LỄ GIÁNG SINH CỦA LÒNG TÔI

Mỗi năm vào ngày 25 tháng 12, ngày lễ Chúa Giáng Sinh, ngày con Thiên Chúa xuống thế làm người, ngày đất trời giao hòa, ngày ân sủng trao ban, ngày bình an tuôn đổ… Ngày ấy muôn dân muôn nước hân hoan vui mừng, nhà nhà rộn rã tiếng cười, người người nhẩy mừng vui tươi.

zzChúa ơi! Hôm nay sau khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải, con ngồi đây thật lâu vì cảm nhận một niềm vui dịu ngọt, một niềm cảm mến sâu xa. Và con biết, lúc này đây, lễ Chúa Giáng Sinh cũng đang đến trong lòng con. Con không phải đợi một năm một lần vào ngày 25 tháng 12 mới được hưởng niềm vui ngày lễ Chúa Giáng Sinh, nhưng mỗi lần con lãnh nhận Bí tích Hòa giải, là mỗi lần Chúa lại giáng sinh trong lòng con.  

Làm sao con thấu hiểu cho hết mầu nhiệm Chúa giáng sinh trong lòng con hôm nay, vì mắt con không nhìn thấy, và tay con không đụng chạm được, nhưng con tin Chúa đang ở trong con, vì Chúa mang đến cho con niềm vui ơn tha thứ, mang niềm cảm mến sâu xa, và mang ân phúc yêu thương an bình.

Chúa ơi!  Xin ở lại với con…Ở lại trong con luôn mãi Chúa nhé!

Chúa đến và ở lại trong tôi vì Chúa thương tôi, và vì Chúa muốn tôi yêu và được yêu. Yêu thương là lời mời gọi vang vọng từ trời cao, từ thuở con người mới được tạo dựng, và tiếp tục vang vọng cho đến ngàn sau.  Yêu thương bắt nguồn từ Thiên Chúa, lan tỏa trong đất trời để đến với muôn người muôn vật.

Yêu thương là quên mình, là tha thứ không ngừng, là cho đi luôn mãi. “Yêu thương cho đi, yêu thương đầy.  Yêu thương giữ lại, yêu thương mất.

Có yêu thương là có Thiên Chúa. Nếu không biết yêu thương, là không biết đến Thiên Chúa, không phải là môn đệ Đức Giêsu, không mang dấu ấn của người Kitô, không có bình an hạnh phúc trong cuộc sống hôm nay, và không có phần thưởng nơi cõi trường sinh vĩnh phúc trong cuộc sống mai sau.

Chúa ơi! Trong giây phút thinh lặng thánh thiêng này, con ngồi đây ngước nhìn lên Chúa, con nghe như có tiếng thì thầm bên tai: “Ta khát”. Phải chăng đó là tiếng Chúa nói với con? Phải chăng Chúa khát tình con cho Chúa? Chúa khát yêu thương đáp trả của con?

Tình con cho Chúa sẽ không trọn vẹn, một khi lòng con còn dính bén tội lỗi, còn vấn vương bụi trần. Yêu thương đáp trả của con sẽ chẳng là gì để dâng Chúa, một khi con yêu người hơn yêu Chúa, yêu đời quên tình Chúa, để rồi con quay mặt bước đi trước tiếng Chúa kêu mời.

Chúa ơi! Chúa biết con yếu đuối và dễ phạm tội biết bao! Chúa cũng biết nỗi sợ zzhãi luôn đè nặng lòng con, luôn trói buộc con, ngăn cản con, không cho con đến gần bên Chúa.

Nhưng hôm nay, sau khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải, con biết Chúa đã đến giáng sinh trong lòng con, ở lại trong con để cùng con sống kiếp con người, để biến đổi con, giúp con trở nên mạnh mẽ hơn, cương quyết hơn trước những đam mê yếu đuối trong cuộc sống, giúp con quyết tâm hơn trước những níu kéo mời gọi của tội lỗi.

 Chúa ơi! Xin đừng để con sa chước cám dỗ. Xin cứu chữa con cho khỏi mọi sự dữ. 

Đã bao nhiêu lần Chúa đến bên tôi mà tôi hững hờ, không hề quan tâm để ý ! Đã bao nhiêu lần Chúa giáng sinh trong lòng tôi mà tôi không hay biết ! Đã bao nhiêu lần Chúa ở trong tôi mà tôi không nhận ra ! Nếu không nhận ra Chúa ở trong tôi, thì làm sao tôi có thể nhận ra Chúa ở trong người khác ? Làm sao tôi có thể nhìn thấy Chúa nơi người anh chị em của tôi ?

Chúa ở trong tôi, Chúa ở trong em, Chúa ở trong anh trong chị, và Chúa ở trong hết mọi người”.  Một khi nhận biết được điều này, sẽ giúp tôi sống hòa thuận yêu thương hơn, biết chấp nhận và tôn trọng người xung quanh hơn. Vì thật khó có thể súc phạm người anh chị em của tôi, một khi tôi nhận biết Thiên Chúa Tình Yêu cũng đang sống trong người ấy, cũng giáng sinh trong người ấy, và cũng cùng người ấy bôn ba trên mọi nẻo đường đời để sống trọn kếp con người.

Chúa ơi! Xin mở mắt con, để con được thấy:
Thấy tình Chúa thương con,
Thấy Chúa cao cả, thấy con mọn hèn,
Thấy Chúa bước đi bên con trên mọi nẻo đường đời,
Thấy Chúa luôn bao bọc che chở cho con,
Thấy Chúa ở trong con, và ở trong hết mọi người.  Amen. 

Linh Xuân Thôn

PHẤN ĐẤU VÌ MỘT CUỘC SỐNG CAO ĐẸP

zzLễ Các Thánh là một lễ trọng.  Hôm nay khi tham dự thánh lễ trọng thể, chắc chắn ta có những cảm nghiệm thiêng liêng sâu sắc.  Xin tạm diễn tả trong mấy nét sau đây.

Trước hết là cảm nghiệm về niềm vui.  Thánh lễ hôm nay diễn ra trong bầu khí hân hoan.  Hân hoan với những bài ca du dương.  Hân hoan với những lễ nghi long trọng.  Hân hoan vì sự tham dự đông đảo của mọi thành phần Dân Chúa thuộc đủ mọi phẩm trật trong Hội Thánh.  Nhưng hân hoan nhất là vì có sự hiện diện tuy vô hình nhưng lại rất mãnh liệt của cộng đoàn chư thánh, một cộng đoàn đông đảo không thể đếm được như bài sách Khải huyền diễn tả, một cộng đoàn cao quí trong những tà áo trắng dài và trong niềm hạnh phúc vô biên.  Mà các thánh không phải là những người xa lạ.  Các thánh gần gũi chúng ta về đức tin và đức mến.   Gần gũi chúng ta về thân phận con người.  Và nhất là gần gũi với ta về dòng giống, huyết thống, gia tộc.  Thật vậy trong vô vàn vô số các thánh, có cả những người thân yêu của chúng ta.  Thật là một thánh lễ đem lại niềm vui lớn lao cho tâm hồn con người.

Kế tiếp là cảm nghiệm về niềm hy vọng.  Các thánh đem lại cho ta niềm hy vọng.  Trong số các thánh có ông bà cha mẹ anh chị em ruột thịt của chúng ta.  Điều đó làm cho ta hy vọng sẽ được sum họp với các ngài trên thiên đàng.  Trong số các thánh có những vị xưa kia đã lầm lỗi như thánh Phêrô, thánh Phaolô, thánh Mađalêna, thánh Augustinô, có cả người trộm lành nữa.  Điều đó làm ta hy vọng, tuy tội lỗi, ta cũng sẽ được nên thánh như các ngài.  Nhưng hy vọng nhất là lời thánh Gioan trong bài sách thánh thứ hai hôm nay nói rằng chúng ta là con Thiên Chúa và sẽ nên giống Chúa Kitô.  Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ được nên thánh, còn hơn thế nữa, nên giống Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc với Chúa.  Thật là một niềm hy vọng lớn lao vượt quá trí tưởng tượng của chúng ta.

Từ đó ta cảm nghiệm về một niềm tự hào.  Tự hào vì ta là dòng dõi các thánh.  Hơn thế nữa, ta là dòng dõi Thiên Chúa, là con Thiên Chúa.  Tự hào vì một định mệnh cao quí.  Cuộc sống ta không phải chỉ bó hẹp trong không gian hữu hạn bất toàn này, nhưng sẽ tiếp tục trên quê trời vô biên vĩnh cửu.  Tự hào vì một phẩm giá cao quí.  Ta không phải bị kết án tàn lụi đi như cỏ cây súc vật, nhưng sẽ triển nở, sẽ được nâng lên ngang hàng với các bậc thần thánh, sẽ được hưởng sự sống của Thiên Chúa.

 

Tất cả những cảm nghiệm đó khơi dậy trong ta một niềm hăng hái phấn đấu.  Tuy nhiên để đạt tới hạnh phúc và phẩm giá cao quí đó, ta phải phấn đấu ngay ở đời này.  Cuộc phấn đấu để chiến thắng.  Không phải chiến thắng người khác nhưng chiến thắng chính mình.  Lịch trình phấn đấu được chính Chúa Giêsu đề ra trong bài Tám Mối Phúc.  Ta phải chiến đấu chống lại  thói tham lam để đạt tới sự siêu thoát, chiến đấu chống lại lòng độc ác để có tâm hồn hiền lành, chiến đấu chống lại nếp sống buông thả để khao khát vươn lên thánh thiện, chống đấu chống lại thói dửng dưng vô cảm để rèn luyện một trái tim biết thương cảm, chiến đấu chống lại lối sống sa đọa để tâm hồn được thanh sạch trong trắng, chiến đấu chống lại chiến tranh chia rẽ bất hòa để xây dựng hòa bình hòa giải, chiến đấu đến sẵn sàng hy sinh tính mạng vì Nước Trời.  Khi chiến đấu như thế, ta sẽ thanh luyện chính bản thân, như các thánh giặt áo linh hồn nên trắng như tuyết qua những khổ đau lớn lao.  Khi chiến đấu như thế ta góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp văn minh và phát triển vững bền.  Khi chiến đấu như thế ta sẽ đạt tới lời Chúa hứa và phần thưởng dành cho ta trên trời thật lớn lao.

Lạy Các Thánh xin cầu cho chúng con được noi gương các ngài.  Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

TRÊN ĐÁ NÀY…

zzBlog WGPSG (3-5-2012) – Chuyện kể rằng, hai người bạn đi cùng nhau trong một chuyến hành trình dài ngày.  Họ vượt qua bao địa hình hiểm trở: Núi cao, sông sâu, băng giá, cát nóng.

Trong chuyến đi đó, biết bao biến cố đã xảy ra: Vui có, buồn cũng chẳng thiếu.

Hôm nọ, chẳng may hai người xảy ra xích mích với nhau, người cao lớn hơn đã bạt tai người kia một cái tóe lửa.  Người bị tát lẳng lặng tìm một bãi cát ghi vội lên đó dòng chữ: “Hôm nay, người bạn của tôi đã xúc phạm nặng nề đến tôi bằng cái tát đau điếng!”

Họ tiếp tục lên đường, bầu khí có vẻ căng thẳng, tiếng cười tiếng trò chuyện thưa dần, giảm hẳn, rồi tắt lịm!  Mỗi người như đang gắng lê lết cho hết cuộc hành trình, giờ trở nên dài đằng đẵng, với tâm trạng nặng trĩu đè lên mỗi người.

Nắng chói chang, người mệt lả, họng khát cháy, chợt người có vóc dáng nhỏ bé nọ tìm thấy một con suối, anh ta lao vội xuống thỏa chí vùng vẫy, bơi lội.

Không may anh bị chuột rút, tứ chi rồi cả cơ thể cứng đờ, đau đớn và dòng suối đang chảy xiết đã lôi anh ngày càng xa bờ, anh chìm dần xuống.  Ngay lúc đó, người bạn đồng hành lao nhanh xuống, dùng tất cả sức lực của mình chống chọi với dòng nước suối cuồn cuộn chảy để lôi người bạn từng chút một, từng bước một về phía bờ.

Trải qua những phút giây vật lộn với dòng nước, cả hai cũng vào bờ an toàn nhưng đã kiệt sức, nên nằm lăn ra ngủ mê mệt.

Người bạn bị nạn tỉnh lại trước.  Anh tìm đến một tảng đá to, và hì hục đục đẽo lên phiến đá dòng chữ thật lớn: “Hôm nay, người bạn của tôi đã cứu sống tôi!”

Sau một giấc ngủ dài, người kia cũng đã thức dậy.  Anh thật ngạc nhiên trước phiến đá được khắc chữ lên đó.  Anh đã hỏi bạn mình: “Tại sao khi tôi tát anh, anh ghi lên cát, còn hôm nay anh lại dành nhiều công sức để đục chữ lên phiến đá?”

Người kia mỉm cười, trả lời: “Những điều buồn anh gây ra cho tôi, tôi muốn ghi lên cát, để gió giúp tôi xóa đi thật dễ dàng những dấu ấn không vui đó.  Nhưng khi tôi nhận được sự giúp đỡ của anh, ơn cứu mạng của anh, việc làm tốt đẹp của anh, tôi muốn nhờ đá ghi khắc mãi niềm hạnh phúc đó, cũng như tôi ghi khắc vào tim mình những điều tốt đẹp mà anh làm cho tôi!  Cám ơn anh thật nhiều!”

Và tiếng cười lại vang lên suốt chặng đường còn lại!

****************************************

Có nhiều mối tương quan: Tương quan nội tại “ta với ta”, tương quan hàng ngang “tôi và chúng ta”, tương quan chiều dọc “tôi và Chúa tôi”.

Mối quan hệ nào cũng có lúc ngọt ngào, dễ thương với những điều hay nghĩa cử đẹp người ta trao cho nhau, nhưng cũng có khi sóng gió nổi lên cản trở mối giao hảo tốt đẹp sẵn có.

Thiết lập được các tương quan thì không khó lắm, nhưng phát triển và bảo vệ các tương quan đó mỗi ngày thêm tốt đẹp thì chẳng dễ chút nào.

Một trong những nguyên nhân khiến các mối tương quan gặp trục trặc hoặc bền vững, đó là do chất liệu người ta chọn để ghi khắc các biến cố vui buồn trong đời mình: Cát hay đá.

Đối với những phiền muộn do tha nhân hoặc chính bản thân gây ra, nếu ta chọn khắc sâu vào “đá – cõi lòng, tâm trí ta” thì chắc chắn các mối tương quan sẽ “xuống cấp”.

Ta sẽ không thể tha thứ cho chính bản thân về những khiếm khuyết, lỗi lầm trong quá khứ của ta; nhịp sống sẽ bị chính ta làm cho trì trệ, nặng nề và không thể tươi sáng hơn bởi quá khứ bất toàn của bản thân buộc trói.  Như thế, ta cũng không tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa luôn thứ tha, đổi mới và có năng lực giúp ta vượt qua lỗi lầm, vượt lên yếu đuối của bản thân.

Ta cũng dễ nổi nóng hơn với bạn bè, chỉ một xích mích nhỏ cũng kéo bè kết cánh mà đánh hội đồng nhau, rồi quay phim và tung hê lên mạng, hỉ hả với nỗi đau của người khác.  Bạo lực và đau khổ chồng chất, bất hạnh và buồn sầu lê thê!

Ta dễ dàng quy trách và kết tội cho người bạn đời của mình, rồi mau chóng đưa nhau ra tòa ly dị: “Đường ai nấy đi, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi”, gia đình tan nát, con cái phải bơ vơ, mồ côi khi cha mẹ đang còn sống.

Thậm chí ta còn kêu trách Thiên Chúa về bao bất hạnh và nỗi buồn mình gặp phải, mà quên rằng, từng giây từng phút, ta đang hưởng biết bao ơn lành của Ngài: Không khí trong lành nuôi dưỡng ta trong mỗi nhịp hô hấp, thở ra hít vào; ngọn gió mát giữa trưa hè oi ả; dòng nước ngọt lịm khi cơn khát cháy khô miệng đang dày vò ta,… và bao hồng ân khác giữa đời thường mà mình chưa ý thức đủ, không thấy, không biết khắc ghi vào “đá”?

Xin hãy ghi tạc trên Đá những hồng ân mà Chúa không ngừng ban cho ta.  Xin hãy tạc vào lòng của Đá những niềm vui, hạnh phúc, những gặp gỡ thân thương mà ta từng trải nghiệm, từng nhận được nơi người khác, và cả những gì tốt đẹp ta sẽ nhận được trong tương lai nữa!  Tạc vào Đá để Đá sống mãi mãi cùng lòng tri ân và cảm mến!

Và, ta cũng hãy biết ghi lên cát những tổn thương, bất hạnh, hờn tủi, ganh tỵ, ích kỷ, những gì là không tốt chẳng đẹp mà ta đã nhận từ nơi người khác!  Vâng, ghi trên cát, để gió cuốn đi, gió cuốn đi!

Bí quyết hạnh phúc phải chăng là ghi lên mặt cát những phiền muộn, và khắc sâu vào đá những vui tươi của chúng ta?

Ghi khắc hồng ân trên đá cũng là xây dựng cuộc đời mình trên đá tảng bền vững và chân thật là chính Thầy Giêsu, bởi Thầy là đá tảng góc tường!

Xây dựng, khắc ghi đời ta trên Đá Tảng Giêsu thì hạnh phúc mới trường tồn, vì Thầy là Alpha và Omega, là khởi thủy và tận cùng của toàn thể vũ trụ mà!

Chiên Già

 

zzTin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc đến một người mù. Mắt anh bị mù, nhưng anh nhìn thấy nhiều điều mà người khác không thấy. Anh thấy Đức Giêsu là Con Vua Đavít là Đấng Messia, là Đấng Kitô Cứu Thế (Mc.10:47). Anh thấy quyền năng của Đức Giêsu có thể giúp đỡ anh một cái gì khác hơn là vật chất, tiền bạc. Anh thấy tình trạng khốn khổ mù lòa của mình. Anh mù thấy được nhiều cái mà người sáng mắt không thấy.

Tiếng kêu của anh “Lạy Thầy, xin cho con được thấy” (Mc.10:51) là một tiếng kêu của lòng tin. Tất cả sức mạnh của anh nằm ở tiếng kêu, tiếng kêu thống thiết bi ai của một người đau khổ, nhưng cũng là tiếng kêu đầy tin tưởng, hy vọng. Tiếng kêu báo hiệu một sự hiện diện, một cầu cứu. Nhiều người muốn bịt miệng anh, nhưng anh chẳng sợ gì đe dọa. Càng bị đe dọa, anh càng gào to hơn nhiều. Cuối cùng tiếng của anh đã đến tai Ðức Giêsu. Ngài dừng lại và sai người đi gọi anh. Khi biết mình được gọi, anh vội vã và vui sướng vất bỏ cái áo choàng vướng víu, nhẩy cẫng lên mà đến với Ðức Giêsu. Anh đi như một người đã sáng mắt, bởi thực ra con mắt tâm hồn của anh đã sáng rồi. Lời cầu của anh được Đức Giêsu đáp ứng: “Lòng tin của anh cứu chữa anh”. (Mc.10:52)

Khi được khỏi mù lòa, lòng tin của anh thêm vững mạnh. Anh thấy lại mặt trời, anh gặp Ðấng cho anh ánh sáng. Không ngồi ở vệ đường nữa, anh đứng lên đi theo Ðức Giêsu. (Mc.10:52) vì Ngài chính là ánh sáng cho đời anh. Ngài sẽ dẫn đường anh đi. Đi đến sự thật và đến sự sống.

Mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy đi vào lòng mình để nhận ra những bóng tối đã che phủ đời ta. Ta có tìm thấy Chúa là ánh sáng cho đời ta không? Chắc hẳn đời sống của tôi có nhiều bóng tối vì tôi chưa tin tưởng hoàn toàn vào Chúa. Đời sống tôi bế tắc vì tôi chưa đặt trọn niềm hy vọng vào Chúa. Đời tôi mệt mỏi chán chường vì tôi chưa yêu mến Chúa hết lòng. Hãy tin tưởng vào Chúa. Ánh sáng đức tin sẽ chiếu soi đường đời tôi đi. Hãy hy vọng vào Chúa. Niềm hy vọng là ánh sáng ấm áp cho cuộc đời. Hãy yêu mến Chúa. Tình yêu Chúa là ánh sáng hướng dẫn mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của tôi. Hãy noi gương anh mù thành Giêricô: “Bỏ tất cả mà theo Chúa”. Sống bên Chúa đời tôi sẽ ngập tràn ánh sáng và niềm vui.

***

Lạy Chúa! Như người mù ngồi bên vệ đường, xin Chúa dủ lòng thương, cho con được thấy:

Cho con được thấy bản thân của con với những yếu đuối và khuyết điểm, những giả hình và che đậy. Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con, cho ánh sáng Chúa chiếu soi vào bóng tối của đời con.

Xin mở mắt con, để con biết nhìn ngắm những cảnh đẹp thiên nhiên, những kỳ công do tay Chúa tạo dựng trong vũ trụ, trời đất, vạn vật

Xin mở mắt con, để con thấy những anh em nghèo đói, ốm đau, bệnh tật quanh con, để con biết yêu thương, nâng đỡ và chia sẻ.

Xin mở mắt con, để con thấy cái tốt nơi người khác, thấy những việc tốt lành anh em đã làm cho con trong cuộc sống hôm nay.

Xin cho cuộc đời của con luôn phản chiếu ánh sáng của Chúa, vì Chúa là Sự Sáng, là Tình Yêu, là Chân Lý và là Sự Sống đời đời của con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

 

NGỌN NẾN

zzCó một người rất nghèo, chuyên làm nến và bán nến.  Tuy nhiên chẳng mấy ai mua nến cả.  Ông cũng ít giao thiệp nên càng ngày càng sống khép kín với mọi người.  Cứ mỗi buổi tối ông đóng cửa, tắt đèn, tự giam mình trong nhà và than thầm về số phận.

Dần dần ông đi tới tuyệt vọng.  Ông nghĩ rằng, ông nên kết liễu đời mình là hơn cả.  Một buổi tối, ông quyết định thực hiện suy nghĩ đó.  Đột nhiên có tiếng nói:

– Ông làm nến, sao không tự thắp cho mình một ngọn nến…

Nghe giọng nói không biết từ đâu, ông hoảng sợ:

– Ai đó…

– Ta là một vị thần.  Nếu ngươi muốn, ta có thể thắp sáng ngọn nến hy vọng cho ngươi. Ngọn nến ấy có thể đem lại hạnh phúc cho ngươi đó.

Ông lưỡng lự và cuối cùng thì ông ta cũng đồng ý. Ông cảm thấy yêu đời hơn. Suốt ngày ông chỉ chăm chút cho ngọn nến đó cháy sáng mãi. Tuy nhiên, ngọn nến cũng tàn dần theo quy luật tất yếu.  Ngày một ngày hai, niềm tin yêu cuộc sống của ông lụi dần, rồi một ngày hoàn toàn ông cảm thấy chán đời và mệt mỏi vì phải sống như thế này.  Ông lại tự giam mình trong nhà, khóc lóc.  Dĩ nhiên, vị thần giấu mặt kia lại cất tiếng nói:

– Ngươi khóc lóc điều gì?  Ngươi đã không dùng ngọn nến đó để thắp sáng những ngọn nến khác trong ngươi.  Đó là lỗi của nhà ngươi.

**********************

Thiên Chúa đã yêu thương con người biết dường nào.  Người đã cất công lấy bùn đất nắn gọt, chau chuốt tạo thành con người theo như khuôn mẫu của Người.  Qua một buổi chiều và một buổi sáng lao động cật lực, Thiên Chúa đã thổi hơi vào tác phẩm tuyệt vời nhất Người vừa tạo dựng, lúc ấy con người mới nhận được sinh khí của Thiên Chúa, và trở thành con người có xương có thịt và có hồn (St 2,7), một sinh linh sống động hơn tất cả những loại thụ tạo khác.  Thiên Chúa đặt tên người nam là Ađam, và Ađam đặt tên bạn mình là Evà.  Thiên Chúa còn ban cho con người có quyền tự do.  Người đã để con người sống trong vườn Eđen, nơi đó Người đã cho ông bà được toàn quyền trên mọi loài Người tạo dựng, chỉ một điều Người muốn ông bà phải tuân giữ, đó chính là Người trồng một cây mà trái nó ông bà không bao giờ được ăn (St 2,17).  Đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất nơi con người.  Vì nơi đây Thiên Chúa thường hiện diện để chuyện trò với con người, một nguồn ân sủng, tràn đầy hạnh phúc của Thiên Chúa luôn bao trùm nơi ông bà, vì ngày đó nguyên tổ chưa vương vấn hình ảnh xấu xa của tội lỗi.

Hạnh phúc từ hai ông bà nguyên tổ đã bị vụt tắt sau khi giơ tay hái trái Thiên Chúa đã cấm, đã phạm sai lầm khi nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của Satan (St 3,6-7).  Tội bất tuân không vâng lời đã đưa con người đến sự chết, hậu quả của sự bất tuân đã đưa con người phải xa cách Thiên Chúa (St 3,23), khi ma quỷ đã len lỏi vào cuộc sống con người, nó đã làm cho con người thêm tội lỗi khác. Đọc tiếp sách Sáng Thế, hai người con của Ađam và Evà là Cain và Abel.  Cain vì ghen ghét với em mình, nên đã ra tay sát hại Abel (St 4,8).  Tội là thế đó.  Thế nhưng, ngay sau khi ông bà phạm tội; Thiên Chúa không để con người chết trong tình trạng tội lỗi, Người đã hứa ban cho con người một Đấng Cứu Thế để chuộc lại tội đó.

Đấng Cứu Thế đã đến, Người đã lấy chính máu của Người để rửa sạch mọi vết nhơ của tội nguyên tổ.  Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa mà tôi được hạnh phúc trở thành con cái của Chúa ngay từ những ngày đầu đời, qua Bí tích Rửa Tội, tôi đã được lớn lên qua thời gian, được học tập giáo lý qua từng giai đoạn của cuộc đời, từ lớp vỡ lòng để lãnh nhận bí tích Giải tội và Mình Thánh Chúa, tiếp đến được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức và các lớp Giáo lý để Rước Lễ trọng Thể (bao đồng), được hạnh phúc tiếp tục giáo huấn nơi môi trường giáo dục Công Giáo…   Những Hồng Ân Chúa đã ban cho tôi cách riêng.  Thế nhưng tôi đã biết dùng những ân sủng đó để chia sẻ với những người chung quanh với tôi, với những người họ chưa biết Chúa chưa?  Hay cũng như người bán nến đã được vị thần thắp cho ngọn nến, và ông đã cảm thấy hạnh phúc tìm được sự an bình trong cuộc sống.  Nhưng ông lại không biết lấy ngọn lửa mà ông đã nhận được để thắp sáng cho những cây nến khác, để rồi ngọn nến được vị thần thắp sáng cũng tàn lụi theo quy luật tự nhiên.  Niềm tin Chúa ban cho tôi, tôi đã nhân rộng ra thêm được bao nhiêu, hay vẫn chỉ là phép tính nhân, một nhân một bằng một.  Như nén bạc nhận của ông chủ bị chôn vùi không sinh lợi thêm được tí gì (Mt 25,18).

Lạy Chúa, xin hãy giúp con biết dùng những ân sủng mà con hạnh phúc được tiếp nhận, để như người gieo giống, đem những hạt giống ấy gieo vào những nơi chưa nhận ra được Đức Kitô. Cho con là ngọn nến cháy sáng để con biết châm vào những tim nến vẫn chưa được thắp sáng.  Xin đừng để ngọn nến của con trước khi tắt, mà những cây nến khác chưa được thắp vẫn đang chờ đợi để được ngọn nến sáng châm thắp lên.  Như Thánh Giacôbê đã viết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).  Xin cho con biết dùng chính đời sống của con để làm chứng nhân cho Chúa, đem Chúa đến với người chưa biết Chúa.  Amen!                  

Pet. PBH

SỐ KHÔNG TRÊN BẢNG ĐEN

zzCó một lần trong cuộc họp của khối học vụ, hiệu trưởng viết lên bảng đen một số không (0), và hỏi các thầy cô giáo hiện diện, đây là ký hiệu gì ?

Thầy giáo Anh văn nói: “Là chữ O, chữ cái của Anh văn”.

Thầy giáo số học nói: “Là số 0 của chữ số Ả Rập”.

Thầy giáo quốc văn nói: “Là một dấu chấm câu”.

Thầy giáo hóa học nói: “Là ký hiệu “ô xy” của nguyên tố căn bản”.

Thấy dạy môn gia chánh nói: “Là giống như cái bánh”.

Thầy dạy âm nhạc nói: “Là dấu ngừng trong dấu nhạc”.

******************************

Một linh mục giảng hay là khi ngài –  cũng với một bài Phúc Âm trong thánh lễ – khiến cho các thành phần tín hữu tham dự đều hiểu và dễ dàng áp dụng Lời Chúa vào trong hoàn cảnh nghề nghiệp của mình:

– Các cụ già hiểu và sống Lời Chúa với tuổi già.

– Các thanh niên nam nữ hiểu và sống Lời Chúa với hoàn cảnh của mình.

– Các trẻ em hiểu và sống Lời Chúa với lứa tuổi của mình.

– Các bác sĩ, thầy giáo, các công nhân lao động, các chị em buôn bán ngoài chợ.v.v… cũng thấy Lời Chúa đang nói với mình trong thánh lễ…

Đó chính là sự thành công của các linh mục, bởi vì các ngài đã biết cách làm cho Lời Chúa không những trở thành món ăn hợp khẩu của mọi thành phần dân Chúa, mà còn biến Lời Chúa thành tấm gương soi sáng nghề nghiệp hoàn cảnh của tín hữu.

Chỉ một số không (0) mà các thầy giáo đều thấy được nó có liên quan đến nghề nghiệp của mình, thì đúng là số không kỳ diệu.

Lời Chúa làm cho người Ki-tô hữu nên thánh, không phải trong nghề nghiệp của người khác, mà nên thánh ngay trong chính nghề nghiệp và bổn phận của chính mình, đó chính là điều kỳ diệu vĩ đại của Lời Chúa, cũng như qua cách suy tư và cách thực hành Lời Chúa của các linh mục vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

 

GHẾ

“Ghế” tượng trưng cho địa vị, quyền lực và quyền lợi, nên ghế là nỗi ước mơ và yêu thích của nhiều người: Ghế trưởng phòng, ghế giám đốc, ghế đại biểu… Tất cả công sức và nỗ lực của con người đều dồn vào việc có một ghế, sau đó là giữ ghế, hay tìm cách lên ghế tốt hơn, cao hơn.  Ngay cả những người theo Chúa, phụng sự Chúa, cũng ước mơ và yêu thích những chiếc ghế danh dự.

zzTin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật hai môn đệ Gioan và Giacôbê không ngần ngại xin Đức Giêsu điều mà các ông có lẽ đã mơ ước từ lâu. Trong vương quốc của Ngài, các ông muốn được ngồi chiếc ghế cao nhất, quyền uy nhất.  Họ lên tiếng xin Đức Giêsu: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy“. (Mc.10:37)

Khi nghe lời cầu xin này, các môn đệ còn lại lấy làm chướng tai, đã tỏ thái độ bực tức khó chịu, vì họ cũng ước mơ chiếc ghế cao nhất, họ cũng có tâm trạng giống nhau, nhưng chưa dám nói ra, chưa dám xin Chúa mà thôi.

Đức Giêsu kéo hai ông ra khỏi tham vọng và đam mê con người, để đưa họ trở về với thực tại. Họ muốn được chung phần với Ngài trong vinh quang, nhưng họ có dám chia phần với Ngài trong đau khổ hay không? Uống chung chén đắng Thầy sắp uống, chịu chung phép Rửa Thầy sắp chịu, là chấp nhận bị dìm sâu xuống dòng nước khổ đau.

Thật ra được ngồi hai bên tả hữu Thầy đâu phải là phần thưởng để trả công cho người bền chí. Trung tín theo Chúa đến cùng đã là phần thưởng rồi. Theo Chúa không phải để trông chờ một chỗ cao nhất; đẹp nhất, nhưng mong được ban thưởng một nơi có Chúa,  gần bên Chúa.

Trong cuộc sống hôm nay, tự bản chất, con người có ước muốn làm lớn, muốn ở trên kẻ khác, muốn thống trị người khác. Xã hội chúng ta đang sống lại khuyến khích và khơi dậy ước muốn đó.  Xã hội sùng bái những người đứng đầu, kính trọng những kẻ giàu nhất, quyền uy nhất, thông minh nhất; chiều chuộng những người đẹp nhất, mạnh nhất, thành công nhất.  Cái nhất đó đôi khi lại là cái mà người ta làm bằng mọi cách, bằng mọi gía để đạt được nó.

Người đứng đầu, người làm lớn, người có quyền thường hay có thái độ thống trị, áp đặt, hống hách. Chức vụ và quyền lực trở thành phương tiện để phục vụ chính bản thân họ. Đó là lối lãnh đạo của người đời.  Hôm nay, Đức Giêsu đề xướng một lối lãnh đạo mới trong nước Chúa: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. (Mc.10:43)

Đức Giêsu mời gọi ta thay đổi, không phải chỉ là đổi ngôi, đổi ghế, mà là đổi lòng, đổi trí. Hãy vất bỏ những tham vọng ăn trên ngồi trước. Hãy mang vào lòng tinh thần yêu thương phục vụ.

Phục vụ là tóm kết toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu. Ngài đến trần gian để phục vụ, sống như người phục vụ, và chết như dấu chứng của phục vụ trong yêu thương.

***

Lạy Chúa!  Xin cho con biết noi gương bắt chước Chúa, không ham danh lợi địa vị cho mình, nhưng luôn biết dấn thân phục vụ anh em, như Chúa đã phục vụ và hy sinh cho con. Amen

(Tổng hợp từ R. Veritas)

NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔNG NÊN GIỮ ĐẠO

Tựa đề “người công giáo không nên giữ đạo” hẳn làm cho nhiều độc giả giật mình.  Một câu như thế xuất hiện trên bất cứ một tờ báo nào thì còn có thể chấp nhận được, chứ trên một tờ báo Công giáo thì quả là một lời “phản động“.  Đúng là một lời phản động, theo nghĩa là đi ngược lại với nếp nghĩ của rất nhiều người.  Thế thì cần phải minh xác về vấn đề từ ngữ.  Khi nói về đời sống đức tin của mình, người công giáo Việt Nam có bốn cách nói: Theo đạo, giữ đạo, sống đạo, và ít khi gặp hơn, “đi đạo“.

Theo đạo.

Anh chị “theo đạo nào“?  Tôi “theo đạo” công giáo.  Đối với nhiều người công giáo, cụm từ “theo đạo” có nghĩa là mình đã chịu phép rửa.  Vì đạo công giáo được chúng ta xem là đạo mặc khải, nghĩa là do chính Thiên Chúa nói cho chúng ta biết, nên đó là đạo trên hết các đạo, nếu không phải là Đạo duy nhất.  Và cũng vì thế mà khi nghe một người không công giáo đón nhận đức tin, ta bảo rằng người ấy “trở lại Đạo“.  Thực ra, trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ “đạo” rộng nghĩa hơn nhiều, và người đầu tiên nói đến Đạo, không phải là Chúa Kitô, mà là Lão Tử, “giáo chủ” của Đạo giáo.  Chúng ta nói đến nhiều đạo khác nữa: đạo Phật, đạo Lão, Đạo Khổng, đạo ông bà, ấy là chưa nói đến đạo làm người, đạo làm vợ làm chồng, đạo làm con…  Nếu chúng ta gọi đời sống đức tin của mình là “theo đạo” thì hẳn không sai, nhưng rất bó hẹp: Đón nhận đức tin công giáo không chỉ nhằm cho ta có một cái đạo hầu sống cho hợp với luân lý làm người.  Do đó,người công giáo theo đạo mà thôi thì chưa đủ.

Giữ đạo.

Khi đã có “đạo công giáo” rồi, thì người tín hữu “giữ đạo“.  Cụm từ giữ đạo cũng có nhiều cách hiểu.  Cách thứ nhất là “giữ” luật đạo.  Nói một cách nôm na là giữ “Mười điều răn Đức Chúa Trời, Sáu điều răn Hội Thánh cùng các điều khác Hội Thánh dạy“.  Cụ thể là đi xem lễ, ít nhất là mỗi tuần một lần; xưng tội mỗi năm ít là một lần; chịu Mình Thánh Chúa Giêsu trong Mùa Phục Sinh, v.v… Ngoài ra, đối với những người “đàng hoàng” hơn thì đọc kinh sáng tối, và nếu “ngon” hơn nữa thì hằng ngày đọc kinh phụng vụ và một đoạn phúc âm.  Ngoài ra, “giữ” đạo còn một cách hiểu thứ hai, ấy là “giữ” làm sao cho Đạo công giáo (và người công giáo) không bị ai chạm đến.  Giữ đạo theo kiểu các lãnh đạo quốc gia nói đến việc “giữ nước” hay “bảo vệ tổ quốc“.  Người công giáo “giữ đạo” theo nghĩa là “bảo vệ” tôn giáo mình, bảo vệ người công giáo, bảo vệ học thuyết công giáo, bảo vệ nhà thờ và đất đai thuộc sở hữu Giáo Hội công giáo.  Tóm lại, giữ đạo theo cách xem tất cả những gì và những ai không công giáo là “kẻ thù” hay “lạc đạo” mà mình phải “dụ địch” theo tinh thần bác ái để cho họ “trở lại“.  Và nếu không thể được, thì phê phán họ, chỉ trích họ, đồng thời củng cố lực lượng của “phe ta” để khỏi bị “kẻ thù” lấn lướt.  Giữ đạo như là giữ một thành trì, tay cầm súng, với tinh thần căng thẳng của một “chiến sĩ” luôn xem người lạ là “kẻ thù“, và sẵn sàng nổ súng.

Sống đạo.

Vì chữ “giữ đạo” có một nghĩa như trên, nghĩa là khá tiêu cực, nên những thập niên vừa qua, người công giáo dùng chữ “sống đạo” thay cho chữ “giữ đạo“.  Sống đạo là đối chiếu đời mình với lời Chúa, làm thế nào để cho toàn bộ cuộc sống phù hợp với Phúc Âm.  Đấy là lý tưởng.  Nhưng trong thực tế, “sống đạo” cũng có khuynh hướng trở thành “giữ đạo” trong cuộc sống, nghĩa là làm “các việc đạo đức” như xem lễ, đọc kinh, xưng tội rồi chấm hết.  Cao lắm là làm thêm vài việc bác ái và tông đồ.  Tóm lại, đối với một số giáo dân chúng ta, sống đạo nhiều khi có nghĩa là dành ra một số thì giờ (tối đa là 1 phần 10, và bình thường là 1 phần trăm thời zzgian trong tuần) để làm các việc đạo đức ấy, phần còn lại là đời sống cơm áo gạo tiền, nghĩa là chẳng ăn nhập gì đến đạo cả.  Nếu sống đạo như thế thì vẫn có cái gì đó chưa ổn.

Đi đạo.

Có lẽ cụm từ súc tích nhất, mà ông cha ta đã dùng từ lâu nhưng hiện nay ít khi người công giáo dùng, ấy là “đi đạo“.  Chúa Kitô là Đường, là Đạo, và trọn cuộc đời của người công giáo là phải đi trên Con Đường đó.  Điều này đòi hỏi Kitô hữu phải ở trên Đường, ở trong Chúa Kitô đã đi; phải “bước đi trong ánh sáng như chính Người ở trong Ánh Sáng… Ai bảo rằng mình ở trong Người, thì phải bước đi như chính Người đã bước đi” (1Ga 1, 7).  Chúa Giêsu đã sống cuộc sống “Đạo làm Con” của mình bằng cách kết hiệp với Cha trong mọi nơi mọi lúc: “Tôi và Chúa Cha là một”  (Ga 10, 30).  Ngài từng lên nơi thanh vắng mà cầu nguyện, thậm chí có lần thức trắng đêm lên núi mà cầu nguyện (xem Lc 6, 12), Ngài cũng “xem lễ” tại hội đường vào ngày hưu lễ (xem Lc 4, 16), Ngài cũng rao giảng rất nhiều lần về Nước Trời và con đường về Vương Quốc, nhưng tuyệt đại đa số thời gian của Ngài là “bước đi trong ánh sáng” đến với tha nhân, nhất là những người bất hạnh: người đui, người què, người bệnh, người tội lỗi; và đường đi tuyệt đỉnh của Ngài là con đường thánh giá để chết đi không có một mảnh áo che thân, trong tinh thần hoàn toàn tự hủy.  Rốt cục, Chúa Giêsu không “giữ đạo” mà cũng chẳng “sống đạo” mà Ngài “Đi Đạo“.  Hơn thế nữa, Ngài chính là Đạo, nghĩa là Con Đường.  Đi Đạo là như thế đó.  Đi Đạo là trở nên “trọn lành như Cha anh em là Đấng trọn lành”  (Mt 5, 48).  Đi Đạo là “trở nên một” với Chúa Kitô 24 giờ một ngày, và từ đó “truyền đạo” của Ngài, nghĩa là truyền cho mọi người chung quanh cảm nhận được thế nào là Tình Yêu, và Tình Yêu chính là Thiên Chúa.

Vì thế, người công giáo không nên giữ đạo.  Hay nói cho đúng hơn, người công giáo không được phép chỉ “giữ đạo” mà thôi – dù với cái nghĩa tích cực nhất là giữ các lề luật Giáo Hội – mà phải Đi Đạo, nghĩa là đi theo con đường tự hủy của Chúa Kitô để nên thánh như Ngài là Đấng Thánh.  Và nếu chúng ta tiếp tục bảo rằng mình theo đạo, giữ đạo, sống đạo, thì tự thâm sâu ta cũng phải hiểu những hạn từ ấy theo nghĩa là “đi đạo“.

Trần Duy Nhiên

KHO TÀNG TRÊN TRỜI

Theo tạp chí uy tín Forbes vừa công bố liên tục trong suốt 25 năm qua.  Danh sách 1226 tỷ phú đến từ 58 quốc gia và vùng lãnh thổ là những người giàu có nhất hành tinh năm 2012.  Từ con số 140 ban đầu, danh sách năm nay đã ghi nhận mức kỷ lục với con số 1.226 tỷ phú được thống kê với tổng tài sản lên tới 4.600 tỷ USD.  Người giàu nhất thế giới là ông trùm viễn thông Mexico Carlos Slim tiếp tục dẫn đầu với giá trị tổng tài sản 69 tỷ USD.  Hai vị trí tiếp theo thuộc về Bill Gates và Warren Buffett.  Qua thống kê cho thấy, người giàu có ngày càng tăng lên với con số là 1.226 tỷ phú.

zzSự khát khao và mong muốn được giàu có nơi mỗi con người chẳng bao giờ ngừng.  Điều này đúng với tự nhiên bản chất con người.  Nhưng, đối với chàng thanh niên giàu có ngày xưa trong Tin mừng thì khác với những người giàu có ngày hôm nay, là anh ta lại muốn đi gặp Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.  Chúa Giêsu chỉ cho anh ta một cách là: “Anh hãy đi bán hết của cải tài sản đem cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời, rồi đi theo Ta”.  Thật, Ngài đưa ra một quy luật quá khó cho anh chàng giàu có này.  Thế là anh ta buồn rầu và bỏ đi, vì anh có nhiều của cải.  Làm sao anh ta có thể bỏ được khi anh ta đang có tiền bạc tỷ, nhà cao cửa rộng, và được nhiều người cung phụng!  Anh ta chẳng dại gì chịu thua lỗ, vì là nhà kinh tế thì đầu óc phải tính sao cho có lợi chứ!  Cho nên, anh ta bỏ đi và quay trở về với thế giới tiền bạc của anh ta.  Với mục đích và ước muốn của người giàu có này, anh ta không chỉ mong muốn được sự sống đời này mà là cả sự sống đời sau nữa, nhưng anh ta đã thất bại vì không thể vượt qua được sức mạnh và quyến rũ của đồng tiền và của cải.

Mặc dù, anh ta là người giữ luật và sống đạo rất chặt chẽ, anh ta không làm hại ai, không tham lam của ai, không phê bình chỉ trích ai, không ngoại tình lăng nhăng, nhưng thờ cha kính rất mẫu mực.  Tất cả mọi việc anh ta giữ rất tốt.  Và chúng ta cho đó là tiêu chí và đáng noi theo. Nhưng, với những hình thức giữ đạo của anh ta chỉ là những hình thức bên ngoài, chưa thực sự là sống đạo với yêu thương và chia sẻ.  Chính câu hỏi của anh ta và câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy rõ con người thật của anh ta.  Sau đó, Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh đó để nói với các môn đệ: “Những người giàu có thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!”  Khi nghe Chúa Giêsu nói điều này, thì không chỉ các môn đệ sững sờ, ngạc nhiên mà ngay cả chúng ta và các nhà tỷ phú hôm nay sẽ nghĩ gì?  Điều này có vẻ trái ngược với ước muốn và tham vọng của con người trong thời đại này.  Khi người ta đang từng ngày từng giờ để chạy theo và tìm kiếm cho thật nhiều tiền, để được vinh thăng cuộc đời.

Ngay cả thánh Phê-rô cũng phải lên tiếng rằng: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự để đi theo Thầy!”  Phêrô phản ứng vì sợ mình không được cứu độ, không được sự sống đời đời.  Thế thì, con người ngày nay có còn khát khao muốn được Thiên Chúa cứu độ như thánh Phê-rô nói: “Chúng con bỏ hết mọi sự để đi theo Thầy” hay “Bỏ Thầy con biết theo ai?”  Có lẽ, chúng ta cần có những giây phút thinh lặng để hỏi lại chính mình.  Chúng ta đã bỏ gì và đang mang gì để đi theo Chúa.  Sau khi lìa khỏi đời này, mỗi người chúng ta có được mang gì theo không?  Người đời thường bảo nhau:  Có nhiều thứ để chúng ta chọn lựa, nhiều nơi để chúng ta đi, nhưng chỉ có một nơi dành chung cho tất cả mọi người là đi vào nghĩa trang và nằm dưới mấm mộ.  Ngày hôm nay, người ta có hàng tỷ trong tay, nhưng ngày mai trong tay chẳng nắm được gì, chẳng mang theo được gì, khi nhắm mắt xuôi tay và lìa đời.  Chỉ còn lại một chút tình, một chút nghĩa, một chút cử chỉ bác ái yêu thương đọng lại trong những người thân, những người chúng ta yêu thương, quý trọng và chăm sóc khi còn sống.  Tất cả là của Chúa, là của Đấng sáng tạo.  Ngày nay, chúng ta có thể chọn lựa rất nhiều thứ, nhưng khi nhắm mắt lìa đời chúng ta không có quyền để chọn lựa cho số phận của mình.

Nếu Lời Chúa hôm nay đối nghịch với ý tưởng và suy nghĩ của con người, nhưng chính là chân lý mà Thiên Chúa đã mạc khải cho nhân loại, đó là quy luật sống cho những ai tin vào Ngài, tin vào sự sống vĩnh củu.  Nơi đó của cải sẽ không bị mục nát hay bị hư mất.  Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú ý thêm về ý nghĩa của sự giàu và nghèo của Tin mừng.  Chúa Giêsu không bảo các con cứ sống nghèo túng và đau khổ cho đến chết thì sẽ được cứu độ, là lên thiêng đàng, nhưng cái nghèo ở đây chính là sống tinh thần nghèo khó.  Tinh thần nghèo khó nơi Mẹ Maria là khiêm nhường, bác ái, đơn sơ và khó nghèo.  Và khi chúng ta với sống tinh thần nghèo khó là lúc chúng ta biết yêu thương, chia sẻ và cảm thông với anh em của mình.  Sự quan tâm yêu thương giúp đỡ, chính là giới răn của Chúa “kính Chúa yêu người”.  Chúa Giê-su không bảo anh thanh niên giàu có bán hết của cải để kinh doanh đầu tư tích lũy, mà là đem cho người nghèo.  Trong khi đó, anh chàng thanh niên kia chỉ muốn giàu có và tích lũy nhiều thêm của cải cho bản thân.  Phải chăng hình ảnh chàng thanh niên giàu có trong Tin mừng hôm nay chính là biểu tượng và hình ảnh của nhiều người trong chúng ta!.

Để kết thúc bài suy niệm hôm nay, chúng ta cần đến trở lại với những lời chỉ dẫn của sách Khôn ngoan đã viết:

“Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức khôn ngoan.
Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức khôn ngoan,
vì vàng trên cả thế giới, so với Đức khôn ngoan cũng chỉ là cát bụi,
và bạc so với Đức khôn ngoan cũng kể như bùn đất…”

Lạy Chúa, xin cho chúng con đức khôn ngoan của Chúa, để chúng con biết chọn lựa những giá trị đích thực trong sống tại thế này, là tìm kiếm Nước Trời.

Lm. John Nguyễn, Utica, New York.

 

BUỒN

zzTin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật về hai cái buồn: Một cái buồn của Đức Giêsu và một cái buồn của anh nhà giàu.  Đức Giêsu buồn vì người Ngài yêu mến đã từ chối lời mời gọi của Ngài, buồn vì người mà Chúa yêu thương lại gắn bó với tiền bạc nhiều hơn là gắn bó với Chúa, đã chọn của cải vật chất hơn là chọn Chúa.  Anh nhà giàu buồn vì có sự rạn nứt nơi bản thân.  Anh đã đi tìm gặp Chúa, đã thao thức tìm kiếm “một cuộc sống vĩnh cửu đời đời”, nhưng anh đã bị tiền bạc vật chất trói buộc; anh đã từ chối lời mời gọi của Chúa, đã cúi mặt bước đi với đầy phiền muộn.

Thầy Giêsu đòi anh từ bỏ tiền bạc của cải, điều mà anh đã thu góp và gắn bó trong bao nhiêu năm, điều mà anh yêu mến nhất và muốn giữ lại nhiều nhất. Tiền bạc là chỗ dựa của đời anh, anh sẵn sàng làm mọi điều Thầy đòi hỏi, trừ việc từ bỏ chỗ dựa này.

Không biết anh có nhìn thấy “con người thật” của mình không? Có thấy mình đang bị của cải trói buộc? Có thấy mình đang làm nô lệ cho tiền bạc vật chất? Tiếc thay anh không đủ quyết tâm và nỗ lực để ra khỏi sự trói buộc này, anh cũng không có đủ can đảm để cởi bỏ sự nô lệ với tiền bạc vật chất, dù anh vẫn khát khao sự sống vĩnh cửu đời đời.

Cái buồn của anh, đôi khi cũng là của bạn và tôi hôm nay. Ai trong chúng ta cũng từng bị giằng co giữa ước mơ lý tưởng và níu kéo ràng buộc của tiền bạc vật chất. Của cải vật chất có sức hấp dẫn mãnh liệt. Ta làm chủ nó hôm nay, nhưng nếu không cương quyết và sáng suốt, ngày mai nó sẽ làm chủ ta và trở thành xương thành thịt của ta, mà ta không thể thể dứt bỏ.

Không chắc anh nhà giàu có bị luận phạt hay không, nhưng chắc chắn anh ta khó có được cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến với người dám sống và làm theo lời mời gọi của Chúa.

Vào thời Đức Giêsu, giàu có được coi là một phúc lành. Vậy mà Ngài lại coi giàu có là một cản trở nguy hiểm.  “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc.10:23). Nếu ta biết bỏ tất cả những gì cản trở để đến với Chúa, ta sẽ đạt được chính Chúa.  Được Chúa là được tất cả. Có Chúa là có tất cả. Vì Chúa là hạnh phúc viên mãn.  Được Chúa rồi ta sẽ không còn khao khát gì khác nữa.

Chính vì thế, khi thánh Phêrô hỏi Chúa: “Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, chúng con sẽ được gì?” (Mc.10:28). Chúa đã trả lời: “Ai bỏ mọi sự mà theo Ta, sẽ được gấp trăm, và được sự sống vĩnh cửu.” (Mc.10:30).

Lắm tiền nhiều của sẽ làm con người có ảo tưởng là mình giỏi, mình thành công, mình cao sang quan trọng…Nó làm con người trở nên kiêu căng, khép kín trước Thiên Chúa, không cần Thiên Chúa, và hay nhẫn tâm chà đạp lên quyền lợi phúc lộc của người anh em. Tệ nạn tham nhũng hối lộ và cường quyền áp bức ở Châu Á ngày nay là một thí dụ về sự nguy hiểm của tiền bạc.

Theo Đức Giêsu, đôi khi ta phải chấp nhận tay trắng, chịu bấp bênh thua thiệt. Nhưng đừng quên theo Ngài cũng là trở nên giàu có.  Không phải sự giàu có do ích kỷ giữ lại, nhưng là sự giàu có do mở ra và trao tặng.  Không phải sự giàu có do tìm kiếm chiếm đoạt, nhưng là sự giàu có đến như một quà tặng biếu không.

Người khôn ngoan thì phải biết nhìn xa trông rộng.  Biết bỏ những mối lợi trước mắt để tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu.  Như thế yêu mến Chúa là chìa khóa của sự khôn ngoan. Chọn Chúa là chọn giá trị tuyệt đối, vĩnh cửu không gì có thể so sánh được.

Theo Đức Giêsu, ta sẽ được lại cả những điều đã mất. Và cái được quan trọng nhất là được chính Đức Giêsu (Pl.3:8).

***

Lạy Chúa! Xin cho con đừng quay lưng trước lời mời gọi của Chúa, đừng ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương Chúa dành cho con.

Xin dạy con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Vì Chúa là hạnh phúc và là cùng đích của đời con. Amen.

(Tổng hợp từ R. Veritas)