TỈNH THỨC

Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ màu sắc.  Nằm giữa vườn là một tòa nhà tráng lệ.  Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn… ai cũng phải công nhận đã có một sự chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo một óc thẩm mỹ hiếm có của người chủ vườn.  Một du khách đi qua đây, thoáng nhìn ông đã thấy như say mê.  Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra.  Chủ khách chào hỏi lẫn nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, sự phối hợp màu sắc… câu chuyện đi đến chỗ thân tình.

Du khách hỏi: “Xin lỗi cụ, cụ ở đây được bao lâu rồi?”- “Khoảng 40 năm rồi” – “Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cảnh, chắc giờ này ông có nhà?” – “Ông ta không ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi” – “Ông có thư từ gì với cụ không?” – “Không, ông ta bận lắm” – “Ông không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ?” – “Hàng tháng tôi chỉ nhận được ngân phiếu từ ông ta để chi phí mọi sự cho khu vườn này” – “Thế tội gì cụ phải chăm sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến thưởng ngoạn đâu?” – “Tôi thì lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao phó việc bảo quản khu vườn này, mình phải tận tụy chứ lúc nào ông về cũng được, ông sẽ hài lòng với công việc của tôi.  Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, chính tôi cũng được thưởng ngoạn cảnh đẹp do chính tay mình làm nên”.

****************************************

zzNgười gia nhân trên đây thật đáng ca tụng.  Ông làm việc không vì sợ nhưng vì yêu, không vì mắt chủ mà vì trách nhiệm, ông coi việc của chủ như việc của mình, nên đã hết lòng.  Thái độ của ông thực là thái độ Chúa muốn mỗi người chúng ta phải có khi làm việc cho Ngài.  Trong huấn dụ về sự tỉnh thức Chúa đã dạy chúng ta trong bài Tin Mừng: “Hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ gõ cửa thì mở ngay cho chủ.  Nếu canh hai canh ba chủ trở về mà gặp thấy như vậy thì phúc cho các đầy tớ ấy”.

Lời dạy của Chúa chúng ta đã nghe nhiều, nghe đi nghe lại, nhưng có lẽ nó chưa rơi vào óc, chưa thấm vào tim chúng ta.  Chúa bảo chúng ta cầm đèn cháy sáng, nhưng đèn chúng ta lại không dầu, chúng ta lại ngủ vùi trong đam mê.  Chúa bảo chúng ta đợi Ngài, nhưng chúng ta lại đợi những gì khác Ngài… Vậy nếu canh hai canh ba Ngài về thì phúc cho chúng ta hay họa cho chúng ta?  Linh hồn và thân xác chúng ta là tòa lâu đài Chúa trao, vườn hoa chính là nhân đức Chúa đã gieo trồng, rồi ủy thác cho chúng ta chăm sóc.  Hôm nay nhìn lại, tòa lâu đài còn xứng đáng với danh xưng của nó hay đã biến thành nhà hoang, nhà điếm hoặc hang trộm cướp?  Vườn hoa nhân đức giờ này còn khởi sắc hay chỉ phơi bày sự úa tàn?  Trong hoàn cảnh này, nếu Chúa trở về, Ngài sẽ buồn hay vui?  Vui buồn của Ngài cũng là quyết định cho khổ đau hay hạnh phúc của chúng ta.

Suy nghĩ và nhận ra những thiếu sót của mình, chúng ta hãy tức thời tu sửa.  Thời gian của vũ trụ thì con dài, nhưng thời gian của đời mình thì thật ngắn ngủi.  Sự chấm dứt chẳng biết lúc nào.  Chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình còn lâu mới chết: mình còn trẻ, khỏe mạnh, còn lâu mới chết, vì không thiếu gì trường hợp “Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời”.  Ông Lã Phụng Tiên kể một câu chuyện ngụ ngôn: có một cụ già kia đang cuốc đất trồng cây, có ba chàng thanh niên tình cờ đi qua, thấy vậy các cậu nói: “Cụ ơi, cụ lẩm cẩm quá, già rồi mà còn trồng cây.  Thôi cụ ơi, việc ấy để tụi cháu, cụ lo dọn mình chết là vừa”.  Cụ già vui vẻ ân cần trả lời: “Chắc gì lão chết trước.  Chắc gì các cháu sống lâu hơn lão.  Tử thần xưa rày có phân biệt trẻ hay già đâu.  Trẻ hay già có khác chi nhau về phương diện đó.  Các cháu cứ lo làm cho đàng hoàng công việc của các cháu đi”.  Một thời gian sau, cụ già lần lượt được tin ba chàng thanh niên, vì công việc đều chết cả: người thì chết vì tai nạn xe hơi, người thì chết trận, người thì bị đắm tàu trong một chuyến kinh doanh.  Cụ già được tin buồn, khóc thương ba chàng trai trẻ đó.

Giả sử chúng ta cho là mình còn trẻ, còn khỏe mạnh, còn lâu mới chết cũng được đi.  Nhưng Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng, chúng ta phải quan tâm và chấp hành nghiêm chỉnh.  Tỉnh thức không phải là không ngủ mà là ngủ trong thức tỉnh.  Tỉnh thức không phải là ngồi không mà chờ đợi, nhưng vẫn làm như thường trong tư thế chờ đợi.  Có những người tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Tỉnh thức cũng không phải là suốt ngày đọc lời Chúa nhưng là để lời Chúa chi phối đời sống của mình.  Như vậy, thái độ tỉnh thức của chúng ta không phải là một thái độ tiêu cực, chạy trốn, tránh né bổn phận, không dấn thân trong hiện tại, nhưng ngược lại, vẫn sống tích cực, vẫn chu toàn bổn phận hàng ngày, vẫn liên đới với mọi người… sống và làm việc cách tốt đẹp.  Tóm lại, sự tỉnh thức của chúng ta là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ.  Đây chính là ý nghĩa đích thực của sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng.

Chúng ta còn trẻ hay đã già, khỏe mạnh hay đau yếu, điều đó không quan trọng, nhưng quan trọng là chúng ta đang sống thế nào?  Đang tỉnh thức hay ngủ mê?  Nếu chúng ta đang sống tốt đẹp, chúng ta cứ vui sống.  Có một câu chuyện kể rằng: Một hôm, một số trẻ em đang vui chơi, một giáo sư đi tới hỏi các em: “Nếu bây giờ Chúa gọi các con chết, các con sẽ làm gì?”.  Nghe hỏi thế, em thì nói: “Con vào nhà thờ cầu nguyện”.  Em khác thưa: “Con đi xưng tội”.  Có một em hồn hiên trả lời: “Phần con vẫn vui chơi như thường”.  Vị giáo sư hỏi: “Tại sao con lại vui chơi như thường?”.  Em trả lời: “Vì con luôn sống tốt đẹp, nên con chẳng có gì phải lo sợ”.  Em bé đó chính là thánh trẻ Bec-man.

Khi đời chúng ta luôn sẵn sàng, khi lương tâm chúng ta không trách cứ chúng ta điều gì, khi mọi nợ nần của chúng ta với Chúa và anh em đều sòng phẳng, chúng ta không có gì phải lo sợ, chúng ta cứ vui sống.

Sưu tầm

HÃY THEO THẦY

zz“Cách tuyệt vời để duy trì bình an và tĩnh lặng không ngừng của tâm hồn là đón nhận tất cả từ bàn tay của Chúa, lớn hoặc nhỏ, và trong bất cứ hoàn cảnh nào” – Thánh Dorotheus

“…Hãy theo thầy, tiếng Ngài gọi con hôm nay, tiếng Ngài gọi con, gọi con hãy theo Ngài.

Chúa gọi con từ sớm mai hồng, gọi con khi mặt trời đứng bóng, gọi con khi chiều sắp buông.

Hãy theo thầy, tiếng Ngài gọi con trìu mến, bước theo thầy này lòng con quyết theo Ngài…”

Đây là điệp khúc của bản nhạc Hãy Theo Thầy của nhạc sĩ Gia Ân.  Có lẽ ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được lời nhạc vì đó là lời mời gọi quen thuộc của Chúa Giêsu: “hãy theo Thầy”, và có lẽ trong chúng ta cũng có lòng mong ước để đáp lại lời mời gọi ấy một cách trọn vẹn.

Mặc dầu trong tâm hồn ta có nhiều ao ước, nhưng chúng ta cũng biết lời mời gọi ấy không phải là lời mời gọi suông nhưng mà là một lời mời gọi đầy thách đố.  Vì khi Chúa Giêsu mời gọi ai, Ngài cũng tỏ cho chúng ta biết ta sẽ mất những gì và được những gì để chúng ta có thể đắn đo và thật sự chọn lựa.

Trong Phúc Âm Luca, Chúa Giêsu nói câu “theo ta” tất cả là bốn lần.  Lần thứ nhất Ngài gọi người thu thuế Mát-thêu và ông ta đã hứa bỏ cuộc sống cũ và đón nhận cuộc sống mới (Lc 5:27).  Lần thứ hai là khi Ngài nhắc các môn đệ cái giá họ phải trả để theo Ngài khi Ngài tiên báo về cuộc thương khó của Ngài lần thứ nhất (Lc 9:23).  Lần thứ ba là khi Ngài đi dọc đường và có hai người muốn theo Ngài nhưng họ chưa sẵn sàng bỏ lại sau lưng những trách nhiệm làm người như chôn cất cha mình và từ giã gia đình (Lc 9:59-62), và lần thứ tư là khi người thủ lãnh giàu có đến hỏi Chúa Giêsu làm sao để được sự sống đời đời làm gia nghiệp và Ngài mời gọi ông theo Ngài sau khi ông bán hết của cải (Lc 18:18-23).

Qua bốn câu chuyện trên, chúng ta thấy được mỗi một người Ngài đòi hỏi họ một cách khác nhau vì mỗi một người có một hoàn cảnh khác nhau.  Khi Ngài mời gọi họ theo Ngài, Ngài nói họ cần phải bỏ lại những gì cần thiết cho họ, chẳng hạn như với Mát-thêu có thể ông cần phải hàn gắn lại với những người ông đã gian lận và lạm dụng.  Còn các môn đệ thì Ngài đòi hỏi các ông phải bỏ mạng sống.  Còn hai người kia thì Ngài đòi hỏi họ bỏ lại gia đình, không chôn cất cha già và cũng không từ giã gia đình. Ngay cả việc chôn cất người cha của mình để sống trọn vẹn sự hiếu thảo của kẻ làm con, Ngài cũng đòi hỏi họ sự hy sinh đó.  Còn người thủ lãnh giầu có thì Ngài đòi hỏi ông bỏ hết gia tài của mình.

Thế còn mỗi người chúng ta, khi Ngài gọi thì chúng ta nghĩ Ngài sẽ đòi hỏi chúng ta phải bỏ những gì? Chúng ta có sẵn sàng và có đủ can đảm để đáp trả lại lời mời gọi đó một cách chân thành chưa?  Có bao giờ chúng ta ngồi lại với chính mình và nói với Ngài” con đã theo Chúa bao lâu nay nhưng con chưa bao giờ hỏi Chúa muốn gì nơi con, và giờ đây xin Ngài dạy cho con biết con phải từ bỏ những gì để rồi con được theo Ngài cho trọn” không?  Lắm lúc chúng ta cứ nghĩ rằng chỉ có đi tu thì mới cần bỏ mọi sự mà theo Ngài, hay là vì chúng ta đã đi tu nên chúng ta đã bỏ mọi sự để theo Ngài.  Có lẽ chúng ta nên có một cái nhìn mới về điểm này là tất cả mọi người đều được mời gọi để theo Ngài trong mọi hoàn cảnh, và khi theo Ngài chúng ta cũng cần hội đủ những điều kiện mà Ngài đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta.

Trong mỗi bậc sống – độc thân, đi tu, hay là lập gia đình – đều có những thách đố đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ để hội nhập vào bậc sống mà Chúa chọn cho mình.  Đó là những hy sinh mà ai cũng cần phải đối diện và đón nhận để tìm được niềm vui trong cuộc sống ấy.  Bậc sống độc thân thì có những thách đố và hy sinh của nó, chẳng hạn như phải tự lo cho chính mình và phải đối diện với những thử thách trong xã hội về bậc sống của mình.  Bậc sống tu trì đòi hỏi chúng ta phải sống lời khấn của dòng và sống đời sống cộng đoàn, nhưng bù vào đó chúng ta luôn có nơi nương tựa.  Bậc sống gia đình thì cũng có những bôn ba và lo lắng cho cuộc sống và cho con cái nhưng rồi chúng ta cũng tìm được niềm vui của diễm phúc làm cha mẹ.

Điều mà có lẽ Chúa Giêsu luôn đòi hỏi ở mỗi người chúng ta trong cả ba bậc sống đó là chúng ta cần phải từ bỏ những gì Ngài sẽ tỏ cho chúng ta trong bậc sống của mình hầu chúng ta biết theo Ngài trọn vẹn.  Làm sao chúng ta có thể sống trong mỗi bậc sống của mình mà vẫn chọn Ngài trên hết?  Làm sao chúng ta có thể nhận ra lời mời gọi của Ngài “từ sớm mai hồng, khi mặt trời đứng bóng, hoặc khi chiều sắp buông?”  Trong Phúc Âm Luca ở chương chín, khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những thách đố để theo Ngài, “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo”, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta phải theo Ngài hàng ngày, và trong mỗi hơi thở là một sự lựa chọn để theo Ngài.

Trong cuộc sống hàng ngày, một cách cụ thể để theo Chúa Giêsu cho trọn là chúng ta có dám bỏ đi chỗ khác khi bạn mình hay người thân trong gia đình đang nói xấu về người khác không?  Chúng ta có sẵn sàng chia sẻ cùng một không gian trong con tim của Chúa khi người anh chị em của mình đối xử không tốt với mình không, hay khi người anh em của mình nói những điều xúc phạm tới mình, chúng ta có dám chọn để ở trong bình an của Chúa mà không cần phải trả đũa lại không?  Khi chúng ta có chuyện lo lắng, chúng ta có dám phó thác và tin vào sự quan phòng của Chúa và vẫn giữ mình trong bình an Ngài không?  Hoặc khi chúng ta biết mình cần phải làm một điều gì nhưng sợ người khác tự ái mà không dám nói ra, chúng ta có biết mang điều đó vào cầu nguyện để xin Chúa dạy cho chúng ta biết đối diện nó và sẵn sàng làm những gì Ngài dạy cho chúng ta không?  Nói tóm lại, chúng ta có dám thực sự chọn để ở trong bình an của Chúa bằng cách bỏ đi hoặc đối diện những gì làm cho tâm hồn chúng ta bị giao động và đón nhận tất cả mọi sự, dù lớn dù nhỏ, như là những món quà thiêng liêng của Chúa không?

Mỗi người chúng ta cần phải thành thật trả lời cho sự chọn lựa của mình về việc đáp trả lời mời gọi của Chúa trong mỗi giây phút của cuộc sống, và đó là cái giá đầu tiên chúng ta phải trả khi chúng ta chọn Ngài.  Ước gì mỗi người chúng ta đều biết lắng đọng để lắng nghe và chọn lời mời gọi của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng đã chọn để ở giữa và chia sẻ từng hơi thở với chúng ta hầu giúp chúng ta thật sự là những môn đệ chân chính của Ngài trong bậc sống mà ta và Ngài cùng chọn.

Củ Khoai

 

CẦU NGUYỆN VÀ CÁCH MẠNG (2)

Trong mọi sự hình như ngài có mục đích cụ thể và sống động trong đầu óc, và việc thực hiện điều đó là chuyện quan trọng sống chết.  Tuy thế ngài luôn giữ được sự tự do nội tâm theo ánh sáng của mục tiêu.  Ðôi khi hình như ngài biết là mục đích không bao giờ hoàn tất và ngài chỉ thấy bóng hình của nó. Nhưng dù sao ngài vẫn có sự tự do gây ấn tượng do cuộc sống của ngài.  Ngài cẩn trọng và cẩn thận, không phải là không kiểm soát nhưng lúc nào hình như ngài cũng coi cuộc sống mình chỉ có tầm quan trọng thứ yếu.  Ngài không sống để giữ nhưng để hoạt động cho một thế giới mới mà những nét chính ngài đã thấy và điều đó kêu gọi ngài nên biên giới giữa sống chết trở nên mờ nhạt.

Nhưng rõ ràng là con người cách mạng không những lôi kéo người khác mà cũng làm cho người khác lánh xa.  Sự bất mãn ngài tạo nên cũng là thực tại lớn lao như vẻ hấp dẫn ngài có.  Rõ ràng vì ngài tự do không bị ràng buộc bởi những điều người khác coi như là thánh thiện nên ngài là mối đe doạ cho họ. zz Cách ngài nói và sống làm cho tương đối hóa những giá trị mà nhiều người xây dựng cuộc sống trên đó.  Họ cảm thấy sứ điệp ngài có chiều sâu và thấy được hậu quả xảy ra cho họ nếu họ chấp nhận là ngài có lý.  Dần dà khi ngài đến với họ, họ biết thế giới họ đang sống cũng là thế giới họ mong ước nhưng đòi họ cố gắng là một việc quá sức.  Việc ngài phê phán cuộc sống của họ liên lỉ và rõ ràng nên con đường duy nhất cho họ trốn được ngài là khai trừ ngài.  Ðể giữ được sự yên tĩnh trong tâm trí và không bao giờ bị quấy rầy trong cách sống yên ổn của họ, họ thấy là phải làm im tiếng con người chiến đấu chống lại hạnh phúc giả tạo và nhân tạo của họ.

Vì thế, người tuyên bố một thế giới mới và làm cho thế giới cũ rung chuyển sẽ trở thành mục tiêu tấn công cho những người coi mình là những người bảo vệ trật tự, gìn giữ hòa bình yên ổn.  Trên hết, đối với những người lãnh đạo trong thế giới ngày nay, con người này lột mặt nạ những ảo tưởng thời đại và là người khuấy động làm cho bất an không thể tha thứ được.  Theo quan điểm của họ thì họ có lý vì người thị kiến này không những phê bình những nhà lãnh đạo mà cả xã hội họ đang hướng dẫn.  Sự tấn công chống lại người thị kiến sẽ là sự tuyệt thông với mọi phương tiện nhà cầm quyền có trong tay. Ðiều này có thể khởi đầu với sự chối từ sứ điệp của ngài đưa đến tấn công bằng lời nói, và kết thúc bằng giam tù hay hành quyết.  Nhưng nếu người cách mạng đáng tin và thật, điều họ chờ đợi không bao giờ xảy ra.  Ngay cả cái chết cũng không làm xáo trộn lời kêu gọi của ngài.  Những người giết ngài thường khám phá ra với bất ngờ và kinh hoảng là họ chỉ thành công trong việc thức tỉnh nhiều người hơn và tiếng kêu gọi cho một thế giới mới lại trở thành tiếng nói lớn hơn.

Nếu theo cách mô tả trên, không ai trong thế giới chúng ta được xếp hạng nhà cách mạng.  Dù bạn kể ra những tên nào cũng chỉ thấy những dấu vết nhỏ bé của con người cách mạng đó.  Tuy nhiên cũng phải nói rằng ai mở mắt và tìm kiếm người đó có thể gặp thấy trong muôn ngàn người họ gặp trong cuộc sống.  Ðôi khi chỉ nhận ra cách mơ hồ, đôi khi hiển nhiên không chối cãi, không bao giờ hoàn toàn nhưng có những phần trở nên rõ ràng cho người muốn thấy.  Ta có thể thấy ngài trong anh du kích, trong giới trẻ mang biểu ngữ biểu tình, nơi người mơ mộng trầm lặng trong góc quán cà phê, trong người tu sĩ nói nhỏ nhẹ, trong người sinh viên hiền lành, trong người mẹ để cho con theo con đường của mình, trong người cha đọc cuốn sách kỳ lạ cho con, trong nụ cười của cô con gái, trong sự bất mãn của anh công nhân, nơi mọi người cách này hay cách khác tìm ra năng lực sống trong một thị kiến mờ nhạt trước mặt họ, nhưng vượt lên trên mọi sự khác họ đã nghe hay thấy.

Ðiều này có liên quan gì đến cầu nguyện?  Cầu nguyện có nghĩa chui qua bức màn hiện hữu và để cho thị kiến trở thành sự thực hướng dẫn bạn.  Dù cho ta gọi thị kiến là: “Thực thể chưa thấy” “người khác toàn thể” “Numen” “Thần khí” “Cha” thì ta cũng lập đi lập lại là không phải chính con người có năng lực làm cách mạng, sự xoay chiều đến và qua đi.  Ðó đúng hơn là năng lực mạc khải mình cho họ và họ cảm thấy mình kết hợp với năng lực từ đời đời.

Người cầu nguyện là người gợi hứng cho thế giới, nhìn vào thế giới với sự thương cảm, và qua cái nhìn đó, nhìn thấu nguồn gốc mọi hiện hữu.

Ðôi khi ta dùng tiếng Thiên Chúa.  Từ này có thể gợi cho ta ngất ngây hay ghê tởm.  Quyến rũ và xua đuổi.  Mê hoặc và nguy hiểm.  Có thể nuôi dưỡng con người và cũng nuốt trửng con người.  Cũng giống như mặt trời.  Không có mặt trời không có cuộc sống con người, nhưng nếu con người đến gần mặt trời quá, họ sẽ bị đốt cháy.  Người Kitô hữu là người biết Ðấng ấy là một ngôi vị, và tên Chúa của Ngài là Abba, Cha.  Họ biết có thể đối thoại với người và như thế hoạt động cho việc canh tân thế giới. Như thế cầu nguyện là hành động thiết yếu nhất con người có thể làm vì con người cầu nguyện không bao giờ thoả mãn với thế giới hiện tại và ở đây, họ luôn cố gắng thực hiện một thế giới mới mà tia sáng đầu tiên họ đã nhận ra.

Khi bạn cầu nguyện, bạn mở lòng cho ảnh hưởng của Năng Lực đã mạc khải mình là Tình Yêu.  Quyền Năng cho bạn tự do và độc lập.  Một khi được năng lực đó chạm tới bạn không còn giẫy giụa trong những ý kiến bất tận, những tư tưởng hay cảm xúc đến với bạn.  Bạn tìm được trung tâm cho cuộc sống của bạn cho bạn một khoảng cách có tính cách sáng tạo, để mọi cái bạn thấy nghe hay cảm có thể thử nghiệm được nguồn gốc.  Chúa Kitô là Ðấng làm sáng tỏ trong cách mạc khải rõ ràng nhất cầu nguyện có nghĩa chia xẻ quyền năng của Chúa.  Cầu nguyện cho ngài có thể biến đổi thế giới, cho ngài sự lôi cuốn giải thoát bao nhiêu người ra khỏi xiềng xích của cuộc sống, nhưng cũng gây nên sự chống đối làm cho ngài phải chết.  Chúa Kitô, Ðấng được gọi là Con Người và cũng là Con Chúa đã cho thấy cầu nguyện có ý nghĩa gì.  Nơi Ngài chính Thiên Chúa trở thành hữu hình cho sự sụp đổ hay chỗi dậy của nhiều người.

Cầu nguyện là cách mạng vì khi đã khởi đầu bạn làm cho toàn thể cuộc sống bạn thành quân bình. Nếu thực sự bạn cầu nguyện nghĩa là thực sự đi vào thực thể của điều không thấy được bạn phải nhận ra là bạn dám phê phán cách quyết liệt nhất, sự phê phán nhiều người mong đợi nhưng lại là quá đáng đối với nhiều người.

Như thế cầu nguyện có nghĩa sẵn sàng để cho không còn chắc chắn và đi qua chỗ bạn đang đứng bây giờ.  Nó đòi hỏi bạn lên đường luôn luôn, rời nhà và đi tìm mảnh đất mới cho bạn và đồng loại.  Ðó là lý do tại sao cầu nguyện đòi nghèo khó, nghĩa là sẵn sàng sống cuộc sống trong đó bạn không có gì để mất, để bạn luôn khởi đầu mới mẻ.  Bất cứ lúc nào bạn muốn chọn sự khó nghèo này thì bạn làm cho bạn dễ bị thương tổn nhưng bạn cũng được tự do để nhìn thế giới, và để cho thế giới được nhìn theo hình thể mới.  Vì bạn không cần bảo vệ mình và bạn có thể nói lớn lên điều bạn biết do sự tiếp xúc thân mật với Ðấng là nguồn gốc mọi cuộc sống.  Nhưng điều này đòi phải can đảm.  Nếu bạn muốn cho mọi hậu qủa của cuộc sống cầu nguyện thành đạt có lẽ bạn phải sợ hãi và tự hỏi sao bạn lại dám làm thế.  Lúc ấy điều căn bản phải nhớ là sự can đảm cũng là ơn Chúa ban và bạn có thể cầu nguyện với Ngài bằng những lời sau đây:

Lạy Chúa xin cho con sự can đảm để làm cách mạng
như Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô đã là nhà cách mạng.
Cho con can đảm buông mình ra khỏi thế giới
Xin dậy con đứng lên tự do
và tránh không phê phán.
Lạy Chúa, vì nước Chúa
xin hãy cho con tự do,
cho con nghèo hơn trong thế giới này,
rồi con sẽ giàu trong thế giới thực
là mục đích cuộc sống này.
Lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì viễn tượng tương lai
nhưng hãy làm cho viễn tượng ấy là sự kiện chứ không chỉ là nguyên tắc mà thôi.

Rev. Ngô tường DZũng, Texas, USA.