DÂY YÊU THƯƠNG

Trời chạng vạng tối, Joe đang lái xe về nhà trên con đường làng nhỏ hẹp.  Tìm công việc giữa cộng đồng người Trung Đông này quả thật rất khó, thật tình mà nói, nó cũng rề rày như chiếc xe Pontiac cà tàng của anh.  Nhưng Joe quyết không bao giờ từ bỏ ý định tìm kiếm công việc.  Kể từ lúc nhà máy sản xuất quần áo hiệu Levis đóng cửa, Joe đã trở nên thất nghiệp.  Và thế là mùa đông này lại càng lạnh hơn…

Đường sá thật vắng vẻ.  Chẳng ai thèm đi lại trên con đường này, trừ phi họ đang rời khỏi nó.  Hầu hết các bạn của Joe đã rời khỏi khu vực này.  Họ có mái ấm gia đình để vui vầy và có những giấc mơ để hướng đến.  Nhưng Joe thì vẫn đóng đô ở đây.  Dù sao, đây cũng là nơi mà anh đã chôn cất ba mẹ mình, cũng là nơi anh sinh ra và lớn lên.

Con đường này quá quen thuộc đối với Joe đến nỗi anh không cần bật đèn xe cũng có thể nói cho chúng ta biết cái gì hiện có ở hai bên đường.  Trời càng lúc càng tối dần, và có dấu hiệu cơn bão tuyết đang sắp đến.  Joe phải cố gắng rời khỏi chỗ này càng nhanh càng tốt.

Joe lướt xe nhanh đến nỗi suýt nữa thì anh đã không nhìn thấy một phụ nữ lớn tuổi đang gặp khó khăn bên đường.  Nhưng dù trong ánh sáng mờ mờ, Joe cũng có thể nhận thấy bà đang cần giúp đỡ.  Anh đỗ xe đằng trước chiếc Mercedes của bà rồi bước ra ngoài.  Chiếc Pontiac của anh vẫn nỗ máy xình xịch trong khi anh tiến về phía bà ta.

Mặc dù nhìn thấy nụ cười nở trên môi Joe, người phụ nữ nọ vẫn lo lắng.  Chắc chẳng có ai lại tốt đến nỗi có thể dừng lại giúp bà vào giờ này.  Không biết anh ta có định làm hại bà không?  Anh ta nhìn không đáng tin cậy một chút nào cả, trông có vẻ rất nghèo đói.  Joe cũng có thể nhìn thấy bà ta đang đứng đó run rẩy, sợ hãi.  Anh hiểu cái cảm giác của bà lúc này.  Thế nên anh nói, “Cháu dừng lại để giúp bà đây.  Bà vào lại trong xe ngồi chờ đi cho ấm, cháu sẽ coi xem có sửa xe được không.  À, tên cháu là Joe.”

Chiếc xe của bà bị nổ lốp.  Tuy có mang theo một chiếc lốp khác, nhưng với độ tuổi của bà thì việc thay một chiếc lốp xe là khó khăn biết chừng nào.  Joe bò vào gầm xe tìm chỗ để đặt đồ nâng xe lên, khuỷu tay anh trầy xước cả.  Cuối cùng thì Joe đã thay xong lốp xe cho người phụ nữ nọ.  Nhưng quần áo anh thì lấm lem, còn tay chân thì trầy trụa.  Khi Joe đang vặn chặt ốc vít cuối cùng lại, bà mới kéo cửa sổ xe xuống và bắt đầu nói chuyện với anh.  Bà ở St. Louis và có chuyện phải đi ngang qua con đường này.  Bà không biết phải nói làm sao để diễn tả được sự biết ơn với anh.  Joe chỉ mỉm cười trong lúc đóng lại cốp xe sau cho bà.

Người phụ nữ hỏi Joe rằng bà phải trả anh bao nhiêu.  Anh muốn bao nhiêu tiền bà cũng trả được.  Bà rất biết ơn anh, trong khi ngồi chờ anh sửa xe, bà đã tưởng tượng biết bao nhiêu điều kinh khiếp có thể xảy ra cho mình nếu như không có Joe dừng lại giúp.  Nhưng Joe chưa bao giờ nghĩ về tiền bạc.  Đối với anh, giúp đỡ người khác không phải là một nghề nghiệp để kiếm tiền.  Đây chỉ là việc giúp đỡ một ai đó khi họ cần đến mình, vì chính Chúa Ngài đã dành sẵn rất nhiều người để giúp đỡ anh trước kia. Anh đã sống cả cuộc đời mình như vậy và anh sẽ không làm khác đi.  Joe nói với bà rằng nếu bà muốn trả công cho anh, thì chỉ cần lần sau khi bà gặp ai cần sự giúp đỡ thì xin bà rộng lòng giúp đỡ họ; và Joe nói thêm, “và khi đó, bà sẽ nhớ đến cháu.”

Joe chờ cho đến khi bà nọ nổ máy xe và lái đi, anh mới tiếp tục về nhà.  Hôm nay là một ngày lạnh lẽo và buồn tẻ nhưng Joe cảm thấy vui hơn sau khi gặp bà ta.

Về phần người phụ nữ nọ, sau khi lái xe được một vài cây số, bà thấy một quán nhỏ ven đường.  Bà bước vào để ăn một chút gì cho đỡ đói, và cũng để bớt lạnh trước khi tiếp tục lái xe về nhà.  Đó là một nhà hàng trông có vẻ nhớp nháp.  Phía bên ngoài là hai trạm bơm xăng cũ kỹ.  Bà ít khi nào nhìn thấy một quan cảnh ảm đạm giống như vậy bao giờ.

Cô nhân viên phục vụ tiến đến và mang cho bà một chiếc khăn sạch để lau tóc.  Cô ta có một nụ cười thật tươi, một nụ cười dường như theo cô suốt ngày.  Bà để ý thấy rằng hình như cô ta đang mang thai được khoảng chừng 7 – 8 tháng, nhưng có vẻ như cô ta chẳng bao giờ để những cái mệt mỏi, khó chịu, đau đớn làm thay đổi tính tình cô.  Bà ngạc nhiên suy nghĩ tại sao có những người có “quá ít” mà lại sẵn lòng cho đi “quá nhiều”, ngay cả với một người hoàn toàn lạ mặt như bà.  Bà chợt nhớ đến Joe.

Sau khi dùng xong bữa ăn, bà tính tiền bằng tờ 100 đô.  Khi cô phục vụ bước vào quầy để lấy tiền thối, bà lẳng lặng rời khỏi quán.  Lúc cô quay trở lại bàn thì chẳng thấy vị khách đâu nữa.  Cô ngạc nhiên không biết bà ta đã đi đâu, chợt cô thấy một hàng chữ viết trên tấm khăn ăn.  Cô đã khóc khi đọc lời nhắn, “Cô không nợ gì tôi cả, tôi cũng đã từng trong hoàn cảnh giống cô.  Có người đã từng giúp tôi giống như tôi giúp cô vậy.  Nếu cô muốn trả ơn tôi thì đây là điều mà cô sẽ làm.  Đừng bao giờ để sợi dây yêu thương phải dừng lại ở đây.”

Cô vẫn còn có nhiều việc phải làm, dọn dẹp bàn ghế, đổ đầy các hũ đường và vài người khách đang bước vào quán, nhưng cô bảo họ tiệm đã đóng cửa, cô sẽ làm mọi thứ vào ngày mai.  Đêm hôm đó, khi cô trở về nhà và bước vào giường, cô nghĩ về món tiền và những lời mà người khách nọ đã để lại.  Làm sao mà bà ta biết được vợ chồng cô cần đến số tiền ấy biết nhường nào?  Tháng sau đứa bé ra đời, lúc đó gia đình sẽ gặp khó khăn biết là bao nhiêu.  Cô cũng biết rằng chồng cô lo lắng như thế nào… Và cô đến bên cạnh người chồng đang say ngủ, cô đã hôn nhẹ lên má chồng và thì thầm nho nhỏ, “Mọi điều rồi cũng ổn cả thôi mà, em yêu anh, Joe!”

***************************

Trong cuộc sống, có lúc chúng ta suy nghĩ rằng mình có quá ít, đến nỗi không thể chia sẻ gì cho người khác được.  Nhưng chính Thiên Chúa là người Cha yêu thương, sẽ luôn ban tình yêu và ân điển dư dật trên chúng ta, là con cái Ngài.  Xin hãy là một mắc xích trong sợi dây yêu thương bắt nguồn từ Thiên Chúa, để đem tình yêu Chúa đến với nhiều người.  “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Sưu tầm

CHIẾC NHẪN THẦN

Truyền thuyết người Do Thái có kể câu chuyện như sau.  Beneiah là vị quan vốn thường hãnh diện cho rằng ông sẽ chu toàn mọi nhiệm vụ mà nhà vua giao phó.  Nghe như vậy, vua Solomon ra lệnh cho quan Benaiah trong vòng sáu tháng, ông phải tìm cho nhà vua một chiếc nhẫn thần vừa có khả năng làm cho ai mang nó vừa cảm thấy mình hạnh phúc và cũng cảm thấy mình đau buồn.

Dù là người rất tài giỏi, Benaiah cảm thấy lo âu vì làm sao có thể tìm chiếc nhẫn nào vừa làm cho người ta hạnh phúc và đau buồn được!  Thời gian thấm thoát trôi qua, Benaiah miệt mài bôn ba tìm kiếm chiếc nhẫn thần khắp mọi nơi mà cũng không nghe ai nói là có chiếc nhẫn thần như vậy.  Ngày qua ngày, Benaiah càng hiểu rằng mạng sống của mình sắp bị lấy đi, vì không thể tìm cho nhà vua chiếc nhẫn thần được.  Cuối cùng, khi đang ngồi nghỉ chân trong quán nước, ông chia sẻ câu chuyện này với người chủ quán nhằm tìm sự cảm thông và trút bớt phần nào nổi phiền muộn lo sợ trong lòng ông.  Nghe xong câu chuyện, ông già chủ quán thưa lại.  “Tôi đang có chiếc nhẫn mà ông đang kiếm tìm.”  Nghe vậy, Benaiah sáng mắt và quì xuống van xin được mua lại chiếc nhẫn đó với bất kỳ giá nào.  Ông già đáp, “Tôi không bán, nhưng tôi chỉ tặng vì dù giá trị nó có lớn lao bao nhiêu đi chăng nữa, nó cũng sẽ qua đi.”  Ông già trao cho Benaiah chiếc nhẫn, chiếc nhẫn thần rất đẹp với hàng chữ: “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi.”

Hôm sau, Benaiah trình nhà vua với chiếc nhẫn, nhà vua hoan hỹ và trọng thưởng cho Benaiah.  Cầm chiếc nhẫn trên tay, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của nhà vua, nhưng khi đeo chiếc nhẫn thần vào, nhà vua thấy hàng chữ: “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi” điều này làm cho nhà vua buồn, vì ông hiểu rằng, chính địa vị của ông, vương quốc của ông, danh tiếng của ông rồi cũng sẽ qua đi như hàng chữ trên chiếc nhẫn nhắc nhở: “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi.”[i]

************************

Quí bạn thận mến, câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng không có gì là bất biến vĩnh hằng trong kiếp nhân sinh.  Niềm vui hay nỗi buồn, giàu sang hay nghèo hèn, được tán dương hay bị khinh chê,… Cũng vậy, tất cả chúng cũng sẽ qua đi.  Thông điệp “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi” là một thông điệp đơn sơ nhưng hùng hồn để nhắc nhở chúng ta về sự thật của cuộc đời.

Trong tiến trình làm người, nhiều người thường trải qua hai giai đoạn suy nghĩ đối lập nhau.  Những người trẻ tuổi nhìn cuộc đời như bất biến, vĩnh hằng.  Họ tin rằng sức khỏe, sắc đẹp, và sức sống của mình sẽ mãi mãi không thay đổi.  Ngược lại, đối với những người lớn tuổi, họ âu lo, sợ hãi cho sức khỏe, cho sắc đẹp của mình; cuộc đời không còn là bất biết vĩnh hằng như họ đã từng suy nghĩ như trước đây.  Như vậy, thái độ nào là hợp lý và giúp ta nhận ra giá trị thật khi ta quan sát cuộc đời?  Xin thưa, có thể nói rằng thái độ hợp lý đó là trân trọng giây phút hiện tại nhưng không bám víu vào chúng.  Nói cách khác, sống trân trọng tức là sống từng giây phút hiện tại với tất cả khí lực của tuổi trẻ.  Mỗi giây phút hiện tại dẫn ta đi vào hành trình khám phá giá trị con người.  Mỗi giây phút hiện tại cũng đẩy lùi những bám víu vào quá khứ, dù là những giây phút huy hoàng hay xót xa cho những lầm lỗi.  Và cũng chỉ có giây phút hiện tại mới thực sự giúp ta xây dựng tương lai cho đời ta một cách thực nhất.

Thưa bạn, Sư Cô Ayya Khema trong tác phẩm “Being Nobody, Going Nowhere” đã chia sẻ rằng. “Hành trình tâm linh không phải hành trình để học nhằm đạt được điều này điều nọ, nhưng là học biết từ bỏ.”[ii]  Cũng vậy, học làm người không gì khác hơn chính là học biết cách biết bỏ đi, thả xuống chứ không phải nhặt lên và góp giữ lại.  Biết thả xuống quá khứ và đừng góp giữ tương lai.  Bạn thử nắm bàn tay bạn lại thì sẽ biết.  Bàn tay nắm lại là bàn tay nóng, không hưởng được khí thiên nhiên; bàn tay mở là bàn tay mát vì hưởng được khí trời ban tặng.  Sống hiện tại là sống mở ra như bàn tay mà không giữ lại quá khứ và cũng không cố gắng bắt chộp tương lai.

Br. Huynhquảng

[i] Lược dịch từ Wisdom Tales (Atlanta: August House:1996),70.
[ii] Ayya Khema, Being Nobody, Going Nowhere (Boston: Wisdom Publication: 1987),4.

KHÔN NGOAN TÌM NƯỚC TRỜI

Vua Salomon nổi tiếng là vị vua khôn ngoan sáng suốt.  Ông đã xử những vụ án rất khó khăn một cách khéo léo không khác gì Bao Công.  Bà hoàng hậu Saba ở mãi tận phương nam cũng phải đến nghe sự khôn ngoan của ông.  Nhưng khôn ngoan nhất là khi được Chúa cho chọn lựa, ông đã không xin được trường thọ hay được giàu sang, mà chỉ xin được ơn khôn ngoan.

Lời cầu xin của ông rất đẹp lòng Chúa.  Nên Chúa đã khen ngợi và ban cho ông mọi điều mong muốn. Chúa muốn tôi bắt chước vua Salomon, biết xin ơn khôn ngoan và biết khôn ngoan trong những lựa chọn.  Nhất là biết khôn ngoan lựa chọn Nước Trời như những người trong bài Tin Mừng hôm nay.

zzNhững người trong bài Tin Mừng hôm nay khôn ngoan vì thao thức đi tìm.  Sự thao thức đi tìm được thấy trong thái độ bôn ba đây đó, khảo sát đất đai.  Chắc phải đào bới nhiều mới thấy kho tàng chôn giấu trong ruộng.  Sự thao thức đi tìm cũng thấy trong việc ra khơi thả lưới.  Vất vả chài lưới rồi còn phải lựa chọn.  Dù vất vả, họ quyết tìm cho ra Nước Trời.

Họ khôn ngoan vì biết phân định.  Đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị thượng vàng hạ cám, như chiếc lưới đánh bắt đủ mọi loại tôm cá.  Giữa những giá trị ấy ta phải biết phân định.  Lựa chọn những giá trị cao quý, tốt đẹp. Biết chọn lựa cá tốt, vứt bỏ cá xấu.  Biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì dơ bẩn.  Biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu.  Biết giá trị của Nước Trời dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian.

Họ khôn ngoan vì dám dấn thân. Khi đã biết được giá trị Nước Trời, họ dấn thân theo đuổi đến cùng. Dấn thân trọn vẹn nên bán tất cả những gì mình có để đổi lấy kho tàng, viên ngọc quý.  Dấn thân quyết liệt vì bán hết nhà cửa rồi thì không thể quay về chốn cũ, chỉ còn gắn bó với quê hương mới mà thôi. Dấn thân tuyệt đối, bỏ hết tất cả chỉ vì một viên ngọc.  Dấn thân như thế là thái độ của tình yêu, sự say mê, sự khao khát mãnh liệt.  Đó chính là thái độ phải có khi đi tìm Nước Trời.

Họ khôn ngoan vì biết từ bỏ.  Bán tất cả những gì mình có là một từ bỏ lớn lao.  Dứt lìa những gì mình gắn bó còn đau đớn hơn nữa.  Bỏ một nơi yên thân chắc chắn để dấn thân vào một tương lai bấp bênh thì thật là phiêu lưu đến tận cùng.  Nhưng không có cách nào khác.  Phải bán tất cả mới đủ sức mua viên ngọc Nước Trời.  Phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời.  Luyến tiếc một chút là bất thành.  Chần chừ một chút là hỏng việc.  Nấn ná một chút là bị lỡ cơ hội.

Họ từ bỏ một cách nhẹ nhàng thanh thoát.  Nên từ bỏ rồi họ cảm thấy vui tươi.  Họ từ bỏ một cách mau mắn vì họ đã dứt khoát với những gì xưa cũ.  Lòng trí của họ chỉ gắn bó tha thiết với kho tàng mới tìm thấy.

Đó là những thái độ khôn ngoan đáng cho ta noi theo trên con đường đi tìm Nước Trời.  Biết thao thức đi tìm.  Biết phân định giá trị.  Biết mau mắn từ bỏ.  Biết hăng hái dấn thân đến cùng.

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc.

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

NƯỚC TRỜI

– Lạy Ngài! Xin ban cho con tâm hồn khôn ngoan, biết phân biệt lành dữ.

– Vì ngươi đã không xin sống lâu, không xin được giầu sang phú qúy, mà lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin… (V.3:7-12)

***

Bạn thân mến! Trên đây là lời đối thoại cầu nguyện của vua Solomon với Thiên Chúa được ghi lại trong bài đọc thứ nhất của Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay. Vua Salomon nổi tiếng là vị vua khôn ngoan sáng suốt. Nhưng điều khôn ngoan sáng suốt nhất của ông là khi được Chúa cho chọn lựa, ông đã không xin được trường thọ hay được giàu sang phú qúy, mà chỉ xin được ơn khôn ngoan, biết phân biệt lành dữ. Lời cầu xin của ông rất đẹp lòng Chúa, nên Chúa đã khen ngợi và ban cho ông điều ông mong muốn.

Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng mời gọi ta hãy khôn ngoan trong kiếm tìm và lựa chọn: Hãy tìm kiếm những điều cao trọng và vĩnh cửu. Hãy chọn lựa và chiếm hữu kho tàng cao qúy hạnh phúc trong cuộc sống đời đời.

Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn. Người nông dân nghèo phải đi làm thuê tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng. Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời, có giá trị lớn lao. Sau đó phản ứng của cả hai người rất giống nhau: “Khi tìm được kho tàng, tìm được ngọc qúy thì họ vui mừng, về bán tất cả những gì mình có mà mua những thứ ấy ” (MT. 13,44-52).

Chúa Giêsu Kitô chính là kho tàng mà ta luôn mơ uớc. Ngài là viên ngọc qúy mà ta phải chiếm hữu và là Nước Trời mà ta phải nỗ lực tìm kiếm. Khi tìm kiếm Ngài, Ngài ban cho ta một niềm vui và sự bình an to lớn hơn tất cả mọi sự. Dù phải vất vả, dù có khó khăn… ta quyết từ bỏ tất cả, hy sinh tất cả để đổi lấy Nước Trời. Đó chính là thái độ khôn ngoan cần thiết cho mỗi người kitô chúng ta hôm nay:

Khôn ngoan vì biết từ bỏ. Bán tất cả những gì mình có là một từ bỏ lớn. Dứt lìa những gì mình gắn bó là một từ bỏ lớn hơn nữa. Bỏ một nơi yên thân chắc chắn để dấn thân vào một nơi bấp bênh thì thật là một từ bỏ đến tận cùng. Nhưng không có cách nào khác. Phải bán tất cả mới đủ sức để mua viên ngọc Nước Trời. Phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Luyến tiếc một chút là bất thành. Chần chừ một chút là hỏng việc. Nấn ná một chút là bị lỡ cơ hội.

Khôn ngoan vì biết phân định giữa điều tốt và điều xấu, và nhất là giữa điều “tốt” và điều “tốt nhất”. Đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị thượng vàng hạ cám. Như chiếc lưới đánh bắt đủ mọi loại tôm cá, ta phải biết chọn lựa cá tốt, vứt bỏ cá xấu. Thật dễ dàng khi phải lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu, nhưng giữa những cái tốt và cái tốt nhất, ta phải khôn ngoan sáng suốt để chọn lựa cái “tốt nhất”, cũng như giữa những cái đẹp; cái cao qúy, ta phải lựa chọn cái “đẹp nhất”; cái “cao qúy nhất”.

***

Lạy Chúa Giêsu! Sự giàu sang, danh vọng và khoái lạc trần thế là những điều hấp dẫn con, trói buộc con, làm con đui mù không nhìn thấy những giá trị vĩnh cửu ở trên trời. Xin Chúa giải thoát con, tháo gỡ con khỏi mọi sự u mê của trần thế, để con nhìn thấy những sự phong phú và vĩnh cửu ở trên trời, để con luôn nỗ lực tìm kiếm Chúa và biết khôn ngoan chọn Chúa là nguồn hạnh phúc của đời con. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: 1Kings 3:5,7-12 * BĐ2: Romans 8:28-30 * PÂ: Matthêu 13:44-52)

ĐỂ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC HƠN

Bỗng nhác thấy bóng ngựa phóng qua.  Kẻ trên lưng ngựa chính là người bạn thủa xưa cùng nhau tầm thầy học đạo.  Cất tiếng gọi, mà bóng ngựa cứ nước kiệu phóng đi như bay.  Băn khoăn về người bạn cũ thủa nào.  Nhà đạo sĩ lên đường xuôi phương nam tìm ngọn núi có am thất của kẻ đồng môn. Tới nơi, nhân gian cho ông biết am thất không còn ai trông coi.  Kẻ trụ trì đã chết rồi.  Tính ra, đúng ngày mà có bóng ngựa đi qua.

Ngày xưa hai người có một lời hứa:  Ai chết trước sẽ về báo cho kẻ ở lại biết thế giới bên kia thế nào.  Phải chăng bóng ngựa là hồn người bạn cũ?

Ðêm đó, bên rừng am thất, bỗng có người cầm tay nhà đạo sĩ dắt đi.  Quay nhìn, chính hồn người bạn cũ hiện về!

– Này, bạn cũ, xin nói cho tôi biết thế giới bên kia thế nào.

Hồn người chết lẳng lặng kéo nhà đạo sĩ theo mình.  Qua khu rừng, rồi một hoang địa.  Có tiếng nói từ đâu đó:

– Ði về phía đông mươi trượng, vào đường hầm.  Ði xuống trăm bước.  Ði lên.  Về phía nam.

Thoát chốc, hồn người bạn cũ biến mất, bất ngờ như khi hiện đến.

Mơ hồ như trong giấc ngủ mộng mị.  Con đường về thế giới bên kia bắt đầu.  Hồn nhà đạo sĩ theo tiếng gọi huyền bí dẫn đi.  Qua nhà, qua cửa.  Ông nghe có tiếng cầu kinh.  Trời đổ mưa.  Ngoài cánh đồng có người làm việc.  Hoàng hôn lên, bình minh xuống.  Bé thơ ngồi xem mẹ xay bột bên khung cửa.  Êm ả, một đời sống thanh bình.  Ông hỏi tiếng vọng:

– Thiên đàng đâu?

Một quang cảnh tương tự như cuộc sống bình thường chung quanh ông trên dương thế đang diễn ra. “Ðó, ông đang đi qua thiên đàng đó.”  Nhà đạo sĩ không thấy chi thần tiên như người ta nói, không có các vũ công vũ khúc nghê thường.  Không có yến tiệc linh đình.  Một sinh hoạt như cuộc sống trên dương thế của ông thôi.  Kì lạ quá. “Thiên đàng có vậy thôi sao? Còn hỏa ngục thế nào?”  Ông ngạc nhiên về những hình ảnh thiên đàng, hỏa ngục mà ông vẫn dạy trong những bài thuyết giảng của mình.

Qua thiên đàng rồi, tiếng vọng dẫn ông sang một thế giới khác.  Chập chờn, ông lạc vào một vùng như hoang tưởng.  Chung quanh ông là những tòa nhà sang trọng.  Có những toán người ca hát nhẩy múa thâu đêm suốt sáng.  Yến tiệc bày biện tưng bừng.  Chỗ nào ông cũng thấy xa hoa, phấn hương. “Có phải đây mới là thiên đàng chăng?”  Ông ngạc nhiên không hiểu nơi này là gì mà hạnh phúc thế. Nhưng có tiếng bí mật trả lời ông: “Không! đây là hỏa ngục!”  Qua sảnh đường, ông nhác thấy có người quen, chính hồn người bạn cũ năm xưa!  Ông ta đang ngậm miệng cố nuốt những dòng rượu chảy nhễ nhãi.  Chung quanh sàn nhà cẩm thạch, đoàn vũ nữ nhẩy múa.  Nhóm người khác đang chia nhau tiền bạc.  Tiền đâu mà nhiều thế.  Họ đếm thâu đêm suốt sáng không hết.  Chỗ nọ, đoàn nhạc công mồ hôi nhễ nhãi oằn oại trên tiếng đàn.  Họ ăn chơi không ngơi nghỉ. “Thế này nghĩa là gì? Ðâu là thiên đàng?  Ðâu là hỏa ngục?”

* * *

Ðược giác ngộ, nhà đạo sĩ mới thấy những gì hiểu về thiên đàng, hỏa ngục của ông xưa kia non nớt quá.  Ông vẫn nghĩ rằng thiên đàng là nơi không phải làm việc, chỉ có ăn chơi, tung tăng nhàn hạ suốt ngày.  Hỏa ngục là nơi cực hình, không có ăn chơi, chỉ quần quật làm việc.  Bây giờ trái ngược lại. Nhưng ông đã hiểu.  Cái bi thương hệ tại là thiên đàng có tự do, hỏa ngục là đường một chiều, không có chọn lựa.

Ông thấy người bạn cũ sống trong căn nhà lộng lẫy, không phải làm việc gì, chung quanh là nhạc khúc dập dình.  Mới đầu ông nghĩ thế thì hạnh phúc quá.  Nhưng hồi lâu, lâu nữa, một ngày, hai ngày, rồi một năm, hai năm, nếu dòng rượu cứ suốt ngày đêm tuôn chảy và người bạn cũ của ông cứ phải oằn oại uống như thế suốt năm này qua năm nọ thì sao?  Ông ớn đến lạnh người.  Nhìn chung quanh, ông thấy quả là một thế giới kinh hoàng.  Tốp người đang khiêu vũ kia cứ oằn oại trong điệu nhạc, ngày này qua ngày nọ.  Họ không được đi đâu, không phải làm gì, đời họ bây giờ chỉ là khiêu vũ, ngày, đêm.  Ông đứng nhìn những khuôn mặt thất thần. “Họ đã ở đây bao lâu?  Họ đã phải đếm tiền thế kia từ thế kỉ nào?”  Chung quanh ông không còn là hạnh phúc vì tiếng đàn, vì những khăn bàn bằng lụa quý, những chén ngà chạm vàng nữa.  Ông thấy một thế giới cô độc khủng khiếp.  Nhìn người bạn cũ, ông thấy đôi mắt đỏ ngàu, lờ đờ.  Môi miệng sưng lên, nhưng ông ta không nghỉ được, dòng rượu cứ chảy và ông cứ ừng ực mà uống.

******************************

Những ngày còn lại cuối đời của nhà đạo sĩ, ông nhìn lại những lời giảng thuyết của ông ngày xưa thế nào là hạnh phúc, thế nào là đau khổ.  Ông thấy những suy tư ấy non yếu quá.  Trầm ngâm hơn, ông viết cho người môn sinh của mình về thiên đàng và hỏa ngục như sau:

Con thân mến,

Thiên đàng là nối tiếp hạnh phúc chúng ta sống trên cõi trần.  Hỏa ngục là xây tiếp những nô lệ nội tâm chúng ta đang xây dở dang.

Con đừng cầu xin Thượng Ðế cho con bất hạnh đời này để được hạnh phúc đời sau.  Con phải nỗ lực vươn lên mà loại bớt bất hạnh.  Thượng Ðế không muốn con người đau khổ.  Ðến trong trần gian, Ðức Kitô cho người đói ăn, người què đi, người mù nhìn thấy, người phung hủi được sạch, người chết sống lại.  Ðau khổ, tự nó là điều xấu.  Ngài không muốn.  Con hãy xin Thượng Ðế cho con hạnh phúc đời này, như hình ảnh báo trước một hạnh phúc thật bao trùm đời sau.  Và hãy hết sức làm đẹp thế giới con đang sống chung quanh bằng con đường xây dựng hòa bình, công chính, yêu thương để con người cảm thấy vị ngọt hạnh phúc mai sau sẽ dạt dào thế nào.

Con đừng vì lười biếng không nỗ lực xây dựng cuộc sống hạnh phúc hôm nay rồi tự an ủi hứa thiên đàng là hạnh phúc tương lai.

Hỏa ngục không là hình phạt Thượng Ðế sắm sẵn như một nhà tù xây nên rồi chờ xem ai lỗi phạm thì bắt vào.  Hỏa ngục cũng giống thiên đàng, cuộc sống ấy là kéo dài những dở dang của con người trong cuộc sống hôm nay.  Nếu dang dở ấy là hạnh phúc thì con sẽ hạnh phúc tiếp đời sau, đó là thiên đàng.  Nếu dang dở ấy là bất hạnh thì đời sau là bất hạnh tiếp cái dang dở ấy, đấy là hỏa ngục.  Con hoàn toàn lựa chọn cho mình.  Căn nhà hạnh phúc con đang xây dở thì khi chết rồi, con sẽ tiếp tục xây hạnh phúc ấy.  Con xây ngục thất, thì khi chết rồi con sẽ phải tiếp tục xây cái ngục tù dở dang của bất hạnh đó.

Tội là con đưa một đam mê lên thành lí tưởng để theo.  Hạnh phúc là sự hài hòa của mọi thứ say mê.

Tình yêu, tình dục, lòng thèm muốn, ghen tương, nhan sắc, tiền bạc, giận hờn, sức khỏe, trí tuệ, vật chất, tinh thần… tất cả làm nên con người chúng ta.  Hạnh phúc là khi ta quân bình và hài hòa nó. Chẳng hạn như nhan sắc, đó là nghệ thuật, nó đem hạnh phúc cho người, cho mình.  Nhưng nó phải hài hòa trong nhân đức, thật thà, đoan trang.  Khi con người để nhan sắc thành lí tưởng cao nhất để theo thì giống như một bức tranh thêu, nhan sắc sẽ tiêu diệt những đường chỉ thêu khác.  Lúc ấy lòng thương xót sẽ chết trước cửa nhà người nghèo khó, lòng bao dung chìm dần, niềm tự kiêu dâng lên.  Con sẽ dùng mọi tiền bạc cho tấm thân thôi, những tốn phí có thể lỗi công bình, vì con không còn lòng thương xót cho những kẻ phải sống không đúng phẩm giá con người chỉ vì nghèo.  Không có một chút ghen, có lẽ cuộc sống cũng khô khan lắm.  Không có tình dục, con người sẽ đi về đâu.  Giận hờn cũng thế, nó cho người ta những giây phút “đau thương êm ái.”  Nhưng chúng phải hài hòa.

Con thấy đó, hỏa ngục là nơi không còn hài hòa.  Kẻ nhẩy múa là thâu đêm suốt sáng nhẩy múa.  Kẻ uống rượu là phải uống triền miên.  Khi sống, họ chọn một đam mê rồi đưa lên thành lí tưởng để theo, thì khi chết họ cũng theo lí tưởng đó mà sống.  Hỏa ngục hệ tại là đó.

Tội làm con người mất hạnh phúc.  Nhưng mất hạnh phúc bằng cách nào?  Tội là thần tượng một đam mê.  Khi một đam mê lên cao thành thần tượng thì nó thống trị mọi suy tư khác.  Kẻ ấy lúc nào cũng bị ám ảnh bởi đam mê đó.  Ðam mê độc tài này đẩy con người vào hành động.  Lúc ấy, con người mất tự do.  Bị đam mê điều khiển thì cuộc sống thành đường một chiều.  Trên đường một chiều này, hễ ca múa là thâu đêm suốt sáng ca múa.  Hễ say đắm tình dục thì ngụp lặn trong dục tính.  Hài hòa bị tan vỡ.  “Nô lệ là kẻ để cho bất cứ sự gì đó thống trị mình” (2 Phêrô 2:19).

Hạnh phúc, đau khổ là những định nghĩa đơn sơ thôi.  Thiên đàng và hỏa ngục ở khắp nơi trên cõi thế này.  Bởi đó, con không cần mong người sau hiện về nói cho biết.  Chính Kinh Thánh cũng chẳng cho ai từ cõi chết về để nói về thiên đàng, hỏa ngục.  Ðây là thế giới riêng tư của mỗi người, thì làm sao con biết thiên đàng của kẻ khác được?  và con cũng đâu cần điều ấy, phải vậy không?  Cúi hỏi tâm hồn mình, nhìn xem có đam mê nào con đang đưa lên thống trị suy tư, hành động trong đời sống của con.  Nơi đó con sẽ thấy thiên đàng hay hỏa ngục.

******************************

Khi của cải bị cô lập một mình, xa cách sự độ lượng, lòng thật thà, tâm tình bao dung, thì nó không còn bè bạn.  Nó trở nên độc tài.  Nó trả thù lại kẻ đã cắt đi những liên hệ mà nó phải có.  Nghi ngờ đi với thành thật và độ lượng sẽ thành khôn ngoan.  Có sức mạnh nhưng thiếu tâm hồn sẽ thành hung bạo. Tình dục đi với lề luật sẽ phong phú tình yêu.  Tự bản chất, tất cả nó đã được sinh ra trong những liên hệ hài hòa ấy.  Khi ta chọn một mà thôi đời sống sẽ nghiêng đổ.

Nhà đạo sĩ thấy nơi ông đi qua mà tiếng nói nhiệm mầu bảo ông là thiên đàng, có gì đặc biệt đâu. Cũng đồng lúa.  Có mưa và nắng.  Có người tát nước bên dòng sông.  Chính trong cái bình thường ấy mà ông đã đi tìm định nghĩa thiên đàng như một thế giới xa lạ, rực rỡ xa hoa.  Ông không nhìn thấy thiên đàng hay hỏa ngục ngay dưới chân mình.  Trong cuộc đời, bao người đã đi hết miền đất này tới miền đất kia tìm thiên đàng hạ giới.  Nhưng họ cứ tìm mãi mà đời cứ mênh mông, không gặp.

Bây giờ ông hiểu í sâu xa mà tiếng nói nhiệm mầu dạy ông.  Thiên đàng là sự tự do nội tâm.  Ông đã viết xong lời cuối, muốn gởi người môn sinh.  Ông muốn nhắc cho người môn sinh hỏa ngục là tiếp tục cái thú vui độc đoán lúc còn sống, như người mê rượu sẽ suốt ngày đêm phải uống rượu tiếp, người mê nhẩy múa sẽ suốt tháng cứ nhẩy múa liên miên, kẻ mê tiền thì khi chết rồi không được làm gì cả cứ đếm tiền hết năm này qua năm nọ.  Ðọc lại những gì đã viết, ông chả thấy có gì mới cả.  Kinh Thánh đã nói đến rồi. “Nếu họ không tin lời của Môsê và các tiên tri, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (Lc. 16:31).  Rồi, ông lặng lẽ cất đi những gì đã viết, không gởi cho người môn sinh nữa.

Lm Nguyễn Tầm Thường SJ – Trích trong “Mùa Chay và Con Sâu Bướm”

ĐỊA NGỤC Ở ĐÂU?

Một thanh niên đã được ơn trở lại đạo trong một buổi hội thảo đặc biệt về đề tài truyền giáo, được tổ chức tại một ngôi làng ở khu hầm mỏ, với lòng ao ước làm được điều gì đó cho Thiên Chúa, anh đã mua một số dải đất để giúp cho những người nghèo.

Ngày kia, trong khi đang phân phối những dải đất này, anh gặp một số bạn bè cũ của anh, những người này đã chế giễu anh, khi anh nói với họ về Đức Giêsu.

Một trong những người bạn của anh nói:

–  Bạn có thể nói cho tôi nghe xem địa ngục ở đâu vậy?

Sau một giây lát suy nghĩ, anh thanh niên này ngước mắt nhìn lên và nói:

–  À, đó là vào giây phút cuối cùng của một cuộc đời không có Đức Giêsu

****************************

Trong ngôn từ diễn tả của con người, người ta thường nói lên thiên đàng, xuống hoả nguc, chứ chẳng ai nói xuống thiên đàng, lên hoả ngục.  Như vậy có phải thiên đàng là ở trên không trung, còn hoả ngục thì ở tận dưới lòng đất sâu thẳm?  Cho đến bây giờ chưa có sách vở nào xác định được thiên đàng và hoả ngục ở đâu, vị trí địa lý ở nơi nào, trong muôn vàn hằng hà vô số những dải ngân hà hoặc thiên hà có trên bầu trời, mà mắt chúng ta nhìn thấy hoặc không thấy được, chúng cách xa hành tinh chúng ta hằng triệu năm ánh sáng…

Tuy nhiên đối với người Kitô giáo luôn tin rằng sau cuộc sống trần thế này, linh hồn mỗi người sẽ bước sang một cuộc sống khác; câu hát trong Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Asissi đã nói lên điều ấy “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.  Nhưng muốn được niềm hạnh phúc vui sống muôn đời đó, chúng ta phải: tỉnh thức, vì Con Người sẽ đến phán xét chúng ta vào giờ chúng ta không ngờ” (Luca 12 : 40).  Mỗi người lần lượt kẻ trước người sau sẽ ra đi, và phần linh hồn sẽ đến trình diện riêng với Chúa, việc thưởng công hay đền tội sẽ tùy thuộc vào cách sống của người đó khi còn tại thế .  Thế giới chúng ta đang sống chắc chắn sẽ có thời điểm Đức Giêsu lại đến để phán xét chung: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời?  Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (TĐCV 1,11).

Sách Tin Mừng ghi lại ngày phán xét chung,

–  “các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25,32).

–  “Ðến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các Thiên Thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt 13, 49-50)

–  Dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lagiarô nghèo khó. (Lc 16,19-31) “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên … và thấy Lagiarô trong lòng Tổ phụ Áp-ra-ham (Lc 16,23)

Những hình ảnh trên diễn tả cả về người lành lẫn kẻ dữ, công phúc lẫn hình phạt.  Mỗi linh hồn sẽ được thưởng công, hoặc luận phạt tùy theo cách sống và thực hành đức tin, như trong thư Thánh Giacôbê viết “Đức tin không có việc làm là đức tin chết … là vô dụng” (Gc 2,17.20b), mà chính  “Nhờ hành động mà nên công chính (Gc 2,24a).

Ôi thật huyền diệu nhiệm mầu, con người chúng ta không thể hiểu được những suy nghĩ, những việc làm của Thiên Chúa. Người đã phú thác cho chúng ta niềm tin vào một ngày mai, khi chính cuộc sống của mỗi người nơi trần gian này thực sự chấm dứt, Người mong tất cả mọi người sẽ nhận được ơn Cứu Độ, hưởng trọn niềm vui hạnh phúc, trong sáng và thánh thiện như thuở ban đầu Thiên Chúa đã ban cho nguyên tổ con người nơi vườn Êđen.

Như thế, muốn được hưởng niềm vinh phúc ấy, mỗi người hãy đón nhận Ơn Cứu Độ từ nơi Đức Giêsu.  Bằng việc tìm hiểu, học tập, chiêm ngắm và thực hành những gì nơi Đức Giêsu đã dạy. Thật vậy, trong cuộc đời con người chúng ta nếu không có ơn cứu độ của Đức Kitô, thì con người vẫn luôn mãi ở trong tình trạng chờ đợi.  Nhưng Đức Kitô, Ngài đã đến, đã thực hiện theo đúng chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa hứa khi xưa.  Anh thanh niên đã nhận ra được tiếng Chúa kêu mời, tìm ra được chân lý nơi buổi hội thảo, đức tin đã mở ra cho anh câu trả lời dí dỏm nhưng rất mạnh dạn, đó là giây phút cuối cùng của một cuộc đời không có Đức Giêsu.  Anh ta luôn mang trong mình hình ảnh Đức Kitô, anh thực hành đức tin của anh như lời Chúa dạy, qua việc làm và hành động anh đã làm cho người nghèo, cho dù anh bị bạn hữu cười chê, chế giễu.  Nhưng anh đã thể hiện được niềm tin là cuộc đời anh luôn có Đức Kitô.

****************************

Lạy Chúa, xin cho con trong cuộc đời luôn là một chứng nhân cho Chúa, cho dù con bị người đời chê bai giễu cợt.  Biết thực hành Lời của Chúa cách nhiệt thành, không phô trương.  Xin Chúa giúp con luôn kiên trung trong công việc, không trễ nải hững hờ.  Để ngày mai khi đến giây phút cuối cùng của một đời người sẽ có Đức Kitô ở trong con. Amen!

Pet. PBH

THẾ CHỖ CHÚA GIÊSU TRÊN THẬP GIÁ

Truyện kể rằng có thầy ẩn tu nọ tên là Cébastien thường đến cầu nguyện tại một nhà nguyện vắng vẻ trên núi.  Trong nhà nguyện này dân chúng tôn kính một tượng thánh giá với tước hiệu là “Tượng Chúa ban ơn”.

Thấy dân chúng có lòng tin thường tới cầu xin ơn lành, thầy Cébastien cũng thêm lòng tin cậy.  Một hôm, nhân lúc vắng người, thầy đến quỳ gối trước tượng thánh giá và đơn thành khẩn nguyện:

–  “Lạy Chúa, con ước ao được chia sẻ đau khổ với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên thập giá”.

Rồi thầy quỳ yên lặng, mắt đăm đăm nhìn lên thánh giá mong được đáp lời.  Một lúc sau thầy nghe như từ trên thánh giá có tiếng phán bảo:

–  “Được, Ta bằng lòng để con thế chỗ Ta trên thập giá, nhưng với một điều kiện duy nhất là bất cứ điều gì xảy ra, tai con nghe gì, mắt con thấy gì, con đều phải giữ im lặng không được nói năng gì hết”.

Thầy Cébastien đã hứa, và được Chúa Giêsu cho lên thế chỗ Ngài trên thập giá.  Ngày qua ngày, dân chúng vẫn đến quỳ trước tượng thánh giá cầu nguyện.  Nhưng không ai hay biết về việc thế chỗ đổi ngôi giữa Chúa Giêsu và thầy Cébastien.

Một hôm có người đến quỳ cầu nguyện.  Xong, ông đứng dậy ra về bỏ quên lại dưới ghế cái túi đầy những đồng tiền vàng.  Thấy vậy, thầy vẫn yên lặng.  Một lúc sau có người nghèo đói vào nhà nguyện. Ông ta vui mừng trố mắt nhìn túi tiền tưởng là của Chúa ban cho, rồi xách túi tiền ra đi.  Kế đó có chàng thanh niên vào quỳ gối khấn nguyện xin ơn che chở vì phải xuống tàu đi xa.  Chàng thanh niên vừa ra khỏi nhà nguyện thì gặp người phú hộ trở lại tìm túi tiền.  Không thấy đâu, ông nghĩ là chàng thanh niên đã lấy trộm, nên điệu chàng đến trình cảnh sát.  Không cầm lòng được nữa, từ trên thập giá, thầy Cébastien hô lớn tiếng:

–  “Đứng lại!”;

Mọi người ngạc nhiên dừng lại, và thầy phân trần sự việc.  Sau đó người phú hộ ra đi tìm người nghèo đói để lấy lại túi tiền và chàng thanh niên cũng vội vã ra đi cho kịp chuyến tàu.  Khi không còn ai trong nhà nguyện, Chúa Giêsu lên tiếng phán bảo thầy Cébastien:

–  Con hãy xuống ngay khỏi thập giá! Con không xứng đáng thế chỗ cho Ta, vì con đã không biết giữ im lặng như lời con hứa.

Thầy Cébastien vội vã phân trần:

–  Nhưng lạy Chúa, làm sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó?

**********************************************

Thưa anh chị em, nhiều khi chúng ta cũng nóng vội không chịu đựng nổi trước hiện tượng người tốt kẻ xấu chung sống lẫn lộn, cỏ dại và lúa tốt mọc chen nhau trong cánh đồng thế giới.  Chúng ta đặt câu hỏi: “Chúa có muốn chúng con nhổ cỏ vứt đi không?  Chúa có muốn chúng con tiêu diệt hay trục xuất những người gian ác, tội lỗi ra khỏi cộng đoàn không?”.  Chúa trả lời: “Cứ để đấy, đợi đến mùa gặt sẽ hay”.  Dụ ngôn cỏ dại trong ruộng lúa đã đánh trúng vào điểm thắc mắc của người Do Thái và các môn đệ Chúa Giêsu: Làm sao trong Nước Trời, Nước của Thiên Chúa lại có thể lẫn lộn lúa tốt với cỏ dại được?  Làm sao chính Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời đang đến rồi mà chẳng thấy hiện tượng tiên báo là những người gian ác, tội lỗi phải bị tiêu diệt.  Ngôn sứ Isaia cũng mơ ước và loan báo một “Dân Chúa chỉ gồm những người công chính” (Is 60,31).  Và ngay cả Gioan Tẩy Giả, những ngày chuẩn bị cho Chúa Giêsu xuất hiện cũng rao giảng: “Ngài đang cầm sẵn chiếc nia trong tay, để rê sạch lúa trong sân: lúa tốt Ngài thu vào kho lẫm, còn lúa lép, trấu rác, Ngài sẽ đốt bằng lửa không bao giờ tắt” (Mt 3,12).

zzVậy mà Ngài, Đấng Thiên Sai Cứu Thế lại làm trật lất hết trọi; Chả có tiêu diệt người tội lỗi, lại còn lo cứu gỡ họ.  Cứu gỡ cả những thứ phụ nữ ngoại tình bị bắt tại trận, cả thứ mà người ta cho là trời phạt nhãn tiền, đến độ mang án tật nguyền từ lòng mẹ: đui mù, què quặt, cùi hủi, mọi người đều ghê tởm xa tránh… Thay vì đáng lẽ chỉ cho phép một ít người có chức vị cao cấp nhất mới được hầu tiệc với mình, thì Ngài lại đi lân la nhậu nhẹt với những người tội lỗi và bất lương.  Đối với kẻ thù, đáng lẽ ra phải không đội trời chung và tiêu diệt tận gốc rễ mới phải, mới khôn và mới đúng đạo, đàng này Ngài lại còn đòi phải cầu nguyện cho nó, thậm chí phải yêu thương nó.

Hôm nay, với dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa, Chúa Giêsu đã giải đáp những thắc mắc sâu sắc đó và đã mặc khải tâm tình của Thiên Chúa: ngoại trừ Đấng thấu suốt tâm can con người, không ai được quyền tự phong chức vụ quan toà để xét xử hay xếp hạng anh em ai là lúa tốt, ai là cỏ lùng.  Bao lâu còn đang sống, còn đang lựa chọn và hành động, con người vẫn chưa đạt tới mức độ cố định đã hết hẳn tật xấu hay dứt khoát trở thành gian ác.  Nóng vội kết án anh em là hành động trái ngược với tấm lòng và chương trình cứu độ của Thiên Chúa: đòi nhổ cỏ lùng giữa mùa lúa đâm bông là đòi dạy khôn Thiên Chúa và phá hoại cả đồng lúa và mùa gặt của Ngài.

Thưa anh chị em,

Tin vào tương lai cũng là hoạt động cho niềm tin trở thành hiện thực.  Nhẫn nại kiên trì không có nghĩa là khoanh tay ngồi im chờ đợi trong thái độ thụ động.  Người Kitô hữu tin ở sự thắng thế của cái tốt, tin ở một tương lai tốt đẹp, tin ở công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, cũng phải là người hoạt động một cách tích cực trong công cuộc xây dựng một xã hội trong đó cái xấu mất dần khả năng gieo rắc nọc độc của nó.  Nước Trời đang trổ bông hạt nơi những nỗ lực của nhân loại không ngừng giành lấy từng tấc đất chống lại cỏ lùng.  Và bổn phận của chúng ta là liên đới với mọi người anh em để cùng nhau chen vai thích cánh nỗ lực làm tăng trưởng cây lúa, hạt cải và tấm men của Nước Trời.

Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’

CUỘC TRỞ VỀ NGOẠN MỤC

Tôi sinh ra trong một gia đình có năm anh em, tôi là con thứ tư. Cha mẹ và anh chị em tôi đều là những người hiền lành tốt bụng và được mọi người chung quanh yêu mến, nhưng gia đình lại lọt vào một đứa con ngổ ngáo như tôi.  Tôi là một đứa ngang bướng không ai bằng.  Những gì muốn tôi phải làm cho bằng được, không ai có thể ngăn cản được.  Tôi là tập hợp hết thảy những gì xấu của mọi người trong gia đình.  Ngay từ khi còn đi học, tôi đã tụ tập bạn bè xấu tập tành ăn chơi.

Năm 16 tuổi, tôi bỏ học xin đi làm, gia đình ngăn cản không được đành chịu.  Tôi theo bạn bè đến Bãi Vàng để kiếm tiền.  Đây là nơi tụ họp đủ mọi thành phần tệ hại của xã hội.  Nơi mà người ta trồng á phiện nhiều hơn rau xanh.  Nơi mà người ta sống thác loạn, trộm cắp, xì ke, ma tuý, mãi dâm… đủ cả. Tôi bắt đầu lao vào cuộc ăn chơi trác táng.  Tôi xâm tay, xâm mình, hút sách, ăn nhậu và lập băng đảng.  Suốt năm năm trời, tôi phiêu bạt giang hồ từ Bãi Vàng đến Bãi Quặng.  Với một thằng con trai ở cái tuổi “mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu” này thì rừng thiêng nước độc cũng chẳng làm chùn được bước chân tôi.  Nơi đây có tiếng là “nước sông Gâm tắm không câm cũng điếc”.  Trong thời gian này tôi đã từng bị một trận sốt rét tưởng đã đi luôn từ ngày ấy, nhưng tôi đã vượt qua.

Đến năm 20 tuổi, gia đình khám phá ra tôi đang sử dụng ma tuý.  Một sự thật kinh hoàng đối với gia đình tôi.  Mọi người tìm cách ngăn cản và cấm đoán tôi.  Bố tôi bắt tôi lập gia đình để có người kìm cặp tôi.  Tính bố rất cương quyết và tôi phải vâng lời.  Ngày ấy chưa một lần tôi cảm thấy yêu vợ mình.  Tôi nghĩ có lẽ nhờ gia đình nề nếp và cái mã đẹp trai của mình đã khiến cho nàng chịu lấy tôi. Mười mấy năm ở với tôi, là mười mấy năm nàng phải sống trong nước mắt.  Ở quê, lập gia đình rồi chỉ đi làm ruộng.  Cuộc sống như thế đối với tôi quá đơn điệu, cho nên tôi quyết định bỏ đi vào Sài Gòn sinh sống.  Gia đình tôi không đồng ý.  Bố tôi cấm không cho đi, nhưng tôi đã nói là phải làm cho được.  Tôi bắt đầu quậy phá, ăn chơi.  Mọi người trong làng đều chán ghét và sợ tôi vì lối sống hư hỏng đó.  Cho đến ngày tai hoạ xảy ra vì sự quậy phá của tôi khiến bố phải đích thân dẫn tôi trốn vào Sài Gòn.  Bố để cho tôi sống ở nhà người anh kế, nhưng không ai có thể chấp nhận được một thằng quậy phá như tôi.  Rồi tôi bỏ nhà theo bạn bè sống lang thang và tiếp tục dấn sâu vào con đường tội lỗi. Lúc này đối với tôi, Chúa ở mãi trên cao, Đức Mẹ chỉ có trong tiểu thuyết, chẳng dính dáng gì đến tôi cả.  Chỉ tội gia đình cha mẹ, anh em và vợ tôi, mọi người chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện liên lỉ cho tôi.

Năm 1998, tôi quyết định bỏ ma tuý.  Khi tôi tuyên bố như vậy, mọi người rất mừng.  Lúc này tôi cắt cơn nghiện tương đối dễ, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tôi lại bị bạn bè lôi kéo sử dụng lại.  Họ dùng đủ mọi chiêu bài để khích tướng, dụ dỗ, cung cấp đầy đủ thuốc cho tôi, và thế là tôi lại theo họ. Trong khi gia đình vẫn làm mọi cách giúp tôi thoát khỏi nó nhưng vô ích.  Sau này tôi nghiệm ra được rằng, bản tính con người luôn muốn thoả mãn ý riêng mình nên dễ nghiêng chiều theo cái xấu.  Chỉ khi nào có ơn Chúa, họ không còn nghĩ đến mình, chỉ mong làm điều đẹp ý Chúa, lúc đó họ mới vượt qua thử thách được.  Tôi vẫn tiếp tục dấn sâu vào con đường tội lỗi.  Gia đình đã khánh kiệt vì lo cho tôi. Mọi người đã chán nản vì sự hư hỏng của tôi.

Đến năm 2004, tôi bị bắt vào trại Lâm Hà, nơi mà “đường đi thì có, lối về thì không!”  Nhưng chính nơi này cũng không giữ được chân tôi.  Trong trại, nhờ khéo ăn nói, tôi lấy lòng được một số người. Họ bằng lòng giúp tôi trốn trại nhưng cả 3 lần đều không thoát.  Mỗi lần bị bắt lại, tôi phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết.  Trên người tôi lúc ấy không có một chỗ lành lặn, chân tay dập nát.  Có lẽ giống những trận đòn quân dữ đã đánh Chúa Giêsu.  Giá như hồi ấy tôi cảm nhận được tình yêu của Chúa, có lẽ tôi đã dâng những trận đòn ấy để hiệp thông với đau khổ của Chúa.  Nhưng tiếc thay, tôi vẫn không sợ.  Sau khi khỏi đau, tôi lại tìm cách trốn.  Đến lần thứ tư tôi mới thoát.  Vượt qua hàng rào cao 3 mét, rồi lẩn trốn vào rừng suốt hai ngày đêm đói khát, cuối cùng tôi cũng tìm được đường ra.

Tôi lần về Sài Gòn, đến nương nhờ nhà người chị dâu họ của tôi.  Có lẽ qua lời cầu nguyện của gia đình và vợ tôi, Chúa đã đoái nhìn đến tôi, nên dùng người chị này để cảm hoá tôi.  Đời sống của chị là mẫu gương cho tôi.  Chính chị cũng đã trải qua nhiều đau khổ, vì vậy chị hiểu và yêu thương tôi.  Một thằng xì ke quậy phá như tôi, thế mà chị sẵn sàng cưu mang, chăm sóc, khuyên nhủ.  Đối với tôi, chị như một người mẹ, người chị và người bạn của tôi.  Dần dần tôi đã có thể xoay sở tìm được một công việc ổn định.  Tôi trở thành một chủ thầu xây dựng nhỏ, công việc làm cũng khá, nhưng tôi vẫn không bỏ được ma tuý.  Chị rủ tôi vào Lêgiô, tôi cũng vâng lời để chị vui lòng.  Một thằng nghiện ma tuý như tôi biết gì về Kinh Thánh mà tham gia?  Chị lại khuyên tôi tham dự khoá học hỏi Kinh Thánh.  Đã nhiều lần tôi tìm cớ thoái thác, nhưng rồi nể chị, tôi cũng nhận lời.  Cứ đến 18 giờ chiều, chị gọi điện nhắc tôi đi học.  Có điều kỳ lạ, dù đang nhậu với bạn bè, hay đang bận việc gì tôi cũng tự bỏ mà về đi học với chị, không cưỡng lại được.

zzThế rồi việc diệu kỳ Chúa làm cho tôi phải đến.  Qua mấy buổi học Kinh Thánh, “Chúa đã lẻn vào đời tôi”.  Tôi bắt đầu cảm thấy thích thú khi tìm hiểu Lời Chúa.  Tôi tìm sách để đọc, càng đọc càng say mê, và tôi đã dần biết cách cầu nguyện với Chúa.  Trước đó, tôi không hề nghĩ đến Chúa.  Tôi sử dụng ma tuý thường xuyên.  Không ngày nào mà tôi không hút, thiếu nó tôi không thể chịu đựng nổi.  Lúc đầu còn ít, sau nhiều cữ hơn, chỉ sau một giấc ngủ phải có nó.  Thậm chí chỉ sau một chầu cà phê, tôi đã phải sử dụng nó, một ngày rất nhiều lần.  Khi một người cai nghiện ma tuý, triệu chứng đầu tiên là ngáp, ngáp trẹo quai hàm, rồi sốt cao, sốt li bì, tiếp đến là đi tả, mệt lả người, không còn một chút sức lực nào.  Cơn nghiện vật vã làm chân tay nhức nhối, cả người như bị giòi bọ rúc rỉa, cảm giác thật kinh khủng.  Chính vì thế mà rất nhiều người không thể cai nghiện được khi họ không đủ ý chí và nghị lực.  Ngay cả người thân khi chứng kiến cảnh ấy cũng không cầm lòng được.  Thế mà bỗng dưng suốt một tuần lễ tôi không sử dụng một lần nào mà vẫn không có cảm giác khó chịu.  Tôi có thể bỏ ma tuý dễ dàng mà chính tôi cũng không ngờ.  Tôi chỉ đọc Kinh Thánh, tìm hiểu Lời Chúa và cầu nguyện.  Chúa đã ban ơn cách riêng cho tôi thoát khỏi ách của ma tuý, từ bỏ nó mà chẳng cần đến một biện pháp nào cả.  Tôi và chị Trinh đã quỳ cầu nguyện tạ ơn Chúa vì Ngài đã không bỏ rơi tôi.  Chúa đã nhận lời cầu nguyện liên lỉ của gia đình tôi, vợ tôi và sự kiên nhẫn chịu đựng của chị Trinh, người đã cưu mang tôi.  Tôi đã nhận ra Chúa sống động và hiện hữu ngay bên tôi.  Tôi đã biết kết hiệp với Chúa từng giây phút trong cuộc sống.  Khi đã có Chúa, tôi không còn phải sống trong tội lỗi, lo âu phiền muộn nữa.

Khi nhận ra Chúa, tôi bắt đầu biết quan tâm đến mọi người.  Tôi quen với chị Thu Hương (mẹ của cậu bé Xương Thuỷ Tinh) và cùng chị tìm cách giúp đỡ người khác.  Chúng tôi chung tay xây dựng một căn nhà tình thương cho một gia đình nghèo trong xóm.  Khi làm việc, tôi leo lên dàn giáo, bỗng hụt chân rơi xuống.  Ở độ cao hơn 4 mét, tôi rớt xuống như một chiếc lá, nằm ngay đơ.  Mọi người nhốn nháo lo sợ tưởng rằng tôi đã chết.  Một lần nữa Chúa lại cứu tôi.  Khi rơi xuống tôi còn kịp kêu cầu Chúa giúp.  Thời gian rơi xuống thật nhanh, nhưng Lòng Thương Xót của Chúa còn nhanh hơn.  Ngài đã ra tay cứu giúp tôi, hơn cả lòng tôi và mọi người mong đợi.  Khi rơi xuống, lưng tôi nện mạnh xuống nền đất đá lởm chởm, thế mà tôi bỗng ngồi dậy không hề hấn gì.  Nhiều người lúc đó đã chứng kiến đều kinh ngạc.  Người ta gọi xe chở tôi đi cấp cứu.  Tôi khẳng định mình không việc gì, nhưng họ không tin.  Tôi bằng lòng theo chị Hương lên bệnh viên cho họ khám.  Đến nơi nghe kể lại sự việc, bác sĩ cho tôi đi chụp phim và làm một vài xét nghiệm.  Kết quả một vết thâm đen ở cuối xương sống trong tấm phim là dấu hiệu duy nhất Chúa để lại cho tôi sau cú ngã từ độ cao hơn 4 mét.  Tôi bình yên vô sự!

Một điều lạ nữa là tôi bị bệnh cột sống bẩm sinh.  Ngay từ bé đã được chỉ định đi mổ.  Bố tôi là y tá, ông biết rõ bệnh của tôi, nhưng nhà nghèo không tiền đi mổ đành phó mặc.  Lớn lên, bệnh cột sống kéo liên hoàn khiến tôi chỉ ngồi lâu là đã bị tê cứng cả người.  Bác sĩ chỉ định tôi không được làm việc nặng, không được xách quá 5kg.  Nhưng bây giờ, tôi có thể vác bao xi măng 50kg mà chẳng hề hấn gì. Tôi không chỉ được Chúa chữa khỏi bệnh thân xác, nhưng điều quan trọng hơn cả là được ơn chữa lành tâm hồn.  Bây giờ tôi đã có Chúa.  Tôi nhất quyết sẽ bám chặt lấy Ngài.

Trước kia là chủ thầu xây dựng, tôi sẵn sàng thầu bất cứ công trình nào, miễn là có lời.  Đối với tôi lúc đó tiền là trên hết.  Khi đã có Chúa, tôi phải làm việc theo lương tâm, không thể bừa bãi và thiếu trách nhiệm được.  Với mỗi công trình tôi luôn tâm niệm là làm cho Chúa, vì thế tôi phải làm thật chu đáo.

Khao khát của tôi bây giờ là được rao giảng và làm chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa.  Và tôi đã được toại nguyện trong một buổi chiều thứ năm được mời lên làm chứng cho Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ tại nhà thờ Chí Hoà cùng với mẹ con Xương Thuỷ Tinh.  Tôi cố gắng giúp đỡ những anh em nghiện ma tuý, những người đang phải sống trong tối tăm của sự dữ như tôi trước kia được nhận biết Chúa là Đấng giải thoát và chữa lành.  Không gì hiệu nghiệm hơn là cầu nguyện với Lòng Thương Xót Chúa.  Tôi tự nghĩ “một thằng như tôi, tội lỗi ngập đầu mà Chúa vẫn nhân từ ra tay cứu giúp, thì bất cứ ai chỉ cần trông cậy vào Chúa, Ngài sẽ không khước từ.”  Có người nói với tôi rằng “Chúa đóng các cánh cửa lớn nhưng bao giờ cũng mở một cánh cửa sổ cho chúng ta!”  Tôi không cho là như vậy. Chúa luôn mở rộng mọi cánh cửa và mời gọi mọi người đến lãnh nhận lòng thương xót của Chúa, nhưng tôi nhắm mắt làm ngơ, không chịu nhìn những cánh cửa mở rộng đó.  Tôi đã nhắm mắt lại, hoặc “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ” trước lời mời gọi yêu thương đó, và nghĩ rằng Chúa đã đóng cửa rồi.

Tôi đã nghiệm từ chính cuộc đời mình Lòng Thương Xót của Chúa vô bờ bến.  Chúa đã mòn mỏi chờ đợi tôi suốt ba mươi mấy năm trời, mong tôi quay bước về nhà Chúa.  Cuối cùng tôi đã nhận ra tình yêu thương của Chúa vô biên vô tận.  Bây giờ mỗi lần cầu nguyện, tôi không thể cầm lòng khi nghĩ đến tình thương Chúa dành cho mình.  Tôi ao ước được lấy nước mắt lau chân Chúa để rửa sạch tội lỗi của tôi.  Trước kia, mỗi lần nhắc đến quá khứ, tôi cảm thấy xấu hổ và không bao giờ muốn nhớ lại. Nhưng bây giờ tôi sẵn sàng kể lại cho mọi người để làm chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa và để tôn vinh ngợi ca tình yêu của Ngài.

Một điều lạ lùng nữa, khi đi xét nghiệm ở viện Pasteur sau ngần ấy năm ăn chơi, cầm kết quả tờ xét nghiệm trên tay, tôi đã bật khóc vì kết quả âm tính với HIV.  Tôi muốn nói về tình yêu thương Chúa dành cho tôi để mọi người tin, ai không tin thì bị thiệt thòi vì Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống.  Khi sự bất lực của con người đến cùng tận thì quyền năng Chúa thể hiện.  Khi con người bó tay thì Thiên Chúa ra tay.  Chúa ra tay giúp đỡ qua lời bầu cử của Mẹ Maria.  Bây giờ tôi còn được là đội quân dưới lá cờ của Mẹ.  Trước kia tôi ngại nói về Chúa vì tôi không có gì để nói, ngày nay tôi mạnh dạn nói về Chúa vì tôi có Chúa để nói về Chúa, có Chúa để giới thiệu cho mọi người.

Quay về với Chúa tôi được hưởng hồng ân tuyệt vời.  Tâm hồn tôi tràn đầy bình an, vợ tôi hạnh phúc vì bây giờ tôi đã biết yêu thương nàng để bù đắp bao năm phải sống trong nước mắt vì tôi.  Tôi khao khát được dùng chính cuộc sống còn lại của mình để làm chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa.  Tôi ao ước các bạn trẻ hãy quay trở về như tôi để được sống trong tình thương của Chúa và Mẹ Maria.  Một cuộc trở về ngoạn mục.

Lãng Tử                     

KHI CÔ ĐƠN EM GỌI TÊN AI???

Theo lẽ thường mỗi khi cô đơn người ta hay gọi người yêu của mình.  Bất luận già hay trẻ, mỗi khi cảm thấy trong lòng mình cô đơn, trống vắng, ai cũng muốn gọi những người thân yêu nhất của mình.  Và đặc biệt những ai đang yêu, chắc chắn chúng ta sẽ gọi tên người yêu của mình.  Gọi họ để làm gì?  Gọi họ để chúng ta chia sẻ nỗi niềm, tâm trạng của mình vào lúc đó.  Gọi họ đến để mình được khóc ngon lành vì một nỗi đau nào đó….

Đó là những nỗi niềm mà chúng ta có thể chia sẻ được.  Nhưng liệu khi họ đi về rồi thì nỗi đau của mình có nhẹ nhàng và có hướng giải quyết tốt đẹp không?  Theo tôi thì tỷ lệ tìm được hướng giải quyết rất hiếm hoi, nếu không muốn nói là không hề có.  Đã là con người thì ai cũng có một nỗi khổ cho riêng mình.

Nhưng một khi chúng ta mất hết tất cả, từ tình cảm yêu thương, từ tiền tài và sức khỏe.  Khi suy sụp hoàn toàn thì ta sẽ gọi ai.  Liệu lúc đó có còn ai chịu nghe mình nói, liệu có ai còn dám đón nhận một con người bệnh tật đau yếu, không nhà cửa, không tiền bạc, không người thân.  Và ngay chính mình vào thời điểm đó, mình cũng không đủ can đảm để chia sẻ.

Giờ tôi xin phép được đưa ra những chứng nhân, có người không phải là Công Giáo.

Trước tiên là anh N, anh là người được sinh ra và đã sống, làm việc ở Saigon .  Gia đình anh là một gia đình Phật giáo.  Mẹ anh là một sư trụ trì ở tỉnh miền đông nam bộ, đương nhiên anh cũng hiểu nhiều về Phật giáo.  Tư tưởng của anh cũng tràn ngập giáo lý nhà Phật.

Anh là một người đàn ông hiền lành, biết lo lắng cho mọi người và nhất là với gia đình nhỏ của anh. Sau một biến cố nặng nề về tình cảm, anh quyết định rời Việt Nam sang một nước thuộc Châu Âu để sống.  Ngày ra đi anh những tưởng anh sẽ thành công, anh nghĩ nơi vùng đất xa lạ anh sẽ làm lại tất cả. Ngày ra đi, anh đã cùng vợ và các con tay trong tay đầm ấm.  Nhưng khi sang tới nơi, chỉ một thời gian ngắn là anh phải đối diện một thực tế phũ phàng.  Cuộc sống đầy khó khăn, khắc nghiệt.  Người vợ anh tin tưởng cũng phản bội anh.  Anh đã suy sụp hoàn toàn, khi tương lai nơi xứ người mờ mịt.  Nhìn những đứa con ngây thơ vô tội, anh thấy tan nát cõi lòng.  Anh nghĩ rằng anh đã thất bại hoàn toàn.

Nhưng theo anh kể lại rằng, ngay vào thời điểm đau khổ đó.  Trong tư tưởng của anh bỗng một lần lóe lên, sao mình không thử tìm đến với Chúa.  Không biết sao, anh luôn nghĩ rằng khi đến với Chúa lòng anh sẽ được bình an, được trút những tâm sự tận đáy lòng.  Và đặc biệt là tuy anh chưa cảm nhận về Chúa nhiều, nhưng trong anh luôn có tấm lòng biết ơn Chúa.  Anh biết Chúa đã cho anh tồn tại, Chúa đã cho anh sức lực để anh chống chọi với đau khổ của cuộc đời.

Quả thật như vậy, từ ngày anh đến với Chúa bằng cách vào cầu nguyện trong ngôi thánh đường cổ kính nằm trên con đường tới chỗ anh làm việc.  Anh nói rằng, không biết từ lúc nào, anh yêu thích việc cầu nguyện và trò chuyện với Chúa.  Giờ đây mỗi khi chúng tôi được trò chuyện cùng nhau, anh thường khoe: “Chúa gần gũi và thân thương quá phải không em”.  Nghe câu nói đó từ một người luôn luôn than trách thân phận của mình, tôi thấy lòng mình cũng hạnh phúc vô cùng.  Giờ đây tuy cuộc sống của anh còn rất nhiều gian truân, nhưng anh vẫn tin rằng bên cạnh anh còn có Chúa.  Chúa của anh luôn bên cạnh anh để nâng đỡ anh, an ủi anh, chia sẻ với anh.  Chúa của anh sẽ không để anh gục ngã.  Chúa sẽ dành cho anh một kết quả tốt đẹp.  Và cũng từ đây, anh đã có thói quen đến với Chúa để tâm sự và cầu nguyện những khi anh có điều kiện.

Điều quan trọng không kém là hiện giờ anh rất bình an, anh đang đón nhận những trắc trở trong tinh thần phấn chấn hơn và đầy hy vọng hơn.

Người thứ hai. Chị là một phụ nữ hiện đại, trí thức có danh vị trong xã hội.  Sống và làm việc ở Việt Nam.  Chị cũng được xuất thân trong gia đình Phật giáo.  Chị xinh đẹp, nhiều hiểu biết.  Chị đang có một gia đình tương đối, các con hiền lành.  Một người chồng mà chị thường khoe rằng: “Anh ấy là người công chính và là một người đàn ông đúng nghĩa”.

Thời gian gần đây, những đứa con của chị trở tính.  Chúng có những thái độ và suy nghĩ sai lệch làm cho chị đau khổ.  Chị bảo rằng lúc đó chị chỉ biết khóc và ngồi nhìn chúng một cách bất lực, thì chị lại nhớ tới lời nói của ai đó là: Phải biết dâng trao quyền làm cha mẹ các con mình cho Chúa và Đức Mẹ (chị được biết Chúa và Đức mẹ trong một dịp rất đặc biệt, sau này khi có dịp thì tôi sẽ chia sẻ với quý vị).  Và cũng từ đây, chị đã được thấy tận mắt những điều kỳ diệu từ Chúa và Mẹ.  Giờ đây chị cũng tập dần tính phó thác.

Chị luôn khoe về người chồng của mình.  Một hôm chồng chị vì công việc bên ngoài, vì tài sản, anh đã bỏ mặc chị lúc chị đang đau yếu.  Chị thấy bất mãn vô cùng vì bị bỏ rơi lúc chị đói và không có khả năng để tự phục vụ mình.  Những lời nói yêu thương, những lời hứa sẽ không để chị cô đơn nay đã bay tận đâu đâu.

Giờ đây chính Chúa lại là người dang rộng vòng tay đón chị.  Lúc đó chị chỉ cảm thấy Chúa và Mẹ Maria là điểm tựa êm ái và trung tín nhất.  Chị nói, khi cô đơn, trống vắng chị thấy mình chỉ có thể kêu Chúa.  Kêu Chúa thì chị liền được Chúa nhận lời và lòng chị cảm thấy bình an rất lạ.

Chị khẳng định rằng, ngày trước khi chưa có Chúa, mỗi khi gặp chuyện gì trái lòng.  Chị rất đau đớn, vật vã than van.  Nếu trong hoàn cảnh này mà chị không có Chúa thì chị uất ức đến chết.

Tuy chồng chị đã đối với chị như vậy, nhưng vì trong chị có tình yêu và lời dạy của Chúa nên chị đã tha thứ cho anh tất cả và còn xin dâng anh lên cho Chúa để xin Chúa chúc phúc và giữ gìn.  Và điều tuyệt vời đã xảy ra là chồng chị đã trở về xin chị tha thứ, vợ chồng chị đã tìm lại được tiếng nói chung.

Chị khoe với tôi rằng: giờ đây trong tình yêu vợ chồng, con cái của chị luôn luôn hiện diện tình yêu và hình ảnh của Chúa.  Chị thấy rất bình an và mạnh mẽ trong khiêm nhường, hiền hòa và nhẫn nhịn.

Đã có lần con được nghe từ những bậc trưởng bối rằng.  Khi ta chỉ còn lại một mình, không còn gì cả. Thì chính lúc đó Chúa sẽ là tất cả.

Ở đây tôi muốn khẳng định một điều mà còn rất nhiều người chưa nhận ra.  Là khi ta cô đơn, mất hết tất cả, thất vọng hoàn toàn thì chính Chúa là một vị cứu tinh tuyệt vời.

Đặc biệt một điều Chúa là không phải chỉ dành cho riêng những người Công giáo, mà Chúa là Chúa của tất cả những ai đang đau khổ.  Chúa đã hứa với nhân loại là: “…Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng tôi tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…” (Mt 11,28).  Ai đang mang gánh, mang ách mà trong đó có tình yêu Chúa thì ách sẽ êm ái và gánh thì nhẹ nhàng.

Hôm nay tôi xin nêu lên vần đề này, là để dành tặng riêng cho ai chưa nhận ra tình thương của Thiên Chúa.  Và những ai đã là người Công giáo thì tôi xin các vị một lời cầu nguyện, xin Chúa soi sáng cho những ai chưa biết Thiên Chúa là ai?  Để tất cả mọi người không còn thấy bế tắc khi gặp thử thách gian nan trong cuộc đời, mà tìm thấy niềm hy vọng ở tương lai.

Và để kết thúc bài viết này thì thôi cũng xin phép được trả lời câu hỏi ở đầu bài viết.

Khi Cô Đơn Tôi Gọi Giêsu
Giêsu : Một người cha nhân hậu
Giêsu : Một người đáng tin cậy khi gởi gắm tâm tư
Giêsu : Một nhà tâm lý tài ba có thể vừa tư vấn, vừa giải quyết vấn đề cho ta.
Giêsu : Một tri kỷ trung tín nhất thế gian
Giêsu : Một người yêu cực kỳ lý tưởng.

Chân Thành cám ơn các vị đã đọc bài chia sẻ, xin Chúa và Mẹ Maria luôn đồng hành và ban tràn đầy hồng ân cho các vị.

Túc Lynh
Saigon, ngày 02 tháng 07 năm 2011

NGHE, HIỂU VÀ SỐNG

zzDụ ngôn “Người Gieo Giống” trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đầy tính lạc quan, hy vọng.

Hạt giống Lời Chúa được gieo rắc khắp nơi.  Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm. Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ. Có hạt đã nảy sinh thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt. Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người. May thay có những hạt rơi vào đất tốt, và đem lại nhiều hoa trái gấp bội.

Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay, nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng. Đức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng.  Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất tốt, phì nhiêu.

Dụ ngôn “Người Gieo Giống” đòi buộc mỗi người chúng ta phải xét mình: Có bao nhiêu hạt giống Lời Chúa được gieo vào lòng tôi? Hạt giống Lời Chúa đó bây giờ ra sao? Có sinh sôi nảy nở ra hạt nào mới không? Hay đã khô héo tàn lụi đi ?

Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường. Tôi nghe mà không hiểu. Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh, bởi lẽ Lời Chúa đòi hỏi tôi phải thay đổi, phải hoán cải và từ bỏ chính mình. Thế là Lời Chúa không sinh hoa kết trái nơi tôi. Lời Chúa đã bị trượt đi như nước đổ lá khoai.

Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá. Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay, nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt. Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi. Khi thử thách của cuộc sống ập đến, tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.

Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai. Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải. Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh hoa kết trái.

Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi vào đất tốt. Tôi nghe và hiểu. Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời. Chỉ ai nghe, hiểu và sống Lời Chúa mới đem lại mùa gặt bội thu.

Dụ ngôn “Người Gieo Giống” đòi buộc tôi xét lại thái độ nghe, hiểu và sống Lời Chúa.  Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay đòi buộc tôi phải cải tạo lại mảnh đất của lòng mình.

Có biết bao gai góc, sỏi đá trong mảnh đất đời tôi. Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi đã từ khước không nghe Lời Ngài. Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên trong tôi, thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng mời gọi tôi đi gieo hạt giống Lời Chúa. Nhưng trước hết tôi cần có Lời Chúa sống trong tôi, Tôi cần nghe, hiểu và sống Lời Ngài; để Lời Ngài là kim chỉ nam hướng dẫn đời tôi, để Lời Ngài biến đổi đời tôi, giúp tôi tìm ra những lối gieo mới, để Lời Ngài đơm hoa kết trái nhiều hơn trong thế giới hôm nay.

***

Lạy Chúa Giêsu! Con đường dài nhất là con đường đi từ tai và miệng đến tay và chân; con đường từ nghe và nói đi đến hành động .

Con thường xây nhà trên cát, vì chỉ thích nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng sinh hoa kết trái nơi con.

Xin cho con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để con phải “thương đời hơn thương Chúa”, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ trong cuộc sống của con.

Xin giúp con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được sinh hoa kết trái trong con mỗi ngày mỗi hơn, để Lời Ngài mang lại lợi ích cho con hôm nay và ngàn đời trong cuộc sống mai sau . Amen

Trích trong “Manna”
(BĐ1: Is 55, 10-11 * BĐ2: Rm 8, 18-23 * PÂ: Mt 13, 1-9)