KHIÊM NHƯỜNG

Chúng ta thường tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, phép tắc vô cùng. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, ta thường nghĩ đến một Thiên Chúa oai nghi bệ vệ, cao sang quyền thế, xa cách. Ta không nghĩ hay không dám nghĩ rằng Thiên Chúa thật rất khiêm nhường. Thực sự Thiên Chúa rất khiêm nhường.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa ẩn mình trong vô hình. Ở đời, một người quyền thế chiếm rất nhiều không gian của người khác. Người quyền thế ở nhà lớn, ngồi ghế rộng. Sự hiện diện của họ khiến mọi người khép nép, nói năng mất tự nhiên, đi đứng phải nhìn trước nhìn sau. Nếu bây giờ Thiên Chúa hiện hình đứng giữa chúng ta. Chắc hẳn chúng ta chẳng thể ngồi thoải mái như bây giờ. Trái lại chúng ta sẽ quì sụp xuống, gục đầu, đấm ngực ăn năn. Nhưng Thiên Chúa đã che giấu dung nhan. Người ẩn mình trong vô hình để cho ta được tự do. Người nhường không gian cho con người. Người tự trở nên một Đấng nghèo hèn, bé nhỏ đến độ bị người đời quên lãng.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa im lặng. Trong xã hội, người uy quyền thường nói nhiều. Người nhỏ phải nghe người lớn, người nhỏ có muốn nói cũng bị tiếng người lớn át đi. Thiên Chúa đã tự trở nên bé nhỏ. Người im lặng nhường lời cho con người. Người lắng nghe con người cả khi họ chỉ trích, chống đối, lên án Người. Người trở nên một Đấng bé nhỏ nghèo hèn, khép nép, im lặng trong thế giới ồn ào của loài người.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa đã cúi xuống thân phận con người. Con người chẳng là gì mà Chúa vẫn thương. Người còn cúi xuống sâu hơn nữa trước những kẻ tội lỗi để nâng họ lên. Khi người ta cúi xuống trước một kẻ cao trọng, sự khiêm nhường ấy đáng nghi ngờ. Nhưng khi người ta cúi xuống trước một thân phận tội lỗi, nghèo hèn, sự khiêm nhường ấy rất chân thực.

Chính sự khiêm nhường thẳm sâu làm chứng quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Thông thường ở đời, quyền năng là để chiến thắng, để chế ngự, để đè bẹp. Ai chống lại quyền lực, quyền lực sẽ nghiền nát người ấy. Trái lại, nơi Thiên Chúa, quyền năng là để chịu thua, để yêu thương, để tha thứ. Sức mạnh không ở nơi quyền lực. Quyền lực bộc phát là quyền lực không tự kiềm chế được. Trái lại, khiêm nhường là chế ngự được sức mạnh của mình. Đó mới chính là quyền năng thực sự mạnh mẽ.

Thiên Chúa vô hình. Có lẽ ta sẽ khó mà hiểu biết sự khiêm nhường của Thiên Chúa, nếu ta không nhìn thấy sự khiêm nhường của Chúa Giêsu.

Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Ngài không ngừng đi xuống. Từ trời cao Người đã hạ mình xuống thế. Từ thân phận là Thiên Chúa Người đã hạ mình xuống làm một người bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Là Đấng hằng sống, Người đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Người đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Và một cử chỉ không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hạ mình xuống tận cùng, không còn có thể xuống hơn được nữa.

Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống, nên những ai kiêu căng tìm đường  nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường nhỏ bé mới gặp được Người.

Hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hãy ghi danh vào học trường Chúa Giêsu. Hãy học bài học khiêm nhường. Hãy học bài học Giêsu. Hãy học với Thầy Giêsu. Hãy bước theo Thầy Giêsu xuống những bậc thang khiêm nhường thẳm sâu. Ở bậc thang cuối cùng, Thiên Chúa đang chờ đợi ta, ta sẽ gặp được Người. Ta sẽ kết hiệp với Người. Ta sẽ rũ sạch mọi vất vả lo âu. Ta sẽ được bình an.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn nắn lòng con trở nên giống như trái tim Chúa. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt.
(BĐ1: Dcr 9, 9-10 * BĐ2: Rm 8, 9. 11-13 * PÂ: Mt 11, 25-30)

RỬA BẰNG MÁU (có Youtube)

Vào mùa hè, Vua Duy Tân thường ra nghỉ mát ở Cửa Tùng, một cửa biển đẹp ở Quảng Bình.

Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay dính đầy cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay.  Nhà vua vừa rửa tay vừa hỏi đùa:

–    Tay bẩn thì lấy nước mà rửa, còn “nước” bẩn lấy gì mà rửa?

Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao thì Vua hỏi tiếp:

–     Nước bẩn thì làm thế nào cho sạch?

Người thị vệ vẫn không trả lời được.  Vua Duy Tân bèn nói:

–      Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!

Viên thị vệ đâu có ngờ nhà vua chơi chữ, chuyển từ nước rửa tay sang một thứ nước khác ngàn lần đáng quý trọng là đất nước, là quê hương.

Khi đất nước bị dơ bẩn bởi sự chà đạp của ngoại bang thì không thể rửa sạch bằng nước mà phải rửa bằng máu.  Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc.

***************************

Tuy nước có khả năng rửa sạch nhiều thứ, nhưng có một số chất bẩn nước không thể rửa được nên người ta phải dùng những chất tẩy khác, chẳng hạn phải dùng dầu hôi để rửa sạch những vết sơn dính trên nền nhà hoặc phải dùng xăng để rửa sạch dầu mỡ dính tay.

Theo giáo huấn Hội Thánh, tội lỗi cũng là một vết nhơ trầm trọng không có thứ nước nào tẩy rửa được ngoại trừ máu Chúa Ki-tô! 

Máu chiên bò

Trong thời cựu ước, người có tội cần đến máu bò, máu chiên hay cừu để làm lễ xoá tội cho mình.  Sách Lê vi chép: “Nếu một người đã phạm tội, làm điều Đức Chúa cấm… thì nó sẽ đưa đến một con bò, dê hoặc chiên làm lễ tiến.  Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội… Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ…. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha. (Lê-vi 4, 27-32) 

Máu Con Thiên Chúa

Nhưng máu bò, máu dê cừu không thể trừ khử được tội lỗi nên Ngôi Hai Thiên Chúa chấp nhận đầu thai xuống thế làm người, trở nên như một Con Chiên mới, Chiên của Thiên Chúa, đổ máu châu báu của mình ra để tẩy rửa tội lỗi thế gian.

“Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi.  Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.  Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội.  Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.  (Dt 10, 4-7)

Ngay từ đầu, ông Gioan Tẩy giả đã nhận ra vai trò làm Chiên đền tội của Chúa Giê-su nên “khi thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.” (Gioan 1, 29-30)

Thế là Chúa Giê-su cam phận làm Chiên Mới để hiến thân chịu chết và đổ máu mình xoá bỏ tội lỗi thế gian, vì chỉ có máu châu báu của Thiên Chúa mới có thể rửa sạch tội lỗi loài người.

Hôm nay, tội lỗi của chúng ta cũng như của nhân loại còn đang chất ngất.  Thế nên, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục hiến tế thân mình để xoá tội trần gian.  Hiến tế thập giá trên đồi Can-vê năm xưa, nay được hiện tại hoá, tức đang diễn ra cách mầu nhiệm mỗi lần thánh lễ được cử hành.  Thế nên, sau khi truyền phép, linh mục chủ tế nâng cao Mình thánh Chúa Giê-su cho tín hữu tôn thờ và dùng lại lời của Gioan tẩy giả để giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên Mới đang tiếp tục dâng mình, hiến máu để cứu độ thế gian: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”.

***************************

Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta được trở thành chi thể Chúa Giê-su và được thông dự vào vai trò Tư Tế của Người nên chúng ta đều được mời gọi làm chiên đền tội với Chúa Giê-su, để cùng với Người, chúng ta dâng hiến cuộc đời mình làm hy lễ cứu độ thế gian.

Vì thế, chúng ta hãy hiệp thông với Chúa Giê-su trong từng phút sống, cùng vác thập giá với Chúa bằng cách làm tốt các việc bổn phận hằng ngày, cùng dâng trọn vẹn cuộc sống của chúng ta làm hiến lễ cho Thiên Chúa Cha, để cầu xin Cha ban ơn cứu độ cho bao người tội lỗi.

Nhờ đó, đời sống hằng ngày của chúng ta trở thành một hiến lễ cao đẹp vô cùng.

LM Inhaxiô Trần Ngà

Xin vào đường link sau để nghe đọc bài “Rửa Bằng Máu”

MÌNH THÁNH CHÚA VÀ MỘT NGƯỜI LÍNH LIÊN SÔ TRẺ VÔ ĐẠO!

Khí hậu âm u, bầu trời ảm đạm buồn tẻ.  Sự vắng lặng của đêm Giáng Sinh, mà không có gì có thể so sánh được, đang từ từ phủ xuống trên miền đất hoang vu, không có lối cho xe chạy qua được. Những đống tuyết đã tan chảy trong mấy ngày qua làm cho con đường mòn trở nên sũng ướt lầy lội. Khu rừng rậm rạp, đen tối đang đứng chắn trước mặt, che khuất cả tầm mắt chúng tôi như một đống mây đang ùn ùn kéo nhanh tới ập lên chúng tôi tựa một bức tường đang chực sập đổ xuống.  Chúng tôi vội vàng đếm bước giữa mưa phùn, làm thấm ướt lạnh tới xương tuỷ.

Cha An-xen-mô (Anselm) kéo chiếc mũ áo choàng ngắn cũ kỹ của ngài thật sát vào đầu.  Ngài bước đi với đôi mắt lim dim và không hé môi nói lấy một lời.  Sự suy niệm thầm lặng của cha làm tôi đâm ra bực bội.  Bây giờ khu rừng đầy đe dọa đang gần kề.  Cái lều thợ săn chỉ còn cách xa vài ba ki-lô-mét nữa thôi.  Tất cả các con đường mòn cũng như những lối đi vòng quanh ở vùng này tôi đều quen thuộc… Khó mà lạc đường được! Tôi cảm thấy rùng mình lo sợ: Liệu chúng tôi có đến kịp giờ không?

Khu rừng rậm rạp đã bao trùm lấy chúng tôi và đồng thời như bảo vệ lấy chúng tôi.  Vẻ dễ chịu của các chồi cây bao bọc lấy chúng tôi như mùi hương thơm.  Ở chỗ quặt cuối cùng, cha An-xen-mô đã đứng im lặng và nhìn quan sát trong đêm đang từ từ trở nên tối dần.

“Còn xa nữa không?”

“Còn độ mười lăm phút nữa”, tôi trả lời, “nhưng mỗi phút là rất quan trọng!  Cha cứ tưởng tượng: tối đa, anh ta chỉ còn 24 giờ để sống thôi!  Không có bác sĩ, lại bị các viên đạn bắn vào người… Con đã tự hỏi là làm sao anh ta có thể sống được như thế.  May là bà vợ ông kiểm lâm hiểu được tiếng Nga.  Một may mắn là cậu Hannes của bà ta đã tìm gặp được cha vào đêm vọng Lễ Giáng Sinh! “

“Ðiều may mắn đó chính là sự quan phòng của Chúa!  Chị hãy xem, chúng ta chỉ cần tin tưởng phó thác nơi Chúa việc làm và ngày giờ của mình, và rồi các phép lạ sẽ tươi nở trên mọi nẻo đường chúng ta đi.  Nếu như tôi đã không cột kỹ dây đôi giày gỗ của tôi, nếu như Hannes đã không đến được… liệu chúng ta đã có thể đến kịp thời được không? “

Một ánh sáng yếu ớt nhấp nháy ở phía trái giữa bụi cây.  Chỉ còn vài ba bước nữa!  Và chúng tôi đã gõ vào cánh cửa được gài lại bằng một then gỗ to, được bào qua loa.  Hình như bà vợ ông kiểm lâm đang chờ đợi chúng tôi sẵn, nên đã ra mở cửa lập tức.

“Lạy cha, thật cám ơn Chúa! Anh ta vẫn còn sống… ! “

Chúng tôi bước vào nhà và đồng thời là căn phòng duy nhất, được trưng bày những cái gạc nai và những súng săn.  Phía trái, ở cuối phòng, một người đàn ông đầu bó băng đang nằm trên chiếc giường xếp.  Nét da căng và râu còn lún phún sơ sài, cho thấy đó là một chàng thanh niên đang tuổi sung sức.  Anh ta mở mắt khi nghe cánh cửa cọt kẹt mở và mỉm cười.  Những vết máu to, đã khô đọng trên vành môi anh ta.

“Lạy Ðức Mẹ, Mẹ đã không dối con”, anh ta nói bằng tiếng Nga: “Vị Linh mục đã đến!  Mẹ thật nhân hậu!”

Cha An-xen-mô cởi chiếc áo choàng ướt đẵm nước mưa, để xuống đất và đi lại phía người hấp hối:

“Hỡi con, Ðức Mẹ luôn luôn trung tín.  Bây giờ cha đến để giúp con.  Vậy, cha có thể làm gì được cho con? “

Anh ta nói tiếng Nga rất đúng giọng :

“Thưa cha, con tên là Andruscha.  Con không muốn chết như một con chó!”

“Không ai chết như một con chó cả.  Linh hồn của con thì bất tử;  Chúa Cứu Thế đã trả cho nó bằng một giá rất đắt!”

“Vâng, thưa cha, con muốn được như những người có đức tin, như một Kitô hữu thực sự.”

“Con đã chịu phép rửa tội chưa? “ zz

“Thưa, không ạ!”

“Con có biết đức tin là gì không?”

“Thưa, không ạ!”

“Con có biết cầu nguyện không?”

Người thanh niên bổng mĩm cười và khuôn mặt anh ta rực sáng lên

“Dạ, có ạ!  Con cầu nguyện luôn luôn! “

Bà vợ người kiểm lâm cầm tay tôi và kéo ngồi gần bên bà trên một cái bao tải to đựng lộn xộn đầy khoai tây.  Tôi đâm tò mò và hỏi bà:

“Bà đã gặp được người thanh niên này ở đâu vậy?  “Quân đội Liên Sô tiếp tục các cuộc chiến đấu; các trận đánh vừa rồi xảy ra trong vùng này.  Bà ta đặt ngón tay lên môi và nói nhỏ: “ Chờ chút nữa lại nói!  “Tôi liếc mắt quan sát bà ta, kiểu nói trang trọng đặc biệt của bà ta làm tôi không khỏi ngạc nhiên.  Ðó không phải là một người đàn bà nhanh nhẹn và nói nhiều, mà tôi quen được từ bé tới giờ.  Tự nhiên tôi có cảm giác là cái lều này tựa như một ngôi nhà thờ vậy, đầy những Ðấng vô hình.  Cái cảm giác đó thật rõ ràng và sống động!  Trong khi đó cuộc trao đổi giữa cha An-xen-mô và người thanh niên đang hấp hối vẫn tiếp tục.  Nhưng sự thể có thực sự nguy hiểm cho anh ta không?  Giọng anh ta từng yếu ớt và không nói ra lời, đã trở nên mạnh mẽ, làm vang cả căn phòng rất rõ ràng.  Tất cả mọi chuyện quanh tôi như hoàn toàn biến đổi hết.  Tôi đã thoát ra khỏi thời gian, hoàn toàn đang cận kề một bờ bến khác, mà tất cả chúng ta đều phải vươn tới.

“ Andruscha, nếu con biết cầu nguyện, con đã có đức tin rồi đó.  Con biết gì về Thiên Chúa?”

“Con chỉ biết Người ở trong con.  Con cảm nhận được Người.  Vì thế con đã trả lời Người!”

Phải chăng đây là ảo giác của một kẻ sắp chết?  Người thanh niên mở rộng mắt và nhìn vị Linh mục với tất cả sự cảm động.  Anh ta xem có vẻ đắn đo từng tiếng và chấm dứt sự im lặng trước một hố sâu bất khả vượt qua; theo cách anh ta diễn tả thì đó là một điều không mấy tốt đẹp.  Anh ta tỏ ra không quen với cách nói các chuyện đạo đức.

Cha An-xen-mô trừng mắt dò xét anh ta.  Bỗng chốc ngài quì xuống bên cạnh người hấp hối.

“Con đừng quá lo lắng.  Cha rất hiểu con!”

Ðó không phải là xưng tội, nên tôi cảm thấy không cần phải bịt tai như trước kia với các người hấp hối khác.  Tôi có bổn phận phải đi với cha An-xen-mô.  Ngài không sinh ra ở miền này, còn tôi với tư cách là một nữ cựu hướng đạo sinh, tôi quen thuộc các lối đi, các ngõ đi tắt và các lối rẽ giữa khu rừng rộng mênh mông.

Andruscha nằm nhắm mắt, không động đậy.  Nếu anh ta không thở ra mỗi lần mỗi mạnh thêm, thì tôi cho là anh ta đã chết.  Người vợ viên kiểm lâm quì xuống và tôi cũng quì theo bà.

Bấy giờ Andruscha liền mở to đôi mắt sáng quắc.  Hầu như trọn linh hồn anh ta được biểu lộ qua ánh nhìn của anh ta vào cha An-xen-mô với một lời thỉnh cầu âm thầm nào đó.  Anh ta bắt đầu đem hết chút sức lực còn lại, cố gắng nói với từng tiếng đứt quãng:

“Con có một điều đang mang trên ngực đây.  Con đã từng mang nó theo như một kho báu.  Con đã không ngừng cầu xin Ðức Mẹ cho con có dịp để trao nó lại cho một vị Linh mục.  Và Ðức mẹ đã nhậm lời con!”

Tôi nghĩ rằng anh ta đã đãng trí, nhưng cha An-xen-mô lại không nghĩ thế.  Ðang khi đang nói những lời đó, Andruscha trở mình và nhẹ nhàng lật chiếc chăn đang đắp trên mình anh ta, mở chiếc sơ mi dính đầy máu của anh ta và lấy tay tháo ra khỏi cổ sợi dây có buộc một chiếc túi nhỏ mà anh từng mang theo trên mình.

“Ðó là cái gì vậy?”, anh ta hỏi nhỏ, “Vâng, đó điều con muốn trao lại cho cha!  Lạy Ðức Mẹ, con tạ ơn Mẹ.”

Với cái dao xếp bỏ túi, cha An-xen-mô đã cắt sợi dây, cầm lấy cái túi nhỏ, đi lại phía chiếc bàn, mở mấy chiếc kim găm gài bốn mặt chiếc túi nhỏ lại và tự nhiên quì sụp xuống.  Và tôi cũng lập tức quì gối xuống.  Kìa, trong chiếc túi nhỏ đựng toàn Mình Thánh Chúa dính đầy máu.

Andruscha đưa mắt chăm chú quan sát chúng tôi.  Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe anh ta hỏi:

“Ðó là cái gì vậy?”

“Các bà hãy ở lại đây và cầu nguyện!”  Cha An-xen-mô nói như ra lệnh.  Bà vợ viên kiểm lâm hơi lùi lại một chút và quì gối xuống, hai tay chấp lại và nước mắt chảy dài trên má.  Còn tôi không thể rời mắt khỏi tấm khăn nhỏ đầy máu, một chiếc khăn bất xứng đã thay thế cho chiếc khăn thánh Corporale.

“Ðó là cái gì vậy?”, người thanh niên đang hấp hối lại hỏi tiếp.

Cha An-xen-mô không trả lời anh ta.  Sự im lặng của ngài làmn tôi hơi bực mình.  Ngài vẫn quì gối thờ lạy Mình Thánh Chúa bị đẫm máu.

Bổng chốc tôi hoài nghi tự hỏi:  Số Mình Thánh này từ đâu tới?  Có thực sự là Mình Thánh đã được truyền phép rồi hay chưa?  Còn Andruscha không hề biết điều gì anh đã từng mang theo trên mình bấy lâu nay.

“Hỡi con, con hãy nói cho cha biết, ai đã trao cho con thứ này?”

“Một vị Linh mục, ngài trao cho con để con trao lại cho một vị Linh mục khác.  Con hằng lo sợ là sẽ không thực hiện được điều đó!”

Anh ta thở ra dồn dập và từng hạt mồ hội to chảy dài trên trán.

Anh ta tiếp tục nói sau nhiều lần cắt quãng:

“Ðó chính là ở Lviv, chúng con đóng quân ở Lviv.  Một buổi sáng nọ, con thả bộ đi dạo loanh quanh trong vùng.  Chúng con không được phép đi xa khỏi trại đóng quân, nhưng ở gần đó có những cây cối và những khu rừng thưa thớt.  Trên một con đường dẫn lên một triền dốc có một ngôi nhà thờ. Vì do những bóng cây chung quanh che phủ, nên ngôi nhà thờ hơi tối.  Ðứng trước bàn thờ là một vị Linh mục mặc áo trắng.  Ngài làm các cử chỉ và đọc lầm rầm gì đó; con chẳng hiểu gì cả.  Nhưng điều đó làm con rất thích, lòng con cảm thấy đầy vui mừng.  Con quì gối xuống trong một góc và lặp đi lặp lại kinh của Chúa Giêsu: “Gaspadi pomyluy: Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!”  Bà nội con đã dạy cho con kinh đó.  Ðó là tất cả con biết được, bởi vì bà con chết lúc con còn bé xíu.

Trong nhà thờ không có ai khác ngoài con và vị Linh mục ra.  Sau lễ phụng vụ, vị Linh mục đến chỗ con và hỏi con làm gì ở đây.  Con trả lời là con đọc kinh của Chúa Giêsu và con cảm thấy sung sướng khi cầu nguyện như thế.  Ngài cũng hỏi con là con có phải là một Kitô hữu không, và con trả lời là không, con không được chịu phép rửa tội, bởi vì cha mẹ con thuộc Komsomol và những người bezbojniki, những người vô đạo.  Bấy giờ vị Linh mục nói với con: “Nếu con muốn, cha sẽ rửa tội cho con!  Nhưng trước hết con phải học biết Chúa Giêsu, Ðấng đã cứu rỗi tất cả mọi người nhờ cái chết của Người trên thập giá và nhờ sự sống lại của Người từ cõi chết!”

Từ đó, mỗi ngày con đi đến ngôi nhà thờ để gặp vị Linh mục, trước hết tại bàn thờ và tiếp đến là sau ngôi nhà thờ, nơi con hằng quì gối.  Vị Linh mục nói với con, ngôi nhà thờ này có tên là “heilige Sophia”, sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Con không hiểu được rõ lắm, bởi vì ngài nói tiếng Nga không được thạo lắm, nhưng điều chính yếu mà vị Linh mục nói thì con hiểu.  Và lòng con cháy lên vì yêu mến Ðức Giêsu, Ðấng đã yêu con trước.

Trong trại lính ai cũng cười ầm lên khi nghe con kể cho các bạn con nghe điều con đã cảm nhận được.  Lúc bấy giờ thường có bom dội luôn; nhưng chúng con ẩn khuất dưới các lùm cây.

Một buổi sáng, vị Linh mục không còn mặc áo lễ và không đi lên bàn thờ nữa; ngài đi thẳng đến chỗ con và nói. “Andruscha, người ta đã phản bội cha, cha sẽ bị bắt.  Vì thế, cha xin con một điều, con hãy đưa tin cho các Sơ ở công trường Thánh Yura biết.  Cha sẽ giao cho con một kho tàng quý báu để đưa lại cho các Sơ, bởi vì các Sơ không còn Linh mục nữa.  Con phải cắt nghĩa cho các Sơ là con đến từ thánh địa Sophia và cha Stanislas đã sai con đi với sứ vụ đó.  Trường hợp con không thể đến được nơi các Sơ ở, con hãy trao lại kho tàng này cho một vị Linh mục.  Con có hiểu không?  Không trao cho ai khác ngoài một vị Linh mục.  Với kho báu này, con mang Chúa Giêsu trên mình.”

Con hỏi ngài điều đó có nghĩa gì, nhưng ngài không còn thời giờ nữa để cắt nghĩa cho con, ngài chỉ đủ thời giờ để mở cái hộp trên bàn thờ và lấy trong đó ra cái túi nhỏ được đan bằng chỉ.  Ngài đưa cho con và bảo: “Con hãy chạy đi, thật nhanh!”  Người ta nghe nhiều bước chân đi.  Con chạy nấp vào một cái bụi cây và nhìn thấy:  Vị Linh mục ra khỏi nhà thờ, một đám người đàn ông mặc thường phục bao vây lấy cha.  Từ ngày đó, con không bao giờ nhìn thấy cha nữa.  Vào buổi chiều, con đi vào trong phòng vệ sinh, một nơi không còn ai nhìn thấy con được nữa, con mở cái túi vị Linh mục trao cho để xem và con chỉ thấy những chiếc bánh nhỏ cắt trỏn được đựng đầy trong đó.  Con đã muốn tìm các Sơ để trao lại như ngài đã dặn, nhưng chúng con không được phép rời trại lính và những ngày sau đó chúng con phải chuyển quân đi nơi khác.  Con nhớ là vị Linh mục đã dặn. “Nếu con không thể trao lại cho các Sơ, thì con phải trao lại cho một vị Linh mục”.  Nhưng con không gặp được vị Linh mục nào cả, và vì thế con đã xin với Ðức Mẹ cho con gặp được một vị Linh mục… Cha xem, Ðức Mẹ đã nhậm lời con, bởi vì cha là một vị Linh mục!”

“Andruscha, con đã làm gì với cái túi đựng đầy Minh Thánh, mà con vừa trao lại cho cha?”

“Con đã từng quẳng nó đi, vì khi đi tắm, mấy thằng bạn con hay tò mò muốn biết đó là cái gì, vì con thường mang nó trên ngực.  Bấy giờ con đã lấy chiếc khăn mùi-soa của con và đặt những chiếc bánh nhỏ đó vào đó, dùng mấy chiếc kim găm gài chặt lại tứ phía, để không một chiếc bánh nào bị mất.  Tại mỗi lần dừng chân con luôn đi tìm một vị Linh mục, nhưng con chẳng tìm gặp được vị nào cả, và con cũng không được phép rời toán quân của con.  Bấy giờ con đã cầu nguyện cùng Ðức Mẹ, đừng để con chết trước khi làm tròn được sứ mệnh mà cha Stanislas ủy thác cho con.

Giọng của Andruscha từ từ lạc đi và rất khó lòng có thể hiểu được nữa.  Tôi nghĩ rằng là một trách nhiệm lương tâm đòi hỏi khi tôi khẳng định là tôi phải ghi lại từng lời, điều anh ta đã kể lại. Bây giờ anh im lặng, nhắm mắt lại, rồi lại mở mắt to ra và hỏi lần thứ ba:

“Ðó là cái gì vậy?”

Cha An-xen-mô tóm tắt lại như thể ngài vừa tỉnh lại từ một giấc ngủ say.  Thay vì trả lời câu hỏi của Andruscha, ngài lại nêu lên một câu hỏi khác.  Tôi cảm thấy hầu như tức giận ngài luôn.

“Andruscha, tại sao người ta không đưa con vào bệnh viện sau khi bị thương như thế?”

“Bởi vì con không muốn.  Bởi vì con sợ người ta sẽ lấy mất cái túi nhỏ và con sẽ không bao giờ gặp được vị Linh mục nào nữa.  Máy bay đã bay rất thấp để tấn công chúng con dữ dội; quả thật người ta phải vất vả vì đủ thứ việc phải làm, như khiêng các người bị thương lại một chỗ.”

“Và đã xảy ra cho con ra sao?”

“Con không cử động được nữa.  Ai cũng tưởng con đã chết!”

“Và sau đó?”

“Sau đó họ kéo đi hết, và con lòng đầy vui mừng được bỏ lại một mình, ôi thật vui mừng!  Vì điều đó muốn nói rằng thế là con sẽ có dịp gặp được một vị Linh mục.  Con rất đau đớn, nhưng lòng con tràn đầy vui mừng… Cha xem, thân xác con thuộc về tổ quốc, còn linh hồn con lại thuộc về Thiên Chúa!  Vào buổi chiều người ta đã nhặt con và khiêng vào túp lều này!”

Ðầy giọng cương quyết, cha An-xen-mô nói: “Andruscha, con hãy nghe đây, suốt thời gian qua con đã mang Chúa Giêsu trên người con. Người đã thương con, đến nỗi Người đã trở nên bánh để làm của nuôi chúng ta. Người ẩn mình dưới những tấm bánh này. Con có tin vậy không?”

Một cái mỉm cười lạ lùng làm rạng rỡ của khuôn mặt người lính trẻ.

“Vâng, con tin điều đó!  Con đã cảm thấy con mang trên mình một kho báu.  Ngày đêm rồi lại ngày đêm, con đã cảm thấy phải lặp đi lặp lại lời kinh của Chúa Giêsu.  Và lời kinh đã làm cho lòng con ấm áp vô cùng.  Con chắc chắn rằng Ðức Mẹ đã thương nhậm lời con xin!”

“Andruscha, con có muốn được rửa tội không?”

“Dạ, dạ, con muốn lắm!…”

Không được phép để một phút nào qua đi vô ích!  Mũi anh ta đã thu nhỏ lại, nét mặt đã tái nhợt, hơi thở hổn hến như muốn xé lồng ngực anh ra, tất cả đều báo trước cái chết đang tới, chỉ còn đôi mắt sáng rực lạ lùng của anh ta là dấu chỉ của sự sống đang thu về trong thẳm sâu của linh hồn anh.

“Vâng, con muốn lắm!” anh ta nhắc lại cách thành khẩn.

Cha An-xen-mô quay lại phía người vợ viên kiểm lâm đang đưa cho ngài bát nước.

“Andreas, cha rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần!”

Tiếp đến, ngài nhấn mạnh từng lời:

“Con yêu quý, giờ đây cha trao cho con Ðấng con đã mang trên mình bao ngày tháng qua, Bánh Hằng Sống.  Ðây là Ðấng mà chẳng bao lâu nữa sẽ đón nhận con.  Con có tin rằng Người hiện diện trong những tấm Bánh này không?”

Bấy giờ đã xảy một điều hoàn toàn không ai ngờ trước được. Andruscha ngồi dậy, chấp hai tay và kêu:

“Vâng, con xin tin, con rất tin điều ấy!  Xin cha hãy mau ban cho con Bánh Hằng Sống!”

Cha An-xen-mô cầm Mình Thánh.  Từ chỗ tôi đang quì, tôi nhìn thấy rõ đó là Mình Thánh Chúa có một vết đỏ!  Cha An-xen-mô tiến lại gần người hấp hối, hai mắt anh ta rực sáng lên như hai ngôi sao, và ngài đã cho anh ta rước lễ…

Andruscha nằm ngã xuống nặng nề trên chiếc giường xếp của anh ta và khép nghiền hai mắt lại.  Anh ta không còn mở nó ra bao giờ nữa.  Chúng tôi đều quì xuống trên nền nhà và không còn dám thở nữa.  Cái cảm tưởng mà tôi có được khi mới bước chân vào cái lều này, đã trở nên mạnh mẽ trong tôi.  Thế giới vô hình bao trùm lấy chúng tôi với sự hiện diện thực sự của nó, một sự hiện diện tác động một cách toàn diện hơn cả những chiều kích cụ thể của chúng ta.

Sau một vài giây lát, cha An-xen-mô bắt vào mạch của Andruscha.  Ngài yên lặng đứng dậy và làm dấu Thánh Giá.

“Chúng ta hãy cầu nguyện! Anh ta sẽ phù hộ cho chúng ta.”

Quì gối và hết sức cẩn thận, cha đã đặt lại Mình Thánh vào chiếc khăn mùi-soa, xếp lại và để vào túi áo khoác của ngài.

“Tôi không được phép ở lại đây lâu hơn nữa”, cha An-xen-mô nói thế và quay lại phía bà vợ người kiểm lâm: “Xin bà lo cho anh ta một lễ nghi an táng theo đúng phép đạo!”

Người đàn bà ngước mặt giàn giụa nước mắt về phía chúng tôi, bà lẩm bẩm: “Thật phúc đức biết mấy cho ngôi nhà này!”

Chúng tôi bắt buộc phải có mặt ở nhà trước khi luật giới nghiêm bắt đầu; chúng tôi không được phép làm mất thời giờ.  Cha An-xen-mô kéo cái mũ trùm đầu sát vào đầu, bởi vì trời đang mưa phùn.

Trong khi sắp tới nhà, ngài đã quay về phía tôi và nghiêm giọng nói:

“Thế mà vẫn có những kẻ điên khùng còn hồ nghi rằng tự bản chất, linh hồn con người thuộc về Kitô giáo, và rằng trong chúng ta được đóng ấn một hình ảnh không thể phá bỏ được, hình ảnh của Ðức Giêsu, Ðấng là “hình ảnh thật sự của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15).

“Vâng, thưa cha!”

Tôi không còn nói được nữa, vì cổ tôi nghẹn lại rồi.

(Trích trong: Maria Winowska, “Blut an den Händen”, Paulusverlag Freiburg Schweiz, 1975, trang 75-85)

LM Nguyễn Hữu Thy

TẤM BÁNH TÌNH YÊU

Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.

Tấm bánh, tình yêu gần gũi.

Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.

Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.

Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị.

Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.

Tấm bánh, tình yêu tự hiến.

Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.

Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.

Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.

Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.

Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.

Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.

Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.

zzVới những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách sống Bí tích Thánh Thể.

 Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?

Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?

Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?

***

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt
(BĐ1: Đnl 8, 2-3. 14b-16a ** BĐ2: 1 Cr 10, 16-17 ** PÂ: Ga 6, 51-59)

PHỤC VỤ

zzNói về những người tự cho mình là quan trọng chỉ biết sống ích kỷ mà không biết phục vụ, quan tâm đến người khác, một nhà giáo dục đã kể câu truyện như sau:

Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt giữa phòng, người ta châm lửa cho ngọn nến và ngọn nến lung linh cháy sáng.  Nến hân hoan nhận ra rằng ngọn lửa nhỏ nhoi của nó đã mang lại ánh sáng cho căn phòng.  Mọi người đều trầm trồ: “Ồ! Nến sáng quá, thật may nếu không chúng ta sẽ chẳng thấy gì cả”.  Nghe thấy vậy, nến vui sướng dùng hết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh.  Thế nhưng, những dòng sáp nóng bắt đầu chảy ra trải dài theo thân nến, nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại đến khi chỉ còn một nửa nến mới giật mình: “Chết mất, ta mà cứ cháy mãi như thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi.  Tại sao ta lại phải chịu thiệt thòi như vậy”.  Nghĩ rồi, nến nương theo một cơn gió thoảng để tắt vụt đi chỉ còn sợi khói mỏng manh bay lên.  Mọi người trong phòng nhốn nháo bảo nhau: “Ồ! Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”  Ngọn nến mỉm cười tự mãn và hãnh diện về tầm quan trọng của mình.  Nhưng bỗng một người đề nghị: “Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm cái đèn dầu”.  Đèn dầu được thắp lên còn ngọn nến cháy dở thì bị bỏ vào ngăn kéo tủ.  Ngọn nến buồn thiu.  Thế là từ nay nó sẽ mãi mãi nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa.  Nến chợt hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng, được tiêu hao và tan chảy vì mọi người, bởi vì nó là ngọn nến.

*******************************

Được phục vụ người khác là một vinh dự, là ơn gọi của người Kitô hữu.  Vì thế, ai không phục vụ là đã đánh mất ơn gọi bản chất của mình.  Không ở đâu chúng ta tìm được gương mẫu phục vụ như Đức Giêsu.  Ngài đã khẳng định: “Ta đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28).

Khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, khi đồng bàn với nguời tội lỗi, hay khi an ủi, nâng đỡ, chữa lành người đau bệnh…tất cả Chúa Giêsu đều làm gương cho chúng ta về thái độ phục vụ khiêm tốn.  Là con Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu đã tự hạ sống vâng phục, mang lấy thân phận con người để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những vất vả gian lao của kiếp người như chúng ta.  Thiên Chúa còn phục vụ như thế huống chi chúng ta là con người.  Nói như thánh Phao lô: Chúng ta có được tài năng gì cũng là do Thiên Chúa ban để phục vụ người khác.  Nếu chúng ta chỉ biết chôn giấu những nén bạc, cũng giống như đốt đèn mà đặt dưới gầm giường thì bạc đó, đèn đó có giá trị gì đâu.  Càng phục vụ người khác chúng ta càng lớn lên triển nở viên mãn.  Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu bảo rằng một cánh hoa dù nhỏ bé đến đâu nó cũng sống trọn kiếp hoa của nó khi tỏa ra hương thơm ngát; một con ong, chú kiến sống trọn kiếp của nó khi chăm chỉ làm việc là hút mật là tha mồi; một nghệ sĩ dương cầm tấu lên những bản nhạc du dương cũng là để phục vụ người khác; một họa sĩ vẽ lên bức tranh là để thể hiện và ca ngợi cái đẹp của cuộc sống.

Mỗi người dù làm công việc gì hết mình, tận tình cũng là để phục vụ người khác và xây dựng xã hội; người lười biếng ích kỷ thì không biết chia sẻ hay phục vụ người khác.  Một con người chỉ thật sự là người khi sống cùng, sống với người khác, biết phục vụ chia sẻ với người khác, bởi không ai là một hòn đảo tách biệt.  Ngay cả đất đá vô tri nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.  Khi tạo dựng, Thiên Chúa không để Adam phải cô độc một mình, nhưng Người đã đặt ông vào vườn địa đàng xinh đẹp với đầy đủ các loại hoa thơm trái ngọt, đồng thời Thiên Chúa còn tạo Eva như người bạn đồng hành để đỡ nâng và an ủi ông trong cuộc sống.

Chính khi phục vụ và sống chan hòa với người khác chúng ta càng được sung mãn về nhân cách, phong phú về tâm hồn, tăng thêm niềm vui.  Phục vụ là cho đi, là làm cho người khác được hạnh phúc. Hạnh phúc được chia sẻ thì hạnh phúc được nhân lên, và chúng ta chỉ thật sự có hạnh phúc khi biết làm cho người khác hạnh phúc.

Trong xã hội mọi người đều bình đẳng, nếu bạn có chức vị cao cũng là để phục vụ người khác.  Trong gia đình, cha mẹ là người quan trọng nhất.  Thế nhưng cha mẹ lại là người vất vả phục vụ và hy sinh cho con cái nhiều nhất.  Càng làm lớn lại càng phải phục vụ nhiều hơn. Vì như Chúa Giêsu đã nói: “Trong anh em người làm lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em” (Mt 20, 26); “ Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11).

Mỗi người chúng ta là một ngọn nến nhỏ trong vũ trụ bao la, được tác tạo trong yêu thương, Thiên Chúa muốn chúng ta được lớn lên, triển nở và đạt được hạnh phúc.  Ngài đã đặt xung quanh chúng ta những mối quan hệ gần gũi, thiết thân đó là gia đình, hàng xóm, bạn bè, xã hội để chúng ta cùng cộng tác giúp nhau sống tốt.  Thế nhưng như ngọn nến nhỏ trong câu truyện trên, đã có lúc chúng không chịu cháy sáng, không sống với hết bản chất riêng của mình.  Ngọn nến đã vụt tắt, ích kỷ giữ lại cho riêng mình mãi cho đến lúc bị vất đi, bị lãng quên như một vật bị phế thải, nó mới hiểu được ý nghĩa của sự tiêu hao, hiểu được niềm vui của hành động phục vụ.

*******************************

Lạy Chúa, một con én không làm thành mùa xuân, nhưng nó biết làm cho đời ấm lại.  Một ngọn nến nhỏ chẳng đáng là gì, nhưng nó cũng đủ xua tan bóng tối.  Xin cho chúng con biết góp chung những ngọn nến nhỏ lại để tạo nên một vầng sáng lớn.  Xin cho chúng con biết tiêu hao đi vì tha nhân, được tan chảy trong tình yêu để đời chúng con không lụi tàn mà cháy mãi sáng mãi trong tình yêu của Chúa.

R. Veritas

THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN

Có một điều thường khiến các bạn trẻ băn khoăn, đó là làm sao nhận ra một tình yêu chân thực, làm sao không bị chóa mắt bởi những ảo ảnh, không bị lừa dối bởi những ngọt ngào, để rồi vỡ mộng.

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay gợi cho ta một số tiêu chuẩn, khi mời gọi ta nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người…“.  Không phải chỉ là trao một quà tặng, hay một cái gì ở ngoài mình, nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu.

Điều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha là người Con Một của Ngài, đó là Đức Giêsu Kitô. Khi trao cho chúng ta Đấng bị treo trên thập giá, Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân của Ngài. Ngài chấp nhận Con Ngài phải chết để cho ta được sống.

Tình yêu chân thực chẳng hề biết giữ lại cho mình. Tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ, tình yêu mong hạnh phúc đến với  người mình yêu: “… để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Sự sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này. Được sống là được đưa vào thế giới thần linh, được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn cho ai phải trầm luân. Nếu có ai hư mất hay bị luận phạt thì không phải là vì Thiên Chúa độc ác, nhưng chỉ vì Ngài tôn trọng tự do của con người. Con người có thể tin hay từ chối, mở ra hay khép lại trước sự sống được trao ban.

Thánh Gioan đã dám định nghĩa “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Một Tình Yêu chia sẻ chan hòa giữa Ba Ngôi: Cha trao tất cả cho Con, Con dâng tất cả cho Cha. Thánh Thần là sự thông hiệp giữa Cha và Con.  Một Tình Yêu tràn ngập cả vũ trụ: Thiên Chúa là Tình Yêu sáng tạo khi Ngài dựng nên con người theo hình ảnh Ngài; Ngài là Tình Yêu cứu độ khi Ngài muốn thứ tha cho ta qua Đức Giêsu; Ngài là Tình Yêu thánh hóa khi Ngài muốn ban cho ta sức sống mới trong Thánh Thần.

Ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu ta xa lạ với tình yêu. “Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1Ga.4:8). Và “Ai không ở lại trong tình yêu thì cũng không ở lại trong Thiên Chúa “. (1Ga.4:16).  Ước gì đời ta được tưới gội bởi Tình yêu, để mọi việc ta làm đều bắt nguồn từ Tình yêu và quy hướng về Tình yêu. Ước gì ta biết làm chứng cho Thiên Chúa Tình yêu bằng một đời sống hiến trao và chia sẻ.

***

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi ! Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng. Xin cho con có trái tim biết yêu thương.  Xin dạy con biết yêu như Ngài, biết sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Amen

Trích trong “Manna”
(BĐ1: Xh.34:4b-6. 8-9 ** BĐ2: 2Cr.13:11-13 ** PÂ: Ga.3:16-18 )

THƯ CHA GIÀ GỞI CON

zzCon thương yêu,

Một ngày nào đó con sẽ thấy ba già đi, thân thể cũng dần dần héo mòn, thì xin con nhẫn nại chút xíu, thử tìm hiểu ba chút xíu…

Nếu ba ăn uống dơ dáy không sạch sẽ, nếu ba không biết mặc áo… thì có chút nhẫn nại nghe con.

Con có nhớ không, có khi ba bỏ ra rất nhiều thời gian để dạy con làm một vài việc?

Nếu, khi ba cứ nói đi nói lại một chuyện gì đó… thì đừng ngắt lời của ba, nghe ba nói…

Khi con còn nhỏ, ba đọc truyện cho con nghe, lật trang này qua trang khác đọc cho đến khi con nhắm mắt ngủ mới thôi.

Khi ba không muốn tắm rửa thì không nên hổ nhục ba, cũng đừng chửi mắng ba…

Con nhớ không, khi con còn nhỏ, ba đã nghĩ ra biết bao nhiêu là lý do để dỗ dành con đi tắm…. cho nên, xin con cũng dỗ dành ba chút xíu, được không con ?

Khi con nhìn thấy ba không biết gì về khoa học tiên tiến, thì cho ba một chút thời gian, không nên cúp máy rồi nhìn ba mà cười nhạo…

Ba đã dạy con bao nhiêu là chuyện nhỉ?  Nào là phải ăn uống như thế nào, phải mặc như thế nào, phải đối mặt với cuộc sống của con như ra sao…?

Nếu trong lúc trò chuyện mà đột nhiên ba không nhớ gì cả, mất ý thức, thì hãy cho ba một thời gian để nhớ lại…

Nếu ba vẫn cứ bất lực, xin con đừng căng thẳng…

Đối với ba mà nói, thì cái quan trọng không phải là đối thoại, mà là có thể ở chung với con, và lắng nghe con…

Khi ba không muốn ăn thứ gì thì đừng nên gò ép ba, vì ba biết rất rõ lúc nào thì có thể ăn…

Khi chân của ba nó không nghe… thì phụ giúp ba một tay…

Giống như ba đã giúp con, dẫn con bước thứ nhất đi trên cuộc đời của con…

Khi một ngày nào đó ba nói với con là ba không còn muốn sống nữa…

Xin con đừng giận dữ…

Có một ngày con sẽ hiểu…

Thử tìm hiểu ba, sắp nằm gần kề miệng lỗ, những ngày sắp tới có thể đếm…

Có một ngày con sẽ phát hiện, mặc dù ba có nhiều cái sai, nhưng ba vẫn cứ muốn cho con cái tốt nhất…

Khi ba gần bên con thì đừng cảm thấy buồn rầu, bất đắc dĩ hoặc né tránh…

Con phải kề sát bên ba, như ba hồi trước giúp con triển khai nhân sinh, hiểu ba, giúp ba…

Xin để ba dựa vào con một chút, con hãy lấy yêu thương và lòng nhẫn nại giúp ba đi hết con đường nhân sinh…

Ba sẽ dùng nụ cười, sự không thay đổi của ba và tình yêu không bờ không bến, để báo đáp con…

Ba yêu con.

Ba của con.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. Dịch từ tiếng Hoa (From VietCatholic)

CHIẾC GIƯỜNG VÀ QUAN TÀI

Một vật dụng trong gia đình mà từ Đông Tây Nam Bắc, Á Âu Nhật Tầu, lớn bé già trẻ, giỏi dốt giàu nghèo, đẹp xấu khoẻ ốm, và làm bằng chất liệu gì thì ai cũng biết, đó là chiếc giường.

Chiếc Giường

Chiếc giường thật đơn giản và tiện dụng, nó không chỉ để ngủ, mà còn là địa điểm:

Dùng để dựa lưng khi mệt mỏi, nằm nghỉ lúc đêm về, tâm sự khi vai nặng, sẻ chia lúc đơn côi, kết giao tình loài người, sự sống được chuyển giao.  Nhờ nó, con người tăng thêm sức khoẻ, gánh nặng nhẹ vơi, bồi dưỡng tinh thần, trút bầu tâm sự, sự sống phục hồi, cảm thông cuộc sống, tình nghĩa tăng thêm, tình yêu dạt dào, thân xác trao ban, tâm hồn dâng hiến, hoan lạc phát huy, mầm sống khởi sự…

Nơi đây, quá khứ được nhìn lại, tương lai được định hướng, hiện tại được đón nhận.

Nơi đây, nhiều thứ được nghĩ đến, tốt lành và xấu xa, đời này và đời sau, ma quỷ và Thiên Chúa, thiên thần và con người, gia đình và cuộc sống, xã hội và tôn giáo…

Nơi đây, ta dễ dàng để xét suy lời nói, kiểm tra việc làm, ăn năn hối cải, điều chỉnh cuộc sống, thăng tiến bản thân, thánh hoá con người, xây dựng quê hương, mở rộng Giáo hội.

Nơi đây, tâm hồn lắng đọng, cõi lòng nhẹ trôi, thế giới riêng mình.  Cuộc đời, dù sóng gió cao dâng, ta vẫn có thể nằm lên nó chờ đợi và hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng.

zzTừ đây, những kế hoạch hình thành, các khát vọng hiện đến, nhiều ước mơ nảy sinh.

Từ đây, ta đợi hừng đông xuất hiện để bắt đầu một ngày mới với tia nắng ấm, muông thú chào đón, con người vẫy gọi.

Từ đây, ta thực sự nhìn thấy mình quá nhỏ bé đối với thiên nhiên, càng bé nhỏ hơn so với Đấng đã tạo dựng nên vũ trụ lớn lao kỳ diệu này.

Nhưng, xét cho cùng, tất cả chỉ là tạm thời, ngắn hạn.

Vì mặt ta còn phải hướng lên trời, mong mặt trời chiếu sáng, ngày mới bắt đầu.  Ngày mà ta có thể khởi sự nhưng lại không biết chắc chắn kết quả khi chiều về.  Càng không biết vận mạng của ta sẽ kết thúc lúc nào.  Vì vậy cần phải: Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, và khi chúng con làm xin Chúa giúp đỡ, để từ khi khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa.

Rồi dù lúc khởi sự cho đến hoàn thành đều tốt đẹp, thì ta cũng không rời bỏ chiếc giường được, mà còn phải vòng lại mỗi khi chiều về, đêm đến.  Mặt trời luôn đánh thức ta dậy để cộng tác làm việc bằng chính đôi chân, bàn tay, khối óc của mình, qua các bổn phận và trách nhiệm theo từng ơn gọi, nhờ ơn Chúa.

Giống như ăn uống, con người phải ăn mãi để duy trì và phát triển sự sống.  Tiến trình tiệm tiến của kiếp nhân sinh này giúp cho con người lớn lên, khôn thêm, dày dạn kinh nghiệm hơn.

Một khi con người không cần đến chiếc giường tạm này nữa, thì chiếc giường tạm thứ hai sẽ phục vụ ta, đó là chiếc quan tài.

Quan tài

Nằm trong chiếc quan tài chắc là hạnh phúc lắm, vì ta không còn phải nghe, phải nhìn, phải nói, phải làm, những điều không muốn nói, không muốn làm, không muốn nghe, không muốn nhìn nữa.  Giấc ngủ không còn bị làm phiền, không phải chập chờn thức giấc vì cuộc sống nữa.

Khác với giường, nơi đây, thời gian nghỉ ngơi khác nhau, tùy lòng từ bi của Thiên Chúa và công phúc của người còn sống.

Khác với giường, nơi đây, con người đợi hừng đông chiếu sáng, nhưng là ánh sáng vĩnh cửu.

Khác với giường, nơi đây, con người chờ mặt trời ló rạng, nhưng là mặt trời công chính không bao giờ lặn.

Khác với giường, nơi đây, con người mong được thức dậy, nhưng không phải ngày mới, mà là sự sống mới.

Khác với giường, nơi đây, ta mong thức dậy, nhưng không phải để gặp con người, mà để gặp Thiên Chúa.

Khác với người còn sống, khi Chúa gọi dậy thì sẽ không bao giờ phải ngủ lại, mà là thức, sống mãi với Ngài.

Người còn sống có thể chủ động tích đức lập công và có nhiều cơ hội đầu tư cho cuộc sống đời này và và đời sau.  Còn người từ giã cõi tạm, họ trở nên thụ động, không còn khả năng làm được gì nữa, tất cả phải nhờ vào lòng từ bi xót thương của Thiên Chúa và cậy vào lòng quảng đại, ưu ái nhớ đến của người trần gian.

Giường tạm là phương tiện tốt để nhắc nhở cho ta chuẩn bị cho chiếc quan tài ấm cúng, bình yên, an toàn và mau chóng được trở về trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Không biết lo xa, ắt sẽ buồn gần.  Hãy sẵn sàng và tỉnh thức.  Hãy bám vào sức mạnh của Chúa Giêsu, vì Ngài “Là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”; Ngài là Bánh từ trời xuống, bánh này khi ăn uống thì không còn đói khát, và không phải chết nữa, dù có chết cũng sẽ được sống lại trong vinh quang với Ngài.

Hãy nhớ đến chiếc giường đời này, là tạm thời.

Hãy nhớ đến chiếc quan tài, giường tạm thôi, đừng sợ hãi.

Hãy nhớ sự sống này chỉ thay đổi chứ không mất đi.

Thanh Thanh

THẦN KHÍ ĐỔI MỚI

zzTại một giáo xứ ở miền Sicilia, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú.  Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.  Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy không được tránh né hoặc đuổi đi, nhưng phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể, to hoặc nhỏ tùy theo khả năng của mình, để chứng tỏ rằng mình làm công việc ấy là do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.  Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một số sự kiện điển hình như sau:

Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng.  Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị.

Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một công tước vùng ấy, khiến ông ta phải ra tay nghĩa hiệp, bỏ tiền xây một hệ thống dẫn nước được đặt tên là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.

Có một linh mục trẻ được chỉ định đến thay thế cho cha xứ già đã đến tuổi hưu.  Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia.  Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên của ngài ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh trong bầu trời cao rộng.  Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ mới trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân.  Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây?  Cha xứ mới chỉ tuyên bố là ngài sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ để phục vụ tốt cộng đoàn giáo xứ.  Và ngài đã giữ lời hứa.

*************************************

Thưa anh chị em, Với mỗi người chúng ta hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn là Đấng thiêng liêng.  Chúng ta không thể giới hạn cách thức tỏ hiện của Ngài trong hình thức của trận cuồng phong, lưỡi lửa, của chim bồ câu hay bất cứ một hình thức nào khác.  Quả thực, Ngài không ngừng hiện diện và tác động nơi chúng ta cách tự do và rộng khắp.  Ơn của Ngài nhằm thôi thúc chúng ta phải làm gì cụ thể trong việc đổi mới đời sống con cái đối với Thiên Chúa, góp phần phục vụ tha nhân, phục vụ cộng đoàn.

Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể lại cho chúng ta những sự lạ đã xảy ra bên trong và bên ngoài ngôi nhà nơi các môn đệ đang hội họp, có Đức Maria ở giữa.  Bên trong có tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào nhà.  Có những lưỡi lửa xuất hiện trên mỗi người.  Họ tràn đầy Thánh Thần.  Bên ngoài dân chúng bỡ ngỡ kéo đến bao vây.  Sự gì đã xảy ra?  Phêrô, con người nhát đảm ấy, hôm nay mở tung cửa và bước ra, theo sau là các môn môn đệ khác.  Họ lâng lâng như người say rượu, khiến dân chúng bàn tán, nhưng họ không say rượu mà say Chúa!  Vì hôm nay, ứng nghiệm lời tiên tri Gioel đã tiên báo: “Ta sẽ đổ Thánh Thần xuống và chúng sẽ nói tiên tri”.  Phêrô giảng bài đầu tiên làm cho 3.000 người trở lại.  Các Tông đồ khác cũng bắt đầu sứ mạng rao giảng, với đặc ân Thánh Thần ban cho là nói được tiếng bản xứ của mỗi thính giả từ các nơi đổ về.

Giáo Hội được sinh ra từ ngày Thánh Thần hiện xuống.  Ngày nay Giáo Hội đã có một trang sử dài gần 20 thế kỷ.  Giáo Hội cũng cần một luống gió mạnh thổi đến, lùa vào hầu có thể đổi mới mọi sự. Xưa Phêrô đã mở tung cửa đón nhận Thần Khí Thiên Chúa thì ngày nay các vị đại diện Phêrô cũng đã khai mở Công Đồng “như một lễ Hiện Xuống mới”, đem lại cho Giáo Hội một bộ mặt mới, một luồng gió mới.

Mỗi lễ Hiện Xuống là một ngày khai sinh mới của Giáo Hội, Thánh Thần là ai? – Thánh Phaolô, trong bài đọc II đã giải thích gồm tóm trong ý tưởng rằng, Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội.  Thánh Thần ban cho mọi tín hữu nhận lãnh Phép Rửa một niềm tin duy nhất, là “Chúa Giêsu là Thiên Chúa đã sống lại”.  Chúng ta phải tin, phải sống và phải loan báo.  Tuy rằng đức tin là một, nhưng Thánh Thần sẽ ban cho mỗi người, mỗi thời đại, những đặc sủng riêng tư, thích hợp cho từng dịch vụ, từng sinh hoạt, từng nơi chốn.  Thánh Thần như linh hồn của Giáo Hội, hằng huy động, hướng dẫn, thống nhất để xây dựng Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII là một điển hình.  Khi mới được bầu làm Giáo Hoàng, Ngài là một cụ già đã 77 tuổi, cục mịch như một cha xứ nhà quê, ai cũng cho là “một Giáo Hoàng giao thời”. Nhưng ai ngờ con người ấy, trong triều đại chỉ 5 năm, trở thành dụng cụ của Chúa Thánh Thần để đổi mới, để thực hiện chính sách mà Ngài gọi là “ cập nhật hóa” (aggiomento), mở cửa để Giáo Hội bắt gặp đà tiến triển của thời đại văn minh.  Ngày nay, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư “Tiến tới Thiên niên kỷ thứ ba” chuẩn bị cho toàn thể Giáo Hội mừng Đại Năm Thánh 2000 đã kêu gọi “trân trọng đặc biệt tất cả những gì Chúa Thánh Thần đã nói với Giáo Hội (Kh 2,7) cũng như những gì Thánh Thần nói với các cá nhân qua các đoàn sủng phục vụ cộng đoàn”.  Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi muốn nhấn mạnh những gì mà Chúa Thánh Thần gợi ý cho các cộng đoàn khác nhau, từ những cộng đoàn nhỏ nhất- như gia đình, đến những cộng đoàn lớn hơn – như các quốc gia, các tổ chức quốc tế, kể cả những nền văn hóa, văn minh và những truyền thống lành mạnh” (TMA. Số 23).

Nhiều người tín hữu ngày nay vẫn còn có thái độ như nhóm nhỏ Tông đồ ngày xưa.  Họ sợ sệt, cửa đóng then cái, e rằng Thầy ra đi là đi mãi, tương lai mù mịt.  Nhưng Thánh Gioan cho biết, ngay chiều Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện đến trấn an các ông: “Bình an cho các con”.  Rồi Ngài thổi hơi trên các ông: “các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.  Ai lại không liên tưởng đến “ làn hơi Thiên Chúa” thổi đến trên mặt nước “trong ngày khai thiên lập địa” (St 1,2) đến làn sinh khí mà Thiên Chúa thổi vào con người trong ngày tạo dựng Ađam (St 2,7).  Ngày nay, làn hơi ấy chính là Chúa Thánh Thần, là làn hơi ban sự sống (Ga 3, 5-6) và là sức mạnh tầy xóa mọi tội lỗi: “các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20,23).  Qua làn hơi thở của Chúa, qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ cũng như chúng ta ngày nay phải trở nên những chứng nhân của Chúa cho đến tận cùng trái đất.

Anh chị em thân mến, Ngày lễ Chúa Thánh Thần ngày khai sinh của Giáo Hội, là ngày nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mở rộng vòng tay ôm cả thế giới.  Chúa Thánh Thần thôi thúc bên trong để chúng ta hành động cụ thể, tỏ lộ ơn Ngài ra bên ngoài và chúng ta sẽ chỉ có thể vững tin rằng mình đang sống dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, khi mọi nỗ lực của chúng ta luôn theo sát với giáo huấn của Chúa Kitô và đều hướng đến việc kiến tạo tình yêu thương cảm thông nhau hơn. Chớ chi từ nay, chúng ta luôn biết mở mắt tâm hồn của mình để nhận diện ra bao cuộc hiện xuống của Chúa Thánh Thần trong đời mình và mở rộng tâm hồn sống theo ơn Ngài thôi thúc, hầu cuộc sống của chúng ta có thể đổi mới không ngừng trong tình yêu thương xây dựng.

Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’

 

GIA TÀI CỦA CHA TÔI

Cha tôi không còn nữa! Cha tôi đã mất ngày 22 tháng 5 năm 1998 ở Việt Nam, để lại lại cho tôi một gia tài vô giá.  Đó chính là niềm tin, là lý tưởng, là ý chí và nghị lực giúp tôi vững bước trên đường đời.

Ông nội mất khi cha tôi còn bé lắm!  Mấy năm sau bà nội “đi thêm bước nữa” nên cha tôi phải nghỉ học để tìm kế sinh nhai nuôi dưỡng 3 người em còn nhỏ dại mặc dầu lúc đó cha tôi cũng chỉ mới 15 tuổi đầu.  Cha tôi không phải là người giỏi, cũng không có tài gì đặc biệt nên đã không thể làm giàu về vật chất nhưng ý chí và nghị lực của ông thật tuyệt vời.  Cha tôi luôn luôn can cảm đối đầu với sự thật, cho dẫu có phũ phàng, và sẵn sàng chấp nhận “thua một trận để thắng cả cuộc chiến!”

Lúc còn ở miền Bắc, cha tôi đã từng đi “làm thuê ở mướn”, can tâm chịu nhục nhã để tìm phương tiện nuôi dưỡng các em khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho từng người “để cô và hai chú không phải tủi thân vì ông nội chết sớm!”

Sau khi di cư vào miền Nam, ở Bình Giả một thời gian, cha tôi lại một lần nữa đưa gia đình đi dinh điền Phước Tín thuộc quận Phước Bình, tỉnh Phước Long vì sợ con cái mắc phải những cơn bệnh ngặt nghèo vì “ngã nước” nơi vùng đất đầy chướng khí lúc mới thành lập trại di cư này. Nhưng rồi thực tế quá phũ phàng, gia đình tôi lại dọn ngược trở về Bình Giả năm 1966 vì chiến tranh lan rộng trên vùng Phước Long.  Một lần nữa, cha tôi đã phải bắt đầu lại từ con số không, ăn nhờ ở đậu anh em bà con, làm thuê làm mướn sống qua ngày, rồi phát rừng kiếm đất cày cấy.

Trong thời gian chạy loạn và di chuyển trở lại Bình Giả, tôi đã mất một năm học, rồi vì tuổi trẻ ham chơi, tôi phải ở lại lớp thêm một năm nữa.  Tôi biết lúc đó cha tôi lo buồn nhiều lắm; tuy nhiên, vì sợ tôi chán nản bỏ bê việc học nên cha tôi chỉ ân cần nhắc nhở: “Con phải can đảm vươn lên. Con là niềm tự hào của cha. Nếu tự con không được can đảm cho lắm, thì cũng phải tỏ ra là mình can đảm. Người ta không phân biệt được một người can đảm với một người tỏ ra can đảm đâu…”

Sau năm 1975, khi biết anh em chúng tôi hầu như mất định hướng, không còn hứng thú tiếp tục học, cha tôi chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo: “Các con phải cố gắng mà học. Đời cha đã khổ vì ông nội mất sớm, không được học nhiều nên cứ phải cày sâu cuốc bẫm. Thời nào người có học cũng hơn, các con cố lên, đừng chán nản.” Tôi không bao giờ quên giọng nói nghẹn ngào của cha khi tôi từ giã gia đình trở lại trường học vào một buổi sáng cuối thu năm 1975: “Cha không có một hũ vàng cũng không có một tủ sách để lại cho con. Cha chỉ biết cày sâu cuốc bẫm để nuôi con ăn học cho tới đầu tới đũa… Con đừng cầu mong của cải mà hãy cầu mong sự khôn ngoan, hiểu biết, và lòng dũng cảm.”

Chính nhờ những lời khuyên dạy đó mà đầu thập niên 1980, em trai tôi đã trở thành một giáo viên ở vùng “Kinh Tế Mới Xuân Sơn” gần Bình Giả thay vì phải “thi hành nghĩa vụ quân sự” ở Campuchia như bạn bè cùng trang lứa.  Và cũng chính nhờ những lời khuyên dạy đó mà sau khi tới Mỹ, tôi đã tìm mọi cách rời khỏi nông trại của người bảo trợ để tự đi tìm cho mình một tương lai qua việc học.

Những ngày đầu gian khổ ở Mỹ, tôi đã nghĩ thật nhiều về cuộc sống vất vả của gia đình đang lây lất qua ngày ở Bình giả, và thường xuyên ôn lại những lời khuyên dạy của cha tôi để làm động lực thúc đẩy mình phải vươn lên.  Thời sinh viên độc thân, với tiền học bổng và làm việc trong trường, tôi cũng tạm đủ sống, nhưng đêm từng đêm tôi vẫn đi quét nhà, hút bụi, lau cầu tiêu… để kiếm thêm tiền mua quà gởi về giúp gia đình bên Việt Nam.  Tôi rất vui mừng và hãnh diện vì trong gian nan khốn khó của những ngày đầu sống kiếp tỵ nạn, mặc dầu tôi không đủ khả năng để nuôi các em như cha tôi đã từng làm, nhưng tôi cũng giúp đỡ cha mẹ và các em, các cháu được phần nào qua cơn túng quẫn.

Trước Tết Nguyên Đán năm 1998 tôi vội vã dẫn theo đứa con gái đầu lòng mới 8 tuổi trở về khi nghe tin cha tôi bệnh nặng, và sợ sẽ không còn sống được bao lâu!  Sau khi hoàn tất thủ tục Hải Quan và bước ra phía ngoài phi trường, tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cha già một tay chống gậy, một tay bám vào vai em tôi mới có thể đứng vững để nhìn lại đứa con trai sau bao nhiêu năm trời xa cách.  Cha tôi gầy gò và xanh xáo quá!

Hai cha con tôi ôm nhau khóc ròng, trong lúc mẹ và các em, các cháu cũng khóc như mưa.  Ngày tôi âm thầm lặng lẽ cỡi xe đạp rời Bình Giả ra Láng Cát để xuống thuyền đi tìm tương lai, trời mưa như thác đổ. Chiều nay tôi trở lại, trời Sàigòn nắng chang chang, nhưng sân phi trường cũng ướt đẫm nước mắt của cha, của mẹ, của anh em và con cháu.  Người ta trở về trong tiếng vui cười hớn hở, cả Việt Kiều lẫn thân nhân đi đón; chỉ riêng tôi trở về với nước mắt trong vòng tay gầy guộc, yếu đuối của cha già.  Khi ôm cha vào lòng để những giọt nước mắt yêu thương nhung nhớ của cha ướt đẫm vai áo, tôi mới nghẹn ngào, nức nở thốt lên: “Cha ơi! Con đã về!” Phải, tôi đã về!  Tôi đã trở về bên cha già như đứa con hoang đàng trong Phúc Âm tìm về với Người Cha Nhân Hậu… (Luca 15: 11-32).

Cha tôi vốn ít nói, bây giờ lại bệnh hoạn, đi đứng nói năng đều khó khăn, nhưng cũng không quên hỏi tôi trong nghẹn ngào: “Con có học được tới đầu tới đũa như lòng cha mong ước không?”  Nước mắt tôi lại trào ra.  Tôi vòng tay ôm cha tựa sát vào người.  Trời nóng lắm nhưng lòng tôi lại có cảm giác buốt lạnh và đang được sưởi ấm từ từ nhờ hơi ấm của tình cha…

Chúng tôi về tới Bình Giả lúc nào tôi cũng không hay vì trời đã chập choạng tối nên tôi không nhìn rõ cảnh vật hai bên đường làng.  Lúc xe đậu lại trước nhà, tôi mới chợt tỉnh cơn mơ… Anh em bà con trong làng không biết tôi trở về; do đó, khi thấy xe ngừng ở cổng, họ đoán là cha tôi từ bệnh viện trở về nên chạy đến thăm hỏi đầy nhà.  Một số người khi biết nhà có Việt Kiều đã âm thầm rút lui vì sợ mang tiếng đến thăm Việt Kiều chứ không phải thăm cha tôi.  Khi nghe em tôi nói thế, tôi ra sân đứng chào đón mọi người, nhưng hầu hết lấy cớ “để ông cụ nghỉ” và ra về.  Cha tôi mệt lắm, nhưng cũng cố gắng đứng lên nói vài lời cám ơn mọi người rồi mới để em tôi dìu vô phòng nghỉ, sau khi quay sang dặn tôi: “Cha biết con cũng mệt, nhưng cố được thì thay cha ngồi nói chuyện và cám ơn mọi người.  Ngày mai con đưa cháu đi một vòng thăm hỏi anh em bà con trong họ, trong làng cho phải phép.”

Mấy ngày Tết tôi bận tối tăm mặt mày vì người vô ra liên tục.  Việt Kiều nhà người khác về quê mang quà đi biếu bà con, riêng tôi lại ngồi nhà nhận quà của anh em bà con đến thăm cha tôi đang bệnh: Người mấy quả trứng, người ít trái cây, hộp sữa… Ôi! Cái tình người ở quê tôi đẹp quá!  Tôi đã đi qua hơn một nửa quả địa cầu, đến thăm cả trăm thành phố khác nhau, nhưng tôi chưa tìm được ở đâu người ta có “tấm lòng yêu thương chòm xóm” như tại làng Bình Giả – Quê Hương Yêu Dấu của tôi.  Có những người đã dọn ra Ngãi Giao hay vào Xuân Sơn, nhưng nghe tin cha tôi đi nhà thương về cũng lặn lội đến thăm.  Có người đã nói thẳng với mẹ tôi: “Nghe nói có Việt Kiều về, nhà con cũng ngại lắm, nhưng biết ông ở nhà thương về, không đến không được!”

Cha tôi chỉ là một nông dân tầm thường, nhưng mọi người trong làng đều thương mến… Tôi đã xúc động đến rơi lệ khi bà con trong làng nói cho tôi biết trên con đường nối liền Vũng Tàu và Quốc Lộ số 1, đi ngang cuối làng Bình Giả, trước khi vào tới xã Tân Lập, có một chiếc cầu mang tên cha tôi:  Cầu Ông Minh.

zzTôi đã chụp hình “chiếc cầu mang tên cha tôi” đưa về Mỹ, để chung vào hộp với tài liệu tôi viết lại những lời khuyên dạy của cha từ ngày còn bé… Đây chính là biểu tượng của một gia tài vô giá cha để lại cho tôi.

Đã từ lâu lắm rồi, trên con đường mòn từ Bình Giả vào Tân Lập, có một đoạn đi qua một con suối thuộc phần đất của gia đình tôi.  Chính cha tôi đã vận động bà con đốn cây xẻ gỗ làm một chiếc cầu khá tốt để giúp dân làng vận chuyển nông sản qua lại, và mọi người vẫn gọi là “Cầu Ông Minh”.  Khi chính phủ quy hoạch làm đường nhựa và xây cầu xi-măng, bà con trong vùng đã xin phép được chính thức đặt tên là “Cầu Ông Minh” trong bản đồ hành chính của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam.

Ngày mùng 6 tết tôi phải lên đường trở về Mỹ. Cuộc chia tay nào cũng buồn cả!  Riêng tôi, khi nhìn thấy cha già chống gậy đứng bên cửa, nước mắt lưng tròng nhìn theo… tôi bước không đành!  Tôi ra xe, ngoảnh mặt lại thấy cha giàn giụa nước mắt, tôi lại chạy vào.  Ba bốn lần như vậy tôi cũng không làm sao cất bước lên xe.

Em tôi sợ trễ giờ lên máy bay nên vừa khóc, vừa nói: “Cha vô nhà đi, anh mới ra xe được!”

Không biết vô tình hay hữu ý, cha tôi nói một câu làm mọi người cùng bật khóc nức nở: “Con không cho cha nhìn anh con lần cuối được sao?”

Tôi ôm cha vào lòng thật chặt và nước mắt tuôn trào.  Con gái tôi cũng ôm bà nội khóc nức nở.  Cha tôi ôn tồn nói: “Con đưa cháu ra xe kẻo trễ.  Đừng khóc nữa… Con đi đi, cứ để cha đứng nhìn theo.”

Tôi chỉ còn biết “dạ” trong tiếng nấc và bước thụt lùi ra xe.  Đó là hình ảnh cuối cùng của cha tôi còn giữ mãi trong tim cho tới giờ này.  Người cha già chống gậy đứng bên cửa nhìn con ra đi, hay trông ngóng bóng con trở về? !!!

Nguyễn Duy-An