PHÉP RỬA KHIÊM NHƯỜNG

ZZSông Gio-đăng, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống.  Sông Gio-đăng phát nguồn từ ngọn núi Héc-mon ở độ cao 520m.  Suốt 220km đường dài dòng sông không ngừng đi xuống.  Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển.  Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu thường qua lại, và các tông đồ thường chài lưới.  Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển.  Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết.  Ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển.  Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.

Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa, Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội.  Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Chúa Giêsu đã hòa mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi.  Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ.  Không ai nhận ra Người.  Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.

Trong đêm Giáng Sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người.  Làm một người bé nhỏ nghèo hèn như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.

Hôm nay, bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.  Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin Mừng.  Trước khi tiến ra gặp gỡ quần chúng, Chúa Giêsu đã tới dìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Để chuẩn bị ra gặp loài người Chúa Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy.  Mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu chưa cảm thấy mình gần với nhân loại cho đủ.  Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người dìm mình xuống lòng sông Gio-đăng, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người.  Tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách, để Người được thực sự là một người anh em của mọi người.

Dòng nước sông Gio-đăng có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người.  Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu.  Khiêm nhướng là một phép rửa.  Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút.  Dìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi.  Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50).  Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước Người: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?” (Mc 10, 38).  Khi nói thế Chúa Giêsu có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu.

Một câu châm ngôn nói; Không ai thấy được tình yêu.  Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu.  Bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu đối với ta đó là sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ những tội nhân tới dìm mình trong dòng sông Gio-đăng.  Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ.  Mượn dòng nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.

Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta.  Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa.  Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy.  Đừng ngần ngại thay đổi đời sống.  Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người.  Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối.  Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung.  Như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối.  Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50).

Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm.  Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu.  Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta.  Người sẽ nói về ta như nói về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối. Amen.

TGM Ngô Quang Kiệt

TỪ BÀN TAY TRẮNG

Ngày Phê rô đổi đời là ngày ông đang gặp thất bại.  Chúa can thiệp vào đời ông, ông có chút thành công.  Rồi Chúa lại bảo ông bỏ lại thành công đó cho đời, để nghe theo lời gọi mới.  Phêrô phân vân, “đâu là thành công thật?”

Cuộc đời Phêrô  xoay quanh con thuyền, sóng nước.  Nước có lúc bình yên, biển có ngày sóng gió.  Đời ông cũng nổi trôi như sóng nước.  Có ngày cá vào đầy lưới, ông vui.  Ngày cá đi vắng, ông buồn.  Ông không nắm chắc liệu cá có bơi qua thuyền mỗi ngày như mọi ngày?  Sống trong cái bấp bênh của may rủi là thân phận con người.  Ông có thể tính toán giỏi, nhưng ông không đọc được hết tâm tư của sóng nước.  Ông cũng chẳng hiểu những chuyến đi thầm lặng của loài cá.  Ông sống chờ thời.

Rồi một ngày, ông lên bờ với bàn tay trắng.  Ông buồn vì thất bại.  Nhưng buồn hơn là thấy đồng nghiệp của mình đang thành công, mà mình thì thất bại.  Phúc Âm kể, những người chài lưới khác đang đi rửa lưới.  Có cá vào nhiều nên mới đi rửa lưới.  Còn lưới Phêrô sạch, không cần rửa!  Ông ngồi nhìn con thuyền trống rỗng, nghĩ đến ngày mai bấp bênh.  Ông ngồi ngậm nghĩ, giá mà tối hôm qua ông thả lưới ở một vùng nước khác, có lẽ sẽ không đến nỗi tệ như hôm nay.  Giá như ông theo đám đông để thả lưới, thì có lẽ cũng kiếm được mớ cá như bao nhiêu người khác.  Bao nhiêu tâm trạng “giá mà” vẫn thường quanh quẩn trong tư tưởng mỗi khi thất bại.

Nếu nhìn chung quanh ai cũng đều thất bại, thì có lẽ Phê rô không buồn nhiều.  Còn tất cả thành công, mà mình thất bại thì buồn lắm.  Mặc cảm cá nhân thường ngăn cản những nụ cười tươi.  Chung quanh ông, có nhiều ánh mắt vui của thành công.  Còn trong ánh mắt Phêrô có ánh nhìn xa xăm.

Tôi gặp trong dòng đời nhiều ánh mắt như Phêrô, và tôi yêu mến họ.   Những ánh mắt buồn vì thất bại trong tình yêu, trong hôn nhân, và trong nghề nghiệp.  Ngay cả trong Giáo Hội, những người thất bại ít có tiếng nói, họ đứng bên lề của đời sống phục vụ.  Thinh lặng, kiên nhẫn, và đợi chờ.  Lối đi nào cũng có những khúc quanh của nó.   Lắm khi những khúc quanh cuộc đời khiến người ta ngại tìm một lối đi mới.

Câu chuyện vui của một Cha xứ kể làm tôi nhớ mãi.  Một buổi sáng Chúa Nhật, bà mẹ đến gọi con trai.

– Steven, dậy đi lễ.

Steven nghe tiếng gọi, nhưng anh phản ứng.

–  Không, con không muốn đi.  Đi lễ một mình buồn.  Hơn nữa, chẳng mấy ai ở nhà thờ ưa con.   Rồi anh kéo mền phủ kín đầu.  Người mẹ kiên nhẫn nhưng dứt khoát.

–  Có ba lí do con phải đi lễ hôm nay.  Thứ nhất, hôm nay là Chúa Nhật, lễ buộc. Thứ hai, con đã ngoài bốn mươi tuổi rồi.  Và thứ ba, vì con la Cha Xứ.  Dậy nhanh lên con, sắp trễ rồi !

Thất bại làm con người tê liệt, không muốn vươn xa hơn.  Phêrô cũng ngại ngần như thế.  Ông nhìn con nước trong veo nhưng lòng đầy nghi nan, tương lai ảm đạm.  Bất lực.  Ông ngồi chờ thời.  Rồi ánh bình minh lên cao, có bước chân người tìm đến.  Chúa nhìn thuyền Phêrô trống trải, còn ánh mắt ông thì vẫn xa xăm.

Có tiếng nói bên tai, “Cho tôi mượn chiếc thuyền.”  Lời đề nghị thân tình làm ông ngạc nhiên.  Lâu nay có ai mượn thuyền của ông bao giờ.  Phúc Âm kể:

ZZMột hôm, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Người để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghennêxarét.  Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.  Ðức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút.  Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.  Giảng xong, Người bảo ông Simôn: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”.  Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.  Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”.  Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.  Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp.  Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.  Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”  Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.  Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy.  Bấy giờ Ðức Giêsu bảo ông Simôn: “Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá.  Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.”

Mượn thuyền là để đưa thuyền ra khơi.  Chúa mượn thuyền Phê rô, Chúa mượn thuyền đời tôi.  Những con thuyền cũng có lần ngại ngùng xuống nước.  Rồi một lời đề nghị thả lưới trái quy luật, khó chấp nhận, bởi vì không ai có hy vọng lưới cá ban ngày, nhất là khi nắng đã lên.  Cá chỉ xuất hiện nhiều trong đêm.  Nắng càng lên cao, cá càng lặn sâu.  Thả lưới ban đêm mà vẫn trắng tay, nay lại còn có lời yêu cầu thả lưới ban ngày!  Sóng nghi nan trỗi dậy trong lòng.  Phép lạ hiếm xảy ra trong cuộc đời chài lưới nhiều kinh nghiệm.  Càng thấy mình có kinh nghiệm, càng khó tin lời người khác chỉ bảo.

Rồi từ bàn tay trắng xen lẫn nghi nan, có phép lạ xảy đến.  Phép lạ thứ nhất là lòng Phêrô thay đổi.  Chưa bắt được cá, nhưng lòng biết lắng nghe là đã mở lối cho nhiệm mầu.  Ông để Chúa vào thuyền đời mình.  Con thuyền lâu nay ông tự lèo lái, chẳng cần ai.  Nay ông  thất bại, ông bắt đầu hoài nghi cả chính mình.  Cái hay của Phêrô là nhẹ nhàng chấp nhận, “Thôi Chúa cứ dùng, chứ con nản chí lắm rồi.”  Sẵn lòng để Chúa dùng con thuyền đời mình, là bắt đầu đón nhận nhiều sự lạ.  Chuyện lạ của mẻ cá được bắt đầu từ một thái độ mở lòng, dù nó xen lẫn chút nghi nan.

Cái đẹp của niềm tin là nó được đan quyện trong những giây phút hoài nghi.  Tin mà không có chút hoài nghi có thể là một niềm tin tinh tuyền, nhưng cũng có khi nó lại là một niềm tin non trẻ, chưa trải nghiệm sóng gió.  Tin mà xen lẫn cả nghi nan, mới thấy rõ Ơn Trời nhiệm mầu.  Chúa biết Phêrô hoài nghi, nhưng vẫn can thiệp để biến hoài nghi trở thành niềm tin tưởng.  Vì thế, cảm thông cho những giây phút chán nản trong đời của một ai đó là bắt đầu dìu nhau bước vào ánh sáng của niềm tin.

Thay Đổi Giá Trị Sống

Phêrô choáng ngợp trước thành công vật chất quá lớn.  Chúa của ông lúc này vẫn là Chúa của ban ơn, Chúa của vật chất, và Chúa của nguồn thành công.  Ông vui vì được làm bạn với Chúa, người cho ông quyền lợi, cho ông lợi nhuận.  Ông vui vì từ nay ông không còn sợ kinh nghiệm trắng tay.  Rồi ông sẽ lên bờ rao giảng cho đồng nghiệp, “Hãy theo Chúa đi, rồi sẽ trúng lớn!”  Giá trị cuộc sống của Phêrô cho đến lúc này vẫn chỉ là cá.

Chúa cho Phêrô cá, nhiều lắm, nhưng lại yêu cầu ông từ bỏ nó.  Phêrô ngỡ ngàng, “sao Chúa cho con, rồi lại bảo con từ bỏ?”  Đây là bài học sâu thăm thẳm trong hành trình gọi mời. “Sao Chúa cho con thành công rồi Chúa bảo con bỏ nó đi?”  Rồi sâu trong ký ức, Phêrô lại nghe tiếng nói lúc Chúa mượn thuyền.  Lần lắng nghe trước đã làm nên điều kỳ diệu, nên ông muốn tiếp tục lắng nghe.  Chúa mách bảo với ông, “cá nhiều thì vẫn là cá.  Cá không làm cho anh trở thành người.  Bám mãi với cá, đời anh sẽ thoang thoảng với mùi tanh của cá.  Nếu anh muốn làm người, hãy đi theo Đấng đã nhập thể làm người.”

Theo Đấng đã nhập thể làm người là bắt đầu thay đổi giá trị sống: là để Chúa đi vào con thuyền đời mình hơn là tự lèo lái, là khám phá thành công vật chất, địa vị, nghề nghiệp, công danh, quyền lực, ngay cả địa vị trong tôn giáo, chỉ là phương tiện để hướng đến giá trị vĩnh cửu hơn là bám víu vào đó như là cứu cánh, rồi để bước chân lên bờ tìm đến những mảnh đời bị lãng quên.  Có khi những mảnh đời bị lãng quên đó có mặt ngay trong chính gia đình, trong giáo hội, hay lang bạt giữa chợ đời mênh mông.

Trong một thoáng giây choáng ngợp, Phêrô chợt hiểu, thành công thật không phải là kết quả, nhưng là hành trình đáp trả lời mời gọi để đi tìm kiếm con người.  Ông bỏ lại phía sau những gì đã đón nhận: con thuyền, mẻ cá, chiếc lưới, chút thành công vội vàng, và cả biển khơi cả cuộc đời gắn bó để theo Đấng đã làm người và mong sao cho mỗi người được trở thành người hơn.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu rằng, thất bại lớn nhất không phải là những lần thua cuộc trong chợ đời, nhưng là những lần không đáp trả lời mời gọi từ trên cao, và nhất là khi không sống đúng với cái hình ảnh mà Thiên Chúa muốn con trở thành.  Hôm nay, khi ánh bình minh lên cao, con cũng thấy bước chân của Ngài đi ngang qua con thuyền đời con, con thuyền cũng nhiều lần thất bại trắng tay.  Xin cho con hiểu, mỗi một lần thất bại, là mỗi lần con cần tập khám phá ý nghĩa của thất bại trong ánh sáng của Phúc Âm.  Mỗi một lần thành công, cũng xin cho con hiểu rằng, thành công là quà tặng.  Giữ mãi quà tặng cho riêng mình mà không sinh lợi cho nước Chúa, thì thành công ấy chỉ giống như mẻ cá của Phêrô, có rồi mất theo dòng sông cuộc đời.

Nguyễn Thảo Nam

http://tinvahyvong.blogspot.com/