TÔI KHÔNG BÁN CHÚA

Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều người tự cho mình là vô can trong vụ án Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập tự giá.  Trong số đó, có thể có tôi, có bạn, những người vẫn xưng mình là Kitô hữu, hoặc hơn thế nữa, những người vẫn đang nhiệt tình tổ chức hoành tráng, cờ hoa rực rỡ, đón rước linh đình, tung hô vang dội và kêu gọi mọi người hãy cất tiếng: “Hoan hô con Vua Đavit. Chúc tụng Vua Israel, Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời”.

Hai mặt thiện ác trong mỗi con người tưởng như là luôn lẩn tránh nhau, đối nghịch nhau, thì lại song hành cách đồng thuận trong tâm hồn khi con người bị thần dữ thống trị.  Thần dữ Satan có phép biến những gì mà một người cho là chân lý, thành công cụ phục vụ cho mưu đồ gian ác của chúng, khi người ấy nhận tất cả về mình những gì mình có: Học thức, hiểu biết, tài năng, và nhất là  đức tin.  Đó là trường hợp của những luật sĩ, biệt phái, kinh sư… Họ vẫn nghĩ rằng đức tin của họ là do sự hiểu biết siêu phàm hoặc do tài năng mà họ có được.  Đối với họ, đức tin của họ không được soi dẫn bởi Thánh Thần, mà là bởi cái tôi chủ quan và mù quáng của họ.  Bởi vậy, họ không thể chấp nhận một Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đến cứu chuộc trần gian, khi hiểu biết của họ vẫn chưa chịu nhường chỗ cho sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Họ dựa theo suy luận thấp bé mà cứ tưởng cao siêu của họ để định dạng, định hình một Đấng Cứu Thế có thể thỏa mãn những nhu cầu của họ.  Vì thế, có thể hôm nay họ hoan hô Chúa Giêsu, nhưng ngày mai họ đả đảo dẫn tới cái chết của Con Thiên chúa.

Có thể chúng ta đã lên án họ, rằng chính họ chủ mưu trong vụ án Đức Giê-su vô tội bị lãnh án tử hình nhục nhã nhất lịch sử nhân loại.  Còn chúng ta, nghĩ rằng mình vô can sao?  Trong khi, mỗi chúng ta, có thể còn kinh khủng hơn họ nữa: Nếu họ “hôm qua hoan hô ngày nay đả đảo”, thì hãy coi chừng mỗi chúng ta, vừa hoan hô vừa đả đảo, hoặc hoan hô theo cách đả đảo ngay chính trong cách thể hiện niềm tin của mình.

Quả thật, chúng ta đã từng có suy nghĩ rằng: Tôi không tố cáo kết án Chúa Giêsu, tôi không bán Chúa Giêsu, không nộp Ngài cho thế quyền, không đánh đập Ngài, không sỉ nhục ngài, không đội mão gai cho Ngài, không quất vào Ngài khi Ngài té ngã, không đóng đinh Ngài…  Chính người Do Thái đã làm tất cả những điều tệ hại ấy, và ấy là chuyện đã rồi của hai ngàn năm trước.  Chúng tôi vô can.  Nếu nghĩ như thế, thì việc cùng đoàn người rước Chúa Giê-su vào thành thánh cách long trọng với lời tung hô vạn tuế hôm nay, và việc nghe lại trang thương khó đẫm máu của Chúa Giêsu, sẽ không mang lại ý nghĩa, lợi ích gì cho đời sống đức tin của chúng ta cả.

Phụng vụ dẫn chúng ta vào tuần thương khó của Đức Giê-su, để chúng ta có cơ hội hiểu rằng: Không phải Đức Giê-su đi đường thương khó hai ngàn năm trước mà Ngài còn đang đi đường thương khó ngay hôm nay, ngay lúc nầy….

Bao lâu tôi không chịu thương khó, thì bấy lâu, Chúa Giê-su còn phải chịu thương khó vì phần rỗi của tôi.

Bao lâu tôi còn sống trong vũng lầy tội lỗi, thì bấy lâu, Chúa Giê-su còn có lý do để tiếp tục vác Thánh Giá lên Calvê và chịu chết.

Bao lâu tôi còn vô tâm không màng đến hay bất cần đến cái chết của Đấng Vô Tội, thì bấy lâu, tiếng kêu tha thiết của Chúa Giêsu từ thánh giá vẫn còn vang lên và vọng xa cho tới tân cõi lòng mình: “Ta khát”.  Tôi, bạn, cả chúng ta, không thể là những người đứng ngoài cuộc trong vụ án Thập Tự Giá nầy.

Vì thế, không thể nghĩ rằng: Tôi không tố cáo Chúa Giêsu, tôi chỉ bất bình với những lời dạy nghe chói tai, những yêu cầu từ bỏ nghe có vẻ bất thường làm đảo lộn cuộc sống trần gian đang đầy thú vị của tôi.  Hoặc, tôi là Ki-tô hữu mà, tôi không hề tố cáo Chúa Giêsu, chỉ là tôi chưa sống đúng như Lời Ngài dạy, vì đời còn dài, có vội chi mà phải nhốt mình trong cái khung chờ chết.  Nhớ vào dịp Tết, có người nhận được lộc xuân, anh ta mở ra đọc: “Của Cesar trả cho Cesar.  Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”.  Anh ta đưa cho ông hội đồng đọc và hỏi: “Nói gì thế?”. Ông hội đồng giải thích: “Chúa bảo đừng có tham lam của thế gian, lo trở về với Chúa”.  Anh ta lẩm nhẩm: “Thời buổi nầy, không tham sao sống nổi.  Chúng nó hối lộ tham nhũng nhan nhản đầy dẫy kia, ai làm gì được chúng nó”.  Ra đến chỗ giữ xe, anh ta vò nát lộc xuân, vất xuống đất, thản nhiên về.  Không phải là chúng ta đang tố cáo Chúa Giêsu nói và dạy những điều sai trái đấy sao?

Cũng không thể nghĩ rằng: Tôi không bán Chúa Giêsu ba mươi đồng bạc, tôi chỉ đem thời gian, tài năng, tiền bạc và sức lực của tôi để đổi lấy cho tôi một cuộc sống thoải mái theo bản năng con người, hoặc thiết thực hơn, tôi chỉ ham theo cho hết cuốn phim tình cảm hay, hay đã lỡ hẹn với bạn bè, mà không thể đến nhà thờ dâng lễ, rồi thành thói quen, bỏ cả lễ, quên cả Chúa.  Ngày nào, Giáo xứ chưa có linh mục, chưa có nhà thờ, ai nấy khát khao mong mỏi… đến lúc có cha ngon lành, có nhà thờ to lớn xinh đẹp rồi, thì việc của cha là sáng chiều làm lễ, việc của giáo dân là sáng ngủ cho đã giấc, chiều xem phim, hát karaoke, nhậu nhẹt… chẳng màng!  Nếu ngày xưa Giuđa đã xem ba mươi đồng bạc có giá trị và cần thiết hơn là tánh mạng của Chúa Giê-su, thì rõ ràng hôm nay, không phải là chúng ta cũng đã từng xem các thực tại chóng qua kia lại có giá trị hơn một thánh lễ, hơn một Thánh Thể Chúa Giê-su đó sao?

Càng không thể nói rằng tôi không hề bắt Chúa Giêsu phải vác Thánh Giá, không hề đội mão gai cho Ngài, cũng không sỉ nhục Ngài, đóng đinh Ngài… trong khi ngôi nhà tâm linh của chúng ta đã lún, nghiêng theo chiều bất chính hoặc đã đổ sập, nát vụn thành một đống hoang tàn.

Vâng, không thể nói:

Tôi không hề bắt Chúa Giêsu vác Thánh Giá, tôi chỉ nhường phần khó nhọc cho anh em và chọn cho mình phần nhẹ nhàng thong thả.

Tôi không hề đánh đập Chúa Giêsu, tôi chỉ làm ngơ trước những bạo lực của luật rừng đàn áp những người vô tội.

Tôi không hề sỉ nhục Chúa Giêsu, tôi chỉ ngại lên tiếng bênh vực cho công lý, lại còn đồng tình với những lời đàm tiếu rằng dại chi mà chiến đấu cho công lý để phải mất chức, thiệt thân, còn bị phát lưu, tù đày, hay bị cách ly khống chế.

Tôi không hề đóng đinh Chúa Giêsu, tôi chỉ làm thinh vô tình trước bao cái chết oan uổng của ngàn ngàn thai nhi bé nhỏ, trước cái chết của những thanh thiếu niên sa đọa vì hút chích, trước những cái chết của những thiếu nữ bán hoa lỡ lầm, trước cái chết của những người nghèo khổ không tiền chạy chữa, và trước cả cái chết muôn đời của một tập đoàn không tin, còn chống lại Thiên Chúa, trong khi tôi có thể góp một phần của mình vào công cuộc cấp cứu.

Cuộc sống bất chính trong ‘con người tưởng như là công chính’ của mỗi chúng ta đang là lời chứng hùng hồn rằng chúng ta là những người vừa hoan hô vừa đả đảo Chúa Giêsu.  Chính chúng ta tiếp diễn vụ án Đức Giêsu ngay hôm nay, trong lúc nầy.  Chính chúng ta đang xử Chúa Giêsu theo luật rừng của những con người hoang dã, không phải vì ngu muội do thiếu ánh sáng văn minh của Thiên Chúa, nhưng ngu muội do kiêu căng, cố tình tôn vinh sự hiểu biết, khôn ngoan, tài năng, trí tuệ của mình lớn hơn sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Đức Giêsu vô tội “như con chiên hiền lành” bị đem đi giết để chết thay đoàn chiên có tội, là chúng ta, được cứu sống.

Tuần thương khó mời gọi mỗi chúng ta nhận ra mình là can phạm, nếu không nói là chủ mưu, trong vụ án Đức Giêsu bị đóng đinh và chết trên thập giá.  Đồng thời, cũng mời gọi chúng ta thành tâm sám hối tội lỗi để được hưởng ơn khoan hồng vô lượng.  Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta tham dự vào đường thương khó của Chúa, vào cuộc tử nạn của Chúa bằng cách sống đời sống công chính – đời sống đòi hỏi khước từ những quyến rũ của những thực tại phù vân, đòi hỏi đóng đinh tính xác thịt mình, đòi hỏi chấp nhận đau khổ, chấp nhận hiến thân, hy sinh vì phần rỗi của mình và của người khác.

Hãy cùng chết với Chúa Giêsu để được cùng Người phục sinh vinh hiển. ZZ

Lạy Chúa Giêsu, chúng con không vô can trong vụ án đóng đinh Chúa.  Đời sống bất chính của chúng con với biết bao tội lỗi đã hình thành bản án tử hình Người Vô Tội.  Xin cho chúng con biết trân quí ơn Cứu Chuộc nơi Thánh Giá Chúa, để biết thành tâm sám hối, biết cải thiện đời sống, và biết cùng Ngài vác Thánh Giá mình mỗi ngày mà theo Chúa, với niềm hy vọng, niềm tin tưởng Phục Sinh với Ngài.  Amen!

PM. Cao Huy Hoàng

 

 

LỄ LÁ

Với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, Giáo Hội mời gọi ta bước vào Tuần Thánh. Tuần Thương Khó Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng ta đã bắt đầu.

zzHôm nay Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, mang lại Ơn Cứu Độ cho con người. Nhìn bề ngoài, việc tiến vào thành Giêrusalem giữa đám đông dân chúng nô nức phất cao cành lá, giữa tiếng tung hô vang dội: “Hoan hô Con Vua Đavít”. Điều này có vẻ như là một cuộc vinh quang toàn thắng. Nhưng thực ra đây lại là việc mở màn cho cuộc Thương Khó.  Đây cũng là một việc mỉa mai nhất vì hôm nay dân chúng giơ cao tay tung hô chúa, nhưng chỉ mấy ngày sau, cũng chính những cánh tay ấy lại được giơ cao để hò hét lên án Chúa.  Và có lẽ đây cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc Thương Khó.  Bởi vì Chúa biết rõ rằng trong niềm phấn khởi chóng qua của dân chúng, đã chất chứa một sức phản bội với những tiếng kêu gào và những bàn tay nắm chặt đưa lên cao: “Đả đảo! đả đảo! Đóng đinh nó vào Thập giá!”

Rước lá đi theo Chúa Giêsu trong vài giờ không phải là một điều khó khăn lắm. Đi theo Chúa giữa lúc Ngài bị mọi người bỏ rơi và lên án, điều đó còn khó hơn nhiều. Tin Mừng không thấy nói đến một người nào dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu, mà chỉ thấy người ta bênh vực cho Baraba, lên tiếng đòi phóng thích cho tên trộm cướp mà thôi.

Nếu người kitô được định nghĩa là người đi theo Chúa Giêsu, thì chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều cảm nghiệm về những khó khăn vất vả trên đường theo Chúa. Con đường bước đi theo Chúa có lúc vui, lúc buồn. Chắc hẳn ta phải có mặt trong đám đông hoan hô Chúa khi Ngài vào thành Giêrusalem, và cũng không thể vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.  

Hãy thử bình tâm để hỏi lại lòng mình: Nếu tôi sống tại Giêrusalem trong thời Chúa Giêsu , tôi sẽ là ai ? Sẽ đứng trong nhóm người nào? Tôi sẽ có thái độ nào trước bản án của Giêsu? Tôi sẽ là Simon vác đỡ thánh giá cho Chúa ? Sẽ là Phêrô chối Chúa ? Sẽ là Giuda bán Chúa ? Sẽ là Philatô dửng dưng rửa tay trước kẻ vô tội ? Sẽ là các vị thương tế và kinh sư âm mưu cáo gian để kết án Chúa? Sẽ là những người dân thấp cổ bé miệng, bị thúc dục và lôi kéo vào trong đám đông để hò hét “ Giết! Giết!! Giết nó đi!!! Hãy đóng đinh nó vào thập giá!

Bạn thân mến! Trong tuần thánh nầy, mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy dành thời giờ để đọc lại một cách chậm rãi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Hãy canh thức với Chúa trong vườn Cây Dầu.  Hãy bước đi theo Ngài qua từng chặng đường, từ tòa án đạo đến tòa án đời.  Hãy cùng đi với Ngài, cùng vác với Ngài cây thập tự của chính mình để cùng đi với Ngài ra pháp trường, và hãy ở lại thật lâu với Ngài trên Núi Sọ… Đừng theo Chúa như một người xa lạ, bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì bạn và tôi.  Bởi lẽ Ngài thương yêu ta, hy sinh mạng sống của Ngài vì ta…

Trong cuộc khổ nạn của Chúa, ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của cuộc đời: Vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết..v..v..  Nhưng trên hết, ta gặp được một tình yêu. Tình yêu vô cùng lớn lao của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và nhân loại.  Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau trở thành giá trị cứu độ. Vậy ta hãy cảm nếm thật sâu nỗi khổ đau thân xác và tinh thần của Chúa Giêsu, nhưng đừng quên nhận ra tình yêu bao la tiềm ẩn trong từng phản ứng, từng lời nói của Ngài.

Ước gì ta có thể đón nhận những gai góc của cuộc đời với thái độ của Chúa Giêsu. Càng suy nghĩ về cuộc khổ nạn, ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn, càng yêu thánh giá của mình hơn và càng kính trọng thánh giá của người khác nhiều hơn.

Hãy cảm nghiệm sâu xa tình yêu bao la của Giêsu dành cho đời ta. Hãy để cho tâm tình, lời nói và hành động của Ngài thấm nhuần và biến đổi đời ta. Bạn nhé !

***

Lạy Chúa Giêsu,

Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Cây Dầu, xin ban cho con sức mạnh để đối diện với những khó khăn vất vả trong cuộc sống.

Vì Chúa chịu sỉ nhục và bị nhạo báng, xin cho con luôn biết khiêm nhượng và vâng phục.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề , xin cho con biết noi gương bắt chước Chúa, biết can đảm chấp nhận vác lấy thập giá của đời mình.

Vì Chúa bị lột áo, xin cho con biết cởi bỏ những đam mê yếu hèn của kiếp người, biết mặc lấy tâm tình thống hối và yêu thương.

Vì Chúa bị đóng đinh, xin cho con đóng đinh tính xác thịt của con vào thánh giá Chúa.

Vì Chúa đã giang tay chết trên thập giá, xin cho con biết qúy trọng Ơn Cứu Độ vì Chúa đã chết để cho con được sống, để con được hưởng nhờ Ơn Tái Sinh mà Chúa đã hứa ban, Amen .

Tổng hợp từ R. Veritas

(BĐ1: Isaiah 50:4-7 – BĐ2: Phil 2:6-22 – PÂ: Mc.14,1-15.47)

Phía Sau Cây ThẬp Giá

zzBạn có biết tại sao khi nghe hai chữ “thập giá” chúng ta không thấy sởn gai ốc, và có khi còn dửng dưng nữa, trong khi các môn đệ nghe nói đến thập giá thì nổi da gà, và ông Phêrô run rẩy can ngăn Chúa đừng đi tới đó?  Có lẽ vì chúng ta chỉ thấy những cây thánh giá bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng gỗ quí nhẵn bóng hay bằng xi-măng tô đá rửa, đá mài, nên hình ảnh mà hai chữ thập giá gợi lên trong ta không có gì đáng sợ.  Còn các môn đệ thì trái lại chưa bao giờ thấy những cây thập giá bằng vàng, bằng bạc… và hai chữ này không chỉ gợi lên một cây khổ giá trần trụi, mà gợi lên hình ảnh một con người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn và nhục nhã ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, giữa sống và chết, trước những cái nhìn thù ghét và khinh bỉ, trước những con mắt tò mò và dửng dưng.

Chính vì thế mà các tông đồ rùng mình sợ hãi khi Chúa Giêsu nói đến thập giá.

Nhưng Chúa Giêsu không phải là ông thầy dễ dãi hay nhu nhược.  Chúa vẫn nói thẳng và Chúa đòi ai muốn theo Chúa phải nhìn thẳng vào thập giá và chấp nhận nó: “Ai muốn theo Thầy, hãy bỏ mình đi, vác lấy thập giá của mình hằng ngày mà đi đằng sau Thầy”.

Ông Phêrô vừa thay mặt anh em tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô Con Thiên Chúa thì Ngài lại bắt đầu nói đến thập giá.  Thập giá xuất hiện ở đây như “mặt sau của tấm huân chương”.  Nhưng sau đó Chúa lại đưa ba môn đệ thân tín lên núi, và cho các ông thấy vinh quang chói lòa của Ngài và sự có mặt làm chứng của Môsê và Êlia: Một vị đã được Chúa dùng để công bố giao ước Sinai, vị kia thì được Chúa trao nhiệm vụ tái lập giao ước Sinai.

Theo thánh Luca thì Chúa Giêsu đàm đạo với hai vị này về cuộc xuất hành Ngài phải hoàn thành tại Giêrusalem.  Như vậy thì ta có thể đảo lại, sau khi chỉ cho các môn đệ thấy cây thập giá làm các ông run sợ, Chúa Giêsu lật cho các ông thấy đàng sau cây thập giá có gì.  Sau này trên đường Emmaus, Chúa sẽ quở trách hai người môn đệ thất vọng bỏ đi, vì các ông chỉ thấy mặt trước mà không thấy mặt sau của cây thập giá: “Chẳng phải là Ðức Kitô phải chịu đau khổ để vào trong vinh quang của Ngài sao?”

Nếu ôm lấy cây thập giá và thỏa mãn với nó thì đúng là một kẻ điên khùng hoặc bệnh hoạn. Không, Chúa Giêsu không kêu gọi chúng ta trở nên điên khùng, bệnh hoạn.  Chúa đã nhận lấy thập giá như đường tới vinh quang.  Ðàng sau thập giá là vinh quang mà chỉ có đức tin mới cho ta thấy được. Chúa không gọi chúng ta vác thập giá đi một mình, nhưng là đi theo sau Chúa, vì chỉ có đi theo Chúa ta mới tới được vinh quang ở sau cây thập giá.

Trong cuộc sống, có những lúc êm đềm thanh thản, có những ngày tưng bừng hoa lá, nhưng cũng lắm khi bạn cảm thấy tất cả nỗi ê chề của cây thập giá sù sì và những lời độc địa chát chúa của khách qua đường; bạn cảm thấy nỗi cô đơn của kẻ bị treo lơ lửng giửa trời và đất; bạn khát khô cổ muốn có một lời an ủi, một chút cảm thông, nhưng quanh bạn chỉ có thờ ơ và thinh lặng, hoặc tệ hơn nữa chỉ có phỉ báng và xua đuổi.  Những lúc ấy bạn mới cảm thấy tất cả sự rùng rợn của cây thập giá.  Có khi bạn cảm thấy chán nản muốn buông xuôi tất cả.  Bạn cảm thấy như Chúa Giêsu đã cảm thấy và phải kêu lên: “Lạy Chúa, nhân sao Chúa bỏ con…”

Những lúc ấy bạn phải vận dụng hết sức mạnh của lòng tin, hết ánh sáng đức tin, để thấy được đàng sau cây thập giá.  Bạn hãy nhìn thẳng vào Ðấng đang vác thập giá đi đàng trước bạn, chớ rời mắt xa Ngài.

Nhưng bạn đừng chờ tới lúc đó mới nhìn vào Ngài.  Bạn phải giữ tầm nhìn luôn hướng về Ngài trong mọi nơi mọi lúc, mọi việc.  Bạn hãy làm tất cả với Ngài, vì Ngài, và trong Ngài.

Nếu bạn biết sống với Ngài trong niềm vui,
bạn cũng biết sống với Ngài trong nỗi buồn.

Nếu bạn biết sống trong Ngài khi hạnh phúc,
bạn cũng biết sống trong Ngài lúc khổ đau.

Nếu bạn biết sống với Ngài trong ngày hội,
bạn cũng biết sống với Ngài giữa cô đơn.

Ðiều tôi muốn nhắc bạn ngàn lần là bạn đừng mang thập giá một mình.  Bạn sẽ không bước nổi đâu, và nếu bạn có đem tất cả sự kiêu hãnh của con cái Ađam mà lết đi được thì cũng chẳng ích lợi gì, cây thập giá của bạn chỉ là cây gỗ chết thôi.  Bởi vì cây thập giá chỉ trở nên xanh tươi và đầy hoa trái khi nó mang Con Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống mà thôi:

“Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài…” (2Tim 2,11)

Nhưng tôi cũng nhắc bạn rằng thường khi thập giá đè nặng lên vai thì chúng ta cũng tối tăm mắt mũi, hầu như chẳng còn nhớ ra điều gì, chẳng nhớ đến ai nữa.  Cái khó nhất là ở đó.  Chính lúc ta cần nhớ đến Chúa nhất thì hầu như ta không nhớ nổi.  Chính lúc ta cần cảm nhận sự hiện diện của Chúa nhất, thì lại là lúc Chúa như ở xa ngàn trùng và lẩn trốn trong bóng đêm dày đặc.  Ðó là khi mà cuộc đời bạn trở nên phong phú nhất, như hạt giống khi được vùi xuống đất.  Lúc ấy bạn hãy giữ lòng mình hướng về ánh sáng của thảo mộc, và khi mầm lách được vỏ hạt giống thì nó xé qua màn đêm của lòng đất để vươn lên ánh sáng, hứng lấy màu xanh và sức sống.  (Còn hạt giống nào nằm khơi khơi trên mặt đất thì có nẩy mầm cũng héo khô)

Lm. Nguyễn Công Ðoan, S.J.

 

HẠT LÚA MỤC NÁT

zzMùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ.  Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên.  Tôi muốn vươn lên những búp non mơn mởn như những lá cờ loan báo mùa xuân đã đến… Tôi muốn cảm nhận hơi ấm của mặt trời mơn man trên mặt và hơi nước mát lạnh của sương mai trên những cánh hoa”.  Và nó đã mọc lên xanh tốt.  Hạt giống thứ hai tự nhủ: “Mình sợ lắm!  Nếu cắm rễ xuống đất, mình chẳng biết sẽ gặp gì trong lòng đất tối tăm. N ếu mình tìm đường xuyên qua lớp đất cứng bên trên, biết đâu những chồi non yếu ớt của mình sẽ bị thương tổn…   Làm sao mình có thể cho búp non xòe lá khi một chú sâu đang chờ sẵn để xơi tái đọt lá xanh non?  Và nếu mình nở hoa, một em bé có thể nhổ đứt mình lên!  Không, tốt hơn mình nên đợi cho đến lúc an toàn hơn”.  Và nó tiếp tục đợi chờ…  Một sáng đầu xuân, cô gà mái bới đất kiếm ăn đã thấy hạt giống đang nằm chờ đợi.  Cô chẳng đợi gì mà không mổ lấy, nuốt ngay.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt.  Điều này đúng với đời sống cây cỏ.  Muốn có thóc lúa trong mùa gặt, ta phải ném hết lúa giống xuống ruộng trong mùa gieo.  Muốn có rau xanh trong bữa ăn, ta phải đổ hết hạt giống xuống vườn.  Cứ khư khư hạt giống trong kho, ta sẽ chẳng có rau, cũng chẳng có thóc.  Hạt giống gieo xuống cứ nằm trơ trơ trên mặt đất sẽ chẳng ích lợi gì.  Nó phải chịu vùi sâu trong lòng đất, hút lấy nước, tắm trong phân bón, mục nát đi thì mới mọc lên thành cây mới, sinh nhiều hoa quả.

Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt.  Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người.  Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc.  Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa.  Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.

Mục nát ở đây cũng có nghĩa là phải chịu đau đớn với những từ bỏ.  Bào thai muốn phát triển thành một con người, phải từ bỏ lòng mẹ nơi nó được cưu mang an toàn.  Em bé muốn nên người phải từ bỏ cha mẹ và những người thân để vào trường học tập.  Học sinh muốn phát triển cao phải từ bỏ trường làng đầy kỷ niệm đẹp tuổi thơ để ra tỉnh, lên đại học.  Thanh niên thiếu nữ đến tuổi trưởng thành cũng phải từ bỏ cha mẹ, từ bỏ mái ấm gia đình để sống tự lập trong đời sống tu trì hoặc trong đời sống hôn nhân.  Đời sống con người là một chuỗi dài những từ bỏ.  Từ bỏ nào cũng gây đớn đau.  Nhưng chính nhờ những từ bỏ đau đớn ấy mà người ta lớn lên thành người.  Chính nhờ những từ bỏ ấy mà gia đình và xã hội luôn phát triển.  Chính nhờ những từ bỏ ấy mà cuộc sống trở nên tươi đẹp, phong phú và ý nghĩa hơn.  Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt.  Điều này tuyệt đối đúng với đời sống thiêng liêng.  Mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.

Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa.  Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người.  Những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo ta phạm tội.  Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào ta, như là một phần đời sống của ta.  Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến ta đau đớn như chết đi một phần đời mình.  Đó là những mất mát to lớn.  Nhưng nếu ta chấp nhận những “cái mất” hiện tại, ta sẽ có những “cái được” trong tương lại.  Nếu ta dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua, ta sẽ có những “cái được” vĩnh cửu.

Đời sống thiêng liêng hệ tại việc kết hợp với Chúa.  Ta chỉ kết hợp trọn vẹn với Chúa khi ta từ bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa.   Từ bỏ ý riêng nhiều khi là một cuộc chiến đấu khốc liệt với chính bản thân mình.  Hãy nhìn Đức Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni.  Cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha khiến Người đau đớn đến đổ mồ hôi máu ra.  Nhưng chính nhờ từ bỏ ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa.  Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ sinh hoa trái.  Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với Chúa.  Bấy giờ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”.  Ta chịu mất bản thân mình để được chính Chúa.  Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả.  Ta chịu mất trần gian để được thiên đàng.

“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.  Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc.  Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân.  Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa.  Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày.  Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm Vượt Qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt đối và tha nhân.  Amen!  (Manna 85).

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

HẠT LÚA TRƠ TRỌI

zzNếu hạt lúa rơi vào lòng đất, mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi thì mới sinh nhiều bông hạt” (Ga.3:24)

Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên khi nghe câu nói trên. Đó là luật tự nhiên chi phối cây cỏ, nhưng lắm khi tôi thấy khó áp dụng cho mình. Tại sao tôi phải chết để người khác được sống? Chết để sinh nhiều bông hạt ư?  Nhưng nhiều bông hạt có ích gì, khi chính tôi bị tan vỡ? Chính vì thế tôi không muốn chết như hạt lúa.

Tôi chấp nhận trơ trọi một mình. Tôi cô đơn với tôi, để được yên ổn. Tôi sợ mất mát, vì mất mát đem lại đớn đau, nên tôi tìm đủ cách để giữ lại những gì tôi có, những gì tôi là. Tiếc thay, lúc giữ được tất cả tôi lại thấy mình mất tất cả, vì mất ý nghĩa của cuộc sống. Tôi như con thú chỉ biết chăm lo cho bộ lông của mình.

Dần dần qua những kinh nghiệm đau thương, tôi mới nhận ra rằng: Chỉ có một cách giữ chặt, đó là buông ra và trao hiến. Tôi bắt đầu “được” khi chấp nhận “mất”. Sự sống đời đời đã bắt đầu, hạnh phúc đã hé nụ ngay lúc này, ngay ở đây, cho tôi.

Như con ốc sên, chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ, tôi chỉ giàu có và triển nở mọi mặt khi quảng đại ra khỏi lớp vỏ của mình, ra khỏi những bận tâm, tính toán, xây đắp cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Lời kinh Hòa Bình lại vang vọng trong tôi: “Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân...”

zzNhưng hiến thân, quên mình, hy sinh, từ bỏ, đón lấy cái chết như hạt lúa vùi sâu, những điều đó đã làm chính Đức Giêsu dao động.  “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này chăng? Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.” (c. 27)

Đã có những giây phút giằng co, ngần ngại, đã có những cuộc chiến Vườn Dầu ở trong tôi. Nếu tôi kiên trì tỉnh thức và cầu nguyện, tôi sẽ thắng được nỗi sợ bị thua thiệt, mất mát. Sau nhiều lần dám liều mất tất cả để rồi ngỡ ngàng thấy mình được lại quá nhiều, tôi sẽ dễ dàng chọn cái mất trước mắt như con đường dẫn đến cái được vĩnh hằng.

***

Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng con ít khi nghĩ đến những hại giống đã âm thầm chịu nát tan để trao cho đời cây lúa trĩu hạt.

Có bao điều tốt đẹp con được hưởng hôm nay là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc.

Đã có những con người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công ơn bao người, con được làm hạt lúa.

Xin cho con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ.

Đã bao lần con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, con phải chết đi cho chính mình.

Ước gì con dám sống mầu nhiệm vượt qua, để đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân.

Nguyện xin Đức Giêsu bị đóng đinh kéo con lên với Ngài, kéo con lên khỏi đất, kéo con ra khỏi cái tôi hạn hẹp của con. Amen.

Trích trong “Manna”

(BĐ1:Gr.31:31-34BĐ2:Dt.5:7-9PÂ: Ga.12:20-33)

 

 

GIUĐA HAY LÀ TÔI …?

zzNói đến Giuđa Iscariốt, ai cũng biết, Ông là kẻ phản bội Chúa Giêsu, là kẻ bán đứng Thầy mình.  Nhưng khi tranh luận về Giuđa thì nhiều thắc mắc được nêu lên: Giuđa là kẻ có công hay có tội?  Là bậc ái quốc đại trượng phu hay là kẻ phản bội tiểu nhân?  Giuđa lên thiên đàng hay xuống hoả ngục?

Mùa Chay lại đến, một lần nữa, tôi và bạn cùng nhìn lại gương mặt nhiều màu sắc ấy của một người từng là môn đệ Chúa.   Mùa Chay là dịp thuận tiện để tôi và bạn soi mình vào “tấm gương Giuđa” mà nhìn thấy rõ thân phận yếu đuối, mỏng giòn của con người mình chẳng khác gì con người tội lỗi Giuđa ngày xưa.  Để rồi từ đó, tôi và bạn xin ơn biến đổi và cảm nghiệm sâu xa hơn lối đường chúng ta đang chọn, đang dấn thân, cũng như xin ơn nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho con người và dành cho ơn gọi của tôi và bạn.

Thường khi nói đến Giuđa, người ta nghĩ ngay đến một người mặc đồ đen từ bên ngoài đến bên trong tâm hồn, tưởng tượng Giuđa với cặp mắt dữ dằn, gương mặt phản trắc của một tên lưu manh…  Thật ra, rất có thể tôi và bạn đang sánh vai với Giuđa trong đám đông, đang bàn bạc với Giuđa trong mọi kế hoạch, và có những lúc, tôi và bạn đã quỳ bên cạnh Giuđa trong nhà thờ… vì Giuđa trước hết là một tông đồ mà!

Có người đồng hoá Giuđa với Satan, và hơn một người đã nâng Giuđa lên hàng thánh nhân, vì lý do: Giuđa là điều kiện không thể thiếu được trong chương trình cứu rỗi của Chúa!

Thật ra, Giuđa ở giữa hai thái cực đó, giữa một thằng quỷ và một ông thánh, giữa một tên lưu manh và một vị anh hùng.  Vì Giuđa là một con người.  Có một điều chắc chắn: Giuđa không phải là kẻ đốn mạt, mất trí.  Bởi nghi ngờ điều này là nghi ngờ sự khôn ngoan và đường hướng của Chúa và của Thiên Chúa Cha.

Trong Lc 6, 12-16 viết: Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu ra núi cầu nguyện và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.  Sáng ngày, Ngài kêu các môn đệ lại và chọn lấy trong họ nhóm 12, Ngài gọi họ là Tông đồ: Simon, Anrê… và Giuđa Iscariot.

– Suốt đêm, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để rồi chọn Tông đồ Giuđa.  Điều ấy thật rõ ràng.  Giuđa đã được chọn sau một đêm Chúa thức trắng cầu nguyện.

– Giuđa đã được chọn để trở nên một Tông đồ.  Giuđa được đặt ngang hàng với Phêrô, Anrê, Mathêu, Philip và những Tông đồ khác.  Giuđa được nghe những gì họ nghe, thấy những gì họ thấy.

– Giuđa cũng đi rao giảng Nước Trời như họ.

– Giuđa không được chọn để quay lưng với Chúa, để phản bội Ngài.

Chúa Giêsu có lầm khi chọn Giuđa không?  Tại sao Thiên Chúa lại chọn Giuđa dù biết rõ con người Giuđa?

Chúa không lầm khi chọn Giuđa.  Chúa không lầm khi chọn những Tông đồ khác.  Chúa không lầm khi chọn gọi tôi và bạn.  Bởi vì, Kinh Thánh cho thấy, đâu phải Thiên Chúa chỉ chọn những con người xứng đáng, mà Giuđa cũng như tôi và bạn, đã được chọn để thanh luyện, để được nâng cao lên, để nên xứng đáng hơn.

Giuđa đã nhanh chóng đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô.  Ông muốn trở nên môn đệ Chúa.  Ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa không một chút do dự và Giuđa đã được cả nhóm đón nhận.  Họ đã chọn ông làm thủ quỹ, vì họ tôn trọng tài năng của ông.  Họ quý mến và tin cẩn ông, dù ông là người miền Nam duy nhất trong số 12 Tông đồ.

Thật ra Giuđa không xuất hiện từ đầu như một người quay lưng lại với Chúa, bởi không ai bỗng dưng mà phản bội.  Giuđa không thay trắng đổi đen đầu hôm sớm mai, mà ông đã bước dần đến hố thẳm, ông bước đi từng bước một… và mỗi lần Giuđa bước thêm một bước gần đến hố thẳm là mỗi lần ông được Đức Giêsu nhắc nhở, cảnh báo một cách kín đáo nhưng thật rõ ràng.  Tin Mừng có ghi lại cách rõ ràng những bước chân sai phạm đó của Giuđa.

Lần 1:  khi đám đông bỏ đi vì những lời giảng thật khó nghe về bánh hằng sống của Ngài, Chúa đã hỏi các Tông đồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ Thầy mà đi sao?”.  Và trước lời xác quyết chắc nịch của Phêrô Simon: “Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy mới có Lời hằng sống”.  Chúa nói một câu mà chỉ có Giuđa hiểu: “Chẳng phải Thầy đã chọn cả 12 người đó sao?  Thế mà một trong anh em là quỷ dữ” (Ga 6, 67).  Như thế, Chúa biết trước về Giuđa như Thánh Vịnh 41, 10 tiên báo: “Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh, lại giơ gót đạp con”.

Chúa Giêsu biết rõ lời tiên báo ứng nghiệm nơi chính con người Giuđa, vì có những dấu hiệu ngày càng rõ: Sự suy giảm nhiệt tình, sự cứng cỏi, sự biếng nhác cầu nguyện, sự tự mãn kiêu căng trong đời sống đạo đức, tính ham mê lời khen và sự nể vì.  Chính vì thế có lần Chúa đã nhắc nhở: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy”.  Và hơn một lần, trước lời trầm trồ của một phụ nữ: “Phúc cho lòng dạ nào đã cưu mang Thầy, và phúc cho vú nào đã cho Thầy bú mớm”, thì Chúa xác quyết: “Ai nghe và làm những điều ta nói đây, thì ví như người khôn xây nhà trên đá”.  Chúa Giêsu đã nói nhưng Giuđa nào đâu có biết!  Giuđa không nghĩ rằng kẻ tội nghiệp đó chính là mình.  Như David xưa cũng không nhận ra tên nhà giàu tham lam, độc ác trong câu chuyên của Nathan lại là chính mình.  Giuđa vẫn cảm thấy thoải mái với Chúa, an tâm với công việc mà ông gọi là dấn thân, phục vụ!

Lần 2:  Khi gặp Giuđa, thì ông đã trở nên một tên ăn cắp mà mãi sau này người ta mới phát hiện ra. Lúc Maria lấy dầu thơm trong bình bạch ngọc xức lên chân Chúa, Giuđa bảo: “Sao không đổi lấy 30 đồng mà cho người nghèo ?”.  Nhưng Thánh Gioan sau này giải thích: “Giuđa nói những lời này không phải vì bận tâm đến người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp, y giữ ví tiền, nên cái gì bỏ vào túi y là y phỗng mất” (Ga 12, 5-6).

Giuđa cũng như tôi và bạn đi theo Chúa, ngay từ đầu đều có mục đích, một chí hướng.  Nhưng tiếc thay, ý hướng ngay lành đó có thể đang bị méo mó, bị cám dỗ dưới quá nhiều hấp dẫn của sự đời.

– Ông tỏ ra thương yêu người nghèo, nhưng bên trong đầy những tính toán vụ lợi.

– Ông đưa ra bên ngoài khuôn mặt nhân ái, để che giấu bên trong lòng ganh ghét đố kỵ.

– Trên môi ông là những lời lẽ vị tha nhân ái, nhưng trong tâm tư là những nguyên do vị kỷ thấp hèn.

– Ông là kẻ luôn nói đúng, nhưng lại làm sai hoặc chẳng làm gì cả.

– Ông là người phục vụ chính mình, thay vì phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Và cứ thế mà tiến, những bước chân của Giuđa đã đưa ông đến bờ vực của sự phản bội.  Câu hỏi được đặt ra: Vì sao Giuđa lại làm thế?  Lại trở nên một kẻ chỉ điểm, ám hại, bán đứng Chúa Giêsu?  Có nhiều cách giải thích, nhưng Kinh Thánh trả lời: “Satan đã nhập vào Giuđa, gọi là Iscariot”. (Ga 13,2/ Lc 22,3-4)

Dĩ nhiên, Satan không thể tự tông cửa mà vào, nhưng chính Giuđa đã vui lòng tự ý mở cửa.  Giuđa đã phản bội Thầy mình.  Thật ra, ông có thể chỉ cho họ biết nơi ở của Chúa Giêsu, có thể mô tả cách ăn mặc của Chúa để giúp họ nhận diện.  Nhưng không, chính ông đã đến tố giác Chúa, tố giác bằng một cái hôn.  Với Giuđa, dấu chỉ của yêu thương trở thành hành động của sự phản bội.

Giuđa đã bỏ lỡ nhiều cơ hội Chúa đã dành cho ông.  Ông đã từ chối những cánh cửa Chúa đã mở cho ông.

Chúa Giêsu biết rất rõ Giuđa sẽ phản bội, sẽ bán đứng mình bằng một cái hôn.  Ngài còn biết rất rõ rằng: Giuđa có nhiều khả năng, Giuđa có thể đổi đời và Ngài hy vọng ông sẽ đổi đường đi để đời ông đơm hoa kết trái.  Chính vì thế, Ngài đã chọn Giuđa.  Chúa chọn Giuđa không vì Giuđa xứng đáng mà để ông được biến đổi và nên xứng đáng hơn.

Bữa tiệc ly bắt đầu bằng một cử chỉ khiêm hạ đến rợn người.  Chúa rửa chân cho các môn đệ, cho Phêrô và cho cả Giuđa.  Ngài rửa chân cho Giuđa để ông tỉnh thức, để các tông đồ khác sau này hiểu rằng: Dù biết trước sẽ bị bán đứng, nhưng Chúa vẫn luôn yêu thương Giuđa.  Dù con người bất trung bất xứng tới đâu, Thiên Chúa vẫn một niềm trung tín, vì Ngài là tình yêu… biết mình bị phản bội mà vẫn cứ yêu thương.  Ngài cúi xuống rửa chân cho Giuđa, mong ông nhìn ra tình thương của Ngài.  Nếu Giuđa bắt được cái nhìn đó, có lẽ ông đã có một “sức bật” như Phêrô và sẽ không đi đến vực thẳm tuyệt vọng.

Trao tấm bánh cho Giuđa, Chúa muốn mở cho ông một lối thoát sau này.  Ngài muốn các môn đệ khác không hận thù, tẩy chay, nhưng vẫn để cho Giuđa là thành viên của nhóm 12.  Chúa vẫn rất thương ông dù ông có đốn mạt đến đâu đi chăng nữa.  Ngài hy vọng ông sẽ thay đổi và sẽ lại là một tông đồ. Vì Thiên Chúa là Đấng “không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”.

Nhưng khốn nỗi, trong bữa tiệc ly hôm ấy, chỉ một mình Gioan là hiểu được tấm lòng của Ngài.  Và Chúa Giêsu biết Gioan hiểu mình.  Gioan hiểu Chúa muốn anh em đừng làm khổ Giuđa, Gioan hiểu: Chúa muốn ông đứng ra làm chứng nếu sau này anh em có làm phiền Giuđa.  Cho đến phút cuối, Giuđa cũng đã nhận ra tấm lòng của Chúa (Mt 27,3-10).  Ông hối hận, ông xưng thú tội công khai và sẵn sàng đền tội.  Nhưng điều đáng tiếc là cách hành xử của ông đã làm uổng phí những cố gắng của Chúa.  Ông đã để lỡ cơ hội của Chúa, vì ông không thể tin rằng ông lại có thể được tha thứ, lại có cơ hội để sửa đổi.  Ông đã để lỡ cơ hội của đời mình, vì ông không tin rằng Chúa lại có thể thương mình đến như thế!

Cái chết của Giuđa vén tỏ một chân lý: Quỷ dữ và con người chỉ khác nhau có mỗi một điều, cả hai cùng có thể sa ngã, nhưng quỷ dữ thì sa ngã luôn, còn con người vẫn có cơ hội chỗi dậy, phục hồi và đi tới.  Cái chết của Giuđa cho tôi và bạn nhận ra rằng: Trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, cho dù có chậm chạp, té ngã nhiều đến đâu, nếu biết chỗi dậy trong hành trình đi theo Chúa, chúng ta không bao giờ trễ cả.

Một ai đó đã ví von: “Hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ ở sau lưng bạn”.  Như thế trở về với Chúa cũng là một cuộc chọn lựa, gạn đục khơi trong, bóc hết lớp vỏ bề ngoài mau qua, để dung nhan Thiên Chúa rạng ngời nơi tâm hồn.  Ơn gọi dấn thân, phục vụ của tôi và bạn không phải chạy theo nghi lễ bề ngoài, hay những nhu cầu giả tạo mau qua, cũng không sa lầy vào thói phô trương công đức, hay bằng lòng với một vài hoạt động rình rang nhưng rỗng tuếch vì thiếu sức sống, thiếu tình người.  Nhưng là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Đức Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tối tăm, những thân phận hẩm hiu, sao cho dung mạo nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh.  Như thế, tôi và bạn đang cộng tác vào việc biến đổi thế giới, đang theo chân Đức Kitô để cùng với Ngài đưa nhân loại vào hành trình phục sinh, khởi đi từ chính những đổi thay ngay từ hôm nay trong lối sống, trong cách nhìn, trong nếp nghĩ của chính mình.

Mùa Chay là một chặng dừng cần thiết của cuộc hành trình nội tâm của tôi và bạn.  Đó là giờ của ân sủng, là thời gian Thiên Chúa yêu thương con người.

Cuộc hành trình của con sâu gỡ mình ra khỏi tổ kén để trở thành cánh bướm, tương tự như cuộc “lột xác” của tôi và bạn, gỡ bỏ mọi khuynh hướng xấu của đam mê và tội lỗi để có thể gặp Chúa nơi tha nhân, là cuộc hành trình của hạt mầm đâm chồi vươn lên cho vụ mùa tốt tươi.  Hãy cúi mình xuống trong chân thành, khiêm hạ để có thể mở rộng tâm hồn với ân sủng Chúa ban qua những biến cố, những thành công, niềm vui và cả những thất bại, rã rời của tôi và bạn, vì biết rằng Chúa vẫn luôn mở ra cho tôi và bạn những cơ hội mới.  Bởi dù sao đi nữa, tôi và bạn không bao giờ thất vọng vì tin rằng Chúa luôn bên chúng ta và Chúa cũng không bao giờ thất vọng về chúng ta.

TuGiaVi

 

 

TÌNH YÊU ĐÁP TRẢ TÌNH YÊU

Thầy kính mến!

Có một loại thuốc mà trong danh sách của ngành y không có.  Đó là “tình yêu”.  Tình yêu là liều thuốc công hiệu nhất để xoa dịu cho một tâm hồn đang nhói đau; Tình yêu là chất bôi trơn nối kết người với người; và thật tuyệt vời bởi vì khi có tình yêu thì có thể tha thứ tất cả.  Tình yêu luôn luôn cho đi tất cả; chịu đựng tất cả; hy sinh tất cả; và yêu mến tất cả…

Thầy ơi! Tình yêu đẹp đến kỳ lạ quá, câu chữ của con không thể diễn tả hết được.  Tình yêu là cho đi mà không chờ sự đáp trả.  Tình yêu là dâng hiến mà chẳng toan tính thiệt hơn.  Con xin tạ ơn Thầy vì Thầy đã yêu và dạy con yêu.

 Có phải vì tình yêu mà Thầy đã quên đi cả thân phận là Thiên Chúa Ngôi Hai?
Có phải vì tình yêu mà Thầy chẳng ngần ngại khi trở nên giống như con người của con?
Có phải vì yêu mà Thầy đã chết một cái chết tủi nhục vì tội lỗi của con đây?
Phải chăng vì tình yêu mà Thầy đã kêu xin Chúa Cha tha tội cho chúng con ngay cả khi con người chúng con đã treo Thầy lên cây Thập tự – đau xót, tủi nhục và cô đơn?

Nhưng…

ZZCon thấy thật hổ ngươi bởi vì con vẫn chưa dừng lại ở đó, hằng ngày con vẫn quất thêm những chiếc roi vào thân thể của Thầy; vẫn đóng thêm những chiếc đinh treo Thầy lên; và vẫn đâm những lưỡi đòng vào trái tim yêu thương của Thầy mỗi khi con phạm tội.

Vậy mà Thầy vẫn nhất nhất chung tình với con cả khi có những lúc con đã quên đi hình bóng của Thầy trong cuộc sống mình mà đuổi theo những thứ khác như danh vọng; tiền tài; dục vọng…  Những thứ đó tuy chỉ làm con thấy mất đi bình an, mất đi ơn nghĩa với Chúa, thế nhưng con vẫn mải miết chạy theo, bỏ mặc đằng xa tiếng gọi yêu thương của Thầy.  Xin Thầy hãy kiên nhẫn với con Thầy nhé!

Và con vững tin rằng.  Với con Thầy vẫn giữ một mối tình đơn phương; Thầy vẫn trông ngóng bóng của đứa con hoang đàng này trở về với Thầy; Thầy vẫn tha thiết nguyện xin với Chúa Cha: “Lạy Cha! Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”(Lc 23,34).

Con đang sống trong tâm tình của những ngày Chay Thánh.  Xin Thầy ban cho con thêm niềm yêu mến Chúa và anh em.  Xin cho con biết trở về với Chúa là Cha trên trời.  Xin cho đôi tay của con trở nên đôi tay của Thầy.  Xin cho trái tim con trở nên trái tim của Thầy.  Để con cùng đi với Thầy trên con đường Thầy đã đi, cùng vác cây Thánh giá Thầy đã vác.  Để con cùng chết đi với Thầy để rồi  con sẽ được sống lại với Thầy.  Sống lại với một con người mới.  Và để con sống đúng như lời của Thầy: “ Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12).

Nguyện xin cho con biết: “Lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu!”

Gửi Thầy Giê-su yêu mến!

Stone

THÍCH TỐI HƠN SÁNG

Cúp điện bất ngờ là điều gây khó chịu. Trong bóng tối, người ta đi tìm hộp quẹt, tìm ánh sáng để thắp lên một ngọn nến, một cái đèn dầu. Nói chung chẳng ai thích bóng tối, vì bóng tối là dấu hiệu của lạc hậu, thiếu văn minh.

Ấy thế mà cũng có những người mê bóng tối: Bóng tối  của quán cà phê đèn mờ, của bia ôm, của karaokê, của sàn nhảy… Phải bỏ tiền ra để mua được bóng tối.  Bóng tối đồng lõa, che đậy, lấp liếm, làm mặt nạ.  Bóng tối trong tâm hồn cần có bóng tối ở bên ngoài. Nó sợ ánh sáng làm lộ chân tướng.

zzÁnh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.” (Ga.3:20). Thích tối hơn sáng, đó là thảm kịch nơi lòng con người, bởi lẽ con người được sinh ra để sống cho ánh sáng.

Lắm khi người ta từ chối tin vào Đức Kitô, từ chối đến với ánh sáng và sự thật, chỉ vì đời họ chìm trong bóng tối và giả trá.  Cần thay đổi cuộc sống để đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô, để can đảm đến với ánh sáng dù biết mình đang chìm trong bóng tối. Nói cho đúng hơn, vì biết mình nô lệ cho bóng tối mà ta khao khát vươn tới ánh sáng.

Đừng trốn chạy ánh sáng như Ađam, Evà. Hãy để cho ánh sáng vén mở chính mình, bắt ta đối diện với sự thật trần trụi về mình, để rồi ta được rực rỡ trong niềm vui vì được ánh sáng chiếu soi.

Chỉ có một cách ra khỏi bóng tối đó là trở lại với ánh sáng, bằng cách ngước nhìn lên cao…Dân Do Thái xưa kia trong sa mạc đã được chữa lành nhờ tin tưởng nhìn lên con rắn đồng treo trên cây gỗ. Ngày nay, chúng ta được cứu độ, được sự sống đời đời nhờ tin tưởng nhìn lên Đức Giêsu bị treo trên thập giá. Thập giá là tột cùng của nhục nhã đớn đau, nhưng cũng là biểu hiện tuyệt vời của một tình yêu.

Người Kitô không phải là người tôn thờ đau khổ, nhưng là người say mê tình yêu: Tình yêu của Cha khi trao ban người Con yêu dấu, tình yêu của Con khi hiến tặng mạng sống mình.

Ngày nay, nhiều nhà thờ đã đặt tượng Chúa Phục Sinh thay cho thập giá, nhờ đó bầu khí nhà thờ tươi vui hơn. Nhưng ta vẫn không được quên nhìn lên thân xác bầm tím nát tan của Đức Giêsu trên Núi Sọ.

********************

Lạy Chúa Giêsu,

Tạ ơn Chúa đã cho con ánh sáng mặt trời, mặt trăng, và ánh sáng từ những nguồn năng lượng trên mặt đất.

Tạ ơn Chúa vì Chúa đã gọi con là ánh sáng. Đó là vinh dự và cũng là một trách nhiệm nặng nề Chúa trao ban cho con.

Xin ban ơn giúp sức cho con để con biết đẩy lui bóng tối của hận thù; của bất công; của buồn phiền và thất vọng.

Xin cho con biết giữ gìn ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong lòng con, và nhất là biết trở lại với Ánh Sáng, để Ánh Sáng dẫn đưa con đi vào sâu thẳm trong Tình Yêu. Amen

Trích trong “Manna”

(BĐ1:2Sb.36:14-16 &19-23 – BĐ2:Ep.2: 4-10 – PA:Ga 3,14-21)

 

TA KHÁT

zzThầy yêu mến!

Với những sự ồn ào của cuộc chạy đua trong thời đại kinh tế thị trường, một xã hội mà vật chất quan trọng hàng đầu.  Ở đâu đâu cũng là những toan tính thiệt hơn, đâu đâu cũng là những bài toán cho việc kiếm tiền.  Và ở đâu đó trong sự ồn ào đó con vẫn nghe có tiếng nói tha thiết vọng lại: “Tôi khát!” (Ga19,28). Tiếng nói ấy như xoáy vào trong tâm khảm của đứa con nhỏ bé này.

Con biết Thầy đang khát, Thầy khát những lời cầu nguyện trong thế giới mà danh vọng và vật chất đã che phủ hết trái tim của con người chúng con – nhiều khi chúng con đã phủ nhận sự hiện hữu của vị Thiên Chúa tình yêu.

Con biết Thầy đang khát những trái tim biết mở cánh cửa ra để đón nhận nhau, trong một thời đại mà thù hận và ghen ghét phủ kín đi bóng mát của tình yêu – Mà tình yêu thì phát xuất từ Thiên Chúa. “Vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1Ga 4, 8).

Con biết Thầy đang khát những trái tim đơn sơ chân thành chạy đến nép mình trong trái tim Thầy để tìm kiếm bình an, để đắm mình trong tình yêu không điểm dừng không giới hạn của Thầy – một tình yêu dám chết cho người mình yêu.

Con biết Thầy đang khát những con chiên lạc đàn, Thầy khát khao tìm và đưa chúng về cùng Thầy, về bên Thầy.

Con xấu hổ với tình yêu của Thầy vì đôi khi con ngại ngần, đôi khi con sợ khó nhọc.  Vì khi cuộc đời là hưởng thụ thân xác, thỏa mãn xác thịt thì con biết khi đi trong tình yêu của Thầy là đi ngược lại với dòng chảy của cuộc đời ấy, là đi bên trái con đường ấy, là lội ngược dòng chảy của sự hưởng thụ ấy. Xin Thầy giữ cho con đi đúng con đường mà Thầy đã đi qua, Thầy nhé!

Thầy yêu mến! Vậy mà đôi khi những bước chân của con như lạc nhịp, con bị dòng chảy của sự bon chen, sự đòi hỏi của xác thịt kéo con ra xa Chúa – khi đó con như đang bị chìm xuống cái hố sâu , một cái hố vắng tình yêu Chúa.

Thầy yêu mến!  Con xin hát lời tạ ơn Thầy – vì khi con đang chìm xuống thì bàn tay Thầy đưa ra nắm lấy con, đưa con trở về để yêu thương con.  Con biết rằng  khi ở bên Thầy con thấy con chẳng thiếu thứ gì. Xin cho con cũng luôn luôn biết khát, khát khao được sống trong Thầy và với Thầy hàng ngày suốt cuộc đời con, để quả tim của con, hơi thở của con có cùng nhịp với quá tim và hơi thở của Thầy. Thầy nhé!

Gửi Thầy Giê-su yêu mến!

Con Dom Stone

HƯỚNG ÐẾN MAI SAU

Ngày nọ, tại một khu rừng diễn ra một cuộc gặp gỡ của ba con vật: Lừa, rùa và ruồi.  Cuộc sống của loài ruồi chỉ kéo dài trong một ngày.  Con ruồi nói với rùa và lừa như sau:

– Các bạn thử xem, nếu mà cuộc sống của tôi dài hơn một chút nữa thì dễ chịu làm sao.  Thử xem, chỉ trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ mà tôi phải làm mọi việc, nào là được sinh ra, rồi phải lớn lên, phải học biết những kinh nghiệm, phải chịu đau khổ cũng như hưởng những niềm vui, rồi già cỗi và chết đi.  Tất cả chỉ diễn ra trong hai mươi bốn giờ đồng hồ thôi.

Lừa nói:

– Nếu tất cả chỉ diễn ra trong hai mươi bốn giờ thì tôi thích chỉ được như thế thôi.  Tôi sẽ cố gắng cho đi tất cả, rất ngắn ngủi nhưng cũng rất ngọt ngào.

Rùa nhìn lừa rồi nói:

– Tôi chẳng thể nào hiểu được các bạn.  Tính cho đến lúc này là tôi đã sống được ba trăm năm rồi, vì thế cũng chẳng có thời gian để chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm của tôi bởi tôi đã có quá nhiều kinh nghiệm.  Khi vừa tròn hai trăm tuổi, tôi ao ước cuộc sống của tôi sớm được kết thúc.

Rồi quay nhìn lừa, rùa nói:

– Tôi ganh tị với bạn và với ruồi.

Lừa nói:

– Thật đáng tiếc cho bạn.

Lừa lại phát biểu:

– Sau khi nghe rùa nói, tôi thấy không thể nào tưởng tượng được và ước gì tôi có được cuộc sống dài như vậy.  Tôi có thể sống ba trăm năm có được không?  Hãy nghĩ xem, nếu có cơ hội được sống lâu như vậy tôi sẽ rất vui vì được nếm hưởng mọi sự trên đời này một cách lâu dài và thật mãn nguyện.

Rồi cả ba cùng buồn bã nhìn nhau trong im lặng, rồi chúng đo lường cuộc đời của chúng dài ngắn theo thời gian của kim đồng hồ, mỗi kẻ thích một điều, con thì thích đời dài hơn, con khác lại thích đời mình ngắn hơn một chút.  Cả ba con vật cùng nhìn ra xa và thấy con nhện đang giăng tơ.  Chị nhện vẫn được coi là vật khôn ngoan, được hỏi ý kiến, và xin cho mình một lời khuyên phù hợp.  Nhện nhìn rùa và bảo:

– Rùa ơi, hãy ngưng phàn nàn đi vì nào có ai có được nhiều kinh nghiệm bằng ngươi đâu.  Còn chú ruồi cũng đừng nên phàn nàn chi cả, vì có ai có nhiều niềm vui như ngươi đâu, vì chỉ trong hai mươi bốn giờ đồng hồ mà ngươi được nếm hưởng mọi sự trên cuộc đời này.  Và lừa ơi, ta chẳng biết phải nói với ngươi điều gì vì ngươi dường như muốn sống lâu như rùa là giống loài muốn sống cuộc đời ngắn như chú ruồi kia, ngươi mãi vẫn chỉ là một loài vật ngốc nghếch.

******************************

Người ta thường dùng câu ngụ ngôn để giải thích tại sao nói ví là ngốc như rùa.  Nhưng ở khía cạnh khác của câu chuyện, chúng ta cũng rút ra một bài học hữu ích cho chúng ta khi suy nghĩ về số mạng của mình, như chúng ta đã từng nói với nhau, chúng ta chỉ thực sự hạnh phúc khi chúng ta nhận ra số mạng Chúa đã ủy thác cho mỗi chúng ta.  Thái độ đó không làm thui chột khả năng mơ ước của chúng ta.  Khả năng mơ ước và ngưỡng vọng của chúng ta thăng tiến cuộc sống của mình.  Vì thế, chúng ta nên phát huy khả năng ước vọng Chúa ban cho chúng ta.  Nhưng chúng ta cũng đừng đồng hóa khả năng tốt lành đó với một tật xấu khác là sự ganh tị.

Sự ngưỡng vọng về một tương lai có thể là một tương lai xa mà cùng có thể là tương lai gần, và những chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống thường nhật chỉ cách nhau một vài giây sẽ làm cho chúng ta nhìn ra chính con người thật của mình với những ưu khuyết điểm rất rõ ràng.  Từ đó, chúng ta sẽ biết mình phải cố gắng phát triển thêm những mặt nào cũng như phải loại bỏ những điều gì không phù hợp trong cuộc sống của mỗi chúng ta.  Thái độ ấy không làm chúng ta thất vọng, trái lại nó làm chúng ta biết khiêm nhường và mau tiến triển hơn.

Làm sao có hạnh phúc khi nhận ra con người thật của mình trong chương trình của Chúa?

Chúng ta vui và hạnh phúc là nhờ Thiên Chúa và lời mời gọi nên trọn lành của Ngài để sống vui, trái lại sự ganh tị làm cho người ta cảm thấy nôn nao và lo lắng.  Người có tính ganh tị là người chỉ nhìn vào người khác rồi lo sợ và so bì với họ chứ không nhìn vào chính mình.  Người có tính ganh tị cũng sẽ là người hoặc tự mãn tự kiêu hay là người luôn tự ti mặc cảm, và những người này không thể nhìn xa hơn để vượt ra khỏi cái nhìn của mình, để rồi cứ quanh quẩn với cái nhìn phiền trách của mình để so đo điều hơn thiệt của mình với người khác.  Vì vậy, mỗi chúng ta hãy luôn nhắc mình để biết nhìn xa hơn, đặt mình trong chương trình của Chúa.  Chỉ khi chúng ta được nằm trong tình thương quan phòng của Chúa, chúng ta mới nhận ra giá trị của mình với Chúa hơn, cũng như sống tương quan, với anh chị em mỗi ngày một tốt hơn.

******************************

Lạy Chúa,zz

Xin cho chúng con biết sống gắn bó mật thiết với Chúa hơn trong mùa Chay này để chúng con nhận ra ơn gọi của mình và biết trân trọng những khác biệt của anh chị em để sống vui, hạnh phúc và luôn ngưỡng vọng về Chúa kể cả chân thiện mỹ.

R. Veritas