SỐNG CÓ ÍCH CHO THA NHÂN

Người ta kể đoạn kết của bộ phim Tôn Ngộ Không như sau: Vào đêm trước khi thầy trò Tam Tạng bước vào cửa Phật.  Thầy trò ngủ chung với nhau, nhưng lòng bồi hồi xao xuyến không sao ngủ được. Ngộ Không thấy Thầy mình nằm trăn trở hết nghiêng bên này, lại nghiêng bên kia.  Bèn quay sang nói với Thầy: “Ngày mai chúng ta vào cõi Phật rồi, sao Thầy không vui?”.  Thầy Tam Tạng thở dài nói rằng: “Ngộ Không con ơi, con là khỉ, cả đời con theo Thầy chỉ mong thành người.  Còn Thầy đã là Người, lại bỏ kiếp người vào cõi Phật.  Biết có hay không!  Làm người mà chưa giúp gì cho đời, liệu thành Phật, Thầy còn có cơ hội cứu đời cứu người nữa hay không?”

Thực vậy Tôn Ngộ Không, khi theo thầy đi Thỉnh kinh đã mang hoài bão trở thành một con người, nhưng Ngộ Không đã không có cơ hội thay đổi bản chất của mình, vì khỉ vẫn là khỉ, cho dù có 72 phép thần thông cũng không thay đổi phận số của mình.  Còn chúng ta là người, nhưng sống cho trọn kiếp người, cho xứng với bản chất và phẩm giá làm người đôi khi chúng ta vẫn chưa thực sự nên người.  Có một nhà tu đức nói rằng: Bạn muốn là một người Kitô hữu tốt trước hết bạn hãy là một con người tốt.  Bạn muốn là một vị thánh, thì bạn phải là một người Kitô hữu tốt.  Dù chúng ta có muốn làm thánh làm phật, dù chúng ta có muốn trở thành những con người siêu phàm làm được nhiều chuyện lớn lao, phi thường nhưng trước hết và trên hết chúng ta phải là một con người hoàn hảo, một con người biết sống đúng bổn phận của mình. “Tu thân tích đức – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ.”  Một em học sinh muốn trở thành những nhà bác học lừng danh, thì trước hết, tuổi thơ của em phải là những học sinh gương mẫu, em phải biết chu toàn tốt bổn phận học trò của mình mới mong lập được công trạng cho gia đình và xã hội.  Hơn nữa, người có tài nhưng không sống đúng bản chất con người là “nhân chi sơ tính bản thiện” thì cũng chỉ là kẻ gieo vãi sự chết chóc nơi nhân thế thay vì dùng tài năng để phục vụ cho đời.

ZZLời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy bản chất của người Kitô hữu không phải là những gì cao xa nhưng chỉ là những hạt muối bé nhỏ hay chỉ là một chút ánh sáng lẻ loi.  Thật bình thường và cũng thật tầm thường nhưng lại thật hữu ích cho đời sống con người.  Không có muối làm sao có những bữa tiệc thơm ngon mặn mà.  Không có ánh sáng làm sao con người có thể nhìn ngắm những vẻ đẹp muôn màu của vũ trụ mà Thiên Chúa đã dựng nên.

Các con là muối cho đời – là ánh sáng cho trần gian.  Muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn.  Nhưng muối làm cho người phụ nữ nội trợ thêm rạng rỡ niềm vui, cho bữa cơm gia đình thơm ngon đậm đà.

Ánh sáng thì rực rỡ, huy hoàng.  Ánh sáng soi cho người ta thấy rõ đường đi, cho con người nhận ra nhau, cho quan hệ giữa người với người thêm trong sáng chân thành.  Mọi mối quan hệ còn ở trong bóng tối, thì đó chỉ là những mối quan hệ bất chính và tội lỗi.

Nhưng thân phận cả hai đều phải chịu hao mòn hy sinh thì mới thực sự có ích cho đời: Muối tan dần đi, ngọn đèn ngày càng lụn xuống.  Lý do tồn tại của cả hai là để gây tác động tốt: Nếu muối không mặn và đèn không sáng thì không có ích gì nữa, chỉ nên vất ra đường phố cho người ta chà đạp và khinh bỉ.

Thân phận và hoàn cảnh của mỗi Kitô hữu khác nhau: Có người âm thầm hèn mọn như hạt muối, có người rực rỡ huy hoàng như ánh sáng.  Nhưng mọi người đều có sứ mạng phải tác động tốt lên môi trường mình sống.  Không tác động tốt thì không còn là Kitô hữu nữa.

Là muối đất, là ánh sáng thế gian, hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta cần phải thắp sáng lên niềm hy vọng bằng cuộc sống tỏa lan tình người.  Dù chỉ là một ngọn đèn mù mờ giữa biển khơi, cho dù phải đương đầu với biết bao sống gió nhưng vẫn phải giữ cho ngọn đèn đó cháy sáng, vì biết đâu xa xa ngoài khơi vẫn còn có ai đó đang cần một chút ánh sáng để định hướng vào bờ.

Ngược dòng lịch sử 600 năm trước Chúa Giáng Sinh, tiên tri Isaia đã dạy chúng ta phương thế để trở thành ánh sáng cho đời:

Về mặt tiêu cực: đừng bao giờ khinh bỉ người khác, phải loại bỏ những tranh chấp, hăm dọa, nói xấu anh chị em mình; về mặt tích cực là chia cơm cho kẻ đói, chia áo cho người nghèo, làm cho người đau khổ được hạnh phúc…

Và “Như thế, sự sáng của ngươi sẽ tỏa rạng như hừng đông, ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong đêm tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”.

Một buổi chiều, Mẹ Têrêsa đi qua một căn nhà ngoại ô ở Calcutta.  Nhà tối om và có tiếng rên từ bên trong vọng ra.  Mẹ đẩy cửa bước vào, sờ soạng, đi lại giường một cụ già tiều tụy đau yếu, Mẹ hỏi: Nhà cụ không có đèn đóm gì ư? – Có một chiếc đèn còn tốt, nhưng không có dầu.  Vả lại có ai đến thăm tôi đâu mà phải đèn với đóm!  Mẹ lục lọi tìm ra chiếc đèn, lau chùi, mua dầu cho vào và đốt lên.  Mặt cụ tươi tỉnh lên.  Ít lâu sau Mẹ nhận được một lá thơ với mấy dòng chữ: “Nụ cười vui tươi của Mẹ, như dầu khích lệ, như đèn đốt sáng đời tôi, mỗi khi chiều về”.

Mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi để thắp sáng cuộc đời kẻ khác.  Mỗi người đều có một khả năng cá biệt để thắp sáng niềm tin cho anh chị em chúng ta và ướp mặn trần gian bằng tình yêu thương bác ái và cảm thông. Vì:

“Làm thân cây nến vào đời
Càng tiêu hao cháy, càng ngời vinh quang”

Nhưng tiếc thay, vì lười, vì ích kỷ, vì hèn nhát, ngọn đèn của chúng ta lu mờ dần đi và có khi tắt ngấm. Vì thiếu bác ái, thiếu lòng nhân từ nên những ai tiếp xúc với chúng ta đều cảm thấy mặn chát, khô cằn thiếu sức sống vui tươi.  Xin Chúa giúp chúng ta dám hy sinh và từ bỏ mình mỗi ngày để trở nên ánh sáng và muối men cho đời. Amen.

LM Jos Tạ Duy Tuyền

(Trích từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)

 

NHỮNG NÉT ĐẸP TIN MỪNG CỦA NGÀY TẾT

Mùa Xuân đến làm đẹp đất trời.  Những cành đào đua nhau khoe sắc.  Những chồi non bụ bẫm nhú ra khỏi cành cây khô khẳng.  Chợ búa đông vui và đẹp đẽ với những hàng hoá đủ mọi loại.  Những tà áo mới tha thướt làm đẹp phố phường.  Trong khung cảnh vui tươi tấp nập ấy, khuôn mặt mọi người như rạng rỡ tươi cười.  Mùa Xuân đem đến nhiều vẻ đẹp.  Cao quý nhất là những nét đẹp văn hoá dân tộc đậm đà mầu sắc Tin Mừng.

ZZNgày Tết có nét đẹp của lòng biết ơn.  Năm hết Tết đến, người Việt nam thường nhớ đến công ơn của những người đã giúp đỡ mình trong năm qua.  Biết ơn là một nét đẹp văn hoá đáng trân trọng và cũng là một điều hợp lý.  Năm 2000 phải biết ơn 1999 năm qua. Dòng sông lớn phải mang ơn những con suối nhỏ.  Hạt lúa phải nhớ ơn những hạt mưa, hạt nắng, hạt phân.  Ngày hôm nay phải biết ơn ngày hôm qua.  Thế hệ này phải nhớ ơn thế hệ trước.  Đời sống ta chịu ơn biết bao người.  Cảm nghiệm sâu xa chân lý này, nên mỗi dịp Tết đến, người Việt nam ta thường bày tỏ lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ và các ân nhân.  Những món quà nho nhỏ nhưng thắm đượm tình nghĩa làm vui cả người nhận lẫn người cho.  Riêng với người Công giáo, bày tỏ lòng tri ân đối với Thiên chúa là một bổn phận không thể thiếu.  Vì Thiên chúa chính là tổ tiên đã sinh thành nên ta.  Vì Thiên chúa là ân nhân lớn nhất đời ta.  Chính Người đã ban cho ta món quà cao quý nhất: đó là sự sống.  Chính Người tiếp tục chăm sóc gìn giữ ta từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây.  Biết ơn là việc làm của lương tri, cổ võ cho một thế giới mới chan chứa tình người.  Biết ơn cũng là một giá trị đạo đức được Chúa Giêsu đề cao trong Tin Mừng.

Ngày Tết có nét đẹp của sự cho đi.  Ta gửi đi những cánh thiệp như những sứ giả của tình cảm yêu thương.  Ta gửi đi những lời cầu chúc như tâm tình mến yêu tha thiết dành cho nhau.  Ta sửa sang quét dọn nhà cửa để đón tiếp nhau.  Ta dành thời giờ viếng thăm nhau để xiết chặt thêm tình thân ái.  Ta ăn mặc tề chỉnh để tỏ lòng kính trọng nhau.  Ta nói năng tế nhị để làm vui lòng nhau.  Ta rộng rãi tặng tiền mừng tuổi cho con cháu.  Tóm lại, tất cả những gì ta làm trong ngày Tết đều vì người khác và cho người khác.  Đặc biệt trong lãnh vực ăn uống.  Ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn đồ ăn thức uống cho gia đình, nhưng nhất là để mời khách.  Khách vào nhà bao giờ cũng được mời thưởng thức ấm chè mới, nếm kẹo bánh ngon.  Sự chiếu cố của khách làm vui lòng cho chủ.  Sự vui vẻ của người nhận là hạnh phúc của người cho.  Có niềm vui cho đi và có niềm vui lãnh nhận.  Những niềm vui ấy tạo cho ngày Tết một nét đẹp đầy mầu sắc Tin Mừng: Nét đẹp của sự quên mình, của sự quảng đại cho đi, của sự khiêm tốn đón nhận, của tình liên đới.

Ngày Tết có nét đẹp của sự đổi mới.  Thiên nhiên đổi mới với sự hồi sinh của cây cỏ.  Phố phường đổi mới với những căn nhà mới, với những gian hàng mới và với quần áo mới.  Hoà vào cái mới của đất trời, của xã hội, lòng người cũng nôn nao trong niềm hy vọng đổi mới bản thân và cuộc đời.  Ai cũng mong tống tiễn những điều xấu vào quá khứ.  Ai cũng mong đón nhận một tương lai tươi đẹp.  Niềm mong ước đổi mới được thể hiện qua những cố gắng giữ vẻ mặt tươi cười, không tức giận, không nói những lời thô tục, những điều rủi ro, nhưng chỉ nói những điều tốt đẹp, đối xử hoà nhã với mọi người trong những ngày Tết.  Phút giao thừa thật thiêng liêng.  Nó đánh dấu một khởi đầu mới.  Người ta tin rằng sống tốt đẹp những giây phút đầu tiên sẽ có ảnh hưởng tốt đến cả năm.  Nên mỗi dịp Tết là một lần khuyến khích ta cố gắng đổi mới đời sống, đổi mới bản thân.

Đổi mới đời sống là điều Chúa Giêsu tha thiết mong muốn nơi ta.  Người không ngừng mời gọi ta hãy từ bỏ con đường tội lỗi xưa cũ, bước vào con đường mới, con đường tự do, thánh thiện của con cái Thiên chúa.  Người không ngừng mời gọi ta trở thành bầu da mới để có thể chứa đựng thứ rượu mới là giáo lý của Người . Ngày Tết chính là một cơ hội cho ta thực hành Lời Chúa dạy, tích cực đổi mới đời sống nên tốt đẹp hơn.

Với tất cả những nét đẹp trên đây, tinh thần ngày Tết cổ truyền dân tộc rất gần gũi với Tin Mừng.  Rõ ràng nét đẹp văn hoá Việt nam đã chất chứa những giá trị Tin Mừng.  Rõ ràng Tin Mừng đang đi vào cuộc sống của người Việt nam.

Vì thế, người Việt nam Công giáo không những có trách nhiệm gìn giữ những nét đẹp văn hoá của ngày Tết cổ truyền mà còn phải biến những nét đẹp ấy thành những trang Tin Mừng sống động.  Khi ta sống tâm tình biết ơn trong ngày Tết, đừng chỉ giữ hình thức bề ngoài hay chỉ chú ý tới khía cạnh vật chất.  Hãy có tâm tình biết ơn sâu xa.  Hãy nhìn thấy ơn Chúa ban qua mọi ân huệ nhận được.  Khi ta cho đi trong ngày Tết, đừng chỉ cho đi như một hình thức xã giao hay như một thói tục bắt buộc.  Hãy cho đi với tâm tình yêu mến, kính trọng thực sự.  Hãy đón tiếp khách thăm viếng như đón tiếp chính Chúa.  Khi ta muốn đổi mới đời sống, đừng chỉ giữ như một hình thức và không chỉ giữ trong những ngày Tết, nhưng duy trì sự cố gắng đổi mới trong suốt cả đời với quyết tâm thực sự đổi mới đời sống.

Khi ta sống tinh thần Tin Mừng trong những phong tục ngày Tết, ta góp phần xây dựng một mùa Xuân mới, một mùa Xuân dân tộc, một mùa Xuân tình thương.  Mùa Xuân ấy sẽ vĩnh cửu vì sẽ dẫn đến mùa Xuân Nước Trời.

Lạy Đức Kitô là mùa Xuân đích thực, không bao giờ tàn úa, xin đổi mới tâm hồn con. Amen!

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt