  Chúng ta có quá nhiều khác biệt mà.  Vẫn biết gương vỡ khó lành, vẫn biết ly nước đổ ra không thể lấy lại hết, nhưng tình yêu sẽ bù đắp tất cả và tình yêu sẽ làm cho tấm gương và ly nước lấy lại sau đó trở nên kỳ thú hơn, ngon lành hơn.

Có bao giờ chúng ta trân trọng nhau cho đúng mức không?  Có bao giờ anh và em cầu nguyện cho nhau rồi nói với Chúa về những lỗi lầm, yếu đuối của nhau chưa?  Có bao giờ bạn và tôi, chúng mình cùng cầu nguyện với nhau để chấp nhận các khác biệt của nhau mà mưu cầu công ích, mà lo cho đại cuộc không?  Đã bao giờ tôi nhìn ra được khía cạnh tốt đẹp của sự khác biệt, để yêu mến những gì “bất thường” nơi anh em, và phát huy những gì “cá biệt” của tôi nhằm hướng tới những điều cao quý hơn chưa?

Xin hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cầu cho chúng con.

Pr. Nguyễn Đức Thắng

NGÀY CON SINH RA

Ngày con sinh ra thời gian không tính bằng năm tháng, nhưng bằng những gì mà con đã làm được.

Ngày con sinh ra, mình trần thân trụi, so với bầu trời bao la, con không là chi, so với núi cao biển rộng, con đáng là gì.  Nhưng từng hồng ân Chúa âm thầm rơi xuống trên con, rồi ngày qua ngày, tháng tiếp tháng, năm nối năm, vạn hồng ân ấy đã ghép nên cuộc đời.  Con được muôn bàn tay yêu thương, chăm sóc, được bao người thân ấp ủ quí mến, lo cho con sống, dạy cho con khôn, gửi vào con nhiều ước mơ, cầu mong con nên người tài đức.  Với thời gian, thể xác con lớn lên, trí óc con phát triển.  Vòng xoay vòng, con lại có ngày kỷ niệm mừng sinh nhật trên đời.

ZZNhưng, ngày sinh của con có gì đáng vui!!!

Khi con đã nhận muôn vàn ơn Chúa, đã nhận biết bao điều của Giáo Hội và xã hội trao ban dưới mọi hình thức, để cuối cùng con chẳng làm được điều gì cho Chúa, cho đời!  Con mắc nợ Chúa, mắc nợ mọi người, dù món nợ không ai đòi hỏi ở con, nhưng con đã không biết trả, lại còn không biết sống nên người…

Ngày sinh của con có gì đáng nhớ!!!

Khi con không có lấy một ước mơ cao đẹp, không một ý nghĩ về tương lai, không có một lý tưởng để sống, và cuối cùng con bước ra cuộc đời này cũng rỗng tuếch như khi con bước vào trần gian, không có gì dâng Chúa…

Ngày sinh của con có gì đáng mừng!!!

Khi con thừa biết đời người có là bao, mà vinh quang thật ngắn ngủi và thập giá cứ lê dài, thế nhưng con không can đảm biến thập giá thành vinh quang, biến tiếng khóc của con khi chào đời thành tiếng khóc của người khi con nằm xuống.

Ngày sinh của con có gì đáng nói!!!

Khi con chỉ ngồi chờ điều dễ, thoái lui điều khó, thích gặp người giàu, quyền thế, xa lánh kẻ nghèo, vô danh.  Thích đời phục vụ hơn phục vụ đời.  Thích ghi sổ vàng, khắc bia bạc hơn âm thầm chia sẻ, cho không.

Nếu con chỉ thích là kẻ sống nhanh, sống dễ, thì ngày con sinh cũng là ngày con chết.

Lạy Chúa!

Xin cho con sống trọn vẹn 24 giờ trong một ngày.
Xin cho con sống can trường 30 ngày trong một tháng.
Xin cho con sống thật người 12 tháng trong một năm.
Để kỷ niệm ngày sinh của con là ngày đáng vui, đáng nhớ, đáng mừng và đáng nói.

Bồ Câu Trắng
(Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả

TÌM KIẾM MỘT LỜI ĐẦY HIỆN THỰC

Đức tin không phải là điều bạn đạt được.  Nếu bạn cố gắng đóng chặt nó xuống, nó sẽ trỗi dậy và ra đi với chiếc đinh.  Đức tin hoạt động theo cách này: Có lúc bạn đi trên mặt nước, có lúc bạn chìm nghỉm như tảng đá giữa dòng.  Nhà thơ Rumi đã nói, bạn sống với một bí mật sâu thẳm, có lúc bạn biết, có lúc bạn không biết, rồi lại biết.  Đôi khi bạn cảm thấy có một sự hiện diện thật sự, đôi khi bạn thấy trống vắng thật sự.  Tại sao như vậy?

Vì, giống như tình yêu, đức tin là một cuộc hành trình, luôn mãi thăng trầm, với những giai đoạn luân phiên giữa tha thiết và lãnh đạm, với an ủi và cô quạnh, có những lúc cảm nhận ân sủng Thiên Chúa hiện diện hiển nhiên, có lúc như đêm dài tăm tối khi Thiên Chúa vắng mặt.  Đó là một tình trạng lạ lùng: Đôi khi bạn thấy mình kết chặt với Chúa, chặt chẽ vô cùng, lúc khác bạn thấy mình như rơi tự do khỏi tất cả những gì an toàn, và rồi khi mọi thứ chạm đáy, một lần nữa, bạn lại cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa.

Tại sao đức tin phải có động lực mơ hồ này?  Không phải là Thiên Chúa ác độc, đang đùa giỡn với chúng ta, muốn thử thách lòng trung tín của chúng ta, hay muốn chúng ta phải làm việc gì đó khó khăn để kiếm được ơn cứu độ.  Không, những thăng trầm đức tin phải đi cùng với nhịp điệu của đời sống bình thường, đặc biệt là nhịp điệu của tình yêu.  Tình yêu cũng như đức tin, có những giai đoạn tha thiết và đêm đen tăm tối.  Tất cả chúng ta đều biết, bên trong giao kết lâu dài nào (hôn nhân, gia đình, tình bạn, hay giáo hội), đều có những ngày, những mùa nào đó, khi tâm hồn và tâm trí chúng ta không còn giữ giao kết đó, dù vẫn ở trong nó.  Tâm trí và tâm hồn của chúng ta phai mờ đi dần, nhưng chúng ta cảm nghiệm tình yêu, xét cho tận cùng, là một điều không dựa vào tâm trí, cái đầu, hay thậm chí là tâm hồn, quả tim.  Có một sự gì đó sâu kín hơn giữ lấy chúng ta, và một lúc nào đó, giữ chúng ta ra ngoài tầm của những suy nghĩ trong tâm trí hay cảm giác trong tâm hồn.

Trong bất kỳ giao kết tình yêu nào được duy trì, thì tâm trí và tâm hồn của chúng ta sẽ phai mờ lúc lên lúc xuống.  Đôi khi tha thiết, đôi khi lạnh nhạt.  Đức tin cũng hoạt động như vậy.  Đôi khi chúng ta cảm nhận và nhận thức thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm trí và tâm hồn, đôi khi cả tâm trí và tâm hồn đều lạnh nhạt và lãnh đạm.  Nhưng đức tin là một cái gì thâm sâu hơn là hình dung hay cảm nhận có sự hiện diện của Thiên Chúa.  Nhưng làm sao chúng ta đạt đến đó?  Chúng ta phải làm gì những khi cảm thấy như thể Thiên Chúa vắng mặt.

ZZNhà thần nghiệm vĩ đại, Gioan Thánh Giá, đã cho chúng ta lời khuyên này.  Nếu bạn muốn tìm ra sự hiện diện của Thiên Chúa một lần nữa vào những lúc bạn cảm thấy Ngài vắng mặt, thì bạn hãy lắng nghe lời tràn đầy hiện thực và chân lý thâm sâu khôn lường.

Gioan Thánh Giá nói thế nghĩa là gì?  Làm sao lắng nghe được lời tràn đầy hiện thực và chân lý thâm sâu khôn lường?  Làm sao tìm được một lời như thế?  Thành thực mà nói, cho dù lời của ngài bùng lên nhiều ý nghĩa trong đầu tôi, nhưng tôi không hoàn toàn chắc về ý của ngài.  Sẽ dễ giải nghĩa hơn nếu ngài bảo chúng ta hãy tìm kiếm một cảm nghiệm thâm sâu và đầy thực tế, ví dụ việc sinh một đứa trẻ, chết lặng trước vẻ đẹp khôn lường, hay tan vỡ tâm hồn khi mất mát hay đối diện cái chết.  Những dạng cảm nghiệm này có thật, tồn tại thật mà chẳng thể hiểu được, và chúng bật chúng ta vào một nhận thức sâu sắc hơn.  Và như thế, nếu Thiên Chúa để cho con người tìm kiếm, thì chẳng phải sẽ tìm thấy Thiên Chúa chính ở nơi đó hay sao?

Nhưng Gioan không hướng dẫn chúng ta đến với cảm nghiệm thiếu chiều sâu, ngài đang yêu cầu chúng ta tìm kiếm một lời hiện thực và thâm sâu.  Như thế nghĩa là khi chúng ta dao động và hoài nghi, chúng ta phải săn tìm những bản văn (trong kinh thánh, thần học, linh đạo, hay văn học và thơ ca thế tục) nói với chúng ta theo một cách tái truyền thụ cho chúng ta một nhận thức nền tảng rằng Thiên Chúa hiện hữu và yêu thương chúng ta, và do đó, chúng ta phải sống trong yêu thương và hy vọng. Chẳng phải là vậy hay sao?

Tôi nghĩ đây mới chính là ý của ngài.  Thiên Chúa độc nhất, chân thật, tốt lành, và tuyệt mỹ, và như thế lời thật về sự hiệp nhất, sự thật, tốt lành, hay vẻ đẹp phải có sức mạnh giữ vững tâm trí và tâm hồn lay động của chúng ta.  Lời thật có thể khiến Ngôi Lời thành xác phàm lần nữa.

Nhưng những lời nào có sức mạnh như thế cho chúng ta?  Chúng ta tất cả đều khác nhau, và như thế không phải ai cũng tìm thấy sự thật và thâm sâu theo cách giống nhau.  Vì thế, mỗi một người trong chúng ta phải tự thực hiện cuộc tìm kiếm riêng mình, vô cùng riêng của mình.

Về bản thân tôi, có nhiều lời của các tác giả khác nhau đã truyền tải dạng chân lý này cho tôi trong nhiều giai đoạn của cuộc sống.  Quyển Câu chuyện một Linh hồn của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã giữ vững tôi trong những khi tôi nao núng.  Quyển Chùm nho Phẫn nộ của John Steinbeck, có thể tái định hướng tầm nhìn của tôi để nó được phẳng lặng khi nó bị vẩn đục.  Những đoạn văn khác nhau của Karl Rahner, John Shea, Raymond Brown, Henri Nouwen có thể con tàu của tôi được vững vàng khi nó bị chòng chành.  Và một vài lời của Dag Hammarskjold có thể làm cho tôi muốn sống sao để phản ánh lại những điều tốt đẹp trong đời hơn nữa.

Nhưng, bằng cách riêng của mình, mỗi chúng ta cần phải tìm kiếm những lời đầy tràn hiện thực và sự thật khôn dò thấu, để khơi lên cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa.

Fr. Ron Rolheiser

BÁNH

Hôm nay chúng ta mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, trung tâm của Giáo Hội, trung tâm của đời sống đức tin, trung tâm của giáo xứ và đời sống của mỗi người như Công đồng Vatican II đã nói: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo”, “Bí tích Thánh Thể tích chứa tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội: Đó chính là Đức Kitô.”

Vào năm 1263, một linh mục từ Prague, thủ đô Tiệp Khắc, đi hành hương tới Rôma cầu xin Thiên Chúa gia tăng đức tin cho ngài vì đang có những nghi ngờ về ơn kêu gọi.  Trên đường tới Rôma, ngài ngừng lại ở một thị xã cách Rôma 70 dặm về phía bắc.  Tại đây, trong thánh lễ, khi truyền phép ngài nâng cao bánh lễ lên, tấm bánh đã trở nên thịt và bắt đầu chảy máu.  Những giọt máu đã chảy xuống trên tấm khăn thánh nhỏ màu trắng trên bàn thờ.  Năm sau, 1264 Đức Giáo Hoàng Urban IV đã thành lập lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, và ngài đã yêu cầu thánh Thomas Aquinas sáng tác một bài ca cho ngày lễ.  Thánh Thomas đã viết ra hai bài nổi tiếng là “Tantum Ergo” và “O Salutaris” mà chúng ta vẫn thường hát khi chầu Thánh Thể.  Tấm khăn thánh mang những vết máu vẫn còn được lưu giữ tại vương cung thánh đường Orvieto, phía bắc thành phố Roma.

ZZMặc dù phép lạ thánh thể này đã dẫn tới việc thiết lập ngày lễ Mình và Máu Chúa Giêsu, nhưng phép lạ Thánh Thể nổi tiếng ở Lanciano, cũng tại Ý, đã xảy ra nhiều thế kỷ trước vào năm 700.  Câu chuyện xảy ra tại nhà thờ thánh Legonzanô khi một linh mục dòng thánh Basiliô đang dâng thánh lễ bỗng trở nên nghi ngờ sự hiện diện thực sự của Mình Máu Thánh Chúa trong hình bánh rượu.  Lúc truyền phép, sự lạ liền xảy ra ngay trong tay vị linh mục.  Bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành 5 cục to nhỏ.  Tuy đã trải qua 1300 năm rồi, ngày nay vẫn còn thấy rõ miếng bánh đã biến thành thịt này có màu hơi nâu, nhìn dưới ánh sáng thấy màu hồng được đặt trong một mặt nhật quý giá. Và năm cục máu màu vàng nghệ được đặt trong một chén thánh bằng kính trưng bày ở nhà thờ Lancianô để giáo dân tự do kính viếng.

Trong 12 thế kỷ qua, giáo quyền đã cho làm nhiều cuộc giám nghiệm vào những năm 1574, 1637, 1770, 1886.  Mới đây vào năm 1971 và 1981 một phòng thí nghiệm của bệnh viện đã thử nghiệm lại bằng những thiết bị khoa học tối tân.  Công việc được trao cho ông Odoardo Linoli, giáo sư môn giải phẫu nhân hình, kiêm giáo sư mô học bệnh lý, hóa học và hiển vi học, với sự cộng tác của giáo sư Ruggero Bertelli thuộc đại học đường Siena.  Kết quả được công bố vào ngày 04.03.1971 trước các vị trong giáo quyền, chính quyền, các giới khoa học, văn học và báo chí:

– Thịt và máu này là thịt và máu thật, của một người có máu AB đã sống.

– Thịt được lấy ra từ mô cơ tim (myocardium), một phần thịt của trái tim, một cách khéo léo tuyệt vời như do một nhà phẫu thuật tài giỏi.  Điều này có nghĩa là từ trái tim của Chúa Giêsu, Thánh Tâm.  Đây chính là biểu tượng của tình yêu.

– Thịt và máu không có vết tích của một chất nào được dùng để ướp xác cả.

– Trong máu có các chất clorua, phốt pho, magnesium, potassium, sodium và calcium.

Các di tích này được lưu trữ bao nhiêu thế kỷ một cách tự nhiên, lại chịu ảnh hưởng của những xúc tác vật lý, không khí, sinh vật mà vẫn giữ nguyên tình trạng như thế là một hiện tượng kỳ lạ, khoa học không sao giải thích được.  Hơn thế nữa, điều lạ lùng là nếu đem cân một cục máu, trọng lượng vẫn bằng tổng số của cả năm cục.  Đem cân riêng lẻ từng cục hay cân chung lại với nhau tổng số vẫn không thay đổi.

Đây là hai phép lạ Thánh Thể trong tổng số khoảng 22 các phép lạ khác xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Những phép lạ này trả lời cho những nghi ngờ về sự hiện diện thực của Chúa Giêsu qua hình bánh và rượu.  Lòng đạo đức và sự trung thành của chúng ta sẽ tùy thuộc vào sự ràng buộc bởi mệnh lệnh của Chúa Giêsu đã ban trước ngày chịu nạn: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ Thầy.”

Sưu tầm

TÌNH CHA VÔ BẾN BỜ

Một câu chuyện thật về tình yêu thương, niềm tin và hy vọng

ZZDick Hoyt đáng được tôn vinh là một người cha vĩ đại.  Nếu ai đã trải qua cảm giác phải chăm sóc một người tật nguyền lâu năm, ắt sẽ thấy rằng không có một tình yêu nào có thể lớn hơn tình yêu của ông bố Hoyt với cậu con trai chưa sinh ra đời đã bị chẩn đoán mắc bệnh bại não (cerebral palsy), một loại bệnh tình với các tổn thương não đã định hình khó có thể thay đổi.

Khởi đi từ bất hạnh
Năm 1962, Dick Holt đau xót nhìn đứa con trai chào đời trong tình trạng bị dây rốn quấn cổ và được chẩn đoán liệt não, sẽ phải sống như thực vật cả đời.  Vì tình trạng đó, các bác sĩ khuyên vợ chồng Dick và Judy nên đưa con vào một trung tâm bảo trợ xã hội đặc biệt.  Tuy nhiên, với lòng thương con vô bờ, Holt cha từ chối lời khuyên đó.  Người cha trẻ mới 22 tuổi để ý thấy đôi mắt của Rick, tên đứa con, biết hướng mắt nhìn theo ông khi ông di chuyển quanh phòng.  Vì vậy Dick hy vọng và tin tưởng rằng Rick vẫn có thể suy nghĩ và nhận thức được mọi sự việc xảy ra chung quanh.

Thế rồi vợ chồng Dick tìm đủ mọi cách để giúp đứa con tham dự vào mọi sinh hoạt của gia đình.  Khi làm bất cứ điều gì, họ cũng tâm niệm rằng Rick đang dõi theo và cố gắng nhận biết tất cả mọi việc, như bất cứ một đứa trẻ nào khác.  Đôi vợ chồng nuôi dưỡng niềm tin một ngày con họ có thể giao tiếp được trong một chừng mực nào đó.

Họ đưa con đến những trung tâm phục hồi chức năng, đến cầu cạnh những nhà nghiên cứu y khoa, cho con tham gia vào tất cả các hoạt động gia đình, vui chơi trong vườn, giúp con tận hưởng niềm vui được bơi ZZdưới nước mà đứa trẻ nào cũng khao khát hoặc đưa Rick đi cùng trong các kỳ nghỉ của gia đình.  Nói cách khác, cặp vợ chồng trẻ Dick và Judy đối xử với Rick như đối xử với một đứa trẻ bình thường.  Để làm được điều đó, họ phải hy sinh hầu như tất cả những thú vui trong đời, dành hết thì giờ bên Rick, tìm hiểu Rick và tiếp tục nuôi hy vọng.

Các bác sĩ, dù đã cố thuyết phục bố mẹ Rick rằng họ chẳng có chút hy vọng nào, dù có cố gắng đến đâu.  Tuy nhiên, năm 11 tuổi, trong nỗ lực không thể tả được bằng lời, cha mẹ Rick đã thuyết phục các nhà khoa học Trường Đại học Tuft, bang Massachusetts kể cho Rick nghe một câu chuyện hài.  Trước sự ngạc nhiên của họ, Rick đã cười. Các nhà khoa học thừa nhận rằng họ đã lầm, Rick vẫn nhận biết được thế giới sinh động quanh cậu và cậu rất muốn được tham gia và khám phá thế giới ấy.

Cuối cùng, người ta làm riêng cho Rick một chiếc máy tính đặc biệt, có thiết bị gắn vào đầu Rick, bộ phận duy nhất trên người cậu có thể cử động được đôi chút.  Thiết bị này giúp Rick mã hóa những điều não cậu muốn nói và chuyển thành âm thanh điện tử.  Điều đầu tiên mà cậu bé Rick nói với bố mẹ là một môn thể thao.  Bậc phụ huynh đáng kính ấy giờ đây biết thêm một điều, niềm đam mê của con trai họ là thể thao.

Khi chiếc máy mang tên Hy vọng được gắn vào đầu Rick, cậu đồng thời được chấp nhận đến trường học.  Cũng trong thời gian này, cậu bé bộc lộ niềm đam mê với môn điền kinh.  Năm 1977, khi trường cậu bé có chương trình chạy marathon để quyên góp cho một học sinh bị tai nạn xe hơi, Rick đã nói với bố rằng: “Bố ơi, con muốn chạy để quyên tiền cho bạn ấy!”  Một nguồn tin khác cho biết Rick đã nảy ra cảm hứng muốn tham dự vào các cuộc chạy thể thao sau khi xem một bài báo.  Dick, một trung tá thuộc Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ, sửng sốt trước ý muốn bất ngờ hầu như không tưởng của đứa con 16 tuổi.  Lòng ngập tràn vui mừng lẫn lo âu, người cha ôm con nói: “Được rồi con. Chúng ta sẽ chạy thi.”  Thế rồi người cha 37 tuổi mà trước đó chưa hề chạy marathon bao giờ phải khổ luyện tập dợt để sẽ đẩy con chạy.

Thể hiện tình cha

Dick bắt đầu tập luyện chạy mỗi ngày với một bao xi măng đặt trong chiếc xe lăn thay cho trọng lượng của Rick vì Rick bận học ở trường.  Dick đã có thể cải thiện sức khỏe của mình rất nhiều mà ngay cả khi đẩy con, ông đã có thể tạo được một kỷ lục cá nhân là 5km trong 17 phút.

Sau khi hai cha con kết thúc cuộc đua đầu tiên dài năm dặm, Rick mừng rỡ nói: “Thưa cha, khi chúng ta đang chạy, con cảm thấy như con không còn tật nguyền nữa.”  Dù đang mệt muốn kiệt sức, Dick sung sướng rưng rưng nước mắt trước niềm vui của con.

Từ đó, vì niềm đam mê điền kinh và thể thao nói chung của đứa con tật nguyền, Dick cho con mượn thân xác để tham gia vào những cuộc thi triền miên được tổ chức tại nhiều nơi suốt năm trong và ngoài nước Mỹ với danh hiệu tham dự viên là “Team Holt”.

ZZNăm 1984, Dick trở thành một vận động viên điền kinh nổi tiếng và được mời tham dự các cuộc thi ba môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ).  Đó vốn là cuộc thi dành cho những người có sức khỏe tốt và dẻo dai.  Ban tổ chức muốn Dick tham gia và chỉ mình ông mà thôi, không có Rick.  Ông từ chối.  Năm kế tiếp, họ lại đưa ra lời mời tương tự, nhưng một lần nữa ông lại từ chối nếu không có con trai của mình cùng tham gia.

Dick nói với các nhà tổ chức, “Rick chính là lý do tôi tham gia các cuộc thi này; tôi không muốn thi đấu một mình. Rick là động lực thúc đẩy tôi.  Hơn nữa, nếu không có Rick, tôi không biết phải làm gì với hai cánh tay của mình.”  Sau khi miệt mài thiết kế cho con những phương tiện an toàn như ban tổ chức yêu cầu, đội Hoyt được tham gia và về đích trong số 50% những người về đầu.

Sau khi hoàn tất cuộc đua Boston Marathonlần thứ 15, cuộc đua mà họ đã bị từ chối vào năm 1981 khi lần đầu tiên đăng ký tham gia, họ đã được tôn vinh như những Anh hùng của nước Mỹ nhân kỷ niệm lần thứ 100 môn marathon.

Năm 2003, Dick bị một cơn trụy tim, tuy nhiên, bác sĩ cho biết chính tình trạng sức khỏe tốt nhờ tham gia thể thao thường xuyên đã cứu sống ông.  Sau khi hồi phục, hai cha con Dick và Rick lại tiếp tục những cuộc đua mới.  Dick vẫn khăng khăng rằng chính con trai mình mới là vận động viên điền kinh, chứ không phải ông.  Dick nói: “Tôi không biết phải giải thích thế nào, nhưng mỗi khi đứng đằng sau chiếc xe lăn của con trai, tôi cảm thấy lâng lâng khó tả.  Rick là cỗ máy hoạt động của cả hai chúng tôi.  Tôi cho Rick mượn thân thể mình, nhưng chính tinh thần của Rick mới là động lực thúc đẩy chúng tôi tiến về phía trước”.

Thành tích 36 năm kiên trì

Mặc dù người ta nhìn thấy Dick và Rick Hoyt trên trường đua nhiều lần, nhưng không lần nào khán giả ngừng ngưỡng phục người cha đáng kính vừa chạy vừa đẩy con mình đang ngồi trong xe lăn, gò lưng đạp xe kéo theo một chiếc xe lăn lên dốc xuống đồi, hay vừa bơi vừa kéo đứa con tật nguyền.

Rick cũng đã chứng tỏ mình hơn cả một vận động viên “đặc biệt” khi lấy xong bằng tốt nghiệp Đại học Boston và trở thành người khuyết tật bại não đầu tiên tốt nghiệp đại học.  Rick làm việc tại phòng thí nghiệm máy tính của trường, nơi anh có thể hỗ trợ phát triển một hệ thống giúp những người khuyết tật có thể giao tiếp thông qua các cử động của đôi mắt.  Rick nói: “Tôi đã chứng minh cho những người khuyết tật thấy rằng họ không nhất thiết phải suốt đời ngồi yên một chỗ và nhìn cuộc sống trôi qua trước mắt.  Họ cũng có thể tới trường, có việc làm và tham gia vào các hoạt động hàng ngày trong xã hội.”

Tính đến hết năm 2009, Team Holt đã tham gia cả thảy 1.009 cuộc thi, trong đó có đủ các môn, từ marathon đến ba môn phối hợp và thậm chí cuộc chạy bộ vòng quanh nước Mỹ.  Đội Holt luôn về đến đích trong các cuộc đua, có khi bỏ lại phía sau hơn một nửa số vận động viên khác và đôi lần về nhất.  Đội Hoyt được tôn vinh tên tuổi vào Viện Người Thép Danh Tiếng (Ironman Hall of Fame) vào năm 2008.

Tính đến tháng Tư năm 2013, hai cha con Hoyt đã tham dự tổng cộng 1,077 cuộc chạy gay go đòi hỏi sức chịu đựng bền bỉ, trong số đó gồm có 70 cuộc đua chạy việt dã (marathon) và sáu cuộc đua tam hợp Người Thép (Ironman triathlon).  Họ đã tham dự cả thảy 30 lần trong giải Boston Marathon. Ngoài ra, để bổ sung vào danh sách những thành tựu của họ, năm 1992 cha con Dick và Rick đạp xe và chạy vòng quanh nước Mỹ, hoàn thành khoảng đường dài 3,735 dặm (6,011 km) trong 45 ngày.

Khi dự thi ba bộ môn thể thao phối hợp triathlon, Dick bơi với giây cột quanh eo để kéo Rick nằm trên một xuồng phao.  Qua phần đua xe đạp, Rick ngồi phiá trước một chiếc xe đạp dọc được thiết kế đặc biệt.  Đối với phần chạy bộ, Dick đẩy Rick ngồi trên xe lăn.

Năm nay 2013, Dick đã là một người già 73 tuổi và Rick đã 51 tuổi nhưng mãi mãi vẫn là một đứa con tật nguyền.  Mỗi lần chuyển đổi giữa các bộ môn thi từ bơi sang đạp xe đạp, từ đạp xe đạp đổi qua chạy bộ, người cha già phải thao tác thật nhanh tự tay bồng con đặt vào ghế, nai nịch an toàn, xong tiếp tục cuộc thi.

Ngày nay, hai cha con Holt – hay nói cho đúng hơn là người cha Dick Holt đã già – mỗi năm dự đua ít hơn và dành thì giờ cho các cuộc nói chuyện trước công chúng nhiều hơn.  Thuở bắt đầu sự nghiệp thể thao, họ tham gia 50 cuộc đua mỗi năm nhưng bây giờ chỉ nhắm mục tiêu tham dự còn khoảng phân nửa số lượng đó mỗi năm mà thôi.  Holt cha cho biết chưa có ý định hoàn toàn rút lui các cuộc thi.

ZZNgày 08 tháng Tư năm 2013, một bức tượng đồng vinh danh cha con Hoyt đã được khánh thành gần khởi điểm của cuộc chạy đua Boston Marathon tại Hopkinton, Massachusetts.

Do vụ khủng bố đặt bom nổ ngày 15 tháng Tư, Đội Hoyt chưa kịp hoàn tất cuộc chạy đua Boston Marathon năm 2013.  Lúc vụ nổ xảy ra, họ còn cách lằn mức đích khoảng một dặm và đã bị giới hữu trách cuộc đua chặn lại cùng với hàng ngàn vận động viên khác.  Họ an toàn và được một người lái xe SUV ngang qua chở họ đến khách sạn Sheraton tạm trú.

Kết luận

Tình yêu vị tha thực sự giúp con người có được sức mạnh để làm những điều không tưởng.  Sở dĩ ông Dick Hoyt có đủ kiên nhẫn và nghị lực trải qua tất cả những cuộc đua đầy thử thách là vì ông đã tìm thấy mục đích cao cả trong đời là đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con trai ông.  Ông không muốn để con mình bị xem là người thừa trong xã hội . Ông muốn cho con tham gia vào các hoạt động xã hội để giúp con cảm thấy hạnh phúc.  Vì lẽ đó, ông đã luôn cố gắng hơn bao giờ hết.

“Nếu trong tim ta có một tình yêu vô điều kiện, ta có thể tìm thấy cho mình một nguồn năng lượng to lớn để thực hiện những điều không tưởng.  Ta có thể vượt qua những giới hạn của bản thân và chuyển hóa mọi giới hạn đó thành điều kỳ diệu.”

Khẩu hiệu của Đội Hoyt đó là “bạn có thể” và họ chính là sự minh chứng sống khẳng định bạn có thể khi bạn quyết định làm.  Thông điệp của đội Hoyt đã làm rung động mọi người.

Dù có mang trên người những khiếm khuyết về mặt thể chất hay không đi chăng nữa, chúng ta có thể học được rất nhiều từ câu chuyện của họ, hãy cho ước mơ của chúng ta một hy vọng, một cơ hội thứ hai để sống mặc cho tuổi tác có như thế nào đi chăng nữa, và hãy nhìn thế giới một cách rộng mở hơn.  Câu chuyện của Rick và Dick cũng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ lại về những gì chúng ta cho rằng “không thể” cho tới giờ và hãy thử cố gắng hết sức một lần nữa xem.

Tóm tắt về thành quả giúp con vượt lên trên số phận, Dick Holt nói: “Tôi yêu gia đình và chỉ muốn trở thành một người cha tốt nhất trong khả năng của tôi.  Chỉ cần có được niềm vui khi ở bên cạnh con, được tận hưởng những giây phút đó, chúng tôi sẽ tiếp tục vượt  qua được những khó khăn trở ngại phía trước”.

Qua thời gian dài sống cho con và hy sinh cho con, ông quả xứng đáng là một trong những người cha tốt nhất thế giới.

Phan Hạnh sưu tầm.

BA NGÔI – MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

ZZNhân danh Cha và Con và Thánh Thần.  Amen.

Mỗi ngày, chúng ta làm dấu rất nhiều lần trên mình và nó trở nên quen thuộc với mọi người chúng ta. Vì khi làm dấu thánh giá là lúc chúng ta tuyên xưng Chúa Cha – Con và Thánh Thần.  Đồng thời, khi ta vẽ trên mình hình thánh giá thì cử chỉ đó có mối liên hệ giữa việc làm dấu thánh giá với lời tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, chính là mầu nhiệm tình yêu.

Theo cách nhìn của con người, chúng ta thường diễn tả hình ảnh Thiên Chúa Cha giống như một “Ông già” có râu dài, bên hữu là Chúa Giê-su và ở giữa là hình chim bồ câu chỉ về Chúa Thánh Thần.  Tôi thiết nghĩ, đó chỉ là hình ảnh biểu trưng về Thiên Chúa Ba Ngôi.  Hình ảnh đó có thể giúp chúng ta dễ dàng hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa.  Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy khó hiểu từ ngữ thần học về tín điều Một Chúa có Ba Ngôi.  Ba Ngôi có Một Chúa.  Thật vậy, chúng ta không thấy Kinh Thánh định nghĩa Thiên Chúa có Ba Ngôi vị, bởi vì, mầu nhiệm Thiên Chúa không mạc khải bằng hình thức theo con số, nhưng là do các sự kiện đã xẩy ra để diễn tả về Thiên Chúa.  Người Do Thái nhận biết “Thiên Chúa là Đấng duy nhất” (Đnl.6, 4).  Ngài là Người Cha và là Chúa của dân tộc Israel ( Tv 67,6 ; Is 63, 16).  Cựu ước đã không mạc khải cách minh nhiên Ba Ngôi trong Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trong các sách Tin mừng, chúng ta nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Đức Giê-su, chính Ngài đã mạc khải cho chúng ta về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần Khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 15).  Thiên Chúa Đấng Siêu Việt vượt ra khỏi trí hiểu của con người, và là Đấng vượt trên tất cả.  Isaac Newton là một nhà toán học và khoa học vĩ đại.  Khi về cuối đời, ông ta viết: “Tôi không biết tôi xuất hiện với thế giới như thế nào, nhưng đối với tôi, tôi giống như một cậu bé chơi đàn trên bãi biển và thỉnh thoảng thích thú tìm thấy một viên sỏi bóng loáng hay một vỏ sò xinh đẹp hơn tôi thường gặp, trong khi đó, cả một đại dương bao la của chân lý, tôi vẫn chưa khám phá và đang trải ra trước mắt tôi.”  Khi chúng ta nghĩ rằng, chúng ta hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ mới bắt đầu. Chúng ta vẫn chỉ là những đứa bé chơi đùa trên bãi biển.

Như vậy, chúng ta có thể nói với nhau rằng, ngôn từ là phương tiện để diễn tả về chân lý mà Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người, mà các nhà thần học gọi là tình yêu nhiệm xuất.  Có nghĩa là Cha sinh ra Con, và Thánh Thần xuất từ Cha và Con.  Như người mẹ sinh ra đứa con, thì người mẹ cũng cần phải chấp nhận để đứa con ra khỏi mình, bà mẹ phải đau đớn, nhưng trong nỗi đau ấy thì có một niềm vui lớn hơn vì có một đứa con ra đời.  Một đứa con là niềm vui lớn lao cho người mẹ trong cõi đời.  Từ hình ảnh đó có thể giúp cho chúng ta hiểu được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa được gắn liền với cây thập giá.  Đó là niềm vui sáng tạo trong ơn cứu độ.  Sứ mạng của Chúa Giê-su là làm theo thánh ý của Chúa Cha.  Ngài nói: ” Xin đừng theo ý con mà vâng theo ý Cha.”  Ngài phó thác sự sống trong tay Chúa Cha:  “Con phó thác sự sống trong tay Cha” và kêu lên rằng: “Abba”.  Trong nỗi đau tột cùng, Ngài cũng phải thốt lên rằng “Cha ơi! Sao Cha nỡ bỏ con.”  Đến khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài hoàn toàn phó thác sự sống trong tay Chúa Cha, và trong hơi thở và sự sống ấy, Chúa Giê-su trao lại cho Giáo hội và cho nhân loại hôm nay.

Mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ nơi chính Người Con yêu của Ngài là Đức Giê-su đã xuống thế làm người và chết cho nhân loại, nhờ đó con người được phát sinh sự sống mới, chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội hôm nay.  Cho nên, khi chúng ta làm dấu và vẽ hình thánh giá là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.  Bởi vì, nơi cây thánh giá là mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi vị được tỏ ra trọn vẹn nhất.  Nói theo ngôn ngữ thần học, chúng ta không biết đời sống nội tại của Thiên Chúa là gì, nhưng chúng ta biết được Thiên Chúa là vì, Ngài tỏ ra bằng hành động cứu độ bên ngoài, chính cây thánh giá là đỉnh cao của sự tỏ ra bên ngoài ấy cho chúng ta. Cho nên, chúng ta xác tín rằng, với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo hội cho chúng ta thấy Chúa Cha là tình yêu cứu chuộc, Chúa Con là tình yêu chịu đóng đinh và Chúa Thánh Thần là sức mạnh trên cây thập giá.

Mỗi khi làm dấu thánh giá, chúng ta nhân danh tình yêu Chúa Ba Ngôi với tình yêu như thế, thì nó sẽ không còn là dấu ấn của hận thù, ghen ghét, ích kỷ nữa mà là trở nên dấu ấn của tình yêu, khoan dung và tha thứ.  Cho nên, dấu thánh giá được gắn liền với cuộc sống hằng ngày và làm cả đời.  Đồng thời, khi ta làm dấu thánh giá trên mình, nhắc nhớ rằng, chúng ta không thoát khỏi thập giá của đời mình. Nó không phải là cây thánh giá bằng gỗ mà là thập giá đau khổ của đời sống nội tâm, của kiếp người mang đầy vết tích của tội lỗi, mà chúng ta cần dứt ra khỏi mình để đến với người khác.  Khi dứt bỏ tham vọng, đam mê tội lỗi và cái tôi chật hẹp ích kỷ là một hành trình rất đau đớn, nhưng đằng sau sự đau đớn đó thì tâm hồn được Chúa chữa lành và giải thoát, nhờ đó, chúng ta nhận được sức mạnh tình yêu Thiên Chúa thật là tuyệt vời.

Khi suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, như là một mầu nhiệm, thì không phải là trò chơi của lý trí, nhưng là để tìm ra ánh sáng cho đời sống đức tin của chúng ta.  Ánh sáng ấy thấm đượm tình yêu cứu thoát nơi cây thập giá, và chúng ta nhận được tình yêu đó trong đời sống đức tin của mình đối với tha nhân trong tình yêu Chúa Ba Ngôi.

Lạy Chúa, mỗi lần con làm dấu, xin Chúa ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con.  Và mỗi khi con làm dấu thánh, xin tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong trái tim của con. Amen!

LM John Nguyễn, Utica, New York

THIÊN CHÚA TÌNH YÊU

ZZMột bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây nhà thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét.  Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo.  Đạo Phật là đạo xuất thế.  Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời.  Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa.  Trái lại đạo Công Giáo là đạo nhập thế.  Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh.  Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể.  Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.

Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người.  Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm.  Đi tìm tức là có quan tâm.  Xa vắng thì nhớ.  Thấy khổ vì thương.  Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm.

Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con người.  Vì Thiên Chúa là tình yêu thương.

Thiên Chúa là tình yêu.  Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi.  Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh.  Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh.  Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi.  Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo.  Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một.”  Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh.  Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha.  Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.  Chúa Giêsu đã quả quyết:“Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu.”  Và Người đã vì Chúa Cha mà hiến mạng sống.

Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối.  Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình.  Cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp.  Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc.  Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả sinh linh vạn vật.  Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu.  Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời.

Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời.  Trái lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới.

Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa.  Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta.”  Thiên Chúa là tình yêu.  Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương.  Cây cỏ không có trái tim biết yêu thương.  Cầm thú không có khả năng yêu thương.  Chỉ có con người mới có khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa.

Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét.  Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú.  Càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa.  Càng quảng đại con người càng gần với trái tim Thiên Chúa.  Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa.

Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu.  Như thế con người mới sống trọn định mệnh đời mình.  Như thế con người mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa.  Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

TÂM LINH VÀ SỰ CĂNG THẲNG

Trau dồi đời sống tâm linh có thể dẫn tới sự bình an tâm hồn, giảm căng thẳng và sức khỏe tốt.  Sự căng thẳng kéo dài sẽ dễ bị bệnh, kể cả các bệnh nặng như bệnh tim.  Tại sao?  Sự căng thẳng có thể làm suy yếu hệ miễn nhiễm, nếu căng thẳng lâu ngày hoặc mãn tính.  Nó có thể làm giảm tính năng động, gây trầm cảm và giảm chất lượng sống.  Nên tập thói quen sống lành mạnh – như tập thể dục, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ đủ mức và có những mối quan hệ xã hội tốt.  Điều đó có thể giúp bạn xử lý mức căng thẳng nguy hiểm.  Cách làm giảm căng thẳng là hoạt động tâm linh.

Nghiên cứu cho thấy niềm tin tôn giáo và việc cầu nguyện có ảnh hưởng sức khỏe và tạo hiệu quả tốt. Sống tâm linh có thể giảm mức căng thẳng và giảm nguy cơ mắc bệnh tâm thần.

Tâm linh thuộc lĩnh vực tinh thần.  Có thể mang ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người, nhưng nói chung, tâm linh được coi là điều giúp người ta sống.  Không hẳn là được nối kết với việc thờ phượng theo tôn giáo hoặc đức tin, nhưng đó là tổng giá trị của một con người, các mối liên kết với người khác, và sự tìm kiếm ý nghĩa đời người.  Tâm linh có thể được thể hiện bằng nhiều cách như tôn thờ, suy niệm, cầu nguyện, đời sống gia đình, thiên nhiên, âm nhạc hoặc nghệ thuật.

Tâm linh tạo vô số lợi ích, đặc biệt là giảm căng thẳng và tăng sức khỏe tinh thần.  Theo Mayo Clinic, tâm ZZlinh có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp mục đích.  Trau dồi tâm linh có thể giúp bạn xác định cái gì có ý nghĩa nhất trong đời sống.  Và nếu bạn có thể xác định và tập trung vào thực sự quan trọng đối với bạn, nhưng đừng quá quan trọng hóa vấn đề để có thể giảm sự căng thẳng.

Hãy nối kết với thế giới.  Nếu bạn có mục đích, bạn sẽ cảm thấy ít cô độc.  Sống thoải mái không chỉ giúp sống bình an nội tâm, mà còn thoát khỏi sự ràng buộc hoặc sự lo lắng.

Hãy mở rộng mối quan hệ xã hội.  Bạn khả dĩ thể hiện sự tâm linh bằng cách đi nhà thờ, trong gia đình, hoặc đi dạo với bạn bè giữa thiên nhiên, làm như vậy sẽ giúp củng cố các mối quan hệ.  Các mối quan hệ mạnh mẽ sẽ làm cho bạn giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe và tăng tuổi thọ.

Nếu cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng, đừng âm thầm chịu đựng.  Trong lúc khó khăn, người ta rất cần đến người khác – gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…

Các kỹ thuật thư giãn cũng giúp giảm căng thẳng – như yoga, hít thở sâu và thiền.  Cũng có thể đơn giản là tự thư giãn bằng cách tắt ti-vi, tắt điện thoại, rồi đọc một cuốn sách hay hoặc nghe nhạc, nếu có khả năng thì viết lách hoặc sáng tác (văn, thơ, nhạc, họa,…).

Làm sao sống viên mãn đời sống tâm linh?  Hãy thử áp dụng gợi ý dưới đây:

  1. Tìm kiếm cảm hứng.  Đọc sách báo, nhất là Kinh Thánh, bạn sẽ cảm nhận được các triết lý của cuộc sống. Hãy cố gắng nối kết với người khác, nhất là những người có cách sống khiến bạn khâm phục. Đọc sách là nối kết với những người giỏi, đọc Kinh Thánh là nối kết với Thiên Chúa, đọc hạnh các thánh là nối kết với các thánh.  Đừng ngại hỏi người khác về cách sống tâm linh.
  2. Suy nghĩ tích cực. Ngay trong lúc khó khăn, hãy cố gắng suy nghĩ tích cực, tìm cái tốt ở người khác và ở chính mình. Nghiên cứu cho thấy rằng những người suy nghĩ tích cực không chỉ sống hạnh phúc hơn, mà còn dễ tránh được sự căng thẳng và bệnh tật.  Hãy cố gắng tập trung vào những điều tích cực để tìm ra cách giải quyết vấn đề – như nói chuyện với người uy tín, người đáng tin cậy.

Đừng quên lời Chúa Giêsu mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30).

Trầm Thiên Thu chuyển ngữ từ beliefnet.com