NHỮNG MÓN QUÀ CỦA BA ĐẠO SĨ

zzTrích Maranatha

Giáng sinh lại về.  Thời gian này, người ta nghĩ đến việc mua quà tặng nhau.  Quà Giáng Sinh đã trở thành một thứ không thể thiếu để bày tỏ  tình cảm của những người thương mến nhau, dù họ có đặt niềm tin vào Thiên Chúa Giáng Trần hay không.  Thế nhưng, người ta quên mất rằng những món quà đầu tiên ngày Giáng Sinh là của ba đạo sĩ dâng lên Hài Nhi Giêsu.  Và kể từ đó, những đạo sĩ khác tiếp tục dâng lên Hài Nhi Giêsu những món quà nho nhỏ… Không phải dâng lên Hài Nhi nhập thể ở chuồng bò Bêlem, mà nhập thể lại từng ngày trong những con người quanh ta, đặc biệt là những người nghèo nàn, thiếu thốn, cô đơn.  Nếu ta tinh ý một tí, ta sẽ gặp lại nhiều đạo sĩ ấy.  Và sau đây là ba trong số bao nhiêu đạo sĩ của ngày nay đang dâng những món quà Giáng Sinh đầy ý nghĩa.  Độc giả sẽ thấy rằng trang phục của họ không giống các vị đạo sĩ xưa kia, nhưng tấm lòng của họ thì vẫn như thế.  Maranatha sưu tầm và chuyển ngữ để trao lại độc giả như món quà Giáng Sinh năm nay, với lòng mong ước rằng người đọc những mầu chuyện này sẽ tự biến mình thành đạo sĩ thứ tư.

NGƯỜI ĐẠO SĨ THỨ I

Một buổi tối trong mùa Giáng Sinh, một cậu bé độ sáu bảy tuổi đứng trước một cửa hàng. Cậu bé không mang giày và quần áo thì tơi tả. Một phụ nữ trẻ đi ngang qua, nhìn thấy em và đọc được ước mơ trong đôi mắt của em. Cô nắm tay em đưa vào cửa hàng. Cô mua cho em một đôi giày và một bộ đồ mới.

Khi ra lại ngoài đường, người phụ nữ nói với em: “Bây giờ cháu có thể về nhà và sống những ngày Lễ Giáng Sinh thật vui nhé!”

Em bé nhìn lên hỏi cô: “Cô ơi! Cô có phải là Chúa không?”

Người phụ nữ mỉm cười nói: “Không em à. Cô chỉ là một trong những người con của Chúa thôi!”

Cậu bé thốt lên: “Em biết ngay mà! Em biết là cô có họ hàng với Chúa mà!”

Dan Clark (Are you God?)

NGƯỜI ĐẠO SĨ THỨ II

Một cậu bé từng mong gặp được Chúa.  Cậu nghĩ rằng đường đến gặp Chúa hẳn là xa, nên cậu bỏ vào ba-lô nhiều hộp bánh, vài lon nước ngọt và bắt đầu lên đường.

Khi cậu đi được vài ô nhà, cậu thấy một bà lão.  Bà ngồi trên ghế đá công viên nhìn những con chim bồ câu đang vui đùa.  Cậu bé đến ngồi cạnh bà và mở ba-lô ra.  Cậu định lấy một lon nước ngọt để uống, nhưng khi thấy bà lão có vẻ đói, cậu tặng bà vài chiếc bánh.  Bà nhận lấy và mỉm cười với cậu.

Nụ cười bà thật tươi nên cậu muốn nhìn thấy một lần nữa, vì thế cậu tặng thêm bà lon nước ngọt.  Bà lại mỉm cười và cậu bé cảm thấy sung sướng.

Họ ngồi cạnh nhau suốt buổi chiều mà chẳng nói với nhau một lời.

Khi hoàng hôn xuống, cậu bé thấm mệt nên muốn về nhà.  Cậu đứng đậy bước đi vài bước, rồi bỗng quay mặt chạy lại cạnh bà lão, ôm hôn bà.  Bà mỉm cười với cậu với khuôn mặt rạng rỡ hơn bao giờ hết.

Về đến nhà, mẹ cậu ngạc nhiên vì thấy cậu thật vui.  Bà hỏi: “Cái gì hôm nay làm con vui như thế?” Cậu đáp: “Con đã ăn trưa với Chúa.”  Mẹ cậu chưa kịp phản ứng thì cậu đã nói thêm: “Mẹ biết không? Chúa có một nụ cười dễ thương nhất trên đời!”

Trong khi đó bà lão cũng về đến nhà, gương mặt rạng rỡ niềm vui. Con của bà ngạc nhiên nhìn gương mặt tươi rói của bà.  Cô hỏi: “Mẹ ơi, điều gì hôm nay làm mẹ vui như thế?” Bà đáp: “Mẹ đã ăn bánh với Chúa ngoài công viên!” Người con chưa kịp phản ứng gì thì bà nói tiếp: “Con biết không? Chúa trẻ hơn là mẹ nghĩ nhiều!”

Julie A. Manhan (An Afternoon in the Park)

NGƯỜI ĐẠO SĨ THỨ III

Thoạt nhìn, bà ta cũng giống như bất cứ một bà lão nào khác.  Bước đi chậm chạp trên tuyết, một mình, xơ xác, đầu cúi gục.  Những người qua lại trên hè phố đông người ngoảnh mặt đi, ít ra là bà cũng nhắc họ rằng đau khổ không hề tạm dừng trong mùa Giáng Sinh

Một đôi vợ chồng trẻ, cười cười nói nói, tay ôm đầy quà Giáng Sinh, không để ý đến bà lão kia.

Một người mẹ hối hả đưa hai đứa con về thăm bà ngoại.  Họ cũng không để ý đến bà.

Một mục sư chững chạc bước đi, tay phải cầm chặt quyển Kinh Thánh, như một chiến sĩ cầm vũ khí.  Nhưng đầu óc ông đang nghĩ đến những sự trên trời, nên ông cũng không màng lưu ý đến bà.

Nếu những người ấy lưu ý, hẳn họ thấy rằng bà lão không mang giày.  Bà đi chân không trên tuyết và nước đá.

Hai bàn tay bà nắm chặt vào cổ áo đứt nút để che cho khỏi gió.  Bà đừng lại và đứng lom khom ở trạm xe buýt.  Đầu bà quấn một chiếc khăn màu đỏ xanh.  Bà đứng chờ xe buýt để đi vào trung tâm thành phố.

Một người đàn ông lịch lãm, tay cầm chiếc cặp da, đứng cạnh bà, nhưng không quá gần.  Biết đâu bà chẳng mang một bệnh truyền nhiễm.

Một em thiếu nhi cũng chờ xe buýt.  Em nhìn đi nhìn lại chân của bà lão, nhưng không nói tiếng nào.

Xe buýt đến và bà lão chậm chạp, khó khăn bước lên.  Bà ngồi trên ghế ngang cạnh người lái xe.  Người đàn ông và cậu bé đi vội xuống phía dưới.  Người đàn ông ngồi cùng ghế với bà lắc lư khó chịu và xoay mấy ngón tay.  “Cái bà già!” ông nghĩ thế!

Người lái xe nhìn thấy chân không của bà, bèn nghĩ: “dân vùng này càng ngày càng nghèo thêm. Tôi ghét nhìn cảnh này, tôi sẽ thích hơn ngày nào họ cho tôi lái tuyến đường Đại Học.”

Một cậu bé chỉ vào bà lão. ”Mẹ ơi! Nhìn kìa, bà già kia đi chân không”

Người mẹ bối rồi nắm tay con kéo xuống: “Andrew!  Đừng chỉ tay về người khác.  Như vậy là không lịch sự.”  Rồi bà nhìn ra cửa sổ.

“Bà này hẳn có con lớn chứ!” một phụ nữ mặc áo lông cừu thốt lên.  “Con bà chắc phải xấu hổ vì bà!”  Phụ nữ này cảm thấy hãnh diện vì cô chăm sóc mẹ mình đàng hoàng.

Một cô giáo ngồi ở giữa xe siết chặt gói quà trên đùi mình.  Cô nói với người bạn ngồi bên cạnh: “Chẳng phải là mình đã trả đủ thuế để lo cho những trường hợp này sao?”

Cô bạn trả lời “Đấy là sai lầm quản trị của phe Cộng Hòa; họ ăn cắp của người nghèo để cung cấp cho người giàu”.  Một ông tóc muối tiêu can thiệp: “Không phải đâu!  Đấy là do phe Dân Chủ.  Các chương trình an sinh xã hội của phe Dân Chủ biến người ta thành kẻ lười biếng và cầm tù người ta trong cái nghèo!”

Một cậu sinh viên ăn mặc bảnh bao lên tiếng: “Người ta phải học cách tiết kiệm!  Nếu bà già này biết tiết kiệm từ hồi còn trẻ, thì bây giờ bà đâu khổ đến thế.  Lỗi là do bà ta thôi!”

Tất cả những người ấy cảm thấy tự hào vì mình đã phân tích tình huống thật sắc sảo.

Tuy nhiên, một thương gia có lòng cảm thấy xúc phạm vì sự thờ ơ của các người cùng xe với mình.  Ông mở ví rút ra một tờ 20 đô-la nhăn nheo.  Ông khẳng khái bước lên và đặt tờ giấy bạc trong bàn tay run run của bà lão.  “Bà ơi, tặng bà để mua giày nè.”

Bà lão gật đầu cám ơn.  Người thương gia lui về ghế ngồi, hài lòng vì thấy rằng mình là một người biết biến lòng trắc ẩn thành hành động.

Một nữ Kitô hữu nhìn thấy mọi sự.  Cô bắt cầu cầu nguyện thinh lặng.  “Lạy Chúa, con không có tiền.  Con không thể nào giúp được bà ấy.  Nhưng lạy Chúa, con có thể dâng lên Chúa những nhu cầu của con người.  Con biết Chúa đầy lòng yêu thương.  Chúa làm được những điều bất khả.  Xin Chúa hãy tỏ hiện vinh quang Người trên bà lão này.  Xin cho đôi giày rơi xuống từ trời như man-na xưa, để cho bà lão này có được đôi giày mừng Giáng Sinh.”  Và người phụ nữ cảm thấy mình biết sống đời cầu nguyện.

Đến trạm tiếp theo, một cậu thanh niên lên xe.  Cậu mặc một chiếc áo gió màu xanh, thắt một khăn choàng màu nâu quanh cổ, đầu đội chiếc mũ xám che phủ đôi tai.  Một sợi dây nghe nhạc chạy luồn dưới nón vào tai nối liền với một máy nghe walkman.  Cậu lắc lư thân mình theo điệu nhạc mà chỉ một mình cậu nghe.  Cậu trả tiền vé rồi buông người xuống đối diện với bà lão.

Nhìn thấy đôi chân không của bà, cậu ngưng lắc lư.  Cậu thẳng người bất động.  Cậu đưa mắt nhìn chân bà rồi nhìn chân mình.  Cậu mang một đôi giày hiệu, đắt giá, mới toanh.  Hẳn cậu đã phải đề dành khá lâu với đồng lương ít ỏi để mua đôi giày ấy.  Bạn bè trong nhóm chắc sẽ cho rắng cậu rất ‘bảnh’ khi mang đôi giày này.

Cậu cúi mình xuống, tháo dây giày.  Cậu cởi đôi giày mới, cởi đôi vớ đang mang rồi quỳ xuống dưới chân bà lão.  “Má ơi!  Con thấy má không có giày.  Còn con thì có đây!”  Dịu dàng, anh nhè nhẹ nâng đôi chân khẳng khiu của bà lão lên.  Anh mang vớ và giày của anh vào chân bà.  Bà lão gật đầu cám ơn.

Xe buýt dừng lại ở một trạm kế tiếp.  Cậu thanh niên xuống xe.  Hành khách trên xe chồm theo nhìn cậu ta bước đi chân không trên tuyết.

Một người hỏi: “Anh ta là ai vậy hả?”

Một người khác đáp: “Chắc là một ngôn sứ!”

Người khác lên tiếng: “Hẳn là một ông thánh”

Có người hô to lên: “Xem kìa! Có ánh hào quang trên đầu anh ta”

Người nữ Kitô hữu bảo: “Anh ta chắc là Con Chúa.”

Nhưng cậu bé từng chỉ tay vào bà lão lại nói: “Không phải đâu mẹ ơi! Con nhìn kỹ anh ấy rồi… Anh ấy chỉ là một người thôi!”

Earnest Thompson (Only A Man)

 

NGÔI LỜI LÀ ÁNH SÁNG

zzMáng cỏ luôn làm cho chúng ta rúng động, vì đứng trước máng cỏ là đối diện với một Tình Yêu, một Tình Yêu mở ra bao la bát ngát. Cha đã mở ra bằng cách sai Con xuống thế làm người. Con đã mở ra bằng cách vâng phục ý Cha. Thánh Thần đã mở ra bằng cách tác động nơi lòng Đức Trinh Nữ.

Máng cỏ giúp ta gặp được Tình Yêu của Ba Ngôi, Tình Yêu không lùi bước trước sự khép kín của nhân loại.

Đến Bêlem, chúng ta bắt gặp một Tình Yêu khiêm tốn. Thiên Chúa đã cúi xuống để trao tặng cho con người. Con Thiên Chúa làm người sinh nơi hang súc vật, không một chút hào quang: Ngài sinh ra trong đêm tối; không một chút quyền lực: Ngài là trẻ thơ khóc oe oe. Đấng siêu việt nay chịu giới hạn bởi thời gian. Đấng Tuyệt Đối lại mang một thân xác hữu hạn.

Tình Yêu khiêm tốn không làm chúng ta bị choáng ngợp. không ban bố một cách cha chú, nhưng biết gõ cửa và chờ đợi.

Thiên Chúa giàu sang đã trở nên nghèo để chúng ta được trở nên giàu có (2Cr 8,9).

Hơn hai ngàn năm đã trôi qua kể từ khi Ngôi Lời đặt chân trên trái đất. Ngài đã thắp lên ánh sáng trong bóng đêm. Ngài chính là Ánh Sáng chiếu soi mọi người (Ga 1,9). Tiếc thay nhiều người đã chọn bóng tối, vì bóng tối dễ chịu hơn, đồng lõa hơn (Ga 3,19). Bóng tối ở ngoài tôi và bóng tối ở trong tôi.

Ngôi Lời đã đến nhà của Ngài, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1,11).

Đức Giêsu còn phải nhập thể cho đến tận thế.

Truyền giáo là làm cho Ngài được sinh ra ở đây, hôm nay, trong dòng văn hoá truyền thống của dân tộc, trong những biến chuyển của đất nước thời mở cửa, trong thế giới đã bước qua thế kỷ 21.

Sống mầu nhiệm Nhập Thể là trở nên một Maria khác, đón nhận Đức Giêsu vào đời mình, cưu mang Ngài, và sinh ra Ngài cho thế giới.

Cuộc sinh hạ nào cũng bắt trắc và đau đớn. Xin thắp lên một ngọn nến từ Ánh Sáng của Ngôi Lời. Xin gom lại trăm triệu ngọn nến để đẩy lui bóng tối trên mặt đất.

***

Giữa giá rét của mùa đông, xin cho con gặp Chúa.

Giữa những long đong và bấp bênh của phận người, xin cho con gần Chúa.

Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi, xin cho con thấy Chúa luôn đi bên con.

Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ, xin cho con cảm nếm được sự bình an của Chúa, ngay giữa những âu lo hàng ngày, và giữa bao điều không như ý.

Và xin cho con dám sống như Chúa vì Chúa đã dám sống như con.

(Trích trong ‘Manna’)

HÊRÔĐÊ

zzNhững ngày qua, các bạn đã nghe những lời êm ái, tôi sợ rằng các bạn ngủ quên đi mất.  Tôi muốn đánh thức các bạn.  Ít ra là những ai đồng quan điểm với tôi.  Các bạn đã nghe nhiều người kể lại về những điều họ đón nhận được nơi Giêsu.  Chưa nghe ai nói đến những điều phiền toái mà Giêsu đã mang đến.  Một trong những người bị rắc rối từ khi Giêsu sinh ra, đó là tôi: Hêrôđê.

Người đạo sĩ lúc nãy nói rằng người ta dễ thức tỉnh vì quyền lợi hơn là vì niềm tin, ông tưởng rằng đó là một khám phá độc đáo.  Thực ra, điều đó chẳng có gì lạ, rất bình thường nữa là khác.  Tôi đã thức tỉnh vì quyền lợi, đúng như vậy, và tôi cũng chẳng cần phải giấu giếm chuyện đó.

Tôi là vua, nhưng không phải là một ông vua cha truyền con nối, mà nhờ sự phấn đấu của chính bản thân tôi.  Các bạn còn nhớ chứ?  Chính tôi là người đã cho trùng tu đền thờ Giêrusalem: Đấy! tôi là một nhân vật có uy tín trong giáo quyền, cũng như trong chính quyền.

Tóm lại, tôi thuộc loại người thực tế, biết mình muốn gì, biết mình cần đi đến đâu, và đủ thông minh để gạt bỏ mọi trở ngại trên đường mình đi.

Bây giờ tôi nói đến chuyện Giêsu sinh ra.

Có mấy đạo sĩ đến nói cho tôi biết rằng họ đã nhận ra dấu hiệu của vua dân Do thái mới sinh ra.  Vị vua này là đấng Mêssia mà các tiên tri đã từng loan báo.  Thú thật, tôi không tin nổi chuyện này. Vì lời loan báo của tiên tri Isaia đã có cách đây 700 năm rồi.  Biết bao nhiêu thế hệ chờ đợi, mà có thấy gì đâu.  Vậy thì không có lý gì ngày hôm nay đấng Messia lại xuất hiện.

Vả lại, thời buổi này đang là lúc ổn định.  Chúng tôi bị người La Mã đô hộ thật đấy, nhưng thời gian khó khăn lúc đầu đã qua rồi, bây giờ thì người ta đã quen.  Ngoài món thuế phải nộp thường xuyên cho Rôma, nói chung, đời sống dân chúng cũng thoải mái, mọi sinh hoạt đều bình thường.  Trừ một vài nhóm Zélote ngông cuồng quá khích, còn lại số đông dân chúng chỉ muốn yên thân làm ăn sinh sống.  Chẳng ai hoài công trông chờ một Đấng Giải Phóng làm chi nữa.  Hiện trạng của xã hội thời tôi là thế đó.  Với cương vị là vua, là người lãnh đạo, tôi muốn duy trì tình trạng ổn định đó.  Vậy mà mấy ông đạo sĩ ở đâu đến đã làm rối beng hết mọi sự.  Dân chúng bắt đầu phao tin đồn nhảm.  Cuộc sống yên hàn ở Giêrusalem bắt đầu rục rịch xáo trộn.  Nhiều người đã ngồi mơ tưởng đến những chuyện viễn vông, và tệ hơn nữa, có người đã dám nhỏ to về ngôi vua của tôi.

Trước tình hình đó, tôi phải làm một cái gì để dập tắt những mầm mống phản loạn.  Các bạn còn nhớ chứ?  Tôi đã ra lệnh giết các đứa bé từ hai tuổi trở xuống trong phạm vi Bêlem.  Với cái chết của chúng, dư luận bất lợi cũng tiêu tan.  Có thể sẽ có người cho tôi là tàn ác, khát máu, khi ra lệnh giết các trẻ em vô tội.  Câu trả lời của tôi là thế này: “thà rằng một số đứa con nít hy sinh còn hơn là để sống sót những mầm móng sẽ gây rối loạn cho cả xã hội Do Thái sau này.”  Đạo đức và những tình cảm nhỏ nhặt đôi khi phải nhường bước cho sự tính toán khôn ngoan, nhất là trong cái nhìn của một người có trách nhiệm lãnh đạo như tôi.

Các bạn là những người bị Giêsu lôi cuốn, nên có thể sẽ cho rằng tôi sai lầm khi không đón nhận Giêsu, tôi mù quáng vì đã không chịu đến gặp Giêsu để được đổi mới cuộc đời…

Coi chừng các bạn đang nói chuyện lý thuyết đấy: Thử đặt vào địa vị của tôi, các bạn sẽ thấy. Đến với Giêsu, có nghĩa là rời bỏ cung điện của mình.  Đi theo mấy tên đạo sĩ kia, có nghĩa là phải chấp nhận Giêsu là vua dân Do Thái, thế ngai vàng của tôi hiện giờ thì sao?

Rõ ràng là việc Giêsu sinh ra đã gây cho tôi nhiều rắc rối.  Cũng như bao nhiêu lần gặp khó khăn khác, tôi phải suy nghĩ và chọn lựa: Một là Giêsu, hai là chính mình.  Tôi đã quyết định dứt khoát: tôi đã chọn chính mình.

Các bạn thấy rằng cuối cùng tôi đã gạt câu chuyện giáng sinh sang một bên.  Và nếu cần, tiếp tục thực hiện một vài biện pháp mạnh để dập tan những rắc rối có thể có.  Các bạn hãy tin tôi đi.  Đừng bị lệ thuộc vào những tình cảm vụn vặt, hãy biết suy tính khôn ngoan trong cuộc sống, và các bạn sẽ thành công.  Tôi đã sống như thế và tôi đã thành công.

LỜI ĐÚC KẾT

Hêrôđê đã sống như vậy và ông đã thành công.  Quả thật ông đã ngồi vững trên ngai vàng cho đến chết.  Nếu chúng ta hiểu sự thành công theo quan điểm của ông, thì Đức Giêsu đã thất bại, thất bại một cách chua cay: Ngài đã được gì?  Tiền tài?  Không!  Danh vọng?  Không!  Chức tước?  Không!  Ngai vàng của Ngài là thập giá.

Vấn đề của Hêrôđê cũng là vấn đề của chúng ta: Chọn lựa chính mình làm vua hay chọn Đức Giêsu làm vua.  Ngài vẫn còn đó và gọi mời, nhưng lời kêu mời của Ngài cũng nhè nhẹ như tiếng hát của thiên thần đêm Noel, mơ hồ như ánh sao của đạo sĩ lúc ẩn lúc hiện: một lời kêu mời vừa đủ rõ để chúng ta đón nhận nhưng không trói buộc chúng ta nên chúng ta có thể gạt qua một bên, như Hêrôđê.

Dù sao, những câu chuyện được nghe đều mang âm hưởng của cuộc sống hôm nay.  Ngày hôm nay, vẫn còn những con gái của chủ quán, ý thức rằng mình đang thiếu thốn một cái gì chưa thể đặt tên, rồi thức giấc trong đêm hướng lòng về hài Nhi để nhận lấy ánh sáng và nụ cười.  Ngày hôm nay, vẫn còn những “con lừa” đến bên cạnh Hài Nhi để phục vụ, rồi dần dà thông cảm yêu thương anh em mình, những người “có sừng” nhưng tốt bụng.  Ngày hôm nay, vẫn còn những đạo sĩ thứ nhất, những người tin tưởng vào Đức kitô, bước về với Ngài qua những tháng ngày đen tối, qua những tâm trạng trống rỗng và nguôị lạnh, nhưng chắc chắn rằng Ngài sẽ trung thành chờ đón ở cuối đường.  Và ngày hôm nay cũng vẫn còn không ít Hêrôdê, những người đã gạt câu chuyện Giáng Sinh của Giêsu qua một bên, và nếu cần, thực hiện một vài biện pháp mạnh để đập tan những tiến rên la nho nhỏ trong lòng, để tránh những phiền toái của cuộc đời.

Trong mùa Giáng-Sinh này, chúng ta sẽ là ai?  Là con gái chủ quán?  Là con lừa bên máng cỏ?  Là người đạo sĩ thứ nhất hay chúng ta là Hêrôđê?  Và tùy thuộc ở câu trả lời của một người mà niềm vui Giáng Sinh có đến với chúng ta hay không.

Đúng là niềm vui Giáng Sinh đã được ban cho, nhưng chúng ta cần phải đến với cõi lòng trống rỗng như người đạo sĩ thứ tư thì mới còn chỗ để cho niềm vui Giáng Sinh lấp đầy.  Có như thế thì lời loan báo cho mục đồng mới trở nên lời loan báo cho chúng ta: “Này, ta đem đến cho các ngươi một niềm vui to tát: hôm nay Đức kitô đã sinh ra cho các ngươi.” (Lc 2, 10).

Vâng, cho chúng ta! Cho mỗi một người trong chúng ta!

Trần Duy Nhiên

QUÀ TẶNG GIÁNG SINH

zz“Đức Giêsu là Quà Tặng quý giá nhất
Thiên Chúa trao gởi cho con người”
(x. Ga 3, 16)

Mùa Giáng sinh còn gọi là Mùa tặng quà.  Vì thế nào bạn cũng được tặng một món quà nào đó từ những người thân yêu, cha mẹ hoặc bạn bè.  Hay ít nhất bạn cũng nhận được một cánh thiệp Noel, một lời cầu chúc trên điện thoại, trong email hoặc trên các trang mạng xã hội.  Vậy tặng quà có ý nghĩa gì?  Nó mang lại cho bạn niềm vui nào?

Sự trao tặng nào cũng là một sự mất mát và tiêu hao: Mất mát thời giờ và công lao, tiêu hao tiền của và sức lực.  Sự mất mát và tiêu hao càng lớn thì quà tặng càng có giá trị.  Giá trị vật chất, giá trị tinh thần, nhưng nhất là giá trị của tình thương trao ban.

Người tặng quà khi gởi đi một món quà quý giá, thậm chí một món quà bé nhỏ nào đó, cũng đều gói ghém tất cả tình cảm mến thương; sự trân trọng, lòng biết ơn, có khi cả sự ngưỡng mộ của mình dành cho người đón nhận.  Một cách nào đó, khi tặng quà, chúng ta muốn trao ban chính bản thân mình, trao ban không tính toán, trao ban trọn vẹn.  Mẹ Têrêxa Calcutta đã nói: “Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình”.  Đó là tất cả ý nghĩa đích thực của sự tặng quà.

Nhưng có một nghịch lý hết sức thú vị, là càng trao ban, chúng ta càng được nhận lãnh; càng mất mát, chúng ta lại càng dư đầy.  Đó chính là niềm vui của trao ban, của dâng hiến.  Vì niềm vui của người chính là niềm vui của ta.  Léibnitz đã nói rằng: “Yêu là tìm chính hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của kẻ khác”.  Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm được niềm vui của trao ban khi ngài ghi lại lời Chúa Giêsu: “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh” (Cv 20,35).

Nếu có một bài học nào đó có thể rút ra từ việc tặng quà chính là: “Khi trao ban cho người khác người ta lại tìm được chính bản thân và những gì cao quý nhất”.  Đó là sứ điệp chạy xuyên suốt trong Tin Mừng, đặc biệt trong Mầu Nhiệm Giáng Sinh: Đức Giêsu chính là quà tặng quý giá nhất Thiên Chúa trao ban cho con người (x. Ga 3,16).  Người không chỉ mặc khải cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, mà còn tỏ bày cho chúng ta chân lý về chính con người: Đó là con người chỉ tìm lại được chính bản thân, nghĩa là đạt được nhân cách sung mãn bằng sự trao ban vô vị lợi mà thôi.

*******************************************

Lạy Chúa, giá trị đích thực của con người hệ tại ở lòng quảng đại trao ban.  Xin cho con không đi tìm niềm vui nào khác ngoài niềm vui trao ban và tiêu hao cho anh em con mỗi ngày.  Như Chúa đã trao tặng Người Con Chí Ái của Chúa cho chúng con, xin cho con cũng biết trao tặng những gì quý giá nhất cho anh chị em con khi họ cần đến.  Amen!

Thiên Phúc

 

TRUYỀN TIN

Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc.1:38)

Bạn thân mến ! Trên đây là lời nói “Xin Vâng” mà Đức Maria đã thân thưa lên cùng Thiên Chúa trong ngày xứ thần Gabrien truyền tin cho Đức Maria cách đây hơn hai ngàn năm về trước, ngày mà mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng trinh nữ Maria đã thực sự bắt đầu.

Khi suy gẫm về Mầu Nhiệm Nhập Thể,  ta thường nghĩ ngay tới biến cố Chúa sinh ra ở Bêlem.  Thật ra mầu nhiệm Nhập Thể đã bắt đầu ngay từ giây phút Truyền Tin,  giây phút mà  Đức Maria nói lên hai tiếng xin vâng trước Thánh Ý Thiên Chúa.

Với tâm tình đầy tin tưởng, vâng phục và phó thác. Hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Maria đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới, đã khai mở kỷ nguyên cứu rỗi, đã đem lại cho muôn dân muôn nước niềm hy vọng và bình an.

Với hai tiếng “Xin Vâng”, Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự hủy thân phận mình là Thiên Chúa, là  đấng “tạo hoá” đầy quyền năng để trở thành một “tạo vật” với một hai tế bào nhỏ bé trong cung lòng Trinh Nữ Maria.  Với hai tiếng “Xin Vâng”, Ngôi Lời đã trở thành một thai nhi, lớn lên trong lòng Đức Mẹ như bao nhiêu con người bình thường khác.

Mẹ Maria đã nói lời xin vâng để làm theo Thánh Ý Thiên Chúa trong ngày truyền tin.  Mẹ Maria không chỉ nói lời xin vâng một lần với Thiên Chúa, không chỉ thốt lên một lần để thay cho tất cả, nhưng lời xin vâng đã đi theo suốt cuộc đời của Mẹ, đã liên lỉ gắn bó trong trọn một kiếp người.

Với hai tiếng xin vâng, Mẹ Maria đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, đã cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc.  Từ tiếng “Xin vâng” đầy phó thác và tuân phục vào ngày Truyền Tin đến lời “Xin vâng” trọn vẹn tin yêu và chấp nhận dưới chân thập giá Đức Giêsu.  Mẹ đã chấp nhận đứng dưới chân Thập Giá để dâng hiến Người Con Duy Nhất của Mẹ lên cho Thiên Chúa Cha.

Không phải chỉ có Đức Maria được mời gọi, mà mỗi người chúng ta cũng đều được mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta hôm nay cũng đều được Thiên Chúa viếng thăm và truyền tin trong từng ngày, từng biến cố của cuộc sống.  Ước chi ta có trái tim rộng mở của Đức Maria, có tâm hồn vâng phục trong khiêm nhường của người trinh nữ nơi thôn làng Nadarét để luôn biết “Xin Vâng” trước những lời mời gọi của Thiên Chúa.

Mùa vọng với biến cố Truyền Tin được nhắc đến trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, phải chăng đó lại là một “cơ hội thuận tiện” để tất cả chúng ta hăng hái lên đường đáp trả lời mời gọi của Tin Mừng : ăn năn sám hối, chay tịnh và chia sẻ.

Sống mầu nhiệm “Truyền Tin” phải chăng đó là biết can đảm  để “xin vâng” trước lời mời gọi của Tin Mừng, “xin vâng” trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, “xin vâng” trước bệnh tật đói nghèo mà vẫn bình an thanh thản, “xin vâng” trước những đòi hỏi phải hy sinh, chối từ để giữ tâm hồn trong sạch, lương tâm công chính, “xin vâng” trước những bổn phận và trách nhiệm đòi hỏi phải đầu tắt mặt tối, tất bật vất vả với nước mắt mồ hôi, “xin vâng” khi phải cúi xuống để rửa chân cho anh em, hay phải đứng lên để can đảm bênh vực cho công bằng và chân lý, cho hòa bình và bác ái, cho dù phải mất mát thiệt thòi hay ngục tù tử đạo. 

 ***

Lạy Mẹ Maria!  xin Mẹ giúp chúng con luôn biết noi gương bắt chước Mẹ nói lời “xin vâng” trong suốt cuộc lữ hành trần thế này.  Xin Mẹ cho con biết mở lòng và cộng tác với Ơn Chúa để hoàn thành sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng con. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas

TINH THẦN GIÁNG SINH

zzTôi tin, bởi dù tôi có thấy mình già hay bẳn tính đến đâu đi nữa, nhưng mỗi khi mùa Giáng sinh tới, tôi cảm thấy tinh thần của Giáng sinh bàng bạc trong không khí và trong trái tim tôi.  Nó là một cái gì hiển nhiên, không thể nào nhầm lẫn, và nó có ở nơi nơi…

Nó ở trong đôi mắt mở to của trẻ em khi chúng thổ lộ những mong ước thầm kín nhất của mình cho một ông già vui tính có bộ râu trắng dài thậm thượt, đội cái mũ kỳ khôi và mặc bộ đồ độn bông đỏ chói, người sẽ rong ruổi khắp thế gian trên cỗ xe khổng lồ thắng những con tuần lộc có cánh và sẽ làm cho ước mơ của chúng thành sự thật.

Nó ở trong tất cả những “trợ thủ của ông già Noel”, những người giữ cho điều kỳ diệu đó cùng niềm hy vọng mà nó khơi lên luôn sống mãi.

Nó ở trong những người chẳng có gì nhiều nhặn để cho nhưng vẫn cho đi những gì họ có, ở trong những người có nhiều và cho đi những gì mình có một cách hào phóng, để không ai phải lâm cảnh thiếu thốn.

Nó ở trong những lời “Chúc mừng Giáng sinh” nồng nhiệt gửi tới những người ta yêu thương cũng như những người xa lạ.

Nó ở trong những trò chơi và niềm vui khi người ta cùng tụ hội bên nhau, trong những món trang trí rực rỡ và ánh đèn lấp lánh, những cây thông và vòng hoa ngát hương, trong những món ăn ngon lành – tất cả là để đón mừng ngày lễ của sự chăm sóc và chia sẻ.

Nó ở trong những giọng cất cao để ngâm thơ và hát về tình yêu và truyền đi thông điệp về hòa bình và niềm vui cho thế gian.

Nó ở trong những tấm thiệp và bức thư mà dù có viết gì đi nữa vẫn nói cùng một điều: “Tôi nghĩ về bạn.  Tôi lo lắng cho bạn.  Tôi mong cho bạn điều tốt lành.”

Nó ở trong những cuộc đoàn tụ với gia đình, quây quần với người thân, bạn bè, mà ở đó việc trao nhau những món quà của tình yêu thương và tiếng cười, tình bạn và tình nghĩa gia đình, và những giờ phút sẻ chia cho nhau, cùng ở bên nhau, thật sự ở bên nhau, còn quý giá hơn bất cứ món quà nào mà tiền có thể mua.

Nó cũng ở trong mỗi món quà “hoàn mỹ” được chọn lựa đầy cẩn trọng hay được làm ra với biết bao công phu, được trao đi bằng tình yêu thương để đáp ứng một nhu cầu, lấp đầy một chỗ trống, hay để làm một trái tim tràn ngập niềm vui.

Tinh thần của Giáng sinh nằm ở mỗi niềm vui được sẻ chia và trong mỗi hành vi chu đáo trong khoảng thời gian tuyệt vời này của mỗi năm.  Thế nhưng, trong cái nhộn nhạo và tất bật của mùa Giáng sinh (mà mỗi năm dường như lại bắt đầu sớm hơn) và với tình trạng thương mại hóa ngày lễ thiêng liêng này (mà dường như mỗi năm một trắng trợn hơn), người ta thật dễ dàng đánh mất tinh thần của Giáng sinh.  Tôi biết rằng chính tôi thỉnh thoảng cũng hầu như đánh mất nó.  May sao, tôi có phúc có được một gia đình và những người bạn với tấm lòng nhiệt thành không suy suyển đối với Giáng sinh, chính họ luôn luôn nhắc tôi nhớ đến ý nghĩa đích thực của ngày lễ.

Một chiều Giáng sinh gần ba mươi năm trước, đứa con giữa của tôi leo lên lòng tôi để làm nũng mẹ.  Vốn là một đứa hết sức hiếu động, nhưng hôm đó nó bỗng trở nên trầm lặng và kín đáo khác thường, chỉ vì nó và con chị đã cười khúc khích, xì xầm với nhau và liên tục nhón chân nhìn qua cửa sổ phòng ngủ của chúng ở tầng trên cho mãi đến nửa đêm, những mong bắt gặp ông già Noel, để rồi sáng mai thức dậy mở những món đồ chơi mới ra mà chơi, sau đó thì chơi đùa, ăn uống, đuổi bắt và chơi thêm chút nữa với anh em họ, với cô dì chú bác, và lại, ôi trời ơi, và lại mở thêm quà, quà của cô dì chú bác của ông bà nội ngoại của cô giữ trẻ của bè của bạn.  Xì!  Nghĩ mà phát chán.

Trong khi tôi với con cuộn mình trong cái ghế bập bênh, vừa bập bênh lên xuống vừa ngắm cây thông, nó thở dài sườn sượt hỏi tôi: “Má biết không má?” (Nó đã chuẩn bị cái câu “má biết không” này suốt cả năm qua.)

“Sao hở con?”

“Con thích Giáng sinh.”

“Má cũng vậy mà, cưng.”

“Con ước gì mình luôn luôn có Giáng sinh.  Ngày nào cũng có.”

“Nếu ngày nào cũng có Giáng sinh thì đâu còn gì đặc biệt nữa,” tôi nói. “Với lại, con tham quá vậy, từng ấy quà thì con làm gì cho xuể?”

“Không phải chuyện quà!” nó ngước nhìn tôi nói, lông mày nhíu lại vì mệt mỏi và chân thành. “Mà là hạnh phúc.  Ngày nào cũng Giáng sinh thì ngày nào nhà ta cũng sẽ có nhiều hạnh phúc.”

Khỏi phải nói, tôi không thể hứa hẹn ngày nào cũng mang lại cái hạnh phúc Giáng sinh trong cách nghĩ của một cô bé lên bốn tuổi trong suốt cuộc đời nó.  Nhưng tôi đã cố gắng năm nào cũng giữ cho tinh thần Giáng sinh vẫn sống, cố gắng làm lan tỏa ánh sáng của niềm vui bất cứ lúc nào và cho bất cứ ai mà tôi có thể.

Cao Đăng

CÓ CHỨ, VIRGINIA, CÓ ÔNG GIÀ NOEL

“Thưa Ngài Chủ Bút.  Em là  bé gái 8 tuổi.  Vài người bạn của em cho rằng không có ông già Noel.  Ba nói với em rằng “Nếu con đọc thấy điều đó trên tờ The Sun thì nó đúng như vậy.”  Vậy làm ơn cho em biết sự thật CÓ ÔNG GIÀ NOEL HAY KHÔNG?”

Virginia O’ Hanlon

zzLá thư đã được gửi đi ngay trước Noel năm 1897.  Trả lời thư cho bé Virginia là một bài báo viết vội ngay vào lúc tờ báo chuẩn bị lên khuôn cho số Giáng Sinh dưới tựa đề  “CÓ CHỨ, VIRGINIA, CÓ ÔNG GIÀ NOEL”

Bài báo viết:

“Virginia, những bạn bè nhỏ của em đã nói sai rồi.  Các bạn ấy đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoài nghi của một năm hoài nghi.  Các bạn không tin trừ khi đã thấy.  Các bạn nghĩ rằng không gì có thể bởi đầu óc nhỏ bé của các bạn không thấu lĩnh được.  Tất cả mọi đầu óc, Virginia, dù là người lớn hay trẻ em đều nhỏ bé.  Trong vũ trụ rộng lớn này, trí óc con người chỉ là một côn trùng, một con kiến so với thế giới vô cùng bên ngoài nó, nhỏ bé như khả năng trí tuệ của con người trong nắm bắt toàn bộ sự thật và kiến thức.

CÓ CHỨ, CÓ ÔNG GIÀ NOEL.  Ông hiện diện cũng chắc chắn như Tình Yêu, Sự Rộng Lượng và Lòng Thành Tâm đang tồn tại, và em biết rằng chúng đầy rẫy sẽ mang cho đời sống của em cái đẹp và niềm vui cao quý nhất.  Chao ôi, thế giới này sẽ ảm đạm biết bao nhiêu nếu không có ông già Noel.  Nó cũng buồn như nếu không có những bé như Virginia.  Lúc đó sẽ không có niềm tin trẻ thơ, thơ ca và sự lãng mạn làm cho sự tồn tại này có thể chịu đựng được .

Không ai thấy ông già Noel ra sao.  Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy không có ông già Noel cả.  Nhưng điều thật nhất trên thế giới này chính là những điều mà cả người lớn và trẻ em đều không thể thấy.  Có bao giờ em thấy những bà tiên nhảy múa trên thảm cỏ xanh chưa?  Dĩ nhiên chưa, nhưng đó không phải là bằng chứng rằng họ không có mặt nơi đó.  Không ai có thể nhận thức hoặc tưởng tượng ra được tất cả những điều kỳ diệu không thể thấy được trong thế giới này.

Em phá tung cái lúc lắc trẻ thơ để tìm cho ra cái gì làm nên tiếng động bên trong nó, nhưng có một tâm mạng che cái thế giới chúng ta không thấy được, mà không một người mạnh nhất hoặc thậm chí một sức mạnh liên kết của một nhóm người mạnh nhất từng sống, có thể đặt qua một bên bức màn đó để chiêm ngưỡng và vẽ nên cái đẹp và sự huy hoàng bên ngoài nó.  Liệu nó có thật hay không?  Ôi, Virginia, trong cả thế giới này không có gì khác thật sự và vĩnh cữu.  Không có ông già Noel.  Nhưng nhờ Trời, ông sống và sống mãi mãi.  Hàng nghìn năm tới nữa, không, Virginia, hàng chục lần của hàng chục nghìn năm sau nữa, ông vẫn sẽ tiếp tục là niềm vui của trái tim trẻ thơ ”

Tác giả của lá thư tòa soạn trả lời bé Virginia chỉ được công bố tên thật sự sau khi ông mất.  Đó là cây bút bình luận của tờ The Sun, Francis Pharcellus Church, lúc ấy 57 tuổi, và theo Bảo Tàng Báo Chí ở Arlington, bang Virginia, bài viết này của ông là bài bình luận được in lại nhiều nhất trong lịch sứ báo chí Mỹ.  Nhà báo này qua đời năm 1906 còn Virginia O’ Harlon Douglas cũng mất năm 1971 lúc bà 81 tuổi sau một cuộc đời cống hiến cho trẻ tật nguyền.  Hành trang cho sự nghiệp giáo dục của bà Virginia là lá thư phúc đáp của Church mà bà cho biết đã mang theo suốt cuộc đời mình.

Hơn 100 năm đã trôi qua kể từ lá thư hoài nghi của cô bé Virginia nhưng lý lẽ của Church vẫn tiếp tục sống.  Bởi nó không chỉ là bài trả lời về việc có hay không có Ông Già Noel, mà trên tất cả nó là thông điệp của lòng tin vào những giá trị nhân loại cao quý.

Sưu tầm

NGƯỜI LÀM CHỨNG

Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nói về Gioan, người làm chứng. Lẽ sống của Gioan là làm chứng. Ông được sai đến để làm chứng (Ga.1:7-8).  Cả câu chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan, cũng là một lời chứng hùng hồn của ông (Ga.1:19).

Gioan không làm chứng cho mình hay về mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng. Ông chỉ là ngọn đèn (Ga.5:35) giúp mọi người tin vào Ánh Sáng thật là Đức Kitô.

Sau khi nhiều người tuốn đến chịu phép rửa, tiếng tăm của Gioan trở nên lừng lẫy. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cử một phái đoàn đến tìm hiểu con người ông.

Khi được hỏi lần thứ nhất: Ông là ai? Gioan đã đưa ra ba câu trả lời phủ định: “Tôi không phải là Đức Kitô” – “Không phải” – “Không”. Những tiếng “không” dứt khoát và trung thực.

Ông không nhận những danh hiệu mà người ta nghĩ về ông. Ông chẳng phải là một Êlia tái sinh hay một vị Ngôn Sứ phi thường như Môsê.  Gioan chỉ sợ người ta đánh giá quá cao về mình khiến Đấng ông giới thiệu bị che khuất.

Lần thứ hai được hỏi: Ông là ai? Gioan đã định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa, là lời mời gọi con người hãy mau mau sửa đường cho Đức Kitô.

Ông biết rõ mình là người đến trước nhưng người đến sau lại có trước ông và trổi vượt hơn ông muôn ngàn lần (Ga.1:30). “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Làm đầy tớ cho Đức Kitô, ông nhận mình không xứng đáng.

Gioan tự xóa mình trước Đức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.

Gioan không ngại giới thiệu môn đệ của mình đi theo Đức Giêsu, và ông bình an khi người ta đổ xô đến với Ngài để chịu phép rửa (Ga.3:26).

Có ai siêu thoát như Gioan? Ông từ bỏ trong niềm vui hồn nhiên. Ông hạnh phúc vì mình đã hoàn thành sứ mạng. “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé đi” (Ga.3:30). Sự khiêm hạ làm cho lời chứng của Gioan đáng tin hơn. “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.”

Hôm nay Đức Giêsu vẫn là Đấng xa lạ với nhiều người. Con người vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ, trong khi Đấng Cứu Độ đã đến từ hơn 2000 năm qua.

Ước gì ta được làm người chứng như Gioan, giới thiệu cho thân nhân bạn bè về Đấng mà họ đang tìm kiếm.

(Trích trong ‘Manna’)

****

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

R. Tagore

ƠN CỨU CHUỘC VÀ ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Tín điều Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội có quan hệ mật thiết với chương trình Ngôi Hai nhập thể. Tổng quát hơn, nhà thần học H. Urs von Balthasar nói rằng “Toàn bộ Thánh Mẫu học phải được giải thích theo Kitô học, và chính điều này làm nên sự cao cả của Đức Maria”.  Thiên Chúa đã chọn Đức Maria cùng hiệp thông cho chương trình cứu rỗi và ban cho Mẹ sự tinh tuyền ban đầu.  Trong sự khiêm hạ, Mẹ đã nhận với vai nữ tì trong chương trình hồng ân này.  Điều đó gợi ý cho chúng ta, những người đang chuẩn bị chào đón Chúa Hài Đồng giáng thế lần thứ 2011, cũng cần chuẩn bị một hang đá đơn sơ, trong sạch, như Ngài đã ban cho Đức Maria – hang đá ấy chính là tâm hồn của mỗi người.

zzNgày lễ mừng Vô Nhiễm Nguyên Tội (08 tháng 12) và lễ Sinh nhật của Đức Maria (08 tháng 9) có quan hệ về mặt thời gian và sự kiện.  Nghĩa là lễ mừng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tiến hành trước 09 tháng so với lễ Sinh Nhật Đức Maria.  Yếu tố thời gian và tính chặt chẽ của các sự kiện, còn liên quan đến một số thánh lễ khác của đạo Công giáo.  Lễ mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả – ngày 24 tháng 6, trước ngày lễ Giáng sinh sáu tháng, còn lễ Thiên thần Truyền Tin ngày 25 tháng 3 thì trước Giáng sinh tròn chín tháng.

Ngày 08 tháng 12, chính là thời điểm Đức Maria được thụ thai, theo một phương thức đặc biệt, vì đã được Thánh Thần nhào nặn trong cung lòng thánh nữ Anna.  Người được hình thành như là một tạo vật mới (Hiến chế tín lí Lumen Gentium).

Tín điều Vô Nhiễm nguyên Tội của Đức Maria được khẳng định trong giáo lý Công giáo.  Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ khỏi tì ố của tội nguyên tổ vào lúc Mẹ được thụ thai.  Mẹ đã được Thiên Chúa ban cho ân sủng tràn đầy, mà chúng ta tìm thấy trong đọan Tin Mừng về lời chào của Thiên thần Gabriel khi đối thoại với Mẹ Maria “Hãy vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng.  Chúa ở cùng Người” Lc (1, 28).

Một thời gian dài, ơn Vô nhiễm nguyên tội dành cho Đức Maria trở thành đề tài tranh luận và chúng ta xác tín sự cần thiết tuyệt đối ơn cứu chuộc nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô.  Chân phước Gioan Duns Scot đề xuất một giải pháp dung hòa về sự Vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria và giáo lý về sự cứu chuộc của Đức Kitô bằng cách phân rõ 2 trường hợp của ơn cứu chuộc: ơn cứu chuộc bằng cách gìn giữ và ơn cứu chuộc bằng cách chữa trị.  Thiên Chúa đã dùng phương cách thứ nhất cho Đức Maria và cách thứ hai cho chúng ta.  Và như thế, nếu mọi người đều phạm tội trong Adam, thì Đức Maria lại được gìn giữ để trở thành một ngoại lệ.  Chính Mẹ đã nhận được ân sủng lớn lao này, khi Thiên Chúa lập trình cho chương trình cứu chuộc con người từ muôn đời.  Còn chúng ta chỉ được thụ hưởng ơn này sau ngày lãnh nhận bí tích rửa tội.

Một vấn đề được đặt ra, tại sao tước hiệu Vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria được công bố muộn màng, năm 1854 do Giáo hoàng Piô IX mới long trọng tuyên bố?  Thật ra không phải chỉ có tước hiệu trên, mà các tước hiệu còn lại của Đức Maria cũng được công bố chậm.  Đặc ân Đức Mẹ hồn xác lên trời, đến năm 1950 mới được Giáo hoang Piô XII công bố.  Điều này chứng tỏ 2 ý sau:

  1. Thần học là môn khoa học, con đường tiếp cận chân lý của nó thông thường theo phương pháp tiệm tiến. Nghĩa là cần có thời gian và sự đóng góp đa dạng từ nhiều phía khác nhau của nhiều thần học gia.
  2. Chúng ta thừa nhận rằng, Tin Mừng ít đề cập đến Đức Maria, và tất nhiên việc đề cập đến yếu tố Vô nhiễm nguyên tội càng ít tường minh. Lí do chính yếu, vì Chúa Giêsu là nhân vật chính trong Tin Mừng – Thiên Chúa muốn con người tập trung chú ý vào Đức Kitô. Trong Tin Mừng, thì cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Ngài lại là trọng tâm. Chúng ta dễ thấy, nội dung Tin Mừng có bố cục tập trung vào quảng đời ba năm họat động của Ngài, dù Ngài trải qua 33 năm trên trần thế.

Khoảng năm 60 thuộc thế kỉ thứ nhất, Tin Mừng đầu tiên của thánh Mác-cô xuất hiện.  Mác-cô lại bắt đầu Tin Mừng của mình bằng việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, nghĩa là xem nhẹ tuổi trẻ Chúa Giêsu và vai trò Đức Maria.  Tiếp theo về thời gian, là sự xuất hiện Tin Mừng thánh Mat-thêu, Lu-ca, Gio-an. Người ta chỉ bắt gặp sự xuất hiện của Đức Maria được diễn tả rõ ràng trong Lu-ca, sau đó là Gio-an.

Việc khám phá chậm các tín điều này của giáo hội Công giáo, vừa mang tính khoa học, vừa nằm trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc dành cho loài người.

Lạy Đức Maria, sau khi được sạch nhờ phép thanh tẩy, chúng con vẫn tiếp tục chọn đi trên con đường tội lỗi vì sự yếu đuối và đức tin yếu kém.  Xin hãy cầm tay dẫn dắt vì chúng con chỉ là những đứa trẻ muốn đi đúng đường và bình yên trên con đường ấy trong sự che chở của Mẹ, cho dù đó là đường Thập Giá.

G. Tuấn Anh

ÔNG GIÀ NOEL LÀ AI?

Thành Patara thơ mộng, một thành phố cổ thuộc miền Tiểu Á, ngày nay nằm ở vùng nam duyên hải Thổ Nhĩ Kỳ.  Trên ngọn đồi, Nicholas ngồi bên tảng đá, chàng hết ngắm nhìn biển xanh rồi lại quay nhìn ngôi nhà xinh xắn của chàng.  Rất nhiều lần chàng đã ngắm nhìn như thế, nhưng hôm nay chàng mới để ý nhà chàng đẹp và sang trọng nhất thành.  Chàng liên tưởng tới song thân đạo hạnh mới lần lượt vĩnh biệt chàng đi vào thế giới vô hình, để lại cho chàng một gia tài kích xù.  Chàng nhớ đến những chiếc rương nặng, đầy vàng bạc và châu báu đang khóa kỹ tại kho tàng nhà chàng…..

Nicholas chậm rãi hướng cặp mắt lên bầu trời muôn mầu sắc lúc hoàng hôn, chàng thầm thĩ cầu nguyện:

– Lạy Chúa, Ngài biết rằng con không cần đến mọi của cải đó. Con ước ao phụng sự Ngài.  Xin Ngài dậy con phải làm gì!

Nicholas hiểu rằng Chúa sẽ không trực tiếp trả lời chàng, nhưng chàng tin rằng Ngài sẽ đáp lại lời nguyện cầu của chàng bằng cách này hay cách khác.  Vì thế, chàng chờ đợi…

Một hôm, Nicholas cỡi ngựa qua một xóm nghèo.  Bọn trẻ quần áo xác xơ, cả lũ ngừng chơi nhìn chằm chặp vào chàng thanh niên đẹp trai cỡi trên lưng con ngựa quí.  Lập tức, Nicholas đọc được trong những đôi mắt và trên thân hình gầy gò của chúng sự nghèo túng, đói khát và đáng thương.  Đột nhiên chàng nhớ lại lời Chúa Kitô: “Các con làm điều gì cho một kẻ bé mọn nhất trong anh em Ta đây, chính là các con làm cho Ta”.  “Những kẻ bé Mọn! Các trẻ nhỏ!”  Nicholas tự nghĩ, “ Chúa muốn tôi giúp đỡ các trẻ nhỏ”.  Lập tức chàng quay ngựa đi thẳng đến phố chợ.  Tại đây, chàng mua sắm những quần áo sặc sỡ, những đôi giầy đủ mầu đủ cỡ, rồi chàng xin những người bán hàng chất các rổ, các thúng với mọi thứ thịt thà, bánh kẹo, hạt giẻ và trái cây.  Đồng thời chàng nhờ họ giữ thứ đó cho tới khi chàng trở lại.

zzĐêm ấy, khi thành phố đã yên giấc, bọn trẻ đã ngủ say, Nicholas bí mật đi từ nhà này sang nhà khác, qua những cửa sổ mở trống, chàng đặt trên sàn nhà từng chiếc rổ, chiếc thúng đầy ắp những bánh quà, thịt thà và quần áo.  Chàng không quên bốc những nắm kẹo và hạt giẻ bỏ vào những đôi giầy mới để gây ngạc nhiên cho bọn trẻ.

Cứ thế, từ hôm này qua hôm khác, ban ngày Nicholas đi tìm kiếm kẻ nghèo đói, đêm đến chàng rảo qua các nhà, bí mật bỏ lại những món quà.

Chẳng mấy chốc, người trong thành đã xôn xao bàn tán, họ hỏi nhau:

– Ai là người đã bí mật trao tặng chúng ta những món đồ cần thiết, mà chúng ta không hay biết?

Khi nghe được những lời bàn tán của dân chúng, Nicholas tạm ẩn mặt một thời gian.  Chàng chỉ muốn một mình Chúa biết việc chàng làm.  Chàng tự nghĩ: “Nếu mình nhận lời cám ơn về việc mình làm, thì ra như đã nhận công thưởng đời này rồi!”

Ngày kia, Nicholas nghe kể về một người bạn của cha chàng, ông ta cũng là người thành Patara, nhưng làm ăn suy xụp.  Do sự suy xụp này ông ta không đủ tiền để sắm sửa cho ba cô con gái đã đến tuổi thành hôn.  Ông ta dự tính sẽ gửi cả ba đứa con vào làm cho một tửu quán gần nhà, để chúng có thể kiếm tiền lập gia đình.  Khi nghe câu truyện, Nicholas tỏ ra rất bực tức, vì cũng như mọi người trong thành, chàng biết rằng người chủ quán là một kẻ tội lỗi.  Những nàng con gái làm trong tửu quán đó không khỏi đi theo đàng tội!

Ngay đêm đó, Nicholas bỏ đầy một túi nhỏ những đồng tiền vàng, đi thẳng tới nhà người bạn của cha chàng.  Qua cánh cửa sổ đang mở, chàng thẩy túi vàng trên bàn, nơi người con gái lớn đang ngồi.  Khi nghe tiếng la sửng sốt của cô con gái vì túi vàng bỗng dưng từ đâu bay tới, Nicholas lanh lẹ trốn mất!  Không lâu sau đó, chàng nghe kể cô ta đã lập gia đình trong hạnh phúc.  Nhưng hai cô em còn ở lại nhà vì chưa có tiền!

Rồi chẳng bao lâu, Nicholas lại lần mò đến, chàng thẩy một túi vàng khác vào chỗ cô gái kế, và cũng nhờ túi vàng này, người con gái lập được tổ ấm hạnh phúc.

Thời gian kén rể cho cô con gái út đã đến, đêm nào cũng thế, người cha cẩn thận rình mò gần cửa sổ.  Ông nói với cô con gái cưng:

– Ba cần phải biết ai đã giúp đỡ chúng ta, để chúng ta còn nói với người một lời cám ơn.

Đêm đó, Nicholas lại bí mật ném túi vàng thứ ba qua cửa sổ.  Nhưng bỗng nhiên tay chàng bị nắm lại.  Chàng bị bắt quả tang!

–  À thì ra anh Nicholas, chính anh là người đã cho chúng tôi những túi vàng!  Chúng tôi cần phải biết vị ân nhân của chúng tôi.  Xin mời anh vào trong nhà, để chúng tôi còn tỏ lòng biết ơn anh.

–  Không!  Không!  Tôi không muốn việc tôi làm bị bại lộ.  Cách tốt nhất ông tỏ lòng biết ơn tôi là xin hứa với tôi, sẽ không bao giờ nói cho ai biết việc tôi đã làm.

Sau đó, Nicholas chẳng những dâng hiến của cải và thời giờ cho Chúa, chàng còn dâng mình để trở thành một linh mục.  Rồi một thời gian sau, ngài được chọn làm Giám Mục thành Myra, không xa Patara là bao.  Lòng nhân ái và qủang đại đối với người nghèo của Ngài đồn ra khắp nơi.

Người ta kể rằng, một đêm bão tố khủng khiếp tại biển Aegean, Nicholas cứu nguy một chiếc tầu đã hầu chìm đắm nhờ kêu cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa.  Do câu truyện này, các thủy thủ ở miền đó thường kêu tên Nicholas trước các chuyến hải hành.  Họ chúc nhau một cuộc hành trình tốt đẹp khi nói:

– Xin thánh Nicholas cầm lái!

Nhiều huyền thoại xoay quanh cuộc đời Đức Giám Mục Nicholas, Đấng sau này đã được phong thánh.  Cùng với thánh Anrê Tông Đồ, Ngài là Quan Thầy nước Nga.  Tại Đức, Thụy Sĩ và Hòa Lan người ta tỏ lòng tôn kính thánh Nicholas bằng nhiều tục lệ tốt đẹp.  Dần dà, Ngài được coi như một vị thánh của trẻ nhỏ.

Trong đêm vọng lễ kính Ngài, ngày 6 tháng 12, trẻ em thuộc nhiều quốc gia đặt giầy của chúng ra ngoài nhà để cho thánh Nicholas bỏ đầy kẹo bánh và đồ chơi.  Nếu chúng vẫn tỏ ra ngoan ngoãn, chúng có quyền hy vọng như vậy.

Người Hòa Lan đã đem những tục lệ này vào Mỹ.  Thánh Nicholas hay “Saint Klaus” của người Hòa Lan từ đó được biết như “ông già Noel” (Santa Claus).  Rồi thay vì đặt giầy ra ngoài nhà vào đêm vọng lễ thánh Nicholas, các trẻ em Mỹ treo những đôi vớ của chúng vào đêm Sinh Nhật để được “ông già Noel” bỏ đầy kẹo bánh và đồ chơi.

Thánh Nicholas qua đời tại Myra vào thế kỷ thứ 4.  Nhiều nhà thờ tại Á Châu và Âu Châu được xây dựng để kính nhớ Ngài.  Thế kỷ 17, khi quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Myra, nước Ý.  Người ta đã di hài cốt Ngài về táng tại Pari, nước Ý và tại đó hài cốt Ngài vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Raymond Thư, Lm, CMC

*******************************************

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, cuộc đời cha thánh Nicolas đã thắp sáng lên một ngọn đuốc tình yêu trong thế gian, đặc biệt là trong những tháng ngày đêm đông lạnh lẽo này. Xin cho con biết bắt chước cha thánh Nicolas, khi không thể làm một ngọn đuốc sáng rực thì xin là một đốm lửa nhỏ trong ánh tối mập mờ của thế gian. Khi không thể dâng hiến trọn vẹn một gia tài cho Chúa và tha nhân thì cũng xin dạy con biết cho đi những món quà bé nhỏ, đơn sơ nhưng gói trọn niềm yêu mến. Những món quà trong ngày kỷ niệm sinh nhật Chúa không chỉ đến với những người thân thương trong gia đình mà trải dài tới những anh em nghèo đói hơn đang sống quanh mình.

Chúa biết tình yêu con nhỏ bé, tâm hồn đầy những tính toán, khả năng vật chất hạn hẹp, khi không thể làm và sống như cha thánh Nicolas được, thì xin cho mỗi người chúng con là một “Little Santa Claus”, một ông già Noel nho nhỏ. Baby Giêsu ơi, Ngài sinh ra mang niềm vui cho cả nhân loại, cuộc đời cha thánh Nicolas mang niềm vui cho bao người, đặc biệt là trẻ em, xin cho con mang niềm vui đến cho một người xa lạ, vâng chỉ một người thôi, trong mùa Giáng Sinh này, để lễ kỷ niệm ngày Sinh nhật Chúa năm nay có một ý nghĩa đặc biệt hơn trong cuộc sống con.  Amen!

LTCT