VÀ TÔI ĐÃ BẬT KHÓC…

Tôi đã không bật khóc khi được biết con tôi là một đứa trẻ bị bệnh tâm thần.  Tôi vẫn ngồi im và không nói gì khi vợ chồng tôi được thông báo rằng Kristi đứa con hai tuổi của chúng tôi – đúng như chúng tôi đã nghi ngờ – thật sự bị chậm phát triển trí não.  “Cứ khóc đi,” bác sỹ khuyên tôi thân ái. “Nó giúp tránh được các khủng hoảng về tâm lý.”

Những khủng hoảng tâm lý không xảy ra, tôi không thể khóc trong những ngày tháng tiếp theo.  Chúng tôi đăng ký cho con vào trường mẫu giáo khi cháu được bẩy tuổi.  Thật dễ bật khóc khi tôi để con mình ở lại trong căn phòng toàn những đứa trẻ năm tuổi đầy tự tin, háo hức, nhanh nhẹn.  Kristi đã chơi một mình ở nhà rất nhiều giờ, nhưng vào bữa đó, khi cháu là đứa khác biệt hẳn giữa hai mươi đứa trẻ khác, có lẽ lúc đó là lúc cháu nó cảm thấy cô đơn nhất.

Mặc dù vậy, những điều tốt đẹp hơn cũng dần dần tới với Kristi và những bạn cùng lớp của cháu.  Khi khoe về mình, những đứa bạn của Kristi cũng cố gắng khen thêm: “Hôm nay Kristi đã đọc tất cả các chữ chính xác.”  Không đứa trẻ nào nói thêm rằng những chữ mà Kristi phải đọc dễ hơn nhiều so với các bạn khác.  Trong năm thứ hai ở trường, cháu nó gặp một trường hợp rất khó khăn.  Một cuộc thi lớn cho học sinh về năng khiếu âm nhạc và thể thao.  Kristi lại rất kém về âm nhạc và khả năng vận động.  Vợ chồng chúng tôi cũng rất sợ khi nghĩ đến ngày đó.

Hôm đó, Kristi tính giả bộ bệnh.  Tôi cũng muốn liều để cho cháu ở nhà.  Tại sao phải để cho Kristi thua trong một phòng thể thao ngập những phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo?  Cách giải quyết đơn giản nhất là để cháu ở nhà.  Chắc chắn rằng vắng mặt trong một chương trình như vậy cũng không có vấn đề gì xảy ra.  Nhưng lương tâm tôi không cho phép tôi đầu hàng dễ dàng như vậy.  Và cuối cùng thì tôi phải đẩy Kristi – lúc đó đã tái nhợt và rất miễn cưỡng – lên xe học sinh và chính tôi lại giả bộ bệnh.

Nhưng một khi tôi đã ép con gái mình tới trường, thì tôi cũng phải ép mình tới tham gia chương trình. Dường như thời gian kéo dài tới vô tận khi chưa tới nhóm của Kristi trình diễn.  Cuối cùng thì chúng cũng tới lượt, khi đó tôi biết Kristi rất lo sợ.  Lớp của cháu được chia thành từng nhóm.  Với những động tác ì ạch, chậm chạp và lóng ngóng, chắc chắn cháu sẽ làm đội kém điểm.

Cuộc thi đấu lại diễn ra rất suông sẻ một cách đáng ngạc nhiên, cho đến khi cuộc thi chạy trong bao tải. Mỗi đứa trẻ phải nhảy vào trong bao từ tư thế đứng, ôm bao nhảy đến đích, quay vòng lại nơi xuất phát và nhảy ra khỏi bao.  Tôi thấy Kristi đứng gần cuối hàng và trông có vẻ hoảng loạn.

Nhưng khi gần tới lượt Kristi, có một thay đổi trong đội của cháu.  Cậu con trai cao nhất trong đội đứng ra sau Kristi và đặt hai tay lên eo của cháu.  Hai đứa con trai khác đứng lệch ra phía trước của cháu.  Khi đứa trẻ trước Kristi nhảy ra khỏi bao, hai đứa con trai đằng trước giữ bao trong khi đứa con trai đằng sau nhấc Kristi lên và đặt cháu chính xác vào trong bao.  Đứa con gái đứng đằng trước Kristi giữ tay cháu và giúp cháu giữ thằng bằng.  Cuối cùng cháu cũng bắt đầu nhảy, mỉm cười và tự hào.  Giữa tiếng zzhoan hô cổ vũ của các giáo viên, học sinh và phụ huynh, tôi đã cảm ơn trời vì những con người tốt bụng kia có mặt trong cuộc đời đã giúp cho đứa con gái khuyết tật của tôi có thể cảm thấy mình như là một con người thật sự.

Và tôi đã bật khóc.

Sưu tầm

AI HẠ MÌNH XUỐNG SẼ ĐƯỢC TÔN LÊN

Nếu cuộc đời là một bữa tiệc, hẳn có nhiều thực khách đã chọn chỗ nhất mà ngồi. Tôi chọn ngồi chỗ nhất vì tôi thấy mình quan trọng, tôi xứng đáng được hưởng vinh dự đó…

Tiếc thay, không có nhiều chỗ nhất trong bữa tiệc cuộc đời, nên người ta phải tranh giành nhau bằng mọi thủ đoạn để chiếm được và giữ được chỗ nhất cho mình.

Những cuộc tranh giành như thế đâu phải là điều xa lạ.  Chúng vẫn diễn ra nơi gia đình, trong cộng đoàn, trong nhóm, trong giáo xứ, giữa các quốc gia… Nơi nào có hai người ở với nhau là có thể có đụng chạm, vì chỉ có một chỗ nhất.

Giữa một thế giới tự cao tự đại, rồi xâu xé nhau, Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống tự khiêm, tự hạ. Nhiều khi chúng ta hiểu sai về khiêm nhường.

–  Khiêm nhường không phải là khinh rẻ bản thân, cũng không phải là thụ động, không dám nhận trách nhiệm, trách nhiệm làm người ở đời và làm con Thiên Chúa.

–  Khiêm nhường lại càng không phải là một mặt nạ để lôi kéo sự chú ý của người khác: tôi hạ mình xuống để được tôn lên.

Abraham là một mẫu gương khiêm nhường.  Ông ý thức mình chỉ là tro bụi (Kn 18,27), nhưng ông đã dám mạnh dạn mặc cả với Đức Chúa về số người công chính, đủ để cứu thành Sôđôma.  Giêrêmia đã từ chối làm ngôn sứ, lấy cớ mình còn trẻ người non dạ (Gr 1,6). Nhưng khi ông dám nhận trách nhiệm Chúa trao, thì ông trở thành khiêm tốn và can đảm.

zz–  Nhiều người định nghĩa khiêm nhường là chấp nhận sự thật. Nhưng chấp nhận sự thật là điều khó biết bao, vì sự thật đòi tôi xét lại cách sống.

–  Khiêm nhường là nhận biết thân phận thụ tạo của mình: những gì tôi có và cả con người tôi, đều bởi Chúa.

–  Khiêm nhường là đón nhận đời mình như quà tặng Chúa ban, và dâng lại đời mình cho Chúa như một quà tặng.

–  Khiêm nhường cũng là nhìn nhận sự thật về mình: tôi chưa hoàn hảo, tôi có nhiều giới hạn, tôi cần được tha nhân nâng đỡ, góp ý… Tha nhân ấy không phải chỉ là người trên tôi, mà còn có thể là người kém tôi hay chẳng ưa tôi.

Nơi lời chỉ trích, tôi gặp được khá nhiều sự thật.

Nếu tôi khiêm hạ trước người khác, tôi sẽ thấy được nhiều ưu điểm bất ngờ của họ.  Những ưu điểm này không phải là mối đe dọa cho tôi nhưng là quà tặng làm tôi thêm phong phú.

“Xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa.”Càng biết, chúng ta càng khiêm nhường thẳm sâu. Thánh Phanxicô Borgia viết: “Tôi thực tâm muốn đặt mình ở dưới Giuđa, vì tôi đã thấy Đức Giêsu ngồi dưới chân anh ấy.

Nếu chúng ta chọn ngồi ở chỗ cuối, thì chỉ vì đó là chỗ ngồi quen thuộc của Đức Giêsu.

*****************************************

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.  Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Trích từ ‘Manna’

 

THINH LẶNG

zz“Những đan sĩ phải siêng năng trau dồi thinh lặng trong mọi lúc.”

Thinh lặng là mẹ của Thần Khí.  Nó nảy nở trong chúng ta một đan viện của tâm hồn.  Nó mang chúng ta ra khỏi tiếng ồn ào từ sự hỗn độn, huyên náo, và mơ hồ của một thế giới quay cuồng và đưa chúng ta đến một trọng tâm trầm tĩnh, lắng đọng của một bản chất thiêng liêng.

Tại trọng tâm này thinh lặng cho chúng ta nghỉ ngơi.  Ở đó Chúa làm việc trong ta, giũ sạch trong con tim chúng ta những ý nghĩ, nỗi đau, ao ước, đòi hỏi, tiếng la hét tựa như một đứa trẻ đòi được để ý và những điều ấy tách rời chúng ta khỏi con người tốt đẹp của chúng ta.

Trong thinh lặng, chúng ta học lắng nghe những người khác cũng đang tìm kiếm Thiên Chúa trong một đan viện của tâm hồn, để nghe những nỗi đau và sự khôn ngoan của họ, những kinh nghiệm của họ và sự thật trong con người họ, để từ đó đưa sự khôn ngoan của chúng ta ra ánh sáng, đặt vấn đề và phát triển nó.

Chính thinh lặng kiềm chế chúng ta khỏi ước muốn luôn sẵn sàng xuất phát những ý tưởng trống rỗng và những bình luận ác nghiệt từ con người ích kỷ của chúng ta.

Luật [Thánh Biển Đức] dạy rằng, “Có câu chép rằng, trong lúc thao thao bất tuyệt anh sẽ không tránh được sự tội.”

Chúng ta được đòi hỏi, mời gọi, để từ bỏ những thoả mãn quá thường tình nơi những chuyện thế tục khi mà chúng ta có những bắt bẻ sắc bén, những phê bình chanh chua, những cám dỗ không thành thật, và những điều này thường đi kèm với những lời nói ba hoa trống rỗng thiếu suy tư, những lời nói lãng phí đi chiều sâu của cuộc sống.

Trong Đan Viện của Tâm Hồn, chúng ta được thách thức để thay thế tất cả những tư tưởng trống rỗng bằng chiều sâu của sự suy niệm, sự thanh thản của ý nghĩ, và sự sáng tỏ của hiểu biết sâu sắc mà qua đó chính sự thinh lặng lại mang đến sự thức tỉnh cho một linh hồn đang mong mỏi sự thinh lặng đó đến – trong thinh lặng.

Thinh lặng che chở chúng ta khỏi sự ồn ào của chính mình và chuẩn bị chúng ta cho công việc của Chúa nơi chúng ta.

Trong thinh lặng, chúng ta hiểu được chính mình.

Trong thinh lặng chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa mời gọi chúng ta vượt lên chính chúng ta, để luôn hướng tới cái gì tốt hơn và hơn thế nữa.

Điều cốt yếu là trong Đan Viện của Tâm Hồn, không gian dành cho sự thinh lặng được trân quý và giữ gìn, được tìm kiếm và làm cho linh thiêng, khiến cho đời sống thiêng liêng có thể phát triển và hưng thịnh nơi chúng ta, nếu không trong chúng ta chỉ có cỏ lùng bén rễ bằng những lời nói trống rỗng mà thôi.

Trong cuộc sống của chúng ta, khi chúng ta dành chỗ cho sự thinh lặng, chúng ta có thời gian  để chữa lành những gì hãy còn âm ỉ nung nấu và đang ẩn nấp ở một chỗ nào đó trong ta mà đôi khi ngay cả chính chúng ta cũng không biết, nhưng sức mãnh liệt của những nung nấu âm ỉ này có khả năng thiêu rụi linh hồn chúng ta với nọc độc của nó theo thời gian.

Như Luật nhắc nhở chúng ta, “Có câu chép rằng, “Cái lưỡi nắm giữ chìa khoá cho sự sống và sự chết.”

Thinh lặng là một lá chắn giúp chúng ta thoát khỏi những thúc đẩy bồng bột khiến chúng ta ngăn cản những thay đổi, hay loại bỏ những thách đố mới, hay bác bỏ những tư tưởng mới, hay lên án những ý kiến của người khác.

Thinh lặng là điều khước từ sử dụng hài hước gây tổn thương, lời mỉa mai nhằm làm giảm giá trị, lời phê phán để hạ phẩm giá của người khác.

Luật dạy, “Chúng ta tuyệt đối lên án bất kỳ hành động thô bỉ, chuyện tầm phào, và cuộc trò chuyện nào dẫn tới sự cười đùa.”

Như vậy, sự thinh lặng mở mang cho chúng ta nhiều triển vọng, đón nhận người khác, tới nhiều dòng tư tưởng, mà nếu như không có thinh lặng mang tới thì chúng ta mãi mãi không cảm nhận được.

Chuyển ngữ từ sách “Đan Viện của Tâm Hồn: Lời Mời Gọi cho Cuộc Sống Đầy Ý Nghĩa (Monastery of the Heart: An Invitation to a Meaningful Life, Bluebridge, 2011), của Sơ Joan Chittister, OSB.

NÉT ĐẸP ĐỜI LINH MỤC

Cuộc sống quanh ta với biết bao là nét đẹp.  Nét đẹp của hoa cỏ đồng nội.  Nét đẹp của trăng sao, cá nước chim trời.  Nét đẹp của những cánh đồng mênh mông bát ngát, hay nét đẹp của những dòng sông hiền hòa, trĩu nặng phù sa.  Nét đẹp của thiên nhiên và nét đẹp của con người.  Đó là nét đẹp của trí tuệ, nét đẹp về hình thể, nét đẹp của lòng nhân ái bao dung, nét đẹp trong những lời thơ, tiếng hát v.v…  Thế nên, một nhạc sĩ đã từng viết: “Cuộc đời quanh ta có biết bao là nét đẹp.”  Vậy những nét đẹp của đời linh mục là gì?  Tại sao đời linh mục lại có những nét đẹp như thế?

Trong một bài viết đã lâu, linh mục Anthony Đào Quang Chính, OP, có đề cập đến 6 niềm vui sướng và 5 niềm khổ đau trong đời linh mục: “Cái sướng thứ nhất là được gọi bằng “cha”; thứ hai là được bài hát nào đó ca tụng rằng: Chúa chọn con lên hàng khanh tướng; thứ ba là nghe tội người khác; thứ tư là ngồi chỗ kính trọng; thứ năm là không bị lo lay-off, nghĩa là thất nghiệp; và thứ sáu là cha nói một tiếng bằng chúng con nói mười tiếng.”  Suy cho cùng, những niềm vui sướng ấy chỉ dừng lại ở khía cạnh hình thức bên ngoài mà thôi.  Những niềm vui sướng ấy không nói lên những nét đẹp nơi căn tính và sứ vụ của người linh mục.  Căn tính sâu xa của đời linh mục đó chính là nét đẹp của tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, và nét đẹp của hy sinh.

Nét đẹp của tâm linh

Linh mục là con người của cầu nguyện, là thầy dạy về cầu nguyện.  Là con người của cầu nguyện, linh mục nguyện gẫm, suy niệm Lời Chúa, giảng dạy Lời Chúa, viếng Chúa, Chầu Thánh Thể và dâng Thánh lễ mỗi ngày.  Đó là những nét đẹp tâm linh trong đời linh mục.

Mỗi lần nguyện gẫm, linh mục có thời gian nhìn lại chính mình, nhìn lại mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa, hay mối tương quan giữa mình với giáo dân.  Mỗi lần suy niệm hay giảng dạy Lời Chúa, linh mục phải là người để Lời Chúa soi sáng, dẫn đường để rao giảng những lời của an ủi yêu thương, những lời của sự thật và sự sống.  Mỗi lần viếng Chúa, chầu Thánh Thể, linh mục quỳ gối thinh lặng, cầu nguyện và chiêm ngắm Thánh Thể là bí tích của tình yêu, một tình yêu cao trọng, một tình yêu đến cùng mà Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm đời đời đã dành cho nhân loại.  Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần linh mục hiệp cùng hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá, để dâng cả những suy nghĩ, dự định, ước muốn; zzdâng cả những lỗi lầm, bất xứng trong đời linh mục lên cho Thiên Chúa Cha, để cầu nguyện cho bản thân, nhất là cầu nguyện cho những đau khổ của đoàn chiên mà Chúa trao phó.

Nét đẹp của sẻ chia

Nhiều bổn đạo đau khổ, tuyệt vọng bởi những biến cố đau thương giữa đời thường.  Họ tìm đến nhờ linh mục cho những lời khuyên, giúp lời cầu nguyện để vượt qua những khó khăn và thử thách.  Đau khổ về tinh thần lẫn vật chất.  Nhiều bà con vướng vào cảnh nợ nần, hoặc quá nghèo tìm đến với linh mục, nói thật những đau khổ ấy với linh mục, họ hy vọng được ngài sẻ chia.  Có cha mẹ nào lại không thương những đứa con đang hoạn nạn, nghèo túng của mình.  Vì vậy, người linh mục luôn đồng cảm với những nỗi thống khổ của nhiều bổn đạo trong giáo xứ mà ngài coi sóc.  Cha giúp lời cầu nguyện. Cha thăm viếng động viên.  Thậm chí cha giúp một chút tiền để họ vượt qua khủng hoảng và bế tắc.  Vì vậy, linh mục là người “bị ăn”, là tấm bánh được bẻ ra để phân phát cho những ai đang đói khát.

Nhiều linh mục tổ chức mời đoàn bác sĩ ở thành phố về nhiều giáo xứ tỉnh lẻ ở thôn quê để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con giáo dân.  Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát quà cho bà con giáo dân nghèo mỗi dịp Giáng sinh hay Tết đến.  Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn nhưng chăm chỉ học hành.  Gia đình nào có tang chế, linh mục đến hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện và chia sẻ sự mất mát lớn lao.  Đó là những nét đẹp của sẻ chia và yêu thương trong đời linh mục.

Nét đẹp của tha thứ

Theo gương Chúa Giêsu, người linh mục là con người của tha thứ.  Ngài tha thứ cho những bổn đạo nói xấu, chỉ trích, lên án mình.  Ngài tha thứ cho nhiều hối nhân nơi tòa giải tội.  Ngài tha thứ cho những lầm lỗi, thiếu sót cho bà con đang làm việc trong các hội đoàn.  Đó là nét đẹp của lòng bao dung.  Vì yêu thương con cái nên cha mẹ sẵn sàng tha thứ, không chấp nhất những lỗi lầm, khuyết điểm của con. Vì yêu thương đoàn chiên nên người linh mục luôn đón nhận tất cả vào vòng tay nhân ái của người mục tử nhân lành.

Vì vậy, nơi nét đẹp của tha thứ, mỗi Kitô hữu chúng ta còn khám phá ra nơi khuôn mặt của mỗi linh mục sự hiền lành và phúc hậu.  Nét đẹp ấy đã giúp nhiều hối nhân lấy lại niềm tin yêu và cậy trông vào Thiên Chúa.  Cả thế giới vô cùng cảm kích trước nghĩa cử Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tới một nhà tù, thăm hỏi và tha thứ cho người thanh niên bắn những phát súng để ám sát ngài.  Phải chăng đó là nghĩa cử xuất phát từ những gì Chúa Giêsu đã dạy và đã sống?

Nét đẹp của hy sinh

Làm linh mục đòi hỏi phải có sự hy sinh.  Hy sinh thời gian, sức khỏe; hy sinh những phút thư giãn của bản thân để phục vụ nhu cầu tâm linh của nhiều bà con bổn đạo; hy sinh sống đời độc thân không có vợ con để dành trọn thời gian và công việc cho việc phục vụ Giáo hội và mọi người.  Bởi vậy, nét đẹp của hy sinh được kết nên bởi những từ bỏ trong đời linh mục.  Người linh mục đúng nghĩa phải là một con người của sự từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ những quyến luyến của tình cảm, của đam mê xác thịt, hay từ bỏ những cám dỗ quyền lực, danh vọng để sống đơn sơ, thanh thoát và dấn thân cho sứ vụ mục tử.

Tình yêu đòi hỏi phải có hy sinh.  Hy sinh càng nhiều tình yêu càng có ý nghĩa và đúng nghĩa.  Tuy nhiên, ngày nay, tâm lý tự nhiên ai cũng sợ hy sinh và từ bỏ.  Người linh mục sợ hy sinh vì thấy lòng mình chưa thật sự từ bỏ dứt khoát những lôi cuốn của sự đời.  Người linh mục sợ cô đơn vì động lực dấn thân vì lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội chưa thật sự mạnh mẽ.  Vì vậy, tận trong sâu thẳm cõi lòng, nhiều linh mục vẫn chân nhận rằng mình cảm thấy cô đơn và đấu tranh với những phân mảnh trái ngược nhau diễn ra trong tâm hồn như trong “Lời Kinh Chiều Chúa nhật”, Linh mục Michel Quoit đã viết: “Lạy Chúa, chiều nay chiều Chúa nhật, một mình con quỳ đây đối diện với ngọn đèn chầu, đối diện với Thánh Thể Chúa.  Giờ này, nhiều gia đình đang sum họp ăn uống, cười nói vui vẻ bên nhau, còn con thì lặng lẽ âm thầm cầu nguyện với Chúa.  Con bắt tay nhiều người nhưng không giữ lại một bàn tay nào cho riêng mình.  Con tiếp xúc với nhiều trẻ con, nâng niu và vui đùa với chúng.  Nhưng lạy Chúa, đó là những đứa trẻ của người khác chứ không phải là của con.  Con giơ tay ban phép lành xá tội cho nhiều người, nhưng những tội đời của con thì chỉ có Chúa mới hiểu mà thôi… Lạy Chúa, làm linh mục có những phút giây cô đơn rất thật như thế, nhưng con tin rằng những phút giây ấy là cơ hội để con trắc nghiệm lại động lực ơn gọi dấn thân trong sứ vụ đời mình.”

Tóm lại, trong cuộc đời này cái gì cũng đều có hai mặt.  Đời linh mục cũng vậy.  Nhiều bậc cha mẹ muốn con đi tu làm linh mục cho sướng cái thân, ra đời lăn lộn kiếm tiền, vất vả khổ cực lắm!  Nhưng họ đâu biết rằng, đằng sau những hào nhoáng, sung sướng bên ngoài ấy, người linh mục hằng ngày phải chiến đấu với bản thân, chiến đấu trong lời kinh, nguyện cầu.  Làm linh mục có nhiều cái sướng nhưng khổ đau cũng không phải là ít, thậm chí khổ nhiều hơn sướng.  Thế nhưng, nhờ những nét đẹp tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, hy sinh mà người linh mục có thêm động lực tình yêu để sống trọn vẹn trong ơn gọi.  Những nét đẹp đời linh mục cho thấy Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng của niềm vui, của niềm tin yêu và hy vọng cho thế giới hôm nay.

LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J

 

TRƯỚC CỬA THIÊN ĐÀNG

Ở trang trong của một nhật báo xuất bản tại Manila, người ta đã đọc được câu chuyện vui sau đây:

Trước cửa Thiên đàng, linh hồn một nông dân xuất hiện xin Thánh Phêrô cho vào hưởng nhan Thiên Chúa.  Thánh Phêrô nghiêm nghị hỏi:

– “Con đã sống như thế nào trên trần gian mà giờ đây con muốn vào Thiên đàng?”

Linh hồn người nông dân trả lời với hết lòng chân thật:

– “Dạ, thưa Thánh Phêrô, 70 năm qua trên trần gian con đã cần cù làm ăn, tuân giữ mọi điều luật Chúa dạy, không bao giờ phạm tội làm mất lòng Chúa.  Con muốn vào Thiên đàng để được hưởng nhan thánh Chúa đời đời”.

Thánh Phêrô nghiêm nghị trả lời:

– “Con đợi ta xem lại các bản phúc trình mà thiên thần bản mệnh của con đã gởi về”.  Trong giây phút im lặng, với vẻ mặt nghiêm nghị, thánh Phêrô lần mở ra kiểm soát thật kỹ những phúc trình về cuộc đời của người nông dân.  Quả thực, đúng như lời ông khai báo.  Thánh Phêrô không tìm thấy bất cứ lỗi nào trong các bản phúc trình ấy cả.  Sau giây phút suy nghĩ, thánh nhân nghiêm nghị trả lời cho linh hồn người nông dân:

– “Con không đủ điều kiện để vào Thiên đàng”.  Thánh Phêrô ôn tồn giải thích lý do: “Con có biết không, trên Thiên đàng nầy, kể cả chính bản thân ta đây nữa, tất cả mọi linh hồn vào đây đều là những linh hồn tội lỗi, đã làm phiền lòng Chúa Giêsu rất nhiều, nhưng đã sám hối ăn năn, được Chúa thứ tha, rồi mới vào đây được.  Còn con thì thật là khác thường.  Con suốt đời không phạm tội gì cả.  Vậy con không đủ điều kiện để vào Thiên đàng.  Ta cho con trở lại trần gian sống thêm ít năm nữa xem sao, để con có điều kiện mà trở lại đây vào Thiên đàng”.

**********************************

zzĐây là một câu chuyện vui có thể giúp chúng ta nhìn vào cuộc đời quá khứ của mình dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay.  Nước Trời là của những tâm hồn tội lỗi nhưng đã sám hối ăn năn trở về cùng Chúa.  Nào ai dám tự phụ cho mình đã không bao giờ lầm lỗi, không bao giờ làm phiền lòng Thiên Chúa và xúc phạm đến anh chị em xung chung quanh.  Chúng ta không nên có thái độ giả hình, tự phụ, cho mình là trong sạch, tốt lành hơn kẻ khác, xứng đáng được vào Nước Trời.  Đừng tưởng như những người Do Thái, cứ tưởng là dân riêng của Chúa, là con cháu của Abraham là đương nhiên được bảo đảm chắc chắn được vào Nước Trời.  Vì không phải bất cứ ai thưa: “Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời”, cũng không phải tất cả những ai đã được diễm phúc đồng bàn ăn uống với Chúa Giêsu, được nghe Ngài giảng dạy trên các đường phố của mình, đều là những người có đủ tiêu chuẩn bảo đảm cho một tấm vé vào cửa Thiên đàng!

Vấn đề là phải phấn đấu “vào qua cửa hẹp”, “phải dùng sức mạnh” mới lọt được cửa hẹp dẫn tới bàn tiệc Nước Trời.  Bởi vì, trước cửa Nước Trời, mọi người đều bình đẳng để vào, không có ưu tiên dành cho những người có lý lịch tốt, hay có gốc gác bự, có ô dù…  Cũng không có chuyện dành chỗ trước, cũng chẳng có chuyện chạy chọt đút lót, cậy quyền cậy thế, hoặc dựa vào thành tích quá khứ để đòi hỏi cho mình quyền ưu tiên.  Vả lại, cũng đừng quan niệm bàn tiệc Nước Trời như một tiệc chiêu đãi có tính cách phô trương trình diễn.  Trái lại, đây phải là một bàn tiệc của những người chiến thắng, mà chỉ có những người đã từng chiến đấu, đã chia sẻ những nỗi gian khổ, đã thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô mới xứng đáng dự phần.

Điều trớ trêu là không phải con cái trong nhà sẽ là những kẻ nhanh chân nhất và được vào bàn ăn.  Trái lại, chính những kẻ ở xa, những kẻ lặn lội từ bốn phương trời mà đến.  Đối với những người Do Thái đang nghe Chúa Giêsu thì những kẻ từ Đông Tây Nam Bắc mà đến chính là các dân ngoại.  Họ sẽ được vào đồng bàn với các Tổ phụ và các Ngôn sứ, trong khi chính những người Do Thái là con cái trong nhà, những kẻ hãnh diện từng ăn uống thường ngày với Chúa, từng được nghe Ngài giảng dạy, lại phải đứng ngoài gõ cửa tuyệt vọng.  Vì vậy có sự đảo ngược thứ tự vào Nước Trời: “Những người trước hết sẽ trở nên cuối hết, còn những người cuối hết sẽ trở nên trước hết”.

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa không theo chủ nghĩa lý lịch.  Trước cửa Nước Trời, Ngài không hỏi mọi người: Có chịu phép rửa tội, có theo kitô giáo, có phải là người Công giáo hay không?  Có phải là Tu sĩ, Linh mục, Giám mục, Hồng y hay Giáo Hoàng?  Điều Ngài đặc biệt quan tâm và xét hỏi, đó là đã có làm và sống như Chúa Giêsu đã làm, đã sống, đã dạy hay không?  Vì thế, đừng lầm tưởng rằng: hễ có tên là Kitô hữu, là người Công giáo, là đạo gốc, là đương nhiên được bảo đảm vào Nước Trời, để rồi tự đắc đứng trên nhìn xuống thương hại hay loại trừ những người anh em ngoại giáo, những người không chia sẻ một tôn giáo, một niềm tin với chúng ta.  Bàn tiệc Nước Trời đón nhận tất cả mọi thành tâm thiện chí.  Nếu chúng ta không thực thi Lời Chúa, không đi theo con đường hẹp của Chúa, thì có thể những người anh em ngoại giáo sẽ vào Nước Trời trước chúng ta, đang khi chúng ta, những người được mời gọi trước lại sẽ bị Chúa từ chối, vì chỉ mang cái nhãn hiệu Kitô hữu mà không có một đời sống đức tin, một đời sống Kitô hữu đích thực.

Nếu Chúa Giêsu mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Thiên Chúa thì chính là để diễn tả sự chia sẻ niềm vui, chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa và với anh em.  Bởi thế, Thánh Phaolô đã nói với tín hữu Rôma: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Bàn tiệc Thánh Thể hôm nay phải là dấu chỉ cụ thể của bàn tiệc Nước Trời, nên những gì chúng ta chia sẻ trên bàn thờ, tức là Mình Máu Thánh Chúa, phải được chia sẻ rộng rãi trong cuộc sống.  Nói khác đi, chúng ta không thể bẻ Bánh Thánh với nhau mà không biết chia cơm sẻ áo cho nhau, nghĩa là cho anh em trong cộng đoàn mà thôi, nhưng còn là cho mọi người anh em đang cần được chúng ta chia sẻ. Thực hiện sự chia sẻ cụ thể đó, chính là phấn đấu đi qua cửa hẹp để dự Bàn Tiệc Nước Trời vậy.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

 

BÓNG GIÁO ĐƯỜNG NƠI TRẠI PHONG

Ngày tôi dâng Thánh lễ tạ ơn Linh mục ở quê nhà là một ngày có những kỷ niệm in sâu.  Giữa bao nhiêu khách mời, có một nữ tu đến muộn.  Muộn vì chị ở một nơi xa.  Xa cả khoảng cách không gian, và xa cả khoảng cách tình người.  Chị sống với những người cùi ở Tây Nguyên, nơi con người ngại lui tới.  Chị không gọi họ là “cùi,” chị gọi họ là những người “phong,” để làm dịu đi thực tế của căn bịnh, và làm dịu đi cái ấn tượng về những con người kém may mắn này.

Hơn 30 năm trước, chị dạy tôi giáo lý và cách sống đạo, rồi chị sống những điều chị dạy.  Tha nhân, niềm đau khổ, tình thương, và lòng cảm thông không còn là bài giáo lý trên những trang sách.  Chị biến những trang sách bằng giấy, thành trang sách của tâm hồn.  Rời giáo xứ ấm áp tình người, để đến nơi xa xôi thiếu bước chân con người.  Những hình ảnh tưởng chừng như chỉ có trong tiểu thuyết.

Hôm nay chị ghé qua nơi giáo xứ mà chị đã phục vụ khi tuổi còn thanh xuân, để xem người học trò năm xưa dâng lễ tạ ơn.  Chị không lái xe.  Người tài xế đưa chị bằng xe Honda là một người cùi.  Chị không ngại ngồi bên anh, tình thuơng phục vụ lớn lao hơn sự sợ hãi.  Chị đã lặng lẽ ngồi bên cạnh những người cùi cả một quãng đời dài.

Chị gần họ, hiểu nỗi đau và niềm cô đơn.  Cô đơn trong tình người, và cô đơn giữa những người cùng đạo.  Chị hiểu hơn điều này khi thấy người bạn cùi cùng với chị đến gần với giáo đường hôm nay, nhưng anh thấy mình thật xa lạ.  Anh ngại đứng bên những người lành lặn, nên chọn một góc xa cho riêng mình ở phía cuối cổng giáo đường.  Anh không ngại đứng xa, vì cả cuộc đời, anh đã sống ở một góc xa ở phía cuối cổng cuộc đời.

Anh nhìn những bước chân vội vã của trẻ thơ đi về giáo đường, những chiếc áo dài thướt tha của xóm đạo, những bộ vét sang trọng của người đi tham dự lễ tạ ơn, và cả những chiếc áo dòng bóng bẩy của nhiều tu sĩ trẻ.  “Giáo hội sang trọng quá,” anh thốt lên với người nữ tu khi tan lễ.  Chị cũng tỏ ý đồng tình,  “Ừ, vui hơn ở trong trại cùi.”

zzTrại cùi có gần một trăm em, không kể người lớn.  Nó ở một nơi hẻo lánh của miền tây nguyên.  Mảnh đất núi đồi, thiếu thốn phương tiện.  Thiếu thốn nhất là nguồn nước, điều kiện cần thiết cho những người bịnh phong tắm rửa mỗi ngày.  Các em sinh ra không có sự chọn lựa cho số phận của mình, vậy thì làm sao có được những bước chân rộn rã như trẻ thơ xóm đạo.  Người nữ tu biết những thánh lễ nơi xóm đạo là vui, nhưng lại chọn đến ở một nơi buồn.

Chị mang hình ảnh giáo đường đến với những con người vì số phận không dám đến với giáo đường.  Trong ý nghĩa sâu xa nhất, chị là hình ảnh của giáo đường.  Thầm lặng, không rộn vang tiếng hát, không có những tà áo dài thiết tha, nhưng có nhịp thở và trái tim rung cảm của cảm thông.

Ở nhiều nơi, giáo đường không có Thánh lễ nên giáo đường trở nên trống trải.  Nhưng có Thánh lễ mà không tiếp tục lễ hy sinh trong cuộc sống thì vẫn chỉ là những nghi lễ hững hờ.  Khi Chúa Giêsu truyền dạy, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy,” Chúa không chỉ có ý truyền cho giáo hội cử hành Thánh lễ mỗi ngày nơi bàn thờ, mà là truyền dạy sống Bí Tích Thánh Thể qua hành động như Ngài hành động: trở nên bánh và rượu để nuôi dưỡng sự sống cho thế giới.  Mỗi một nghĩa cử yêu thương là bánh, mỗi một chọn lựa hy sinh, dâng hiến là rượu.  Tình yêu trao ban và lòng hy sinh làm nên thánh lễ cuộc đời.  Người mẹ thức khuya lo lắng cho con, người cha lam lũ cho cuộc sống tươi xinh của gia đình, hay như người nữ tu hiến dâng một đời cho những con người bất hạnh, tất cả đang sống mầu nhiệm Thánh Thể. Trở nên bánh và rượu cho anh chị em mình là đang tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô.  Thánh lễ trở nên thiết thực quá, không riêng gì cho Linh mục, nhưng cho tất cả mỗi Kitô hữu, biết sống cho tha nhân.

Khi Thánh lễ Tạ Ơn Linh Mục kết thúc, người nữ tu đến chào.  Ánh mắt chị vui, long lanh, xen nỗi xúc động.  Chị nói, “Chị đến xem em dâng lễ ra sao!  Vui quá”.  Thánh lễ vui thật vì có hoa, có nến, có ca đoàn rộn vang tiếng hát, có tấp nập bước chân, có cả quay phim và tiệc mừng nữa.  Nhưng Thánh lễ vui chỉ là khởi điểm bắt đầu của hy lễ hiến tế.  Để mời gọi sống những Thánh lễ trong cuộc đời có niềm vui xen lẫn nước mắt, có hạnh phúc và đau khổ, có nhận lãnh và mất mát, được yêu thương và có cả phản bội nữa.

Tôi nói với chị, “Thánh lễ em dâng hôm nay có hoa, có nến, có rộn vang tiếng hát, và có ngàn nụ cười trên môi.  Còn thánh lễ chị dâng trong cuộc đời bên những con người đau khổ, thiếu vắng nụ cười, để nuôi dưỡng sức sống và niềm hy vọng cho một phần thân thể đau khổ của Đức Kitô, thật sự là sống trọn vẹn bí tích Thánh thể: trở nên bánh rượu cho thế giới.”

Khi nắng chiều xuống dần, chị theo xe cùng người bạn cùi trở về nơi xa xăm.  Tôi đứng nhìn bóng dáng họ khuất dần theo nắng nhạt.  Ở phía xa, lác đác ánh điện đường bắt đầu sáng.  Xe chị không dừng lại giữa phố phường sáng rực, nhưng lăn lóc qua những làng quê tĩnh lặng, mộc mạc, khuất lấp giữa núi đồi.  Chị mang Thánh Lễ và mang cả bóng Giáo đường đến với nhiều cuộc đời ngổn ngang đang sống ở nơi xa xăm nhất của tình người.  Tôi nhìn bóng dáng chị, rồi nghĩ đến Thánh Lễ đời mình.

Những năm Linh mục qua đi với nhiều Thánh lễ nơi bàn thờ, nhưng lòng vẫn mãi băn khoăn, bao giờ mình mới sống trọn vẹn mầu nhiệm Thánh thể như người nữ tu ấy.  Bao giờ mình mới trở nên bánh rượu đích thực như chính Đức Kitô để nuôi dưỡng sự sống cho thế giới?  Hiến lễ nào cũng có giây phút bắt đầu, nhưng kết thúc lời kinh lại chỉ diễn ra qua những hành động trao ban.  Cuối Thánh Lễ sáng nay, tôi nguyện thầm với Chúa:

Lạy Chúa, xin cho thánh lễ con dâng mỗi ngày giúp biến đổi nghi lễ thành hành động yêu thương.  Xin cho lời truyền của Thầy Chí Thánh “Hãy làm việc này mà nhớ đến thầy” thôi thúc chúng con hành động vì tha nhân, như hình ảnh người nữ tu hao gầy trở nên bánh rượu cho một phần nhân loại khao khát tình người.  Có khi phần nhân loại khao khát ấy lại chính là những con người cụ thể luôn hiện diện trên từng lối đi của đời con.

Nếu lễ dâng được cử hành mỗi ngày nơi giáo đường, thì hành động trao ban của chúng con cũng cần được diễn ra nơi bàn thờ của cuộc sống như một hy lễ nối dài.  Nếu được như thế, Thánh thể sẽ trở thành nguồn sức sống cho gia đình con, cho cộng đoàn, và cho cái thế giới quanh con đang cần được nuôi dưỡng bằng niềm hy vọng.  Những Thánh Lễ ấy, tuy không có tiếng hát, không có hoa, có nến, không có những bài giảng hùng hồn, nhưng lại là những Thánh Lễ mang đến sức sống cho nhiều tâm hồn.  Con không thể mang Giáo đường vào cuộc sống, nhưng xin cho con trở nên bóng giáo đường giữa lòng đời, như người nữ tu hao gầy bé nhỏ, nhưng có một trái tim có khi lớn lao hơn cả những Giáo đường lộng lẫy nhưng thiếu vắng tình thương.

Nguyễn Thảo Nam

LỜI YÊU THƯƠNG TRÊN TẤM KHĂN ĂN

Vào năm 1974, mẹ tôi đang học lớp cuối cấp ở trường dòng nữ sinh ở New York.  Bà là sinh viên xuất sắc nhất lớp, đang nuôi ước mơ trở thành một giáo viên giỏi.  Nhưng ước mơ trở thành giáo viên của bà đã bị cắt ngang bởi sự xuất hiện của một đứa bé không hề được chờ đợi – là tôi.  Mẹ tôi mang thai tôi vào năm học cuối cấp, bà phải nghỉ học nửa chừng để lấy cha tôi.  Mặc dầu trên danh nghĩa, bà đã xa rời lĩnh vực giáo dục nhưng không hẳn là như vậy.

Khi sinh tôi ra, mẹ tôi bắt đầu tìm hiểu toàn bộ và từng khía cạnh của đời sống con trẻ qua tôi.  Bất luận hai mẹ con chúng tôi làm gì, nướng bánh trong bếp hay ngồi với nhau cả ngày trong phòng đọc sách thì điều đó cũng có tác dụng tương tác giáo dục một cách tích cực.  Tôi không bao giờ coi ti vi, không phải vì mẹ không cho tôi coi mà vì tôi thấy những giờ ngồi tập viết truyện với mẹ tôi hấp dẫn hơn.  Không phải trong nhà tôi lúc nào cũng có đủ tiền chi tiêu, nhưng với những cuốn sách lý thú, những nụ cười vui vẻ và vòng tay dịu dàng của mẹ, tôi chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn một thứ gì.

ZZVào tuổi lên năm, tôi bắt đầu đến trường, trong một tâm trạng vừa háo hức, vừa sợ hãi.  Ngày đầu tiên ở nhà trẻ, giờ ăn trưa, tôi ngồi một mình ở bàn, từ từ mở hộp cơm trưa mà mẹ đã chuẩn bị cho tôi.  Bên trong hộp cơm, tôi bắt gặp một bức thư ngắn của mẹ tôi viết trên tấm khăn ăn.  Bức thư nói rằng mẹ yêu tôi và tự hào về tôi, đứa con gái bé bỏng của mẹ.  Và rằng tôi là đứa bé nhà trẻ ngoan nhất trên đời này.  Nhờ vào bức thư ngắn của mẹ, tôi đã vượt qua ngày đầu tiên ở nhà trẻ một cách nhẹ nhàng, và cả rất nhiều ngày sau đó…

Kể từ bức thư đầu tiên ấy, sau này tôi nhận được rất nhiều những bức thư của mẹ trên chiếc khăn ăn. Những bức thư tôi nhận được ở trường tiểu học, khi tôi đang vật vã cam go với môn Toán, khích lệ tôi: “Hãy cố lên, con gái yêu của mẹ, rồi con sẽ làm được mà.  Đừng bao giờ quên rằng con là đứa trẻ giỏi giang !”  Những bức thư thời học cấp 2 của tôi, khi tôi còn là một cô gái mới lớn, tóc xoăn tít và đầy mụn, khuyên tôi: “Hãy luôn thân thiện với bạn bè.  Không có gì phải sợ cả!  Chẳng mấy chốc thì mọi người sẽ cảm thấy may mắn khi có con là bạn thân thôi.”  Ở trường cấp 3, khi đội bóng rổ trường tôi lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào tranh giải vô định toàn tiểu bang, bức thư của mẹ nhắc nhở tôi: “Không có khái niệm ‘tôi’ trong đội bóng.  Con gái mẹ luôn là người biết cách chia xẻ cùng đồng đội, phải không?”  Và khi tôi tốt nghiệp phổ thông, vào Đại học, đi xa nhà, vẫn đều đặn có những bức thư ngắn trên khăn ăn mẹ dành cho tôi.  Mặc cho những biến cố liên tiếp trong đời khi tôi học đại học, đổi ngành học, chia tay với bạn trai, những thay đổi trong cách nhìn nhận của tôi đối với cuộc sống thì vẫn có một điều không bao giờ thay đổi – sự khích lệ, hổ trợ và dạy dỗ từ mẹ tôi, những năm tháng tôi tắm mình trong tình yêu của mẹ, những bức thư ngắn – những thông điệp trên tấm khăn ăn.

Đứa em gái mười chín tuổi của tôi đang là sinh viên năm đầu tiên ở Đại học.  Đâu đó trong phòng ký túc xá của nó, lẫn giữa đống áo quần và sách vở, nó luôn giữ một cái hộp đựng đầy những bức thông điệp trên tấm khăn ăn ở nơi bất ngờ dễ tìm thấy nhất.  Ở nhà, cô em gái mười sáu tuổi và cậu em trai chín tuổi của tôi cũng có những nơi bí mật chứa những thông điệp trên tấm khăn ăn.  Khi tụi nó đọc những thông điệp của mẹ, tôi biết trong tụi nó cũng đang trào dâng một cảm giác tự tin như tôi đã từng có suốt thời đi học.

Chúng tôi khôn lớn, đã đến lúc mẹ thực hiện nốt ước mơ còn dang dở của mình.  Sau gần hai mươi lăm năm gián đoạn, người mẹ bốn mươi bốn tuổi của chúng tôi trở lại trường để lấy bằng sư phạm.  Tôi thấy ngưỡng mộ mẹ, bà đâu cần bằng cấp mà vẫn mãi mãi là một giáo viên giỏi, một người thầy xuất sắc của chúng tôi.

Ngày mẹ trở lại trường học, món quà tôi chuẩn bị cho mẹ là một túi đựng sách vở, bút viết và những đồ dùng học tập ưa thích của bà.  Và dĩ nhiên là tôi không quên chiếc khăn ăn có mang thông điệp: “Mẹ sẽ thành công !”.

Khi mẹ mở chiếc khăn ăn và đọc bức thông điệp, tôi thấy từ đôi mắt đã qua thời thanh xuân của bà, những giọt lệ hạnh phúc từ từ lăn xuống.

Caurie Anne Moner

Đinh Lễ Vũ phỏng dịch

 

PHẢI CHI LỬA ẤY ĐÃ BÙNG LÊN

Nhiệt độ của trái đất có chiều hướng nóng dần lên.  Đó là một điều đáng sợ.  Nhưng điều đáng sợ hơn lại là sự lạnh lùng giữa người với người.  Con người cần cơm bánh và giải trí, nhưng con người còn cần sự nâng đỡ cảm thông.  Nhân loại sống được là nhờ tình thương ấm áp.  Vậy mà băng giá của lãnh đạm dửng dưng vẫn tồn tại khắp nơi trên mặt đất.  Băng giá nằm ngay nơi lòng con người.

Đức Giêsu đã khẳng định sứ mạng của Ngài: Ngài đến để ném lửa trên mặt đất, và Ngài ước mong, phải chi lửa ấy đã bùng lên.  Ngọn lửa Đức Giêsu muốn nhóm lên không phải là ngọn lửa của án phạt và huỷ diệt, không phải là thứ lửa từ trời mà Gioan và Giacôbê định xin đổ xuống trên một làng của xứ Samari.  Đây là ngọn lửa vẫn bừng cháy trong tim Ngài, lửa của Thánh Thần, lửa của yêu thương, lửa hâm nóng hai môn đệ Emmau đang tuyệt vọng.

zzChúng ta cần được ngọn lửa của Đức Giêsu chạm đến, cần được Ngài làm bừng sáng lên những sức mạnh tiềm ẩn nơi ta, để chúng ta trở thành ánh lửa cho thế giới.  “Phải chi lửa ấy đã bùng lên!”  Chúng ta được mời gọi để thực hiện niềm ước mong mà Đức Giêsu đã suốt đời ôm ấp, đó là làm cho thế giới nên ấm áp hơn vì con người biết sống cho Thiên Chúa và cho nhau.

Gieo rắc ngọn lửa và ánh sáng là chấp nhận bị từ khước và đe dọa.  Đức Giêsu linh cảm những gì sẽ xảy ra cho đời mình.  Ngài sẽ phải chịu một phép rửa kinh khủng, sẽ phải dìm mình thật sâu trong nỗi khổ đau.  Hôm nay, Ngài mời chúng ta ném lửa trên mặt đất và chấp nhận đối đầu với sức mạnh của bóng tối.  Khi Đức Giêsu bị treo trên thập tự, khi Ngài bị giam trong mồ tối, bóng tối tưởng như đã nuốt chửng được Ngài.  Nhưng ngọn lửa phục sinh đã bừng lên giữa đêm đen.  Đó là niềm hy vọng của chúng ta, những người vẫn còn phải hăng say chiến đấu để đẩy lui bóng tối ra khỏi mọi nơi, mọi chỗ, bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng, bóng tối của hận thù, của nạn mù chữ, bóng tối của nghèo nàn lạc hậu…  Bóng tối do khép lại cánh cửa của lòng mình.  Bóng tối ở ngay trong lòng tôi.

Có lúc chúng ta sợ hãi bóng tối dầy đặc, mà ngọn lửa của mình lại yếu ớt.  Nếu một tỷ Kitô hữu đều là những ngọn lửa thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi khỏi mặt đất.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

****************************************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mang ngọn lửa yêu thương ném vào thế gian.  Chúa hằng ước mong cho ngọn lửa ấy mãi bừng lên.  Xin đốt nóng chúng con trong tình yêu Chúa.  Xin giúp chúng con biết thực thi ước mơ của Chúa, khi chúng con mang lửa yêu thương dâng tặng nhau.

Nhưng Chúa ơi, cuộc đời hôm nay có quá nhiều bóng tối.  Bóng tối của bất công và sa đoạ.  Bóng tối của hận thù, chia rẽ.  Bóng tối của nghèo đói, lạc hậu.  Bóng tối ở ngay trong lòng chúng con.  Bóng tối quá dày đặc mà ngọn lửa chúng con lại quá yếu đuối.  Xin Chúa luôn ở bên chúng con.  Xin ban thêm ơn trợ giúp để chúng con vượt thắng gian nan, để mang lửa yêu thương xoá tan bất công     hận thù, mang lửa bác ái, cảm thông để sưởi ấm lòng người.  Xin huấn luyện chúng con thành chiến sĩ luôn hăng say chiến đấu, để đẩy lùi bóng tối tội lỗi ra khỏi mọi nơi mọi chỗ, để kiến tạo một thế giới đầy ánh sáng tình thương.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, là ngọn lửa thiêng không bao giờ lịm tắt, xin hun nóng tâm hồn chúng con, và xoá tan những băng giá ích lỷ đang thống trị tâm hồn chúng con.  Xin xoá tan bóng tối tội lỗi đang chìm ngập tâm hồn chúng con.  Xin mang lại cho chúng con ánh sáng của tin yêu và hy vọng để nhờ đó chúng con hăng say rao truyền tình yêu Chúa cho thế gian. Amen

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

 

 

ĐỨC MARIA: ĐỊA CHỈ TRÊN CAO  

zzCách đây ít lâu, khi đọc báo hằng ngày, tình cờ tôi ghi nhận được một mẩu tin là lạ.  Đó là mẩu quảng cáo đăng ký địa chỉ trên cung trăng.  Ai muốn đứng tên chủ quyền một thửa đất trên gương mặt chị Hằng bảo đảm có bằng khoán giấy tờ công chứng đàng hoàng, hãy mau mau đăng ký, chọn vị trí trên bản đồ và nộp tiền đầy đủ.  Bảo đảm, chỉ vài ngày sau là được trao tận tay sổ hồng sổ đỏ, để cứ mỗi đêm trăng sáng là có quyền vác kính viễn vọng ra ngắm nghía chỉ trỏ giới thiệu với bạn bè về dự án tương lai địa chỉ trên cao của mình.

Thấy mẩu tin ngồ ngộ, tôi ghi nhận, và hôm nay lễ Đức Maria Mông Triệu, nghe vẳng bên tai bài hát “Như một vầng trăng tuyệt vời, muôn ngàn tia sáng lung linh chốn thiên cung” ca ngợi Đức Maria, bỗng dưng nhớ lại và liên tưởng: mỗi tín hữu cũng có một địa chỉ trên cao, địa chỉ ấy mang tên Maria.

1. Đức Maria: Một địa chỉ thiết định cho lòng tin.

Đây không phải là điều huyền hoặc do trí tưởng tượng con người bịa ra trong một giờ cao hứng, cũng không phải là sản phẩm mang nặng cảm tính do lòng đạo đức của giới bình dân, càng không phải là do sự nhất trí giơ tay tán thành theo kiểu vào hùa của đám đông.

Không phải thế, mà là kết quả suy tư lâu dài tìm kiếm của đời sống Giáo Hội.  Trước năm 1950, người ta có quyền bán tín bán nghi, tin hay không tin cũng chẳng hề hấn gì, như thánh Tôma tiến sĩ; nhưng kể từ ngày lễ Các Thánh năm 1950, khi Đức Giáo Hoàng công bố sự kiện Đức Maria Mông Triệu như một tín điều, người ta không còn có thể dửng dưng được nữa, mà phải reo lên vui mừng vì đã sáng tỏ: trên cao, Đức Maria chính là địa chỉ của lòng tin Công Giáo.

Thật vậy, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nên không thể chịu hậu quả của Tội nguyên tổ là phải chết.  Mẹ trọn đời Đồng Trinh nên cứ lý cũng trọn đời trinh nguyên tồn tại.  Mẹ cung cấp chất liệu xác thân cho Ngôi Hai Thiên Chúa bước xuống đồng hành với con người trong kiếp phận loài người, thì khi Phục Sinh về trời vinh quang, Thiên Chúa cũng giữ gìn cho Mẹ mình thoát khỏi cảnh hư nát thân xác.  Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, nếu đã được Thiên Chúa yêu thương gìn giữ từ thuở đời đời bằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì cũng được Thiên Chúa giữ gìn cho đến muôn đời bằng đặc ân Mông Triệu tuyệt diệu hơn mọi người trần.

Cách khác, Mẹ Hồn Xác Lên Trời là một ngôn ngữ mang tính dấu chỉ dễ đọc của một địa chỉ trên cao, vốn đã có sẵn trong mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô.

2. Đức Maria: Một địa chỉ thiết thân của đời tín hữu.

Ngày nay có thể có người nghĩ rằng: Đức Maria Mông Triệu chỉ là một tín điều, nghĩa là một điều được Giáo Hội xác lập như đối tượng phải tin; lại nữa, cũng chỉ được định tín cách nay chưa lâu, mới từ năm 1950, có chi mà quan trọng?

Xin được cùng với Giáo Hội nhắc lại rằng: Đây không phải là chuyện thuần túy quy ước, mà đúng là chuyện thiết thân với mọi con người.  Khi gọi một chiếc xe là “xe máy” thì nó là “xe máy” dù chẳng có chút máy móc nào mà chỉ là “xe đạp”.  Đó là quy ước.  Thế nhưng, khi tín điều thiết định thì khác, vì ở đó cả vận mệnh đời sống của những kẻ tin cũng được định hình theo.

Đức Maria về trời, nhưng không về với đôi tay trắng, mà là nặng trĩu vận mệnh của cả Giáo Hội, Đức Kitô là Đầu, mà vinh quang của Đầu tiến đến đâu thì vinh quang của Thân Mình cũng tỏ hiện đến đó, nhưng qua việc Đức Maria về trời, tín hữu nhận thấy rõ hơn vận mệnh đời mình.

Mẹ là người đi đầu cho ta được tiếp bước.  Mẹ được đưa về trời là tiền đề cho lòng tin người tín hữu: nếu sống như Mẹ, họ cũng sẽ được về trời với Mẹ.  Mẹ như người đi trước cho ta được theo sau.  Mẹ được đưa về trời là khuôn mẫu cho niềm hy vọng: bên kia địa chỉ trần thế này là một địa chỉ trên cao của cuộc sống phong phú đời đời.  Mẹ là người đi mau cho ta được níu kéo dắt dìu.  Mẹ về trời xác lập một hướng đi cho lòng yêu mến: yêu trung thành hôm nay sẽ được dẫn tới bến bờ yêu thương tinh ròng vĩnh phúc.  Thế đó, Đức Maria địa chỉ trên cao thiết thân cho mệnh đời tín hữu.

3. Đức Maria: một địachỉ thiết thực cho mỗi cảnh đời.

Vấn đề được đặt ra ở đây không chỉ là chuyện hiểu biết và tin tưởng, nghĩa là dừng lại trong nhận thức, cho dẫu đó là bước đầu không thể thiếu được, nhưng quan trọng hơn, là hỏi xem địa chỉ trên cao kia có để lại âm hưởng gì trong đời sống hằng ngày?  Có một bài hát “Kinh Tin Kính” kết thúc bằng câu quyết tâm “Tin những gì Hội Thánh dạy con”.  Tốt lắm, nhưng nghe sao vẫn cứ ngờ ngợ, tin tất cả mà không lo chuyển hoá niềm tin vào cuộc sống thiết thực, thì tự nó đã hàm chứa một nguy cơ của sự cả tin.  Giống như một cha sở cử hành Bí tích Xức Dầu cho một nữ bệnh nhân tân tòng trọng tuổi, với những công thức tuyên tín dài dòng, bệnh nhân ấy trong cơn đau đớn đã thốt lên: “Cha nói thánh tướng nào con cũng tin cả”.  Thành thử, hôm nay, khi tuyên xưng Đức Maria hồn xác về trời chính là lúc ta phải nỗ lực tổ chức xây dựng đời sống nơi địa chỉ trần thế sao cho phù hợp tương thích với địa chỉ trên cao mà ta tin yêu hy vọng.

Làm sao có thể về trời thanh nhàn khi cuộc đời này chưa thanh sạch tâm hồn, chưa thanh bạch nếp sống, chưa thanh luyện ý chí, chưa thanh thoát tư duy, chưa thanh cao tình cảm, chưa thanh thản nỗi đau đời và chưa thanh thỏa nhiệm vụ người người với nhau?  Làm sao có thể về trời thênh thang khi cuộc sống hôm nay vẫn còn bận bịu bỏ neo nơi những khuynh hướng đam mê sùng bái, như là dục vọng buông lơi lòng tham không đáy hay quyền bính vô độ?  Và làm sao có thể về trời với Mẹ khi ta hằng ngày vẫn còn gặp mình trên những lo toan tính toán làm ăn không chỉ dừng lại ở mức “lương thực hằng ngày” “cầu vừa đủ xài” của Kinh Lạy Cha, mà còn mong có mọi sự nhiều thêm nữa, trừ một sự là có điểm dừng?

Muốn có địa chỉ trên cao, hãy tích cực đăng ký xây dựng ngay từ địa chỉ trần thế này.

Qua một bài báo về kỹ thuật hàng không, được biết rằng người ta đang tính tới chuyện bay cao bay xa và bay nhanh hơn.  Điều này đòi hỏi phải giải quyết ba thông số kỹ thuật: giảm nhẹ thân tàu, tăng cường sức đẩy động cơ và trang bị bộ phận định hướng tốt.  Bất giác tôi nghĩ đến chuyến bay đời người về địa chỉ trên cao, cũng cần trút nhẹ lo toan, gia tăng ơn thánh, và nỗ lực định hướng theo gương Đức Mẹ.  Như vậy, chuyến bay ấy chắc chắn sẽ cao xa nhanh an toàn.

Chúc mọi người luôn biết dâng cao tin yêu hy vọng, để làm quen với địa chỉ trên cao ngay từ cuộc sống xem ra còn nhiều lũng thấp hôm nay.

Đức Maria địa chỉ trên cao, dạy cho con biết qua bao tháng ngày, biết đường sống thánh từ nay, ngày mai sẽ được thẳng bay về trời.

ĐGM Vũ Duy Thống

 

 

TẶNG PHẨM

Tôi đã vất vả rong ruổi đi tìm, nhưng chẳng gặp.  Miệng đã khô và bụi sương làm tóc tôi bay rối. Ngày lại ngày, tôi lục lọi những pho sách quý giá trong tủ sách loài người, nhưng tôi vẫn thất vọng. Tôi rũ mỏi đi khắp phố chợ, ngày, đêm.  Tôi hỏi bạn bè cùng các triết nhân và họ đã trả lời: Ðó là cuộc đời!

Thân tôi tội lỗi, trước Ngài, Thượng Ðế, tôi sợ đâu dám hỏi.  Nhưng đau thương cứ dâng cao và nỗi lo lắng càng ngày càng lênh láng.  Một chiều, tôi vào cuối giáo đường ngồi khóc.  Tôi khóc như một đứa nhỏ và than thở với Người như một đứa con:

– Cha ơi, con đã vất vả đi theo Cha dọc chuỗi thời gian.  Con đã vấp ngã vô vàn, và mặt mày nhơ nhớp như bây giờ Cha thấy đây.

– Cha! Sao Cha đặt con trong vòng Bóng-Tối rồi bảo con tìm về Ánh-Sáng.

– Sao Cha đặt con trong vùng Sự-Ác rồi bảo con tìm về Thiện-Hảo.

– Cha ban cho con Trí-Tuệ nhưng sao Cha lại đặt trong lòng con Trái-Tim trùng trùng, điệp điệp những Man-Mác, Lấp-Lửng.

– Trong khu vườn Già-Nua, khô cằn, Cha bảo con hãy mọc lên Xanh-Tươi và trổ sinh hoa trái!

– Cha ơi, Cha cho con Lương-Tâm, nhưng sao Cha không đem con ra khỏi căn hầm của Gian-Dối và lâu đài của Tham-Lam.

zzTừ tâm điểm Cha đã thắp sáng trong con Ánh-Lửa-Tình-Yêu nhưng xa xa sao Cha lại vây bọc con bằng Chu-Vi-Căm-Thù.  Rồi Cha bảo: Hãy vượt qua!

Cha ơi, Cha có yêu con?

– Bao lần con lầm lũi trốn tránh vì tha nhân là vấp phạm.  Nhưng từ hút thẳm ý nghĩ Cha lại thôi thúc vang vang: Tha-Nhân là Cây-Cầu và bên kia bờ sông là chính Cha!

– Ôi, Cha đã mở cửa cung vườn tình yêu cho con bước vào.  Con đã hái Bông-Hồng và tay con đã nắm vào Gai.

Cha ơi, Cha có yêu con?

Con đã vất vả gian nan theo Cha.  Bờ vai đã lạnh và Gió-Sương vẫn nghìn dặm dõi theo.  Hai chân đã mỏi mà đường đi thì cứ mù khơi, tít tắp.

Trong vườn hạnh phúc Cha ban, con bứt giật đóa Bạch-Huệ bằng tay trái, thì tay phải đã vướng vào Sâu.

Giáo đường chẳng có ai.  Những hàng ghế dài mút mút, im lặng thẹn thùng vì những lời tôi nói. Nhưng mặc kệ, tôi cứ kể lể.  Vì tôi lo lắng và đã biết rằng đường tôi đi còn dài mà không gian là những đây đó vấp ngã, còn thời gian là những cám dỗ tiếp nối mênh mông.

Tôi kể lể cho tới khi lời tôi nhỏ lại mất hút, cho tới khi những làn sương xuống dầy đặc xóa nhòa đôi mắt, cho tới khi giáo đường tan loãng biến vào hư không.  Bấy giờ, tôi thấy một đồi cao và rừng cây trầm lặng bát ngát.  Những gió và suối tiên vang lên lời ru.  Tôi nghe như có tiếng người nói:

– Trong vùng thăm thẳm, Thẫm-Tối của Cuộc-Ðời, Cha đã ban cho con Ðức-Tin để đi.  Ðó là tặng phẩm qúy nhất.

– Trong những miên trường của giằng co giữa Con-Tim và Lý-Trí, Cha đã cho con Tự-Do để lựa chọn.  Ðó là tặng phẩm quý nhất.

Rồi, những cung điệu rất lạ đã say sưa lá của rừng, những lời ngọt ngào của suối đã ru êm bờ đá cuội trắng.  Tôi nghe như có tiếng nhạc dạt dào, và cũng trong tiếng nhạc ấy dường như có tiếng Người nói nữa:

– Ðó, tất cả là Tặng-Phẩm của Mùa-Xuân.  Ðó, tất cả là Dấu-Chỉ của Tình-Yêu.

Niềm vui và hơi ấm nhen nhúm đâu đây.  Tôi lập lại: Ðó, tất cả là dấu chỉ của Tình-Yêu.

LM Nguyễn Tầm Thường S.J –  trích trong “Nước Mắt Và Hạnh Phúc”