KHÔNG AI SUNG SƯỚNG CẢ!

Có một câu chuyện ngụ ngôn khiến người ta phải suy gẫm:

zzHai vợ chồng nhà nọ nuôi một con trâu và một con chó. Con chó được ở trong nhà còn con trâu phải ở riêng ngoài chuồng.  Mỗi ngày trâu ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chạng vạng tối mới về, còn chó chỉ việc nằm ở cổng rào canh chừng cửa.

Một hôm nọ trâu đi làm về, thấy chó nằm trước cửa nhà phe phẩy cái đuôi trông thật sướng, đang lúc mệt nhoài nó nổi cáu bảo:

–  Không có ai sung sướng bằng mày, chỉ ăn rồi nằm. Thật là đồ vô tích sự!

Con chó nghe con trâu hậm hực nặng nhẹ mình thì buồn bã trong lòng, nghĩ trâu tuy to xác nhưng không có trí.  Nó bèn nói với trâu:

–  Anh trâu không hiểu đâu, tôi nào có sung sướng như anh tưởng. Anh tuy làm lụng nặng nhọc ngoài đồng nhưng có giờ có giấc, sáng ra đồng, chiều lại về, tối còn được nghỉ ngơi, cứ lăn ra mà ngủ. Còn tôi, tuy nằm canh cửa giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ hơn anh, nhưng thật sự thì mệt cầm canh đâu có ai biết.  Nằm lim dim mà lòng không yên, phải để tâm canh giữ cửa nhà, không dám lơ là công việc.  Nếu ngủ quên hoặc bất cẩn để xảy ra mất trộm thì tôi khó mà sống được.  Đêm đêm trong khi mọi người ngon giấc, tôi có được nghỉ ngơi đâu, tôi phải lắng tai nghe ngóng, đưa mắt nhìn trông, hễ nghe có động tĩnh gì thì phải sủa to để cảnh báo.  Lúc chủ nhà vui thì tôi còn được ăn no, chứ khi họ có chuyện buồn bực trong lòng thì bỏ mặc tôi đói khát, không ai để mắt quan tâm.  Những lúc sân si nổi lên họ còn trút giận lên đầu tôi không thương tiếc, họ đánh họ đá, xua đuổi, chửi mắng tôi.  Mỗi khi bạn bè, người thân của họ đến chơi mà tôi không biết, tôi sủa tôi vồ thì họ đánh tôi, chửi tôi là đồ ngu.  Bạn bè họ đến chơi thì không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ đuổi đi, ném đá đến toạc đầu đổ máu.   Ngẫm lại coi, anh và tôi ai sướng hơn ai chứ?

Con trâu nghe nói mới hiểu tình cảm của con chó, nghĩ mà thương nên an ủi:

–  Đúng là mày cũng không sung sướng gì. Tao với mày ở chung nhà mà chưa một lần trò chuyện với nhau nên không hiểu nhau.  Bây giờ tao đã hiểu nỗi khổ của mày, mày cho tao xin lỗi. Nghe mày nói tao mới biết cả hai chúng ta đều khổ cả.

Đang nói con trâu bỗng nghe tiếng chim ríu rít trên cành cây cao, nó nhìn lên rồi than thở:

–  Bọn chim trời cá nước sung sướng làm sao! Chúng có thể tự do tự tại bên ngoài, không bị ai giam cầm quản thúc, không phải làm việc nặng nhọc vất vả, không phải chịu nỗi khổ của kiếp tôi đòi.  Giá mà chúng ta có được cuộc sống vui vẻ như thế.

Khi ấy một chú chim nghe thấy lời trâu, bèn đáp lên lưng trâu nói:

–  Anh trâu ơi, anh không biết đâu, tôi cũng không sung sướng hơn các anh đâu. Tuy loài chim chúng tôi không phải giữ nhà, không phải đi cày ruộng, không phải chịu cảnh tù túng bó buộc, nhưng chúng tôi cũng có nỗi khổ của mình.  Hiểm họa luôn rình rập chúng tôi, những kẻ thợ săn có thể bắn chết chúng tôi bất cứ lúc nào.  Tổ của chúng tôi làm khó khăn vất vả biết bao, chưa chắc ở được lâu vì sự phá hại của con người.  Trứng chúng tôi sinh ra chưa kịp nở con thì đã bị con người lấy mất.  Loài người biết thương con của mình nhưng nào biết thương con của kẻ khác.  Các anh chỉ bị hành hạ, còn tôi bị cướp đi mạng sống của mình, chết rồi còn bị nhổ lông, xẻ thịt,nấu nướng, thân thể không vẹn toàn.  Loài người ỷ mạnh hiếp yếu, nào biết tôn trọng sự sống muôn loài.  Các anh có cái khổ của các anh, chúng tôi cũng có cái khổ của chúng tôi, không có ai sung sướng cả.

Bày cá đang ở dưới mé nước nghe trâu nói mình sướng cũng không đồng tình:

–  Còn loài cá chúng tôi cũng không sung sướng đâu. Nhà cá chúng tôi thường bị loài người đánh bắt, mỗi lần bị sát hại chết đến cả bầy đàn.  Không nơi nào là nơi để chúng tôi yên tâm mà sống, đâu đâu cũng có lưới bủa câu giăng, đâu đâu cũng có bàn tay con người truy bắt.

Trâu nghe chim và cá nói thì ngao ngán thở dài não nuột:

–  Hóa ra tụi mày cũng khổ. Hiểu biết của tao hạn hẹp quá nên không biết còn nhiều nỗi khổ trên đời này.

Nói như thế rồi trâu buồn bã đi vào chuồng, nó nằm mông lung suy nghĩ về thân phận của nó và bạn bè.  Nó nghĩ, loài nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại.  Cuộc đời thật bất công, loài người đối xử tệ bạc với các loài khác mà lại được sung sướng, không phải chịu sự khổ sở nào.

Đang lúc đó bỗng trâu nghe tiếng quăng bát ném đĩa trong nhà vọng ra.  Nó lắng tai nghe kỹ mới biết ông bà chủ đang gây gổ.  Tiếng ông chủ gào lên:

zz–  Sao tôi khổ đến thế này, không bằng con trâu con chó nữa! Con trâu đi cày còn được nghỉ, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu với nhà cửa, vợ con, cơm áo gạo tiền, làm quần quật đêm ngày không lúc nào rảnh rỗi.  Tôi khổ sở như vậy là vì ai?  Vậy mà bà vẫn không để cho tôi yên, hễ thấy mặt là hạch sách, càm ràm, đay nghiến.  Vừa phải thôi, làm quá tôi cho cả nhà ra chuồng trâu mà ở!

Nghe chủ nhà nói thế trâu bỗng giật mình, bất giác than rằng:

 Hóa ra sống ở trên đời đâu có ai không khổ!

Trong chúng ta, mỗi người có một hoàn cảnh, xuất thân, có một hoàn cảnh sống, có thể là vui, có thể là khổ, nhìn chung là như thế, song nếu xét cho kỹ thì không ai hoàn toàn hạnh phúc, chỉ khác nhau là ít, nhiều những nỗi vui, khổ mà thôi.  Khổ và vui đan xen, chồng chéo nhau như một mạng lưới vô hình giăng bủa cuộc đời chúng ta, không một ai thoát cả.  Người trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có những cái khổ của người già, người giàu có cái khổ của người giàu, người nghèo có cái khổ của người nghèo.  Dù trong hoàn cảnh nào cũng có những điều không như ý, cũng có những nỗi khổ thân, khổ tâm, hoặc cả thân tâm đều khổ.  Có ai không lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, hy vọng điều gì?  Có ai chưa bao giờ buồn phiền, thất vọng, hay bất mãn, chán nản?  Có ai hoàn toàn khỏe khoắn, thoải mái cả về thể xác lẫn tinh thần?  Chắc chắn là không có ai!

“Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”  (Mt 11:28-30)

Sưu tầm

BẢN CHẤT KINH MÂN CÔI

zzCăn cứ vào bản chất, Kinh Mân Côi là một kinh có giá trị tuyệt đỉnh, vượt trên tất cả mọi kinh nguyện khác, xét về ba phương diện sáng tác, diễn xuất và nội dung như sau:

Về phương diện sáng tác:  Hai kinh chính họp lại thành Kinh Mân Côi, đó là Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng.  Ngoài Kinh Lạy Cha là kinh chính Chúa Giêsu dạy, Kinh Kính Mừng – kinh nòng cốt và kinh chính yếu của Kinh Mân Côi, là lời ngợi khen của Chúa Cha nói với Mẹ qua sứ thần Gabriel và của Chúa Thánh Thần nói với Mẹ qua bà thánh Isave (Lc 1,41-42).  Kinh Thánh Maria, phần cuối của Kinh Kính Mừng, là lời tuyên nhận của Chúa Giêsu nói với Mẹ qua Giáo Hội, Nhiệm Thể của Người, qua Công đồng chung Êphêsô năm 431.

Còn lời nào giá trị hơn Lời của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Kinh Mân Côi là tổng hợp Lời của Thiên Chúa Ba Ngôi, do đó, đã có một giá trị vô cùng.  Trong một lá thơ đề ngày 04/04/1970, chị Lucia đã viết như sau: “Kinh Mân Côi là kinh nguyện đẹp lòng Thiên Chúa nhất, vì nhờ Kinh Mân Côi, chúng ta chúc tụng Ngài cách tuyệt hảo nhất.”

Về phương diện diễn xuất: Lời Kinh Mân Côi nói chung và Kinh Kính Mừng nói riêng, về nội dung, chẳng những là lời của Thiên Chúa Ba Ngôi, về hình thức, còn là lời mà cả trời đất tuyên tụng và tuyên nhận Mẹ nữa.

* Sứ Thần Gabriel là đại diện của các thần trời, đã chúc tụng khen Mẹ bằng lời của Chúa Cha, Đấng đã sai ngài đến với Mẹ (Lc 1,26): “Kính mừng Maria đầy ơn phúc!  Đức Chúa Trời ở cùng Bà.  Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ” (Lc 1,28).

* Bà Isave là đại diện của các thánh, đã chúc mừng Mẹ bằng lời của Chúa Thánh Thần, Đấng mà bà “được tràn đầy” (Lc 1,41) khi vừa nghe lời Mẹ chào: “Bà có phúc hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ” (Lc 1,42).

* Giáo Hội là đại diện của con cái Thiên Chúa nói riêng và của loài người đã được dựng nên theo hình ảnh Ngài nói chung, đã tuyên nhận Mẹ bằng lời của Chúa Giêsu là Đầu của mình (Ep 1,22): “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử.”

Trong lời kinh Thánh Maria này, Mẹ chẳng những được Giáo Hội, qua con cái mình, trực tiếp tuyên nhận Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, khi họ đọc: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”, gián tiếp, Mẹ còn được con cái mình tuyên nhận Mẹ là Mẹ Nhân Loại nói chung và Giáo Hội nói riêng, khi đọc: “Cầu cho chúng con”, là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, khi đọc: “là kẻ có tội”, và là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, khi đọc: “khi này và trong giờ lâm tử”.

Do đó, còn lời kinh nào giá trị cao cả cho bằng lời kinh mà cả đất trời đồng thanh tuyên xưng và chúc tụng Đấng đã nói tiên tri về chính mình: “Thiên Chúa đã thương đến phận hèn tôi tớ của Ngài; từ nay muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48).  Khi đọc Kinh Kính Mừng cũng là Kinh Mân Côi, chính là chúng ta hợp với tất cả trời đất cùng lời Thiên Chúa Ba Ngôi tuyên tụng Mẹ của mình vậy.

Về phương diện nội dung: Vì Kinh Mân Côi là lời Thiên Chúa Ba Ngôi chúc khen Mẹ qua các thụ tạo tốt lành của Ngài, bởi thế, Kinh Mân Côi chứa đựng một ý nghĩa vô cùng sâu xa.  Chính ý nghĩa vô cùng sâu xa này đã làm Kinh Mân Côi có một giá trị khôn sánh.

(Trích từ Chuỗi Mân Côi trong đời sống hằng ngày của tác giả Paula Hoesl do Trầm Tĩnh Nguyện phóng tác)

ĐIỀU GÌ THIÊN CHÚA ĐÃ KẾT HỢP…

zzLời Chúa trong phụng vụ Chúa nhật hôm nay mời gọi ta hướng lòng về cuộc sống hôn nhân vợ chồng.  Mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy lần theo những trang sách Tin Mừng để hiểu biết thêm về ý định của Thiên Chúa trong đời sống hôn nhân của con người.

Trước hết, với bài đọc thứ nhất trích từ sách Sáng Thế Ký cho ta thấy ý muốn của Thiên Chúa khi dựng nên con người có nam có nữ là để họ cùng sống chung với nhau. “Đàn ông ở một mình không tốt” (St.2:18). Và Ngài đã dựng nên người đàn bà. Người đàn bà, trước tiên là hồng ân của Thiên Chúa ban cho người đàn ông. Đây là quà tặng cao qúy nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho người đàn ông, sau khi Ngài đã dựng nên cả vũ trụ đặt dưới chân của ông Ađam. Nhưng Ađam vẫn cảm thấy cô đơn, thiếu thốn, cho đến khi Ađam gặp được chiếc xương sườn cụt của mình là Evà, ông đã reo lên: “Đây đúng là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (St.2:23).. Đó là hôn nhân đầu tiên. Từ đó người đàn ông luôn luôn đi tìm chiếc xương sườn đã bị lấy mất, còn người đàn bà luôn luôn luyến tiếc nơi mình đã xuất phát, để rồi hai người gặp được nhau, kết hợp với nhau thành một xương một thịt, một thân một thể.

Trong đoạnTin Mừng, Chúa Giêsu đã thẳng thắn gạt bỏ những dễ dãi do sự cứng lòng của con người để trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. “. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ(Mc.10:6). Sự gắn bó giữa vợ chồng để trở nên một là do Thiên Chúa thiết lập. “Vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ để luyến ái với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.(Mc.10:7).

Tiếp nối vào đó, trong thư gởi tín hữu Ephêxô, thánh Phaolô còn xác quyết: Sự gắn bó ấy còn là hình ảnh tượng trưng cho sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo Hội (Ep.5:24).  Một sự kết hợp làm nên cuộc sống mới.  Bởi đó, “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.(Mc.10:9),  vì phá đổ sự kết hợp này chính là phá đổ công trình của Thiên Chúa, là bôi bác hình ảnh của Thiên Chúa đã có đó trong cuộc sống hôn nhân.

Không phải ngẫu nhiên mà phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu đã làm trong một đám cưới tại làng Cana.  Đây là dấu chỉ về sự hiện diện của Nước Trời giữa trần gian, đây cũng  là sự chúc phúc của Thiên Chúa dành cho đời sống hôn nhân vợ chồng của con người.

***

Lạy Chúa! Ngày nay, nhiều gia đình đang đối diện với khủng hoảng trầm trọng. Chồng bỏ vợ, vợ bỏ chồng, con cái thì bơ vơ vất vưởng không người chăm lo săn sóc.  Xin ban ơn giúp sức để vợ chồng biết trung thành và gắn bó kết hợp với nhau trong cuộc sống yêu thương gia đình.

Xin cho hai vợ chồng, mỗi người bớt một chút ích kỷ, thêm một chút khiêm tốn, bớt một chút tự ái, thêm một chút phục vụ, bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ… Nhờ đó họ biết cộng tác với Ơn Chúa trong việc bảo vệ và chăm bón tình yêu gia đình. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

THÁNH PHANXICÔ VÀ TÌNH YÊU THẬP GIÁ

Người Kitô hữu trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có thói quen đi đàng Thánh Giá vào các mùa Phụng vụ trong năm, nhất là Mùa Chay, nhằm suy niệm mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu. Qua việc đạo đức bình dân này, người ta muốn thông phần vào các đau khổ mà Chúa Giêsu xưa đã chịu để cứu chuộc muôn người; đồng thời, họ cũng cảm tạ tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với con người.  Và thập giá là bằng chứng của tình yêu cao cả ấy.

zzKinh nghiệm của thánh Phanxicô về tình yêu thập giá Chúa Kitô là một bài học quý giá, giúp chúng ta sống phong phú hơn tâm tình của Mùa Chay thánh và hành trình bước theo Đức Kitô trong cuộc sống lữ hành.

Người ta vẫn thường cho rằng việc sùng kính Thánh Giá qua việc Đi Đàng Thánh Giá bắt nguồn từ thánh Phanxicô Assisi, đã được phong trào Phan Sinh về sau phổ biến rộng rãi và tồn tại đến hôm nay.  Chúng ta không bận tâm đến tính xác thực của nhận định này, nhưng khi chúng ta chiêm ngắm cuộc đời của thánh Phanxicô, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, mầu nhiệm thập giá đã gắn bó thân thiết với ngài trong suốt hành trình hoán cải và bước theo Chúa Kitô.

Thánh giá xuất hiện vào lúc khởi đầu cuộc đời hoán cải của thánh Phanxicô là giấc mơ về những vũ khí in hình thánh giá ở Spô-lê-tô, khi ngài đang trên hành trình tìm mộng công danh như bao chàng trai khác, trong tư cách là một hiệp sĩ.  Kể từ đó, ngài chọn con đường thập giá và nó đã theo ngài dọc suốt cuộc đời.  Vào năm cuối đời, thánh Phanxicô được in năm dấu thánh trên thân thân ngài, ở đỉnh núi Alverna.

Chuyện “Những Bông Hoa Nhỏ” kể lại rằng: “Sáng tinh sương ngày 14 tháng 9 năm 1224, tức là ngày lễ Suy tôn Thánh giá, trên đỉnh Alverna đã xảy ra một phép lạ tân kỳ.  Lúc mặt trời gần dải lên nền trời những tia sáng vàng tươi, Phanxicô quì tựa lưng vào một tảng đá, hướng về phương đông, mắt tuôn đôi hàng lệ, ngài than thở: “Lạy Chúa, trước lúc qua khỏi đời này, con chỉ xin Chúa ban cho con hai ơn: Một là, xin Chúa cho tâm hồn cũng như thể xác con cảm thông hết nỗi đau đến thê thảm Chúa chịu trong giờ tử nạn; hai là, xưa kia khi Chúa tử nạn, Chúa yêu loài người tội lỗi chúng con đến độ nào, thì xin cho lòng con cũng được yêu Chúa đến độ ấy”.  Bỗng vụt như làn chớp, một thiên thần Chí ái tự trời bay xuống.  Sáu cánh chói loà.  Hai cánh phủ đầu, hai cánh dương bay và hai cánh khép che toàn thân. Thiên thần hiện xuống đứng trên phiến đá, rõ hình một người chịu đóng đinh vào thánh giá.  Thiên thần ấy chính là Chúa Giêsu tử nạn, mặc hình người hiện đến với Phanxicô.  Ngài nhìn Phanxicô, đôi mắt như thiết tha, như thiêu cháy cả tâm hồn rồi vụt biến.  Phanxicô quỵ xuống, ngất đi.  Khi bừng tỉnh dậy, ngài thấy tay chân đã bị đinh đóng thâu qua.  Đầu đinh tròn và đen nổi rõ giữa lòng bàn tay và trên mặt bàn chân.  Đinh đóng thâu qua tay chân, mũi đinh quắp lại trên lưng bàn tay và giữa gan bàn chân.  Ngực bên phải, cạnh trái tim, dấu một lưỡi đòng đâm qua còn nguyên nét, máu chảy rìn rịt thấm ướt đến tận lớp áo ngoài”.

Có thể nói, cả cuộc đời thánh Phanxicô cô là một hành trình vác thập giá theo chân Chúa: “Ai muốn theo ta thì phải từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo ta”.  Và ngài đã được diễm phúc đón nhận năm dấu thánh như Chúa Giêsu năm xưa, nghĩa là được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu đóng đinh.  Đó chính là đỉnh cao của tình yêu thập giá của thánh nhân với Đức Kitô chịu đóng đinh.

Một sử gia Phan Sinh đã nhận định rất hay về mối tình thập giá của ngài rằng: “Thánh Phanxicô ca ngợi không những cuộc khổ nạn của Chúa với tâm tình tri ân, nhưng là tất cả công trình cứu chuộc của Đức Kitô, trong đó tình yêu của Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta một cách thật rõ ràng.  Đứng trước tình yêu bao la đó của Thiên Chúa, Phanxicô đã đáp trả bằng một tình yêu nóng bỏng và ngọt ngào trong trái tim người”.

Thật vậy, Thánh Giá mà chúng ta tưởng niệm trong phụng vụ, nhất là phụng vụ Mùa Chay như muốn minh chứng một chân lý cao cả: “Vì yêu thương chúng ta, Chúa Kitô đã không ngần ngại một hành vi nào, cho dù phải đổ máu và chết nhục nhã trên thập tự”.  Chính vì thế, tình yêu của Thiên Chúa mới trở nên trọn vẹn đối với chúng ta.  Một tình yêu mà chúng ta không thể hiểu thấu bằng lý trí, nhưng bằng cảm kích của con tim trong đời sống tâm linh.  Điều này đã thể hiện trên cuộc đời và con người của thánh Phanxicô.  Ngài đã hiểu, đã cảm nếm, và đã sống mầu nhiệm Thánh Giá ấy bằng một tình yêu cháy bỏng và thẳm sâu.

Hơn hai ngàn năm qua, người Kitô hữu, môn đệ của Chúa Kitô trong hành trình tiến về vĩnh cửu, không có con đường nào khác con đường thập giá.  Nhưng con đường thập giá là con đường khó đi, gian khổ, khiến cho bao người phải ngập ngừng lui bước.  Đúng vậy! nhưng qua cái chết của Chúa Giêsu, một luồng ánh sáng đã chiếu dọi vào từng nỗi khổ đau của con người và cho đau khổ một ý nghĩa mới: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2, 18).  Thập Giá Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta.  Từ nay thập giá không còn là một chướng ngại trong cuộc sống, nhưng là con đường tình yêu dẫn đến sự sống đích thực, nếu chúng ta dám hy sinh, chấp nhận mọi khổ đau trong cuộc sống với tâm tình yêu thương và vâng phục.

Trong hành trình đó, gương của thánh Phanxicô vẫn luôn soi đường chỉ lối cho chúng ta tiếp tục cuộc hành trình,với niền tin yêu hy vọng được trở nên thủy chung với mối tình thập giá Chúa Kitô.

Lạy thánh Phanxicô, xin ngài ghi sâu trong lòng chúng con những nỗi thống khổ của Chúa Giê-su, đặt vào trong sâu thẳm con tim chúng con tình yêu nóng bỏng và ngọt ngào của Đức Kitô, để giúp chúng con yêu mến Ngài hơn, dâng hiến đời sống chúng con cho Ngài và để chúng con được cùng Ngài và anh chị em chúng con dự phần vào tình yêu thập giá của Ngài.

Quang Huyền, OFM