LỊCH SỬ MÙA CHAY THÁNH

ZZTứ thời bát tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông, thay đổi tuần hoàn luân vòng chuyển đổi.  Niên lịch phụng vụ của Giáo hội Công Giáo cũng nằm trong chu kỳ ấy.

Phụng vụ Giáo Hội cũng có bốn Mùa như: Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh qua đi, Mùa Thường niên tiếp nối, chúng ta chuẩn bị bước vào Mùa Chay Thánh, cao điểm là Tuần Thánh và  Đêm Vọng Phục Sinh. Vậy Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu?  Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay có ý nghĩa thế nào?  Mùa Chay đến rồi lại đi, chúng ta làm gì để Mùa Chay không trở nên nhàm chán và có ý nghĩa?

Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu?

Vào những thế kỷ đầu Kitô giáo, để sống đạo và thực hành đạo, các Kitô hữu tiên khởi đã quan sát những người chung quanh xem họ sống đạo và thực hành đạo thế nào, cụ thể như việc người Do Thái giữ ngày Sabát, hay lên Đền thờ cầu nguyện.  Tuy các Kitô hữu tiên khởi họp nhau thành một cộng đoàn tế tự, cử hành phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần theo một công thức tuyên xưng đức tin.  Nhưng khi cử hành các ngày đại lễ như lễ Vượt Qua, lễ Năm Mươi, dù vẫn giữ nguyên những ngày lễ của người Do Thái  nhưng lại mặc cho các ngày lễ ấy một ý nghĩa mới, chẳng hạn: Khi cử hành, họ không chỉ nhắc lại các biến cố Xuất Hành Cựu Ước, mà còn tưởng nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, cũng như việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ.

Mãi đến thế kỷ thứ IV, trong Giáo hội mới nảy sinh những ý kiến khác nhau như: Liệu có cử hành lễ Phục Sinh vào ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái không?  Tại các Giáo đoàn thuộc Tiểu Á, họ vẫn giữ nghi lễ chiên vượt qua.  Riêng Giáo đoàn Antiokia lại ấn định lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật sau lễ Vượt Qua của người Do Thái, trong khi đó, các Kitô hữu tại Alexandria do các nhà chiêm tinh tính toán nên đã chuyển dời lễ Phục Sinh vào dịp phân xuân.

Cho dù có sự khác nhau về ngày cử hành các ngày lễ, nhưng lễ Phục Sinh vẫn là lễ chung của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo, vì lễ Phục Sinh dựa trên nền tảng đức tin, trước lễ Phục Sinh, có một thời gian chuẩn bị tương đối dài gọi là Mùa Chay hay “40 ngày”, tưởng nhớ Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 đêm ngày.

Việc thực hành Mùa Chay đã có từ thời kì đầu Kitô giáo, nhưng trải qua những bước thăng trầm, mãi tới thế kỷ thứ II, thời thánh Irênê, giám mục thành Lyon, việc giữ chay ngắn hạn từ hai đến ba ngày, không ăn bất kỳ thức ăn nào mới được phổ biến.  Sang thế kỷ thứ III tại Alexandria, người ta kéo dài việc ăn chay ra hết một tuần.  Những dấu tích của Mùa Chay hay “40 ngày” được tìm thấy ở thế kỷ thứ IV, trong lễ qui của Công Đồng Nicêa.  Đây là thời gian chuẩn bị mừng lễ, nhưng ưu tiên vẫn là việc giúp các người dự tòng chuẩn bị lãnh Phép Rửa Tội và Đêm Vọng  Phục Sinh.

Cuối thế kỷ thứ IV, Giáo đoàn tại Giêrusalem bắt đầu giữ chay 40 ngày hay còn gọi là Mùa Chay 8 tuần, người ta ăn chay suốt thời gian này, trừ thứ Bẩy và Chúa Nhật.  Sang thế kỷ thứ V, tại Aicập người ta cũng giữ chay, tiếp đến là xứ Gôlơ, người ta ăn chay ngày thứ Bẩy và thứ Sáu trong Mùa Chay.  Trong khi giữ chay, các Kitô hữu chỉ ăn một bữa mỗi ngày, thức ăn gồm có bánh, rau và nước. Giữ nghiêm ngặt nhất là ngày Thứ Sáu và Thứ Bẩy Tuần Thánh, người ta không ăn một chút thức ăn nào.  Giờ ăn chay được qui định tùy theo sự khác nhau của mỗi giáo đoàn.  Vì mùa chay gồm 6 tuần không thể tương ứng với 40 ngày được. Nên sang thế kỷ thứ VII, người ta đã lùi về trước Mùa Chay mấy ngày, cụ thể như bắt đầu từ ngày thứ Tư cho đến ngày thứ Bẩy tuần trước khi bước vào Mùa Chay, ngày mà hôm nay chúng ta gọi là Thứ Tư Lễ Tro, ngày ăn chay.  Đồng thời, ba Chúa nhật trước Mùa chay, là gồm tóm thời gian chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh, cách lễ Phục Sinh chín tuần.  Việc giữ chay ngày càng  đòi hỏi nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như buộc chỉ ăn bữa tối.  Nhưng đến thế kỷ thứ VIII, việc giữ chay được nới rộng ra, nghĩa là cho phép những người ốm đau bệnh tật được ăn trứng, bơ, sữa, cá và cả rượu nữa.  Sang thế kỷ XII và XIII, bữa ăn ngày chay được ấn định là trước giờ trưa 3 tiếng tức 9 chín giờ sáng, tiếp theo được ăn “bữa ăn nhẹ” vào buổi tối.  Sang thế kỷ XVII việc ăn chay giảm dần và Giáo hội cho phép được ăn cháo, sữa và cá nhỏ.  Trong ngày chay, tại các hoàng gia, nhà bếp thi nhau trổ tài làm ăn với những thực đơn sao cho dồi dào phong phú hơn ngày thường.

Một cảnh chợ cá ngày Thứ Tư Lễ Tro

Từ năm 1949, Giáo hội Công giáo qui định việc giữ chay và kiêng thịt là ngày Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh mà thôi.  Lý do vì hai ngày đó là ngày tưởng nhớ sự chết: Ngày thứ tư lễ Tro, linh mục chính thức làm phép tro được đốt từ những cành lá đã làm phép vào ngày Lễ Lá năm trước rồi vẽ hình thánh giá trên trán người nhận tro và nhắc lại rằng “ngươi là tro bụi, và người sẽ trở về tro bụi”, nhắc lại cái chết của mỗi người chúng ta, tiếp đến, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá.

Trong phụng vụ của Giáo hội Chính Thống, thời gian chuẩn bị bước vào Mùa Chay kéo dài năm tuần liền, mỗi tuần đọc một đoạn Tim Mừng riêng, với cách thức sám hối sâu xa.  Tuần thứ bốn, được ấn định là ngày kiêng thịt và ăn chay trong toàn Giáo hội.  Chúa nhật thứ năm được gọi là Chúa nhật Hòa giải, mỗi người hòa giải với người bên cạnh trước khi toàn thể cộng đoàn xin lỗi Chúa.

Cảm tưởng chung là một bầu không khí “vui và buồn”.  Mỗi tín hữu, với sự hiểu biết có giới hạn và khác nhau về phụng vụ, nên khi bước vào nhà thờ với các kinh nguyện của Mùa Chay, mỗi người mỗi cảm tưởng khác nhau.  Một phần vì những lời kinh tiếng hát mang đậm nét buồn, màu áo tím, những bài đọc dài hơn, đơn điệu hơn ngày thường, và hầu như không có nét vui tươi.  Một nét đẹp nội tâm rực sáng, tựa như ánh sáng ban mai chiếu rọi từ thung lũng tối tăm lên tận đỉnh cao của núi đồi.

Niềm vui âm thầm, êm dịu và toàn bộ các bài Sách thánh trong Mùa Chay nghe thật đơn điệu cho thấy sự bình an đã dẫn đưa người ta tới những điệp ca hòa tấu Allêluia trong Đêm Vọng Phục Sinh.

Chúa nhật lễ Lá là thời gian không còn dành riêng cho việc tưởng niệm cuộc khổ nạn nữa, bước vào một Tuần Thánh, với những bài đọc nhắc lại những ngày sau hết của Chúa Kitô trên trần gian và sự Phục Sinh của Ngài.

Tại sao lại gọi là 40 ngày chay thánh?

Từ “Mùa Chay” là một từ tương phản với từ gốc latinh là “quadragesima” có nghĩa là 40.  Trong Kinh thánh, con số 40 có ý diễn tả một khoảng thời gian chờ đợi, một quá trình, tượng trưng cho việc chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa.  Số 40 còn diễn tả hành trình trong sa mạc trên đường về Đất hứa của Dân Do Thái kéo dài 40 năm.  Ông Môisen đã ở trên núi Chúa 40 ngày (x. Xh 24, 18; 34,28).  Những người trinh sát đã ở trong vùng đấy 40 ngày (x. Ds 13, 25).  Elia đã đi 40 ngày trước khi tới được hang ở đó Ngài được thị kiến (x. 1V 19, 8).  Ninivê đã được cho 40 ngày để sám hối (x. Gn 3, 4).  Và quan trọng nhất là Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy vào trong hoang địa 40 ngày để ăn chay cầu nguyện trước khi thi hành sứ vụ công khai (x. Mt 4,2).

Như vậy Mùa Chay là mùa nhắc nhớ 40 năm hành trình trong sa mạc của dân Do Thái, 40 ngày trong hoang địa của Chúa Giêsu.  Con số 40 ngày, là thời gian đi vào hoang địa của cõi lòng, thinh lặng để chuẩn bị gặp gỡ Chúa.  Đây là thời gian phụng vụ cao điểm thuân tiện thích hợp cho các kitô hữu noi gương Đức Kitô dùng 40 ngày để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em.  Và bằng 40 ngày long trọng của Mùa Chay, mỗi người được liên kết mật thiết hơn với các Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu, Đấng đang tiến đến cái chết và sự sống lại.

Mùa chay mang lại cho chúng ta điều gì?

Phần lớn người Kitô hữu không thực hành việc ăn chay, nguyện ngắm, nên Mùa Chay không có ảnh hưởng tới đời sống của họ là bao?  Khi nói về Mùa Chay, người ta thường hiểu một cách không tích cực lắm.  Đại đa số dân chúng cho rằng trong Mùa Chay việc kiêng ăn, kiêng uống  giữ chay chiếm vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên điều đáng lưu ý là đại đa số người Kitô hữu không thực hành đạo trong đời sống nhưng họ vẫn đến nhận tro vào Thứ Tư Lễ Tro.  Đây là một nghi thức giầu tính biểu tượng, nó tác động đến tận đáy lòng con người, nhắc nhớ người ta suy nghĩ về thân phận của mình khi nhận tro và mời gọi con người trở về với Chúa.  Vì nhiều khi con người quên đi thân phận yếu hèn, mỏng giòn của mình, dẫn đến đau thương và đổ vỡ.  Bi kịch cuộc đời con người đều từ đó mà ra.  Con người phạm tội, tội cắt đứt sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, làm cho con người mất đi hạnh phúc, phải đau khổ và phải chết.  Chuyện sa ngã của Nguyên tổ đã chứng minh điều đó.  Lịch sử cứ độ của Dân Chúa, tội thì Chúa phạt, hối cải thì Chúa tha và cứu.  Nên mỗi khi lâm vào hoàn cảnh bi đát đau thương hay thất vọng, Dân Chúa đều nhận ra rằng cần phải sám hối trở về giao hòa với Thiên Chúa để được chữa lành. Mùa Chay là mùa sám hỗi, chúng ta hãy ra sức làm những việc cần thiết để được giao hòa và hiệp thông với Chúa, hầu được Chúa ban ơn.

Trong đời sống người kitô hữu, nhiều khi lắng nghe lời Chúa xong, chúng ta đã có quyết tâm đi xưng tội, làm việc đền tội, nhưng rồi kết quả không mấy khả quan, thì Mùa Chay là cơ hội rất thuận lợi.  Thư thánh Phaolô nói với chúng ta: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ” (2 Cr 6,2).  Đây là thời gian khẩn trương trong năm phụng vụ, thời gian thuận tiện được ban cho chúng ta để đẩy mạnh quyết tâm hoán cải, tăng cường việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, thống hối, mở rộng tâm hồn đón nhận thánh ý Chúa, thực hành khổ chế một cách quảng đại hơn, để đi tới và giúp đỡ tha nhân đang túng thiếu: đó là một hành trình tinh thần giúp chúng ta chuẩn bị sống Mầu Nhiệm Phục Sinh.  Vậy chúng ta hãy tin tưởng điều đó và bước vào Mùa Chay Thánh.

LM Antôn Nguyễn Văn Độ

http://tonggiaophanhanoi.org

 

 

 

THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

ZZCó một nhà hiền triết quan sát cơn gió thổi qua đồng cỏ.  Khi cơn gió nổi lên, cây cỏ đều ngả theo chiều của gió.  Khi cơn gió tạm ngưng thì cây cỏ lại ngóc đầu lên.  Khi con gió đổi chiều, thì cây cỏ cũng đổi chiều.

Thấy vậy, nhà hiền triết bèn nói: Cây cỏ là chúng ta, còn cơn gió là số mệnh.  Số mệnh không bao giờ để cho chúng ta nghỉ yên, nó thổi tung và thổi tung mãi, khi thì thổi bên trái, lúc thì thổi bên phải.  Điều quan trọng là phải biết nương theo chiều gió.  Đừng chống cự, đừng phản kháng, nhưng hãy biết gắn bó với số mệnh của mình, bởi vì số mệnh là chính Thiên Chúa, là thánh ý của Ngài.

Từ đồng cỏ, nhà hiền triết ghé thăm một người bạn quen.  Thoạt khi tới cửa, thì con chó sủa vang, đứa bé đang chơi ngoài sân, nhìn thấy người lạ, bèn chạy đi nép mình vào vòng tay người mẹ.  Nhà hiền triết càng tiến tới, thì đứa trẻ níu chặt lấy đôi tay người mẹ.

Thấy vậy, nhà hiền triết bèn nói: Đứa trẻ sợ hãi là chúng ta.  Người lạ mặt là số mệnh, còn vòng tay chở che là Thiên Chúa.  Số mệnh nhiều khi âm thầm từng bước tiến lại gần, khiến chúng ta sợ hãi, thế nhưng điều khôn ngoan là hãy noi gương bắt chước đứa trẻ, biết nép mình vào vòng tay uy quyền của Thiên Chúa.   Tương lai càng đen tối, chúng ta lại càng phải níu chặt bàn tay của Thiên Chúa.  Sống dưới cái nhìn trìu mến của Ngài, chúng ta sẽ không còn sợ hãi.  Nếu đứa trẻ nhận ra tôi là một người quen, thì nó sẽ vui mừng chạy ra và ôm lấy.  Cũng vậy, số mệnh dù có bẽ bàng thì cũng là thánh ý của Thiên Chúa.  Nếu chúng ta có một đức tin mạnh mẽ, chúng ta sẽ sẵn sàng đón nhận không kêu ca oán trách.

Thế nhưng có một người đàn bà đã lên tiếng phản đối: Làm sao tôi có thể giơ tay đón nhận số mệnh, vì nó như những ngọn roi quất vào cuộc đời tôi.  Chồng tôi bị chết trong chiến tranh, và bây giờ, mười mấy năm sau, đứa con trai tôi cũng lại chết trong chiến tranh.

Nhà hiền triết thông cảm với những đau khổ ấy, nhưng rồi ông đã trả lời bằng một giọng đầy an ủi khích lệ:  Tôi biết, rất có thể chúng ta sẽ phải khóc dưới sức nặng của thập giá, nhưng chúng ta không có quyền chất vấn Thiên Chúa.  Chúng ta phải tin rằng Đấng đã dựng nên những bông hoa xinh tươi, những trái cây ngon ngọt, Đấng đã cẩn thận sắp xếp từng nguyên tử của vật chất, thì Ngài sẽ chẳng để cuộc sống con người bị bất ổn.

************************

Con người đau khổ, đó là điều dĩ nhiên.  Nhưng đau khổ không phải là một cái gì thừa thãi và vô ích, chính Chúa Giêsu cũng đã từng chịu đau khổ, nhưng Ngài đã mặc cho những đau khổ ấy một giá trị tuyệt vời và đã dùng những đau khổ ấy để cứu chuộc chúng ta.  Rồi Ngài lại phán: Phúc cho những ai than khóc vì Nước Trời là của họ.  Vậy thì chị là người đang đau khổ, Nước Trời là của chị đó.  Nếu không có Nước Trời, thì tôi sẽ lên tiếng kêu gọi mọi người đau khổ hãy đoàn kết, chống lại số mệnh, chống lại Thiên Chúa.  Nhưng Nước Trời còn đó, và Thiên Chúa đang chờ đón chúng ta.  Hãy để Ngài tẩy rửa và thanh luyện chúng ta nên xứng đáng với hạnh phúc tuyệt vời ấy.

Đừng hỏi tại sao Thiên Chúa lại dựng nên bông hồng có những gai nhọn, Ngài có chương trình của Ngài.  Hãy để cho Ngài uốn nắn và hành động.  Thái độ khôn ngoan nhất là biết nép mình vào bàn tay Chúa.  Nếu cây cối chống trả với ngọn gió, nó sẽ bị gẫy đổ, nếu chúng ta chống trả với Thiên Chúa, đời chúng ta sẽ chồng chất thêm nhiều khổ đau, dù cuộc đời chúng ta có sóng gió, thì cũng hãy tin tưởng vào Thiên Chúa vì trước mặt Thiên Chúa, chúng ta đáng giá hơn chim trời và hơn hoa cỏ đồng nội rất nhiều.

************************

Lời Kinh Của Người Đau Khổ

Lạy Chúa,

Con cầu xin ơn mạnh mẽ
để thành đạt trong cuộc đời,
Chúa lại làm cho con ra yếu ớt
để biết vâng lời khiêm hạ…

Con cầu xin có sức khỏe
để mong thực hiện những công trình lớn lao,
Chúa lại cho con chịu tàn tật
để chỉ làm những việc nhỏ tốt lành…

Con cầu xin được giàu sang
để sống sung sướng thoải mái,
Chúa lại cho con nghèo nàn
để học biết thế nào là khôn ngoan…

Con cầu xin được có uy quyền
để mọi người phải kính nể ca ngợi,
Chúa lại cho con sự thấp hèn
để con biết con cần Chúa…

Con xin gì cũng chẳng được theo ý muốn.
Nhưng những điều con đáng phải mơ ước,
Mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin,
Thì Chúa lại đã ban cho con
thật dư đầy từ lâu…

Lạy Chúa,

Hóa ra, con lại là người hơn hết trên đời này,
Bởi con đã nhận được ơn Chúa vô vàn…

KỶ LUẬT NỘI TÂM

“Người môn đệ chỉ cần đốt cháy con tàu của mình [đốt cháy những gì mình làm sở hữu] và hướng về phía trước.  Anh được mời gọi để rời bỏ…bỏ lại cuộc sống cũ ở phía sau, và hoàn toàn phó thác. Người môn đệ được đẩy ra khỏi nơi tương đối an toàn của mình để đi vào một cuộc sống tuyệt đối bất an… ra khỏi lĩnh vực của sự hữu hạn… và đưa vào lĩnh vực của khả năng vô hạn.” –
Dietrich Bonhoeffer

Chúa Giêsu và Thánh Gioan Tẩy Giả là hai nhân vật quan trọng nhất trong Tân Ước và sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa đều được các Phúc Âm nhắc đến.  Nếu để những câu chuyện này song song với nhau, chúng ta sẽ thấy mỗi Thánh Sử thuật lại câu chuyện khác nhau.  Chẳng hạn như theo Mátthêu và Máccô, chúng ta đều thấy Đức Giêsu chịu phép rửa bởi Thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng Phúc Âm Luca thì chỉ thuật lại “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa” (Lc 3:21-22), và câu chuyện này được nhắc đến sau khi Gioan Tẩy Giả bị Vua Hêrôđê bắt bỏ tù (Lc 3:19-20).  Còn ở Gioan thì không nói tới việc Đức Giêsu chịu phép rửa, nhưng đề cập việc Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu và làm chứng về Đức Giêsu được Thần Khí ngự xuống dưới hình chim bồ câu (Ga 1:32-34).

Nếu chúng ta nhìn lại sự sinh tử của Thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu, chúng ta sẽ thấy cả hai đều có một sự khởi đầu tương tự, đó là sự thụ thai của cả hai đều được loan báo bởi Thiên Sứ.  Về sự chết thì hai Ngài đều đón nhận cái chết nhục nhã, Đức Giêsu thì đầu đội vòng gai và bị đóng đinh trên đồi Calvê; còn Thánh Gioan Tẩy Giả thì bị chém đầu và bỏ trên mâm làm món quà cho một người phụ nữ (Mt 14:1-12).  Theo Phúc Âm Luca thì Đức Giêsu và Thánh  Gioan Tẩy Giả đã gặp nhau một lần khi cả hai còn trong bụng mẹ và đã nhận ra nhau khi Maria, lúc ấy mới được thụ thai và đi thăm người chị họ Êlisabét, cất tiếng chào chị mình.  Có lẽ ngay lúc gặp gỡ khi còn trong bụng mẹ đó, Đức Giêsu và Thánh Gioan đã cùng nhận ra được rằng cả hai đều sống và chết cho một sứ mạng chung đó là mang tin mừng cứu độ cho nhân loại bắt đầu từ việc chịu phép rửa.  Thánh Gioan thì rửa tội bằng nước và Đức Giêsu thì mời gọi chúng ta sống trong Thần Khí.

Nhưng để được sống và trung thành với Thần Khí mà chúng ta được hưởng qua ấn tín của phép rửa, chúng ta cần phải có những phút tĩnh lặng để nghe được tiếng nói trong con tim.  Là người Kitô hữu, chắc chắn rằng ai trong chúng ta lại không muốn được nghe tiếng Thiên Chúa nói với mình một cách âu yếm như Ngài đã nói về Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta…”  Sở dĩ ai trong chúng ta đều muốn nghe những lời âu yếm của Thiên Chúa Cha vì khi Ngài dựng nên mỗi người chúng ta, Ngài đã ghi tạc sự mong muốn ấy trong con tim của mỗi người.

Từ muôn thuở, Thiên Chúa thấu hiểu tâm tình của con cái Ngài và Ngài hằng mong ước lời Ngài phán sẽ luôn được lắng nghe, được đón nhận và mang ra thực hành, biến ước mơ thành hiện thực.  Có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao Thánh Gioan Tẩy Giả lại có thể lắng nghe được lời Thiên Chúa mách bảo để rồi ông có thể nhận ra được Chúa Giêsu đích thực là Đấng mà ông và muôn dân đang mong đợi, là Chiên Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế?  Có lẽ nhờ cuộc thăm viếng của Mẹ Maria khi bà chị họ Eisabeth mang thai Gioan Tẩy Giả, Thánh Thần Chúa đã được Mẹ Maria mang đến cuộc gặp gỡ này và khiến cho Gioan dù còn trong bụng mẹ vẫn nhảy mừng trước cuộc viếng thăm của thai nhi Giêsu. Sự lắng nghe của Thánh Gioan Tẩy Giả không dừng lại khi ngài gặp gỡ thai nhi Giêsu, nhưng ngài tiếp tục lắng nghe, tiếp tục đón nhận Thánh Ý Chúa và thực hiện cho đến khi ngài bị chém và đầu của ngài được đặt trên chiếc mâm làm thú vui cho bá quan của Hêrôđê.

Lắng nghe là một thái độ và hành vi đòi hỏi phải có sự chú ý, kiên nhẫn và luyện tập thường xuyên. Điều này cũng có nghĩa là những ai muốn trở thành người có trái tim nhạy cảm để lắng nghe thì phải tạo cho mình một kỷ luật nội tâm và tuân giữ hết sức triệt để.  Kinh nghiệm sống của các thánh để lại cho chúng ta thấy, để có thể lắng nghe được tiếng Chúa, các ngài phải tự đưa ra một kỷ luật và tuân giữ những qui luật đó cốt sao cho tâm hồn các ngài thực sự tĩnh lặng để lắng nghe bất kể tiếng ồn ào hay xao động chung quanh bởi vì các ngài nhận thức được tiếng nói của Thiên Chúa chỉ xuất phát từ nơi sâu thẳm của con tim mà thôi.  Vì vậy, một con người có tâm hồn tĩnh lặng thể hiện ZZqua đời sống cầu nguyện, qua cái nhìn thế giới xung quanh, cũng như qua cách đối xử với mọi người, sẽ lắng nghe được tiếng Thiên Chúa một cách tỏ tường.

Khi Thánh Gioan Tẩy Giả bước vào sa mạc, ngài đã khép cuộc sống của ngài vào một kỷ luật để tiếp tục lắng nghe và nhận ra Thánh ý Chúa định cho cuộc đời của ngài.  Chính Thần Khí hoạt động trong ngài và hướng dẫn ngài chọn cuộc sống mà ngài đã sống đó là sống hoàn toàn để chuẩn bị cho Đấng Thánh, đó là sứ mạng của ngài.  Bởi thế, mặc dầu ngài rất bận rộn với sứ mạng dọn đường bằng cách mời gọi mọi người thống hối, ngài vẫn luôn để ý, lắng nghe và hướng lòng về sự hiện diện của Đấng mà ngài đang trông chờ.  Cho nên khi Đức Giêsu xuất hiện, mặc dầu rất thầm lặng, Thánh Gioan Tẩy Giả đã nhận ra Đức Giêsu là ai, và cũng ý thức được sứ mạng của ngài có lẽ đến đây đã hoàn tất. Thánh Gioan đã sống lối sống của người có kỷ luật nội tâm, một người biết lắng nghe và hướng lòng của mình đến Thánh ý của Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta biết dành thời gian để luyện tập cho mình một kỷ luật nội tâm hầu lắng nghe được tiếng nói của Thiên Chúa từ con tim của mình.  Hãy tập thinh lặng trong tâm hồn, tập làm chậm lại cuộc sống như chạy đua của chúng ta, tập biết phản ánh và nhìn lại những gì đã xảy đến trong ngày, nghĩ đến những người ta gặp gỡ, và tập cho ta biết sống thật cho giây phút hiện tại.  Qua những giây phút thinh lặng ấy chúng ta mới nhận thức ra được sức sống của thiên nhiên trong đó chúng ta là một phần tử, và sức sống ấy được nuôi nấng bởi Thiên Chúa, và như vậy chúng ta mới có can đảm để phó thác cuộc sống của mình cho Chúa hầu Ngài thánh hoá những gì là hữu hạn của con người trở nên sự vô hạn của Chúa, và chúng ta trở nên những người con biết sống theo Thần Khí như Chúa Cha hằng mong muốn. Amen!

Củ Khoai 1/14

NỖI NIỀM SÂU KÍN CỦA GIÊSU

ZZCác bạn trẻ thân mến,

Giêsu cũng là con người như chúng ta, cũng biết buồn, biết vui.  Có lúc Ngài cảm thấy hạnh phúc vì niềm an ủi thiêng liêng trào dâng, nhưng cũng có khi Ngài buồn phiền khi gặp phải những chống đối, ghét ghen.  Sứ mạng mà Giêsu đang gánh vác, Giêsu biết là nó sẽ dẫn Ngài đến cây thập giá thật sự trên đồi cao với những đòn roi, vu khống, sỉ nhục và đau đớn.  Dù ý thức rất rõ đó là con đường mà mình phải đi và nhiều lần chính Giêsu cũng đòi buộc các môn đệ phải đi con đường ấy, nhưng cứ nghĩ đến cái chết thảm khốc như một tên tử tội trên đồi, Giêsu vẫn cảm thấy có chút gì tiếc nuối, lo lo.  Mỗi lần như thế, Giêsu muốn tìm đến những người bạn thân của mình để chia sẻ nỗi niềm, mong sao với sự thấu hiểu và sẻ chia của họ, Giêsu có thể phần nào đó vượt qua được cảm giác lo lắng này mà hăng hái hơn gánh lấy trọng trách.  Thế nhưng, mỗi lần chia sẻ cho các môn đệ, vốn là những người bạn thân gắn bó suốt bao nhiêu năm qua, là mỗi lần Giêsu lại nhận lấy những hờ hững và vô tâm của họ.

Khi Ngài nói với họ là mình sẽ bị bắt, bị đánh đập, bị giết chết nhưng rồi sẽ sống lại, họ chẳng hiểu gì nhưng cũng chẳng dám hỏi lại, chỉ lo tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm.  Sau khi Phêrô thay mặt các tông đồ tuyên xưng căn tính Mêsia của Đức Giêsu, Ngài cũng mặc khải cho họ biết về tương lai của mình.  Phêrô vội vàng ngăn cản và không muốn chuyện ấy xảy ra.  Lần khác, ngay sau khi Ngài chia sẻ, hai anh em Giacôbê va Gioan đã bí mật gặp riêng Ngài để xin được ngồi bên hữu bên tả Ngài trong nước của Ngài.  Dường như trong mặt họ, điều quan trọng không phải là tâm tư của Giêsu nhưng là những lợi ích mà họ sẽ có được.  Con đường cứu độ mang đầy dấu vết thập giá của Giêsu, họ vẫn chưa thấu tỏ.  Bao mơ mộng về tột bậc vinh quang và chức tước đã chiếm hết chỗ trong tâm trí của họ, khiến họ không còn tâm tư để nghe những bộc bạch và những nỗi niềm rất riêng của thầy mình.

Đã rất nhiều lần, Giêsu nghẹn ngào tỏ bày mong ước và nỗi lòng sâu kín của mình nhưng chẳng ai hiểu cả.  Ngài ước được ấp ủ mọi người dưới cánh tay như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh.  Ngài mong sao ngọn lửa Ngài mang xuống cho trần gian có ngày được bừng cháy lên.  Ngài nói như một người tràn trề tâm tư khi thổ lộ là Ngài phải uống chén đắng Cha trao.  Là một con người, Giêsu cũng có lúc cô đơn, cũng có khi cần người an ủi, sẻ chia.  Ấy vậy là mà chẳng ai thấu hiểu, chẳng ai nhận ra, trái lại còn làm cho nỗi sầu riêng của Ngài thêm cay đắng.

Các bạn trẻ thân mến,

Trong mắt chúng ta, Giêsu là một con người rất mạnh mẽ vì Ngài đã một mình đương đầu với hết tất cả những khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta quên đi một điều là Giêsu cũng là con người như chúng ta. Cũng có lúc Giêsu vui vì có nhiều người nghe mình rao giảng, vì người dân được no nê, hạnh phúc, vì các bệnh nhân được lành.  Nhưng cũng có lúc Giêsu buồn vì chẳng ai hiểu mình, vì lòng người sao cứng cỏi kém tin, vì ai ai cũng bon chen tranh giành chức tước.  Chẳng ai trong chúng ta lại không bồi hồi và sợ hãi khi biết rằng chỉ ít ngày nữa thôi, mình không còn được sống nữa.  Cũng như chúng ta, Giêsu ước ao mình được sống và vui hưởng những niềm vui, hơn là bị những đòn roi tra tấn, bị những lời sỉ vả chát chúa bủa vào tai, bị những mũi đinh nhọn đóng sâu vào xương thịt, bị treo trên thập giá, trần truồng, tủi hổ.

Mỗi khi chúng ta gặp chuyện buồn, ta thường tìm đến bạn bè, hy vọng được san sẻ chút lo lâu.  Còn khi Giêsu có nỗi lòng, ta dường như chẳng mảy may để ý đến.  Ta bận nhiều chuyện quá!  Bận tính toán cho sự nghiệp của mình, bận gặp người này người kia, bận vui chơi với đám bạn trong những trò trụy lạc, bận suy nghĩ để tìm ra những thủ đoạn trả thù.  Ta bỏ rơi Giêsu một mình với nỗi niềm riêng. Ta đến với Giêsu có chăng cũng chỉ là để xin được cái này cái nọ, xin được ngồi bên hữu bên tả, xin Ngài ban cho ta điều này điều khác, còn những mong chờ, khao khát mà Giêsu dành cho chúng ta, ta bỏ lơ như chưa hề biết.  Nỗi cô đơn mà Giêsu chịu vốn đã đủ để dày vò Ngài, nay lại còn phải nhận lấy sự vô tâm của chúng ta, khiến cho nỗi đau ấy thêm phần chua cay, nhức nhối.  Vô tâm nối tiếp vô tâm, ta theo Chúa cốt chỉ để tìm lợi cho chính ta, chứ ta chưa bao giờ cố gắng để hiểu Chúa.

Hãy một lần cố gắng hiểu được những tâm tư của Giêsu như tên trộm lành, các bạn sẽ hưởng được lời hứa của Ngài: anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi.  Đừng để Giêsu một mình với nỗi cô đơn và tâm sự buồn, các bạn nhé!

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

SỐNG CHỮ NHẪN

Tích xưa kể rằng: Hàn Tín thời Hán Cao Tổ, thuở hàn vi phải đi câu cá đổi gạo mà ăn.  Thế mà có những lúc không đủ ăn.  Có bà thợ giặt cảm thương đã mời Hàn Tín đến dùng cơm tại nhà.  Hàn Tín đi đâu cũng mang thanh gươm kè kè bên mình.

Một hôm, có tên đồ tể Ác Thiểu muốn hạ nhục Hàn Tín, chận đường thách:

Chú thường mang gươm, chả biết để làm gì!  Bây giờ tôi không cho chú đi.  Chú có gan thì sẵn thanh gươm đó hãy chém tôi đi, bằng không thì phải lòn trôn tôi mà đi.

Hàn Tín chẳng chút do dự, lòn trôn tên hạ tiện đó mà đi, vì tự nhủ: “Giết thằng này thì được rồi, nhưng mà lấy mạng mình đổi mạng nó, thì không đáng tí nào!”

Sau Hàn Tín nhờ có công giúp Hán Cao Tổ dựng nước mà được phong làm Vua Tam Tể.  Lúc bấy giờ, Hàn Tín bèn mời bà thợ giặt đến biếu nghìn lạng vàng để tạ ơn.  Rồi không những không thèm trả thù tên đồ tể mất dạy xưa, lại phong cho hắn chức Trung Huý.  Ác Thiểu rất ngạc nhiên, khúm núm nói: “Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, đã dại dột xúc phạm đến oai nghiêm ngài, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu ban chức tước?

Hàn Tín ôn tồn bảo: “Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận.  Hành động của ngươi ngày xưa tuy quá đáng, nhưng cũng là bài học luyện chí cho ta.  Vậy nhà ngươi chớ tị hiềm mà hãy nhận chức ta ban”.

***********************************

ZZLối báo đền ân oán của Hàn Tín thật là hay.  Đối với người ân thì ban thưởng, song đối với người oán cũng vẫn ban thưởng chớ không trả thù.  Thật là một người quân tử.

Là người con của Chúa, Chúa dạy chúng ta hãy làm hoà trước để khỏi xảy ra điều tai hại hơn.  Đây là một lời khuyên quan trọng: Chẳng những không được làm hại ai hay có ý mưu hại ai, mà còn phải đi trước một bước mà làm hoà.  Nói rõ hơn, trước một điều bất công, vô tình hay hữu ý, thiên hạ gây cho ta: Như xỉ nhục, xỉ vả, chê cười, nói hành, vu vạ, cáo gian…  Tất nhiên lòng tự ái chúng ta bị va chạm, không thể nhịn được, lòng chúng ta như muốn trả đũa ngay.  Đó là tính tự nhiên của con người.  Nhưng Chúa muốn chúng ta sống khác hơn, sống cao thượng hơn.  Chúa muốn chúng ta tha thứ và làm hoà.  Tha thứ và làm hoà là điều kiện phải có để đến với Chúa.  Không thể đến với Chúa mà lòng còn ngổn ngang những tức giận, ghen tương, đố kỵ.  Nhân vô thập toàn, ai cũng có những lầm lỗi, ai ai cũng cần được tha thứ, thế nên cũng cần phải biết tha thứ cho nhau.  Người ta vẫn thường nói để sống với Chúa cần có đức tin để mình tin tưởng, phó thác cậy trông vào Chúa giữa những phong ba của dòng đời, và để sống với tha nhân, cần phải có lòng độ lượng, để mình sống bao dung và tha thứ cho người khác.

Nếu chúng ta không có lòng độ lượng có lẽ mình sẽ chẳng sống được với ai, và cũng chẳng ai sống được với mình.  Đây cũng là điều mà Chúa mời gọi chúng ta phải công chính hơn những người biệt phái trong tình yêu tha thứ.  Không chỉ yêu kẻ yêu mình mà còn yêu cả kẻ ghét mình.  Không chỉ quý mến kẻ thi ân cho mình mà còn làm ơn cho kẻ làm hại chính mình.  Bởi vì, oán báo oán thì oán chập chùng.  Chúa mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho kẻ thù, hãy làm hoà cùng kẻ thù và hãy cầu nguyện cho kẻ thù.  Chính Chúa đã sống tình yêu đó trên thập tự giá, nơi đó người ta đã tuôn đổ sự tàn ác trên thân thể Ngài, thế mà Ngài vẫn xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.  Tình thương Chúa không dừng lại ở việc tha thứ mà còn thi ân cho mọi người, kẻ lành cũng như người dữ.  Kẻ thờ phượng Chúa cũng như kẻ chống đối lại Chúa.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy sống tình thương bao dung đó cho anh em của mình.  Hãy quên đi những xúc phạm của nhau.  Hãy làm hòa để thêm bạn bớt thù.  Hãy tha thứ để tìm được sự bình an tâm hồn cho bản thân và cho những người chung quanh.  Xin Chúa là Đấng hằng thương xót và tha thứ, xin giúp chúng ta biết tha thứ lỗi lầm của anh em, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Amen!

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

CHÚA TRONG TÔI RẤT NHỎ…

Tôi được một linh mục dạy giáo lý mỗi tuần một giờ vào chiều thứ tư trong tuần.  Bố tôi thương đứa con gái ngỗ nghịch nhất nhà, tánh tình thẳng thắn và ngang tàng giống con trai, nên bố cho phép tôi học giáo lý công giáo để “tòng phu”.  Học được bao nhiêu giờ tôi cũng không nhớ, học những gì tôi cũng không biết có lưu lại trong tâm hồn tôi được bao nhiêu… chỉ biết khi cha tuyên bố cho phép được làm phép Thánh tẩy là tôi thở phào nhẹ nhõm.  Thế là tôi trở thành một “tân tòng Chúa”, từ ngày “tân tòng phu”.

Trong đời sống hôn nhân, mỗi Chúa Nhật vợ chồng tôi đều diện đẹp đến nhà thờ chánh tòa dự Thánh Lễ mà không khi nào vào ngồi ở hàng ghế trong nhà thờ, ông chồng tôi chỉ muốn đứng ở ngưỡng cửa nhà thờ và khi rước lễ xong là chàng kéo tôi ra, khi không rước lễ thì trong lúc người ta đi lên Cung Thánh, chúng tôi đi ra ngoài, leo lên chiếc xe Honda hai bánh chạy một mạch ra phố, lân la hết hàng phở, đến hàng cà phê, hang chè, hàng bánh… rồi làm một vòng dạo phố, khi trời đẹp chúng tôi cưỡi Honda chạy quanh bờ hồ ngắm cảnh, ngắm hoa ở vườn Bích Câu, rồi mới về nhà.  Bà mẹ đỡ đầu của tôi chắc để ý theo dõi chúng tôi, một hôm bà đón chúng tôi ở sân nhà thờ nhắc nhở, khi nào cha ban phép lành xong các con hãy ra về nhé. – Ôi, quê xệ!!!

Trước và sau khi nhận phép Thánh Tẩy tôi thấy mình chả có gì khác.  Chúa ở trong tôi chả thấy đâu cả, chắc Chúa ngủ yên và ngủ say.  Tôi sống đạo như thế kéo dài chả biết là bao lâu, chỉ có hình thức bên ngoài vào ngày Chúa Nhật thôi, còn bên trong thì rỗng tuếch rỗng toác, chẳng có tí nào là Chúa.  Lần lượt những đứa con ra đời, đứa nào chồng tôi cũng tìm bạn của anh đỡ đầu cho con trong ngày Lễ Thánh Tẩy… và rồi đời sống đức tin cũng vẫn vậy, dù rằng suốt thời gian mang bầu và khi sanh các cháu, tôi thỉnh thoảng lần chuỗi 50 Kinh Kính Mừng, mà không hề biết suy gẫm về sự Thương, sự Vui, sự Mừng ra sao cả.  Tôi cũng chẳng có chút cảm nghiệm gì về Chúa về Đức Mẹ.

Các con tôi bắt đầu đến trường rồi tuổi teen, tôi thấy mình phải có trách nhiệm dạy con biết về Chúa, mà mình có biết gì về Chúa đâu, hỏi chồng, hỏi vài người đạo gốc, đạo dòng mà cũng không ai đáp ứng rõ ràng cho tôi hiểu về Chúa ra sao.  Thôi thì cứ giao các con cho các cha ở nhà thờ.  Đi dự lễ ngày Chúa Nhật tôi nghe các bài đọc, càng thấy chả hiểu gì và nghe giảng tôi cũng chả nhận được chi.

Tôi hỏi cha trong tòa giải tội cũng không được giải thích thỏa đáng.  Bao nhiêu câu hỏi về Chúa vẫn cứ lẩn vẩn trong đầu.  Tôi thắc mắc và hỏi nhiều câu mọi người cho là vớ vẩn nên không giải thích được.

Biến cố tháng 4.1975 đến, chồng tôi phải đi tù cải tạo, một mình nuôi bốn đứa con trong khốn khó, vì chồng là “ngụy quân” nên bị đuổi khỏi sở, không công ăn việc làm, không biết buôn bán, tôi lăn lưng ra đi làm đủ mọi nghề bằng tay chân.  Ở cuối bờ hồ Xuân Hương, gần nhà tôi có một biệt thự, chắc là của ông “cán bộ nhớn” nào đó đang sửa, tôi xin được việc phụ hồ để kiếm gạo nuôi con và để khỏi phải bị đuổi đi kinh tế mới.  Có cô hàng xóm ngày xưa, gần nhà ba mẹ tôi thấy tôi khổ quá, vì mỗi khi cô đi ngang hiện trường nhìn thấy tôi ăn mặc xốc xếch, khệ nệ bưng những ki xi măng, bê những cục gạch nặng nề mà mặt thì chảy xệ buồn hiu, có khi tay xúc hồ, tay quệt nước mắt nên cô thương tình bèn rủ đi buôn bán may ra khá hơn chăng…

Tuy sống khổ cực, thiếu thốn mọi bề mà Chúa Nhật nào mẹ con tôi cũng ăn mặc tươm tất nhất có thể, đi dự Thánh Lễ.  (mẹ con tôi chỉ mỗi người có một bộ đồ tươm tất nhất để dành cho ngày Chúa Nhật)

Bây giờ suy niệm câu Kinh Thánh (Ga. 3,30)” Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” này tôi mới thấy Chúa ở trong tôi có một xí, bé tẹo tèo teo.!!!…

Lúc này chắc Chúa ở trong tôi dường như thức dậy mỗi Chúa Nhật rồi Chúa lại thiếp đi và ngủ say.

Mỗi sáng hai con trai lớn, đứa 11 tuổi, đứa 12 lo dậy sớm để đi giúp lễ 5 giờ 30 sáng.  “Đồ tế nhuyễn, của riêng tây” đã ra hết chợ trời để có gạo cho con ăn nên các cháu không biết giờ, có hôm chúng đến nhà thờ chắc khoảng 3 hay 4 giờ sáng, chưa mở cửa, hai đứa co ro ôm nhau ngoài góc cửa nhà thờ, ngủ quên trong gió lạnh Đà lạt cho đến khi ông từ đến mở cửa nhà thờ.  Tội nghiệp mẹ con tôi quá.!!!

Chắc Chúa cùng ngủ với các con tôi.  Tạ ơn Chúa!!!

Không biết Chúa to hay bé bao nhiêu trong lòng các con tôi???

Từ ngày ra hải ngoại, được sống trong đất nước tự do, lần đầu tiên tôi rủ nhà tôi đi tĩnh tâm do linh mục đồng hương tổ chức, vì từ khi gia nhập đạo Chúa, tôi chưa hề biết tĩnh tâm ra sao.  Từ chiều thứ Bẩy bắt đầu đến nhà tĩnh tâm tôi được gặp gỡ nhiều đồng hương thật vui.  Giới thiệu nhau rồi chúng tôi ăn chiều, sau đó Thánh Lễ rồi đi ngủ.  Lần đầu quen nhau nên chả ai ngủ nghê gì cả.  Suốt đêm cứ rì rầm đủ thứ chuyện về quê nhà, về vượt biên, v.v…  Sáng hôm sau chúng tôi được cha cho mọi người chia sẻ về đời sống đức tin.  Thôi thì các bà, các ông lại tha hồ kể lể đủ thứ chuyện bên quê nhà, chuyện cha xứ, chuyện xứ đạo.  Ăn trưa xong, chúng tôi dự Thánh Lễ rồi chầu Thánh Thể và kết thúc.

Đi tĩnh tâm về tôi cũng vui lắm, thấy thú vị vì quen một số đồng hương, được chia sẻ đủ thứ chuyện, được chầu Thánh Thể (mà hồi giờ tôi chưa hề biết)… rồi năm nào vị linh mục cũng lập lại cuộc tĩnh tâm như thế.

Tôi thấy mình chẳng học được gì về Chúa cả.

Những thắc mắc trong tâm hồn lại ngồn ngộn trở về mà chẳng biết hỏi ai, chẳng có một sách báo hay thông tin nào về đạo mà đọc cả.

Năm 1989 tôi được mời dự Đại Hội Sinh Viên Công Giáo Âu Châu, tổ chức ở Strassbourg, Pháp Quốc.  Dịp này tôi được một linh mục giới thiệu đi dự một khóa tĩnh tâm theo phương pháp linh thao của Thánh Inhaxiô Loyola.  Trong 3 ngày linh thao tại Brüssels, tôi mới biết thế nào là Ơn Cứu Độ, và hiểu sơ sơ về Lịch Sử Cứu Độ.  Tôi được Chúa dạy tập thể thao cho linh hồn tôi, bằng những giờ thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, khi cầu nguyện với đoạn Phúc Âm mà cha giảng phòng vừa hướng dẫn.

Tiếng Chúa thật mảnh, thật thanh, thật nhẹ, thật khẽ nên càng lắng đọng tâm hồn bao nhiêu, ta nghe được tiếng Chúa rõ bấy nhiêu.

ZZTôi đã gặp được Chúa Giêsu, tôi yêu thích và quý trọng nhất khi Chúa chạm đến trái tim “ngổn ngang trăm mối” của tôi thật dịu dàng mà thắm thiết, thật sâu thẳm mà ngọt ngào biết bao!!!.  Những giọt nước mắt biết ơn, cảm động, sung sướng tuôn tràn, ngập đầy hạnh phúc trong tôi.  Lần đầu tiên tôi biết Chúa Giêsu, là con Thiên Chúa xuống thế làm người, là Đấng Kitô chịu chết trên cây thập tự để chuộc tội cho thiên hạ và cho chính cá nhân tôi.  Lần đầu tiên tôi biết đến Lời Chúa, Kinh Thánh, Tin Mừng là gì, Giáo Hội là ai, các Thánh là ai, và quan trọng nhất tôi là ai.  Là ai mà Chúa thương yêu vậy?

Bây giờ Chúa ở trong tôi thật sự thức dậy rồi.  Chúa thức dậy và làm những điều kỳ diệu, mở trí khôn cho tôi hiểu Ngài, mở trái tim cho tôi biết yêu Ngài. Tôi nhớ đoạn Tin Mừng “Trong khi Đức Giêsu đang ở đằng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ.  Các môn đệ đánh thức người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?  Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! câm đi!”  Gió liền tắt và biển lặng như tờ” (Mc 4, 38-39).

Tâm hồn tôi bây giờ đã có Chúa ngự “ở đằng lái” để hướng dẫn tôi đi trên con đường của Thầy: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Từ đó mỗi ngày tôi để cho Chúa dắt tôi đi với Lời Chúa, những lúc này tôi được sống giây phút lặng thinh êm ả bên Chúa, tôi hiểu Chúa, và yêu Chúa.  Tôi cố gắng mỗi năm đều đi dự tĩnh tâm linh thao để có những ngày nghỉ ngơi tĩnh lặng bên Chúa, được sống trọn vẹn với Ngài, được Chúa yêu thương an ủi, xoa dịu những vết thương, những nỗi đau trong đời sống thường ngày, và tôi được yêu Ngài dồi dào hơn.

Tôi biết Chúa ở trong tôi đang lớn lên… và lớn chừng nào thì tôi không biết.

Thước để đo xem Chúa lớn bao nhiêu trong linh hồn chúng ta là

Mỗi ngày tôi sống với Chúa trong lòng mình bao nhiêu phút…

Chỉ có một người đã yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, chính là Thánh Phaolô, khi Thánh nhân thốt lên: “Tôi sống không phải tôi sống mà là Chúa sống trong tôi”

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa đã gieo vào lòng con hạt giống Giêsu từ bao nhiêu năm nay thế mà con không biết chăm bón cho hạt giống nẩy mần lớn lên, mà chính con đã để cho thế gian trong con đè chết ngạt hạt giống ấy, mặc dầu nhiều lúc hạt giống cũng đã nứt mần, muốn ngoi lên, nhưng bóng tối đầy đặc đã vô tình ngăn chặn không cho Hạt Giống Giêsu lớn lên.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng, mở trí cho cá nhân con và cho chúng con, những tín hữu biết yêu Chúa trên hết mọi sự.  Xin cho chúng con biết noi gương và sống như Thánh Phaolô.  Amen!

Elisabeth Nguyễn

 

CUỘC SỐNG LÀ MỘT QUÀ TẶNG

Khi thức giấc mỗi buổi sáng, bạn nghĩ đến điều gì trước tiên?  Có phải là…nướng thêm chút nữa, hay ôi… bài học chưa thuộc, chết rồi… công việc chưa giải quyết xong, hay một câu nói vu vơ nào đó của ngày hôm trước…  Dường như chúng ta cứ luôn phải sống với sự yếu đuối trì kéo của thân xác, hay với những lo lắng bận tâm sự đời và của những nếp mòn suy nghĩ.  Đã đành cuộc sống là thế những không thể không nói rằng điều ấy khiến chúng ta “lướt qua” thực tại mà đánh mất biết bao điều kỳ diệu trong cuộc sống; nhà thơ Bùi Minh Quốc đã từng thoảng thốt mà rằng:

ZZ“Có lúc nào trên đường đời tấp nập,
ta vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng nào ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu…”.

Chuyện kể rằng có một người hỏi vị ẩn sĩ: “Điều gì khiến ngài hạnh phúc nhất mỗi buổi sáng thức dậy.”  Vị ẩn sĩ trả lời: “Đó là thấy mình còn sống.”  Người kia hỏi vặn lại: “Nhưng ai cũng biết điều đó?” Vị ẩn sĩ mỉm cười ý nhị: “Đúng, ai cũng biết điều đó những không phải ai cũng cảm nghiệm được điều đó.”  Cũng vậy, cuộc sống không chỉ nằm trong những điều ta biết, những điều ta bận tâm, những điều ta suy nghĩ hay kí ức của ta, cuộc sống là còn những gì đang diễn ra quanh ta. Cuộc sống là lúc này đây: Là mỗi sáng khi bạn thức dậy, cảm thấy mình được sống thêm một ngày; là không khí tự nhiên trong lành mỗi sáng; là những cử chỉ quan tâm ý nhị của người thân, bạn bè; là ánh bình minh ló rạng báo ngày tươi sáng; là tiếng chim ríu rít nô đùa bên những hạt sương long lanh đọng lại trên cành lá; tắt một lời, là tất cả vẻ Chân Thiện Mỹ của Thiên Chúa ẩn mình đợi chờ ta bắt chợt. Thiên Chúa ẩn mình trong những sự đương nhiên của cuộc sống.  Hình như càng lớn chúng ta càng ít bén nhạy để gặp Ngài như thế.  Trẻ em lại làm được điều này.

Bởi chỉ đôi mắt trẻ thơ mới biết ngỡ ngàng trước những sự xem ra là đương nhiên ấy.  Đôi mắt chúng ta không còn nhìn cuộc đời với vẻ ngỡ ngàng nữa, nó đã xem mọi sự là đương nhiên và chỉ mục chú vào những bận tâm của riêng mình.  Những bận tâm ấy che khuất vẻ đẹp ẩn mình của Thiên Chúa.  Tuy nhiên, nếu lòng chúng ta khao khát kiếm tìm, chúng ta vẫn có thể bắt gặp Đấng vẫn đang ẩn mình chờ ta đâu đó. Có một nhận định rất sâu sắc là con người ngày nay dường như rất giỏi kiến tạo cuộc sống nhưng lại không biết cách tận hưởng cuộc sống.  Kì thực những ai biết thưởng thức cuộc sống mới thực sự sống, còn nếu không, chúng ta chỉ vận hành như những cái máy được lập trình sẵn, hay thu vén mình chìm đắm trong những thế giới chật hẹp của lo toan, tranh giành hơn thiệt.  Rồi đến một ngày, ta hao mòn kiệt quệ bởi đã không để lòng mình được nuôi dưỡng bằng những cảm mến thần thiêng.  Bạn thân mến, dù chúng ta là ai, Tạo Hóa đều công bằng trao cho chúng ta quà tặng cuộc sống.  Cuộc sống là một quà tặng, nó cần được đón nhận.  Một quà tặng không được đón nhận mãi mãi chỉ là một món hàng.  Món hàng không làm con tim tôi rung động.  Quà tặng mới làm tim tôi rung động hạnh phúc.  Do đó, cuộc sống cần được trân trọng, được sống và được cảm nhận.

“Bạn chỉ sống một lần thôi, nhưng nếu bạn sống đúng, một lần thôi là đủ rồi.”(Danh ngôn).

VÒNG SINH TỬ

Cuộc đời luôn có những điều trái ngược nhau nhưng lại không thể tách rời nhau, có cái này thì ắt có cái kia: Mở và đóng, cao và thấp, trên và dưới, nam và nữ, âm và dương, phải và trái, thiện và ác, đẹp và xấu, già và trẻ,… thậm chí là sống và chết.  Cái “nghịch” ấy lại không ngược, vẫn thuận, vẫn xuôi.  Vì trí tuệ con người nhỏ bé và nông cạn, không thể hiểu nổi, thế nên cho rằng đó là “cái vòng lẩn quẩn”.

Mới sinh ra đã khóc òa
Đời vui sao chẳng cười khì, người ơi?
Đến khi chết, lệ tuôn rơi
Thoát khổ cuộc đời, sao khóc làm chi?

Nghĩ cũng lạ thật.  Thế nhưng chẳng ai hiểu rõ cái nghịch lý đó!  Khi sinh ra, ai cũng chào đời bằng tiếng khóc, đứa trẻ nào bật khóc thì cha mẹ tươi cười, đứa trẻ nào không bật khóc thì cha mẹ lo sợ.  Phải chăng định mệnh đã an bài như phần cứng được cài đặt mặc định?  Người ta vẫn thường nói:“Đời là bể khổ!”.  Có lẽ vì chính Chúa Giêsu đã xác định: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).

Cái vòng đời lẩn quẩn đó được mệnh danh là “vòng sinh tử”.  Vòng sinh tử còn được gọi là “hữu luân”, đó là bánh xe của sự sinh tồn, chỉ sự luân chuyển của thế giới hữu hình.  Đây là cách nói và biểu tượng của người Tây Tạng ám chỉ “vòng luân hồi”.

Sách Huấn Ca cho biết: “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy . Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó” (Hc 15:16-17).  Rõ ràng con người được Thiên Chúa cho tự do hoàn toàn, và Ngài luôn tôn trọng quyền tự do chọn lựa của chúng ta.  Lý do không khó hiểu: “Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả.  Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện.  Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội”(Hc 15:18-20).

Thiên Chúa tuyệt đối tốt lành, nơi Ngài chỉ có sự thiện, Ngài toàn năng và toàn trí, đúng như tác giả Thánh Vịnh thân thưa: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139:1-4).  Chắc chắn chúng ta không thể giấu giếm được gì, cũng chẳng thể biện hộ được!

Như đã nói, chúng ta được Thiên Chúa ban cho quyền tự do chọn lựa, tùy ý thích cài này hoặc cái kia. Đơn giản như việc ăn uống, người ta tự do ăn bất cứ thứ gì, không chịu kiêng cữ thì béo phì hoặc bệnh tật là điều tất yếu thôi.  Có triết lý này: Cái gì tốt thì luôn đẹp, còn cái gì đẹp chưa chắc tốt.  Ai chọn cái tốt đẹp thì thật là khôn ngoan: “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời.  Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa, hết lòng hết dạ kiếm tìm Người” (Tv 119:1-2).

Ước gì mỗi người đều biết thân thưa với Chúa: “Vâng lạy Chúa, Ngài đã ban huấn lệnh, truyền chúng con tuân giữ vẹn toàn.  Ước mong sao con hằng vững bước theo thánh chỉ Ngài ban” (Tv 119:4-5). Và không ngừng cầu nguyện: “Xin tỏ lòng nhân hậu cùng tôi tớ Chúa đây để con được sống và tuân giữ lời Ngài. Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao” (Tv 119:17-18).  Ai biết hành động như vậy là khôn ngoan, vì biết chọn “đường sống” chứ không chọn “đường chết”.

Muốn khôn ngoan như vậy thì chỉ có cách duy nhất là “bám vào Chúa”, chứ không thể ỷ sức mình, và chân thành cầu xin: “Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng.  Xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ” (Tv 119:33-34).  Chắc chắn Ngài chỉ chờ có vậy, nghĩa là Ngài sẽ không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ.

Thánh Phaolô nói về sự khôn ngoan: “Điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong.  Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển” (1 Cr 2:6-7).  Thật vậy, “không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu biết, họ đã chẳng đóng đinh Đức Chúa hiển vinh vào thập giá” (1 Cr 2:8).

Đúng như đã có lời chép: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.  Còn chúng ta, chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho, nhờ Thần Khí.  Thật vậy, Thần Khí thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa” (1 Cr 2:9-10).  Quả thật, chúng ta là những người rất may mắn và diễm phúc!

Sống hay chết có liên quan luật pháp. Nhà có gia phong, nước có quốc pháp.  Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật.  Nhưng con người dễ hư ZZhỏng nên phải có luật pháp để kiểm soát, cũng như loài ngựa dễ sinh chứng nên cần có hàm thiếc để kiềm chế.  Do đó, có những người hư hỏng đã hoàn thiện nhờ nghiêm luật.

Khi làm người, Chúa Giêsu cũng vẫn luôn tôn trọng luật pháp.  Ngài đã xác định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ.  Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.  Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.  Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5:17-19).  Luật Chúa nghiêm minh nhưng vô cùng hữu ích, như tác giả Thánh Vịnh xác nhận: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn” (Tv 19:8).

Chúa Giêsu cảnh báo: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20).  Giết người, cướp của, gian dâm,… hoặc phạm những tội tày trời là điều hiển nhiên ai cũng ghét.  Nhưng với Chúa Giêsu, tội nhỏ cũng không được phạm: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.  Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5:21-12).  Thậm chí là điều rất nhỏ mọn: “Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5:23-25). “Căng” thật đấy!  Nhưng đã là nghiêm luật thì “căng” thế nào cũng phải làm, bởi vì Ngài nói thẳng với mỗi chúng ta: “Bạn sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5:26).  Đây mới là “căng” thật!

Ngoại tình là chuyện lớn, không được “lóm lém”, nhưng Chúa Giêsu cấm cả chuyện nhỏ: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:28).  Và Ngài thẳng thắn và dứt khoát rằng “thà mù, cụt, què mà vào Nước Trời còn hơn đẹp trai hoặc đẹp gái mà phải vào hỏa ngục” (x. Mt 5:29-30).

Cựu ước cho phép ly dị, Tân ước cấm tuyệt.  Chúa Giêsu bảo: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5:32).

Ngay cả việc thề thốt Ngài cũng cấm: “Đừng thề chi cả.  Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được” (Mt 5:34-36).

Cuối cùng, Chúa Giêsu tóm gọn: “Hễ CÓ thì phải nói CÓ, KHÔNG thì phải nói KHÔNG. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:37).  Đó là Luật-Sự-Thật, rất ngắn gọn và đơn giản, nhưng đừng tưởng là “chuyện nhỏ”, vì không dễ mấy ai dám làm đâu!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con thoát khỏi “vòng lẩn quẩn” của cuộc đời này để có thể thi hành nghiêm luật của Ngài đúng từng chi tiết của từng điều khoản.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen!

Trầm Thiên Thu

TÌNH YÊU ĐÔI LỨA

ZZMột câu ca dao thật đẹp và đáng nhớ, đã được cha ông chúng ta rút từ kinh nghiệm sống bao thế hệ mà hầu hết người Việt đều biết, đó là: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.”  Câu ca thật đẹp vì nó đã nói lên được giá trị cao quý của tình yêu nam nữ; cụ thể hơn qua tình yêu đôi lứa.

Tình yêu đôi lứa là chủ đề cho các nghệ sĩ sáng tạo ra biết bao bài hát, bức họa, bài thơ và những áng văn tuyệt vời.  Dường như tình yêu đôi lứa đã làm cho cuộc đời này tươi đẹp và phong phú hơn.  Và, đối với một Kitô hữu, tình yêu đôi lứa thật đẹp và đáng tôn trọng vì nó đã phản ánh phần nào về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.  Tình yêu đôi lứa chỉ thật sự đẹp và cao trọng nếu đặt trong tương quan với Chúa; chính Chúa đã mời gọi và là sợi chỉ thắt chặt đôi bạn trẻ với nhau; nếu không có sự tương quan với Chúa, tình yêu đôi lứa sẽ không bền vững.

Người nam và người nữ cần có nhau

Khởi đầu tạo dựng vũ trụ, theo Sáng thế ký, Chúa đã dựng người nam và người nữ để hổ trợ cho nhau. Lúc đầu, Chúa đã tạo dựng nên Ađam mà không có Evà, có dương mà không có âm.  Ađam một mình thui thủi hết đứng lên lại ngồi xuống, nhìn các loài vật mà ông mới đặt tên cho đều có đôi có cặp, và không có loài nào giống mình nên ông thấy thiếu một cái gì đó mà chính ông cũng không biết.  Và, Thiên Chúa thấy tội nghiệp cho ông, Người mới nói: “Đàn ông ở một mình không tốt” (St 2,18), nên Thiên Chúa rút một xương sườn của Ađam để dựng nên người nữ là Evà.  Khi đã có người nữ bên cạnh, Ađam đã vui mừng mà thốt lên: “Này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!  Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2,23).

Như vậy, ngay từ khởi đầu, người nam đã hướng về người nữ, như là tìm kiếm cái gì đã mất; người nữ hướng về người nam như tìm lại cội nguồn xuất phát ra mình.  Khuynh hướng thầm kín này đã thúc đẩy người nam và người nữ tìm đến với nhau.  Và nam nữ tìm đến nhau đã khởi đầu cho mối tình đôi lứa thật huyền diệu.

Tuy nhiên, nam nữ đến với nhau có thể tạo nên một tình yêu cao cả và huyền diệu; nhưng cũng có thể họ đến với nhau mà không chân thành, không có tình yêu.

Một tình yêu cao cả

Một tình yêu đôi lứa chỉ cao cả và huyền diệu khi họ thực sự đến với nhau bằng con tim chân thành. Lúc đó, họ sẵn sàng chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, và họ luôn mong những điều tốt đẹp nhất cho người yêu.  Chỉ cần người nam được nhìn thấy người nữ hay người nữ nhìn thấy người nam là họ đã vui tươi hớn hở.  Những lúc yêu nhau, chỉ với nụ cười, cử chỉ, hay một món quà của một người cũng đủ đem hạnh phúc và niềm vui đến cho người kia.  Khi yêu nhau chân thành, người bạn trai sẽ không ngần ngại cho bạn gái biết rằng: “Em là dòng sông mát trong/ Em là mùa thu nhớ mong/ Em là mùa xuân khát vọng/ Em là mùa hạ nắng hồng” (Nhạc sĩ La Hối, bài hát Xuân và tuổi trẻ ).  Còn đối với bạn nữ, khi vắng người yêu, họ sẽ cảm nhận thiếu thốn và cô đơn mà thốt lên: “Nếu vắng anh, ai dìu em đi trong chiều lộng gió/ nếu vắng anh, ai đón em khi tan trường về”.

Một tình yêu đôi lứa cao cả và huyền diệu là dám hy sinh cho nhau.  Dám hy sinh cho nhau sẽ làm cho tình yêu trở nên linh thiêng hơn; họ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến cho người mình yêu dù phải hy sinh cả bản thân mình, như lời Chúa dạy: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13).  Nếu người yêu gặp khó khăn, buồn khổ trong cuộc sống, họ sẽ hy sinh mọi thứ của bản thân để đến chia sẻ và mang lấy đau khổ của người yêu với mong ước người yêu được vui tươi và hạnh phúc.

Một tình yêu đôi lứa cao cả và chân thành sẽ nhắm đến hôn nhân.  Khi tạo dựng, Chúa đã muốn Ađam và Evà đến với nhau và sinh con đẻ cái cho đầy mặt đất, có nghĩa rằng hai ông bà sẽ đến với nhau để làm thành một gia đình gồm người vợ, người chồng và con cái.  Bởi thế tình yêu đôi lứa là nền tảng xây dựng tình yêu hôn nhân gia đình hay tình yêu vợ chồng.  Do đó, tình yêu đôi lứa có vai trò quan trọng và cần thiết để xây dựng một gia đình hạnh phúc.  Không thể có một gia đình hạnh phúc nếu trong giai đoạn hẹn hò, đôi bạn trẻ không có được một tình yêu chân thành.  Cho nên, khi yêu nhau, đôi bạn trẻ cần trân trọng nhau, đến với nhau bằng tình yêu chân thành và gìn giữ cho nhau vì hạnh phúc sau này.  Nếu đôi bạn trẻ hiểu nhau và dám hy sinh cho nhau, thì họ dễ có được một gia đình hạnh phúc.

Như vậy, để đôi bạn có thể nói được: “Tôi thuộc về người tôi yêu dấu/ Người yêu tôi thuộc trọn về tôi” (Dc 6,3), thì họ cần có được một tình yêu đôi lứa cao thượng và chân thành.

Quan niệm lệch lạc về tình yêu đôi lứa

Tuy nhiên, ngày nay, người ta cho rằng để tìm ra một đôi bạn trẻ yêu nhau với tình yêu cao cả như trên thật hiếm hoi.  Bằng chứng là nhiều bạn trẻ ngày nay có những cái nhìn lệch lạc về tình yêu đôi lứa. Họ cho rằng tình yêu đôi lứa là trò giải trí nhằm thoả mãn thân xác mà thôi.  Đối với họ, tình yêu đôi lứa tách biệt khỏi hôn nhân, yêu cho thoả mãn ham muốn còn hôn nhân thì tính sau.  Điều đó dẫn đến nhiều bạn trẻ đã sống buông thả, chạy theo dục vọng riêng tư mà xem thường người khác.  Nhiều bạn trẻ đã rơi vào đường cùng và đau khổ khi bị người yêu lừa dối; nhiều bạn gái đã đi nạo phá thai; nhiều bạn trai đã lây nhiễm HIV, và kéo theo nhiều tệ nạn khác nữa.

Vậy làm sao để giúp các bạn trẻ có cái nhìn đúng đắn về tình yêu?

Biểu tượng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với con người

Qua sách Diễm ca, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết: Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương với tình yêu chân thành, vị tha và cao cả như một chàng trai đang yêu một cô gái.  Minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa dành cho con người được thể hiện trọn vẹn qua Đức Giêsu Kitô.  Có thể nói nhiều bạn trẻ hiểu sai lệch bản chất tình yêu đôi lứa, bởi vì họ chối bỏ Đức Kitô và đạo lý của Người.  Đức Kitô là nhân chứng và mẫu mực tuyệt vời cho tình yêu trọn vẹn.  Người đã yêu thương con người đến nỗi đã “hy sinh mạng sống vì con người”. Qua mẫu gương yêu thương của Đức Kitô dành cho con người, thánh Gandhi đã đúc thành một đặc tính của tình yêu: “Tình yêu bao giờ cũng hiến tặng, mà không bao giờ đòi đền đáp.  Tình yêu luôn giày vò và khắc khoải, nhưng chẳng bao giờ phản kháng và trả thù”.  Và Thiên Chúa muốn các đôi bạn trẻ yêu nhau như Người đã yêu con người:

Qua việc chấp nhận thân phận con người, sống kiếp phàm nhân như một người trần thế của Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn những đôi bạn yêu nhau phải biết bỏ đi những cái tôi của bản thân, để biết chấp nhận sự khác biệt của nhau.

Qua cái chết trên Thập giá của Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn những đôi bạn trẻ hãy yêu nhau với tình yêu chân thành, “dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu”.

Qua cuộc Phục Sinh vinh thắng của Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn đôi bạn yêu nhau hãy tin tưởng vào nhau và giúp nhau vượt qua những khó khăn trong đường đời.

Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã hứa sẽ ở lại với con người cho đến tận thế, Thiên Chúa muốn đôi bạn hãy yêu nhau suốt đời, để trở nên “thuộc về nhau”, đó là tiến tới tình yêu hôn nhân cao đẹp.

Như vậy, tình yêu đôi lứa là hình ảnh của mối tình Thiên Chúa đối với loài người; và tình yêu lứa đôi chỉ trở nên cao cả và huyền diệu khi họ biết sống theo lời Chúa dạy và nhờ ơn Chúa.  Nhờ đó, tình yêu đôi lứa thật sự thiêng liêng và bền vững, và “nước lũ không dập tắt nổi tình yêu/ sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8,6).

Lạy Chúa Giêsu, Ngày Lễ Tình Yêu nhằm tôn vinh nét đẹp và giá trị cao cả của tình yêu đôi lứa.  Tình yêu đôi lứa chân chính là hình ảnh tình yêu của Chúa dành cho chúng con, bởi vì chính “Chúa là Tình Yêu”.  Xin cho các đôi bạn trẻ đang yêu nhau nhận ra được giá trị chân thật và cao quý của tình yêu, để họ trân trọng và giữ gìn tình yêu cho nhau, để họ có thể mang lại hạnh phúc cho nhau. Amen!

Giuse Hồ Viết Sinh, OP

KINH VINH DANH: DANH TÍNH CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU

“Không phải những con người vĩ đại thay đổi thế giới, nhưng những con người yếu đuối trong bàn tay của một Thiên Chúa vĩ đại” – thầy Yun

Vào mỗi dịp đầu năm, chúng ta thường hay có những giây phút suy tưởng để nhìn lại những buồn vui của một năm trôi qua, và mong ước cho một năm mới tốt đẹp.  Có lẽ ai trong chúng ta cũng có một cái gì đó muốn được chôn vùi đi với năm cũ và mong được đón chào một hy vọng nào đó trong năm mới.

Đây là một khái niệm mà từ lâu nay tất cả mọi người không kể chủng tộc hoặc sắc dân đều thực hành. Chúng ta nhìn lại chuyện cũ để học hỏi, cảm thông, và tạ ơn trời đất, như Socrates nói “một cuộc sống không biết nhìn lại thì không đáng sống” vì đối với ông, hành trình làm người là một hành trình giúp cho ta tăng trưởng để thành nhân, để giúp ta đạt đến ơn gọi của sự hiện hữu của mình.  Mỗi tạo vật đều có mục đích của sự hiện hữu của nó.  Thế còn chúng ta, mục đích của sự hiện hữu của mỗi người chúng ta là gì?  Đó là câu hỏi mà có lẽ ai trong chúng ta đều nghĩ đến và có lẽ đây cũng là dịp chúng ta ngồi lại với Đấng Sinh Thành, xin ơn để nhận ra mục đích của sự hiện hữu của chính mình, vì chỉ có mỗi mình Ngài mới có thể giúp ta nhận ra điều đó bằng con mắt của con tim, cảm nhận nó với tất cả tâm trí, và xác tín nó với tất cả con người mình.  Lúc đó chúng ta mới thật sự sống với mục đích và ơn gọi mình đã được trao ban.

Mặc dầu ai trong chúng ta đều có hành trình riêng tư với Chúa Giêsu và qua đó Ngài dạy cho ta sống ơn gọi của mỗi người, tất cả chúng ta đều có hành trình và ơn gọi chung đó là con đường đi về Thiên Quốc và ơn gọi làm con Chúa.  Trong mỗi thánh lễ Chúa Nhật, Giáo Hội giúp ta nhìn lại hành trình chung của mình và nhắc nhở chúng ta sống với ơn gọi làm con Chúa qua những lời kinh nguyện và đặc biệt qua Kinh Vinh Danh.  Chúng ta có thể nói rằng Kinh Vinh Danh là bản đồ sống, là kim chỉ nam cho người Kitô Hữu.

Nếu chúng ta đọc kỹ lại Kinh Vinh Danh, chúng ta thấy hai câu đầu nói lên Thiên Chúa là ai, chúng ta là ai và chúng ta được mời gọi để sống ZZnhư thế nào: “Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm.”  Chúng ta hãy thử lắng đọng tâm hồn và lập đi lập lại hai lời kinh mở đầu này với tất cả tâm trí mình “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm.”  Đây là lời chào của các Thiên Sứ trong đêm Con Một Thiên Chúa xuống làm người, khi trời và đất được hoà hợp qua con người của Đức Giêsu.  Qua hai lời kinh tiềm ẩn lời mời gọi chân thành của Triều Đình Thiên Quốc, chúng ta được mời gọi hãy sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và nhận ra ánh sáng của Ngài.  Hãy xin ơn để luôn được biết mình đang sống trong sự vinh quang vô tận của Đấng Chí Thánh.  Hãy nhìn nhận kỳ công của Đấng Tác Thành trong mọi nơi và mọi lúc, và hãnh diện về hình ảnh của Đấng mà ta đang mang.  Trong hình ảnh ấy chúng ta được mời gọi để sống sung mãn trong thực tại với Ngài vì sự sống sung mãn mà Thiên Chúa hứa ban là sự sống trong giây phút hiện tại – “Vinh quang của Thiên Chúa là một con người hoàn toàn sống thật, và sống thật cốt ở chiêm ngắm Thiên Chúa.” –Thánh Irenaeus

Muốn được sống trong và cảm nhận sự vinh quang của Thiên Chúa, tâm hồn chúng ta cần được tĩnh lặng và bình an vì bình an là danh tính của Ngài, “bình an dưới thế cho người thiện tâm.”  Khi chúng ta để sự thánh thiện và tình yêu của Ngôi Lời NhậpThể làm chủ tâm hồn của mình, chúng ta sẽ nhìn mọi tạo vật trong sự thánh thiện và tình yêu của Ngài.  Chúng ta sẽ nhận ra được sức sống và sự sắp đặt tài tình của Thiên Chúa qua mọi sinh linh, và qua đó chúng ta cũng tập để biết phó thác cuộc đời của mình cho Đấng Quan Phòng.  Bao lâu chúng ta còn chưa biết quý mến lời chúc của các Sứ Thần “bình an dưới thế cho người thiện tâm” và sống chiêm niệm với sứ mạng cũng như mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể, chúng sẽ chẳng bao giờ để sự thánh thiện của Ngài làm chủ tâm hồn mình và chúng ta cũng sẽ chẳng biết nhận ra vinh quang và sự hiện diện của Ngài trong các sinh linh.  Khi chúng ta chưa nhận ra được sự sắp đặt tài tình của Thiên Chúa, chúng ta chẳng bao giờ biết buông thả những gì của ta và đưa tay ra cho Chúa Giêsu cầm lấy và dẫn dắt chúng ta sống ơn gọi riêng và sống với mục đích thực của mình; Vì chúng ta chẳng ai để kẻ lạ hay người chúng ta chưa hoàn toàn tin tưởng làm chủ lấy đời mình bao giờ, cũng như chẳng có người mẹ nào dám gởi con mình cho một người mà mình chưa tin tưởng dù chỉ là một chốc lát.

Kinh Vinh Danh là danh tính thật của người Kitô Hữu vì những lời kinh ấy nói lên một sự liên kết huyền diệu giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và loài người. Kinh Vinh Danh nói về một tình yêu vĩ đại đang bao trùm và mời gọi con người sống bình an trong tình yêu ấy. Lời kinh nhắc nhở và mời gọi chúng ta luôn biết Thiên Chúa là ai và ta là ai, luôn biết chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa để nhắc nhở cho chính mình một tình yêu bao dung đang mong chờ ta đến để chia sẻ sự thánh thiện của Đấng Sinh Thành; và trong sự thánh thiện ấy, chúng ta sẽ sống thật cho chính mục đích chung của con người và mục đích riêng cho từng người trong sự tĩnh lặng của con tim; bởi vì trong sự thánh thiện của Thiên Chúa, chúng ta chẳng bao giờ nhìn đến hoặc chấp nhận điều ác, chúng ta cũng sẽ chẳng để giận dữ chiếm lấy tâm hồn mình, hoặc làm ngơ trước những bất công và cũng không để những bất công làm cho ta mất đi bình an.  Khi chúng ta để sự thánh thiện làm chủ tâm hồn mình, chúng ta sẽ biết nhìn mọi sự như Chúa nhìn và tin tưởng rằng chính Thiên Chúa là Đấng duy trì mọi sự.

Trong năm mới này, bạn và tôi hãy suy niệm về Kinh Vinh Danh và hãy xin ơn để được sống như lời mời gọi: Vinh danh và tạ ơn Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, luôn sống trong bình an, biết để tình yêu và sự thánh thiện của Thiên Chúa dẫn dắt và soi lối cho cuộc đời chúng ta.  Nguyện xin Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô luôn ban cho chúng ta ơn biết nhận ra Ngài là Cha là Chúa của chúng ta,  biết chúng ta là những người con yêu quý của Thiên Chúa và biết ca ngợi như lời các thiên thần ca ngợi trong đêm Nôen: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm.”

Củ Khoai