MUA MỘT TẶNG HAI

Chuyện kể rằng, chứng kiến trước cảnh đau thương vì sự gian trá lường gạt giữa con người với nhau, một thiên thần ẩn dạng dưới một nhà hiền triết rao bán hàng “sự thật”.  “Mời mua sự thật, mời mua sự thật, mua một tặng hai.  Mua sự thật sẽ được tặng tự do và hạnh phúc”.  Nhà hiền triết rao to tiếng giữa phố phường, chợ búa.

Một chính trị gia dừng lại và hỏi. “Làm thế nào để mua sự thật?  Giá bao nhiêu?”  Nhà hiền triết đáp, “Giá của sự thật là sự thật; và ông sẽ được tặng thêm tự do và hạnh phúc.”  “Xin ngài cho biết cụ thể hơn?”.  Chính trị gia hỏi tiếp.  “Xin thưa,” nhà hiền triết trả lời, “Cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, ông trung thực trả lời ba câu hỏi sau: (1)Tôi đã sống đúng với sự thật? (2) Tôi đã giám sống cho sự thật?  Và (3) tôi đã sống vì sự thật không?  Giá để trả cho món hàng sự thật là ông sống với (cảm nghiệm), sống cho (phục vụ), và sống vì (bảo vệ) sự thật.  Khi ông sống như thế, ông sẽ được sự thật, và còn được tặng thêm tư do và hạnh phúc nữa.”  Chính trị gia cầm  món “sự thật” về nhà bắt đầu thực hành với ba câu hỏi trên.  Nhưng chỉ vài hôm sau, ông đã trả món hàng ấy lại, vì hằng ngày ông thường bàn đến chiến tranh, thế lực, phe nhóm, hơn thua.  Ông thừa nhận rằng, ông chưa đủ can đảm để lên tiếng binh vực cho nạn nhân vô tội.  Ông chưa can đảm bảo vệ sự thật cho các nước nghèo, và dân tộc xấu số.  Tiền bạc và quyền lực xem chừng như mạnh hơn sự thật.

Một nhà tu đi ngang qua nghe ông cụ rao, “Mời mua sự thật, mời mua sự thật. Mua một tặng hai.”  Tò mò, tu sĩ dừng lại và nói.  “Tôi là người rao giảng sự thật, ông biết gì về sự thật mà bán?”  Nhà hiền triết tươi cười đáp.  “Con rất mừng và cám ơn ngài là người rao giảng sự thật.  Chỉ có điều là nếu ngài muốn có tự do và hạnh phúc thật thì xin ngài cầm lấy món hàng “sự thật” và thử dùng xem sao.”  Sau khi được giải thích về giá cả, nhà tu đưa “sự thật” về nhà và bắt đầu thực hành.  Nhưng cũng chỉ vài hôm sau, vị tu sĩ cũng trả nó lại, vì mỗi lần đọc kinh nguyện, tiếng kêu khóc của người nghèo, của những quả phụ, của các em nhỏ, của nạn nhân bị áp bức bất công như nhảy múa rối lên trong từng trang kinh.  Người tu sĩ thấy rằng, mình có sống với sự thật, nhưng mình chưa can đảm sống cho và vì sự thật.  Sự thật mời gọi mình đi ra khỏi cảnh yên hàn cửa nhà tu để đến với những con người đang bị chà đạp phẩm giá.  Ông như thấy rằng, sự yên ổn ngại dấn thân dường như mạnh hơn sự thật mà ông đang rao giảng, đều này làm ông trả lại “món hàng.”

Tiếng rao, “Mời mua sự thật, mời mua sự thật, mua một tặng hai” vẫn được vang lên.  Một cụ già nông dân dừng lại và nói to.  “Sự thật có cóc gì mà phải mua. Sự thật là quà tặng. Tôi được tặng nó từ lâu rồi.”  Nhà hiền triết tỏ vẽ vui mừng và nói, “Chúc mừng bác. Thế ai tặng cho bác?”  Bác nông dân đáp. “ Tôi không biết ai đã tặng tôi, nhưng từ nhỏ ba tôi đã dạy tôi chỉ sống từng ngày.  Mỗi ngày trước khi đi ngủ, ba giúp tôi nhìn thẳng vào lòng mình và trả lời ba câu hỏi thật nghiêm túc: (1) Tôi có sống thật với nhân phẩm cao quí của tôi không? (2) Tôi có sống cho những gì mà tôi yêu, tôi tin không? Và (3) tôi có can đảm làm chứng cho sự thật không?  Nhà hiền triết mĩm cười mãn nguyện và thưa.  “Bác đã có tất cả rồi. Chúc mừng bác.”

******************************

Bạn thân mến, câu chuyện tưởng tượng trên một lần nữa đề cao giá trị của sự thật. Nói đến sự thật ai ai cũng mong mõi và khao khát để chiếm lấy, vì nó rất trong sáng, rất tinh tuyền, và rất mạnh mẽ. Ai dám sống với, cho, và vì sự thật thì sẽ cảm nghiệm thế nào là tự do và hạnh phúc đích thực.

Sự thật là điểm chuẩn trong gia đình, trong đoàn thể, và trong xã hội.  Quan tòa tìm sự thật để kết tội hay tha bỗng cho bị cáo.  Sự thật có thể dẫn người ta đến hòa khí, tha thứ nhưng khi không chấp nhận sự thật người ta có thể chia tay nhau.  Sự thật có thể giúp người ta tìm ra ánh sáng, hạnh phúc, nhưng khi không chấp nhận sự thật, người ta có thể vì xấu hổ, rút lui vào bóng tối của uẩn ức, hận thù.

zzGiá của sự thật phải được “mua” bằng sự thật!  Nếu không phải mua bằng sự thật thì điều gì có giá trị hơn sự thật để mà đổi chác?  Một tội nhận được ơn thứ tha chỉ khi anh ta thật lòng nhìn thấy sự thật là mình đã lầm lỗi.  Mối quan hệ rạn nứt chỉ có thể hàn gắn khi nhận ra sự thật rằng mình cũng có phần trách nhiệm trong sự việc này.  Lòng mình không bình an thì cần phải nhìn sự thật là có khi mình còn kiếm tìm và lo xây thành đắp lũy cho cái tôi của mình.

Thưa bạn, mời bạn trở lại thật với lòng mình, với thân phận mình để từng ngày tìm câu trả lời cho ba câu hỏi mà vị hiền triết nêu trong câu chuyện. (1) Bạn có sự thật trong người chưa?  (2) Bạn đã sống cho sự thật chưa? (3)  Bạn đã can đảm để bảo vệ sự thật chưa?

Brother Huynh Quang

NỤ CƯỜI TRONG CUNG LÒNG THIÊN CHÚA

Theo lời yêu cầu của các đệ tử, một vị linh sư Ấn Ðộ đã kể lại kinh nghiệm về các giai đoạn đời tu của ông như sau:

–  Giai đoạn đầu tiên của ta là được Thiên Chúa cầm tay dẫn đến xứ sở của hoạt động. Ta đã ở lại đây nhiều năm.

Tiếp đó Ngài đã trở lại và đưa ta đến xứ sở của niềm đau.  Tại đây trái tim của ta đã được thanh tẩy khỏi mọi dính bén với của cải trần thế.

Sau đấy Ngài dẫn ta đến miền đất của cô đơn.  Ở đấy mọi ti tiện nhỏ bé của bản thân ta đều bị thiêu hủy hết, và ta đã có thể đi vào xứ sở của thinh lặng.  Trước mắt ta, mầu nhiệm của sự sống và của sự chết đều được tỏ bày.

Nghe thế các môn đệ bèn hỏi:

–  Phải chăng thầy đã đạt tới giai đoạn cuối cùng trong cuộc tìm kiếm của thầy?

Vị linh sư bình thản trả lời:

–  Chưa đâu. Một ngày nọ Thiên Chúa đã nói với ta như sau: “Lần này Ta đưa con vào thăm cung của đền thánh để con được đi vào cung lòng của Ta”.

Thế là ta đã đến xứ sở của nụ cười.

*****************************************

zzNgười Tây Phương thường nói: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”.

Niềm hoan lạc, sự vui tươi phải chăng không là nét cốt yếu trên khuôn mặt vị thánh?

Kinh Thánh đã nói: “Thiên Chúa là Đấng làm hoan lạc tuổi xuân con”.  Thiên Chúa làm cho con những hoan lạc bởi vì Ngài chính là niềm vui.  Ði vào cung lòng Thiên Chúa là tìm được nụ cười muôn thủa của niềm hân hoan đó.

Nụ cười không chỉ là biểu hiệu của niềm vui.  Nó còn là một thách thức trong một hoàn cảnh bi đát. Ðó là nụ cười của bà Sara, bật lên giữa cảnh già nua son sẻ.  Thực tế, khi Thiên Chúa cho bà biết sẽ thụ thai mặc dầu đã già lão, thì bà Sara đã bật cười.

Thiên Chúa thường khơi dậy những nụ cười như thế.  Tư tưởng của Ngài, hành động của Ngài đều là những nghịch lý đối với con người.

Là lời của Thiên Chúa, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng là sự nghịch lý nhập thể. Cả cuộc sống, lời rao giảng, nhất là cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là một chuỗi những nghịch lý trước con mắt của người đời.

Người đời chạy theo tiền của, danh vọng quyền bính, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: “Phúc cho những ai nghèo khó”.

Người đời thích gây bạo động và hận thù, Chúa Giêsu lại dậy: “Phúc cho những ai hiền lành và xây dựng hòa bình”.

Người đời cho rằng cái chết là một bất hạnh tột cùng, là tận điểm của cuộc sống, là kết liễu của tất cả. Chúa Giêsu lại dậy: đó là khởi đầu của hạnh phúc, là cửa ngõ đưa tới sự sống lâu dài.

Thánh Phaolô đã diễn tả cái nghịch lý cao vời ấy của Thiên Chúa bằng lời khẳng định sau đây:

“Ðiều mà thế gian cho là yếu hèn, thì đó lại chính là sức mạnh của Thiên Chúa… Những gì người đời cho là điên dại, thì đó chính là lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa”.

Ðấy cũng phải là xác tín của chúng ta.  Với niềm xác tín ấy chúng ta sẽ vượt qua được con đường đầy nghịch lý giữa cuộc sống trần gian này để đạt tới cung lòng của Thiên Chúa, ở đó chúng ta sẽ gặp được nụ cười muôn thủa diễn tả niềm hạnh phúc vô biên của Ngài dành sẵn cho chúng ta.

Trích trong “Nụ Cười Trong Cung Lòng Thiên Chúa” – Radio Veritas Asia

CHÚA TIN TƯỞNG CHÚNG TA

Có một truyền thuyết xưa kia kể lại rằng: Khi Đức Giêsu hoàn thành sứ mạng dưới thế, Ngài trở về trời và được Thiên thần Gabriel đón tiếp.  Gặp Chúa, thiên thần lên tiếng hỏi ngay:

– Xin Chúa cho biết công trình của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở dưới thế?

Chúa Giêsu trả lời:

zz– Ta đã chọn 12 Tông đồ, một nhóm môn đệ và một vài phụ nữ.  Ta đã giao cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất.

Nghe Chúa trả lời như thế, thiên thần Gabriel hình như chưa hoàn toàn thỏa mãn nên hỏi tiếp:

– Nhưng số môn đệ ít ỏi đó thất bại thì Chúa có dự trù nào khác không?

– Chúa Giêsu mỉm cười và dường như muốn biểu đồng tình là thiên thần Gabriel đã có lý khi nghi ngờ, tuy nhiên Ngài vẫn quả quyết:

– Đó là kế hoạch duy nhất Ta chọn.  Ta không dự trù một kế hoạch nào khác cả.  Ta tin tưởng vào họ.

*****************************************

Vâng, thưa anh chị em, mãi đến 20 thế kỷ sau, Chúa Giêsu vẫn không thay đổi kế hoạch Ngài đã chọn.  Các Tông đồ đã không làm Ngài thất vọng và cả đám dân được họ rao giảng Tin Mừng cũng đã không phụ lòng Ngài.  Và hiện giờ Ngài đang tin tưởng vào chúng ta.

Thật vậy, trước khi từ giã các môn đệ ngài để trở về trời, Chúa Giêsu đã trao cho các ông trọng trách rao giảng Tin Mừng của Ngài và đã hứa ban cho các ông được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên anh em.  Bấy giờ anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Vì thế, các môn đệ đã trở về, lòng tràn ngập hân hoan.  Đây chính là lúc phải bắt tay vào việc.  Chính nhờ vào niềm tin và nỗi vui mừng nầy, các môn đệ đã hăng hái ra đi rao giảng Tin Mừng sau khi được lãnh nhận Thánh Thần.  Các ông không còn sợ hãi của những ngày Chúa chịu chết, nhưng đầy sức mạnh để dám đương đầu với tất cả những khổ đau, những thương tích mà chính các ông không thể trốn tránh được.  Quả thật, các môn đệ của Chúa Giêsu đã không phụ lòng Ngài.

Cha Mark Link, S.J đã sánh ví ngày lễ Thăng Thiên như một cuộc chuyền cây gậy từ vận động viên nầy sang vận động viên khác trong một cuộc chạy tiếp sức.  Cách đây 2000 năm, vào ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã chuyền cây gậy sứ mạng của Ngài cho Phêrô, Giacôbê và Gioan… đến lượt họ, họ đã chuyền cho những người tiếp theo sau, rồi những người nầy lại chuyền cây gậy ấy đến chúng ta.  Và giờ đây đến lượt chúng ta lại phải chuyền gậy cho những người kế tiếp.

Thực tế mà nói, điều nấy có nghĩa gì?  Sứ mạng ra đi rao giảng Tin Mừng về Chúa Giêsu như các Tông đồ đã làm mang ý nghĩa gì?  Đối với chúng ta, sứ mạng rao giảng về Chúa Giêsu mang một ý nghĩa căn bản trong cuộc sống Kitô hữu.  Đó chính là làm chứng cho Chúa Giêsu bằng đời sống Kitô hữu của mình.  Đó chính là sống Lời Chúa Giêsu truyền dạy trong chính cuộc sống riêng của mỗi người.  Để rao giảng Chúa Giêsu cho thế giới, chúng ta phải bắt đầu bằng cách tự rao giảng Ngài vào chính cuộc sống chúng ta trước, sau đó lời rao giảng về Ngài mới tỏa lan khắp thế giới.  Nếu có đủ số người Kitô hữu biết đưa Chúa Giêsu vào cuộc đời mình thì họ sẽ thay đổi được bộ mặt trái đất nầy thành tuyệt vời đến mức chúng ta chưa bao giờ dám mơ ước.

Anh chị em thân mến, Sứ điệp của ngày lễ Thăng Thiên hôm nay đưa ra cho chúng ta sự thách thức trước trước niềm tin tưởng mà Chúa Giêsu đã đặt nơi mỗi người chúng ta:

“Anh em là muối đất… anh em là anh sáng trần gian…” (Mt 5, 13 -16).  Là men, là muối, là ánh sáng cho đời, cuộc sống Kitô hữu phải tốt, phải ướp mặn chất Tin Mừng, phải phản chiếu khuôn mặt Chúa Giêsu.  Được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ không làm cho Chúa Giêsu phải thất vọng.

Mừng lễ Chúa lên trời hôm nay, chúng ta không phải chỉ đăm đăm ngước mắt nhìn về trời để nuối tiếc, để tìm kiếm, nhưng là ra đi vào thế giới, vào môi trường mình đang sống, để làm chứng cho Chúa, để giới thiệu Chúa Kitô cho anh chị em chung quanh mình.  Chúa Kitô đặt hết niềm tin tưởng nơi chúng ta, để rồi một khi chu toàn bổn phận của mình nơi trần gian, chúng ta cũng sẽ trở về Trời với Chúa của mình.

Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’

*****************************************

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giê-su đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân chúng con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

(RABBOUNI)