CA TỤNG SỰ NGHỈ NGƠI ĐÍCH THỰC

zzThinh lặng… là niềm vui lớn lao
lời ca hoàn hảo, lời nguyện cao vời
Thinh lặng là người bạn sâu xa mà ta nghe im tiếng
Lời đầu môi đã ngừng.  Lời hùng biện tạm nghỉ.
Không còn lời nói.  Nghỉ ngơi.
Thoải mái tuyệt vời.  Đầu óc chữa lành
khỏi những đòn mình đã chịu đựng
do tiếng ồn của những người mình gặp
mà không ngừng nói ngược nói xuôi…

Càng ngày con người hiện nay tìm lại sự hữu lý của thi sĩ kia.  Họ cảm thấy nhu cầu cấp bách phải tìm lại sự quân bình, ấy là thỉnh thoảng phải cắt đứt trận cuồng phong của nhịp sống hiện tại.  Bởi lẽ cấp bậc đầu tiên của thinh lặng chỉ là một đòi hỏi tâm lý và sinh lý.

Một viên chức trẻ thổ lộ: “Tôi bị cuốn hút ngoài sức mình vào trong guồng máy các nhiệm vụ xã hội nghiệp vụ, bị kẹt cứng giữa thu nhập và hình ảnh thất nghiệp.  Tôi có cái cảm giác kỳ quặc là đang đi xuyên qua cuộc sống trên một chiếc xe lửa cao tốc không dừng bất cứ nơi nào rồi sẽ tông mạnh vào bức tường của cái chết mà không có thì giờ ngắm nhìn phong cảnh.  Đôi khi, tôi về vài ngày với gia đình để nghỉ ngơi nhưng vẫn đem theo các hồ sơ…  Cần phải một trở ngại lớn về sức khoẻ thì tôi mới dám kéo còi báo động trên chiếc xe ma quái này, để dừng lại giữa đồng quê mà dành thì giờ đi hái hoa dại với con cái mình.”

Chúng ta nhất định phải tìm ra con đường thinh lặng.  Cấp bậc thứ nhất của thinh lặng ở vừa tầm mọi người và không đòi buộc phải đọc những văn kiện bác học về vấn đề này.  Đừng chờ đợi đến khi “gãy” rồi mới tìm ra – tối thiểu là định kỳ – một cách sống khác, để cho thân thể và trí óc nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian nhất định.  Đấy là hình thức thứ nhất để giải độc tiếng ồn.

Tìm lại hương vị của các thú vui đơn giản.  Đi bộ rất sớm trên bờ biển.  Hít thở hương thơm của quê hương với hết cả thân hình mình.

Lắng nghe tiếng gầm thét của sóng biển hay tiếng rì rào của dòng nước nhấp nhô, phản ánh lịch sử ngàn đời của chúng ta.  Lắng nghe cái im lặng của các ngọn núi tuyết phủ mà nét uy nghi nói lên sự nhỏ bé của con người, đồng thời sự cao cả của chúng ta vì chúng ta biết nghĩ suy.

Đi bách bộ nơi đồng quê.  Chọn những con đường vắng thay vì ánh sáng các sòng bạc.  Bước chầm chậm đến bên bờ suối.  Ngắm nhìn nét tế nhị của gân một lá cây, cái khéo léo cần cù của một con kiến, sự hoàn hảo của một cánh hoa, hay một mạng nhện mà sương mai đã đặt vào đấy những hạt ngọc lấp lánh muôn màu.

Tìm lại một vài điều hay trong tư thế lười biếng: thưởng thức một buổi sáng dậy trễ.  Nằm trên thảm cỏ, dưới bóng một tàng cây.  Ngửa mặt nhìn trời, để cho làn gió mơn trớn, đưa mình theo cành lá nhè nhẹ lắc lư.  Không nghĩ ngợi gì cả.  Trở thành một “cây thông đứng giữa trời mà reo”, chỉ thế thôi. Hút lấy năng lực của nhựa cây từ rễ vươn lên đến ngọn.  Trở thành chốc lát nơi gặp gỡ của thế giới khoáng vật, thực vật và động vật.

Tìm thú vui trò chuyện với một cụ già ngồi trên ngưỡng cửa . Chơi một ván ném hòn với người dân địa phương.  Tìm lại những cử chỉ hạnh phúc đơn sơ, cảm nếm sự cô đọng và cái bất ngờ của đời thường.  Thưởng thức nét duyên dáng cái tranh tối tranh sáng trong một nhà nguyện mà mình phải đi tìm chìa khóa nơi căn nhà bên cạnh.  Thinh lặng!  Thinh lặng!  Chìm sâu vào thinh lặng như vào một bể tắm hồi sức cho mình.

Thoát mình khỏi sự thống trị của truyền hình để dệt lên những liên hệ mới trong gia đình, thường căng thẳng do những đòi hỏi và giờ giấc của công việc.  Thoải mái cười đùa với nhau… Chơi ô chữ. Nắm lấy tay đứa con nhỏ nhất rồi chạy vẩn vơ trên vùng đất ngát hương, hoặc ngồi bệt xuống đất mà đọc với cháu cuốn sách hình mới nhất.

Tuy nhiên chúng ta sẽ thấy rằng sự thoải mái thể lý này chỉ là giai đoạn đầu.  Thinh lặng không chỉ là vắng đi tiếng ồn.  Thinh lặng tâm lý phải tiếp theo để mở ra những cấp bậc khác của thinh lặng, thinh lặng của lương tâm, của linh hồn, của con tim lắng nghe Thần Khí.

E. Rostand, Les Musardises – Maranatha dịch

***********************************

Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng, xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống. 

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai, để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói, để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người, tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn, để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.

Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim, để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét, để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự.  Amen!

CẦU NGUYỆN GIỮ CHÚNG TA KHÔNG ĐI VÀO ĐÁM ĐÔNG

zzGần như trong tất cả các tiểu thuyết của mình, Milan Kundera biểu lộ một sự khó chịu cực kỳ và không chấp nhận tất cả mọi dạng hệ tư tưởng, khoa ngôn, và xu hướng nhất thời, những thứ gây nên kiểu suy nghĩ nhóm hoặc kích động đám đông.  Ông nghi ngờ các khẩu hiệu, biểu tình và diễu hành dưới mọi hình thức, bất kể với lý do gì.  Ông gọi tất cả những thứ này là cuộc diễu hành khổng lồ, và trong suy nghĩ của ông, tất cả chúng, không chừa cái nào, luôn luôn dẫn đến bạo động.  Kundera thích các nghệ sĩ vì họ có khuynh hướng tránh xa lý lẽ và động cơ, họ muốn vẽ và viết hơn là đi diễu hành.

Có những động cơ đáng để chiến đấu, và có những bất công và nỗi đau trong thế giới này đòi hỏi chúng ta phải dấn sâu hơn, xa hơn cái mong muốn viết và vẽ của mình.  Vậy mà, phán xét khắc nghiệt của Kundera về mọi kiểu diễu hành và biểu tình, hay nói cách khác là cuộc diễu hành khổng lồ, vẫn là một lời cảnh báo công tâm.  Tại sao?

Vì trong những giây phút suy nghĩ nhiều hơn, chúng ta biết khó đến như thế nào nếu không nắm được một hệ tư tưởng, khoa ngôn, xu hướng nhất thời, kiểu suy nghĩ nhóm, và kích động đám đông, để không trở nên ngu xuẩn mất tỉnh táo.  Chúng ta cũng biết thật khó để nhận ra những gì chúng ta thật sự nghĩ gì và tin, khi đối lập với những gì mà quỹ đạo văn hóa đang vây hãm chúng ta.  Thật khó để tránh được những kiểu thức đương thời.

Nhưng còn khó hơn nữa khi chúng ta muốn xây một nền tảng cho chính mình dựa trên một cái gì đó thâm sâu hơn, hay muốn được bén rễ nơi một quan điểm nằm ngoài cái mà Thomas Hardy đã từng gọi là đám đông điên loạn.  Làm sao chúng ta có được nền tảng là một chiều sâu sẽ giải thoát chúng ta khỏi những hệ tư tưởng, khoa ngôn, xu hướng nhất thời, kiểu suy nghĩ nhóm, và kích động đám đông đầy tinh vi vốn đang làm băng hoại mọi nền văn hóa?

Trong Tin mừng thánh Luca, các môn đệ cảm nhận Chúa Giêsu lấy sự khôn ngoan, điềm tĩnh, sức mạnh, và năng lực từ một sự gì đó nằm ngoài Ngài.  Có nghĩa là Ngài đặt bản thân nơi một sự gì đó vượt ngoài những cạm bẫy và đe dọa của giây phút hiện tại.  Họ cảm nhận được Ngài tìm thấy sự thâm sâu đó nơi cầu nguyện.  Họ cũng muốn được nối kết với chiều sâu và sức mạnh đó, và họ nhận ra chính lời cầu nguyện là con đường, và là con đường duy nhất cho họ.  Rồi họ xin Chúa Giêsu dạy họ cách để cầu nguyện.  Ngài đã dạy họ điều gì?  Làm sao để chúng ta có thể cầu nguyện theo cách xây dựng nền tảng của chúng ta trên một sự gì đó thật sự vượt ngoài những ái kỷ cá nhân và tập thể?

Một cách ẩn dụ, chúng ta có thể thấy được con đường đó qua đoạn Kinh Thánh ghi lại cái chết tử đạo của thánh Stephano như sau:  Một đám đông những con người, dù lầm lạc nhưng rất thật tâm, được thúc đẩy bởi lòng mộ đạo, nhưng lại bị ảnh hưởng bởi kích động đám đông, đã cùng nhau ném đá Stephano đến chết.  Đây là đoạn Kinh Thánh mô tả việc này: “Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stephano.  Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa.  Ông nói: ‘Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.’  Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá” (Cv 7: 54-58).  Cái chết của Stephano là thật, nhưng mô tả về cái chết của ngài đầy những ẩn dụ cho chúng ta thấy cầu nguyện và không cầu nguyện có ý nghĩa như thế nào.

Vậy không cầu nguyện là như thế nào?  Đám đông, cho dù mộ đạo và thật tâm, nhưng lại không cầu nguyện.  Đoạn Kinh Thánh đã nói rõ: Họ nhìn vào Stephano với ánh mắt hiểu lầm và đầy căm ghét. Hơn nữa, ngay lúc đó, thông điệp tình yêu của ngài là một sự thật khó chịu nên họ bịt tai không thèm nghe.  Và chính lúc đó họ đang nằm trong gọng kềm của sự kích động đám đông.  Họ không thấy trời đang mở ra, mà chỉ thấy một con người rất bình thường mà họ đang căm ghét,và họ không ở trong tay Thánh Thần mà lại ở trọn trong sự điều khiển của kích động.  Đó là lý do vì sao họ không bao giờ nhìn được xa hơn cái nhìn giận dữ chua cay nhắm vào Stephano.  Trong thời điểm đó, họ chỉ biết có họ, và họ chỉ thấy được những gì thuộc về trần thế này và những điều này là những điều không nằm trong lời cầu nguyện.  Dù chúng ta có mộ đạo đến đâu đi nữa, khi không cầu nguyện, chúng ta sẽ làm như những gì vừa kể trên.  Thật sự, đôi khi, việc cầu nguyện chung dù chân thành nhưng cũng chẳng hơn gì việc dấn sâu vào tính ái kỷ nhóm và bị nô lệ hóa thành một đám đông điên loạn.  Con mắt của chúng ta vẫn chỉ nhìn vào nhau chứ không nhìn về Thiên Chúa.

Trái lại, Stephano có cầu nguyện.  Đoạn Kinh Thánh mô tả ông đang hướng mắt lên trời (một ẩn dụ chứ không phải là mô tả hình tượng) và ông cứ đăm đăm nhìn trời và thấy cửa trời mở ra.  Cái nhìn của ông vượt ngoài đám đông, vượt ngoài thời khắc, vượt ngoài tầm nhìn của con người, vượt ngoài căm ghét, và vượt ngoài nỗi sợ trước cái chết của chính mình.  Ông nhìn vào một cái gì cao vượt hơn đám đông và thời khắc hiện tại.  Chính điều này, và chỉ có điều này, mới là cầu nguyện.

Tôi cùng chia sẻ với Kundera nỗi sợ về cuộc diễu hành khổng lồ và việc tôi cũng như gần hết mọi người khác, sẽ thật quá dễ dàng và mù quáng dấn bước vào đó.  Kundera cảm thấy nghệ thuật có thể giúp chúng ta đặt nền tảng ở một nơi nằm ngoài đám đông điên loạn.  Tôi sẽ thêm vào một sự sẽ còn hữu ích hơn thế nữa, đó chính là cầu nguyện.

Fr. Ron Rolheiser OMI

***************************************************

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

 (R. Tagore – Ðỗ Khánh Hoan dịch)

BÌNH AN ĐÍCH THỰC

Vào năm 1980, có một tuần báo nọ tại Hoa Kỳ đã đăng tải một sự cố sau đây: Một người vừa mua hàng trong siêu thị xong, trở lại xe mình thì ngạc nhiên nhìn thấy một tờ giấy để lại nằm ngay trên chỗ ngồi của người lái, trên đó có những dòng chữ viết vội như sau:

Thưa ông bà, tôi có ý định đánh cắp chiếc xe này, nhưng khi nhìn thấy lời chào chúc của ông bà gắn nơi tay lái: “Bình an của Chúa ở cùng bạn”, thì tôi bỗng dừng lại và suy nghĩ.  Ý nghĩ xuất hiện trong đầu óc tôi là nếu tôi đánh cắp chiếc xe này thì chắc chắn ông bà mất xe và không có sự bình an, tôi đây cũng sẽ không có sự bình an.  Đây là lần đầu tiên tôi bước vào nghề ăn cắp xe.

Xin chúc ông bà và cho cả tôi nữa sự bình an của Chúa.  Chúc ông bà lái xe an toàn và lần sau xin nhớ khóa cửa xe.

Ký tên: Người sắp trở thành kẻ trộm xe.

*********************************

Câu chuyện nhỏ này làm chúng ta chú ý đến một trong những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ khi sai họ ra đi truyền giáo đến trước những nơi mà Chúa sẽ đi qua để chuẩn bị cho Chúa đến: “Vào nhà nào chúng con hãy chúc: Bình an cho tất cả mọi người trong nhà này”.

Chỉ một khẩu hiệu dán nơi tay lái chiếc xe: “Cầu chúc bình an” mà bỗng tác động biến đổi ý định xấu của một người không làm việc xấu xa nữa, thì thử hỏi nếu những đồ đệ của Chúa, chính chúng ta đây, nếu chúng ta thực sự trở thành những dấu chỉ sự bình an của Chúa cho anh chị em, và không phải chỉ là dấu chỉ mà thôi mà còn là tác nhân sống động mang sự bình an của Chúa đến cho anh chị em xung quanh mà ta thường gặp hằng ngày; nếu chúng ta thực hiện được điều này thì thử hỏi ta có thể đóng góp phần tích cực của mình cho sự bình an của anh chị em nơi môi trường chúng ta sinh sống biết là chừng nào.

Lời Chúa dạy cho các đồ đệ chúc “bình an cho nhà này” là tiếng vang trước cho lời chúc bình an của Chúa Giêsu Phục sinh trước khi sai các tông đồ ra đi làm chứng cho Tin Mừng của Chúa: “Bình an cho các con”.  Chắc chắn khi nghe những lời chúc của Đấng Phục sinh: “Bình an cho các con”, các tông đồ nhớ lại lời dạy trước lúc Phục sinh của Chúa, khi Chúa sai các ngài đi thực tập trước công việc truyền giáo mà các ngài sẽ chu toàn sau biến cố Phục sinh: “Vào nhà nào, các con hãy cầu chúc: Bình an cho nhà này.  Bình an cho các con”.

Chúa Phục sinh ban sự bình an thật cho các tông đồ, để các ông ra đi và đến phiên các ông, các ông cũng sẽ cầu chúc như Chúa đã chúc: “Bình an cho nhà này”.  Các ông nói như Chúa đã nói, làm các công việc và những việc lạ như Chúa đã làm, hay đúng hơn theo như lời Chúa nói là hơn cả những gì Chúa đã làm nữa: “Bình an cho các con.  Bình an cho nhà này”.

zzƯớc gì mỗi người chúng ta được thật sự lãnh nhận ơn bình an của Chúa, ơn bình an mà Chúa đã phải chết trên thập giá để thực hiện cho chúng ta, cho tất cả mọi người.  Ước gì mỗi người chúng ta trước hết lãnh nhận ơn bình an đó của Chúa và để cho ơn bình an, ơn cứu rỗi thánh hóa, biến đổi chúng ta để rồi chúng ta có thể nói và làm như Chúa đã nói và làm “Bình an cho nhà này.  Bình an cho các con.”

Người truyền giáo phải là kẻ nói những lời bình an, thực hiện những sự bình an, trao ban sự bình an của Chúa cho anh chị em.  Chúng ta cần kiểm điểm lại lời nói và việc làm của mình xem có phải là lời nói và việc làm như Chúa hay không?  Đó là “Bình an cho anh chị em.  Bình an cho nhà này”.

Chúng ta hãy đến lãnh nhận ơn bình an của Chúa: “Thầy ban cho các con bình an của Thầy”, để rồi chúng ta cũng có thể trao sự bình an đó cho anh chị em xung quanh.

 *********************************

Lạy Chúa, xin đừng chấp tội lỗi chúng con, nhưng xin thương ban bình an cho chúng con, cho Hội Thánh Chúa.  Xin biến đổi mỗi người chúng con trở thành những chứng nhân của sự bình an, trở thành khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem niềm vui đến chốn u sầu.  Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, bình an cho anh chị em, bình an cho các con, bình an cho nhà này.  Amen!

Sưu tầm

THA THỨ

Nó đã bị xúc phạm.  Nó cảm thấy tức giận.  Nó tự ái tổn thương.  Nó ôm hận trong lòng.

Nhưng một lúc nọ, nó hiểu ra giá trị và lợi ích của tha thứ.  Thế là nó bảo bản thân hãy tha thứ.  Nó nói lời tha thứ.  Nó cầu nguyện và hứa với lòng là tha thứ.  Và nó thấy mình đã tha thứ.  Xong!

Nhưng, thật ra chưa xong.

zzVì:

Thỉnh thoảng trí nhớ lại lôi ra ký ức bị xúc phạm.  Rõ mồn một!

– Lòng nó lại sôi lên.
– Lại đau.
– Lại tức.
– Lại buồn.
– Lại giận.

Sự việc cứ như mới xảy ra cách đây vài phút.

– Tha nhưng chưa thể quên.
– Chưa quên được nên lòng lại nổi sóng.

************

Làm sao quên đây?  Cấu trúc tự nhiên của trí nhớ con người là gợi lại những biến cố đã xảy ra mà.

Nó thấy mình dường như đang sống lại quá khứ.

– Đuối.
– Khó.
– Nản.
– Mệt.

Làm sao để hóa giải ràng buộc giữa ‘tha thứ’ và ‘ký ức’ không quên đây?

************

Loay hoay loay hoay…

Nó cuối cùng phát hiện ra chìa khóa giải gỡ cho vấn đề này: bảo lòng mình hãy tha thứ tiếp mỗi lần ký ức gợi lại sự việc đã qua, nghĩa là nó phải chủ động tha nhiều lần cho cùng một sự việc.  Nó áp dụng phát hiện này và thấy nhiều hiệu quả đem lại bình an.

Trí nhớ là một phần rất người, rất bình thường.  Cho nên, không nhất thiết phải quên đi dĩ vãng thì mới có thể nhẹ lòng.  Thật vậy, chỉ cần bảo lòng hãy tha thứ tiếp mỗi lần ký ức hiện về là được.

************

Thật ra, phát hiện của nó chẳng có gì là mới vì chìa khóa ấy đã hiện hữu cả hai ngàn năm nay.

Một hôm, Phê-rô hỏi Thầy Giêsu: “Thưa Thầy, khi người khác xúc phạm đến con, con phải tha thứ bao nhiêu lần?  Có phải bảy lần không?”

Bảy là con số tượng trưng trong Kinh Thánh chỉ về sự toàn bộ, luôn luôn, không giới hạn.  Ý nghĩa là thế nhưng trong cái cố chấp của con người bằng xương bằng thịt thì nó có thể 7 chỉ là 6 lần cộng thêm 1 là hết.  Tha thứ 6 + 1 lần đôi khi đã là khó rồi.

Thầy Giêsu trả lời, một câu trả lời khôn ngoan có sức giải thoát và đem lại sự bình an cho chính người tha thứ: “Thầy không bảo là bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy.”  Theo nghĩa đen của mặt chữ, số lần tha thứ sẽ là 490.  Nếu ta tha thứ liên tục bằng ấy lần, ta sẽ tạo được thói quen và bản lĩnh tha thứ vững chắc.  Theo nghĩa sâu xa hơn của Kinh Thánh, bảy mươi lần bảy là luôn luôn, mãi mãi, vô hạn. Tắt một lời, tha thứ cho người khác như Thiên Chúa đã và vẫn tha thứ cho ta.

Tại sao cần phải tha nhiều lần thế?  Vì chẳng còn cách nào tốt hơn.  Muốn biết câu trả lời xác thực, làm rồi sẽ thấy tác dụng.  Điều kì diệu sẽ xảy ra.

************

– Tha thứ là tự giải thoát lòng mình khỏi gông cùm nặng nề.
– Tha thứ là khôn ngoan mở tay đón bình an cho chính mình.
– Tha thứ là biết thương mình.
– Tha thứ là hóa giải căng thẳng, kiến tạo hòa bình cho môi trường sống.
– Tha thứ cho người để mình được tha thứ.
– Tha thứ cho mình để người được tha thứ.
– Tha thứ là bổn phận vì chính mình đã nhiều lần được Thiên Chúa thứ tha trước. (Mt 6:14, 18:35; Col 3:13)
– Tha thứ mà không cần lời xin lỗi, để sự tha thứ được cao cả.
– Tha thứ chỉ có lợi chứ không có hại.
– Tha thứ là một tên gọi của yêu – yêu mình và yêu người.

“Thiên Chúa là tình yêu!” (1Gioan 4:8)

– Ai yêu thì giống Thiên Chúa.
– Ai tha thứ thì biết Thiên Chúa.

Và, Thiên Chúa muốn tất cả đạt được hạnh phúc tròn đầy nhất, chan hòa nhất.

Tái bút:

Có thể dâng sự tha thứ của mình lên Chúa để cầu nguyện cho một ai đó mình yêu thương.  Giản dị, nhưng đẹp và thánh lắm!

Bây giờ, nó đã hiểu.

Nó thầm thĩ đọc kinh Lạy Cha.

Lm. Giuse Đinh Tuấn Việt, O.Carm