TIẾN DÂNG CHO CHÚA

ZZSống là chấp nhận thuộc về.  Mở mắt chào đời là thuộc về một gia đình, một đất nước.  Càng sống con người càng thấy mình thuộc về nhiều hơn.  Thuộc về một nhóm, một giáo xứ, một nơi làm việc…

Khi đôi bạn trẻ yêu nhau, họ muốn trái tim của họ thuộc về nhau.  Thuộc về nhau là nền tảng của sự chung thủy.  Đối với Do Thái giáo, bé trai đầu lòng mới sinh ra thì thuộc về Chúa, được thánh hiến dành riêng cho Chúa.  Cha mẹ cậu phải bỏ ra một món tiền tượng trưng để chuộc cậu về cho mình (x. Ds 18,15-16; Xh 13,13)

Bài Tin Mừng hôm nay không nói đến chuyện chuộc con, nhưng lại nói đến việc bà Maria và ông Giuse tiến dâng con trai đầu lòng cho Chúa.

Đức Giêsu đã sống nghiêm túc sự tiến dâng này suốt đời.  Ngài thuộc về Thiên Chúa Cha một cách trọn vẹn.  Từ khi vào đời làm người, Ngài đã nói: “Này tôi xin đến để thực thi ý Chúa.” (Dt 10, 9) Năm 12 tuổi, cậu Giêsu đã cố ý ở lại Đền Thờ, mà cậu gọi là nhà Cha của cậu (x. Lc 2, 49).  Khi chịu phép rửa ở sông Giođan, Đức Giêsu ý thức rõ hơn mình là Con, thuộc về Cha, được Cha sai vào giữa lòng nhân loại (x. Mc 1,11).

Có biết bao cám dỗ trong những năm rao giảng, cám dỗ từ ma quỷ, từ đám đông, từ môn đệ.  Cám dỗ lôi kéo Ngài sống cho mình, và không muốn thuộc về Cha, Đấng sai Ngài đi.  “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra” (Ga 14,10).

“Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì ngoại trừ điều Con thấy Chúa Cha làm” (Ga 5,19).  Đức Giêsu không tự mình nói, tự mình làm, vì Ngài đã vượt qua được cái tôi, và để cho Cha chiếm hữu toàn bộ cuộc sống.

Nếu chúng ta dám nói và làm theo ý Cha, chúng ta sẽ giống Đức Giêsu: Thuộc trọn về Thiên Chúa. Thuộc về Thiên Chúa phải là nền tảng chi phối mọi tương quan của ta với thụ tạo khác.

Cậu bé Giêsu được đưa lên Đền Thờ lần đầu tiên.  Chúng ta thấy một đôi vợ chồng nghèo với đứa con nhỏ, đứng lẫn trong đám đông, chờ đến phiên mình.  Ai có mắt để thấy được sự lớn lao của mầu nhiệm?

Si-mê-on: Một người công chính và mộ đạo, một người đầy Thánh Thần và sống trong chờ đợi.  An-na: một góa phụ già nua phụng thờ Chúa đêm ngày trong ăn chay và cầu nguyện.  Để thấy Chúa trong cái đều đặn, bình thường, buồn tẻ, cần có một đời sống đạo đức sâu xa.  Chúa có thể gặp ta như một sự tình cờ, nhưng thật ra lại là kết quả của những năm dài chuẩn bị.

****************************

Lạy Chúa Giêsu,

Sống cho Chúa thật là điều khó.  Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu.  Amen!

NĂM MỚI CẦU GÌ? 

Năm mới, mọi người thường trao tặng nhau những lời cầu chúc thật tốt đẹp.  Một trong những lời chúc được ưa chuộng nhất đó là lời chúc: Phúc – Lộc – Thọ.  Lời chúc này được tạo nên bởi một hình tượng khá rõ nét với bộ Tam Đa: ông Phúc bế đứa trẻ; ông Lộc mặc phẩm phục đeo đai, trên đầu đội mão cánh chuồn; ông Thọ, người lùn thấp, đầu nhẵn bóng trán dô lên, một tay chống gậy, một tay cầm quả đào.  Cả ba ông đều có chòm râu dài bạc trắng, nét mặt hồng hào, cười tươi rạng rỡ.

Vậy, Phúc- Lộc- Thọ: Các ông là ai?

Ông Phúc là Quách Tử Nghi – Thừa tướng thời nhà Đường.  Ông là một vị quan thanh liêm nên cũng nghèo.  Đổi lại nhà ông ngũ đại đồng đường, con cháu đề huề.  Lúc ông mất, con cháu năm đời đều có đủ.

Ông Lộc là Đậu Tử Quân, làm Thừa tướng thời nhà Tấn.  Trái ngược với Quách, Đậu là quan tham, tiền của như núi nhưng khi trăm tuổi không có người nối dõi.

Ông Thọ là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng thời nhà Hán.  Ông này giỏi xu nịnh, được lòng vua nên hưởng nhiều bổng lộc.  Ông mang lộc vua ban mua nhiều gái đẹp làm thê thiếp, mục đích dưỡng sinh.  Và cũng sống dai, trên trăm tuổi.  Khi chết thì chỉ có đứa chút bốn đời lo tang ma, còn cháu chắt chết hết cả.

Ba vị đó được người Trung Quốc dựng lên ba hình tượng, không phải để thờ mà để người đời nhìn gương đó mà lựa chọn cách sống cho phù hợp.  Phúc –Lộc – Thọ có lối sống khác nhau.  Phúc thì tử tế, còn cầu như Lộc Thọ là cầu cái vô phúc, liệu có ai muốn không?

Xem ra lời cầu chúc “Phúc – Lộc – Thọ” đã được hiểu sang một ý khác không còn mang ý nghĩa ban đầu của hình tượng Tam Đa.  Nhưng thực tế, có lộc mà không có an bình, có Thọ mà không có niềm vui cũng là điều bất hạnh cho con người.  Thế nên, không cần cầu cho có nhiều tiền, không cần cầu cho sống dai mà là cầu cho có phúc được hưởng niềm vui trong cuộc sống mới là quan yếu.

Có ai đó đã nói rằng: “Ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao.  Tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao”.  Có được niềm vui thanh cao là hạnh phúc.  Đây mới là mục đích tìm kiếm ZZcủa đời người.  Con người sinh ra để đi tìm hạnh phúc.  Hạnh phúc là điều ai cũng khao khát, tìm kiếm suốt cả cuộc đời.

Tóm lại, Phúc – Lộc – Thọ là ước nguyện lớn nhất của mọi người.  Thế nhưng, trong ba điều ước Phúc – Lộc – Thọ thì Phúc mới là điều chính yếu mà chúng ta cần cầu mong.  Vì được đông con, có tiền, sống dai mà không có hạnh phúc thì cũng là những tháng ngày bất hạnh cho cuộc đời chúng ta.

Chúa Giê-su ngay trong bài giảng đầu tiên Ngài cũng nhắc đến cái Phúc của con người.  Cái phúc của Chúa Giê-su không phải là con cháu đầy nhà.  Cũng không phải là nhiều tiền nhiều của.  Cũng không phải là sống lâu đến độ “bách niên giai lão”.  Cái phúc mà Chúa mời gọi chúng ta ao ước, tìm kiếm là có Chúa ở cùng.  Có Chúa làm gia nghiệp.  Hay được Chúa xót thương….

Những mối phúc này hoàn toàn lệ thuộc vào sự tự do chọn lựa của chúng ta.  Chọn Chúa để sống khó nghèo, thanh sạch, hiền lành, nhẫn nại, hy sinh…  Đổi lại người ấy được nhìn xem Thiên Chúa và có Chúa làm gia nghiệp đời đời.

Nhưng ở đời hôm nay người ta ít chọn Chúa khi mà nhu cầu hưởng thụ mỗi ngày một cao hơn.  Người ta cần tiền để thoả mãn nhu cầu vật chất của mình nên không chịu sống khó nghèo.  Có tiền người ta rải tiền trong các cuộc truy hoan trụy lạc.  Thế nên, người ta ít sống thanh sạch.  Cuộc sống luôn tất bật, bon chen, xô đẩy con người, khiến có mấy ai hiền lành, nhẫn nại, hy sinh…?

Hôm nay ngày đầu năm, chúng ta cầu chúc cho nhau một năm mới chứa chan ơn Phúc từ Trời.  Xin cho chúng ta luôn là người có Phúc khi chọn Chúa làm gia nghiệp, khi chọn Chúa hơn những của cải mau qua trần gian.  Xin cho chúng ta luôn tìm được niềm vui có Chúa ở cùng khi biết sống phụng sự Chúa với hết cả tấm lòng.  Amen!

LM Jos Tạ Duy Tuyền

ƯỚC ĐƯỢC TRỞ VỀ TUỔI THƠ

ZZCó người hỏi tôi: Cha có vui khi tết đến không?
Tôi trả lời: Tết nay đâu vui bằng tết xưa mà thích.
Người ấy nói: Tết xưa nghèo có gì mà vui.

Tôi nói: Vâng, vì nghèo nên nó mới vui.  Vì nhà nghèo nên tết đến đồng nghĩa với việc tôi sẽ có được những điều mà ngày thường tôi không có.  Có tiền lì xì, có quần áo mới, được ăn dưa hấu, được ăn mứt, ăn bánh kẹo thỏa thích …

Thế nên, nếu bây giờ trời cho tôi điều ước, tôi sẽ ước được trở về như xưa.  Được trờ về với tuổi thơ, được sống với bầu khí tết thuở nào tuy nghèo nhưng đầy ắp tiếng cười.  Nhưng thời gian cứ phũ phàng trôi đi.  Thời gian tiến chứ không lùi.  Con người thì cứ lớn lên, già đi cũng đồng nghĩa lo toan nhiều và niềm vui bớt đi.

Có một người khi  bước qua tuổi thơ đã ước rằng:

ZZƯớc gì mình có thật nhiều tiền!
Mua chiếc vé về tuổi thơ
Chơi với búp bê, siêu nhân và gấu bông với đàn trẻ con hàng xóm.
Những đứa trẻ ngây ngô ngày nào giờ khôn lớn,
Chẳng hiểu vì sao xa lạ một góc trời…
Ước gì có điều kỳ diệu trên đời!
Một sớm mở mắt ra có mẹ, có bà, có tiếng nói cười thân thương quen thuộc.
Người lớn thức dậy với chiếc bóng dưới chân giường đơn độc,
Tự mỉm cười: Lại thêm một ngày nữa sắp sửa trôi qua…

Hôm nay , khi bóc tờ lịch cuối cùng của năm cũ chúng ta mới bàng hoàng sao thời gian đi nhanh thế?  Liệu mình có thể níu kéo được thời gian?  Mới mừng đó năm Tỵ mà giờ đây ngày cuối của năm Tỵ đã hết.  Con ngựa đang tung tăng bước vào thời gian.  Thời gian như chẳng chờ chẳng đợi ai.

Người ta thống kê rằng: Tuổi thọ của con người trung bình chỉ kéo dài được 4,000 tuần tức là xấp xỉ với 77 năm cuộc đời.

Nếu mình đang bước vào tuổi trung niên, nghĩa là đã đi được nửa chặng đường đời, chỉ còn khoảng 2,000 tuần nữa để sống, để thực hiện những ước mơ, hoài bão, nhưng liệu thời gian có còn đủ để ta thực hiện ước mơ?

Một điều kỳ lạ của thời gian là hiện tại dường như trôi qua nhanh hơn thời gian trước đó, dường như tuần này trôi nhanh hơn tuần đã qua và chắc tuần sau sẽ trôi nhanh hơn tuần này.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ.  Nó rất vô tình.  Hãy dùng nó cho có ý nghĩa.  Hãy tận dụng từng thời khắc cuộc sống kẻo thật uổng phí thời gian.  Có lẽ, không có cụm từ nào tai hại cho bằng ba chữ “Giết – thời – gian”.  Nhiều người tìm những thú vui, tìm những việc làm để chỉ mong giết thời gian.  Có người giết thời gian trong đam mê cờ bạc.  Có người trong tửu sắc.  Có người hoang phí trong những tiệc tùng thâu đêm vô bổ hay rong chơi đàn ca hát sướng.

Thật ra chúng ta được ban cho thời gian để sử dụng chứ không phải để giết chúng.  Lời Chúa trong thơ của thánh Phaolo gởi tín hữu Ê-phê-sô (5,16) đã đề cao giá trị về thời gian như sau: “Thế thì anh chị em hãy cẩn thận về cách sống của mình; đừng sống như kẻ dại dột, nhưng như người khôn ngoan.  Hãy tận dụng thì giờ, vì thời buổi nầy thật đen tối”

Thời gian là một tài sản vô giá.  Nó giúp chúng ta có thời gian giúp người giúp đời.  Thời gian không bao giờ quay ngược trở lại được.  Hãy trân trọng thời gian.  Hãy sống từng giờ cho có ý nghĩa. Hãy tận dụng nó để sống có ích cho đời, cho gia đình và bạn bè.  Hãy luôn nhớ rằng thời gian không chờ đợi bất cứ ai.

Giờ đây trong giây phút giao thừa chúng ta lại càng thấy thời gian trân trọng biết bao.  Đây là thời gian giao thoa giữa mới và cũ.  Giữa con Rắn và con Ngựa.  Giữa quá khứ và tương lai.  Thế nên, hãy sử dụng thời khắc hiện tại này thật ý nghĩa.  Hãy sống như thể đây là giây phút cuối đời.  Hãy trân trọng những người đang sống bên ta.  Hãy dùng nó để xây dựng tình người, để kiếm tìm hạnh phúc. Hãy khai mở mùa xuân trong nụ cười rạng ngời, trong cái bắt tay yêu thương.  Và hãy mang mùa xuân yêu thương gieo vào nhân thế hôm nay.

Lạy Chúa, Chúa là chủ thời gian.  Chúng con là người quản lý.  Xin Chúa tha thứ vì những lần chúng con đã không quản lý thời gian cho đúng.  Xin giúp chúng con biết trân trọng thời gian, biết dùng thời gian để làm việc thiện, để tôn vinh Chúa và sống có ích cho tha nhân.

Chúng con xin dâng lên Chúa giây phút giao thừa này.  Xin Chúa chúc lành cho những giây phút hiện tại này trần ngập niềm vui.  Xin cho những ngày xuân là những ngày họp trong yêu thương hạnh phúc.  Amen!

LM Jos Tạ Duy Tuyền

 

 

CON PHẢI LÀM GÌ?

ZZBài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về một cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa Đức Giêsu Nadarét với anh Saun, kẻ đang bách hại các Kitô hữu.  Chính Ngài muốn gặp anh trên con đường anh đang đi.  Dưới mắt Saun, Kitô hữu là những kẻ bỏ đạo Do Thái chính thống, để chạy theo một tà phái của ông Giêsu nào đó mà họ tin là đã phục sinh.  Trong tư cách là một người Pharisêu nhiệt thành và nghiêm túc (c. 3), Sa-un thấy mình có bổn phận phải trừng trị những kẻ phản đạo, bằng cách bắt bớ, xiềng xích, tống ngục, thậm chí thủ tiêu (cc. 4-5).

Chính lúc đang say sưa đến gần thành Đamát thì anh bị quật ngã.  Cuộc gặp gỡ bắt đầu, đời anh từ nay giở sang một trang mới.  Khi anh đang tự tin và hiên ngang tiến bước, thì ánh sáng chói lòa từ trời làm anh ngã quỵ (c. 7).  Khi Saun nghĩ mình là người sáng mắt, thì ngay giữa trưa, anh trở nên mù lòa (c. 11).  Khi anh định chỉ đạo cho những kẻ lầm đường lạc lối, thì bây giờ anh lại cần một người cầm tay dắt đi (c. 11).  Cuộc đối thoại bắt đầu giữa anh với người mà anh chỉ nghe tiếng nói.

Ngài âu yếm gọi tên anh hai lần và tự giới thiệu:  “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?  Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ” (c. 8).  Bắt bớ các Kitô hữu là bắt bớ chính Đức Giêsu.  Đức Giêsu và các Kitô hữu là một.  Bài học đầu tiên này Saun sẽ chẳng thể nào quên.

“Lạy Chúa, con phải làm gì?” (c. 10).  Lần đầu tiên Saun gọi người mà anh không hề tin là Chúa.  Khi tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét là Chúa, anh lập tức phó thác cho Ngài, để Ngài chỉ bảo điều mình phải làm.  Nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã không nói gì.  Ngài trao anh cho ông Khanania, một người chưa phải là Kitô hữu.  Chính ông này cho mắt anh thấy lại và cho anh biết anh được chọn để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt mọi người.

Đa-mát là nơi Đức Giêsu tỏ mình cho Saun, cũng được gọi là Phaolô, là nơi ông nghe tiếng gọi trở nên tông đồ cho dân Ngoại, và cũng là nơi khởi đầu cho cuộc hoán cải tận căn của ông.  Chính mặc khải của Đấng phục sinh dẫn đến ơn gọi và hoán cải.  Từ nay cuộc đời của Phaolô đi sang một hướng mới.  Giêsu đã trở nên trung tâm của đời ông.  “Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để chiếm được Đức Kitô” (Ph 3, 8).  Biến cố trên đường đi Đamát đã chia đời ông làm hai.  “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Ph 3, 13).

Chúng ta cũng có những kinh nghiệm như Phaolô: Ngã ngựa, mù lòa, nghe và gặp Đức Kitô, rồi hoán cải.  Như Phaolô, mong chúng ta để cho Đức Kitô Giêsu chiếm lấy mình, và trở nên người tông đồ nhiệt thành cho thế giới.

Lm Nguyễn Cao Siêu

***********************************

Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

LỰA CHỌN CỦA CHÚA GIÊSU

ZZĐịa lý nước Do Thái chia làm ba miền.  Miền Nam được gọi là Giuđêa.  Miền Trung là Samaria.  Miền Bắc là Galilêa.  Thủ đô Giêrusalem thuộc về miền Nam.  Đây là trung tâm chính trị và tôn giáo.  Vua Hêrôđê đóng đô ở Giêrusalem.  Đền thờ Giêrusalem là trái tim của dân tộc Do Thái.  Hằng năm người ở mọi miền tuôn về Giêrusalem dự lễ.  Đây cũng là nơi quy tụ quyền lực tôn giáo.  Có dinh thầy cả thượng phẩm.  Có các luật sĩ, biệt phái, văn nhân.  Người ở Giuđêa coi Giêrusalem là đền thờ duy nhất, đạo ở Giuđêa là chính thống.  Họ tẩy chay người ở Samaria, coi Samaria là ngoại đạo vì người ở Samaria xây cất đền thờ riêng trên núi Garidim.  Người ở Giuđêa không bao giờ đi lại tiếp xúc với người Samaria.  Còn miền Galilêa ở phía Bắc, tuy không có đền thờ đối nghịch với Giuđêa, nhưng bị Giuđêa khinh miệt vì đó là nơi pha tạp đủ mọi sắc dân, là đất của dân ngoại.

Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã không chọn rao giảng tại Giêrusalem.  Bởi vì Giêrusalem là vùng toàn tòng theo đạo, nhưng lại kiêu căng hợm mình, loại trừ người khác.  Khi mới sinh ra, Chúa Giêsu đã phải chạy trốn bạo vương Hêrôđê.  Hôm nay Hêrôđê con ông lại ra lệnh giết thánh Gioan Baotixita chỉ để thỏa mãn ước vọng ngông cuồng của một phụ nữ.  Chúa Giêsu đã không chọn Giêrusalem làm điểm xuất phát, bởi vì các thày thượng tế, các văn nhân, luật sĩ, biệt phái đã chai đá, luôn tìm cách bắt bẻ, chứ không biết mở rộng tâm hồn đón nhận giáo lý của Người.

Người đã chọn Galilêa vì Galilêa là vùng quê nghèo khiêm tốn, nhưng dân cư thuộc đủ mọi chủng tộc đã biết mở lòng đón nhận giáo lý của Người.  Người đã chọn Galilêa vì ở đây không có loại trừ, mọi người biết đón nhận nhau, chung sống hòa thuận.  Người đã chọn Galilêa vì Galilêa là vùng đất bị khinh miệt, dân cư bị gạt ra ngoài lề xã hội.  Ngay từ buổi ban đầu Chúa Giêsu đã không để giáo lý của Người bị đóng khung trong bốn bức tường đền thờ, bị giới hạn trong một khung cảnh địa lý và dành riêng cho một giai cấp.  Ngay từ buổi ban đầu Chúa Giêsu đã vạch ra cho Giáo Hội một đường hướng. Đó là ra đi, ra đi không ngừng nghỉ, ra đi đến những chân trời xa lạ, ra đi đến với mọi người thuộc đủ mọi chủng tộc, ngôn ngữ, màu da.  Đó là đi đến với những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Việc lựa chọn môn đệ của Chúa Giêsu cũng rất độc đáo.  Người không lựa chọn môn đệ trong đền thờ, nhưng lựa chọn môn đệ giữa chợ đời.  Người không lựa chọn những kẻ nhàn hạ rảnh rang, nhưng lựa chọn những người đang tất bật làm việc.  Người không chọn những người trí thức uyên thâm, thông kinh hiểu luật, nhưng lựa chọn những anh thuyền chài, đơn sơ, cục mịch.  Ý định truyền giáo của Người là rất rõ ràng.  Người lựa chọn những người dám ra đi, dám mạo hiểm, sẵn sàng từ bỏ, không ngần ngại, không do dự.  Người lựa chọn những con người có trái tim mở rộng, biết hy sinh quên mình, không bám víu vào bất cứ một điểm tựa nào, dù là lề luật, dù là đền thờ, dù là kiến thức.  Buông tất cả để chỉ nắm lấy Thiên Chúa.  Bỏ tất cả để chỉ đi theo Chúa.

Những lựa chọn của Chúa Giêsu khiến tôi hiểu rằng: Người yêu thích những tâm hồn rộng mở biết sống hài hòa, biết đón nhận anh em.  Người yêu thích những tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, ưa thích sống đời khiêm nhường bình dị.  Người yêu thích những tâm hồn nồng nàn yêu thương.  Đó là những tâm hồn dễ dàng đón nhận và chia sẻ Tin Mừng.  Đó là những thửa đất tốt cho hạt giống Tin Mừng nảy mầm, đơm bông kết trái.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở lòng con để con đón nhận được Lời Chúa và để Lời Chúa sinh nhiều bông hạt.

TGM Ngô Quang Kiệt.

TỪ NGHIỆN NGẬP TRỞ THÀNH LINH MỤC

Món quà từ sự trở về của linh mục Phanxico xavie Trần An!  Cảm nhận từ cuộc gặp gỡ với “người cha” của Trung Tâm Hướng Thiện – La Vang

Trong một con người ta sẽ luôn tìm thấy món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng, đó chính là sự sống. Sự sống vẫn luôn triển nở cho dù con người có nhận ra và trân trọng điều đó hay không.  Có những người tự vùi dập món quà mà Chúa ban tặng.  Để rồi, họ sống mà như đã chết.  Tồn tại mà như ở trong cõi hư vô.  Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng hết mực yêu thương vẫn luôn quan phòng gìn giữ sự sống mà Ngài đã thông ban.  Bởi thế, Ngài vẫn dùng tình yêu của mình để cảm hóa những cuộc đời còn đang chìm lạc trong bóng tối của u mê khờ dại vì buông mình theo thế gian.  Ngài dẫn đưa họ về với ánh sáng của Chân Lý, dẫn đưa họ về với tình yêu và để cho họ cũng trở thành những chứng tá cho tình yêu.

Trong đời sinh viên của mình, tôi cũng từng suy nghĩ rất hạn hẹp.  Cuộc sống vẫn cứ trôi trong cái dòng chảy không biết điểm dừng chân, không biết đích đến.  Nhưng rồi, một cuộc gặp gỡ đã khiến tôi hồi tâm và dừng lại trong chính bản thân để suy gẫm về món quà của Thiên Chúa ban tặng.  Suy gẫm về cuộc đời và về sự sống. Đó là cuộc gặp gỡ khiến tôi thay đổi về cả cách sống cũng như cách nhìn về một con người.

Theo cách thông thường, chúng ta thường đánh giá người khác qua lăng kính chung:  Địa vị, danh vọng, tiền bạc… hoặc tốt hơn một chút ta đánh giá cái đạo đức, cái tính tình, cái thể hiện ra bên ngoài.  Qua lăng kính đó đôi lúc khiến ta quên mất cái chính yếu nhất trong một con người: Nhân vị!  Qua cái lăng kính đó ta quên rằng: Con người mà ta đang nhìn đến đang mang trong mình hình ảnh và tình yêu mà Thiên Chúa đặt để.  Chính việc nhìn vào sự thay đổi của một con người bằng xương bằng thịt mà tôi có cách nhìn nhận trọn vẹn và sâu sắc hơn.  Chính sự thay đổi của một con người từ trong vũng bùn của tội lỗi, của sự tha hóa biến chất trở thành một vị Linh mục, thành một mẫu gương cho người khác mà tôi mới biết tình yêu Thiên Chúa dành cho con người thật vô tận và chương trình của Ngài thật không thể nào suy thấu.  Câu Kinh Thánh: “Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Ta vượt trên tư tưởng của các người bấy nhiêu” (Isaia 55:8-10) thật ứng với tôi lúc này.

Có một con người đã thay đổi như thế. Một chàng thanh niên từ cảnh giàu sang đến sự thấp hèn vì lối sống buông thả.  Từ cảnh được mọi người ngưỡng mộ đến lúc phải trốn chạy sự dèm pha của người đời.  Bởi chìm trong lạc thú, bởi sa đọa trong những thói hư tật xấu, bởi tự vùi dập mình trong tệ nạn chích hút hoang đàng.  Tuy ZZnhiên, Thiên Chúa đã đánh thức lương tri nơi con người ấy.  Ngài đã giúp cho khao khát sống, khao khát tự do trong tình yêu nơi con tim chàng trở nên mãnh liệt.  Để rồi, chàng trai đã trở về sống đời công chính.  Chàng trai ấy đã trở thành một vị linh mục của tình yêu.  Hơn nữa, từ sự tha hóa đến lúc trở về của chàng thanh niên ấy Thiên Chúa đã hoạch định một chương trình cho biết bao con người khác.  Qua cuộc đời của chàng thanh niên này, rất nhiều cuộc đời đã đổi thay, rất nhiều con người đã tìm lại sự sống thật.  Chính chàng trai, chính cuộc đời của vị linh mục đó cũng đã đánh thức con tim và cho tôi một cách nhìn mới về tha nhân.  Vị linh mục mà tôi muốn nhắc đến ở đây là cha Phanxicô Xaviê Trần An, linh mục Đan viện Thiên An – Huế.

Sinh ra trong một gia đình thuộc loại khá giả thời bấy giờ ở giáo xứ Cầu Rầm, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.  Cha Phanxicô Trần An được sống trong cảnh bao bọc yêu thương của những người cha, người mẹ đạo hạnh.  Lớn lên, giỏi dang trong học tập và được sự yêu mến của mọi người chung quanh. Nhưng rồi cậu thanh niên Trần An đã thay đổi từ một quyết định của tuổi trẻ, của sự tự do và trong sự tin tưởng của cha mẹ.  Một khoản vốn đã được cha mẹ chấp thuận khi cậu muốn tách riêng để làm ăn kinh doanh: Làm nghề vàng và buôn bán vàng bạc. Bằng tài năng của mình, chàng trai đã rất thành công và gây dựng được danh tiếng mà không phải ai ở độ tuổi của cậu cũng có được.  Rất nhiều người ngưỡng mộ, rất nhiều người yêu mến bởi vì dù thành công An vẫn luôn tỏ ra là một con người lịch sự, lễ phép và sống chân thành với người khác.

Thế nhưng, chuyện gì đến cũng sẽ đến.  Sống trong một xã hội của một thành phố Vinh nổi tiếng chất chứa nhiều cạm bẫy, nhiều sự lôi kéo vào con đường ăn chơi, hưởng thụ.  Cũng yếu đuối, cũng nông nổi, cũng ham muốn như bao người trẻ khác, hơn nữa, trong cảnh đầy đủ và thành công ban đầu dễ khiến Trần An bị cuốn vào vòng xoáy của lớp thanh niên đương thời.  Ăn chơi, tiêu phá hết tất cả những gì đã gầy dựng.  Sa vào bất mãn và mong muốn gỡ lại những gì nhận từ phụ mẫu.  Trần An đã sai lại càng thêm sai.  Chán nản, buồn bã Trần An lại càng lâm vào vui chơi hoang đàng, sa đọa trong men đắng tình trường, trong nghiện ngập chích hút.  Cuộc đời và những người bạn xấu đã đẩy Trần An đến việc lỗi phạm đức công bằng, đưa Trần An đến chỗ thân tàn ma dại và sa vào vòng lao lý.

ZZ“Giữa cuộc đời tha hương lữ thứ
Tôi đi tìm lạc thú niềm say
Khi cuộc tình khi chén rượu cay
Khi quân bài hay khi khói thuốc…
Bỗng đâu chiếc còng người cảnh sát
Dẫn tôi đi vào chốn quạnh hiu
.. ….”

(Trần An, 10.1995)

Thế nhưng, tình yêu của người mẹ, lời cầu nguyện và nước mắt của bà, cũng như chương trình của Chúa dành cho cậu thật quá ư vĩ đại.  Được thức tỉnh và muốn làm vui lòng cha mẹ, Trần An đã được gửi đến Đan viện Thiên An để tĩnh tâm, để cai nghiện.  Trải qua bao thăng trầm của một cuộc sống thật quá ư xa lạ, Trần An đã thành công và còn dâng hiến đời mình cho Chúa.  Chàng muốn dâng cả thân xác và linh hồn mình để một đời thân mật với Chúa, đáp lại ân huệ yêu thương mà Chúa đã dành cho mình.  Để rồi, bây giờ không ai không biết đến một vị linh mục mang cái tên rất đỗi thân thương và chứa đựng nhiều ý nghĩa: Phanxicô Trần An hay thường gọi là “Tràn Ân”.

“……….
Con xin cảm tạ Chúa nguồn yêu
Đã thương ban tặng biết bao điều
Từ vũng bùn nhơ Ngài thánh hiến
Đưa về chung sống bến “Trời yêu”
.. ….”

(Trần An, 28.5.1995)

Không dừng ở đó, cha Trần An còn đã và đang thực hiện một công việc mà đối với cuộc đời từng trải như cha thật không mấy người có thể thay thế.  Cha đã xin phép và được bề trên chấp thuận để lập một trung tâm giúp đỡ cho những thanh niên từng lâm vào cảnh nghiện ngập trở về.  “Trung tâm Hướng Thiện” do cha An sáng lập và điều hành đã được xây dựng ngay phía sau linh địa Đức Mẹ La Vang (Quảng Trị), nơi mà Đức Mẹ không ngừng kêu gọi ăn năn hoán cải.  Đến nay, dù thời gian chưa đầy hai năm, nhưng đã có hàng trăm con người sa ngã đã đến và được cha Trần An hướng dẫn tĩnh tâm. Trong số đó, đã rất nhiều người trở về lại với gia đình, thành công trong công việc kinh doanh.  Hơn nữa, có 6 người tại Trung Tâm Hướng Thiện đã bước theo con đường của cha An để dâng mình cho Chúa trong các tu viện và đan viện, 6 người anh chị em từ trung tâm đã được hồng phúc lãnh nhận phép rửa để trở thành con cái của Thiên Chúa.  Tôi cũng từng có may mắn được viếng thăm và sinh hoạt cùng những con người nơi Trung tâm Hướng Thiện mà cha An đã gầy dựng nên.  Những con người mà có lẽ khi nghe nói về họ, về quá khứ nghiện ngập, trường trại và lối sống buông thả mà họ đã từng chúng ta sẽ có một cảm giác sợ hãi hay khinh thường… Thế nhưng, nơi Trung tâm Hướng Thiện những con người ấy lại trở nên thu hút một cách lạ kỳ.  Nơi ấy đầy ắp tiếng cười và như một cộng đoàn dòng tu thực thụ với lối sống kỷ luật, tự giác.  Họ đã không còn bị tiền bạc chi phối khi chấp nhận sống mà không giữ tiền riêng.  Họ đã trở nên những con người có nề nếp khi chấp nhận một lối sống mới đúng giờ giấc, đúng lịch trình sinh hoạt hằng ngày.  Họ đã trở về với Chúa và đến với Ngài mỗi ngày trong các giờ kinh phụng vụ, các thánh lễ bên người cha yêu quý của họ.  Những con người đã quen với lối sống giành giật, trộm cắp, phung phí, chích hút… nay lại đổ mồ hôi hằng ngày để lao động, để làm việc.  Họ đã bị đánh động bởi một cuộc đời đổi thay để rồi cũng thay đổi chính mình.  Họ đã bị tiếng đàn, tiếng hát, hay những lời thơ chứa đựng bao niềm cảm xúc, chứa đựng bao tâm tư và cũng là nhật ký của một con người mang tên Trần An đánh động.  Từ những người xa lạ với Thiên Chúa, xa lạ với đời sống Đức Tin thế mà giờ đây họ đang nếm hưởng những mật ngọt của tình Chúa.  Họ đã và đang dần nhận ra Chúa nơi chính bản thân và nơi người khác để rồi biết tôn trọng món quà quý giá mà họ được lãnh nhận nơi Ngài.

Thật là một câu chuyện cảm động về kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa đã hoạch định.  Dù Trung Tâm Hướng Thiện của vị linh mục “Tràn Ân” còn gặp nhiều khó khăn và thách đố, nhưng tin tưởng rằng: Chúa đang cùng cha An đồng hành để đưa tin vui đến cho nhiều gia đình, đưa niềm hy vọng đến cho nhiều phận người sa ngã, khổ đau.

Peter Thái Hùng

MÔI-SÊ THỤ GIÁO

ZZCó người đã kể về Môi-sê như sau:

Trước khi được sai đi lãnh đạo cuộc giải phóng dân Do thái khỏi ách nô lệ bên Ai cập, Môi-sê đã đến thụ giáo với một vị thầy nổi tiếng tại vùng núi Ma-đi-an.

Qui luật tối thượng mà vị này buộc Môi-sê phải giữ trong suốt thời gian thụ huấn là tuyệt đối giữ thinh lặng.

Ngày ngày thầy trò cùng ngao du sơn thủy.  Ðứng trước núi non hùng vĩ và bao vẻ đẹp của thiên nhiên, Môi-sê cảm thấy không gì dễ và thích thú cho bằng được ở thinh lặng.

Thế nhưng, một hôm, khi hai thầy trò đang đi dọc theo bờ biển, Môi-sê bỗng thấy một bé trai đang chới với trong nước, và người mẹ kêu la cầu cứu inh ỏi.  Môi-sê không thể giữ im lặng được trước một cảnh tượng như thế.  Ông cất tiếng hỏi thầy:

– Thưa thầy, thầy không làm gì để cứu đứa bé sao?

Nhưng vị thầy làm dấu bảo thinh lặng rồi tiếp tục đi.

Môi-sê bước theo thầy mà lòng không yên chút nào.  Ông cứ suy nghĩ tại sao thầy mình lại nhẫn tâm như thế?  Ði được một đoạn Môi-sê bỗng dừng lại giơ tay chỉ ra biển và nói với thầy:

– Thầy nhìn kìa, cả một chiếc thuyền chở đầy người đang đắm kìa!

Lại một lần nữa Môi-sê được thầy ra lệnh giữ thinh lặng và tiếp tục đi, như thế họ không cần phải quan tâm đến những gì đang xảy ra trước mắt.

Tâm hồn nhạy cảm của Môi-sê càng bối rối thêm nữa.  Ông đưa chuyện ấy thưa với Chúa và muốn biết tại sao thầy mình đã cư xử như vậy.  Chúa đã biện minh cho cử chỉ của thầy như sau:

– Thầy của con hoàn toàn có lý.  Ðứa bé chới với bên bờ biển chỉ là một dàn cảnh để khai mào một cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai dân tộc.  Còn chiếc thuyền đang đắm ngoài khơi là thuyền của một bọn cướp đang chuẩn bị tấn công một ngôi làng ven biển.

Thầy của con đã có lý, để giữ con đứng bên ngoài những hành động tội ác ấy.

******************************************

Tư tưởng và hành động của Thiên Chúa thường không giống với tư tưởng và hành động của con người.

Thánh Kinh kể lại rằng Môi-sê đã được nuôi dưỡng trong triều đình Ai cập, nhưng ông vẫn luôn ý thức được nguồn gốc Do thái của mình.

Một hôm chứng kiến cảnh một người Ai cập hành hạ một người Do thái.  Nhìn chung quanh không thấy có ai, Môi-sê đã ra tay giết chết người Ai cập rồi vùi xác người đó dưới cát.  Ngày hôm sau thấy hai người Do thái đang xâu xé nhau, Môi-sê đến can thiệp.  Nhưng một trong hai người đã đe dọa tố cáo ông về tội giết người Ai cập hôm trước.  Bị bại lộ, Môi-sê đành rời bỏ cung điện và trốn lên núi.

Môi-sê đã tưởng mình hành động đúng.  Ông không biết rằng Chúa đang có một chương trình, một kế hoạch đòi hỏi ông phải suy nghĩ, chờ đợi và kiên nhẫn hơn.

Sống đức tin là một hành trình đi vào kế hoạch của Thiên Chúa.  Qui luật tối thượng của cuộc hành trình ấy chính là thinh lặng.

Thinh lặng trước những ồn ào, dành dật của cuộc sống.  Thinh lặng trước những đam mê sôi sục và những tính toán đê hèn.

Thinh lặng để không ngừng lắng nghe tiếng Chúa trong từng giây phút, từng biến cố của cuộc sống.

Veritas

******************************************

Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng, xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói, để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người, tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.

Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,để tránh xa mọi ích kỷ,thù hằn,ghen ghét,để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen!

ĐÂY CHIÊN THIÊN CHÚA

ZZTrong Thánh Lễ, ta đọc Chiên Thiên Chúa nhiều lần.  Có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa của cụm từ “Chiên Thiên Chúa”.  Nhưng khi Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ.

Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo đức.  Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê.  Chiên ở bên phải, dê ở bên trái.

Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn.  Hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên.  Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết.  Người Do Thái ăn thịt Chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu.  Nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.

Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân.  Người Do Thái nhớ đến con chiên.  Con chiên đã chết cho họ được sống.  Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng.  Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.

Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái.  Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ.  Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là con chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại.

Chúa Giêsu là con chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông.  Người khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại.

Bản tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.  Từ ngữ “xóa” là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ.  Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy.  Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn.  Xóa là đứng ngoài cuộc.  Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc.  Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người.  Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội.  Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ.  Nhưng nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp.

Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ.  Người hạ mình xuống để ta được nâng lên.  Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có.  Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa.  Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ.  Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang.  Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do.  Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.

Người tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”.  Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày phán xét.  Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán.  Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa.

Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong.  Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa.  Ước mong những con chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường.  Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa.  Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.

Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con, xin thương xót con.

TGM Ngô Quang Kiệt

NÉT ĐẸP ĐỜI LINH MỤC

Cuộc sống quanh ta với biết bao là nét đẹp.  Nét đẹp của hoa cỏ đồng nội.  Nét đẹp của trăng sao, cá nước chim trời.  Nét đẹp của những cánh đồng mênh mông bát ngát, hay nét đẹp của những dòng sông hiền hòa, trĩu nặng phù sa.  Nét đẹp của thiên nhiên và nét đẹp của con người.  Đó là nét đẹp của trí tuệ, nét đẹp về hình thể, nét đẹp của lòng nhân ái bao dung, nét đẹp trong những lời thơ, tiếng hát v.v…  Thế nên, một nhạc sĩ đã từng viết: “Cuộc đời quanh ta có biết bao là nét đẹp.”  Vậy những nét đẹp của đời linh mục là gì?  Tại sao đời linh mục lại có những nét đẹp như thế?

Trong một bài viết đã lâu, linh mục Anthony Đào Quang Chính, OP, có đề cập đến 6 niềm vui sướng và 5 niềm khổ đau trong đời linh mục: “Cái sướng thứ nhất là được gọi bằng “cha”; thứ hai là được bài hát nào đó ca tụng rằng: Chúa chọn con lên hàng khanh tướng; thứ ba là nghe tội người khác; thứ tư là ngồi chỗ kính trọng; thứ năm là không bị lo lay-off, nghĩa là thất nghiệp; và thứ sáu là cha nói một tiếng bằng chúng con nói mười tiếng.”  Suy cho cùng, những niềm vui sướng ấy chỉ dừng lại ở khía cạnh hình thức bên ngoài mà thôi.  Những niềm vui sướng ấy không nói lên những nét đẹp nơi căn tính và sứ vụ của người linh mục.  Căn tính sâu xa của đời linh mục đó chính là nét đẹp của tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, và nét đẹp của hy sinh.

Nét đẹp của tâm linh
Linh mục là con người của cầu nguyện, là thầy dạy về cầu nguyện.  Là con người của cầu nguyện, linh mục nguyện gẫm, suy niệm Lời Chúa, giảng dạy Lời Chúa, viếng Chúa, Chầu Thánh Thể và dâng Thánh lễ mỗi ngày.  Đó là những nét đẹp tâm linh trong đời linh mục.

Mỗi lần nguyện gẫm, linh mục có thời gian nhìn lại chính mình, nhìn lại mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa, hay mối tương quan giữa mình với giáo dân.  Mỗi lần suy niệm hay giảng dạy Lời Chúa, linh mục phải là người để Lời Chúa soi sáng, dẫn đường để rao giảng những lời của an ủi yêu thương, những lời của sự thật và sự sống.  Mỗi lần viếng Chúa, chầu Thánh Thể, linh mục quỳ gối thinh lặng, cầu nguyện và chiêm ngắm Thánh Thể là bí tích của tình yêu, một tình yêu cao trọng, một tình yêu đến cùng mà Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm đời đời đã dành cho nhân loại.  Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần linh mục hiệp cùng hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá, để dâng cả những suy nghĩ, dự định, ước muốn; dâng cả những lỗi lầm, bất xứng trong đời linh mục lên cho Thiên Chúa Cha, để cầu nguyện cho bản thân, nhất là cầu nguyện cho những đau khổ của đoàn chiên mà Chúa trao phó.

ZZNét đẹp của sẻ chia
Nhiều bổn đạo đau khổ, tuyệt vọng bởi những biến cố đau thương giữa đời thường.  Họ tìm đến nhờ linh mục cho những lời khuyên, giúp lời cầu nguyện để vượt qua những khó khăn và thử thách.  Đau khổ về tinh thần lẫn vật chất.  Nhiều bà con vướng vào cảnh nợ nần, hoặc quá nghèo tìm đến với linh mục, nói thật những đau khổ ấy với linh mục, họ hy vọng được ngài sẻ chia.  Có cha mẹ nào lại không thương những đứa con đang hoạn nạn, nghèo túng của mình.  Vì vậy, người linh mục luôn đồng cảm với những nỗi thống khổ của nhiều bổn đạo trong giáo xứ mà ngài coi sóc.  Cha giúp lời cầu nguyện. Cha thăm viếng động viên.  Thậm chí cha giúp một chút tiền để họ vượt qua khủng hoảng và bế tắc.  Vì vậy, linh mục là người “bị ăn”, là tấm bánh được bẻ ra để phân phát cho những ai đang đói khát.

Nhiều linh mục tổ chức mời đoàn bác sĩ ở thành phố về nhiều giáo xứ tỉnh lẻ ở thôn quê để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con giáo dân.  Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát quà cho bà con giáo dân nghèo mỗi dịp Giáng sinh hay Tết đến.  Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn nhưng chăm chỉ học hành.  Gia đình nào có tang chế, linh mục đến hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện và chia sẻ sự mất mát lớn lao.  Đó là những nét đẹp của sẻ chia và yêu thương trong đời linh mục.

Nét đẹp của tha thứ
Theo gương Chúa Giêsu, người linh mục là con người của tha thứ.  Ngài tha thứ cho những bổn đạo nói xấu, chỉ trích, lên án mình.  Ngài tha thứ cho nhiều hối nhân nơi tòa giải tội.  Ngài tha thứ cho những lầm lỗi, thiếu sót cho bà con đang làm việc trong các hội đoàn.  Đó là nét đẹp của lòng bao dung.  Vì yêu thương con cái nên cha mẹ sẵn sàng tha thứ, không chấp nhất những lỗi lầm, khuyết điểm của con. Vì yêu thương đoàn chiên nên người linh mục luôn đón nhận tất cả vào vòng tay nhân ái của người mục tử nhân lành.

Vì vậy, nơi nét đẹp của tha thứ, mỗi Kitô hữu chúng ta còn khám phá ra nơi khuôn mặt của mỗi linh mục sự hiền lành và phúc hậu.  Nét đẹp ấy đã giúp nhiều hối nhân lấy lại niềm tin yêu và cậy trông vào Thiên Chúa.  Cả thế giới vô cùng cảm kích trước nghĩa cử Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tới một nhà tù, thăm hỏi và tha thứ cho người thanh niên bắn những phát súng để ám sát ngài.  Phải chăng đó là nghĩa cử xuất phát từ những gì Chúa Giêsu đã dạy và đã sống?

Nét đẹp của hy sinh
Làm linh mục đòi hỏi phải có sự hy sinh.  Hy sinh thời gian, sức khỏe; hy sinh những phút thư giãn của bản thân để phục vụ nhu cầu tâm linh của nhiều bà con bổn đạo; hy sinh sống đời độc thân không có vợ con để dành trọn thời gian và công việc cho việc phục vụ Giáo hội và mọi người.  Bởi vậy, nét đẹp của hy sinh được kết nên bởi những từ bỏ trong đời linh mục.  Người linh mục đúng nghĩa phải là một con người của sự từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ những quyến luyến của tình cảm, của đam mê xác thịt, hay từ bỏ những cám dỗ quyền lực, danh vọng để sống đơn sơ, thanh thoát và dấn thân cho sứ vụ mục tử.

Tình yêu đòi hỏi phải có hy sinh.  Hy sinh càng nhiều tình yêu càng có ý nghĩa và đúng nghĩa.  Tuy nhiên, ngày nay, tâm lý tự nhiên ai cũng sợ hy sinh và từ bỏ.  Người linh mục sợ hy sinh vì thấy lòng mình chưa thật sự từ bỏ dứt khoát những lôi cuốn của sự đời.  Người linh mục sợ cô đơn vì động lực dấn thân vì lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội chưa thật sự mạnh mẽ.  Vì vậy, tận trong sâu thẳm cõi lòng, nhiều linh mục vẫn chân nhận rằng mình cảm thấy cô đơn và đấu tranh với những phân mảnh trái ngược nhau diễn ra trong tâm hồn như trong “Lời Kinh Chiều Chúa nhật”, Linh mục Michel Quoit đã viết: “Lạy Chúa, chiều nay chiều Chúa nhật, một mình con quỳ đây đối diện với ngọn đèn chầu, đối diện với Thánh Thể Chúa.  Giờ này, nhiều gia đình đang sum họp ăn uống, cười nói vui vẻ bên nhau, còn con thì lặng lẽ âm thầm cầu nguyện với Chúa.  Con bắt tay nhiều người nhưng không giữ lại một bàn tay nào cho riêng mình.  Con tiếp xúc với nhiều trẻ con, nâng niu và vui đùa với chúng.  Nhưng lạy Chúa, đó là những đứa trẻ của người khác chứ không phải là của con.  Con giơ tay ban phép lành xá tội cho nhiều người, nhưng những tội đời của con thì chỉ có Chúa mới hiểu mà thôi… Lạy Chúa, làm linh mục có những phút giây cô đơn rất thật như thế, nhưng con tin rằng những phút giây ấy là cơ hội để con trắc nghiệm lại động lực ơn gọi dấn thân trong sứ vụ đời mình.”

Tóm lại, trong cuộc đời này cái gì cũng đều có hai mặt.  Đời linh mục cũng vậy.  Nhiều bậc cha mẹ muốn con đi tu làm linh mục cho sướng cái thân, ra đời lăn lộn kiếm tiền, vất vả khổ cực lắm!  Nhưng họ đâu biết rằng, đằng sau những hào nhoáng, sung sướng bên ngoài ấy, người linh mục hằng ngày phải chiến đấu với bản thân, chiến đấu trong lời kinh, nguyện cầu.  Làm linh mục có nhiều cái sướng nhưng khổ đau cũng không phải là ít, thậm chí khổ nhiều hơn sướng.  Thế nhưng, nhờ những nét đẹp tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, hy sinh mà người linh mục có thêm động lực tình yêu để sống trọn vẹn trong ơn gọi.  Những nét đẹp đời linh mục cho thấy Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng của niềm vui, của niềm tin yêu và hy vọng cho thế giới hôm nay.

Nguyễn Tầm Thường, S.J

CÂY ĐÈN CHẦU

 

ZZLiệu có nơi nào trên vũ trụ bao la này lại cô đơn và vẳng lặng như nơi Nhà Tạm này không?  Tôi vẫn hay tự hỏi mình như vậy mỗi khi chẳng có ai thăm viếng Nhà Tạm!  Tôi là một cây đèn dầu cũ đặt bên cạnh Hòm Chầu.  Tôi đứng ở đó đã khá lâu rồi.  Năm tháng lặng lẽ đi qua với sự đổi thay của dòng đời, tôi vẫn đứng đó chầu Mình Thánh Chúa.  Trải qua nhiều thế hệ, thay đổi nhiều cha sở, tôi chứng kiến những đổi thay trong xứ đạo này.  Có người già đã chết đi, có những em bé chào đời và lớn lên ở đấy.  Có những cặp uyên ương lập thành gia đình nhỏ mới.  Có những mái nhà mới được dựng lên. Niềm vui và nỗi buồn trong cái xứ đạo này tôi đều chứng kiến hết.  Hàng ngày bên cạnh Nhà Tạm này, tôi vẫn hằng thầm thĩ cầu nguyện với Chúa ban những điều tốt đẹp nhất cho vùng quê này.

Trước đây, dân xứ này thuần túy là những người nông dân chất phác.  Mặc dù khi đó, họ chỉ lo làm sao cho đủ cái ăn qua ngày, thế nhưng cuộc sống của họ rất yên bình.  Tuyệt vời hơn nữa là, suy nghĩ của họ rất đơn sơ, trái tim họ chân thành yêu Chúa.  Hồi ấy người ta sốt sáng đạo đức.  Ngày ngày, họ đến nhà thờ để thờ lạy và cảm tạ Chúa. Tất nhiên, tôi chẳng bao giờ cảm thấy hiu quạnh như bây giờ.  Vì sáng, chiều, đều có người đến đây viếng Mình Thánh Chúa trong tâm tình cảm tạ và tín thác.  Tôi cảm thấy ngọn lửa hạnh phúc và thiêng liêng bừng lên ở trong tim.

Thời gian qua đi, xã hội ngày càng phát triển hơn.  Diện tích ruộng nương thu hẹp dần, các khu công nghiệp mọc lên như nấm.  Mừng lắm, vui lắm!  Vì từ nay thanh niên, nam, nữ trong xứ có thêm công ăn việc làm trong các khu công nghiệp.  Bây giờ, nhà nhà có xe gắn máy, cũng đáng mừng lắm chứ. Thiếu niên, nam, nữ làng trên, xóm dưới bắt đầu biết tiêu tiền vào việc trang hoàng cho bản thân, việc đó có gì là xấu đâu… Cuộc sống của họ lên như diều gặp gió.  Nhu cầu hưởng thụ tăng lên từng ngày, tất nhiên họ phải lo kiếm thêm nhiều tiền nữa để sắm cái này, mua cái nọ.  Nhưng… thật sự, sẽ chẳng bao giờ là đủ cho những nhu cầu của con người.  Thế rồi từ từ lòng người cũng thay đổi, chẳng mấy người còn có thời gian đến cầu nguyện và viếng Chúa nhiều như trước nữa.  Nhà thờ trở nên vắng vẻ vì chẳng mấy ai đến cầu nguyện. Đó là cái mà tôi cảm thấy buồn.

…Cho đến một buổi chiều nọ, có một chàng thanh niên dáng hao hao gầy tiến lại gần Nhà Tạm.  Anh ta quỳ trước Chúa Thánh Thể một cách cung kính.  Đó là một mầm xanh của mùa xuân bắt đầu nhú nở sau mùa đông băng giá trong lòng người dân ở xứ này.  Đã lâu rồi, họ quên có sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ. Câu chuyện của anh ta là những lời nguyện này:

“Thầy Giê-su yêu mến!  Ở nơi đây có tiếng gọi thân thương tha thiết vẫn ngày đêm vẫy gọi và chờ mong con đến, tiếng gọi đó thiết tha đến nỗi con không đủ sức khước từ.  Ao ước trung thành trên hành trình tìm kiếm bình an thực, Lạy Thầy kính mến con ở đây!

Với những ồn ào của cuộc sống hiện đại ngày hôm nay, con có biết bao nhiêu điều phải làm, có biết bao nhiêu việc phải cố gắng để dành giật cho cuộc sống mưu sinh của mình.  Nhưng để tìm kiếm tình yêu thực và sự an bình trong tâm hồn, con chẳng biết tìm nơi nào để có được?  Khi ấy con tìm đến nơi Thầy.

Có góc nhỏ nào trong xã hội công nghiệp hóa này âm thầm và yêu thương như nơi này không Thầy? Với biết bao bận rộn của cuộc sống, bao xao xuyến của một kiếp người.  Con chạy đến đây nép mình vào tình yêu của Thầy.  Vì con biết Thầy vẫn kiên nhẫn và bền bỉ chờ con ở nơi này.  Ở đâu nữa trên thế giới bao la này có một nơi vẫn trông chờ con qua năm tháng như nơi này?

Biết bao lần đau khổ, cô đơn hoài… mà con không tìm đến, nhưng Thầy vẫn kiên trì luôn đợi con ở đây.  Con chẳng thể tìm được nơi nào yêu thương và an bình như ở đây lúc này – bên Thầy.  Vì thế con nguyện sẽ bên Thầy không ngơi nghỉ suốt cuộc đời của con.  Cho dù Thầy cũng biết con đó, con là một thụ tạo đầy yếu đuối, mang thân phận hèn mọn chẳng có gì nhiều hơn tội lỗi.  Nhưng con tin rằng tình yêu của Thầy cao cả hơn tội lỗi của con nhiều lắm.  Con đã tin và con đến đây bên Thầy, để con được diễm phúc dìm mình trong biển lớn tình yêu đó.  Nhưng xin Thầy hãy gìn giữ con, gìn giữ cho ước nguyện bên Thầy mãi mãi của con.  Bởi vì con sợ khi con gặp gian truân, bão táp.  Đức tin mỏng giòn của con lại tan chảy.  Và khi đó con lại quên mất hình bóng của Thầy, quên không gọi tên của Thầy nữa.  Xin hãy giữ gìn con để con phụng sự Thầy.”

Tôi là một cây đèn chầu bên cạnh Thánh Thể Chúa hàng ngày.  Tôi hạnh phúc mỗi khi có người đến viếng Mình Thánh Chúa.  Tôi hiệp cùng với lời nguyện cầu của họ.  Tạ ơn Chúa cho người thanh niên, đã cảm nhận được tình yêu của Người.

Lạy Chúa, con chỉ là một cây đèn chầu cũ, con chẳng xứng đáng đứng trước nhan Ngài, nhưng tình yêu Ngài đã phủ đi mọi ngăn cách.  Lạy Chúa!  Con nguyện ở nơi này để mặc dầu nhỏ bé, mặc dầu con chẳng xứng hợp với tình yêu bao la hơn cả đất trời của Chúa.  Nhưng con vẫn nguyện xin là một ngọn đèn chầu nhỏ, lung linh, le lói nhưng được yêu luôn mãi trong trái tim Chúa và bên Chúa.  Xin ban cho con có một ngọn sáng tin yêu chẳng bao giờ lụi tắt.

Vì dù chỉ là một tia ánh sáng nhỏ cũng làm rực sáng một khoảng lớn trong bóng đêm mịt mù.

DomStone